Sách Các Quan Xét là cuốn sách lịch sử thời kì ám thế của dân Chúa, kéo dài chừng 450 năm kể từ ngày Giô-suê qua đời cho đến ngày vua Sau-lơ lên ngôi (Công. 13:20).
Danh từ “Quan xét” xuất hiện khoảng trên 10 lần trong sách nầy, thí dụ ở 2:18, “Vả, khi Đức Giê-hô-va dấy lên các quan xét cho Y-sơ-ra-ên, thì Đức Giê-hô-va ở cùng quan xét đó, và trọn đời quan xét, Ngài giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay kẻ thù nghịch mình; vì Đức Giê-hô-va lấy lòng thương xót họ tại cớ những tiếng rên siết mà họ thở ra trước mặt những kẻ hà hiếp và làm tức tối mình”. Danh từ “Quan xét” nên được dùng luân chuyển với hai danh từ phán quan, hay thẩm phán.
Động từ “xét xử“ (judge) được dùng khoảng trên 10 lần trong sách lịch sử thời ám thế nầy. Dường như trong mười mấy quan xét như Ốt-ni-ên, Đê-bô-ra, Thô-la, Giai-rơ, Giép-thê, Sam sôn ….mới được Kinh thánh ghi là họ có làm công việc xét xử nầy. Hai thẩm phán như Ê-hút, Sam-ga được Chúa dấy lên giải phóng đất nước, nhưng Kinh thánh không chép rằng họ có “xử đoán” dân thánh.
Xét đoán là shâphaṭ trong tiếng Hê-bơ-rơ: to judge, that is, pronounce sentence to vindicate or punish; by extension to govern; condemn, contend, defend, execute (judgment). Đó là tuyên án, để biện minh hay hình phạt, mở rộng sự cai trị, kết tội, bênh vực, thi hành phán quyết,….
Công việc của quan án là:
“Trăn trở rất nhiều trước những trái ngang
Táng tận lương tâm, cùng đường tội lỗi?
Tìm hiểu sâu xa nguyên nhân nguồn cuội
Tội với công cần phân định rõ ràng”.
-1-Ốt-ni-ên: “Linh của Đức Giê-hô-va đã đến trên người, người xét xử (judges) Israel, và đi ra chiến trận”(Các quan xét 3:10)
Ốt-ni-ên là con trai của Kê-na, gọi Ca-lép là bác ruột. Về sau Ốt-ni-ên cưới Ạc-sa, là con gái của Ca-lép. Ông giải phóng dân thánh, nhưng không biết ông đã xử đoán dân thánh như thế nào và trong mấy năm?
Nhiều mục tử, nhiều trưởng lão của điểm nhóm không có ân tứ, không có trử lượng thuộc linh cao hơn thánh đồ, nhưng vì nghề nghiệp sinh nhai, nên phải tự thị, cố gắng quờ quạng ngồi ghế thẩm phán trong chi hội của mình. Tôi thấy họ xét xử đến đời tư thánh đồ--- ra phán quyết về việc cưới ai làm vợ, mua xe gì, xây nhà ở đâu, có nên đi du học hay không….
-2. Đê-bô-ra- “Trong lúc đó, Đê-bô-ra, là nữ tiên tri, vợ của Láp-bi-đốt, xét đoán dân Y-sơ-ra-ên. Bà ở trên núi Ép-ra-im, giữa khoảng Ra-ma và Bê-tên, dưới cây chà là Đê-bô-ra, và dân Y-sơ-ra-ên lên đến cùng người, đặng nghe sự xét đoán”( Các quan xét 4:4-5).
Mọi quan xét khác có sức khỏe, năng lực, quyền lực, quyền uy, nhưng có thể không có khả năng xét đoán. Để có khả năng xét đoán dân chúng, vị phán quan phải có khải thị thường xuyên và mới mẻ của Đức Chúa Trời. Đọc Quan xét chương 5, chúng ta không thể không thấy tri thức và kinh nghiệm thực tiễn thuộc linh trổi cao của bà Đê-bô-ra. Sách Thẩm Phán chương 5 là một bài thơ thánh được Chúa cảm thúc viết ra, có thể sánh ngang hàng các thi thiên của vua David.
