-Một lời thẳng thắn về chủ đề Báp-têm
Vào lúc kết thúc bài giảng của Phi-e-rơ trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, những người nghe (người vô tín, vẫn chưa tin) liền hỏi, “Các anh ơi, chúng tôi phải làm gì đây?’ (Công Vụ 2:37). Khi nghe câu hỏi này, Phi-e-rơ, -phát ngôn nhân của Đức Chúa Trời và của Hội Thánh - đã lập tức đưa ra một câu trả lời rõ ràng: “ Hãy Ăn năn ... nhận báp têm ... và nhận lãnh quà tặng là Đức Thánh Linh.” Đây là điều kiện đầy trọn của Đức Chúa Trời cho mọi tội nhân muốn được giải hòa với Ngài. Nó bao gồm ba kinh nghiệm riêng biệt nhưng liên quan với nhau: ăn năn, báp-têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh. Điều kiện này của Đức Chúa Trời chưa bao giờ thay đổi. Thậm chí cho đến hôm nay.
Điểm chính trong sự cung ứng của Đức Chúa Trời là sự giảng dạy về báp-têm. Trong toàn bộ Tân Ước, báp-têm luôn được liên kết trực tiếp với sự cứu rỗi. Hội thánh đầu tiên không biết gì về một sự cứu rỗi nếu không có báp-têm xảy ra tiếp theo sau. Từ ngày Lễ Ngũ Tuần trở về sau, mỗi người tin đều chịu báp-têm ngay sau khi hối cải, thường xảy ra cùng ngày hôm đó. Lễ báp-têm được bao gồm trong việc Hội Thánh trình bày về Đức Chúa Jêsus Christ. Đặc biệt trong câu chuyện chấp sự Phi-líp đi xuống Sa-ma-ri ‘rao giảng Đấng Christ’ cho dân chúng ở đó.
Kết quả là, những người tin rằng đều chịu báp-têm (Công vụ 8:12). Sau đó, trong cuộc gặp gỡ hoạn quan Ê-thi-ô-pi trên đường đến Ga-xa, Phi-líp đã ‘rao giảng Chúa Jêsus cho anh ta’. Kết quả là, trước nhất vị hoạn quan đã lấy cơ hội ấy để chịu báp-têm (Công-vụ 8:38). Rõ ràng báp-têm là một phần không thể thiếu trong sứ điệp về Chúa Jêsus Christ như được Hội Thánh Tân Ước trình bày. Vì lý do này, điều quan trọng hiển nhiên là Hội Thánh cần tiếp tục trình bày một sứ điệp về báp-têm cách rõ ràng và quả quyết cho tất cả mọi người.
-Câu hỏi phát sinh
Trong suốt lịch sử, phần lớn các nhóm Cơ-đốc khác nhau đã căn cứ trên việc giảng dạy của họ liên quan đến báp-têm dựa trên sự ủy nhiệm của Chúa Jêsus, để làm báp-têm bằng cách “nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Chúa Con và Đức Thánh Linh”. Tuy nhiên, tại các thời điểm khác nhau cơ sở đã dấy lên các nghi vấn. Tại đây, sự dạy dỗ không đúng về báp-têm được trình bày, trong đó có các điểm chính như sau:
1. Từ Lễ Ngũ Tuần về sau, thực hành của Hội Thánh đầu tiên chỉ là làm báp-têm trong Danh Đức Chúa Jêsus Christ.
2. Công thức làm báp-têm trong Ma-thi-ơ 28:19 không được bất kỳ văn bản Tân ước nào khác xác nhận, do đó nó cần phải bị loại ra vì giả mạo, thiếu tính xác thực và không có giá trị.
3. Các tín hữu đã chịu báp-têm “nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh” nên được báp-têm lại “trong danh Chúa Jêsus Christ.”
