Trong 150 thi thiên thì có 73 thi thiên đề tên Đa-vít, 12 bài của con cháu Cô-rê, 12 bài của A-sáp, Sa-lô-môn 2 bài, Ê-than 1 bài, Môi-se 1 bài và 49 bài vô danh.
Năm quyển của thi thiên cũng tương ứng với năm sách Ngũ kinh Môi-se. Cả bộ thi thiên bàn luận về: Đức Chúa Trời và đường lối Ngài xử lí dân Ngài; Luật pháp của Chúa như là Lời thánh; đền thờ là nhà Đức Chúa Trời, Giê-ru-sa-lem là thành thánh của Chúa, cuộc lưu đày Ba-by-lôn, cảm tạ và cầu nguyện giải cứu khỏi hoạn nạn và cừu địch. Các bạn thấy các chủ đề như vậy trong 5 sách thi thiên chăng?
Sách Thi thiên là sách hát ngợi khen Chúa của hội chúng Israel. Tất cả những bài hát nầy đều là bài thánh thi. Phần nhiều trong 150 thánh thi nầy là bài cầu nguyện, chỉ có một phần là bài giảng cho người khác, và chỉ có một bài giảng cho mình, Thi 103. Nói cách khác, đại đa số bài thơ thánh đây là bài cầu nguyện cùng Chúa được phổ nhạc thành thánh ca. Cho nên hội chúng xưa hát bằng các bài cầu nguyện, hay cầu nguyện bằng các bài hát đặt sẵn nầy.
Ngày nay con dân Chúa tối tăm, nên sáng tác đa số thánh ca làm lời rao giảng, lời kêu gọi con người, chứ ít khi là lời cầu nguyện với Chúa. Đó là một khuyết điểm lớn của những tín đồ thuộc hồn khi dịch và sáng tác thánh ca cho hội thánh ngày nay.
-
Nhiều bài ca thay lời cầu nguyện bày tỏ tâm hồn tác giả đeo theo Chúa, yêu Chúa , muốn gần gũi Chúa. Nhiều bài hát cầu nguyện sáng, trưa, chiều tối, hoặc trong giờ bế tắc cùng đường.
Lời văn, tư tưởng các thánh ca ngày nay quá tầm thường, không thánh khiết, không thuộc linh như các thánh thi nầy, và cũng không bằng lời thánh ca của các tổ phụ tiếp sau cuộc Cải Chánh sáng tác như các ông Isaac Watts, Charles Wesley, John Newton….
Đọc và hiểu được 5 sách thi thiên bạn sẽ thấy tình trạng thuộc linh của các hội thánh ngày nay ra sao? Những bài hát bạn thích hát nói lên tầm mức thuộc linh của bạn.
-
Đọc các bài cầu nguyện của Đa-vít chúng ta sẽ học hỏi được phương cách cầu nguyện của Đa-vít.
Thí dụ thi thiên số 6. Khởi dầu ông cầu nguyện cho nan đề nan giải của mình. Ông cầu nguyện thống thiết, đổ tâm sự cõi lòng ra, cầu nguyện cho đến khi ông cảm thấy gánh nặng nan đề mình đã rớt xuống, ông trở nên nhẹ nhàng trong tâm linh, tâm hồn. Sau khi cầu nguyện quyết tâm thông suốt như vậy, cuối cùng ông mạnh dạn tuên bố, “Đức Giê-hô-va đã nghe sự nài xin ta. Ngài nhậm lời cầu nguyện ta” (Thi 6:7).
Trong đời sống cầu nguyện của bạn, bạn được mấy lần kinh nghiệm như thế. Sau khi bốc dở gánh nặng khẩn thiết cầu nguyện, trình bày mọi lo âu suy nghĩ, toan tính của bạn cho chúa, cuối cùng bạn cảm thấy mình đã thông suốt với Chúa. Khi đó bạn sẽ biết rằng lời mình cầu nguyện đã được Chúa đáp lời, chấp thuận.
Xin Chúa dạy chúng ta cách cầu nguyện như vậy, vì Thi Thiên là sách cầu nguyện.