CHƯƠNG SÁU
SỰ PHÁ VỠ VÀ SỰ SỬA TRỊ
SỰ DÂNG MÌNH VÀ SỰ SỬA TRỊ
Để người bề ngoài của chúng ta được phá vỡ, chúng ta cần dâng mình cho Chúa. Tuy nhiên, sự dâng mình không giải quyết mọi nan đề. Đó chỉ là một sự bày tỏ ý định bằng lòng dâng chính mình cho Đức Chúa Trời cách vô điều kiện, không giữ lại chút nào, và không lập lờ. Chúng ta có thể dâng mình cho Đức Chúa Trời chỉ trong vài phút. Sự bằng lòng dâng mình cho Chúa mà không giữ lại chút nào chỉ tạo nên bước đầu trong cuộc hành trình thuộc linh của chúng ta. Điều này không có nghĩa Đức Chúa Trời đã hoàn thành mọi công tác của Ngài với bước dâng mình [của chúng ta]. Đức Chúa Trời có thể sử dụng một người hay không là điều không chỉ tùy thuộc vào sự dâng mình mà thôi. Sau khi dâng mình, vẫn còn cần sự sửa trị của Thánh Linh. Điều này rất quan trọng, chúng ta có trở nên ích lợi cho Đức Chúa Trời hay không tùy thuộc rất nhiều vào điều này. Sự sửa trị của Thánh Linh phải được thêm vào sự dâng mình của chúng ta trước khi chúng ta có thể trở nên một chiếc bình hữu ích cho Chúa. Không có sự dâng mình, thường khó có thể tiến lên với sự sửa trị của Thánh Linh. Tuy nhiên, sự dâng mình mà thôi không thể thay thế sự sửa trị của Thánh Linh. Vì vậy, chúng ta phải chú ý đến vấn đề sửa trị của Thánh Linh.
Khi dâng mình, chúng ta dâng chính mình cho Đức Chúa Trời theo ánh sáng mình nhận được. Khi sửa trị chúng ta, Thánh Linh đối xử với chúng ta theo ánh sáng Ngài ban cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể dâng mình theo những gì mình biết. Chúng ta chỉ có thể dâng mình theo những gì mình thấy với mắt thuộc linh của mình. Trên thực tế, ngay cả chúng ta cũng không biết sự dâng mình của mình bao hàm những gì. Lượng ánh sáng chúng ta nhận được không phải là vô hạn, ánh sáng của chúng ta rất giới hạn. Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình đã nhận được ánh sáng lớn hơn hết, mắt Đức Chúa Trời có thể vẫn thấy chúng ta còn ở trong tối tăm. Những gì chúng ta dâng cho Đức Chúa Trời theo ánh sáng chúng ta nhận biết sẽ không bao giờ thỏa mãn sự đòi hỏi của Ngài. Nói cách khác, những đòi hỏi của Đức Chúa Trời luôn luôn cao hơn những gì chúng ta có thể dâng. Sự dâng mình của chúng ta không thể thỏa mãn lòng Đức Chúa Trời vì sự hiểu biết của chúng ta có giới hạn và ánh sáng của chúng ta cũng giới hạn. Nhưng sự sửa trị của Thánh Linh thì hoàn toàn khác. Sự sửa trị của Thánh Linh đánh giá nhu cầu của chúng ta theo ánh sáng của Đức Chúa Trời. Đó không phải những gì chúng ta thấy, mà là những gì Đức Chúa Trời thấy. Ngài biết chúng ta có một số nhu cầu nào đó, và Ngài hành động qua Linh Ngài trong mỗi hoàn cảnh để chúng ta kinh nghiệm những điều ấy, mục đích của những điều ấy là phá vỡ con người bề ngoài của chúng ta. Vì vậy, công tác sửa trị của Thánh Linh vượt xa hơn sự dâng mình của chúng ta. Công tác ấy lớn lao hơn sự dâng mình của chúng ta rất nhiều. Ở đây có một sự khác biệt lớn lao.
Công tác của Thánh Linh dựa trên ánh sáng của Đức Chúa Trời. Linh hành động theo những gì Đức Chúa Trời thấy. Vì vậy, chỉ có sự sửa trị của Thánh Linh là triệt để và trọn vẹn. Chúng ta thường không hiểu biết về chính mình; chúng ta không biết mình cần trải qua những gì. Thậm chí những sự lựa chọn khôn ngoan nhất của chúng ta cũng đầy dẫy lỗi lầm. Những gì chúng ta nghĩ mình cần thường không phải là những gì chúng ta thật sự cần theo mắt Đức Chúa Trời. Những gì chúng ta nhìn thấy từ phía của mình có thể chỉ là một phần nhỏ của toàn thể bức tranh. Tuy nhiên, Thánh Linh chỉ định nhiều điều cho chúng ta theo ánh sáng của Đức Chúa Trời. Sự sửa trị của Thánh Linh vượt xa những gì tâm trí chúng ta có thể dò được. Chúng ta thường không chuẩn bị tiếp nhận một sự sửa trị nào đó, và chúng ta nghĩ rằng mình không cần phải bị sửa trị. Khi sự sửa trị của Thánh Linh đến trên chúng ta, chúng ta rất ngạc nhiên. Những gì Thánh Linh đã sắp đặt cho chúng ta trong hoàn cảnh không phải là điều chúng ta mong đợi. Nhiều lúc Thánh Linh kỷ luật chúng ta mà Đức Chúa Trời không báo trước. Thình lình chúng ta bị một “cú đánh” nặng nề. Chúng ta có thể nghĩ mình đang sống dưới ánh sáng của Đức Chúa Trời, nhưng đối với Đức Chúa Trời, ánh sáng này có thể là một tia sáng rất yếu ớt. Thậm chí Ngài không cho đó là ánh sáng gì cả. Tuy nhiên, Thánh Linh đối xử với chúng ta theo ánh sáng của Đức Chúa Trời. Chúng ta nghĩ rằng mình biết tình trạng của mình, nhưng thật ra chúng ta không biết. Chỉ có Đức Chúa Trời mới biết chúng ta. Từ khi chúng ta tiếp nhận Ngài, Ngài đã và đang sắp đặt hoàn cảnh của chúng ta. Mọi sự Ngài sắp đặt đều vì lợi ích lớn lao nhất của chúng ta vì Ngài biết chúng ta và nhu cầu của chúng ta.
Công tác của Thánh Linh trong chúng ta có phương diện tích cực và cũng có phương diện tiêu cực. Có phương diện xây dựng và cũng có phương diện phá đổ. Sau khi chúng ta được tái sinh, Thánh Linh sống trong chúng ta, nhưng người bề ngoài của chúng ta giới hạn sự tự do của Ngài. Điều này giống như một người mang giày mới mà đôi giày quá cứng và chật nên người ấy khó đi đứng bằng đôi giày ấy. Người bề ngoài làm cho người bề trong gặp khó khăn. Người bề trong không thể điều khiển người bề ngoài. Đó là lý do vì sao Đức Chúa Trời đang xử lý người bề ngoài của chúng ta và phá vỡ nó từ ngày chúng ta được cứu. Đức Chúa Trời không xử lý người bề ngoài của chúng ta theo nhu cầu chúng ta nhận biết, nhưng theo nhu cầu mà Ngài nhìn thấy. Ngài thấy những gì ngoan cố trong chúng ta và những gì vượt quá sự điều khiển của người bên trong, và Ngài đối xử với chúng ta theo những gì Ngài biết.
Thánh Linh không xử lý người bề ngoài của chúng ta bằng cách làm cho người bề trong mạnh mẽ. Ngài không xử lý người bề ngoài bằng cách ban cho người bề trong chúng ta thêm ân điển. Điều này không có nghĩa là người bề trong không cần được làm cho mạnh mẽ, mà có nghĩa là Đức Chúa Trời có một phương cách khác để xử lý người bề ngoài. Thánh Linh làm suy giảm người bề ngoài bằng phương tiện là những điều bề ngoài. Không dễ gì chận người bề ngoài lại bằng người bên trong, vì chúng có bản chất khác nhau. Người bên trong khó đánh bầm hay đập vỡ người bề ngoài. Bản chất của người bề ngoài tương ứng với những gì ở bên ngoài, người bề ngoài dễ bị ảnh hưởng bởi những gì bên ngoài. Những điều bề ngoài có thể đập vỡ, gây đau đớn, và đánh bầm người bề ngoài tốt hơn nhiều so với những gì người bên trong có thể làm. Vì vậy, Đức Chúa Trời xử lý người bề ngoài của chúng ta bằng những điều ở bên ngoài.
Ma-thi-ơ 10:29 nói: “Hai con chim sẻ chẳng từng bán một đồng xu sao?” Lu-ca 12:6 nói: “Năm con chim sẻ chẳng từng bán hai đồng xu sao?” Một đồng xu mua được hai con chim sẻ, và hai đồng xu mua được năm con. Thật là rẻ. Con thứ năm được cho thêm. Con thứ năm miễn phí. Tuy nhiên, “thế mà ngoài Cha các ngươi, không một con nào rơi xuống đất” (Mat. 10:29). Kinh Thánh cũng nói: “Nhưng thậm chí tóc trên đầu các ngươi cũng đã được đếm cả rồi” (c. 30). Không những tất cả tóc đều đã được đếm, chúng còn được đánh số. Điều này dẫn chúng ta đến chỗ nhận thức rằng mọi sự xảy đến cho một Cơ Đốc nhân đều ở dưới sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Không có hoàn cảnh nào tình cờ xảy đến cho chúng ta. Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhìn thấy rằng mọi sự đều ở dưới sự sắp đặt do quyền tể trị của Ngài.
