SỰ CẤT LÊN CỦA TÍN ĐỒ (2)
I. SỰ CẤT LÊN CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐẮC THẮNG
C. Các sự kiện
1. Một người được cất đi còn người kia bị bỏ lại
Trong Ma-thi-ơ 24: 39 – 42, chúng ta thấy sự kiện cất lên. Câu 40 và 41 chép: “Lúc ấy sẽ có hai người nam ở ngoài đồng, một được đem đi, một bị để lại. Hai người nữ đang xay cối, một được đem đi, một bị để lại.” Ở đây, chúng ta thấy hai anh em ở ngoài đồng và hai chị em xay cối. Một trong hai anh em và một trong hai chị em được cất đi, còn hai người kia bị bỏ lại. Một số người giữa vòng chúng ta, đặc biệt là những người trẻ, có thể yêu mến Chúa và nghĩ rằng họ không cần quan tâm đến cuộc sống con người của mình. Nhưng trong câu này, chúng ta thấy hai anh em làm việc ngoài đồng và hai chị em xay cối. Đây là công việc để kiếm sống. Hễ còn sống trên đất, chúng ta vẫn không thể bỏ qua nhu cầu ăn uống. Chúng ta phải làm việc để có ăn. Vì vậy, nếu thực sự yêu mến Chúa, anh em phải nhận thức rằng trong khi yêu mến Chúa, anh em vẫn phải kiếm sống cho bản thân. Trong khi hai người làm việc ở ngoài đống để kiếm sống, một người được cất đi còn người kia bị bỏ lại. Bề ngoài họ có vẻ như nhau, nhưng bề trong thì khác nhau. Nếu đọc văn cảnh, anh em sẽ nhận thấy rằng một người thức canh và sẵn sàng còn người kia thì không. Trong khi một người chuẩn bị sẵn sàng thì người kia lại không tỉnh thức.
2. Người con trai được tiếp lên đến Đức Chúa Trời
Sự kiện những người đắc thắng được cất lên cũng được thấy trong Khải Thị 12: 5. Câu ấy chép: “Nàng sinh một con trai, người con trai, con trai ấy sẽ dùng gậy sắt mà chăn muôn dân; con trẻ ấy bèn được tiếp lên đến Đức Chúa Trời và đến nơi ngai Ngài.” Xin lưu ý rằng người con trai không được tiếp lên không trung nhưng được tiếp lên đến ngai Đức Chúa Trời. Ngai Đức Chúa Trời ở tầng trời thứ ba. Sự cất lên ấy sẽ xảy ra trước thời kì 3 năm rưỡi (12: 6, 14).
3. Một trăm bốn mươi bốn ngàn người trở nên trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên con.
Sự kiện cất lên cũng được thấy trong 14: 1 – 5, tại đó chúng ta đọc thấy 144. 000 người trở nên trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên con. Là trái đầu mùa họ được đem vào nhà Đức Chúa Trời, tức đền thờ của Đức Chúa Trời trên các tầng trời chứ không phải đến không trung. Một trăm bốn mươi bốn ngàn người sẽ được cất lên Si-ôn trên các tầng trời trước khi Anti-christ bắt buộc người ta thờ lạy hắn trong suốt đại nạn.
Những sự kiện liên quan đến vấn đề những người đắc thắng được cất lên không thể nào chối cãi được. Người ở ngoài đồng và người xay cối được cất đi trước những người khác, người con trai được cất lên ngai Đức Chúa Trời trước 3 năm rưỡi cuối và trái đầu mùa được cất đi trước vụ mùa. Không ai có thể nói rằng vụ mùa sẽ được cất cùng lúc với trái đầu mùa. Như Khải Thị chương 14 nêu rõ, trái đầu mùa được cất lên trước rồi mới tới mùa gặt.
