amlodipin bivirkninger
amlodipin bivirkninger
read weed melatonin levels
melatonin and weed safe
open
CHƯƠNG BỐN
HỘI-THÁNH TẠI BẸT-GĂM
Kinh Thánh: Khải. 2:12-17
Hội-thánh tại Ê-phê-sô là hội-thánh ở vào cuối thời các sứ đồ, là hội-thánh trước khi sứ đồ Giăng qua đời, tức hội-thánh mà Giăng đề cập đến như là vào thời kỳ sau rốt, và là hội-thánh được nhắc đến trong thư Phi-e-rơ thứ nhì và Ti-mô-thê thứ nhì. Chúng ta đã thấy điều này. Sau đó trong chương kế tiếp, chúng ta thấy thời kỳ hội-thánh bị bắt bớ, đó là lời tiên tri về hội-thánh tại Si-miệc-nơ mà Chúa đã bày tỏ cho chúng ta. Bây giờ chúng ta hãy xem xét hội-thánh tại Bẹt-găm.
Chữ Bẹt-găm có nghĩa là “hôn nhân” hay “kết hiệp”. Ở đây, chúng ta thấy hội-thánh đã rẽ qua một bước ngoặt khác là như thế nào. Tôi nghĩ các tín đồ lúc bấy giờ, khi đọc đến Bẹt-găm, có lẽ họ không hiểu Thư Tín này nói gì; nhưng ngày nay khi nhìn lại lịch sử hội-thánh, chúng ta thấy rất rõ. Gibbon, một sử gia, đã nói rằng nếu người ta có ý giết hết các Cơ-đốc nhân trong thành phố La-mã thì thành phố này đã trở nên hoang vắng. Sự bắt bớ lớn nhất trên toàn thế giới cũng không thể hủy diệt hội-thánh được. Vì thế, Sa-tan đã thay đổi chiến thuật tấn công của hắn. Không những thế gian này ngưng chống đối hội-thánh, mà ngay cả một đế quốc lớn nhất trên thế giới, là La-mã, cũng chấp nhận Cơ-đốc giáo là quốc giáo. Chuyện kể rằng Constantine nằm mơ thấy một cây thập tự trên đó có viết dòng chữ: “Hãy chinh phục bởi dấu hiệu này”. Ông khám phá ra rằng thập tự giá là dấu hiệu của Cơ-đốc giáo nên đã chấp nhận Cơ-đốc giáo là quốc giáo. Ông khuyến khích mọi người làm báp-têm và hễ ai chịu báp-têm đều được ban cho hai chiếc áo trắng và vài miếng bạc. Vì hội-thánh đã kết hiệp với thế gian nên hội-thánh trở nên sa bại. Trong chương trước, chúng ta đọc thấy hội-thánh tại Si-miệc-nơ là hội-thánh chịu khổ và Chúa không nói gì để quở trách hội-thánh này. Ở đây, hội-thánh Bẹt-găm và thế gian kết hiệp với nhau tạo nên một quốc giáo lớn nhất. Theo con người, đây là một sự tiến triển; nhưng Chúa thì không vui lòng. Khi hội-thánh tự liên hiệp với thế gian, thì chứng cớ của hội-thánh bị sụp đổ. Hội-thánh là người kiều cư trên đất. Thuyền ở trên nước thì được, chứ nước ở trong thuyền thì không được chút nào.
“Đấng có thanh gươm bén hai lưỡi... ” (Khải. 2:12). Chúa phán chính Ngài là Đấng có thanh gươm bén hai lưỡi. Đây là sự phán xét.
