buy tamoxifen
tamoxifen
cost
CHƯƠNG TÁM
ẤN TƯỢNG VÀ TÌNH TRẠNG CỦA LINH SỰ PHÁ VỠ VÀ ẤN TƯỢNG
Chúng ta có là công nhân của Chúa hay không thì không tùy thuộc vào những gì chúng ta nói hay làm nhưng tùy thuộc vào những gì ra từ chúng ta. Nếu chúng ta nói hay làm một điều, nhưng những gì ra từ chúng ta là một điều khác thì những người khác sẽ không nhận được sự giúp đỡ. Những gì ra từ chúng ta là điều rất quan trọng.
Thỉnh thoảng chúng ta nói mình có ấn tượng tốt về một người nào đó, hay có ấn tượng xấu về một người khác. Ấn tượng này đến từ đâu? Ấn tượng không đến từ lời nói của một người. Nếu ấn tượng đến từ lời nói của người ta, chúng ta sẽ nói một người tốt nếu lời nói của người ấy tốt và người ấy xấu nếu lời nói của người ấy xấu; như vậy, không có gì cần phải bàn về ấn tượng. Nhưng trên thực tế, có một điều gì đó không giải thích được đã đem đến cho chúng ta những ấn tượng. Ấn tượng chúng ta nhận được từ một người là một điều tách biệt với lời nói và việc làm của người ấy. Khi người ấy đang nói hoặc hành động, một điều gì khác ra từ bản thể người ấy, đó là điều gây ấn tượng nơi chúng ta.
Điều gây ấn tượng nơi người khác là những điều mạnh mẽ nhất trong chúng ta. Nếu tư tưởng của chúng ta chưa bao giờ bị phá vỡ, bất pháp và phóng túng, khi chúng ta gặp các anh chị em, tự phát họ sẽ chạm đến tư tưởng của chúng ta. Điều này sẽ là tất cả những gì gây ấn tượng trong họ. Có thể chúng ta có tình cảm bất thường, nồng nhiệt hay lạnh lẽo khác người. Nếu tình cảm của chúng ta chưa bao giờ bị Chúa phá vỡ, nó sẽ tự động phát ra từ chúng ta khi chúng ta tiếp xúc với những người khác. Ấn tượng những người khác ghi nhận được sẽ thuộc về tình cảm của chúng ta. Điều mạnh mẽ của chúng ta sẽ ra từ chúng ta và đó là ấn tượng người khác ghi nhận. Chúng ta có thể kiểm chế lời nói và hành động của mình, nhưng không thể kiểm chế những gì tuôn ra từ mình. Bất cứ điều gì chúng ta có sẽ tự phát tuôn ra từ chúng ta.
2 Các Vua chương 4 ghi lại về việc người đàn bà Su-nem đón tiếp Ê-li-sê. Kinh Thánh nói rằng: “Một ngày kia, Ê-li-sê đi ngang qua đất Su-nem. Tại đó có một người đàn bà giàu có, giữ người lại dùng bữa. Từ ngày ấy, mỗi khi người đi ngang qua đó, thì vào nhà người đàn bà này mà dùng bữa. Người ấy nói với chồng mình rằng: Tôi biết rằng người hay đến nhà chúng ta đây là một người thánh của Đức Chúa Trời” (cc. 8-9). Ê-li-sê đi ngang qua Su-nem. Ông không giảng hay làm một phép lạ nào. Mỗi khi đi ngang qua, ông ghé lại và dùng bữa tại đó. Bà nhận ra ông là người của Đức Chúa Trời qua cách ông dùng bữa. Đó là ấn tượng Ê-li-sê đã để lại trong người khác.
Ngày nay, chúng ta phải tự hỏi: Chúng ta để lại trong người khác ấn tượng gì? Điều gì ra từ chúng ta? Chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng người bề ngoài phải bị phá vỡ. Nếu người bề ngoài không bị phá vỡ, ấn tượng người khác ghi nhận từ chúng ta không gì khác hơn là người bề ngoài. Mỗi khi tiếp xúc với người khác, chúng ta có thể tạo cho họ một cảm giác không được dễ chịu rằng chúng ta yêu mình, cứng cỏi và kiêu ngạo. Hay chúng ta có thể gây cho họ một ấn tượng là mình thông minh và nói năng rất lưu loát. Có lẽ chúng ta tạo cho họ cái gọi là ấn tượng tốt. Nhưng ấn tượng ấy có làm hài lòng Đức Chúa Trời không? Ấn tượng ấy có đáp ứng nhu cầu của Hội thánh không? Đức Chúa Trời không thỏa lòng và Hội thánh không cần cái gọi là ấn tượng tốt ấy.
Anh em ơi, Đức Chúa Trời đòi hỏi linh phải được giải phóng, và Hội thánh cũng đòi hỏi linh chúng ta phải được giải phóng. Chúng ta có một nhu cầu rất lớn lao và rất quan trọng, đó là người bề ngoài phải bị phá vỡ. Nếu người bề ngoài không bị phá vỡ, thì linh chúng ta không được giải phóng, và ấn tượng chúng ta để lại nơi người khác không phải là ấn tượng của linh.
Một anh em từng nói về đề tài Thánh Linh, nhưng tất cả lời nói, thái độ và các câu chuyện của anh phơi bày anh là một người đầy dẫy bản ngã. Trong khi lắng nghe anh, người ta rất khó chịu. Thánh Linh ở nơi môi miệng anh, nhưng bản ngã ở nơi bản thể của anh. Lời anh nói về Thánh Linh, nhưng ấn tượng anh để lại nơi người khác là bản ngã của mình. Điều ấy là để cho mục đích gì? Chúng ta không được chỉ chú ý đến giáo lý. Vấn đề quan trọng là điều ra từ chúng ta. Nếu những gì ra từ chúng ta là bản ngã, người khác sẽ chỉ chạm đến bản ngã. Mặc dầu đề tài có thể rất tuyệt vời và bài giảng của chúng ta xuất sắc, nhưng nó đem lại ích lợi gì? Đức Chúa Trời không có ý định là chúng ta chỉ tiến bộ về một giáo lý mà thôi. Ngài phải xử lý con người. Nếu con người của chúng ta không được xử lý, chúng ta sẽ rất ít hữu dụng cho công việc của Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ có thể trao cho người khác những sự dạy dỗ thuộc linh, chứ không thể gây cho họ những ấn tượng thuộc linh. Thật là một điều đáng thương nếu sự dạy dỗ của chúng ta thì thuộc linh nhưng ấn tượng chúng ta để lại nơi họ lại thuộc bản ngã! Đó là lý do chúng tôi nhiều lần nói rằng Đức Chúa Trời cần phá vỡ con người bề ngoài của chúng ta.
Nhiều lần Đức Chúa Trời đã sắp đặt hoàn cảnh của chúng ta để phá vỡ điểm mạnh mẽ nơi chúng ta. Nó có thể mạnh đến nỗi một cú đấm không đủ để cất bỏ nó đi. Vì vậy, phải có cú đấm thứ hai. Nếu điều mạnh mẽ trong chúng ta không đầu hàng, sẽ có cú đấm thứ ba. Đức Chúa Trời không để chúng ta yên. Ngài phải phá vỡ điểm mạnh mẽ của chúng ta. Ngài sẽ không bao giờ dừng công việc mình.
Những gì Thánh Linh hoàn thành trong chúng ta qua công tác sửa trị của Ngài khác với những gì chúng ta nhận lãnh qua sự dạy dỗ bình thường. Khi tiếp nhận một bài giảng, chúng ta thường hiểu giáo lý trong tâm trí và rồi chờ đợi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trước khi Đức Chúa Trời dẫn chúng ta vào kinh nghiệm ấy cách chủ quan. Chúng ta tiếp nhận lời giảng, và sau đó bước vào lẽ thật. Nhưng sự sửa trị của Thánh Linh hành động cách khác. Đặc điểm sự sửa trị của Thánh Linh là ngay khi thấy lẽ thật, chúng ta nhận được nội dung của lẽ thật ấy. Hai điều này xảy ra cùng một lúc. Chúng ta không thấy giáo lý rồi sau đó nhận được nội dung. Chúng ta là những người khờ dại; chúng ta hiểu giáo lý nhanh chóng, nhưng học tập qua sự sửa trị cách chậm chạp. Chúng ta có thể nhớ nhiều sự dạy dỗ sau khi nghe qua chỉ một lần. Nhưng sự sửa trị của Thánh Linh có thể đến với chúng ta mười lần, mà chúng ta vẫn hoang mang và ngạc nhiên không biết mình bị sửa trị để làm gì. Nếu Chúa không thể phá vỡ chúng ta bằng một cú đấm, Ngài sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi chúng ta kinh nghiệm sự sửa trị của Thánh Linh một lần, hai lần, mười lần hay thậm chí hàng trăm lần, Chúa sẽ hành động để đem một điều gì đó vào trong chúng ta, và trong giây phút đó chúng ta sẽ thấy lẽ thật. Giây phút chúng ta thấy lẽ thật là giây phút chúng ta nhận được lẽ thật. Vì vậy, sự sửa trị của Thánh Linh tương đương với cả sự phá đổ lẫn sự xây dựng của Thánh Linh. Đó là công tác của Thánh Linh. Sau khi một người trải qua sự sửa trị của Thánh Linh, người ấy được soi sáng cũng như thấy lẽ thật; người ấy được xây dựng cũng như bị phá đổ. Khi kinh nghiệm thật nhiều sự sửa trị của Thánh Linh, người ấy sẽ thấy và đụng chạm một điều gì thật ở trước mặt Chúa và sẽ thưa rằng: “Cảm tạ Chúa. Bây giờ con biết Ngài đã dùng năm, mười năm qua để xử lý con chỉ vì mục đích loại bỏ một điều này”. Cảm tạ Chúa vì Ngài lấy đi những chướng ngại vật qua sự xử lý lặp đi lặp lại nhiều lần.