Với cương vị người làm đầu, người chăn bầy, tri thức thuộc linh thực nghiệm của bạn có cao hơn anh em thánh đồ không? Vì quyền lực của tổ chức, vì sự áp đặt của một hệ thống giáo phẩm đè lên trên tín đồ, nhưng có nhiều anh em tín đồ muốn xua đuổi phán quan của họ, vì ông ấy không có lời hằng sống của Chúa trong khi ông tuyên giảng vào các thì giờ nhóm họp của cộng đồng.
3.--Ghê-đê-ôn “Bấy giờ, những người Israel nói cùng Ghê-đê-ôn rằng: Xin ông, con trai, và cháu ông hãy quản trị chúng tôi,vì ông đã giải cứu chúng tôi khỏi tay dân Ma-đi-an. Nhưng Ghê-đê-ôn đáp cùng chúng rằng: Ta chẳng quản trị các ngươi, con trai ta cũng không quản trị các ngươi đâu; Đức Giê-hô-va sẽ quản trị các ngươi”.
Trong nguyên văn chữ “quản trị“ ở đây là “cai trị” hay to rule. Dân chúng nhận biết Ghê- đê- ôn có khả năng cai trị, nhưng ông có khả năng xử đoán dân thánh như Đê bô ra hay không?
Sau khi đánh đuổi quân xâm lược, Ghê-đê-ôn còn sống thêm 40 năm, và đó là thời kỳ thái bình trong cả xứ sở. Ghê-đê- ôn từ chối làm quan xét công khai, nhưng thực ra ông vẫn làm phán quan cai trị họ theo một cách khác. Tác giả sách Thẩm Phán là Sa-mu-ên chép, “Ghê-đê-ôn lấy vật đó (vòng vàng) làm một cái ê-phót, để trong thành mình tại Óp-ra. Cả Israel đều cúng thờ cái ê-phót đó; nó trở thành một cái bẫy cho Ghê-đê-ôn và cả nhà người” (8: 27).
Động từ “cúng thờ” nghĩa đen là “chơi trò làm đĩ với nó” (bản TKTC).—nghĩa là phạm tội tà dâm thuộc linh. Cái ê-phót là vật chí thánh có gắn bảng đeo ngực và 12 viên ngọc quý để làm phương tiện cầu hỏi ý muốn của Chúa và tìm ra phán quyết của Ngài về một sự việc đột xuất xảy ra giữa cộng đồng dân Chúa. Thí dụ điều tra thủ phạm vụ A-can ăn cắp vật thánh.
1 Sa-mu-ên 23 kể lại sự việc thầy tế lễ A-bia-tha lấy trộm cái Ê-phót duy nhất trong đền thánh Si-lô khi ông ấy chạy trốn theo David, “Vả, khi A-bia-tha, con trai của A-hi-mê-léc, đi trốn đến cùng Đa-vít tại Kê-i-la, thì có đem theo cái ê-phót… Đa-vít …nói cùng thầy tế lễ A-bia-tha rằng: Hãy đem ê-phót đến. Đoạn, người cầu rằng: Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel, tôi tớ của Chúa có hay rằng…. Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, xin cho tôi tớ Chúa biết điều đó.” David đã dùng Ê-phót cầu hỏi ý muốn của Chúa nhiều lần.
Tại sao cái Ê-phót của Ghê-đê-ôn trở thành cái bẫy cho gia đình Ghê-đê-ôn và nhà Israel suốt 40 năm? Kinh thánh chép Ghê-đê-ôn chơi trò điếm đĩ với cái Ê-phót đó, thì tỏ tường qua cái ê-phót giả đó, ông đã bị các quỷ dối gạt. Chắc chắn các quỷ đã mượn cái ê-phót đó để giả bộ tiếng Chúa phán ra nầy nọ suốt 40 năm, hướng dẫn dân Israel và cả nhà Ghê-đê-ôn cách sai lạc. Ghê-đê-ôn bị sập bẫy của các quỷ.
Ma quỷ lừa gạt một giáo hội kia để tin những giấc mơ của giáo chủ về việc tuân giữ ngày sa bát. Giấc mơ đó tương tự sự phát ngôn lừa dối của cái ê-phót.
Có hội thánh dùng câu “Đức Trời trở thành con người, để con người trở thành Đức Chúa Trời” làm câu nhật tụng. Hội Mormon đưa ra mục tiêu cuối cùng là trở thành Đức Chúa Trời y như vậy.