Đức Chúa Trời sắp đặt mọi điều này theo nhu cầu của chúng ta như Ngài nhìn thấy. Ngài biết những gì tốt nhất cho người bên trong của chúng ta và làm thế nào để phá vỡ và lột bỏ người bề ngoài cách tốt nhất. Ngài biết rằng một số điều nào đó sẽ phá vỡ người bề ngoài của chúng ta, và Ngài sắp đặt điều đó đến với chúng ta một lần, hai lần và nhiều lần. Chúng ta phải thấy rằng mọi sự chúng ta gặp phải trong năm hoặc mười năm qua đều ở dưới sự sắp đặt của Đức Chúa Trời và đều nhằm dạy dỗ chúng ta. Nếu lằm bằm nghịch lại bất cứ một người nào, chúng ta thật sự không nhìn biết bàn tay của Đức Chúa Trời. Nếu nghĩ rằng đó là một chuỗi những chuyện không may, thì chúng ta không biết sự sửa trị của Thánh Linh là gì. Chúng ta phải nhớ rằng tất cả những gì xảy đến với chúng ta đều được bàn tay của Đức Chúa Trời đo lường. Tất cả những điều này đều vì ích lợi cho chúng ta. Có thể chúng ta không biết để chọn lựa chúng, nhưng Đức Chúa Trời biết rằng chúng ích lợi cho chúng ta. Tôi không chắc có điều khổ sở nào chúng ta gặp phải mà không phải là sự sửa trị từ Đức Chúa Trời. Những điều được sắp đặt như vậy làm cho chúng ta thuần khiết, chúng gìn giữ chúng ta trong đường lối của Đức Chúa Trời. Chúng là những điều tốt nhất cho chúng ta. Đức Chúa Trời không thể cho chúng ta điều gì tốt hơn. Nhiều người không thể đầu phục. Môi miệng họ lằm bằm và lòng họ phẫn uất. Điều đó thật là khờ dại. Chúng ta phải nhớ rằng mọi sự đều được Thánh Linh đo lường cho chúng ta và là điều tốt nhất có thể có được.
Ngay khi một người được cứu, Thánh Linh bắt đầu công tác này. Nhưng phải mất một thời gian trước khi Ngài có thể giành được tự do hoàn toàn qua công tác này. Khi nào Thánh Linh được tự do hoàn toàn? Đó là khi chúng ta dâng mình. Ngày một người được cứu là ngày Thánh Linh bắt đầu công tác sửa trị, và ngày người ấy dâng mình là ngày Thánh Linh có trọn quyền tự do thực hiện công tác này. Sau khi một người được cứu và trước khi dâng mình, người ấy vẫn yêu thương chính mình tha thiết và rất ít yêu Chúa. Một người không thể nói hiện giờ Thánh Linh không sửa trị mình; Ngài sắp đặt nhiều điều để đưa người ấy đến với Đức Chúa Trời và phá vỡ người bề ngoài của người ấy. Nhưng với một người không dâng mình, Ngài không có trọn quyền tự do để làm công tác này. Sau khi một người được Đức Chúa Trời soi sáng và đã dâng mình cho Ngài, Thánh Linh sẽ có quyền tự do để làm công tác của Ngài. Vào một thời điểm nào đó, người ấy sẽ cảm thấy mình không còn sống tự mình hay cho chính mình nữa. Dưới ánh sáng yếu ớt mà mình hiểu được, người ấy sẽ đến với Đức Chúa Trời và thưa rằng: “Con dâng mình cho Ngài. Dầu kết quả là sống hay chết, con cũng dâng chính mình con cho Ngài”.
Khi điều này xảy ra, công tác Thánh Linh trong người ấy sẽ gia tăng. Sự dâng mình rất quan trọng. Qua sự dâng mình, chúng ta để cho Thánh Linh có quyền tự do trọn vẹn và vô điều kiện để thực hiện công tác của Ngài. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi nhiều điều đến với mình cách bất ngờ sau khi chúng ta dâng mình. Lý do duy nhất khiến những điều đó xảy đến cho chúng ta là vì chúng ta đã dâng mình cách vô điều kiện cho Chúa. Chúng ta đã nói: “Chúa ôi, xin hoàn thành trong con những gì ích lợi nhất theo mắt Ngài!” Vì chúng ta dâng mình như vậy, Thánh Linh tự do làm công tác Ngài trong chúng ta mà không ngại sự chống đối từ phía chúng ta. Hoặc chúng ta không theo con đường của Chúa, còn nếu bước theo, chúng ta phải hết sức chú ý đến công tác sửa trị của Thánh Linh.
PHƯƠNG TIỆN LỚN LAO NHẤT ĐỂ NHẬN ĐƯỢC ÂN ĐIỂN
Từ ngày một người được cứu, Đức Chúa Trời không ngừng gây dựng người ấy qua việc truyền ân điển vào người ấy. Một người có thể nhận được ân điển của Đức Chúa Trời bằng nhiều cách. Chúng ta gọi những phương cách này là phương tiện nhận lãnh ân điển. Chẳng hạn, cầu nguyện là một phương tiện nhận lãnh ân điển vì chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời để nhận lãnh ân điển qua sự cầu nguyện. Nghe giảng cũng có thể là một phương tiện nhận lãnh ân điển vì chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời và nhận lãnh ân điển qua việc nghe giảng. Nhóm chữ “phương tiện nhận lãnh ân điển” hay nói đơn giản là “phương tiện ân điển” là một cách diễn đạt tốt. Hội thánh đã dùng cách nói này hàng trăm năm. Chúng ta nhận lãnh ân điển qua phương tiện ân điển. Từ ngày trở nên Cơ Đốc nhân, đời sống hằng ngày của chúng ta là một đời sống nhận lãnh hết phương tiện ân điển này đến phương tiện ân điển khác. Những buổi nhóm họp, nghe giảng, cầu nguyện và nhiều điều khác chúng ta làm là phương tiện nhờ đó chúng ta nhận lãnh ân điển. Ở đây chúng tôi muốn nêu lên một điều: phương tiện lớn lao nhất để nhận lãnh ân điển, là điều chúng ta đừng bao giờ bỏ qua, ấy là sự sửa trị của Thánh Linh. Phương tiện chính yếu để nhận lãnh ân điển trong đời sống Cơ Đốc là sự sửa trị của Thánh Linh. Không có phương tiện ân điển nào khác, chẳng hạn như cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, nhóm họp, nghe giảng, chờ đợi, suy gẫm, hay ngợi khen có thể sánh với phương tiện ân điển này, tức là sự sửa trị của Thánh Linh. Trong số tất cả các phương tiện ân điển chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời, không có điều nào quan trọng hơn điều này. Sự sửa trị của Thánh Linh là phương tiện lớn lao nhất để nhận lãnh ân điển.
Khi nhìn lại và xem xét kinh nghiệm của mình về những phương tiện ân điển khác nhau, chúng ta sẽ có khái niệm về việc mình đã đi với Đức Chúa Trời được bao xa. Nếu sự tiến bộ thuộc linh của chúng ta nhờ vào sự cầu nguyện, nghe giảng, và đọc Kinh Thánh mà thôi, thì chúng ta đã bỏ qua phương tiện chính yếu để nhận lãnh ân điển. Tất cả những gì xảy đến với chúng ta hằng ngày trong gia đình, tại trường học, ở nơi làm việc, hay thậm chí ngoài đường phố đều được Thánh Linh sắp đặt vì ích lợi lớn lao nhất cho chúng ta. Nếu chúng ta chưa nhận được ích lợi từ những điều ấy, vẫn không biết và khép kín đối với phương tiện ân điển lớn lao nhất này, chúng ta sẽ phải chịu mất mát nhiều nhất. Sự sửa trị của Thánh Linh quá quan trọng, đó là phương tiện chính yếu để Cơ Đốc nhân nhận lãnh ân điển suốt cuộc đời mình. Việc đọc Kinh Thánh của chúng ta không thể thay thế sự sửa trị của Thánh Linh. Sự cầu nguyện của chúng ta không thể thay thế sự sửa trị của Thánh Linh. Các buổi nhóm của chúng ta không thể thay thế sự sửa trị của Thánh Linh. Không một phương tiện ân điển nào khác có thể thay thế sự sửa trị của Thánh Linh. Chúng ta cần cầu nguyện, học Kinh Thánh, nghe giảng và có đủ mọi phương tiện ân điển. Tất cả đều quí báu, nhưng không một điều nào có thể thay thế sự sửa trị của Thánh Linh. Nếu chưa học những bài học đúng đắn về sự sửa trị của Thánh Linh, chúng ta không thể là những Cơ Đốc nhân đúng đắn được và không bao giờ có thể hầu việc Đức Chúa Trời. Nghe giảng có thể nuôi dưỡng người bên trong của chúng ta. Cầu nguyện có thể làm chúng ta sống lại ở bên trong. Đọc Lời Đức Chúa Trời có thể làm tươi mới người bên trong của chúng ta. Giúp đỡ người khác có thể giải phóng linh chúng ta. Tuy nhiên, nếu người bề ngoài vẫn còn mạnh mẽ, người khác sẽ bắt gặp một sự pha trộn khi họ đối diện chúng ta, họ sẽ nhận thức rằng chúng ta không thuần khiết. Một mặt, họ sẽ cảm thấy chúng ta rất nhiệt thành, mặt khác, họ sẽ cảm nhận sự pha trộn của chúng ta. Một mặt, họ sẽ thấy chúng ta yêu Chúa, mặt khác, họ cũng biết chúng ta yêu mình. Một mặt, họ có thể nói đây là một anh em quí báu, mặt khác, họ phải nói rằng đây là một anh em cố chấp. Người bề ngoài chưa được phá vỡ. Chúng ta được gây dựng không những khi cầu nguyện, nghe giảng và học Kinh Thánh. Chúng ta được gây dựng nhiều nhất do ở dưới sự sửa trị của Thánh Linh.
