Tôi không có ý định gây cuộc bút chiến hay mạ lị ai nhưng viết bài nầy ra để trình bày lẽ thật của Đức Chúa Trời trong kinh thánh về sự phục sinh của Đấng Christ- Vì nhiều con dân Chúa bị hoang mang trước lí luận của một trường phái nọ về ngày phục sinh của Chúa.
Có một trường phái tuyên bố rằng: “Chúa Jesus đã sống lại vào chiều Thứ Bảy, ngay sau 6:00 giờ, là lúc chấm dứt ngày Sa-bát và bước qua ngày thứ nhất (vì ngày Thứ Nhất trong tuần lễ bắt đầu lúc 6:00 chiều của ngày Thứ Bảy cho đến 6:00 chiều ngày Chủ Nhật), đúng như lời Ngài đã tuyên bố: “Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm”.
-
Vài Lời Phản Biện:
1. Ba ngày ba đêm”-
Chỉ vin vào một câu Kinh thánh đơn độc là Mathio 12:40—“ Vì như Giô-na ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, thì Con người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm vậy.”, mà trường phái nầy dám tuyên bố Chúa sống lại vào chiều thứ bảy. Vì khi tính ngược từ chiều thứ bảy đến chiều thứ tư là đúng ba ngày ba đêm, nên tác giả cượng giải là Chúa chết và được an táng vào chiều tứ tư, chớ không phải chiều thứ sáu..
Dù Chúa nói Giô na là hình bóng của Ngài, nhưng ta cũng không thể áp dụng mọi chi tiết của Giô na cho Chúa được.
2. “Ngày thứ ba” (the third day)-
“Từ lúc đó Jêsus khởi tỏ cho môn đồ rằng Ngài cần phải đi đến Giê-ru-sa-lem, chịu khổ nhiều nỗi bởi các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, cùng các văn sĩ, và bị giết, rồi đến ngày thứ ba được sống lại” (Math 16:21). Chúa chỉ nói Ngài ở trong lòng đất ba ngày ba đêm có một lần, nhưng Ngài phán Ngài sẽ sống lại vào ngày thứ ba nhiều lần hơn—Mathio7 17:23, Lu 24:7; 1 Cor. 15:4; Công 10:40. Chúa chết chiều thứ sáu là ngày một, thì vào ngày Chúa nhật, Ngài sống lại là nhằm vào ngày thứ ba. Như vậy ý nghĩa “ngày thứ ba” và “ba ngày ba đêm” cái nào nặng kí hơn?
3. “ Chúa chết vào chiều thứ tư”?
Mác 15:42 -Đến chiều tà, nhơn vì là ngày Sắm sửa, tức là ngày ngay trước lễ sa-bát—nói rõ Chúa chết vào chiều thứ sáu là buổi chiều trước ngày sa bát trong tuần lễ ăn bánh không men. Ngày Chúa chết là ngày Lễ Vượt qua, vì chiều hôm đó dân Israel đã giết con sinh lễ Vượt qua như Chúa đã dặn họ từ trước khi xuất hành ra khỏi xứ Ai cập. Cho nên vì lí do cần có lập luận “ba ngày ba đêm” mà người ta cượng giải rằng Chúa chết vào chiều thứ tư, là điều hoàn toàn sai lệch với quy định ngày lễ Vượt Qua, và kinh thánh không có chép.
4. “Đêm ngày và ngày đêm”.
Theo chế độ khi sáng tạo trời đất thì Kinh thánh bày tỏ một ngày bắt đầu vào buổi chiều và chấm dứt trước chiều tối ngày hôm sau. Sáng thế kí 1:5,8, 12, 19, 23, 31, tất cả là 6 lần chép, “Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhứt….nhì….v..v..”
Dân Israel ăn lễ Vượt qua vào chiều tối- “Các ngươi hãy bắt hoặc trong bầy chiên, con chiên- --tuổi giáp niên, chẳng tì vít chi, đoạn để dành cho đến ngày mười bốn tháng nầy; rồi cả hội chúng Y-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào lối chiều tối. .. vì chánh ngày đó ta rút quân đội các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô; nên chi, trải các đời phải giữ ngày đó như một lễ lập ra đời đời. Ngày mười bốn tháng giêng, chiều lại, các ngươi sẽ ăn bánh không men cho đến chiều ngày hai mươi mốt tháng đó” (Xuất 12).
