Trong tiếng Pháp, chữ “Kinh thánh” là la bible và chữ “thư viện” là bibliothèque. Theo tư tưởng người Pháp, một phòng sách không nên gọi là thư viện nếu không có chứa Kinh thánh trong đó. Đó là lí do, vào thế kỉ thứ 3 TCN, sau khi Alexandre đại đế xây dựng thành phố Alexandria (tên của đại đế) và thư viện to lớn tại thành phố đó ở tại đất Ai cập, Ngài đã ra lệnh 72 ra- bi, là học giả Do thái, cấp tốc dịch bản Kinh Thánh Cựu ước Hê-bơ-rơ sang tiếng Hi lạp. Thành quả công trình đó là bản Kinh thánh Hi lạp, mệnh danh là bản Bảy Mươi. Bản sách nầy đã được đặt vào thư viện Alexandria.
Vì Kinh thánh là quyển sách có vai trò và địa vị tối quan trong trong lịch sử loài người, nên hôm tháng 11 năm 2019 vừa qua, một cường quốc đã ra lệnh lên kế hoạch viết lại Kinh thánh, và cũng viết lại các kinh điển Phật giáo, Hồi giáo, cho phù hợp tiến trình phát triển của đất nước mình.
Có thể sự việc viết lại Kinh thánh hiện nay là sự kết thúc, là mùa gặt của công việc loài người đã từng sửa sai, cắt xén, phủ nhận một phần nào đó trong Kinh thánh từ hai ba thế kỉ vừa qua hay chăng?
Trường phái Thượng tầng phê bình (High Critic) đã phê bình, bài bác Kinh thánh, cắt xén Kinh thánh, gieo sự ngờ vực nặng nề cho hàng triệu Cơ Đốc nhân đối với Kinh thánh. Đạo Mormon có ấn bản Kinh thánh riêng, trong đó loại bỏ mọi từ ngữ huyết của Đấng Christ, và sửa đổi nhiều điểm khác về thiên đàng, địa ngục. Một giáo hội thế giới kia, trong Kinh thánh của mình, họ đã loại bỏ điều răn thứ hai, về việc cấm thờ hình tượng, và chia điều răn thứ mười làm hai, để cho đủ số 10 điều răn. Một số giáo hội nhỏ ló cái đuôi Ba-by-lôn, khi họ dịch chữ “thưa Mẹ” cách cung kính trong Tin lành Giăng 2.
Cá nhân tôi đã đọc Kinh thánh mấy chục năm rồi, nhưng tôi chưa thấy câu nào chép “Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời”. Vì câu nói trên chỉ là sự suy luận, lời kết luận do các học giả kỉnh kiền, các nhà Cải chánh chân chính của giáo hội mà thôi.
1.-Kinh Thánh Cựu Ước là Lời của Đức Chúa Trời không?
Trong Kinh Thánh Cựu Ước có chép:
- Nhiều bài giảng dài của Đức Gia Vê do các tiên tri chép lại.
- Nhiều phần lịch sử, gia phả, câu chuyện về loài người...
- Một số lời nói của sa tan như chép ở Sáng Thế kí 3, và Gióp 1, và 2
- Nhiều bài giảng dạy của vua Đa-vít, gồm 73 thi thiên-- của Sa lô môn, thí dụ là sách Châm ngôn, Truyền đạo, Nhã ca, --các bài giảng của Gióp và 4 người bạn trong sách Gióp.
-- Và nhiều phần linh tinh khác…
Có rất nhiều tín nhân yêu Chúa, nhiều mục tử tin kỉnh, họ không dám bác bỏ Lời Kinh thánh, nhưng họ rất hoài nghi, thắc mắc, khó hiểu nhiều vấn nạn trong Kinh thánh như: lời khuyên của vua Sa-lô-môn về sự hối lộ ở Châm ngôn 18:16, sách Nhã ca là lời của Đức Chúa Trời sao? Nhiều lời cầu nguyện, lời rủa sả, hận thù xuất hiện trong nhiều thi thiên…một số câu chuyện dâm đãng, nên có kẻ vin vào đó phê bình Kinh thánh là dâm thư.
Thế thì 39 sách Cựu ước do E xơ ra và nhiều người đồng thời khác đúc kết thành kinh điển vào thế kỉ thứ tư TCN là Lời của Đức Chúa Trời chăng?
Tôi xin lặp lại: “tôi chưa thấy câu nào trong Kinh thánh chép lời tự xưng của Kinh thánh, tự chứng mình là Lời Đức Chúa Trời. Tôi nhờ hai sứ đồ Phi-e-rơ và Phao lô giải đáp vấn nạn nầy.
a/ 2 Phi-e-rơ 1:21 TKTC-“chẳng bao giờ có lời tiên-tri nào đã được làm nên bởi một hành-động của ý-muốn loài người, nhưng được thúc đẩy bởi Đức Thánh-Linh người ta nói từ Đức Chúa TRỜI”. -- Chữ "thúc đẫy" là cảm thúc, thần cảm, to be moved by Linh Đức Chúa Trời-- cảm thúc để viết cho chính xác và trung thực...
