Hê-bơ-rơ 6:1-7: Đây là vấn nạn lớn trong thơ Hê-bơ-rơ.
Bản Nhuận Chánh dịch: “Ấy vậy, chúng ta nên gác qua sự sơ học về đạo Đấng Christ mà bươn tới sự trọn vẹn, chớ nên lập lại nền tảng nữa, như sự ăn năn việc chết, đức tin đến Đức Chúa Trời, sự dạy dỗ về báp-têm, về sự đặt tay, về sự sống lại của kẻ chết, và về sự xét đoán đời đời. Ví bằng Đức Chúa Trời cho phép, thì chúng ta sẽ làm điều đó. Vì chưng kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm ân tứ trên trời, đã có phần trong Thánh Linh, đã nếm đạo lành của Đức Chúa Trời, và các quyền năng của đời tương lai, nếu lại sa ngã thì không thể khiến họ đổi mới mà ăn năn nữa, vì họ lại đem Con Đức Chúa Trời mà đóng đinh trên thập tự giá cho mình một lần nữa, và bêu xấu Ngài tỏ tường. Vì đất nào đã thấm nhuần mưa móc từng sa trên nó mà sanh cây cỏ thích dụng cho người cày cấy, thì được phước của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu nó sanh gai gốc, tật lê, thì bị bỏ và sắp bị rủa, kết cuộc là phải đốt.”
Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010 dịch: “Vậy, chúng ta phải bỏ qua các điều sơ học về đạo Đấng Cơ Đốc, mà tiến tới sự trưởng thành, đừng đặt lại những vấn đề nền tảng nữa, như: sự ăn năn các công việc chết, đức tin nơi Đức Chúa Trời, sự dạy dỗ về các báp-têm, sự đặt tay, sự sống lại từ cõi chết và sự phán xét đời đời Nếu Đức Chúa Trời cho phép, thì chúng ta sẽ làm điều đó. Vì những người đã được soi sáng một lần, đã từng nếm sự ban tặng từ trời, đã dự phần về Đức Thánh Linh, đã nếm sự tốt đẹp của lời Đức Chúa Trời, và quyền năng của thời đại sẽ đến; nếu vấp ngã, thì không thể nào phục hồi để ăn năn được, vì chính họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời một lần nữa, và công khai sỉ nhục Ngài. Vì đám đất nào thấm nhuần mưa móc mà sinh hoa mầu, có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phước lành của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu đất nào chỉ sinh gai góc và chà chuôm thì vô giá trị và bị rủa sả, cuối cùng phải bị đốt.”
Do lời dịch diễn ý của hai bản Kinh thánh trên đây nên đại đa số con dân Chúa—bất kể đến thượng hạ văn của thơ Hê-bơ-rơ ra sao—đã hiểu lầm cách tai hại. Dân Chúa tin rằng những người tin, đã được soi sáng, đã nếm qua lời tốt lành của Đức Chúa Trời, mà nếu sa ngã thì không thể lại ăn năn được nữa, vì họ đã đem Con Đức Chúa Trời ra đóng đinh một lần nữa, và bêu xấu Ngài. Họ sẽ hư mất đời đời.
Bản The New Greek-English Interlinear New Testament dịch sát ý câu 4 và 5 như sau: “For (it is) impossible for the ones once having been lightened, both having tasted of the heavenly gift and having become partners of (the) Holy Sprit and having tasted (the) good word of God and (the) powers of the coming age and having fallen away, to renew again to repentance, crucifying to themselves the Son of God and holding (Him) up to contempt."
Tôi xin dịch lại như sau: “Vì không có khả năng cho những ai đã được soi sáng, vừa đã từng nếm ân tứ thuộc thiên và đã từng trở nên các kẻ đồng dự phần Thánh Linh và đã từng nếm lời tốt lành của Đức Chúa Trời và các quyền năng của thời đại hầu đến, và đã từng ngã ra lại làm mới cho sự ăn năn, đóng đinh Con Đức Chúa Trời cho chính họ và bêu nhục (Ngài)”.
Thưa các bạn,
Khúc Kinh thánh Hê-bơ-rơ 6:1-7 nầy là một trong những nan đề lớn nhất trong Kinh thánh. Hầu hết những ai nghi ngờ sự cứu rỗi đời đời đều vin khúc nầy để làm chỗ dựa. Thực ra, khúc nầy không bàn về sự cứu rỗi, nhưng bàn về sự tăng trưởng thuộc linh để đạt đến bậc thành nhân trong Chúa. Muốn hiểu khúc Kinh thánh nầy, chúng ta phải bắt đầu với cuối chương 5 câu 14 của thơ Hê-bơ-rơ. Câu nầy chép, “Đáng lẽ, bây giờ anh em phải làm thầy rồi, thế mà anh em vẫn cần người ta dạy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời cho anh em. Anh em vẫn còn phải uống sữa thay vì dùng thức ăn đặc. Ai chỉ uống sữa thì chưa hiểu đạo công chính, vì còn thơ ấu. Nhưng thức ăn đặc dành cho người trưởng thành, là cho những người nhờ thực hành mà luyện tập khả năng phân biệt điều lành và điều dữ” (Bản Truyền Thống Hiệu Đính). Đầu câu 1 của Hê-bơ-rơ chương 6 BNC dịch “ấy vậy”, còn Bản Truyền thống Hiệu Đính ghi “vậy” ngụ ý có lời kết luận là vì cần tăng trưởng thuộc linh, chúng ta phải bỏ qua các bài học vỡ lòng như là đức tin, báp-têm…và bỏ qua nan đề sa ngã tại các câu 4 và ở đây đã chép. Hê-bơ-rơ 6:1-7 khuyến khích chúng ta tiến tới sự trưởng thành thuộc linh, chớ không nói về sự thối lui hư mất.