Với dân Israel, thời đại cựu ước cũng bắt đầu đêm trước ngày sau. Nhưng sáng hôm sau là lễ Vượt qua, nhằm vào ngày sa bát (đáng lẽ thuộc về ngày của Lễ Vượt qua, chiều hôm trước) thì Chúa kể nó là ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men. Đó là ngày 15 tháng Ni san.
Nhưng ngay ngày đầu tiên khi Chúa sống lại, Kinh thánh đánh dấu ngày trước đêm. Nên Giăng 20: 19, “Đến chiều tối ngày đó, là ngày thứ nhứt trong tuần lễ, những cửa nơi các môn đồ ở đều đóng lại, vì sợ người Do-thái. Jêsus bèn đến đứng giữa họ mà phán cùng họ rằng: “Bình an cho các ngươi!”. Tại sao câu Kinh thánh nầy không ghi chiều ngày Chúa nhật thuộc về ngày thứ hai, mà ghi nó thuộc về ngày thứ nhất. Trường phái đó nói Chúa sống lại vào chiều thứ bảy, thì đến tối Chúa nhật đã đúng một ngày, thế thì tại sao cuộc họp mặt của Chúa với các môn đồ tại đây lại được kể là thuộc về chiều tối của Ngày thứ nhất (Chúa nhật)?
Cho nên sau khi Chúa sống lại, cách tính ngày của Tân ước là ngày đi trước đêm, và ngày đầu tiên là sáng chúa nhật, khi Chúa đã sống lại.
John 20:19- When therefore it was evening, on that day, the first day of the week, and when the doors were shut where the disciples were, for fear of the Jews, Jesus came and stood in the midst, and saith unto them, Peace be unto you.
Bản Kinh thánh Anh Văn ghi “tối” hôm đó thuộc về ngày Chúa sống lại, vì nếu theo trường phái kia, tối đó thuộc vào ngày thứ hai rồi.—Điều nầy chứng tỏ Đức Chúa Trời chuyển đổi qua chế độ ngày trước đêm sau.
5. Ngày Đầu tiên của Thời đại Tân ước.
Cựu ước là hình bóng, Tân ước là sự thật. Dân Israel ra khỏi Ai cập, bước vào thời đại Cựu ước, lấy đêm xuất hành làm ngày đầu tiên. Chúa Jesus sống lại vào sáng sớm ngày thứ nhất của tuần lễ, là ngày Chúa nhật, lấy ngày đó làm ngày khai sáng Tân ước. Đức Chúa Trời há lại khai sáng thời đại Tân ước vào buổi chiều thứ bảy (như lời trường phái nầy nói) khi cượng giải Chúa sống lại vào chiều thứ bảy sao?
Thời đại Tân ước khỏi đầu thời kì chói sáng rực rỡ--Malachi 4:2-Nhưng về phần các ngươi là kẻ kính sợ danh Ta, thì mặt trời công bình sẽ mọc lên cho—Lu ca 1:78- Đấng đã khiến cho Vầng đông từ nơi cao đoái thăm chúng tôi.
Mặt Trời Công Nghĩa lại mọc vào chiều thứ bảy sau? Đức Chúa Trời của sự trật tự không thể làm một chuyện lộn xộn giữa hình bóng và thực tại, giữa Cựu ước và Tân ước như vậy được? Cho nên chủ trương Chúa Jesus sống lại vào chiều sa bát cuối cùng của thời Cựu ước như vậy là hoàn toàn sai lạc.
Đức Chúa Trời há lại dẫn toàn bộ sáng tạo mới, toàn bộ hội thánh tân ước vào hành trinh lấy đêm làm ngày, lấy buổi chiều sa bát làm giờ khởi động hay sao??
6. Kinh văn tân ước xác quyết:
Mác 16: 9--Vả, khi Jêsus đã sống lại sáng sớm ngày thứ nhứt trong tuần lễ rồi, thì trước hết hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len, là người mà Ngài đã đuổi bảy quỉ ra cho”.
Tiếng Anh là: Now when he was risen early on the first day of the week, he appeared first to Mary Magdalene, from whom he had cast out seven demons.
