Nhiều năm về trước có một tôi tớ Chúa rao giảng 1 Cô-rinh-tô 3:1-15 trong buổi nhóm họp của một Hội thánh. Trước khi ông dứt lời, có một người nêu câu hỏi xin ông giải đáp giùm. Người tín đồ nói, “Tôi không biết lửa trong câu 15 là lửa gì?”. Thì giờ đã hết, nên mục sư không trả lời được. Cá nhân tôi cũng không được nghe lời giải đáp của ông về câu Kinh thánh đó, “Nếu công trình của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ bị lỗ, còn chính người thì sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy”. Nhưng bởi sự thương xót của Chúa, ngày nay tôi đã hiểu được phần nào ý nghĩa của câu nầy, -“ được cứu, song dường như qua lửa vậy”.
.
Câu Kinh thánh nầy có thể được hiểu theo ba ý :
- Sau khi qua lửa luyện rồi mới được cứu linh hồn, đó là đầu mối của giáo lý ngục luyện tội sai lầm.
- Đã được cứu không hư mất, nhưng trắng tay, không được phần thưởng, vì công trình của Cơ Đốc nhân đó bị lửa đốt cháy, giống như một nguời bị cháy nhà, tay trắng, không còn gì cả.
- Lửa đây là lửa của géhenna (địa ngục). Những Cơ Đốc nhân chưa ăn năn, thất bại, sẽ bị vào nơi khóc lóc nghiến răng chịu sửa trị để tinh sạch và hoàn hảo. Sau thiên hi niên họ mới vào thanh thánh, vào thiên đàng. Từ ngữ “qua lửa” là sự hình phạt sắp đến dành cho các Cơ Đốc nhân thất bại. Công trình hầu việc Chúa của họ vừa bị thiêu huỷ và bản thân họ còn bị hình phạt trong lửa luyện trong thời đại vương quốc.
Điều đáng tiếc là Cơ Đốc nhân ngày nay chỉ thoả mãn sự cứu rỗi chắc chắn của mình như chiếc vé vào cửa thiên đàng. Họ yên trí, thoả mãn về việc sẽ lên thiên đàng, chớ ít khi suy nghĩ về thực chất đời sống cứu rỗi của mình tại trái đất đây, hay kết cuộc sự cứu rỗi sẽ là gì. Những lời giảng dạy ngày nay như thuốc bọc đường, ru ngủ dân Chúa về việc họ sẽ dự phần vương quốc, và sự đồng trị vì với Chúa trên địa cầu cách dễ dàng mà không phải trả giá gì cả. Còn nếu ai rao giảng lời Chúa về việc Cơ Đốc nhân thất bại vào nơi khóc lóc nghiến răng, họ sẽ cho là lời không tưởng, không đúng Kinh thánh, hay có quan điểm thần học đáng chất vấn.
Đó là lý do dân Chúa lẫn lộn nhiều lẽ thật căn bản trong Kinh Thánh, trông gà hoá quốc. Tôi thấy đa số dân Chúa lẫn lộn các sự việc như: sự cứu rỗi với sự thánh hoá theo sau sự cứu rỗi; ân điển với phần thưởng; sự hư mất đời đời với kỷ luật hay sự trừng trị sau khi Chúa tái lâm; sự sống đời đời lẫn lộn với vương quốc, và thậm chí không thể phân biệt được vương quốc với thiên đàng. Thật bi thảm!
Cơ Đốc nhân thế kỷ 21 đã được ru ngủ về viễn tượng vinh quang đồng trị vì với Đấng Christ. Nhưng ngày kia, trước toà án Đấng Christ, khi không được cai trị địa cầu, họ sẽ ngỡ ngàng hỏi Chúa, “Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi há chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà đuổi quỉ sao? và nhơn danh Chúa mà làm nhiều việc quyền năng sao?” (Ma-thi-ơ 7:22-23)—hay “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài đã dạy dỗ trong các đường phố chúng tôi” (Lu-ca 13:26-27). Chúa đáp lại cùng họ, “Ta chẳng hề biết các ngươi; hãy lìa khỏi Ta, ớ những kẻ làm ác kia'' – hoặc “Ta nói cùng các ngươi, Ta không biết các ngươi từ đâu đến; hãy lìa khỏi Ta, ớ hết thảy các ngươi là kẻ làm bất nghĩa kia!”. Chúa gọi Cơ Đốc nhân thất bại là “những kẻ làm ác (bất pháp) và là “kẻ làm bất nghĩa”. Họ lủi thủi vào nơi khóc lóc nghiến răng mà lòng còn ấm ức.
