mail online tamoxifen
tamoxifen uk pharmacy
read here tamoxifen uk pharmacy
ĐẤNG CHRIST ĐẾN CHIẾM HỮU TRÁI ĐẤT
Trong những bài trước, chúng ta đã xem xét nội dung của bảy ấn. Trong sách Khải Thị, có hai cách tạo nên số 7; đó là 4 cộng 3 và 6 cộng 1. Cả bảy ấn lẫn bảy kèn đều được cấu tạo theo cách này. Đối với số 7 thì chỉ có phép cộng chứ không có phép nhân. Tuy nhiên, số 12 là tích của số 3 và 4. Bảy ấn có nghĩa là trong sự chuyển động trọn vẹn của Đức Chúa Trời, các tạo vật của Ngài sẽ được đem đến với Đức Chúa Trời Tam Nhất. Tạo vật của Đức Chúa Trời là con người cũng sẽ được đem đến với Đức Chúa Trời duy nhất. Vì thế, bảy ấn hàm ý đến sự chuyển động trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Bảy ấn là sự chuyển động trọn vẹn của Đức Chúa Trời trên đất và trong vũ trụ chính là nội dung của gia tể Đức Chúa Trời. Mục đích chuyển động của Đức Chúa Trời là đem các tạo vật của Ngài, được tượng trưng bởi số 4, đến với Đức Chúa Trời Tam Nhất, và đem con người được tượng trưng bởi số 6 (con người được tạo dựng vào ngày thứ sáu), đến với Đức Chúa Trời duy nhất. Bảy ấn thật ra đem cõi thọ tạo của Đức Chúa Trời đến với chính Ngài. Sự sa ngã của con người, vốn do Sa-tan gây ra, làm cho con người xa cách Đức Chúa Trời. Trong sự sa ngã là một dấu trừ thì cuộc gia tể của Đức Chúa Trời ngày nay là một dấu cộng. Sự sa ngã làm cho con người xa cách Đức Chúa Trời duy nhất nhưng gia tể của Đức Chúa Trời và sự chuyển động của Ngài đem con người trở về với chính Ngài.
Nhiều Cơ Đốc nhân không hiểu các vấn đề liên quan đến ấn thứ sáu và bốn tiếng kèn đầu. Ấn thứ sáu và bốn tiếng kèn đầu của ấn thứ bảy chủ yếu liên quan đến sự rúng động và phán xét trái đất cùng các cơ binh trên trời. Hậu quả của sự rúng động và phán xét ấy là trái đất không còn là nơi thích hợp để loài người sống cách an bình nữa. Ấn thứ sáu và năm tiếng kèn đầu liên hệ mật thiết với nhau về mặt thời gian vì chúng không cách quãng với nhau nhiều. Một số người nói rằng đại nạn sẽ kéo dài 7 năm vì họ tính từ thời điểm con ngựa đầu tiên. Những người ấy không thấy rằng sách Khải Thị bao trùm toàn thể lịch sử nhân loại từ thời điểm Đấng Christ thăng thiên. Diễn giải như vậy tạo ra một khoảng trống lớn giữa thời điểm Đấng Christ thăng thiên với thời kì sau cùng. Có một khoảng trống kéo dài khoảng 2.000 năm như vậy hoàn toàn không lô-gic theo lời tiên tri của Chúa và thế kỉ thứ nhất là thời điểm Ngài nói tiên tri về những điều sẽ đến (1: 19). Hơn nữa, cuộn sách trong chương 5 là khải thị trọn vẹn về gia tể Đức Chúa Trời. Như vậy nó phải bao gồm việc rao giảng phúc âm. Việc rao giảng Phúc âm để sản sinh Hội thánh là một vấn đề lớn trong gia tể Đức Chúa Trời. Vì có một khoảng trống lớn trong sách này là không lô-gic nên chúng tôi tin rằng bốn con ngựa từ bốn ấn đầu là khái quát lịch sử nhân loại từ thời điểm Đấng Christ thăng thiên cho đến cuối thời đại này.