D. Thời điểm
Bây giờ, chúng ta đến với thời điểm cất lên của những người đắc thắng. Theo Khải Thị 3: 10, sự cất lên sẽ xảy ra trước “giờ thử thách.” Hơn nữa, chương 12 cho thấy rằng người con trai sẽ được cất lên ngai Đức Chúa Trời trước 3 năm rưỡi cuối cùng, tức là trước đại nạn (12: 5 – 6, 14, 17). Hơn nữa, 144. 000 trái đầu mùa sẽ đứng trên núi Si-ôn trước khi Anti-christ ép buộc người ta thờ lạy hắn và hình tượng hắn trong thời kì đại nạn (14: 1 – 5, 9 – 12). Nếu đọc kĩ chương 14, anh em sẽ thấy rằng sau khi trái đầu mùa được cất lên núi Si-ôn trên trời thì ở trên đất, Anti-christ sẽ dựng hình tượng hắn trong đền thờ và ép buộc người ta thờ hình tượng ấy. Nếu tin Kinh Thánh, anh em không thể nào chối cãi điều này. Nếu tin những gì Kinh Thánh nói, chúng ta phải thừa nhận rằng một số Cơ Đốc nhân sẽ được cất lên tấng trời thứ ba, chứ không phải đến không trung, trước khi Anti-christ bắt bớ dân của Đức Chúa Trời.
A. Nơi chốn
1. Đứng trước mặt Con Loài Người
Nơi mà những người đắc thắng sẽ được cất lên là trước mặt Con Loài Người trên các tầng trời (Lu. 21: 36). Vào thời điểm cất những người đắc thắng lên, Đấng Christ vẫn chưa rời khỏi trời để xuống không trung, huống chi là xuống trái đất. Những người đắc thắng mà thắng cái bẫy của ma quỷ, sẽ đứng trước mặt Con Loài Người trên các tầng trời.
2. Được cất lên đến ngai của Đức Chúa Trời
Như 12: 5 cho thấy, người con trai sẽ được cất lên đến ngai của Đức Chúa Trời trên các tầng trời. Có lẽ hầu hết Cơ Đốc nhân đều biết 1Tê-sa-lô-sa-ni-ca chương 4 nói rằng những người còn sống và ở lại sẽ được cất lên không trung. Nhưng ở đây, chúng ta thấy rằng người con trai được cất lên đến ngai Đức Chúa Trời trên các tầng trời.
3. Đứng trên núi Si-ôn
Sự kiện trái đầu mùa sẽ đứng trên núi Si-ôn trên các tầng trời cũng chứng minh rằng nơi chốn mà những người đắc thắng sẽ được cất lên chính là các tầng trời. Tất cả các câu này cho thấy rằng những người đắc thắng sẽ không được cất lên không trung mà lên tầng trời thứ ba. Vì vậy, về thời điểm và nơi chốn, việc cất những người đắc thắng lên hoàn toàn khác với sự cất lên của phần lớn tín đồ.
B. Các điều kiện
1. Thức canh và cầu nguyện luôn luôn
Bây giờ, chúng ta đến với các điều kiện về sự cất lên của những người đắc thắng. Nói đến điều kiện, chúng tôi có ý nói về những đòi hỏi và cái giá chúng ta phải trả để được cất lên sớm. Trước hết, chúng ta phải luôn luôn thức canh và cầu nguyện (Lu. 21: 36). Luôn luôn thức canh và cầu nguyện không có nghĩa là chúng ta chỉ cầu nguyện mà không làm việc, ngủ hay ăn. Điều này có nghĩa là trong khi làm việc, chúng ta có một linh cầu nguyện và liên tục cầu nguyện. Cầu nguyện liên tục như vậy không đòi hỏi chúng ta phải ngưng làm việc. Nếu anh em không thể cầu nguyện trong khi làm việc thì sự cầu nguyện của anh em chắc hẳn là không đích thực mà chỉ là một sự biểu diễn tôn giáo, hình thức. Sự cầu nguyện tốt nhất là trong khi bận rộn làm việc, anh em vẫn liên tục ngửa trông Chúa với một linh sống động. Đó là sự cầu nguyện thật và đích thực. Tất cả chúng ta đều có thể liên tục cầu nguyện. Tôi cầu nguyện thậm chí trong khi nói chuyện. Trong khi tương giao với người khác, anh em nên cầu nguyện. Chúng ta cần làm những người cầu nguyện với một linh cầu nguyện. Chúng ta cần cầu nguyện luôn luôn. Cầu nguyện luôn luôn có nghĩa là như vậy.
