Mục đích tối cao của Đức Chúa Trời đối với Hội thánh ngày nay là Hội thánh phải tự xây dựng trong tình thương yêu bởi một sự cung phụng sự sống, và do đó mà lớn lên thành Đấng Christ trong mọi sự. Đó là mục tiêu đặt trước Hội Thánh trong thơ Êphêsô, chương 4. Hơn nữa trong thơ I Cô 13, theo liền đoạn sách luận về Thân Thể mà chúng ta vừa suy nghĩ, Phaolô tỏ cho ta thấy rằng Đức Chúa Trời chẳng dùng các ân tứ, song dùng tình thương yêu và sự xây dựng lâu dài cho Hội thánh. Các ân tứ được biểu hiện bên ngoài bằng việc làm, lời nói, phép lạ, sự chữa bệnh, lời tiên tri…v.v. Còn tình thương yêu là bông trái do sự vận hành bên trong của Đức Thánh Linh qua thập tự giá trong sự sống các chi thể. Ân tứ là phương thức tạm thời, mặc dù chắc chắn là phương thức của Đức Chúa Trời; nhưng Thân Thể tự xây dựng trong sự yêu thương (Êph 4:16). Khi mọi sự khác qua đi, thì tình thương yêu còn lại.
Đây, chúng ta có thí dụ về một điều gì mà bây giờ chính mình phải kể đến khi suy xét về sự cung phụng của hội thánh. Tôi xin nhắc rằng trong các tác phẩm của Phao-lô, ông thường nhấn mạnh vào điều tốt hơn trong hai điều tốt. Thỉnh thoảng trong cùng một đoạn văn, ông nhấn thật mạnh, lúc khác lại chỉ nhấn mạnh ngầm, song chẳng vì đó mà kém phần đáng chú ý. Trong trường hợp nầy, ông nhấn mạnh vào tánh chất vĩnh cửu. Dầu ở những nơi khác, Phao-lô nói rất nhiều về các ân tứ thuộc linh, song trong I Cô, khi ông đối chiếu các ân tứ ấy với tình thương yêu, thì lại khiến chúng ta chú ý đến tánh chất lượng đối không vĩnh cửu của các ân tứ ấy (Câu 8-11).
Trong một trường hợp đặc biệt, các ân tứ thuộc linh có lẽ tất nhiên chẳng được Đức Chúa Trời chỉ định cho tồn tại mãi mãi. Ấy vì các ân tứ chẳng hoàn toàn tùy thuộc tầm vóc thuộc linh của người được ban ân tứ. Các ân tứ thuộc linh thi hành một sự cung phụng khách quan, còn mục đích tôi hậu của Đức Chúa Trời trong con người còn lại có tánh chất chủ quan, do Đức Thánh Linh tạo thành trong họ, chớ chẳng phải chỉ do Ngài tạm thời giáng trên họ. Vậy nên các ân tứ nầy được gọi là thuộc linh, không phải vì người thọ lãnh là thuộc linh, song vì các ân tứ nầy phát xuất từ Đức Thánh Linh.
Tại sao có rất nhiều người được Đức Chúa Trời đại dụng, nhưng về sau thường lại dường như bị loại bỏ? Để đáp lại câu hỏi ấy, trước hết tôi xin hỏi. Ta làm thể nào mà biết được rằng Đức Chúa Trời muốn luôn luôn dùng họ theo cách đó? Ngài không thể có những kế hoạch khác sao? Ấy vì Đức Chúa Trời chẳng ký giao kèo nào! Rốt lại, chính chúng ta há không thường dùng một tôi tớ mấy ngày vào một công việc khẩn cấp, mặc dầu biết rõ y chưa được thử nghiệm hoặc chưa có kinh nghiệm, và cũng không cam đoan rằng cứ dùng y mãi trong công việc đặc biệt đó và trong tình trạng không được huấn luyện đó sao? Chúng ta giữ quyền thay đổi. Đức Chúa Trời há chăng có quyền làm như vậy, tức là dùng người ta một thời gian, rồi theo trí tuệ của mình, Ngài thay đổi tánh chất công việc của họ sao?
Đức Chúa Trời cho mượn sức mạnh của Ngài, sức mạnh thần thượng, và sức mạnh ấy cứ thuộc về Ngài, chớ không bao giờ trở thành vật sở hữu của chúng ta. Thí dụ Sam sôn được ban cho sức mạnh. Dường như chẳng có việc gì mà ông không làm được. Nhưng về phần hiểu biết thuộc linh hoặc đời sống thánh khiết, thì ông ít có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời. Vì cứ dại dột, nên ông chịu thỏa hiệp, do đó tự gây cho mình sa ngã. Khi chúng ta so sánh ông với Samuên, là người nối tiếp ông, thì thấy Đức Chúa Trời chỉ có thể dùng Sam sôn làm thành một mục đích tức khắc, và không có chi hơn nữa.
Như vậy, nếu chỉ đo lường mức thuộc linh theo các ân tứ hiện hữu thì sai lầm. Các ân tứ tự nó là một căn bản không đầy đủ để người nào đó hữu ích mãi mãi cho Đức Chúa Trời. Có thể có những ân tứ rất quí báu, song mục tiêu của Đức Thánh Linh còn cao xa hơn bội phần - ấy là làm cho Đấng Christ thành hình trong chúng ta qua sự vận hành của thập tự giá. Mục tiêu của Ngài là thấy Đấng Christ thành hình hiểu nhiên trong tín đồ. Vậy, không phải chỉ là một người làm việc nầy hoặc nói lời nọ, nhưng là người ấy phải là hạng người nào. Chính con người là lời họ giảng. Rất nhiều người muốn giảng mà không muốn làm chính điều mình giảng, song rốt lại, chính con người chúng ta, chớ không phải điều mình làm, hoặc nói, mới đáng kể cho Đức Chúa Trời. Vả điểm khác biệt là sự tạo hình Đấng Christ ở bên trong.
M.K. sưu tầm