4. Báp-têm trong Tân Ước tương ứng với lễ cắt bì trong Cựu Ước. Do đó, nếu các tín hữu không chịu báp-têm một cách hợp lệ thì kể như không được cắt bì về mặt thuộc linh.
Việc giảng dạy không chính xác này cần phải được giải quyết không chỉ đơn thuần là vì những gì đã nói về báp têm, mà còn hơn thế bởi vì một số lý do phi Kinh Thánh được sử dụng để hỗ trợ. Bản chất của những lập luận này là chúng ảnh hưởng đến sự hiểu biết của cả hai về báp-têm và các nguyên tắc cơ bản xác nhận tính hợp lệ của các bản văn Tân Ước và sự giảng dạy chung. Vì lý do này, tôi đã đặt ra một số hàm ý cho sự dạy dỗ ở đây, với một phân tích ngắn gọn cho mỗi phần trình bày. Trong mỗi trường hợp, hàm ý của sự giảng dạy không chính xác này được in bằng chữ in đậm. Phân tích của tôi về nó theo kiểu chữ in thường.
-Tên của Chúa Jêsus
Điều này có nghĩa khi một người chịu báp-têm “nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh” tức là không chịu báp têm trong danh Chúa Jêsus. Để hội đủ điều kiện cho báp têm như một tín hữu Cơ-Đốc, một người chắc hẳn đã thừa nhận rằng Chúa Jêsus Christ là Con Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 16: 16–18; Giăng 20:31; 1 Giăng 4:15, 5: 5). Đối với một người như vậy, từ ngữ “Con” (son), khi được viết bằng chữ “S” và đứng phía trước là mạo từ xác định “the”, có nghĩa Chúa Jêsus Christ có tính cách duy nhất và độc quyền. Trong trường hợp cả người làm báp-têm và người chịu báp-têm đã thực hiện sự thừa nhận này, thì báp-têm nhân danh ‘Con’ thực tế đó là một báp têm trong Danh của Chúa Jêsus Christ.
Điều này ngụ ý rằng Chúa Jêsus là một cái tên, nhưng Cha và Thánh Linh không phải là những tên, mà là danh hiệu. Thật vậy, với ngôn ngữ như tiếng Anh, chúng ta có thể phân biệt giữa tên riêng chẳng hạn như William hay George, và một danh hiệu như vua (king) hoặc chủ tịch (president). Tuy nhiên, các tác giả của Tân ước đã không tạo ra sự khác biệt này trong tiếng Hy lạp nguyên thủy liên quan đến chữ “Cha” được áp dụng cho Đức Chúa Trời. Có nhiều đoạn trong Tân Ước, trong đó chữ ‘”tên” được sử dụng trực tiếp với từ ngữ “Cha”. Ví dụ, Chúa Jêsus đã nói, 'Và bây giờ, Cha ơi, ... Con đã bày tỏ danh Cha cho những người Cha ban cho Con.”
Nó cũng ngụ ý rằng những chỗ Kinh thánh chép về những người chịu báp-têm nhân danh Chúa Jêsus, những người đó đã chỉ chịu báp-têm trong danh Chúa Jêsus, và không có tên hay từ ngữ nào khác được thêm vào. Đây là một giả định không thể được chứng minh từ Kinh thánh. Trong những đoạn khác nhau nói về những người chịu báp-têm nhân danh Chúa Jêsus, không có từ ngữ “duy nhất” nào như vậy được đính kèm cả.
Điều này có thể được minh họa từ các phân đoạn khác của Tân ước. Mác đã chép rằng “một người bị uế linh ám” gặp Đức Chúa Jêsus (Mác 5: 1–2). Ma-thi-ơ nói rằng: “Đức Chúa Jêsus gặp hai người bị quỷ ám” (8:28). Mác và Ma-thi-ơ đang mô tả cùng một sự việc. Mác nói rằng có “một người”. Ma-thi-ơ nói rằng có “hai người”. Tuy nhiên, không có sự khác biệt. Trên thực tế, có hai người, nhưng Mác chỉ đề cập đến một trong hai người. Sẽ có sự khác biệt nếu Mác nói rằng chỉ (duy nhất) có một người. Nhưng ông không nói điều đó. Từ thực tế Mác nói “một người”, có thể giả định rằng chỉ có một người. Nhưng giả định như vậy sẽ không chính xác.