Do nghiên cứu kĩ, chúng tôi cũng đã thấy rằng có lẽ 7 năm sau cùng sẽ không bắt đầu với thời điểm ấn thứ sáu, vì khoảng thời gian từ ấn thứ sáu cho đến tiếng kèn thứ năm, tức thời điểm bắt đầu đại nạn, sẽ rất ngắn. Khoảng thời gian ấy sẽ không phải là 3 năm rưỡi. Đại nạn sẽ kéo dài 3 năm rưỡi, tức phần thứ hai của bảy năm sau cùng. Nếu anh em tính 7 năm cuối bắt đầu từ ấn thứ sáu thì thời gian từ ấn thứ sáu đến tiếng kèn thứ năm phải kéo dài ít nhất là 3 năm rưỡi. Nói cách lô-gic, khoảng thời gian ấy quá lâu. Giữa ấn thứ sáu và kèn thứ năm sẽ có bốn kèn, là sự phán xét trái đất, biển, các sông và các cơ binh trên trời. Tuy ít khắc nghiệt hơn nhưng ấn thứ sáu là ấn làm rúng động trái đất và làm thiệt hại các cơ binh trên trời sẽ theo cùng một nguyên tắc như bốn tiếng kèn đầu.
Ấn thứ sáu và bốn tiếng kèn đầu sẽ là sự giới thiệu, sự mở đầu đại nạn. Không tai họa nào trong các tai họa ấy do Đức Chúa Trời trực tiếp đụng đến loài người. Mãi đến sự khổ sở gây ra do khốn khổ từ tiếng kèn thứ năm và sự tàn sát bởi 200 triệu kị binh gây ra do khốn khổ từ tiếng kèn thứ sáu, loài người mới bị làm hại trực tiếp. Sau khốn khổ từ tiếng kèn thứ sáu, sẽ có bảy bát là khốn khổ sau cùng và là một phần nội dung của tiếng kèn thứ bảy. Bát thứ sáu, mà có liên hệ với tiếng kèn thứ sáu, là để có sự nhóm hiệp cho cuộc chiến tại Hạt-ma-ghê-đôn. Cuộc chiến ấy sẽ là bàn ép rượu lớn cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời do Chúa dẫm đạp (14: 19 – 20; 19: 15); đó là thời điểm Ngài xuống đất để đánh Anti-christ và ném hắn vào hồ lửa (19: 11 – 21). Sự kiện này sẽ xảy ra cùng thời điểm với bát thứ bảy được trút trên không trung để gây ra trận động đất lớn nhất và trận mưa đá lớn nhất và đó sẽ là tai họa sau cùng kết thúc đại nạn.
Trong bài này, chúng ta đến với 10: 1 – 11, là phần xen vào giữa tiếng kèn thứ sáu và thứ bảy. Nếu muốn hiểu sách Khải Thị, chúng ta phải nhận biết phần nào là phần nối tiếp và phần nào là phần xen vào. Khi đến với chương 7, chúng tôi đã chỉ ra rằng đó là phần xen vào giữa ấn thứ sáu và thứ bảy, cho thấy việc Đức Chúa Trời bảo toàn dân Ngài. Chương ấy cho thấy khải tượng về việc đánh dấu dân sót Israel và khải tượng về sự cất lên của những người được chuộc của Đức Chúa Trời. Chương 10 là một phần của đoạn xen vào giữa tiếng kèn thứ sáu và thứ bảy. Phần xen vào gồm có ba khải tượng: Khải tượng về Đấng Christ đến để sở hữu trái đất (10: 1 – 7), khải tượng về sự giày đạp Giê-ru-sa-lem thuộc đất bởi Anti-christ và quân đội của hắn (11: 1 – 2) và khải tượng về hai chứng nhân (11: 3 – 12).
