LỜI TỰA CHO ẤN BẢN TIẾNG HOA
Quyển sách này bao gồm năm bài giảng liên quan đến sự cầu nguyện. Tựa đề được rút ra từ chương đầu tiên. Qua những bài giảng này, chúng tôi hi vọng rằng con cái Đức Chúa Trời sẽ học tập cầu nguyện lấy mục đích đời đời của Ngài là trung tâm, và học tập thi hành trách nhiệm cùng uy quyền mà Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh để chống cự sự tấn công của Sa-tan đối với sự cầu nguyện. Nguyện Đức Chúa Trời có được những chiến sĩ cầu nguyện để đồng công với Ngài.
Phòng Sách Phúc âm tại Đài Loan
CHƯƠNG MỘT
CHỨC VỤ CẦU NGUYỆN CỦA HỘI THÁNH
“Hơn nữa, nếu anh em ngươi phạm tội nghịch cùng ngươi, hãy đi khiển trách anh em ấy khi chỉ có một mình ngươi và anh em ấy. Nếu anh em ấy nghe ngươi, thì ngươi đã được anh em mình. Nhưng nếu anh em ấy không nghe, thì hãy đem theo ngươi một hai người nữa, để nhờ môi miệng của hai ba người làm chứng mà mọi lời được xác lập. Nếu anh em ấy không chịu nghe họ, thì hãy nói cho Hội thánh biết điều ấy; và nếu người ấy cũng không chịu nghe Hội thánh, thì hãy xem người ấy như dân ngoại và người thâu thuế. Thật vậy, Ta nói cùng các ngươi: Bất cứ điều gì các ngươi buộc dưới đất thì cũng được buộc trên trời, và bất cứ điều gì các ngươi mở dưới đất thì cũng được mở trên trời. Thật vậy, Ta lại nói cùng các ngươi: nếu hai người trong các ngươi hòa hợp ở trên đất về bất cứ điều gì mà họ cầu xin, thì điều ấy sẽ được thực hiện cho họ từ Cha Ta trên các từng trời. Vì ở đâu có hai ba người được nhóm lại vào trong danh Ta, thì Ta ở đó giữa vòng họ” (Mat. 18:15-20). Phân đoạn này có thể được chia thành hai phần. Các câu từ 15 đến 17 là một phần, còn phần kia là các câu từ 18 đến 20. Nếu đọc kỹ những câu trên, chúng ta sẽ nhận ra mối liên hệ giữa hai phần này. Các câu từ 15 đến 17 bàn về một điều cụ thể, một trường hợp đặc biệt, trong khi các câu từ 18 đến 20 bàn về một nguyên tắc chung. Các câu từ 15 đến 17 đề cập đến một trường hợp cụ thể cần được giải quyết, trong khi các câu từ 18 đến 20 bàn về một nguyên tắc chung mà một người cần phải kiên trì học tập. Mặc dầu trường hợp trong các câu từ 15 đến 17 được đề cập đến trước và nguyên tắc trong các câu từ 18 đến 20 được đề cập đến sau, nhưng so với lời trong các câu từ 15 đến 17, thì lời trong các câu từ 18 đến 20 quan trọng hơn. Nói cách khác, phần thứ nhất bàn về một trường hợp cụ thể, trong khi phần thứ hai bàn về một nguyên tắc chung, một nguyên tắc quan trọng. Phương cách giải quyết trường hợp nêu trong phần thứ nhất căn cứ trên nguyên tắc được bàn đến trong phần thứ hai. Phần thứ hai là nền tảng; phần thứ nhất chỉ thi hành một vấn đề căn cứ trên nền tảng ấy. Trong các câu từ 15-17, Chúa Jesus cho chúng ta biết cần phải làm gì khi một anh em phạm tội nghịch với một anh em khác. Điều đầu tiên cần phải làm là khiển trách anh em phạm tội. Nếu anh em ấy không nghe, anh em bị xúc phạm nên đưa thêm một hai người đến khiển trách anh em ấy. Nếu anh em ấy vẫn không nghe, thì cần phải cho Hội thánh biết. Nếu không chịu nghe Hội thánh, anh em ấy phải bị xem là một dân ngoại hay một người thâu thuế. Sau khi Chúa Jesus đề cập đến trường hợp ấy, Ngài phán: “Thật vậy, Ta nói cùng các ngươi...” Ngài có ý nói rằng một người cần phải hành động như vậy vì đó là những vấn đề trọng yếu và vì đó là một nguyên tắc quan trọng. Đây là cơ sở để nói rằng các câu từ 18 đến 20 là nền tảng của các câu từ 15 đến 17.
Không phải húng tôi đang nói về trường hợp trong các câu từ 15 đến 17. Chúng tôi đang cố gắng xem xét nguyên tắc bao quát rút ra từ vấn đề ấy. Chúng ta phải nhận thấy rằng không phải chúng ta chỉ giải quyết việc một anh em xúc phạm chúng ta theo cách ấy mà còn phải giải quyết hàng ngàn điều khác. Bây giờ, chúng ta cần xét xem Đức Chúa Trời có ý định cho chúng ta biết điều gì trong phần thứ hai.
ĐẤT ĐIỀU KHIỂN TRỜI
Trong câu 18, Chúa nói: “Thật vậy, Ta nói cùng các ngươi: Bất cứ điều gì các ngươi buộc dưới đất thì cũng được buộc trên trời, và bất cứ điều gì các ngươi mở dưới đất thì cũng được mở trên trời”. Câu này có gì đặc biệt? Điều đặc biệt là phải có sự chuyển động dưới đất trước khi có sự chuyển động trên trời. Không phải trời buộc trước mà đất buộc trước. Không phải trời mở trước mà đất mở trước. Sau khi đất buộc thì trời cũng buộc; sau khi đất mở thì trời cũng mở. Sự chuyển động trên trời được sự chuyển động dưới đất điều khiển. Mọi sự đối lập với Đức Chúa Trời đều phải bị trói buộc, và mọi sự hòa hợp với Đức Chúa Trời đều phải được giải phóng. Mọi sự, dầu đó là điều được buộc hay mở, đều cần phải có sự buộc hay mở phát xuất từ dưới đất. Sự chuyển động dưới đất đi trước sự chuyển động trên trời. Đất điều khiển trời.
Chúng ta có thể nhìn thấy làm thế nào đất điều khiển trời qua một vài trường hợp trong Cựu Ước. Khi Môi-se ở trên núi, dân Israel thắng trận mỗi khi ông giơ cánh tay mình lên, và dân A-ma-léc thắng trận mỗi khi ông hạ cánh tay mình xuống (Xuất. 17:9-11). Ở dưới chân núi, ai định đoạt sự chiến thắng? Đức Chúa Trời định đoạt hay Môi-se định đoạt? Anh chị em ơi, chúng ta phải nhìn thấy nguyên tắc làm việc của Đức Chúa Trời và bí quyết để Ngài chuyển động. Đức Chúa Trời không thể làm những gì Ngài muốn làm trừ phi con người muốn điều đó. Chúng ta không thể khiến Đức Chúa Trời làm những gì Ngài không muốn làm, nhưng chúng ta có thể ngăn chặn Đức Chúa Trời làm những gì Ngài muốn làm. Sự chiến thắng được Đức Chúa Trời định đoạt trên trời, nhưng sự chiến thắng được Môi-se định đoạt trước mặt loài người. Thật ra, Đức Chúa Trời ở trên trời muốn dân Do-thái chiến thắng, nhưng nếu dưới đất Môi-se không giơ cánh tay mình lên thì dân Israel đã bại trận. Khi ông giơ cánh tay mình lên, dân Israel thắng trận. Đất điều khiển trời.
