buy accutane malaysia
buy
accutane pills
BẢY MẮT CỦA CHIÊN CON VÌ SỰ XÂY DỰNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Nhiều Cơ Đốc nhân nhận thức rằng theo Khải Thị chương 5. Đấng Christ, tức Chiên con bị giết thì xứng đáng và một số bài Thánh ca Cơ Đốc ngợi khen Chúa về sự xứng đáng của Ngài. Tuy nhiên, hầu hết các bài Thánh ca về sự xứng đáng của Chiên con đều ngợi khen Đấng Christ về phương diện cứu chuộc của Ngài. Khó tìm thấy một bài Thánh ca nào nói về sự xứng đáng của Chúa vượt quá sự cứu chuộc. Nói rằng Chiên con xứng đáng vì Ngài đã chuộc chúng ta thì hoàn toàn đúng theo Kinh Thánh. Tuy nhiên, theo Khải Thị chương 5, sự xứng đáng của Chiên con chủ yếu không phải do Ngài hoàn tất sự cứu chuộc mà do Ngài có khả năng mở ra bí mật của cuộc gia tể Đức Chúa Trời. Đấng Christ xứng đáng tháo các ấn của cuộc gia tể Đức Chúa Trời vì Ngài đánh bại kẻ thù và chuộc chúng ta. Là Đấng đã đem uy quyền của Đức Chúa Trời đến trên đất, Ngài là Sư tử chiến thắng, đắc thắng của chi phái Giu-đa và là Chiên con đã hoàn tất sự cứu chuộc trọn vẹn cho những người được chọn của Đức Chúa Trời. Vì vậy, Ngài hoàn toàn có đủ tư cách và vị trí để mở ra huyền nhiệm của cuộc gia tể Đức Chúa Trời. Đây là một trong những điểm trọng yếu trong Khải Thị chương 5.
-- BẢY MẮT, BẢY NGỌN ĐÈN VÀ BẢY LINH
Một điểm quan trọng khác trong Khải Thị chương 5 là Đấng Christ như Sư tử - Chiên con có “bảy mắt, là bảy Linh của Đức Chúa Trời” (c. 6). Bảy mắt ấy cũng là bảy ngọn đèn đang cháy trước ngai của Đức Chúa Trời (4: 5). Vì thế, trong các chương này, chúng ta có bảy ngọn đèn, bảy mắt và bảy Linh. Khải Thị là sách duy nhất trong Kinh Thánh đề cập đến bảy Linh. Nhưng ở đây, chúng ta thấy rằng bảy Linh ấy là bảy mắt của Đấng Christ và bảy mắt của Đấng Christ là bảy ngọn đèn trước ngai của Đức Chúa Trời.
Lần đầu tiên bảy ngọn đèn được đề cập là trong Xuất Ai Cập kí chương 25, ở đó chúng ta thấy bảy ngọn đèn trên một giá đèn. Nhưng nếu chỉ có Xuất Ai Cập kí chương 25, chúng ta sẽ không biết ý nghĩa của giá đèn và bảy ngọn đèn của giá đèn. Theo sự hiểu biết của con người, chúng ta chỉ biết nói rằng bảy ngọn đèn là để tăng cường ánh sáng. Tuy nói như vậy là vừa đúng vừa hợp lí nhưng ý nghĩa của bảy ngọn đèn thì sâu nhiệm hơn nhiều. Tại sao giá đèn không có sáu hay tám ngọn? Trong Xa-cha-ri, chúng ta thấy thêm đôi điều về bảy ngọn đèn vì trong Xa-cha-ri chương 3 và chương 4 chúng ta thấy bảy ngọn đèn là bảy mắt (Xa. 3: 9; 4: 2, 10). Dù Xa-cha-ri 4: 10 nói về bảy mắt của Chúa nhưng sự liên kết giữa mắt, ngọn đèn và Linh không được nêu rõ. Vì thế, chúng ta tiếp tục đi xa hơn đến sách Khải Thị, là nơi chúng ta thấy bảy ngọn đèn, bảy mắt và bảy Linh. Chúng ta cần thấy sự tiến triển từ Xuất Ai Cập Kí qua sách Xa-cha-ri đến sách Khải Thị. Trong Xuất Ai Cập Kí, chúng ta có bảy ngọn đèn, trong sách Xa-cha-ri, chúng ta có bảy mắt và trong sách Khải Thị, chúng ta có bảy Linh. Xuất Ai Cập Kí đề cập đến bảy ngọn đèn nhưng không nói gì về mắt hay Linh. Trong sách Xa-cha-ri, chúng ta có bảy ngọn đèn và bảy mắt cùng với sự đề cập không rõ ràng về Linh. Nhưng trong sách Khải Thị, chúng ta có bảy ngọn đèn, bảy mắt và bảy Linh.
