buy tamoxifen citrate
tamoxifen for
men SỰ CẤT LÊN CỦA TÍN ĐỒ
Trong một thế kỉ rưỡi qua sự cất lên của các thánh đồ là một vấn đề gây bối rối cho nhiều Cơ Đốc nhân tìm kiếm. Chủ yếu có ba trường phái hiểu khác nhau về sự cất lên; trường phái tiền đại nạn, trường phái hậu đại nạn và trường phái được gọi là cất lên một phần. Những người thuộc trường phái cất lên một phần nói rằng những người đắc thắng sẽ được cất lên sớm hơn đại đa số tín đồ. Trong mỗi trường phái đều có một số thánh đồ rất thuộc linh biết khá rõ về Kinh Thánh. Vì những ý kiến xung đột này nên đã có nhiều cuộc tranh cãi về sự cất lên. Không lâu sau khi được cứu, tôi bắt đầu nghiên cứu lời tiên tri và kết quả là tôi trở nên rất quen thuộc với tất cả những trường phái này. Với những thành quả có được sau nhiều năm nghiên cứu, quan sát và suy gẫm, trong bài này và bài sau, tôi muốn trình bày đôi lời rõ ràng và đơn giản về sự cất lến theo lời thuần khiết của Kinh Thánh. Chúng ta hãy quên đi tất cả những trường phái và chỉ quan tâm đến Lời thuần khiết.
I. SỰ CẤT LÊN CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐẮC THẮNG
Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy hai phương diện của sự cất lên: sự cất lên của những người đắc thắng và sự cất lên của phần lớn thánh đồ. Sự cất lên có hai phương diện không có nghĩa là có hai sự cất lên. Đối với vấn đề cất lên của những người đắc thắng có ít nhất ba loại: chẳng hạn, sự cất lên của trái đầu mùa khác với sự cất lên của người con trai. Người con trai (12: 5) bao gồm những người đắc thắng đã chết trong sự phục sinh, còn trái đầu mùa (14: 1 – 5) là những người đắc thắng đang còn sống, tức những người chưa từng trải qua sự chết. Khi đến với chương 12, chúng ta sẽ nhận thấy rằng người con trai, cũng như người nữ mặc mặt trời, là một biểu tượng. Người con trai trong sách Khải Thị được sinh ra, được sản sinh trong sự sinh ra. Hãy suy xét về Chúa Jesus. Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra để làm Con trưởng trong sự phục sinh (Hê. 1: 5; Công. 13: 33). Người con trai cũng được sinh ra trong sự phục sinh. Sự phục sinh của người con trai sẽ là sự sinh ra của người con trai. Khải Thị 12: 11 chép rằng những người đắc thắng mà là một phần của người con trai, đã trung tín cho đến chết, đắc thắng kẻ thù bằng huyết và bằng lời chứng của họ và không yêu sự sống hồn của họ cho đến chết. Điều này hàm ý rằng tất cả những người được bao gồm trong người con trai đều trung tín cho đến chết. Nhiều người trong họ đã chịu tử đạo. Vì thế, người con trai, bao gồm tất cả những người đắc thắng đã chết, khác với trái đầu mùa, tức những người đắc thắng còn sống. Ngoài người con trai và trái đầu mùa, trong chương 15 còn có một nhóm người đắc thắng khác: những người đắc thắng muộn đắc thắng Anti-christ, dấu hiệu của hắn, số của tên hắn và hình tượng hắn và sẽ được cất lên để đứng trên biển pha lê ngợi khen Chúa. Vì vậy, về những người đắc thắng, có ít nhất ba sự cất lên khác nhau. Ngoài ra còn có sự cất lên riêng lẻ của hai chứng nhân trong chương 11.
