CHƯƠNG SÁU
ÁNH SÁNG TRONG THẾ GIAN
Chúa Jesus có thể nói mà không sợ thách thức: “Ta là sự sáng của thế gian” (Gi. 8:12). Lời tuyên bố của Ngài không làm chúng ta ngạc nhiên chút nào. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là sau đó, Ngài nói với các môn đồ, và cũng ngụ ý nói về chúng ta: “Các ngươi là sự sáng của thế gian” (Mat. 5:14). Vì Ngài không khuyên chúng ta hãy làm sự sáng ấy; Ngài đơn giản nói rằng chúng ta là sự sáng của thế gian, dầu chúng ta đem ánh sáng của mình đến những nơi người ta có thể nhìn thấy, hay giấu ánh sáng ấy đi. Sự sống thần thượng được trồng trong chúng ta, tự nó tuyệt đối xa lạ với thế gian quanh mình, đó là nguồn sáng được dự định để soi sáng cho nhân loại thấy tính chất thật của thế gian bằng cách dùng sự tương phản, làm lộ rõ sự tăm tối cố hữu của nó. Vì vậy, Chúa Jesus nói tiếp: “Cũng vậy, sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta, để họ thấy những việc lành của các ngươi mà tôn vinh Cha các ngươi ở trên trời”. Qua điều này, chúng ta thấy rõ rằng tự tách mình ra khỏi thế gian ngày nay, và qua đó làm cho thế gian mất đi ánh sáng duy nhất của nó, thì làm điều đó không thể tôn vinh Đức Chúa Trời được. Làm như vậy là ngăn trở mục đích của Ngài trong chúng ta và trong nhân loại.
Như chúng ta đã thấy, đúng là sự nghiệp của Giăng Báp-tít tương đối khác biệt. Ông thật sự rút lui khỏi thế gian để sống khắc khổ tách biệt ở những vùng sa mạc, và như chúng ta được biết, ông sống nhờ châu chấu và mật ong rừng. Người ta đi đến đó để tìm ông, vì thậm chí tại đó, ông vẫn là ánh sáng cháy lên và chiếu lòa. Tuy nhiên, chúng ta được nhắc nhở rằng “ông không phải là Sự Sáng”, mà chỉ đến để làm chứng về Sự Sáng. Lời chứng của ông là lời chứng sau cùng và lớn nhất của chức vụ tiên tri thời đại cũ, bởi vì lời chứng ấy chỉ về Chúa Jesus. Chỉ một mình Ngài là “Sự Sáng thật, đến thế gian soi sáng mọi người”; và chắc chắn Ngài “ở trong thế gian” chứ không ở ngoài thế gian (Gi. 1:9, 10). Đạo Đấng Christ bắt nguồn từ Ngài. Đức Chúa Trời có thể dùng một Giăng kêu lên trong đồng vắng, nhưng Ngài không bao giờ dự định rằng Hội thánh của Ngài là một nhóm người được lựa chọn sống theo nguyên tắc kiêng cữ.
Trước đây, chúng ta đã thấy sự kiêng cữ — “chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ” — chỉ là một yếu tố nữa trong hệ thống thế gian, và vì vậy chính nó là điều đáng nghi ngờ (Côl. 2:21). Nhưng chúng ta phải đi đến một giai đoạn sâu xa hơn điều này, và một lần nữa, sứ đồ Phao-lô đến giúp đỡ chúng ta. Trong La Mã 14:17, ông cho chúng ta thấy thế nào đời sống Cơ Đốc nhân là một điều gì đó hoàn toàn xa lạ với sự tranh luận về những gì chúng ta làm và không làm. “Vương quốc Đức Chúa Trời không phải là việc ăn uống”, tức là hoàn toàn không được nhận biết trong những từ ngữ đó, “nhưng tại sự công chính, bình an và vui mừng trong Thánh Linh”, tức những điều thuộc một lãnh vực hoàn toàn khác. Cơ Đốc nhân sống và được dẫn dắt không phải bởi những luật lệ định rõ mình nên sống hòa mình với người đời đến mức nào, nhưng bởi những phẩm chất bên trong này mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã đem đến cho mình.
Sự công chính, bình an và vui mừng trong Thánh Linh. Có lẽ chúng ta nên dành ít phút tập trung sự chú ý đến điểm thứ hai trong những điều trên. Vì chúng ta thấy sự bình an là một yếu tố hiệu nghiệm trong việc Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của Con Ngài, ấy là Ngài gìn giữ chúng ta khỏi kẻ ác (Gi. 17:15).
