BỐN PHƯƠNG DIỆN VỀ KINH NGHIỆM GIÁ ĐÈN
Sáng Thế kí là cánh đồng được gieo hầu hết các hạt giống lẽ thật. Trong sách Khải Thị, chúng ta có mùa gặt các lẽ thật được gieo trong phần đầu của Kinh Thánh. Trong sách kết luận này, các Hội thánh địa phương thật trọng yếu. Các Hội thánh địa phương cũng là tâm điểm của sách này. Chúng ta đã thấy rằng các Hội Thánh địa phương là kết cuộc của sự khải thị và sự hiển lộ tiệm tiến của Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh, chúng ta không những có sự khải thị của Đức Chúa Trời mà còn có sự tỏ ra của Ngài. Khải Thị có thể được xem là gần với giáo lí, nhưng sự tỏ ra thì chắc chắn liên quan đến kinh nghiệm. Vì vậy, Kinh Thánh không những cho chúng ta giáo lí mà còn cho kinh nghiệm, không những ban cho khải thị của Đức Chúa Trời mà còn ban cho về sự tỏ ra của Ngài. Nếu không có các Hội thánh địa phương thì sẽ không có kết cuộc của sự khải thị và tỏ ra của Đức Chúa Trời.
Kẻ thù quỷ quyệt là Sa-tan căm ghét Hội thánh địa phương. Trải qua các thế kỉ, nhiều giáo sư Cơ đốc ưu tú hết lòng tập trung vào những vấn đề khác. Chúng tôi thừa nhận rằng một số vấn đề trong đó là quan trọng. Thế nhưng, phần lớn các giáo sư ấy vẫn bị lệch khỏi trọng tâm, không nhìn thấy kết cuộc là các Hội thánh địa phượng. Chúng ta phải thờ phượng và ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài là Chúa. Ngài sẽ không bao giờ buông bỏ vấn đề này. Sau khi khôi phục nhiều điều trong vài thế kỉ qua thì trong thời của chúng ta, Ngài đến với kết cuộc này. Đây là lí do tại sao ngày đêm gánh nặng duy nhất của chúng ta là xây dựng các Hội thánh địa phương. Tất cả những sự công kích và chống đối mà chúng ta trải qua chỉ vì lập trường của chúng ta về các Hội thánh địa phương.
GIÁ ĐÈN LÀ HÌNH BÓNG VỀ HỘI THÁNH
Ai cũng biết rằng từ liệu Hội thánh không được tìm thấy trong Cựu Ước. Lần đầu tiên từ liệu này được dùng là trong Ma-thi-ơ 16: 18; ở đó Chúa Jesus phán: “Ta sẽ lập Hội thánh Ta.” Tuy nhiên trong Cựu Ước có nhiều hình bóng báo trước về Hội thánh. Chẳng hạn, trong Sáng thế kí chương 2, chúng ta có Cô dâu là hình bóng về Hội thánh là người tương xứng của Đấng Christ. Hơn nữa cả nhà trại lẫn đền thờ đều là các hình bóng về Hội thánh là nơi ở của Đức Chúa Trời giữa loài người trên đất. Sự kiện con cái Israel là một dân tập thể chỉ về việc Hội thánh cũng là một dân tập thể để biểu lộ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, không hình bóng nào trong đó có tính chất bao hàm tất cả như giá đèn.
