"CẢ KINH THÁNH LÀ BỞI ĐỨC CHÚA TRỜI SOI DẪN ... HẦU CHO NGƯỜI THUỘC VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC TRỌN VẸN VÀ SẮM SẴN ĐỂ LÀM MỌI VIỆC LÀNH"
II Timothy 3:16a, 17
  

HỘI TRUYỀN GIÁO PHÚC ÂM VIỆT NAM
(Vietnamese Full Gospel Missions)
TRƯỜNG KINH THÁNH TẠI GIA
(Home Bible School) www.HomeBibleSchoolVietnam.com

Học Báo:
"SỨ GIẢ TÌNH YÊU"

(The Love Ambassadors)
P.O.Box 565, Westminster, CA 92684-USA
Email: VNFGMissions@Yahoo.com

TIẾNG NÓI CHÂN LÝ
(The Voice of Truth)
www.TiengNoiChanLy.com
HỘI THÁNH PHÚC ÂM VIỆT NAM
tại Westminster
(Vietnamese Full Gospel Church)
14381 Magnolia Ave. Westminster, CA 92683-USA
ĐỘC QUYỀN PHIÊN DỊCH VÀ PHỔ DỤNG
© 1979, 1996 GLOBAL YOUTH EVANGELISM
P.O. Box 1019, Orland, CA 95963 - USA
(Giữ bản quyền. Cấm in sao lại từng phần hay toàn bản dưới mọi hình thức hoặc bằng mọi phương tiện).

  

THỐNG KÊ

Đã truy cập:6870117
Đang truy cập:108

NGỒI, ĐI, ĐỨNG - 2

buy low dose naltrexone canada

low dose naltrexone buy mitateren.com

sertraline and alcohol anger

sertraline and alcohol

 

Chương Hai

ĐI

Chúng tôi đã cố gắng làm sáng tỏ rằng kinh nghiệm của Cơ Đốc nhân không bắt đầu bằng cách đi, nhưng bằng cách ngồi. Mỗi khi chúng ta đảo lộn thứ tự thần thượng thì kết quả sẽ rất bi thảm. Chúa Jesus đã làm mọi sự cho chúng ta, và hiện nay, nhu cầu của chúng ta là an nghỉ với lòng tin chắc nơi Ngài. Ngài đã được đặt ngồi trên ngai, cho nên chúng ta cũng được đắc thắng trong sức mạnh của Ngài. Dầu có nhấn mạnh đến mức nào cũng không phải là quá đáng khi chúng ta nói rằng mọi kinh nghiệm thuộc linh thật đều bắt đầu từ sự an nghỉ.

Tuy nhiên, sự việc không kết thúc tại đó. Mặc dầu đời sống Cơ Đốc bắt đầu với việc ngồi, nhưng theo sau đó luôn luôn là bước đi. Một khi chúng ta đã được đặt ngồi cách tốt đẹp và đúng đắn và tìm được sức mạnh của mình trong việc ngồi xuống, thì chúng ta sẽ thật sự bắt đầu bước đi. “Ngồi” mô tả địa vị của chúng ta với Đấng Christ trong cõi thiên thượng. “Đi” là sự hành động, bày tỏ ra cách thực tiễn địa vị thiên thượng ấy trên đất này. Là một dân thiên thượng, chúng ta được đòi hỏi phải mang dấu ấn của cõi thiên thượng trên mình trong cách cư xử ở thế gian, và điều này làm nổi lên một số vấn đề mới. Vì thế, bây giờ chúng ta phải đặt câu hỏi: Thư Ê-phê-sô nói gì với chúng ta về việc bước đi? Chúng ta sẽ thấy thư này khuyên chúng ta hai điều. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét điều thứ nhất.

“Vậy, tôi, là tù nhân trong Chúa, nài khuyên anh em hãy bước đi cách xứng đáng với sự kêu gọi mà anh em đã được gọi, với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì...” (4:1, 2).

“Đây là điều tôi nói... anh em đừng nên bước đi như người Ngoại Bang nữa, theo sự hư không của tâm trí họ... Nhưng... lại phải đổi mới trong linh của tâm trí mình” (4:17, 23).

“Hãy bước đi trong tình yêu, cũng như Đấng Christ đã thương yêu anh em và phó chính mình vì anh em” (5:2).

“Hãy bước đi như con cái của sự sáng... xét nghiệm điều gì đẹp lòng Chúa” (5:8, 10).

Từ ngữ “bước đi” được dùng tám lần trong thư Ê-phê-sô. Về nghĩa đen, từ ngữ này có nghĩa là “đi bộ đây đó”, Phao-lô sử dụng ở đây theo nghĩa bóng, có ý nói về sự “cư xử”, “điều khiển hành vi của mình”. Từ ngữ này tức khắc đem chúng ta đến đối diện với đề tài về cách cư xử của Cơ Đốc nhân, và phần thứ hai của bức thư bàn nhiều về điều này. Nhưng trong phần trước, chúng ta đã thấy Thân Thể của Đấng Christ, sự tương giao của các tín đồ Đấng Christ, là một chủ đề lớn khác của Thư Ê-phê-sô. Bây giờ, ở đây trong chương bốn, vấn đề bước đi thánh khiết được nêu ra trong khi chúng ta xem xét đến sự tương giao ấy. Trong ánh sáng sự kêu gọi thiên thượng của chúng ta, Phao-lô tiến tới thách thức chúng ta trong toàn bộ lãnh vực bao gồm mọi mối quan hệ của chúng ta, vừa ở tại nhà riêng, vừa ở chốn công cộng; ông quan tâm cách thực tiễn hơn hết đến tất cả những người láng giềng, vợ chồng, cha mẹ và con cái, chủ nhân và công nhân.

Chúng ta phải sáng tỏ rằng Thân Thể của Đấng Christ không phải là một điều gì xa xôi, không thật, và chỉ được diễn tả bằng những từ ngữ thiên thượng. Thân Thể ấy đang hiện hữu và thực tế, thật sự thử nghiệm lối cư xử của chúng ta trong những mối quan hệ với người khác. Vì mặc dầu chúng ta đúng là một dân tộc thuộc thiên thượng, nhưng nếu chỉ nói về cõi trời ở nơi xa xôi là điều không ích lợi gì cả. Nếu chúng ta không đem tính cách thiên thượng vào nơi chúng ta cư ngụ, vào văn phòng, cửa tiệm, nhà bếp của mình và thực hành tại đó, thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Các bạn thân mến, tôi xin đề nghị những ai làm cha mẹ và làm con cái hãy nhìn vào Tân Ước để xem cha mẹ nên [cư xử] như thế nào và con cái nên [sống] ra sao? Có thể chúng ta rất ngạc nhiên, vì tôi sợ rằng nhiều người trong chúng ta nói mình được ngồi trong cõi thiên thượng cùng với Đấng Christ lại phô bày một lối bước đi đáng nghi ngờ tại nhà riêng của mình. Vợ chồng cũng vậy, có nhiều phân đoạn Kinh thánh dành cho họ. Xin hãy đọc Ê-phê-sô chương 5, và sau đó đến 1 Cô-rin-tô chương 7. Mỗi người chồng, người vợ sẽ được ích lợi nhiều nếu đọc kỹ 1 Cô-rin-tô chương 7 để khám phá một cuộc sống hôn nhân đích thực đòi hỏi những gì, tức là một cuộc sống hôn nhân thuộc linh trước mặt Chúa, chứ không phải chỉ trên lý thuyết. Anh em sẽ không dám lý thuyết hóa một điều thực tế như vậy.