Hội-thánh đã sa bại, nhưng điều này không có nghĩa là vào thời đó, hội-thánh không còn chứng cớ gì. Dù ở trong hoàn cảnh nào, thực tại của hội-thánh vẫn luôn luôn hiện hữu. Bẹt-găm là hội-thánh tiếp liền sau Si-miệc-nơ. Vậy thì, hội-thánh này đang ở trong tình trạng nào? Trong câu 13, Chúa phán: “Ta biết nơi ngươi ở, tức là chỗ có ngôi của Sa-tan”. Chúa nhận ra tình cảnh khó khăn của hội-thánh Bẹt-găm. Vì hội-thánh này ở ngay chỗ có ngôi của Sa-tan, nên việc giữ gìn chứng cớ có phần nào khó khăn. Ở đây có một người rất đặc biệt, đó là “An-ti-ba là chứng nhân của Ta, kẻ trung tín của Ta…”. Chúng ta khó có thể tìm thấy tên người này trong lịch sử; vì đây là lời tiên tri nên chúng ta cần phải khám phá ý nghĩa của tên này. Anti có nghĩa là “chống lại”; ba (pas) là “tất cả”. Có một người trung tín, tên An-ti-ba, là người nghịch lại tất cả; người ấy chống lại mọi điều. Điều này không có nghĩa là người ấy cố tình gây ra những phiền phức, khó khăn bất kể mọi tình trạng, nhưng có nghĩa là người ấy đứng về phía Đức Chúa Trời để chống lại mọi sự. Dĩ nhiên người ấy phải trở nên người tuận đạo. Lịch sử không biết đến tên người ấy, nhưng Chúa biết.
Nói về người trung tín đã bị giết này, trong câu 13, Chúa phán: “Ngươi giữ vững danh Ta, không chối đạo (đức tin – RcV) Ta”. Có hai vấn đề được đề cập: danh Chúa và đức tin của Chúa. Con cái của Đức Chúa Trời là những người được Ngài lựa chọn từ giữa vòng dân Ngoại bang cho danh của Chúa. Có một sự khác biệt cơ bản giữa hội-thánh và tôn giáo. Trong tôn giáo, chỉ cần chấp nhận những sự dạy dỗ là đủ; nhưng trong hội-thánh, thật vô nghĩa nếu một người không tin nhận Chúa. Danh Chúa bày tỏ chính Ngài. Đây là một điểm đặc biệt. Không những thế, danh này cũng bày tỏ cho chúng ta rằng Ngài đã ở đây và đã đi về [trời], Ngài đã chết và sống lại; vì vậy Ngài để danh Ngài lại giữa vòng chúng ta. Nếu đánh mất danh Chúa, chúng ta không còn chứng cớ nữa. Hội-thánh tại Bẹt-găm đã nhận lãnh danh Chúa. Có một điều mà con cái Đức Chúa Trời cần đặc biệt chú ý là chúng ta phải bày tỏ chính mình là những người đang ở trong danh Chúa. Danh này là danh đặc biệt, giữ chúng ta khỏi đánh mất chứng cớ.
Ngài cũng phán: “Ngươi không chối đức tin Ta”. Ở đây, chữ “đức tin” trong Hi-văn là Pistin, có nghĩa là “niềm tin”. Đây không phải là một niềm tin thông thường mà là niềm tin duy nhất, niềm tin khác biệt với mọi niềm tin khác. Chúa phán, các ngươi đã không chối bỏ đức tin duy nhất của Ta. Hội-thánh không phải là điều gì đó của triết lý, của khoa học tự nhiên, của đạo đức hay tâm lý học; tất cả những điều ấy không thuộc hội-thánh. Hội-thánh là điều gì đó của niềm tin, một điều gì đó thuộc đức tin. “Các ngươi đã không chối đức tin Ta”. Câu này có nghĩa gì? Có nghĩa là “Các ngươi đã không chối việc tin nơi Ta”. Con cái Đức Chúa Trời phải giữ vững niềm tin này. Niềm tin của chúng ta vào Chúa Giê-su không được thay đổi gì cả. Bởi đức tin này, chúng ta được phân rẽ khỏi thế gian. Như vậy, có hai điều Chúa khen hội-thánh, đó là “đã giữ vững danh Ta và chẳng chối đức tin Ta”.