Về phía mình, chúng ta cần dâng mình tuyệt đối. Nhưng chúng ta đừng bao giờ cho rằng sự dâng mình có thể thay thế sự sửa trị của Thánh Linh. Sự dâng mình tạo cho Thánh Linh cơ hội để hành động trong chúng ta cách tự do. Chúng ta nên nói: “Chúa ôi, con phó thác chính mình vào tay Ngài. Con để Ngài tự do hành động. Chúa ôi, xin ban cho con những gì Ngài nghĩ là con cần”. Nếu đầu phục sự sắp đặt của Thánh Linh, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều điều ích lợi. Chính hành động đầu phục sẽ đem đến cho chúng ta lợi ích. Nhưng nếu không đầu phục, thay vào đó, lại tranh luận với Đức Chúa Trời và bước đi theo ý riêng, cuối cùng dầu chúng ta có chọn con đường nào chăng nữa, đó vẫn sẽ là một con đường không bằng phẳng. Vấn đề cơ bản là chúng ta có dâng mình cho Đức Chúa Trời cách vô điều kiện, không giữ lại chút nào và thật rõ ràng để Ngài đối xử với chúng ta cách tự do hay không. Nếu nhận biết rằng mọi sự sắp đặt của Đức Chúa Trời đều vì ích lợi lớn lao nhất cho chúng ta, kể cả những điều làm chúng ta bối rối, và nếu bằng lòng dâng mình cho Đức Chúa Trời như vậy, chúng ta sẽ thấy Thánh Linh xử lý chúng ta trong nhiều điều.
MỌI CÁCH XỬ LÝ
Một số người đặc biệt bị cột trói bởi những điều nào đó. Chúa xử lý họ trong những điều đặc biệt ấy. Ngài xử lý họ từng điều một, kể cả những chi tiết nhỏ nhặt như thức ăn và quần áo. Đức Chúa Trời sẽ không bỏ qua những điều đó. Thánh Linh tinh tế biết bao! Ngài không bỏ qua một điều nào cả. Chúng ta có thể yêu thích một điều nào đó mà chính mình không nhận biết. Nhưng Đức Chúa Trời biết và Ngài xử lý chúng ta một cách rất chi tiết. Khi mọi sự được cất đi, chúng ta sẽ hoàn toàn tự do. Thánh Linh xử lý nhiều người bằng cách đụng đến một số điều. Ngài theo đuổi những điều họ ấp ủ một cách không nhân nhượng. Qua những sự xử lý như vậy, chúng ta bắt đầu quí trọng cách Thánh Linh chăm sóc đến mọi chi tiết. Ngay cả những điều chúng ta có thể bỏ sót và lãng quên, Chúa cũng nắm lấy. Ngài không bao giờ quên một điều gì. Công tác của Đức Chúa Trời thật hoàn hảo. Ngài không thỏa lòng cho đến khi Ngài đạt đến tình trạng hoàn hảo. Đôi khi Đức Chúa Trời xử lý chúng ta qua con người. Ngài đặt những con người quanh chúng ta, là những người chúng ta ghét bỏ, ganh tị hay khinh chê, và dùng họ xử lý chúng ta. Ngài cũng đặt những con người đáng yêu quanh chúng ta để xử lý chúng ta. Trước khi trải qua sự xử lý, chúng ta không nhận biết mình ô uế và không thuần khiết như thế nào. Sau khi trải qua sự xử lý của Ngài, chúng ta sẽ thấy mình không thuần khiết ra sao. Chúng ta nghĩ mình hoàn toàn dâng mình cho Chúa. Nhưng sau khi trải qua sự sửa trị của Thánh Linh, chúng ta sẽ nhận thức những điều bề ngoài ảnh hưởng đến chúng ta nhiều biết bao.
Đôi khi Đức Chúa Trời đụng đến tư tưởng của chúng ta. Tư tưởng của chúng ta lộn xộn, ngông cuồng, tự tung tự tác và vô kỷ luật. Chúng ta nghĩ mình thông minh, biết hết mọi điều, và có thể nghĩ đến những điều người khác không thể nghĩ đến. Vì vậy, Chúa cho phép chúng ta phạm lỗi lầm và vấp ngã nhiều lần để chúng ta cảnh giác về tư tưởng của mình. Nếu tìm được ân điển lớn lao nơi Chúa, chúng ta sẽ tránh xa tư tưởng của mình như tránh xa lửa. Ngay khi tay chúng ta đụng đến lửa, nó rụt lại. Cũng vậy, ngay khi đụng đến tư tưởng của mình, chúng ta quay lại và tự nhủ: “Đây không phải là điều tôi nên suy nghĩ. Tôi sợ chính tư tưởng của mình”. Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời xử lý tình cảm của chúng ta qua việc sắp đặt những hoàn cảnh khác nhau cho chúng ta đối diện. Một số người quá mạnh mẽ về mặt cảm xúc. Khi vui, họ không thể ngưng phấn khởi. Khi nản lòng, họ không chịu ai an ủi mình. Cả cuộc đời họ xoay quanh cảm xúc của mình. Nếu họ buồn, không ai có thể làm cho họ hát. Nếu họ vui, không ai có thể làm họ nghiêm trang. Sự vui vẻ xua tan mọi vẻ nghiêm trang của họ, và nỗi buồn đưa họ đến chỗ thụ động. Họ hoàn toàn bị tình cảm điều khiển. Vì họ sống trong cảm xúc như vậy, thậm chí họ cho rằng những cảm xúc của mình là đúng. Vì lý do ấy, Đức Chúa Trời phải xử lý tình cảm của họ qua mọi loại hoàn cảnh. Họ cần phải bị xử lý đến nỗi không dám buồn hay vui nữa, họ chỉ có thể sống bởi ân điển và sự thương xót của Đức Chúa Trời, chứ không bởi tình cảm của mình nữa.
Sự yếu đuối của một số người liên quan đến tư tưởng của họ, trong khi sự yếu đuối của những người khác liên quan đến tình cảm của mình. Tuy nhiên, những tư tưởng và tình cảm bất thường không phổ biến đối với mọi người (mặc dầu số người có tư tưởng và tình cảm bất thường không phải là ít). Sự yếu đuối trầm trọng nhất và phổ biến nhất liên quan đến ý chí. Vì ý chí chúng ta chưa được đụng đến, tình cảm của chúng ta trở thành nan đề của mình. Gốc rễ nằm ở ý chí. Chúng ta dễ nói: “Không theo ý con, nhưng theo ý Cha”. Nhưng khi trải qua các kinh nghiệm, bao nhiêu lần chúng ta thật sự có Ngài là Chúa? Càng ít biết mình, người ta càng dễ nói như vậy. Càng ít được Đức Chúa Trời soi sáng, người ta càng dễ nghĩ rằng mình không có vấn đề gì trong việc vâng lời Đức Chúa Trời. Một người càng mau tuyên bố, càng chứng tỏ rằng mình chẳng bao giờ trả một giá nào cả. Những ai nói những lời giả vờ thân mật với Đức Chúa Trời có thể là những người cách xa Ngài nhất. Khi không có ánh sáng, người ta dễ tuyên bố mình thân thiết với Đức Chúa Trời. Thật ra những người như vậy cách xa Ngài. Một người phải trải qua những sự xử lý của Đức Chúa Trời trước khi khám phá ra mình cố chấp và bướng bỉnh dường nào. Người ấy luôn luôn tin cậy mình và cho những ý kiến, cảm nhận, phương pháp và quan điểm của mình là đúng. Phao-lô tìm được ân điển nơi Đức Chúa Trời theo nhiều cách, mà tôi tin rằng cách chính yếu nằm trong lời ông nói trong Phi-líp 3:3: “Không tin cậy xác thịt”. Điều này có nghĩa là ông không còn tin cậy nơi xác thịt mình. Chúng ta cũng cần phải được Đức Chúa Trời dẫn dắt để nhận thức rằng mình không dám tin cậy vào sự phán đoán riêng. Đức Chúa Trời cho phép chúng ta phạm những lỗi lầm nhiều lần cho đến khi chúng ta bắt buộc phải thừa nhận rằng mình sai lầm trong quá khứ và mình sẽ lại sai lầm trong tương lai. Chúng ta sẽ thừa nhận mình cần ân điển của Chúa. Chúa thường cho phép sự phán đoán của chúng ta dẫn đến những hậu quả trầm trọng. Chúng ta phán đoán điều gì đó, và cuối cùng sự phán đoán của chúng ta bị sai lầm. Chúng ta lại phán đoán những điều khác, và chúng lại sai lầm trầm trọng đến nỗi không thể cứu vãn được. Chúng ta bị Chúa đánh đập nhiều lần, cho đến lúc khi cần phán đoán, chúng ta nói: “Con sợ sự phán đoán riêng của mình như sợ lửa địa ngục. Con e rằng sự phán đoán của mình sai lầm. Con e rằng quan điểm và phương pháp của con sai lầm. Chúa ôi! Con có khuynh hướng phạm những lỗi lầm. Con chỉ là một người lầm lỗi! Chúa ôi, nếu Ngài không thương xót, giữ con và bảo vệ con trong tay Ngài, con sẽ rơi vào những lỗi lầm!” Khi chúng ta cầu nguyện như vậy, người bề ngoài của chúng ta bắt đầu tan vỡ. Chúng ta không còn dám tin cậy chính mình nữa. Chúng ta thường phán đoán vội vàng, quan niệm của chúng ta quá đơn sơ. Nhưng sau khi một người được Đức Chúa Trời xử lý và phá vỡ nhiều lần, sau khi trải qua mọi loại thất bại, người ấy sẽ khiêm nhường nói rằng: “Đức Chúa Trời ôi, con không dám suy nghĩ, không dám quyết định”. Đức Chúa Trời xử lý chúng ta theo nhiều cách với mọi loại sự việc và con người. Đó là sự sửa trị của Thánh Linh.
