"CẢ KINH THÁNH LÀ BỞI ĐỨC CHÚA TRỜI SOI DẪN ... HẦU CHO NGƯỜI THUỘC VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC TRỌN VẸN VÀ SẮM SẴN ĐỂ LÀM MỌI VIỆC LÀNH"
II Timothy 3:16a, 17
  

HỘI TRUYỀN GIÁO PHÚC ÂM VIỆT NAM
(Vietnamese Full Gospel Missions)
TRƯỜNG KINH THÁNH TẠI GIA
(Home Bible School) www.HomeBibleSchoolVietnam.com

Học Báo:
"SỨ GIẢ TÌNH YÊU"

(The Love Ambassadors)
P.O.Box 565, Westminster, CA 92684-USA
Email: VNFGMissions@Yahoo.com

TIẾNG NÓI CHÂN LÝ
(The Voice of Truth)
www.TiengNoiChanLy.com
HỘI THÁNH PHÚC ÂM VIỆT NAM
tại Westminster
(Vietnamese Full Gospel Church)
14381 Magnolia Ave. Westminster, CA 92683-USA
ĐỘC QUYỀN PHIÊN DỊCH VÀ PHỔ DỤNG
© 1979, 1996 GLOBAL YOUTH EVANGELISM
P.O. Box 1019, Orland, CA 95963 - USA
(Giữ bản quyền. Cấm in sao lại từng phần hay toàn bản dưới mọi hình thức hoặc bằng mọi phương tiện).

  

THỐNG KÊ

Đã truy cập:6902423
Đang truy cập:154

Tổng Luận Về Hòm Giao Ước-

 Thông tin về sự khám phá hòm giao ước trong chân đồi Gogotha, dầu có chân xác hay giả dối, cũng đều làm cho con dân Chúa tỉnh thức về ngày tái lâm của Ngài. Nhơn dịp nầy tôi muốn có đôi lời tương giao về hòm giao ước.

Hòm giao ước là gì? Đó là một cái rương hình khối chữ nhật: dài 1, 125 mét, rộng và cao 0,665 mét, bằng gỗ si-tim (keo gai) bọc vàng ròng trong và ngoài. Trong hòm chứa đựng cây gậy A-rôn, bình vàng đựng ma-na và hai bảng đá ghi 10 điều răn. Theo hình bóng học, hòm giao ước tượng trưng Chúa Jesus trong chức vụ trên đất của Ngài. Nắp hòm làm bằng vàng đúc, được gọi là ngai thương xót hay nắp thi ân. Rô ma 3: 23b-24 nói nắp thi ân cũng là Chúa Jesus: “Christ Jêsus, là Đấng Đức Chúa Trời đã thiết lập làm tế lễ vãn hồi”. Theo tiếng Hi lạp, chữ “tế lễ vãn hồi” là hilasterion—nghĩa đen là nơi dâng tế lễ vãn hồi. Chữ hilasterion đồng nghĩa với chữ Hê-bơ-rơ là kapporeth trong Xuất 25:17. Hai chữ đó có nghĩa đen là nắp thi ân. Vậy cái hòm tượng trưng thân vị Chúa Jesus trong chức vụ trên đất, và cái nắp hòm cũng biểu hiệu chính Ngài.

Cái rương vàng nầy ở trong đền tạm trải mấy trăm năm. Cái rương nầy đã bị người Philitin cướp giựt. Sau khi họ đem trả lại thì cái hòm lưu lạc ở nam bộ xứ Giu đa suốt qua thời kỳ quan xét Sa-mu-ên, và 40 năm trị vì của vua Sau-lơ, mãi cho đến khi vua David rước về đặt trong trại do ông tự chế, tại núi Si-ôn. Rồi sau khi xây dựng xong đền thờ, vua Salomon rước hòm vào nơi chí thánh của đền thờ.