SOI SÁNG VÀ GIẾT CHẾT
Soi sáng là một công tác khác của Thánh Linh. Linh xử lý người bề ngoài bằng hai phương tiện: sửa trị và soi sáng. Đôi khi Ngài hành động bằng hai phương tiện ấy cùng một lúc và vào những lúc khác thì Ngài sử dụng chúng nối tiếp nhau. Thỉnh thoảng, Thánh Linh sửa trị chúng ta qua hoàn cảnh để đánh gục những điểm mạnh trong chúng ta. Vào những lúc khác, Ngài ban cho chúng ta ân điển đặc biệt bằng cách soi sáng chúng ta một cách đặc biệt. Chúng ta phải sáng tỏ rằng xác thịt chỉ có thể ẩn núp trong bóng tối. Khi bóng tối ra đi, xác thịt không còn chỗ nào trốn nữa. Nhiều hành động của xác thịt vẫn còn lại vì chúng ta không nhận biết chúng là xác thịt. Ngay khi ánh sáng đến và chúng ta thấy chúng là xác thịt, chúng ta sợ hãi không dám hành động như trước.
Khi Hội thánh phong phú, khi Lời Đức Chúa Trời được giải phóng, khi chức vụ lời mạnh mẽ, và khi việc nói tiên tri trở nên phổ biến, ánh sáng thường xuyên [chiếu rọi] và đắc thắng. Một khi ánh sáng chiếu soi, chúng ta nhận biết kiêu ngạo là gì. Chúng ta bắt đầu biết chính điều mà mình đã nói đến trong quá khứ. Trước đây khi chúng ta nói về sự kiêu ngạo, đó là chúng ta khoe khoang về một điều gì. Nhưng khi nhìn thấy sự kiêu ngạo trong ánh sáng, chúng ta chỉ có thể kêu lên: “Chúa ôi! Đây là sự kiêu ngạo. Bây giờ con mới biết tính kiêu ngạo thật là gian ác và ô uế!” Sự kiêu ngạo chúng ta thấy trong ánh sáng của sự khải thị hoàn toàn khác với sự kiêu ngạo chúng ta nói trên môi miệng mình. Sự kiêu ngạo chúng ta huyên thuyên nói đến không có vẻ gì gớm ghiếc và ô uế đối với chúng ta. Thậm chí trong khi đang nói về sự kiêu ngạo, chúng ta rất ít cảm xúc về điều ấy. Nhưng khi chúng ta được soi sáng, mọi sự trở nên khác biệt. Ánh sáng phơi bày tình trạng thật của chúng ta. Bản ngã mà chúng ta thấy ngày nay gian ác và ô uế hàng ngàn lần hơn bản ngã chúng ta nói đến trong quá khứ. Trong những hoàn cảnh như vậy, sự kiêu ngạo, bản ngã và xác thịt sẽ tàn héo. Chúng bị cất bỏ đi và không còn tồn tại được nữa.
Điều kỳ diệu là bất cứ điều gì chúng ta thấy trong ánh sáng đều bị ánh sáng giết chết. Sự nhìn thấy và giết chết không xảy ra nối tiếp nhau. Chúng ta không thấy những khuyết điểm của mình và sau đó mới dần dần loại bỏ chúng. Khi nhìn thấy khuyết điểm của mình dưới sự soi sáng, những khuyết điểm chấm dứt ngay lập tức, chúng liền bị giết chết. Ánh sáng giết chết, đây là điều kỳ diệu nhất trong kinh nghiệm của Cơ Đốc nhân. Khi Thánh Linh soi sáng chúng ta, chúng ta được xử lý. Vì vậy, sự khải thị bao hàm sự nhìn thấy và sự giết chết. Qua việc chúng ta nhìn thấy, xác thịt bị tàn héo. Sự khải thị là phương cách hành động của Đức Chúa Trời. Thật ra, sự khải thị chính là hành động của Đức Chúa Trời. Ngay khi ánh sáng bày tỏ, nó cũng giết chết. Khi ánh sáng soi sáng, chúng ta nhìn thấy, và sự nhìn thấy của chúng ta giết chết mọi sự. Một khi chúng ta thấy một điều gì đó ô uế và gian ác như thế nào và nhìn thấy sự kết án của Đức Chúa Trời, thì điều đó không còn tồn tại được nữa.
Điều lớn lao nhất trong kinh nghiệm của Cơ Đốc nhân là sự giết chết của ánh sáng. Phao-lô không nhận lãnh sự soi sáng rồi vội vàng quì xuống bên đường, nhưng ngay giây phút được soi sáng, ông ngã xuống. Trước đó, ông có thể hoạch định mọi sự, và tự tin trong mọi sự. Tuy nhiên, phản ứng đầu tiên của ông khi ánh sáng đến là ngã xuống. Ông trở nên khờ dại và dốt nát. Ánh sáng hạ ông xuống. Chúng ta nên lưu ý rằng hai điều này xảy ra như một bước, chứ không phải hai bước. Điều này không xảy ra theo cách chúng ta nghĩ. Đức Chúa Trời không chiếu sáng trên chúng ta và làm cho chúng ta hiểu, rồi sau đó chúng ta thực hiện điều Ngài đã bày tỏ cho mình. Đức Chúa Trời không soi sáng chúng ta về những khuyết điểm của mình, rồi chúng ta bắt đầu sửa đổi những khuyết điểm ấy. Không, Đức Chúa Trời không hành động như vậy. Ngài phô bày chúng ta là gian ác, ô uế và thiếu hụt ra sao, và ngay khi thấy như vậy, chúng ta kêu lên: “Ôi! Tôi là người ô uế và gian ác dường nào!” Ngay khi Đức Chúa Trời bày tỏ tình trạng thật của chúng ta, chúng ta ngã xuống. Chúng ta tàn héo và không thể nào đứng dậy được nữa. Một khi người kiêu ngạo được soi sáng, người ấy không còn có thể kiêu ngạo được cho dầu có cố gắng chăng nữa. Một khi chúng ta thấy tình trạng thật của mình trong ánh sáng của Đức Chúa Trời và một khi chúng ta thấy sự kiêu ngạo của mình là gì, ấn tượng ấy sẽ không bao giờ lìa khỏi chúng ta. Một điều gì đó còn lại trong chúng ta làm cho chúng ta đau đớn, làm cho chúng ta cảm thấy mình vô dụng và chúng ta không thể kiêu ngạo được nữa.
Khi Đức Chúa Trời chiếu sáng trên chúng ta, đó là lúc chúng ta tin và phủ phục, chứ không phải là lúc cầu khẩn. Nhiều anh chị em bận rộn cầu nguyện khi Đức Chúa Trời phán với họ. Kết quả là họ không thấy ánh sáng gì cả. Nguyên tắc đem chúng ta đến sự cứu rỗi ban đầu vẫn đúng cho mọi công tác sau đó của Đức Chúa Trời. Khi được soi sáng để nhận sự cứu rỗi, chúng ta chỉ làm một điều là quì xuống và cầu nguyện: “Chúa ôi, con tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa mình”. Tiếp theo, một điều gì đó đã xảy ra. Nếu sau khi nghe phúc âm, một người cầu nguyện: “Chúa ôi, con nài xin Ngài hãy làm Cứu Chúa của con”, thì người ấy có thể cầu nguyện như vậy suốt mấy ngày mà vẫn không cảm thấy Chúa đã cứu mình. Ngay khi được Chúa soi sáng, chúng ta phải ngã xuống dưới ánh sáng của Ngài và thưa rằng: “Chúa ôi, con chấp nhận sự phán xét của Ngài. Con chấp nhận quan điểm của Ngài”. Nếu chúng ta làm như vậy, Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta nhiều ánh sáng hơn và bày tỏ cho chúng ta thấy mình ô uế là dường nào.