Sự sửa trị của Thánh Linh là bài học không bao giờ thiếu vắng trong đời sống chúng ta. Đôi khi chúng ta thiếu chức vụ lời hay những phương tiện ân điển khác. Nhưng phương tiện để nhận lãnh ân điển này, tức sự sửa trị của Thánh Linh, không bao giờ thiếu. Sự cung ứng lời có thể thay đổi tùy theo sự hạn chế của hoàn cảnh. Nhưng sự sửa trị của Thánh Linh không bị giới hạn bởi bất cứ hoàn cảnh nào. Thật ra, sự sửa trị của Thánh Linh càng bày tỏ trong những hoàn cảnh bị giới hạn. Đôi khi chúng ta có thể nói mình không có cơ hội nghe giảng, nhưng không bao giờ chúng ta có thể nói mình không có cơ hội để vâng theo sự sửa trị của Thánh Linh. Chúng ta có thể nói mình không có cơ hội nhận lãnh chức vụ lời, nhưng không thể nói mình không có cơ hội nhận lãnh sự dạy dỗ của Thánh Linh. Hằng ngày Thánh Linh đang sắp đặt nhiều điều và cung ứng nhiều cơ hội cho chúng ta để học tập những bài học của mình.
Nếu có thể đầu phục Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy sự sửa trị của Thánh Linh là một phương tiện rất thích hợp cho chúng ta hơn cả chức vụ lời. Chúng ta phải sáng tỏ về phương cách này. Chúng ta đừng bao giờ nhầm lẫn nghĩ rằng sự cung ứng lời là phương tiện duy nhất để nhận lãnh ân điển. Đừng quên rằng phương tiện lớn lao nhất để nhận lãnh ân điển là sự sửa trị của Thánh Linh. Đó là phương tiện chính yếu giữa mọi phương tiện để nhận lãnh ân điển. Phương tiện này không chỉ sẵn dành cho những người trí thức, thông minh và tài năng, nhưng cũng dành cho những người thất học, kém thông minh và thiếu tài năng nữa. Sự sửa trị của Thánh Linh không dành ân huệ đặc biệt cho ai cả. Hễ một người là con của Đức Chúa Trời, người ấy có thể phó thác chính mình cho Ngài cách vô điều kiện, cho dầu người ấy là ai cũng được kinh nghiệm sự sửa trị của Thánh Linh. Qua sự sửa trị của Thánh Linh, một người học được nhiều bài học thực tế. Có lẽ một số người nghĩ rằng họ có chức vụ lời, nhận được ân điển trong sự cầu nguyện, được tương giao với các tín đồ khác và có những phương tiện ân điển khác là đủ rồi. Nhưng họ không nhận biết rằng không có phương tiện ân điển nào có thể thay thế sự sửa trị của Thánh Linh. Cầu nguyện không thể thay thế sự sửa trị của Thánh Linh; cũng không có chức vụ lời, sự học hỏi Kinh Thánh, hay sự suy gẫm nào có thể thay thế cho sự sửa trị của Thánh Linh được. Lý do là vì chúng ta không những cần sự xây dựng, nhưng cũng cần sự phá đổ. Có quá nhiều điều trong chúng ta không thể đi vào cõi đời đời, và những điều này cần phải bị giật sập.
THẬP TỰ GIÁ TRONG THỰC TẾ
Thập tự giá không chỉ là giáo lý, mà cần phải được thực hiện trong thực tế. Thập tự giá phải được trở thành hiện thực trong chúng ta, tất cả những điều thuộc về chúng ta phải bị hủy phá. Khi bị đánh đập một lần, hai lần, nhiều lần, sẽ đến lúc chúng ta tự phát trở nên tỉnh táo, không còn kiêu ngạo nữa. Phương cách không phải là nhờ từ bỏ tánh kiêu ngạo của mình mỗi khi được trí nhớ nhắc nhở mình. Loại từ bỏ ấy sẽ biến mất trong vòng năm phút. Chỉ sau khi một người trải qua sự sửa phạt của Đức Chúa Trời, sự kiêu ngạo của người ấy mới được lột bỏ mãi mãi. Một người lúc đầu có thể kiêu ngạo, nhưng sau khi bị Đức Chúa Trời đánh đập một lần, hai lần và nhiều lần, người ấy bắt đầu hạ mình xuống và sự kiêu ngạo sẽ bắt đầu bị xoi mòn đi. Không có sự dạy dỗ, giáo lý hay việc học thuộc lòng nào có thể phá hủy người bề ngoài. Chỉ có sự sửa phạt của Đức Chúa Trời và sự sửa trị của Linh mới hủy diệt nó mà thôi. Khi một người được Đức Chúa Trời xử lý, tự phát người ấy không còn dám kiêu ngạo nữa. Người ấy không phải bắt buộc chính mình nhớ lại bài học đó. Người ấy không hành động như vậy vì đã nghe một bài giảng cách đó vài ngày về điều ấy. Người ấy không hành động theo sự dạy dỗ. Sự kiêu ngạo của người ấy bị hạ xuống và cất bỏ đi. Người ấy ghét những phương pháp và quan niệm của mình như ghét lửa; người ấy sợ bị phỏng. Chúng ta sống bởi ân điển của Đức Chúa Trời, không phải bởi trí nhớ. Đức Chúa Trời phải đánh đập chúng ta đến mức dầu chúng ta có nhớ hành động theo cách đó hay không, chúng ta vẫn không thay đổi. Công tác ấy đáng tin cậy và vững bền. Khi Chúa hoàn tất một công tác như vậy trong chúng ta, không những chúng ta nhận được ân điển và trở nên mạnh mẽ nơi người bề trong, mà người bề ngoài trước đây vốn là một chướng ngại vật và sự ngăn trở cho lời Chúa, cho mục đích và sự hiện diện của Ngài, lúc ấy cũng bị phá vỡ. Trước đây, người bề ngoài và người bề trong không thể liên kết với nhau. Bây giờ người bề ngoài sợ hãi và run rẩy mà phủ phục, nó đã đầu phục Đức Chúa Trời và không còn xung đột với người bề trong.
Tất cả chúng ta đều cần trải qua những sự xử lý từ nơi Chúa. Khi nhìn lại, chúng ta thấy Chúa xử lý mình từng điều một. Ngài liên tục phá vỡ vỏ cứng bề ngoài của chúng ta và đánh hạ sự độc lập, kiêu ngạo và ích kỷ bề ngoài của mình. Khi nhìn lại tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ, chúng ta phải thừa nhận rằng mọi điều Chúa đã làm đều đầy ý nghĩa.
Tôi hi vọng rằng các con cái của Đức Chúa Trời sẽ thấy ý nghĩa sự sửa trị của Thánh Linh. Đức Chúa Trời muốn chúng ta thấy rằng mình nghèo nàn, đã chống nghịch lại Ngài, đã thất bại, sống trong tối tăm, tự mình bước đi, kiêu ngạo và tự phụ một thời gian dài. Bây giờ chúng ta biết bàn tay của Chúa đang đặt trên chúng ta là để phá vỡ chúng ta. Chúng ta hãy giao phó mình vào tay Ngài cách vô điều kiện, không giữ lại một điều gì, và cầu xin rằng công tác phá vỡ này sẽ được hoàn thành trong chúng ta. Anh chị em ơi, người bề ngoài phải được phá vỡ! Đừng cố gắng cứu nó khỏi bị phá đổ trong khi hi vọng xây dựng người bề trong. Khi chú ý đến công tác phá vỡ, tự phát chúng ta sẽ nhìn thấy công tác xây dựng.
CHƯƠNG BẢY
SỰ PHÂN CÁCH VÀ SỰ KHẢI THỊ
Đức Chúa Trời không những muốn phá vỡ người bề ngoài của chúng ta mà còn muốn phân cách nó khỏi người bề trong. Ngài muốn tháo gỡ người bề ngoài để người bề ngoài không còn là chướng ngại vật cho người bề trong. Ngài muốn linh và hồn chúng ta, tức người bề trong và người bề ngoài, phân cách nhau.
MỘT LINH PHA TRỘN
Giữa vòng các con cái Đức Chúa Trời có một nan đề, ấy là sự pha trộn hồn với linh. Bất cứ khi nào linh họ được giải phóng, hồn họ cũng tuôn ra. Khó tìm được một người có linh thuần khiết. Nhiều người thiếu sự thuần khiết. Sự pha trộn này làm cho họ không đủ điều kiện được Đức Chúa Trời sử dụng. Điều kiện đầu tiên để công tác là sự thuần khiết của linh, chứ không phải mức độ quyền năng. Nhiều người hi vọng có quyền năng lớn, nhưng không chú ý đến sự thuần khiết của linh. Mặc dầu có quyền năng xây dựng, nhưng họ thiếu thuần khiết. Hậu quả là công tác của họ có khuynh hướng bị phá đổ. Một mặt, họ xây dựng bằng quyền năng. Mặt khác, họ phá hủy nó bằng tình trạng không thuần khiết của mình. Họ bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời, nhưng đồng thời linh họ là một linh pha trộn.
Một số người nghĩ rằng một khi họ nhận được quyền năng từ Đức Chúa Trời, mọi sự họ có sẽ được làm cho trong sạch và được Đức Chúa Trời đem ra sử dụng cho sự hầu việc Ngài. Nhưng điều này không bao giờ xảy ra. Bất cứ điều gì thuộc về người bề ngoài sẽ mãi mãi thuộc về người bề ngoài. Càng biết Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ càng quí trọng sự thuần khiết hơn quyền năng. Chúng ta sẽ yêu mến sự thuần khiết này. Sự thuần khiết này khác với quyền năng thuộc linh, và tự do khỏi mọi sự ô uế của người bề ngoài. Nếu chưa bao giờ kinh nghiệm sự xử lý người bề ngoài, người ta không thể mong rằng quyền năng phát xuất từ mình sẽ tinh khiết. Họ không thể cho rằng chỉ vì mình có quyền năng và có một ít kết quả trong công tác nên được tự do pha trộn bản ngã với linh mình. Nếu làm như vậy, họ sẽ trở thành nan đề. Thật ra, điều này là một tội.