Câu nầy tuyên bố rõ ràng Chúa sống lại vào sáng sớm ngày thứ nhất. Đó là lẽ thật và niềm tin của Hội thánh suốt 20 thế kỉ qua.
7. Tiêu Biểu Của Cựu Ước:
Lê vi lí 23:5-11-- Đến ngày mười bốn tháng giêng, vào buổi chiều tối, ấy là lễ Vượt qua của Đức Giê-hô-va; qua ngày rằm tháng nầy, ấy là lễ bánh không men để kính trọng Đức Giê-hô-va; các ngươi sẽ có một sự nhóm hiệp thánh; Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Khi nào các ngươi đã vào xứ mà ta sẽ ban cho, và đã gặt mùa màng rồi, thì hãy đem đến cho thầy tế lễ một bó lúa đầu mùa của các ngươi. Qua ngày sau lễ sa-bát, thầy tế lễ sẽ dâng bó lúa đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu cho bó lúa đó được nhậm”.
Trong lễ Vượt Qua, Chúa chết vào chiều 14 Lễ vượt qua đó, ngày 15 là ngày sa bát, có sự nhóm họp thánh, và ngày sau ngày sa bát, là ngày thứ nhất của tuần lễ, dân Israel dâng bó lúa đầu mùa.
1 Cor 15:22-23- nói lúa đầu mùa tượng trưng Chúa sống lại.-“thì cũng vậy trong Đấng Christ mọi người đều sẽ được sống lại. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa”.
Tại sao không dâng bó lúa đầu mùa vào chiều ngày sa bát 15 tháng Ni san, mà phải dâng sáng ngày thứ nhất 16? Vì cớ Chúa Jesus sống lại vào sáng sớm ngày thứ nhất, là ngày 16 tháng Ni san.
8. Khai Sáng Thời Đại Tân Ước:
Có một người nói “Không ai có quyền bãi bỏ ngày sa bát”. Đúng! Không có người phàm nào có khả năng thẩm quyền, làm việc đó, nhưng có Chúa Jesus, chính là Đức Jehovah nhục hóa, là Đấng đã lập ra chế độ cựu ước, ấn định ra ngày sa bát, chính Ngài tự xưng là Chúa của ngày sa bát, Ngài có quyền thủ tiêu ngày sa bát. Nếu đọc lại bốn sách tin mừng, các bạn sẽ thấy không dưới 5 lần Chúa Jesus đã phá hủy sa bát, mà nói theo ngôn từ của dân Cựu ước Ngài đã vi phạm ngày sa bát.
Hê-bơ-rơ 8:13—“Đã gọi giao ước nầy là mới, thì Ngài đã khiến cho cái trước kia ra cũ. Vả, điều gì ra cũ ra già thì gần biến mất đi”.
Đức Chúa Trời đã phế thải cựu ước và khai sáng Tân ước, và ngày Chúa Jesus sống lại, ngày Chúa nhật đầu tiên, là ngày khai mạc.
Thi thiên 118:22-24-22 Hòn đá mà thợ xây loại ra, Đã trở nên đá đầu góc nhà. Điều ấy là việc của Đức Giê-hô-va, Một sự lạ lùng trước mặt chúng tôi. Nầy là ngày Đức Giê-hô-va làm nên,
Chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy”.
Hòn Đá là Chúa Jesus đã được Đức Chúa Trời lập lên vào ngày phục sinh. Nên ngày Chúa sống lại là một ngày trọng đại do Đức Chúa Trời lập nên.
Xưa kia trong sáng thế kí chương 2, Đức Jehovah biệt riêng ngày sa bát cho cả thời Cựu ước tuân theo trong sự run sợ, khởi đầu thời Tân ước, Đức Chúa Trời lập ra ngày Chúa nhật để dân Tân ước hoan ca, vui hưởng chính Ngài.
Kết luận:
Chúa Jesus đã sống lại sáng sớm ngày Chúa nhật là ngày thứ nhất của tuần lễ. Ngày Chúa phục sinh không còn dính dấp với chế độ Cựu ước, lấy đêm làm ngày, nhưng mở ra một thời đại Tân ước có Mặt Trời Công Nghĩa hiển hiện.
Minh Khải