buy clomid uk
buy clomid
pct
Chương Ba
ĐỨNG
“Sau cùng, hãy mạnh mẽ trong Chúa và trong sức mạnh của năng lực Ngài. Hãy mặc lấy toàn bộ binh giáp của Đức Chúa Trời, để anh em có thể đứng chống lại các quỉ kế của ma quỉ... hầu cho trong ngày gian ác, anh em có thể chống nổi, và sau khi đã làm xong mọi sự, mà còn đứng vững... Vậy, hãy đứng, thắt lưng... mặc giáp... chân mang giày... lấy thuẫn... đội mão trụ... và cầm gươm... cầu nguyện... thức canh” (6:10, 11, 13-18).
Kinh nghiệm Cơ Đốc bắt đầu từ vị trí “ngồi” rồi dẫn đến chỗ “đi”, nhưng không dừng lại tại đó. Mỗi Cơ Đốc nhân cũng phải học “đứng” nữa. Mỗi một người trong chúng ta cần phải chuẩn bị chiến đấu. Chúng ta không những phải biết cách ngồi với Đấng Christ trên trời, và biết cách đi xứng đáng với Ngài dưới đất này, mà cũng phải biết cách đứng trước mặt kẻ thù. Vấn đề chiến trận mà chúng ta đang đương đầu nằm trong phần thứ ba của Thư Ê-phê-sô (6:10-20). Đó là điều Phao-lô gọi là “chúng ta đánh trận... với các tà linh độc ác”.
Nhưng trước hết, một lần nữa chúng ta hãy tự nhắc nhở mình về thứ tự những điều mà Thư Ê-phê-sô trình bày cho chúng ta. Đó là “ngồi... đi... đứng”. Vì không một Cơ Đốc nhân nào có thể hi vọng tham gia cuộc chiến của các thời đại mà trước hết không học tập an nghỉ trong Đấng Christ, trong những gì Ngài đã làm, và rồi nhờ sức mạnh của Thánh Linh bên trong mà đi theo Ngài trong đời sống thực tế, thánh khiết trên đất này. Nếu thiếu hụt một trong hai điều này, họ sẽ thấy mọi lời nói về chiến trận thuộc linh vẫn chỉ là nói suông, họ sẽ không bao giờ nhận biết thực tại của điều này. Sa-tan sẽ không để ý đến họ vì họ không có giá trị gì cả. Tuy nhiên, chính những Cơ Đốc nhân ấy có thể mạnh mẽ “trong Chúa và trong sức mạnh của năng lực Ngài” bằng cách trước hết nhận biết các giá trị của sự tôn cao Ngài và sau đó là giá trị của việc Ngài cư trú bên trong chúng ta (xin đối chiếu 6:10 với 1:19 và 3:16). Khi thật sự học nhuần nhuyễn hai bài học này, họ thật sự học hỏi đến mức coi trọng nguyên tắc thứ ba của đời sống Cơ Đốc như bây giờ được tóm tắt trong chữ “Đứng”.
Đức Chúa Trời có một kẻ thù chính, và dưới quyền hắn có vô số các quỉ và thiên sứ sa ngã tìm cách tràn chiếm thế gian bằng điều ác và loại bỏ Đức Chúa Trời khỏi vương quốc của Ngài. Đó là ý nghĩa của câu 12. Đó là lời giải thích những gì xảy ra chung quanh chúng ta. Chúng ta chỉ thấy “thịt và huyết” lập phòng tuyến nghịch cùng chúng ta, tức là một hệ thống thế gian gồm các vua và những người lãnh đạo thù nghịch, các tội nhân và những người gian ác. Không, Phao-lô nói rằng chúng ta không đánh trận cùng những điều này, nhưng “với chấp chánh, với quyền lực, với những nhà cai trị thế giới của sự tối tăm này, với các tà linh độc ác ở các nơi trên trời”, nói tóm lại là với quỉ kế của chính ma quỉ. Hai ngai vị đang chiến đấu với nhau. Đức Chúa Trời đang tuyên bố trái đất thuộc quyền thống trị của Ngài, và Sa-tan đang tìm cách chiếm đoạt thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Hội thánh được kêu gọi để truất phế Sa-tan khỏi lãnh vực hiện nay của nó và tôn Đấng Christ làm Đầu mọi sự. Chúng ta đang làm gì đối với điều ấy?
Bây giờ tôi muốn trước hết bàn đến vấn đề chiến trận của chúng ta bằng những từ ngữ tổng quát trong mối liên hệ với cuộc sống cá nhân tín đồ, rồi sau đó trong mối liên hệ với công tác Chúa giao phó cho chúng ta theo một ý nghĩa đặc biệt hơn. Sa-tan có nhiều cuộc đột kích trực tiếp trên con cái Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên chúng ta không được đổ tội cho ma quỉ về những rắc rối là hậu quả do chúng ta vi phạm các luật thần thượng. Đến bây giờ chúng ta nên biết cách sửa lại cho đúng. Nhưng có những cuộc tấn công các thánh đồ trên phương diện thuộc thể, tức những cuộc tấn công của kẻ ác trên thân thể và tâm trí thánh đồ, là những điều chúng ta phải thận trọng xem xét. Chắc chắn ít ai trong chúng ta không biết gì về những cuộc tấn công của kẻ thù trên đời sống thuộc linh của mình. Vậy chúng ta sẽ để những điều này trôi qua mà không chống lại sao?
Chúng ta có địa vị với Chúa trong cõi thiên thượng, và đang học cách bước đi với Ngài trước mắt thế gian, nhưng chúng ta phải đối phó thế nào trước mặt kẻ thù, là kẻ thù của Ngài và của chúng ta? Lời Đức Chúa Trời phán là “Hãy đứng!” “Hãy mặc lấy toàn bộ binh giáp của Đức Chúa Trời để anh em có thể đứng chống lại các quỉ kế của ma quỉ”. Động từ Hi lạp “đứng” đi với giới từ “chống lại” trong câu 11 thật sự có nghĩa là “hãy giữ lấy chỗ đứng của mình”. Có một chân lý quí báu ẩn giấu trong mạng lịnh này của Đức Chúa Trời. Đó không phải là một mệnh lệnh để xâm lăng một lãnh thổ xa lạ. Theo cách nói hiện đại, chiến trận ngụ ý về một mạng lịnh “tiến quân!”. Các đạo quân tiến vào các nước khác để chiếm đóng và chinh phục. Đức Chúa Trời không bảo chúng ta làm điều này. Chúng ta không tiến quân nhưng “đứng”. Từ ngữ “đứng” ngụ ý rằng vùng đất kẻ thù tranh chấp thật sự thuộc về Đức Chúa Trời, và vì vậy, cũng thuộc về chúng ta. Chúng ta không cần tranh đấu để giành một chỗ đặt chân.
Hầu như tất cả các vũ khí chiến trận của chúng ta được mô tả trong Ê-phê-sô đều thuần có tính cách phòng thủ. Ngay cả gươm cũng có thể được sử dụng để bảo vệ như để tấn công. Sự khác biệt giữa chiến trận phòng thủ và chiến trận tấn công là trong chiến trận phòng thủ, ta đã có lãnh thổ và chỉ cần tìm cách để giữ lãnh thổ ấy, còn trong chiến trận tấn công, ta chưa có lãnh thổ và phải chiến đấu để giành lấy lãnh thổ. Và điều ấy cũng đúng là sự khác biệt giữa chiến trận do Chúa Jesus điều khiển và chiến trận do chúng ta tiến hành. Chiến trận của Ngài là công, còn thực chất của chiến trận chúng ta là thủ. Ngài chiến đấu chống Sa-tan để giành lấy chiến thắng. Nhờ Thập Tự Giá, Ngài đã thực hiện cuộc chiến đến tận chính cửa Âm-phủ, để từ đó Ngài dẫn theo những kẻ bị bắt cầm tù (4:8, 9). Ngày nay, chúng ta chiến đấu chống lại Sa-tan chỉ để duy trì và củng cố chiến thắng mà Đấng Christ đã đạt được. Bởi sự phục sinh, Đức Chúa Trời đã tuyên bố Con Ngài là Đấng Đắc Thắng trên toàn thể lãnh vực tối tăm, và Ngài đã ban cho chúng ta lãnh thổ Đấng Christ đã chiếm được. Chúng ta không cần chiến đấu. Chúng ta chỉ cần giữ vương quốc khỏi tay của tất cả những kẻ khiêu khích.