Vào ngày Đức Chúa Trời chiếu rọi ánh sáng của Ngài trên chúng ta, nhiều điều sẽ thay đổi trước mắt chúng ta. Chúng ta từng nghĩ mình đã làm nhiều điều trong danh Chúa và vì cớ tình yêu. Nhưng bây giờ bức tranh đã thay đổi. Chúng ta khám phá ra rằng ẩn sâu bên dưới các mục tiêu cao cả nhất của mình là những động cơ thấp hèn và xấu xa. Chúng ta nghĩ mình tuyệt đối vì Đức Chúa Trời. Bây giờ chúng ta khám phá thấy mình đầy dẫy những kế hoạch cho chính mình. Thật ra chúng ta đầy dẫy những điều này đến nỗi chỉ còn biết té sấp mặt xuống. Bản ngã con người len vào mọi ngõ ngách, thậm chí nó còn muốn chiếm đoạt vinh quang của Đức Chúa Trời. “Có điều gì mà con người không thể làm?” Khi Đức Chúa Trời soi sáng, chúng ta thấy mình là loại người nào. Ngay khi sự khải thị của Đức Chúa Trời đến, tình trạng của chúng ta bị phơi bày và vạch trần. Ngài phơi bày chúng ta và chúng ta thấy chính mình. Trước đây, chỉ có Chúa biết chúng ta. Chúng ta đã trần trụi và bị phơi ra trước mắt Ngài, chứ không phải trước mắt mình; chúng ta vẫn không biết chính mình. Nhưng khi Đức Chúa Trời phơi bày mọi tư tưởng và ý định của lòng chúng ta, chúng ta bị vạch trần không những trước mắt Ngài, mà còn trước mắt chúng ta nữa. Khi trần trụi và bị phơi bày trước chính mình, chúng ta không còn dám ngước đầu lên. Trước khi bị phơi bày, chúng ta không biết chính mình, và có thể dễ dàng chấp nhận mình. Nhưng khi thấy chính mình trong ánh sáng của Đức Chúa Trời, chúng ta xấu hổ đến nỗi không có nơi nào đủ kín đáo để chúng ta ẩn nấp. Bây giờ chúng ta biết mình là loại người nào! Bây giờ chúng ta biết mình đã khoe khoang như thế nào! Chúng ta từng nghĩ mình tốt hơn những người khác. Bây giờ chúng ta biết mình là loại người nào! Chúng ta không thể tìm được những từ ngữ phù hợp hơn trước mặt Chúa để mô tả chính mình, mà chỉ có thể nói mình ô uế và gian ác. Chúng ta thừa nhận rằng mắt mình đã mù lòa nhiều năm, không thấy gì cả. Càng thấy sự ô uế của mình, chúng ta càng xấu hổ. Dường như mọi sự xấu hổ trên thế giới đều đổ trên chúng ta. Chúng ta phủ phục trước mặt Chúa và ăn năn rằng: “Con ăn năn về chính mình. Con ghét chính mình. Con thừa nhận rằng con là một người vô phương chữa trị”.
Sự soi sáng, ăn năn, xấu hổ, gớm ghiếc và phủ phục này sẽ rũ bỏ những gì chúng ta không thể rũ bỏ trong nhiều năm tháng. Sự cứu rỗi con người đến từ sự soi sáng tức khắc này. Nhìn thấy và dứt bỏ là một công tác, cả hai điều này kết hợp với nhau. Khi Chúa soi sáng, Ngài cũng cứu rỗi. Sự soi sáng là sự cứu rỗi, và nhìn thấy là được giải cứu. Chúng ta cần nhìn thấy như vậy trước mặt Chúa. Chỉ có sự soi sáng này mới cất bỏ sự kiêu ngạo của chúng ta, chỉ có ánh sáng này mới chận đứng những hoạt động xác thịt của chúng ta và phá vỡ lớp vỏ bề ngoài của chúng ta.
SO SÁNH KỶ LUẬT VÀ SỰ KHẢI THỊ
Chúng ta có hai điều chính yếu trước mắt mình: sự sửa trị của Linh và sự soi sáng của Đức Chúa Trời, hay chúng ta có thể nói đó là sự khải thị của Linh. Chúng ta hãy so sánh hai điều này. Sự sửa trị của Thánh Linh nói chung là một tiến trình chậm chạp, đến với chúng ta cách chậm rãi, tiệm tiến. Đôi khi phải mất vài năm để Ngài xử lý chúng ta về một điều nào đó. Hơn nữa, sự sửa trị này không nhất thiết đến qua chức vụ lời. Nhiều lúc không có chức vụ lời, nhưng Linh vẫn thi hành kỷ luật của Ngài. Nhưng sự khải thị của Thánh Linh thì khác. Sự khải thị thường đến cách nhanh chóng, có thể trong vài ngày hay vài phút. Ánh sáng của Đức Chúa Trời có thể chiếu trên một người trong vòng vài phút hay vài ngày. Dưới ánh sáng này, người ấy thấy mình bị kết liễu, hoàn toàn vô dụng, và mọi sự kiêu ngạo trước đây bây giờ là sự xấu hổ của mình. Sự khải thị này của Thánh Linh thường đến qua chức vụ lời. Đó là lý do sự khải thị của Thánh Linh xảy ra thường xuyên hơn khi Hội thánh mạnh mẽ và chức vụ lời phong phú. Nhưng thậm chí khi không có chức vụ lời, và do đó có ít sự khải thị từ Linh, không ai có thể ở trong sự hiện diện của Chúa mà vẫn duy trì người bề ngoài của mình. Lời và sự khải thị có thể thiếu, nhưng vẫn có sự sửa trị của Thánh Linh. Mặc dầu một người chưa tiếp xúc với những tín đồ khác suốt nhiều năm, Thánh Linh vẫn thực hiện công tác sửa trị trên người đó, và người ấy vẫn học và đụng chạm một điều gì đó thật cao ở trước mặt Chúa. Một số người không có chức vụ lời vì Hội thánh yếu đuối. Một số thậm chí nghĩ rằng họ đã mất sự sửa trị của Thánh Linh do sự ngu dại của mình. Điều này không có nghĩa là không còn sự sửa trị của Thánh Linh. Trái lại, điều này có nghĩa là Thánh Linh đã và đang sửa trị nhiều năm nhưng không sinh ra điều gì cả hay đạt đến một kết quả nào. Có thể Chúa đã đánh một lần và có thể chúng ta không biết ý nghĩa của sự đánh đập ấy. Ngài lại đánh nữa, và có thể chúng ta vẫn không biết điều đó có ý nghĩa gì. Ngài có thể đánh đập mười năm, trong khi chúng ta hành động như một con lừa không có lý trí, không biết ý định của Ngài. Đó là một điều đáng thương. Sự sửa trị không bao giờ thiếu nơi chúng ta, điều thiếu hụt là chúng ta không nhìn biết bàn tay của Chúa ở trên mình.
Chúa thường sửa trị chúng ta, nhưng chúng ta lại chú ý đến loài người và chọn con đường sai lầm. Thái độ của chúng ta trước mặt Chúa nên giống như điều tác giả Thi Thiên đã nói: “Tôi câm, không mở miệng ra, vì Chúa đã làm điều ấy” (Thi. 39:9). Chúng ta phải nhớ rằng đó không phải anh em, chị em, bạn bè và họ hàng của mình hay bất cứ một người nào khác đang đối xử với chúng ta. Đó là Đức Chúa Trời đang xử lý chúng ta. Chúng ta phải nhìn thấy điều này. Chúng ta phải nhận thức rằng Chúa đang sửa trị mình và xử lý mình suốt những năm tháng này. Vì sự dốt nát của mình, chúng ta đổ lỗi cho người khác hoặc ngay cả cho số mệnh. Như vậy là chúng ta hoàn toàn không nhận biết bàn tay của Đức Chúa Trời và điều đó là sai lầm. Chúng ta phải nhớ rằng mọi sự đều được Đức Chúa Trời đo lường cho chúng ta. Số lượng, thời lượng và mức độ những gì xảy đến cho chúng ta đều được Ngài đo lường. Ngài ra lệnh cho mọi sự quanh chúng ta, mục đích duy nhất của điều đó là phá vỡ những điểm cứng cỏi, chậm hiểu, dễ nhận thấy nhất của chúng ta. Nguyện Chúa nhân từ đối với chúng ta và bày tỏ cho chúng ta ý nghĩa của công tác Ngài trong chúng ta. Nguyện Ngài ban cho chúng ta nhiều ánh sáng để phơi bày chúng ta và làm cho chúng ta khiêm nhường. Nếu Chúa phá vỡ người bề ngoài của chúng ta, chúng ta sẽ không còn bày tỏ cho những người khác bản ngã mạnh mẽ của mình khi tiếp xúc với họ. Thay vào đó, linh chúng ta sẽ tuôn tràn mỗi khi tiếp xúc với họ.
