-
Kinh thánh xét đoán những người được nó chép đến. “Những gì đã được chép từ xưa đều nhằm dạy dỗ chúng ta, để nhờ sự kiên định và khích lệ của Kinh Thánh mà chúng ta có niềm hi vọng (Rô ma 15: 4). Chúng ta không có đủ tư cách thẩm quyền xét đoán các tôi tớ Chúa trong Kinh Thánh.
1. Ích-bô-sết-- tín đồ bạc nhược thuộc linh
2 Sa mu ên 3:1, “Cuộc chiến kéo dài giữa nhà Sau-lơ và nhà Đa-vít; Đa-vít ngày càng vững mạnh, còn nhà Sau-lơ càng ngày càng suy yếu”. Ích bô sết tượng trưng tín đồ yếu nhược thuộc linh, bị Áp ne chủ trị và sợ hãi bên Đa vít. Nhiều tôi tớ Chúa đang tự xưng là tổng quản nhiệm, làm ông gì đó trên công động dân Chúa, nhưng lại quá yếu nhược thuộc linh, hoàn toàn dựa vào tài trợ nước ngoài và giảng sư khách mời, bằng cách đưa bao thơ mua chuộc họ sau khi họ giảng trợ lực cho mình.
-
2. Áp-ne- Giả vờ ủng hộ nhà Sau-lơ
“Trước kia, Sau-lơ có một nàng hầu, tên là Rít-pa, con gái của A-gia. Ích-bô-sết nói với Áp-ne: “Tại sao ngươi đến cùng nàng hầu của cha ta?” Áp-ne rất tức giận về những lời của Ích-bô-sết, và nói: “Tôi có làm đầu chó mà theo phe Giu-đa không?Cho đến nay, tôi hết lòng trung thành với nhà Sau-lơ, với các anh em bằng hữu của Sau-lơ, cha bệ hạ, không để cho bệ hạ phải sa vào tay của Đa-vít. Thế mà nay bệ hạ lại hạch tội tôi về lỗi phạm với một người đàn bà! Nguyện Đức Chúa Trời phạt tôi một cách nặng nề nếu tôi chẳng vì Đa-vít làm thành mọi điều Đức Giê-hô-va đã thề hứa với người, tức là cất vương quốc khỏi nhà Sau-lơ, và lập ngôi Đa-vít trên Y-sơ-ra-ên và trên Giu-đa, từ Đan cho đến Bê-e Sê-ba.” Ích-bô-sết không dám đáp một lời nào với Áp-ne vì sợ người”
Áp ne là tổng tư lệnh quân đội của nước Ích bô sết. Áp ne là em chú bác của vua Sau lơ. Nên Ích bô sết kêu Áp ne bằng chú họ.
Sau khi Sau lơ chết, nếu là người thuộc linh, kính sợ Chúa, Áp-ne phải đem nước Israel giao cho Đa vít là người được Chúa xức dầu. Áp ne trì hoãn 7 năm rưỡi, mà Ích bô sết chỉ cai trị cách bù nhìn có 2 năm, còn quyền lực nằm trong tay Áp ne và vợ bé của Sau lơ là Rít-pa cả 7 năm rưỡi đó. Mối tình vụng trộm đó cản trở vương quốc của Chúa. Vì bị Ích bô sết vạch trần tội lỗi, nên Áp ne mới đem vương quốc giao cho Đa vít.
-
3. Giô-áp- Người ganh tài
“Khi Áp-ne trở lại Hếp-rôn, Giô-áp đem ông riêng ra cổng thành như muốn nói chuyện riêng với ông. Tại đó, Giô-áp đâm vào bụng Áp-ne, và giết chết ông ấy để trả nợ máu cho em của Giô-áp là A-sa-ên” (1 Sa 3:27)- “Nhưng Giô-áp trả lời: “Không, tôi sẽ chết tại đây.” Bê-na-gia về tâu lại với vua: “Giô-áp đã nói và trả lời như thế.” Vua bảo: “Hãy làm như hắn đã nói. Hãy giết hắn và đem chôn đi. Như vậy, ngươi sẽ cất khỏi trẫm và khỏi nhà cha trẫm huyết vô tội mà Giô-áp đã đổ ra vô cớ. Đức Giê-hô-va sẽ khiến máu hắn đổ lại trên đầu hắn, vì hắn đã xông vào hai người công chính và tốt hơn hắn, giết họ bằng gươm mà Đa-vít, cha trẫm, không hay biết gì cả; đó là Áp-ne, con của Nê-rơ, tướng chỉ huy quân đội Y-sơ-ra-ên, và A-ma-sa, con của Giê-the, tướng chỉ huy quân đội Giu-đa. Huyết của họ sẽ đổ lại trên đầu Giô-áp và trên đầu của dòng dõi hắn cho đến đời đời” (1 Vua 2)..
Thực ra Giô áp không hẳn trả thù cho em, nhưng ông sát hại Áp-ne vì ghen tị mà thôi. Ông sợ rằng Đa vít sẽ lập Áp ne trên ông.
-
4. Đa-vít- người tham dục:
Đa vít là người vừa lòng Đức Chúa Trời. Tên “David” có nghĩa là “beloved” (được yêu). Ông sống tuyệt đối vì Chúa nhưng có khuyết điểm thiên nhiên là tham dục.
Tại sao tác giả sách 2 Sa mu ên chép tên 6 bà vợ của David ngay sau khi ông lên ngôi lại Hếp rôn? Điều đó vạch trần Đa vít là loại người gì. Đã vậy David còn đòi Ích bô sết trả lại người vợ đầu tiên của ông là Mi canh, con gái của vua Sau lơ.. Vợ của ông thì ông đòi lại cũng tạm được, nhưng Phục truyền 24:1-4 chép, “Nếu một người đàn ông đã cưới vợ, nhưng sau đó người chồng không thỏa lòng về vợ vì thấy nơi nàng có điều gì không đoan chính, thì người đó có thể viết cho vợ một giấy ly hôn, trao vào tay nàng rồi đuổi nàng ra khỏi nhà. Khi ra khỏi nhà, nàng lại đi làm vợ một người khác, và nếu người chồng sau cũng không ưa và cũng viết giấy ly hôn, trao vào tay nàng rồi đuổi khỏi nhà, hoặc nếu chồng sau chết đi, thì người chồng đầu tiên, là người đã đuổi nàng đi, không được phép lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã bị ô uế. Đó là điều ghê tởm trước mặt Đức Giê-hô-va; anh em không được đem tội lỗi vào xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em ban cho anh em làm sản nghiệp”.
Bà Mi canh đã bị ô uế với chồng thứ hai sau David, nay trở lại tái hôn với David, Chúa nói đó là “điều ghê tởm trước mặt Đức Giê-hô-va;”.
Kết luận:
Bốn nhân vật trên đây đều là tôi tớ của Chúa. Lịch sử của họ làm bài học cho chúng ta. Mọi người theo bẩm sinh đều là tội nhân, là bụi đất. Người nầy thì lộ ra mặt nầy, người kia lộ ra mặt khác của căn bệnh tội lỗi nhuần thấm trong mình. Há có ai có thể khoe khoang về chính mình trước cộng đồng dân Chúa?