Cái hòm nầy thất lạc biệt tăm vào thời kỳ vua Babylon là Nê-bu-cát-nết-sa tiêu diệt nước Giu đa, Nam quốc. Đến khi Xô-rô-ba-bên lãnh đạo dân Israel từ chốn lưu đày, là Babylon hồi hương, và xây dựng lại đền thờ, chúng ta cũng  không nghe ai nói về cái hòm nầy. Với đền thờ do dân hồi hương xây dựng, khoảng gần 450 năm sau, vua Herod tu bổ và xây nhiều dãy nhà cặp ba phía hành lang của ngôi đền, nhưng cũng không có cái hòm trong nơi chí thánh. Nên khi Chúa chịu chết trên thập tự giá, bức màn nơi chí thánh xé hai, nhưng không có cái hòm trong đó.

Từ năm 1982, một số người chứng minh về sự phát hiện cái hòm được chôn tại chân đồi Gogotha. Họ lý luận khi Chúa trút hơi thở cuối cùng, có động đất, mặt đất trên đồi nứt ra, huyết Chúa rơi xuống và đọng lại trên nắm thi ân đang nằm sẵn phía dưới. Rồi họ xét nghiệm máu của Chúa, và khám phá máu ấy không có gene của đàn ông, vì Chúa là dòng dõi người nữ. Việc nầy còn rất nhiều tranh cải, cá nhân tôi chưa dám quả quyết đây là sự thật. Khi vua Sê-đê kia, vị vua cuối cùng bị quân Babylon vây hãm khoảng 2 năm trong thành Jerusalem, cũng có thể họ đã đem chôn giấu nó trong chân đồi Sọ. Vì nhìn vào bản đồ cổ thành Jerusalem, vách thành đứng ngay chân đồi, còn ngọn đồi nằm ngoài sát vách thành. Có thể dân Israel đã đào từ bên trong thành ra ngọn đồi và đưa cái hòm vào đó(?). Không ai biết được có hay không!

Đến đây tôi xin mạn phép trích dẫn lời của học giả Trần Đình Tâm trong khảo luận nhan đề “HÒM GIAO ƯỚC Ở ĐÂU NGÀY NAY?”: “Công trình của Ron Wyatt: Có lẽ đây là công trình “đình đám” nhất, được nhiều người chú ý nhất và cũng tốn nhiều giấy mực để bình luận nhất so với các công trình khác. Tháng 1, năm 1982, Ron Wyatt, được xem là nhà khảo cổ học, được biết là một Cơ-đốc nhân mẫu mực (?), tuyên bố đã tìm thấy hòm Giao Ước trong một căn hầm bí mật ngay bên dưới thập tự giá của Chúa Jesus, khi Ngài bị đóng đinh tại đồi Gô-gô-tha. Ron Wyatt còn cho biết đã thấy vết máu khô đọng trên nắp hòm (nắp thi ân), ông đã cho xét nghiệm máu nầy và tuyên bố đó là máu của Chúa Jesus. Ron Wyatt lý luận rằng máu Chúa chảy ra từ mạn sườn do bị giáo đâm và chảy xuống đất, xuyên qua khe đá nứt bởi cơn động đất và đọng lại trên nắp hòm chôn sâu bên dưới (?)

“Công trình nghiên cứu và khai quật của Ron Watt trải qua nhiều năm tháng với nhiều cộng sự viên trợ giúp, có những “bằng chứng” bằng hình ảnh và Video trong suốt quá trình tìm kiếm, khai quật. Ron Watt có cả một trang web riêng để trình bày từng bước kế hoạch khám phá hòm Giao Ước cho đến khi nhìn thấy tận mắt v.v… Tuy nhiên, sau nầy người ta phát hiện tất cả những thông tin và những bằng chứng mà Ron Watt phổ biến đều là giả mạo, đó chẳng qua chỉ là trò lừa đảo để kiếm tiền qua việc bán hình ảnh và Video, kiếm tiền qua việc kêu gọi quyên góp ủng hộ công trình tìm kiếm. Mặc dù Ron Wyatt đã qua đời năm 1999 nhưng công trình của ông vẫn tiếp tục phổ biến và vẫn còn có nhiều người tin”. (Trần Đình Tâm , tháng chin, 2013).