Chúng ta cầu nguyện để Hội thánh đi đến chỗ biết Đức Chúa Trời hơn bao giờ hết. Chúng ta cũng cầu nguyện để con cái của Đức Chúa Trời nhận được ơn phước chưa từng có từ nơi Ngài. Chúa cần phải điều chỉnh con người chúng ta cho đến khi chúng ta trở nên đúng đắn. Không những phúc âm cần phải đúng đắn, mà người rao giảng phúc âm cũng phải đúng đắn. Không những sự dạy dỗ cần phải đúng đắn, mà người dạy dỗ cũng phải đúng đắn. Vấn đề là Đức Chúa Trời có tuôn đổ qua linh chúng ta hay không. Khi linh được giải phóng, nhiều người trên thế giới này đang cần đến linh sẽ được chạm đến. Không có công tác nào quan trọng hơn hay cơ bản hơn công tác này, và không có công việc nào có thể thay thế công việc này. Chúa không chú tâm đến giáo lý, sự dạy dỗ hay bài giảng của chúng ta. Ngài đang hỏi chúng ta để lại ấn tượng gì nơi người khác? Điều gì ra từ chúng ta? Chúng ta đang kéo người khác đến với mình hay đến với Chúa? Họ tiếp xúc với giáo lý hay tiếp xúc với Chúa qua chúng ta? Đó là vấn đề rất nghiêm trọng. Nếu vấn đề này không được giải quyết, mọi công lao và công việc của chúng ta sẽ không có giá trị bao nhiêu.
Anh em ơi, Chúa quan tâm đến điều gì ra từ chúng ta hơn là những gì chúng ta nói trên môi miệng. Mỗi khi chúng ta tiếp xúc với một người nào, luôn luôn có một điều gì đó ra từ chúng ta. Hoặc bản ngã chúng ta tuôn ra hay Đức Chúa Trời ra từ chúng ta. Hoặc người bề ngoài tuôn ra hay linh tuôn đổ ra. Anh em ơi, tôi xin nhắc lại câu hỏi này: “Khi chúng ta đứng trước mọi người, điều gì ra từ chúng ta?” Đó là vấn đề cơ bản cần được giải quyết. Nguyện Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta và nguyện chúng ta nhìn thấy ánh sáng.
CHƯƠNG CHÍN
SỰ MỀM MẠI SAU KHI BỊ PHÁ VỠ
SỰ MỀM MẠI VÀ SỰ PHÁ VỠ Ý CHÍ
Đức Chúa Trời dùng nhiều cách để phá vỡ người bề ngoài của chúng ta và những phương cách ấy thay đổi từ người này sang người khác. Đó là lý do vì sao Thánh Linh nhắm đến những loại sửa trị khác nhau cho những con người khác nhau. Đối với một số người, Đức Chúa Trời xử lý lòng yêu mình của họ cách đặc biệt. Nhiều lần Đức Chúa Trời sắp đặt hoàn cảnh để xử lý lòng yêu mình của họ. Đối với những người khác, Đức Chúa Trời xử lý tánh kiêu ngạo của họ. Nhiều lần Đức Chúa Trời sắp đặt hoàn cảnh để xử lý tánh kiêu ngạo của họ. Với những người khác nữa, Đức Chúa Trời xử lý sự khôn ngoan của họ. Ngài phá đổ lòng tin cậy nơi cách bước đi bắt nguồn từ sự khôn ngoan riêng của họ. Ngài cho phép họ phạm những sai lầm ngớ ngẩn và thất bại trong tất cả những gì họ nắm lấy quanh mình. Đức Chúa Trời cho phép họ thất bại nhiều lần để họ không còn tin cậy vào sự khôn ngoan của mình, cho đến khi họ nói rằng: “Tôi không sống nhờ sự khôn ngoan của con người, nhưng nhờ sự thương xót của Đức Chúa Trời”. Đối với một số người, Thánh Linh có thể sắp đặt một loại kỷ luật khác; Ngài có thể dùng hoàn cảnh để đập tan tính chủ quan của họ. Nhiều người rất ngoan cố. Họ đầy dẫy ý kiến và phương pháp. Kinh Thánh nói: “Ta là Giê-hô-va... có điều gì quá khó cho Ta chăng?” (Giê. 32:27). Đối với một số anh em, dường như không có gì quá khó cho họ. Họ không bao giờ thấy có điều nào bắt họ phải cúi xuống và thừa nhận sự ngu dốt cùng bất năng của mình. Linh của Chúa phải xử lý họ qua mọi loại hoàn cảnh. Ngài phải “đánh đập” họ nhiều lần. Những người này sẽ thấy rằng dầu khoe khoang về mọi điều, họ chẳng hoàn thành được điều nào cả. Những gì họ cho là dễ lại trở nên nguyên nhân gây ra những thất bại và xấu hổ. Thánh Linh quyết định làm cho họ khiêm nhường bằng cách ấy. Nói cách đơn giản, Linh “đánh đập” những con người khác nhau ở những điểm khác nhau.
Linh cũng xử lý mỗi người với một tốc độ khác nhau. Đối với một số người, roi của Chúa “thăm viếng” họ liên tục một cách nhanh chóng, không nhân nhượng. Đối với những người khác, Chúa xử lý họ một thời gian và sau đó cho họ một giai đoạn nghỉ ngơi. Nhưng có một điều không thay đổi: Ngài luôn luôn đánh đòn những người Ngài thương yêu. Chúng ta sẽ thấy có nhiều “vết bầm” giữa vòng con cái Đức Chúa Trời. Đó là kết quả của công tác Thánh Linh. Khi sự sửa phạt đến, roi vọt có thể đánh vào những điểm khác nhau, nhưng mục tiêu vẫn giống nhau. Dầu hình thức sửa phạt bên ngoài như thế nào chăng nữa, nó vẫn luôn luôn gây thương tích bên trong người bị phạt. Đức Chúa Trời có thể quyết định xử lý lòng yêu mình, sự khôn ngoan hay tính chủ quan của chúng ta. Dầu Ngài đụng đến bất cứ điểm nào, kết quả của mỗi một sự xử lý vẫn là làm cho chúng ta yếu hơn trước. Ngài xử lý chúng ta nhiều lần cho đến khi bản ngã chúng ta bị thương và chúng ta bị yếu đi. Một số người được Ngài đụng đến tình cảm một cách đặc biệt. Những người khác được Ngài đặc biệt đụng đến tâm trí. Dầu một người được Ngài đụng đến bất cứ lãnh vực nào, kết quả sau cùng vẫn là sự phá vỡ ý chí. Một người có thể được đụng đến ở một lãnh vực nào đó, nhưng sự phá vỡ luôn luôn áp dụng cho bản ngã và ý chí. Tất cả chúng ta đều ương ngạnh. Ý chí chúng ta cứng cỏi. Ý chí ương ngạnh của chúng ta được tâm trí, những đề nghị, lòng yêu mình, tình cảm và sự khôn ngoan của chúng ta hỗ trợ cho. Những điều duy trì ý chí ương ngạnh của chúng ta có thể khác nhau, nhưng trong mọi trường hợp đều có sự cứng cỏi của ý chí. Công tác đánh đập, xử lý và phá vỡ của Thánh Linh có thể khác nhau, nhưng công tác cắt tỉa sau cùng và nội tại thì vẫn giống nhau, đó là xử lý bản ngã và đánh vào ý chí.