Nhiều anh chị em trẻ tuổi biết rằng phúc âm là quyền năng của Đức Chúa Trời. Nhưng khi rao giảng phúc âm, họ thêm vào sự thông minh, sự phù phiếm, đùa cợt và những cảm xúc của mình. Những người khác có thể cảm nhận được quyền năng của Đức Chúa Trời ở với họ, nhưng đồng thời họ cũng cảm nhận được bản ngã. Chính những người rao giảng có thể không cảm thấy gì hết, nhưng những người thuần khiết sẽ lập tức cảm nhận có sự pha trộn. Chúng ta thường nhiệt thành cho công tác Đức Chúa Trời ở bên ngoài, nhưng trên thực tế, chúng ta pha trộn sở thích của mình vào. Bề ngoài chúng ta thường làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, nhưng thật ra đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến ý muốn của Đức Chúa Trời phù hợp với ý muốn của chúng ta. Nhiều cái gọi là ý muốn của Đức Chúa Trời bị pha trộn với sở thích của con người! Nhiều sự nhiệt thành pha trộn với cảm xúc của con người! Nhiều lời làm chứng mạnh mẽ cho Đức Chúa Trời bị pha trộn với tánh khí cứng cỏi của con người!
Nan đề lớn nhất của chúng ta là sự pha trộn của mình. Vì vậy, Đức Chúa Trời phải hành động trên chúng ta để phá vỡ người bề ngoài cũng như để cất bỏ sự pha trộn của chúng ta. Đức Chúa Trời đang phá vỡ từng bước một để người bề ngoài không còn nguyên vẹn nữa. Sau khi người bề ngoài của chúng ta bị đập vỡ một lần, mười lần, hai mươi lần, chúng ta sẽ tan vỡ và lớp vỏ cứng bên ngoài trước mặt Đức Chúa Trời sẽ không còn nữa. Nhưng chúng ta nên làm gì với sự pha trộn của người bề ngoài trong linh mình? Điều này đòi hỏi một công tác khác, đó là công tác luyện lọc. Công tác này được thực hiện không những qua sự sửa trị của Thánh Linh, mà cũng qua sự khải thị của Linh nữa. Phương cách luyện lọc sự pha trộn khác với phương cách phá vỡ người bề ngoài. Phương cách luyện lọc sự pha trộn thường được thực hiện qua sự khải thị. Vì vậy, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đối xử với chúng ta theo hai cách. Một là phá vỡ con người bề ngoài, hai là phân cách người bề ngoài khỏi linh. Một điều đến từ sự sửa trị của Thánh Linh, điều kia là kết quả sự khải thị của Thánh Linh.
NHU CẦU PHÁ VỠ VÀ PHÂN CÁCH
Phá vỡ và phân cách là hai nhu cầu khác nhau. Nhưng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa hai điều này, không thể hoàn toàn tách rời hai điều này. Người bề ngoài cần được phá vỡ trước khi linh được giải phóng. Nhưng khi linh được giải phóng, nó không được pha trộn với cảm xúc và tính chất của con người bề ngoài. Nó không được mang bất cứ yếu tố nào ra từ con người. Điều này không chỉ là vấn đề giải phóng linh, nhưng là vấn đề sự thuần khiết và chất lượng của linh. Nhiều lúc khi một anh em đứng lên nói, một mặt chúng ta cảm thấy linh và sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, mặt khác, chúng ta chạm đến bản ngã trong lời nói của anh, chúng ta chạm đến điểm dễ nhận thấy này. Linh của anh không thuần khiết. Anh có thể là một cớ để chúng ta ngợi khen, nhưng đồng thời cũng là nguồn gây đau đớn. Vấn đề không phải linh có được giải phóng hay không, nhưng là linh có thuần khiết hay không.
Nếu một người chưa bao giờ được Đức Chúa Trời soi sáng hay được Ngài phán xét cách sâu xa, để nhờ đó hiểu biết về người bề ngoài của mình, sự giải phóng linh tự nhiên sẽ bị kèm theo sự tuôn đổ con người bề ngoài. Khi nghe nhiều người nói, chúng ta có thể cảm nhận sự tuôn đổ của chính con người họ. Họ tuôn đổ Đức Chúa Trời, nhưng sự tuôn đổ linh họ bị bản ngã chưa bị kết án đi kèm vì nhiều điều trong họ chưa bao giờ trải qua sự phán xét. Khi chúng ta tiếp xúc với người khác, chủ yếu là những yếu tố rõ ràng nhất và nổi bật nhất của chúng ta sẽ chạm đến họ. Nếu người bề ngoài của chúng ta chưa bị kết án, những gì phơi bày ra ngay khi chúng ta tiếp xúc với những người khác sẽ là yếu tố đáng chú ý nhất của người bề ngoài. Không ai có thể giấu điều này. Nhiều người không thuộc linh trong phòng riêng mà lại mong được thuộc linh khi đứng trên bục giảng. Đó là điều không thể có được. Nhiều người mất tính chất thuộc linh ngay khi trí nhớ của họ quên nhắc nhở họ. Tình trạng thuộc linh của họ được duy trì bằng trí nhớ của mình. Nhưng đó là một điều không thể có được. Chúng ta không nên suy nghĩ: “Tôi sẽ nhớ khớp miệng mình hôm nay vì tôi phải giảng một bài, tôi phải công tác”. Trí nhớ của chúng ta không thể cứu mình. Chúng ta không thể được cứu nhờ trí nhớ của mình. Cho dầu chúng ta thuộc loại người nào, điều ấy cũng sẽ được phơi bày ra ngay khi chúng ta mở miệng. Cho dầu một người hết sức cố gắng giả vờ, hành động, che phủ mình chăng nữa, linh của anh phát ra ngay khi anh mở miệng mình. Bất cứ loại linh nào và bất cứ sự pha trộn nào chúng ta có trong linh cũng sẽ trở nên hiển nhiên đối với mọi người ngay khi chúng ta mở miệng ra. Trong những vấn đề thuộc linh, không có cách nào giả vờ được.
Nếu chúng ta muốn kinh nghiệm sự giải cứu từ Đức Chúa Trời, sự giải cứu này phải có nền tảng, chứ không có tính cách chấp vá. Đức Chúa Trời phải hành động trong chúng ta để xử lý điểm mạnh của chúng ta, và Ngài phải phá vỡ điểm mạnh này. Chỉ khi ấy linh chúng ta mới được giải phóng mà không truyền cho người khác sự pha trộn nào. Nếu chưa bao giờ được Đức Chúa Trời chạm đến cách cơ bản, chúng ta có thể hành động khá thuộc linh khi nhớ làm ra vẻ thuộc linh, nhưng chúng ta sẽ bày tỏ bản ngã một khi mình quên khuấy đi. Thật ra, trong cả hai trường hợp, dầu chúng ta nhớ hay quên, linh tuôn đổ ra cũng giống nhau và những gì do linh mang theo cũng giống nhau.
Nan đề pha trộn là nan đề lớn nhất giữa vòng những người hầu việc Chúa. Chúng ta thường chạm đến sự sống trong các anh em, nhưng cũng chạm đến sự chết nữa. Chúng ta chạm đến Đức Chúa Trời trong các anh em, nhưng cũng chạm đến bản ngã của họ nữa. Chúng ta chạm đến linh khiêm nhường, nhưng cũng chạm đến bản ngã cứng cỏi. Chúng ta thấy được Thánh Linh trong họ, nhưng cũng thấy xác thịt trong họ. Khi họ đứng lên chia sẻ, những người khác cảm nhận một linh pha trộn, một linh không thuần khiết. Nếu Đức Chúa Trời dự định cho chúng ta hầu việc Ngài trong chức vụ lời và nếu chúng ta phải phát ngôn cho Đức Chúa Trời, chúng ta phải xin [Ngài ban cho] ân điển. Chúng ta phải nói: “Đức Chúa Trời ơi, xin hành động trong con. Xin phá vỡ người bề ngoài của con, giật sập nó và phân cách nó với người bên trong”. Nếu chưa kinh nghiệm sự giải cứu này, chúng ta sẽ bày tỏ người bề ngoài mà không hay biết mỗi khi mở miệng mình ra. Chúng ta không có cách nào giấu nó được. Ngay khi lời ra, linh cũng ra theo. Chúng ta không thể giả vờ mình thuộc loại người nào. Nếu muốn được Đức Chúa Trời sử dụng, linh của chúng ta phải được giải phóng, và linh này phải thuần khiết. Để chúng ta thuần khiết, người bề ngoài của chúng ta phải bị phá hủy. Nếu người bề ngoài của chúng ta không bị tiêu trừ, chúng ta sẽ mang theo chính “hàng hóa” của mình khi phục vụ như những người cung ứng lời. Danh Chúa sẽ bị thiệt hại, không phải vì chúng ta thiếu sự sống, nhưng vì sự pha trộn của chúng ta. Danh Chúa sẽ bị thiệt hại, và Hội thánh cũng sẽ bị thiệt hại.
