"CẢ KINH THÁNH LÀ BỞI ĐỨC CHÚA TRỜI SOI DẪN ... HẦU CHO NGƯỜI THUỘC VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC TRỌN VẸN VÀ SẮM SẴN ĐỂ LÀM MỌI VIỆC LÀNH"
II Timothy 3:16a, 17
  

HỘI TRUYỀN GIÁO PHÚC ÂM VIỆT NAM
(Vietnamese Full Gospel Missions)
TRƯỜNG KINH THÁNH TẠI GIA
(Home Bible School) www.HomeBibleSchoolVietnam.com

Học Báo:
"SỨ GIẢ TÌNH YÊU"

(The Love Ambassadors)
P.O.Box 565, Westminster, CA 92684-USA
Email: VNFGMissions@Yahoo.com

TIẾNG NÓI CHÂN LÝ
(The Voice of Truth)
www.TiengNoiChanLy.com
HỘI THÁNH PHÚC ÂM VIỆT NAM
tại Westminster
(Vietnamese Full Gospel Church)
14381 Magnolia Ave. Westminster, CA 92683-USA
ĐỘC QUYỀN PHIÊN DỊCH VÀ PHỔ DỤNG
© 1979, 1996 GLOBAL YOUTH EVANGELISM
P.O. Box 1019, Orland, CA 95963 - USA
(Giữ bản quyền. Cấm in sao lại từng phần hay toàn bản dưới mọi hình thức hoặc bằng mọi phương tiện).

  

THỐNG KÊ

Đã truy cập:6870327
Đang truy cập:231

GIẢI NGHĨA SÁNG THẾ KÝ 91, 92, 93, 94, 95

clarinex

clarinex

 Bài Chín Mươi Mốt

Ba Cây Trụ Và Một Cái Tháp 
Trong Đời Sống Gia-Cốp

 

Khi lần theo tiểu sử của Gia-cốp, chúng ta thấy trong đời sống ông có ba cây trụ và một cái tháp. Dầu có bốn lần dựng trụ, nhưng Gia-cốp chỉ dựng ở ba nơi –tại Ga-lét, Bê-tên và trên đường đến Bết-lê-hem (31:45; 28:18,22; 35:14,20). Vì Gia-cốp đã dựng trụ tại ba địa điểm, hai lần dựng trụ tại Bê-tên, nên thực tế có ba cây trụ trong đời sống ông như những cột mốc trong kinh nghiệm. Ngoài ba cây trụ này, Gia-cốp cũng đã kinh nghiệm cái tháp, tháp Ê-đe (35:21). Chúng ta phải tin rằng mọi điều được chép trong Kinh Thánh đều có một ý nghĩa đặc biệt. Trong bài này, chúng ta cần xem xét, như phần mở ngoặc, ý nghĩa của ba cây trụ và một cái tháp trong đời sống Gia-cốp.

I. Ba Cây Trụ

A. Cây Trụ Tại Ga-lét

Ba cây trụ được Gia-cốp dựng lên là những cột mốc trong đời sống ông. Chúng chia đời sống ông thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhứt, Gia-cốp kinh nghiệm sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Từ ngày được sanh ra, ông ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Gia-cốp, một kẻ tiếm vị, nắm gót, lại nghĩ rằng ông đã tự chăm sóc chính mình. Cuối cùng, ông nhận thức được rằng mình đã không tự chăm sóc, nhưng được sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Nếu Gia-cốp tự chăm sóc chính mình, ông sẽ không thể đối phó với La-ban, người cậu xảo quyệt, hay đối diện với Ê-sau, người anh mạnh mẽ. Trái lại, ông đã bị La-ban đánh bại hoàn toàn hay bị Ê-sau hủy diệt hoàn toàn. Nhưng vì Gia-cốp ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời, nên La-ban cũng như Ê-sau không thể nào hại ông được. Dầu đã làm mọi điều có thể làm để tự chăm sóc mình, nhưng Gia-cốp dần dần học được rằng ông đang ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời.

Hãy nhớ lại cách Gia-cốp lìa khỏi La-ban. Ông không hiển hách ra đi; trái lại, ông sợ La-ban và lẻn đi cách hổ thẹn (31:20-21). Trong khi làm như vậy, “Gia-cốp đã gạt La-ban, người Sy-ri” (31:20,Theo Bản Hê-bơ-rơ). Vì nghĩ rằng phải trốn chạy để tự bảo vệ nên Gia-cốp đã bí mật trốn khỏi La-ban. Về sau, ông nhận thức rằng ông không được bảo vệ bởi sự khôn khéo của mình, nhưng bởi sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Dầu đến ba ngày sau La-ban mới biết sự trốn chạy của Gia-cốp, nhưng ông vẫn đuổi theo Gia-cốp cho đến khi bắt gặp (31:23). Chính đêm trước khi bắt kịp Gia-cốp, Đức Chúa Trời phán với La-ban: “Dầu lành dầu dữ, thế nào ngươi khá giữ mình, đừng nói chi cùng Gia-cốp hết” (31:24,Theo Bản Hê-bơ-rơ). Dường như Đức Chúa Trời bảo La-ban: “Không được làm gì với Gia-cốp. Ngươi phải để nó trong tay Ta”. La-ban không khôn ngoan khi kể lại cho Gia-cốp điều Đức Chúa Trời đã phán với ông trong đêm trước (31:29). Nếu không tiết lộ điều này, La-ban đã có thể xử lý Gia-cốp. Gia-cốp đã dùng điều Đức Chúa Trời phán với La-ban làm cơ sở để quở trách La-ban, rằng: “Nếu Đức Chúa Trời của cha tôi, Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham và sự kính sợ của Y-sác không ở cùng tôi, chắc bây giờ cậu đã đuổi tôi ra tay không. Đức Chúa Trời đã xem thấy nỗi đau khổ tôi cùng công việc hai tay tôi làm, nên đêm qua Ngài đã quở trách cậu rồi đó”. Khi Gia-cốp đang trách La-ban, sâu xa trong lòng, có lẽ ông cảm thấy biết ơn Đức Chúa Trời vì đã bảo vệ mình. Đức Chúa Trời đã tể trị trên mọi hoàn cảnh để ông được tồn tại

Sau đó, La-ban nói với Gia-cốp: “Vậy bây giờ, chúng ta kết ước cùng nhau, để dùng làm chứng cho cậu và cháu” (31:44). Gia-cốp hưởng ứng đề nghị của La-ban bằng cách lấy một hòn đá rồi dựng lên làm trụ (31:45). Dầu La-ban có ý định chất một đống đá, nhưng Gia-cốp đã dựng một cây trụ. Cây trụ này là bằng chứng về việc Đức Chúa Trời chăm sóc Gia-cốp. Gia-cốp đã đến chỗ thấy rằng đời sống mình hoàn toàn ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Vì vậy, ông đã dựng cây trụ này như một bằng chứng mạnh mẽ về việc Đức Chúa Trời chăm sóc mình.

Gia-cốp đã ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời trong hơn hai mươi năm. Dầu ở trong bàn tay bóc lột của La-ban một thời gian dài như thế (La-ban đã mười lần thay đổi công giá– 31:41), nhưng Đức Chúa Trời luôn luôn ở với ông và tay Ngài ở trên ông. Vì thế, khi Gia-cốp lập ước với La-ban, ông đã dựng cây trụ để làm chứng rằng ông đang ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Cây trụ này là vì sự tồn tại của Gia-cốp. Nhiều người trong chúng ta cũng đã dựng một cây trụ như thế. Nếu xem xét kinh nghiệm Cơ-đốc của mình, anh em sẽ thấy rằng giai đoạn đầu của đời sống Cơ-đốc là giai đoạn kinh nghiệm sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Ngay trước khi được cứu, ý định của chúng ta là có được sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Khi nghe tin mừng của Phúc Âm, ý định của chúng ta trong việc tin Chúa Jesus là để được Ngài chăm sóc. Trong nhiều năm, giống như Gia-cốp, chúng ta đã ở dưới sự chăm sóc của Cha thiên thượng. Vào cuối giai đoạn đầu của đời sống Cơ-đốc, chúng ta cần dựng cây trụ lên để làm chứng về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nếu đã ở với Chúa một thời gian khá dài thì việc anh em dựng cây trụ này là quá trễ. Đúng ra, anh em cần dựng cây trụ thứ hai lên, cây trụ tại Bê-tên.

B. Cây Trụ Tại Bê-tên

Nhiều năm trước khi dựng lên cây trụ tại Ga-lét, Gia-cốp đã dựng một cây trụ tại Bê-tên (28:18,22). Tuy nhiên, Gia-cốp đã dựng cây trụ đó ngay sau khi thấy chiêm bao. Một lần nữa, chúng ta thấy tiểu sử của Gia-cốp cũng là tiểu sử của chúng ta. Không lâu sau khi được cứu, chúng ta nghe điều gì đó về Nhà Đức Chúa Trời và đáp ứng với điều mình đã nghe. Nhưng mọi điều chúng ta nghe và làm thì giống như một giấc mơ. Thực tế là chúng ta đã không kinh nghiệm Nhà Đức Chúa Trời. Trong Sáng Thế Ký chương 28, Gia-cốp đã thấy chiêm bao. Sau chiêm bao đó, ông có một kinh nghiệm thật, không phải về Nhà Đức Chúa Trời, nhưng về sự chăm sóc của Ngài. Vào cuối giai đoạn kinh nghiệm này, ông đã dựng một cây trụ tại Ga-lét như một cái mốc để làm chứng về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Như chúng ta sẽ thấy, trong đời sống Cơ-đốc của mình, chúng ta cần ba cây trụ, ba cột mốc, mà cột mốc đầu tiên là cây trụ làm chứng về việc Đức Chúa Trời chăm sóc chúng ta.

Sau khi rời Pha-đan A-ram và trở lại miền đất tốt lành, ông đã không đi thẳng đến Bê-tên. Đức Chúa Trời phải can thiệp và gọi ông đến Bê-tên: “Hãy chỗi dậy, đi lên Bê-tên mà ở, và hãy lập nơi đó một bàn thờ cho Đức Chúa Trời, là Đấng đã hiện ra cùng ngươi đương lúc chạy trốn khỏi Ê-sau, anh ngươi”(35:1). Điều này cho thấy Gia-cốp đã không có ý định làm trọn lời thề ông đã lập với Đức Chúa Trời tại Bê-tên hai mươi năm trước. Có thể ông đã quên. Thay vì đi thẳng đến Bê-tên để làm trọn lời thề, Gia-cốp đã đi đến Su-cốt, tại đó ông xây nhà cho mình và mấy cái lều cho súc vật (33:17). Sau đó, ông đến Si-chem, tại đó ông mua một miếng đất và đóng trại (33:18-19). Sau rắc rối nghiêm trọng tiếp theo việc Đi-na, con gái Gia-cốp, bị ô uế, Đức Chúa Trời hiện đến và bảo Gia-cốp hãy chỗi dậy đi lên Bê-tên. Khi đến Bê-tên lần thứ hai, Gia-cốp không có chiêm bao. Đức Chúa Trời đã ra lịnh ông phải đến đó, ở đó và lập một bàn thờ tại đó cho Đức Chúa Trời là Đấng đã hiện ra với ông khi ôg chạy trốn Ê-sau. Tại Bê-tên, Gia-cốp đã dâng mình cho Đức Chúa Trời để Ngài có thể hoàn thành mục đích của Ngài là có được Bê-tên, Nhà Đức Chúa Trời. Ở đây, tại Bê-tên, Gia-cốp đã dựng cây trụ thứ hai, cột mốc thứ hai trong đời sống ông (35:14). Như 28:22 cho thấy, cây trụ tại Bê-tên được gọi là Nhà Đức Chúa Trời. Do đó, cây trụ thứ nhứt là chứng cớ về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời và cây thứ hai là chứng cớ về Nhà Đức Chúa Trời.