Vì vậy, tất cả những ai chịu khuất phục, dầu nhờ sự khải thị hay nhờ sự sửa trị, cũng bày tỏ một tính chất, đó là sự mềm mại. Sự mềm mại là dấu hiệu của một người đã tan vỡ. Những ai đã được Đức Chúa Trời làm cho tan vỡ đều mềm mại trước mặt Ngài. Vỏ bề ngoài của chúng ta cứng cỏi và khép kín vì có nhiều điều hỗ trợ cho những điều cứng cỏi trong chúng ta. Chúng ta giống như một căn nhà có nhiều cột chống đỡ. Những cột này giữ cho căn nhà khỏi sụp đổ. Khi Đức Chúa Trời lần lượt cất bỏ những cây cột ấy, căn nhà sụp xuống. Một khi cấu trúc hỗ trợ ở bên ngoài bị lấy đi, bản ngã bên trong sụp đổ. Chúng ta không nên nghĩ rằng những ai nói năng nhỏ nhẹ không có một ý chí cứng cỏi. Chúng ta không nên nghĩ rằng những ai hạ giọng tỏ vẻ chịu khuất phục là những người có ý chí mềm mại. Nhiều người nói năng nhỏ nhẹ lại rất cứng cỏi bên trong. Sự cứng cỏi liên quan đến bản chất của chúng ta, không liên quan đến giọng nói của chúng ta. Nhiều người bề ngoài có vẻ mềm mại hơn người khác, họ tỏ ra không hấp tấp và ăn to nói lớn như người khác. Nhưng trước mặt Đức Chúa Trời, họ cũng ương ngạnh, cứng cỏi, ích kỷ và tự tin y như vậy. Những yếu tố hỗ trợ khích lệ cho cấu trúc bên trong của chúng ta có thể khác nhau, nhưng cấu trúc bên trong ấy giống nhau. Bản ngã, ý chí cũng mạnh mẽ y như nhau. Chúa phải lần lượt cất những yếu tố hỗ trợ ấy đi. Ngài phải phá vỡ chúng từng điều một. Đó là lý do vì sao Ngài xử lý chúng ta một lần, hai lần và nhiều lần. Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, một điều gì đó sẽ bị đánh hạ khỏi chúng ta qua những sự xử lý lặp đi lặp lại này. Một sự sửa trị nghiêm khắc như vậy sẽ tạo nên một sự sợ hãi trong chúng ta khi chúng ta lại muốn làm những điều tương tự. Chúng ta sẽ biết rằng nếu mình làm những điều giống như vậy, Chúa lại sẽ đánh đập mình. Nếu chúng ta nói những điều tương tự, Chúa sẽ lại sửa trị mình. Chúng ta không còn tự do để hành động. Dường như Đức Chúa Trời chỉ đụng đến những điều bề ngoài. Nhưng thật ra, chính con người của chúng ta đã trở nên mềm mại, chúng ta không còn có thể đứng trong lãnh vực mình đã bị đụng đến. Ít nhất trong lãnh vực đặc biệt ấy, chúng ta không dám trái lời Chúa hay khăng khăng giữ ý kiến của mình nữa. Vì sợ Chúa sửa trị, chúng ta không còn dám chuyển động. Chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời và trở nên mềm mại trong lãnh vực đặc biệt ấy. Càng kinh nghiệm sự xử lý của Đức Chúa Trời, chúng ta càng trở nên mềm mại. Đức Chúa Trời càng thực hiện công tác phá vỡ trong chúng ta, và phạm vi của sự phá vỡ này càng rộng lớn, chúng ta sẽ càng nhanh mềm mại. Sự mềm mại là kết quả của sự phá vỡ.
Khi tiếp xúc với một số anh em, chúng ta có thể nói họ rất có tài, nhưng chúng ta có cảm nhận họ chưa được phá vỡ. Đó là tình trạng của nhiều người: Họ có tài, nhưng chưa được phá vỡ. Những người khác có thể cảm nhận được điều đó. Ngay khi tiếp xúc với những người ấy, chúng ta có thể cảm thấy sự cứng cỏi của họ. Một khi bị phá vỡ, họ trở nên mềm mại. Nếu một người chưa bao giờ bị phá vỡ, chắc chắn người ấy vẫn cứng cỏi. Một người kinh nghiệm sự sửa trị của Đức Chúa Trời trong bất cứ lãnh vực nào, người ấy sẽ được tẩy sạch sự khoe khoang, kiêu ngạo, cẩu thả và bất pháp trong chính lãnh vực đó. Người ấy sẽ kính sợ Đức Chúa Trời và sẽ trở nên mềm mại trong lãnh vực đó.
Kinh Thánh dùng nhiều biểu hiệu tượng trưng cho Thánh Linh. Linh được tượng trưng bằng lửa cũng như bằng nước. Lửa chỉ về quyền năng của Linh, trong khi nước chỉ về sự thuần khiết của Ngài. Chim bồ câu được dùng để tượng trưng cho bản chất của Linh. Bản chất của Linh là bản chất của chim bồ câu, mềm mại, hòa bình và nhu mì. Bản chất của chim bồ câu không cứng cỏi. Khi Linh của Đức Chúa Trời hành động để đem bản chất Ngài vào trong chúng ta từng bước một, chúng ta sẽ có được bản chất của chim bồ câu. Sự mềm mại là kết quả của sự kính sợ Đức Chúa Trời là dấu hiệu công tác phá vỡ của Linh.
NHỮNG BIỂU HIỆN KHÁC NHAU CỦA SỰ MỀM MẠI
Khi một người được Thánh Linh phá vỡ, anh ấy sẽ bày tỏ một sự mềm mại đến từ sự kính sợ Đức Chúa Trời. Khi những người khác tiếp xúc với anh, họ không còn thấy anh cứng cỏi, hung dữ và nghiêm khắc như trước. Sau khi được Chúa xử lý, giọng nói anh trở nên thuận phục và thái độ của anh trở nên mềm mại. Anh bắt đầu kính sợ Chúa ở bên trong, và sự kính sợ này tự động tuôn ra trong thái độ và lời nói của anh. Tự phát, anh trở nên một người mềm mại.
Dễ Được Xử Lý
Người mềm mại là người như thế nào? Người mềm mại là người dễ được xử lý. Anh dễ nói với người khác và dễ hỏi ý người khác. Khi được phá vỡ trước mặt Đức Chúa Trời, một người thậm chí dễ xưng tội và dễ khóc. Một số người rất khó khóc. Điều này không có nghĩa là khóc lóc tự nó có công đức gì. Nhưng điều này thật có nghĩa là khi một người đã trải qua sự xử lý của Đức Chúa Trời, tính tình bề ngoài, tư tưởng, tình cảm và ý chí bị vỡ nát, anh dễ thấy lỗi của mình và thừa nhận. Người khác không khó nói chuyện với anh. Vỏ của anh đã bị phá vỡ, tình cảm và tâm trí anh có khả năng tiếp nhận ý kiến của người khác, để cho người khác nói chuyện với mình và dạy dỗ mình. Anh sẽ được đưa vào trong một lãnh vực mới, và sẽ có thể tiếp nhận sự giúp đỡ bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào.
Dễ Có Cảm Nhận
Một người mềm mại là người có những cảm nhận nhạy bén. Vì người bề ngoài được phá vỡ, nên linh của anh dễ tuôn tràn, và anh ta dễ chạm đến linh của các anh chị em khác. Ngay khi linh họ chuyển động, anh có thể cảm nhận được điều đó. Cảm nhận của anh trở nên rất nhạy bén. Anh biết ngay một điều là đúng hay sai. Ngay khi linh của những người khác chuyển động, anh sẽ đáp ứng. Anh sẽ không làm gì khờ dại hay thiếu nhạy bén, và anh sẽ không làm gì gây tổn thương cảm xúc của những người khác. Chúng ta thường tiếp tục làm những điều mà linh của những người khác không tán đồng. Chúng ta cư xử như vậy vì người bề ngoài của mình chưa được phá vỡ. Linh của những người khác nhạy bén về những gì chúng ta đang làm, nhưng chúng ta không cảm nhận được gì cả. Một số anh chị em thường cầu nguyện những lời nhàm chán trong buổi nhóm đến nỗi những người khác ao ước họ dừng lại, nhưng họ cứ tiếp tục. Linh của những người khác lên tiếng nài nỉ họ dừng lại, nhưng họ không cảm nhận được gì cả trong chính mình. Cảm xúc của những người khác không tạo nên một sự đáp ứng nào trong họ. Lý do là vì người bề ngoài của họ chưa được phá vỡ. Nếu một người đã được phá vỡ, linh anh dễ chạm đến linh của những người khác, và anh dễ cảm thấy những gì người khác cảm thấy. Anh không hành động như một người thiếu nhạy bén, không biết đến những gì người khác đã thấy rõ ràng.
Chỉ có những ai mà người bề ngoài đã bị phá vỡ mới biết ý nghĩa Thân Thể của Đấng Christ. Chỉ có họ mới đụng chạm được linh của Thân Thể, chạm đến cảm nhận của những chi thể khác. Họ sẽ không còn hành động hay cảm nhận cách độc lập. Nếu một người không cảm nhận được gì cả, người ấy giống như một cánh tay nhân tạo, có lẽ là một cánh tay máy trong một thân thể. Một cánh tay máy có thể chuyển động với thân thể, nhưng nó thiếu một điều là cảm xúc. Một số người là những chi thể không có cảm giác. Toàn Thân Thể cảm nhận một điều nào đó, nhưng họ không cảm thấy gì cả. Một khi người bề ngoài được phá vỡ, họ sẽ chạm đến lương tâm và cảm nhận của Hội thánh. Linh họ sẽ mở ra, Hội thánh dễ chạm đến linh họ và dễ truyền thông những cảm nhận của Hội thánh với linh họ. Đó là một điều quí báu. Mỗi khi chúng ta sai lầm, chúng ta sẽ biết mình sai lầm. Tuy nhiên, sự phá vỡ con người bề ngoài không bảo đảm chúng ta không còn sai lầm nữa. Sự phá vỡ con người bề ngoài chỉ cung ứng cho chúng ta một khả năng báo cho chúng ta biết lúc mình sai lầm. Các anh chị em có thể nhận biết rằng chúng ta sai lầm mà không mở miệng để chỉ ra điều này. Nhưng ngay khi tiếp xúc với họ, chúng ta nhận biết mình sai lầm. Ngay khi chạm đến linh họ, chúng ta nhận biết họ đồng ý hay không đồng ý vấn đề đang được đặt ra. Đó là đòi hỏi cơ bản của nếp sống Thân Thể. Không có điều này, không thể có nếp sống Thân Thể. Thân Thể của Đấng Christ không đi đến sự thống nhất ý kiến qua việc thảo luận hay tranh luận, cũng như không cần có sự thảo luận trong chính thân thể của chúng ta. Mỗi một chi thể tự phát cảm nhận cùng một điều. Cảm nhận chung nhất này là ý muốn của Thân Thể, đó cũng là ý muốn của Đầu. Ý muốn của Đầu được bày tỏ qua ý muốn của Thân Thể. Khi người bề ngoài của chúng ta bị phá vỡ, chúng ta sẽ dễ được điều chỉnh, và dễ có được cảm nhận của Thân Thể.