Ê-xê-chi-ên 36:37 nói: “Vậy, Chúa là Đức Chúa Trời phán: Ta còn muốn nhà Israel cầu hỏi Ta để Ta làm điều này cho: Ta sẽ gia tăng cho chúng nhiều người nam như một bầy chiên”. Đức Chúa Trời có mục đích gia tăng nhân số của nhà Israel để dân Israel gia tăng như một bầy chiên. Những người không biết Đức Chúa Trời sẽ nói: “Nếu Đức Chúa Trời muốn gia tăng nhân số của nhà Israel như một bầy chiên, Ngài có thể tiến hành điều đó. Ai có thể ngăn chặn Ngài?” Nhưng câu này nói rằng trước hết Đức Chúa Trời phải được cầu hỏi rồi Ngài mới hoàn thành điều đó cho họ. Đây là một nguyên tắc rõ ràng: Mặc dầu Đức Chúa Trời định đoạt một vấn đề, Ngài sẽ không làm điều đó ngay lập tức. Ngài sẽ gia tăng nhà Israel chỉ sau khi họ cầu hỏi Ngài. Ngài muốn đất điều khiển trời.
Ê-sai 45:11 có một lời rất kỳ lạ nhất: “Đức Giê-hô-va, tức Đấng thánh của Israel, và Đấng đã làm ra Israel, phán như vầy: Hãy hỏi Ta về những điều sẽ đến liên quan tới các con trai Ta, và về việc làm của tay Ta, hãy sai khiến Ta”. Anh chị em ơi, đây không phải là câu kỳ lạ nhất sao? Về các con trai và về việc làm của tay Ngài, Đức Chúa Trời nói rằng chúng ta có thể sai khiến Ngài. Hầu như chúng ta ngại dùng chữ “sai khiến”. Làm sao con người có thể sai khiến Đức Chúa Trời được. Tất cả những người biết Đức Chúa Trời đều nhận thức rằng con người không thể cao ngạo trước mặt Ngài. Nhưng chính Đức Chúa Trời nói: “Liên quan tới các con trai Ta, và về việc làm của tay Ta, hãy sai khiến Ta”. Đây là đất điều khiển trời. Điều này không có nghĩa là chúng ta ép buộc Đức Chúa Trời thực hiện những gì Ngài không muốn làm, mà có nghĩa là chúng ta có thể sai khiến Đức Chúa Trời thực hiện những gì Ngài muốn làm. Đó là chỗ đứng của chúng ta. Sau khi biết ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thưa với Ngài: “Đức Chúa Trời ơi, chúng con muốn Ngài thực hiện điều này. Chúng con quyết định Ngài nên làm điều này. Đức Chúa Trời ơi, Ngài phải thực hiện điều này”. Chúng ta có thể nói ra những lời cầu nguyện mạnh mẽ và đầy quyền năng ở trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Trời mở mắt mình nhìn thấy loại công tác Ngài đang làm trong thời đại này. Trong thời đại này, công tác của Ngài căn cứ trên chỗ đứng này. Trời có thể muốn hoàn thành một điều gì đó, nhưng trời sẽ không thực hiện điều đó một mình; trời chờ đợi đất làm điều đó trước rồi trời mới thực hiện. Tuy đất đứng ở hàng thứ hai, nhưng đồng thời cũng đứng ở hàng thứ nhất. Đất phải chuyển động thì trời mới chuyển động. Đức Chúa Trời muốn đất làm chuyển động trời.
HÒA HỢP Ý MUỐN
Vài người có thể hỏi tại sao Đức Chúa Trời muốn đất điều khiển trời. Nếu muốn hiểu điều này, chúng ta phải ghi nhớ rằng Đức Chúa Trời chúng ta bị thời gian giới hạn. Thời gian chỉ về phần nằm giữa hai cõi đời đời. Có một cõi đời đời quá khứ và một cõi đời đời tương lai. Ở giữa hai cõi đời đời này là thời gian. Trong giai đoạn được gọi là thời gian này, Đức Chúa Trời bị giới hạn. Ngài không thể tự do công tác như Ngài muốn. Đó là sự giới hạn Đức Chúa Trời gặp phải trong sự tạo dựng con người. Theo Sáng Thế Ký chương 2, khi tạo dựng con người, Đức Chúa Trời ban cho con người một ý chí tự do. Đức Chúa Trời có một ý muốn, và con người có một ý muốn. Mỗi khi ý muốn của con người không hiệp một với ý muốn của Đức Chúa Trời, thì Ngài bị giới hạn. Trong phòng này có bàn, ghế, sàn nhà và trần nhà. Nếu người nào đó bước vào, người ấy có thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà không bị giới hạn. Bàn, ghế, sàn nhà và trần nhà sẽ không thể giới hạn người ấy. Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời đầy quyền năng; Ngài có thể làm bất cứ điều gì. Nếu trái đất đầy dẫy những vật thể không có linh, Đức Chúa Trời đã không bị giới hạn. Nhưng ngày kia, Đức Chúa Trời tạo dựng con người. Con người Ngài tạo dựng không phải như một viên đá hay một miếng gỗ; con người không phải là một cái bàn hay cái ghế mà Đức Chúa Trời có thể đặt ở đây hay ở đó tùy ý. Con người Đức Chúa Trời tạo dựng có ý chí tự do. Con người có thể quyết định vâng lời Đức Chúa Trời và cũng có thể quyết định không vâng lời Ngài. Đức Chúa Trời không tạo dựng con người [như một tạo vật] bị ép buộc phải vâng theo Ngài. Ngài tạo dựng con người với một ý chí tự do, một người có thể vâng theo hay không vâng theo lời Ngài. Sau khi Đức Chúa Trời tạo dựng một người với ý chí tự do, quyền năng Ngài bị người ấy giới hạn. Ngài không còn có thể hành động theo những gì Ngài muốn nữa. Ngài phải hỏi xem con người có muốn và sẵn lòng làm cùng một điều ấy không. Đức Chúa Trời không thể đối xử với con người như một viên đá, mảnh gỗ, cái bàn hay chiếc ghế, vì con người có một ý chí tự do. Từ ngày Đức Chúa Trời tạo dựng con người, con người có thể lựa chọn để uy quyền của Đức Chúa Trời được thi hành hay bị ngăn chặn. Đó là lý do tại sao chúng tôi nói rằng bên trong thời gian, tức giai đoạn giữa hai cõi đời đời, uy quyền của Đức Chúa Trời bị con người giới hạn.
Đức Chúa Trời tự nguyện bị giới hạn trong thời gian vì Ngài muốn có được một ý muốn hòa hợp trong cõi đời đời thứ hai. Ngài muốn ý chí tự do của con người được hòa hợp với ý chỉ của Ngài. Điều đó là vinh quang cho Đức Chúa Trời. Nếu anh em đặt một quyển sách trên bàn, nó sẽ ở trên bàn. Nếu anh em đặt quyển sách ấy trên kệ, nó sẽ ở trên kệ. Quyển sách rất vâng phục anh em. Mặc dầu quyển sách vâng phục, nhưng anh em vẫn không thỏa lòng, vì nó không có ý chí tự do; nó hoàn toàn thụ động. Đức Chúa Trời không muốn con người Ngài tạo dựng giống như một quyển sách, là vật có thể bị đem đặt ở đâu tùy ý. Mặc dầu Đức Chúa Trời muốn con người hoàn toàn thuận phục Ngài, Ngài cũng ban cho con người ý chí tự do. Ý định của Đức Chúa Trời là muốn ý chí tự do của con người chọn lựa vâng theo Ngài. Đây là vinh quang cho Đức Chúa Trời! Trong cõi đời đời tương lai, ý chí tự do của con người sẽ được kết hiệp với ý chỉ đời đời của Đức Chúa Trời. Đó sẽ là thời điểm ý chỉ đời đời của Ngài sẽ được hoàn thành và ý chí tự do của con người trở nên hòa hợp với ý chỉ đời đời của Đức Chúa Trời. Mỗi người đều có một ý chí tự do. Trong cõi đời đời tương lai, con người vẫn có ý chí tự do, nhưng ý muốn ấy sẽ đứng về phía Đức Chúa Trời. Con người vẫn có thể chống lại Đức Chúa Trời, nhưng họ sẽ không chống đối Ngài. Ha-lê-lu-gia! Mặc dầu con người sẽ có quyền tự do chống đối Đức Chúa Trời, nhưng họ sẽ không chống đối Ngài. Con người sẽ làm những gì Đức Chúa Trời muốn. Sự hòa hợp ý muốn này sẽ là vinh quang cho Đức Chúa Trời!
