HIỆP NHẤT VỚI ĐẮNG CHRIST
La-mã 5:12 đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong những gì Phao-lô viết trong Sách La-mã. Như chúng tôi đã nêu, bước ngoặc này là bước ngoặc từ các tội phạm đến tội, từ địa vị đến bản tính, và từ sự xưng công chính đến sự thánh hóa, hay chúng ta có thể nói từ sự cứu rỗi đến sự sống. Sau khi chuyển hướng như vậy, Phao-lô bắt đầu đề cập đến con người chúng ta thay vì cách cư xử của chúng ta. Trong bốn chương rưỡi đầu của Sách La-mã, Phao-lô đề cập đến những việc làm của con pgười, chứ không đề cập đến chính con người, còn những hành động tội lỗi của con người sa ngã được đề cập đến cách toàn diện. Chúng ta đã được đem ra khỏi tình trạng sa ngã ấy để vào trong lãnh vực ân điển, là lãnh vực chúng ta có thể vui hưởng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự thay đổi về tình trạng, lãnh vực và địa vị; chưa có sự thay đổi trong chính con người, trong bản chất hay bản tính của con người. Mặc dầu việc làm của con người đã được xử lý và tình trạng của con người đã thay đổi, nhưng chính con người vẫn chưa được đụng đến.
Bắt đầu với La-mã 5:12, Phao-lô đề cập đến chính con người. Chúng ta phải đi xa hơn tình trạng, tình huống, hoàn cảnh và môi trường của con người vì tất cả những điều này đã hoàn toàn được giải quyết trong những chương trước. Những nan đề này đã được giải quyết, và con người đã được tẩy sạch, tha thứ, xưng công chính và giải hòa. Bây giờ, nan đề trước mắt là chính con người. Không phần nào khác trong Lời thần thượng phơi bày con người cách triệt để như trong các chương từ 5 đến 8 của Sách La-mã. Trong bốn chương này, Phao-lô đã chẩn bịnh cho con người cách sâu sắc. Dường như Phao-lô đã dùng mọi y cụ thuộc linh có được để chẩn bịnh cho con người.
Phần này của Sách La-mã phơi bày loại người nào? Đó là con người với tội ở bên trong, con người ở dưới sự cai trị của sự chết, và con người ở dưới sự phán xét và sự định tội công chính của Đức Chúa Trời. Con người đã bị nhiễm độc với bản chất gian ác của Sa-tan, bị tiêm chất độc là tội. Chính con người là hoàn toàn tội lỗi, không những trong những việc làm kinh khủng của họ, mà cũng trong bản tính và bản chất của họ. Về bản thể, con người hoàn toàn tội lỗi. Tội ở trong thân thể sa ngã của con người, và con người ở dưới sự cai trị của sự chết, bị Đức Chúa Trời phán xét và định tội. Đó là triệu chứng được thấy trong Sách La-mã từ chương 5 đến chương 8.
Trước khi tiếp tục với La-mã chương 6, tôi muốn ôn lại những gì chúng tôi đã đề cập đến trong phần cuối chương 5 “hai con người, hai hành động và hai kết quả với bốn điều cai trị. Mặc dầu các vấn đề này đã được đề cập đến cách vắn tắt trong bài mười, nhưng có lẽ người đọc sẽ được ích lợi nếu chúng tôi tiếp cận những vấn đề đó từ một cách nhìn khác.