Việc huyết Chúa Jesus chảy xuống và đọng lại trên nắm hòm, nghe qua cảm thấy rất thi vị! Nhưng các bạn ơi, Hê-bơ-rơ 9:23-24; 9:11 nói một điều trái ngược. “Những kiểu rập của các vật trên trời cần phải nhờ tế vật ấy mà tẩy sạch, còn chính các vật trên trời thì phải nhờ sinh tế càng tốt hơn mới được sạch. Vì Đấng Christ chẳng phải vào nơi thánh bởi tay người ta làm, là hình bóng của nơi thánh thật, bèn là vào chính trên trời để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời-- Ngài cũng chẳng dùng huyết của dê đực và bò con, bèn là dùng chính huyết mình mà vào nơi chí thánh một lần đủ cả, làm nên sự cứu chuộc đời đời”.

Đền tạm, đền thờ, hòm giao ước đều là các kiểu rập của các vật trên trời. Moses đã ở trên núi Sinai 40 ngày đêm, được Chúa cho xem các kiểu mẫu trên trời. Ông xuống núi và xây dựng đền tạm theo kiểu mẫu đó, tức theo các vật trên trời. Hai câu Kinh thánh trên đây phân định các tế vật dưới đất thì làm sạch, dâng lên, hay rãy huyết trên nắm thi ân. Còn các vật trên trời, đương nhiên có hòm giao ước, phải nhờ sinh tế tốt hơn làm sạch, hay rãy huyết trên nắm thi ân của cái hòm trên trời. Hai câu Kinh thánh nầy nói Chúa Jesus đem chính huyết của Ngài vào nơi chí thánh trên trời. Nhưng tôi tin Ngài không rãy huyết vật lý của Ngài  trên nắm hòm trên trời, mà Kinh thánh chép, “Đấng Christ chẳng phải vào nơi thánh bởi tay người ta làm, bèn là vào chính trên trời để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời”. Dưới đất, thượng tế Aron rảy huyết trên nắp thi ân vào ngày lễ chuộc tội, mùng 10 tháng 7 hằng năm theo lịch Hebrew, còn trên trời, Chúa Jesus hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời với tất cả vết sẹo của Ngài, như của lễ tốt hơn làm hài lòng Đức Chúa Trời.

Các bạn ơi, hòm giao ước do Moses tạo nên có cần huyết Con Đức Chúa Trời rảy lên nắm thi ân  cách cụ thể không? Hebrew 9:23-24 là câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi nầy.

Như đã nói, Moses tạo ra cái hòm và đền tạm theo kiểu mẫu ông nhìn thấy trên núi Sinai. Thơ Hebrew nói đến các vật trên trời, tất nhiên trong đó có hòm giao ước. Do đó Khải 11: 19 và 15: 5 chép, “Đền thờ của Đức Chúa Trời ở trên trời bèn mở ra, trong đền thờ thấy có hòm giao ước của Ngài; rồi có chớp, tiếng, sấm sét, động đất và mưa đá lớn.-- Sau việc ấy, tôi thấy đền thờ của nhà trại chứng cớ ở trên trời mở ra”. Thơ Hebrew 8:2; 9:11 cũng nói về đền tạm trên trời như sau, “chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm dường ấy, đã ngồi bên hữu ngai của Đấng oai nghiêm ở trên các từng trời, làm Chấp sự của nơi thánh và nhà trại thật mà Chúa dựng lên, chớ không phải người ta-- Nhưng Christ đã đến làm thầy tế lễ thượng phẩm của sự tốt đẹp hầu đến, đã trải qua nhà trại lớn hơn và trọn vẹn hơn, không phải bởi tay người ta làm, nghĩa là không thuộc về cõi thọ tạo nầy”.