Trong cõi đời đời tương lai, tuy ý chí của con người được tự do nhưng sẽ đồng hóa với ý muốn của Đức Chúa Trời, và sẽ không còn có ý muốn nào mà không lệ thuộc vào uy quyền của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong cõi thời gian, Đức Chúa Trời bị con người giới hạn. Con người không muốn những gì Đức Chúa Trời muốn, hay con người chỉ thực hiện một phần nhỏ những gì Đức Chúa Trời muốn. Có thể Đức Chúa Trời muốn một điều gì đó trở nên lớn lao, nhưng con người lại muốn điều đó trở nên nhỏ nhoi. Hay có thể Đức Chúa Trời muốn một điều gì đó ở tình trạng nhỏ bé, nhưng con người lại muốn điều đó trở thành lớn lao. Đức Chúa Trời không có quyền tự do gì cả! Trong cõi thời gian, sự chuyển động của Đức Chúa Trời bị con người kiềm chế. Lời nói trên chỉ về Hội thánh. Mọi chuyển động của Đức Chúa Trời đều bị Hội thánh giới hạn trong cõi thời gian vì Hội thánh đại diện cho con người trong cõi đời đời tương lai. Hội thánh đang đứng trên trái đất ngày nay vì ý chỉ của Đức Chúa Trời. Nếu Hội thánh đạt đến tiêu chuẩn của ý muốn Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ không bị giới hạn. Nếu Hội thánh không đạt đến tiêu chuẩn của ý chỉ Ngài, Đức Chúa Trời sẽ bị giới hạn. Đức Chúa Trời đang làm những gì Ngài muốn làm qua Hội thánh. Ngày nay, Hội thánh đang đứng ở vị thế mà con người sẽ đứng trong cõi đời đời. Khi ấy, tuy ý chí của con người được tự do nhưng họ vẫn hoàn toàn đứng về phía ý chỉ đời đời của Đức Chúa Trời. Hội thánh nhận vị thế ấy trước thời đại. Cũng như Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ chính Ngài trong cõi đời đời qua Giê-ru-sa-lem Mới, tức vợ của Chiên Con, thì ngày nay Ngài cũng bày tỏ chính Ngài qua Thân Thể Đấng Christ. Mặc dầu Hội thánh có một ý chí tự do, Hội thánh đem ý muốn ấy thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời như thể không ý muốn nào khác tồn tại cả. Điều này cho phép Đức Chúa Trời làm bất cứ điều gì Ngài muốn làm. Ngày nay, khi Hội thánh đặt ý muốn của mình ở dưới ý chỉ của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ chuyển động như Ngài sẽ chuyển động trong cõi đời đời; Ngài sẽ chuyển động như thể không có ý muốn nào khác chống lại Ngài. Đó là một vinh quang cho Đức Chúa Trời!
Bây giờ, chúng ta có thể nhìn thấy vị trí của Hội thánh trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể làm cho Hội thánh trở nên quá thấp kém bằng cách cho rằng đó chỉ là một buổi nhóm. Không, Hội thánh là một nhóm người đã được huyết cứu chuộc, đã được Thánh Linh tái sinh, và đã giao thác chính mình vào tay Đức Chúa Trời, và tự nguyện nhận lấy ý chỉ của Đức Chúa Trời, thực hiện ý chỉ của Ngài và đại diện cho Đức Chúa Trời trên đất để duy trì chứng cớ của Ngài.
Chúng ta phải nhìn thấy rằng Đức Chúa Trời thực hiện công tác theo một định luật. Vì có ý chí tự do trên đất, nên Đức Chúa Trời sẽ không vô hiệu hóa con người bằng ý muốn của chính Ngài. Anh chị em ơi, đừng nghĩ đây là một điều kỳ lạ. Đó là một sự thật. Đức Chúa Trời ở trên trời. Nhưng mọi công tác của Ngài trên đất chỉ có thể được hoàn thành khi nào có một ý chí trên đất chấp thuận và quyết định thực hiện những công tác ấy. Ngài sẽ không dẹp bỏ ý muốn của con người trên đất. Ngài sẽ không tiếm đoạt ý muốn của con người trên đất và hành động một cách độc lập. Mọi sự liên hệ đến Ngài có thể được hoàn thành chỉ khi nào có một ý muốn trên đất cộng tác với Ngài. Khi đất công tác, Đức Chúa Trời công tác. Khi đất quyết định, Đức Chúa Trời hành động. Đức Chúa Trời phải có ý muốn con người hòa hợp với ý muốn Ngài. Sự hòa hợp ý muốn ấy là một vinh quang lớn lao cho Đức Chúa Trời!
BA NGUYÊN TẮC LỚN LAO
Chúng ta đã nói Đức Chúa Trời có một ý chỉ dành cho mọi sự. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không hành động một cách độc lập; Ngài sẽ không làm gì một mình cả. Mặc dầu Đức Chúa Trời có một ý chỉ, Ngài muốn ý chí tự do trên đất đáp ứng ý chỉ của Ngài trước khi Ngài làm bất cứ điều gì. Nếu chỉ có một ý muốn ở trên trời thì Đức Chúa Trời sẽ không chuyển động. Sự chuyển động trên trời được thực hiện trên đất chỉ khi nào đất muốn cùng một điều như trời. Ngày nay, đó gọi là chức vụ của Hội thánh. Anh chị em ơi, chức vụ của Hội thánh không chỉ là rao giảng phúc âm. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nên rao giảng phúc âm, mà có nghĩa là chức vụ của Hội thánh không chỉ là rao giảng phúc âm. Chức vụ của Hội thánh là đem ý muốn trên trời xuống đất. Làm thế nào Hội thánh đem ý muốn trên trời xuống đất? Đó là nhờ sự cầu nguyện trên đất. Sự cầu nguyện không nhỏ nhoi và tầm thường như một số người nghĩ. Đó không phải là điều không cần thiết. Cầu nguyện là một công tác. Cầu nguyện là Hội thánh nói với Đức Chúa Trời rằng: “Đức Chúa Trời ơi, chúng con muốn ý muốn của Ngài”. Cầu nguyện là Hội thánh hiểu biết lòng Đức Chúa Trời và mở miệng cầu xin những gì ở trong lòng Đức Chúa Trời. Nếu Hội thánh không thực hiện điều này thì Hội thánh không mấy hữu dụng trên đất.
Nhiều lời cầu nguyện cho sự xây dựng thuộc linh, cho sự tương giao và để van xin đều không thể thay thế những lời cầu nguyện có tính chất công tác hay chức vụ. Nếu tất cả những lời cầu nguyện của chúng ta đều là những lời cầu nguyện cho sự gây dựng, tương giao và khẩn xin có tính cách thuộc linh, thì chúng còn quá nhỏ nhoi. Một lời cầu nguyện có tính chất công tác hay chức vụ là lời cầu nguyện mà trong đó anh em đứng về phía Đức Chúa Trời, muốn những gì Đức Chúa Trời muốn. Anh chị em ơi, nếu một lời cầu nguyện được nói ra theo ý muốn Đức Chúa Trời, thì đó là điều mạnh mẽ nhất. Hội thánh cầu nguyện có nghĩa là Hội thánh nhận thấy ý muốn Đức Chúa Trời và nói ra ý muốn ấy. Cầu nguyện không phải là cầu xin Đức Chúa Trời một điều gì đó. Hội thánh cầu nguyện có nghĩa là Hội thánh đứng về phía Đức Chúa Trời tuyên bố rằng con người muốn những gì Đức Chúa Trời muốn. Nếu Hội thánh tuyên bố điều đó thì lời tuyên bố ấy sẽ hiệu quả.