Tương tự như vậy, khi Kinh Thánh nói về những người chịu báp-têm nhân danh Chúa Jêsus không tự biện minh cho giả định rằng những người này chỉ (duy nhất) chịu báp-têm trong danh Chúa Jêsus. Nếu không có bằng chứng ngược lại, nó sẽ mở ra khả năng cho các từ ngữ hoặc cụm từ khác đã được thêm vào.
-Công thức báp-têm-
Ở đây ngụ ý rằng không có phân đoạn nào khác trong Tân Ước xác nhận việc sử dụng công thức báp-têm được ghi lại trong Ma-thi-ơ 28:19. Nhưng lý luận này không chắc chắn cho lắm. Chúng ta có bản tường trình về một cuộc gặp gỡ giữa Phao-lô và một số môn đồ tại Ê-phê-sô. Rõ ràng lúc đầu Phao-lô cho rằng những người này là những Cơ đốc nhân (các môn đệ của Đấng Christ). Nhưng sau khi nói chuyện với họ, ông phát hiện ra rằng họ chỉ là môn đồ của Giăng Báp-tít (Công vụ 19: 1–5). Họ đã chưa chịu báp-têm theo báp-têm Cơ-đốc, nhưng chỉ với báp-têm của Giăng Báp-tít mà thôi. Hai yêu cầu cơ bản cho báp-têm của Giăng là sự ăn năn và xưng tội, và không phải thi hành theo bất kỳ cái tên nào. Phao-lô bắt đầu bằng việc hỏi những Cơ đốc nhân này: “Từ khi tin, anh em đã nhận lãnh Đức Thánh Linh chưa?” Họ trả lời: “Chúng tôi chưa từng nghe nói có Đức Thánh Linh nào cả”. Phao lô lại hỏi họ, “Vậy anh em đã nhận báp-têm nào?” Các bạn có thể tự hỏi: tại sao Phao-lô liên hệ với hình thức báp-têm khi nghe về Đức Thánh Linh? Lời giải thích hợp lí của chúng ta là lễ báp-têm Cơ-Đốc, như Phao-lô đã biết, là ‘trong’ hay theo sát nghĩa hơn nữa, ‘vào trong’ danh của Đức Chúa Cha và của Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Do đó, nếu những người này đã nhận được báp-têm Cơ-Đốc, thì họ nhất thiết phải nghe về Đức Thánh Linh khi họ chịu báp têm. Hiểu theo cách này, Công-vụ 19: 2–3 đã xác nhận cho Ma-thi-ơ 28:19.
Các căn cứ duy nhất khác được đưa ra để phủ nhận văn bản được chấp nhận trong Ma-thi-ơ 28:19 dựa trên các lập luận nội bộ và các lý do giáo lý. Đây là cách nhận định chủ quan, không khách quan. Theo ánh sáng của những gì tôi đã trình bày ở trên, tôi không cảm thấy những lập luận giáo lý này mang bất kỳ sự thuyết phục nào. Nếu chúng ta chấp nhận lập luận của loại hình này để đặt câu hỏi về tính hợp lệ của Ma-thi-ơ 28:19, thì sẽ không có giới hạn rõ ràng nào về số lượng các đoạn khác trong Kinh Thánh Tân Ước mà cũng có thể được đặt ra để chất vấn.
Cuối cùng, bản văn sẽ không còn là thẩm quyền của giáo lý nữa, nhưng giáo lý sẽ trở thành thẩm quyền của bản văn. Rõ ràng đây sẽ là một sự đảo ngược ý nghĩa cách trầm trong, sâu xa mà không có một Cơ đốc nhân chân thành nào có thể đủ khả năng để không quan tâm.