2. Thức canh và sẵn sàng
Điều kiện thứ hai là chúng ta phải thức canh và sẵn sàng (Mat. 24: 40 – 44; Lu. 12: 35 – 40). Chúng ta phải có khả năng nói: “Chúa ơi, con bận làm việc, nhưng sẵn sàng ra đi. Chúa ơi, con ở đây chùi rửa những đồ đạc và sắp đặt chúng ngăn nắp, nhưng con không muốn sống mãi ở đây. Chúa ơi, con sẵn sàng được cất lên.” Anh em có thể nói với Chúa như vậy không? Sẵn sàng không có nghĩa là chúng ta ngừng công việc và không làm gì cả. Trong thế kỉ qua, một số người đã làm như vậy. Một giáo sư nọ bảo rằng vào một thời điểm nào đó Đấng Christ sẽ đến. Sau khi nghe như vậy, họ tắm rửa sạch sẽ, mặc vào bộ áo trắng và không làm gì cả ngoại trừ cầu nguyện. Đó không phải là cách đúng đắn chờ đợi Chúa trở lại. Cách đúng đắn là sống một đời sống bình thường. Không chỗ nào trong Kinh Thánh bảo chúng ta tắm rửa, mặc áo trắng và chờ Chúa trở lại. Trái lại, Chúa Jesus nói rằng không người nào biết thời điểm. Như trường hợp hai anh em làm việc ngoài đồng, họ hết sức ngạc nhiên khi một người bất chợt được cất đi còn người kia bị bỏ lại.
Chúng ta đừng hiểu Kinh Thánh theo quan niệm con người của mình. Nhiều Cơ Đốc nhân quan tâm đến việc Chúa trở lại có quan niệm rằng vì Chúa sắp đến nên tốt hơn là họ không nên làm gì cả. Không, mọi sự đều tùy thuộc vào việc có một nếp sống bình thường và liên tục tiếp xúc với Chúa bằng một linh sống động. Hãy thưa với Chúa rằng: “Chúa ơi, con không có ràng buộc gì trên đất. Con sẵn sàng ra đi bất cứ khi nào Ngài muốn đem con đi.” Cách thức canh và sẵn sàng là như vậy.
3. Yêu mến sự hiện ra của Chúa
Điều kiện thứ ba là yêu mến sự hiện ra của Chúa. Trong 2 Ti-mô-thê 4: 8, Phao-lô nói: “Từ rày về sau mũ miện công chính đã để dành cho ta, Chúa là quan án công chính sẽ ban mũ ấy cho ta trong ngày đó, chẳng những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện ra của Ngài nữa.” Phao-lô nói rằng vương miện công chính đã để dành cho tất cả những người yêu mến sự hiện ra của Chúa. Chúng ta phải nói với Chúa rằng: “Chúa Jesus ơi, con yêu Ngài và yêu sự hiện ra của Ngài.” Tuy nhiên, yêu sự hiện ra của Chúa không có nghĩa là chúng ta không nên sống một nếp sống bình thường. Trái lại càng yêu sự hiện ra của Ngài thì ngày nay chúng ta càng cần sống một đời sống bình thường.
4. Giữ lời nhẫn nại của Chúa
Một điều kiện khác nữa là lời nhẫn nại của Chúa (Khải 3: 10). Muốn làm chứng cớ của Jesus, chúng ta phải giữ lời trong Kinh Thánh. Nhưng nếu làm như vậy, chúng ta sẽ bị bắt bớ. Suốt nhiều thế kỉ, các thánh đồ bị bắt bớ và tử đạo vì trung tín với lời Chúa. Ngày nay, chúng ta cũng phải trung tín với lời Chúa. Chúng ta không theo truyền thống cũng không quan tâm đến tôn giáo. Chúng ta chỉ quan tâm đến lời Chúa là lời nhẫn nại của Ngài. Do đó, chúng ta đang chịu bắt bớ. Để có khả năng chịu bắt bớ, chúng ta cần sự nhẫn nại của Chúa. Chúng ta phải bền chịu sự bắt bớ của tôn giáo. Lời chúng ta giữ chính là lời nhẫn nại của Chúa.