Dễ Được Gây Dựng
Sự giúp đỡ lớn lao nhất mà chúng ta có thể nhận được không đơn giản đến từ sự điều chỉnh lỗi lầm. Sự giúp đỡ lớn lao nhất sẽ đến khi người bề ngoài của chúng ta bị phá vỡ và linh chúng ta mở ra và được tự do. Khi điều này xảy ra, chúng ta sẽ nhận được sự cung ứng từ linh của những người khác. Linh chúng ta không những được giải phóng, nó cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ thuộc linh bất cứ nơi nào chúng ta đi đến. Nếu người bề ngoài của chúng ta không được phá vỡ, chúng ta rất khó nhận được sự giúp đỡ của bất cứ người nào. Giả sử người bề ngoài của một anh em chưa được phá vỡ vì tâm trí anh quá cứng cỏi. Khi anh em này đến buổi nhóm, anh sẽ khó được gây dựng. Trừ phi một người cứng đầu đối diện với một tâm trí cứng cỏi khác, anh sẽ không nhận được một sự giúp đỡ nào từ bất cứ ai. Trong khi những anh em khác đang nói, anh sẽ xem thường những ý tưởng khác nhau, cho rằng những ý tưởng ấy tẻ nhạt và khô khan. Những người khác không thể giúp gì cho anh cả. Anh có thể tiếp tục bước đi như vậy suốt một tháng, hai tháng, một năm hoặc hai năm mà không nhận được một sự giúp đỡ nào cả. Anh có một cái vỏ trong tâm trí, chỉ có thể nhận được sự giúp đỡ trong lãnh vực tâm trí mà thôi; anh không thể nhận được sự gây dựng thuộc linh. Nhưng nếu Chúa bước vào tình huống của anh và hành động trên anh nhiều lần suốt một, hai hoặc vài năm, cái vỏ tâm trí của anh sẽ bị phá vỡ. Anh sẽ nhận biết sự vô dụng của tâm trí mình. Anh sẽ trở nên như một đứa trẻ, và dễ dàng lắng nghe người khác. Anh không còn dám khinh dể họ. Khi lắng nghe một anh em khác, anh không còn tìm cách bắt lỗi về cách phát âm, lỗi lầm trong sự giảng dạy, hay những điều mà ý nghĩa không rõ ràng. Thay vào đó, anh sẽ đụng chạm linh của người nói bằng chính linh mình. Ngay khi Chúa chuyển động một ít trong người nói và linh người ấy được sống động, thì linh của anh em đó được sống lại và anh được gây dựng. Nếu linh của một người được phá vỡ, bất cứ khi nào những người khác tuôn đổ linh họ, anh sẽ được gây dựng. Anh không nhận sự gây dựng trong giáo lý mà thôi, điều đó hoàn toàn là một vấn đề khác. Linh của một người càng nhận được nhiều sự xử lý từ Đức Chúa Trời, sự phá vỡ con người bề ngoài của người ấy càng triệt để, người ấy sẽ càng nhận được nhiều sự giúp đỡ. Bất cứ khi nào Linh của Đức Chúa Trời chuyển động trong một anh em hay một chị em, anh sẽ được giúp đỡ. Anh không còn phê phán người khác theo giáo lý hay đo lường họ theo văn tự. Anh sẽ không chú ý bài giảng có văn hoa không, lời nói có hùng biện không, hay lời giải nghĩa có đúng đắn không. Thái độ của anh hoàn toàn thay đổi. Mức độ chúng ta được người khác giúp đỡ tùy thuộc vào tình trạng của linh mình. Người ta thường đi ngang qua chúng ta, nhưng chúng ta không thể chạm đến linh họ và không thể nhận được sự gây dựng nào từ họ vì vỏ của chúng ta quá dày.
Gây dựng là gì? Đó không phải là gia thêm tư tưởng, ý kiến hay giáo lý. Gây dựng là khi linh chúng ta đụng chạm Linh của Đức Chúa Trời. Linh của Đức Chúa Trời có thể ra từ bất cứ người nào. Dầu trong một buổi nhóm hay trong sự tương giao riêng, chúng ta sẽ kinh nghiệm mình được nuôi dưỡng và phục hưng ngay khi Linh của Đức Chúa Trời hành động trong người khác. Linh của chúng ta giống như một tấm gương. Mỗi khi chúng ta được gây dựng thì giống như một người nào đó đánh bóng linh chúng ta một chút và làm cho nó chiếu sáng hơn. Ý nghĩa của sự gây dựng không có gì khác hơn linh của chúng ta được linh của những người khác hay Thánh Linh chạm đến. Khi Thánh Linh chạm đến linh chúng ta qua linh của những người khác, thì chúng ta được gây dựng. Những gì ra từ linh làm chúng ta bốc cháy ngay khi chúng ta chạm đến linh ấy. Chúng ta giống như một bóng đèn điện chiếu sáng ngay khi điện đi ngang qua nó, không cần biết chụp đèn màu đỏ hay xanh, hoặc dây điện đen hay trắng. Chúng ta không cần biết “chụp đèn” ra sao, chúng ta chỉ chú ý đến “điện” tuôn ra và việc chúng ta được phục hưng, được nuôi dưỡng trước mặt Đức Chúa Trời. Cảm tạ Đức Chúa Trời! Nếu có thể làm như vậy, chúng ta sẽ trở nên những con người có thể dễ dàng nhận được sự giúp đỡ. Nhiều người rất khó nhận sự giúp đỡ. Nếu muốn giúp họ, chúng ta phải nỗ lực nhiều để cầu nguyện và tác động đến họ rồi họ mới cho phép chúng ta làm một điều gì giúp họ. Một người cứng cỏi không dễ gì nhận sự giúp đỡ. Chỉ có những ai mềm mại mới nhận sự giúp đỡ cách dễ dàng.
Có hai phương cách hoàn toàn khác nhau dẫn đến sự gây dựng. Một phương cách bề ngoài, liên quan đến tư tưởng, giáo lý và sự giảng giải Kinh Thánh. Một số người có thể tuyên bố rằng họ được giúp đỡ theo cách này. Cách thứ hai hoàn toàn khác, liên quan đến sự đụng chạm từ linh đến linh. Khi các linh chạm đến nhau, thì có sự giúp đỡ thuộc linh. Chúng ta chỉ chạm đến Cơ Đốc giáo chân chính khi tiếp xúc với phương cách thứ hai. Đó là sự gây dựng thật. Nếu tất cả những gì chúng ta biết là nghe giảng, thì hôm nay chúng ta có thể nghe một bài giảng tốt. Nếu tình cờ nghe cùng một anh em giảng về cùng một đề tài vào Chúa Nhật tuần tới, chúng ta sẽ chán và muốn ra về. Chúng ta nghĩ mình chỉ cần nghe mỗi bài giảng một lần. Theo chúng ta, đạo Đấng Christ bao hàm các giáo lý. Chúng ta cất giữ giáo lý trong đầu mình. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận biết rằng sự gây dựng không liên hệ gì đến giáo lý, mà liên hệ đến linh. Nếu một anh em giảng lần đầu với linh được giải phóng, anh sẽ chạm đến và thay đổi toàn bản thể chúng ta, chúng ta sẽ được rửa sạch và được phục hưng. Nếu chúng ta nghe anh giảng lần thứ hai và anh lại tuôn đổ linh mình, chúng ta lại được giúp đỡ một lần nữa. Đề tài có thể cũ và giáo lý có thể giống như trước, nhưng chúng ta sẽ nhận được sự tẩy rửa mỗi khi linh anh được giải phóng. Chúng ta phải nhớ rằng sự gây dựng là linh tiếp xúc với linh, chứ không phải là sự gia thêm tư tưởng. Sự gây dựng là sự trao đổi giữa các linh. Sự gây dựng không liên quan gì đến việc nhận lãnh giáo lý và sự dạy dỗ từ người bề ngoài. Điều tốt nhất chúng ta có thể nói về giáo lý và các sự dạy dỗ không liên kết với linh cách sống động là những điều chết chóc.