Việc cất những người đắc thắng lên là loại cất lên thứ thất và việc cất phần lớn các thánh đồ lên mà sách Khải Thị xem là mùa gặt (14: 15) là loại thứ hai. Trong Lê-vi Kí 23: 10, chúng ta thấy hình bóng về sự cất lên – hình bóng về vụ mùa đã chín trên cánh đồng. Phần chín trước được xem là trái đầu mùa. Vào thời Cựu Ước, trái đầu mùa luôn luôn được đem vào đền thờ Đức Chúa Trời chứ không được đem vào nhà kho. Xuất Ai Cập Kí 23: 19 chép rõ rằng: “Những hoa quả đầu mùa của đất, ngươi phải đem đến đền thờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” Hoa quả đầu mùa được đem từ cánh đồng vào nhà Đức Chúa Trời để Ngài vui hưởng và thỏa lòng. Khi cánh đồng hoàn toàn được chín khô thì đến vụ mùa. Sau khi gặt, hoa quả được đem vào kho. Đây là hình bóng. Vụ mùa là dân của Đức Chúa Trời (1 Cô. 3: 9), phần chín trước của vụ mùa là hoa quả đầu mùa sẽ được đem thẳng đến đền thờ của Đức Chúa Trời trên các tầng trời. Sau khi điều ấy xảy ra, ánh nắng sẽ trở nên gay gắt hơn và phần hoa quả chưa chín, tức còn xanh, sẽ bắt đầu chín khô. Khi toàn thể vụ mùa đã chín, phần lớn các thánh đồ sẽ được gặt và cất lên không trung. Không trung tương ứng với nhà kho. Ở hầu hết các nông trại, nhà kho thường ở giữa đồng và nhà của chủ trại. Hoa quả được chứa trong nhà kho nhưng hoa quả đầu mùa thì được đem vào nhà để chủ trại nếm trước. Dù nhiều giáo sư đã viết về sự cất lên nhưng hầu hết họ không quan tâm đến đến vấn đề vụ mùa của Đức Chúa Trời. Trong Ma-thi-ơ chương 13, Chúa Jesus bày tỏ rằng Ngài đến để gieo hạt giống vào cánh đồng. Trong 1 Cô-rinh-tô chương 3, Phao-lô nói với người Cô-rinh-tô rằng: “anh em là ruộng của Đức Chúa Trời.” Cuối cùng, trong Khải Thị chương 14, chúng ta có trái đầu mùa và mùa gặt. Điều này cho chúng ta một khái niệm căn bản về sự cất lên.
Nhiều Cơ Đốc nhân quá nông cạn và thiển cận. Họ không đọc hay nghiên cứu Kinh Thánh cách thấu đáo. Ngược lại, họ chọn một vài câu Kinh Thánh làm nền tảng, rồi dạy rằng tất cả Cơ Đốc nhân đều sẽ được cất lên trước đại nạn. Họ nói rằng chúng ta là những tội nhân đã được huyết Chúa rửa sạch, được Linh tái sinh, được cứu và bây giờ đang chờ đợi Chúa Jesus trở lại; khi ấy tất cả chúng ta đều sẽ được cất lên.
Chúa Jesus chắc chắn sẽ trở lại trước thiên hi niên. Đã từng có một trường phái thần học dạy rằng Chúa sẽ trở lại sau thiên hi niên. Tuy trường phái này còn tồn tại 50 năm trước nhưng bây giờ nó đã lỗi thời. Trong 50 năm qua, trường phái thứ hai tan biến dần và dường như không còn ai quan tâm đến nó nữa. Có lẽ anh em thậm chí chưa từng nghe về vấn đề này. Nói rằng Đấng Christ sẽ trở lại sau thiên hi niên là hoàn toàn không phù hợp với Kinh văn. Vì thế, chỉ còn lại một trường phái là Đấng Christ sẽ đến trước thiên hi niên. Tuy nhiên, điều này còn quá chung chung. Chúng ta cần chính xác và cụ thể hơn nữa. Nói rằng Chúa Jesus sẽ trở lại trước thiên hi niên và tất cả Cơ Đốc nhân đều sẽ được cất lên là hoàn toàn đúng nhưng chúng ta vẫn phải quen thuộc với những chi tiết.