“Nhưng Ta có vài điều trách ngươi, vì tại đó ngươi có kẻ giữ theo giáo lý của Ba-la-am là người dạy Ba-lác gieo hòn đá vấp chơn trước mặt con cái Y-sơ-ra-ên, khiến họ ăn của cúng hình tượng và phạm gian dâm” (c. 14). Ba-la-am là một người Ngoại bang; chúng ta không biết tại sao Đức Chúa Trời cũng gọi ông là tiên tri. Giống như trong trường hợp của Sau-lơ, Linh của Đức Chúa Trời thúc đẩy ông, nhưng lại không vào bên trong ông. Vì dân Y-sơ-ra-ên cứ liên tục chiến thắng nên Ba-lác sợ hãi và đi cầu cứu Ba-la-am. Ba-lác nói với Ba-la-am: “Ngươi là một tiên tri, vậy hãy rủa sả Y-sơ-ra-ên đi”. Ba-la-am ham món tiền mà Ba-lác đã dâng cho mình nên muốn đi; mặc dù lúc đầu Đức Chúa Trời có ngăn trở nhưng sau đó, Ngài cho phép. Nhưng Ba-la-am không tìm được cách nào để rủa sả dân Y-sơ-ra-ên được. Tuy nhiên, vì đã nhận tiền của Ba-lác mà lại không làm được việc, nên ông cảm thấy ái ngại, bèn nghĩ ra một mưu kế mà theo đó những người nữ Mô-áp quyến rũ dân Y-sơ-ra-ên. Như vậy, dân Y-sơ-ra-ên đã lấy những người nữ Mô-áp và kết hiệp với họ. Những người nữ Ngoại bang này cũng mang theo hình tượng của mình khiến cho dân Y-sơ-ra-ên không những phạm gian dâm mà còn thờ lạy hình tượng. Đức Chúa Trời đã nổi giận và tiêu diệt hai mươi bốn ngàn người Y-sơ-ra-ên, còn dân Mô-áp thì vẫn bình yên vô sự. Trong Dân-số ký chương 25, chúng ta thấy những người nữ Mô-áp kết hiệp với dân Y-sơ-ra-ên nhưng mãi đến chương 31, chúng ta mới khám phá được mưu đồ này là do Ba-la-am bày ra.
Đức Chúa Trời cho chúng ta biết Bẹt-găm có nghĩa là kết hôn với thế gian. Ban đầu, thế gian chống nghịch với hội-thánh; bây giờ, thế gian và hội-thánh lại kết hôn với nhau. Tôi đã nhiều lần nói rằng ý nghĩa của chữ “hội-thánh” (ekklesia) là những người được gọi ra khỏi, không kết hiệp, không đặt mình vào trong thế gian mà phải được biệt riêng ra, được gọi ra; đó chính là hội-thánh. Phương cách của Ba-la-am là phá vỡ sự phân rẽ giữa hội-thánh và thế gian, và hậu quả là sự thờ lạy hình tượng.
Ở đây, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến hai điều: gian dâm và thờ hình tượng. Thật lạ lùng khi hai điều này lại đi chung với nhau! Trong thư Cô-rin-tô thứ nhất, hai vấn đề này cũng được đề cập chung với nhau. Về mặt xác thịt, đây là hai điều Đức Chúa Trời ghét; về mặt thuộc linh, đây cũng là hai điều Đức Chúa Trời ghét. Xin nghe Lời Chúa nói trong Gia-cơ 4:4: “Các ngươi chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao?” Kết hiệp với thế gian là điều Đức Chúa Trời rất ghét. Ma-môn (tiền tài) cũng đứng trong vị trí chống nghịch với Đức Chúa Trời: “Các ngươi không thể hầu việc cả Đức Chúa Trời lẫn tiền tài (nguyên văn: ma-môn) nữa” (Mat. 6:24). Con người chỉ có thể hầu việc một trong hai. Ở đây, chúng ta thấy một điều hết sức quan trọng, đó là ma-môn chống nghịch với Đức Chúa Trời. Có nhiều hình tượng tồn tại chỉ vì ma-môn. Ngày nay, không có Cơ-đốc nhân nào giết người hay thờ hình tượng, nhưng nếu ham tiền, cậy trông vào quyền lực ma-môn thì tương đương với việc thờ lạy hình tượng. Ma-môn là nguyên tắc của hình tượng; Đức Chúa Trời muốn tách con người khỏi ma-môn. Gian dâm có liên hệ đến việc thờ hình tượng, còn tham tiền của thì liên hệ đến việc kết hiệp với thế gian. Tôi muốn đưa ra hai phương diện đối lập nhau trong Kinh Thánh, nếu thấy được phương diện tiêu cực thì anh em có thể nhận ra phương diện tích cực. Kinh Thánh luôn luôn đặt Sa-tan ở vị trí đối nghịch với Đấng Christ, xác thịt đối nghịch với Thánh Linh, còn thế gian và ma-môn đối nghịch với Đức Chúa Cha. Thế gian chống nghịch với Cha; đây là lý do tại sao 1 Giăng 2:15 chép: “Nếu ai thương yêu thế gian thì tình yêu thương Cha chẳng ở trong người ấy”. Ma-môn chống nghịch với Đức Chúa Trời. Hễ khi nào con người hầu việc ma-môn thì không thể hầu việc Đức Chúa Trời.