Sau khi người bề ngoài của chúng ta bị phá vỡ, chúng ta sẽ dễ nhận được sự gây dựng; thật ra, chúng ta sẽ được gây dựng nhiều. Khi những người khác hỏi chúng ta một câu, chúng ta sẽ được gây dựng qua sự việc họ hỏi mình. Khi một tội nhân đến với chúng ta để tìm kiếm Chúa, chúng ta được gây dựng khi cầu nguyện với họ. Một anh em có thể phạm lỗi nặng, và Chúa muốn chúng ta nói một lời mạnh mẽ với anh em này. Khi chạm đến linh anh ấy, một lần nữa chúng ta sẽ lại được gây dựng. Chúng ta có thể được gây dựng và được cung ứng từ nhiều hướng. Chúng ta sẽ cảm thấy toàn Thân Thể đang cung ứng cho mình. Bất cứ chi thể nào, dầu người ấy là ai, cũng có thể cung ứng cho chúng ta. Chúng ta luôn luôn nhận được sự giúp đỡ, và chúng ta sẽ là những người giỏi nhận lãnh. Cả Hội thánh sẽ trở nên nguồn cung ứng cho chúng ta. Chúng ta sẽ tìm được sự phong phú là dường nào! Chúng ta thật sự có thể nói sự phong phú của Đức Chúa Trời bây giờ trở nên sự phong phú của Thân Thể và sự phong phú của Thân Thể bây giờ trở nên sự phong phú của chúng ta. Điều này khác với sự tài bồi tư tưởng và giáo lý biết bao! Sự khác biệt quá lớn lao.
Một người càng nhận được sự giúp đỡ và càng nhận lãnh sự cung ứng từ một phạm vi rộng lớn hơn, chúng ta càng có thể nói người ấy tan vỡ. Ai khó nhận được sự giúp đỡ từ những người khác không phải là người khôn ngoan hơn họ. Điều đó chỉ chứng tỏ vỏ bề ngoài của anh cứng hơn lớp vỏ của người khác và không điều gì có thể thức tỉnh anh. Nếu Chúa thương xót anh và xử lý anh bằng những phương cách mạnh mẽ, đa dạng, anh sẽ nhận được sự cung ứng từ toàn thể Hội thánh. Chúng ta phải kiểm tra chính mình: Tôi có nhận được sự giúp đỡ từ người khác không? Nếu có vỏ cứng quanh mình, chúng ta sẽ không cảm nhận được linh dầu khi Thánh Linh tuôn đổ qua những anh em khác. Tuy nhiên, nếu được Đức Chúa Trời phá vỡ, chúng ta sẽ nhận được sự giúp đỡ mỗi khi linh của những người khác chuyển động. Mặc dầu sự chuyển động có thể rất nhỏ, điều quan trọng không phải là sự chuyển động lớn hay nhỏ, mà là chúng ta có chạm đến linh hay không. Ngay khi chạm đến linh, chúng ta được phục hưng và được gây dựng. Anh chị em ơi, nguyện tất cả chúng ta nhận biết sự phá vỡ người bề ngoài liên hệ rất nhiều đến việc nhận sự giúp đỡ và gây dựng từ Đức Chúa Trời. Đó là điều kiện cơ bản để công tác cho Đức Chúa Trời.
Sự Tương Giao Trong Linh
Sự tương giao không phải là sự thông công của tâm trí với tâm trí hay một sự trao đổi tư tưởng. Đó là sự tiếp xúc giữa linh với linh. Khi linh chúng ta chạm đến linh của một anh em khác, sự tiếp xúc của linh là sự tương giao. Chỉ khi chúng ta nhận được sự thương xót từ Chúa để phá vỡ vỏ bề ngoài và phá đổ người bề ngoài, linh của chúng ta mới tuôn đổ ra. Chỉ khi ấy chúng ta mới chạm đến linh của các anh chị em, và chỉ khi ấy chúng ta mới hiểu ý nghĩa của sự tương giao với các thánh đồ. Từ đó về sau, chúng ta sẽ hiểu Kinh Thánh muốn nói gì khi nói về sự tương giao của linh. Chúng ta sẽ nhận biết rằng sự tương giao là vấn đề được thực hiện trong linh, đó không phải là một sự tương giao về các ý kiến. Khi có sự tương giao trong linh, thì có sự đồng lòng cầu nguyện. Nhiều người cầu nguyện bằng tâm trí mình. Họ khó tìm được những người bạn cùng tâm trí, vì họ không thể tìm được một tâm trí tương xứng với tâm trí của mình cho dầu có tìm khắp cả thế giới. Thật ra, sự tương giao được thực hiện trong linh. Tất cả những ai được tái sinh và có Thánh Linh bên trong đều có thể tương giao với chúng ta. Nếu Đức Chúa Trời cất bỏ những hàng rào và lột bỏ người bề ngoài, linh của chúng ta sẽ mở ra cho mọi người. Linh của chúng ta sẽ mở ra để đón nhận linh của tất cả các anh em, linh chúng ta sẽ đụng chạm và được chạm đến bởi linh của tất cả các anh em. Chúng ta sẽ chạm đến Thân Thể của Đấng Christ. Chúng ta sẽ là Thân Thể của Đấng Christ; linh của chúng ta sẽ là Thân Thể của Đấng Christ. Thi Thiên 42:7 nói: “Vực gọi vực”. “Vực” thật sự gọi “vực”. Điều “sâu thẳm” bên trong chúng ta đang kêu gọi và khao khát chạm đến điều “sâu thẳm” bên trong những người khác, và “vực” trong chúng ta đang kêu gọi và ao ước chạm đến “vực” của toàn thể Hội thánh. Đó là sự tương giao giữa vực với vực. Đó là sự kêu gọi và đáp ứng giữa vực và vực. Nếu người bề ngoài của chúng ta được phá vỡ và người bên trong được giải phóng, chúng ta sẽ chạm đến linh của Hội thánh và sẽ hữu dụng hơn cho Chúa.
KHÔNG PHẢI BẮT CHƯỚC
Sự phá vỡ con người bề ngoài mà chúng tôi nói đến chỉ có thể do Thánh Linh thực hiện. Con người không thể bắt chước điều này. Không một sự bắt chước nào là có hiệu quả. Khi chúng ta nói người bề ngoài phải nhu mì, chúng ta không có ý nói mọi người phải cố gắng nhu mì vào ngày hôm sau. Nếu ai cố gắng làm điều này, cuối cùng sẽ thấy thậm chí sự nhu mì nhân tạo của mình cũng cần bị phá đổ. Sự nhu mì nhân tạo không có giá trị gì cả. Sự nhu mì duy nhất hữu hiệu đến từ công tác của Thánh Linh. Kinh nghiệm bản thân cho chúng ta biết không có thành tựu nào là do chúng ta, mà là nhờ Thánh Linh. Chỉ Thánh Linh mới biết nhu cầu của chúng ta. Ngài sắp đặt cho chúng ta trải qua những kinh nghiệm trong hoàn cảnh của mình. Ngài thực hiện công tác phá vỡ.
Trách nhiệm của chúng ta là xin một chút ánh sáng từ Đức Chúa Trời để chúng ta nhìn biết và chấp nhận bàn tay Ngài. Chúng ta muốn được hạ mình xuống dưới bàn tay mạnh mẽ của Đức Chúa Trời để thừa nhận rằng mọi điều Ngài làm đều đúng. Chúng ta không nên làm một con lừa vô tri. Trái lại, chúng ta nên phó thác chính mình cho Ngài phá vỡ. Chúng ta nên chấp nhận công tác của Ngài. Khi giao nộp chính mình vào bàn tay mạnh mẽ của Ngài, chúng ta sẽ thấy công tác này lẽ ra nên được bắt đầu năm hay mười năm về trước. Nhưng không có gì thành tựu trong suốt năm hay mười năm qua. Ngày nay chúng ta nên giao phó chính mình vào trong bàn tay Ngài và thưa rằng: “Chúa ôi, con đã mù lòa. Con không nhận biết Ngài đã dẫn dắt con từ đâu và Ngài đang dẫn dắt con đến đâu. Nhưng bây giờ con biết rằng Ngài muốn phá vỡ con, con xin dâng chính mình cho Ngài”. Có lẽ hôm nay tình trạng không kết quả của năm hay mười năm qua sẽ chấm dứt và chúng ta trở nên có nhiều kết quả. Chúa sẽ phá đổ nhiều điều trong chúng ta mà trước đây mình không nhận biết. Một khi những điều này bị phá đổ, chúng ta không còn kiêu ngạo, yêu mình hay tự tôn. Sự phá đổ này sẽ giải phóng, làm cho linh chúng ta tự do và hữu hiệu cho Chúa. Khi ấy chúng ta sẽ sử dụng được linh mình.
Tại đây, chúng ta phải nêu lên hai vấn đề. Trước hết, chúng ta phải biết sự phá vỡ con người bề ngoài là công tác của Thánh Linh. Không cần bản ngã phải bắt chước. Nhưng nếu nhận biết một hoạt động của xác thịt, chúng ta có nên tự mình chận đứng nó không, hay nên chờ đợi Thánh Linh phá vỡ nó? Chúng ta có nên chờ đợi một ánh sáng lớn đến và không cố gắng kềm hãm nó gì cả không?