Công tác của chúng ta là giữ lấy chứ không phải tấn công. Đó không phải là vấn đề tiến quân, nhưng là vấn đề phạm vi lãnh thổ, phạm vi ấy của Đấng Christ. Trong thân vị của Jesus Christ, Đức Chúa Trời đã chinh phục. Ngài đã ban cho chúng ta chiến thắng để chúng ta giữ lấy. Trong phạm vi của Đấng Christ, sự thất bại của kẻ thù đã là một sự kiện, và Hội thánh đã được đặt tại đó để giữ hắn trong tình trạng thất bại. Sa-tan là kẻ phải nỗ lực phản công để đuổi chúng ta ra khỏi phạm vi ấy. Về phần mình, chúng ta không cần tranh đấu để chiếm hữu lãnh thổ vì lãnh thổ đã thuộc về mình. Trong Đấng Christ, chúng ta là kẻ chiến thắng, hơn nữa, “đắc thắng có thừa” (La. 8:37). Vì vậy, trong Ngài chúng ta đứng. Như vậy, ngày nay chúng ta không chiến đấu để đắc thắng; chúng ta chiến đấu từ sự đắc thắng. Chúng ta không chiến đấu để thắng, vì trong Đấng Christ chúng ta đã chiến thắng rồi. Những người đắc thắng là những người an nghỉ trong chiến thắng mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ.
Khi anh em chiến đấu để đạt được chiến thắng, thì anh em đã thua trận ngay từ đầu. Giả sử Sa-tan bắt đầu tấn công anh em tại nhà hay sở làm. Nan đề chồng chất, nhiều sự hiểu lầm dấy lên, hoàn cảnh mà anh em không thể giải quyết hay trốn thoát lại đang đe dọa đè bẹp anh em. Anh em cầu nguyện, anh em kiêng ăn, anh em chiến đấu và chống trả nhiều ngày, nhưng không có gì xảy ra, vì sao? Anh em đang chiến đấu để giành chiến thắng, và khi làm như vậy, anh em đã nhường cho kẻ thù chính lãnh thổ vốn đã thuộc về anh em. Vì đối với anh em, chiến thắng vẫn là một điều còn ở xa, ở một nơi nào đó trước mặt anh em, mà anh em không thể đạt đến. Chính tôi cũng đã có lần ở trong tình trạng đó, và Đức Chúa Trời nhắc tôi nhớ trong Thư Tê-sa-lô-ni-ca thứ nhì nói về con người tội lỗi, mà Chúa Jesus “sẽ hủy diệt nó bởi hơi thở của miệng Ngài”. Tư tưởng này đã đến với tôi: chỉ cần một hơi thở từ miệng Chúa là đủ để kết liễu hắn, còn tôi đây đang cố gắng tạo ra một cơn bão! Không phải Sa-tan đã hoàn toàn bị đánh bại một lần đủ cả sao? Như vậy thì chiến thắng cũng đã có rồi.
Chỉ có những người ngồi mới có thể đứng. Năng lực để chúng ta đứng, cũng như để đi, là ở chỗ chúng ta được đặt cùng ngồi với Đấng Christ trước hết. Sức mạnh để Cơ Đốc nhân bước đi và chiến đấu đều đến từ vị trí của họ tại đó. Nếu không ngồi trước mặt Đức Chúa Trời, họ không thể hi vọng đứng trước mặt kẻ thù.
Mục tiêu chính yếu của Sa-tan không phải gây cho chúng ta phạm tội, nhưng đơn giản là làm cho chúng ta dễ dàng phạm tội bằng cách đem chúng ta ra khỏi chỗ chiến thắng trọn vẹn mà Chúa đã đem chúng ta vào. Qua tâm não hay qua trí tuệ hoặc cảm xúc của chúng ta, Sa-tan tấn công vào sự an nghỉ của chúng ta trong Đấng Christ hay tấn công bước đi của chúng ta trong Linh. Nhưng để đối phó với mọi mũi tấn công của hắn, binh giáp phòng thủ đã được cung cấp, ấy là mũ bảo vệ và áo giáp, dây lưng và giày, và trên hết là thuẫn đức tin để gạt những tên lửa của hắn. Đức tin nói: Đấng Christ đã được tôn cao. Đức tin nói: chúng ta đã được cứu bởi ân điển Ngài. Đức tin nói: nhờ Ngài, chúng ta đã đến gần. Đức tin nói: Ngài cư ngụ trong chúng ta bởi Linh Ngài (1:20; 2:8; 3:12, 17).
Vì chiến thắng thuộc về Ngài, nên cũng thuộc về chúng ta. Nếu chúng ta không cố gắng giành lấy chiến thắng, nhưng chỉ duy trì chiến thắng, chúng ta sẽ thấy kẻ thù hoàn toàn bị đánh tan. Chúng ta không được xin Chúa cho mình có khả năng để thắng kẻ thù, cũng không ngưỡng trông Ngài để chiến thắng, nhưng hãy ngợi khen Ngài vì Ngài đã làm xong; Ngài là Đấng Chiến Thắng. Đó hoàn toàn là vấn đề đức tin nơi Ngài. Nếu tin cậy Chúa, chúng ta sẽ không cầu nguyện nhiều như vậy, nhưng trái lại, sẽ ngợi khen Ngài nhiều hơn. Đức tin chúng ta đặt nơi Ngài càng đơn sơ và trong sáng, chúng ta sẽ càng ít cầu nguyện trong những tình huống như vậy và sẽ càng ngợi khen nhiều hơn.
Tôi xin nhắc lại: Trong Đấng Christ, chúng ta đã là những người đắc thắng. Vì vậy, rõ ràng là nếu chúng ta chỉ cầu nguyện để chiến thắng (trừ khi lời cầu nguyện ấy được dâng lên với thật nhiều lời ngợi khen), thì không phải đó là lời cầu nguyện chuốc lấy sự thất bại do vất bỏ vị trí cơ bản của mình sao? Tôi xin hỏi anh em: Có phải bấy lâu nay anh em đã kinh nghiệm sự thất bại không? Anh em có thấy mình đã hi vọng rằng một ngày kia mình sẽ đủ mạnh để chiến thắng không?
Vậy thì lời cầu nguyện của tôi dành cho anh em không thể vượt quá điều sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho những người đọc thư Ê-phê-sô. Ấy là xin Đức Chúa Trời mở mắt anh em cách mới mẻ để anh em thấy chính mình cùng ngồi với Ngài, là Đấng đã được làm cho ngồi “vượt trên tất cả các bậc cai trị, uy quyền, năng lực, sự thống trị và mọi danh được tôn xưng” (1:20, 21). Những nan đề chung quanh anh em có thể không thay đổi; sư tử có thể vẫn gầm vang như trước, nhưng anh em không còn cần hi vọng để chiến thắng nữa. Trong Christ Jesus, anh em là người chiến thắng trên chiến trường.
TRONG DANH NGÀI
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ê-phê-sô chương 6 liên quan đến nhiều điều hơn là chỉ có phương diện cá nhân trong chiến trận của chúng ta. Chương này cũng liên quan đến công tác Đức Chúa Trời đã giao phó cho chúng ta, ấy là rao giảng huyền nhiệm của Phúc âm mà Phao-lô đã nói đến rất nhiều (3:1-13). Vì điều này, chúng ta đã được trang bị gươm là Lời, và vũ khí “đồng đội” là sự cầu nguyện.
“Hãy... cầm gươm của Linh, là lời của Đức Chúa Trời: bằng mọi sự cầu nguyện và nài xin mà cầu nguyện trong Linh, về điều đó hãy thức canh, bền đỗ mọi bề mà cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ. Cũng hãy vì tôi mà cầu nguyện nữa, để tôi được có lời nói ra, dạn dĩ mở miệng bày tỏ huyền nhiệm của phúc âm, vì phúc âm ấy mà tôi làm một đại sứ trong xiềng xích, hầu cho ở trong đó tôi vẫn có thể dạn dĩ nói ra như tôi đáng phải nói” (6:17-20).