Trong chính Đức Chúa Trời có sự bình an, là tình trạng sâu xa của linh, tình trạng không bị quấy nhiễu, giữ Ngài không bối rối và đau khổ khi đối diện với những sự xung đột và mâu thuẫn không thể nói ra được. Chúa Jesus phán: “Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian; nhưng trong Ta, các ngươi có sự bình an” (Gi.16:33). Ngay khi một điều gì đó trục trặc, chúng ta dễ bối rối biết bao! Nhưng chúng ta có bao giờ dừng lại để xem xét có gì sai trật với mục đích lớn lao mà Đức Chúa Trời đã để tâm vào đó không? Đức Chúa Trời là sự sáng, Ngài có một kế hoạch đời đời.
Khi làm cho sự sáng soi ra từ trong tối tăm, Ngài hoạch định rằng thế gian này là nơi kế hoạch ấy diễn ra. Như chúng ta biết, sau đó Sa-tan bước vào ngăn trở Đức Chúa Trời, để con người đi đến tình trạng yêu sự tối tăm hơn sự sáng. Mặc dầu có sự ngăn trở ấy, mà chúng ta lại quá ít quí trọng những gì liên hệ đến sự ngăn trở ấy, Đức Chúa Trời vẫn giữ một sự bình an không hề bị khuấy động trong chính Ngài. Phao-lô nói với chúng ta rằng sự bình an ấy của Đức Chúa Trời cần phải canh giữ lòng và ý tưởng của chúng ta trong Christ Jesus (Phil. 4:7).
“Canh giữ” thật sự có ý nghĩa gì? Điều ấy có nghĩa là kẻ thù của tôi phải chiến đấu và thắng hơn người bảo vệ có trang bị vũ khí canh gác ở các cổng rào trước khi hắn có thể đụng đến tôi. Trước khi đụng được đến tôi, hắn phải chiến thắng quân canh phòng. Cho nên tôi “dám” bình an như Đức Chúa Trời, vì sự bình an gìn giữ Đức Chúa Trời là sự bình an gìn giữ tôi. Đó là điều thế gian không hề biết. “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; Ta ban sự bình an Ta cho các ngươi, Ta cho các ngươi không phải như thế gian cho” (Gi. 14:27).
Loài người tuyệt đối không hiểu Chúa Jesus! Bất cứ điều gì Ngài làm cũng sai lầm trong cái nhìn của họ, vì ánh sáng ở trong họ là sự tối tăm. Thậm chí họ dám đồng nhất Linh ở trong Ngài với Bê-ên-xê-bun, là Chúa quỉ. Tuy nhiên, khi họ buộc tội Ngài tham ăn mê uống, Ngài đã trả lời thế nào? “Cha ơi,... con khen tạ Cha!” (Mat. 11:19, 25). Ngài chẳng bị rúng động, vì trong Linh, Ngài cư trú trong sự bình an của Đức Chúa Trời.
Hoặc anh em hãy nhớ lại đêm trước sự khổ nạn của Chúa. Mọi sự dường như trở nên hỏng cả: một người bạn bỏ đi vào trong bóng đêm để phản Ngài, một người khác rút gươm ra đang khi giận dữ, người ta kẻ thì chạy trốn, kẻ thì trần truồng bỏ chạy vì quá nôn nóng tẩu thoát. Ở giữa tất cả những điều đó, Chúa Jesus nói với những người đến bắt Ngài rằng: “Chính Ta đây” một cách thật bình an và trầm tĩnh đến nỗi thay vì Ngài sợ hãi, họ lại là những người run rẩy và lùi lại té nhào. Đó là kinh nghiệm đã được lặp đi lặp lại trong đời sống những người tuận đạo của mọi thời đại. Họ có thể bị tra tấn, thiêu đốt, nhưng vì họ có sự bình an của Ngài, những kẻ đứng xem chỉ biết ngạc nhiên trước phong cách trang trọng và thái độ điềm tĩnh của họ. Vì vậy, chúng ta không lạ gì khi Phao-lô mô tả sự bình an này là sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết.
Chúa Jesus đã làm lộ rõ một sự tương phản nổi bật biết bao giữa tình trạng “trong thế gian” là nơi chúng ta có hoạn nạn, và “trong Ta” là nơi chúng ta có sự bình an. Nếu Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta ở một nơi để phải chịu những áp lực, đòi hỏi và nhu cầu bủa vây, Ngài cũng đã đặt chúng ta trong Đấng ấy, để được Ngài gìn giữ không bị quấy nhiễu giữa tất cả những điều này. Chính Chúa Jesus từng hỏi: “Ai đụng đến Ta?” Sự đụng chạm đầy đức tin của một người trong đám đông ở Ca-bê-na-um đã được Ngài nhận biết. Hành động đó phù hợp với lòng thương xót của Ngài, trong khi sự lấn ép của đám đông lại không gây được một hiệu quả nào nơi Ngài cả. Mọi sự xô đẩy do mất kiên nhẫn của họ không đụng đến Ngài chút nào, vì giữa họ với Ngài ít có gì giống nhau. “Ta cho các ngươi không phải như thế gian cho”. Nếu sự sống của chúng ta là sự sống của loài người, chúng ta sẽ bị thế gian làm chao đảo. Nếu đó là sự sống của Linh, chúng ta sẽ không bị những áp lực của thế gian làm rúng động.