Nó cũng ngụ ý rằng, ngoài Ma-thi-ơ 28:19, tất cả các phân đoạn khác của Tân Ước, các cụm từ duy nhất khác, không có cụm từ nào sử dụng liên quan đến báp têm. Điều này không đúng. Trên thực tế có các cụm từ khác nhau được sử dụng. Trong Công-vụ 2:38, cụm từ là ‘trong danh Chúa Jêsus Christ”. Giới từ Hy-văn ở đây được dịch là ‘trong’ không giống như chữ “trong” được dùng ở Ma-thi-ơ 28:19 và Công-vụ 19: 5. Ý nghĩa bình thường của chữ “trong” theo Công 2:38 là “ dựa trên”. Cụm từ “dựa trên Danh của Chúa Jêsus Christ” đã được hiểu là “dựa trên thẩm quyền của Chúa Jêsus Christ”. Có lẽ nó có nghĩa là “dựa trên sự xưng nhận Chúa Jêsus Christ - nghĩa là, “ trên lời xưng nhận rằng Jêsus là Đấng Christ [Đấng Mê-si-a].”
Điều này sẽ phù hợp với lời tuyên bố của Phi-e-rơ trong Công Vụ 2:36: “Vì thế, cả nhà Y-sơ-ra-ên hãy biết chắc chắn rằng Đức Chúa Jêsus nầy, Đấng mà anh em đã đóng đinh trên thập tự giá, đã được Đức Chúa Trời tôn làm Chúa và Đấng Christ [Đấng Mê-si-a]”. Vì vậy, cụm từ “dựa trên” này trong Công-vụ 2:38 nêu rõ đòi hỏi cơ bản để tiếp nhận báp-têm Cơ đốc – là sự thừa nhận rằng Chúa Jêsus là Đấng Christ (Đấng Mê-si-a). Yêu cầu này vẫn không thay đổi dù sử dụng bất kỳ công thức báp-têm nào.
Niềm xác tín cá nhân của tôi là các Cơ-đốc-nhân Tân Ước sẽ không bao giờ được phép sử dụng một công thức đặc biệt nào của báp-têm khiến trở nên một nan đề nghiêm trọng. Họ nên quan tâm đến kinh nghiệm cá nhân nhiều hơn một công thức bằng lời nói. Sự khăng khăng cứng nhắc về một công thức đặc biệt có thể trở thành một nan đề lớn, khi ấy sự sống và sự tự do thật trong Đức Thánh Linh đã bị đẩy ra khỏi Hội thánh.
-Xác nhận của Kinh Thánh
Điều này ngụ ý rằng một phân đoạn Kinh Thánh không là cơ sở hợp lệ cho giáo lý trừ khi có ít nhất một đoạn Kinh Thánh khác nói cùng một điều như vậy. Nếu chúng ta xác nhận lý thuyết này với kết luận hợp lí của nó, đồng nghĩa nói rằng: “Chúng ta không thể chắc chắn rằng Đức Chúa Trời có ngụ ý những gì Ngài nói trừ phi Ngài nói ít nhất hai lần”. Rõ ràng, không có Cơ đốc nhân đáng kính nào có thể chấp nhận một kết luận như vậy.
Lý thuyết này khẳng định cần thiết có ít nhất hai đoạn Kinh Thánh căn cứ trên sự dạy dỗ “lời của hai hoặc ba nhân chứng mà mọi lời được xác nhận.” (Phục truyền 19:15, Ma-thi-ơ 18:16). Tuy nhiên, nên nhớ nguyên tắc này chỉ được áp dụng cho các thủ tục mà theo đó hiệu lực của lời làm chứng có thể được thiết lập trong các yêu cầu tư pháp hoặc các trường hợp xung đột giữa các bên khác nhau của con người. Nó không thể được áp dụng một cách chính xác cho những lời phán trực tiếp từ chính Đức Chúa Trời.