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét ba nguyên tắc lớn lao trong sự cầu nguyện có tính cách chức vụ trong Ma-thi-ơ 18:18-20.
Nói Ra Ý Muốn Của Đức Chúa Trời
Trong câu 18, Chúa nói: “Bất cứ điều gì các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng bị buộc ở trên trời, và điều gì các ngươi mở ở dưới đất thì cũng được mở ở trên trời”. Ở đây, “các ngươi” là ai? Đó là Hội thánh, vì câu 17 nói về Hội thánh, và câu 18 tiếp theo câu 17. Bất cứ những gì Hội thánh buộc ở dưới đất sẽ được buộc ở trên trời, và bất cứ điều gì Hội thánh mở ở dưới đất sẽ được mở ở trên trời. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng: ngày nay Đức Chúa Trời thi hành công tác qua Hội thánh. Đức Chúa Trời không thể tùy ý làm bất cứ điều gì; Ngài phải làm mọi sự qua Hội thánh. Nếu không qua Hội thánh, Đức Chúa Trời không thể làm gì cả. Anh chị em ơi, đây là một nguyên tắc rất nghiêm túc. Ngày nay, Đức Chúa Trời không thể làm bất cứ điều gì một mình. Ngoài ý chỉ của Ngài còn có ý chí tự do [của con người]. Nếu ý chí tự do ấy không cộng tác với Ngài thì Ngài không thể làm gì cả. Mức lượng quyền năng Hội thánh sở hữu biểu thị mức lượng quyền năng Đức Chúa Trời sở hữu vì quyền năng Ngài được bày tỏ qua Hội thánh. Đức Chúa Trời đã đặt chính mình trong Hội thánh. Mức độ và phạm vi Hội thánh đạt được là mức độ và phạm vi quyền năng của Đức Chúa Trời đạt đến. Nếu quyền năng của Hội thánh nhỏ nhoi và giới hạn, Đức Chúa Trời không thể bày tỏ mức độ hay phạm vi của quyền năng Ngài. Hồ chứa của Công Ty Cung Cấp Nước có thể thật to lớn, nhưng nếu anh em chỉ có một vòi nước nhỏ trong nhà, lượng nước to lớn ấy sẽ không thể tuôn ra. Nếu muốn có thêm nước ở trong nhà thì anh em phải lắp đặt một ống nước to lớn hơn. Ngày nay, khả năng của Hội thánh định đoạt mức độ biểu hiện quyền năng của Đức Chúa Trời. Điều này có thể được nhận thấy qua biểu hiện của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ; khả năng của Đấng Christ là mức độ biểu hiện của Đức Chúa Trời. Ngày nay, Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Hội thánh; khả năng của Hội thánh định đoạt mức độ biểu hiện của Đức Chúa Trời và cũng là mức độ hiểu biết mà một người có thể có về Đức Chúa Trời.
Ngày nay, Đức Chúa Trời muốn thực hiện nhiều điều trên đất. Nhưng Ngài phải có Hội thánh đứng về phía Ngài trước khi Ngài có thể hoàn thành những điều đó qua Hội thánh. Một mình Đức Chúa Trời không thể thực hiện những gì Ngài muốn làm; Ngài phải làm điều đó với sự cộng tác của Hội thánh. Hội thánh là phương tiện mà qua đó Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài. Tôi xin lặp lại: Hội thánh giống như một vòi nước. Nếu vòi nước nhỏ bé, thì lượng nước chảy qua vòi ấy sẽ không nhiều dầu có nhiều nước như sông Hoàng Hà. Đức Chúa Trời trên trời thật sự muốn thực hiện công tác, nhưng Ngài phải chờ trái đất chuyển động trước khi Ngài có thể công tác. Có nhiều điều Đức Chúa Trời muốn buộc ở trên trời, và có nhiều điều Đức Chúa Trời muốn mở ở trên trời. Đức Chúa Trời muốn nhìn thấy nhiều người, nhiều sự vật và những điều đối lập với Ngài bị buộc lại, và Ngài muốn nhìn thấy những điều thuộc linh, quí báu, có ích và thánh khiết của Ngài được mở ra. Ngài muốn đất điều khiển trời. Đức Chúa Trời muốn Hội thánh điều khiển trời.
Điều này không có ý nói rằng Đức Chúa Trời không toàn năng. Đức Chúa Trời thật sự toàn năng, nhưng Ngài cần một ống dẫn trên đất trước khi Ngài có thể biểu hiện sự toàn năng của Ngài. Chúng ta không thể làm gia tăng quyền năng của Đức Chúa Trời, nhưng có thể gây trở ngại cho quyền năng ấy. Con người không thể làm gia tăng quyền năng của Đức Chúa Trời, nhưng có thể ngăn chặn quyền năng ấy. Chúng ta không thể cầu xin Đức Chúa Trời làm những gì Ngài không muốn làm, nhưng chúng ta có thể giới hạn những gì Ngài muốn làm. Chúng ta không thể xin Đức Chúa Trời làm điều gì Ngài không sẵn lòng làm, nhưng chúng ta có thể ngăn chặn Ngài làm những gì Ngài muốn làm. Anh chị em ơi, anh chị em đã nhìn thấy điều này chưa? Có một quyền năng trong Hội thánh đặt để quyền năng của Đức Chúa Trời ở dưới sự điều khiển của quyền năng ấy. Quyền năng ấy có thể để Đức Chúa Trời làm những gì Ngài muốn làm, và ngăn chặn Đức Chúa Trời làm những gì Ngài muốn làm. Mắt chúng ta cần phải được mở ra để nhìn thấy tương lai. Một ngày kia, Đức Chúa Trời sẽ mở rộng Hội thánh để trở nên Giê-ru-sa-lem Mới. Vinh quang Đức Chúa Trời sẽ được biểu lộ qua Hội thánh mà không có ngăn trở gì cả. Ngày nay Ngài muốn Hội thánh trước hết mở ra ở dưới đất trước khi Ngài mở ra ở trên trời. Ngài muốn Hội thánh trước hết buộc ở dưới đất trước khi Ngài buộc ở trên trời. Trời sẽ không khởi xướng làm việc, mà làm theo công tác của đất. Đức Chúa Trời sẽ không khởi xướng công tác, mà làm theo công tác Hội thánh. Anh chị em ơi, nếu là vậy thì trách nhiệm của Hội thánh vĩ đại biết bao!
Chúng ta đã nhìn thấy rằng Ma-thi-ơ 18:15-17 nói về một trường hợp đặc biệt và nguyên tắc lớn lao được nêu lên trong những câu tiếp theo. Khi một anh em phạm tội nghịch lại một anh em khác, người ấy có thể không xưng nhận những tội lỗi hay lỗi lầm của mình. Khi Hội thánh khiển trách, có thể người ấy vẫn không nghe. Nếu điều đó xảy ra, Hội thánh sẽ xem anh em ấy là dân ngoại và người thâu thuế. Có thể anh em phạm tội nói: “Các anh là ai? Làm sao các anh có thể làm cho tôi thành dân ngoại và người thâu thuế được? Tôi sẽ không đến buổi nhóm của anh em nữa. Nếu tôi không đến nơi này, tôi có thể đến nhiều nơi khác”. Tuy nhiên, sau đó Chúa Jesus nói gì? “Thật vậy, Ta nói cùng các ngươi: Bất cứ điều gì các ngươi buộc dưới đất thì cũng được buộc trên trời, và bất cứ điều gì các ngươi mở dưới đất thì cũng được mở trên trời”. Thế nên, nếu Hội thánh quyết định xem một người là dân ngoại, Đức Chúa Trời ở trên trời cũng xem người ấy là dân ngoại. Nếu Hội thánh xem một người là người thâu thuế, Đức Chúa Trời ở trên trời cũng xem người ấy là người thâu thuế. Nói cách khác, Đức Chúa Trời sẽ làm ở trên trời những gì Hội thánh làm ở dưới đất. Nếu Hội thánh xem một anh em là dân ngoại và người thâu thuế, Đức Chúa Trời ở trên trời sẽ xem anh em ấy là dân ngoại và người thâu thuế. Không những trường hợp này theo nguyên tắc ấy mà hàng ngàn vấn đề khác cũng theo cùng một nguyên tắc như vậy. Trường hợp này chỉ là một ví dụ, cho chúng ta thấy Hội thánh có thể hành động nhiều đến mức độ nào, rồi cho chúng ta thấy tầm quan trọng của nguyên tắc.