Công việc của Ba-la-am là kết hiệp thế gian với hội-thánh. [Một khi chúng ta cho rằng] mình cần được Constantine đề cao thì đó chính là giáo lý của Ba-la-am. Không gì khó bằng việc giữ cho công tác của Ba-la-am khỏi bị đem vào hội-thánh. Ngày nay, hầu hết các con cái Đức Chúa Trời đều muốn làm lớn, muốn sở hữu nhiều hơn mà không cần lưu tâm đến sự thánh khiết và trong sạch. Vì vậy, họ đã chìu theo tội lỗi, chìu theo giáo lý của Ba-la-am và mặc cho danh Chúa bị chối bỏ.
Trong bức thư này, Chúa đặc biệt nói đến Ba-la-am. Ông là người đầu tiên lợi dụng ân tứ để kiếm tiền. Trong Tân Ước có vài chỗ nhắc đến Ba-la-am. 2 Phi-e-rơ 2:15 nói Ba-la-am là người ham thích tiền lương bất chính; Giu-đe 11 thì lại chép rằng Ba-la-am là người ham đuổi theo tiền thưởng. Hãy suy xét điều này. Anh em có thể nào nghĩ rằng, khi hội-thánh tại Cô-rin-tô mời Phao-lô đến [hầu việc Chúa] thì điều đầu tiên họ bàn bạc với ông sẽ là vấn đề tiền lương không? Anh em có nghĩ rằng hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem đã ký hợp đồng với Phi-e-rơ về một số tiền nào đó hằng năm không? Chúng ta không hề nghĩ những chuyện như vậy lại có thể xảy ra. Lúc đầu, những người làm việc cho Đức Chúa Trời đều trông cậy nơi Ngài về cuộc sống của họ, họ không đòi hỏi điều gì nơi con người và không nhận tiền bạc từ những người Ngoại bang (3 Gi. 7), nhưng đến thời Constantine, tất cả những người hầu việc Đức Chúa Trời đều nhận lương từ ngân khố quốc gia. Việc này đã bắt đầu vào khoảng năm 300 S.C. Hễ khi nào mọi người đều nhận lương thì phương cách của Ba-la-am đã được đưa vào. Phương cách của Ba-la-am không có chỗ trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Nếu anh em hỏi các sứ đồ lương hằng tháng của họ là bao nhiêu thì đó không phải là trò cười sau? Nhưng ngày nay, tình trạng này đã trở nên thông thường. Nếu có thể tin cậy Đức Chúa Trời, hãy ra đi hầu việc Ngài; còn nếu không tin cậy Đức Chúa Trời được thì đừng làm việc cho Ngài. Chúng ta phải đặc biệt chú ý đến vấn đề này trước mặt Chúa.