Lần đầu tiên giá đèn được đề cập trong Xuất Ai Cập kí chương 25. Nếu chỉ có chương này, chúng ta không thể nhận ra rằng giá đèn liên quan đến Hội thánh hay các Hội thánh. Gần cuối Cựu Ước, chúng ta lại thấy giá đèn được đề cập trong Xa-cha-ri chương 4. So với Xuất Ai Cập kí, Xa-cha-ri có phần nào tiến triển và cải tiến. Trong Xuất Ai Cập Kí chúng ta chỉ có giá đèn với bảy ngọn đèn; sách ấy không cho biết bảy ngọn đèn ấy chỉ về điều gì. Nhưng trong sách Xa-cha-ri, chúng ta được giải nghĩa rõ ràng về bảy ngọn đèn, vì trong sách này chúng ta được biết rằng bảy ngọn đèn là bảy mắt của Đức Chúa Trời (4: 10) và bảy mắt của hòn đá (3: 9). Sách Xa-cha-ri cho chúng ta biết hai điều quan trọng về giá đèn – bảy ngọn đèn của giá đèn là bảy mắt của Đức Chúa Trời và bảy mắt của hòn đá. Hãy xem bức tranh được trình bày trong sách Xa-cha-ri. Sự kiện hòn đá có bảy mắt là bảy mắt của Đức Chúa Trời cho thấy rằng bảy mắt ấy cũng truyền những gì Đức Chúa Trời là vào trong chúng ta. Đức Chúa Trời là ánh sáng, sự sống, tình yêu và sự thánh biệt v.v.. Tất cả những gì Ngài là như yếu tố sự sống được truyền vào trong chúng ta qua bảy mắt của Ngài. Đối với con người cũng vậy, khi chúng ta nhìn người khác thì có điều gì đó từ mắt chúng ta truyền vào trong họ. Bảy mắt của Đức Chúa Trời cũng là bảy mắt của hòn đá mang nghĩa gì? Đá chắc chắn là để xây dựng. Vì thế bảy mắt ấy không những truyền Đức Chúa Trời là yếu tố sự sống vào bản thể chúng ta mà còn truyền Đấng Christ là vật liệu xây dựng vào chúng ta, làm cho chúng ta trở nên vật liệu cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Xa-cha-ri 4: 2 – 6 và 10 cũng hàm ý rằng bảy mắt ấy của Đức Chúa Trời, tức bảy ngọn đèn của giá đèn là Linh. Để trả lời câu hỏi “những điều này là gì?” Câu ấy chép: “Ấy chẳng phải bởi quyền thế, cũng chẳng bởi năng lực, bèn bởi Linh Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (4: 6). Câu này cho thấy chỉ nhờ Linh, chúng ta mới có thể thắng thế trong trong sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng giá đèn trong Xa-cha-ri chương 4 cho thấy một sự phát triển rõ ràng hơn giá đèn trong Xuất Ai Cập Kí chương 25. Tuy nhiên, Xa-cha-ri không phải là một sách tổng kết và chúng ta phải tiếp tục cho tới khi đến với sách cuối cùng của Kinh Thánh là sách Khải Thị.
Trong sách Khải Thị có bảy giá đèn bằng vàng. Sách này cũng cho thấy rằng bảy ngọn đèn là bảy Linh của Đức Chúa Trời và là bảy mắt của Chiên Con (5: 6). Vì thế, giá đèn bao gồm Đức Chúa Trời, Đấng Christ, Linh, Đấng Cứu Chuộc và vật liệu xây dựng.
BỐN PHƯƠNG DIỆN CỦA GIÁ ĐÈN ĐỂ CHÚNG TA KINH
NGHIỆM
Khi xem xét Xuất Ai Cập Kí chương 25, Xa-cha-ri chương 3, 4 và sách Khải Thị, chúng ta thấy bốn phương diện của giá đèn mà chúng ta phải kinh nghiệm. Trước hết, chúng ta phải dự phần trong thể yếu, tức yếu tố vàng của giá đèn. Thứ hai, chúng ta phải kinh nghiệm việc vàng này được tạo thành một hình dáng nhất định – giá đèn. Vàng trong giá đèn không phải là một đống vàng; đúng ra nó được tạo thành một cái giá. Thứ ba, đi kèm với hình dáng, chúng ta phải kinh nghiệm sự biểu lộ của giá đèn qua sự chiếu sáng của bảy ngọn đèn. Thứ tư, có vấn đề tái sản sinh giá đèn. Vì thế, chúng ta phải kinh nghiệm bốn phương diện của giá đèn – yếu tố, hình dáng, sự biểu lộ và sự tái sản sinh.
KINH NGHIỆM YẾU TỐ VÀNG
Tất cả chúng ta đều cần kinh nghiệm yếu tố vàng của giá đèn. Nếu chỉ có một chút vàng thì làm sao có thể tạo nên giá đèn? Chuyện đó không thể xảy ra. Chúng ta có thể tạo ra một chiếc nhẫn nhưng chắc chắn không phải giá đèn. Muốn tạo ra giá đèn, phải có một ta lâng vàng (Xuất. 25: 39). (Một ta lâng vàng bằng khoảng 45 kí-lô gam). Chúng ta cần nhiều vàng hơn, cần Đức Chúa Trời hơn. Nếu muốn có Hội thánh là giá đèn, chúng ta phải thực chất là vàng, tức là thực chất, thể yếu, yếu tố của chính Đức Chúa Trời. Nếu không có thực chất này thì tất cả những cuộc nói chuyện của chúng ta về Hội thánh là vô ích. Tình trạng ngày nay giữa vòng rất nhiều Cơ Đốc nhân thật đáng thương biết bao. Họ có rất ít thực chất của vàng thần thượng, thay vì tìm kiếm thêm thực chất này, họ lại thảo luận về những giáo lí hư không. Dù giáo lí của chúng ta chính xác, đúng đắn, chính thống và hợp Kinh văn, nhưng đó không phải là chính Đức Chúa Trời. Chỉ chính Đức Chúa Trời mới là yếu tố. Chúng ta cần Đức Chúa Trời là yếu tố vàng dường nào!