Chúng ta phải đọc và nghiên cứu sách Khải Thị cho đến khi biết và có thể thuộc lòng tất cả những sự kiện chính. Chúng ta cần phải có khả năng tóm tắt mỗi chương. Trong chương 1 có bảy giá đèn với Đấng Christ bước đi giữa bảy giá đèn đó; trong chương 2 và 3 có bảy Hội thánh; trong chương 4 có quang cảnh trên trời; trong chương 5 có Đấng Christ là Đấng xứng đáng mở ra cuộn sách; trong chương 6 có sáu ấn; trong chương 7 có phần xen vào cho thấy hai khải tượng về việc Đức Chúa Trời bảo toàn dân của Ngài; trong chương 8 có bốn tiếng kèn đầu; trong chương 9 có tiếng kèn thứ năm và thứ sáu; trong chương 10 có Đấng Christ đến để sở hữu trái đất; trong chương 11 có hai chứng nhân; trong chương 12 có người con trai; trong chương 13 có con thú; trong chương 14 có trái đầu mùa, sự thờ phượng con thú, mùa gặt và bàn ép rượu; trong chương 15 có những người đắc thắng đứng bên biển pha lê; trong chương 16 có bảy bát; trong chương 17 có Ba-by-lôn tôn giáo; trong chương 18 có Ba-by-lôn vật chất, chính trị; trong chương 19 có tiệc cưới của Chiên con và cuộc chiến Hạt-ma-ghê-đôn; trong chương 20 có Sa-tan bị xiềng lại, vương quốc thiên hi niên, cuộc phản loạn cuối cùng của nhân loại và sự phán xét tại ngai trắng lớn; trong chương 21 và 22 có trời mới, đất mới với Giê-ru-sa-lem Mới.
I. ĐẤNG CHRIST LÀ MỘT THIÊN SỨ KHÁC
Bây giờ chúng ta hãy xem những chi tiết trong 10: 1 – 11. Trong phần Lời này, chúng ta có một khải tượng rõ ràng về việc Đấng Christ đến để sở hữu trái đất. Trong chương này, Đấng Christ là “một Thiên sứ mạnh mẽ khác,” giống như vị Thiên sứ trong 7: 2; 8: 3 và 18: 1.
A. Từ trời xuống
Câu 1 nói rằng Giăng nhìn thấy một Thiên sứ khác “từ trời xuống.” Bây giờ Đấng Christ đang từ trời xuống. Khải tượng này là dấu hiệu cho thấy rằng trước tiếng kèn thứ bảy, Đấng Christ vẫn còn đang trên đường đến trái đất.
B. Mặc đám mây
Câu 1 cũng nói rằng Đấng Christ “mặc đám mây.” Ngài chưa ngự “trên đám mây” như được thấy trong 14: 14 và trong Ma-thi-ơ 24: 30; 26: 64 (Hi văn). Ở “trên đám mây” là đến cách công khai, trong khi mặc đám mây là đến cách bí mật. Điều này cho thấy rằng thậm chí sau tiếng kèn thứ sáu, tức giữa đại nạn, Đấng Christ vẫn đến cách bí mật, chứ chưa đến cách công khai, cho đến khi Ngài được tất cả các chi phái trên đất nhìn thấy như được đề cập trong 1: 7 và trong Ma-thi-ơ 24: 30. Đến thời điểm của chương 10, sự đến của Đấng Christ vẫn còn bí mật. Thậm chí vào thời điểm bát thứ sáu, khi có cuộc tập hợp tại Hạt-ma-ghê-đôn, Đấng Christ vẫn cảnh báo là Ngài đang đến như kẻ trộm (16: 15). Ngài sẽ được bao phủ trong đám mây cho đến chương 14 là khi Ngài ngự trên đám mây và sự đến của Ngài sẽ được công khai. Qua điều này, chúng ta thấy rằng sự dạy dỗ chung chung về việc Đấng Christ đến trước đại nạn là không chính xác.