Hội thánh là bình chứa được chọn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã đặt ý chỉ của Ngài trong bình chứa ấy để chiếc bình ấy tuyên bố ý chỉ của Đức Chúa Trời trên đất. Khi dưới đất muốn điều gì đó, thì trên trời cũng muốn điều đó. Khi Hội thánh muốn một điều gì, thì Đức Chúa Trời cũng muốn điều đó. Thế nên, nếu sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời bị khước từ trong Hội thánh, Đức Chúa Trời sẽ không thể hoàn thành những gì Ngài muốn hoàn thành ở trên trời.
Nhiều anh chị em ngày đêm mang gánh nặng. Họ mang gánh nặng vì họ không cầu nguyện. Một khi vòi được mở thì nước tuôn ra. Một khi khóa vòi thì nước bị chặn lại. Áp suất nước mạnh khi nước được mở ra hay khi khóa lại? Chúng ta đều biết rằng khi nước được mở ra thì áp suất giảm xuống. Khi nước bị chặn lại thì áp suất gia tăng. Khi Hội thánh cầu nguyện thì giống như mở vòi nước; vòi nước càng mở thì áp suất càng giảm. Nếu Hội thánh không cầu nguyện thì giống như vòi nước bị khóa tạo nên áp suất cao. Khi Đức Chúa Trời muốn thực hiện một điều gì đó, thì Ngài đặt một gánh nặng trong một anh em, chị em hay toàn thể Hội thánh. Nếu Hội thánh cầu nguyện và thi hành trách nhiệm của mình, Hội thánh sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Càng cầu nguyện thì Hội thánh sẽ càng cảm thấy nhẹ nhõm. Khi cầu nguyện một lần, hai lần, năm lần, mười lần hay hai mươi lần, Hội thánh cảm thấy càng lúc càng nhẹ nhõm hơn. Nếu không cầu nguyện, Hội thánh sẽ cảm thấy ngột ngạt và nặng nề. Nếu tiếp tục không cầu nguyện, Hội thánh sẽ chết ngạt. Anh chị em ơi, nếu cảm thấy nặng nề và bị đè nén ở bên trong, thì anh chị em chưa làm tròn chức vụ của mình trước mặt Đức Chúa Trời; áp lực của Đức Chúa Trời ở trên anh em. Hãy cố gắng cầu nguyện nửa tiếng hay một tiếng đồng hồ; áp lực sẽ được giải tỏa, và anh em sẽ cảm thấy nhẹ nhõm.
Thế thì chức vụ cầu nguyện của Hội thánh là gì? Đó là Đức Chúa Trời cho Hội thánh biết những gì Ngài muốn làm và trên đất Hội thánh cầu nguyện về những gì Đức Chúa Trời muốn làm.
Lời cầu nguyện ấy không phải là xin Đức Chúa Trời hoàn thành những gì chúng ta muốn Ngài làm, mà là xin Đức Chúa Trời hoàn thành những gì chính Ngài muốn làm. Anh chị em ơi, trách nhiệm của Hội thánh là tuyên bố ý muốn của Đức Chúa Trời trên đất. Trên đất, Hội thánh tuyên bố cho Đức Chúa Trời rằng: “Đây là điều tôi muốn”. Nếu thất bại trong vấn đề này thì Hội thánh sẽ không mấy hữu dụng trong tay Đức Chúa Trời. Dầu mọi việc khác đều tốt đẹp, nhưng nếu thất bại trong vấn đề này thì Hội thánh sẽ không mấy hữu dụng. Ích lợi lớn lao nhất của Hội thánh nằm ở chỗ Hội thánh đại diện cho ý muốn Đức Chúa Trời để [ý muốn ấy] được thực hiện trên đất.
Hòa Hợp Trong Thánh Linh
Chúng ta đã nhìn thấy rằng Hội thánh nên buộc những gì Đức Chúa Trời muốn buộc và mở những gì Đức Chúa Trời muốn mở. Làm thế nào Hội thánh buộc và mở? Chúa nói với chúng ta trong câu 19 rằng: “Ta lại nói cùng các ngươi: nếu hai người trong các ngươi hòa hợp ở trên đất về bất cứ điều gì mà họ cầu xin, thì điều ấy sẽ được thực hiện cho họ từ Cha Ta trên các từng trời”. Câu 18 nói về đất và trời. Câu 19 cũng nói về đất và trời. Trong câu 18, khi đất buộc thì trời buộc, và khi đất mở thì trời mở. Câu 19 nói bất cứ điều gì một người cầu xin trên đất đều sẽ được Cha ở trên trời thực hiện. Tại đây Chúa Jesus không nhấn mạnh đến việc cầu xin trong sự hòa hợp, mà là hòa hợp trong bất cứ vấn đề nào rồi cầu xin về những vấn đề như vậy. Theo nguyên ngữ, nhóm chữ “bất cứ việc chi” liên hệ đến cả hai chữ “hòa hợp” lẫn “cầu xin”. Ý định của Chúa không phải là bảo người ta cầu nguyện cho một vấn đề nào đó trong sự hòa hợp, mà là hòa hợp trong bất cứ vấn đề gì. Nếu chúng ta hòa hợp trong bất cứ vấn đề gì, thì Cha chúng ta ở trên trời sẽ hoàn thành bất cứ điều gì chúng ta cầu xin về một vấn đề cụ thể nào. Đó là sự hiệp một của Thân Thể, sự hiệp một trong Thánh Linh.
Nếu chưa xử lý xác thịt thì một người sẽ cảm thấy mình rất phi thường vì ngay cả trời cũng nghe mình. Nếu anh em không ở trong sự hiệp một của Thánh Linh và không cầu nguyện trong sự hòa hợp của Thánh Linh, anh em nghĩ trời sẽ nghe mình sao? Nếu anh em cầu nguyện như vậy, trời sẽ không buộc những gì anh em buộc và mở những gì anh em mở. Muốn trời mở và buộc không phải là điều anh em có thể tự mình làm được. Nghĩ rằng một mình anh em có thể làm được điều ấy thì rất ngu dại. Chúa nói: “Nếu hai người trong các ngươi hòa hợp ở dưới đất mà cầu xin bất cứ việc gì, thì Cha Ta ở trên trời sẽ làm việc ấy cho họ”. Điều này có nghĩa là hễ hai người hòa hợp với nhau trong bất cứ vấn đề gì, hòa hợp như trong âm nhạc, thì bất cứ những gì họ cầu xin sẽ được Cha ở trên trời thực hiện cho họ. Loại cầu nguyện như vậy đòi hỏi sự cấu thành của Thánh Linh trong những người cầu nguyện. Đức Chúa Trời phải đem anh em đến một giai đoạn mà tại đó anh em từ bỏ những gì mình muốn và chỉ muốn những gì Chúa muốn, và một anh em khác phải được Đức Chúa Trời mang đến một giai đoạn mà tại đó anh em ấy từ bỏ những gì mình muốn và chỉ muốn những gì Đức Chúa Trời muốn. Khi cả anh em lẫn anh ấy được đem đến giai đoạn đó và hòa hợp với nhau như trong âm nhạc, thì bất cứ những gì anh em cầu xin đều sẽ được Cha ở trên trời thực hiện. Anh chị em ơi, đừng nghĩ rằng hễ có cùng một ý kiến thì những lời cầu nguyện của anh em sẽ được đáp ứng. Những người có cùng một ý kiến thường xích mích với nhau. Có cùng một mục tiêu không bảo đảm là sẽ không xích mích. Có thể có hai người đang cố gắng rao giảng phúc âm, nhưng trong khi rao giảng, họ tranh cãi về một điều nào đó. Có lẽ có hai người đang cố gắng giúp những người khác, nhưng trong khi giúp những người khác, họ lại xích mích với nhau. Có cùng một mục tiêu không bảo đảm là sẽ hòa hợp với nhau. Chúng ta phải nhận thức rằng ở trong xác thịt thì không thể nào hòa hợp với nhau được. Khi sự sống thiên nhiên của chúng ta được Chúa xử lý, khi một người sống trong Thánh Linh và người kia cũng sống trong Thánh Linh và cả hai sống trong Đấng Christ, thì mới có sự hòa hợp, cùng một quan điểm, và cầu nguyện trong sự đồng tâm hiệp ý.