Chúng tôi đã nói về sự sửa trị của Thánh Linh. Bây giờ chúng tôi muốn nói đến sự khải thị của Thánh Linh. Có thể sự sửa trị của Linh đến trước sự khải thị của Linh, và thứ tự có thể ngược lại. Chúng ta có thể phân biệt thứ tự, nhưng khi Thánh Linh hành động, Ngài không nhất thiết làm điều này trước rồi mới đến điều kia. Trong kinh nghiệm của chúng ta, không có thứ tự cố định nào cho các sự kiện. Một số người kinh nghiệm sự sửa trị trước. Những người khác kinh nghiệm sự khải thị trước. Kinh nghiệm của mỗi người mỗi khác. Một số người nhận được sự sửa trị của Linh trước, sau đó là sự khải thị của Linh, và kế đến là thêm sự sửa trị. Những người khác nhận được sự khải thị của Linh trước, rồi đến sự sửa trị và sau đó là thêm sự khải thị. Tuy nhiên, giữa vòng con cái Đức Chúa Trời, luôn luôn có sự sửa trị của Thánh Linh nhiều hơn là sự khải thị của Thánh Linh. Ở đây chúng ta đang nói về kinh nghiệm chứ không phải giáo lý. Đối với nhiều người, sự sửa trị xảy ra thường xuyên hơn sự khải thị. Tóm lại, hồn và linh phải được phân cách ra. Người bên trong phải được phân cách khỏi người bề ngoài. Người bề ngoài phải được phá vỡ, đập tan và hoàn toàn phân cách với người bên trong. Chỉ khi ấy linh chúng ta mới được tự do và thuần khiết.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC PHÂN CÁCH
Hê-bơ-rơ 4:12-13 nói: “Vì lời Đức Chúa Trời là sống động, hiệu nghiệm, sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn và linh, khớp và tủy, và có thể biện biệt các tư tưởng và ý định của lòng. Không có vật thọ tạo nào mà không được tỏ ra trước mặt Ngài, nhưng mọi sự đều trần trụi và phơi bày trước mắt Đấng mà chúng ta phải trình lời báo cáo”. Lời trong câu 12 là logos trong tiếng Hi Lạp. “Lời báo cáo” này trong nguyên văn Hi Lạp cũng là logos. Từ ngữ này mang ý nghĩa về sự phán xét. Phần cuối câu 13 có thể được dịch là “mọi sự đều trần trụi và phơi bày trước mắt Đấng phán xét chúng ta” hay “mọi sự đều trần trụi và phơi bày trước mắt Chúa, Chúa là Quan Án của chúng ta”.
Điều đầu tiên chúng ta phải nhận thức là Kinh Thánh nói với chúng ta rằng lời Đức Chúa Trời sống động. Nếu chúng ta thật sự chạm đến lời Đức Chúa Trời, lời ấy sống động đối với chúng ta. Nếu chúng ta không cảm nhận được sự sống động của lời Đức Chúa Trời, chứng tỏ rằng chúng ta không chạm được lời Ngài. Một số người đã đọc tất cả những lời chép trong Kinh Thánh. Nhưng họ không chạm được lời của Đức Chúa Trời. Chỉ khi nào chúng ta đến chỗ chạm được điều gì sống động, chúng ta mới có thể tuyên bố mình chạm đến lời của Đức Chúa Trời.
Giăng 3:16 nói: “Vì Đức Chúa Trời đã thương yêu thế gian đến nỗi đã ban Con độc sanh của Ngài, để hễ ai tin Con ấy không bị hư mất nhưng được sự sống đời đời”. Một người nghe lời này và quì xuống cầu nguyện: “Chúa ôi, con cảm tạ và ngợi khen Ngài vì Ngài yêu con và cứu con”. Đó là một người chạm được lời của Đức Chúa Trời, vì lời Ngài đã trở nên sống động đối với anh. Một người khác ngồi ngay bên cạnh anh có thể nghe chính lời ấy. Âm thanh có lẽ giống nhau, nhưng người ấy chỉ nghe âm thanh chứ không nghe lời Đức Chúa Trời. Không có một sự đáp ứng sống động nào trong người đó khi nghe lời ấy. Lời Đức Chúa Trời sống động. Nếu một người nghe lời [Chúa] mà không trở nên sống động, người ấy chưa [thật sự] nghe lời [Chúa]. Đức Chúa Trời dùng chính lời Ngài, và đó là lời sống động.
Lời Đức Chúa Trời không những sống động, mà còn hiệu nghiệm. Sống động chỉ về bản chất của lời, và hiệu nghiệm chỉ về công việc lời hoàn thành trong con người theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Lời Đức Chúa Trời không qua đi cách hời hợt. Lời luôn luôn đem lại kết quả nào đó. Lời sinh ra kết quả. Lời Đức Chúa Trời không đến với chúng ta cách vô ích. Lời hành động để tạo nên kết quả trong con người.
Lời Đức Chúa Trời sống động và hiệu nghiệm. Lời này làm gì cho con người? Lời đâm thấu và phân chia. Lời Đức Chúa Trời sắc bén, thậm chí “sắc hơn mọi gươm hai lưỡi”. Lời đâm thấu “đến nỗi chia hồn và linh, khớp và tủy”. Ở đây có một sự tương phản. Về một phương diện, chúng ta có gươm hai lưỡi đối xứng với khớp và tủy. Về phương diện khác, chúng ta có lời Đức Chúa Trời đối xứng với hồn và linh. Khớp và tủy là những phần sâu nhất của con người. Phân chia khớp là phân chia xương ở bên ngoài. Phân chia tủy là phân chia xương ở bên trong. Gươm hai lưỡi có thể chia xương ở bên ngoài và bên trong. Về mặt thuộc thể, gươm hai lưỡi có thể làm như vậy đối với thân thể chúng ta. Nhưng có hai điều khó chia hơn cả khớp và tủy: đó là hồn và linh. Một thanh gươm hai lưỡi có thể phân chia khớp và tủy nhưng không thể phân chia hồn và linh. Gươm hai lưỡi không thể cho chúng ta biết hồn là gì và linh là gì. Gươm hai lưỡi không thể cho chúng ta biết hồn có gì và linh có gì. Nhưng Kinh Thánh nói rằng một điều bén hơn gươm hai lưỡi, có thể chia hồn và linh. Đó là lời Đức Chúa Trời. Lời Đức Chúa Trời sống động và lời Đức Chúa Trời hành động. Lời ấy có thể đâm thấu và phân chia. Điều lời Đức Chúa Trời đâm thấu không phải là khớp và điều lời Đức Chúa Trời phân chia không phải là tủy. Lời đâm thấu vào để chia hồn và linh. Lời Đức Chúa Trời có thể phân cách hồn với linh.
Có lẽ một số người nói: “Tôi không cảm thấy lời Đức Chúa Trời có thể làm được điều gì. Tôi đã nghe lời Ngài một thời gian dài, và tiếp nhận sự khải thị của Ngài. Nhưng tôi không nhận được gì đặc biệt cả. Tôi không biết thế nào là đâm thấu và phân chia. Tôi biết lời Đức Chúa Trời đâm thấu đến nỗi chia hồn và linh. Nhưng trong kinh nghiệm của mình, tôi không biết đâm thấu và phân chia nghĩa là gì”.
Kinh Thánh trả lời cho mối ưu tư này. Phần đầu câu này nói: “Đâm thấu đến nỗi chia hồn và linh, khớp và tủy”. Đâm thấu đến nỗi chia hồn và linh có nghĩa là gì? Phần tiếp theo của câu này nói: “và có thể biện biệt tư tưởng và ý định của lòng”. Tư tưởng là những gì chúng ta suy nghĩ trong lòng, và ý định là động cơ và mục đích của chúng ta. Lời Đức Chúa Trời có thể biện biệt những gì chúng ta nghĩ trong lòng cũng như động cơ của chúng ta.
Chúng ta thường thừa nhận rằng một điều gì đó thuộc về người bề ngoài của mình, rằng điều đó thuộc hồn, thuộc xác thịt, thuộc nhục dục. Chúng ta thừa nhận rằng đó là điều phát xuất từ chính mình. Nhưng thậm chí khi nói như vậy, chúng ta cũng không nhìn thấy sự thật của vấn đề. Khi Đức Chúa Trời thương xót soi sáng cho chúng ta, dường như Ngài sẽ nghiêm trang và điềm tĩnh phán với chúng ta: “Chính nó đó! Ấy là bản ngã mà con đã nói đến từ bao lâu nay. Đó là bản ngã của con! Lâu nay con đã nói về xác thịt cách lưu loát và hời hợt. Chính nó đó! Ấy là điều Ta ghét. Đó là điều Ta ghê tởm”. Khi không thấy xác thịt, chúng ta nói về xác thịt với tinh thần đùa cợt. Khi được soi sáng, chúng ta té sấp mặt xuống đất và thừa nhận: “Chính nó đó! Xác thịt mà tôi đã nói đến chính là điều này!” Sự phân chia hồn và linh không phải là một sự phân chia trong kiến thức. Nó xảy ra khi lời Đức Chúa Trời đến với chúng ta, bày tỏ tư tưởng và ý định của lòng chúng ta. Sự phân chia hồn và linh xảy ra trong sự soi sáng của Đức Chúa Trời, khi chúng ta thấy tư tưởng, tâm trí và hành động của mình, tất cả đều thuộc xác thịt và động cơ của chúng ta đều là vì bản ngã.
Giả sử có hai tội nhân ở trước mặt chúng ta. Cả hai đều là tội nhân, nhưng họ không giống nhau. Một người là tội nhân có kiến thức. Anh đến nhóm và nghe nhiều sự dạy dỗ. Anh biết rằng loài người là tội nhân, và anh là một tội nhân bởi điều này hay sự kiện nọ. Người giảng đạo giảng dạy rất rõ ràng và người bạn của chúng ta thâu lượm được nhiều kiến thức. Anh thừa nhận mình là một tội nhân. Nhưng khi nói rằng chính mình là một tội nhân, anh rất vui vẻ và không bận tâm gì cả. Người kia cũng nghe điều đó, nhưng ánh sáng của Đức Chúa Trời chiếu trên anh, anh ngã sấp xuống và nói: “Ôi Chúa, ấy là con! Con là một tội nhân!” Anh nghe lời Chúa nói với anh rằng anh là một tội nhân và anh thấy mình là tội nhân. Anh lên án chính mình và ngã sấp xuống. Người được soi sáng này phủ phục dưới đất và xưng nhận tội mình, anh tiếp nhận sự cứu rỗi của Chúa. Người kia đùa cợt về việc mình là tội nhân, là người không thấy gì cả và không được cứu.