Câu trả lời của chúng tôi cho vấn đề trên là: Chúng ta nên chấm dứt mọi hoạt động của xác thịt. Điều này khác với sự giả vờ. Nếu tôi có khuynh hướng trở nên kiêu ngạo, tôi nên từ bỏ sự kiêu ngạo của mình. Tuy nhiên, tôi không nên giả vờ khiêm nhường. Nếu tôi sắp nổi nóng với một người nào, tôi nên từ chối tính nóng nảy của mình. Nhưng tôi không nên giả bộ nhu mì. Ngưng không làm một điều gì là một sự ngăn cản có tính tiêu cực, trong khi giả bộ hành động theo một cách nào đó là một chuyển động tích cực. Kiêu ngạo là một điều tiêu cực, chúng ta nên xử lý. Khiêm nhường là một điều tích cực, chúng ta không thể bắt chước. Giả sử chúng ta rất ương ngạnh với giọng nói gay gắt và thái độ bất phục. Chúng ta phải từ chối sự gay gắt này, nhưng chúng ta không nên giả bộ nhu mì. Chúng ta phải chấm dứt mọi hoạt động và công việc của xác thịt mà mình biết được. Nhưng chúng ta không nên bắt chước những mỹ đức tích cực. Chúng ta nên trao chính mình cho Chúa và thưa rằng: “Chúa ôi, con sẽ không cố gắng bắt chước một điều gì cả. Con sẽ ngưỡng trông Ngài để chờ đợi Ngài làm việc”. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời phá vỡ và xây dựng chúng ta.
Tất cả những sự bắt chước bề ngoài đều không phải là công việc của Đức Chúa Trời, chúng là công việc của con người. Vì vậy, mọi người có lòng tìm kiếm [Chúa] nên học những bài học về bề trong, không phải sự bắt chước bề ngoài. Họ nên để Đức Chúa Trời thực hiện một điều gì đó trong mình. Nhờ công tác ấy, họ có thể có được những biểu hiện bên ngoài của mình. Bất cứ điều gì một người làm cách bề ngoài đều không thật. Mọi điều xây dựng nhân tạo đều cần được phá đổ. Khi một người xây dựng điều gì giả tạo, người ấy không những lừa gạt người khác, mà cũng lừa gạt chính mình. Khi đưa mình vào những điều bắt chước giả tạo, dần dần chúng ta sẽ bị dẫn đến chỗ tin rằng mình “là” những gì mình giả bộ. Dầu người khác chỉ ra chúng ta không có gì là thật và cần phải loại bỏ nó, chúng ta vẫn thắc mắc không biết lời nói của họ có đúng không. Chúng ta không nên bắt chước bất cứ điều gì theo bề ngoài. Thay vào đó, tốt hơn chúng ta nên tự nhiên trong cách cư xử và để Đức Chúa Trời xây dựng một điều gì đó bên trong mình. Chúng ta nên sống cách đơn sơ, không giả tạo. Chúng ta không nên bắt chước hay mô phỏng bề ngoài, trái lại, nên ngưỡng trông Chúa để Ngài hằng ngày thêm vào những mỹ đức chúng ta cần.
Vấn đề thứ hai là một số người có một số mỹ đức trong lãnh vực thiên nhiên. Chẳng hạn như một vài người rất nhu mì theo thiên nhiên. Sự nhu mì thiên nhiên và sự nhu mì là kết quả của sự sửa trị có gì khác nhau?
Chúng ta nên nêu lên hai điều liên quan đến câu hỏi này.
Trước hết, mọi sự thiên nhiên đều độc lập, không cần liên kết với linh. Bất cứ điều gì ra từ sự sửa trị của Thánh Linh đều được linh điều khiển. Khi linh chuyển động, điều đó chuyển động. Khi linh không chuyển động, điều đó cũng không chuyển động. Sự nhu mì thiên nhiên đôi khi là một sự cản trở đối với linh, và bất cứ điều gì cản trở linh đều ương ngạnh trong bản chất. Nói cách khác, thậm chí sự nhu mì thiên nhiên của chúng ta có thể trở thành một loại ương ngạnh. Nếu một người nhu mì cách thiên nhiên, sự nhu mì của anh độc lập, anh tự mình nhu mì. Nếu Chúa muốn anh đứng lên nói vài lời nghiêm khắc, sự nhu mì thiên nhiên sẽ cản trở anh. Anh sẽ nói: “Ô, tôi không thể làm điều này. Tôi chưa bao giờ nói một điều như vậy trong đời. Tôi phải để người khác nói lời ấy. Tôi không thể nói như vậy được”. Trong trường hợp đó, sự nhu mì thiên nhiên của anh không đầu phục sự cai trị của linh. Bất cứ điều gì ra từ lãnh vực thiên nhiên đều do ý riêng thúc đẩy. Nó rất ương ngạnh và theo ao ước riêng. Linh hoàn toàn không thể sử dụng nó. Tuy nhiên, sự nhu mì đến từ sự phá vỡ thì hoàn toàn khác, nó rất ích lợi cho linh. Nó không chống đối, kháng cự hay có ý kiến gì, nhưng hoàn toàn ở dưới sự điều khiển của linh.
Thứ hai, một người nhu mì cách thiên nhiên sẽ nhu mì khi ý muốn của mình dẫn đầu. Nhưng khi người ta yêu cầu anh làm một điều anh không muốn, hoặc khi một điều gì đó thử thách sự bất hợp tác của anh, anh không còn nhu mì nữa. Vì vậy, mọi mỹ đức thiên nhiên không dẫn đến sự từ chối mình. Tất cả những mỹ đức thiên nhiên của con người chỉ được con người sử dụng để xây đắp cho chính mình. Không riêng tính nhu mì, nhưng mọi mỹ đức thiên nhiên đều được con người sử dụng để xây đắp chính mình. Vì lý do ấy, bất cứ khi nào chính bản ngã của người đó bị đe dọa, mọi mỹ đức đều biến mất. Ngay khi chúng ta đụng chạm bản ngã sâu thẳm nhất của một người nhu mì thiên nhiên, sự nhu mì ấy biến mất. Ngay khi gặp phải điều gì anh không muốn làm, sự khiêm nhường của anh ra đi và sự nhu mì cũng ra đi, mọi điều anh có đều ra đi. Các mỹ đức là kết quả của sự sửa trị thì khác hẳn. Những mỹ đức này chỉ được tạo nên khi nào bản ngã tan vỡ. Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời hủy diệt bản ngã, những mỹ đức này mới lộ ra. Bản ngã càng bị thương, con người càng trở nên nhu mì. Có một sự khác biệt cơ bản giữa các mỹ đức thiên nhiên và bông trái của Linh.
HÃY MẠNH MẼ
Người bề ngoài phải bị phá vỡ. Chúng ta không thể giả bộ và không thể thay thế điều đó bằng một điều nào khác. Chúng ta phải khiêm nhường hạ mình xuống dưới tay mạnh mẽ của Đức Chúa Trời và chấp nhận sự xử lý của Ngài. Ngay khi người bề ngoài bị phá vỡ, người bề trong trở nên mạnh mẽ. Tuy nhiên, một vài người không mạnh mẽ nơi người bề trong dầu người bề ngoài đã bị phá vỡ rồi. Nhưng người bề trong cần phải mạnh mẽ. Nếu người bề trong không mạnh mẽ khi người bề ngoài bị phá vỡ, chúng ta không nên cầu xin sức mạnh. Thay vào đó, chúng ta nên nói: “Hãy mạnh mẽ”. Kinh Thánh ra lệnh cho chúng ta hãy mạnh mẽ. Điều kỳ diệu là khi người bề ngoài bị phá vỡ, chúng ta có thể mạnh mẽ khi muốn mạnh mẽ. Chúng ta có thể mạnh mẽ khi phải mạnh mẽ và quyết định mạnh mẽ. Anh em hãy thử điều ấy. Khi chúng ta nói mình sẽ làm điều đó thì điều đó được thực hiện. Ngay khi nan đề về người bề ngoài được giải quyết, vấn đề trở nên mạnh mẽ cũng được giải quyết. Chúng ta có thể và sẽ mạnh mẽ bất cứ khi nào mình muốn. Từ ngày đó về sau, không ai có thể ngăn trở chúng ta. Chúng ta chỉ cần nói rằng mình sẽ làm một điều gì đó hay chúng ta quyết định làm một điều gì đó. Một chút ý chí và quyết định sẽ đem lại những điều kỳ diệu. Chúa phán: “Hãy mạnh mẽ”. Khi chúng ta nói mình sẽ mạnh mẽ trong Chúa, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ.
Người bề ngoài phải được phá vỡ trước khi người bên trong có thể được tự do. Đó là con đường cơ bản mà một đầy tớ của Chúa phải học tập bước đi.
Watchaman Nee