“Sự công chính, bình an và vui mừng”: vương quốc của Đức Chúa Trời liên quan đến những điều như vậy. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ để mình lại bị lôi kéo vào lãnh vực “ăn và uống” cũ, vì sự khuyên bảo người ta nên ăn uống hay cấm đoán người ta ăn uống đều không liên quan đến chúng ta, nhưng điều liên quan đến chúng ta lại là một thế giới hoàn toàn khác. Cho nên chúng ta là những người thuộc về vương quốc không cần phải kiêng cữ. Chúng ta đắc thắng thế gian không phải nhờ từ bỏ những điều của thế gian, nhưng nhờ chúng ta thuộc về một thế giới khác một cách tích cực, tức là nhờ sở hữu tình yêu, sự vui mừng, bình an mà thế gian không thể cho, và là điều con người rất cần.
Khác hẳn tình trạng trốn tránh thế gian, chúng ta cần nhìn thấy chúng ta có đặc ân biết bao khi được Đức Chúa Trời đặt mình tại đó. “Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian”. Lời tuyên bố này thật lạ lùng! Hội thánh là người nối tiếp Chúa Jesus, một sự chuyển giao thần thượng được thiết lập ngay giữa lãnh thổ của Sa-tan. Đó là điều Sa-tan không thể chịu được, cũng như hắn không thể chịu được chính Chúa Jesus, tuy nhiên đó cũng là điều chính hắn không thể tránh khỏi được. Đó là một thuộc địa thiên thượng, một cuộc ngoại xâm vào lãnh thổ của hắn, mà hắn hoàn toàn bất năng trong việc chống lại. Phao-lô gọi chúng ta là “con cái Đức Chúa Trời... giữa dòng dõi cong quẹo bội nghịch này; giữa họ, anh em được tỏ ra như những vì sáng trên thế gian” (Phil. 2:15). Đức Chúa Trời đã cố ý đặt chúng ta trong kosmos để làm lộ ra kosmos là gì. Chúng ta phải phơi bày ra trước ánh sáng thần thượng để mọi người đều thấy, về một mặt, tính phản loạn đầy thách đố của thế gian với Đức Chúa Trời, và về mặt khác, sự hư không và trống rỗng của nó.
Công tác của chúng ta không ngừng tại đó. Chúng ta phải công bố Phúc-âm cho loài người, để nếu họ quay sang Phúc-âm, ánh sáng của Đức Chúa Trời nơi mặt Jesus Christ sẽ buông tha họ được tự do khỏi sự trống rỗng, hư không của thế gian hầu đạt đến sự đầy trọn của Ngài. Đó là sứ mạng hai mặt của Hội thánh, là lý do giải thích vì sao Sa-tan ghét Hội thánh. Không có điều gì quấy rầy hắn nhiều cho bằng sự hiện diện của Hội thánh trên thế gian. Không có gì làm hắn hài lòng hơn khi thấy ánh sáng làm lộ chân tướng của hắn bị cất đi. Hội thánh là cái gai bên hông kẻ thù của Đức Chúa Trời, là nguồn gây khó chịu và phiền nhiễu thường xuyên cho hắn. Chúng ta gây rất nhiều rắc rối cho Sa-tan đơn giản chỉ vì chúng ta ở trong thế gian. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải lìa thế gian?
“Hãy đi khắp thế gian và rao giảng phúc-âm” (Mác 16:15). Đó là đặc quyền của Cơ Đốc nhân. Đó cũng là nhiệm vụ của họ. Những người cố gắng không tham dự vào thế gian chỉ chứng tỏ rằng họ vẫn còn nô lệ cho lối suy nghĩ của thế gian ở một mức độ nào đó. Chúng ta là những người “không thuộc về nó” thì không có lý do nào để lìa bỏ nó cả, vì đó là nơi chúng ta nên có mặt.