C. Cầu vồng trên đầu Ngài
Trong khải tượng này, Đấng Christ có “cầu vồng” trên “đầu Ngài.”Ở đây, cầu vồng cho thấy rằng trong việc phán xét trái đất và việc chiếm hữu trái đất, Đấng Christ sẽ giữ giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với Nô-ê về trái đất (Sáng. 9: 8 – 17). Điều này cũng cho thấy rằng Ngài là Đấng thi hành sự phán xét theo Đấng ngồi trên ngai với cầu vồng bao quanh.
D. Mặt Ngài như mặt trời
Câu 1 cũng chép rằng “mặt [Ngài] như mặt trời.” Chắc chắn ở đây, gần thời điểm Ngài đến trên đất cách công khai, Ngài sẽ không như sao mai xuất hiện trước giờ tối tăm nhất trước bình minh.
E. Chân Ngài như trụ lửa
Khi Đấng Christ đến để sở hữu trái đất, chân Ngài sẽ “như trụ lửa.” Ở đây, trụ chỉ về sự kiên định (Giê. 1: 18; Ga. 2: 9). Lửa chỉ về sự thánh biệt của Đức Chúa Trời (Xuất. 19: 18; Hê. 12: 29), theo đó, Đấng Christ thi hành sự phán xét của Ngài trên đất.
F. Cầm nơi tay một sách nhỏ mở ra
Trong chương này, Đấng Christ “cầm nơi tay một sách nhỏ mở ra” (cc. 2, 8). “Sách nhỏ mở ra” này là cuộn sách trong 5: 1, mà chỉ Đấng Christ mới xứng đáng mở ra và Ngài đã lấy từ tay Đức Chúa Trời (5: 5, 7). Bây giờ, cuộn sách ấy đang ở trong tay Ngài. Trong 5: 1, cuộn sách ấy bị niêm; trong 10: 2 và 8 cuộn sách ấy được mở ra. Cuộn sách ấy bị mở ra vì tất cả các ấn đều được mở ra. Ở đây chỉ là một phần của cuộn sách nên được gọi là sách nhỏ. Vì phần chính của cuộn sách đã được tỏ ra nên phần cuối cùng được xem là cuộn sách nhỏ.
G. Ngài đặt chân phải trên biển và chân trái trên đất
Câu 2 cũng chép rằng Ngài “đặt chân phải trên biển, chân trái trên đất.” Đặt chân trên biển và đất là đạp trên đó có nghĩa là sở hữu biển và đất (Phục. 11: 24; G-suê 1: 3; Thi 8: 6). Điều này hàm ý rằng Đấng Christ đang xuống để sở hữu trái đất. Chỉ Ngài mới xứng đáng mở ra cuộn sách về gia tể của Đức Chúa Trời và chỉ Ngài mới có đủ phẩm chất sở hữu trái đất. Trong sách Giô-suê, Đức Chúa Trời phán với dân sự rằng họ sẽ sở hữu phần đất nào mà chân họ đạp đến. Họ phải đi xuyên qua miền đất tốt tươi và nơi nào chân họ đạp lên thì nơi đó thuộc quyền sở hữu của họ. Dựa trên nguyên tắc này, Đấng Christ là một Thiên sứ khác được Đức Chúa Trời sai đến để đạp chân trên biển và đất, vì cả biển lẫn đất đều được ban cho Ngài làm cơ nghiệp (Thi 2: 8). Dù đất và biển đã bị kẻ thù của Ngài chiếm đoạt và dù Ngài chịu đựng suốt nhiều thế kỉ nhưng sẽ đến một ngày, Ngài không còn chịu đựng nữa. Ngài sẽ đến tuyên bố quyền thừa kế hợp pháp của Ngài.