5. Đắc thắng và giữ công việc của Chúa
Cuối cùng nếu muốn tham dự vào sự cất lên đầu tiên, chúng ta phải đắc thắng Cơ Đốc giáo và giữ công việc của Chúa. Trong 2: 26, Chúa phán với những người ở Thi-a-ti-rơ rằng: “Kẻ đắc thắng và giữ công việc Ta đến cùng, Ta sẽ ban cho uy quyền trên các dân.” Không ai có thể chối cãi sự kiện là giáo hội Thi-a-ti-rơ đã phủ nhận công tác của Chúa. Công tác của Chúa là gì? Thứ nhất là sự chết của Ngài trên thập tự giá, Thi-a-ti-rơ thậm chí cũng phủ nhận điều này, vì giáo hội ấy không dạy người ta tin vào sự chết của Chúa để được cứu rỗi. Thay vào đó Thi-a-ti-rơ dạy người ta cầu nguyện với các thánh nào đó, dâng hiến tiền bạc, cư xử tốt và thậm chí chịu khổ. Khi làm như vậy, không những người trong giáo hội Thi-a-ti-rơ đã từ bỏ công việc của Chúa trong sự kiện Ngài chịu đóng đinh để cứu chuộc chúng ta. Giáo hội này cũng phủ nhận sự phục sinh của Chúa và hoàn toàn quên đi những gì Chúa đã thực hiện. Thi-a-ti-rơ thậm chí còn dạy rằng nhờ dâng tiền mà người ta có thể rút ngắn thời gian người thân của họ ở trong ngục luyện tội. đây là một ví dụ về việc bỏ qua những gì Chúa đã thực hiện qua sự phục sinh của Ngài. Trong thứ gửi cho Thi-a-ti-rơ, Chúa dường như muốn nói rằng: “Các con phải đắc thắng Thi-a-ti-rơ mà giữ các công việc Ta. Các con phải giữ tất cả những gì Ta đã thực hiện cho các con. Các con không được thờ lạy Ma-ri mà phải giữ lấy sự cứu chuộc, sự thăng thiên và sự nội cư của Ta. Những điều đó là công việc của Ta. Đừng trông cậy vào việc thiện của mình, tức những việc như dâng hiến, cầu nguyện với các thánh, kiêng ăn và chịu khổ.” Tuy nhiên, bất chấp lời Chúa, những người Thi-a-ti-rơ vẫn không chịu giữ công việc của Ngài.
Chúng ta phải đắc thắng giáo hội Thi-a-ti-rơ thuộc ma quỷ và giữ tất cả những gì Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ thờ lạy Ma-ri. Dù bà là một chị em và chúng ta phải gọi bà là như vậy, nhưng đừng bao giờ xưng bà là “Đức Mẹ Ma-ri.” Bà không phải là mẹ của Đức Chúa Trời, thật là khủng khiếp khi nói rằng bà là mẹ của Đức Chúa Trời. Thi-a-ti-rơ dạy rằng Đấng Christ là con của Ma-ri, nhưng trong thư gửi cho Thi-a-ti-rơ, Chúa Jesus nói Ngài là con của Đức Chúa Trời (2: 18). Vì Thi-a-ti-rơ bỏ qua công tác của Đấng Christ nên những người trong giáo hội này sẽ không được cất lên trước đại nạn. Trái lại theo Khải Thị 17: 16, Đức Chúa Trời sẽ dùng Anti-christ và 10 vua của hắn giết hại nhiều người trong Thi-a-ti-rơ. Trong 2: 23, Chúa Jesus nói với những người ở Thi-a-ti-rơ rằng: “Ta sẽ lấy sự chết mà giết con cái nó.” Vì thế, họ sẽ không được cất lên. Chúng ta phải đắc thắng Thi-a-ti-rơ suy hoái và hoàn toàn trở về với công việc của Chúa Jesus, tức Đấng đã chết vì chúng ta, đã phục sinh và thăng thiên và Ngài sẽ trở lại vì chúng ta. Chúng ta phải giữ công việc của Ngài cho đến cùng.
II. SỰ CẤT LÊN CỦA PHẦN LỚN TÍN ĐỒ
Bây giờ, chúng ta đến với vấn đề cất lên của phần lớn tín đồ
A. Sự kiện
Sự kiện cất lên của phần lớn tín đồ là “mùa gặt được gặt” (14: 14 – 16). Trong 14: 1 – 5, chúng ta thấy trái đầu mùa được đem đến núi Si-ôn trên các tầng trời. Trong các câu từ 6 đến 13 có sự bắt bớ bởi Anti-christ là kẻ dựng lên hình tượng của hắn và ép buộc người ta thờ hình tượng ấy. Sau đó chúng ta được cho biế là vụ mùa chín. Vì thế, theo Khải Thị chương 14, có hai loại cất lên: sự cất lên của trái đầu mùa và sự cất lên của vụ mùa.
B. Những người được cất lên
1. Các thánh đồ được sống lại
Những người được cất lên trong sự cất lên của đại đa số tín đồ trước hết là những thánh đồ được sống lại (1 Tê. 4: 15; 1 Cô. 15: 23). 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4: 15 nói rằng những người “sống, còn ở lại cho đến khi Chúa hiện đến, thì hẳn chẳng đi trước những kẻ đã ngủ.” Khi tiếng kèn cuối cùng, tiếng kèn thứ bảy được thổi lên thì các thánh đồ đã chết sẽ sống lại và sẽ được cùng cất lên không trung với các thánh đồ đang còn sống để gặp Chúa tại đó.
2. Các tín đồ còn sống và ở lại
1 Tê-sa-lô-ni-ca 4: 15 và 17 đề cập đến những người “sống, còn ở lại.” Cụm từ này nói lên rất nhiều điều, vì điều này hàm ý rằng sẽ có những người sống không còn ở lại trên đất nữa. Nếu không như vậy thì sứ đồ Phao-lô đã không bao giờ dùng từ ở lại, mà chỉ dùng từ còn sống. Điều này cho thấy rằng những thánh đồ còn sống gồm có hai loại: những người còn sống nhưng không ở lại trên đất và những người còn sống mà vẫn ở lại trên đất. Những người còn sống và không ở lại chính là những người đã được cất lên rồi. Lúc đó, một số thánh đồ còn sống đã được cất lên ngai Đức Chúa Trời trên tầng trời thứ ba rồi.
C. Thời điểm
1. Vào lúc tiếng kèn chót
Thời điểm cất phần lớn tín đồ lên là vào lúc tiếng kèn chót, tức tiếng kèn thứ bảy lúc gần cuối đại nạn (1 Cô. 15: 52; 1 Tê. 4: 16; Khải. 10: 7; 11: 14 – 15). Một số người nói rằng tiếng kèn chót trong Tê-sa-lô-ni-ca chương 4 và 1 Cô-rinh-tô chương 15 không phải là tiếng kèn thứ bảy trong Khải Thị chương 11, mà là một tiếng kèn khác, có lẽ tương tự như tiếng kèn được thổi lên để di chuyển quân đội Do-thái. Đây là cách giải nghĩa lạ. Tôi không biết làm sao người ta có thể chấp nhận lời giải nghĩa như vậy, vì đó không phải là cách giải nghĩa theo Kinh Thánh. Khi viết 1 Cô-rinh-tô 15, sứ đồ Phao-lô đề cập đến tiếng kèn chót. Anh em có tin rằng ông có ý muốn nói về tiếng kèn cuối cùng của quân đội Do-thái không? Thật là ngớ ngẩn! Người ta lấy đâu ra quan niệm như thế? Thật là một cách giải nghĩa Kinh Thánh sai lầm! Một số người đưa ra cách giải nghĩa như vậy vì họ dạy rằng tất cả thánh đồ đều sẽ được cấ lên trước đại nạn. Nhưng họ biết rằng tiếng kèn chót, tức tiếng kèn thứ bảy, sẽ được thổi gần cuối đại nạn. Vì thế, để nói rằng tất cả các thánh đồ đều sẽ được cất lên trước đại nạn, họ phải nói rằng tiếng kèn chót trong 1 Cô-rinh-tô chương 15 và 1 Tê-sa-lô-ni-ca chương 4, phải khác với tiếng kèn thứ bảy và là tiếng kèn chót trong sách Khải Thị. Họ né tránh lẽ thật trong Kinh Thánh cho thấy rằng phần lớn tín đồ sẽ được cất lên vào thời điểm thổi tiếng kèn thứ bảy, tức tiếng kèn chót; sự kiện này sẽ xảy ra gần cuối đại nạn Đây là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng phần lớn tín đồ sẽ trải qua gần cuối đại nạn. Vì vậy, giảng dạy rằng tất cả các tín đồ sẽ được cất lên trước đại nạn là hoàn toàn không phù hợp với Kinh Thánh.
2. Sau khi người đại tội là Anti-christ lộ diện
Việc cất phần lớn tín đồ lên sẽ xảy ra sau khi người đại tội là Anti-christ lộ diện (2 Tê. 2: 1 – 4). 2 Tê-sa-lô-ni-ca chương 2 cho chúng ta một nền tảng vững chắc để nói rằng việc cất phần lớn tín đồ lên sẽ xảy ra vào cuối đại nạn. Phân đoạn Lời này nói rõ rằng trước khi các thánh đồ được cất lên, người đại tội là Anti-christ sẽ lộ diện và hắn sẽ ngồi trong đền thờ của Đức Chúa Trời mà “tự xưng là Đức Chúa Trời” (2 Tê. 2: 4). Sự thờ hình tượng này sẽ xảy ra trước khi phần lớn tín đồ được cất lên. Mỗi khi những người trong nhóm của Newton trưng dẫn những câu này ra cho những người trong nhóm của Darby thì những người trong nhóm Darby bị bối rối. Darby dạy rằng tất cả tín đồ đều sẽ được cất lên trước đại nạn, nhưng như nhóm của Newton đã chỉ ra, trước hết Anti-christ phải lộ diện, lập hình tượng của hắn trong đền thờ và ép buộc người ta thờ lạy hình tượng ấy rồi Chúa mới đến và các thánh đồ mới nhóm hiệp lại với Ngài. Mỗi khi phần Lời này được chỉ ra thì các giáo sư dạy rằng tất cả tín đồ đều sẽ được cất lên trước đại nạn đành phải ngậm miệng.
3. Sau khi con thú là Anti-christ ép buộc người ta thờ lạy hắn và hình tượng của hắn trong đại nạn
Việc cất phần lớn tín đồ lên sẽ xảy ra sau khi con thú là Anti-christ ép buộc người ta thờ lạy hắn và hình tượng hắn và hình tượng hắn trong đại nạn (14: 9 – 16). Điều này được thấy rõ trong Khải Thị chương 14.
4. Sau khi Sa-tan giao chiến với phần còn lại của dân Đức Chúa Trời
Sự cất lên này cũng sẽ xảy ra sau khi Sa-tan là con rồng lớn giao chiến với phần còn còn lại của dân Đức Chúa Trời vào thời điểm đại nạn (12; 17, 14, 5). Điều này sẽ xảy ra sau khi người con trai được cất lên. Theo Khải Thị chương 12, người con trai sẽ được cất lên đến ngai Đức Chúa Trời trước 3 năm rưỡi cuối. Khoảng 3 năm rưỡi sau, phần lớn dòng dõi của người nữ sẽ được cất lên. Điều này có nghĩa là sau khi người con trai được cất lên thì phần còn lại của dòng dõi người nữ sẽ bị Sa-tan bắt bớ. Do đó, phần lớn tín đồ vẫn còn ở lại trên đất và sẽ được cất lên vào cuối đại nạn.