Vì tiểu sử của Gia-cốp cũng là kinh nghiệm của chúng ta nên tất cả chúng ta phải thờ lạy Đức Chúa Trời. Nhiều người trong chúng ta đã dựng trụ tại cả Ga-lét lẫn Bê-tên. Chúng ta có thể làm chứng không chỉ về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời mà còn về Nhà Đức Chúa Trời. Cây trụ thứ nhứt của Gia-cốp là chứng cớ về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời cho sự tồn tại của ông. Khi Gia-cốp, một kẻ tiếm vị đáng thương, đến nhà La-ban, ông không có gì. Nhưng khi trở về miền đất tốt lành, ông đã có được nhiều của cải. Ông đã có những đoàn người và nhiều bầy súc vật. Trong lời thề được lập trong 28:20-21, Gia-cốp nói: “Nếu Đức Chúa Trời ở cùng tôi, gìn giữ tôi trong lúc đi đường, cho bánh ăn, áo mặc, và nếu tôi trở về bình an đến nhà cha tôi, thì Đức Giê-hô-va sẽ là Đức Chúa Trời tôi”. Nói cách khác, thực ra Gia-cốp nói: “Nếu Chúa không ban cho tôi bánh ăn và áo mặc và nếu Ngài không đem tôi trở về nhà cha tôi bình an, thì tôi sẽ không nhận Ngài làm Đức Chúa Trời tôi. Trái lại, tôi sẽ quên Ngài đi”. Đó là một giao ước mà Gia-cốp đã lập với Đức Chúa Trời! Dầu vậy, Đức Chúa Trời đã đáp ứng mọi điều kiện theo lời thề của Gia-cốp, ban cho ông bánh ăn, áo mặc và sự bình an, thậm chí làm ông gia tăng với những đoàn người và gia súc. Nhưng ở đây, trong chương 35, dường như Đức Chúa Trời phán: “Hỡi Gia-cốp, bây giờ ngươi phải đi đến Bê-tên. Ngươi không còn lo về bánh ăn, áo mặc và sự bình an nữa. Ngươi phải quan tâm đến Ta và Nhà Ta. Này Gia-cốp, Ta đã chăm sóc ngươi suốt nhiều năm. Bắt đầu từ nay, ngươi phải chăm sóc Ta”.

Nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng rằng cách đây nhiều năm, chúng ta đã dựng cây trụ tại Ga-lét rồi. Lúc đó lời chứng của chúng ta là về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã làm chứng rằng Đức Chúa Trời là thành tín, nhơn từ, đầy ơn và giàu có. Nhưng ngày nay, lời chứng của chúng ta không phải là lời chứng của cây trụ đầu tiên, lời chứng về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời, mà là cây trụ thứ hai, lời chứng về Nhà Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ngày nay không nhiều Cơ-đốc nhân quan tâm đến Nhà Đức Chúa Trời. Phần lớn chủ yếu lo về nhu cầu riêng của họ và cây trụ họ dựng lên chỉ là lời chứng về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Rất ít người dựng cây trụ để làm chứng về Nhà Đức Chúa Trời theo kinh nghiệm. Dựng cây trụ về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời mà không có cây trụ về Nhà Đức Chúa Trời là điều không bình thường. Là những Gia-cốp ngày nay, chúng ta phải dựng cây trụ thứ hai cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Ngợi khen Chúa vì nhiều người trong chúng ta đã làm như vậy. Trong đời sống Cơ-đốc của mình, chúng ta không chỉ có giai đoạn đầu, giai đoạn về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời mà còn có giai đoạn thứ hai, giai đoạn về Nhà Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục cuộc hành trình và dựng lên cây trụ thứ ba.

C. Cây Trụ Trên Đường Đến Bết-lê-hem

Gánh nặng của tôi trong bài này là cây trụ thứ ba, cây trụ trên con đường đến Bết-lê-hem (35:16-20). Tại Bê-tên, Gia-cốp đã lập một bàn thờ và dựng lên một cây trụ. Không chỉ đáp ứng với sự kêu gọi của Chúa, ông còn dâng mình cho Đức Chúa Trời để hoàn thành khát vọng của Ngài là có Bê-tên. Tuy nhiên, đời sống Gia-cốp không dừng ở 35:15. Câu 16 nói, từ Bê-tên, ông tiếp tục đi. Đương khi đi, ông có một kinh nghiệm: đó là vấn đề vui mừng lẫn đau buồn, cả được lẫn mất. Gia-cốp có được một con trai là Bên-gia-min, nhưng lại mất Ra-chên, người vợ yêu quí. Nếu phải lựa chọn, anh em sẽ thích có được đứa con hay giữ lại vợ? Để có đứa con, anh em phải hi sinh vợ; và để giữ được vợ, anh em phải từ chối đứa con. Dầu đã có mười một con trai, nhưng không ai trong họ là hình bóng trọn vẹn về Đấng Christ cả. Ông đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng không kinh nghiệm nào đủ để sản sinh Đấng Christ. Do đó, ông phải đối diện với một lựa chọn –giữ lại Ra-chên hay có được Bên-gia-min. Đây là vấn đề có tính quyết định và tất cả chúng ta phải đối diện.

Thực ra, sự lựa chọn này không do Gia-cốp làm điều đó. Nếu thích giữ lại Ra-chên hơn, ông không thể nào thực hiện. Hơn nữa, nếu muốn khước từ Bên-gia-min, ông cũng không thể làm được điều này. Cả cái chết của Ra-chên lẫn việc sinh ra Bên-gia-min đều ở trong tay Đức Chúa Trời.

Lê-a, người Gia-cốp không yêu nhiều, đã sanh cho ông sáu con trai. Ra-chên, đối tượng tình yêu của Gia-cốp, chỉ sanh được một con–Giô-sép, tên Giô-sép nghĩa là “thêm vào”. Khi Giô-sép được sanh ra, Ra-chên mong ước có đứa thứ hai nên nói: “Cầu xin Đức Giê-hô-va thêm cho một con trai nữa” (30:24). Trong sự mong đợi có thêm một đứa trai nữa, dường như bà nói: “Đức Chúa Trời đã cất đi sự xấu hổ tôi và ban cho tôi một con trai. Nhưng một đứa con trai này thì không đủ. Tôi muốn một đứa nữa. Vì vậy, tôi đặt tên đứa trai đầu lòng này là Giô-sép”. Điều này hàm ý đến lời cầu nguyện, và lời cầu nguyện đó được nhậm với giá là mạng sống của Ra-chên. Ra-chên đã cầu nguyện như thế trong 30:24 và được đáp trong 35:18. Để đạt được niềm khao khát, Ra-chên phải mất mạng sống. Trong 30:24, thực ra bà không nhận thức điều mình đang nói. Ra-chên mong đợi Đức Chúa Trời ban cho bà một con trai thứ hai, nhưng bà không biết điều này sẽ phải trả một giá bằng mạng sống của mình. Nhiều người trong chúng ta đã làm giống như vậy. Chúng ta đã cầu nguyện cho một vấn đề cụ thể nào đó mà không biết sẽ phải trả giá gì để lời cầu nguyện ấy được nhậm

Vào lúc Ra-chên sanh đứa thứ hai, chắc Gia-cốp vui mừng lắm. Nhưng bất ngờ, ông nhận ra rằng Ra-chên, niềm ao ước của lòng ông, đang hấp hối. Bên-gia-min đang xuất hiện, còn Ra-chên sắp mất đi. Việc sinh ra Bên-gia-min và cái chết của Ra-chên xảy ra đồng thời, có nghĩa là Gia-cốp có được một con trai bằng cách mất đi sự chọn lựa thiên nhiên của mình. Điểm chính của bài này là Gia-cốp có được Christ qua việc mất đi sự chọn lựa thiên nhiên của mình. Cây trụ thứ ba trong đời sống Gia-cốp là bằng chứng về việc Đức Chúa Trời xử lý sự chọn lựa thiên nhiên của ông.

Thật kỳ diệu khi có chứng cớ về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời và chứng cớ về Nhà Đức Chúa Trời. Nhưng ngay cả Nhà Đức Chúa Trời cũng không phải là mục tiêu sau cùng của Ngài. Mục tiêu sau cùng của Đức Chúa Trời là biểu lộ Christ. Sự biểu lộ Christ không phải là vấn đề cá nhân; đó là vấn đề có tính tập thể trong Nhà Đức Chúa Trời. Là Nhà Đức Chúa Trời, Hội Thánh là để biểu lộ Christ. Để biểu lộ Christ, chúng ta phải có Hội Thánh. Tuy nhiên, hầu hết Cơ-đốc nhân nghĩ rằng họ có thể biểu lộ Christ mà không cần Hội Thánh. Nhưng ngoài Hội Thánh, không thể nào biểu lộ Christ cách đầy đủ. Ngoài cây trụ về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời và cây trụ về Nhà Đức Chúa Trời, chúng ta phải có cây trụ thứ ba, cây trụ về sự biểu lộ Đấng Christ cách tập thể. Cây trụ này thì đắt giá.

Sáng Thế Ký 35:20 nói rằng Gia-cốp dựng một cây trụ trên mộ của Ra-chên và “cây trụ của mộ Ra-chên hãy còn cho đến ngày nay”. Ngôi mộ này đánh dấu cái chết cho sự chọn lựa thiên nhiên của Gia-cốp, sự chọn lựa của lòng ông. Ra-chên là người đầu tiên Gia-cốp gặp khi đến nhà La-ban và lập tức bà đã phải lòng ông. Ông đã làm mọi điều cần thiết để được bà làm vợ, và cuối cùng bà đã được ban cho ông. Ra-chên không chết lúc tuổi già, bà chết non trong khi sanh nở. Sự kiện bà vẫn còn khả năng mang thai cho thấy bà không già. Tất cả sáu lần sanh con trai và một lần sanh con gái của Lê-a đều rất dễ, nhưng Ra-chên đã chết khi sanh đứa con thứ hai. Cái chết của bà do Đức Chúa Trời cho phép.

Cái chết của Ra-chên tượng trưng cho cái chết về sự chọn lựa thiên nhiên của chúng ta. Hai cây trụ đầu tiên được dựng lên không phải để chúng ta có một cuộc đời hạnh phúc –mà là để tồn tại hầu xây dựng Nhà của Đức Chúa Trời nhằm biểu lộ Christ. Dầu Gia-cốp đã có mười một con trai, nhưng không một ai trong họ là hình bóng đầy đủ về Christ. Không một ai trong họ là con trai của sự đau đớn và con trai của tay hữu. Giô-sép thật tuyệt vời, nhưng trước khi Bên-gia-min sinh ra, Giô-sép không phải là hình bóng về Christ. Theo hình bóng, Giô-sép là sự tiếp nối của Bên-gia-min. Điều này hàm ý rằng dầu chúng ta có bao nhiêu kinh nghiệm thuộc linh, nhưng để đạt đến điểm này, không một điều nào trong chúng là sự biểu lộ Christ. Chúng ta vẫn cần Bên-gia-min. Để Bên-gia-min được sanh ra, sự chọn lựa thiên nhiên, tức “Ra-chên” của chúng ta, phải chết.

Đức Chúa Trời dùng Ra-chên để sanh ra Bên-gia-min. Nhưng bởi việc dùng bà để sanh ra Bên-gia-min, Ngài đã cất bà đi. Đức Chúa Trời cũng dùng “Ra-chên” mà chúng ta yêu mến. Nhưng qua việc dùng “Ra-chên” của chúng ta, Ngài sẽ cất “Ra-chên” khỏi chúng ta. Nếu xem xét kinh nghiệm, anh em sẽ nhận thức rằng Đức Chúa Trời có dùng sự lựa chọn, niềm ao ước của chúng ta. Nhưng bởi việc dùng điều đó, Ngài sẽ cất nó khỏi anh em.

Cái chết của Ra-chên không chỉ là sự đau đớn cho Gia-cốp; đó cũng là sự đau đớn cho Ra-chên. Ma-thi-ơ 2:18 nói: “Tại Ra-ma, nghe tiếng kêu, khóc lóc và than van lớn; Ấy là Ra-chên khóc con cái mình, mà không chịu yên ủi, vì chúng nó không còn nữa”. Trong nhiều năm, tôi không thể hiểu làm thế nào Ra-chên, đã bị chôn hơn 1.700 năm, mà vẫn còn có thể khóc. Tuy nhiên, câu này nói rằng ngay cả vào thời điểm Christ sanh ra, Ra-chên vẫn đang khóc cho con cái bà, tức tất cả những người là hậu tự của Bên-gia-min. Bên-gia-min thực sự là “con trai của sự đau đớn,” và Ra-chên đã đúng khi đặt tên này cho ông. Sự sinh ra Bên-gia-min không chỉ lấy đi mạng sống của Ra-chên mà cũng lấy đi mạng sống của hậu tự ông sau đó hơn 1.700 năm. Vì Christ được sanh ra tại Bết-lê-hem nên Hê-rốt đã giết tất cả con trẻ từ hai tuổi trở xuống tại Bết-lê-hem và vùng phụ cận (Mat. 2:16). Ra-chên đã khóc cho tất cả con cái bà, những đứa trẻ đã bị Hê-rốt giết chết do sự hiện đến của Christ. Điều này có nghĩa là Ra-chên đã trải qua sự tuận đạo vì sự hiện đến của Christ. Tại Ra-ma, người ta có thể nghe tiếng khóc của Ra-chên. Ra-chên đã bị chôn trên con đường đến Bết-lê-hem và Ra-ma chỉ cách Bết-lê-hem gần hai trăm mét. Do đó, phần mộ của Ra-chên gần Bết-lê-hem và Ra-ma. Vùng này có các hậu tự của Bên-gia-min, con trai của Ra-chên, sinh sống.