Nếu chúng ta áp dụng đúng nguyên tắc này cho Kinh Thánh, thì sẽ không đủ sức tìm ra hai phân đoạn Kinh thánh khác nhau để hỗ trợ cho mỗi lẽ thật. Chúng ta cần phải tìm hai trước giả khác nhau để hỗ trợ cho mỗi tuyên bố. Bất luận bao nhiêu lần một trước giả có thể nói về cùng một điều, ông vẫn chỉ là một nhân chứng.
Lý thuyết này nếu được áp dụng sẽ khiến Kinh Thánh tự mâu thuẫn. Phao-lô nói: “Cả Kinh thánh đều… có ích cho sự dạy dỗ” (2 Ti-mô-thê 3:16). Ông không phát biểu điều này theo bất kỳ cách nào. Phao-lô không nói: “Cả Kinh thánh đều có ích cho sự dạy dỗ, miễn là nó được khúc Thánh Kinh khác xác nhận”. Nếu Kinh thánh là “Lời của Đức Chúa Trời,” như Chúa Jesus đã nói trong Giăng 10:35, có nghĩa chỉ duy Kinh Thánh đã thiết lập thẩm quyền của nó một cách đầy đủ . “Đức Chúa Trời ... không bao giờ nói dối” (Tít 1: 2). “Mỗi lời của Đức Chúa Trời đều được tinh luyện” (Châm ngôn 30: 5). ‘Lời của Cha là chân lý”( Giăng 17:17).
Có nhiều tuyên bố hoặc tường trình quan trọng chỉ xảy ra một lần trong Kinh thánh. Lời cầu nguyện theo tư cách thầy Thượng Tế của Chúa Jêsus chỉ được ghi lại một lần trong Giăng 17. Lời tuyên bố khi có hai hay ba người được nhóm họp trong danh Ngài, Chúa Jêsus ở giữa họ, chỉ được chép trong Ma-thi-ơ 18:20. Sự thật là các Cơ-đốc-nhân, chúng ta đang ngồi với Đấng Christ ở những nơi trên trời, chỉ được chép trong Ê-phê-sô 2: 6. Thực tế là các tín đồ sẽ được cất lên gặp Chúa trong khoảng không khi Ngài tái lâm chỉ chép trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:17. Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều ví dụ.
Tuy nhiên, có một nguyên tắc quan trọng mà chúng ta phải thừa nhận. Nơi nào bất kỳ chủ đề nào được nhắc đến nhiều hơn một lần trong Kinh Thánh, bất kỳ lời dạy dỗ nào về chủ đề đó, là để đòi hỏi sự chấp nhận của chúng ta, tín hữu phải đồng ý với tất cả các đoạn Kinh Thánh đề cập đến vấn đề đó. Điều này áp dụng cho việc giảng dạy của Tân ước liên quan đến báp-têm. Để đòi hỏi sự chấp nhận hoàn toàn của chúng ta, bất cứ lời dạy dỗ nào về báp-têm phải phù hợp với tất cả các phân đoạn Kinh Thánh đề cập đến chủ đề này, kể cả Ma-thi-ơ 28:19.