H. Kêu lên một tiếng lớn như sư tử
Câu 3 chép rằng Đấng Christ “kêu lên một tiếng lớn như sư tử gầm.” Tiếng gầm của sư tử giống như cơn thạnh nộ của vua (Châm. 19: 12; 20: 2). Điều này cho thấy rằng là Vua trên đất Đấng Christ bị chọc giận đến nỗi phải nổi thạnh nộ. Trong các sách Phúc Âm, Đấng Christ nói như Chiên con nhưng tại đây Ngài gầm lên như sư tử. Chương 3 đề cập đến lời nhẫn nại của Chúa. Nhẫn nại có nghĩa là chịu đựng. Nhưng đến thời điểm của chương 10, Chúa không còn nhẫn nại nữa. Trái lại, khi đến sở hữu trái đất, Ngài sẽ gầm lên như sư tử.
I. Bảy tiếng sấm bị niêm
Khi Đấng Christ kêu lên một tiếng lớn thì “bảy tiếng sấm rền vang.” Bảy tiếng sấm phải là những lời thốt ra đầy đủ, chung cuộc về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Câu 4 chép: “Khi bảy tiếng sấm rền lên rồi, tôi có ý chép, nhưng tôi nghe một tiếng từ trời phán rằng: Hãy niêm những điều bảy tiếng sấm đã nói chớ chép làm chi.” Ngày nay, chúng ta không biết bảy tiếng sấm ấy đã nói gì nhưng một ngày kia chúng ta sẽ biết.
J. Không còn thời gian nữa
Câu 5 và 6 chép: “Thiên sứ mà tôi đã thấy đứng trên biển và trên đất, giơ tay phải lên trời, chỉ Đấng hằng sống đời đời là Đấng dựng nên trời cùng các vật trên trời, dựng nên đất cùng các vật dưới đất, dựng nên biển cùng các vật trong biển mà thề rằng, không còn thời gian nữa.” Điều chính yếu trong những điều trên trời là các thiên sứ, điều chính yếu trong các điều trên đất là loài người và điều chính yếu trong các điều dưới biển là các quỷ. Sau tiếng kèn thứ sáu, thời gian dung chịu trong sự phán xét của Đức Chúa Trời trên đất sẽ không còn nữa. Vì thế, tiếng kèn thứ bảy là nghiêm trọng nhất trong các sự phán xét của Đức Chúa Trời. Đó là Đức Chúa Trời đáp lại cách trọn vẹn lời cầu nguyện của các thánh đồ tử đạo trong 6: 10.
II. HOÀN TẤT HUYỂN NHIỆM CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
A. Thời điểm thổi lên tiếng kèn thứ bảy
Câu 7 chép: “Nhưng đến [những] ngày của tiếng kèn thứ bảy, khi người sắp thổi lên thì huyền nhiệm của Đức Chúa Trời sẽ được trọn, chánh như phúc âm Ngài đã truyền cho đầy tớ Ngài là các tiên tri.” Ở đây chúng ta thấy rằng việc hoàn tất huyền nhiệm của Đức Chúa Trời sẽ vào thời điểm thổi lên tiếng kèn thứ bảy.
B. Việc thổi lên tiếng kèn thứ bảy kéo dài nhiều ngày
“Những ngày” trong câu 7 cho thấy rằng việc thổi tiếng kèn thứ bảy sẽ kéo dài nhiều ngày.
C. Chấm dứt các huyền nhiệm
Khi thiên sứ thứ bảy sắp thổi kèn thì huyền nhiệm của Đức Chúa Trời sẽ được hoàn tất. Trong thời kì từ A-đam đến Môi-se và từ Môi-se đến Đấng Christ, mọi việc đều được khải thị, hiển lộ và không còn huyền nhiệm nữa. Thời đại vương quốc thiên hi niên và thời đại trời mới đất mới cũng giống như vậy, tức là mọi sự đều sẽ được khải thị và không có huyền nhiệm nữa. Nhưng trong thời kì từ Đấng Christ đến vương quốc thiên hi niên, mọi sự đều huyền nhiệm. Sự nhục hóa của Đấng Christ như khởi đầu của một thời kì phân phát huyền nhiệm là một huyền nhiệm (1 Ti. 3: 16). Chính Đấng Christ (Côl. 2: 2), Hội thánh (Ê ph. 3: 4 – 6), vương quốc các từng trời (Mat. 13: 11), phúc âm (Ê ph. 6: 19), sự nội cư của Đấng Christ (Cô l. 1: 26 – 27), sự sống lại và sự biến hóa hầu đến của các thánh đồ là sự chấm dứt thời kì phân phát huyền nhiệm này, hết thảy đều là huyền nhiệm được ẩn giấu trong các thời kì của các thời đại (La. 16: 25; Ê ph. 3: 5; Cô l. 1: 26). Tất cả những huyền nhiệm này đều sẽ chấm dứt, hoàn tất và kết thúc vào thời điểm thổi lên tiếng kèn thứ bảy. Vào thời điểm thổi lên tiếng kèn thứ bảy, không những sự phán xét thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên đất mà “sự huyền nhiệm của Đức Chúa Trời cũng được trọn.”
Ngày nay Đấng Christ nội cư và Hội thánh là một huyền nhiệm. Người ngoài không thể hiểu chúng ta vì chúng ta thật huyền nhiệm đối với họ. Khi chúng ta nói: “Ngợi khen Chúa! Chúng ta có Đấng Christ ở trong mình” thì những người khác có thể nói; “Hãy chỉ cho chúng tôi thấy.” Đối với lời yêu cầu ấy, chúng ta chỉ có thể đáp lại rằng: “Tôi không thể chỉ cho bạn thấy, nhưng tôi biết Đấng Christ đang sống trong tôi.” Đấng Christ cư ngụ trong chúng ta là một huyền nhiệm. Khi một người không phải là Cơ Đốc nhân được thối dư tiền tại một cửa hàng, thì họ vui mừng và cho là mình được lời. Nhưng khi chúng ta nhận được tiền thối dư thì chùng ta trả lại. Điều này thật huyền nhiệm đối với người thu ngân. Những người vô tín không thể hiểu chúng ta là loại người như thế nào. Đừng cố kiểm soát tôi vì tôi là một người huyền nhiệm. Dù ngày nay là thời kì huyền nhiệm, nhưng khi tiếng kèn thứ bảy được thổi lên thì sự huyền nhiệm sẽ chấm dứt. Vào thời điểm thổi tiếng kèn thứ bảy, Đấng Christ sẽ được tỏ ra và toàn thể trái đất đều sẽ nhận ra Ngài. Khi ấy, những người thu ngân sẽ biết tại sao chúng ta, những người huyền nhiệm, lại trả lại tiền dư. Có lẽ họ sẽ nói: “Chúng tôi tưởng họ dại dột nhưng bây giờ mới hiểu.” Dù ngày nay, họ không hể hiểu huyền nhiệm này nhưng một ngày kia họ sẽ hiểu.
Trong khi các ấn có tính kín đáo và ẩn giấu thì các tiếng kèn là sự tuyên bố công khai tỏ tường. Khi mở ra các ấn, Đấng Christ im lặng nhưng khi thổi đến các tiếng kèn, Ngài không còn im lặng nữa.
D. Là tin mừng được loan báo cho các tiên tri
Trong tiếng kèn thứ bảy, “tin mừng” mà Đức Chúa Trời “đã loan báo cho đầy tớ Ngài là các tiên tri,” như trong Ê-sai 2: 4; 11: 1 – 10; 65: 17 – 20; 66: 22, sẽ được ứng nghiệm; nghĩa là vương quốc sẽ đến cách hiển lộ (Khải. 11: 15) và trời mới đất mới cùng với Giê-ru-sa-lem Mới sẽ theo sau (21: 1 – 3).