Thưa các bạn, thực sự có đền thờ và hòm giao ước cụ thể trên thiên đàng không? Cách chúng ta hiểu sách khải thị thật rất  phức tạp. Có những vấn đề phải tin theo nghĩa đen như nước biển biến ra huyết, mưa đá, động đất, mặt trời làm cháy sém người ta, hai chứng nhân là Moses và Ê-li .v.v. Nhưng những hình thể như 7 giá đèn bằng vàng, biển pha lê trước ngai Đức Chúa Trời, Chiên Con, con rồng, con thú, đền thờ, hòm giao ước, thành thánh..v..v. là những gì?

Khi viết phúc âm của mình, sứ đồ Giăng dùng chữ “dấu hiệu” (sign) thay cho danh từ “phép lạ”. Thí dụ Giăng 2: 11; 20: 30 chép, “Ấy là tại Ca-na thuộc Ga-li-lê nà Jêsus bắt đầu làm những dấu lạ của Ngài, tỏ ra vinh hiển của Ngài, môn đồ bèn tin Ngài.-- Vả, có nhiều dấu lạ khác Jêsus đã làm trước mặt môn đồ, mà không chép trong sách nầy;”. Chúa Jesus đã làm các dấu lạ như hóa nước thành rượu, chữa lành người mù, kêu La-xa-rơ sống lại…thì Giăng gọi đó là các dấu hiệu. Tiếng Hi lạp dùng ở đây không phải là dunamis (việc quyền năng) mà là semeion (sign, hay dấu hiệu). Từ ngữ semeion xuất hiện 77 lần trong kinh Tân ước mà phúc âm Giăng chiếm đến 17 lần, Khải thị chừng 4 lần. Sau đó đến sách Khải thị, sứ đồ Giăng cũng dùng danh từ nầy lần nữa. Ông mở đầu sách nầy như sau, “Sự Khải thị của Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài để tỏ ra cùng các đầy tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến, và Ngài sai thiên sứ mình đem các điềm tỏ những điều đó cho đầy tớ Ngài là Giăng” (Khải 1:1). Cũng có chữ sign ở Khải 12: 1,3 và 15:1. Danh từ số nhiều “các điềm” cũng là các signs hay các dấu hiệu. Đức Chúa Trời cho Giăng xem tất cả các signs—các dấu hiệu ấy trong “cuộn băng video” thần thượng cách vô cùng thích thú, mà tôi nghĩ phần lớn nội dung, ông không thể hiểu nổi.

Thế thì Chiên Con, xuất hiện 28 lần trong sách tiêu biểu Chúa Jesus chớ không thể hiểu đó là một chiên con có sừng và 4 chân được. Đền thờ, hòm giao ước, thành thánh Jerusalem là gì? Đền thờ đồng nghĩa với thành thánh Jerusalem mới, là quần chúng được cứu, còn hòm giao ước là Chúa Jesus trong cõi đời đời. Vì như tôi đã nói, cái hòm do Moses làm nên là Chúa Jesus trong xác thịt.

Với dân Đức Chúa Trời, Chúa Jesus là hòm giao ước (Phục. 10: 8), còn với Đức Chúa Trời,  Chúa Jesus là hòm chứng cớ (bảng chứng- Xuất 25:16), cho nên hội thánh trong cõi đời đời được gọi là “đền tạm (nhà trại) chứng cớ”, như Khải thị 15: 5 đã chép trên đây.

