SƯ TỬ - CHIÊN CON XỨNG ĐÁNG
Trong chương 4, chúng ta thấy quang cảnh trên trời sau khi Đấng Christ thăng thiên. Ngai của Đức Chúa Trời là trung tâm của quang cảnh trong chương 4 và Đức Chúa Trời đang ngồi trên ngai sẵn sàng thi hành sự quản trị hoàn vũ của Ngài để thực hiện mục đích đời đời của Ngài. Trong chương 5, chúng ta có cùng một quang cảnh sau khi Đấng Christ thăng thiên. Như chúng ta sẽ thấy trong bài này, trung tâm của quang cảnh này là Sư tử - Chiên con xứng đáng.
I. BÍ MẬT TRONG SỰ QUẢN TRỊ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Khải thị 5: 1 chép: “Đoạn, tôi đã thấy trong tay phải Đấng ngự trên ngai một cuộn sách viết cả trong lẫn ngoài, niêm bảy ấn.” Sự quản trị của Đức Chúa Trời là một bí mật, một huyền nhiệm. Trong suốt các thế kỷ, nhiều nhà thông thái đã tận lực tìm hiểu bí mật của vũ trụ là gì. Vì không có khải thị nên họ đã thất bại. Trong Khải Thị, sách cuối cùng của Kinh Thánh, chúng ta có sự mặc khải về cuộc gia tể của Đức Chúa Trời.
Trong 5: 1, Đấng ngự trên ngai cầm một cuộn sách niêm bảy ấn. Bảy ấn ấy thật ra là nội dung của cuộn sách và là nội dung của sách Khải Thị vì sách này là sự mở ra, sự mặc khải của bảy ấn. Chính cuộn sách ấy chắc hẳn là giao ước mới, chứng từ sở hữu rất quan trọng được ban hành bằng huyết Chiên con. Giao ước mới là một cuộn sách đề cập đến sự cứu chuộc Hội thánh, dân Israel, thế giới và vũ trụ. Sách Khải Thị là bản ký thuật ý tưởng của Đức Chúa Trời về Hội thánh, Israel, thế giới và vũ trụ. Khi chết trên thập tự giá, Đấng Christ nếm sự chết không chỉ vì con người mà còn vì muôn vật (Hê. 2: 9). Ở đây chúng ta thấy bí mật về sự quản trị của Đức Chúa Trời trong vũ trụ. Trong khi Tân Ước được ban hành bởi sự chết của Đấng Christ thì Tân Ước vẫn là một huyền nhiệm đối với nhân loại. Giao ước mới là bí mật của vũ trụ và là nội dung của sách Khải Thị. Khi đọc sách Khải Thị, chúng ta phải nhận thức rằng qua nhiều khải tượng, chúng ta thấy những gì được bao gồm trong giao ước mới này, những gì được chứa đựng trong cuộn sách bí mật và niêm phong này.
Bây giờ, sau khi Đấng Christ thăng thiên, cuộn sách ấy không còn là một bí mật nữa vì đã được mở ra bởi sự chết, phục sinh và thăng thiên của Đấng Christ. Trước sự chết của Ngài có một huyền nhiệm mà không một người nào biết bất cứ điều gì. Nhưng bởi sự chết, phục sinh và thăng thiên của Ngài, Ngài đã đáp ứng tất cả những đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Vì thế, như chúng ta sẽ thấy, Ngài đã mở ra huyền nhiệm ấy và khải thị cho Giăng, truyền cho ông viết huyền nhiệm ấy ra. Vì vậy, sách này chỉ là bí mật được tiết lộ hay cuộn sách được mở ra trong tay Đức Chúa Trời. Đây không còn là một bí mật nữa, mà là một huyền nhiệm được tỏ ra. Bây giờ, khi đọc sách Khải Thị, chúng ta đọc nội dung cuộn sách đã được Đấng Christ thăng thiên tháo ấn. Đây là một vấn đề trọng đại và không bao nhiêu Cơ đốc nhân biết được. Hầu hết Cơ đốc nhân đều có sách Khải Thị, nhưng không bao nhiêu người có cuộn sách được tháo ấn vì họ không biết Khải Thị là cuộn sách đã được tháo ấn.