Lẽ thật này có hai phương diện. Một mặt có sự hòa hợp trong bất cứ vấn đề nào. Mặt khác có sự cầu nguyện về bất cứ vấn đề nào. Đức Chúa Trời phải mang chúng ta đến giai đoạn này. Sự hòa hợp Cơ-đốc chỉ có thể tìm thấy trong Thân Thể Đấng Christ, chứ không thể tìm được ở đâu khác cả. Sự hòa hợp là điều gì đó được tìm thấy trong Thân Thể Đấng Christ. Chỉ ở trong Thân Thể Đấng Christ mới không còn tranh đấu, và chỉ trong Thân Thể Đấng Christ mới có sự hòa hợp. Khi sự sống thiên nhiên của chúng ta được Chúa xử lý, và khi chúng ta được đưa đến một giai đoạn mà mình thật sự nhận biết Thân Thể Đấng Christ, chúng ta sẽ ở trong sự hòa hợp. Vậy khi nhóm lại cầu nguyện, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ ở trong sự hòa hợp. Khi chúng ta đứng trên chỗ đứng hòa hợp, những điều mình làm sẽ ở trong sự hòa hợp. Khi chúng ta hòa hợp đối với những điều chúng ta thấy, chúng ta có thể trở nên công cụ để nói lên ý muốn của Đức Chúa Trời. Anh chị em ơi, khi sắp cầu nguyện cho những vấn đề gì đó, và anh chị em có một quan điểm khác biệt, thì phải cẩn thận; anh chị em có thể lầm lẫn. Nhưng nếu toàn Hội thánh nhóm lại với nhau và hòa hợp trong một vấn đề nào đó, thì vấn đề ấy phải là điều mà trời có ý định thực hiện. Chúng ta phải tin cậy Hội thánh.
Chúng ta phải ghi nhớ rằng cầu nguyện không phải là điều trước tiên. Cầu nguyện là điều gì đó theo sau sự hòa hợp. Nếu Hội thánh muốn có loại cầu nguyện có tính cách chức vụ trên đất thì mỗi anh chị em đều phải học tập từ bỏ sự sống thuộc xác thịt trước mặt Chúa. Nếu không sẽ chẳng ích lợi gì cả. Lời Chúa rất có ý nghĩa. Ngài không nói rằng nếu chúng ta cầu nguyện trong danh Ngài thì Cha sẽ trả lời. Ngài cũng không nói rằng nếu Ngài cầu nguyện cho chúng ta thì Cha sẽ đáp lời. Ngài nói: “Nếu hai người trong các ngươi hòa hợp ở dưới đất mà cầu xin bất cứ việc gì, thì Cha Ta ở trên trời sẽ làm việc ấy cho họ”. Nếu chúng ta hòa hợp thì các từng trời sẽ được mở ra cho chúng ta! Nếu một anh em xúc phạm một anh em khác, và Hội thánh chưa can thiệp để xử lý người gây xúc phạm thì anh em bị xúc phạm nên cùng với một hai người khác khiển trách anh em ấy. Trước khi Hội thánh can thiệp để xử lý người gây xúc phạm, thì hai anh em khác cần phải đến. Điều này không có nghĩa là hai anh em ấy nhìn thấy sự việc khác với Hội thánh, mà có nghĩa là hai anh em ấy nhìn thấy trước, rồi Hội thánh cũng nhìn thấy điều ấy. Nói cách khác, hai anh em ấy đứng trên chỗ đứng của Hội thánh. Chúa có ý nói rằng hai người trong chúng ta ở trên đất là Hội thánh ở trên đất. Điều Hội thánh nhìn thấy cũng là điều hai anh em ấy nhìn thấy. Đây là kết quả của sự cầu nguyện có tính cách chức vụ. Trước khi có cùng một quan điểm, trước hết họ phải hòa hợp trong mọi vấn đề và phải cầu nguyện về một vấn đề nhất định nào đó.
Chức vụ cầu nguyện của Hội thánh là một sự cầu nguyện trên đất để đem đến sự chuyển động trên trời. Anh chị em ơi, chúng ta phải ghi nhớ rằng sự cầu nguyện trong Ma-thi-ơ chương 18 không bao giờ có thể được thực hiện bằng những lời cầu nguyện có tính chất gây dựng thuộc linh, và không bao giờ có thể được thực hiện bằng những sự cầu nguyện cá nhân. Có thể chúng ta thường cầu xin Đức Chúa Trời những gì mình thiếu, và Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Những lời cầu nguyện cá nhân có chỗ của chúng. Chúng ta thường cảm thấy Đức Chúa Trời gần gũi chúng ta. Cảm tạ Chúa, Ngài nghe những lời cầu nguyện để gây dựng thuộc linh. Chúng ta không nên coi thường loại cầu nguyện ấy. Chúng tôi công nhận rằng một anh em hay chị em không nhận được câu trả lời cho lời cầu nguyện của mình là điều sai lầm, và chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện của Đức Chúa Trời cũng là điều sai trật. Chúng ta cần phải lưu ý đến những sự cầu nguyện cá nhân và những sự cầu nguyện để gây dựng đời sống thuộc linh của chính mình. Điều này đặc biệt thích đáng đối với các anh chị em trẻ. Nếu không có loại cầu nguyện như vậy, họ không thể tiến lên một cách đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thấy rằng sự cầu nguyện không chỉ dành cho những cá nhân hay để gây dựng thuộc linh. Sự cầu nguyện dành cho chức vụ và công tác. Sự cầu nguyện ấy là chức vụ của Hội thánh trên đất; đó là công tác của Hội thánh. Đó là trách nhiệm mà Hội thánh gánh vác trước mặt Đức Chúa Trời. Sự cầu nguyện của Hội thánh là cửa tuôn đổ ra của cõi trời. Sự cầu nguyện của Hội thánh có nghĩa là khi Đức Chúa Trời muốn làm một điều gì đó, trước hết Hội thánh cầu nguyện về vấn đề ấy để vấn đề ấy có thể được thực hiện và mục tiêu của Đức Chúa Trời được hoàn thành.