Động từ “thức đẩy” hay “cảm thúc” theo nguyên văn Hi lạp là phero (lay động, đưa đi). Sử gia Lu- ca đã dùng động từ Phero nầy để minh họa con tàu bị bão tố, có Phao lô quá giang, đang bị dồi dập, bị gió và thủy triều “cuốn trôi theo”. Xem Công vụ 27:15,17. Con tàu đó đã bị gió bão và thủy triều cuốn trôi theo thể nào thì tâm trí, tâm linh của các nhà tiên tri viết Kinh Cựu ước cũng được Linh của Chúa cảm thúc như vậy.
2/. 2 Ti-mô-thê 3:16—“Tất cả Thánh-Kinh đều được Đức Chúa TRỜI hà hơi”-- Chữ "thánh Kinh" ở 2 Ti mô thê 3:16 là Scripture- nghĩa đen là: 'Những Chữ Viết", từ ngữ đó ngụ ý kinh văn Cựu ước, chứ không phải toàn bộ Kinh thánh hiện nay của chúng ta, vì vào thời đó chưa có Kinh thánh Tân ước.
Ban đầu Chúa đã hà hơi vào tượng đất sét, biến thành A-đam, nên khi các trước giả viết Kinh thánh, Đức Chúa Trời hà hơi, là thổi Linh của Ngài vào tâm linh người viết, nên những câu chữ họ viết ra, hay viết lại câu chuyện cũ, như Sáng thế kí, đều đầy dẫy hơi sự sống, là Linh Đức Chúa Trời. Thành ngữ “Đức Chúa Trời hà hơi” là theopneustos. Chữ nầy gồm có hai chữ: Theos là Đức Chúa Trời và pneustos là “được hà hơi”, mà pneu là ngữ căn của chữ “Linh” (Pneuma).
Thế thì hai sứ đồ Phi-e-rơ và Phao lô không hề nói kinh văn Cựu ước là Lời Đức Chúa Trời, nhưng cả hai ông nói kinh văn Cựu ước được Chúa hà hơi và cảm thúc, hay thần cảm cho các tác giả khi họ viết ra văn tự.
Nhiều học giả tân phái nói: “Kinh thánh có chép lời Đức Chúa Trời và lời loài người lẫn lộn, cho nên cần cắt bỏ mọi lời của loài người”. Nhưng tôi nói: Kinh thánh chép mọi loại lời trong 39 sách Cựu ước như trên, dưới sự hà hơi và cảm thúc, thần cảm của Linh Đức Chúa Trời, nên nó đáng tin và chính xác trong phương diện ghi chép. Loại suy-- nếu bạn tin rằng cả Kinh văn Cựu ước đều được Chúa hà hơi và thần cảm, thì Kinh Cựu ước là Lời Đức Chúa Trời, phải không? Điều đó không có nghĩa là Thi thiên 137, hay Châm ngôn 18:16 và những lời tiêu cực khác nữa, là Lời Đức Chúa Trời, nhưng các tác giả ghi lại lời phát biểu sai lầm của dân lưu đày ở Thi thiên 137, của Sa lô môn ở Châm ngôn 18:16 và các lời tiêu cực khác cách chính xác và trung thực.
2.-Kinh Thánh Tân Ước là Lời của Đức Chúa Trời không?
Vào thời Phao lô các hội thánh đều ngầm hiểu và tin kinh văn Cựu ước là Lời Đức Chúa Trời, nên sứ đồ Phao lô dặn Ti mô thê phải đọc kinh văn Cựu ước trong các cuộc nhóm họp của các hội thánh địa phương- “Cho đến khi ta đến, hãy chú ý đến việc đọc Thánh-Kinh, cho sự khích-lệ và sự giảng-dạy” (1 Tim 4:13 TKTC). Bản Công giáo dịch rõ hơn: “Trong khi chờ tôi đến, hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp, chuyên cần khuyên nhủ và dạy dỗ”.
Lịch sử Hội thánh ghi lại, vào thời Phao lô chưa có kinh điển Tân ước, nên khi các tín nhân họp lại vào sáng Chúa nhật, họ đọc kinh văn Cựu ước cách công khai, rồi dựa vào lời kinh Cựu ước, anh em lớn tuổi mới khuyên răn và dạy dỗ hội chúng. Sau đó họ cũng đọc một phần nào đó trong các bản sao các thơ tín của các sứ đồ, dù lúc đó chưa nhìn nhận Kinh văn Tân ước là kinh điển thánh.
Nội dung kinh văn Tân ước gồm có 5 sách lịch sử từ Ma-thi-ơ đến Công vụ, một sách tiên tri là Khải huyền và 21 thư tín của các sứ đồ, được gọi là sự dạy dỗ của các sứ đồ. Có phải Kinh văn Tân ước là lời của Đức Chúa Trời chăng?
