David Brainerdđã làm công việc lớn lao hơn hết bởi lời cầu nguyện. Ông một mình trong rừng sâu, không thể nói tiếng của người Da Đỏ, nhưng ông để riêng hàng bao nhiêu ngày cầu nguyện ... Cuộc phục hưng truyền giáo lạ lùng của thế kỷ 19 là nhờ lời cầu nguyện của ông hơn bất cứ sự kiện nào khác. Sau khi ông qua đời, William Carey đọc tiểu sử của ông bèn đi qua Ấn độ giảng Tin lành; Robert McCheney đọc nhật ký của ông bèn đi giảng Tin lành cho người Do thái; Henry Martyn đọc bản nhật ký của ông bèn đi qua Ấn độ rao giảng Phúc âm ...
David Brainerd sinh tại Haddam, tiểu bang Conneticut, ngày 20 – 4 – 1718. Cha của ông là Hezekiah Brainerd, qua đời khi ông mới 9 tuổi, và mẹ ông là con gái của Mục sư Jeremiah Hobart, qua đời khi ông mới 14 tuổi. Ông là con trai thứ ba trong một gia đình có năm con trai và bốn con gái.
Cái chết của Cha và Mẹ của Brainerd để lại cho ông nhiều buồn phiền, ông không còn ham chơi mà thường xuyên lo lắng về linh hồn mình. Tâm hồn ông luôn khắc khoải, mặc cảm tội lỗi mỗi lần đi chơi với bạn bè. Sau khi mẹ ông mất, ông đến East Haddam ở tại nhà một người chị. Năm 1739, ông tin nhận Chúa và cũng trong năm này ông vào học Trường đại học Yale nổi tiếng. Tháng 6 năm 1740, ông thực sự kinh nghiệm được ơn phước lạ lùng của Đức Chúa Trời, con đường cứu rỗi mở rộng trước mặt ông. Lúc đó sức khỏe ông suy giảm nhiều do yếu sức, bị bệnh lao và học hành quá chuyên cần.
Cũng trong ảnh hưởng Cuộc đại thức tỉnh năm 1740, David Brainerd và nhiều sinh viên của Đại học Yale rất lo lắng cho sự cứu rỗi đời của mình, họ đã được thay đổi đời sống, trở nên đứng đắn, mẫu mực sau khi tin Chúa. Các sinh viên chịu ảnh hưởng bởi George Whitefield, Gilbert Tennet, Ebenezer Pemberton, James Davenport và Jonathan Edward rất nhiều. Tháng 2 năm 1741, David Brainerd bất thình lình bị đuổi học vì một câu nói bất cẩn. Sự kiện này đã để lại trong ông nhiều buồn bã, thất vọng. Sự nổi tiếng về sau của Brainerd đã khiến cho sự kiện này trở nên một tì vít của Đại học Yale, mà chẳng bao giờ bôi xóa được ...
thuận cho công tác truyền giáo ngày 25 tháng 11 năm 1742.
Năm 1743, Brainerd hầu việc Chúa tại một nhà thờ trên đảo Long Island, sau đó ông truyền giáo cho các bộ lạc Da Đỏ tại Kaunameek, gần Nassau ngày nay, thậm chí ông phải ngủ trên một đống rơm ! Ông tiếp tục công việc ở Stockbridge, Brainerd ở lại đó một năm. Trong thời gian này ông bắt tay vào một bản dịch Kinh thánh - các sách Văn Thơ ra tiếng bản xứ. Kế đó ông rao giảng cho các bộ lạc Da Đỏ dọc theo sông Delaware phía đông bắc Bethlehem, thuộc tiểu bang Pennsylvania. Tại đây ông được thụ phong chức Mục sư bởi Giáo hội Trưởng lão.
Sau đó, Brainerd chuyển đến Crossweeksung ở tiểu bang New Jersey là nơi mà công tác truyền giảng có nhiều kết quả, trong vòng một năm Hội thánh người Da Đỏ tại Crossweeksung có 130 tín hữu, sau đó họ di chuyển đến Cranbury để thành lập một cộng đồng Cơ đốc giáo của người Da Đỏ. Trong lúc đó, Brainerd vẫn luôn từ chối lời mời gọi làm Mục sư từ hai nhà thờ ở Millinton và East Hampton tại Long Island, là những thị trấn đẹp nhất trong một giáo khu đông đúc giàu có nhất. Millinton còn ở gần quê hương ông, gần các tín đồ và bạn hữu của ông. Tuy nhiên Brainerd vẫn xác định mục tiêu truyền giáo cho các thổ dân tại châu Mỹ bất chấp những khó khăn, ông viết trong nhật ký của mình như sau:
“Thứ bảy, 30 – 4 – 1743. Tôi ở trong đồng vắng hiu quạnh, buồn tẻ hơn hết cách tiểu bang Albany chừng 18 dặm. Tôi ở trọ một nhà người Tô cách lan nghèo, vợ anh chỉ nói bập bẹ vài ba tiếng Anh. Món ăn của tôi phần nhiều là bánh thập cẩm làm vội, lúa mì nấu chín, bánh mì hấp trong tro, thỉnh thoảng có một ít thịt và bơ. Tôi ngủ trên đống rơm, dưới lót mấy tấm ván, cách mặt đất không bao nhiêu, phòng tôi ở làm bằng gỗ không có lót sàn ... Tôi làm công việc nhọc nhằn và khó khăn quá bội; hầu hết mỗi ngày phải đi bộ vừa đi vừa về hết 30 km trên những con đường khúc khuỷu, ấy vì tôi ở xa người Da Đỏ. Suốt tháng này tôi chưa thấy một người Anh nào. Những tình cảnh này và tình cảnh khác cũng khó chịu như vậy, luôn luôn xảy đến cho tôi. Nguyện Chúa giúp tôi học tập “chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ”[1] (II Tim 2: 3) !
Dù thân thể yếu đuối, bệnh tật nhưng Brainerd mỗi ngày thường cưỡi ngựa đi truyền giảng, thăm viếng các bộ lạc, các điểm nhóm của người Da Đỏ. Ông rất đau lòng mỗi khi thấy họ còn hội họp thờ lạy hình tượng và nhảy múa. Ông rất nặng lòng, thường cầu nguyện trong rừng, cưỡi ngựa băng qua sa mạc, trải qua những vùng đất hiểm trở, núi cao chót vót, thung lũng sâu thăm thẳm và những ghềnh đá ghê rợn ... Trong một chuyến đi, ông kể lại: “Gần tối, con ngựa tôi cưỡi vấp phải vầng đá và té nhào nhưng nhờ ơn Đức Chúa Trời tôi không bị thương. Tuy nhiên con ngựa bị gãy chân, ở một nơi quạnh hiu như vậy, cách khu nhà dân khoảng 50 km, tôi thấy rằng không thể làm chi để cứu sống nó, vậy tôi bắt buộc phải bỏ nó và đi bộ ... đến tối, tôi đốt lửa, cắt một vài cây nhỏ làm mái che trên đầu cho khỏi sương vì đêm đó sương xuống rất nhiều. Đoạn tôi cầu nguyện phó thác mình cho Đức Chúa Trời, rồi nằm xuống đất mà ngủ bình an ...” [2]
Nhiều lần Brainerd đối diện với hiểm nguy, bị đi lạc trong sa mạc, trên núi, bãi bùn lầy ... Nhưng lòng sốt sắng vì những người Da Đỏ chưa được cứu đã thôi thúc ông tiến lên ! Ngày 8 – 8 – 1745, cuộc thức tỉnh giữa vòng người Da Đỏ đã đến ... những thính giả của ông đã khóc lóc, kêu la cùng Chúa, lửa Thánh Linh đã giáng xuống trên họ, rất nhiều người được cứu. Brainerd tiếp tục giảng và lan tràn cuộc phục hưng giữa các bộ lạc cho dù sức khỏe ông càng yếu đi ...
Tháng 4 năm 1747, sức khỏe ông trở nên tệ hại do chứng lao phổi kinh niên nhưng tâm linh ông vẫn bùng cháy, tháng 5 ông vẫn cố gắng cưỡi ngựa đi 40 km để thăm tín hữu. Tháng 6 sức khỏe ông yếu dần và tịnh dưỡng ở Boston, ông luôn trò chuyện với những người thân của mình đặc biệt là Jerusba ái nữ của Jonathan Edwards. Ngày thứ sáu, 9 – 10 – 1747, David Brainerd đã ra đi gặp Chúa, hưởng dương 29 tuổi. Một năm sau Jerusba người yêu của ông cũng qua đời và được chôn bên cạnh ông ...
Dù chỉ sống có 29 năm với một thân thể yếu đuối nhưng David Brainerd đã làm việc nhiều hơn phần đông người sống tới 70 tuổi. Đã hơn hai trăm năm trôi qua, ông cùng các thánh tại thế giới bên kia vẫn sống – sống trong tấm lòng và đời sống của những người như ông, đã “Nghe Tiếng Kêu Gọi” và bỏ hết mọi sự đi theo Chúa.
[1] Oswald J. Smith. David Brainerd , Thông Điệp của Ông cho Thời đại này (Sai gon: Nhà In Tin Lành, 1960), 36.
[2] Oswald J. Smith. David Brainerd , Thông Điệp của Ông cho Thời đại này, 48.
March, 2011
Theodore