Tôi muốn nói thêm về chiến trận này trong mối liên hệ của nó với công tác chúng ta làm cho Đức Chúa Trời, vì ở đây chúng ta có thể gặp một điều khó khăn. Về một mặt, đúng là Chúa Jesus đang ngồi “vượt trên các bậc cai trị, uy quyền”, và mọi sự đều “phục dưới chân Ngài” (1:21, 22). Rõ ràng là trong ánh sáng của chiến thắng đã được hoàn tất này mà chúng ta phải “luôn luôn cảm tạ về mọi sự trong danh Jesus Christ” (5:20). Tuy nhiên, mặt khác, chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta chưa thấy mọi sự đầu phục Ngài. Như Phao-lô nói, vẫn còn có những lũ tà linh độc ác ở các nơi trên trời, sự tối tăm, những quyền lực gian ác ở phía sau các vua chúa của thế gian này, chiếm đóng lãnh thổ mà lẽ ra thuộc về Ngài. Chúng ta đúng đến mức nào khi gọi đây là cuộc chiến phòng thủ. Chúng ta không muốn tự phụ một cách sai lầm. Vì vậy, khi nào và dưới những điều kiện nào chúng ta mới được kể là đúng đắn khi chiếm đóng lãnh thổ mà bên ngoài thuộc về kẻ thù và nắm giữ lãnh thổ ấy trong danh Chúa Jesus?
Chúng ta hãy “lấy… lời của Đức Chúa Trời” để giúp đỡ mình trong điều này. Lời Đức Chúa Trời nói gì với chúng ta về sự cầu nguyện và hành động “trong danh”? Trước hết, chúng ta hãy xem xét hai phân đoạn sau: “Thật vậy, Ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng đã bị buộc ở trên trời, và điều gì các ngươi mở ở dưới đất thì cũng đã được mở ở trên trời. Ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi đồng tâm hiệp ý ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc gì, thì Cha Ta ở trên trời sẽ làm việc ấy cho họ… Vì nơi nào có hai ba người nhóm họp trong danh Ta thì Ta ở giữa họ” (Mat. 18:18-20). “Trong ngày đó các ngươi sẽ không hỏi Ta gì hết. Thật vậy, thật vậy, Ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi xin Cha điều gì, thì trong danh Ta Ngài sẽ ban cho các ngươi. Đến bây giờ các ngươi chưa từng xin điều gì trong danh Ta; hãy xin thì sẽ được, để sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn... Trong ngày đó các ngươi sẽ cầu xin trong danh Ta” (Gi. 16:23, 24, 26).
Không ai có thể được cứu mà không biết danh Chúa Jesus, và không ai có thể được Đức Chúa Trời sử dụng cách hiệu quả mà lại không biết uy quyền của danh ấy. Sứ đồ Phao-lô làm sáng tỏ rằng “danh” mà Chúa Jesus nói đến trong những phân đoạn trên không chỉ là danh mà qua đó Ngài được biết đến khi còn sống tại đây ở giữa loài người. Chắc chắn, đó chính là danh thuộc nhân tính Ngài, nhưng danh ấy bây giờ đã được Cha trao cho tước hiệu và uy quyền sau khi Ngài đã vâng phục cho đến chết (Phil. 2:6-10). Danh của sự tôn cao và vinh quang Ngài là kết quả sự chịu khổ của Ngài; ngày nay, ấy là trong “danh vượt trên hết mọi danh” này mà chúng ta nhóm họp và cầu xin Đức Chúa Trời.
Không phải chỉ một mình Phao-lô bày tỏ sự khác biệt ấy, nhưng chính Chúa Jesus cũng đã nói điều đó trong phân đoạn thứ hai được trích dẫn ở trên: “Đến bây giờ các ngươi chưa từng xin điều gì trong danh Ta... Trong ngày đó các ngươi sẽ... xin” (cc. 24, 26). Vì các môn đồ “ngày ấy” sẽ rất khác với “bây giờ” trong câu 22. Có một điều gì đó mà bây giờ họ chưa có, thì đến lúc ấy họ sẽ nhận lãnh, và khi nhận lãnh được điều đó, họ sẽ sử dụng. Điều ấy là uy quyền đi kèm với danh Ngài.
Mắt chúng ta cần phải được mở ra để thấy sự thay đổi lớn lao được thực hiện do sự thăng thiên. Danh của Chúa Jesus chắc chắn tạo nên sự đồng nhất của Đấng ở trên ngai với Người Thợ Mộc ở Na-xa-rét, nhưng danh ấy sâu nhiệm hơn thế nữa. Bây giờ danh ấy tượng trưng cho quyền năng và quyền cai trị mà Đức Chúa Trời ban cho Ngài, một quyền năng và quyền cai trị mà trước quyền năng và quyền cai trị ấy, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất phải quì xuống. Ngay cả những người lãnh đạo Do thái cũng nhận biết ý nghĩa này dầu chỉ trong một danh xưng, khi họ chất vấn các môn đồ về sự chữa lành cho người què: “Bởi quyền năng nào, hay là trong danh nào, mà các ông làm điều này?” (Công. 4:7).
Ngày nay, danh này cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đã ủy thác mọi uy quyền cho Con Ngài, để trong chính danh ấy có được quyền năng. Hơn nữa, chúng ta phải lưu ý trong Kinh thánh, từ ngữ “trong danh” được dùng thường xuyên, tức là các sứ đồ đã thật sự dùng danh ấy. Không những Ngài có một danh như vậy, nhưng chúng ta phải sử dụng danh ấy. Trong ba phân đoạn của bài giảng cuối cùng của Ngài, Chúa Jesus lặp lại các từ ngữ “trong danh Ta cầu xin” (Gi. 14:13, 14; 15:16; 16:23-26). Ngài đã đặt uy quyền ấy trong tay chúng ta để chúng ta sử dụng. Không những danh ấy thuộc về Ngài, nhưng danh ấy còn được “ban cho loài người” (Công. 4:12). Nếu không biết phần của mình trong điều này, chúng ta sẽ bị mất mát rất nhiều.
Quyền năng trong danh Ngài hành động theo ba chiều hướng. Trong sự rao giảng của chúng ta, danh ấy hiệu quả để cứu rỗi loài người (Công. 4:10-12) nhờ sự tha thứ tội lỗi, và qua sự tẩy sạch, xưng công chính, và thánh hóa đối với Đức Chúa Trời (Lu. 24:47; Công. 10:43; 1 Cô. 6:11). Trong chiến trận của chúng ta, danh ấy có quyền năng chống lại các quyền lực của Sa-tan, để cột trói và đem chúng đến chỗ đầu phục (Mác 16:17; Lu. 10:17-19; Công. 16:18). Như đã thấy, khi chúng ta cầu xin, danh ấy hiệu quả đối với Đức Chúa Trời, vì Ngài phán hai lần với chúng ta: “Hễ điều gì các ngươi xin...”; và hai lần: “Nếu các ngươi... xin điều chi...” (Gi. 14:13, 14; 15:16; 16:23). Đối diện với những lời đầy thách thức này, có lẽ chúng ta cung kính nói: “Chúa ôi, sự can đảm của Ngài thật lớn lao”.
Đức Chúa Trời phó thác chính mình cho các đầy tớ Ngài như vậy thật là một điều lớn lao. Bây giờ xin anh em hãy cùng tôi xem qua ba sự kiện trong sách Công-vụ để minh họa thêm về điều này: “Phi-e-rơ nói rằng: Trong danh Jesus Christ Người Na-xa-rét, hãy bước đi!” (Công. 3:6). “Phao-lô... quay lại nói cùng linh ấy rằng: Trong danh Jesus Christ ta bảo ngươi hãy ra khỏi nàng. Chính giờ đó, nó liền ra khỏi” (Công. 16-18). “Có mấy người… đi dạo trừ quỉ dám cả gan xưng danh Chúa Jesus trên những kẻ bị ác linh ám rằng: Ta chỉ Jesus là Đấng Phao-lô rao giảng mà đuổi chúng bay... Nhưng ác linh đáp cùng họ rằng: Ta biết Jesus, cũng quen Phao-lô, còn các ngươi là ai?” (Công. 19:13, 15).