Ngay sau Khải-thị 2:14, Chúa lại đề cập đến nhóm Ni-cô-la: “lại cũng... ”, hai chữ này tạo nên sự liên kết đặc biệt với những lời trước đó. Chúa bày tỏ rằng Ngài không chấp nhận giáo lý Ba-la-am; cũng vậy, Ngài không chấp nhận những sự dạy dỗ của nhóm Ni-cô-la. Trong Kinh Thánh, chính Đức Chúa Trời đã định hội-thánh phải như thế nào. Xin đọc Ma-thi-ơ 20:25-28: “Nhưng Giê-su bèn gọi họ mà phán rằng: Các ngươi biết rằng các vua chúa dân ngoại bang đều chủ trị họ và các quan lớn thì cầm quyền trên họ. Song trong các ngươi thì không phải như vậy đâu; trái lại, hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi thì phải làm tôi tớ của các ngươi, còn hễ ai trong các ngươi muốn làm đầu thì phải làm tôi mọi các ngươi; cũng như Con [Loài] Người đã đến không phải để được người ta phục sự, bèn để phục sự người ta, và phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người”. Anh em thấy không? Hội-thánh được thiết lập bởi Chúa; hàng vua chúa và những người làm lớn đều không được phép làm điều đó. Chúa phán rằng hễ ai muốn làm lớn thì sẽ làm đầy tớ, còn hễ ai làm đầy tớ thì người ấy là người làm đầu. Việc làm lớn không căn cứ trên địa vị mà trên sự phụng sự. Nếu xem xét Ma-thi-ơ 23:8-11, anh em sẽ thấy rõ hơn về vấn đề này. Nguyên tắc căn bản của hội-thánh là: không thầy, không chủ, không cha; tất cả đều là anh em.
Giáo lý Ba-la-am cùng những sự dạy dỗ của nhóm Ni-cô-la đã xuất hiện khi Constantine chấp nhận Cơ-đốc giáo. Ở đây, chúng ta thấy có hệ thống các cha; giữa các cha có một người đứng trên tất cả, đó là giáo hoàng. Khi người nào hôn chân ông, người ấy phải kêu lên: “Lạy Chúa tôi”. Đồng thời cũng có các viên chức cao cấp tại Va-ti-căn, cùng với những đại sứ và các bộ trưởng đại diện cho nhiều quốc gia. Có các vua và quan chức cao cấp, có những người được gọi là cha và thầy. Đây là sự dạy dỗ của nhóm Ni-cô-la mà chúng ta đã thấy. Vì lý do đó, những ai có địa vị và danh tiếng trong thế gian phải cẩn trọng để không mang những điều thuộc thế gian vào trong hội-thánh. Nếu không thể gọi người thấp hèn ngồi bên mình là “anh em” thì đã có điều gì đó bên trong anh em không đúng đắn rồi. Khi ở giữa vòng anh chị em mà không thể coi mình như một anh em hay chị em thì lúc ấy nhóm Ni-cô-la đã xuất hiện. Chữ laos (la trong Ni-cô-la) trong từ nguyên Nikaolaos (Ni-cô-la) của tiếng Hi-lạp, không chỉ có nghĩa là tín đồ thường (người thường) mà còn có nghĩa là người không có chuyên môn, tương phản với chuyên gia. Chẳng hạn, các bác sĩ y khoa là những người chuyên môn, còn những người không phải là bác sĩ thì được gọi là người thường, không chuyên môn. Khi một thợ mộc gặp một thợ mộc khác thì họ cùng ngành nghề và cả hai đều là người chuyên môn; khi gặp một người không phải là thợ mộc, họ gọi người ấy là người không chuyên môn, người thường, người không ở trong nghề. Ni-cô-la nghĩa là thắng hơn tín đồ thường, tức có một nhóm là người chuyên môn, là người ở trong nghề; còn những người khác thì không chuyên môn, là những người không ở trong nghề. Chúa nói đó là điều Ngài “chống lại”.