Tôi e ngại cho một số người đọc bài này. Điều gì đã vào trong tâm trí chúng ta trước thì khó lấy ra được. Một khi người nào đã nhận lấy ý tưởng là tất cả tín đồ đều sẽ được cất lên trước đại nạn thì khó mà giải cứu người ấy khỏi ý tưởng đó. Thế nhưng, tất cả những quan niệm cũ kĩ, không chính xác đều phải được dọn sạch.
A. Nhu Cầu
1. Đại nạn sắp đến
Trước hết chúng ta hãy xem xét việc cần phải cất những người đắc thắng lên. Ma-thi-ơ 24: 21 khải thị rằng đại nạn sắp đến. Ma-thi-ơ 24: 22 chép: “ Nếu những ngày ấy không được rút ngắn thì chẳng có xác thịt nào được cứu, nhưng vì cớ tuyển dân mà những ngày ấy sẽ được rút ngắn.” Đại nạn sẽ rất khắc nghiệt đến nỗi nếu muốn có người được cứu thì những ngày ấy phải được rút bớt lại.
2. Một cái bẫy sắp đến trên tất cả cư dân trên đất.
Một nhu cầu khác cho sự cất lên là cái bẫy sắp đến trên tất cả cư dân trên đất (Lu. 21: 34 – 35). Người đánh cá giăng lưới bắt cá thể nào thì Sa-tan cũng giăng lưới bắt chúng ta thể ấy. Trong Lu-ca 21: 34, Chúa nói về ba điều liên hệ đến cái bẫy được đề cập trong 35: “Nhưng các anh hãy thận trọng, kẻo sự trụy lạc, say sưa và các nỗi lo của đời sống này làm lụy lòng các anh, và ngày ấy thình lình đến trên các anh như một cái bẫy.” Trong câu này Chúa đề cập đến sự trụy lạc (ăn), sự say sưa (uống) và các nỗi lo của đời sống này. Từ thế chiến thứ hai đến nay, hầu như mọi người trên đất đều bị ba điều này chiếm hữu. Chẳng hạn, công nghiệp hoàn toàn là vì các nỗi lo của đời sống này. Vấn đề tài chính cũng vậy. Tất cả các trường đại học đều vì công nghiệp, công nghiệp là vì tiền bạc và tiền bạc là vì các nỗi lo của đời sống này. Hãy xem hàng tỉ người trên đất ngày nay: mối quan tâm duy nhất của họ là là lắng cho đời sống này. Mọi sự họ quan tâm – giáo dục, công nghiệp, chính trị, chiến tranh – đều xoay quanh các nỗi lo của đời sống này. Ăn, uống và các nỗi lo của đời sống là ba yếu tố chính của cái bẫy ma quỷ, tức tấm lưới được Sa-tan dùng để bẫy mọi người trên đất. Trong các câu này trong sách Lu-ca, Chúa Jesus nói rằng sẽ đến thời kì mọi cư dân trên đất đều sẽ bị mắc bẫy.
Dù có nguy cơ nghiêm trọng bị sự ăn, uống và các nỗi lo của đời sống làm cho mắc bẫy, nhưng chúng ta vẫn cần sống một đời sống con người bình thường. Người trẻ cần đạt được một sự giáo dục tốt vì đó là điều cần thiết để kiếm sống. Đừng biện bạch rằng: “Tôi không quan tâm đến đời sống này. Vì tôi chỉ yêu mến Chúa nên tôi sẽ bỏ học và suốt ngày ngợi khen Chúa.” Nếu làm như vậy anh em sẽ trở nên gánh nặng cho người khác. Anh em có thể ổn nhưng những người khác thì không ổn. Anh em có thể công bố là có đức tin, nhưng cái gọi là đức tin của anh em sẽ buộc những người khác phải lao động thay cho anh em. Không anh em phải chăm chỉ học hành và đạt được kết quả tốt ở trường. Tuy nhiên, đừng làm như vậy vì mục đích tạo danh tiếng cho mình hay trở nên một người nổi tiếng. Dù anh em phải học hành nhưng đừng để sự học hành làm cho anh em bị mắc bẫy. Tuy nhiên một số người có thể nói: “Vì không muốn mắc bẫy nên tôi sẽ không đi học. Tốt hơn là tôi nên dành trọn thời gian đọc Kinh Thánh và tương giao với tất cả những đồng bạn của mình. Làm như vậy không tuyệt diệu sao?” Nhiều người trẻ có quan niệm sai lầm này nói rằng: “Ngày mai, Chúa sẽ đến. Vậy, tại sao chúng ta lại phải học quá nhiều? làm như vậy là lãng phí thời gian.”Dù ngày mai Chúa có thể đến nhưng vì tính lười biếng của anh em nên Ngài có thể đã hoãn lại cho đến khi anh em biết học hành và tốt nghiệp.