Đức Chúa Trời là gì? Trong Giăng 4: 24, Chúa Jesus nói rõ: “Đức Chúa Trời là Linh.” Trong nguyên văn Hi lạp không có mạo từ trước từ Linh. Vì vậy, chúng ta không nên nói Đức Chúa Trời là một Linh, nhưng phải nói Đức Chúa Trời là Linh. Nói Đức Chúa Trời là Linh thì cũng như nói cái bàn là gỗ. Cũng như yếu tố của cái bàn là gỗ thì yếu tố của Đức Chúa Trời là Linh. Theo Giăng 4: 24, muốn thờ phượng Đức Chúa Trời, chúng ta phải thờ phượng Ngài trong linh. Thờ phượng Đức Chúa Trời không chỉ là sấp mình trước mặt Ngài mà là đến với Ngài, tiếp xúc Ngài và tiếp nhận Ngài. Theo văn cảnh của Giăng chương 4, thờ phượng Đức Chúa Trời là uống Ngài như là nước hằng sống (c. 14), tức là Linh tuôn đổ vào trong bản thể chúng ta. Làm sao chúng ta có thể tiếp nhận Ngài là nước hằng sống vào trong mình? Chúng ta tiếp nhận Ngài bằng cách mở toàn bản thể ra cho Ngài và bằng cách vận dụng linh. Chúng ta phải tiếp nhận chính Đức Chúa Trời là yếu tố vàng vào trong những nơi sâu thẳm của bản thể chúng ta. Ngày đêm chúng ta cần mở chính mình ra. Đừng bao giờ đóng lại đối với Ngài, hay khép chặt bất cứ phần nào trong bản thể anh em đối với Ngài. Trái lại hãy thưa với Ngài: “Đức Chúa Trời ơi, con hoàn toàn mở ra cho Ngài. Con vận dụng linh để tiếp xúc Ngài là Linh thần thượng. Ô Linh thần thượng, xin vào trong con và dầm thấm con.” Đó là cách để được thêm vàng.
Tất cả chúng ta đều được thêm vàng thì giữa vòng chúng ta không những chỉ có một ta lâng mà có lẽ sẽ có 100 ta lâng. Chúng ta sẽ vô cùng giàu có trong yếu tố thần thượng, trong vật liệu tạo nên giá đèn. Tất cả các anh chị em đều phải đầy dẫy Đức Chúa Trời và chúng ta sẽ thấy vàng ở bất cứ nơi nào mình đến. Khi vào nhà các thánh đồ, ngoài vàng chúng ta sẽ không thấy gì khác. Khi tôi thăm anh chị tôi sẽ thấy vàng. Khi đến với các anh em trẻ, tôi sẽ thấy vàng và khi tiếp xúc với các anh em lớn tuổi, thậm chí tôi còn thấy nhiều vàng hơn nữa. Các chị em không nên có yếu tố gỗ hay bùn mà phải có yếu tố vàng. Tôi luôn luôn cảm thấy xấu hổ khi nghe một số chị em nói chuyện tầm phào. Dù tôi không lên án họ nhưng tôi cảm thấy xấu hổ, vì các chị em trong Hội thánh phải có yếu tố vàng. Một chị em nói tầm phào không thật sự ở trong Hội thánh. Tương tự như vậy, tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi thấy một anh em lời qua tiếng lại với vợ mà không có tình yêu. Vàng trong anh em ấy đâu rồi? Nếu là một anh em trong Hội thánh thì anh phải đầy dẫy vàng. Khi nhìn thấy những điều như vậy, tôi quay đi. Tôi không thích nhìn thấy tình trạng bùn đất của các thánh đồ. Trái lại, tôi rất thích nhìn thấy vàng trong họ. Tất cả chúng ta cần có thêm vàng, Hội thánh phải đầy dẫy vàng, đầy dẫy Đức Chúa Trời. Khi nhìn thấy tình cảnh như vậy, tôi cảm thấy vinh hiển và ở trên tầng trời thứ ba.
KINH NGHIỆM VÀNG ĐƯỢC ĐÁNH DÁT ĐỂ TẠO THÀNH GIÁ ĐÈN
Tuy nhiên, chỉ có một lượng vàng lớn thì vẫn chưa đủ. Chúng ta có thể có 1.000 ta lâng vàng mà vẫn chưa có giá đèn, vì chúng ta có thể chỉ có thực chất mà hiếu hình dáng. Làm sao để có hình dáng? Tất cả những người nghiên cứu Kinh Thánh chính thống đều đồng ý rằng giá đèn được tạo ra bằng cách đánh dát vàng. Một anh em có thể có 5 kí-lô gam vàng, một anh em khác có thể có 3 kí-lô gam vàng và một anh em nữa có thể có 2 kí-lô gam vàng. Làm sao tất cả số vàng ấy có thể tạo thành một cái giá? Cách duy nhất là cùng bị đánh dát với nhau. Tất cả vàng phải được đem lại với nhau thành một. Điều này chỉ về sự xây dựng. Trước hết, chúng ta cần có thực chất và sau đó cần được xây dựng bằng cách đánh dát. Chúa sẽ xấu hổ nếu ngày nay Ngài không thể thấy sự xây dựng nào. Nhiều người tranh luận với tôi về Hội thánh, chất vấn làm sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta là Hội thánh còn họ thì không. Nhưng vấn đề là: đâu là sự xây dựng? Thậm chí, anh em có thể có rất nhiều vàng, nhưng nếu không có hình dáng bằng cách xây dựng thì anh em không có giá đèn. Điều này có nghĩa là anh em có thể giàu về vàng, nhưng nghèo về giá đèn, tức là sự xây dựng.
Nếu muốn có giá đèn, anh em phải cùng được đánh dát với những người khác. Anh em cần buông bỏ lí lịch của mình. Đừng nói: “Đây là vàng của tôi, tôi thuộc linh.” Nói về giá đèn, anh em mà lấy thuộc linh làm mục tiêu thì điều đó thật là vô nghĩa. Kinh nghiệm và vui hưởng của anh em về Đức Chúa Trời phải được đánh dát với kinh nghiệm và vui hưởng của những người khác. Vàng của chúng ta phải được đem lại với nhau, chịu đánh dát và được xây dựng thành một thực thể, thành một đơn vị. Khi ấy chúng ta không những có vàng mà còn được xây dựng thành giá đèn bằng vàng. Ấy là Hội thánh.
Đức Chúa Trời không muốn có hàng trăm đơn vị vàng riêng lẻ. Ngài muốn gom tất cả vàng lại lại và đánh dát vàng thành hình giá đèn. Sự xây dựng cần thiết biết bao! Nếu đã nhìn thấy sự xây dựng, chúng ta sẽ không bao giờ cá nhân chủ nghĩa. Trái lại, chúng ta sẽ nhận thức rằng bất cứ điều gì chúng ta giành được hay nhận được từ yếu tố thần thượng đều để xây dựng giá đèn. Vì ước muốn của Đức Chúa Trời là xây dựng nên chúng tôi chia sẻ nhiều bài giảng rằng chúng ta cần Đức Chúa Trời trong Christ làm thực chất để chúng ta có thể được xây dựng với nhau. Có một lượng vàng lớn và nhờ đó trở nên giàu có trong Đức Chúa Trời là điều tốt. Nhưng anh em vẫn còn riêng lẻ hay đã là một phần của thực thể tập thể? Chúng ta cần sự xây dựng.
KINH NGHIỆM BẢY NGỌN ĐÈN LÀ SỰ BIỂU LỘ
Dù chùng ta có thể có vàng, chịu đánh dát chúng với nhau và được xây dựng thành một giá đèn, nhưng chúng ta vẫn cần bảy ngọn đèn, tức bảy Linh của Đức Chúa Trời là sự biểu lộ. Nếu không có bảy Linh của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không thể chiếu ra để biểu lộ Đức Chúa Trời. Dù già hay trẻ, hằng ngày chúng ta vẫn cần đầy dẫy Linh tăng cường gấp bảy của Đức Chúa Trời. Mỗi khi được đầy dẫy Linh tằng cường gấp bảy của Đức Chúa Trời, chúng ta sống động và chiếu sáng. Vì được đầy dẫy bảy Linh của Đức Chúa Trời nên chúng ta đầy dẫy pneuma thần thượng gấp bảy nên chúng ta không bao giờ có thể giống như bánh xe xẹp. Không gì có thể đè bẹp chúng ta. Vì được đầy dẫy Linh của Đức Chúa Trời nên càng bị đè nén chùng ta càng bật lên cao. Tôi có thể làm chứng rằng càng gặp khó khăn, tôi càng trỗi dậy cao hơn. Nhiều khi những người khác khuyên tôi dừng chia sẻ điều gì đó, nhưng tôi không thể không chia sẻ những điều ấy vì tôi được đầy dẫy bảy Linh của Đức Chúa Trời. Có người từng hỏi tôi rằng: “Sao anh lại sống động, tươi mới và luôn xanh tươi như vậy? Xin cho tôi bí quyết của anh?” Bí quyết của tôi là có Linh.