Cho nên chúng ta không cần phải từ bỏ nghề nghiệp trần tục của mình. Không khi nào, vì đó là cánh đồng truyền giáo của chúng ta. Trong vấn đề này, không có những sự cân nhắc thuộc trần tục, chỉ có những sự cân nhắc thuộc linh mà thôi. Chúng ta không nên sống một cuộc đời hai mặt, làm những Cơ Đốc nhân tại Hội thánh và làm những con người trần tục trong những lúc khác. Đức Chúa Trời không dự định một điều nào thuộc nghề nghiệp hay việc làm của chúng ta tách rời khỏi cuộc đời làm con cái Ngài. Mọi điều chúng ta làm, dầu ở ngoài đồng ruộng hay trên xa lộ, trong tiệm, nhà máy, nhà bếp, bệnh viện hay trường học đều có giá trị thuộc linh trong mối liên hệ với vương quốc của Đấng Christ. Mọi sự phải qui về Ngài. Sa-tan rất ao ước đừng có Cơ Đốc nhân nào trong những nơi này, vì dứt khoát là họ cản đường hắn. Vì vậy hắn tìm cách làm chúng ta sợ và ra khỏi thế gian, nếu không làm được điều đó, hắn sẽ khiến chúng ta liên hệ vào hệ thống thế gian của hắn, suy nghĩ theo ngôn ngữ của hắn, điều chỉnh hành vi của mình theo tiêu chuẩn thế gian. Nếu chúng ta làm một trong những điều này thì có nghĩa là hắn đã chiến thắng. Tuy nhiên, khi chúng ta ở trong thế gian, nhưng tất cả hi vọng của chúng ta, mọi mối quan tâm và triển vọng của chúng ta đều ra khỏi thế gian, thì đó là sự bại trận của Sa-tan và vinh quang cho Đức Chúa Trời.
Lời Chúa viết về sự hiện diện của Chúa Jesus trên thế gian này như sau: “Sự tối tăm không thắng hơn sự sáng được” (Gi. 1:5 phần ghi chú ngoài lề). Không một nơi nào trong Kinh Thánh bảo chúng ta phải “chiến thắng” tội lỗi, nhưng Kinh Thánh nói rõ ràng chúng ta phải đắc thắng thế gian. Khi liên hệ đến tội lỗi, Lời Đức Chúa Trời chỉ nói về sự giải cứu; khi bàn đến thế gian, Lời Chúa nói về chiến thắng.
Chúng ta cần được giải cứu khỏi tội lỗi, vì Đức Chúa Trời không bao giờ dự định chúng ta nên có một liên hệ nào với tội lỗi; nhưng chúng ta không cần, cũng không nên tìm kiếm sự giải thoát khỏi thế gian, vì mục đích của Đức Chúa Trời là chúng ta tiếp xúc với nó. Chúng ta không được giải cứu khỏi thế gian, nhưng vì được sinh ra từ trên, chúng ta đắc thắng thế gian. Chúng ta có sự đắc thắng đó trong cùng một ý nghĩa ấy, và cũng với sự chắc chắn, bền vững như vậy, ánh sáng ấy đã đắc thắng bóng tối.
“Sự đắc thắng thế gian, ấy là đức tin của chúng ta. Ai là người thắng thế gian, ấy không phải người tin Jesus là Con Đức Chúa Trời sao?” (1 Gi. 5:4, 5). Bí quyết đắc thắng luôn luôn là mối quan hệ đức tin của chúng ta với Con là Đấng đắc thắng. “Hãy vui lên, Ta đã thắng thế gian rồi” (Gi. 16:33). Chỉ có Chúa Jesus mới tuyên bố như vậy; Ngài có thể tuyên bố như vậy vì trước đó Ngài đã khẳng định được rằng: “Kẻ cai trị của thế gian... chẳng có gì hết nơi Ta” (Gi. 14:30). Đó là lần đầu tiên có một người trên đất nói một điều như vậy. Ngài nói, và Ngài đã đắc thắng. Qua sự đắc thắng của Ngài, bá chủ của thế gian bị ném ra, và Chúa Jesus bắt đầu kéo người ta đến với Ngài.
Vì Ngài đã nói điều đó, bây giờ chúng ta cũng dám nói như vậy. Vì tôi đã được tái sinh, vì “bất cứ điều gì sanh bởi Đức Chúa Trời thì thắng hơn thế gian”, nên tôi có thể sống trong cùng một thế gian như Chúa tôi đã sống, và theo cùng một ý nghĩa, Ngài tuyệt đối tách biệt khỏi thế gian thế nào, thì tôi cũng y như vậy, như một cái đèn được đặt trên giá đèn, chiếu sáng mọi người trong nhà. “Ngài thế nào thì chúng ta cũng thế ấy trong thế gian này” (1 Gi. 4:17). Hội thánh tôn vinh Đức Chúa Trời, không phải bằng cách ra khỏi thế gian nhưng bằng cách chiếu sự sáng của Ngài trong thế gian. Trời không phải là nơi làm vinh hiển Đức Chúa Trời; đó là nơi để ngợi khen Ngài. Nơi làm vinh hiển Ngài là ở tại đây.
