Phục truyền 18:3: “Vả, nầy là phần định mà những thầy tế lễ sẽ có phép lấy trong các lễ vật của dân chúng dâng lên, hoặc bằng bò đực hay là chiên: cái chẻo vai, hai cái hàm, và cái bụng” (BDM).
Ở đây Chúa quy định phần hưởng của thầy tế lễ đứng dâng tế lễ trong một của lễ thông thường: Cái vai, hai cái hàm và cái bụng (bao tử). Có bản dịch là hai cáo mông, thì không đúng. Bản Anh văn của J. N. Darby dịch: “whether ox, or sheep: they shall give unto the priest the shoulder, and the jawbones, and the maw”. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ đó là: giò trước (foreleg), chả vai con thú, hai gò má gồm cả xương quai hàm bên trong (cheeks), và cái bao tử là dạ cỏ của con thú (paunch).
Tôi muốn tìm hiểu tại sao Chúa ban ba món đó cho thầy tế lễ? Ba vật đó có ý nghĩa gì?
Mỗi của lễ bằng thú vật như bò, dê, chiên đều làm tiêu biểu cho Chúa Giê-su một vài khía cạnh nào đó trong thân vị, mĩ đức và công tác của Ngài. Ba yêu tố chả vai, hai cai má và bao tử con sinh tượng trưng ba khía cạnh của Chúa Giê-su như sau:
1/ Chả vai:
Ê sai 9: 5 nói “vai Ngài đỡ lấy quyền bính và thiên hạ hô tước hiệu Ngài”. Cái vai của Chúa nói lên Ngài có năng lực chu toàn trọng trách cai trị vũ trụ mà Đức Chúa Trời Cha giao phó cho Ngài, và đặt trên đôi vai của Ngài.
Các bạn biết tiên tri Sa-mu-ên đã chiêu đãi ứng viên hoàng đế đầu tiên của Israel món gì vào ngày hai người gặp nhau lần đầu không? Kinh thánh chép những lời rất thú vị, “Sa-mu-ên dẫn Sau-lơ và kẻ tôi tớ người vào phòng, rồi mời ngồi chỗ thứ nhứt trong các người dự tiệc, số chừng ba mươi người. Bấy giờ, Sa-mu-ên nói cùng đầu bếp rằng: Hãy bưng phần ta đã trao cho ngươi, và ta đã dặn để riêng ra. Đầu bếp lấy chả vai (đùi trước) và miếng bọc chung quanh, đem dọn cho Sau-lơ. Sa-mu-ên tiếp rằng: Kìa, miếng đã để dành cho ngươi ở trước mặt ngươi; hãy ăn đi, từ khi ta định mời dân chúng, ta đã giữ nó lại về tiệc nầy. Vậy, trong ngày đó, Sau-lơ ăn bữa cùng Sa-mu-ên” (1 Sa. 9)..
Sa mu ên muốn nhắn nhủ cùng vị tân vương rằng “chúc bạn thành công trong sự việc gánh vác trọng trách lãnh đạo vương quốc của Chúa”. Nhưng rất tiếc, Sau-lơ thất bại vì gánh vác đất nước bằng đôi vai xác thịt, thiên nhiên của mình. Ông không kinh nghiêm khả năng gánh vác mà Chúa Giê-su đã kinh nghiệm. Còn đôi vai gánh vác của bạn thì thế nào?
2/. Hai Gò má:
Có một quan niệm cho rằng người phụ nữ đẹp là nhờ đôi má, nên họ mới nói “má hồng không thuốc mà say”. Cho nên hai cái má con sinh ở đây nói lên vẻ đẹp của Chúa Giê-su.
Có lẽ bạn sẽ nói tôi đã già nên lẩm cẩm rồi, khi nói vẻ mặt Chúa Giê su là đẹp, vì Ê-sai 52, 53 chép, “dáng vẻ của người không còn thuộc hạng người ta…không có vẻ gì đáng làm chúng tôi mến chuộng”. Nhưng tôi muốn nói đến vẻ đẹp thuộc linh, thần thượng của Ngài, dù vẻ mặt xác thịt của Ngài thì con loài người không ưa chuộng.
Vẻ đẹp thần thượng của Ngài có sức thu hút lạ kì như Kinh thánh Mác 9 chép, “khi toàn-thể đám đông thấy Ngài, họ sửng-sốt (hốt hoảng, ngạc nhiên), và chạy lên để chào Ngài”. Đó là lí do vua David cầu xin Chúa cho ông được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Ngài”, rồi cụ Môi-se 80 tuổi, già mua, có vẻ mặt cằn cỗi, rám nắng, đã cầu xin, “let the beauty of Jehovah our God be upon us” (Thi. 90”17, Darby—xin vẻ đẹp của Jehovah Đức Chúa Trời chúng tôi ở trên chúng tôi”.