-Không Cắt Bì Theo Cách Thuộc Linh
Điều này ngụ ý rằng báp-têm trong giao ước mới tương ứng với lễ cắt bì trong giao ước cũ, và do đó một Cơ Đốc nhân chưa chịu báp-têm bằng công thức đúng có nghĩa chưa được cắt bì. Rôma 6: 4 và Cô-lô-se 2:12 nói rõ rằng báp-têm tương ứng với sự chôn cất. “Bởi báp-têm, chúng ta được chôn vào trong sự chết với Ngài [Đấng Christ]”. Trước khi lễ an táng có thể được tổ chức, phải có xác chết. Trong báp-têm, thân xác chết chóc này là người cũ, là thân thể của tội lỗi, là xác thịt. “Người cũ của chúng ta đã cùng bị đóng đinh vào thập tự giá với của Ngài”( Rô ma 6: 6). “Nếu Đấng Christ ở trong anh em, thì dù thân thể anh em chết vì tội lỗi” (Rô-ma 8:10). “Những người thuộc về Đấng Christ Jêsus đã đóng đinh xác thịt” (Ga-la-ti 5:24). Trong ngữ cảnh này, các cụm từ như thân thể hoặc xác thịt không biểu thị thân thể vật chất theo nghĩa đen, mà đúng hơn là bản chất xác thịt, nổi loạn được kế thừa từ A-dam. Khi Đấng Christ được chúng ta tiếp nhận vào lòng bởi đức tin để làm Cứu Chúa và Chúa thì bản chất cũ này đã “chết.” Sau đó, nó được chôn cất bởi hành động báp-têm.
Một điểm cần sáng tỏ đó là chúng ta không chôn một người để làm cho anh ta chết. Một người phải chết rồi trước khi chúng ta có quyền chôn anh ta. Tương tự như vậy, cái chết của bản chất cũ đã phải diễn ra rồi qua đức tin nơi Đấng Christ trước khi chúng ta có thể chôn cất bản chất cũ ấy bằng báp-têm. Báp-têm không làm cho bản chất cũ chết. Đó chỉ là bằng chứng bên ngoài rằng sự chết của người cũ đã xảy ra.
Một người tìm cách giết chết bản chất cũ bởi hành động báp-têm là theo đuổi một tiến trình không hợp lí và không đúng Kinh Thánh, và nó sẽ không tạo ra kết quả mong muốn.
Phao-lô giải thích thứ tự này rất rõ ràng. Trước hết, ông nói rằng là các Cơ-đốc-nhân, chúng ta “nhận cắt bì không phải do tay con người thực hiện nhưng là sự cắt bì bởi Đấng Christ, tức là sự lột bỏ bản chất xác thịt của chúng ta” (Cô-lô-se 2: 11–12). Sau đó, ông cũng nói rằng chúng ta “được chôn với Ngài trong báp têm”. Đây là thứ tự hợp lí, không thể đảo ngược được. Trước tiên, chúng ta phải lột bỏ thân thể tội lỗi của xác thịt bằng phép cắt bì của Đấng Christ. Sau đó, chúng ta phải “chôn cất bằng phép báp têm” cái “thân thể” này mà đã được “lột bỏ” rồi. Phép cắt bì là “lột bỏ thân thể.” Báp-têm là “chôn cất thân thể” đã bị “lột bỏ”. Vì vậy, cắt bì không phải là phép báp têm. Cắt bì là lột bỏ; báp têm là chôn cất.
Phao-lô mô tả ‘sự cắt bì’ thật sự của giao ước mới như sau. Ông nói: “Chúng ta là những người được cắt bì thật, những người phục vụ Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh, hãnh diện trong Đấng Christ Jêsus, và không để lòng tin cậy vào xác thịt” (Phi-líp 3: 3). Không có sự ám chỉ nào ở đây về báp-têm. Mặt khác, cụm từ “không để lòng tin cậy vào xác thịt” tương ứng với cụm từ về “lột bỏ thân thể xác thịt” (Cô-lô-se 2:11). Cắt bì là từ bỏ tất cả sự tự tin trong “xác thịt”, do đó là “lột bỏ xác thịt”. Báp-têm là sự chôn cất “xác thịt” sau khi nó bị “lột bỏ”. Hai điều này liên quan chặt chẽ, nhưng chúng không giống hệt nhau.
-Bản chất cũ của bạn có được chôn cất chưa?
Các lời dạy dỗ như ở đây về báp-têm thường đặt ra những câu hỏi. Thứ nhất: Nếu sau khi chịu báp têm, một Cơ đốc nhân không trải nghiệm những kết quả trong cuộc đời của mình mà Kinh thánh mô tả nên xảy ra, điều đó có minh chứng rằng báp-têm của anh ta không có hiệu quả hay sao?