Có cộng đồng say mê lời giảng dạy của giáo chủ mình, họ tin rằng ông ấy là cái miệng duy nhất (Rô 15:6) thay thế cả hội thánh chung. Chỉ ông là người duy nhất có sấm ngôn của Đức Chúa Trời. Mọi người không được quyền có ý kiến nào, ngoài việc tin theo lời dạy dỗ của ông. Do đó họ tổ chức ra Giáo Hội Hoàn vũ như Giáo hội thống nhất, hiếu sát của thời Trung cổ.
Nhiều thánh đồ kỉnh kiền cách ngu dại, hết lòng tin những tiếng nói của tà linh trong khi mình nói tiếng lạ vô nghĩa, hay khi cầu nguyện riêng bằng tiếng lạ. Tà linh nói dối đã phát ngôn qua cái ê-phót của Ghê-đê-ôn, thì các quỷ cũng đang dẫn dắt dân thánh hôm nay cách sai lạc như thế qua nhiều trung gian, phương tiện vốn bị Chúa cấm khác nhau.
4—Các Thẩm Phán Nhỏ Hơn:
--Ê-hút :“Đức Jehovah dấy lên một người giải phóng, người ấy là Ê-hút, con trai của Ghê-ra, thuộc chi tộc Bên-gia-min; Ê-hút là một người thuận tay trái”. (Thẩm. 3:15)
-- Sam-ga: “Sau Ê-hút có Sam-ga, con trai của A-nát. Sam-ga dùng một cây đót bò đánh chết sáu trăm người Phi-li-tin. Vậy Sam-ga cũng là người giải phóng dân Israel”(Thẩm 3:31)..
Hai thẩm phán trên đây không thấy có xử đoán thánh dân.
--Thô-la--“Thô-la con trai của Phu-a, là con trai của Đô-đô, một người Y-sa-ca, chỗi dậy cứu Israel; và người sống tại Sa-mia trong xứ đồi núi Ép-ra-im. Và người xử đoán Israel tại Sa-mia trong 23 năm” (Thẩm 10:2). Chức vụ thẩm phán của ông kéo dài 23 năm, Sa-mu-ên ghi rõ như vậy.
--Giai-rơ, “Sau người ấy có Giai-rơ, người Ga-la-át, dấy lên, xử đoán Israel trong hai mươi hai năm”. (Thẩm. 10:3)
-- Íp-san: “Sau ông, có Íp-san, người Bết-lê-hem xử đoán trong Y-sơ-ra-ên. Ông có ba mươi con trai và ba mươi con gái” (Thẩm 12:8-9)
-- Ê-lơn- “Sau ông, có Ê-lơn, người Sa-bu-luân, xử đoán trong Y-sơ-ra-ên
mười năm” (Thẩm. 12:11)
--Áp-đôn: “Sau ông, có Áp-đôn, con trai Hi-lên, người Phi-ra-thôn xử đoán trong Y-sơ-ra-ên. Ông có bốn mươi con trai và ba mươi cháu trai. Họ cỡi bảy mươi con lừa” (Thẩm 12:13-14).
Vài ba thẩm phán trên đây có mấy chục đứa con, Ghê- đê ôn thì có 72 con trai. Tôi biết một Cơ-đốc nhân tại xứ sở của tôi, ông có 12 bà vợ chính thức và 24 đứa con. Nên các thẩm phán đây phải có nhiều vợ mới sinh ra nhiều con. Tôi thực sự không hiểu làm sao Chúa có thể dùng các nhà cai trị dâm đảng buông lung thái quá như vậy xử đoán dân Ngài?
-5-Giép-thê,“Giép-thê, người Ga-la-át, xét đoán trong Israel được sáu năm. Đoạn, người qua đời, và được chôn trong một thành ở xứ Ga-la-át”(Các quan xét 12:7)
Giép thê là một dũng sĩ, có tài ăn nói rất thuyết phục. Ông kỉnh kiền với Chúa nhưng dốt nát Lời Kinh thánh, không hiểu lẽ thật, nên đã hứa nguyện dâng nhầm con gái mình làm sinh tế. Đây là một vấn nạn. Cô gái có thể trở thành sinh tế hiến dâng lên bàn thờ hay chỉ làm nữ đồng trinh suốt đời phụng hiến Chúa cả cuộc đời trong đền thánh? Một con người dốt nát lẽ thật của Chúa làm sao cai trị, làm sao xét xử dân thánh suốt 6 năm trong chức vụ thẩm phán? Bạn có như vậy không, mà vẫn cố làm mục tử?