Như chúng tôi đã chỉ ra trong bài 8, giá đèn là một biểu hiệu về Đức Chúa Trời Tam Nhất. Vàng tượng trưng cho thực chất thần thượng cùa Cha; giá đèn, hiện thân của vàng, tượng trưng cho Đấng Christ là hiện thân của Cha; và bảy ngọn đèn tượng trưng cho Linh là sự biểu lộ của Đấng Christ là hiện thân của Cha. Vì thế chúng ta có Cha (vàng) là thực chất, Con (giá) là hiện thân và Linh (các ngọn đèn) là sự biểu lộ. Chúng ta có thực chất, hiện thân và sự biểu lộ. Trong Xuất Ai Cập Kí, chúng ta không thể thấy bảy ngọn đèn là bảy Linh của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải tiến đến Xa-cha-ri và cuối cùng, đến với sách Khải Thị trước khi có thể thấy điều này. Là sự khôi phục của khải thị thần thượng, điều này hoàn toàn mới mẻ.
-- SỰ XÂY DỰNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Các ngọn đèn trong Xuất Ai Cập Kí chương 25 là để xây dựng nhà trại, nhất là để chuyển động trong nhà trại. Nếu không có ánh sáng thì không thể chuyển động. Ánh sáng là để chuyển động và sự chuyển động là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Vì thế bảy ngọn đèn là để xây dựng nhà trại là nơi ở của Đức Chúa Trời trên đất.
Bảy ngọn đèn trong Xa-cha-ri chương 3 và 4 là để khôi phục sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Việc tái thiết đền thờ và xây dựng nhà trại có cùng một nguyên tắc. Sách Khải Thị cũng giống như vậy. Nếu tiếp cận sách này với cái nhìn thiển cận, chúng ta không thể thấy rằng bảy Linh, tức bảy mắt của Chiên Con và bảy ngọn đèn trước ngai của Đức Chúa Trời là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu có một cái nhìn bao quát, chúng ta sẽ thấy bảy Linh hoàn toàn vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Sách Khải Thị bắt đầu với bảy Hội thánh địa phương và kết thúc với Giê-ru-sa-lem Mới. Dù sách này gồm có sự phán xét của Đức Chúa Trời, nhưng sự phán xét ấy không phải là mục tiêu. Phán xét không phải chỉ để phán xét mà là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Giê-ru-sa-lem Mới là nơi ở đời đời của Đức Chúa Trời ra từ sự phán xét này. Vì thế bảy ngọn đèn, bảy mắt và bảy Linh đều là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Chúng ta ở đây để nhận biết mục tiêu đời đời của Đức Chúa Trời trong sự xây dựng thần thượng của Ngài.