II. KHÔNG AI XỨNG ĐÁNG
Trong 5: 2 – 4, chúng ta thấy rằng không ai trên trời, dưới đất hay bên dưới đất xứng đáng mở cuộn sách ấy ra xem. Khi Giăng mới nhìn thì cuộn sách vẫn còn bị đóng ấn. Nếu có ở đó chắc chắn chúng ta, cũng như Giăng, mong muốn xem trong cuộn sách ấy có gì. Nhưng Giăng “khóc dầm dề vì không thấy ai xứng đáng mở cuộn sách ấy hoặc xem nó.” Nếu thật sự không tìm thấy ai xứng đáng trong toàn thể vũ trụ thì chúng ta chắc chắn cần phải khóc vì toàn thể vũ trụ sẽ hư không, không ai có đủ tư cách tiết lộ bí mật của vũ trụ. Nếu trong vũ trụ này không có Đấng Christ thì toàn thể vũ trụ sẽ phải khóc. Nhưng có Đấng Christ, chúng ta không phải khóc.
III. SƯ TỬ - CHIÊN CON XỨNG ĐÁNG
A. Sư tử của chi phái Giu-đa
Đang khi Giăng khóc thì một trong các trưởng lão nói với ông rằng: “Chớ khóc; kìa, Sư tử thuộc chi phái Giu-đa, cội gốc của Đa-vít, đã đắc thắng để mở sách và tháo bảy ấn ấy.” Điều này được đề cập trong Sáng Thế Ký 49: 8– 9 là phân đoạn mô tả Đấng Christ là Sư tử, một biểu hiệuvề Ngài là chiến sĩ mạnh mẽ chống lại kẻ thù. Chúng tôi đã chỉ ra rằng gần như mọi sự trong sách Khải Thị đều là sự ứng nghiệm của những điều được đề cập trong Cựu Ước. Đấng Christ là Sư tử chiến đấu, chiến thắng và đắc thắng. Ngài đã thắng trận chiến. Vì thế, sự đắc thắng của Ngài làm cho Ngài xứng đáng mở cuộn sách ra và tháo bảy ấn của nó.
Dù thiên sứ bảo Giăng ngắm xem Sư tử của chi phái Giu-đa, nhưng câu 6 chép: “Tôi bèn thấy chính giữa ngai và bốn sinh vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên con đứng, như vừa mới bị giết.” Thiên sứ giới thiệu Đấng Christ là Sư tử, nhưng Giăng lại thấy Ngài là Chiên con. Là Sư tử, Ngài là Chiến sĩ chống lại kẻ thù; là Chiên con, Ngài là Đấng cứu chuộc chúng ta, Ngài đã chiến đấu để cứu chuộc chúng ta, rồi Ngài đã đắc thắng kẻ thù và hoàn tất sự cứu chuộc cho chúng ta. Đối với kẻ thù, Ngài là Sư tử, đối với chúng ta, Ngài là Chiên con. Dù các thiên sứ không cần đến sự cứu chuộc, nhưng họ cần người nào đó đánh bại kẻ thù của Đức Chúa Trời vì một thiên sứ giữa vòng họ đã trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời. Vì thế các thiên sứ nhận thấy cần có người nào đó đánh bại kẻ phản loạn này. Đối với các thiên sứ, Đấng Christ là Sư tử đánh bại kẻ phản loạn, nhưng đối với chúng ta, kể cả sứ đồ Giăng thì Đấng Christ là Chiên con, tức Đấng cứu chuộc. Chúng ta cần sự cứu chuộc của Đấng Christ. Như chúng tôi đã chỉ ra rồi, trong vũ trụ có hai nan đề chính là Sa-tan và tội. Là Sư tử, Đấng Christ đã đánh bại và hủy diệt Sa-tan và là Chiên con, Ngài đã cất tội của chúng ta đi. Ngài đã chiến thắng và hoàn tất sự cứu chuộc. Bây giờ, Ngài là Sư tử - Chiên con.