Ngày nay chúng ta nghe nói người bề ngoài là một nan đề nghiêm trọng và người xác thịt phải bị phá vỡ. Nếu chúng ta nói về điều này cách khinh suất như thể đó là một đề tài để trò chuyện, chúng ta sẽ chẳng được ích lợi gì cả. Nếu chúng ta nhận được sự thương xót của Chúa để thấy ánh sáng, chúng ta sẽ nói: “Chúa ôi! Hôm nay con biết chính mình. Bây giờ con biết thế nào là người bề ngoài của con”. Khi ánh sáng của Đức Chúa Trời chiếu trên chúng ta, chúng ta sẽ thấy người bề ngoài là gì, và chúng ta sẽ ngã xuống và không thể chỗi dậy được nữa. Ngay lập tức chúng ta sẽ thấy mình chính là người đó. Chúng ta nói rằng mình yêu Chúa, nhưng khi ánh sáng của Đức Chúa Trời chiếu trên chúng ta, chúng ta sẽ thấy mình không yêu Chúa gì cả mà trái lại chỉ yêu chính mình. Khi ánh sáng đến, nó sẽ phân chia. Tâm trí không phân chia chúng ta. Giáo lý không phân chia chúng ta. Ánh sáng của Đức Chúa Trời phân chia chúng ta. Chúng ta khoe khoang về lòng nhiệt thành của mình, nhưng ánh sáng của Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ rằng lòng nhiệt thành này không gì khác hơn là những hoạt động của xác thịt. Chúng ta giảng phúc âm và nghĩ rằng mình yêu tội nhân, nhưng khi ánh sáng đến, chúng ta sẽ thấy sự rao giảng phúc âm của mình là kết quả tình trạng bôn ba và lắm lời của mình. Đó chỉ là khuynh hướng của con người thiên nhiên chúng ta. Khi ánh sáng đến, động cơ và tư tưởng trong lòng chúng ta bị lộ ra. Chúng ta nghĩ rằng tư tưởng của mình và ý định của mình là vì Chúa, nhưng khi ánh sáng đến, mọi sự được phơi bày, và chúng ta thấy những điều đó đều thuộc về chúng ta, không thuộc về Chúa gì cả. Một khi ánh sáng đến chúng ta sẽ thấy và khi thấy chúng ta sẽ ngã xuống dưới chân Ngài. Nhiều điều chúng ta nghĩ thuộc về Chúa sẽ được khám phá là thuộc về chúng ta. Chúng ta ngu dại tuyên bố rằng điều này, điều kia là vì Chúa, nhưng khi ánh sáng đến, chúng ta sẽ nhận thấy những gì mình làm vì Chúa ít oi biết bao. Hầu hết những gì được thực hiện đều vì chính chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng nhiều việc đã được thực hiện bởi Chúa. Thật ra, tất cả đều được thực hiện bởi chúng ta. Chúng ta khoe khoang nhiều sứ điệp đã được rao giảng là đến từ Chúa. Nhưng khi ánh sáng của Đức Chúa Trời chiếu trên chúng ta, chúng ta sẽ thấy rất ít những gì chúng ta nói là lời Chúa ban cho. Có lẽ không có lời nào đến từ Chúa cả. Chúng ta nghĩ rằng nhiều công việc được Chúa giao phó, nhưng khi ánh sáng chiếu rọi từ trời, chúng ta sẽ thấy tất cả những công việc chúng ta làm chỉ là hoạt động của xác thịt. Sự khải thị về tình trạng thật của công việc chúng ta và sự đối đầu của thực tại trở nên ánh sáng cho chúng ta. Khi ấy chúng ta sẽ nhận biết những gì mình có thì thuộc về chính mình, thuộc về hồn bao nhiêu, và thuộc về Chúa, thuộc về linh bao nhiêu. Ngay khi ánh sáng chiếu rọi, hồn được phân chia khỏi linh, và có sự biện biệt tư tưởng và ý định của lòng.
Chúng ta không thể dùng giáo lý để làm sáng tỏ vấn đề này. Nếu cố gắng biện biệt theo giáo lý những gì thuộc bản ngã, những gì thuộc Chúa, những gì của xác thịt, những gì thuộc Thánh Linh, những gì thuộc ân điển Chúa, những gì thuộc người bề ngoài, và những gì thuộc người bên trong, chúng ta có thể nêu ra một danh sách rõ ràng, thậm chí có thể thuộc lòng danh sách ấy nhưng chính mình vẫn ở trong tối tăm. Chúng ta vẫn sẽ hành động như trước. Chúng ta vẫn không thể thoát khỏi người bề ngoài. Những điều đó vẫn ở với chúng ta và chúng ta vẫn không thể giải thoát chính mình khỏi chúng. Chúng ta có thể nói xác thịt sai lầm. Chúng ta có thể đùa cợt nêu lên đây là xác thịt và đó là xác thịt, nhưng điều này không cứu chúng ta được. Sự giải cứu không đến theo cách này, nhưng đến từ ánh sáng của Đức Chúa Trời. Ngay khi ánh sáng của Đức Chúa Trời chiếu trên chúng ta, chúng ta sẽ nhận thức rằng thậm chí sự từ bỏ xác thịt cũng là một hành động của xác thịt. Thậm chí sự phê phán xác thịt cũng là lời của xác thịt. Chúa sẽ biện biệt tư tưởng và ý định của lòng chúng ta. Chúng ta sẽ thấy tình trạng thật của tư tưởng và ý định của lòng mình. Chúng ta sẽ cúi xuống thưa rằng: “Chúa ôi! Bây giờ con biết rằng những điều này thuộc về người bề ngoài”. Anh chị em ơi, chỉ có ánh sáng này mới phân cách người bề ngoài khỏi người bề trong của chúng ta. Sự phân cách người bề ngoài không đến từ sự từ chối mình. Chúng ta không thể nghiến răng nói rằng mình từ bỏ nó. Sự từ bỏ của chúng ta không đáng tin cậy. Sự xưng tội của chúng ta không tinh sạch. Thậm chí nước mắt xưng tội của chúng ta cũng phải được huyết tẩy sạch. Chúng ta khờ dại nghĩ rằng mình sở hữu những gì mình biết trong tâm trí. Nhưng Đức Chúa Trời không nhìn sự việc theo cách ấy.
Đức Chúa Trời phán rằng lời Ngài sống động và hiệu nghiệm. Lời Ngài sắc bén hơn bất cứ điều gì khác. Khi lời này đến với chúng ta, hồn và linh chúng ta bị phân chia, thậm chí như gươm hai lưỡi phân chia khớp và tủy. Lời phân chia chúng ta bằng cách phơi bày tư tưởng và ý định của lòng. Không bao nhiêu người trong chúng ta biết lòng mình. Anh chị em ơi, chỉ những ai ở dưới ánh sáng mới biết tấm lòng của mình. Những ai không ở trong ánh sáng sẽ không bao giờ biết lòng mình. Điều này không có trường hợp ngoại lệ! Chúng ta không biết gì về lòng mình cả. Chỉ khi lời Đức Chúa Trời đến với mình, chúng ta mới thấy mình chỉ sống vì mình mà thôi. Chúng ta sống để thỏa mãn chính mình, cho vinh quang của mình, cho những gì mình theo đuổi, cho địa vị của mình, và sự gây dựng của mình. Anh chị em ơi, khi bản ngã bị ánh sáng phơi bày và lộ ra, chúng ta sẽ phủ phục trước mặt Đức Chúa Trời.
SỰ KHẢI THỊ LÀ GÌ?
Hê-bơ-rơ 4:13 nói tiếp: “Không có vật thọ tạo nào mà không được tỏ ra trước mặt Ngài, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Đấng mà chúng ta phải trình lời báo cáo”. Ở đây Chúa cho thấy tiêu chuẩn nhờ đó Ngài soi sáng chúng ta và biện biệt tư tưởng và ý định lòng ta. Điều gì tạo nên sự khải thị của Thánh Linh? Mắt chúng ta phải được mở ra ở mức độ nào rồi chúng ta mới có thể nói rằng mình có sự khải thị? Đó là điều câu 13 nói với chúng ta. Tóm lại trong một câu, tiêu chuẩn của ánh sáng là tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Sự khải thị nghĩa là chúng ta thấy mọi sự theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Mọi sự đều trần trụi và được phơi bày trước mắt Ngài, không có gì giấu khỏi Ngài. Giấu một vật chỉ là giấu nó khuất mắt chúng ta. Không vật gì có thể giấu khuất mắt Chúa. Sự khải thị là Đức Chúa Trời mở mắt chúng ta để thấy ý định và những tư tưởng sâu thẳm nhất trong bản thể chúng ta như Đức Chúa Trời nhìn thấy chúng. Chúng ta trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài như thế nào thì cũng trần trụi và phơi bày trước mắt mình y như vậy khi chúng ta nhận được sự khải thị. Chúng ta được lộ ra trước mắt Đức Chúa Trời thế nào thì cũng lộ ra trước mắt mình thế ấy khi chúng ta nhận được sự khải thị. Đó là sự khải thị. Khải thị là thấy những gì Chúa thấy.
Nếu Đức Chúa Trời thương xót chúng ta và ban cho chúng ta chút ít khải thị, nếu chúng ta thấy một chút về chính mình như Đức Chúa Trời thấy chúng ta, và nếu Ngài bày tỏ cho chúng ta thấy một chút về chính mình, ngay lập tức chúng ta sẽ phủ phục trước mặt Ngài. Chúng ta sẽ không bắt buộc chính mình khiêm nhường, mà sẽ tự ngã xuống. Những ai ở trong ánh sáng không thể kiêu ngạo dầu họ có muốn chăng nữa. Chỉ có những ai ở trong tối tăm mới kiêu ngạo. Một người kiêu căng vì người ấy không có ánh sáng của Đức Chúa Trời. Tất cả những ai ở trong ánh sáng và trong sự khải thị chắc chắn sẽ ngã sấp mặt xuống đất.