--BẢY MẮT VÌ SỰ XÂY DỰNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Xa-cha-ri 3: 9 chép: “Vì này, hòn đá mà Ta để trước mặt Giê-hô-sua chỉ một hòn đá mà có bảy mắt. Này, Ta sẽ chạm trổ nó và Ta sẽ cất sự gian ác khỏi đất này trong một ngày, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.” Câu này bày tỏ rằng bảy mắt không những là bảy mắt của Chúa mà còn là bảy mắt của hòn đá. Hòn đá được chạm trổ trong một ngày vì sự gian ác của dân Đức Chúa Trời. Sự chạm trổ hòn đá là việc hòn đá bị sự công chính của Đức Chúa Trời xử lí trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta. Đấng Christ tức Chiên con cứu chuộc, cũng là hòn đá có bảy mắt. Bảy mắt ấy chính là bảy ngọn đèn vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Khi đến với sách Khải Thị, chúng ta thấy rất rõ rằng bảy ngọn đèn là bảy mắt của Đấng Cứu Chuộc và bảy mắt của Đấng Cứu Chuộc là bảy Linh của Đức Chúa Trời vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời.
Theo sách Khải Thị, Chúa Jesus có bảy mắt rực cháy. Dù những mắt ấy để dò xét, phán xét, luyện lọc và soi sáng nhưng cuối cùng là để truyền vào trong chúng ta thể yếu của Ngài, tức yếu tố thần thượng của Ngài. Thể yếu thần thượng của Chúa có thể được đem vào trong bản thể chúng ta bằng cách nào? Bằng sự truyền dẫn từ bảy mắt của Ngài. Mỗi khi được dò xét, thanh lọc, thanh tẩy và phán xét bởi những mắt như lửa của Đấng Christ, chúng ta đạt được điều gì đó của Ngài. Không những yếu tố nào đó của chính chúng ta được thanh tẩy mà yếu tố của Ngài được truyền vào trong chúng ta. Nhưng điều thiên nhiên được tẩy sạch và những điều thần thượng được truyền vào trong chúng ta. Qua tiến trình này, Chúa xây dựng chúng ta lại với nhau và thực hiện sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Sách Khải Thị không chủ yếu để dò xét và phán xét mà để sản sinh và xây dựng Giê-ru-sa-lem Mới là kết quả chung cuộc của sách này. Giê-ru-sa-lem Mới sẽ được xây dựng như là kết quả từ sự truyền dẫn của bảy mắt Đấng Christ. Bảy mắt của Đấng Christ nhìn dân được chọn của Đức Chúa Trời để soi sáng, dò xét, phán xét, thanh tẩy và tinh luyện họ, rồi cuối cùng truyền vào trong họ những gì Ngài là. Bởi truyền vào trong chúng ta thể yếu của Ngài, Ngài làm cho chúng ta trở nên giống như Ngài và bởi đó Ngài biến đổi chúng ta từ tình trạng thiên nhiên nên giống như Ngài. Khi ấy, chúng ta trở nên vật liệu được biến đổi để xây dựng Giê-ru-sa-lem Mới. Tất cả chúng ta đều phải thấy rằng bảy mắt, tức bảy Linh của Đức Chúa Trời và của Chiên con, hoàn toàn là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời.
--LINH LÀ MẮT CỦA ĐẤNG CHRIST
Bảy Linh ấy là Thánh Linh. Là Thánh Linh, bảy Linh không tách rời Đấng Christ. Theo giáo lí, Linh và Christ là hai cá thể tách biệt nhưng theo kinh nghiệm, cả hai là một. Giống như một người và mắt của người ấy là một thì Đấng Christ và Linh cũng là một. Khi người nào đó nhìn anh em thì người ấy nhìn anh em bằng đôi mắt, và khi đôi mắt người ấy nhìn anh em thì đó là chính người ấy nhìn anh em. Nói rằng mắt tách rời với chính con người là ngớ ngẩn. Trong kinh nghiệm của chúng ta, Linh là mắt của Đấng Christ. Những người cố gắng tranh luận về điều này có thể nắm bắt giáo lí theo tâm trí nhưng thiếu kinh nghiệm. Nếu đặt tất cả giáo lí vào trong kinh nghiệm, họ sẽ nhận thấy rằng tách Đấng Christ ra khỏi Linh là sai. Đức Chúa Trời Tam Nhất không được kinh nghiệm theo cách giáo lí. Dù một số người có thể cố gắng định nghĩa và giải thích về Ngài, nhưng khi kinh nghiệm Đức Chúa Trời Tam Nhất, chúng ta nhận thấy rằng Con là hiện thân của Cha và Linh là sự biểu lộ của Con. Cả ba là một. Cha được hiện thân trong Con và Con được thực tại hóa, được biểu lộ và được kinh nghiệm như là Linh.