5. Vào thời kì chung kết thời đại
Việc cất đa số tín đồ lên sẽ xảy ra vào “kì chung kết thời đại” (Mat. 13: 39). Kì chung kết thời đại là cuối đại nạn. Theo Ma-thi-ơ 13: 39, thời kì này sẽ là mùa gặt. Đấng Christ đã đến gieo hạt giống vào ruộng để sản sinh vụ mùa cho Đức Chúa Trời. Vụ mùa ấy sẽ được gặt vào kì chung kết thời đại này. Kì chung kết thời đại này sẽ là 3 năm rưỡi. Bắt đầu từ thời điểm tái thiết thành Giê-ru-sa-lem một khoảng thời gian 70 tuần lễ được ấn định. Sáu mươi chín tuần lễ đầu tiên, kéo dài từ khi có sắc lệnh tái thiết Giê-ru-sa-lem đến điểm Đấng Christ chịu đóng đinh, bao trùm một khoản thời gian là 483 năm. Sau khi Đấng Christ chịu đóng đinh thì sẽ có một khoảng trống dài. Cuối cùng, khoảng trống ấy sẽ bị đóng lại, và tuần lễ cuối cùng tức 7 năm cuối sẽ bắt đầu. Nửa sau của tuần lễ cuối này sẽ là sự chung kết của thời đại Tân Ước mà thời đại ấy kéo dài từ thập tự giá đến cuối đại nạn. Không ai biết khoảng trống giữa sự đóng đinh của Đấng Christ đến thời điểm bắt đầu tuần lễ thứ 70 sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng Đa-ni-ên chương 9 cho thấy rõ rằng cuối thời đại sẽ là 7 năm của của tuần lễ cuối. Thời kì chung kết thời đại sẽ là nửa sau của 7 năm ấy. Khi gần mãn 3 năm rưỡi đầu, phần lớn các thánh đồ sẽ được cất đi. Những người đắc thắng sẽ được cất lên vào một thời điểm nào đó trước 3 năm rưỡi cuối. Không ai biết thời điểm của sự kiện này. Tuy không ai biết thời điểm cất lên của những người đắc thắng, nhưng thời điểm cất lên của đa số tín đồ thì có thể biết được, vì chúng ta được biết rằng đó sẽ là lúc tiếng kèn thứ bảy thổi lên, tức là vào thời điểm gần cuối đại nạn.
D. Nơi chốn
Bây giờ, chúng ta đến với nơi chốn mà phần lớn tín đồ sẽ được cất lên. 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4: 17 cho thấy rằng nơi chốn là “trên không trung.” Và Khải Thị 14: 14 – 16 cho biết đó sẽ là “trên đám mây.” Những người đắc thắng sẽ được cất lên đến ngai, đến hiện diện của Con Loài Người trên tầng trời thứ ba. Nhưng 1 Tê-sa-lô-ni-ca chương 4 cho biết rõ rằng phần lớn tín đồ sẽ được cất lên không trung và Khải Thị chương 14 cho thấy vụ mùa sẽ được gặt đem đến đám mây. Bấy giờ, Đấng Christ sẽ không còn mặc đám mây nữa mà ngồi trên đám mây trong không trung.
E. Điều kiện
Điều kiện cất lên của phần lớn thánh đồ là mùa gặt phải chín. Khải Thị 14: 15 chép: “Có một thiên sứ khác từ đền thờ ra, lớn tiếng kêu Đấng ngồi trên mây mà rằng: Hãy đưa lưỡi liềm của Ngài ra mà gặt đi, vì giờ gặt đã đến, mùa màng của đất đã chín khô rồi.” Vì thế, chín là điều kiện để cất lên của đa số tín đồ.
III. HAI SỰ CẤT LÊN KHÁC
Ngoài hai sự cất lên này, tức sự cất lên của những người đắc thắng và sự cất lên của phần lớn tín đồ thì còn lại hai loại cất lên khác: sự cất lên của hai chứng nhân (11: 12) và sự cất lên của các thánh đồ đắc thắng con thú, hình tượng hắn và số của tên hắn (15: 2).