Câu 6 khải thị rằng Chiên con đứng giữa ngai. Về sự cứu chuộc, sau khi thăng thiên, Đấng Christ đã ngồi bên phải của Đức Chúa Trời (Hê. 1: 3; 10: 12), nhưng về phương diện thực hiện sự quản trị của Đức Chúa Trời, Ngài vẫn đứng trong sự thăng thiên.
B. Cội rễ của Đa-vít
Trong câu 5, Đấng Christ được ban cho danh xưng “cội rễ của Đa-vít.” Danh xưng này (Ngài cũng là cội rễ của cha Đa-vít là Gie-sê, Ê-sai 11: 1), có nghĩa là Đấng Chris là nguồn gốc của Đa-vít. Vì vậy, dù là tổ phụ của Ngài, Đa-vít vẫn gọi Ngài là “Chúa” (Mat. 22: 42 – 45). Ngài là cội rễ của Đa-vít. Theo quan niệm của chúng ta, Đấng Christ được sinh ra bởi Đa-vít, cho nên Ngài là hậu tự của Đa-vít. Nhưng ở đây nói Đấng Christ là cội rễ của Đa-vít, có nghĩa là Đa-vít ra từ Đấng Christ. Kinh Thánh cũng nói Đấng Christ là nhánh của Đa-vít (Giê. 23: 5). Vậy, Ngài vừa là cội rễ vừa là nhánh. Trong Ê-sai 11: 1 và 10, chúng ta thấy Đấng Christ còn là nhánh và cội rễ của Gie-sê.
Chúng ta nhận thấy rằng Đấng Christ vừa là hậu tự vừa là cội rễ của Đa-vít. Theo cách nhìn của Đức Chúa Trời, Đa-vít là người duy nhất đánh trận giành được uy quyền, đánh trận vì Đức Chúa Trời và giành được trọn uy quyền của Ngài. Sự kiện Đấng Christ tức Sư tử – Chiên con, là cội rễ của người này có nghĩa là Ngài còn lớn hơn Đa-vít. Đây là lý do tại sao Ngài cầm chìa khóa của Đa-vít (3: 7). Điều gì Đa-vít là, có và thực hiện đều ra từ cội rễ này. Vì vậy, là cội rễ của Đa-vít, Đấng Christ mạnh mẽ và thắng hơn Đa-vít và có nhiều uy quyền thần thượng của Đức Chúa Trời hơn.
C. Chiên Con bị giết
Trong câu 6, Giăng nói rằng ông thấy “có một Chiên con đứng, như vừa mới bị giết.” Theo tiếng Hi lạp, “vừa mới bị giết” cho thấy Chiên con mới bị giết gần đây. Khi Giăng nhìn thấy Đấng Christ là Chiên con Ngài vừa mới bị giết. Sự kiện này cũng hàm ý rằng quang cảnh trên trời được mô tả trong chương này là ngay sau khi Đấng Christ thăng thiên.
D. Đã đắc thắng
Là Sư tử của chi phái Giu-đa, Đấng Christ đã đắc thắng Sa-tan là kẻ thù của Đức Chúa Trời. Ngài đã giải quyết nan đề này cho Đức Chúa Trời và lấy đi những trở ngại để thực hiện mục đích của Đức Chúa Trời. cho nên Ngài xứng đáng mở ra cuộn sách về cuộc gia tểcủa Đức Chúa Trời.
E. Xứng đang mở cuộn sách ra và tháo bảy ấn
Mục đích của Đức Chúa Trời cần phải có người thi hành và đó phải là người có thể giải quyết mọi nan đề của Đức Chúa Trời. Các nan đề của Đức Chúa Trời là sự phản loạn của Sa-tan và sự sa ngã của con người. Là Sư tử, Đấng Christ đã đánh bại Sa-tan phản loạn; và là Chiên con, Ngài cất tội lỗi của con người sa ngã đi. Vì Ngài đã giải quyết hai nan đề này cho Đức Chúa Trời nên Ngài xứng đáng mở ra cuộn sách về cuộc gia tểcủa Đức Chúa Trời.
F. Có bảy sừng
Trong câu 6, Giăng nói Chiên con có bảy sừng. Sừng chỉ về sức mạnh để chiến đấu (Phục. 33: 17). Đấng Christ là Chiên con cứu chuộc, nhưng có sừng chiến đấu. Ngài là Đấng cứu chuộc chiến đấu và cuộc chiến đấu của Ngài đã hoàn tất trong sự chuyển động của Đức Chúa Trời như được tượng trưng bằng số bảy.
G. Có bảy mắt
Câu 6 nói rằng Chiên con có “bảy mắt, là bảy Linh của Đức Chúa Trời sai xuống khắp đất.” Mắt của Chiên con là để quan sát và dò xét. Là Chiên con cứu chuộc, Đấng Christ có bảy mắt quan sát và dò xét để thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời trên vũ trụ hầu thực hiện mục đích đời đời của Đức Chúa Trời là điều sẽ hoàn thành trong việc xây dựng Giê-ru-sa-len Mới. Vì vậy, Xa-cha-ri 3: 9 nói tiên tri về Ngài là hòn đá, là đá chóp (Xa. 4: 7) có bảy mắt cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Bảy mắt này là “bảy Linh của Đức Chúa Trời sai xuống khắp đất,” “trải đi qua lại khắp đất” (Xa. 4: 10).
Trong sách Phúc Âm của Giăng, ông nói Đấng Christ là Chiên con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế giới đi (Gi. 1: 29). Nhưng trong Khải Thị chương 5, ở đây Giăng thấy Chiên con như có bảy mắt. Dù Giăng nhìn thấy Chiên con đã bị giết nhưng ông không thấy huyết tuôn chảy. Thay vào đó, ông thấy bảy mắt là bảy Linh của Đức Chúa Trời. Bảy mắt ấy chắc chắn không phải vì sự cứu chuộc. Chiên con trong Phúc Âm Giăng đã đổ huyết Ngài ra từ hông Ngài tuôn ra nước. Nhưng Chiên con trong sách Khải thị thì có bảy mắt bằng lửa chiếu sáng và tỏa ra chạm đến người ta. Theo giấy trắng mực đen, điều này là để phán xét, nhưng thật ra điều này là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Anh em có thể thắc mắc rằng tôi có nền tảng gì mà nói bảy mắt dò xét, soi sáng là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rõ rằng bảy mắt ấy là bảy ngọn đèn (Xa. 3: 9; 4: 2, 10). Bảy ngọn đèn được đề cập lần đầu tiên trong Xuất Ai Cập Kí chương 25. Tại đó, các ngọn đèn không phải để dò xét hay phán xét mà là để Đức Chúa Trời xây dựng. Bảy ngọn đèn được đề cập tại đó là để xây dựng nhà trại, tức chổ ở của Đức Chúa Trời giữa con người trên đất. Dường như bảy mắt bằng lửa của Chiên con là để dò xét và phán xét. Tuy nhiên, sự dò xét và phán xét này là thủ tục để đạt tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng. Cuối cùng, sách Khải Thị không chỉ vì sự phán xét mà còn vì sự xây dựng. Hầu hết những người luận giải sách Khải Thị đều nói đó là sách về sự phán xét. Nhưng sự phán xét này là một tiến trình mà sẽ tổng kết trong Giê-ru-sa-lem Mới. Điều gì sẽ xuất hiện sau khi sự phán xét này được thi hành? Giê-ru-sa-lem Mới. Giê-ru-sa-lem Mới ra từ sự phán xét của Đức Chúa Trời là điều được thi hành bởi bảy mắt.