---KINH NGHIỆM ĐỨC CHÚA TRỜI TAM NHẤT VÌ SỰ XÂY DỰNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Đức Chúa Trời Tam Nhất là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Để Đức Chúa Trời có sự xây dựng, Đức Chúa Trời Tam Nhất phải được ban phát vào trong chúng ta. Điều này được khải thị đầy đủ trong sách Khài Thị. Cái nhìn kiểm soát trong Kinh Thánh là sự xây dựng của Đức Chúa Trời, anh em khó mà hiểu Kinh Thánh cách đúng đắn. Toàn bộ Kinh Thánh đều có liên quan đến sự xây dựng của Đức Chúa Trời và sự xây dựng của Đức Chúa Trời được hoàn tất bằng cách Đức Chúa Trời Tam Nhất được ban phát vào trong chúng ta. Khi đến với sách Khải Thị chúng ta phải có cái nhìn này. Như vậy chúng ta mới có thể hiểu sách này và nhận thấy đây chính yếu không phải là sách về sự phán xét mà là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời.
--SỰ PHÁN XÉT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VÌ SỰ XÂY DỰNG CỦA NGÀI
Sự hoàn tất việc xây dựng của Đức Chúa Trời cần đến sự phán xét của Ngài. Sự phán xét của Đức Chúa Trời được thi hành nhờ Christ là Đấng có bảy mắt đang cháy để thiêu đốt, soi sáng, dò xét, thanh tẩy và luyện lọc chúng ta. Sau cùng, những mắt đang cháy ấy truyền vào trong chúng ta tất cả những gì Ngài là, biến đổi chúng ta thành bản thể của Ngài theo cách trao đổi chất. Toàn thành phố Giê-ru-sa-lem Mới sẽ có cùng một thể yếu và dáng vẻ như Đức Chúa Trời. Như chúng tôi đã chỉ ra nhiều lần, dáng vẻ Đức Chúa Trời ngồi trên ngai trong chương 4 là dáng vẻ của bích ngọc (4: 3) và dáng vẻ của Giê-ru-sa-lem Mới, đặc biệt là bức tường trong chương 21 cũng là dáng vẻ của bích ngọc (21: 11; 18 – 19). Vì thế, thể yếu và dáng vẻ của thành phố ấy giống như nhau. Làm sao có thể như vậy được? Cách duy nhất là có chính Đức Chúa Trời được đem vào chúng ta. Thể yếu của Đức Chúa Trời được đem vào chúng ta bằng cách truyền dẫn.
Đừng bỏ qua bảy mắt, tức bảy Linh. Khải Thị không phải là sách nói về một Linh mà là sách về bảy Linh, tức bảy mắt của Đấng Christ, nhờ đó Đấng Christ cứu chuộc, đắc thắng và xây dựng truyền chính Ngài vào tất cả những Chi thể của Ngài. Trong khi truyền chính Ngài vào trong chúng ta, Ngài dò xét, soi sáng, phán xét, thanh tẩy và luyện lọc chúng ta. Bằng cách ấy, Ngài biến đổi chúng ta. Chúng ta cần thấy khải tượng này biết bao! Đây là sự khôi phục của Đức Chúa Trời ngày nay.
---KHẢI TƯỢNG CHI PHỐI TRONG KINH THÁNH
Dù Kinh Thánh không thể được cải tiến nhưng lẽ thật trong Kinh Thánh có tính tiệm tiến và sự khôi phục các lẽ thật thần thượng trong Kinh Thánh thậm chí còn tiệm tiến hơn nữa. Cách đây 400 năm có rất ít lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời được khôi phục nhưng ngày nay thì khác. Điều này không có nghĩa là Kinh Thánh thay đổi hay chúng ta thay đổi Kinh Thánh, vì không ai có quyền làm điều ấy. Nói như vậy có nghĩa là Chúa đang tiến lên trong việc khôi phục các lẽ thật của Ngài.