Anh em không cần chuẩn bị chính mình để thi hành chức năng trong các buổi nhóm. Nếu làm như vậy chức năng của anh em chỉ là trình diễn. Thi hành chức năng đơn giản là trở thành những gì anh em là. Đôi khi, các anh em dẫn dắt mạnh mẽ khích lệ thánh đồ thi hành chức năng trong các buổi nhóm cầu nguyện. Nhưng tất cả những chức năng đó không phải là chức năng đích thực mà chỉ là trình diễn, vì các thánh đồ không đầy dẫy Linh. Trái lại họ xẹp lép như bánh xe xì hơi. Họ đã xẹp trước khi đến buổi nhóm. Nhưng những anh em dẫn dắt có thể vẫn cứ đòi các bánh xe xì hơi ấy chuyển động chút ít trong buổi nhóm cầu nguyện. Loại hoạt động như vậy không xuất phát từ pneuma đổ đầy bên trong và nội cư, mà đến từ sự thúc đẩy của các trưởng lão. Sau khi một anh em hay chị em bị ép buộc thi hành chức năng, người ấy không thể cầu nguyện trong hai tuần. Tôi có thể làm chứng điều này từ kinh nghiệm bản thân. Thúc đẩy không giúp ích được gì. Khi bánh xe bị xì hơi thì tốt hơn là để nó yên, vì anh em càng lăn, nó sẽ càng hư. Tuy nhiên không ai trong chúng ta nên là bánh xe xì hơi. Thay vào đó chùng ta phải đầy dẫy pneuma. Chúng ta có một “trạm” trên tầng trời thứ ba và luôn luôn có thể được đổ đầy pneuma thuộc trời. Khi được đầy dẫy Linh, chúng ta có thể thi hành chức năng bất cứ lúc nào. Thi hành chức năng như vậy không phải là trình diễn mà là nếp sống của chúng ta. Khi tôi được đầy dẫy và sôi sục Linh thì tôi xông xáo và trẻ trung. Thậm chí, tôi có thể giảng cho các quỷ. Nếu ma quỷ đến với tôi thì tôi sẽ giảng cho hắn một bài. Khi tất cả chúng ta đều được đầy dẫy Linh tăng cường gấp bảy của Đức Chúa Trời trong Hội thánh được xây dựng thì Linh gấp bảy ấy của Đức Chúa Trời sẽ trở nên chính sự biểu lộ của Đức Chúa Trời trong Christ.
SỰ TÁI SẢN SINH CỦA GIÁ ĐÈN
Bây giờ chúng ta đến với phương diện thứ tư về kinh nghiệm giá đèn: sự tái sản sinh. Trong cả Xuất Ai Cập Kí lẫn sách Xa-cha-ri, giá đèn là duy nhất. Nhưng trong sách kết luận này có bảy giá đèn tượng trưng cho bảy Hội thánh địa phương. Điều này cho thấy rằng Đấng Christ, như được tượng trưng bởi giá đèn trong Xuất Ai Câp Kí và Linh của Đức Chúa Trời như được tượng trưng bởi bảy ngọn đèn của giá đèn trong sách Xa-cha-ri, không chỉ để sản sinh Hội thánh hoàn vũ mà còn tái sản sinh các Hội thánh địa phương. Một giá đèn được tái sản sinh thành bảy giá đèn. Tất cả các Hội thánh địa phương như nhiều giá đèn chính là sự tái sản sinh của Đấng Christ và Linh như giá đèn. Nhưng nhà phê bình càng chống đối các Hội thánh địa phương thì sẽ càng có thêm sự tái sản sinh. Sự chống đối chỉ mở đường cho sự tái sản sinh. Đừng quan tâm đến sự chống đối. Chỉ cần quan tâm đến chất liệu, sự xây dựng và biểu lộ. Càng có ba điều này, chúng ta sẽ càng thấy sự tái sản sinh. Sự tái sản sinh này là gì? Đó thật ra là gia tăng sự biểu lộ kì diệu của Đấng Christ như Linh Ban sự sống một cách thực tiễn. Đây chính là sự tái sản sinh của Hội thánh. Tôi vui mừng nói rằng tôi tin chắc sự tái sản sinh sẽ mở đường để Chúa trở lại. Bởi sự tái sản sinh như vậy, Chúa sẽ có được bàn đạp để đặt chân hầu trở lại sở hữu cả trái đất.