Tình trạng của hội-thánh tại Ê-phê-sô khác với Bẹt-găm. Trong hội-thánh tại Ê-phê-sô chỉ có cách cư xử của nhóm Ni-cô-la, còn trong hội-thánh tại Bẹt-găm có sự dạy dỗ của nhóm Ni-cô-la. Để cách cư xử trở thành giáo lý phải mất một thời gian. Nếu một cách cư xử nào đó được biểu lộ và sau đó người ta rao giảng giáo lý về cách cư xử ấy, thì vấn đề không chỉ là khả năng cư xử như vậy mà còn là khả năng tạo ra một học thuyết căn cứ trên cách cư xử ấy. Đây là một bước xa hơn. Cách cư xử có trước giáo lý. Một khi giáo lý xuất hiện thì vấn đề đã trở nên nghiêm trọng. Vài năm trước, tôi gặp một thành viên trong Giáo Hội có vợ bé; vài người nhờ tôi khuyên anh ấy, nhưng không những anh ấy cho rằng việc lấy vợ bé là không sai mà còn đưa ra các trường hợp trong Kinh Thánh để che giấu tội lỗi mình. Việc lấy vợ bé là một cách sống, lối cư xử, còn việc trích dẫn Kinh Thánh là trở nên một giáo lý. Cũng vậy, ngày nay đã có sự dạy dỗ công khai về nhóm Ni-cô-la. Bẹt-găm đã hình thành giáo lý này như thế nào? Như chúng tôi đã nói, sau khi Constantine chấp nhận Cơ-đốc giáo là quốc giáo thì hội-thánh kết hôn với thế gian. Hễ là người La-mã thì một người có thể được làm báp-têm; vì vậy, hội-thánh đầy những người không tin. Từ ban đầu, chỉ có các anh em trong hội-thánh và tất cả đều là thầy tế lễ; nhưng sau đó một đám đông hỗn tạp tràn vào. Bảo họ hầu việc Đức Chúa Trời là điều không thể được. Để cho tiện, họ chọn một nhóm người, và nói: “Các anh hãy lo những vấn đề thuộc linh đi, còn những người khác có thể làm thường dân, tín đồ thường là được rồi”. Có nhiều người trở nên thành viên của hội-thánh mà lại không biết gì về Chúa Giê-su. Vì vậy, những ai biết Chúa Giê-su đều trở thành người chuyên môn; như thế, nhóm Ni-cô-la xuất hiện. Đây là kết quả không thể tránh được của việc kết hôn giữa thế gian và hội-thánh. Tại Ê-phê-sô, những gì nhóm Ni-cô-la đã làm chỉ là một cách cư xử, nhưng tại Bẹt-găm nó trở nên một loại giáo lý. Từ đó trở đi, có thể nói rằng hội-thánh là công việc của những người chuyên môn chứ không phải của những tín đồ thường. Điều đó đã trở nên một giáo lý cho rằng chúng ta không thuộc linh cũng không sao; các sự việc thuộc linh có thể được giao cho những người chuyên môn chăm sóc, còn chúng ta là dân thường chỉ lo việc đời thôi. Điều ấy trở nên một giáo lý dạy rằng có hai hạng người trong trong hội-thánh: một hạng người chăm nom những việc thuộc linh, còn hạng người kia chỉ lo việc đời thường. Đối với những người thường, chỉ cần đi nhóm là đủ, không cần phải quan tâm đến những điều khác. Nếu ai đó đưa ra các nguyên tắc nhóm họp trong 1 Cô-rin-tô chương 14 thì sẽ không có hiệu lực. Giáo lý Ba-la-am đã dẫn đến sự dạy dỗ của nhóm Ni-cô-la.
Tôi tin rằng đây chính là vấn đề Chúa ghét hơn hết. Vì thế, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến điều này. Tôi thừa nhận có vấn đề chức vụ. Tôi cũng nhận thấy rằng Phao-lô là người vừa may trại vừa hầu việc Chúa, và cũng có Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng là những người dâng mình trọn vẹn cho việc rao giảng. Nhưng ngày nay, điều chúng ta gọi là địa vị của các anh em không liên hệ gì đến địa vị của chức vụ. Trong hội-thánh địa phương, chính các anh em của địa phương đó là những chấp sự và trưởng lão. Tất cả anh chị em đều chăm lo những việc thuộc linh; họ là những thầy tế lễ. Các trưởng lão không làm hết mọi sự thay họ; các trưởng lão chỉ để “coi sóc”. Đối với những công tác viên Cơ-đốc, khi đến với hội-thánh, họ cũng chỉ ở vị trí là một anh em thôi. Đây là điểm khác biệt giữa nhóm Ni-cô-la và các anh em. Kinh Thánh bày tỏ rằng, tất cả con cái Đức Chúa Trời đều phải làm chứng, nhưng các sứ đồ làm chứng nhiều hơn. Sự khác nhau là vấn đề mức độ chứ không phải bản chất. Bản chất thì như nhau chỉ có mức độ là khác nhau. Nhưng sự dạy dỗ của nhóm Ni-cô-la đã tạo nên một sự thay đổi; các sự việc thuộc linh được một nhóm người thuộc giai cấp đặc biệt coi sóc. Đây là điều Chúa khiển trách; vì nếu như vậy, hội-thánh trở nên thế tục và toại nguyện khi chỉ có vài chấp sự thuộc linh. Một vài người thuộc linh đặc biệt được chọn ra từ hội-thánh để coi sóc việc thuộc linh. Họ trở thành một giai cấp khác chăm lo tất cả những công việc thuộc linh. Hệ thống linh mục trong Giáo Hội toàn cầu, hệ thống hàng giáo phẩm của Giáo Hội quốc gia, và hệ thống mục sư trong các Giáo Hội độc lập đều có cùng bản chất. Tất cả đều là nhóm Ni-cô-la. Trong Kinh Thánh chỉ có các anh em. Có ân tứ chăm sóc (mục sư) nhưng không có hệ thống mục sư. Hệ thống mục sư là truyền thống của con người. Nếu con cái Đức Chúa Trời không sẵn lòng quay về với vị trí ban đầu thì dù họ có làm điều gì đi nữa vẫn không đúng đắn. Hội-thánh không được kết hiệp với thế gian và không tiếp nhận những người vô tín vào trong hội-thánh. Nếu không, sẽ dễ dàng tiếp nhận giáo lý của nhóm Ni-cô-la. Con người phải được phân rẽ với thế gian trước khi họ có thể được đem vào hội-thánh. Hễ khi nào chúng ta cho phép một người vô tín bước vào trong hội-thánh thì hội-thánh không phải là hội-thánh nữa mà là thế gian. Sự thánh khiết và biệt riêng của hội-thánh phải được duy trì bằng bất cứ giá nào.
“Vậy, hãy ăn năn đi. Bằng chẳng Ta sẽ kíp đến cùng ngươi, lấy thanh gươm ở miệng Ta mà chiến đấu cùng chúng nó” (Khải. 2:16). Ở đây, Chúa nói những lời rất mạnh. Nếu họ không ăn năn, Ngài sẽ đoán phạt họ bằng thanh gươm nơi miệng Ngài, tức là Ngài sẽ trừng phạt và xét xử những ai nghịch cùng Ngài. Chúng ta cần cầu nguyện với Đức Chúa Trời để giữa vòng chúng ta không có nhóm Ni-cô-la! Tôi có cảm nhận rằng nếu hội-thánh thuộc linh thì nhóm Ni-cô-la không thể nào sản sinh được. Một khi hội-thánh đã trở nên thế tục, nhóm Ni-cô-la sẽ xuất hiện. Từ ban đầu, Đức Chúa Trời đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên là cả nước đều phải là thầy tế lễ. Vì cớ dân Y-sơ-ra-ên phạm tội nên Đức Chúa Trời đã biệt riêng chi phái Lê-vi để làm thầy tế-lễ. Khi nào hội-thánh mang tính chất thế gian thì vấn đề phụng sự Đức Chúa Trời được giao cho vài người. Ngày nay, Đức Chúa Trời muốn tất cả mọi người trong hội-thánh đều làm những công việc thuộc linh.
“Kẻ đắc thắng, Ta sẽ cho ma-na giấu kín, cũng sẽ cho người một viên đá trắng, trên đó có viết tên mới, ngoài kẻ nhận được chẳng ai biết đến” (c.17). Có hai điều được hứa cho những người đắc thắng: thứ nhất, ma-na giấu kín và thứ hai, viên đá trắng. Ma-na giấu kín và ma-na trong đồng vắng là hai thứ khác nhau. Khi dân Y-sơ-ra-ên còn ở trong đồng vắng thì mỗi ngày ma-na từ trời rơi xuống cho họ ăn. Môi-se bảo họ lấy một chiếc bình bằng vàng, đựng đầy một ô-me ma-na và giữ nó trong rương giao ước. Khi các thế hệ sau có hỏi về việc này thì họ có thể nói cho chúng biết rằng Đức Chúa Trời đã ban ma-na từ trời xuống để nuôi họ lúc còn ở trong đồng vắng như thế nào, và bấy giờ họ có ma-na trong rương làm bằng chứng (Xuất. 16:14-35). Các thế hệ sau không biết ma-na là gì, nên người ta có thể chỉ cho họ thấy ma-na trong rương. Thế là họ sẽ biết ma-na. Nhưng những người đã ăn ma-na lại có một cảm nhận khác về ma-na giấu kín. Họ đã biết mùi vị; cho nên khi nhìn lại ma-na, họ sẽ có một sự hồi tưởng nào đó; còn những người chưa từng nếm thử ma-na, thì dù có biết về nó, cũng không thể có một sự hồi tưởng như vậy. Với những ai đắc thắng, Chúa sẽ cho ăn ma-na giấu kín, tức là họ sẽ có những sự hồi tưởng.