CHƯƠNG BẢY
SỰ TÁCH BIỆT
Chúng ta đã thấy Hội thánh như một cái gai bên hông Sa-tan, làm cho hắn rất khó chịu và làm cho hắn không còn được tự do hoạt động. Mặc dầu ở trong thế gian, Hội thánh không những từ chối giúp đỡ xây dựng thế gian, mà còn kiên trì công bố sự phán xét trên nó. Nhưng nếu điều này đúng, nếu Hội thánh luôn luôn là nguồn gây ra sự bực tức cho thế gian, thì tương tự như vậy, thế gian cũng là nguồn thường xuyên gây ra sự buồn phiền cho Hội thánh. Vì thế gian luôn luôn phát triển, nên quyền lực mà nó dùng gây khổ não cho dân Đức Chúa Trời không ngừng bành trướng; thật ra ngày nay Hội thánh phải đối diện với một lực lượng trong thế giới mà vào thời đầu tiên, Hội thánh chưa hề đương đầu. Vào thời ấy, con cái Đức Chúa Trời bị bắt bớ công khai dưới hình thức những sự tấn công bề ngoài trên con người họ về phương diện thuộc thể (Công. 12; 2 Cô. 11). Họ luôn luôn xung đột với những điều vật chất hữu hình. Hiện nay nan đề chính yếu họ gặp phải trên thế giới tinh vi hơn, một lực lượng vô hình phía sau những điều vật chất, không thánh khiết mà còn gian ác về phương diện thuộc linh. Ảnh hưởng của lực lượng thuộc linh ấy ngày nay lớn hơn thời ấy rất nhiều. Không những lớn hơn, nhưng hiện nay có một yếu tố mà thời ấy không có.
Trong Khải Thị chương 9, chúng ta đọc thấy một sự phát triển mà đối với tác giả của sách ấy thì còn ở xa trong tương lai. “Thiên sứ thứ năm thổi kèn lên, tôi thấy một ngôi sao từ trời sa xuống đất, vị ấy được ban cho chìa khóa của hầm sâu thuộc vực không đáy. Vị ấy mở hầm của vực sâu không đáy ra, có luồng khói từ hầm bay lên như khói của lò lửa lớn... Từ luồng khói ấy có những châu chấu bay ra trên mặt đất, chúng được ban cho năng lực như năng lực của những bò cạp trên đất.
Có lời phán cho chúng đừng làm thiệt hại loài cỏ của đất, hoặc vật xanh, hoặc cây cối nào, mà chỉ làm thiệt hại những người không có ấn Đức Chúa Trời ở trên trán” (cc. 1-4). Đó là ngôn ngữ theo nghĩa bóng, nhưng ngôi sao từ trời sa xuống rõ ràng chỉ về Sa-tan, và chúng ta biết vực sâu không đáy là địa phận của hắn, nhà kho của hắn, chúng ta có thể nói như vậy. Do đó, thời cuối cùng dường như được đánh dấu bằng một sự phóng thích các lực lượng Sa-tan cách đặc biệt, và loài người sẽ thấy chính mình phải chống cự lại một quyền lực thuộc linh mà họ chưa từng phải đấu tranh trước đó.
Chắc chắn điều này phù hợp với tình trạng của thời chúng ta đang sống. Mặc dầu đúng là hơn bao giờ hết, tội lỗi và bạo lực sẽ ngày càng gia tăng vào giai đoạn kết thúc thời đại này, nhưng qua Lời Đức Chúa Trời, rõ ràng đó không phải là điều Hội thánh sẽ phải đặc biệt vật lộn vào thời này, mà là vật lộn hơn nhiều với một hấp lực thuộc linh của những điều thường ngày. “Đã xảy đến trong ngày Nô-ê như thế nào, thì trong ngày Con Loài Người cũng sẽ như thế ấy: người ta ăn, uống, cưới, gả cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và nước lụt đến hủy diệt họ tất cả. Lại cũng như đã xảy ra trong ngày của Lót: người ta ăn, uống, mua, bán, gieo, trồng, xây cất, nhưng vào ngày Lót ra khỏi Sô-đôm, thì trời mưa lửa và lưu hoàng hủy diệt họ tất cả” (Lu. 17:26-29). Điều Chúa Jesus muốn nói ở đây không phải là thức ăn, hôn nhân, thương mại, nông nghiệp, kỹ nghệ, là những đặc điểm nổi bật vào thời Nô-ê và Lót, nhưng đó là những đặc tính tiêu biểu của những ngày cuối cùng. “Ngày Con Loài Người hiện ra cũng cùng một cách ấy” (c. 30): đó là vấn đề. Vì những điều này vốn không phải là tội lỗi, chúng chỉ đơn giản thuộc về thế gian. Suốt đời mình, có bao giờ anh em lại phải chú tâm nhiều như vậy đến một cuộc sống tốt đẹp như hiện nay [anh em đang phải quan tâm] không? Cơm ăn, áo mặc đang trở nên gánh nặng đặc biệt cho các con cái Đức Chúa Trời ngày nay. Chúng ta sẽ ăn gì? Chúng ta sẽ uống gì? Tiền đâu để chúng ta mua sắm áo quần? Đối với nhiều người, hầu như đó là những đề tài duy nhất của các cuộc đối thoại. Có một quyền lực buộc anh em phải suy tính đến những vấn đề này; chính sự sinh tồn của anh em đòi hỏi anh em phải quan tâm đến chúng.