III. GIĂNG LẠI NÓI TIÊN TRI
A. Lấy cuộn sách nhỏ mở ra và ăn
Câu 8 và 9 chép: “Tiếng mà tôi đã nghe từ trời lại nói cùng tôi và bảo rằng: Hãy đi lấy cuộn sách nhỏ mở ra trong tay của Thiên sứ đang đứng trên biển và trên đất. Tôi bèn đi tới Thiên sứ, nói với người rằng: Xin cho tôi cuộn sách nhỏ ấy. Người phán cùng tôi rằng: Hãy lấy và ăn đi; nó sẽ khiến bụng ngươi đắng nhưng trong miệng ngươi nó sẽ ngọt như mật ong.” Người viết sách này không những nhận lấy cuộn sách mà còn ăn nuốt cuộn sách ấy. Ăn điều gì là nhận điều đó vào bản thể mình. Chúng ta phải nhận lấy khải thị thần thượng, đặc biệt là sách Khải Thị bằng cách này. Cả Giê-rê-mi lẫn Ê-xê-chi-ên đều đã làm như vậy (Giê. 15: 16; Ê xc. 2: 8; 3: 1 – 3).
B. Ngọt trong miệng nhưng đắng trong bụng
Câu 10 chép: “Tôi lấy sách nhỏ khỏi tay Thiên sứ và ăn; trong miệng tôi nó ngọt như mật ong, nhưng khi tôi ăn rồi thì bụng lại đắng.” Khi nhận lấy khải thị thần thượng bằng cách ăn, thì khải thị ấy có vị “ngọt” lúc ăn nhưng trở nên đắng lúc tiêu hóa, tức lúc chúng ta kinh nghiệm. Đang khi đọc loạt bài nghiên cứu sự sống này, chúng ta có thể nếm thấy ngọt ngào, nhưng trong kinh nghiệm của chúng ta thì những những bài này trở nên đắng. Tuy nhiên cuối cùng mắt chúng ta sẽ ráo lệ, vì chúng ta chỉ vui hưởng nước từ “suối nước sống” (7: 17). Ngày nay, chúng ta biết nước mắt, nhưng cuối cùng sẽ không còn nước mắt nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ uống từ các dòng suối tuyệt diệu. Ngợi khen Chúa, cuối cùng sẽ không còn sự cay đắng mà chỉ có sự ngọt ngào đời đời.
C. Lời tiên tri về việc Đấng Christ sở hữu trái đất
Câu 11 chép: “Người phán cùng tôi rằng: Ngươi cần phải nói tiên tri về nhiều dân, nhiều tiếng và nhiều vua nữa.” Sau khi Giăng thấy cuộn sách nhỏ, tức phần cuối cùng về gia tể Đức Chúa Trời, rồi ăn và thấy ngọt trong miệng nhưng đắng trong bụng, ông được truyền phải nói tiên tri tiếp. Lời tiên tri trong sách này gồm có hai phần. Phần thứ nhất từ ấn thứ nhất đến tiếng kèn thứ sáu; phần này ở trong bí mật. Phần thứ hai là từ tiếng kèn thứ bảy đến trời mới đất mới; phần này được lộ ra cách công khai. Giăng đã nói tiên tri trong phần thứ nhất. Bây giờ ông “cần phải nói tiên tri… nữa,” tức là nói tiên tri trong phần thứ hai của lời tiên tri trong sách này. Lời tiên tri thứ hai của Giăng liên quan đến việc Đấng Christ sở hữu trái đất (11: 15; 12: 5). Lời tiên tri này đơn giàn là tiếng kèn thứ bảy bao gồm những bát; sự cất lên tất cả các thánh đồ; ngai phán xét của Đấng Chrsit; tiệc cưới Chiên Con; Đấng Christ cùng trở lại với tuyển dân của Ngài để đánh bại Anti-christ và tiên tri giả; Sa-tan bị xiềng lại; vương quốc thiên hi niên; cuộc nổi loạn cuối cùng của nhân loại dưới sự xúi giục của Sa-tan; sự phán xét kẻ chết tại ngai trắng lớn để định đoạt kết cuộc đời đời của họ; và trời mời đất mới với Giê-ru-sa-lem Mới. Đó là tiếng kèn thứ bảy và là lời tiên tri thứ hai của Giăng. Đó cũng là nội dung của cuốn sách nhỏ, tức phần cuối cùng về gia tể của Đức Chúa Trời.