Không nhất thiết. Điều này có thể được minh họa bằng cách so sánh với báp-têm bằng Thánh Linh. Một người có thể nhận được một kinh nghiệm chân thật, đúng Kinh Thánh của báp-têm trong Đức Thánh Linh, nhưng kết quả xảy ra theo sau có thể thiếu mất trong đời sống của người đó. Biện pháp khắc phục cho việc này không phải là chịu báp-têm trong Thánh Linh lần nữa. Biện pháp khắc phục là cần đáp ứng các yêu cầu của Đức Chúa Trời – chẳng hạn như ăn năn, giao thác cuộc đời, cầu nguyện, học Kinh Thánh, điều này sẽ làm cho báp-têm ban đầu trong Thánh Linh có hiệu quả hơn.
Nguyên tắc tương tự có thể được áp dụng cho báp-têm bằng nước. Báp-têm bằng nước đôi khi không tạo ra hiệu quả đúng đắn như mong đợi bởi vì người chịu phép báp-têm cẩu thả trong các khía cạnh khác của nghĩa vụ người Cơ đốc. Đối với họ, được “tái báp têm” có thể là một cách dễ dàng đối mặt với thất bại trong các lĩnh vực khác. Tôi đã gặp những người đã chịu báp-têm nhiều lần, và ai cũng có thể dễ dàng chịu thuyết phục thử lại lần nữa. Điều này làm giảm hạ báp-têm bằng nước đến mức giống như một loại tiêm ngừa tôn giáo. Nếu nó không hiệu quả vào lần đầu tiên, họ lặp lại nó cho đến khi nó có kiến hiệu. Và ngay cả khi đã chịu báp têm lần nữa rồi, sau một vài năm, các hiệu ứng có thể bị mất đi và người đó sẽ phải được tiêm chủng lại (tái báp têm). Rõ ràng đây không phải là một bức tranh của Kinh Thánh nói về báp têm.
Mỗi tín đồ có thể gặp rắc rối về tính hiệu quả trong báp-têm của họ. Tôi sẽ trình bày những câu hỏi đơn giản, cơ bản này như sau: Bạn đã thực sự được chôn hay chưa? Đã bao giờ bạn thật sự được cắt bỏ cách rõ ràng với quá khứ - tội lỗi của nó, ách nô lệ của nó, sự nổi loạn của nó, truyền thống sai lầm của nó, các hiệp hội gian ác của nó chưa? Những công việc này có bị giảm hạ và chúng không còn có thể gây rắc rối cho bạn nữa không? Sự xoay chuyển có được tiếp nối bởi sự sống phục sinh - một sự chổi dậy để bước đi bởi đức tin và quyền năng của Đức Thánh Linh trong sự mới mẻ của đời sống hay không?
Nếu câu trả lời cho những câu hỏi này là “có”, thì bạn đã được chôn rồi. Sau đó sẽ là sự ngu xuẩn và không đúng Kinh Thánh nếu đào lại tất cả những điều này một lần nữa từ ngôi mộ của nó, với mục đích đơn thuần là để chôn nó lần thứ hai với một công thức mới.
Mặt khác, nếu câu trả lời cho các câu hỏi trên không rõ ràng là “có”, thì bạn đã chưa bao giờ được chôn cất. Hãy tìm kiếm Chúa một cách nghiêm túc và cầu xin Ngài cho bạn thấy phải làm gì. Cũng có thể là Chúa sẽ yêu cầu bạn cần được chôn cất. Nếu vậy, hãy nhớ điều này. Bạn sẽ không cần báp têm lần nữa. Bạn đã thật sự được báp-têm lần đầu tiên rồi.
Nơi nào không có sự chôn cất và không có sự phục sinh, thì nơi đó không có báp têm./.