Anh chị em mến,
Việc cai trị trong vương quốc không phải là quà tặng miển phí như sự cứu rỗi đâu. Không có sự đồng trị vì với Chúa theo giá rẽ bao giờ. Ai chưa được lửa hừng của Đức Chúa Trời luyện lọc trước đó thì phải chịu lửa ấy trong nơi tối tăm ở ngoài vương quốc trong đời sau.
Các giáo phụ tin rằng sự cứu rỗi bao gồm các sự biểu lộ xác định và hiển nhiên trong đời sống của những người đã được cứu. Cảm xúc nầy rất mạnh mẽ trong việc họ hiểu biết phúc âm từ rất sớm. Họ tin rằng ân điển cứu độ và bông trái của ân điển dù gần đồng nghĩa, nhưng không lẫn lộn. Các giáo phụ không tin rằng các người đã được tái sinh, nhưng còn là các tín đồ tội lỗi và bất trung có thể bước vào sự vui vẻ của Chúa ngay sau khi họ chết.
Đời sống do ân điển cứu độ là một với đời sống thánh hoá và thanh tẩy, rồi đạt đến sự hoàn hảo và trưởng thành. Diễn trình hoàn hảo nầy phải trải qua sự đau khổ nào đó. Các giáo phụ tin rằng sự đau khổ có nhiều cấp độ, và lắm khi còn xảy ra sau khi chết.
Khi luận giải về Ma-thi-ơ 12:32 và 1 Cô-rinh-tô 3:15, giáo phụ Augustine có viết, “về các sự đau đớn tạm thời, một số người chỉ chịu đựng trong đời sống nầy mà thôi, một số người khác còn phải chịu đựng sau khi chết, còn số khác nữa phải chịu đựng cả trong đời nầy và đời sau, tuy nhiên tất cả các điều nầy xảy ra trước sự phán xét cuối cùng và nghiêm khắc nhất dành cho người vô tín…” (Trích The City of God trang 990-991).
Giáo phụ Augustine còn nói, “thứ nhất, một người vô tín sẽ chịu hình phạt tạm thời trong đời nầy, đang khi chờ đợi “sự sống lại định tội”, và khi ấy anh bị ném vào hồ lửa chịu hình phạt đời đời, không có lối thoát (Giăng 5:28-29; Khải thị 20:15)-- Thứ nhì, người tín đồ còn tội lỗi, không ăn năn, có thể bị trừng trị trong cả đời nầy và trong đời sau, nhưng vì tên tuổi của anh đã được ghi trong sách sự sống, anh sẽ được cứu cách xác định khỏi “sự trừng trị đời đời” dành cho dân vô tín. Cả hai kết quả nầy đều được kinh văn Tân ước chứng thực”.
Người vô tín vào hồ lửa chịu hình phạt đời đời. Hồ lửa không phải là ngục luyện tội mà có thể cho họ còn có cơ hội được cứu, nếu họ chịu làm tốt trong lửa luyện ở đó.
Niềm tin về lửa luyện dành cho các tín đồ sau khi chết là thông thường giữa vòng các giáo phụ của thế kỷ thứ hai đến thế kỷ thứ tư. Nhưng sau đó Hội thánh chung đã đi lệch hướng theo giáo lý ngục luyện tội.
