Trong I Cô. chương 12, Phao-lô nêu rõ ba đề mục mà ông bắt đầu giải luận, tức là các ân tứ và Đức Thánh Linh (câu 4), các sự cung phụng (ministry) và Chúa (câu 5), các sự vận hành và Đức Chúa Trời (câu 6). Tôi cho rằng theo cách tổng quát, ba đề mục ấy tương ứng với các phần giải luận ở mấy khúc sau của chương nầy; các ân tứ với câu 7– 11, các sự cung phụng với câu 12– 27; các sự vận hành với câu 28 và 29. Ta sẽ ghi nhận rằng trong trường hợp thứ ba, Phao-lô ưu tiên chú trọng đến những người liên hệ, là các sứ đồ, tiên tri và giáo sư.
Đức Thánh Linh ban các ân tứ, Đức Chúa Trời ban người. Đây là sự phân biệt mà chúng ta phải phân biệt rõ ràng. Lẽ tự nhiên đó là sự nhấn mạnh đặc biệt trong thơ Êphôsô, chương 4 (xam câu 11 và 12), song tất cả nội dung các tác phẩm của Phao-lô, ngay cả trong I Cô nầy, đều luận về tâm tánh những người mà Đức Chúa Trời có thể sử dụng.
-
Nếu chúng ta thỏa mãn vì chỉ nhấn mạnh vào các ân tứ cùng sự giảng dạy chân lý, và ngưng ngay ở đó, thì ta có thể chắc chắn được ân phước và kết quả - theo mức độ ấy. Song chừng ấy có đủ chăng? Chúng ta có muốn được Đức Chúa Trời dùng suông chăng? Sam sôn đã được Ngài dùng Balaam và Saulơ cũng đã được Ngài dùng một thời gian. Nhưng xin cho tôi biết: Công việc của họ có làm cho ta thỏa lòng không? Saulơ chỉ là một vua tạm thời. Balaam là một tiên tri tạm thời. Ấy vì vấn đề chẳng phải là lời nói hoặc hành động của họ, mà chính là con người của họ. Nên ghi nhận rằng khi Chúa Jesus trưng dẫn Cựu ước, Ngài chẳng phán: “lời tiên tri của Êsai , nhưng phán” đấng tiên tri Êsai”. Ngài không phán “các ngươi đã chối bỏ những lời tiên tri”, nhưng “các ngươi đã chối bỏ các đấng tiên tri”. Chúa nhấn rất mạnh vào con người. Không tiếp nhận các đấng tiên tri hoặc các sứ đồ tức là không tiếp nhận Đức Chúa Trời, là Đấng đã sai họ đến.
Tôi tin rằng đây phải là căn bản của sự huấn luyện chúng ta. Một số người đã tỏ ra ngạc nhiên, vì có nhưng thanh niên, thiếu nữ muốn hầu việc Chúa, đã đến cùng chúng tôi tại … đây, trong khi chúng tôi chẳng có lớp dạy kinh thánh, tuyên đạo pháp hoặc các môn học tương tự. Song chúng tôi hi vọng rằng những ai đến đều có thể trở nên người tốt hơn, chớ không thể học thêm giáo lý hoặc trở thành các giảng sư tài khéo hơn. Không cần có ân tứ lớn lao hơn, song cần có những người mà Đức Chúa Trời sử dụng được. Thường những kẻ khác được giúp đỡ bởi các ân tứ của ta, Song lại bị ngăn trở bởi tâm tánh ta. Nước hằng sống đã phải chứa đựng trong các bình không tinh sạch. Đáng hổ thẹn thay!