Sự khôi phục của Đức Chúa Trời về các lẽ thật trong Kinh Thánh hoàn toàn vì sự xây dựng của Ngài. Ngay từ đầu, trong Sáng Thế Kí, chúng ta có cây sự sống và dòng sông tuôn chảy tạo ra vàng, ngọc châu (ngọc trai) và đá quý (Sáng 2: 9 – 12). Ở cuối Kinh Thánh, trong sách Khải Thị, chúng ta có một thành phố được xây dựng bằng những vật liệu quý báu ấy – vàng, ngọc trai và đá quý (Khải. 21). Vì thế, toàn bộ Kinh Thánh đều vì mục đích đời đời của Đức Chúa Trời là có được nơi ở đời đời của Ngài bằng cách ban phát chính Ngài là sự sống vào trong những người được chọn của Ngài. Đây là khải tượng chi phối.
---KHÁT VỌNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Nếu chúng ta có bất cứ quan điểm nào khác thì điều đó có nghĩa là chúng ta thiển cận. Đức Chúa Trời không tìm kiếm sự thánh khiết hay thuộc linh. Ngài đang tìm kiếm sự xây dựng. Năm 1958, tôi đã nói rằng sự thuộc linh của chung1ta phải được thử nghiệm bằng sự xây dựng của Đức Chúa Trời, tức bằng nếp sống Hội thánh. Khi tôi nói Đức Chúa Trời không quan tâm đến sự thuộc linh của chúng ta thì những người chống đối lấy câu này ra khỏi ngữ cảnh mà lên án tôi rằng: “Nghe kìa! Anh Lee nói Đức Chúa Trời không quan tâm đến thuộc linh. Nói như vậy không phải là tà giáo sao?” Nếu anh em để câu nói này trong ngữ cảnh thì nó không tà giáo gì cả. Đức Chúa Trời không quan tâm đến sự thuộc linh của chúng ta mà quan tâm đến việc chúng ta được xây dựng thành Hội thánh của Ngài bao nhiêu. Sự thuộc linh mang tính cá nhân là bệnh ung thư. Chi thể nào của Hội thánh mà theo chủ nghĩa cá nhân thì đều là khối u ác tính trong Thân thể Đấng Christ. Anh em có thể nói rằng mình thuộc linh hay thánh khiết nhưng sự thuộc linh và thánh khiết của anh em phải được thử nghiệm bằng nếp sống Hội thánh. Có lẽ sự thánh khiết của anh em mang tính cá nhân chủ nghĩa. Nếu vậy thì không lành mạnh, vì sự thánh khiết thật là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời không muốn một nhóm người thuộc linh cá thể; Ngài muốn xây dựng. Ngài không mong muốn một đống đá quý để triển lãm. Tất nhiên, Đức Chúa Trời cần những cá nhân nhưng Ngài cần họ làm vật liệu cho sự xây dựng. Tất cả những viên đá riêng lẻ phải được đặt vào trong sự xây dựng. Đây không phải là giáo lí suông mà là một sự kiện nghiêm túc. Anh em đã được xây dựng thành kiến ốc của Đức Chúa Trời chưa? Hay anh em là người được cứu, kính sợ Đức Chúa Trời, yêu Chúa và cầu nguyện nhưng lại nói: “Tôi không quan tâm đến Hội thánh”? Phải chăng anh em nói: “Nói quá nhiều về Hội thánh thì không tốt; tốt hơn là nên ở một mình với Chúa và đọc Kinh Thánh”? Anh em có thể vui thích làm như vậy nhưng Đức Chúa Trời không thích việc ấy như anh em. Ngài muốn anh em mất đi chính mình. Anh em phải được soi sáng, dò xét, thanh tẩy, luyện lọc và sau đó được truyền vào tất cả những gì Ngài là để có thể được biến đổi thành đá quý cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Đó là khát vọng của Đức Chúa Trời ngày nay.