Do đó, chúng ta xem Mác 9:43-50 như sau, “Nếu tay ngươi gây cho ngươi vấp phạm, hãy chặt nó đi; vì lấy làm tốt cho ngươi thà cụt tay mà vào sự sống còn hơn là đủ hai tay mà sa xuống địa ngục (gehenna), trong lửa chẳng ai tắt được, là nơi sâu bọ chẳng hề chết, lửa chẳng hề tắt. Lại nếu chân ngươi gây cho ngươi vấp phạm, hãy chặt nó đi; vì lấy làm tốt cho ngươi thà què mà vào sự sống còn hơn là đủ hai chân mà bị quăng vào địa ngục (gehenna), là nơi sâu bọ chẳng hề chết, lửa chẳng hề tắt. Còn nếu mắt ngươi gây cho ngươi vấp phạm, hãy móc nó đi; vì lấy làm tốt cho ngươi thà một mắt mà vào nước Đức Chúa Trời còn hơn là đủ hai mắt mà bị quăng vào địa ngục (gehenna), là nơi sâu bọ chẳng hề chết, lửa chẳng hề tắt. Vì mỗi người sẽ bị muối bằng lửa. Muối vốn tốt, song nếu muối mất mặn đi, thì lấy chi mà nêm lại? Khá có muối trong các ngươi và hãy hoà thuận cùng nhau.”
Những câu nầy là lời chính môi miệng Chúa nói về lửa luyện dành cho tín đồ thất bại sau khi Chúa đến. Anh chị em tin nổi không? Anh em chấp nhận không?
Lửa trong hồ lửa là lửa lưu hoàng (Khải-thị 14:10-11), lửa vật lý và cũng là lửa thuộc linh. Lửa ấy làm cho người vô tín chịu thống khổ cực độ trong thân xác, tinh thần, thấu suốt hồn linh họ đến đời đời. Mác chương 9 ở đây so sánh muối với lửa. Lửa và muối được đặt đồng vị trong văn mạch. Nên bị lửa đốt có thể tương đương như bị ướp muối, vì muối như lửa. Muối để khử trùng. Lửa để luyện sạch ten rét.
Như vậy, tín đồ chưa ăn năn có thực sự vào “lửa của hồ lửa” không? Ma-thi-ơ 5:22 nói tín đồ phạm tội vào lửa của géhenna. Khải thị 2:11 nói tín đồ thất bại bị sự chết lần hai (hồ lửa) làm thiệt hại. Mác 9:49 chép, “Vì mỗi người sẽ bị muối bằng lửa”. Tôi nghĩ rằng không nhất thiết cho người tín đồ chưa ăn năn trong đời nầy bị lửa géhenna thiêu đốt theo nghĩa đen, nhưng quyền năng làm đau khổ cùng cực của hồ lửa đụng đến họ, khiến họ phải khóc lóc nghiến răng trong chỗ tối tăm trong một thời gian dài—có khi là 1000 năm chăng? Nào ai biết được!---để tẩy sạch họ từ trong ra ngoài, cho đến khi họ hoàn hảo và trưởng thành thuộc linh. Vì theo 1 Phi-e-rơ 1:7; 4:12,17 thì lửa hừng hoạn nạn của tín đồ chịu đựng trong đời nầy không nhất thiết là lửa vật lý.
Thưa Anh Chị Em,
Tóm lại, mọi người đã được cứu đều phải trải qua lửa luyện lọc trong đời nầy để được tẩy sạch, để trừ diệt vi khuẩn của Sa-tan và trưởng thành. Nếu công việc luyện lọc nầy chưa đạt yêu cầu của Chúa, người tín đồ đó không được vào vương quốc thiên hi niên, mà còn phải chịu luyện lọc cách triệt để trong nơi khóc lóc nghiến răng của đời sau. Ma-thi-ơ 12:32 chép, “ thì dầu đời nầy hay đời sau cũng chẳng được tha” – có nghĩa là các tội lỗi của Cơ Đốc nhân thất bại sẽ được tha thứ sau thiên hi niên. Tôi nghi ngờ Anh Chị Em chấp nhận Lời Chúa nói như những câu trên đây và run sợ.