-
Lẽ tự nhiên, quả thật rằng Đức Chúa Trời lượm lấy nhiều kẻ chẳng xứng đáng chi và cho phép họ nói ra lời Ngài hằng bao nhiêu năm trước khi họ hoàn toàn hiểu biết lời ấy là quan trọng dường nào, song Ngài chẳng muốn một ai trong chúng ta dùng lại ở đó. Chúng ta có thể cứ đi đường ấy một thời gian, song há chẳng thật đúng rằng kể từ lúc Ngài khởi đầu trong chúng ta công tác tạo hình qua sự sửa trị và kỉ luật, thì chúng ta cũng càng ngày nhận biết mình ít hiểu ý nghĩa chân thực của những lời mình đã nói sao? Ngài quyết định rằng chúng ta phải đạt tới địa vị mình có thể nói vì chính mình thể hiện điều mình nói đó, mặc dầu có hay không có ân tứ hiển nhiên. Ấy vì trong từng trải Cơ Đốc nhân, các sự kiện thuộc linh của Đức Chúa Trời càng ngày càng bớt thể hiện bên ngoài bằng các ân tứ, và càng ngày càng thêm thể hiện bên trong bằng sự sống. Rốt lại, chiều sâu và tánh chất nội tại của công tác mới đáng kể. Chính Chúa càng ngày càng quan trọng hơn cho chúng ta, thì những sự kiện khác (phải kể cả các ân tứ của Ngài) càng ngày càng bớt phần quan trọng. Khi ấy, dù chúng ta dạy cùng một giáo lý nói cùng các lời đó, song tác dụng trên người ta lại khác vì tác dụng nầy tự tỏ ra rằng có công việc ngày càng sâu nhiệm hơn của Đức Thánh Linh ở trong họ.
Đức Chúa Trời ban cho các tôi tớ Ngài ân tứ nói tiên tri, còn Ngài ban các đấng tiên tri cho hội thánh. Đấng tiên tri là người có một lịch sử, tức người đã được Đức Chúa Trời xử lý, đã từng trải công tác tạo hình của Đức Thánh Linh. Một số người tạm gọi là các giảng sư thường hỏi chúng tôi phải mất bao nhiêu ngày để sửa soạn một bài giàng? Xin đáp: ít nhất là 10 năm và có lẽ gần 20 năm! Trong vấn đề ấy, câu tục ngữ nầy đúng: “già dặn thì tốt hơn”. Ấy vì Đức Chúa Trời coi giảng sư ít nhất cũng quan trọng bằng chính lời người ấy giảng. Đức Chúa Trời lựa chọn các tiên tri của Ngài từ những ai mà trong họ, Ngài đã thực hiện các điều Ngài định dùng làm sứ diệp của Ngài cho thời nay.
-
Hiểu giáo lý và biết Đức Chúa Trời là hai điểm rất khác nhau. Những sự kiện thuộc linh không bao giờ chứa trong đầu óc. Chúng ta nhấn mạnh vào những người tốt lành. Có người phát ngôn thì chúng ta được giúp đỡ, lại có kẻ nói cùng các lời ấy, mà ta vẫn trống rỗng. Khác biệt như vậy là ở chính con người. Ta không thể dối gạt Hội thánh bằng cách dùng tri thức thay cho các giá trị thuộc linh. Hội thánh biết rõ! Không gì có thể thay thế thực trạng của một người ở trước mặt Đức Chúa Trời.
Vậy vấn đề là: chúng ta có giống như những lời mình nói chăng? “Chúa ôi, nếu tôi không biết Ngài, không biết ý nghĩa của thập tự giá, không biết bàn tay tạo hình của Đức Thánh Linh mà Ngài đặt trên tôi, thì xin cứu tôi khỏi sự tự thị kiêu căng khi nói năng, và ngày nay xin bắt đầu trong tôi bất cứ công việc nào cần thiết để sửa chữa khuyết điểm ấy. Xin phá vỡ, nắn đúc, thử nghiệm và thử thách tôi, hầu cho tôi có thể nói những điều mình biết”. Chúng ta phải kêu lên như vậy; vì nếu không, thì có nhân danh Ngài mà nói những gì mình chẳng biết hay kinh nghiệm, thì nếu có, cũng chỉ phục vụ Đức Chúa Trời được một chút ít thôi.
Các ân tứ và sự sống