Những tín nhân non trẻ tại thành Tê-sa-lô-ni-ca cảm nhận lời Phao lô giảng: “không như lời của loài người, nhưng—sự thật là—lời của Đức Chúa TRỜI” (1 Tê 3:13). Trước khi ra đi vào năm 67 S.C, sứ đồ Phi-e rơ làm chứng cho các thư tín của Phao lô (có lẽ 14 thư) như sau: “người anh yêu-mến của chúng ta là Phao-lô, theo sự khôn-ngoan được ban cho anh ấy, đã viết cho anh em, cũng như trong tất cả các bức thư của anh ấy, nói về các điều này, trong đó có một số điều khó hiểu, mà những kẻ không được dạy và không vững bóp méo chúng, như họ cũng làm vậy cho phần còn lại của Thánh Kinh, cho chính sự phá-hủy của họ” (2 Phi-e-rơ 3:15-16). Phao-lô tự nhận rằng sự dạy dỗ của ông do Ðức Chúa Trời thần cảm (I Cô-rinh-tô 2:7-13; 14:37; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).
Tất cả 27 sách trong kinh điển Tân ước hiện nay đều dã được các sứ đồ viết ra trước năm 120 S.C. Hoàng đế La mã Constantine công nhận Cơ Đốc giáo là quốc giáo vào năm 313 S.C, và vào năm 325 có cuộc giáo hội nghị tại Nicaea, Thổ nhĩ kì, do hoàng đế tổ chức. Hội nghị đó đặt ra bài tín điều các sứ đồ, để hòa giải các cuộc tranh chấp về giáo lí của nhiều trường phái trong hội thánh chung. Hội nghị cũng biểu quyết nhìn nhận 20 sách trong kinh điển Tân ước hiện nay, ngoại trừ 7 sách sau đây: Hê-bơ-rơ, 2 và 3 Giăng, 2 Phi e rơ, Giu đe, Gia cơ và Khải huyền. Mãi đến năm 397 S.C, có một cuộc giáo hội nghị tại Carthage, hội nghị đó mới biểu quyết đem bảy sách trên đây vào kinh điển Tân ước. Nên kinh điển Tân ước có 27 sách.
Kết luận-
Kinh thánh chép rất nhiều lời của Đức Gia-vê, lời của Chúa Giê su, lời các các vĩ nhân như vua Đa-vít, Sa-lô-môn, lời của các sứ đồ… lịch sử sự chuyển động của Đức Chúa Trời giữa loài người , nhất là chuyển động trong dân Israel và hội thánh Tân ước…nhiều lời của các ác nhân, thậm chí lời của sa tan..
Bạn có tin toàn bộ Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời chăng?
Thật khó để trả lời câu hỏi nầy. Vì thậm chí ông Martin Luther còn cho rằng sách Gia cơ giống như trấu, chứ không phải lúa chắc hạt, vì nhiều thần đạo gia tân phái phản đối những vụ tàn sát của Đức Gia vê trong Cựu ước, vì những lời cầu nguyện rủa sả hận thù của vua Đa-vít, vì những lời dạy dỗ sai lạc của vua Sa lô môn, vì sách Ê-xơ tê không có chép Danh của Chúa, vì sách Nhã ca do một ông vua sa ngã hư hỏng trước tác, dường như chuyên về tình yêu nam nữ mà thôi….! Chinh Matin Luther còn tuyên bố rằng không nên đem bốn sách Hê-bơ-rơ, Gia cơ, Giu đe và Khải huyền vào kinh điển.
Nhưng tôi tin mạnh mẽ rằng kinh điển Cựu ước do Do thái giáo Cựu ước xác nhận và chọn lựa giữa nhiều thứ kinh và ngụy kinh cổ đại, kinh điển Tân ước do hội thánh chung của 4 thế kỉ đầu tiên chọn lọc giữa hàng chục thứ kinh và ngụy kinh đầu thời Tân ước. Tôi tin Đức Chúa Trời là Đấng “đã tôn cao lời Chúa theo hết thảy danh Chúa.-- For Thou hast magnified Thy word according to all Thy name” (Thánh thi 138:2), chắc chắn Ngài đã tể trị công việc kinh điển hóa bộ kinh thánh, là lời bất diệt của Ngài.
Thật khó để nói Thánh kinh là lời Đức Chúa Trời từng chữ từng tiếng, nhưng rất dễ nói: cả Kinh thánh là lời được Đức Chúa Trời hà hơi, cảm thúc và thần cảm, dù kinh thánh có chép những yếu tố phàm nhân đáng lên án. Cả Kinh thánh là lời hà hơi cảm thúc của Đức Chúa Trời, dù có nhiều nội dung, nhiều câu nói không do Đức Chúa Trời phán dạy.
BXL 05-01-2020