Tuy nhiên Kinh Thánh cảnh cáo chúng ta “vương quốc của Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công chính” v.v... Lời Ngài khuyên chúng ta trước hết hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, và Lời ấy bảo đảm rằng khi chúng ta làm như vậy, mọi điều này sẽ được thêm cho chúng ta. Lời Ngài khuyên chúng ta đừng lo lắng về vấn đề cơm ăn, áo mặc, vì nếu Đức Chúa Trời lo cho hoa ngoài đồng và chim trên trời, thì Ngài lại không lo cho chúng ta, là những người thuộc về Ngài càng nhiều hơn sao? Tuy nhiên, nếu dựa trên sự lo lắng của chúng ta mà đánh giá, thì dường như các loài ấy được Ngài chăm sóc, còn chúng ta thì không!
Đây là điểm cần đặc biệt nhấn mạnh. Tình trạng ngày nay thật bất thường. Sự chú ý thái quá đến vấn đề ăn uống, cho dầu là ở hai thái cực hoặc chỉ đủ để tồn tại hoặc sống xa hoa, cho thấy rất nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay khác xa tình trạng bình thường; đó là tình trạng bất thường. Không phải chúng ta nhóm họp tại đây vì vấn đề ăn uống; chúng ta đang đối diện với các quỉ. Sa-tan đã sản sinh [ra hệ thống thế gian] và bây giờ đang điều khiển trật tự thế giới, hắn chuẩn bị dùng năng lực của quỉ qua mọi điều thuộc thế gian để cám dỗ chúng ta đi vào trật tự ấy. Chúng ta không thể giải thích được tình trạng sự việc ngày nay nếu tách rời khỏi điều ấy. Ôi, nguyện con cái của Đức Chúa Trời được tỉnh thức về sự thật này! Trong những ngày trước, các thánh đồ của Đức Chúa Trời gặp đủ mọi loại khó khăn; nhưng, ở giữa các áp lực, họ có thể nhìn lên và tin cậy Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong áp lực hiện nay, họ bối rối và hoang mang đến nỗi dường như không thể tin cậy Ngài. Chúng ta hãy nhận thức mọi áp lực và tình trạng rối loạn này phát sinh ra từ nguồn gốc là Sa-tan!
Vấn đề hôn nhân cũng vậy. Chúng ta chưa bao giờ gặp nhiều nan đề trong lãnh vực này như ngày nay. Rối loạn lan tràn khắp nơi, vì thanh niên thiếu nữ phá bỏ truyền thống cũ, nhưng lại thiếu sự dẫn dắt của những truyền thống mới để thay thế cho các truyền thống cũ. Sự kiện này không được kể là bình thường, mà là bất thường, siêu nhiên. Cưới gả là vấn đề lành mạnh và bình thường trong mọi thời đại, nhưng ngày nay có một yếu tố xen vào những điều này và đó là điều bất thường.
Sự trồng trọt và xây dựng cũng vậy, và việc mua bán cũng thế. Tất cả những điều này có thể hoàn toàn hợp pháp và ích lợi, nhưng ngày nay quyền lực ẩn đằng sau chúng đè ép trên con người cho đến khi họ hoang mang và mất quân bình. Thế lực gian ác truyền năng lực cho hệ thống thế gian, là thế lực đã nhanh chóng tạo ra tình trạng ngày nay với hai thái cực như chúng ta thấy; một thái cực là hoàn toàn bất lực không đạt được mục tiêu, và thái cực kia là có quá nhiều cơ hội bất thường để tích lũy của cải. Một mặt, nhiều Cơ Đốc nhân gặp những hoàn cảnh kinh tế khó khăn chưa từng thấy; mặt khác, y như vậy nhiều người lại gặp những cơ hội làm giàu chưa từng có. Cả hai tình trạng này đều bất thường.
Hãy thử ghé xem người ta nói chuyện. Anh em sẽ nghe những lời như sau: “Tuần trước, tôi mua những món hàng như vầy, như vầy với số tiền như vầy, như vầy, nhờ đó tôi đã tiết kiệm được rất nhiều”. “Mừng quá, tôi đã mua món đó cách đây một năm, nếu không tôi đã lỗ biết bao nhiêu”. “Nếu anh muốn bán, hãy bán ngay bây giờ khi thị trường đang thuận lợi”. Anh em có thấy cách người ta chạy đây, chạy đó, nôn nóng làm ăn không? Các bác sĩ đang tích trữ bột, những nhà chế tạo vải đang bán giấy, những người nam, người nữ vốn chưa bao giờ đụng đến những điều như vậy trước đây bây giờ đang bị dòng thác hoạt động đầu cơ lôi cuốn. Họ bị kéo vào dòng xoáy thị trường, và nó quay họ điên cuồng. Anh em không thấy tình trạng kinh doanh như vậy là bất thường sao? Anh em không thấy ở đây có một quyền lực bắt lấy người ta sao? Người ta không đang hoạt động cách tỉnh táo, sáng suốt; họ bị mất tự chủ rồi. Việc mua bán sôi nổi ngày nay không phải chỉ là vấn đề kiếm được hay mất đi một ít tiền. Đó là vấn đề đụng đến hệ thống Sa-tan. Chúng ta đang sống trong giai đoạn cuối cùng, một giai đoạn có một quyền lực đặc biệt được phóng thích, đang lèo lái người ta, dầu họ muốn hay không.
Vậy ngày nay tội lỗi không là nan đề lớn lao như tinh thần thế gian. Ai dám nói anh em sai lầm khi ăn và uống? Ai dám không tán thành việc cưới gả? Ai dám chất vấn anh em về quyền mua bán của anh em? Những điều này tự nó không sai lầm; sự sai lầm nằm ở lực lượng thuộc linh ẩn sau chúng, lấy chúng làm môi giới để đè bẹp chúng ta cách tàn nhẫn. Ôi, ước gì chúng ta tỉnh thức trước sự thật là dầu những điều này tầm thường và đơn giản, chúng đang được Sa-tan dùng gài bẫy các con cái Đức Chúa Trời để họ mắc vào mạng lưới vĩ đại thuộc trật tự thế gian của hắn.
“Vậy, hãy tự lưu ý, e rằng sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng của đời sống này đè nặng lòng các ngươi, và ngày ấy đến thình lình trên các ngươi như lưới rập chăng” (Lu. 21:34). Hãy lưu ý từ ngữ “đời sống” trong lời Chúa Jesus nói. Trong Tân Ước Hi-lạp, ba từ ngữ này thường được sử dụng để chỉ sự sống: zoe, là sự sống thuộc linh; psuche, là sự sống tâm lý; và bios, là sự sống thân thể. Từ ngữ sau cùng được dùng ở đây, xuất hiện dưới hình thức tính từ, biotikos, “thuộc về đời sống này”. Chúa đang cảnh cáo chúng ta phải coi chừng kẻo chúng ta bị đè nén thái quá bởi những sự lo lắng của đời sống này, tức là, với những sự lo lắng về những việc rất bình thường chẳng hạn như cơm ăn, áo mặc là những điều thuộc về sự sinh tồn hiện nay trên đất của chúng ta. A-đam và Ê-va đã sa ngã vì một điều rất đơn giản, một số Cơ Đốc nhân có thể bỏ qua sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời vì những điều đơn giản như vậy. Vì vấn đề luôn luôn là lòng của chúng ta đặt vào đâu. Chúng ta được khuyên đừng để lòng mình bị “lụy”, hay “đè quá nặng” bởi những điều gây thiệt hại cho mình. Tức là chúng ta không được mang một gánh nặng làm cho mình bị đè xuống. Theo ý nghĩa đúng đắn, ở trong linh, chúng ta phải tách biệt khỏi của cải trong nhà hay ngoài đồng (Lu. 17:31)
Chúng ta hãy nhận thức mình là ai! Chúng ta là Hội thánh, là ánh sáng của thế gian đang chiếu soi giữa bóng tối. Chúng ta hãy sống cuộc đời mình tại đây như vậy.
Có một giai đoạn Hội thánh từ khước những phương cách của thế gian. Bây giờ Hội thánh không những sử dụng chúng, mà còn lạm dụng chúng. Dĩ nhiên chúng ta phải dùng thế gian, vì chúng ta cần nó; nhưng chúng ta đừng ham muốn nó, đừng ao ước nó. Cho nên Chúa Jesus nói tiếp: “Vậy, lúc nào các ngươi cũng hãy thức canh và khẩn nài, hầu các ngươi đủ sức để thoát khỏi mọi điều phải xảy đến ấy, và đứng (nguyên văn là “được đặt”) trước mặt Con Loài Người” (Lu. 21:36). Nếu không có một thế lực thuộc linh mà chúng ta cần canh giữ để chống lại nó, thì Chúa có thúc giục chúng ta thức canh và cầu nguyện không? Chúng ta không dám cho rằng phần định trước của mình là một điều đương nhiên, nhưng phải thường xuyên tỉnh thức để linh chúng ta thật sự không vướng bận với những yếu tố của thế gian này. Có những điều của thế gian cần thiết cho chính sự sinh tồn của chúng ta. Có liên hệ đến chúng là hợp pháp, nhưng bị chúng đè nặng là bất hợp pháp và có thể làm cho chúng ta mất điều tốt nhất của Đức Chúa Trời.