Bây giờ, hãy nhìn vào lãnh vực bao gồm các mối quan hệ của Cơ Đốc nhân, trong phần này, những mạng lịnh Đức Chúa Trời đặt trước mặt chúng ta thẳng thắn biết bao. “Phải bước đi... kiên nhẫn... khoan dung lẫn nhau”. “Phải chừa sự nói dối, mỗi người phải nói thật với kẻ lân cận mình”. “Nếu có giận thì đừng phạm tội”. “Đừng trộm cắp nữa”. “Phải cất bỏ khỏi anh em mọi sự cay đắng”. “Hãy lấy sự nhân từ... tha thứ nhau”. “Hãy... vâng phục nhau”. “Đừng chọc giận”. “Hãy vâng phục”. “Đừng hăm dọa”. Không có điều gì thực tế hơn bảng liệt kê những mạng lịnh này.

Tôi xin nhắc anh em rằng chính Chúa Jesus bắt đầu sự dạy dỗ của Ngài với những lời này. Anh em hãy lưu ý kỹ lời của phân đoạn này từ Bài Giảng Trên Núi của Ngài: “Các ngươi đã nghe phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng; nhưng Ta nói cùng các ngươi: Đừng chống cự kẻ ác. Trái lại, hễ ai vả má bên phải ngươi, hãy đưa má kia cho họ luôn, hoặc ai muốn kiện ngươi để lấy áo trong, hãy để họ lấy luôn áo ngoài nữa, hay là ai muốn bắt ngươi đi một dặm, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin ngươi, hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng làm ngơ. Các ngươi đã nghe phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và ghét kẻ thù nghịch; nhưng Ta phán cùng các ngươi: Hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho người công chính cùng kẻ bất chính. Nếu các ngươi yêu người yêu mình, thì có được phần thưởng gì đâu? Kẻ thâu thuế không làm như vậy sao? Lại nếu các ngươi chỉ chào anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người Ngoại Bang không làm như vậy sao? Thế thì, các ngươi hãy nên hoàn hảo như Thiên Phụ các ngươi là hoàn hảo” (Mat. 5:38-48).

Anh em nói: “Nhưng tôi không thể làm điều đó. Đó là những mạng lịnh không thể thực hiện được”. Giống như người bạn kỹ sư của tôi, có lẽ anh em cảm thấy mình bị đối xử xấu, có thể bị đối xử xấu kinh khủng, và anh em không thể tha thứ. Anh em ở về phía lẽ phải, và hành động của kẻ thù anh em hoàn toàn không công bình. Yêu kẻ thù là điều lý tưởng, nhưng không thể thực hiện được.

SỰ HOÀN HẢO CỦA CHA

Kể từ ngày A-đam ăn trái của cây kiến thức, con người đã tham gia vào việc quyết định điều gì là tốt và điều gì là xấu. Con người thiên nhiên đã đưa ra những tiêu chuẩn đúng và sai, công bình và bất công, và nỗ lực sống theo những tiêu chuẩn ấy. Là những Cơ Đốc nhân, dĩ nhiên chúng ta khác họ. Nhưng chúng ta khác như thế nào? Từ lúc được hoán cải, một cảm nhận mới về sự công chính phát triển trong chúng ta, kết quả là chúng ta cũng bị chi phối bởi vấn đề tốt và xấu một cách đúng đắn. Nhưng chúng ta có nhận biết rằng khởi điểm là điều khác biệt không? Đấng Christ là Cây Sự Sống đối với chúng ta. Chúng ta không bắt đầu từ vấn đề đúng sai theo mặt đạo đức. Chúng ta không bắt đầu từ cây kia. Chúng ta bắt đầu từ Ngài; và tất cả vấn đề đối với chúng ta là vấn đề Sự Sống.

Không có gì gây thiệt hại cho chứng cớ Cơ Đốc của chúng ta hơn việc chúng ta cố gắng trở nên đúng đắn và đòi hỏi người khác phải đúng đắn. Chúng ta có thành kiến về những gì đúng và không đúng. Chúng ta tự hỏi xem mình đã được đối xử công bình hay bất công, và vì vậy, chúng ta suy nghĩ để biện minh cho những hành động của mình. Nhưng đó không phải là tiêu chuẩn của chúng ta. Toàn bộ vấn đề dành cho chúng ta là việc vác Thập Tự Giá. Anh em hỏi tôi: “Một người vả vào má tôi có đúng không?” Tôi đáp: “Dĩ nhiên là không! Nhưng vấn đề là anh em chỉ muốn điều đúng thôi sao?” Là những Cơ Đốc nhân, tiêu chuẩn sống của chúng ta không bao giờ là “đúng hay sai”, mà là Thập Tự Giá. Nguyên tắc Thập Tự Giá là nguyên tắc hành vi của chúng ta. Ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài làm cho mặt trời Ngài soi trên kẻ ác và người lành. Đối với Ngài, đó là vấn đề ân điển chứ không phải đúng sai. Nhưng đó cũng là tiêu chuẩn của chúng ta: “Tha thứ nhau cũng như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Christ vậy” (4:32). “Đúng hay sai” là nguyên tắc của người Ngoại Bang và người thâu thuế. Đời sống tôi phải được nguyên tắc Thập Tự Giá và sự hoàn hảo của Cha cai trị: “Thế thì các ngươi hãy nên hoàn hảo như Thiên Phụ các ngươi là hoàn hảo”. Một anh em ở miền nam Trung Quốc có ruộng lúa ở lưng đồi. Vào mùa khô, anh dùng một bánh xe nước, chạy bằng cối xay guồng, để đưa nước từ suối cung cấp nước tưới vào ruộng mình. Người hàng xóm của anh có hai thửa ruộng ở dưới ruộng của anh, và một đêm kia, người ấy xoi một cái lỗ nơi bờ đê ngăn giữa ruộng anh em ấy với ruộng của anh ta, và rút hết nước xuống ruộng dưới. Khi anh em ấy sửa chỗ lủng nơi bờ đê và bơm thêm nước vào ruộng mình, người hàng xóm lại xoi lỗ, rút nước của ruộng anh em ấy đi. Việc này xảy ra ba bốn lần. Vì vậy, anh em ấy hỏi ý kiến các anh em khác. Anh nói: “Tôi đã cố gắng kiên nhẫn và không trả đũa. Nhưng như vậy có đúng không?” Sau khi họ cầu nguyện với nhau về điều này, một người trả lời: “Nếu chúng ta chỉ cố gắng làm điều đúng, chắc chắn chúng ta là những Cơ Đốc nhân rất tầm thường. Chúng ta phải hành động hơn những gì đúng”. Lời ấy gây ấn tượng mạnh mẽ nơi anh em ấy. Sáng hôm sau, anh bơm nước vào hai ruộng dưới, và chiều hôm đó, anh bơm nước vào ruộng mình. Sau đó, nước được giữ lại trong ruộng anh. Người hàng xóm của anh rất ngạc nhiên trước hành động ấy và bắt đầu tìm hiểu lý do, và cuối cùng, chính anh ta cũng trở thành một Cơ Đốc nhân.