Như chúng tôi đã chỉ ra, mắt của một người không thể tách rời khỏi người ấy, vì mắt của một người là sự bày tỏ của người ấy. Bản thể bề trong của chúng ta chính yếu được bày tỏ qua đôi mắt. Cũng vậy, bảy Linh là bảy mắt của Đấng Christ mà nhờ đó Đấng Christ bày tỏ chính Ngài. Nếu người nào nói Linh tách rời khỏi Đấng Christ thì người ấy chắc chắn thiếu hiểu biết và quá thiển cận. Làm sao có thể nói mắt của một người tách rời khỏi người ấy được? Thật là buồn cười! Bảy Linh không phải là Thánh Linh và bảy Linh không phải là những ánh mắt của Đấng Christ sao? Vậy thì làm sao có thể nói Thánh Linh tức bảy Linh, tách rời khỏi Đấng Christ? Con là hiện thân của Cha và Linh là sự biểu lộ của Con. Bảy mắt của Đấng Christ, tức bảy Linh của Đức Chúa Trời là sự biểu lộ của Đấng Christ về mặt phán xét trong sự chuyển động của Đức Chúa Trời vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Thậm chí bây giờ, những mắt rực cháy của Đấng Christ đang đốt chúng ta để soi sáng, dò xét, luyện lọc và phán xét, không phải để định tội chúng ta mà để chúng ta có thể được thanh tẩy, biến đổi và được đồng hóa theo hình ảnh của Ngài vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Sự phán xét của Chúa được thúc đẩy bởi tình yêu thương. Vì yêu thương, Hội thánh nên Ngài đến dò xét, soi sáng, phán xét, luyện lọc và thanh tẩy chúng ta để biến đổi chúng ta thành những viên đá quý. Cuối cùng, sách này tổng kết trong Giê-ru-sa-lem Mới là thành được xây bằng những vật liệu quý. Các vật liệu ấy đến từ đâu? Các vật liệu ấy đến từ bảy mắt của Đấng Christ, tức là từ Linh ban sự sống, biến đổi.
Trong sách Khải Thị, Linh không được gọi là Linh ban sự sống hay Linh biến đổi mà được gọi là bảy Linh, tức là bảy ngọn đèn cháy rực, dò xét, phán xét. Đối với Hội thánh suy thoái, Linh ban sự sống phải là Linh cháy rực gấp bảy. Ngày nay Linh ban sự sống phải là Linh bùng cháy và Linh biến đổi phải là Linh dò xét và phán xét. Sự dò xét và phán xét của Ngài là sự thanh tẩy và biến đổi của Ngài. Không người nào có thể được biến đổi thành đá quý mà không được Ngài dò xét. Tôi ngửa trông Chúa biết bao để Ngài dò xét tất cả chúng ta. Chúng ta ở đây không vì giáo lí và sự dạy dỗ; chúng ta ở đây dưới sự soi sáng của Lời thuần khiết và ở dưới sự dò xét của bảy Linh. Tất cả chúng ta đều cần được dò xét, thanh tẩy, luyện lọc cách triệt để. Nếu được như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ như cũ hoài.
Trong Xuất Ai Cập Kí chương 25, bảy ngọn đèn là để xây dựng chổ ở của Đức Chúa Trời trên đất và trong Xa-cha-ri chương 3, bảy mắt là bảy mắt của hòn đá. Trong sách Khải Thị, chúng ta có Sư tử - Chiên con và trong sách Xa-cha-ri, chúng ta có đá. Vì trong sách Khải Thị, bảy mắt ở trên Chiên con, còn trong sách Xa-cha-ri bảy mắt ở trên đá nên chúng ta có thể nói Chiên con là Chiên con – đá. Chiên con – đá là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Sự kiện Đấng Christ, Chiên con của Đức Chúa Trời, là đá xây dựng có bảy mắt chứng tỏ rằng bảy mắt của Đấng Christ là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Trong sự khôi phục của Chúa , mọi người đều ở dưới sự dò xét, phán xét và thanh tẩy của Linh Đấng Christ và ngày nay Linh của Đấng Christ là Linh bùng cháy gấp bảy. Dù Ngài là Linh ban sự sống, biến đổi, nhưng đối với Hội thánh suy thoái, Ngài là bảy Linh bùng cháy. Chúng ta không những rao giảng về Chiên con trong Giăng chương 1 mà còn cung ứng Chiên con trong Khải thị chương 5. Chúng ta cung ứng Chiên con này là hòn đá xây dựng có bảy Linh. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là một Đấng như thế, có bảy Linh để lan rộng chính Ngài, bày tỏ chính Ngài và truyền chính Ngài vào trong tất cả những Chi thể của Ngài hầu biến đổi chúng ta thành vật liệu quý cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời.