Là con người sa ngã, chúng ta không quân bình. Ma-thi-ơ 24: 40 nói về hai người ở ngoài đồng Câu này không nói rằng bấy giờ hai người ấy ngủ, tương giao hay hoàn toàn sống vì Chúa mà không tham dự vào một công việc gì. Một số người người lại có thể nói: “Vì có thể ngày mai Chúa đến, tại sao chúng ta lại phải ra đồng làm việc? Nếu cần thiết, thậm chí chúng ta có thể kiêng ăn ba bữa cho đến khi Ngài đến.” Một lần nọ tôi nghe một diễn giả nói rằng: “Nếu khi Chúa đến, vợ tôi và tôi mà ngợi khen và cầu nguyện thì tuyệt diệu biết bao!” Nhưng Kinh Thánh không cho thấy rằng chúng ta sẽ làm những việc ấy khi Ngài hiện đến. Trái lại, Ma-thi-ơ 24: 41 nói về việc hai người nữ xay cối. Thời xưa, công việc khó khăn nhất cho phụ nữ là xay lúa mì. Nếu là một phụ nữ vào thời ấy, có lẽ tôi đã nói: “Các anh em trẻ đã giúp chúng ta biết Chúa Jesus có thể đến tối nay. Vì thế, cần gì phải lao nhọc xay lúa? Như thế là lãng phí thời gian. Nếu Chúa đến tối nay thì tại sao chúng ta vẫn phải xay bột? Chúng ta chỉ hãy ngồi đây và đợi Ngài đến.” Đây là một hình ảnh minh họa về một thái độ cực đoan.
Ở một thái độ cực đoan khác thì Cơ Đốc nhân không quan tâm đến bất kì điều gì ngoại trừ kiếm tiền và tiêu tiền. Họ nói: “Ồ, chúng ta không nên thuộc linh thái quá. Chúng ta phải thực tế và chăm sóc vợ con của mình. Tôi phải chu cấp cho gia đình mình và lo nhiều điều khác. Ôi không có thời gian dự các buổi nhóm Hội Thánh. Chúng ta không thể thờ phượng Đức Chúa Trời ở nhà sao?” Chúa có thể nói với những người cực đoan này rằng: “Ta sẽ đến như kẻ trộm. Ta sẽ đến vào thời điểm mà con ít ngờ nhất. Có lẽ Ta sẽ đến khi con mải mê với công việc kiếm tiền.” Nhưng Ngài có thể nói với những người có thái độ cực đoan kia rằng: “Vì con nên Ta hoãn lại không đến vội. Con quá tha thiết với sự trở lại của Ta. Con quá tha thiết đến nỗi không làm gì cả. Thậm chí, con không quan tâm đến công việc nấu nướng. Ta sẽ hoãn không đến vội cho đến khi con học biết cách nấu nướng, kiếm tiền, tự lo cho mình và chăm sóc người khác.” Điều tôi nói là rất nghiêm túc. Đó là tình trạng đáng thương giữa vòng Cơ Đốc nhân ngày nay.
Tất cả chúng ta đều phải làm tròn bổn phận của mình mà kiếm sống nhưng đừng để bị mắc bẫy đang khi kiếm sống. Chúng ta có thể có nhiều điều nhưng đừng bao giờ để các điều ấy cai trị mình. Hãy học tập trở nên quân bình, đừng để sa vào thái độ cực đoan là ở không, cũng đừng sa vào thái độ cực đoan khác là bị những công việc của đời sống này chiếm hữu. Đối với vấn đề này, cũng như trong nhiều vấn đề khác, phải có hai mặt. Hãy xem gương sứ đồ Phao-lô. Ông không chờ đợi Chúa trở lại sao? Nếu xem xét các sách của ông, anh em sẽ thấy rằng tất cả các sách ấy đều lâu bền. Ông chưa bao giờ nói rằng: “Các thánh đồ yêu dấu, vì có thể ngày mai Chúa Jesus đến nên anh em không cần làm nhiều điều như vậy. Anh em chỉ nên ngồi không và cầu nguyện.” Không, trong các bức thư của Phao-lô, dường như ông nói rằng: “Trong khi chờ đợi Chúa trở lại, chúng ta vẫn phải sống một cách bình thường.” Tuy không biết thời điểm Chúa đến nhưng chúng ta biết rằng hễ còn trên đất bao lâu thì chúng ta vẫn phải có một cuộc sống bình thường để làm chứng cớ đúng đắn cho Chúa Jesus. Chúng ta phải có học vấn tốt nhất và phải có nếp sống hằng ngày quân bình. Chúng ta cũng phải giữ gìn nhà cửa và làm những người bình thường trong mọi phương diện.
Là những người đang chờ đợi Chúa trở lại, chúng ta phải có một cuộc sống đúng đắn không bị mắc bẫy bởi bất cứ điều gì. Lòng chúng ta không đặt vào bất cứ điều gì ngoại trừ Chúa Jesus. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không học hành, điều hành công việc và làm những việc lặt vặt như lau chùi. Đừng nói rằng; “Tại sao tôi lại phải ăn mặc gọn gàng sạch sẽ? Giặt đồ làm uổng phí thời gian và tiền bạc. Chúa không quan tâm đến xác thịt mà chỉ quan tâm đến linh của tôi. Hễ linh của tôi trong sạch thì mọi sự đều ổn thỏa.” Tôi biết chắc rằng nhiều bạn trẻ vẫn còn thái độ như vậy. Buổi sáng họ thậm chí còn không dọn giường, cho đó là công việc lãng phí thời gian. Hễ có chỗ nằm là họ thỏa mãn rồi, vì rằng họ có thể dành thời gian để đọc Kinh Thánh hay các sách thuộc linh. Họ không biết tại sao lại phải cố gắng giữ cho phòng ngăn nắp, sạch sẽ và gọn gàng. Tính cẩu thả của họ có thể làm trì hoãn sự trở lại của Chúa. Chúa có thể nói với họ rằng: “Con hãy học tập dọn giường vào sáng sớm, chải đầu và đánh giày. Sau đó, con phải sắp xếp tất cả sách vở theo thứ tự thích hợp. Đừng đặt Tân Ước trước Cựu Ước.” Không trưởng lão bất cẩn nào có thể hữu dụng cho việc xây dựng Hội Thánh. Chúng ta phải học tập để trở nên siêng năng, giữ gìn mọi sự trong tình trạng ngăn nắp.Tuy nhiên chúng ta không nên mơ mộng những điều như vậy vào ban đêm. Trái lại khi Chúa nói: “Này Ta đến mau chóng” thì chúng ta phải có khả năng quên đi mọi sự. Một số người sắp đặt ngăn nắp những đồ vật của mình nhưng điều đó đã trở nên cạm bẫy đối với họ. Đây là một sự hử nghiệm cho biết chúng ta đang ở đâu. Chúng ta đang ở đây làm chứng cớ của Jesus. Chúng ta là những người bình thường sống một nếp sống bình thường nhưng không gì thuộc đời sống này có thể chạm đến chúng ta. Chúng ta không luộm huộm, ở dưng, lười biếng hay bất cẩn. Tuy nhiên, không gì trong thế giới này khống chế chúng ta. Hai phương diện của vấn đề này sẽ buộc chúng ta hiệp một với Chúa.
Cất lên có nghĩa là gì? Đó là được đưa vào hiện diện của Chúa. Nếu muốn được đưa vào hiện diện của Ngài, anh em phải ở trong hiện diện của Ngài ngày nay. Nhiều khi sự ngợi khen và tương giao của anh em có thể không ở trong hiện diện của Ngài nhưng có thể chỉ theo lựa chọn của chính mình. Anh em không ở trong hiện diện của Chúa mà ở trong sở thích và khẩu vị của mình. Khi anh em muốn tương giao thì có thể Chúa nói: “Hãy đi làm việc hay học bài.”
3. Sự thử thách sắp đến cho các cư dân trên khắp đất
Một phương diện khác cho thấy những người đắc thắng cần được cất lên là sự thử thách sắp đến trên khắp đất (Khải. 3: 10). Sự thử thách ấy sẽ là đại nạn, bao gồm ba khốn khổ của ba tiếng kèn sau cùng và sẽ có những tai họa siêu nhiên của ấn thứ sáu và bốn tiếng kèn đầu. Các khốn khổ và tai họa ấy sẽ là cuộc thử thách khắc nghiệt nhất đối với những cư dân trên đất. Muốn được cứu khỏi cuộc thử thách ấy, chúng ta cần được cất lên trước khi nó xảy ra.
4. Sự hủy diệt như cơn quặn thắt sắp đến trên những người nói hòa bình và yên ổn
1 Tê-sa-lô-ni-ca 5: 3 chép: “Khi người ta nói: hòa bình yên ổn thì cơn diệt vong thình lình vụt đến trên họ như cơn quặn thắt xảy đến cho người nữ có thai và họ hẳn chẳng thoát được đâu.” Câu này cho thấy rằng sự hủy diệt sẽ đến như cơn quặn thắt trên những người nói về hòa bình và yên ổn. Những người trong Liên Hiệp Quốc xem những từ ngữ hòa bình và yên ổn là một khẩu hiện. Nhưng khi người ta nói về hòa bình và yên ổn thì sự hủy diệt thình lình đến trên họ.
5. Ma quỷ xuống trái đất trong cơn giận dữ như nỗi khốn khổ cho đất và biển
Một phương diện khác cho thấy những người đắc thắng cần được cất lên là Ma quỷ sẽ xuống trái đất trong cơn giận dữ như nỗi khốn khổ cho đất và biển (Khải. 12: 12). Lúc đó, hắn biết là hắn không còn bao nhiêu thời gian nữa nên sẽ làm mọi cách để hành hại loài người tới cùng cực. Chúng ta chắc chắn cần được cất lên để tránh sự hạnh hạ gian ác của hắn.
6. Con rồng lớn là Sa-tan nổi giận với người nữ và giao chiến với phần còn lại của dòng dõi bà
Sau khi con rồng lớn là Sa-tan đã xuống đất, hắn sẽ nổi giận với người nữ và giao chiến với phần còn lại của dòng dõi bà (12: 17). Người nữ trong chương 12 là toàn bộ dân Đức Chúa Trời bao gồm cả Hội Thánh lẫn con cái Israel. Con cái của bà gồm hai loại: những người giữ kinh luật và những người có chứng cớ của Jesus. Một trăm bốn mươi bốn ngàn người sót lại của dân Israel được chọn chắc chắn là trung tín đối với kinh luật, còn những người được cứu chuộc là các tín đồ sẽ trung tín đối với chứng cớ của Jesus. Con rồng lớn là kẻ nổi giận với người nữ sẽ giao chiến với phần sót lại của dòng dõi bà bao gồm người Do-thái là những người giữ kinh luật của Môi-se và Cơ Đốc nhân là những người có chứng cớ của Jesus. Cần có sự cất lên sớm trước khi điều này xảy ra.
7. Con thú là Anti-christ giao chiến với các thánh đồ và thắng họ
Đề cập đến Anti-christ, Khải Thị 13: 7 chép: “Nó được phép giao chiến cùng các thánh đồ và thắng họ.” Các thánh đồ là dân của Đức Chúa Trời, được tượng trưng bởi người nữ trong chương 12. Điều này cho thấy rằng trong đại nạn, nhiều tín đồ mà Anti-christ sẽ chiến đấu và thắng họ, vẫn còn ở đó. Điều này có nghĩa là hắn sẽ bắt bớ các tín đồ trong thời kì đại nạn. Chúng ta cần được cất lên trước thời điểm ấy biết bao!
Vì những điều khủng khiếp, ghê gớm như vậy đang đến nên chúng ta cần được cất lên. Chúng ta không muốn chờ đợi những sự kiện khủng khiếp ấy xảy ra. Chúng ta đang chờ đợi Chúa cất chúng ta lên rước những việc ấy xảy ra. Vì vậy, sự cất lên của những người đắc thắng là cần thiết.
B. Lời hứa
1. Được kể là xứng đáng thoát khỏi những điều ấy và xứng đáng đứng trước mặt Con Người
Bây giờ, chúng ta đến với những lời hứa liên quan đến sự cất lên của những người đắc thắng. Lu-ca 21: 36 chép: “Nhưng lúc nào cũng hãy tỉnh thức, nài xin để các anh thắng hơn mà thoát khỏi mọi điều sắp xảy ra này và đứng trước mặt Con Loài Người.” Theo tiếng Hi Lạp, cụm từ được kể là xứng đáng có thể được dịch là “đủ sức.” Theo tiếng Hi Lạp, cụm từ này có cả hai ý nghĩa. Khi đủ sức thì chúng ta được kể là xứng đáng. Chúng ta phải có đủ sức thoát khỏi cạm bẫy mà đứng trước mặt Con Loài Người. Trước khi Chúa trở lại, Ngài tức con Loài Người, sẽ ở trên tầng trời thứ ba. Lu-ca 21: 36 cho thấy rằng những người đắc thắng sẽ đứng trước mặt Con Loài Người. Điều này có nghĩa là họ sẽ được cất lên đến hiện diện của Chúa trên các tầng rời. Trong khi cạm bẫy sắp đến, chúng ta phải có đủ sức để thoát khỏi nó. Nếu quen thuộc với công việc đánh cá, anh em sẽ thấy rằng những con cá mạnh mẽ hơn sẽ có khả năng thoát khỏi cái bẫy. Cũng vậy, những người đắc thắng sẽ có đủ sức thoát khỏi cạm bẫy và đứng trong hiện diện của Chúa trên các tầng trời. Đây là một lời hứa về sự cất lên trước đại nạn.
2. Giữ khỏi giờ thử thách
Một lời hứa khác về sự cất lên được thấy trong 3: 10: “Vì con đã giữ Lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ con khỏi giờ thử thách, là giờ sắp đến trong khắp thiên hạ, để thử những người ở trên khắp đất.” Một số người nói rằng tất cả Cơ Đốc nhân đều sẽ được cất lên sau đại nạn. Quan niệm này được thấy giữa vòng những người được gọi là nhóm Benjamin Wills Newton của Hội Anh Em; đây là nhóm tách rời khỏi nhóm của John Nelson Darby. Nhóm của Newton dạy rằng tất cả các Cơ Đốc nhân đều sẽ trải qua cơn đại nạn. Một lần nọ, tôi hỏi một giáo sư hàng đầu trong nhóm của Newton về Khải Thị 3: 10 và vị giáo sư ấy thừa nhận câu đó gây nan đề cho họ. Theo câu này, những người đắc thắng không những sẽ được giữ khỏi cơn thử thách mà còn được giữ khỏi giờ thử thách; điều này có nghĩa là họ sẽ được cất lên trước đại nạn. Do đó, sự cất lên của những người đắc thắng sẽ xảy ra trước đại nạn.