Vì vậy, anh em tôi ơi, đừng đứng trên cái đúng của mình. Đừng cảm thấy rằng vì mình đã đi dặm đường thứ hai, nên mình đã làm điều công bình. Dặm đường thứ hai chỉ tượng trưng cho dặm thứ ba và dặm thứ tư. Nguyên tắc ở đây là đồng hóa với Đấng Christ. Chúng ta không có gì để bênh vực, không có gì để yêu cầu hay đòi hỏi. Chúng ta chỉ phải ban cho. Khi Chúa Jesus chết trên Thập Tự Giá, Ngài không chết để bảo vệ “quyền lợi” của chúng ta; ân điển đã đưa Ngài lên đó. Bây giờ, là con cái Ngài, chúng ta luôn luôn cố gắng ban cho người khác những gì họ xứng đáng và còn hơn nữa.

Chúng ta phải tự nhắc nhở rằng mình thường không đúng. Chúng ta thất bại, và luôn luôn được hữu ích khi học tập từ những thất bại của mình, sẵn sàng xưng tội và vui lòng làm quá những gì cần phải làm. Chúa muốn như vậy. Vì sao? “Để các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời” (Mat. 5:45). Vấn đề là về quyền làm con trên thực tế. Đúng như vậy, Đức Chúa Trời đã “dự định cho chúng ta nhờ Jesus Christ được danh phận con cái” (Êph. 1:5), nhưng chúng ta lầm lẫn khi suy nghĩ rằng mình “đã lớn rồi”, tức chúng ta đã là con trưởng thành rồi. Bài Giảng Trên Núi dạy chúng ta biết rằng con cái đạt đến trách nhiệm làm con theo mức độ họ bày tỏ tình trạng gần gũi của linh và thái độ thân thiết đối với Cha. Chúng ta được kêu gọi để trở nên hoàn hảo trong tình yêu, bày tỏ ân điển của Ngài. Vì thế Phao-lô cũng viết: “Vậy, anh em hãy nên người bắt chước Đức Chúa Trời như con cái yêu dấu, và hãy bước đi trong tình yêu thương, cũng như Đấng Christ đã thương yêu anh em, và phó chính mình vì anh em” (5:1, 2).

Chúng ta phải đối diện với một thử thách. Ma-thi-ơ chương 5 đặt ra một tiêu chuẩn mà có lẽ chúng ta cảm thấy quá cao, và trong phần Thư Ê-phê-sô này, Phao-lô đã xác nhận tiêu chuẩn ấy. Nan đề đơn giản là trong chính bản chất thiên nhiên của mình chúng ta không tìm thấy phương tiện để đạt đến tiêu chuẩn ấy, để bước đi “cách thích hợp với các thánh đồ” (5:3). Như vậy, câu trả lời cho nan đề của chúng ta về những đòi hỏi rất cao của Đức Chúa Trời nằm ở đâu?

Theo lời Phao-lô, bí quyết là: “quyền năng hành động trong chúng ta” (3:20). Trong một phân đoạn tương tự (Côl. 1:29), ông nói: “Tôi cũng vì đó mà chịu lao khổ, chiến đấu theo sự hành động của Ngài đang hoạt động trong tôi cách quyền năng”.

Chúng ta trở lại phần đầu của Thư Ê-phê-sô. Sức mạnh bí mật của đời sống Cơ Đốc là gì? Quyền năng của sức mạnh ấy đến từ đâu? Tôi xin trả lời cho anh em bằng một câu: Bí quyết của Cơ Đốc nhân là sự an nghỉ của họ trong Đấng Christ. Quyền năng của Cơ Đốc nhân đến từ địa vị Đức Chúa Trời đã ban cho họ. Hễ ai ngồi đều có thể bước đi, vì trong tư tưởng của Đức Chúa Trời, điều này tự động nối tiếp điều kia. Chúng ta ngồi mãi mãi với Đấng Christ để có thể bước đi liên tục trước mặt loài người. Nếu bỏ chỗ an nghỉ của mình trong Ngài, thì chỉ trong phút chốc chúng ta sẽ vấp ngã ngay lập tức, và chứng cớ của chúng ta trong thế gian bị tổn hại. Nhưng nếu ở trong Đấng Christ, thì vị trí của chúng ta ở tại đó sẽ bảo đảm cho chúng ta có quyền năng để bước đi xứng đáng với Ngài tại đây. Nếu anh em muốn có một hình ảnh minh họa cho diễn biến này, trước hết, hãy suy nghĩ, không phải về một người chạy trong cuộc đua, nhưng một người ngồi trong xe hơi, hay tốt hơn nữa, một người què ngồi trong một toa xe mà toa xe này tự nó không có năng lực nhưng được kéo chạy bằng máy. Anh ấy làm gì? Anh ấy đi, nhưng anh ấy cũng ngồi. Anh tiếp tục đi vì anh tiếp tục ngồi. Anh tiến tới tùy theo vị trí mà anh đã được đặt ngồi vào trong ấy. Dĩ nhiên điều này còn kém xa so với hình ảnh hoàn hảo về đời sống Cơ Đốc, nhưng chúng ta có thể dùng nó để nhắc nhở mình rằng cách cư xử và hành vi của chúng ta tùy thuộc một cách cơ bản vào sự an nghỉ bề trong của chúng ta nơi Đấng Christ.

Điều này giải thích ngôn ngữ của Phao-lô ở đây. Trước hết, ông học ngồi. Ông đã đến chỗ an nghỉ trong Đức Chúa Trời. Kết quả là sự bước đi của ông không dựa vào nỗ lực của mình nhưng nơi hành động mạnh mẽ bên trong của Đức Chúa Trời. Bí quyết sức mạnh của ông nằm tại đó. Phao-lô đã thấy chính mình ngồi trong Đấng Christ; vì vậy, bước đi của ông trước mặt loài người mang tính chất của Đấng Christ là Đấng ngự trong ông. Không có gì lạ khi ông cầu nguyện cho người Ê-phê-sô: “Hầu cho Đấng Christ nhơn đức tin mà ngự trong lòng anh em” (3:17).