Hiện nay dân Israel chưa xây lại đền thờ. Chúng ta cũng không biết thời điểm nào mà các nghi lễ, sự dâng hiến sinh tế trong đền thờ đó tái tục. Nhưng mấy câu Kinh thánh sau đây quả quyết rằng sẽ có sự hiện hữu của ngôi đền nầy trong thời gian bảy năm hay ít hơn  bảy năm cuối cùng. Mathio 24: 15; 2 Tes. 2: 3-4 “Vậy, khi các ngươi thấy cảnh gớm ghê của sự phá hoang lập trong nơi thánh, mà tiên tri Đa-ni-ên đã nói đến (ai đọc khá hiểu),-- có người đại tội, là con của sự hư mất, được hiển lộ; nó là kẻ đối địch, tự nhắc mình lên trên mọi vị xưng là thần, hoặc vật gì người ta kính thờ, rất đỗi ngồi trong đền thờ Đức Chúa Trời, tự xưng là Đức Chúa Trời”.

Dân Israel sẽ tìm được hòm giao ước ngày xưa và đặt vào nơi chí thánh của ngôi đền ấy không? Có thể họ chế tạo một chiếc hòm giao ước giả mạo hay không? Hoặc không cần có cái hòm trong nơi chí thánh như thời Xô-rô-ba-bên, có được chăng? Chúng ta không tiên đoán được, nhưng tôi thấy rằng đền thờ nầy do dân Israel tự ý xây dựng, chớ Đức Chúa Trời không chỉ đạo, vì Chúa Jesus phán “xong rồi” (Giăng 19:30) ngay khi tắt hơi. Bức màn trong đền thờ lúc ấy bị bàn tay vô hình xé ra từ trên xuống dưới—con đường vào hòm giao ước, vào nơi chí thánh rộng mở cho mọi người đã được chuộc. Theo nguyên văn Hi lạp, chữ “xong rồi” có nghĩa đen là “đã được hoàn tất, hoàn thành). Toàn bộ hệ thống đền thờ, hòm giao ước, việc dâng sinh tế, nghi lễ đều đã được Chúa Jesus làm ứng nghiệm, làm hoàn thành và chúng cũng đã bị Đức Chúa Trời phế thải cùng loại trừ từ lúc ấy. Sách Hebrew và Cô-lô-se chép như vậy. Cho nên dù có tìm được cái hòm cũ, tạo ra cái giả mạo, hay không có hòm trong ngôi đền thờ đó, tất cả đều không có ý nghĩa gì đối với Đức Chúa Trời và con dân của Ngài.Tôi mong anh em đừng lưu tâm đến việc tìm kiếm hòm giao ước nữa, chỉ chú tâm làm theo lời khuyên của sứ đồ Giăng, “Hỡi kẻ yêu dấu, hiện nay chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn chúng ta sẽ ra thể nào thì chưa được tỏ ra. Song chúng ta biết rằng khi Ngài hiện ra thì chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy. Hễ ai có hi vọng đó nơi Ngài, thì tự tẩy sạch mình cũng như Ngài là tinh sạch”(1 Giăng 3:2-3). Người tinh sạch sẽ được cất lên trước khi con thú vào đền thờ đó.

Còn một sự kiện có liên quan đến hòm giao ước là đền thờ của Đức Chúa Trời trong vương quốc ngàn năm. Đây là đền thờ vật lý của Đức Chúa Trời, với những chiều kích rất to rộng, và có quá nhiều phòng ốc khó cho chúng ta nắm hiểu hết. Sách Ê-xê-chi-ên miêu tả đền thờ, các lễ hội, các phụng vụ tế lễ, các sự phân chia đất đai..v..v.. nhưng hoàn toàn không thấy nói đến danh từ nơi chí thánh, bức màn phân hai, và hòm giao ước. Nhà tiên tri Ê-sai có nói dân Israel sẽ tuân giữ ngày sa-bát cách cụ thể (Ê-sai 66:23), còn tiên tri Ê-xê-chi-ên không hề nhắc đến hòm giao ước. Tại sao? Vì Đức Chúa Trời sẽ khôi phục các hình thức thờ phượng cho Israel tuân thủ và thực hành, hầu họ dùng điều đó dạy dỗ về Đức Chúa Trời cho các dân tộc trong thiên hi niên, vì họ sẽ làm đầu các nước, là vương quốc tư tế giữa các dân tộc. Đường vào nơi chí thánh đã mở ra hai ngàn năm trước đó rồi, nay không được phép tái lập sự phân cách, sự phân biệt nữa. Chúa Jesus đang hiện diện trị vì tại Jerusalem thì làm sao còn có hòm giao ước, hay nơi chí thánh và bức màn phân cách được