Bây giờ, tôi muốn nêu cách rõ ràng, cụ thể sự tương phản giữa tất cả những gì thuộc về A-đam và tất cả những gì thuộc về Đấng Christ. Để làm điều này, chúng ta có thể dùng thuật ngữ khoản nợ và khoản có trong ngành kế toán. Trong ngành kế toán, chúng ta có cột ghi khoản nợ và cột ghi khoản có. Dựa trên các cột này, chúng ta có thể tính toán hay hạch toán. Tôi không phải là người đầu tiên dùng từ tính toán cho những điều thuộc linh, vì chính sứ đồ Phao-lô là kế toán thiên thượng tài giỏi, đã dùng từ này. Vài lần trong Sách La-mã, Phao-lô dùng từ “kể” cũng có nghĩa là “tính toán”. Trước hết, Đức Chúa Trời “kể” đức tin của Áp-ra-ham là công chính (4:3,9,22). Khi Áp-ra-ham đáp ứng với Đức Chúa Trời bằng cách tin Ngài, thì Đức Chúa Trời là Kế Toán Trưởng thiên thượng nhìn vào những con số và dường như Ngài phán: “Nên kể đức tin của Áp-ra-ham là công chính. Ta đặt sự công chính vào bên có của Áp-ra-ham”. Do đó, Đức Chúa Trời đặt sự công chính vào cột có trong tài khoản của Áp-ra-ham. Hơn nữa, Phao-lô nói nơi nào không có Kinh Luật thì tội không được kể đến (5:13). Tốt hơn nên dịch từ này là tội không bị ghi vào sổ nếu không có Kinh Luật. Nói rằng tội không bị tính thật sự có nghĩa là tội không bị ghi vào sổ sách. Không có Kinh Luật, tội vẫn hiện hữu, nhưng không bị đem vào sổ sách của Đức Chúa Trời. Khi đến La-mã chương 6, chúng ta phải dùng toán học thuộc linh để tính toán vài điều (c. 11). Vì đã bị đóng đinh với Đấng Christvà đã phục sinh với Ngài, nên chúng ta phải ghi sự thật này vào sổ sách kế toán của mình, tức là phải kể chính mình chết đối với tội và sống đối với Đức Chúa Trời.
Hãy tiến hành vẽ hai cột, cột nợ và cột có cho A-đam và Đấng Christ. Mục đầu tiên bên phía nợ trong sổ ghi tài khoản của A-đam là chính A-đam. A-đam tạo nên một khoản nợ lớn cho tất cả chúng ta. Dưới A-đam, mục thứ hai là sự quá phạm, hay chúng ta dùng những từ đồng nghĩa là vi phạm hoặc không vâng phục. Như được sử dụng trong La-mã chương 5, từ quá phạm, vi phạm hay không vâng phục đều chỉ về cùng một điều. Chúng được dùng thay thế cho nhau để chỉ về sự sa ngã của A-đam. Sự sa ngã này tạo nên một khoản nợ lớn, nếu nói theo từ liệu tiền tệ, là một tài khoản nợ lên đến hàng tỉ mỹ kim. Điều thứ ba trong cột nợ là tội, tức là hậu quả từ sự quá phạm của A-đam. Theo La-mã chương 5, khoản nợ thứ tư là sự phán xét theo bước của tội đi vào. Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời sáng suốt. Ngài không những công chính mà còn sáng suốt, luôn luôn cảnh giác. Đức Chúa Trời không bao giờ ngủ. Ngay sau khi A-đam phạm tội, Đức Chúa Trời can thiệp và thi hành phán xét. Do đó, phán xét luôn luôn theo sau tội. Đừng nghĩ anh em phải chờ đến khi chết mới bị phán xét, vì tất cả chúng ta đều bị phán xét trong A-đam cách đây sáu ngàn năm. Chúng ta bị phán xét trước khi ra đời. Do đó, phán xét là mục thứ tư trong cột nợ. Mục thứ năm là định tội. Sự định tội của Đức Chúa Trời theo sau phán xét của Ngài. Vì vậy, A-đam cùng với mọi người bao hàm trong ông đều ở dưới sự định tội của Đức Chúa Trời. Vì ra từ A-đam, nên chúng ta có mặt tại đó khi A-đam bị định tội.
Tổng số của cột nợ là gì? Tổng số là sự chết. Chúng ta có thể liệt kê sự chết như mục thứ sáu, mặc dầu thật ra đó là tổng số của năm mục đầu. Con số tổng cộng, gồm A-đam, sự quá phạm, tội, sự phán xét và sự định tội, là sự chết. Đó là tổng số của cột nợ cho cả vũ trụ này trong sổ kế toán của nhân loại.
Ha-lê-lu-gia về cột có! Trong sổ sách kế toán cho cả vũ trụ này, chúng ta cũng có khoản có. Mục đầu tiên trong cột này là Christ, tức Đấng đối kháng A-đam. Mặc dầu Đấng Christ đối kháng A-đam, nhưng giữa hai bên không thể có sự so sánh nào. Phao-lô nói: “Sự quá phạm chẳng như ân tứ đâu” (5:15).
A-đam không phải như Đấng Christ, vì A-đam không thể sánh được với ĐấngChrist. Đấng Christ vượt xa A-đam. Khi Đấng Christ được ghi trên cột có, theo sau là hàng tỉ con số không. Tôi vui mừng vì hiện nay tất cả những điều đó thuộc về chúng ta. Tôi không quan tâm đến khoản nợ của A-đam. Tôi có Đấng Christ.
Dưới Đấng Christ, chúng ta có mục thứ hai trong cột có là vâng phục. Sự vâng phục của Đấng Christ cho đến khi chết trên thập tự giá được gọi là hành động công chính của Ngài. Hai từ vâng phục và hành động công chính đồng nghĩa với nhau. Hành động của A-đam gọi là quá phạm, vi phạm và không vâng phục; hành động của ĐấngChrist gọi là vâng phục hay hành động công chính. Giá trị sự vâng phục của ĐấngChrist là gì? Không có máy vi tính nào hiện hữu có thể tính ra được.
Như sự vâng phục và công chính của Đấng Christ trái với sự bất phục và quá phạm của A-đam, thì ân điển cũng trái với tội. Vì vậy, ân điển là mục thứ ba bên cột có. Điều nào thắng hơn, tội hay ân điển? Phao-lô nói rõ với chúng ta rằng không thể so sánh được, vì “nơi nào tội lỗi đã thêm lên, thì ân điển lại càng dư dật muôn phần hơn” (5:20). Ân điển vượt trỗi trên tội đến mức nào? Tôi không biết, thậm chí chính Phao-lô cũng chỉ nói “muôn phần hơn”. Đừng lo về khoản nợ tội, vì ân điển trong khoản có là hơn nhiều (5:17).
Chúng ta đã thấy phán xét là mục thứ tư trong cột nợ. Mục nào trong cột có tương ứng với điều này? Mục trái với phán xét là ban tứ của sự công chính (5:17). Có lẽ anh em chưa bao giờ hiểu điều này. Từ liệu ban tứ có nghĩa là gì trong La-mã chương 5? Một số người nói từ này có nghĩa là nói các tiếng lạ hay những ân tứ phép lạ khác. Tuy nhiên, nếu đọc La-mã chương 5, anh em sẽ thấy ban tứ được đề cập ở đây là sự công chính của Đức Chúa Trời. La-mã 5:17 nói về ân điển dư dật và ban tứ của sự công chính dư dật. Ân điển của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ ra, đến với chúng ta và ban cho chúng ta một món quà miễn phí là sự công chính của Đức Chúa Trời. Nếu đọc đi đọc lại La-mã chương 5, anh em sẽ thấy như vậy, ban tứ trong La-mã chương 5 chính là sự công chính được ban cho chúng ta bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Như chúng ta đã thấy, ân điển là chính Đức Chúa Trời như sự vui hưởng của chúng ta. Từ sự vui hưởng này, tức là ân điển, sự công chính của Đức Chúa Trời được ban cho chúng ta như sự ban tứ của chúng ta. Sự phán xét ra từ tội, và công chính ra từ ân điển. Do đó, công chính trái với phán xét. Một khi có sự công chính của Đức Chúa Trời, anh em không ở dưới sự phán xét. Sự công chính xóa bỏ sự phán xét. Nếu tôi có sự công chính của Đức Chúa Trời, làm thế nào anh em có thể phán xét tôi? Tôi công chính như Đức Chúa Trời là công chính. Một khi chúng ta có ban tứ của sự công chính, thì không thể có phán xét.
Theo sau sự ban tứ của sự công chính, chúng ta có sự xưng công chính, là điều trái với sự định tội. Vì vậy, chúng ta có năm điều trong cột có. Tổng số của những mục này là sự sống, là điều cũng có thể kể là mục thứ sáu.
Hãy cân đối sổ sách. Chúng ta có sự chết là tổng số bên phía nợ và sự sống là tổng số bên phía có. Bên nào lớn hơn? Chắc chắn câu trả lời là sự sống. Tuy nhiên, sự sống này không phải là sự sống vật lý của chúng ta (bios, Lu. 8:14) hay sự sống thuộc hồn của chúng ta (psuche, Mat. 16:25,26; Gi. 12:25); sự sống này chỉ về sự sống thần thượng, đời đời, phi thọ tạo và vô hạn của Đức Chúa Trời nuốt mất sự chết (zoe, Gi. 11:25; 14:6; Côl. 3:4). Đó là chính Đấng Christ như sự sống phục sinh của chúng ta. Do đó, tổng số phía có thì giá trị hơn tổng số phía nợ rất nhiều.
Với tất cả những điều này làm nền tảng, bây giờ chúng ta có thể tiến đến La-mã chương 6. Nếu không có La-mã chương 5 làm nền tảng, chúng ta không bao giờ có thể sáng tỏ La-mã chương 6. Vấn đề không còn là hai tình trạng hay hai trạng thái; đó là vấn đề hai con người. Người thứ nhất là A-đam với tất cả những khoản nợ, và người thứ hai là Đấng Christ với tất cả những khoản có. Anh em thuộc về người nào?
I. ĐỒNG NHẤT VỚI ĐẤNG CHRIST
TRONG SỰ CHẾT VÀ PHỤC SINH CỦA NGÀI
Vì tất cả chúng ta đều sinh trong A-đam, làm thế nào chúng ta có thể nói bây giờ mình ở trong Đấng Christ?
A. Được Báp-têm Vào Trong Đấng Christ
Trong La-mã 6:3, Phao-lô nói: “Anh em há chẳng biết rằng hết thảy chúng ta là những người đã chịu báp-têm trong Christ Jesus, đều đã chịu báp-têm trong sự chết của Ngài sao?” Mặc dầu được sinh ra trong người thứ nhất là A-đam, nhưng chúng ta cũng đã chịu báp-têm vào trong người thứ hai là Đấng Christ. Thật đáng thương khi Cơ-đốc nhân tranh luận về hình thức bề ngoài của báp-têm! Một số người tranh cãi về loại nước được sử dụng, và một số tranh luận về phương pháp báp- têm. Báp-têm nghĩa là được đặt vào trong Đấng Christ và vào trong sự chết của Ngài. Dầu tốt hay xấu, chúng ta đều được sinh trong A-đam. Bây giờ, chúng ta thấy một người khác là Đấng Christ. Làm thế nào chúng ta vào trong Ngài và trở nên một phần của Ngài? Phương cách là được báp-têm vào trong Đấng Christ. Ý nghĩa của báp-têm là đặt người ta vào trong ĐấngChrist. Đó không phải là nghi thức hay hình thức, mà là một kinh nghiệm vô cùng quan trọng. Một sự chuyển dời thuộc linh phải xảy ra trong hành động báp-têm, nếu không có nhận thức về điều này, chúng ta không nên đụng đến vấn đề báp-têm. Đừng bao giờ báp-têm người ta theo nghi thức. Chúng ta phải biết chắc và nhận thức rằng khi báp-têm người ta, chúng ta đang đặt họ vào trong Đấng Christ. Một khi nhận biết ý nghĩa của báp-têm, chúng ta sẽ không cho phép báp-têm thoái hóa đến chỗ chỉ là nghi thức hay hình thức bề ngoài. Báp-têm là một hành động, trong đó chúng ta đặt những Chi Thể của A-đam vào trong chỗ chết, bởi đó chuyển dời họ ra khỏi A- đam vào trong ĐấngChrist. Người ta được báp-têm vào trong Đấng Christ. Trong La-mã 6:3, Bản King James thậm chí còn dùng từ “vào trong”. Trong những cuộc tranh luận gây chia rẽ về hình thức và phương pháp báp-têm, người ta cũng đã trật mục tiêu như thế đấy! Bất cứ khi nào làm báp-têm cho người khác, chúng ta chỉ quan tâm đến việc đặt họ vào trong Đấng Christ. Thật khủng khiếp khi chúng ta làm mãi một nghi thức, nhưng thật kỳ diệu khi chúng ta báp-têm người ta vào trong Đấng Christ.
Ngợi khen Chúa, chúng ta đã được báp-têm vào trong Đấng Christ! Mặc dầu được sinh ra trong A-đam, nhưng qua báp-têm, chúng ta đã được đồng nhất với ĐấngChrist trong sự chết và sự phục sinh của Ngài. Qua sự chết và phục sinh, Đấng Christđã biến hóa từ xác thịt thành Linh. Ngay cả chính Đấng Christ cũng cần phải chết và phục sinh để biến đổi Ngài từ xác thịt thành Linh. Cũng vậy, nhờ đồng nhất với ĐấngChrist trong sự chết và sự phục sinh của Ngài, chúng ta đã được dời khỏi A-đam vào trong Đấng Christ. Khi được báp-têm vào trong Đấng Christ, chúng ta được dời khỏi một phần của A-đam mà vào trong một phần của Đấng Christ. Bây giờ, chúng ta không còn ở trong A-đam. Chúng ta hoàn toàn ở trong Đấng Christ. Đó là sự kiện về sự đồng nhất. Bây giờ, chúng ta phải thấy và hiểu rõ hai điểm sâu xa hơn liên quan đến điều này.
B. Được Báp-têm Vào Trong Sự Chết Của Ngài
-Cùng Lớn Lên Với Ngài
Trong Hình Trạng Của Sự Chết Ngài
La-mã 6:5 chép: “Chúng ta đã được liên hiệp (RcV: đã cùng lớn lên) với Ngài trong hình trạng của sự chết Ngài”. Điều này nghĩa là gì? Cụm từ “hình trạng của sự chết Ngài” trong La-mã 6:5 chỉ về báp-têm. Báp-têm là hình trạng sự chết của ĐấngChrist. Trong báp-têm, chúng ta cùng lớn lên với Đấng Christ. Cụm từ “cùng lớn lên” gây khó khăn cho các dịch giả. Tuy nhiên, nếu chúng ta theo sát nghĩa của từ Hi-lạp này thì không có gì khó khăn. Cùng một từ Hi-lạp này được sử dụng trong Lu-ca 8:7 để nói về gai mọc lên cùng với lúa mì. Cũng vậy, chúng ta đã lớn lên cùng với Đấng Christ. Khi được báp-têm vào trong Đấng Christ, thì theo một ý nghĩa, chúng ta bị giết chết; theo một ý nghĩa khác, chúng ta bắt đầu mọc lên. Điều này rất giống với việc gieo hạt giống xuống đất. Bề ngoài dường như hạt giống được gieo, nhưng thật ra nó bắt đầu mọc lên. Bởi được báp-têm vào trong Đấng Christ, tất cả chúng ta đều lớn lên với Ngài trong hình trạng của sự chết Ngài. Vì đã được mọc lên với Ngài trong hình trạng của sự chết Ngài, nên bây giờ chúng ta đang cùng Ngài lớn lên. Chúng ta đã mọc rồi, nhưng cũng đang lớn lên.
C. Bước Đi Trong Sự Mới Mẻ Của Sự Sống
Chúng ta cũng đang cùng lớn lên với Đấng Christ trong hình trạng của sự phục sinh Ngài (6:4-5). Hình trạng của sự phục sinh Ngài là gì? Đó là sự mới mẻ của sự sống. Tất cả chúng ta nên bước đi trong sự mới mẻ của sự sống. Tất cả chúng ta phải thấy hai điểm này. Chúng ta phải thấy mình đã cùng lớn lên với Đấng Christ trong báp-têm và cùng lớn lên với Ngài trong hình trạng của sự phục sinh, tức là trong sự mới mẻcủa sự sống phục sinh Ngài. Nếu thấy điều này có nghĩa là chúng ta thấy mình đã chết với Ngài và bây giờ chúng ta đang lớn lên với Ngài. Chúng ta đã được chôn với Ngài trong báp-têm và bây giờ đang lớn lên với Ngài trong sự phục sinh, trong sự sống thần thượng của Ngài. Chúng ta phải bước đi theo những gì mình thấy, tức là bước đi trong sự mới mẻ của sự sống.
II. BIẾT VÀ KỂ
A. Biết Bởi Thấy
Theo La-mã chương 5, chúng ta đã được sinh ra trong A-đam và bị cấu thành tội nhân. Theo La-mã chương 6, chúng ta đã được báp-têm vào trong Đấng Christ và được đồng nhất với sự chết và phục sinh của Ngài. Bây giờ, chúng ta đang ở trong ĐấngChrist. Vì đang ở trong Ngài, nên bất cứ điều gì Ngài đã trải qua đều là lịch sử của chúng ta. Ngài đã bị đóng đinh và được phục sinh. Do đó, sự đóng đinh và phục sinh của Ngài thuộc về chúng ta. Đó là một sự kiện vinh hiển. Chúng ta cần thấy điều này chứ không chỉ hiểu mà thôi. Chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa ban cho một khải tượng rõ ràng về sự kiện vinh hiển là chúng ta đang ở trong Ngài, là chúng ta đã bị đóng đinh và được phục sinh với Ngài. Để biết điều này, chúng ta cần thấy một khải tượng như vậy. Một khải tượng như vậy là nền tảng cho sự hiểu biết của chúng ta. Sau khi thấy một điều như vậy, chúng ta không bao giờ có thể nói mình không biết điều ấy. Đức Chúa Trời đã hoàn thành sự kiện vinh hiển là đặt chúng ta vào trong Đấng Christ; chúng ta đã được đóng đinh và phục sinh với Ngài.
Chúng ta biết dựa trên thấy, và thấy là do khải tượng. Chúng ta cần một khải tượng để thấy mình cùng bị đóng đinh với Đấng Christ trong La-mã 6:6-7, và cùng sống lại với Ngài trong La-mã 6:8-10. Nếu đã thấy hai khía cạnh này của sự kiện được đồng nhất với Đấng Christ, chúng ta biết mình chết đối với tội và sống đối với Đức Chúa Trời.
Đây không phải là vấn đề dựa trên tin, mà hoàn toàn dựa trên thấy. Khi thấy sự kiện vinh hiển này bởi khải tượng, chúng ta không thể không tin sự kiện ấy và nhận biết mình đã chết với Đấng Christ và đã sống lại với Ngài. Nhờ thấy như vậy, chúng ta hoàn toàn biết chắc mình đã chết đối với tội và sống đối với Đức Chúa Trời.
Tôi phải nhấn mạnh một lần nữa là chúng ta cần một khải tượng để thấy sự kiện vinh hiển được khải thị trong La-mã chương 6. Nhiều Cơ-đốc nhân có kiến thức giáo lý về La-mã chương 6 nhưng chưa bao giờ thấy khải tượng về sự kiện được khải thị trong chương này. Hiểu một điều theo giáo lý thì hoàn toàn khác với thấy chính điều ấy trong một khải tượng. Nan đề liên quan đến La-mã chương 6 rất phổ biến giữa vòng Cơ-đốc nhân. Nhiều người nghĩ họ hiểu giáo lý về La-mã chương 6, nhưng chưa thấy sự kiện theo cách là một khải tượng. Nhiều người nhấn mạnh đến vấn đề tin. Nhưng nếu chưa thấy sự kiện, anh em sẽ khó tin bằng sự hiểu biết theo giáo lý. Một khi thấy sự kiện trong khải tượng, anh em sẽ tự phát có đức tin. Vì vậy, những gì Phao-lô muốn nói khi ông dùng cụm từ “bởi biết rằng” thật ra là thấy một sự kiện trong một khải tượng thuộc linh. Do đó, tất cả chúng ta phải cầu nguyện để được Chúa giải cứu khỏi tình trạng thỏa mãn với hiểu biết giáo lý suông về La-mã chương 6 và ban cho chúng ta một khải tượng sáng tỏ trong linh để có thể thấy sự kiện vinh hiển được khải thị trong chương này. Rồi chúng ta sẽ biết sự kiện trong thực tại.
B. Kể Bằng Cách Tin
Dựa trên việc thấy sự kiện được khải thị trong La-mã chương 6, chúng ta phải hạch toán. Chúng ta phải kể chính mình đã chết đối với tội và sống đối với Đức Chúa Trời (6:11). Một mặt, chúng ta phải kể chính mình chết đối với tội; mặt khác, chúng ta phải kể chính mình sống đối với Đức Chúa Trời. Việc kể như vậy dựa trên chúng ta thấy. Tôi đã thấy mình chết với Đấng Christ và tôi đang lớn lên với Ngài trong sự phục sinh của Ngài. Vì vậy, tôi tự động và liên tục kể chính mình chết đối với tội và sống đối với Đức Chúa Trời. Đó là vấn đề tính toán. Khi tính toán, chúng ta có một mục rất lớn bên cột có-chết đối với tội và sống đối với Đức Chúa Trời.
Kể là vấn đề tin mà tin được sản sinh bởi thấy. Sau khi đã thấy các sự kiện, chúng ta kể chính mình chết đối với tội và sống đối với Đức Chúa Trời bởi tin rằng mình đã được đóng đinh và phục sinh với Đấng Christ. Một khi đã thấy sự kiện, chúng ta tin mình là như vậy. Sau đó, chúng ta kể bằng cách tin những gì mình đã thấy.
Nhiều Cơ-đốc nhân được dạy về phương pháp kể chính mình đã chết, và nhiều người thực hành phương pháp này. Cuối cùng, như mọi người có thể chứng minh, phương pháp này không hiệu quả. Đây không phải là vấn đề phương pháp mà là nhìn thấy sự kiện để đưa đến kết quả là kể bằng một đức tin tự phát. Chỉ dùng phương pháp kể theo hiểu biết giáo lý mà không thấy sự kiện sẽ luôn luôn dẫn đến thất bại. Chỉ sau khi sứ đồ Phao-lô đề cập đến biết bằng cách thấy sự kiện (cc. 6-10), ông mới hướng dẫn chúng ta kể chính mình chết đối với tội và sống đối với Đức Chúa Trời (c. 11). Sự kể cần sự thấy để đưa đến kết quả là tin. Nếu đã thấy sự kiện, chúng ta sẽ tin sự kiện và kể theo sự kiện.
III. HỢP TÁC BẰNG CÁCH TỪ BỎ VÀ DÂNG MÌNH
Khi chính mình chết đối với tội và sống đối với Đức Chúa Trời, chúng ta cần dâng chi thể mình “cho Đức Chúa Trời như khí giới của sự công nghĩa (hay sự công chính)” (6:13). Hầu hết các bản Kinh Thánh không dịch câu này như vậy. Thay vì là “vũ khí”, BảnKing James dùng từ “dụng cụ”. Tuy nhiên, chính từ Hi-lạp này được sử dụng trong 2Cô-rin-tô 6:7 trong cụm từ được dịch là “áo giáp công chính”. Tốt hơn nên dịch từ “áo giáp” là “vũ khí”. Phao-lô nói ông có các vũ khí của sự công chính. Do đó, ý niệm của Phao-lô trong La-mã chương 6 là về vũ khí của sự công chính, chứ không phải là dụng cụ công chính, do cuộc chiến giữa sự công chính và sự không công chính. La-mã 7:23 chứng minh rằng một trận chiến đang diễn ra trong con người. La-mã 13:12 chép: “Chúng ta hãy mặc lấy binh giáp (RcV: vũ khí) của sự sáng”. Câu này cũng chứng minh một trận chiến đang diễn ra. Trong một cuộc chiến như vậy, chúng ta không cần dụng cụ; chúng ta cần vũ khí. Mỗi chi thể của thân thể chúng ta là một vũ khí. Chúng ta nên cảnh giác về trận đánh kế tiếp, vì chúng ta liên tục lâm chiến. Một khi nhận biết mình chết đối với tội, sống đối với Đức Chúa Trời, và kể chính mình là như vậy, thì chúng ta phải dâng chi thể mình làm vũ khí của sự công chính để đánh trận.
Hơn nữa, chúng ta cần dâng chính mình và chi thể của mình làm nô lệ cho Đức Chúa Trời (6:16,19,22). Nếu dâng chính mình cho Đức Chúa Trời như nô lệ và chi thể mình như vũ khí của sự công chính, chúng ta sẽ tự phát được thánh hóa. Điều này có nghĩa là chúng ta đứng về phía Đấng Christ Phục Sinh là Đấng cư ngụ trong chúng ta như sự sống. Chúng ta đứng về phía sự sống đời đời này. Nhờ đó, chúng ta tạo cơ hội cho sự sống đời đời hành động trong chúng ta, phân rẽ chúng ta khỏi mọi điều tầm thường, và thánh hóa chúng ta. Kết quả của sự dâng mình là sự thánh hóa. Đó là thứ tự của kinh nghiệm chúng ta: thấy, kể, dâng chính mình cho Đức Chúa Trời, từ bỏ tội và hợp tác với Đức Chúa Trời.
Phải khước từ tội, vì nó vẫn cư ngụ trong thân thể sa ngã của chúng ta (6:12). Đừng bao giờ hợp tác với tội nữa. Hãy khước từ tội và hợp tác với Đức Chúa Trời. Đừng thuộc linh đến nỗi trở nên thụ động và ngưng mọi hoạt động. Tình trạng thụ động là điều kinh khủng. Nếu thụ động, anh em sẽ bị lừa gạt và lừa dối. Chúng ta không nên thụ động hay quá năng động, vì tình trạng thụ động hay năng động của chúng ta đều không có giá trị gì cả. Vậy, chúng ta nên làm gì? Chúng ta phải thấy các sự kiện, kể chính mình chết đối với tội và sống đối với Đức Chúa Trời, dâng các chi thể mình và chính mình cho Đức Chúa Trời, khước từ tội và hợp tác với Đức Chúa Trời. Chúng ta không nên tự mình làm một điều gì. Đừng cố gắng yêu vợ hay vâng phục chồng. Đừng cố gắng khiêm nhường hay nhân từ. Tuy nhiên, anh em cần khước từ tội. Khi tội đem một lời đề nghị đến, anh em phải nói: “Hỡi tội, hãy lìa khỏi ta. Ta không có quan hệ gì với ngươi”. Đừng để tội tiếp tục chủ trị anh em (6:14). Điều này có nghĩa là anh em khước từ tội, hướng về Đức Chúa Trời và nói: “Chúa ơi, con là nô lệ của Ngài. Con muốn hợp tác với Ngài. Con yêu vợ con hay không là điều tùy thuộc Ngài. Trong vấn đề yêu thương, con muốn hợp tác với Ngài. Con muốn làm nô lệ của Ngài. Bất cứ điều gì con làm, con sẽ theo Ngài và hợp tác với Ngài”. Đừng thụ động hay năng động. Chỉ khước từ tội và hợp tác với Đức Chúa Trời. Nếu làm như vậy, không những anh em sẽ công chính, mà còn được thánh hóa. Anh em sẽ được thay đổi ở bên trong về phương diện bản tính.
Kết quả của sự thánh hóa là sự sống đời đời (6:22). Do đó, La-mã chương 8 theo sau La-mã chương 6. La-mã chương 6 kết luận với sự thánh hóa dẫn đến sự sống đời đời; La-mã chương 8 bắt đầu vói Linh Sự Sống. Đừng hỏi tôi đặt La-mã chương 7 ở đâu. Mặc dầu chương này ở trong Kinh Thánh và không thể bỏ qua, nhưng chương này có thể được vứt bỏ khỏi kinh nghiệm của chúng ta. Chúng ta có thể nhảy vọt từ cuối La-mã chương 6 đến đầu La-mã chương 8.
Điều sứ đồ Phao-lô muốn nói trong La-mã chương 6 là, một mặt, chúng ta ở trong sự kiện mình đã được đóng đinh và phục sinh với Đấng Christ, và mặt khác, chúng ta có sự sống thần thượng. Sự kiện được đóng đinh và phục sinh với ĐấngChrist đã chuyển dời chúng ta ra khỏi A-đam vào trong Đấng Christ. Sự sống thần thượng làm chúng ta có thể sống một đời sống thánh hóa. Chúng ta cần thấy mình đã được chuyển dời. Dựa trên thấy, chúng ta kể chính mình như vậy bằng cách tin. Sau đó, chúng ta cần hợp tác với sự sống thần thượng bằng cách khước từ tội, và dâng chính mình và chi thể mình cho Đức Chúa Trời. Chúng ta có địa vị để khước từ tội, vì bây giờ chúng ta “không ở dưới Kinh Luật nhưng ở dưới ân điển” (6:14). Tội không có cơ sở, không có quyền, để đòi hỏi điều gì nơi chúng ta cả, nhưng thay vào đó chúng ta đứng trong ân điển, có trọn quyền khước từ tội và sức mạnh của tội. Đồng thời bằng cách đứng về phía Đấng Christ, chúng ta dâng chính mình và chi thể mình làm nô lệ cho Đức Chúa Trời để sự sống thần thượng có thể hành động trong chúng ta hầu thánh hóa chúng ta bằng bản chất của Đức Chúa Trời, không những về mặt địa vị, mà cũng về mặt bản tính.
Tóm lại, chúng ta có thể nói mình đã được báp-têm vào trong Đấng Christ. Nhờ được báp-têm vào trong Ngài, chúng ta được đồng nhất với Ngài trong sự chết và phục sinh của Ngài. Chúng ta đã cùng lớn lên với Ngài trong sự chết và bây giờ đang lớn lên với Ngài trong sự sống phục sinh của Ngài. Chúng ta thấy mình chết đối với tội, sống đối với Đức Chúa Trời, và kể như vậy trong sổ kế toán thiên thượng của mình. Dựa trên sự kể này, chúng ta dâng mình làm nô lệ cho Đức Chúa Trời và dâng chi thể mình làm vũ khí của sự công chính. Điều này tạo cơ hội cho sự sống thần thượng trong chúng ta làm công tác thánh hóa. Sau đó chúng ta học khước từ tội và hợp tác với Đức Chúa Trời. Kết quả của tất cả những điều ấy là sự thánh hóa, kết thúc là sự sống đời đời. Ngợi khen Chúa!