Chức vụ của Hội thánh là chức vụ của Thân Thể Đấng Christ, và chức vụ của Thân Thể Đấng Christ là sự cầu nguyện. Sự cầu nguyện này không chỉ để gây dựng thuộc linh và vì nhu cầu cá nhân mà còn vì “cõi trời”. Chẳng hạn, sự cầu nguyện này cho những người khác biết rằng một người đã mất đi mối tương giao của mình với Đức Chúa Trời, người ấy không nghe lời khiển trách của một anh em hay thậm chí hai ba anh em, và người ấy không thừa nhận sự phán đoán của Hội thánh. Đức Chúa Trời phải xem người ấy là một dân ngoại hay một người thâu thuế. Nhưng Ngài sẽ không làm ngay điều đó; Ngài phải đợi Hội thánh làm điều đó trước. Đức Chúa Trời phải đợi Hội thánh xét đoán anh em ấy như là một dân ngoại và người thâu thuế trong sự cầu nguyện trước khi Ngài cũng sẽ làm như vậy trên trời. Nếu Hội thánh nhận lấy trách nhiệm này mà cầu nguyện, Hội thánh sẽ nhận thấy rằng từ ngày đó trở đi sự sống và bước đi thuộc linh của người ấy sẽ khô cạn. Từ ngày đó trở đi, người ấy sẽ tỏ ra không có phần trong Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn làm điều đó, nhưng Ngài phải đợi Hội thánh cầu nguyện. Đức Chúa Trời có nhiều điều chồng chất trên trời. Ngài không thể hoàn thành điều nào trong những điều ấy vì trên đất không có cửa tuôn đổ ra cho Ngài. Có vô số điều chồng chất trên trời. Nhưng Đức Chúa Trời không thể giải quyết chúng vì Hội thánh chưa vận dụng ý chí tự do của mình để đứng về phía Đức Chúa Trời và thực hiện mục tiêu của Ngài. Anh chị em ơi, anh chị em phải ghi nhớ rằng công tác cao cả và vĩ đại nhất của Hội thánh là làm cửa tuôn đổ ý muốn của Đức Chúa Trời. Hội thánh trở nên nơi tuôn đổ của ý muốn Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện. Sự cầu nguyện này không phải là một sự cầu nguyện vụn vặt mà là một sự cầu nguyện có tính chất của một chức vụ, một sự cầu nguyện có tính chất của một công tác. Đức Chúa Trời ban cho con người khải tượng và mở mắt con người thấy ý muốn của Ngài. Khi điều này xảy ra, con người nhận lấy vị trí mình mà cầu nguyện.
Chúa cũng cho chúng ta thấy trong những câu này là những sự cầu nguyện riêng rẽ thì không hiệu quả. Phải có ít nhất hai người. Nếu không nhìn thấy điểm này, anh em sẽ không hiểu lý do tại sao Chúa lại nói như vậy. Mọi lời cầu nguyện trong Phúc âm Giăng đều là những lời cầu nguyện riêng tư. Khi Giăng 15:16 chép: “Bất cứ điều gì các ngươi trong danh Ta xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi” thì số người không phải là điều kiện. Nhưng trong Ma-thi-ơ chương 18, số người lại là một điều kiện; ít nhất phải có hai người. Chúa phán: “Nếu hai người trong các ngươi hòa hợp ở trên đất”. Ít nhất phải có hai người vì đây là vấn đề tương giao. Một người không thể hoàn thành điều này. Một người không thể là cửa tuôn đổ ra của Đức Chúa Trời; phải có hai người. Nguyên tắc hai người là nguyên tắc của Hội thánh, nguyên tắc của Thân Thể Đấng Christ. Mặc dầu trong loại cầu nguyện này chỉ có hai người, “sự hòa hợp” không thể thiếu được. Hai người ấy phải hòa hợp, và họ phải đứng trên chỗ đứng của Thân Thể. Họ phải biết đến nếp sống Thân Thể. Đối với họ chỉ có một mục tiêu, đó là nói với Chúa: “Chúng con muốn ý muốn của Ngài được thực hiện trên trời và dưới đất”. Khi Hội thánh cầu nguyện trong vị thế này, bất cứ điều gì Hội thánh cầu xin đều được Cha ở trên trời thực hiện cho Hội thánh.
Anh chị em ơi, khi thật sự đứng trên chỗ đứng của Hội thánh và nhận lấy chức vụ cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nhìn thấy ý chỉ của Đức Chúa Trời được thi hành trong Hội thánh mà mình đang sinh hoạt. Nếu không, mọi sự sẽ đều vô ích. Dầu cầu nguyện nhiều hay ít, nhưng điều quan trọng là phải cầu nguyện mạnh mẽ. Ngày nay những gì Đức Chúa Trời thực hiện đều được đo lường bởi mức lượng cầu nguyện mà Hội thánh dâng lên. Quyền năng của Đức Chúa Trời không thể vượt quá sự cầu nguyện của Hội thánh. Ngày nay, quyền năng của Đức Chúa Trời cùng lắm thì lớn lao bằng sự cầu nguyện của Hội thánh. Điều này không có nghĩa là quyền năng của Đức Chúa Trời bị giới hạn trên trời. Trên trời, quyền năng của Đức Chúa Trời thì vô hạn. Nhưng dưới đất, quyền năng của Đức Chúa Trời được biểu lộ theo mức độ Hội thánh cầu nguyện. Mức lượng Hội thánh cầu nguyện sẽ hạn định mức lượng quyền năng của Đức Chúa Trời được biểu lộ. Do đó, Hội thánh phải học tập cầu nguyện những lời cầu nguyện lớn lao và nêu lên những yêu cầu lớn lao. Vì Hội thánh đến với một Đức Chúa Trời phong phú như vậy, nên phải loại đi những lời cầu nguyện nhỏ nhoi và những yêu cầu nhỏ nhoi. Vì Hội thánh đến với một Đức Chúa Trời phong phú như vậy, nên phải có những điều lớn lao xảy ra. Nếu khả năng của Hội thánh trước mặt Đức Chúa Trời nhỏ nhoi thì điều đó sẽ giới hạn quyền năng của Đức Chúa Trời biểu hiện. Chúng ta biết rằng vấn đề những người đắc thắng chưa thật sự được giải quyết, và Sa-tan chưa bị quăng vào vực thẳm. Đức Chúa Trời phải có được một bình chứa cho chứng cớ của Ngài trước khi Ngài có thể hoàn thành những gì Ngài đã khởi công thực hiện. Hội thánh phải có những lời cầu nguyện lớn lao để biểu hiện Đức Chúa Trời của chúng ta. Đó là chức vụ của Hội thánh. Anh chị em ơi, tôi không chắc là khi Đức Chúa Trời đi ngang qua buổi nhóm cầu nguyện của chúng ta, Ngài có thể nói với chúng ta rằng Hội thánh này có chức vụ cầu nguyện. Vấn đề không phải ở chỗ chúng ta có thường cầu nguyện hay không, mà vấn đề là “trọng lượng” lời cầu nguyện của chúng ta [như thế nào]. Nếu nhìn ra trách nhiệm của Hội thánh đối với sự cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận thấy những lời cầu nguyện của mình chưa đủ lớn lao; chúng ta đang giới hạn Đức Chúa Trời và làm trở ngại công việc Ngài. Hội thánh đã rời bỏ chức vụ của mình! Đây thật là một tình trạng đáng buồn biết bao!
Vấn đề then chốt là: Liệu Đức Chúa Trời có thể có được một Hội thánh trung tín đối với chức vụ của mình không? Điều này tùy thuộc vào việc chúng ta có phải là những người được định trước là không đủ tư cách, hay là những bình chứa thật của Đức Chúa Trời, tức những người sẽ hoàn thành mục tiêu của Đức Chúa Trời. Anh chị em ơi, chúng ta phải lớn tiếng kêu lên rằng Đức Chúa Trời đang để ý quan sát xem Hội thánh có trung tín đối với chức vụ của mình không. Chức vụ của Hội thánh là cầu nguyện — không phải những lời cầu nguyện nhỏ nhoi, mà những lời cầu nguyện mở đường cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đang hoàn thành công tác của Ngài. Nhưng trước hết Hội thánh phải cầu nguyện và dọn đường thì Đức Chúa Trời mới tìm ra con đường. Hội thánh phải có những lời cầu nguyện lớn lao, nghiêm túc và mạnh mẽ. Lời cầu nguyện ấy không thể nhỏ nhoi trước mặt Đức Chúa Trời. Nếu những lời cầu nguyện xoay quanh những vấn đề về chính chúng ta, những khó khăn của bản thân và những lời lỗ nhỏ nhoi của mình, điều đó sẽ khó mở ra một con đường cho ý chỉ đời đời của Đức Chúa Trời. Có nhiều việc buộc chúng ta cần phải đào sâu. Nhưng trên tất cả, sự cầu nguyện phải đem chúng ta đến chỗ sâu xa nhất.