Tất cả những kinh nghiệm của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời đều quý báu và sẽ không bị mất đi. Nhiều anh em hỏi tôi rằng liệu những điều mà chúng ta trải qua trước mặt Đức Chúa Trời có hữu dụng trong cõi đời đời không? Nếu biết được ý nghĩa của ma-na giấu kín, anh em sẽ biết những điều này có hữu dụng hay không. Nếu có dịp nhìn thấy “ma-na giấu kín”, chúng ta sẽ một lần nữa được nhớ lại “ma-na hằng ngày”. Những khó khăn mà chúng ta đã trải qua và những giọt nước mắt đổ ra hôm nay đều sẽ trở nên sự hồi tưởng sau này. Theo tôi, ma-na giấu kín là ma-na hằng ngày. Những người chưa từng thấy ma-na thì vào ngày ấy, khi nhìn thấy ma-na giấu kín, họ sẽ không có một sự hồi tưởng nào. Mặc dù họ biết sự dẫn dắt của ân điển Ngài, nhưng họ không ăn điều đó hằng ngày. Tuy nhiên, những người đã ăn ma-na thì sẽ đầy dẫy những hồi tưởng. Ma-na giấu kín là một nguyên tắc rất lớn trong Kinh Thánh và cũng là một kho báu vĩ đại. Rồi có một ngày, chúng ta sẽ ăn ma-na giấu kín thiên thượng. Nếu bây giờ chúng ta không có một nỗi đau nào thì không phải là người đắc thắng. Nếu bây giờ không trải qua những điều này thì trong tương lai, dù được ban cho ma-na giấu kín, chúng ta vẫn không hồi tưởng hay nếm lại những kinh nghiệm. Đừng bao giờ nói rằng những điều chúng ta gặp phải hôm nay là vô nghĩa. Không một kinh nghiệm nào mất đi cả. Vào ngày ấy, tất cả chúng ta đều có thể nhớ lại những kinh nghiệm của mình. Đừng nói rằng trong vương quốc tất cả đều như nhau. Không, tất cả đều không như nhau! Những kinh nghiệm trên đất có liên quan đến những gì chúng ta sẽ vui hưởng trong ngày ấy. Ma-na giấu kín trở nên quen thuộc với những ai đã từng biết về nó; và hoàn toàn xa lạ với những ai không hề biết nó. Ngày nay, chúng ta đang trải qua những khó khăn và hoạn nạn; vào ngày ấy, Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ của chúng ta. Làm thế nào một người chưa từng khóc lại có thể biết được tính chất quý báu của việc lau khô dòng lệ?
Còn một phần thưởng khác nữa, đó là viên đá trắng và tên mới của người đắc thắng được viết trên đó. Chúa ban cho mỗi người đắc thắng một tên mới, tên này tương ứng với tình trạng của người ấy trước mặt Chúa. Một anh em nọ muốn tôi đổi tên mới cho mình, nhưng tôi không biết liệu sau khi đã được đổi rồi thì tên mới này có lại sẽ đổi nữa không. Chúa viết tên này trên viên đá trắng; chỉ có Chúa và anh em biết tên đó. Người đắc thắng không nhận lãnh một tên đặc biệt nhưng là một tên xứng đáng với họ. Tôi hy vọng Chúa mở mắt chúng ta để biết con đường của người đắc thắng, hầu chúng ta có thể nhận lãnh ma-na giấu kín và tên mới.
Watchman Nee