Chiếc đồng hồ đeo tay lên dây của tôi chạy bằng cách nào? Bằng cách tự chuyển động trước hay bằng cách được chuyển động? Dĩ nhiên nó chạy vì được chuyển động bởi một năng lực bên ngoài không phải của chính nó. Chỉ khi ấy chiếc đồng hồ mới làm được công việc mà nó được định phải làm. Có những công tác chúng ta được hoạch định phải làm. “Vì chúng ta là công tác của Ngài, được dựng nên trong Christ Jesus vì việc lành, mà Đức Chúa Trời trước kia đã dự bị cho chúng ta bước đi trong các việc lành ấy” (2:10). Phao-lô viết cho người Phi-líp: “Hãy lấy lòng sợ sệt run rẩy mà làm nên sự cứu rỗi của anh em, vì ấy là Đức Chúa Trời hành động trong anh em, để vừa muốn vừa làm theo ý muốn tốt lành của Ngài”. Đức Chúa Trời đang hành động bên trong, anh em hãy bày tỏ ra bên ngoài! Đó là bí quyết. Nhưng nếu chúng ta không vui lòng để Đức Chúa Trời hành động bên trong, thì thật là vô ích khi chúng ta cố gắng làm những việc làm bên ngoài. Chúng ta thường cố gắng nhu mì và hòa nhã mà không nhận biết rằng Đức Chúa Trời vận hành sự nhu mì và hòa nhã của Đấng Christ bên trong chúng ta nghĩa là gì. Chúng ta cố gắng bày tỏ tình yêu, và thấy mình không yêu thương gì cả, nên chúng ta xin Chúa ban tình yêu. Sau đó chúng ta ngạc nhiên vì dường như Ngài không ban tình yêu cho chúng ta.

Tôi xin dùng lại một hình ảnh minh họa đã nêu lên trong chương trước. Có lẽ có một người nào đó mà anh em cảm thấy thật là một thử thách cho mình và anh em thường xuyên gặp nan đề với người ấy. Bất cứ khi nào anh em gặp anh ấy, anh đều nói hay làm một điều gì đó với ý định chọc giận anh em. Điều này làm cho anh em bực mình. Anh em nói: “Tôi là một Cơ Đốc nhân, tôi nên thương yêu anh ấy! Tôi muốn thương yêu anh ấy, thật vậy, tôi quyết định thương yêu anh ấy!” Và anh em cầu nguyện tha thiết: “Chúa ôi, xin gia tăng tình yêu con dành cho anh ấy. Ôi Đức Chúa Trời, xin ban cho con tình yêu!” Sau đó, anh em quyết tâm và tập trung hết năng lực của ý chí, bước ra với một lòng ao ước bày tỏ cho anh ấy tình yêu mà anh em đã cầu xin. Nhưng than ôi, khi gặp mặt anh ấy thì lại có điều gì đó xảy ra làm tiêu tan hết mọi ý định tốt lành của anh em. Thái độ của anh ấy đối với anh em không một chút khích lệ nhưng hoàn toàn ngược lại, và ngay lập tức, sự căm tức bấy lâu lại bùng nổ, và một lần nữa, điều tốt nhất mà anh em có thể làm là tỏ ra lịch sự với anh ấy. Vì sao vậy? Chắc chắn anh em không có gì sai lầm khi tìm kiếm tình yêu của Đức Chúa Trời, phải không? Đúng thế, nhưng anh em sai lầm khi tìm kiếm tình yêu ấy như một điều riêng lẻ, như một kiện hàng, trong khi Đức Chúa Trời ao ước bày tỏ tình yêu của Con Ngài qua anh em.

Đức Chúa Trời đã ban Đấng Christ cho chúng ta. Giờ đây không có điều gì để chúng ta nhận lãnh ở bên ngoài Con ấy. Thánh Linh đã được sai đến để sản sinh ra những gì của Đấng Christ trong chúng ta, không phải để sản sinh một điều gì tách rời với Ngài hay bên ngoài Ngài. Chúng ta “nhờ Thánh Linh của Ngài lấy quyền năng mà làm cho anh em được mạnh mẽ nơi người bề trong;... được biết tình yêu thương của Đấng Christ” (3:16, 19). Những gì chúng ta bày tỏ bên ngoài là những gì Đức Chúa Trời đặt trong chúng ta trước.

Một lần nữa, anh em hãy nhớ lại những lời quan trọng trong 1 Cô-rin-tô 1:30. Không những Đức Chúa Trời đặt chúng ta “trong Đấng Christ”, mà cũng nhờ Ngài “Christ Jesus... trở nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh hóa, và sự cứu chuộc cho chúng ta”. Đó là một trong những lời tuyên bố lớn lao nhất trong Kinh thánh. Ngài “trở nên... cho chúng ta”.

Nếu tin điều này, chúng ta có thể đặt vào đó tất cả những gì mình cần, và có thể biết rằng Đức Chúa Trời làm điều đó mãi mãi, vì nhờ Thánh Linh trong chúng ta, chính Chúa Jesus trở nên bất cứ điều gì chúng ta thiếu. Chúng ta đã quen nhìn sự thánh khiết như một mỹ đức, nhìn sự khiêm nhường như một ân điển, nhìn tình yêu như một sự ban cho từ Đức Chúa Trời mà chúng ta cần tìm kiếm. Nhưng chính Đấng Christ của Đức Chúa Trời là mọi điều chúng ta cần.

Trước đây, nhiều lúc có nhu cầu, tôi thường nghĩ Đấng Christ là một thân vị riêng biệt, và tôi đã không nhận ra Ngài một cách thực tế như vậy, tức là Ngài đồng nhất với “những điều” mà tôi cảm thấy mình rất đang thiếu thốn. Trong suốt hai năm, tôi mò mẫm trong bóng tối ấy, tìm cách tích lũy những mỹ đức mà tôi cảm nhận chắc chắn sẽ tạo nên đời sống Cơ Đốc, và những nỗ lực ấy của tôi cũng chẳng đi đến đâu. Rồi một ngày kia, vào năm 1933, ánh sáng từ trời chiếu rọi tôi, và tôi thấy Đấng Christ đã được Đức Chúa Trời dự định ban cho tôi trong sự đầy trọn của Ngài. Thật khác biệt dường nào! Ô, những “điều này, điều kia” thật trống rỗng biết bao! Khi chúng ta nắm giữ những điều ấy tách rời mối liên hệ với Đấng Christ thì chúng chết. Một khi chúng ta thấy điều này, đó sẽ là khởi đầu của một cuộc sống mới cho chúng ta. Sự thánh khiết của chúng ta từ đó sẽ được viết hoa. Tình yêu của chúng ta cũng được viết hoa. Chính Ngài được bày tỏ là câu giải đáp trong chúng ta đối với mọi đòi hỏi của Đức Chúa Trời.

Bây giờ chúng ta hãy trở lại với người anh em khó tính kia, nhưng lần này, trước khi anh em đi, hãy nói với Đức Chúa Trời như thế này: “Chúa ơi, cuối cùng điều này đã trở nên sáng tỏ đối với con, tự con, con không thể yêu thương anh ấy chút nào; nhưng bây giờ con biết rằng có một sự sống trong con, là sự sống của Con Ngài, và luật của sự sống ấy là yêu thương. Sự sống ấy không thể làm gì hơn là yêu thương anh ấy”. Anh em không cần phải ráng sức. Hãy an nghỉ trong Ngài. Hãy nhờ cậy sự sống của Ngài. Như vậy, anh em mới dám đến gặp anh ấy và nói chuyện với anh, đó là điều kỳ diệu! Anh em thấy mình nói chuyện với anh ấy nhẹ nhàng mà chính mình không nhận biết (tôi muốn nhấn mạnh từ ngữ “không nhận biết” ở đây, vì sự nhận biết chỉ đến sau đó), anh em yêu thương anh ấy mà không nhận biết mình yêu thương, anh em nhận biết anh ấy là anh em của mình mà không ý thức điều đó. Anh em trò chuyện với anh ấy một cách tự do, trong sự tương giao thật, và rồi đến lượt chính anh em thấy mình phải ngạc nhiên thốt lên: “Sao vậy nhỉ, bây giờ tôi không để ý lo lắng chút nào, mà tôi lại chẳng bực mình gì cả. Chúa ở với tôi, và tình yêu Ngài đã chiến thắng một cách không thể giải thích được”.

Sự hành động của sự sống Ngài trong chúng ta thì tự phát theo một ý nghĩa đích thật, tức là không có nỗ lực của chúng ta. Luật quan trọng hơn hết không phải là “cố gắng”, mà là “tin cậy”, không nhờ vào sức mạnh của chúng ta, nhưng sức mạnh của Ngài. Vì chính dòng sự sống cho thấy chúng ta thật sự là gì “trong Đấng Christ”. Nước ngọt ngào tuôn chảy ra từ Nguồn sự sống.

Quá nhiều người trong chúng ta bị bắt gặp đang đóng kịch làm một Cơ Đốc nhân. Đời sống của nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay phần lớn là giả vờ. Họ sống một đời sống “thuộc linh”, nói một ngôn ngữ “thuộc linh”, tiếp thu những thái độ “thuộc linh”, nhưng tự họ đang làm mọi sự. Nỗ lực của họ trong việc này bày tỏ cho họ biết có điều gì đó sai trật. Họ ra sức kiềm chế mình không làm điều này, không nói điều kia, không ăn món nọ, và họ thấy tất cả đều khó nhọc biết bao! Cũng giống như khi người Hoa cố gắng nói một ngôn ngữ không phải của mình, dù có cố gắng đến đâu, ngôn ngữ ấy cũng không đến cách tự phát; chúng ta bị ép buộc phải nói như vậy. Nhưng khi nói ngôn ngữ của mình, thì không có gì dễ dàng hơn. Thậm chí khi chúng ta quên hết mình đang làm gì, chúng ta vẫn nói được. Ngôn ngữ ấy cứ tuôn tràn ra. Nó đến với chúng ta hoàn toàn tự nhiên, và chính sự tự nhiên ấy bày tỏ cho mọi người biết chúng ta là ai.

Sự sống của chúng ta là sự sống của Đấng Christ, do chính Thánh Linh cư ngụ bên trong thực hiện bên trong chúng ta, và luật của sự sống ấy là tự nhiên. Giây phút chúng ta thấy sự kiện ấy, chúng ta sẽ chấm dứt mọi sự phấn đấu và ném bỏ sự đóng kịch của mình. Không gì tổn thương cho sự sống của một Cơ Đốc nhân cho bằng tình trạng đóng kịch; không gì phước hơn cho bằng khi chúng ta ngừng nỗ lực bề ngoài và thái độ của mình trở nên tự nhiên, tức là khi lời nói, lời cầu nguyện, chính đời sống chúng ta, mọi sự đều bày tỏ sự sống trong chúng ta cách tự nhiên và không ép buộc. Chúng ta đã khám phá Chúa tốt lành như thế nào chưa? Khi ấy, Ngài tốt lành y như vậy trong chúng ta! Quyền năng của Ngài có lớn lao không? Khi ấy quyền năng Ngài trong chúng ta cũng lớn lao không kém! Ngợi khen Đức Chúa Trời, sự sống của Ngài vẫn mạnh mẽ như bao giờ, trong đời sống của những người dám tin Lời Đức Chúa Trời, sự sống thần thượng sẽ bày tỏ trong một quyền năng không kém thời xa xưa chút nào.

Chúa có ý nói gì khi Ngài phán: “Nếu sự công chính của các ngươi chẳng trổi hơn sự công chính của các nhà thông giáo và người Pha-ri-si, thì các ngươi hẳn không vào vương quốc các từng trời được”? (Mat. 5:20). Trên đây, chúng ta đã thấy thế nào Ngài tiếp tục nêu sự tương phản giữa những đòi hỏi của luật pháp Môi-se và những đòi hỏi lớn lao của chính Ngài, bằng cách dùng đi dùng lại những lời sau: “Các ngươi đã nghe phán rằng... nhưng Ta nói cùng các ngươi...” Tuy  nhiên, trải qua nhiều thế kỷ, loài người đã tìm cách đạt đến tiêu chuẩn thứ nhất và đã thất bại, làm sao Chúa lại dám nâng tiêu chuẩn lên cao hơn? Ngài có thể làm như vậy vì Ngài tin vào chính sự sống của Ngài. Ngài không sợ đưa ra những đòi hỏi cao nhất cho Ngài. Thật ra, chúng ta được an ủi khi đọc luật của vương quốc được đưa ra trong Ma-thi-ơ từ chương 5 đến chương 7, vì những chương này cho thấy Chúa tuyệt đối tin tưởng sự sống của Ngài, là sự sống đã dành sẵn cho con cái Ngài. Ba chương này đưa ra những yêu cầu thần thượng của sự sống thần thượng. Những đòi hỏi lớn lao của Ngài đối với chúng ta chỉ bày tỏ Ngài tin rằng nguồn tài nguyên mà Ngài đã đặt trong chúng ta có thể đáp ứng những đòi hỏi ấy cách trọn vẹn. Đức Chúa Trời không đòi hỏi những gì mà Ngài không thực hiện, nhưng chúng ta phải gieo mình nương dựa nơi Ngài để những điều này được thực hiện.

Có phải chúng ta đang đối phó với một tình huống khó khăn không? Đó là một nan đề đúng hay sai thiện hay ác? Chúng ta không cần tìm sự khôn ngoan. Chúng ta không còn cần áp dụng cây kiến thức. Chúng ta có Đấng Christ, là Đấng đã trở nên sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời cho chúng ta. Luật của Linh sự sống trong Christ Jesus tiếp tục truyền đạt những tiêu chuẩn đúng, sai của Ngài cho chúng ta, và cùng với những tiêu chuẩn ấy là thái độ của linh để đáp ứng tình huống khó khăn ấy.

Nhiều điều và nhiều điều hơn nữa sẽ xảy ra để làm tổn thương cảm nhận của Cơ Đốc nhân chúng ta về sự công chính và để thử nghiệm phản ứng của chúng ta. Chúng ta cần học tập nguyên tắc Thập Tự Giá, ấy là tiêu chuẩn của chúng ta ngày nay không phải là con người cũ, mà là con người mới, “là người đã được dựng nên y theo Đức Chúa Trời trong sự công chính và sự thánh khiết của lẽ thật” (4:22-24). “Chúa ôi, con không có quyền bào chữa. Mọi sự con có là nhờ ân điển Ngài, và mọi sự đều ở trong Ngài!” Tôi được biết về một bà cụ tín đồ người Nhật bị một tên trộm đột nhập vào nhà. Trong đức tin đơn sơ nhưng thực tế của bà, bà nấu cho tên trộm một bữa ăn, rồi trao chìa khóa cho anh ta. Do hành động của bà, tên trộm cảm thấy xấu hổ, và Đức Chúa Trời đã phán với anh ta. Qua lời chứng của bà, người ấy hiện nay là một anh em trong Đấng Christ.

Quá nhiều Cơ Đốc nhân có đủ mọi giáo lý nhưng sống đời sống trái ngược với giáo lý ấy. Họ biết mọi điều từ chương một đến chương ba của Thư Ê-phê-sô, nhưng họ không thực hành những điều từ chương bốn đến chương sáu. Không có giáo lý thì tốt hơn là sống mâu thuẫn với giáo lý. Đức Chúa Trời truyền dạy một điều gì đó ư? Vậy thì anh em hãy gieo mình nương dựa nơi Ngài để có phương tiện thực hiện điều Ngài đã truyền dạy. Nguyện Chúa dạy dỗ chúng ta rằng toàn bộ nguyên tắc của đời sống Cơ Đốc là tiến xa hơn những gì đúng để làm điều đẹp lòng Ngài.

CHUỘC LẠI THÌ GIỜ

Nhưng chúng ta vẫn cần phải nói thêm một điều gì đó để bổ túc cho phần trên đây về đề tài bước đi của Cơ Đốc nhân chúng ta. Từ ngữ “bước đi” hiển nhiên có một ý nghĩa sâu xa hơn. Trước hết nó gợi ý về cách cư xử hay hành vi, nhưng nó cũng chứa đựng ý tưởng về sự tiến bộ. Bước đi là “tiến tới”, “tiến triển” và bây giờ chúng ta cần vắn tắt xem xét thêm vấn đề tiến lên để đạt đến mục tiêu của mình.

“Vậy, hãy cẩn thận về bước đi của anh em, đừng như kẻ không khôn ngoan, nhưng như người khôn ngoan, hãy chuộc thì giờ, vì những ngày là ác. Vì thế, đừng dại dột, nhưng phải hiểu ý chỉ của Chúa là thể nào” (5:15-17).

Anh em nên lưu ý rằng trong những câu trên có một sự liên kết giữa ý tưởng về thời gian với sự khác biệt giữa sự khôn ngoan và ngu dại. “Hãy... bước đi... như người khôn ngoan, hãy chuộc thì giờ... đừng dại dột”. Đó là điều quan trọng. Bây giờ tôi muốn nhắc anh em về hai phân đoạn khác, trong đó, những điều này cũng được sắp đặt lại với nhau tương tự như vậy:

“Khi ấy, vương quốc các từng trời ví như mười trinh nữ kia... Trong họ, năm nàng dại, năm nàng khôn. Các nàng dại cầm đèn mà không đem dầu theo... Đến nửa đêm có tiếng kêu rằng, Kìa, chàng rể đến! Hãy đi ra nghinh tiếp chàng. Các trinh nữ đều thức dậy cả, sửa soạn đèn mình. Các nàng dại nói... Đèn chúng tôi gần tắt... Nhưng trong khi họ đi mua, thì chàng rể đến; các nàng chực sẵn đều cùng đi với chàng vào tiệc cưới, rồi cửa đóng lại. Rồi sau đó, những trinh nữ khác cũng đến...” ( Mat. 25:1-13).

“Tôi lại thấy, kìa, Chiên Con đứng trên núi Si-ôn, và với Ngài có một trăm bốn mươi bốn ngàn người, đều có danh của Ngài và danh của Cha Ngài ghi trên trán mình... Đây là những người còn đồng trinh. Hễ Chiên Con đi đâu thì họ cũng theo đó. Họ đã được chuộc mua từ trong loài người, để làm trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên Con. Trong miệng họ chẳng có lời dối nào: họ cũng không có tì vít gì” (Khải. 14:1-5).

Có nhiều phân đoạn Kinh thánh bảo đảm với chúng ta rằng điều gì Đức Chúa Trời đã bắt đầu, Ngài sẽ hoàn tất. Cứu Chúa của chúng ta là một Cứu Chúa tuyệt đối. Cuối cùng, không một tín đồ Đấng Christ nào sẽ “được cứu nửa vời” cả, cho dầu hiện nay có thể nói chúng ta là như vậy theo bất cứ ý nghĩa nào. Đức Chúa Trời sẽ làm cho mỗi một người có đức tin nơi Ngài được trở nên hoàn hảo. Đó là những gì chúng ta tin và chúng ta phải ghi nhớ để làm bối cảnh cho những gì chúng tôi sắp nói đây. Cùng với Phao-lô, chúng ta “cũng tin chắc rằng Đấng đã bắt đầu làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn cho đến ngày của Jesus Christ” (Phil. 1:6). Quyền năng của Đức Chúa Trời không có giới hạn. Ngài “có thể... khiến anh em đứng trước sự hiện diện vinh hiển của Ngài cách không tì vít” (Giu. 24; 2 Ti. 1:12; Êph. 3:20).

Tuy nhiên, khi chúng ta quay sang phương diện thuộc kinh nghiệm bản thân về điều này, tức là hành động bày tỏ có tính cách thực tế bên ngoài của điều này trong đời sống chúng ta hiện nay ở trên đất này, thì chúng ta phải đối đầu với vấn đề thời gian. Trong Khải Thị chương 14, có những trái đầu mùa (c. 4) và mùa gặt (c. 15). Trái hái trong mùa và trái đầu mùa khác nhau thế nào? Chắc chắn chúng không khác nhau về phẩm chất, vì tất cả trái hái trong mùa là một. Điểm khác biệt là chúng chín vào những thời điểm khác nhau. Một số trái “đạt đến chỗ trưởng thành” trước những trái khác, và do đó chúng trở nên “trái đầu mùa”.

Tỉnh Phúc Kiến quê tôi nổi tiếng về cam. Tôi muốn nói (chắc chắn là tôi có thành kiến!) rằng khắp nơi trên thế giới này không có cam ở đâu giống như vậy. Khi anh em nhìn lên những ngọn đồi vào đầu mùa cam, tất cả các lùm cây đều màu xanh. Nhưng nếu nhìn cẩn thận hơn, anh em sẽ thấy trên cành lác đác đã có những quả cam vàng xuất hiện. Thật là một cảnh tượng đẹp mắt khi chúng ta thấy những đốm nhỏ màu vàng giữa những cây màu xanh thẫm. Sau đó, tất cả những trái cam rồi cũng sẽ chín và các lùm cây sẽ chuyển sang màu vàng. Tuy nhiên, bây giờ, những trái đầu mùa sẽ được cẩn thận hái trước bằng tay, và sẽ được bán với giá cao nhất, thường là gấp ba giá cam trong mùa.

Dầu sao đi nữa, tất cả những trái trong mùa rồi cũng sẽ chín. Nhưng Chiên Con đang tìm những trái đầu mùa. Người “khôn ngoan” trong ẩn dụ không phải là những người đã làm tốt hơn, nhưng là những ai đã làm tốt vào một thời điểm sớm hơn. Chúng ta hãy lưu ý rằng những người kia cũng là những trinh nữ, dầu “ngu dại” nhưng chắc chắn là thật, không phải giả mạo. Họ cũng đi đón Chàng Rể cùng với những người khôn. Họ cũng có dầu trong đèn, và đèn họ cũng đang cháy. Nhưng họ không nghĩ về việc Chàng Rể đến trễ, và bây giờ khi đèn đã gần tàn, họ không còn dầu dự trữ trong bình, và những người kia cũng không đủ dầu để chia cho họ.

Một số người bối rối về lời Chúa nói với những người ngu dại: “Ta không biết các ngươi đâu”. Họ nghĩ rằng làm sao Ngài có thể nói lời này với họ nếu họ tượng trưng cho con cái thật của Ngài, “đã được gả... cho Đấng Christ... như một trinh nữ trong sạch”? (2 Cô. 11:2). Nhưng chúng ta phải nhận biết toàn bộ sự dạy dỗ của ẩn dụ này, chắc chắn đó là một đặc quyền để phục vụ Ngài trong tương lai mà các con cái Ngài có thể hụt mất do không chuẩn bị. Kinh thánh nói rằng năm nàng đến cửa và nói: “Chúa ơi, Chúa ơi, xin mở cửa cho chúng tôi!” Cửa nào? Chắc chắn không phải là cửa cứu rỗi. Nếu anh em hư mất, anh em không thể đến cửa trời mà gõ. Vì vậy, khi Chúa phán: “Ta không biết các ngươi đâu”, chắc chắn Ngài dùng những lời này trong một ý nghĩa giới hạn nào đó như trong câu chuyện minh họa sau đây.

Tại Thượng Hải, con trai của một thẩm phán thuộc một tòa án cảnh sát nọ bị bắt vì lái xe cẩu thả. Cậu ta được đưa ra xét xử và thấy cha mình ngồi ghế thẩm phán. Thủ tục tòa án tương đối giống như khắp nơi trên thế giới, và cậu được hỏi như sau: “Anh tên gì? Địa chỉ ở đâu? Anh làm nghề gì?” v.v... Cậu ngạc nhiên quay sang hỏi cha: “Ba ơi, ba muốn nói là ba không biết con sao?” Gõ búa lên bàn, người cha trả lời nghiêm khắc: “Anh thanh niên kia, tôi không biết anh đâu. Anh tên gì? Địa chỉ ở đâu?” Dĩ nhiên qua lời này ông không có ý nói rằng ông không biết cậu chút nào. Trong gia đình và trong nhà, ông biết cậu, nhưng tại đây và vào thời điểm này ông không biết cậu. Mặc dầu vẫn là con của cha mình nhưng cậu phải theo thủ tục tòa án và nộp tiền phạt.

Vâng, cả mười trinh nữ đều có dầu trong đèn. Điều khác biệt là những người ngu dại không có dầu dự trữ trong bình. Là những Cơ Đốc nhân thật, họ có sự sống trong Đấng Christ, và chứng cớ trước mặt loài người. Nhưng chứng cớ của họ là một chứng cớ thất thường vì họ chỉ sống để thỏa mãn những nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Chúng ta có thể nói họ có Linh, nhưng không “đầy dẫy Linh”. Vào giờ phút nguy cấp, họ phải đi ra mua thêm dầu. Dĩ nhiên cuối cùng cả mười người đều có đủ dầu. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở sự kiện những người khôn có đủ dầu vào đúng thời điểm, trong khi những người dại mặc dù cuối cùng cũng có đủ dầu, nhưng đã hụt mất mục đích định sẵn cho dầu ấy. Tất cả đều là vấn đề thời gian, và điểm Chúa tìm cách làm cho chúng ta hiểu đó là ở cuối ẩn dụ này, Ngài thuyết phục các môn đồ đừng chỉ làm môn đồ, nhưng hãy làm những môn đồ thức canh.

“Đừng say rượu, vì điều ấy là phóng túng, nhưng hãy đầy dẫy Linh” (5:18). Trong Ma-thi-ơ chương 5, đó không phải là vấn đề tiếp nhận Chúa Jesus Christ lúc đầu, cũng không phải là vấn đề Thánh Linh đến trên các đầy tớ Ngài để ban cho những ân tứ thuộc linh. Đó là vấn đề có dư dầu trong bình, vấn đề ánh sáng được duy trì, bằng sự cung ứng liên tục, kỳ diệu của Linh bề trong, cho dù phải chờ đợi lâu dài bao nhiêu đi nữa (vì có cả đèn lẫn bình trong ẩn dụ này, nhưng trên thực tế, chúng ta là đèn và chúng ta cũng là bình). Cơ Đốc nhân nào có thể sống trong cõi đời đời trên trời mà không biết sự đầy dẫy bề trong này? Phải chăng chắc chắn không một trinh nữ nào có thể thoát khỏi điều này? Ngày nay, Chúa cũng đang thực hiện tất cả những bước có thể thực hiện được để đem chúng ta đến chỗ hiểu biết sự đầy dẫy ấy. “Vậy, hãy thức canh vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ”.

“Hãy liên tục đầy dẫy” (plerousthe) là cách nói bất thường được dùng ở đây liên quan đến Thánh Linh. “Hãy để chính anh em được làm cho đầy dẫy liên tục”. Đó không phải một biến cố đặc biệt, như vào Lễ Ngũ tuần, nhưng là một tình trạng chúng ta phải duy trì luôn luôn. Đó không phải một điều bề ngoài, nhưng là bề trong; không phải vấn đề ân tứ thuộc linh và những biểu hiện bên ngoài, nhưng là sự hiện diện và hành động của chính Thánh Linh trong linh chúng ta, để bảo đảm ánh sáng trong bình sẽ cháy luôn không tàn lụn, có thể cháy quá nửa đêm nếu cần.