Tại sao Đức Chúa Trời kêu gọi dân Israel ra khỏi Ai Cập? Đó là vì sự xây dựng nơi Ngài ở trên đất. Rốt cuộc, nhà trại là nơi ở của Đức Chúa Trời trên đất trở nên trung tâm của dân Israel. Mỗi khi trục trặc với nhà trại thì họ bại trận. Nhưng mỗi khi đúng đắn với nhà trại thì họ chiến thắng. Sau khi dân Israel vào trong miền đất tốt tươi thì họ xây dựng đền thờ làm trung tâm đời sống họ như là dân của Đức Chúa Trời. Khi đúng đắn với đền thờ thì họ đúng đắn với Đức Chúa Trời, và khi có trục trặc với đền thờ thì họ trục trặc với Đức Chúa Trời. Đây là bản tóm tắt ngắn về Cựu Ước. Chúng ta có gì trong Tân Ước? Chúng ta có Hội thánh ngày nay và Giê-ru-sa-lem Mới trong tương lai. Vì vậy, bản tóm tắt ngắn của toàn bộ Kinh thánh là sự xây dựng của Đức Chúa Trời.
---CẦN MỘT SỰ TRUYỀN DẪN TĂNG CƯỜNG
Vì tình trạng tối tăm và suy thoái của thời đại này nên Đức Chúa Trời đã buộc phải hành động như là Linh tăng cường gấp bảy để soi sáng chúng ta. Chúng ta cần sự dò xét và soi sáng của bảy Linh. Có lẽ anh em cứ bám lấy các giáo lí suốt nhiều năm tháng. Các giáo lí ấy có lợi gì cho anh em? Hội thánh khôi phục suy thoái có rất nhiều giáo lí nhưng Chúa đã nói gì về họ? Ngài nói rằng họ không nóng cũng không lạnh nhưng hâm hẩm và do đó họ đáng bị nhả ra khỏi miệng Ngài (3: 16). Đó là tình trạng của Hội thánh tại Lao-đi-xê.
Chúng ta cảm tạ Chúa, ngày nay ánh sáng về sự xây dựng của Ngài sáng hơn bao giờ hết. Ánh sáng đang chiếu trên chúng ta. Vấn đề không phải là làm người đắc thắng cá nhân đối với một số điều nhỏ nhặt mà là người đắc thắng đối với những điều chính yếu cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Nhiều Cơ đốc nhân không hiểu ý nghĩa của sự đắc thắng trong sách Khải Thị. Sự đắc thắng trong sách này có nghĩa là đắc thắng Cơ Đốc giáo suy thoái. Chúng ta phải đắc thắng tình trạng suy thoái của cái gọi là Hội thánh vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Hãy đọc đi đọc lại sách Khải Thị và anh em sẽ nhận thấy rằng quan điểm chi phối của sách này là sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Chúng ta luôn ghi nhớ quan điểm này. Mọi sự đều vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Khải thị về Đấng Christ trong chương 1 là vì sự xây dựng; bảy bức thứ gởi cho bảy Hội thánh trong chương 2 và 3 là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời; và quang cảnh trên trời sau khi Đấng Christ thăng thiên và khải tượng về Đấng Christ là Sư tử - Chiên con trong chương 5 cũng là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Việc Đấng Christ có bảy mắt là bảy ngọn đèn và là bảy Linh của Đức Chúa Trời không phải để chúng ta có thể trở nên thánh cách cá nhân mà hoàn toàn là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Nguyện Chúa thương xót chúng ta. Trong thời đại này, chúng ta đang ở trong đêm tối và cần Linh tăng cường gấp bảy là bảy ngọn đèn chiếu rọi để soi sáng, dò xét, thanh tẩy và tinh luyện chúng ta. Cuối cùng, điều chúng ta cần là sự truyền dẫn tăng cường của Chúa. Chúng ta cần được truyền tất cả những gì Ngài là vào trong mình để có thể trở nên những viên đá được biến đổi vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời.