amoxicillin cost without insurance
amoxicillin
insurance
CHƯƠNG BỐN
ĐỐI VỚI TÔI ĐÃ BỊ ĐÓNG ĐINH
Phân rẽ cho Đức Chúa Trời, phân rẽ khỏi thế gian, là nguyên tắc đầu tiên của đời sống Cơ Đốc. Trong sự khải thị về Jesus Christ, Giăng đã thấy hai thái cực không thể hòa giải với nhau, hai thế giới là hai thái cực cách biệt về mặt đạo đức. Trước hết, trong Linh, ông đã được đưa vào trong đồng vắng để thấy Ba-by-lôn, là mẹ của các dâm phụ và của những điều gớm ghiếc trên đất (17:3). Sau đó, trong cùng Linh ấy, ông được đưa đến một ngọn núi lớn và cao, từ đó nhìn thấy Giê-ru-sa-lem, là cô dâu, vợ của Chiên Con (21:10). Sự khác biệt thật rõ ràng và khó có thể trình bày chính xác, đầy đủ hơn.
Dầu chúng ta là Môi-se hay Ba-la-am, để có cái nhìn của Đức Chúa Trời về các sự việc, chúng ta phải được đưa lên đỉnh núi như Giăng. Nhiều người không thể thấy được kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời, hoặc nếu có thấy chăng nữa, họ cũng chỉ hiểu điều đó khác nào một giáo lý khô khan như bụi đất, nhưng họ bằng lòng ở lại dưới đồng bằng. Vì kiến thức không bao giờ cảm động chúng ta, chỉ có khải thị mới cảm thúc chúng ta mà thôi. Từ đồng vắng, chúng ta có thể thấy một điều gì đó của Ba-by-lôn, nhưng chúng ta cần khải thị thuộc linh để nhìn thấy Giê-ru-sa-lem Mới của Đức Chúa Trời. Một khi nhìn thấy điều này, chúng ta sẽ không bao giờ giống như trước nữa. Vì vậy, là những Cơ Đốc nhân, chúng ta đặt hết hi vọng của mình vào sự mở mắt ấy, nhưng để kinh nghiệm được điều ấy, chúng ta phải chuẩn bị từ bỏ những mức độ tầm thường và leo lên cao.
Ba-by-lôn dâm phụ luôn luôn là “thành phố lớn” (16:19 v.v...), nhấn mạnh đến tình trạng đạt đến sự to lớn của nó. Cô dâu Giê-ru-sa-lem thì trái lại là “thành thánh” (21:2, 10), nhấn mạnh vào sự biệt riêng của thành ấy cho Đức Chúa Trời. Nàng “ra từ Đức Chúa Trời”, và được chuẩn bị “cho người chồng của nàng”. Vì lý do ấy, Giê-ru-sa-lem sở hữu vinh quang của Đức Chúa Trời. Đó là vấn đề thuộc về kinh nghiệm của tất cả chúng ta. Sự thánh khiết trong chúng ta là những gì thuộc về Đức Chúa Trời, những gì hoàn toàn biệt riêng cho Đấng Christ. Điều ấy theo qui luật chỉ có những gì phát xuất từ trời mới trở về trời, vì không có điều gì khác là thánh khiết cả. Nếu loại bỏ nguyên tắc thánh khiết này, ngay lập tức chúng ta sẽ ở trong Ba-by-lôn.
Do đó, bức tường là đặc điểm đầu tiên Giăng đề cập đến khi mô tả chính thành ấy. Có nhiều cổng để dành cho sự chuyển động của Đức Chúa Trời, nhưng tường thành là điều được nói đến trước tiên, vì phân rẽ là nguyên tắc đầu tiên trong đời sống Cơ Đốc, tôi xin nhắc lại điều đó. Nếu Đức Chúa Trời muốn có thành của Ngài với những số đo và vinh quang của thành trong ngày ấy, thì chúng ta phải xây dựng bức tường ấy trong lòng người ngay bây giờ. Điều này có nghĩa là trong sự thực hành, chúng ta phải canh giữ tất cả những gì quý báu thuộc về Đức Chúa Trời và từ chối, từ bỏ tất cả những gì của Ba-by-lôn. Tôi không có ý nói đến sự phân rẽ giữa các Cơ Đốc nhân. Chúng ta không dám loại trừ chính các anh em của mình, thậm chí khi chúng ta không thể tham gia vào những gì họ làm. Không, chúng ta phải yêu thương và tiếp nhận những người bạn Cơ Đốc của mình, nhưng trên nguyên tắc là không thỏa hiệp trong sự phân rẽ với thế gian.
Vào thời của Nê-hê-mi, ông đã thành công trong việc xây dựng lại tường thành Giê-ru-sa-lem nhưng phải đương đầu với nhiều sự chống đối. Vì Sa-tan ghét sự phân biệt. Hắn không thể chịu nổi sự biệt riêng của con người dành cho Đức Chúa Trời. Vì vậy, Nê-hê-mi và các bạn đồng công của ông tự trang bị vũ khí cho mình, và trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, họ đặt tảng đá này trên tảng đá khác. Đó là giá của sự thánh khiết chúng ta phải chuẩn bị để trả.
Vì xây dựng là điều chúng ta chắc chắn phải làm. Ê-đen là một khu vườn không có bức tường nhân tạo để ngăn kẻ thù nên Sa-tan đã bước vào. Đức Chúa Trời dự định rằng A-đam và Ê-va nên “canh giữ” vườn (Sáng. 2:15) bằng cách tự tạo một biên giới đạo đức ngăn cản hắn. Ngày nay, nhờ Đấng Christ, Đức Chúa Trời hoạch định trong lòng của những người được chuộc của Ngài một Ê-đen mà trong sự thật đắc thắng, về phương diện đạo đức, Sa-tan cuối cùng không có cách nào để bước vào. “Vật gì ô uế, hoặc người làm điều gớm ghiếc và nói dối đều không có cách nào vào đó, nhưng chỉ những người được ghi trong sách sự sống của Chiên Con”.
Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng sứ đồ Phao-lô đã được ban cho một khải thị đặc biệt về Hội thánh của Đức Chúa Trời. Tương tự như vậy, chúng ta cảm thấy Đức Chúa Trời ban cho Giăng một sự hiểu biết đặc biệt về bản chất của thế gian. Thật ra, kosmos là từ ngữ mà Giăng đã dùng một cách đặc biệt. Các Phúc âm khác chỉ dùng từ ngữ này mười lăm lần (Ma-thi-ơ chín lần, Mác và Lu-ca mỗi sách ba lần) trong khi Phao-lô dùng bốn mươi bảy lần trong tám bức thư của ông. Nhưng Giăng dùng từ ngữ này một trăm lẻ năm lần tất cả, bảy mươi tám lần trong sách Phúc âm của ông, hai mươi bốn lần trong các Thư tín và ba lần nữa trong sách Khải Thị.
Trong Thư đầu tiên, Giăng viết: “Mọi sự trong thế gian, như tư dục của xác thịt, tư dục của mắt, và sự hư vinh của đời sống này, đều không thuộc Cha, mà thuộc thế gian” (2:16). Qua những lời này là những lời phản ảnh rõ ràng sự cám dỗ của Ê-va (Sáng. 3:6), Giăng định nghĩa những điều thuộc về thế gian. Tất cả những gì có thể bao hàm trong dục vọng hay ham muốn nguyên thủy, tất cả những gì khuấy động tham vọng, và tất cả những gì dấy lên trong chúng ta sự kiêu ngạo hay sự quyến rũ của đời sống, tất cả những điều đó là một phần của hệ thống Sa-tan. Có lẽ hầu như chúng ta không cần ngồi đây để xem xét sâu xa hơn hai điều đầu tiên này, nhưng chúng ta hãy để ít thời giờ xem xét điều thứ ba. Mọi sự khuấy động sự kiêu hãnh trong chúng ta đều thuộc về thế gian. Sự lỗi lạc, tài sản, thành đạt, là những gì thế gian tán thưởng. Con người kiêu ngạo về sự thành công. Tuy nhiên Giăng dán nhãn lên tất cả những gì đem đến sự thành công này là “thuộc thế gian”.
Vì vậy, mỗi một sự thành công mà chúng ta kinh nghiệm (tôi không có ý nói rằng chúng ta nên làm những kẻ thất bại!) cần đưa chúng ta đến chỗ khiêm nhường xưng tội ngay về tính tội lỗi cố hữu của nó, vì bất cứ khi nào gặp sự thành công, chúng ta đã chạm đến hệ thống thế gian ở một mức độ nào đó. Bất cứ khi nào cảm thấy thỏa mãn về một thành tựu nào đó, ngay lập tức chúng ta có thể biết rằng mình đã đụng đến thế gian. Chúng ta cũng có thể biết rằng chúng ta đã đem chính mình đặt dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời, vì không phải chúng ta đã đồng ý rằng cả thế gian đều ở dưới sự phán xét sao? Bây giờ, (chúng ta hãy cố gắng nắm bắt sự thật này), những ai nhận biết điều này và thừa nhận nhu cầu của mình đều bởi đó được giữ gìn an toàn.
Nhưng điều rắc rối là có bao nhiêu người trong chúng ta nhận biết điều ấy? Thậm chí những ai trong chúng ta đã sống đời sống tách biệt trong nhà riêng cũng có khuynh hướng làm mồi cho sự kiêu ngạo của đời sống y như những người đạt được những thành quả lớn lao ở giữa công chúng. Một người phụ nữ trong căn bếp khiêm nhường có thể chạm đến thế gian và sự tự mãn của nó ngay cả trong khi nấu ăn hằng ngày hay trong việc tiếp đãi khách. Mọi vinh quang không phải vinh quang dâng cho Đức Chúa Trời đều là hư vinh, và điều lạ lùng là những thành công thật nhỏ mọn lại có thể tạo ra hư vinh. Bất cứ nơi nào chúng ta gặp sự kiêu ngạo, chúng ta gặp thế gian, và ngay lập tức có một chỗ thất thoát trong mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời. Ôi, nguyện Đức Chúa Trời mở mắt chúng ta để thấy rõ thế gian là gì! Không những là điều ác, mà tất cả những gì nhẹ nhàng kéo chúng ta xa khỏi Đức Chúa Trời, đều là những đơn vị của hệ thống đối địch với Ngài. Sự thỏa mãn về thành quả của một công việc hợp pháp nào đó ngay lập tức có quyền lực xen vào giữa chúng ta với chính Đức Chúa Trời. Vì nếu sự kiêu ngạo của đời sống chứ không phải sự ngợi khen Đức Chúa Trời đánh thức chúng ta, thì chúng ta có thể biết chắc chắn rằng mình đã đụng đến thế gian. Vì vậy, chúng ta cần liên tục thức canh và cầu nguyện nếu muốn mối thông công của mình với Đức Chúa Trời được duy trì mà không bị vấy bẩn.
Như vậy đâu là phương cách thoát khỏi bẫy lưới này mà Ma quỉ đã giăng ra để bắt lấy dân của Đức Chúa Trời? Trước hết, tôi xin nhấn mạnh rằng chúng ta không tìm ra lối thoát bằng cách bỏ chạy. Nhiều người nghĩ chúng ta có thể thoát khỏi thế gian bằng cách kiêng cữ những điều của thế gian. Suy nghĩ như vậy là khờ dại. Nghĩ cho cùng, làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi hệ thống thế gian bằng cách sử dụng những phương pháp không hơn gì các phương pháp của thế gian? Tôi xin nhắc lại lời của Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 11:18, 19: “Vì Giăng đã đến không ăn, không uống, thì người ta nói: Ông này bị quỉ ám. Con Loài Người đến ăn và uống, thì người ta lại nói: Kìa, người ham ăn mê uống, bạn của người thâu thuế và kẻ có tội!”. Một vài người nghĩ rằng Giăng Báp-tít hiến cho chúng ta một cách thức để thoát khỏi thế gian, nhưng “không ăn, không uống” không phải là Đạo Đấng Christ. Đấng Christ đến vừa ăn vừa uống, và đó là Đạo Đấng Christ! Sứ đồ Phao-lô nói về “những yếu tố của thế gian”, và ông định nghĩa những điều ấy là “chớ lấy, chớ nếm, chớ rờ” (Côl. 2:20, 21). Như vậy, sự kiêng cữ chỉ là thế gian, chứ không gì hơn. Có hi vọng gì khi chúng ta dùng những yếu tố của thế gian để thoát khỏi hệ thống thế gian? Tuy nhiên, biết bao nhiêu Cơ Đốc nhân nhiệt thành đang từ bỏ mọi niềm vui thế gian với hi vọng rằng nhờ đó họ được giải cứu khỏi thế gian! Anh em có thể dựng cho mình một túp lều để sống ẩn dật tại một vùng đất xa xôi và nghĩ đến việc ở ẩn tại đó để thoát khỏi thế gian, nhưng thế gian sẽ đi theo anh em ngay cả đến tận nơi xa xôi ấy. Nó sẽ bám sát bước chân anh em và tìm ra anh em cho dầu anh em trốn ở bất cứ nơi nào.
Chúng ta được giải cứu khỏi thế gian không bắt đầu bằng việc từ bỏ điều này, điều kia nhưng bằng cách nhìn thấy, như Đức Chúa Trời thấy, rằng đó là một thế gian ở dưới án phạt của sự chết như trong hình ảnh tượng trưng mà chúng ta đã dùng để mở đầu chương này: “Ba-by-lôn lớn đã đổ rồi, đổ rồi!” (Khải. 18:2). Giờ đây án tử hình luôn luôn được thi hành không phải trên người chết, mà trên người sống. Và theo một ý nghĩa, thế gian là một thế lực sống động ngày nay, không ngừng theo đuổi và tìm ra những đối tượng của nó. Nhưng sự thật là khi một bản án được tuyên bố, cái chết vẫn nằm trong tương lai, dầu đó là điều chắc chắn. Tương lai của một người bị án tử hình không vượt quá sự giam giữ của xà lim nhốt người bị định tội. Tương tự như vậy, thế gian ở dưới án phạt cũng không có tương lai. Hệ thống thế gian chưa bị Đức Chúa Trời chấm dứt và kết liễu như chúng ta đã nói, nhưng sự chấm dứt của hệ thống thế gian đã là một vấn đề ngã ngũ. Khi chúng ta thấy điều này, mọi sự đều trở nên khác biệt đối với chúng ta. Một số người tìm sự giải cứu khỏi thế gian trong chủ nghĩa khổ hạnh, và giống như Giăng Báp-tít, họ không ăn cũng không uống. Điều đó ngày nay là Phật giáo, không phải Đạo Đấng Christ. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta ăn và uống, nhưng chúng ta làm như vậy với nhận thức rằng ăn và uống thuộc về thế gian và ở dưới án tử hình cùng với thế gian, cho nên chúng không nắm bắt chúng ta được.
Giả sử các giới thẩm quyền của thành phố Thượng Hải ra lệnh đóng cửa trường học, là nơi anh em đang làm việc. Ngay khi nghe tin này, anh em nhận biết rằng không có tương lai hứa hẹn gì cho mình trong trường đó. Anh em tiếp tục làm việc ở đó một thời gian, nhưng anh em không xây dựng một điều gì cho tương lai mình tại đó. Thái độ của anh em đối với ngôi trường đó đã thay đổi ngay khi anh em nghe nó phải bị đóng cửa. Hoặc tôi xin dùng một hình ảnh minh họa khác, giả sử chính phủ quyết định đóng cửa một ngân hàng nọ. Anh em có vội vàng gởi một số tiền lớn vào đó để cứu nó khỏi suy sụp không? Không, anh em sẽ không gởi thêm một xu nào cả một khi anh em nghe ngân hàng ấy không có tương lai. Anh em không gửi gì vào đó vì anh em không trông mong gì nơi ấy.
Chúng ta có thể nói một cách đúng đắn về thế gian rằng nó đang ở dưới một sắc lệnh đóng cửa. Ba-by-lôn sụp đổ khi các nhà vô địch của nó tranh chiến với Chiên Con, và khi bởi sự chết và sự phục sinh, Ngài đã đắc thắng chúng, Ngài là Chúa của các chúa, Vua của các vua (Khải. 17:14). Nó không có tương lai.
Khải thị về Thập Tự Giá của Đấng Christ cũng bao hàm sự khám phá về lẽ thật này cho chúng ta, ấy là qua Thập Tự Giá, mọi sự thuộc về thế gian đều bị ở dưới án tử hình. Chúng ta vẫn tiếp tục sống trong thế gian và dùng những điều thuộc về thế gian, nhưng chúng ta không thể xây dựng tương lai bằng những điều ấy, vì Thập Tự Giá đã đập tan mọi hi vọng của chúng ta nơi chúng. Chúng ta có thể thật sự nói rằng Thập Tự Giá của Chúa Jesus đã hủy diệt mọi triển vọng của chúng ta trong thế gian này; chúng ta không có gì để sống cho thế gian.
Không có một phương cách đúng đắn nào để chúng ta được cứu khỏi thế gian mà không bắt đầu từ một khải thị như vậy. Chúng ta chỉ cần cố gắng thoát khỏi thế gian bằng cách chạy xa khỏi nó để rồi khám phá ra chúng ta yêu nó biết bao và nó yêu chúng ta biết bao. Chúng ta có thể chạy trốn ở nơi mình muốn tránh nó, nhưng chắc chắn nó sẽ tìm ra chúng ta. Tuy nhiên, chắc chắn chúng ta sẽ mất tất cả lòng yêu thích thế gian, và nó sẽ không còn bám chặt lấy chúng ta ngay khi chúng ta thấy rõ thế gian bị hủy diệt. Khi thấy như vậy, tự động chúng ta được phân rẽ khỏi toàn bộ kế hoạch của Sa-tan.
Trong phần cuối thư gửi cho người Ga-la-ti, Phao-lô trình bày điều này rất rõ ràng. “Tôi quyết không khoe khoang gì, chỉ khoe khoang về thập tự giá của Chúa chúng ta là Jesus Christ thôi; vì nhờ thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh và tôi đối với thế gian cũng vậy” (6:14). Anh em thấy câu này có điều gì nổi bật không? Câu này nói về hai phương diện của công tác Thập Tự Giá liên quan đến thế gian mà chúng tôi đã có nói đến trong chương trước. “Tôi đã bị đóng đinh đối với thế gian” là một mệnh đề chúng ta thấy tương đối dễ hiểu về việc bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ như đã được định nghĩa trong những phân đoạn như La Mã chương 6. Nhưng ở đây, câu này cũng đặc biệt nói rằng “thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh”. Khi Đức Chúa Trời đến với anh em và tôi với sự khải thị về công tác đã hoàn tất của Đấng Christ, Ngài không những cho chúng ta thấy chính mình tại Thập Tự Giá, mà cũng chỉ cho chúng ta thấy thế gian của chúng ta có tại đó nữa. Nếu anh em và tôi không thể thoát khỏi sự phán xét của Thập Tự Giá, thì thế gian cũng không thể thoát khỏi sự phán xét của Thập Tự Giá. Tôi có thật sự thấy điều này chưa? Đó là vấn đề. Khi đã thấy, tôi sẽ không cố gắng khước từ thế gian mà mình yêu mến; tôi thấy Thập Tự Giá đã loại bỏ nó. Tôi không cố gắng thoát khỏi một thế gian bám vào tôi; tôi thấy rằng bởi Thập Tự Giá, tôi đã thoát rồi.
Cũng như nhiều điều khác trong đời sống Cơ Đốc, phương cách thoát khỏi thế gian đến với hầu hết chúng ta thật làm cho chúng ta kinh ngạc, vì sự giải cứu này thật mâu thuẫn đối với quan niệm thiên nhiên của mọi người. Con người muốn giải quyết nan đề thế gian bằng cách dời con người thuộc thể của mình ra khỏi khu vực mà mình cho là nguy hiểm. Nhưng sự phân rẽ có tính cách thuộc thể không đem lại sự phân rẽ thuộc linh; ngược lại cũng vậy, tiếp xúc thế gian về phương diện thuộc thể không nhất thiết khiến chúng ta bị thế gian bắt lấy về phương diện thuộc linh. Tình trạng nô lệ cho thế gian về phương diện thuộc linh là kết quả của sự mù lòa thuộc linh, và sự giải cứu là kết quả của việc mắt chúng ta được mở ra. Tuy nhiên, không tiếp xúc với thế gian có thể chỉ là bề ngoài, nhưng chúng ta được giải cứu khỏi quyền lực của nó khi thật sự thấy bản chất của nó. Đặc tính chính yếu của thế gian là thuộc về Sa-tan; nó thù nghịch với Đức Chúa Trời. Thấy được điều này là tìm được sự giải cứu.
Tôi xin hỏi anh em: Anh em làm nghề gì? Thương gia? Bác sĩ? Đừng chạy trốn khỏi những chức nghiệp này. Hãy đơn giản viết xuống: Thương mại đã bị kết án tử hình. Hãy viết: Y khoa đã bị kết án tử hình. Nếu anh em làm như vậy trong sự chân thật, từ đó về sau, cuộc sống của anh em sẽ được thay đổi. Ở giữa một thế gian bị phán xét vì thù nghịch với Đức Chúa Trời, anh em sẽ biết thế nào là sống như một người thật sự thương yêu và kính sợ Ngài.
CHƯƠNG NĂM
SỰ KHÁC BIỆT
Bây giờ xin anh em chú ý đến những lời Chúa Jesus nói với người Do Thái trong Giăng 8:23: “Các ngươi ra từ dưới, Ta ra từ trên; các ngươi thuộc về thế gian này, Ta không thuộc về thế gian này”. Tôi ao ước chúng ta đặc biệt chú ý đến cách dùng những chữ “từ” và “thuộc về”. Trong cả hai trường hợp, từ ngữ Hi Lạp được dùng là ek, có nghĩa là “ra từ” và chỉ về nguồn gốc. Ek tou kosmos là nhóm chữ được dùng có nghĩa là “từ hay thuộc về, hay ra từ thế gian này”. Vậy, ý nghĩa của phân đoạn này là: “Nơi ở nguyên thủy của các ngươi là ở dưới; nơi ở nguyên thủy của Ta là ở trên. Nơi ở nguyên thủy của các ngươi là thế gian này; nơi ở nguyên thủy của Ta không phải là thế gian này”. Vấn đề không phải anh em là một người tốt hay xấu, nhưng đâu là nơi ở nguyên thủy của anh em. Chúng ta không hỏi điều này có đúng không hay điều kia có sai không, nhưng hỏi điều ấy phát xuất từ đâu? Nguồn gốc là yếu tố quyết định mọi sự. “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt, hễ chi sanh bởi Linh là linh” (Gi.3:6).
Như vậy, khi Jesus quay sang các môn đồ, Ngài sử dụng chính giới từ Hi Lạp này mà phán: “Nếu các ngươi thuộc về thế gian (ek tou kosmos), thì thế gian chắc yêu mến kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian, song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét các ngươi” (Gi. 15:19). Ở đây, chúng ta có cùng một nhóm chữ “không thuộc về thế gian”, nhưng hơn thế nữa, chúng ta có một nhóm chữ khác, mạnh hơn: “Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian”. Trường hợp thứ hai này được nhấn mạnh gấp đôi. Cũng giống như trên, có một giới từ ek (ra khỏi), nhưng thêm vào giới từ này là động từ eklego (lựa chọn), tự chữ này chứa đựng một giới từ ek khác nữa. Chúa Jesus đang nói rằng các môn đồ của Ngài đã được “lựa chọn ra, ra khỏi thế gian này”.
Đời sống mỗi tín đồ có một sự “ra khỏi” ek mạnh gấp đôi. Ra khỏi tổ chức to lớn gọi là kosmos ấy, ra khỏi tất cả những đoàn người đông đảo gồm những cá nhân thuộc về nó và liên hệ đến nó, Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta ra, tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều đó. Từ đó có danh hiệu “Hội thánh”, ekklesia, là “những người được gọi ra khỏi” của Đức Chúa Trời. Từ giữa kosmos vĩ đại, Đức Chúa Trời kêu gọi ở đây một người, ở đó một người; và tất cả những ai được Ngài kêu gọi, thì Ngài cũng gọi ra khỏi. Không một sự kêu gọi nào của Đức Chúa Trời mà không phải là sự kêu gọi “ra khỏi” thế gian. Hội thánh là ekklesia. Trong ý định thần thượng, không có klesia mà thiếu ek.
Nếu anh em là một người được kêu gọi, thì anh em là người được gọi ra khỏi. Nếu Đức Chúa Trời có kêu gọi anh em, thì đó là Ngài kêu gọi anh em sống trong linh bên ngoài hệ thống thế gian. Ban đầu chúng ta ở trong hệ thống thuộc về Sa-tan đó và không có lối thoát; nhưng chúng ta được gọi, và sự kêu gọi đó đem chúng ta ra khỏi. Đúng ra quan niệm ấy là một quan niệm tiêu cực, nhưng cũng có phương diện tích cực đối với cấu tạo của chúng ta; vì là dân của Đức Chúa Trời, chúng ta có hai danh hiệu, mỗi danh hiệu đều đầy ý nghĩa tùy theo cách chúng ta nhìn chính mình. Nếu nhìn lui về lịch sử quá khứ, chúng ta là ekklesia, tức Hội thánh; nhưng nếu nhìn cuộc sống hiện tại trong Đức Chúa Trời, chúng ta là Thân Thể của Đấng Christ, là biểu hiện trên đất của Đấng ở trên trời. Theo quan điểm về việc Đức Chúa Trời đã lựa chọn chúng ta, chúng ta “ra khỏi” thế gian; nhưng từ quan điểm sự sống mới, chúng ta không thuộc về thế gian chút nào, nhưng đến từ trên. Một mặt, chúng ta là những người được lựa chọn, kêu gọi và giải cứu khỏi hệ thống thế gian. Mặt khác, chúng ta là một dân tộc được tái sanh, tuyệt đối không liên quan gì đến hệ thống ấy, vì bởi Linh, chúng ta đã được sinh ra từ trên. Cho nên Giăng nhìn thấy thành thánh “từ trời từ Đức Chúa Trời xuống” (Khải. 21:10). Là dân của Đức Chúa Trời, trời không chỉ là cùng đích của chúng ta, mà còn là nguồn gốc của chúng ta.
Đây là một điều lạ lùng, trong anh em và tôi có cùng một yếu tố về bản chất thuộc về thế giới khác. Thật vậy, yếu tố ấy thuộc về thế giới khác đến nỗi dầu thế gian này có tiến bộ đến đâu, yếu tố ấy không bao giờ tiến một bước để giống như thế gian ấy. Sự sống chúng ta có là sự ban cho của Đức Chúa Trời đến từ trời và không bao giờ ở trong thế gian cả. Sự sống ấy không phù hợp với thế gian nhưng phù hợp trọn vẹn với trời; và mặc dầu hằng ngày chúng ta phải hòa mình với thế gian, sự sống ấy không bao giờ để chúng ta định cư và cảm thấy thoải mái trong thế gian.
Chúng ta hãy dành ít phút xem xét ân ban thần thượng này, tức sự sống của Đấng Christ cư ngụ trong lòng người được tái sinh. Sứ đồ Phao-lô nói rất nhiều về điều này. Trong một phân đoạn đầy ánh sáng của Thư Cô-rin-tô thứ nhất, ông đưa ra một lời tuyên bố gồm hai mặt nổi bật: (a) Chính Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta trong Đấng Christ, và (b) Đấng Christ đã trở nên nên sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời cho chúng ta: cả sự công chính lẫn sự thánh hóa và sự cứu chuộc” (1:30). Đây là những ví dụ bao gồm toàn bộ nhu cầu của con người mà Đức Chúa Trời đã đáp ứng trong Con Ngài. Ở một chỗ khác1, chúng tôi đã trình bày thế nào Đức Chúa Trời không ban phát những phẩm chất công chính, thánh khiết, v.v... như những phần riêng rẽ được ráp vào “để chúng ta lấy dùng khi cần”. Điều Ngài thực hiện là ban Đấng Christ cho chúng ta làm câu giải đáp bao quát cho mọi nhu cầu của chúng ta. Ngài làm cho Con Ngài trở nên sự công chính của tôi, sự thánh khiết của tôi và mọi điều tôi thiếu, trên nền tảng là Ngài đã đặt tôi trong Đấng Christ bị đóng đinh và đã sống lại.
Bây giờ tôi xin anh em lưu ý đến từ ngữ sau cùng: “sự cứu chuộc”, vì sự cứu chuộc liên quan rất nhiều đến thế gian. Anh em nhớ lại rằng dân Israel được “cứu chuộc” ra khỏi Ai Cập, là tất cả thế gian mà họ biết vào thời đó, và đối với chúng ta Ai Cập là hình ảnh tượng trưng về thế gian này, ở dưới quyền cai trị của Sa-tan. Đức Chúa Trời phán với dân Israel “Ta là Đức Giê-hô-va... Ta sẽ giơ thẳng tay ra... mà chuộc các ngươi”. Như vậy Đức Chúa Trời đã đem họ ra, dựng một ranh giới phán xét giữa họ và quân đội Pha-ra-ôn đang đuổi theo họ, để Môi-se có thể hát về Israel là “dân mà Ngài đã chuộc” (Xuất. 6:6; 15:13).
Trong ánh sáng của điều này, bây giờ chúng ta hãy xem lời tuyên bố bao gồm hai phương diện của Phao-lô. Nếu (a) Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta trong Đấng Christ, thì vì Đấng Christ hoàn toàn ra khỏi thế gian, chúng ta cũng hoàn toàn ra khỏi. Hiện nay Ngài là phạm vi của chúng ta, và bằng cách ở trong Ngài, thì theo đúng nghĩa chúng ta đã ra khỏi phạm vi kia. Cha “đã giải cứu chúng ta khỏi quyền lực của sự tối tăm, mà dời chúng ta qua nước của Con yêu dấu Ngài; trong Con ấy, chúng ta có sự cứu chuộc” (Côl. 1:13-14). Sự chuyển dời này là đề tài của hai chương tiếp theo.
Hơn nữa, nếu (b) Đấng Christ “được trở nên sự cứu chuộc cho chúng ta”, thì nói như vậy nghĩa là Ngài được ban cho chúng ta để làm sự cứu chuộc; điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời đã đặt chính Đấng Christ làm hàng rào để chống lại thế gian ở trong chúng ta. Tôi đã gặp nhiều thanh niên Cơ Đốc, hoặc bằng cách này hay cách khác, nỗ lực sống một cuộc đời “thoát tục” để cố gắng chống lại thế gian. Nhưng họ khám phá rằng điều đó rất khó khăn, và hơn nữa, nỗ lực ấy dĩ nhiên hoàn toàn không cần thiết. Vì bởi “sự khác biệt” trong yếu thể tính của Ngài, Đấng Christ là hàng rào ngăn cách chúng ta với thế gian, và chúng ta không cần gì khác nữa. Chúng ta không phải làm gì liên hệ đến sự cứu chuộc của mình, cũng như dân Israel đối với sự cứu chuộc của họ. Họ chỉ đơn giản tin cậy cánh tay cứu chuộc của Đức Chúa Trời đưa thẳng ra vì họ. Và Đấng Christ được trở nên sự cứu chuộc cho chúng ta. Trong lòng tôi, có một hàng rào được thiết lập giữa tôi với thế gian, là hàng rào của một loại sự sống khác, ấy là sự sống của chính Chúa tôi, và Đức Chúa Trời đã đặt hàng rào này ở đó. Vì Đấng Christ, thế gian không thể đến gần tôi.
Như vậy, tôi có cần cố gắng chống lại hay chạy trốn khỏi hệ thống gồm nhiều điều này không? Nếu nhìn vào chính mình để tìm điều gì đó nhằm đối đầu và đắc thắng thế gian, ngay lập tức, tôi thấy mọi sự trong tôi kêu khóc đòi thế gian, trong khi nếu tôi phấn đấu để tách rời chính mình khỏi đó, tôi chỉ càng làm cho mình liên hệ với nó nhiều hơn. Nhưng rồi sẽ đến một ngày tôi nhận biết rằng Đấng Christ là sự cứu chuộc trong tôi, và trong Ngài, tôi hoàn toàn “ra khỏi”. Ngày ấy sẽ chứng kiến cuộc tranh chiến chấm dứt. Tôi sẽ đơn giản nói với Ngài rằng mình không thể làm gì cả về nan đề “thế gian” này, nhưng tạ ơn Ngài với cả tấm lòng vì Ngài là Đấng Cứu Chuộc tôi.
Không sợ nói mãi thành nhàm, tôi xin nhắc lại: tính chất của thế gian về mặt đạo đức thì khác với sự sống do Linh truyền vào mà chúng ta đã nhận từ Đức Chúa Trời. Về mặt cơ bản, vì chúng ta sở hữu sự sống mới này, là sự ban cho của Đức Chúa Trời nên thế gian ghét chúng ta, vì nó không ghét điều gì cùng loại với nó. Sự khác biệt tận gốc rễ này thật sự làm cho thế gian không cách nào yêu chúng ta được. “Nếu các ngươi thuộc thế gian, thì thế gian chắc yêu mến kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc thế gian, song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét các ngươi”.
Khi thế gian thấy trong chúng ta có sự thành thật và lịch sự của con người thiên nhiên, thế gian quí trọng điều đó và sẵn sàng đáp lại bằng sự quí trọng và đặt lòng tin cậy nơi chúng ta. Nhưng ngay khi thế gian thấy trong chúng ta điều không thuộc về chính chúng ta, ấy là bản chất thần thượng mà chúng ta được dự phần, ngay lập tức, sự thù ghét sẽ dấy lên. Hãy cho thế gian thấy bông trái của Đạo Đấng Christ thì nó sẽ hoan hô; nhưng cho thế gian thấy Đạo Đấng Christ thì nó sẽ chống đối dữ dội. Vì dầu thế gian phát triển theo ý nó muốn, nó không bao giờ có thể sản xuất ra một Cơ Đốc nhân nào cả. Thế gian có thể bắt chước sự chân thật, tính lịch sự, lòng từ thiện của Cơ Đốc nhân, đúng vậy, nhưng nó không bao giờ khao khát tạo ra một Cơ Đốc nhân. Cái gọi là văn minh Cơ Đốc nay được thế gian nhận biết và tôn trọng. Thế gian có thể chịu được điều đó; thậm chí nó có thể hấp thụ và sử dụng điều đó. Nhưng sự sống của Cơ Đốc nhân, là sự sống của Đấng Christ trong tín đồ Cơ Đốc là điều thế gian ghét bỏ, và bất cứ nơi nào thế gian gặp sự sống ấy, chắc chắn nó sẽ chống đối đến chết.