“Hai người hòa hợp” không phải là một lời rỗng không; đó không phải là một khẩu hiệu. Nếu chúng ta không biết Thân Thể Đấng Christ là gì và chưa tiếp nhận chỗ đứng này, thì dầu có hai trăm người cầu nguyện với nhau cũng vô ích. Nếu chúng ta biết Thân Thể Đấng Christ và đứng trên vị trí đúng đắn của Thân Thể ấy mà từ bỏ xác thịt, nếu chúng ta không cầu xin những điều cho chính mình nhưng cầu xin ý muốn của Đức Chúa Trời được thực hiện trên đất, thì chúng ta sẽ thấy mình cầu nguyện trong sự hòa hợp. Khi điều ấy xảy ra, Đức Chúa Trời ở trên trời sẽ thực hiện lời cầu nguyện của chúng ta trên đất.
Xin chú ý nhóm chữ quí báu trong câu 18, “bất cứ điều gì”. Cũng có một nhóm chữ quí báu trong câu 19, “về bất cứ điều gì”. Chúa nói: “Bất cứ điều gì các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng bị buộc ở trên trời, và bất cứ điều gì các ngươi mở ở dưới đất thì cũng được mở ở trên trời”. Điều này có nghĩa là trời buộc theo mức độ đất buộc, và mở theo mức độ đất mở. Khả năng ở trên trời bị khả năng ở dưới đất kiểm chế. Chúng ta không nên e ngại là khả năng ở dưới đất quá lớn, vì khả năng ở trên trời luôn luôn lớn hơn. Khả năng ở dưới đất không bao giờ có thể sánh được với khả năng ở trên trời. So với đất, trời luôn luôn muốn buộc và mở nhiều hơn. Chúa nói rằng bất cứ những gì chúng ta buộc ở dưới đất đều sẽ được buộc ở trên trời và bất cứ những gì chúng ta mở ở dưới đất đều sẽ được mở ở trên trời. Loại buộc và mở này không phải được những cá nhân thực hiện, mà được thực hiện khi “hai người trong các ngươi hòa hợp ở dưới đất mà cầu xin về bất cứ việc gì”. Bất cứ việc gì họ cầu xin đều được Cha ở trên trời thực hiện cho họ. Anh chị em ơi, quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ mãi mãi vĩ đại hơn quyền năng của chúng ta. Nước trong hồ chứa mãi mãi nhiều hơn nước trong vòi của chúng ta. Nước dưới giếng mãi mãi nhiều hơn nước trong sô của chúng ta. Quyền năng trên trời không bao giờ có thể được đo lường bằng cái nhìn của chúng ta trên đất.
Được Nhóm Họp Với Nhau
Trong câu 20, Chúa nói: “Vì ở đâu có hai ba người được nhóm lại vào trong danh Ta, thì Ta ở đó giữa vòng họ”. Đây là nguyên tắc thứ ba, nguyên tắc sâu xa nhất. Câu 18 là một nguyên tắc, câu 19 là một nguyên tắc khác, và câu 20 là một nguyên tắc thứ ba. Nguyên tắc trong câu 20 rộng hơn nguyên tắc trong câu 19. Câu 19 nói: “Nếu hai người trong các ngươi hòa hợp ở dưới đất mà cầu xin bất cứ việc gì, thì Cha Ta ở trên trời sẽ làm việc ấy cho họ”. Tại sao? “Vì ở đâu có hai ba người được nhóm lại vào trong danh Ta, thì Ta ở đó giữa vòng họ”. Tại sao có một quyền năng lớn lao như vậy trên đất? Tại sao lời cầu nguyện trong sự hòa hợp lại đầy uy quyền đến thế? Đầy uy quyền là vì mỗi khi chúng ta được nhóm họp lại với nhau vào trong danh Chúa, thì Chúa ở đó! Đó là lý do chúng ta phải hòa hợp. Câu 18 mô tả mối liên hệ giữa đất và trời. Câu 19 đề cập đến lời cầu nguyện trong sự hòa hợp trên đất, và câu 20 nói làm thế nào chúng ta có thể có sự hòa hợp.
Chúng ta được nhóm họp với nhau. Không phải chúng ta tự ý nhóm họp với nhau, mà chúng ta được nhóm họp với nhau. Có sự khác biệt giữa nhóm lại với nhau và được nhóm họp với nhau. Được nhóm họp với nhau là được Chúa nhóm họp. Không phải tự chúng ta đến [với nhau]; Chúa đã nhóm họp chúng ta. Nhiều người đến buổi nhóm là để quan sát hay xem xét; điều này chắc chắn sẽ không mang lại kết quả gì. Nhưng đối với những người khác, Chúa phán bên trong họ, cho họ biết rằng nếu không đến hôm ấy thì họ sẽ bỏ lỡ điều gì đó. Những người được Chúa nhóm họp như vậy là được nhóm họp vào trong danh Chúa; họ đến vì danh Chúa. Mỗi khi đến với nhau, những anh chị em ấy có thể nói: “Tôi ở đây vì danh Chúa và để tôn vinh Con. Tôi đến đây không phải vì chính mình”. Khi tất cả anh chị em đều được nhóm lại với nhau vì danh Chúa, thì sẽ có sự hiệp một và hòa hợp. Cảm ơn Chúa. Nếu anh em đến một buổi nhóm vì chính mình thì sẽ không có sự hòa hợp. Nếu anh em muốn một điều, không phải vì anh em muốn điều đó mà vì Chúa muốn điều đó, và nếu anh em khước từ một điều, không phải vì anh em khước từ điều đó, mà vì Chúa khước từ điều đó, thì sẽ có sự hòa hợp. Con cái Đức Chúa Trời được Chúa nhóm họp lại vào trong danh Ngài. Chúa nói: “Ta ở giữa họ”. Chúa đang hướng dẫn giữa vòng họ. Vì Chúa hướng dẫn và soi sáng họ, và vì Chúa phán và ban cho khải thị, bất cứ điều gì bị buộc dưới đất thì cũng bị buộc trên trời và bất cứ điều gì được mở dưới đất thì cũng được mở trên trời. Đây là vì Chúa đang làm công việc buộc và mở cùng với Hội thánh.
Vì vậy, chúng ta phải học tập từ bỏ chính mình trước mặt Chúa. Mỗi khi Ngài nhóm họp chúng ta lại với nhau trong một buổi nhóm, chúng ta phải học tập tìm kiếm vinh quang Ngài. Lòng chúng ta phải được xoay về danh Ngài và mong muốn danh Ngài được tôn cao trên mọi danh và mong muốn mọi hình tượng đều được phá đổ. Nếu chúng ta làm như vậy, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta. Anh chị em ơi, đây không phải là một cảm giác. Đây không phải là một lý thuyết. Đây là một sự thật. Nếu Hội thánh ở trong tình trạng bình thường, sau mỗi buổi nhóm, Hội thánh sẽ nhận biết Chúa có ở giữa vòng mình hay không. Khi Chúa ở giữa Hội thánh, Hội thánh sẽ phong phú và mạnh mẽ. Trong những lúc ấy, Hội thánh có thể buộc và mở. Nếu không có Chúa ở giữa thì không điều gì có thể được thực hiện cả. Chỉ Hội thánh mới có thể mạnh mẽ như vậy; các cá nhân không bao giờ có thể thực hiện điều đó.
Nguyện Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự hiểu biết và những bài học sâu xa trong sự cầu nguyện. Chỉ có những sự cầu nguyện riêng tư và những sự cầu nguyện để gây dựng thuộc linh thì vẫn chưa đủ. Phải có những sự cầu nguyện vì chức vụ và công tác. Nguyện Chúa nâng đỡ chúng ta bằng quyền năng [của Ngài] để mỗi khi nhóm họp lại chúng ta có thể công tác trong sự cầu nguyện và thi hành chức vụ của Hội thánh bằng sự cầu nguyện của mình. Nhờ đó, Chúa có thể hoàn thành những gì Ngài muốn.