Là con cái Chúa, chúng ta cần được vẻ đẹp của Chúa bao phủ mình. Vì cây cối trong vườn Ê-đen tượng trưng các tín đồ, “cây thì đẹp mắt trái thì ăn ngon”. Vẻ đẹp nầy không do mĩ phẩm, hay sự trau chuốt, tôn tạo bên ngoài. Dân của Chúa không nên theo chủ nghĩa khổ hạnh, đày đọa hay phá hủy sắc diện của mình, cũng không tôn tạo nó bằng phương tiện thế giới, nhưng Chúa sẽ ban cho dân Ngài vẻ đẹp thuộc linh, có sức thu hút người ngoài đến với Chúa, như Ô-sê 14:6 tiên tri, “Các chồi nó sẽ vươn ra xa; Nó sẽ xinh đẹp như cây ô-liu”. Xin Chúa cho chúng ta kinh nghiệm được vẻ đẹp của Chúa bao phủ lấy mình.
3/Bao Tử Cỏ:
Tự điển trên mạng định nghĩa bao tử con bò như sau: “Lá sách bò hay xách bò, còn được gọi là khăn lông bò, bầu dục, lá lách, bìa sách, tức niêm mạc dạ dày thuộc 1 trong 4 túi dạ dày của bò. Bởi được gọi là lá sách bò vì dạ lá sách gồm nhiều lá to nhỏ khác nhau như những trang sách để dễ ép thức ăn nửa lỏng xuống dạ dày cuối cùng của bò là dạ múi khế”.
Tôi nghĩ gia đình thầy tế lễ rất vui khi ông mang cái bao tử bò về nhà để sửa soạn món ăn. Nhưng điều tôi muốn nói là Bao tử lá sách đó nói lên khả năng tiêu hóa điều răn và lời Kinh thánh của Chúa Giê-su. Bao tử bò nhơi lại thức ăn như rau cỏ gần suốt đêm.
Trong Phục truyền 10:1-5 chép lời Môi sẽ kể lại câu chuyện huyền diệu khi ông mang hai bảng đá thứ hai chép 10 điều răn của Đức Chúa Trời xuống núi, ông phải đặt hai bảng ấy vào cái rương bằng gỗ Si-tim mà ông đã đóng sẵn, trước khi ông lên núi nhận lãnh hai bảng đá ấy.
Cái hòm gỗ si-tim tượng trưng Chúa Giê-su. Chỉ có Ngài mới có khả năng chứa đựng, tiêu hóa, và thực hành toàn bộ 10 điều răn cộng với mọi lời phán của Đức Chúa Trời. Đó là hình ảnh chiếc bao tử lá sách của con bò làm sinh tế.
Kinh thánh có chép hai nhân vật là Ê-xê-chi ên, và sứ đồ Giăng có kinh nghiệm tiêu hóa lời của Đức Chúa Trời. “Bấy giờ tôi mở miệng và Người đã cho tôi ăn quyển (sách), Ðoạn Người phán với tôi: "Con người hỡi, hãy nuôi bụng ngươi, hãy nhét đầy lòng ngươi với quyển (sách) này, (quyển sách) Ta ban cho ngươi đây". Vậy tôi đã ăn quyển sách và nó ngọt như mật ông nơi miệng tôi” (Ê-xê 3:2-3)– “Tôi đã đến với Thiên thần và xin ngài cho tôi cuốn sách nhỏ ấy, và ngài nói với tôi: "Hãy cầm lấy mà ăn nó đi! Nó sẽ làm cho bụng ngươi ụa đắng, nhưng nơi miệng ngươi nó lại ngọt ngào như mật!" Tôi đã cầm lấy cuốn sách nhỏ tự tay Thiên thần và tôi đã ăn. Và quả nơi miệng tôi, nó ngọt như mật. Nhưng ăn xong rồi, bụng tôi đã ụa đắng. Và các Ngài nói với tôi: "Ngươi lại phải tuyên sấm lần nữa trên các dân các nước, các tiếng nói, và nhiều vua Chúa" (Khải 10:)..
Bạn có khả năng tiêu hóa và thực hành lời Kinh thánh đến mức độ nào? Ước gì Chúa ban cho mỗi chúng ta một phần cái bao tử lá sách của con sinh đó, mà Con Sinh đó là Chúa của chúng ta.
M.K. 23-10-2020