Sách Khải Thị cho thấy Sa-tan sẽ thiết lập vương quốc của antichrist trên thế giới chính trị (chương 13), thế giới tôn giáo (chương 17), và thế giới thương mại (chương 18). Trên nền tảng bao gồm ba khía cạnh này là chính trị, tôn giáo và thương mại, chúng ta sẽ thấy biểu hiện mạnh mẽ sau cùng của sự trị vì của hắn. Trong hai chương sau được đề cập ở trên, vương quốc của hắn xuất hiện dưới hình ảnh tượng trưng là Ba-by-lôn, tức công cụ đặc biệt của Sa-tan. Ba-by-lôn dường như tượng trưng cho Cơ Đốc giáo bại hoại, có lẽ là La Mã, nhưng to lớn hơn và ngấm ngầm hơn La Mã. Ba-by-lôn bị phán xét trên nền tảng thương mại của mình. Tất cả những gì được ghi lại trong chương mười tám xoay quanh các thương gia và hàng hóa. Những người than khóc vì thành lớn bị đổ xuống, từ vua cho đến những người lái tàu thủy, tất cả đều than vãn với ý nghĩ rằng sự mua bán thịnh vượng của Ba-by-lôn thình lình bị chấm dứt. Rõ ràng không phải tôn giáo hay chính trị mà là thương mại, là điều đã làm cho tinh thần của Ba-by-lôn lại phát đạt, và là điều làm người ta than khóc khi nó sụp đổ. Chúng tôi không dám tuyên bố mạnh rằng thương mại thuần túy là sai lầm, nhưng chúng tôi nói điều này trên nền tảng là chính Lời của Đức Chúa Trời rằng bước khởi đầu của thương mại có liên quan đến Sa-tan (Êxc. 28) và nó kết thúc với Ba-by-lôn (Khải. 18). Rồi từ kinh nghiệm gian khổ của mình, chúng tôi xin nói thêm rằng thương mại là cánh đồng mà trong đó, hơn bất cứ nơi nào khác, “sự hư hoại trong thế gian qua dục vọng” không ngớt theo đuổi thậm chí những người sống theo nguyên tắc cao nhất giữa vòng các Cơ Đốc nhân mà tách rời khỏi ân điển của Đức Chúa Trời, và sự hư hoại ấy cũng sẽ dễ dàng bất ngờ ập đến với họ làm cho họ sa sút.
Chúng ta có nhạy bén đối với Ba-by-lôn không? Các thương gia khóc, nhưng trời reo lên Ha-lê-lu-gia! (19:1). Đây là những tiếng Ha-lê-lu-gia duy nhất được ghi lại trong Tân Ước. Chúng ta có làm vang dội lại những tiếng Ha-lê-lu-gia này không?
Khi đụng đến thương mại, chúng ta đang ở trong một lãnh vực đầy hiểm họa. Nếu vì lý do là sự kêu gọi của mình, chúng ta tham gia vào thương mại thuần khiết, và nếu chúng ta làm như vậy với lòng sợ sệt và run rẩy, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thoát khỏi bẫy của Ma quỉ. Nhưng nếu chúng ta quá tự tin, thì sẽ không hi vọng thoát khỏi tình trạng tìm tư lợi cách vô đạo đức mà thương mại gây ra. Cho nên nan đề chúng ta đối phó hôm nay không phải là làm thế nào để đừng mua bán, đừng ăn uống, cưới gả; vấn đề hiện nay là chúng ta cần tránh quyền lực ẩn sau những điều đó, vì chúng ta không dám để cho quyền lực ấy thắng hơn mình.
Như vậy, bí quyết nắm giữ những của cải vật chất theo ý muốn Đức Chúa Trời là gì? Chắc chắn giữ của cải ấy cho Đức Chúa Trời tức là nhận biết chúng ta không đang dồn chứa những của cải quí giá nhưng vô dụng, hay tích trữ những khoản tiền lớn ký thác trong ngân hàng, nhưng đang để dành cho trương mục của Đức Chúa Trời. Anh em và tôi phải sẵn lòng hoàn toàn lìa bỏ bất cứ điều gì, bất cứ lúc nào. Tôi từ bỏ hai ngàn đô-la hay hai đô-la không thành vấn đề. Vấn đề là tôi cần từ bỏ bất cứ điều gì tôi có mà không chút luyến tiếc.
Qua điều này, tôi không có ý nói chúng ta phải cố gắng bỏ hết mọi sự; đó không phải là vấn đề. Vấn đề là với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời, anh em và tôi không tích chứa của cải cho mình. Nếu tôi giữ một điều gì, ấy là vì Đức Chúa Trời đã phán với lòng tôi; nếu tôi có lìa bỏ điều đó thì cũng với lý do như vậy. Tôi giữ chính mình trong ý muốn của Đức Chúa Trời và không sợ phải ban cho nếu Đức Chúa Trời bảo tôi hãy ban cho. Tôi không giữ gì vì tôi yêu mến nó, nhưng tôi buông nó ra không chút luyến tiếc khi Ngài kêu gọi tôi bỏ nó lại đằng sau. Đó là ý nghĩa của sự tách biệt, tự do và biệt riêng cho Đức Chúa Trời.