Ngày xưa trong Cựu ước, sách Xuất Hành và Dân số ký ghi lại hàng trăm lần Chúa phán vào tai Moses. Ngày nay là thời Tân ước, Chúa chuyển những sự hiện ra, sự phát ngôn khách quan của Ngài vào lãnh vực huyền nhiệm và thần thượng, là linh giới. Ngài không phán vào tai ngoài của tín đồ nữa. Tôi không phủ nhận rằng với một số tín đồ nào đó, Chúa cũng còn phán với họ vào tai vật lí hay phán trong chiêm bao.
Khi một thầy bói chính quy đốt nhang van vái thì linh bói khoa liền phán vào tai vật lí của ông ta, để ông ta nói lại cho khách hàng cầu vấn đang ngồi trước mặt ông, từng điều một. Đó là nguyên tắc của satan. Nhưng nguyên tắc Tân ước thì không còn như vậy.
Kinh văn chép:
-Mác 4:12, “hầu cho họ xem thì thấy mà không nhận biết, lắng thì nghe mà không hiểu: e họ trở lại mà được tha thứ chăng.”—Phải nghe bằng tai bề trong là trự giác trong tâm linh, chúng ta mới nghe tiếng Chúa được.
-Rô-ma 10:17, “Dường ấy, sự tin do sự nghe, mà sự nghe lại do lời (rhema) của Christ vậy”. Kinh văn là logos bất biến của Chúa, khi câu kinh văn nào gây ấn tượng, đánh động mạnh vào lòng chúng ta, kinh văn đó đã trở thành rhema, lời bề trong sinh động ngay trong lúc đó, qua rhema đó, chúng ta sẽ cảm nhận, chứ không nghe bằng tai vật lí, tiếng Chúa phán với chúng ta vào lúc đó. Trong Tiếng Hi lạp Tân Ước, cả hai chữ logos và rhema đều được dịch là lời.- hai thứ lời—ngoài và trong.
-Khải thì 2:7, “Ai có tai, hãy nghe điều Thánh Linh phán cùng các Hội thánh”. Chúa vẫn phán thường xuyên, nhưng những ai có tai bề trong mới cảm biết được.
Tóm lại, Chúa vẫn luôn phán dạy chúng ta mỗi ngày, nhưng muốn nghe được tiếng Ngài, chúng ta phải kêu cầu Danh Chúa “ôi Chúa Jesus” trong lòng, vận dụng trực giác trong tâm linh mình để cảm nhận tiếng êm dịu nhỏ nhẹ của Chúa khi Ngài gây ấn tượng, hay đặt gánh nặng vào lòng ta, hay khi đọc kinh văn, mà lời kinh thánh nào đó trở thành rhema vào lúc đó, thì qua lời chủ quan, sinh động đó, chúng ta cảm biết được tiếng Chúa đang phán với mình—chớ không phán vào tai vật lí.
M.K.