Làm thế nào chúng ta biết những gì là thuộc linh và những gì là thuộc hồn, những gì đến từ người bên trong và những gì đến từ người bề ngoài? Khó có thể dùng giáo lý để làm sáng tỏ điều này. Nhưng nếu có sự khải thị, chúng ta sẽ thấy trả lời câu hỏi này là điều đơn giản. Ngay khi Đức Chúa Trời phơi bày ý tưởng của chúng ta, và cho chúng ta thấy ý định của lòng mình, hồn chúng ta sẽ phân cách khỏi linh chúng ta. Bất cứ khi nào có thể biện biệt tư tưởng và ý định của lòng mình, chúng ta có thể phân chia hồn khỏi linh.
Nếu muốn được hữu dụng, không sớm thì muộn, chúng ta phải để ánh sáng này chiếu trên mình. Chỉ khi ánh sáng này chiếu trên mình, chúng ta mới ở dưới sự phán xét của Chúa. Khi bị phán xét, chúng ta sẽ ngước mắt lên và nói: “Đức Chúa Trời ôi, con hoàn toàn không đáng tin cậy. Thậm chí khi con tự quở trách mình, con cũng không đáng tin cậy. Thậm chí khi con xưng tội, con vẫn không hiểu biết những gì con đang thú nhận. Con chỉ có thể biết nhờ ánh sáng”. Trước khi tiếp nhận ánh sáng, chúng ta có thể nói mình là tội nhân, nhưng không có cảm nhận mình là một tội nhân. Chúng ta nói mình ghét chính mình, nhưng chúng ta không cảm thấy mình thật sự ghét chính mình. Chúng ta nói mình từ chối chính mình, nhưng không có cảm nhận mình đang từ chối chính mình. Điều này chỉ có thể đến nhờ sự soi sáng của Chúa. Ngay khi ánh sáng đến, bản ngã thật của chúng ta sẽ được phơi bày. Chúng ta sẽ thấy suốt đời mình chỉ yêu chính mình chứ không yêu Chúa. Chúng ta đã tự lừa dối mình và lừa dối Chúa. Chúng ta không yêu Chúa gì cả. Ánh sáng sẽ chỉ cho chúng ta thấy mình là loại người nào và trước đây mình đã làm những gì. Từ ngày đó về sau, chúng ta sẽ biết những gì thuộc về linh và những gì thuộc về hồn. Chúng ta sẽ biết nhiều điều thuộc về chính mình. Một người chỉ có thể nói mình biết sau khi đã được ánh sáng phán xét. Nếu không được ánh sáng phán xét, người ấy sẽ không thật sự là những gì mình công bố dầu người ấy có cố gắng bắt chước chăng nữa. Chỉ khi Đức Chúa Trời chiếu ánh sáng lớn lao trên mình, chúng ta mới có thể nói: “Đó là hồn tôi”. Sự phán xét đến cùng với ánh sáng sẽ phân biệt người bề trong với người bề ngoài. Khi người bề trong và người bề ngoài được phân biệt với nhau, hồn và linh của chúng ta được phân chia ra. Chúa thực hiện sự soi sáng một lần trong chúng ta với ánh sáng lớn chưa từng thấy của Ngài. Điều này có thể xảy ra khi chúng ta đang nghe giảng, hay khi chúng ta đang cầu nguyện, tương giao với những anh em khác, hay đang đi bộ trên đường. Ánh sáng chưa từng thấy ấy chiếu rọi và chúng ta khám phá ra chính mình. Một khi được đặt dưới ánh sáng lớn lao này, chúng ta sẽ khám phá trong số những gì mình đã làm suốt đời, ít có điều nào thuộc về Chúa. Luôn luôn là chính chúng ta. Chúng ta là người hành động, bận rộn và nhiệt thành làm việc, nói năng, giúp đỡ các anh chị em, giảng phúc âm. Khi ánh sáng chiếu trên mình, chúng ta sẽ nhận biết thế nào sự hiện diện của mình đã tràn chiếm khắp mọi nơi, thế nào chúng ta đã cố gắng hết sức trong mọi sự và bản ngã chúng ta bao hàm những gì.
Bản ngã trước đây ẩn giấu bây giờ bị phơi bày ra. Bản ngã mà chúng ta đã không nhận thức, bây giờ được cảm nhận cách rõ ràng. Mọi sự đều sáng tỏ, và chúng ta nhận biết bản ngã đã xen vào quá nhiều, bao gồm rất nhiều hoạt động. Chúng ta nghĩ nhiều điều đã được thực hiện trong danh Chúa. Bây giờ chúng ta thấy trong bản chất, chúng đều thuộc về mình. Một khi thấy như vậy, chúng ta sẽ tự động lên án người bề ngoài. Những gì chúng ta thấy trong ánh sáng sẽ bị chúng ta lên án khi chúng lại xuất hiện. Những gì chúng ta thấy trong ánh sáng sẽ lại bị chúng ta từ khước khi các sự việc, lời nói, hay ý định của cùng một bản chất ấy chỗi dậy lần thứ hai; chúng ta lập tức sẽ thấy rằng những gì mình đang đối diện chính là những gì mình muốn xử lý lần đầu. Bất cứ điều gì trải qua sự phán xét của ánh sáng một lần sẽ lại bị phán xét ngay khi một hạt giống nhỏ đâm chồi. Sau khi đã nhận được sự soi sáng này, chúng ta có thể phân chia hồn khỏi linh. Trước khi được soi sáng, tất cả những gì chúng ta có đều là giáo lý, và chúng ta nói giống như một tội nhân nói về tội mình cách ngọt sớt. Nếu không có ánh sáng, ngay cả nỗ lực xử lý chính mình cũng vô ích. Sự xử lý duy nhất hữu hiệu là sự xử lý trong ánh sáng. Khi sống trước mặt Chúa như vậy, linh của chúng ta sẽ được giải phóng. Chúng ta sẽ trở nên thuần khiết, và Chúa sẽ không gặp rắc rối gì khi sử dụng chúng ta.
Sự phân chia hồn và linh đến từ sự soi sáng. Sự soi sáng là gì? Nguyện Chúa thương xót chúng ta, bày tỏ cho chúng ta thấy sự soi sáng là gì. Sự soi sáng là thấy những gì Đức Chúa Trời thấy. Đức Chúa Trời thấy gì? Ngài thấy những gì chúng ta không thấy. Chúng ta không thấy gì? Chúng ta không thấy những gì thuộc về chính mình, và những điều chúng ta nghĩ thuộc về Đức Chúa Trời thật ra không phải như vậy. Ánh sáng cho chúng ta thấy bao nhiêu điều mà chúng ta nghĩ thuộc về Đức Chúa Trời thật ra thuộc về chúng ta. Ánh sáng cho chúng ta thấy bao nhiêu điều mà chúng ta nghĩ là tốt thật sự không tốt, bao nhiêu điều chúng ta nghĩ là đúng thật sự là sai, bao nhiêu điều chúng ta nghĩ là thuộc linh thật ra là thuộc hồn, và bao nhiêu điều chúng ta nghĩ thuộc về Đức Chúa Trời thật sự là của chúng ta. Khi ấy chúng ta sẽ nói: “Chúa ôi! Bây giờ con biết chính mình. Con là một người mù. Con đã mù lòa hai mươi hay ba mươi năm, nhưng con không nhận biết điều đó. Con không thấy những gì Ngài đã thấy”.
Sự nhìn thấy này sẽ lấy đi những gì chúng ta có. Sự nhìn thấy của chúng ta là sự xử lý. Đừng nghĩ rằng thấy là một điều và xử lý là một điều khác. Lời Đức Chúa Trời rất hiệu nghiệm. Một khi lời Ngài soi sáng trên chúng ta, người bề ngoài của chúng ta sẽ ra đi. Chúng ta không nghe lời Đức Chúa Trời và rồi sau đó mới dần dần kinh nghiệm sự xử lý. Chúng ta không thấy một điều gì đó nhờ ánh sáng của Đức Chúa Trời và rồi sau đó mới xử lý điều mình thấy. Chúng ta không đi bước nhìn thấy rồi mới xử lý trong bước kế tiếp. Sự soi sáng là sự cất bỏ, cả hai xảy ra cùng một lúc. Ngay khi ánh sáng chiếu rọi, xác thịt chết. Không xác thịt nào tồn tại khi bị phơi bày trong ánh sáng. Khi thấy ánh sáng, một người không phải hạ mình xuống, ngay lập tức, người ấy sẽ ngã sấp mặt xuống. Dưới ánh sáng, xác thịt của người ấy sẽ tàn héo. Anh chị em ơi, đó là ý nghĩa của sự hiệu nghiệm. Lời Đức Chúa Trời sống động và rất hiệu nghiệm. Điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời phán và rồi chúng ta làm cho lời ấy hiệu nghiệm. Chính lời tự hiệu nghiệm trong chúng ta.
Nguyện Chúa mở mắt chúng ta thấy hai điều này. Một mặt, chúng ta có sự sửa trị của Thánh Linh. Mặt khác, chúng ta có khải thị. Hai điều này kết hợp với nhau sẽ xử lý con người bề ngoài của chúng ta. Nguyện Chúa nhân từ đối với chúng ta để chúng ta có thể đặt chính mình dưới chân Ngài, nguyện ánh sáng Ngài chiếu trên chúng ta để chúng ta phủ phục và thưa với Ngài: “Con thật ngu dại và mù lòa. Con ngu dại và mù lòa đến nỗi trải qua nhiều năm, con cho những gì của con là của Ngài. Chúa ôi, xin thương xót con!”