IV. BỐN SINH VẬT VÀ HAI MƯƠI BỐN TRƯỞNG LÃO THỜ
PHƯỢNG VÀ NGỢI KHEN CHIÊN CON
A. Có đàn hạc và những bát vàng đầy hương
Từ câu 8 đến câu 10, chúng ta thấy sự thờ phượng và ngợi khen Chiên Con từ bốn sinh vật và hai mươi bốn trưởng lão có đàn hạc và những bát vàng đầy hương. Trong câu 8, lời cầu nguyện chỉ về bát, chứ không phải chỉ về hương. Bát là “lời cầu nguyện của các thánh đồ” được các trưởng lão thiên sứ đem đến cho Đức Chúa Trời (đc. 8: 3 – 4), trong khi hương là Đấng Christ được thêm vào lời cầu nguyện của các thánh đồ. Sự kiện những người thờ phượng cầm bát có nghĩa là họ là các thầy tế lễ phụng sự Đức Chúa Trời bằng cách đem lời cầu nguyện của các thánh đồ đến với Ngài. Điều này cho thấy rằng trước khi Cơ đốc nhân trở nên thầy tế lễ trong vương quốc thiên hi niên, ngày nay hai mươi bốn trưởng lão là các thầy tế lễ. Cuối cùng, chúng ta sẽ thay thế họ. Điểm này được chứng minh bằng 4: 10; trong câu ấy chúng ta được biết rằng hai mươi bốn trưởng lão “ném mão miện mình trước ngai,” hàm ý rằng họ sẽ từ chức. Khi các thánh đồ được cứu chuộc đã được làm cho hoàn hảo và vinh hóa để làm những vị vua – thầy tế lễ đúng đắn thì các thầy tế lễ tạm thời này, tức các thiên sứ làm trưởng lão, sẽ từ chức. Vào thời đại thiên hi niên, các thánh đồ đắc thắng sẽ là những vị vua và thầy tế lễ hoàn hảo, trọn vẹn và đúng đắn cho Đức Chúa Trời. Khi thời điểm ấy đến, các thầy tế lễ và những bậc cai trị tạm thời sẽ từ chức. Nhưng trong chương năm này họ vẫn là các thầy tế lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời lời cầu nguyện của các thánh đồ với Đấng Christ là hương.
B. Hát một bài ca mới, ngợi khen Chiên con
Trong câu 9 và 10, chúng ta thấy các trưởng lão hát một bài ca mới ngợi khen Chiên con. Câu 9 chép: “Chúng hát bài ca mới rằng: Ngài đáng lấy sách mà mở những ấn ra, vì Ngài đã chịu giết, lấy huyết mình mà chuộc mua chúng tôi cho Đức Chúa Trời từ các chi phái, các tiếng, các dân, các nước.” Bài ca ở đây là mới vì Chiên con được ngợi khen đó vừa mới bị giết. Bài ca mới này ngợi khen sự xứng đáng của Chiên con. Như chúng ta thấy, trong toàn thể vũ trụ, không người nào xứng đáng mở ra huyền nhiệm của cuộc gia tể Đức Chúa Trời ngoại trừ Đấng Christ là Sư tử đắc thắng và Chiên con cứu chuộc. Là Sư tử đắc thắng Ngài đã đánh bại Sa-tan cho Đức Chúa Trời và là Chiên con cứu chuộc. Ngài đã cất bỏ tội của chúng ta. Ngài là Đấng duy nhất có đủ tư cách mở huyền nhiệm của cuộc gia tể Đức Chúa Trời ra và thi hành huyền nhiệm ấy.