-6-Sam-sôn- “Thế là người đã-xét xử Israel trong 20 năm trong những ngày của dân Phi-li-tin” (Thẩm. 15:20)
Sam sôn xử đoán dân chúng từ tính cách có tình cảm buông lung của mình. Kinh thánh chỉ chép 3 sự kiện ông liên hệ phụ nữ, một việc ông đánh dân Phi-li-tin để giải cứu chinh mình, một lần xé xác con sư tử. Nhưng Kinh thánh chép ông có đến 20 năm cai trị, xét xử, xử đoán tuyển dân của Chúa.
Khả năng xử đoán của một người căn cứ trên tính cách thuộc linh, và dựa trên lượng kinh nghiệm Đấng Christ của người đó có. Sự xử đoán của thẩm phán Sam-sôn ra sao mà tác giả thơ Hê-bơ-rơ như đã biện minh cho chức vụ ông, mà đa số anh em chúng ta đều lên án, khi đưa tên ông vào danh sách những anh hùng đức tin hàng đầu. Hê -bơ-rơ 11:32 TKTC ”Và ta sẽ nói gì hơn nữa? Vì thì-giờ sẽ không có đủ cho ta nếu ta nói về Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, về Đa-vít và Sa-mu-ên và các tiên-tri”. Tôi ngạc nhiên vì một thẩm phán bị coi là dâm đãng vô độ lại được đứng chung hàng với David, Sa-mu-ên. Ông thì hành chức thẩm phán cách đáng khen nhưng ẩn giấu sao?
7- Sa-mu-ên—
Sa-mu-ên là một tiên tri thánh của Chúa. Kinh thánh chép “Và tất cả Israel từ Đan thậm chí đến Bê-e Sê-ba đều biết rằng Sa-mu-ên được xác-nhận là một đấng tiên-tri của Đức GIA-VÊ. Và Đức GIA-VÊ lại hiện ra tại Si-lô, bởi vì Đức GIA-VÊ tỏ chính Ngài ra cùng Samu-ên tại Si-lô bởi lời của Đức GIA-VÊ- Như vậy Sa-mu-ên lớn lên, và Đức GIA-VÊ ở cùng người và chẳng để bất cứ một lời nào của người rơi xuống đất. Như vậy lời của Sa-mu-ên đến cùng tất cả Israel” (1 Sa. 3:19-20. 4:1)
Sa-mu-ên có tính cách thuộc linh gần như hoàn hảo, có đầy ơn Chúa như vậy, nên Kinh thánh nhấn mạnh về mục vụ xử đoán của ông như sau: “Ông Sa-mu-ên lãnh đạo xét xử dân Y-sơ-ra-ên cho đến khi ông qua đời. Mỗi năm, ông đi vòng qua các thành Bê-tên, Ghinh-ganh, Mích-ba, và xét xử dân Y-sơ-ra-ên trong các thành ấy Rồi ông trở về nhà ở Ra-ma. Tại đó ông cũng xét xử dân Y-sơ-ra-ên. Ông dựng một bàn thờ cho Đức Jehovah tại đó” (1 Sa-mu-ên 7: 15-17BDM)
Kết Luận--
--Đê bô-ra xử đoán dân chúng bởi sự khải thị Chúa ban cho bà mỗi ngày.
--Ghê-đê- ôn có nhiều kinh nghiệm trong Chúa mà không chịu bước ra cai trị và xử đoán dân chúng cách công khai, nên bị mắc lừa và sập bẫy của quỷ Sa-tan, xử đoán, và ngầm lãnh đạo dân thánh bằng cái ê-phót giả mạo.
-- Các quan xét khác như Ốt-ni-ên, Thô-la (23 năm), Giai-rơ (22 năm), Giép thê (6 năm), Sam-sôn (20 năm). Họ xử đoán dân chúng bằng cái gì?
Họ có am hiểu luật pháp Cựu ước, có giao thông thân mật với Chúa, có những kinh nghiệm sâu sắc với Ngài hay không? Hay họ đã cai trị, xét xử các sự vụ dân thánh theo tình cảm lên xuống, theo tính cách hung bạo, theo tính ham tiền, theo tính thiên vị, theo đồng tiền hối lộ, theo tính cách dâm đãng của mình?.
Bạn có thấy mọi tình huống trên đây đã và đang xảy ra trong các cộng đồng Cơ Đốc nhân Việt Nam trên cả trái đất ngày hôm nay hay không? Tôi thấy có như vậy!
Minh Khải, April 8, 2021