Trước hết chúng ta hãy quan sát hành động của Phi-e-rơ khi ông đối xử với người què tại cổng. Trước hết ông không quì xuống cầu nguyện và xin ý kiến của Chúa. Ông nói ngay lập tức: “Hãy đi!”. Ông sử dụng danh ấy như thể danh ấy thuộc về mình để sử dụng, chứ không phải là một điều gì xa xôi trên trời. Phao-lô tại Phi-líp cũng vậy. Ông cảm biết trong linh mình rằng Sa-tan hoạt động như vậy là đủ rồi. Ngay sau đó chúng ta không thấy ông dừng lại để cầu nguyện. Thật đúng như vậy, bước đi của ông là bước đi thật ở trước mặt Đức Chúa Trời, vì thế, như một người gìn giữ danh ấy, ông hành động như thể quyền năng ở trong chính mình. Ông ra lệnh, và “chính giờ đó” uế linh chạy trốn.
Điều trên là gì? Đó là một ví dụ về điều mà tôi gọi là Đức Chúa Trời “phó thác” chính Ngài cho con người. Đức Chúa Trời đã giao phó chính Ngài cho các đầy tớ của Ngài để Ngài có thể hành động qua họ trong khi họ hành động “trong danh ấy”. Họ đã làm gì? Rõ ràng họ không tự mình làm gì. Họ sử dụng danh ấy. Cũng rõ ràng như vậy, không danh nào khác có hiệu quả như vậy, dầu là danh của họ hay danh một sứ đồ khác. Tất cả đã xảy ra là do tác động của danh Chúa Jesus trên tình huống, và họ đã được ủy quyền để sử dụng danh ấy.
Đức Chúa Trời nhìn Con Ngài trong vinh quang, Ngài không nhìn vào chúng ta trên đất này. Vì Ngài nhìn thấy chúng ta cùng ngồi với Ngài tại đó nên Danh Ngài và uy quyền của Ngài được ủy thác cho chúng ta tại đây. Một hình ảnh minh họa đơn sơ sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ điều này. Cách đây ít lâu, một anh em đồng công gửi thư yêu cầu tôi gửi đến anh một số tiền. Sau khi đọc thư, tôi chuẩn bị những gì anh yêu cầu, và gửi số tiền cho người trao thư. Tôi làm vậy có đúng không? Chắc chắn là đúng. Bức thư mang chữ ký của bạn tôi, và đối với tôi, như vậy là đủ. Tôi có cần hỏi người trao thư rằng anh ấy tên gì, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, quê ở đâu, và rồi bảo anh ấy về vì tôi không tán thành con người của anh ấy không? Không, không thể có điều đó, vì anh ấy đến trong danh của bạn tôi, và tôi tôn trọng danh ấy.
SỰ TỰ GIAO THÁC THẦN THƯỢNG
Đức Chúa Trời đã làm một việc lớn lao khi giao thác chính Ngài cho Hội thánh Ngài. Khi làm như vậy, Ngài đã phó thác quyền năng lớn lao nhất có thể có được cho các đầy tớ của Ngài, đó là quyền năng của Đấng có sự cai trị “vượt trên tất cả... mọi danh được tôn xưng, không những chỉ trong đời này mà cũng trong đời sắp đến” (1:21). Jesus hiện nay đã được tôn cao trên trời, và mọi công tác của Ngài về việc cứu rỗi loài người, việc phán với lòng họ, và việc làm những phép lạ của ân điển Ngài cho họ, đều được thực hiện qua môi giới là các đầy tớ Ngài trong khi họ hành động trong danh Ngài. Như vậy, công tác của Hội thánh là công tác của Ngài. Danh Jesus thật sự là di sản vĩ đại nhất dành cho Hội thánh, vì nơi đâu việc Đức Chúa Trời tự giao thác chính Ngài như vậy thật sự có hiệu lực thì chính Ngài sẽ chịu trách nhiệm về những gì được thực hiện trong danh ấy. Đức Chúa Trời ao ước giao phó chính mình, vì Ngài đã không cho phép một phương tiện nào khác ngoài chính Ngài làm trọn công tác của Ngài.
Trong ý nghĩa này, không một công việc nào đáng được gọi là công việc của Đức Chúa Trời nếu Đức Chúa Trời không giao thác chính Ngài cho công việc ấy. Sự ủy quyền để sử dụng danh ấy mới là điều đáng kể. Chúng ta phải đứng lên và nói ra trong danh Ngài. Nếu không, công tác của chúng ta thiếu tác động thuộc linh. Nhưng tôi xin nói với anh em, đây không phải là điều có thể “phát huy” vào lúc nguy cấp. Đó là bông trái của sự vâng phục Đức Chúa Trời và là kết quả do hiểu biết và duy trì địa vị thuộc linh. Đó là điều chúng ta phải có trước để được chuẩn bị sẵn sàng khi cần.
“Ta biết Jesus, cũng biết Phao-lô”. Ngợi khen Đức Chúa Trời về con người thứ hai! Những quyền lực gian ác nhận biết Con, các sách Phúc âm cho chúng ta nhiều bằng cớ về điều này. Nhưng có những người cũng liên hiệp với Con, và Ha-đét cũng kể họ là quan trọng. Vấn đề là Đức Chúa Trời có thể giao thác chính Ngài cho anh em không?
Tôi xin minh họa điều này một lần nữa. Nếu một điều gì đó có thể được thực hiện trong danh tôi, thì có nghĩa là với một số điều kiện nào đó, tôi trao tên mình cho một người khác sử dụng, và tôi phải chuẩn bị chịu trách nhiệm về những gì người ấy làm dưới danh của tôi. Thí dụ như tôi có thể trao cho anh ấy quyển ngân phiếu của tôi và chữ ký của tôi. Dĩ nhiên, nếu tôi nghèo, bản thân tôi không có địa vị gì và cũng không có được một trương mục ngân hàng nào thì tên tôi không quan trọng bao nhiêu. Tôi nhớ rất rõ khi còn là học sinh, tôi thích đóng dấu tên mình khắp mọi nơi, trên sách, báo, và bất cứ điều gì đến tay tôi. Nhưng khi tôi có quyển ngân phiếu và trương mục ngân hàng lần đầu tiên gồm mười bốn đô la trong Bưu Điện, tôi trở nên rất cẩn thận trong việc sử dụng con dấu riêng, vì sợ có người giả mạo và sử dụng nó1. Tên tôi đã trở nên quan trọng đối với tôi. ( 1Phong tục của người Hoa là mỗi người có một tu-cheng riêng, tức là một con dấu hay một khuôn nhỏ mang chữ của tên mình khắc trên gỗ, đá hay ngà bằng những lối trình bày riêng biệt. Dấu thường được in ra bằng mực đỏ đục. Người ta cho rằng con dấu này khó có thể giả mạo hơn là chữ ký viết tay; con dấu này được cất giữ khóa lại kỹ càng và dùng để ký ngân phiếu cùng những tài liệu cá nhân. A.K. )
Chúa Jesus quyền năng và giàu có biết bao! Danh Ngài quí báu đối với Ngài dường nào! Vì vậy, nếu Ngài phải chịu trách nhiệm về bất cứ kết quả nào có thể xảy ra, thì Ngài phải cẩn thận về cách danh ấy được sử dụng biết bao! Tôi xin hỏi anh em một lần nữa: Đức Chúa Trời có thể giao thác chính Ngài, tức là “tài khoản ngân hàng” của Ngài, “quyển chi phiếu” của Ngài, “chữ ký” của Ngài cho anh em không? Câu hỏi ấy phải được giải quyết trước. Chỉ khi ấy, anh em mới có thể sử dụng danh Ngài cách tự do. Chỉ khi ấy, “hễ điều gì các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng bị buộc ở trên trời”. Như vậy, vì việc Ngài giao thác danh Ngài cho anh em trở nên thực tại, anh em có thể hoạt động như một người đại diện cho Ngài trên thế gian này. Đó là kết quả của sự liên hiệp với Ngài.
Chúng ta có ở trong một sự liên hiệp như vậy với Chúa đến nỗi Ngài sẽ giao thác chính mình cho những gì chúng ta đang làm không? Thường thường, dường như chúng ta sẽ liều mình bước vào một tình huống nào đó, chỉ với lời hứa của Đức Chúa Trời hỗ trợ cho chỗ đứng của mình. Vấn đề là liệu Đức Chúa Trời sẽ, hay có thể, hỗ trợ chúng ta không?
Tôi xin phác họa cách ngắn gọn bốn nét chính của một công tác mà Đức Chúa Trời có thể hoàn toàn giao thác chính Ngài. Nhu cầu quan trọng đầu tiên là một khải thị thật đối với lòng chúng ta về mục tiêu đời đời của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể làm việc nếu thiếu điều này. Nếu tôi đang làm công việc xây dựng một tòa nhà, thậm chí là một người lao động không chuyên, tôi phải biết mục tiêu nhắm đến là xây một nhà để xe, hay một nhà chứa máy bay, hay một tòa lâu đài. Tôi phải nhìn thấy sơ đồ, nếu không, tôi không thể là một công nhân khôn ngoan được. Ngày nay công tác truyền giáo được hầu hết các Cơ Đốc nhân cho rằng đó là loại công tác của Đức Chúa Trời. Nhưng công tác truyền giáo không bao giờ có thể là một công việc tách rời, mà phải gắn liền với toàn bộ chương trình của Đức Chúa Trời, vì thật ra, công tác này chỉ là phương tiện để đạt đến cứu cánh. Cứu cánh ấy là sự trổi cao của Con Đức Chúa Trời, và công tác truyền giáo đem về nhiều con mà giữa những người con ấy, Ngài sẽ đứng ở vị trí ưu việt.
Trong thế hệ của Phao-lô, mỗi một tín đồ có một mối quan hệ cụ thể với mục đích đời đời của Đức Chúa Trời (đặc biệt xem 4:11-16). Điều này cần phải đúng như vậy đối với chúng ta ngày nay. Mắt của Đức Chúa Trời đang hướng về vương quốc của Ngài. Cơ Đốc giáo có tổ chức mà chúng ta đã biết chẳng bao lâu sẽ phải nhường chỗ cho một điều khác, đó là sự cai trị tối cao của Đấng Christ. Nhưng cũng như vương quốc của Sa-lô-môn, bây giờ, trước hết có một giai đoạn chiến trận thuộc linh được tượng trưng bằng sự trị vì của Đa-vít. Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những người hợp tác với Ngài ngày nay trong chiến trận có tính cách chuẩn bị ấy.
Đó là vấn đề sự đồng nhất giữa mục đích của tôi với mục đích đời đời của Đức Chúa Trời. Toàn bộ công tác Cơ Đốc không đồng nhất như vậy đều trở nên rời rạc và tách biệt, cuối cùng sẽ không đi đến đâu cả. Chúng ta phải tìm kiếm từ Đức Chúa Trời một sự khải thị bởi Thánh Linh cho lòng mình về “quyết nghị của ý chỉ Ngài” (1:9-12) và sau đó tự hỏi mình về công tác mà chúng ta sẽ trở lại làm sau khi đọc lời này: “Công tác ấy có liên quan trực tiếp đến điều đó không?” Khi vấn đề ấy đã được giải quyết, mọi câu hỏi nhỏ nhặt về sự dẫn dắt hằng ngày sẽ tự giải quyết lấy.
Thứ hai, tất cả những công tác nào sẽ trở nên hiệu quả trong mục đích thần thượng đều phải được thai nghén bởi Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta hoạch định công tác và sau đó xin Đức Chúa Trời ban phước cho nó, thì đừng mong Đức Chúa Trời sẽ giao thác chính Ngài cho công tác ấy. Danh của Đức Chúa Trời không bao giờ có thể là một “con dấu cao su” để ủy quyền cho công tác do chúng ta thai nghén. Thật vậy, những công tác ấy có thể được ban phước, nhưng sẽ chỉ được phần nào chứ không đầy trọn. Không thể có sự “trong danh Ngài” ở đó; than ôi, chỉ có danh của chúng ta!
“Con không tự mình làm nổi việc gì”. Trong sách Công-vụ, chúng ta thường thấy sự ngăn cấm của Thánh Linh! Chúng ta đọc trong chương mười sáu thế nào Phao-lô và những người ở với ông bị “Thánh Linh ngăn cấm giảng đạo tại A-si”. Và một lần nữa: “Linh của Jesus không cho phép”. Tuy nhiên, sách này là công vụ của Thánh Linh, không phải là sách chép về sự “không hoạt động” của Ngài. Chúng ta rất thường nghĩ rằng thật sự hành động mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta phải học bài học không làm gì, giữ yên lặng cho Ngài. Chúng ta phải học nếu Đức Chúa Trời không chuyển động, chúng ta không dám chuyển động. Khi chúng ta đã học được điều này, Ngài có thể an toàn sai chúng ta đi ra phát ngôn cho Ngài.
Vì vậy, tôi phải biết ý muốn của Đức Chúa Trời trong lãnh vực công tác riêng của tôi. Chỉ khi nào hiểu biết như vậy, tôi mới nên bắt đầu công tác. Nguyên tắc đời đời cho mọi công tác thật của Cơ Đốc nhân là “Ban đầu Đức Chúa Trời...”
Thứ ba, để có hiệu quả, mọi công tác phải tiếp diễn tùy thuộc vào quyền năng của một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Quyền năng là gì? Chúng ta thường sử dụng từ ngữ này một cách không chính xác. Chúng ta nói về một người: “Ông ấy là một diễn giả rất quyền năng”, nhưng chúng ta phải tự hỏi: Ông ấy đang sử dụng quyền năng gì? Quyền năng thuộc linh hay năng lực thiên nhiên? Ngày nay, người ta dành quá nhiều chỗ cho năng lực thiên nhiên trong sự hầu việc Đức Chúa Trời. Chúng ta phải học biết rằng ngay cả khi Đức Chúa Trời đã bắt đầu một công việc, nếu chúng ta cố gắng hoàn tất nó bằng năng lực riêng, Ngài sẽ không bao giờ giao thác mình cho công việc ấy.
Anh em hỏi tôi năng lực thiên nhiên là gì. Nói cách đơn giản, đó là những gì chúng ta có thể làm mà không cần sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Chúng ta giao cho một người nhiệm vụ tổ chức một việc gì đó, định chương trình cho một chiến dịch truyền giảng Phúc âm chẳng hạn, hay một sinh hoạt Cơ Đốc nào khác, vì anh ấy là một người có tài tổ chức. Nếu như vậy, anh ấy sẽ khó cầu nguyện biết bao! Nếu anh ấy quen nương cậy vào các tài năng thiên nhiên, có lẽ anh cảm thấy không cần kêu cầu với Đức Chúa Trời. Điều rắc rối của tất cả chúng ta là có rất nhiều điều chúng ta có thể làm mà không cần nương dựa nơi Đức Chúa Trời. Chúng ta phải được đem đến chỗ là dầu con người thiên nhiên có thể tài giỏi, chúng ta vẫn không dám nói, trừ phi trong ý thức liên tục nương cậy Đức Chúa Trời.
Ê-tiên mô tả Môi-se là một người mà “lời nói và việc làm đều có năng lực” sau khi ông được hấp thụ nền giáo dục tại Ai-cập. Nhưng sau khi được Đức Chúa Trời xử lý, Môi-se phải nói: “Ô! Thưa Chúa, từ trước đến nay hay là từ lúc Chúa phán cùng kẻ tôi tớ Chúa, tôi không phải là người nói năng lưu loát, vì miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng”. Khi một nhà hùng biện bẩm sinh đến chỗ nói rằng: “Tôi không thể nói được”, thì người ấy đã học được bài học căn bản và đang tiến đến chỗ thật sự hữu dụng cho Đức Chúa Trời. Sự khám phá ấy bao gồm một thời điểm quyết định và sau đó là một tiến trình kéo dài suốt đời, chắc chắn cả hai điều đó được ngụ ý trong lời diễn đạt của Lu-ca: “báp-têm vào trong danh” (Công. 8:16; 19:5). Lời diễn đạt ấy chỉ cho mỗi tín đồ thấy sự cần thiết của một sự hiểu biết cơ bản về sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ trong mối liên hệ với toàn bộ con người thiên nhiên. Dầu thế nào đi nữa, đó là lịch sử của chúng ta với Đức Chúa Trời, chúng ta phải kinh nghiệm sự đụng chạm ban đầu của tay Ngài, là sự đụng chạm làm cho què quặt để làm suy yếu năng lực thiên nhiên, hầu chúng ta đứng trên nền tảng của sự sống phục sinh trong một mình Đấng Christ mà thôi, là nơi sự chết không có quyền nữa. Sau đó chu kỳ ấy tiếp tục mở rộng ra, là lúc những lãnh vực mới mẻ của năng lực riêng chúng ta được đem đến dưới sự hành động của Thập Tự Giá. Con đường ấy thật đắt giá, nhưng đó là con đường chắc chắn dẫn đến sự sống và chức vụ kết quả, vì nó cung ứng cho Ngài nền tảng Ngài đòi hỏi để Ngài có thể hỗ trợ những gì chúng ta làm trong danh của Con Ngài.
Trong công tác của Đức Chúa Trời ngày nay, nhiều điều thường được lập ra đến nỗi chúng ta không cần phải nương dựa nơi Đức Chúa Trời. Nhưng lời phán quyết của Chúa trên mọi công tác ấy không có chỗ nhân nhượng: “Ngoài Ta, các ngươi không thể làm chi được”. Công tác nào con người có thể làm tách rời khỏi Đức Chúa Trời là gỗ, cỏ khô và rơm rạ, mà lửa thử nghiệm sẽ chỉ ra. Vì công tác thần thượng chỉ có thể được thực hiện bằng quyền năng thần thượng, và quyền năng ấy chỉ được tìm thấy trong Chúa Jesus mà thôi. Quyền năng ấy được dành sẵn cho chúng ta trong phương diện phục sinh của Thập tự giá. Nói như vậy nghĩa là, khi chúng ta đi đến chỗ kêu lên một cách hết sức thành thật: “Tôi không thể nói được”, ấy là lúc chúng ta khám phá Đức Chúa Trời đang nói. Khi chúng ta đi đến chỗ tận cùng của công tác mình, công tác của Ngài sẽ bắt đầu. Như vậy, lửa trong những ngày tương lai và Thập Tự Giá ngày nay thực hiện cùng một điều. Điều gì không chịu nỗi Thập Tự Giá ngày nay sẽ không tồn tại khi qua lửa ngày mai. Nếu công tác của tôi, là công tác được thực hiện trong năng lực của tôi bị đem vào chỗ chết, thì bao nhiêu điều có thể ra khỏi mồ mả? Không một điều nào cả! Không có điều gì tồn tại sau khi bị Thập Tự Giá xử lý trừ ra những gì hoàn toàn thuộc về Đức Chúa Trời trong Đấng Christ.
Đức Chúa Trời không bao giờ yêu cầu chúng ta làm bất cứ điều gì mà chúng ta có thể làm. Ngài đòi hỏi chúng ta sống cuộc đời chúng ta không bao giờ có thể sống được và làm công tác chúng ta không bao giờ làm được. Tuy nhiên, bởi ân điển Ngài, chúng ta đang sống cuộc đời ấy và đang làm công tác ấy. Cuộc đời chúng ta sống là cuộc đời Đấng Christ sống trong quyền năng của Đức Chúa Trời, và công tác chúng ta làm là công tác của Đấng Christ thực hiện qua chúng ta bởi Linh Ngài là Đấng chúng ta vâng lời. Bản ngã là chướng ngại vật duy nhất cho sự sống ấy và công tác ấy. Nguyện mỗi chúng ta cầu nguyện từ đáy lòng mình: “Ôi Chúa, xin xử lý con!”
Cuối cùng, mọi công tác mà Đức Chúa Trời có thể giao thác chính Ngài phải có cứu cánh và mục tiêu là vinh quang của Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta không nhận được gì cho chính mình từ công tác ấy cả. Nguyên tắc thần thượng là chúng ta càng ít được thỏa lòng mình qua công tác ấy bao nhiêu thì công tác ấy càng có giá trị thật đối với Đức Chúa Trời bấy nhiêu. Không có vinh quang dành cho con người trong công tác của Đức Chúa Trời. Đúng vậy, có một niềm vui sâu xa, quí báu trong tất cả những công tác làm thỏa lòng Ngài và điều đó mở cửa cho sự hành động của Ngài, nhưng nền tảng của niềm vui ấy là vinh quang của Ngài chứ không phải vinh quang con người. Mọi sự “để ngợi khen sự vinh hiển của ân điển Ngài” (1:6, 12, 14).
Khi những vấn đề này thật sự được giải quyết giữa chúng ta và Đức Chúa Trời, Ngài sẽ phó thác chính Ngài, thật ra tôi tin rằng Ngài sẽ cho phép chúng ta nói rằng Ngài phải làm như vậy. Kinh nghiệm tại Trung Quốc đã dạy chúng tôi điều đó, tức là nếu còn có chỗ nghi ngờ không biết công việc của chúng ta có phải thuộc về Đức Chúa Trời không, thì chắc chắn chúng ta thấy Đức Chúa Trời lưỡng lự đáp lời cầu nguyện liên quan đến công việc ấy. Nhưng khi công việc ấy hoàn toàn thuộc về Ngài, Ngài sẽ giao phó chính Ngài bằng nhiều cách kỳ diệu. Như vậy, trong sự vâng lời Ngài tuyệt đối, anh em có thể sử dụng danh Ngài, và cả Ha-đét sẽ phải nhận biết uy quyền làm điều đó của anh em. Khi Đức Chúa Trời giao phó chính Ngài cho một điều gì, Ngài sẽ xuất hiện trong quyền năng để minh chứng rằng Ngài ở tại đó và chính Ngài là Tác Giả của công tác ấy.
ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA Ê-LI
Để kết thúc, tôi xin thuật cho anh em một kinh nghiệm của chính mình. Vài năm sau khi công tác, chúng tôi bước vào một giai đoạn thử nghiệm gắt gao. Đó là những ngày thất vọng và gần như tuyệt vọng. Chúng tôi đã trở nên mục tiêu cho nhiều lời phê phán và bất tín nhiệm của những người khác vì lập trường chúng tôi đang đứng, hậu quả đưa đến là ngay cả các con cái thật của Đức Chúa Trời cũng trở nên lãnh đạm và xa lánh chúng tôi. Chúng tôi phải thành thật đối diện và xem xét những lời người ta buộc tội mình, vì luôn luôn cần phải coi trọng những lời phê bình và xem xét chúng, chứ không cho qua và nói: “Ôi, anh ta chỉ trích tôi ấy mà!” Tuy nhiên, chúng tôi có lý do để tin rằng Chúa ở với mình, vì khi một năm đặc biệt khó khăn sắp chấm dứt, chúng tôi có thể tính ra trong giai đoạn ấy, Chúa cho chúng tôi vài trăm người thật sự được hoán cải. Sau đó, đến cuối năm, dường như chúng tôi đã đạt đến cao điểm.
Trong vòng vài năm, mỗi năm cứ vào kỳ nghỉ Tết của mọi người, chúng tôi có thông lệ tổ chức một kỳ hội đồng trong thành phố cho các tín đồ thuộc những nhóm liên kết khác nhau từ khắp cả tỉnh. Năm nay, những người chịu trách nhiệm kỳ hội đồng yêu cầu tôi đừng tham dự. Lời yêu cầu ấy làm chúng tôi sửng sốt. Bấy giờ tôi nhận biết rằng đó là nỗ lực của Kẻ Ác nhằm kéo tôi và các anh em tôi khỏi vị trí an nghỉ trong Đấng Christ. Vấn đề là chúng tôi phải phản ứng như thế nào đây?
Thời gian nghỉ Tết là một kỳ nghỉ dài hạn, kéo dài trọn mười lăm ngày, ngoài việc là thời gian thích hợp cho một kỳ hội đồng, đó cũng là giai đoạn tốt nhất cho việc rao giảng Phúc âm. Sau khi tìm kiếm ý muốn của Chúa, chúng tôi thấy rõ Ngài muốn chúng tôi dùng thời gian này để rao giảng Phúc âm, cho nên tôi dự định đem năm anh em cùng đi đến một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Hoa Nam để thăm viếng và rao giảng mười lăm ngày. Vào giờ chót, một anh em trẻ tuổi khác, là người tôi sẽ gọi là “anh Wu” gia nhập nhóm chúng tôi. Anh chỉ mới mười sáu tuổi, đã bị đuổi học, nhưng gần đây anh được tái sinh và có một sự thay đổi rõ rệt trong đời sống. Hơn nữa, anh rất sốt sắng muốn đi, cho nên sau một lúc do dự, tôi đồng ý mang anh theo. Như vậy, chúng tôi có tất cả bảy người.
Hòn đảo ấy khá rộng với một ngôi làng chính, rộng lớn gồm “sáu ngàn bếp lò”. Một bạn học cũ của tôi ở đó, là hiệu trưởng của trường làng, tôi đã viết thư trước cho ông, xin một căn phòng để chúng tôi ở suốt thời gian lưu lại đó, từ ngày 1 đến ngày 15 tháng Giêng. Tuy nhiên, lúc chúng tôi đến thì đã trễ, trời đã tối, và khi ông khám phá chúng tôi đến để giảng Phúc âm, ông từ chối không cho chúng tôi chỗ ở. Vì vậy, chúng tôi đi khắp làng, tìm một nơi nào có thể ở được. Cuối cùng, một thầy thuốc bắc thấy tội nghiệp chúng tôi, đã cho chúng tôi vào ở thật thoải mái trên những tấm ván và rơm trong căn gác của ông.
Chẳng bao lâu, thầy thuốc bắc ấy là người đầu tiên hối cải. Nhưng mặc dầu chúng tôi lao khổ cách có hệ thống và nhọc nhằn, và mặc dầu dân làng hết sức lịch sự, chúng tôi gặt hái rất ít kết quả trên đảo ấy. Chúng tôi bắt đầu thắc mắc vì sao như vậy.
Vào ngày 9 tháng Giêng, chúng tôi đang ra đi rao giảng. Anh Wu cùng với vài người khác đến một vùng nọ trong làng, thình lình anh hỏi công chúng: “Vì sao không ai trong các ông bà tin hết vậy?” Ngay lập tức, có người trong đám đông đáp lời: “Chúng tôi có một vị thần là Ta-wang (nghĩa là “Đại Vương”). Ngài không bao giờ làm chúng tôi thất vọng. Ngài là một vị thần rất linh ứng”. Anh Wu hỏi: “Làm sao các ông bà biết mình có thể tin cậy vị thần ấy?” Họ đáp: “Chúng tôi tổ chức lễ rước Ngài đã 286 năm nay vào mỗi tháng Giêng. Ngày được thần chọn bày tỏ cho chúng tôi biết trước nhờ bói toán, và mỗi năm không bao giờ sai. Ngày đó là một ngày hoàn toàn quang đãng không có mưa hay mây”. “Năm nay, đám rước sẽ vào ngày nào?” “Ngày ấy đã được định vào ngày 11 tháng Giêng, lúc 8 giờ sáng”. Anh Wu nói không suy nghĩ: “Tôi hứa với các anh rằng trời chắc chắn sẽ mưa vào ngày 11”. Ngay lập tức, đám đông la lên: “Đủ rồi! Chúng tôi không muốn nghe giảng nữa. Nếu trời mưa vào ngày 11, thì Đức Chúa Trời của các anh thật là Đức Chúa Trời!”
Khi điều này xảy ra, tôi đang ở một nơi khác trong làng. Ngay khi nghe thuật lại, tôi thấy rằng đây là một việc hết sức nghiêm trọng. Tin tức lan tràn như lửa rừng, chẳng bao lâu, trên hai mươi ngàn dân làng đều sẽ biết. Chúng tôi phải làm gì đây? Chúng tôi lập tức ngưng rao giảng, và hết lòng cầu nguyện. Chúng tôi cầu xin Chúa tha thứ chúng tôi nếu chúng tôi đã đi quá xa. Tôi xin nói với anh em, lúc ấy chúng tôi đã ở trong tình trạng vô cùng sốt sắng. Chúng tôi đã làm gì? Có phải chúng tôi đã sai lầm kinh khủng, hay chúng tôi có dám xin Đức Chúa Trời làm một phép lạ không?
Càng muốn Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện, anh em càng ao ước được trong sáng với Ngài. Phải không có nỗi nghi ngờ nào trong sự tương giao, không có bóng mờ nào giữa anh em với Chúa. Nếu đức tin của anh em ở trong tình trạng đồng nhất với nhau, anh em có khả năng tranh luận với Ngài, nhưng ngược lại thì không. Chúng tôi không buồn phiền gì vì bị đuổi đi nếu chúng tôi đã làm một điều sai quấy. Xét cho cùng, anh em không thể kéo Đức Chúa Trời vào một điều nghịch lại với ý muốn Ngài! Nhưng chúng tôi suy nghĩ, như vậy có nghĩa là lời chứng của Phúc âm trên đảo này phải chấm dứt, và Ta-wang sẽ nắm quyền cai trị tối cao mãi mãi. Chúng tôi nên làm gì? Chúng tôi có nên ra đi ngay không?
Cho đến lúc đó, chúng tôi sợ cầu xin Chúa ban mưa. Sau đó, lời đến với tôi như một tia chớp: “Đức Chúa Trời của Ê-li ở đâu?” Lời ấy đến sáng tỏ và đầy quyền năng đến nỗi tôi biết lời ấy đến từ Đức Chúa Trời. Với lòng tin chắc, tôi tuyên bố với các anh em: “Tôi có câu trả lời. Chúa sẽ ban mưa vào ngày 11”. Chúng tôi cùng nhau cảm tạ Chúa, và sau đó, đầy dẫy sự ngợi khen, chúng tôi đi ra cả bảy người, nói cho mọi người biết. Chúng tôi chấp nhận sự thách thức của ma quỉ trong danh Chúa, và chúng tôi loan báo cho mọi người biết rằng mình chấp nhận như vậy.
Tối hôm ấy, thầy thuốc bắc đưa ra hai nhận xét sắc bén. Ông nói rằng: “Ta-wang là một vị thần linh ứng. Ma quỉ ở với hình tượng ấy. Đức tin của họ đặt nơi thần ấy không phải là vô căn cứ. Hơn nữa, nếu các anh muốn nghe một lời giải thích hợp lý, thì đây là một làng gồm toàn những người đánh cá. Họ ở ngoài khơi suốt hai ba tháng liên tục, và vào ngày 15 họ sẽ ra khơi trở lại. Qua kinh nghiệm lâu năm, mọi người trong vòng họ đều biết trời sẽ không mưa trước hai, ba ngày”.
Điều này làm chúng tôi bối rối. Khi chúng tôi đi cầu nguyện vào buổi tối, một lần nữa, tất cả chúng tôi đều bắt đầu cầu xin mưa ngay bây giờ! Khi ấy có một lời quở trách chúng tôi nặng nề đến từ Chúa: “Đức Chúa Trời của Ê-li ở đâu?” Có phải chúng tôi đang tự chiến đấu trong chiến trận này, hay chúng tôi an nghỉ nơi sự chiến thắng đã hoàn tất của Đấng Christ? Ê-li-sê đã làm gì khi ông nói những lời ấy? Trong kinh nghiệm riêng của mình, ông đã tuyên bố chính phép lạ mà thầy của ông, là Ê-li bấy giờ đang ở trong vinh quang, đã thực hiện. Theo từ ngữ của Tân Ước, bởi đức tin, ông đã đứng trên nền tảng của một công tác đã được hoàn tất.
Một lần nữa, chúng tôi xưng tội. Chúng tôi nói: “Chúa ôi, đến sáng ngày 11 chúng con mới cần mưa”. Chúng tôi đi ngủ, và sáng hôm sau (ngày 10) chúng tôi lên đường đi đến một đảo gần đó để rao giảng một ngày. Chúa đầy ân điển và ngày đó có ba gia đình trở lại với Ngài, xưng nhận Ngài công khai, đốt hình tượng. Chúng tôi trở về trễ, mệt nhọc nhưng vui mừng. Chúng tôi có thể ngủ dậy trễ sáng hôm sau.
Những tia nắng mặt trời chiếu thẳng vào chúng tôi qua cánh cửa sổ duy nhất của căn gác đã đánh thức tôi dậy. Tôi nói: “Đây không phải là mưa”. Lúc ấy đã quá bảy giờ. Tôi thức dậy, quì xuống cầu nguyện. Tôi nói: “Chúa ôi, xin Ngài ban mưa xuống!” Nhưng một lần nữa, lời vang trong tai tôi: “Đức Chúa Trời của Ê-li ở đâu?” Tôi hạ mình xuống, im lặng bước xuống cầu thang trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng tôi ngồi xuống ăn điểm tâm, cả tám người trong chúng tôi, kể cả người chủ nhà, đều rất im lặng. Trên trời không có mây, nhưng chúng tôi biết Đức Chúa Trời đã hứa. Khi chúng tôi cúi đầu cầu nguyện trước bữa ăn, tôi nói: “Tôi nghĩ giờ đã đến. Mưa phải đến ngay bây giờ. Chúng ta có thể nhắc nhở Chúa”. Chúng tôi nhắc nhở Ngài với lòng bình tịnh, lần này sự đáp lời đến, không có dấu hiệu quở trách nào trong đó.
“Đức Chúa Trời của Ê-li ở đâu?” Ngay trước khi nói A-men, chúng tôi có thể nghe tiếng vài giọt mưa trên mái nhà. Có tiếng mưa rào đều đặn khi chúng tôi ăn cơm và khi đang bới chén cơm thứ hai. Tôi nói: “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa một lần nữa”, và bây giờ chúng tôi xin Đức Chúa Trời ban mưa lớn hơn. Khi chúng tôi bắt đầu ăn chén thứ hai, thì trời mưa như trút nước. Khi chúng tôi ăn xong, ngoài đường đã ngập nước và nước dâng lên ngập ba bậc thang trước cửa nhà.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi được nghe những gì đã xảy ra trong làng. Ngay từ giọt mưa đầu tiên, một vài người thuộc thế hệ trẻ đã bắt đầu nói công khai: “Có Đức Chúa Trời; không còn Ta-wang nữa! Mưa đã nhốt ông ta lại rồi!” Nhưng ông ta không bị nhốt. Họ khiêng ông ta ra trên một cái kiệu. Chắc chắn ông ta sẽ chận cơn mưa lại! Sau đó, trời mưa lớn. Sau khi đi được khoảng mười thước, ba người khiêng kiệu vấp chân và ngã xuống. Kiệu và Ta-wang ngã theo, ông ta bị gãy hàm và cánh tay trái. Vẫn một mực cương quyết, họ thực hiện việc sửa chữa khẩn cấp, và lại đặt ông ta lên kiệu. Dầu sao đi nữa, vừa trợt vừa vấp, họ khiêng ông ta đi nửa đường quanh làng. Sau đó trận lụt đánh bại họ. Để đầu trần, không che dù theo như lòng tin vào thời tiết mà Ta-wang báo trước đã đòi hỏi họ, một số người cao tuổi trong làng là những người già từ 60 đến 80 tuổi đã bị té ngã và rơi vào tình trạng vô cùng khốn khó. Đám rước phải ngưng lại và người ta đem hình tượng ấy vào một căn nhà. Người ta bói khoa và thầy bói trả lời: “Hôm nay là ngày kỵ. Ngày lễ phải vào ngày 14 và đám rước sẽ cử hành vào lúc 6 giờ tối”.
Ngay lập tức, chúng tôi nghe lời xác quyết này trong lòng mình: “Đức Chúa Trời sẽ cho trời mưa vào ngày 14”. Chúng tôi cầu nguyện: “Chúa ôi, xin cho trời mưa vào ngày 14 lúc 6 giờ tối, và xin ban cho chúng con bốn ngày có thời tiết tốt cho đến ngày hôm ấy”. Chiều hôm ấy trời thật trong sáng, và người ta chăm chú nghe giảng Phúc âm. Chúa ban cho chúng tôi ba mươi người hối cải thật sự trong làng và trên đảo trong ba ngày ngắn ngủi ấy. Đến ngày 14, trời thật quang đãng, chúng tôi có những buổi nhóm tốt. Khi bóng đêm dần đến, chúng tôi nhóm lại, và đến đúng giờ đã định, chúng tôi yên tịnh đem vấn đề đến nhắc nhở Chúa. Không chậm trễ một phút nào, Ngài đáp lời với một trận mưa như thác đổ và lụt lội như trước.
Ngày hôm sau, thời hạn của chúng tôi đã chấm dứt và chúng tôi phải ra đi. Đến nay chúng tôi chưa trở lại nơi đó. Những người hầu việc Chúa khác xin phép chúng tôi để đến công tác tại những hòn đảo ấy, và chúng tôi không bao giờ thắc mắc về quyền sở hữu của bất cứ ai tại một cánh đồng truyền giáo nào. Nhưng đối với chúng tôi, điều quan trọng là quyền lực của Sa-tan trong hình tượng đó đã bị phá vỡ, và đó là một điều [có giá trị] đời đời. Ta-wang không còn là “một vị thần linh ứng” nữa. Sự cứu rỗi hồn người theo sau, nhưng tự điều ấy chỉ là phụ so với sự kiện quan trọng và không thay đổi này.
Ấn tượng ghi sâu trong chúng tôi là một ấn tượng bền lâu. Đức Chúa Trời đã phó thác chính Ngài. Chúng tôi đã nếm biết uy quyền của danh vượt trên hết mọi danh, danh ấy có quyền năng ở trên trời, dưới đất và Âm-phủ. Trong những ngày ngắn ngủi ấy, chúng tôi đã được biết khi mình nói: “ở chính trung tâm của ý muốn Đức Chúa Trời” thì có nghĩa là gì. Đối với chúng tôi, những lời ấy không còn là điều gì mơ hồ hay hão huyền. Những lời ấy mô tả một kinh nghiệm chính chúng tôi đã trải qua. Cùng với nhau, chúng tôi đã được ban cho một cái nhìn thoáng qua về “huyền nhiệm của ý chỉ Ngài” (1:9; 3:10). Chúng tôi bước đi nhẹ nhàng trong tất cả năm tháng của mình. Nhiều năm sau, tôi gặp “anh Wu”. Từ lâu tôi mất liên lạc với anh, trong thời gian đó, anh đã trở thành phi công của một hãng hàng không. Khi tôi hỏi anh có còn theo Chúa không, anh đáp: “Ông Nghê! Ông có ý nói rằng sau tất cả những gì chúng ta đã trải qua, tôi có thể bỏ Ngài được sao?”
Anh em có thấy “đứng” có nghĩa là gì không? Chúng ta không cố gắng giành lãnh thổ, chúng ta chỉ đứng trên lãnh thổ mà Chúa Jesus đã giành lấy cho chúng ta, và cương quyết từ chối không chịu dời khỏi đó. Khi mắt chúng ta đã mở ra để nhìn thấy Đấng Christ là Chúa đắc thắng của mình, thì lời ngợi khen tuôn chảy tự do và không gì kiềm chế được. Miệng hát lòng họa hướng về Chúa, chúng ta dâng lời cảm tạ về mọi sự trong danh Ngài (5:19, 20). Lời ngợi khen là kết quả của nỗ lực có một âm điệu nặng nhọc và chói tai, nhưng lời ngợi khen tự phát dâng lên từ những tấm lòng yên nghỉ trong Ngài luôn luôn có một âm điệu thuần khiết, ngọt ngào.
Đời sống Cơ Đốc bao gồm việc đồng ngồi với Đấng Christ, bước đi bởi Ngài và đứng trong Ngài. Chúng ta bắt đầu đời sống thuộc linh bằng cách an nghỉ nơi công tác đã hoàn tất của Chúa Jesus. Sự an nghỉ ấy là nguồn sức mạnh của mình để chúng ta bước đi cách vững bền, không chao đảo trong thế gian này. Vào cuối chiến trận gay go với những đạo quân bóng tối, cuối cùng, chúng ta thấy mình đồng đứng với Ngài trong việc chiếm hữu cánh đồng cách khải hoàn. “Nguyện vinh quang thuộc về Ngài cho đến đời đời”.
- END -