Giê-rê- mi 3:16, 17 nói về “những ngày đó” (thiên hi niên)  như sau: “Đức Giê-hô-va phán: Trong những ngày đó, khi các ngươi sanh sản thêm nhiều ra trong đất, thì người ta sẽ không nói đến hòm giao ước của Đức Giê-hô-va nữa! Người ta sẽ không còn tưởng đến, không còn nhớ đến, không còn tiếc đến, và không làm một cái khác. Trong thời đó người ta sẽ gọi Giê-ru-sa-lem là ngôi của Đức Giê-hô-va, và hết thảy các nước đều nhóm về Giê-ru-sa-lem, về danh Đức Giê-hô-va; mà không bước theo sự cứng cỏi của lòng ác mình nữa”.

Kết Luận:

Hòm giao ước tiêu biểu Chúa Jesus , hiện thân của Đức Chúa Trời. Trong thời Cựu ước, cái hòm đặt trong nơi chí thánh, có bức màn phân cách với loài người. Khi Chúa Jesus chết, cái hòm không có ở đó, và bức màn bị xé hai, ngụ ý đường vào nơi chí thánh đã mở ra rồi. Hê-bơ-rơ 10: 19-20 chép,“Hỡi anh em, vì chúng ta đã nhờ huyết của Jêsus mà được dạn dĩ vào nơi chí thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở cho chúng ta ngang qua bức màn, nghĩa là ngang qua xác thịt Ngài”. Bức màn tiêu biểu xác thịt vô tội của Ngài, vậy cái hòm biểu hiệu cho thân vị Ngài. Sau khi Chúa phục sinh, Ngài đã thoát ra khỏi xác thịt thiên nhiên, nên chúng ta rất dễ đến cùng Ngài và Ngài vào chúng ta thật dễ dàng.

Đền thờ trong cơn đại nạn là đền thờ do dân Israel tự ý xây dựng, không do ý muốn Đức Chúa Trời. Thế thì có cái hòm trong đó hay không, không thành vấn đề. Phải chăng quỉ Satan sẽ đưa ra cái hòm giả mạo nào đó? Mà có tìm được cái hòm cũ đi nữa, việc đó cũng không quan hệ với Chúa và Tân ước. Vì thơ Hê-bơ-rơ bày tỏ Đức Chúa Trời đã hoàn toàn loại bỏ hệ thống thờ phượng cũ, bao gồm cả cái hòm. Đó là lý do đền thờ trong thiên hi niên không có bức màn ngăn cách và cái hòm.

Chúa Jesus phục sinh là hòm giao ước đang ở với chúng ta tại đây hôm nay, trong cả vương quốc thiên hi niên và cõi đời đời vô cùng. Con đường đến nơi chí thánh để gặp Ngài đã rộng mở, không còn bức màn ngăn cách nữa. Chắc chắn Chúa Jesus sẽ sớm tái lâm,nhưng theo tôi, cái hòm ấy, dù có khai quật được ở đâu đó, cũng không còn là nhu cầu bức thiết cho dân của Đức Chúa Trời nữa.

Minh Khải 28-9-2014

 
Chúa Jesus phán cùng họ rằng: Mùa gặt thì lớn song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu nguyện Chúa mùa gặt sai con gặt đi vào mùa của Ngài".

Luke 10: 2