Trong cả vũ trụ chỉ sự sống Đức Chúa Trời là sự sống. 1 Giăng 5:12, “Ai có Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì chẳng có sự sống đâu”. Câu nầy cho thấy nếu không có sự sống của Đức Chúa Trời, chúng ta không có sự sống. Trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, chỉ có sự sống của Ngài mới là sự sống. Do đó khi sự sống của Đức Chúa Trời được đề cập trong Tân ước, nó được xem như thể là sự sống duy nhất (Giăng 1: 4; 10: 10; 11: 25; 14: 6). ”Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống.”
Sự sống của Đức Chúa Trời là thần thượng và đời đời. Từ ngữ “thần thượng” có nghĩa là thuộc về Đức Chúa Trời, có bản chất của Đức Chúa Trời. Tữ ngữ “đời đời” có nghĩa là không do tạo dựng, không có khởi đầu hay kết thúc, tự hữu, hằng hữu. Sự sống của Đức Chúa Trời là bất thọ tạo, không có khởi đầu hay kết thúc, tự hữu, hằng hữu và không hề thay đổi.
Sự sống của Đức Chúa Trời vốn thần thượng và đời đời thì chẳng chết và không thay đổi, sự sống ấy vẫn y nguyên và cứ sống mãi mãi ngay sau khi trải qua bất kỳ tai họa hay sự hủy diệt nào. Tất cả những lọai sự sống khác trong vũ trụ--sự sống của thiên sứ, sự sống con người, sự sống động vật và sự sống thực vật—là hay chết và thay đổi. Chỉ sự sống của Đức Chúa Trời là cứ y nguyên, còn mãi cho đến đời đời. Vì thế, từ quan điểm của cõi đời đời, chỉ sự sống của Đức Chúa Trời mới là sự sống. Vì sự sống Đức Chúa Trời là duy nhất, Tân ước theo nguyên văn Hi lạp, hễ khi nào nói về sự sống đời đời, Kinh thánh đều dùng từ ngữ “zoe” để chỉ về sự sống cao nhất - Giăng 1: 4; 1 Giăng 1:2.” sự sống ấy đã được tỏ ra, chúng tôi đã thấy và làm chứng cho, cũng truyền cho anh em sự sống ấy, tức là sự sống đời đời vốn ở cùng Cha”.
Ý định của Đức Chúa Trời trong việc tạo dựng con người là để con người ăn trái cây sự sống, hầu nhờ đó nhận được sự sống đời đời của Đức Chúa Trời. Nhưng trong sự sa ngã, bản chất gian ác của satan đã tiêm vào trong con người. Kết quả là con người bị ngăn cách khỏi cây sự sống. Theo Sáng thế ký 3:24, Chúa “đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bim với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống”. Vì vậy, con người bị xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. Chê-ru-bim, ánh sáng chói lòa, lưỡi gươm biểu thị sự vinh hiển, sự thánh khiết và sự công nghĩa của Đức Chúa Trời. Ba điều nầy ngăn tội nhân không thể nhận được sự sống đời đời của Đức Chúa Trời. Khi Chúa Jesus chết trên thập tự giá, Ngài làm trọn mọi đòi hỏi về sự vinh hiển, sự thánh khiết và sự công nghĩa của Đức Chúa Trời. Do đó qua sự cứu chuộc của Chúa Jesus, một lần nữa con đường đã được mở ra cho chúng ta để tiếp xúc với Đức Chúa Trời như cây sự sống. Đó là lý do vì sao Heboro 10: 19, 20 nói rằng, “đã nhờ huyết của Jêsus mà được dạn dĩ vào nơi chí thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở cho chúng ta ngang qua bức màn, nghĩa là ngang qua xác thịt Ngài”. Cây sự sống ở trong nơi chí thánh. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta đã được đem trở lại cây sự sống và sự sống thần thượng nầy trong nơi chí thánh ngay bây giờ để nó có thể là sự vui hưởng hằng ngày của chúng ta. Tuy nhiên những người vô tín vẫn còn xa cách sự sống của Đức Chúa Trời.