Hơn nữa, đây không phải hoàn toàn là vấn đề cá nhân. Như câu tiếp theo (5:19) cho thấy cách rõ ràng đó là điều chúng ta san sẻ với các Cơ Đốc nhân khác trong sự lệ thuộc lẫn nhau. Vì trong ngôn ngữ của câu ấy, “đầy dẫy Linh” không chỉ có nghĩa là “miệng hát lòng họa ngợi khen Chúa” nhưng “dùng thi thiên, thánh ca và linh khúc mà đối đáp nhau”. Một số người trong chúng ta thấy rõ mình dễ hát đơn ca, nhưng hát theo nhịp và hòa giọng như một ban tứ ca hay ngay cả hát song ca thì khó hơn nhiều. Tuy nhiên, sứ điệp về sự hiệp nhất trong Linh nằm ở trung tâm phần hai của Thư Ê-phê-sô (4:3, 15, 16). Sự đầy dẫy Linh được ban cho chúng ta để chúng ta cùng hát một bài ca mới trước ngai (Khải. 14:3).

Nhưng để tiếp tục theo sát điểm chính mà chúng ta đang nhấn mạnh, tôi xin nhắc lại rằng khôn hay dại chỉ dựa vào một điểm này mà thôi; nếu khôn, anh em sẽ tìm được sự đầy dẫy sớm hơn, nhưng nếu dại, anh em sẽ trì hoãn về sau. Một số người trong chúng ta là bậc cha mẹ đã có con cái. Tính tình của con cái thật là khác nhau! Đứa thì lập tức vâng lời, đứa thì nghĩ rằng bằng cách trì hoãn, nó sẽ lẩn tránh và không phải làm gì. Nếu gặp trường hợp như vậy, và nếu anh em không cương quyết đủ đến nỗi cho nó kẽ hở để trốn thoát, thì đứa con trì hoãn ấy thật khôn ngoan, vì nó thành công khi không phải làm gì cả. Nhưng nếu anh em cương quyết, nếu nó không thể lẩn tránh lệnh của anh em và cuối cùng vẫn phải vâng lời, thì đứa đối diện cách thẳng thắn với vấn đề ngay lập tức chắc chắn là đứa khôn ngoan hơn.

Anh em phải sáng tỏ về ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu lời của Đức Chúa Trời có thể được xem nhẹ, có lẽ anh em sẽ không ngu dại khi tìm cách tránh né điều Ngài muốn nói; nhưng nếu Ngài là một Đức Chúa Trời không thay đổi, với một ý muốn không thay đổi, thì anh em hãy khôn ngoan và tiếc thì giờ. Trên hết mọi sự, hãy tìm cách có thêm dầu dư trong bình, “hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự đầy đủ của Đức Chúa Trời” (3:19).

Ẩn dụ này không giải đáp mọi thắc mắc của chúng ta. Người ngu dại mua dầu bằng cách nào? Chúng ta không được biết. Không chỗ nào nói cho chúng ta biết những bước tiếp theo mà Đức Chúa Trời có thể thực hiện để đem tất cả con cái Ngài đến chỗ trưởng thành. Đó không phải là mối quan tâm của chúng ta. Ở đây, chúng ta quan tâm đến trái đầu mùa. Chúng ta đang được giục giã phải kiên quyết tiến tới, chứ không phải để suy đoán điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không tiến tới.

Bằng cách tránh né vấn đề, anh em không thể tránh khỏi việc phải đạt đến chỗ trưởng thành, hay trả giá để trưởng thành. Nhưng sự khôn ngoan được liên kết với thời gian. Những người khôn ngoan đều chuộc lại thì giờ. Như cây bút máy của tôi đang đầy mực, sẵn sàng trong tay để dùng, thì cũng vậy, bằng cách hợp tác với Chúa, những người khôn ngoan là những người cung ứng cho Đức Chúa Trời những điều Ngài cần, ấy là những dụng cụ thích nghi để Ngài sẵn sàng sử dụng.

Chúng ta hãy nhìn sứ đồ Phao-lô. Ông bị nung đốt bởi một ước ao nóng cháy. Ông đã thấy rằng mục đích Đức Chúa Trời dành cho chúng ta được ràng buộc với “lúc các thời kỳ được đầy đủ” (1:10). Ông là một trong những người “trước nhất đã trông cậy Đấng Christ” bằng cách an nghỉ nơi một sự cứu rỗi chưa được bày tỏ đầy đủ như “trong các đời sắp đến” (1:12, 2:7). Với cái nhìn về tất cả những điều này, ông làm gì? Ông bước đi. Không những ông bước đi, mà lại còn chạy nữa. “Vậy, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ” (1 Côr. 9:26). “Tôi cứ bươn thẳng tới đích để giựt giải về sự kêu gọi từ trên của Đức Chúa Trời trong Christ Jesus” (Phil. 3:14).

Thường thường, khi có những hồn người bước vào sự hiểu biết những điều thuộc linh và bắt đầu tiến lên với Chúa, cảm tưởng của lòng tôi là: “Ôi, ước gì họ thấy được điều này sớm hơn năm năm!” Thì giờ quá ngắn ngủi, cho dù chúng ta đang tiến tới. Chúng ta cần khẩn cấp tiến lên như vậy. Vì hãy nhớ rằng vấn đề không phải là chúng ta lấy gì ra khỏi đó. Vấn đề là Chúa phải có điều gì ngay bây giờ. Ngày nay Chúa cần những dụng cụ sẵn sàng. Vì sao? “Vì những ngày là ác”. Tình trạng giữa vòng cộng đồng Cơ Đốc vô cùng nghiêm trọng. Ô, nguyện chúng ta thấy điều ấy!

Có lẽ Chúa phải đối xử với chúng ta cách rất quyết liệt. Phao-lô phải nói: “Tôi là một thai sinh non”. Ông đã trải qua những giờ phút vô cùng nguy cấp để đem ông đến chỗ mà ông hiện đang đứng, và ông vẫn còn đang tiến tới. Luôn luôn là vấn đề thời gian. Đức Chúa Trời có thể làm một điều gì đó trong chúng ta cách nhanh chóng, dồn ép điều đó trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng Ngài phải làm đến mức như vậy. Nguyện mắt của lòng chúng ta được soi sáng để biết điều gì là “hi vọng về ơn kêu gọi của Ngài”, khi ấy chúng ta có thể bước đi, hơn nữa, có thể chạy như những người “hiểu ý muốn Chúa là thể nào” (1:18; 5:17). Chúa luôn luôn thương yêu những hồn người quyết liệt.

 
Chúa Jesus phán cùng họ rằng: Mùa gặt thì lớn song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu nguyện Chúa mùa gặt sai con gặt đi vào mùa của Ngài".

Luke 10: 2