Sau khi đã chết và bị chôn, Ra-chên vẫn phải chờ đợi hơn 1.700 năm để qua đời. Ngay cả việc hi sinh mạng sống để Bên-gia-min được sanh ra cũng không đủ; bà phải khóc hơn 1.700 năm sau cho hậu tự mình là những người chịu tuận đạo vì cớ Christ. Không chỉ đau đớn khi sanh con, Ra-chên cũng đau đớn sau đó hơn 1.700 năm. Mục đích sự đau đớn của bà là để sản sinh Đấng Christ. Trước hết, Bên-gia-min là hình bóng về Christ đã đến, và sau đó, Christ, Người thật đã đến. Khác với chúng ta, Đức Chúa Trời không bị thời gian ràng buộc. Vì cớ đó, chúng ta không cần quan tâm đến khoảng thời gian hơn 1.700 năm giữa cái chết của Ra-chên và sự sinh ra của Đấng Christ.

Gia-cốp đã dựng một cây trụ tại Ga-lét và một cây trụ tại Bê-tên, nhưng bây giờ ông phải dựng cây trụ thứ ba trên con đường đến Bết-lê-hem. Trong đời sống Cơ-đốc của mình, chúng ta cũng phải có cột mốc là cây trụ thứ ba tại ngôi mộ của Ra-chên, là nơi sự lựa chọn thiên nhiên của chúng ta bị chôn. Đến một ngày tình yêu, niềm ao ước và sự lựa chọn của chúng ta sẽ kết thúc và bị chôn vùi. Trên nấm mộ của sự chọn lựa thiên nhiên của mình, chúng ta phải dựng một cây trụ. Cây trụ này là bảng hiệu về sự chết và chôn vùi sự chọn lựa thiên nhiên, khao khát của lòng chúng ta. Ai đó, điều gì đó hoặc vấn đề nào đó, mà chúng ta yêu tha thiết, sẽ chết và bị chôn, và một cây trụ sẽ được dựng lên trên ngôi mộ này để làm chứng rằng sự chọn lựa của chúng ta đã bị chôn vùi. Khi ấy, chúng ta sẽ tiếp tục hành trình đến Bết-lê-hem, nơi Đấng Christ được sanh ra. Cây trụ trên con đường đến Bết-lê-hem dẫn dắt người khác đến với Christ.

Khi Gia-cốp lần đầu gặp Ra-chên và yêu bà, ông không biết bà sẽ tạo cho mình rắc rối gì. Chính vì yêu Ra-chên mà Lê-a và hai người hầu là Xinh-ba và Bi-la đã được ban cho Gia-cốp. Không có Lê-a và hai người hầu, ông sẽ không có mười con trai gây nhiều nan đề cho ông. Càng yêu Ra-chên, Gia-cốp càng gặp rắc rối. Dầu Lê-a đã sanh cho Gia-cốp bốn con trai nhưng Ra-chên vẫn chưa có con và bà đã than phiền với Gia-cốp(30:1). Về điều này, Gia-cốp nói: “Há ta thay quyền Đức Giê-hô-va mà không cho nàng sanh sản sao?” (30:2). Dường như Gia-cốp muốn nói: “Ra-chên, sao bà lại phàn nàn cùng ta? Sao bà chẳng than phiền với Đức Chúa Trời?” Cuối cùng, Đức Chúa Trời đã lắng nghe Ra-chên và ban cho bà một con trai là Giô-sép (30:22-24). Khi sanh Giô-sép, Ra-chên mong Chúa thêm cho bà một đứa con trai nữa. Như đã thấy, bà sanh đứa trai thứ hai và đã chết vì đứa trẻ này. Vì thế, bà đã gọi nó là “con trai của sự đau đớn”. Hơn nữa, Ra-chên đã đau khổ về sự tuận đạo của hậu tự Bên-gia-min vì sự hiện đến của Christ. Nếu là Gia-cốp, và có thể thấy trước mọi rắc rối sẽ xảy đến cho mình vì yêu Ra-chên, anh em có còn yêu cô ấy nữa không? Có lẽ anh em sẽ nói: “Ra-chên ơi, dầu bà đáng yêu đến đâu, tôi cũng không dám dính dáng đến bà. Vì như thế, tôi sẽ gặp rất nhiều rắc rối”. Tất nhiên, Gia-cốp đã không biết điều gì ở phía trước. Khi Ra-chên chết, ông không có sự lựa chọn nào ngoài việc chôn bà và dựng cây trụ thứ ba. Ông đã dựng cây trụ thứ nhứt tại Ga-lét và cây thứ hai tại Bê-tên; bây giờ ông phải dựng cây trụ thứ ba trên mộ của Ra-chên.

Ngày nay, anh em có thể rất vui trong nếp sống Hội Thánh. Nhưng một ngày kia, “Ra-chên” của anh em, sự chọn lựa của lòng anh em, sẽ chết để Bên-gia-min có thể được sanh ra. Tôi tin chắc rằng Bên-gia-min sẽ được sanh ra trong nếp sống Hội Thánh. Hơn nữa, chúng ta phải nghĩ rằng, thậm chí khá lâu sau cái chết của “Ra-chên” của mình, chúng ta vẫn sẽ khóc cho hậu tự chịu tuận đạo của bà, tức những người chịu tuận đạo vì sự hiện đến của Christ.

Ra-chên đã khóc vì bà thiên nhiên. Thay vì khóc, lẽ ra bà phải vui mừng. Nếu biết vận dụng linh, bà sẽ không khóc, nhưng sẽ hân hoan vui mừng nói: “Người mà tôi gọi là “con trai của sự đau đớn’ là bóng, hình bóng về một Con Trai Của Sự Đau Đớn thật sẽ được sanh ra tại Bết-lê-hem”. Trong hình ảnh ở Sáng Thế Ký chương 35, Ra-chên tượng trưng cho sự lựa chọn thiên nhiên của chúng ta. Đối với sự lựa chọn thiên nhiên của chúng ta, sự sinh ra Bên-gia-min là một điều đau đớn. Nhưng đối với Ítx-ra-ên, đó là lý do để vui mừng. Sự xuất hiện của Bên-gia-min là một sự đau đớn cho Ra-chên, và sự hiện đến của Christ là sự khóc than cho bà. Nhưng cả sự xuất hiện của Bên-gia-min lẫn sự hiện đến của Christ lại là niềm vui đối với Ítx-ra-ên. Có những điều nào đó xảy ra trong nếp sống Hội Thánh mà người thiên nhiên của chúng ta cho là đau khổ và bất hạnh. Nhưng với Ítx-ra-ên, người thuộc linh, những điều này sẽ không là đau đớn, mà là niềm vui. Thay vì than khóc, sẽ có sự vui mừng.

Trong giai đoạn đầu của đời sống Cơ-đốc, chúng ta kinh nghiệm sự chăm sóc của Đức Chúa Trời; ở giai đoạn thứ hai, chúng ta kinh nghiệm Nhà Đức Chúa Trời; và trong giai đoạn thứ ba, chúng ta kinh nghiệm sự sanh ra của Christ, sự biểu lộ của Christ. Sự sanh ra và biểu lộ của Christ đòi hỏi chúng ta phải trả giá bằng sự sống thiên nhiên, tình yêu thiên nhiên và sự lựa chọn thiên nhiên của mình. Mọi điều thiên nhiên cuối cùng sẽ chết và được chôn. Tuy nhiên, sự chọn lựa thiên nhiên sẽ tiếp tục chịu khổ trong một thời gian dài.

Tất cả chúng ta cần có ba cây trụ, ba cây trụ làm chứng. Cách đây nhiều năm, tại Đài Bắc, trong khi tương giao với các trưởng lão, tôi đã chỉ ra rằng hầu hết các lời chứng trong các buổi nhóm Hội Thánh chỉ nói về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Hiếm khi chúng ta được nghe một lời chứng về Nhà Đức Chúa Trời hay sự biểu lộ của Đức Chúa Trời. Vào lúc đó, tôi không thấy hình ảnh về ba cây trụ này cách sáng tỏ như bây giờ. Đời sống Cơ-đốc của chúng ta phải có ba phần: phần về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời, phần về Nhà Đức Chúa Trời và phần về sự biểu lộ của Christ. Trong các buổi nhóm Hội Thánh, những người trẻ hơn, những người mới được cứu, nên làm chứng về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Đó là lời chứng kỳ diệu đến từ những con trẻ. Nhưng chúng ta cũng cần một số lời chứng về Nhà Đức Chúa Trời và sự biểu lộ của Christ. Nếu có ba loại lời chứng này, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy trong Hội Thánh, chúng ta có cây trụ về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời, cây trụ về Nhà Đức Chúa Trời và cây trụ về sự biểu lộ Christ.

Mục tiêu chung cuộc của Đức Chúa Trời là biểu lộ Christ. Điều này được trả giá bằng sự lựa chọn, niềm ao ước và sự sống thiên nhiên của chúng ta. Ở cây trụ thứ nhứt và thứ nhì, chúng ta không thấy sự chết và mộ phần. Chỉ với cây trụ thứ ba, chúng ta mới có cái chết của Ra-chên và ngôi mộ. Nhưng cây trụ được dựng trên mộ của Ra-chên nằm trên đường đến Bết-lê-hem. Vì vậy, cây trụ này ở trên con đường đến với Đấng Christ, và nó dẫn nhiều người đến với Christ. Nếu muốn tiến tới Bết-lê-hem, anh em phải ở trên con đường có một cây trụ như thế. Sẽ không có nhiều sự vui mừng ngay cả sau khi anh em đến Bết-lê-hem. Thay vì vui mừng, sẽ có sự chết. Trước hết, chỉ có một người chết là Ra-chên, nhưng hơn 1.700 năm sau, nhiều hậu tự của bà đã tuận đạo, để Christ có thể được sanh ra.

Tôi tin rằng trong sự khôi phục của Chúa, lời này sẽ được hoàn thành và chúng ta sẽ kinh nghiệm những điều này. Nguyện Linh của Chúa giải thích hình ảnh này cho anh em cách mạnh mẽ, rõ ràng. Những gì tôi đang nói ở đây không chỉ là giáo lý hay sự giải thích. Nó phải trở thành phần ký thuật về tiểu sử của đời sống chúng ta. Nhiều người trong chúng ta có thể nói rằng họ đã có hai cây trụ đầu tiên rồi. Có lẽ không lâu, một số người sẽ có cây trụ thứ ba với cái chết của Ra-chên và ngôi mộ. Cùng với sự chết và chôn này, sẽ có sự hiện đến của Christ. Dầu sẽ có nhiều sự tuận đạo và than khóc, nhưng cũng sẽ có sự sinh ra kỳ diệu –sự sinh ra của Bên-gia-min và sự sanh ra của Christ. Sẽ có sự hiện đến và sự biểu lộ của Christ. Đây là mục tiêu và chứng cớ của Đức Chúa Trời.

II. Một Cái Tháp

Sau khi đã dựng cây trụ thứ ba, Gia-cốp “đi ra và đóng trại mình ở ngoài tháp Ê-đe”(35:21). Theo tiếng Hê-bơ-rơ, Ê-đe có nghĩa là “bầy”. Trong Mi-chê 4:8, cụm từ này được dịch là “tháp của bầy” theo tiếng Hê-bơ-rơ. Ở đây, tại tháp Ê-đe, một điều gì đó ô uế, đáng hổ thẹn và vô đạo đức đã xảy đến cho Gia-cốp: Ru-bên, con trai ông, phạm tội tà dâm với vợ lẻ ông. Điều này không xảy ra tại cây trụ, nhưng tại tháp này.

Tôi tin rằng tháp Ê-đe, tháp của bầy, hàm ý đến sự nhàn hạ của đời sống. Gia-cốp đã có nhiều bầy. Khi trải qua tháp Ê-đe, có thể ông đã nghĩ rằng đây là nơi tốt để yên nghỉ. Thay vì tiến đến Hếp-rôn, đích đến của ông, ông đã lưu lại gần tháp Ê-đe. Điều này cho thấy Gia-cốp đã đến một nơi, tại đó ông có thể vui hưởng cuộc sống nhàn hạ. Khi đang vui hưởng cuộc sống nhàn hạ này, điều tội lỗi đã xảy ra. Tội lỗi, đặc biệt tội tà dâm, luôn xuất hiện khi chúng ta nhàn hạ. Sự kiện Ru-bên phạm tội tà dâm với vợ lẻ của Gia-cốp tại nơi đó là một dấu hiệu cho thấy Gia-cốp lẽ ra không nên ở đó. Lẽ ra ông phải đi thẳng đến Hếp-rôn. Nếu không đóng trại gần tháp Ê-đe, có lẽ điều xấu xa này sẽ không xảy ra.