Văn minh Cơ Đốc là kết quả của nỗ lực dung hòa thế gian với Đấng Christ. Trong hình bóng của Cựu Ước, chúng ta thấy điều đó được tượng trưng bởi dân Mô-áp và Am-môn, là kết quả gián tiếp của việc Lót liên hệ và thỏa hiệp với Sô-đôm; và cả Mô-áp lẫn Am-môn đều tỏ ra rằng họ ghét dân Israel không kém gì các dân tộc Ngoại Bang. Văn minh Cơ Đốc chứng tỏ rằng nó có thể trộn lẫn với thế gian, và thậm chí có thể đứng về phía thế gian khi bị khủng hoảng. Tuy nhiên, có một điều đời đời tách biệt khỏi thế gian và không bao giờ có thể pha trộn với nó, đó là sự sống của Đấng Christ. Bản chất hai bên xung khắc với nhau và không thể dung hòa được. Không có một chỗ đứng chung nào giữa phần tốt nhất của bản chất con người mà thế gian có thể sản sinh ra và một Cơ Đốc nhân tầm thường nhất, và do đó không có nền tảng để so sánh. Vì sự tốt lành thiên nhiên là điều chúng ta có do bẩm sinh và có thể phát triển do năng lực riêng của chúng ta cách tự nhiên; nhưng sự tốt lành thuộc linh, theo lời Giăng viết, thì “sanh bởi Đức Chúa Trời” (1 Gi. 5:4).
Đức Chúa Trời đã thiết lập trong thế gian một Hội thánh phổ thông; và tại nơi này, nơi khác, Ngài đã “trồng” các Hội thánh địa phương. Tôi xin thưa rằng Đức Chúa Trời đã làm điều này. Vì vậy, thật phi lý nếu chúng ta mong rằng cách giải cứu khỏi thế gian là phân rẽ khỏi nó về phương diện thuộc thể. Nhưng kết quả là nhiều Cơ Đốc nhân chân thật rất bối rối vì nan đề bị thế gian lôi cuốn. Họ hỏi rằng nếu Đức Chúa Trời “trồng” một Hội thánh địa phương tại đây, một ngày kia Hội thánh ấy có bị thế gian lôi cuốn không?
Thật ra điều đó không là nan đề đối với Đức Chúa Trời hằng sống. Vì nguồn gốc của gia đình Đức Chúa Trời không ở trong thế gian, nên không có gì phù hợp với thế gian, và do đó thế gian không thể thâm nhập vào. Dĩ nhiên điều này không do nơi chúng ta, là con cái của Đức Chúa Trời. Không phải vì chúng ta tha thiết ước ao được thuộc về trời nên Hội thánh có tính cách thiên thượng, nhưng vì chúng ta sanh từ trời. Vì chúng ta có nguồn gốc thiên thượng, cho nên nếu chúng ta được miễn không phải cố gắng để đạt đến đó, thì chúng ta cũng nhờ nguồn gốc ấy được miễn khỏi phải học tập để giữ mình khỏi thế gian này về mặt thuộc thể.
Làm thế nào thế gian có thể trộn lẫn với những gì thuộc về thế giới khác? Vì mọi sự thuộc về thế gian đều là bụi đất trống rỗng, trong khi tất cả những gì thuộc về Đức Chúa Trời có phẩm chất kỳ diệu của sự sống thần thượng. Một vài anh em ở Nam Kinh từng góp phần làm công tác cứu trợ sau khi máy bay Nhật thả bom thành phố ấy. Trong khi họ đang đứng trước một tòa nhà đổ nát, không biết phải bắt đầu làm gì, thình lình có tiếng gạch và ván đổ dữ dội, rồi một người ngoi lên. Người ấy phủi bụi và gạch vụn bám trên mình, chỗi dậy và chống chọi để đứng lên. Những xà nhà và các tấm ván rơi xuống chỗ cũ phía sau người ấy và bụi đất lại im lìm như trước, nhưng người ấy bước ra, sống động! Một khi có sự sống thì không việc gì phải sợ sự pha trộn.
Lời Chúa Jesus cầu nguyện với Cha mà Giăng ghi lại trong chương mười bảy chứa đựng một lời khẩn nài đáng cho chúng ta chú ý hơn hết. Sau khi lặp lại câu “thế gian ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian”, Chúa Jesus nói tiếp: “Con không xin Cha cất họ khỏi (ek) thế gian, nhưng xin Cha giữ họ khỏi (ek) kẻ ác” (cc. 14, 15).
Ở đây chúng ta có một nguyên tắc quan trọng, là nguyên tắc sẽ được bàn nhiều trong chương kế tiếp. Các Cơ Đốc nhân có một vị trí quan trọng trong thế gian. Mặc dầu được cứu khỏi kẻ ác và hệ thống của hắn, họ vẫn chưa được dời khỏi lãnh thổ của hắn. Họ phải đóng một vai trò không thể thiếu được tại đó. Như chúng ta đã thấy, những người theo tôn giáo nỗ lực muốn thắng thế gian bằng cách ra khỏi nó. Là Cơ Đốc nhân, đó hoàn toàn không phải là thái độ của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi phải đắc thắng ngay tại nơi này. Đã được tạo dựng khác biệt với thế gian, chúng ta vui mừng chấp nhận sự kiện Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta trong thế gian. Sự khác biệt ấy, tức điều Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ, là tất cả sự bảo vệ mà chúng ta cần.
1Đời Sống Cơ Đốc Bình Thường, Luân-đôn, 1961, tr. 127 (bản tiếng Anh).