Nói về những người đã được cứu chuộc cho Đức Chúa Trời bằng huyết Chiên con thì trong câu 10, hai mươi bốn trưởng lão hát rằng : “Và Ngài đã làm cho những người ấy nên vương quốc và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ cai trị trên đất.” Từ những người ấy trong câu này chứng minh rằng các trưởng lão ngợi khen không thuộc Hội thánh mà thuộc thiên sứ. Vương quốc là vì vương quyền để thi hành uy quyền của Đức Chúa Trời và thầy tế lễ là vì chức tế lễ để hoàn thành chức vụ thần thượng.
V. LỜI NGỢI KHEN HOÀN VŨ CHO ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CHIÊN CON
Từ câu 11 đến 14, chúng ta thấy lời ngợi khen hoàn vũ cho Đức Chúa Trời và Chiên con bởi các thiên sứ dưới sự lãnh đạo của hai mươi bốn trưởng lão (cc. 11 – 12) và tất cả các tạo vật dưới sự lãnh đạo của bốn sinh vật (cc. 13 – 14). Nhiều thiên sứ, được đại diện bởi hai mươi bốn trưởng lão dâng lên Chiên con lời ngợi khen của thiên sứ. Mọi tạo vật, được tượng trưng bởi bốn sinh vật, đi theo họ và dâng lên Chiên con lời ngợi khen hoàn vũ của tất cả những tạo vật không phải là thiên sứ.
Cuộc gia tể của Đức Chúa Trời cùng với sự cứu chuộc của Ngài là để hoàn thành nơi ở đời đời của Ngài, tức Giê-ru-sa-lem Mới. Đấng được xức dầu của Đức Chúa Trời, tức Đấng Christ, là Sư tử, Chiên con và đá. Ngài đã hủy diệt kẻ thù, cứu chuộc chúng ta và trở nên đá. Trong Ma-thi-ơ 21: 42, Chúa nói với người Pha-ri-si chống đối Ngài: “Các ông chưa từng đọc trong Kinh văn rằng: “Đá mà các thợ xây khước từ đã trở nên đá đầu góc nhà. Điều này là từ Chúa và thật lạ lùng cho mắt chúng ta sao?” Ở đây, Chúa cho thấy rằng sự cứu chuộc của Ngài là để Ngài làm đá góc nhà. Chúng ta thấy cùng một ý tưởng này trong Công vụ các Sứ đồ 4: 11 và 12. Công vụ các Sứ đồ 4: 12 chép rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta cần phải nhờ đó mà được cứu.” Danh này là danh của Đấng Christ, tức đá góc, mà câu trước cho thấy rằng “đá bị các ông là thợ xây nhà khinh thường” đã “trở nên đầu góc nhà.” Vì thế, danh của đá góc này là danh mà bởi đó chúng ta được cứu. Chúng ta được cứu để làm gì? Phải chăng để lên thiên đàng? Không, chúng ta được cứu để trở nên đá cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Quan niệm trong sách Khải thị là quan niệm về Đấng Christ là Sư tử đánh bại và tiêu diệt kẻ thù, Chiên con để cứu chuộc chúng ta và đá để xây dựng nơi ở đời đời của Đức Chúa Trời. Đấng Christ xây dựng nơi ở của Đức Chúa Trời bằng cách nào? Bằng bảy Linh và bảy mắt cháy bùng, soi sáng, dò xét, phán xét và truyền dẫn. Qua phương tiện là bảy Linh, Ngài biến đổi chúng ta thành những viên đá quý để được xây dựng nên Giê-ru-sa-lem Mới.