Hê-bơ-rơ 6:1-8 là lời của vị sứ đồ nói về sự việc tiến tới sự trưởng thành. Tám câu nầy có thể chia làm 3 phần, và có ba chữ tiêu biểu cho ba phần đó, là: không cần, không có thể và không có quyền. Các câu 1-3 nói chúng ta không cần lập lại nền tảng của mình sau khi đã tin Chúa. Nền tảng ban đầu đó gồm có 6 sự việc: ăn năn, đức tin, báp-têm, sự đặt tay, sự sống lại, sự xét đoán đời đời. Sáu phần của nền tảng nầy cần được lập ra một lần đủ cả cho mọi người tin, không cần phải lập lại, cho dù người tín đồ đó có sa ngã về sau.
Các câu 4-6 là phần nói rằng chúng ta không có thể ăn năn tin Chúa lần nữa, cho dù ta có té ngã. Những ai đã được soi sáng, đã nếm sự ngọt ngào của Lời Chúa, đã dự phần Thánh Linh, đã nếm quyền năng thời tương lai, nếu có té ngã, thì cứ đứng dậy mà tiến tới sự trưởng thành, chớ không cần ăn năn tin Chúa lần nữa. Thí dụ như sứ đồ Phi-e-rơ đã té ngã, ông đã đứng dậy tiếp tục hành trình theo Chúa, chớ không thể lập lại nền tảng sự ăn năn.
“Sự ăn năn” làm mới lại trong câu 6 giống như “sự ăn năn” trong câu 1. Vì để tránh sự lặp lại, có thể làm độc giả chán nản, nên tác giả thơ Hê-bơ-rơ chỉ nói sự làm mới lại sự ăn năn, mà không nói làm mới lại 5 điều kia, như đức tin, báp têm, đặt tay, sự sống lại, sự xét đoán. Tác giả nói: sau khi ngã té, chỉ đứng dậy tiếp tục đi tới, chớ không có thể làm tươi mới nền tảng gồm 6 phần tử trên kia. Còn con dân Chúa ngày nay lại hiểu rằng người ngã té không còn khả năng ăn năn gì nữa, vì đã đóng đinh Chúa Jesus lần nữa, vậy nên người sa ngã sẽ hư mất đời đời.
Phần sau của câu 6, “đóng đinh Con Đức Chúa Trời cho chính họ và bêu nhục (Ngài)” (Bản Hi–lạp). Câu nầy ngụ ý không có thể đóng đinh Con Đức Chúa Trời cho chính họ và bêu nhục Ngài một lần nữa. Một số người nói sa ngã là đóng đinh Con Đức Chúa Trời lần nữa. Ai có thể đóng đinh Chúa lần nữa? Công việc của Chúa Jêsus đã được hoàn thành một lần đủ cả. Ngài không giống như con bò hay con chiên, mà phải được giết khi có nhu cầu. Về mặt của chúng ta, chúng ta không thể làm mới lại sự ăn năn tin Chúa lần nữa. Về mặt của Chúa, Ngài không thể làm mới lại sự đóng đinh. Nếu bạn làm mới lại sự ăn năn của bạn, có nghĩa là Chúa Jêsus sẽ phải làm mới lại sự đóng đinh của Ngài. Khi ấy, bạn sẽ làm Chúa sỉ nhục tỏ tường. Bạn đã ngụ ý sự đóng đinh một lần của Chúa Jêsus thì không đầy đủ, phải có thêm các sự đóng đinh nữa, phải không? Nếu vậy, bạn đã suy nghĩ sai lạc đối với ý tưởng của tác giả thơ Hê-bơ-rơ rồi. Do đó, không có vấn đề sự cứu rỗi hay hư mất trong khúc Kinh thánh nầy. Sự cứu rỗi thì đời đời, không thể dời đổi. Hễ ai ngã té thì cần chổi dậy và khởi đầu cách mới mẻ lần nữa. Không thể đóng đinh Chúa lần nữa.
Vị sứ đồ đã nói bạn không cần và bạn không có thể lập lại nền tảng, còn trong các câu 7-8, ông nói bạn không có quyền. Tại sao chúng ta không có quyền? Vì cớ chúng ta không có quyền lại lập nền đóng đinh Chúa Jesus lần nữa. Nếu ai làm điều đó, anh ta sẽ gặp sự nguy hiểm nghiêm trọng, anh ta sẽ bị hình phạt. “Vì đất mà được mưa dồi dào đượm nhuần, sinh cây cỏ ích lợi cho người canh tác thì nhận được phúc lành từ Đức Chúa Trời. Nhưng nếu sinh gai gốc, chà chuôm thì đất trở thành vô giá trị, gần bị rủa sả và cuối cùng bị thiêu đốt”.
Sau khi đọc Hê-bơ-rơ 6:1-8 cách kỹ lưỡng, bạn có thể thấy rằng chương nầy nói về sự tiến bộ thuộc linh. Nó không bàn về sự cứu rỗi hay sự hư mất. Hê-bơ-rơ chương 6 không bao giờ nói rằng một người đã được cứu lại còn có thể hư mất.
Tóm lại sự cứu rỗi là chắc chắn đến đời đời. Nguời tín đồ nào lở ngã té cũng có thể nhờ ân điển Chúa tiếp tục đi tới. Nguời đó không cần tin Chúa một lần nữa, vì Chúa đã chịi đóng đinh , đổ huyết ra cứu chuộc ngưởi rồi.
Minh Khải