Dầu đã dựng ba cây trụ, nhưng Gia-cốp không cần xây tháp Ê-đe vì nó đã đứng ở đó như một cái bẫy rồi. Khi anh em đang trên bước đường theo Chúa, sẽ luôn có một cái tháp gần đó để bẫy anh em. Cách để thoát khỏi bẫy rập này là không dừng lại, thậm chí không nhìn đến. Thay vì đóng trại gần tháp Ê-đe, anh em phải vượt qua đó. Dầu đang ở trong giai đoạn nào của đời sống Cơ-đốc, luôn luôn có một cái tháp để bẫy chúng ta. Cuộc sống nhàn hạ luôn là một cám dỗ cho những người theo Chúa Jesus. Mỗi người đi theo Chúa phải nhận thức rằng điểm đến của họ là sau một con đường dài. Vì cuộc hành trình quá dài, anh em mong tìm được một chỗ để nghỉ ngơi. Nhưng hễ khi nào đến tháp của bầy, anh em không nên nghĩ rằng đó là nơi yên nghỉ –mà là một cái bẫy. Hãy vượt qua đó và đi tiếp. Dầu có đuối sức trong việc theo Chúa, anh em vẫn phải nói: “Chúa ơi, giúp con. Con không muốn nghỉ ngơi tại bất cứ cái tháp nào. Hễ khi nào đến một cái tháp, con sẽ trốn chạy. Con sẽ không bao giờ lấy nó làm nơi yên nghỉ”. Nếu làm điều này, anh em sẽ được bảo vệ và được cứu khỏi bẫy rập

Khao khát của lòng Gia-cốp là lấy Ra-chên làm vợ. Nếu Đức Chúa Trời không can thiệp qua La-ban, Gia-cốp sẽ lập tức lấy Ra-chên làm vợ. Sau đó, người nào Ra-chên sanh ra sẽ là con trưởng của Gia-cốp. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã đến, và trong một ý nghĩa, đã buộc Gia-cốp lấy Lê-a làm vợ. Do đó, Ru-bên trên thực tế là con trưởng, và quyền trưởng nam thuộc về ông. Tuy nhiên, điều này trái với sự khao khát của lòng Gia-cốp. Hơn nữa, dường như điều đó không công bằng. Đương khi Gia-cốp vui hưởng cuộc sống nhàn hạ tại tháp Ê-đe thì Ru-bên đã phạm tội tà dâm với vợ lẻ của cha. Việc ác này khiến Ru-bên mất quyền trưởng nam (49:3-4). 1Sử Ký 5:1-2 cho thấy rõ rằng quyền trưởng nam được ban cho Giô-sép. Ở đây chúng ta thấy sự điều chỉnh mang tính tể trị của Đức Chúa Trời trên quyền trưởng nam. Ru-bên mất quyền trưởng nam vì sự ô uế và Giô-sép đã nhận được quyền đó bởi sự tinh sạch (39:7-12). Khi vợ của Phô-ti-pha cám dỗ Giô-sép phạm tội tà dâm, ông đã cự tuyệt. Vì đã giữ chính mình tinh sạch, Giô-sép nhận được quyền trưởng nam mà Ru-bên đã đánh mất do sự ô uế tại tháp Ê-đe. Do đó, ngay cả lỗi lầm của Gia-cốp cũng được Đức Chúa Trời dùng để điều chỉnh quyền trưởng nam. Ngợi khen Chúa vì lầm lỗi đó đã dẫn đến sự điều chỉnh quyền trưởng nam! Nhưng đừng bao giờ dùng sự kiện này như một lời bào chữa là: “Chúng ta hãy làm ác để điều thiện có thể đến”. Trái lại, chúng ta phải quì xuống và thờ lạy Đức Chúa Trời vì quyền tể trị của Ngài.

Đức Chúa Trời tối cao, vốn ngay thẳng và công bằng, đã không ban hết ba phần của quyền trưởng nam cho Giô-sép. Ngài cho Giô-sép sự vui hưởng hai phần đất, nhưng ban chức tế lễ cho Lê-vi, con thứ ba của Lê-a, và vương quyền cho Giu-đa, con thứ tư(49:10; 1Sử. 5:2; Phục. 33:8-10). Lê-vi nhận được chức tế lễ vì sự trung tín của ông đối với Đức Chúa Trời (Phục. 33:9), và Giu-đa nhận được vương quyền do tình yêu của ông đối với anh em mình và sự chăm sóc đối với cha (37:26; 43:8-9; 44:14-34). Trong điều này, chúng ta thấy sự tể trị của Đức Chúa Trời. Ngài ở đàng sau mọi sự và mọi người. Khi thấy hình ảnh này và mọi điều trong đó ăn khớp với nhau là như thế nào, chúng ta phải thờ lạy Đức Chúa Trời. Ha-lê-lu-gia! chúng ta đang ở dưới bàn tay của Đức Chúa Trời!

Tiểu sử của Gia-cốp là tiểu sử của chúng ta. Trong đời sống Gia-cốp, có ba cây trụ và một cái tháp. Chúng ta cũng sẽ có ba cây trụ và một cái tháp. Tôi có thể làm chứng rằng tôi đã kinh nghiệm tất cả những điều này. Tôi tin rằng dù năm tháng trôi qua, nhưng nhiều người trong chúng ta sẽ ghi nhớ bài giảng này. Cảm tạ Chúa về ba cây trụ và một cái tháp.

 

 

 

Bài Chín Mươi Hai

Được Trưởng Thành
 Tiến Trình Trưởng Thành
(1)

Trong bài này, chúng ta đến phần thú vị nhất của Sách Sáng Thế Ký, từ chương 37 đến 50. Tất cả thiếu nhi đều thích những câu chuyện trong các chương này. Khi đến phần này, tác giả đã thay đổi cách viết. Phần ký thuật của 36 chương đầu thì ngắn gọn và mạnh mẽ, nhưng phần ký thuật của 14 chương cuối thì rất chi tiết. Chẳng hạn, chương 37 chứa nhiều chi tiết. Phần này rất chi tiết vì nó rất thiết thực cho đời sống con người. Không có phần nào trong Sách Sáng Thế Ký thiết thực hơn phần cuối gồm 14 chương này.

Trước khi xem xét chương 37, tôi muốn gợi anh em nhớ lại điểm khởi đầu của Sách này. Khi đọc bất kỳ Sách nào, chúng ta cần hiểu chủ đề, mục đích của Sách đó. Sau khi đọc qua Sách Sáng Thế Ký gồm 50 chương, có thể anh em vẫn không biết chủ đề của Sách. Vậy, chủ đề của Sách này là gì? Khi còn trẻ, tôi được bảo rằng Sáng Thế Ký bàn đến hai điều chính –sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và sự sa ngã của con người. Sáng Thế Ký bắt đầu với các từ “Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo,” và kết thúc với “Người được liệm trong một quan tài tại xứ Ai-cập”. Tôi được bảo rằng vì câu đầu tiên nói về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và câu cuối nói đến việc liệm Giô-sép trong quan tài tại xứ Ai-cập, nên Sáng Thế Ký là một Sách nói về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời và sự sa ngã của con người. Dầu cách nhìn này không sai, nhưng hiểu biết như vậy là chưa đủ lắm.

Để hiểu Kinh Thánh là không dễ. Thực vậy, hiểu được chính mình là một điều khó. Dầu trên đầu ai cũng có tóc và bàn chân có mười ngón, nhưng tóc và những ngón chân đó có tạo nên  một người trọn vẹn không? Đây có phải là một con người trọn vẹn không? Chắc chắn là không. Tất cả những bộ phận và cơ quan quan trọng như tim và hai lá phổi thì nằm giữa khoảng tóc và các ngón chân. Cũng vậy, những phần quan trọng nhất của Sáng Thế Ký thì nằm giữa câu đầu và câu cuối của Sách này.

Sáng Thế Ký 1:26 là câu rất quan trọng: “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng Ta hãy làm nên loài người như hình ảnh Chúng Ta, theo hình dạng Chúng Ta: để họ quản trị…” Xin lưu ý hai từ quan trọng ở đây –hình ảnh và sự quản trị. Đúng vậy, con người đã được Đức Chúa Trời tạo dựng và đã sa ngã. Nhưng chúng ta cần suy xét con người này đã được tạo dựng theo cách nào và nhằm mục đích gì. Kinh Thánh nói rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Không gì cao hơn Đức Chúa Trời. Do đó, con người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng Tối Cao. Có lẽ từ trước đến nay, anh em chưa bao giờ đánh giá mình cao như vậy. Vì mang hình ảnh thần thượng này nên hãy đánh giá cao về chính mình. Chúng ta không phải là những tạo vật thấp kém; chúng ta đã được tạo dựng cho mục đích biểu lộ Đức Chúa Trời và thi hành sự quản trị của Ngài. Chủ đề của Sáng Thế Ký là con người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời và thi hành sự quản trị của Ngài trên muôn vật. Chúng ta mang hình ảnh của Đức Chúa Trời để có thể biểu lộ Ngài; và có sự quản trị của Đức Chúa Trời để có thể đại diện Ngài. Do đó, chúng ta là sự biểu lộ và là đại diện của Đức Chúa Trời. Đây là trọng tâm của Sáng Thế Ký.

Để hiểu điều này cách tiệm tiến, chúng ta cần tất cả năm mươi chương của Sách Sáng Thế Ký. Tất cả các thế hệ đã được chép–A-đam, A-bên, Ê-nót, Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép –đều vì một mục đích: cho thấy rằng gia tể của Đức Chúa Trời trong vũ trụ là biểu lộ chính Ngài qua con người. Đây là mục đích, mục tiêu và khát vọng của lòng Đức Chúa Trời. Mục đích và gia tể của Đức Chúa Trời có quan hệ đến con người.

Phần ký thuật về tất cả các thế hệ được bao gồm trong Sách này là sự mô tả sống động về gia tể thần thượng của Đức Chúa Trời. Trong A-đam, chúng ta không thấy nhiều về sự biểu lộ và quản trị của Đức Chúa Trời. Dầu A-bên tin Đức Chúa Trời, nhưng trong ông, chúng ta không thấy rõ sự biểu lộ và quản trị của Đức Chúa Trời. Ê-nót nhận thức mình mong manh, yếu đuối, và ông đã bắt đầu kêu cầu danh Chúa. Nhưng trong ông, chúng ta hầu như không thấy sự biểu lộ và quản trị của Đức Chúa Trời. Hê-nóc đồng đi với Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta thấy trong ông một chút sự biểu lộ của Đức Chúa Trời; tuy nhiên, chúng ta không thấy gì về sự quản trị của Đức Chúa Trời. Dầu với Nô-ê, chúng ta thấy một chút sự biểu lộ và quản trị của Đức Chúa Trời, nhưng còn khá mơ hồ, không rõ nét, không ấn tượng hoặc không rõ ràng. Trong Áp-ra-ham, chúng ta thấy ít sự biểu lộ và quản trị của Đức Chúa Trời hơn so với Nô-ê. Dầu nhiều Cơ-đốc nhân đã quá tôn cao Áp-ra-ham, nhưng ông chỉ ở mức khởi đầu của giáo lý về Đấng Christ. Áp-ra-ham là cha của đức tin để được xưng công chính, chỉ là điểm khởi đầu giáo lý về Đấng Christ. Hơn nữa, chúng ta hầu như không thấy sự biểu lộ và sự quản trị của Đức Chúa Trời trong Y-sác. Y-sác, người thừa kế mọi sự từ cha, chỉ quan tâm đến việc ăn uống. Hễ ai cho ông ăn món gì ngon, ông sẽ chúc phước cách mù quáng.

Chính trong Gia-cốp chúng ta thấy sự biểu lộ của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trước mười bốn chương cuối của Sách này, chúng ta không thấy nhiều về sự biểu lộ của Đức Chúa Trời trong Gia-cốp. Nhưng trong các chương cuối này, chúng ta thấy trong ông có rất nhiều sự biểu lộ và sự quản trị của Đức Chúa Trời. Dầu trong phần này, Gia-cốp đã già, nhưng cái nhìn thuộc linh của ông rất sắc bén. Hễ đi đến đâu, ông đều nhận thức được tình trạng thực và vì thế ông đã chúc phước cho những người khác. Hơn nữa, lời chúc phước của ông trở thành lời tiên tri của Đức Chúa Trời. Gia-cốp đã thực sự mang hình ảnh của Đức Chúa Trời và biểu lộ Ngài. Ngay cả Pha-ra-ôn, người cai trị cao nhất thời đó, cũng được ông chúc phước. Khi yết kiến Pha-ra-ôn, Gia-cốp không nói: “Tâu bệ hạ, Ngài có khỏe không? Ngài bao nhiêu tuổi?” Trái lại, ông đã giơ tay ra và chúc phước cho vua (47:7,10). Điều này cho thấy Pha-ra-ôn ở dưới Gia-cốp, một người đã trở thành sự biểu lộ của Đức Chúa Trời.

Việc Gia-cốp chúc phước cho hai con trai của Giô-sép, Ép-ra-im và Ma-na-se, cũng là một lời tiên tri. Bị Gia-cốp lừa dối, Y-sác đã chúc phước cho con cách mù quáng. Tuy nhiên, việc Gia-cốp chúc phước cho Ép-ra-im và Ma-na-se thì khác xa. Giô-sép đem hai con trai đến với Gia-cốp, mong rằng Ma-na-se, con trưởng sẽ nhận được quyền trưởng nam, nhưng Gia-cốp đã đặt tay hữu ông trên đầu Ép-ra-im, đứa nhỏ hơn, “cố ý để tay mình như vậy” (48:14). Khi Giô-sép cố kéo tay Gia-cốp khỏi đầu Ép-ra-im sang đầu Ma-na-se, Gia-cốp không chịu và nói: “Cha biết, con trai ta, cha biết điều đó” (48:19). Dường như Gia-cốp muốn nói: “Con trai ta, con không biết điều cha đang làm, nhưng cha biết. Cha biết lòng của Đức Chúa Trời. Việc chúc phước của cha là sự biểu lộ và sự phát ngôn của Đức Chúa Trời. Lời chúc phước của cha là lời tiên tri của Đức Chúa Trời”.

Ở đây trong Gia-cốp, chúng ta thấy một người là một với Đức Chúa Trời và là người biểu lộ Đức Chúa Trời. Lời nói của Gia-cốp là sự phát ngôn của Đức Chúa Trời. Đừng nghĩ rằng nói là một việc tầm thường. Theo Tân Ước, Con đã bày tỏ Cha chủ yếu bằng lời nói của Ngài. Chúa Jesus phán: “Ngươi há không tin rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao? Lời Ta nói với các ngươi chẳng phải tự Ta nói đâu; mà là Cha ở trong Ta, làm việc của Ngài” và “Lời các ngươi nghe đó chẳng phải của Ta, mà là của Cha là Đấng đã sai Ta” (Giăng 14:10,24). Do đó, biểu lộ Đức Chúa Trời chủ yếu là nói cho Đức Chúa Trời và nói Ngài ra cho người khác.

Chúng ta đã thấy Gia-cốp, sự biểu lộ của Đức Chúa Trời, đã mang hình ảnh của Đức Chúa Trời. Còn sự quản trị của Đức Chúa Trời thì sao? Sách Sáng Thế Ký kết thúc với việc Giô-sép thi hành quyền quản trị trên khắp đất. Dầu Pha-ra-ôn đang làm vua, nhưng ông chỉ là bù nhìn. Vị vua đương quyền là Giô-sép, một phần của Gia-cốp trong kinh nghiệm sự sống. Trong Gia-cốp cùng với Giô-sép, chúng ta thấy sự biểu lộ của Đức Chúa Trời với quyền quản trị của Ngài. Đừng bao giờ tách Giô-sép khỏi Gia-cốp. Phần ký thuật của mười bốn chương cuối Sáng Thế Ký quyện cả hai người này với nhau. Điều này cho thấy Giô-sép là phần cai trị của Gia-cốp và không nên xem Gia-cốp cùng Giô-sép là hai người tách biệt.

Trong phần này, Gia-cốp đang chịu khổ còn Giô-sép đang cai trị. Trong chương 37, Giô-sép không tạo một ấn tượng nào cho thấy ông đang đau khổ. Chương này bày tỏ Gia-cốp đang đau khổ, chứ không phải Giô-sép. Một số người có thể tranh luận và nói: “Khi bị quăng xuống hố sâu, Giô-sép không đau khổ sao?” Đây là lời giải thích của anh em, nhưng chương này không nói như vậy. Trái lại, Gia-cốp, đang cực kỳ đau khổ. Dầu không khóc trước cái chết của Ra-chên, nhưng ông đã khóc thảm thiết khi kết luận rằng Giô-sép đã bị thú dữ cắn xé (c. 33-35).

Phần ký thuật trong Kinh Thánh có một mục đích. Sáng Thế Ký, một Sách nói về hình ảnh và sự quản trị của Đức Chúa Trời, cho thấy một bức tranh đầy đủ về cách loài người có thể được tái tạo và biến đổi để biểu lộ Đức Chúa Trời theo hình ảnh của Ngài và đại diện Ngài với sự quản trị của Ngài. Mười bốn chương cuối của Sáng Thế Ký cho thấy sau khi Gia-cốp trở thành Ítx-ra-ên, ông đã mang hình ảnh của Đức Chúa Trời và thi hành sự quản trị của Ngài. Sách Sáng Thế Ký thật trọn vẹn; đã kết thúc theo cách bắt đầu. Sách bắt đầu và kết thúc với hình ảnh và sự quản trị của Đức Chúa Trời. Trong những chương cuối của Sáng Thế Ký, chắc chắn Đức Chúa Trời đã vui mừng và Ngài có thể nói: “Bây giờ, Ta đã có một người trên đất biểu lộ và đại diện cho Ta. Con người này mang hình ảnh của Ta và thi hành sự quản trị của Ta. Những lời của người ấy là lời tiên tri của Ta và các hành động của người là sự thi hành quyền quản trị của Ta”. Đây là chủ đề của Sách Sáng Thế Ký.

f. Được Trưởng Thành

1) Tiến Trình Trưởng Thành

Trong chương 37, Gia-cốp là một ông lão. Về cả thời gian lẫn địa lý, ông đã hành trình qua một chặng đường dài và cuối cùng, đã đến Hếp-rôn. Gia-cốp đã trải qua nhiều điều. Có lẽ không ai trong Kinh Thánh đã trải qua những hoàn cảnh có nhiều điều rối ren và phức tạp như ông. Ông đã bị Đức Chúa Trời xử lý đến mức hầu như mất tất cả những gì ông quan tâm. Vào thời điểm của chương 37, Ra-chên đã qua đời và Gia-cốp đang sống tại Hếp-rôn, vui hưởng sự tương giao mà tổ phụ ông là Áp-ra-ham và Y-sác đã nếm biết. Dường như Gia-cốp đã về hưu tại Hếp-rôn. Tuy nhiên, trong đời sống thuộc linh không có về hưu, và Đức Chúa Trời đã can thiệp để phá đổ điều có vẻ như sự nghỉ hưu của Gia-cốp.

Tôi tin rằng tại Hếp-rôn, Gia-cốp đã cố hết sức để có một cuộc sống thanh thản. Khi ở trong sự tương giao tại đó, có thể ông đã hồi tưởng nhiều điều. Trong sự yên tĩnh đó, có thể ông đã nghĩ: “Lẽ ra ta không nên nắm gót Ê-sau. Ta cũng không nên lừa Ê-sau hay cha ta. Cũng vậy, lẽ ra ta không phải mất mẹ và rồi bỏ trốn đến nhà cậu La-ban. Hơn nữa, ta không cần phải yêu Ra-chên nhiều như thế. Ồ, yêu bà ấy đã khiến ta gặp nhiều rắc rối! Sao ta ngốc đến thế? Lẽ ra ta không nên bị La-ban lừa. Tại sao ta lại hứa làm việc suốt những năm đó để cưới được Ra-chên? Suốt những năm ở với La-ban, ta phải chịu nắng nồng, giá lạnh”. Nếu là Gia-cốp, anh em sẽ làm gì lúc về hưu? Có lẽ anh em sẽ nói: “Từ nay trở đi, tôi chỉ muốn sống một cuộc sống bình lặng. Sẽ không còn tiếm đoạt, không còn nắm gót nữa. Ê-sau, La-ban và Ra-chên đều đã qua rồi. Bây giờ là lúc để ta yên tĩnh và vui hưởng cuộc sống”. Chắc chắn Gia-cốp đã vui hưởng cuộc sống yên tĩnh tại Hếp-rôn.

Gia-cốp thương yêu Giô-sép hơn tất cả các con trai khác, và đã may cho cậu một áo choàng có nhiều màu sắc (c. 3). Nếu không về hưu, ông sẽ không thể may một cái áo như vậy cho Giô-sép. Một người cha bận rộn không thể nào dành thì giờ để làm điều này. Nhưng Gia-cốp đã vui hưởng cuộc sống, đã dành nhiều thì giờ để may chiếc áo choàng cho đứa con cưng. Đây là bằng chứng ông đã về hưu. Việc đề cập đến chiếc áo choàng nhiều màu sắc là một cửa sổ nhỏ, qua đó, chúng ta có thể thấy nhân cách, khát vọng, ý định, mục tiêu và tính khí của Gia-cốp.

a) Những Xử Lý Trong Giai Đoạn Cuối

Sau khi có quá nhiều sự xử lý dưới bàn tay Đức Chúa Trời, chắc chắn Gia-cốp đã mệt mỏi về đời người. Ông chẳng còn hứng thú với chuyện tiếm vị, lừa đảo, tranh đấu và đánh nhau. Cuộc sống ông bình lặng và đã có đứa con yêu làm báu vật của lòng. Vì tình yêu thiên vị dành cho Giô-sép, ông đã may cho cậu một chiếc áo choàng nhiều màu sắc. Gia-cốp có đúng đắn khi làm điều này không? Tại sao ông không may một cái áo như vậy cho Ru-bên, con cả, hay cho Bên-gia-min, con út? Dầu Ru-bên đã bị ô uế do phạm tội tà dâm với vợ lẻ Gia-cốp, nhưng Bên-gia-min, con út trong nhà còn quá nhỏ, không làm gì sai trái. Tuy nhiên, lòng Gia-cốp ưu tiên đặt nơi Giô-sép, rồi mới đến Bên-gia-min. Gia-cốp đã thiên vị. Như chúng ta sẽ thấy, sự thiên vị của Gia-cốp đối với Giô-sép đã khiến ông đau khổ.

Mọi điều trong chương này đều ở dưới bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời; không điều gì là ngẫu nhiên cả. Chẳng hạn, ngay sau khi các anh của Giô-sép ném ông xuống hố, thì một đoàn người Ích-ma-ên xuất hiện, và các anh quyết định bán ông cho họ. Sau đó, Giô-sép được dẫn đến Ai-cập và bán cho Phô-ti-pha, quan thị vệ của Pha-ra-ôn. Toàn bộ điều này ở dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời. Thực ra, ngay cả sự thiên vị của Gia-cốp đối với Giô-sép cũng ở dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời. Trong chương 37, Đức Chúa Trời thi hành quyền tể trị của Ngài để xử lý tính thiên vị này hầu cho Gia-cốp có thể trưởng thành.

Trước chương này, Gia-cốp đã là một người được biến đổi; tuy nhiên, ông chưa trưởng thành. Được biến đổi là được thay đổi trong sự sống thiên nhiên, trong khi được trưởng thành là được đầy dẫy sự sống thần thượng là sự sống làm chúng ta được biến đổi. Chúng ta có thể được biến đổi trong sự sống thiên nhiên, nhưng chưa được đầy dẫy sự sống thần thượng. Các chương từ 37 đến 45 là phần ký thuật về tiến trình trưởng thành của Gia-cốp. Tiến trình này bắt đầu với 37:1 và kéo dài đến 45:28. Trong năm chương cuối của Sách này, chúng ta thấy một Gia-cốp đã được trưởng thành trọn vẹn. Có lẽ trong cả cuộc đời ông, Gia-cốp chưa bao giờ đau khổ nhiều như trong chín chương này. Những chương đó thật sự là câu chuyện về sự đau khổ của Gia-cốp. Trong các chương này, chúng ta thấy các sự xử lý trong giai đoạn cuối của đời sống Gia-cốp. Những đau khổ ông trải qua ở đây đụng chạm sâu xa đến tình cảm cá nhân. Sau các chương này, Gia-cốp không bị xử lý thêm nữa. Trái lại, ông đã trưởng thành trọn vẹn, ông đầy dẫy sự sống thần thượng và có sự biểu lộ và sự quản trị của Đức Chúa Trời.

Vì sự biểu lộ và quản trị của Đức Chúa Trời, cần có sự trưởng thành. Chỉ một đời sống trưởng thành mới có thể mang hình ảnh của Đức Chúa Trời và thi hành sự quản trị của Ngài. Ngay cả trong chương 37, Gia-cốp cũng không thể mang hình ảnh của Đức Chúa Trời hay thi hành sự quản trị của Ngài. Dầu đã được biến đổi, ông vẫn chưa trưởng thành. Sự thiên vị của ông đối với Giô-sép chứng tỏ rằng ông chưa trưởng thành. Tình yêu thiên vị này là một điểm yếu. Đừng nghĩ rằng một người được biến đổi không thể nào thiên vị trong tình yêu hay không có bất cứ yếu điểm nào. Do đó, Đức Chúa Trời đã tể trị, đặt Gia-cốp dưới tay Ngài để ông có thể trưởng thành.

(1) Dưới Bàn Tay Tể Trị Của Đức Chúa Trời, 
Gia-cốp Bị Cướp Mất Báu Vật Của Lòng

Để được trưởng thành, trước hết Gia-cốp phải chịu mất Giô-sép, báu vật của lòng mình. Dường như việc Giô-sép bị lạc mất không thể nào xảy ra. Giô-sép có thể dễ dàng qua đời do một chứng bệnh nào đó, nhưng làm thế nào Gia-cốp có thể đánh mất Giô-sép được? Dầu Giô-sép không chết –vì ông còn rất hữu dụng–nhưng vẫn phải bị cất khỏi Gia-cốp. Bây giờ chúng ta cần xem xét việc Gia-cốp đã đánh mất Giô-sép diễn ra như thế nào.

(a) Giô-sép Thuật Lại Cho Cha Các Chuyện Xấu Của Các Anh

Câu 2 nói rằng Giô-sép thuật lại cho cha chuyện xấu của các anh. Trong tất cả mười hai con trai của Gia-cốp, chỉ có hai người tốt –Giô-sép, mười bảy tuổi, và em ông, Bên-gia-min, vẫn còn là một đứa trẻ. Mười anh còn lại thì nhơ bẩn, xấu xa, và Giô-sép thường thuật lại cho cha về các chuyện xấu của họ. Ru-bên, anh lớn nhất trong mười anh, đã phạm tội tà dâm với vợ lẻ của cha (35:22), và Giu-đa, anh thứ tư đã phạm tội gian dâm với con dâu mình là người đã cải trang làm kỹ nữ (38:12-26). Lê-vi và Si-mê-ôn thì độc ác, đã báo thù sự ô uế cho Đi-na, em gái họ bằng cách giết Hê-mô và Si-chem rồi cướp thành của họ (34:25-29). Sự kiện những người anh này hiệp lực để giết đứa em cốt nhục cho thấy họ gian ác là như thế nào. Thật khó tin rằng họ là các con trai của một gia đình được chọn, thánh khiết, và sắp trở thành tổ phụ của các chi phái Ítx-ra-ên được Đức Chúa Trời tuyển chọn. Tuy nhiên, nếu các anh đều tốt thay vì xấu, thì Giô-sép sẽ không bao giờ bị mất.

(b) Ítx-ra-ên Thương Yêu Giô-sép Hơn Tất Cả Các Con Trai Khác

Như chúng ta đã thấy: “Ítx-ra-ên thương yêu Giô-sép hơn tất cả các con trai khác, vì là con muộn mình, nên may cho cậu một cái áo choàng có nhiều màu sắc” (c. 3,Theo Bản Hê-bơ-rơ). Do sự thiên vị trong tình yêu đối với Giô-sép, Gia-cốp phải bị mất cậu để được trưởng thành. Việc mất Giô-sép chủ yếu do tình yêu thiên vị của Gia-cốp đối với Giô-sép.

(c) Các Anh Ghét Giô-sép

Câu 4 nói: “Các anh thấy cha thương Giô-sép hơn bọn mình, mà sanh lòng ganh ghét, chẳng có thế lấy lời tử tế nói cùng chàng được”. Tình yêu thiên vị của Gia-cốp đối với Giô-sép đã làm những người còn lại ghét Giô-sép. Do tình yêu thiên vị đối với một đứa con đã tạo ra lòng căm ghét giữa những đứa còn lại, các bậc cha mẹ nên tránh điều này. Tình yêu của chúng ta phải đồng đều, không thiên vị. Các anh của Giô-sép cũng ghét ông vì ông tốt và vì ông đã thuật lại với cha các chuyện xấu của họ.

(d) Giô-sép Có Hai Điềm Chiêm Bao 
Khiến Cho Các Anh Càng Ghét Ông Hơn

Giô-sép có hai điềm chiêm bao khiến cho các anh càng ghét ông hơn (c. 5-11). Các chiêm bao này đến từ Đức Chúa Trời. Có hai điềm chiêm bao vì 2 là số của sự xác quyết và chứng cớ. Cả hai điềm chiêm bao đều chỉ về một điều vì cả những bó lúa lẫn các vì sao đều sấp mình xuống trước Giô-sép. Trong cái nhìn của chúng ta, các anh Giô-sép, những người tà dâm, thông dâm, giết người, và ganh ghét, cần bị định tội xuống địa ngục. Nhưng Giô-sép không chiêm bao thấy những gai gốc và kẻ cướp chung quanh một cậu thiếu niên hiền lành. Trái lại, ông chiêm bao thấy những bó lúa và các ngôi sao. Một bó là một gộp lúa được buộc chặt lại sau khi gặt. Điều này cho thấy trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, các con trai của Gia-cốp là cây trồng của Ngài trên đất. Hơn nữa, họ không phải là đồng lúa xanh mà là một cánh đồng chín vàng đã được gặt để rồi được buộc lại thành những bó lúa. Trong chiêm bao thứ hai, những thành viên trong gia đình Giô-sép được tượng trưng bởi mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao. Họ là những vì sáng rực rỡ trên trời. Trong Nghiên Cứu Sự Sống Sách Khải Thị, chúng tôi đã chỉ ra rằng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao trong Khải Thị chương 12 và Sáng Thế Ký chương 37 đại diện cho toàn thể dân Đức Chúa Trời. Vào thời của Giô-sép, gia đình ông là toàn thể dân Đức Chúa Trời trên đất. Theo cách nhìn của chúng ta, họ xấu xa và nhơ bẩn, nhưng theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, họ thật rực rỡ và thiên thượng. Cũng vậy, theo bản chất con người, chúng ta xấu xí, gian ác và không tinh sạch. Tuy nhiên, chúng ta đã được chọn, được chuộc, được tha thứ, được tái sinh và được biến đổi. Vì thế, chúng ta là cánh đồng, cây trồng của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, chúng ta sẽ là mùa gặt của Đức Chúa Trời; chúng ta sẽ được Ngài gặt và trở thành những bó lúa. Hơn nữa, chúng ta là những vì sáng trên trời. Điều này thật là một khải tượng!

Đức Chúa Trời có tể trị trong việc ban cho Giô-sép những chiêm bao này vì chúng bày tỏ bản chất, địa vị, chức năng và mục đích của dân Đức Chúa Trời trên đất. Dân Đức Chúa Trời là mùa gặt và là những vì sáng của Ngài. Là mùa gặt, họ có sự sống; và là các đạo binh trên trời, họ có ánh sáng. Trong chiêm bao thứ nhứt, có sự sống; và trong chiêm bao thứ hai, có ánh sáng. Sự sống và ánh sáng là hai đặc tính của dân Đức Chúa Trời.

Trong chiêm bao thứ nhứt, các bó lúa sấp mình xuống trước bó lúa của Giô-sép; và trong chiêm bao thứ hai, mặt trời, mặt trăng, và mười một ngôi sao sấp mình xuống trước ông. Khi Giô-sép kể chiêm bao thứ hai cho cha và các anh nghe, Gia-cốp đã quở ông và nói: “Điềm chiêm bao của con đó có nghĩa chi? Có phải cha, mẹ và các anh đều phải đến sấp mình xuống đất trước mặt con chăng?” (c. 10). Giô-sép không có tính chính trị; trái lại, ông chân thật, thẳng thắn, trung thực và bộc trực. Nếu không bộc trực kể cho họ về các chiêm bao của mình, ông sẽ không gặp nan đề nào. Trong nếp sống Hội Thánh, chúng ta nên giống như Giô-sép, đừng giống những chính trị gia. Tuy nhiên, giữa chúng ta không có những Giô-sép thẳng thắn, bộc trực; thay vào đó, hầu hết chúng ta là những chính trị gia “khôn ngoan”. Có thể anh em có điềm chiêm bao nào đó, nhưng anh em sẽ không bao giờ kể cho người khác. Trái lại, Giô-sép đã thành thật, ngay thẳng, cởi mở và trong suốt; ông vui vẻ kể các chiêm bao của mình với các anh. Nhưng điều này đã khêu gợi lòng căm ghét của các anh càng hơn; và sự trong sáng của Giô-sép đã khiến ông “bị đóng đinh”. Nhiều lần tôi cũng đã bị đóng đinh do sự trong sáng của mình. Tuy nhiên, nếu có tính chính trị, tôi sẽ không còn giống Giô-sép nữa. Nói theo con người, Giô-sép đã sai lầm khi kể chiêm bao của mình với các anh. Nếu là Giô-sép, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ nói: “Các anh biết không, đêm qua tôi đã thấy một chiêm bao tốt đẹp”. Khi người khác hỏi về chiêm bao đó, chúng ta sẽ nói: “Xin lỗi, tôi không thể kể cho các anh về điều đó”. Đây là “sự khôn ngoan” mang tính chính trị của các Cơ-đốc nhân ngày nay. Anh em sẽ là một chính trị gia hay một Giô-sép? Nếu là Giô-sép, anh em sẽ “bị đóng đinh” vì tính bộc trực của mình. Do các điềm chiêm bao của Giô-sép, các anh đã căm ghét ông càng nhiều hơn.

(e) Các Anh Của Giô-sép Đi Chăn Chiên

Các anh của Giô-sép đi chăn chiên của cha họ tại Si-chem (c. 12). Chăn chiên là phương tiện kiếm sống của họ. Qua cách sinh nhai này, họ có cơ hội để tống Giô-sép khỏi Gia-cốp.

(f) Giô-sép Được Sai Đi Thăm Các Anh

Sau đó, Giô-sép được cha sai đi thăm các anh (c. 13-17). Đây cũng là sự tể trị của Chúa. Sự kiện Gia-cốp sai Giô-sép đi thăm các anh là một dấu hiệu khác cho thấy Gia-cốp đang hưởng thụ cuộc sống. Nếu là một người bận rộn, ông sẽ không nghĩ đến việc sai Giô-sép làm điều này. Nhưng vì không có gì để làm, bất ngờ ông nghĩ đến các con và quan tâm đến chúng. Khi được sai đi thăm các anh, Giô-sép đã vâng lời. Ông không cằn nhằn hay phàn nàn. Trái lại, ông vâng lời cha và đi tìm các anh.

(g) Các Anh Bàn Mưu Giết Giô-sép

Khi các anh “thấy Giô-sép ở đàng xa, chưa đến gần, thì đã lập mưu để giết chàng”(c. 18). Họ đặt cho Giô-sép một tên, nói với nhau rằng: “Kìa, thằng nằm mộng đến kia!” (c. 19,Theo Bản Hê-bơ-rơ). Họ bàn mưu với nhau để giết Giô-sép và sau đó, lừa dối cha về điều họ đã làm (c. 20).

(h) Ru-bên Muốn Cứu Giô-sép Khỏi Bàn Tay Các Em

Ru-bên, anh cả, muốn cứu Giô-sép khỏi bàn tay các em. Khi nghe âm mưu của họ, “ông liền giải cứu em khỏi tay các anh mà rằng: “Chúng ta đừng giết chết nó… Chớ nên làm đổ máu ra; hãy liệng nó trong cái hố nước kia, và đừng tra tay vào mình nó”(c. 21-22). Ý định của Ru-bên là cứu em khỏi tay các anh rồi sẽ giao lại cho cha.

(i) Giu-đa Đề Nghị Bán Giô-sép Mà Không Giết

Khi Ru-bên vắng mặt, Giu-đa, anh thứ tư, đã đề nghị là thay vì giết Giô-sép, họ sẽ bán cho dân Ích-ma-ên (c. 25-27). Giu-đa nói: “Giết em ta mà giấu máu nó, có ích gì? Hè, hãy đem bán nó cho dân Ích-ma-ên và đừng tra tay vào mình nó; vì nó là em, là cốt nhục của chúng ta”. (c. 26-27).

(j) Giô-sép Bị Bán Cho Dân Ích-ma-ên Thuộc Ma-đi-an

Giô-sép bị bán cho dân Ích-ma-ên từ Ma-đi-an đến (c. 28). Ích-ma-ên là con trai của Áp-ra-ham với A-ga, và Ma-đi-an là con trai của Áp-ra-ham với Kê-tu-ra, vợ sau của ông. Cả dân Ích-ma-ên và Ma-đi-an đều đại diện cho xác thịt. Sự căm ghét có quan hệ với xác thịt và xác thịt gắn liền với thế giới được đại diện là xứ Ai-cập. Do lòng căm ghét của các anh, Giô-sép bị giao nộp cho xác thịt và xác thịt đem ông xuống Ai-cập. Nhưng Đức Chúa Trời tể trị trên tất cả. Trong sự tể trị, Ngài dùng mọi điều, kể cả xác thịt và lòng căm ghét của các anh Giô-sép. Mỗi điều tiêu cực trong chương này –lòng căm ghét, xác thịt, Pha-ra-ôn và quan thị vệ của Pha-ra-ôn là Phô-ti-pha– đều được Đức Chúa Trời sử dụng cách tể trị để hoàn thành mục đích Ngài.

(k) Gia-cốp Mất Báu Vật Của Lòng

Qua sự tể trị của Đức Chúa Trời, là điều được thực hiện trong những vấn đề dường như ngẫu nhiên này, Gia-cốp đã mất báu vật của lòng mình (c. 31-35). Sau cái chết của Ra-chên, lòng của Gia-cốp hoàn toàn đặt nơi Giô-sép. Thật bất ngờ và quá đỗi kinh ngạc cho ông, Giô-sép đã bị giựt mất. Các con của Gia-cốp đã gạt ông đến nỗi ông phải tin rằng Giô-sép đã bị thú dữ cắn xé (32-33). Khi nghe tin này, ông “xé quần áo mình ra, lấy bao quấn ngang hông và để tang lâu ngày cho con trai mình” (c. 34). Với Gia-cốp, không còn gì trên đời này nữa. Ông không chỉ bị phá vỡ mà còn bị cướp đến chỗ không còn lại gì. Dầu các con cố gắng yên ủi, nhưng ông đã khước từ và nói: “Ta để tang luôn xuống chốn Âm-phủ cùng con ta” (c. 35,Theo Bản Hê-bơ-rơ). Gia-cốp đã hoàn toàn thất vọng và không điều gì có thể yên ủi ông. Ông đã mất báu vật của lòng mình. Sự xử lý này thật sâu xa và riêng tư dường nào!

Về nguyên tắc, không sớm thì muộn, tất cả chúng ta đều sẽ trải qua một sự xử lý như thế. Đừng sợ viễn cảnh này. Ngợi khen Chúa vì không chỉ có chương 37 mà cũng có chương 45, tại đó chúng ta thấy một kết cuộc vinh quang. Chương 37 chỉ là một đường hầm nhỏ hẹp. Gia-cốp phải đi đường hầm nhỏ hẹp này và trải qua sự đau khổ đụng đến lòng ông cách sâu xa để có thể trưởng thành. Không điều gì trong cả đời ông đụng đến ông cách riêng tư và sâu xa bằng việc mất Giô-sép.

(l) Người Ma-đi-an 
Đem Giô-sép Đến Ai-cập Và Bán Cho Phô-ti-pha

Tuy nhiên, Giô-sép đã không bị mất. Đức Chúa Trời gìn giữ ông tại Ai-cập. Việc Giô-sép bị đem sang Ai-cập thực ra là sự chuyển dời ông từ “trung học” lên “đại học”. Tại Ai-cập, ông nhận được sự giáo dục cao hơn, sự giáo dục mà sẽ chuẩn bị ông cho vương quyền. Tất nhiên, Gia-cốp không biết điều này. Trong cách nhìn của Gia-cốp, Giô-sép đã bị thú dữ cắn xé. Nhưng trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, Giô-sép đang được chuẩn bị cho vương quyền. Do đó, Đức Chúa Trời có thể nói: “Gia-cốp ơi, ngươi không cần than khóc. Thay vì thế, hãy vui mừng vì con trai ngươi đang ở Ai-cập để chuẩn bị làm vua”.

 

 

 

 

 

 

Bài Chín Mươi Ba

Được Trưởng Thành
 Tiến Trình Trưởng Thành
 (2)

Trước khi xem xét thêm những sự xử lý Gia-cốp tại Hếp-rôn, chúng ta cần nhận ra sự khác nhau giữa sự biến đổi và sự trưởng thành. Giai đoạn cuối của sự biến đổi là sự trưởng thành. Trưởng thành có nghĩa là đầy dẫy sự sống. Khi một người được trưởng thành, người ấy không thiếu hụt sự sống. Càng có nhiều sự sống, chúng ta càng trưởng thành. Rõ ràng một đứa bé thì chưa trưởng thành, nhưng một thanh niên thì trưởng thành rồi. Đối với một người, trưởng thành có nghĩa là sự sống của người đó đạt đến mức đầy đủ.

Sự biến đổi là sự thay đổi mang tính trao đổi chất trong sự sống. Do đó, sự biến đổi không phải là vấn đề về sự đầy đủ mà là vấn đề về sự thay đổi. Thực vật không đòi hỏi sự biến đổi vì chúng chỉ là thực vật. Nhưng chúng ta, con cái Đức Chúa Trời, cần được biến đổi. Chỉ qua sự biến đổi, chúng ta mới có thể đạt đến sự trưởng thành. Chúng ta có sự sống thiên nhiên, nhưng sự sống này không ích lợi cho gia tể Đức Chúa Trời. Dầu sự sống thiên nhiên không cần được thay thế, nhưng cần được biến đổi theo cách trao đổi chất. Không những phải có sự thay đổi bên ngoài về dáng vẻ mà cũng phải có sự biến đổi bên trong trong bản chất. Dầu sự sống con người là cần thiết cho gia tể Đức Chúa Trời, nhưng không nên cứ ở trong sự sống con người thiên nhiên mà nên là sự sống con người đã được biến đổi trong bản chất để sự sống thần thượng có thể được hòa lẫn với sự sống con người đã được biến đổi này hầu trở nên một. Đây là một vấn đề sâu sắc

Có ít nhất hai câu trong Tân Ước bày tỏ về sự biến đổi. La-mã 12:2 nói: “Đừng bị đồng hóa theo đời này, nhưng hãy được biến đổi bởi sự đổi mới của tâm trí”. Từ Hi-lạp được dịch là “được biến đổi” trong câu này cũng xuất hiện trong 2Cô-rin-tô 3:18. Theo Hi-văn, câu này nên được dịch là: “Nhưng tất cả chúng ta, với mặt trần ngắm xem và chiếu lại sự vinh hiển của Chúa như một cái gương, đều đang được biến đổi nên cùng một hình ảnh từ vinh quang đến vinh quang, như từ Chúa Linh vậy”. Từ “được biến đổi” trong câu này hàm ý rằng trong đời sống Cơ-đốc, chúng ta cần có sự biến đổi mang tính trao đổi chất. Chúng ta không cần sự điều chỉnh hay sửa đổi bên ngoài; trái lại, cần có sự biến đổi bên trong về bản chất và sự sống.

Sự biến đổi mang tính trao đổi chất bắt đầu bằng sự tái sinh. Khi được cứu, chúng ta không những được xưng công chính và được tha các tội phạm mà còn được tái sinh. Vào lúc được tái sinh, sự sống mới, sự sống thần thượng, được đặt vào trong linh chúng ta. Từ thời điểm đó, sự sống này liên tục biến đổi sự sống thiên nhiên của chúng ta. Khi sự sống thần thượng làm thay đổi sự sống thiên nhiên thì sự sống thần thượng được truyền vào bản thể chúng ta ngày càng nhiều hơn. Vì thế, sự biến đổi là thay đổi sự sống thiên nhiên của chúng ta. Khi sự biến đổi này đạt đến mức đầy đủ, thời kỳ trưởng thành xuất hiện. Xin lặp lại rằng, giai đoạn cuối của sự biến đổi là sự trưởng thành. Trưởng thành không phải là vấn đề được biến đổi mà là sự sống thần thượng cứ liên tục được truyền vào cho đến khi chúng ta đạt đến sự đầy đủ của sự sống.

Bây giờ, hãy áp dụng điều này với Gia-cốp. Dầu Gia-cốp đã trải qua nhiều biến đổi trong các chương 25 đến 37, nhưng chúng ta không thấy thêm sự thay đổi nào trong ông sau chương 37. Trong chương 25, Gia-cốp là một kẻ tiếm đoạt, kẻ nắm gót. Khi đọc từ chương 26 đến 36, bao trùm khoảng thời gian gần 25 năm, chúng ta thấy Gia-cốp đã biến đổi là như thế nào. Mọi điều xảy đến cho ông trong những năm này đều vì sự biến đổi. Trong chương 37, khi Gia-cốp mất Giô-sép, con trai yêu dấu của mình, ông hoàn toàn khác với con người của ông trong chương 27. Trong ý nghĩa thuộc linh, Gia-cốp trong chương 27 có nhiều đôi tay dùng để nắm lấy bất cứ điều gì ông muốn. Ông nắm lấy những gì thuộc về cha mình, thuộc về Ê-sau, và sau đó, những gì thuộc về La-ban. Tuy nhiên, trong chương 37, Gia-cốp đã không dùng đến ngay cả đôi tay của mình. Trong chương này, Gia-cốp dường như chẳng có tài khéo hay khả năng gì; thay vì thế, ông dường như không thể làm bất cứ điều gì. Điều này cho thấy rằng Gia-cốp đã hoàn toàn biến đổi. Từ chương 37 cho đến cuối Sách này, chúng ta không thấy thêm sự biến đổi nào nơi con người này. Trong các chương này, chúng ta thấy một người không những đã được biến đổi mà cũng thấy một người đầy dẫy sự sống. Trong chương 37, chúng ta không thấy sự biến đổi cũng không thấy sự đầy dẫy sự sống. Sự biến đổi đã diễn ra trước chương này và sự đầy đủ của sự sống đã đạt được sau chương này.

Tôi muốn anh em đọc các chương 27,37 và 47 một lần nữa. Trong chương 27, chúng ta thấy một kẻ tiếm vị. Ông có nhiều đôi tay, ông có thể làm mọi sự, và không ai có thể đánh bại ông. Hễ ai tiếp xúc với Gia-cốp –cha, anh hay cậu– đều trở thành người thua cuộc. Trái lại, Gia-cốp luôn vượt lên trước. Ông kiếm lợi từ anh, cha và cậu, ngay cả từ Ra-chên, Lê-a và hai người hầu. Tuy nhiên, vào lúc Ra-chên qua đời, Gia-cốp bắt đầu trải qua sự mất mát. Nhưng ngay cả sự mất mát đó cũng đã sinh lợi và món lợi đó là Bên-gia-min. Trong chương 37, Gia-cốp trải qua một mất mát khác, mất Giô-sép. Trong chương này, Gia-cốp không kiếm được gì. Từ đây trở đi, Gia-cốp lần lượt mất hết điều này đến điều khác. Cuối cùng, trong chương 47, ông chiếm được sự sống đầy dẫy. Sự sống đầy dẫy là phước hạnh: đó là sự tuôn tràn của sự sống. Khi anh em đầy ắp sự sống, sự sống này sẽ tuôn tràn vào trong người khác. Sự tuôn tràn này là phước hạnh. Vì thế, chúng ta thấy trong chương 27, một kẻ tiếm vị; trong chương 37, một người được biến đổi; và trong chương 47, một người trưởng thành. Sự biến đổi của Gia-cốp bắt đầu khi Đức Chúa Trời hiện ra chạm đến ông (32:25) và tiếp tục cho đến chương 37, là lúc tiến trình biến đổi đã tương đối hoàn thành. Tuy vậy, trong chương này, Gia-cốp chưa trưởng thành, tức là chưa có sự sống đầy dẫy. Để đạt được điều này, ông phải trải qua những sự xử lý trong giai đoạn cuối, sự xử lý tại Hếp-rôn.

Bây giờ, chúng ta cần xem xét làm thế nào Gia-cốp, một người được biến đổi, có thể được đầy dẫy sự sống. Con người là những chiếc bình. Tuy nhiên, không như những cái lọ hay cái chai, chúng ta không phải là những chiếc bình không có tình cảm, nhận thức hay ý chí. Nếu muốn đổ vào chai một chất lỏng nào đó, chai chẳng có ý kiến hay cảm xúc nào. Chẳng cần cái chai phải ưng thuận trước khi chúng ta đổ vào. Nhưng để đặt điều gì đó vào trong chúng ta là những chiếc bình sống thì rất khó vì chúng ta đầy dẫy những ý kiến, ước muốn và ý định. Cha mẹ nào cũng biết việc cho con uống thuốc thật là khó. Cũng vậy, để Đức Chúa Trời đặt sự sống Ngài vào trong chúng ta là một vấn đề không dễ.

