Sáng thế kí 14:14, “Khi Áp-ram hay được cháu mình bị quân giặc bắt, bèn chiêu tập ba trăm mười tám gia nhân đã tập luyện, sanh đẻ nơi nhà mình, mà đuổi theo các vua đó đến đất Đan”.
Theo nguyên ngữ Hê-bơ-rơ chữ “cháu mình” là “his brother”—anh em của mình. Thứ nhất là trong tiếng Hê-bơ-rơ không có chữ “cháu” mà chỉ có chữ “con” hay chữ “anh em”. Về phương diện huyết thống, Lót là cháu ruột của Áp-ra-ham, nhưng trước mặt Chúa cả hai người cũng là anh em của một Cha là Đức Chúa Trời. Ông Gia-cốp cũng gọi các con của mình là anh em của mình, và gọi các con của La-ban là các anh em của La-ban. “Cậu đã soát lục các đồ hành lý tôi, có kiếm được món chi thuộc về nhà cậu chăng? Hãy đem món đó ra trước mặt anh em tôi cùng anh em cậu, đặng họ đoán xét đôi ta” (Sáng thế kí 31:37). Khi ở nhà thì Ô-nê-sim, người nô lệ phải quỳ xuống phục vụ chủ mình là Phi-lê-môn, cũng là trưởng lão hội thánh tại Cô-lô-se. Nhưng khi hai người đến nhóm họp trước mặt giáo hội, hai người được kể là hai anh em, và gọi nhau là “anh em”. Về mặt thuộc linh, Áp-ra-ham và Lót cũng là hai anh em trong Chúa.
Chúa đã hiện ra cùng Áp-ra-ham, kêu gọi ông sống cuộc đời đồng đi với Ngài. Chúa đã không kêu gọi Lót, nhưng Áp-ra-ham kêu gọi Lót, và Lót đồng đi với Áp-ra-ham. Tôi không thấy Lót dâng của lễ trên bàn thờ tự mình xây dựng. Tôi không biết ông đã dâng của lễ như thế nào mà Kinh thánh đã gọi Lót là người công nghĩa. 2 Phi-e-rơ 2:7, 8 chép, “Ngài đã cứu Lót công-chính,-- người công-chính đó, trong khi sống giữa họ, đã cảm thấy hồn công-chính của mình bị giày-vò “. Lót được Đức Thánh Linh gọi là “Lót công nghĩa” và là “người công nghĩa”, tức là con của Chúa, dù tình trạng của Lót thấp hèn so với Áp-ra-ham.
Khi bọn chăn chiên của hai anh em thuộc linh nầy xung đột, nên xảy ra sự chia rẽ đầu tiên giữa vòng các anh em, là các con của Chúa, với nhau
Sau khi từ Ai-cập trở về, Hai anh em Áp-ra-ham và Lót còn ở trong vùng đất Bê-tên. Từ địa điểm đó Lót nhìn về phía đông, thấy toàn cảnh cánh đồng kéo dài đến sông Giô-đanh. Lót nhìn thấy cánh đồng đó “như cái vườn của Đức GIA -VÊ, như đất Ai-cập”. Đấy là tầm nhìn, là sự đánh giá của Lót, không phải cái nhìn của Áp-ra-ham, và Lót cũng có nói cho Áp-ta-ham biết về nhận xét nầy, nếu Lót không nói ra, thì làm sao Áp-ra-ham nghe được và kể lại cho các thế hệ đi sau của minh nghe, đó là dữ liệu mà Môi-se được truyền khẩu trước khi chép ra thành văn tự trong Sáng-thế kí 13, 14 như có hiện nay.
--"Như cái vườn của Đức GIA -VÊ”. Vườn Đức Gia-vê là vườn Ê-đen, địa đàng. Thậm chí Áp-ra-ham, hay Tha-rê, ông nội của Lót, hoặc thậm chí cụ Nô-ê, ông thủy tổ sau nước lụt, cũng không thấy bao giờ, mà làm sao Lót ảo tưởng cho cánh đồng Giô-đanh giống như vườn của Chúa? Mà vườn của Chúa đã khóa lại với loài người, Lót đâu có thể bước vào mà ông nhắc lại để làm gì? Thật là một tầm nhìn không tưởng, một sự cảm nhận ảo giác.
Đa số Cơ Đốc nhân ngày nay cũng có viễn tượng không tưởng như vậy về cảnh thiên đàng phước lạc. Cảnh thiên đàng đó do trí tưởng tượng của họ suy diễn, và họ dùng nó làm liều thuốc an thần khi gặp những thực trạng đau khổ hiện tại trong cuộc đời. Họ chưa một lần ngờ rằng ngay sau khi Chúa Giê-su tái lâm, tất cả tín nhân không hề vào thiên đàng ảo tưởng do họ suy tưởng, nhưng một phần phải vào vương quốc thiên-hi-niên, hoặc phần khác vào nơi kỉ luật khóc lóc nghiến răng—không bao giờ vào thiên đàng trước khi có nước 1000 năm.
--"Như đất Ai-cập”. Tại sao đã suy diễn về vườn của Đức Giê-hô-va, Lót lại còn nhớ đến đất Ai cập và phát biểu ra như vậy để làm gì?.
Hình ảnh xứ đượm sữa và mật của đế quốc Ai Cập đã gây ấn tượng thật sâu xa trong lòng Lót khi ông cùng bác Áp-ra ham trãi xuống Ai-cập. Tôi không biết Lót có hiểu thấu và nhớ sự sa ngã của Áp-ra-ham cùng nguy cơ suýt mất mạng sống tại đất nước trù phú bậc nhất địa cầu thời đó không?. Lót vẫn còn mơ tưởng cuộc sống tại Ai-cập.
Sau chuyến đi Ai-cập, cả hai Anh em, hai bác cháu đều trở nên giàu có hơn dân Ca-na-an bản địa.
Cũng vì sự mơ tưởng cảnh quan thịnh vượng của Ai cập mà gia đình Lót đi lần lần, và được làm quan chức của thành phố Sô đôm đồng tính, và đưa đến kết cuộc thê thảm, mất vợ cùng nhiều con và cũng là kết cuộc nhục nhã, lưu truyền hai dòng giống, là hai kẻ thù truyền kiếp ở sát sườn dòng giống của Anh cả Áp-ra-ham.
Thật là một tình huynh đệ thần thượng có cái kết không có hậu!
Barzillai Đặng, April 28, 2021.