Bây giờ, tôi muốn chỉ ra một vấn đề ẩn giấu trong Sách này. Sự xử lý Gia-cốp lần đầu tiên trong giai đoạn cuối là việc mất Giô-sép. Giô-sép bị đem bán khi cậu mười bảy tuổi (37:2), và khi đứng trước Pha-ra-ôn, Giô-sép được ba mươi tuổi (41:46). Sau điều này, còn thêm bảy năm được mùa. Có lẽ là một, hai năm nữa, Gia-cốp mới sai các con đến Ai-cập để mua lúa. Do đó, từ khi Giô-sép bị đem bán đến khi Gia-cốp sai các con đến Ai-cập ít nhất là khoảng hai mươi năm. Kinh Thánh không cho chúng ta một phần ký thuật nào về những gì Gia-cốp đã làm suốt trong những năm này. Kinh Thánh chỉ cho chúng ta lời tường thuật về những gì Giô-sép đã kinh nghiệm. Đối với phần ký thuật về Gia-cốp, thời gian hai mươi năm này là thời gian yên lặng.

Anh em thử nghĩ Gia-cốp đã làm gì trong suốt thời gian này? Nếu là Gia-cốp, anh em sẽ làm gì? Tôi đã suy xét điều này rất nhiều và nghĩ rằng mình đã khám phá được điều nào đó. Suốt những năm này, Gia-cốp không làm gì cả. Ông không thiếu thốn và cũng chẳng có tham vọng. Gia-cốp trước đây chỉ quan tâm đến Ra-chên, chứ không phải Lê-a và hai người hầu. Sau khi Ra-chên qua đời, lòng của Gia-cốp để nơi Giô-sép, người bị lấy đi khỏi ông sau đó khoảng một năm. Sau khi mất Giô-sép, Gia-cốp hầu như không còn gì. Vì vậy, trong những năm yên lặng này, ông là người không có bất kỳ tham vọng, mối quan tâm hay những việc làm nào. Đây chắc hẳn là thời điểm Đức Chúa Trời truyền chính Ngài vào trong Gia-cốp ngày một nhiều hơn. Hai mươi năm này thật khác xa với hai mươi năm ở với La-ban! Trong hai mươi năm ở với La-ban (31:41), Gia-cốp đã tranh đấu với La-ban và quan tâm đến mối quan hệ với Ra-chên, Lê-a, những người hầu và tất cả các con. Nhưng trong hai mươi năm tại Hếp-rôn, ông được giải phóng khỏi mọi sự bó buộc hay chi phối. Ông không chỉ được nghỉ hưu mà còn được tự do.

Điều duy nhất không thể bị lấy mất khỏi Gia-cốp là sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tại Hếp-rôn, Gia-cốp liên tục sống trong sự tương giao với Đức Chúa Trời. Qua việc mất Giô-sép, Gia-cốp trở thành một chiếc bình hoàn toàn mở ra cho Đức Chúa Trời. Sự có mặt của Giô-sép là điều cản trở Gia-cốp mở ra với Đức Chúa Trời. Nhưng bây giờ, sau việc mất Giô-sép, Gia-cốp được giải phóng khỏi mọi ngăn trở và hoàn toàn mở ra với Chúa. Chắc chắn Gia-cốp đã nghĩ về Giô-sép từng ngày. Ông kết luận rằng Giô-sép đã bị thú dữ cắn xé nhưng điều này vẫn chưa được xác quyết. Do đó, có thể Gia-cốp nghĩ rằng biết đâu ông sẽ gặp lại Giô-sép. Điều này thúc ép Gia-cốp đến với Đức Chúa Trời và mở ra với Ngài. Càng nghĩ về Giô-sép, ông càng mở ra với Chúa. Suốt những năm này, Gia-cốp là một chiếc bình mở ra với các từng trời và cơn mưa thiên thượng liên tục đổ vào ông. Trong giai đoạn này, Gia-cốp hằng ngày ở trong hiện diện của Đức Chúa Trời, được đổ đầy sự sống thần thượng.

(2) Gia-cốp Bị Lâm Vào Nạn Đói Kém

Bất ngờ, vượt qua khỏi sự kiểm soát của ông, Gia-cốp đã bị lâm vào đói kém, vì “nạn đói ở trong xứ Ca-na-an” (42:5). Đức Chúa Trời dùng nạn đói này để xử lý Gia-cốp và nhắc Giô-sép lên. Chúng ta đã thấy trong hai mươi năm giữa việc mất Giô-sép và nạn đói này xuất hiện, Gia-cốp không làm gì cả. Có lẽ ông nghĩ rằng đời mình gần tàn và ông chờ về với tổ phụ, tức là qua đời. Ông không hề nghĩ rằng sẽ đi đến Ai-cập để có một khởi đầu mới nữa. Tất nhiên, ông không bao giờ nghĩ rằng Giô-sép đang chờ ông ở đó. Có thể ông đã nghĩ: “Làm gì có điều mới mẻ xảy ra cho tôi nữa? Tôi già rồi, đã có bốn vợ và nhiều con cháu. Đời tôi sắp hết rồi”. Nhưng đương khi nghĩ như vậy, bàn tay Đức Chúa Trời thình lình giáng trên ông, và Gia-cốp bị lâm vào nạn đói. Nạn đói dữ dội này hẳn phải là một sự rèn luyện cho toàn bản thể Gia-cốp! Trước khi xảy ra đói kém, ông sống bình an, không thiếu thốn gì. Nhưng đột nhiên, không có thực phẩm. Là người đứng đầu một gia đình lớn như thế, chắc chắn ông phải băn khoăn suy nghĩ để làm điều gì đó giữa cơn đói kém này. Đức Chúa Trời đã dùng điều này để ép Gia-cốp.

Đức Chúa Trời cũng dùng nạn đói này để nhắc Giô-sép lên. Với Giô-sép, nạn đói là một vấn đề lớn. Nếu nạn đói không xảy ra sau bảy năm dư dật, hẳn Pha-ra-ôn sẽ nói với Giô-sép: “Giô-sép, ngươi đã gạt ta trong việc giải thích chiêm bao. Sau bảy năm dư dật, nạn đói vẫn không đến”. Nhưng nạn đói đã xảy ra và đó là sức mạnh và uy quyền của Giô-sép. Bảy năm dư dật là sự ứng nghiệm một phần điềm chiêm bao của Pha-ra-ôn, nhưng sự giải thích của Giô-sép về chiêm bao đó chưa được chứng thực hoàn toàn. Có lẽ Pha-ra-ôn chờ để thấy điều sẽ xảy ra sau bảy năm dư dật này. Nếu nạn đói không xảy ra, ông có thể hành hình Giô-sép. Vì thế, Giô-sép cần bảy năm đói kém để được nâng lên. Nạn đói này là vinh quang của Giô-sép. Đức Chúa Trời dùng điều đó để đăng quang cho Giô-sép. Sự trị vì của Giô-sép là hình bóng về thời đại ngàn năm, về sự cai trị thiên thượng của Đức Chúa Trời trên khắp đất.

(3) Gia-cốp Buộc Phải Sai Các Con Đến Ai-cập Để Mua Lúa

Vì nạn đói này, Gia-cốp buộc phải sai mười con trai đến Ai-cập để mua lúa (42:1-3). Ông đã mất Giô-sép và bây giờ phải sai mười trong số mười một người con còn lại ra đi. Thời xưa việc đi từ Hếp-rôn đến Ai-cập là một hành trình dài, phải mất từ tám đến mười ngày. Sau khi mười người con lên đường đi Ai-cập, chỉ còn Bên-gia-min, con út hai mươi tuổi, ở lại với Gia-cốp. Mười người con đã phải xa Gia-cốp gần một tháng. Thời gian này là một sự rèn luyện lớn đối với ông cụ này. Có thể Gia-cốp nghĩ rằng: “Bây giờ mười đứa đã đi khỏi. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra cho chúng. Chúng có trở về bình an không? Chúng có thể mua được thực phẩm và đem về nhà không?” Điều này thật là một sự rèn luyện đối với Gia-cốp! Sự xử lý này không phải để biến đổi Gia-cốp nhưng để ông được trưởng thành. Đức Chúa Trời dùng điều đó để đổ đầy Gia-cốp bằng chính yếu tố sự sống thần thượng.

(4) Si-mê-ôn, Con Thứ Hai Của Gia-cốp, Bị Cầm Giữ Tại Ai-cập

Khi các con của Gia-cốp từ Ai-cập trở về đem theo lúa, Gia-cốp hay rằng Si-mê-ôn đã bị cầm giữ tại Ai-cập (42:24,36). Đây cũng là một nỗi khổ và sự rèn luyện cho ông. Khi xem lại các chương này về phía Giô-sép, phần cai trị, chúng ta thấy Giô-sép khôn ngoan dường nào. Ông không giữ tiền nhưng để tiền lại trong các bao lúa của họ(42:25). Khi một người trong họ phát hiện tiền của mình được để lại ở miệng bao, liền nói với anh em về việc đó, “thì [họ] hết hồn, sợ hãi nói với nhau: Đức Chúa Trời đã làm chi cho chúng ta đây?” (42:28). Khi họ trở về nhà và phát hiện “trong mỗi bao có gói bạc của mỗi người,” thì hết thảy mọi người, kể cả Gia-cốp, đều sợ hãi (42:35). Dường như Gia-cốp nói: “Điều này là sao? Một đứa bị giữ lại còn các con đã đem lúa về, nhưng tiền lại ở trong bao. Giả sử cả nhà ăn hết số lúa này mà nạn đói vẫn còn, khi đó chúng ta sẽ làm sao? Chúng ta sẽ phải trở lại Ai-cập để mua lúa. Nhưng chúng ta phải làm gì với số tiền này?” Gia-cốp cũng biết tin buồn là Bên-gia-min phải đi xuống Ai-cập. Sau khi nghe điều này, ông nói: “Các con đã làm mất các con của cha; Giô-sép đã mất biệt, Si-mê-ôn cũng mất biệt; mà bây giờ, lại muốn dẫn Bên-gia-min đi nữa sao! Các nông nỗi này đều chống lại cha hết” (42:36). Dầu Ru-bên hứa với Gia-cốp sẽ đem Bên-gia-min về, nhưng Gia-cốp vẫn không nghe. Trái lại, ông nói: “Con út của cha sẽ chẳng đi xuống với các con đâu; vì anh nó đã chết rồi, chỉ còn một mình nó mà thôi”(42:38).

(5) Nạn Đói Trở Nên Nghiêm Trọng

 Sáng Thế Ký 43:1-2 chép: “Vả, sự đói kém trong xứ lớn lắm. Khi nội nhà đã ăn hết lương thực ở xứ Ai-cập đem về rồi, thì cha các người ấy dạy rằng: “Các con hãy trở xuống mua một ít lương thực cho chúng ta” (Theo Bản Hê-bơ-rơ). Lúc này, Giu-đa nhắc Gia-cốp rằng để mua được lương thực lần nữa tại Ai-cập, họ phải đem Bên-gia-min theo. Vì vậy, do cơn đói quá nghiêm trọng nên Gia-cốp buộc phải sai con út đi với các anh đến Ai-cập để mua lương thực (42:4,36; 43:1-15). Đây là nỗi đau cho Gia-cốp! Đức Chúa Trời đang làm chiếc bình này trống không, lấy khỏi ông mọi điều. Sau khi Bên-gia-min đi với các anh đến Ai-cập, Gia-cốp ở lại một mình, chẳng có đứa con nào. Giô-sép đã mất. Si-mê-ôn bị giữ lại tại Ai-cập, và bây giờ tất cả những người con còn lại cũng phải đi xuống Ai-cập. Có lẽ đêm đó Gia-cốp nói: “Tôi còn gì ở đây? Tất cả mười hai đứa đã đi rồi và tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng. Chuyến đi thứ nhứt, một đứa bị giữ lại. Tôi không thể nói bao nhiêu đứa sẽ bị giữ lại lần thứ hai này”. Dầu đây là một nỗi khổ lớn cho Gia-cốp, nhưng điểm chính ở đây không phải là sự đau khổ của ông –đó là việc ông đang bị Đức Chúa Trời làm cho trống không. Đức Chúa Trời lấy hết mọi điều mà trước đó ông đã đầy dẫy, và bây giờ Gia-cốp bị trống không hoàn toàn. Nhưng, như chúng ta sẽ thấy, vào ngày nhận được tin mừng về Giô-sép, Gia-cốp đã hoàn toàn được đổ đầy sự sống.

Đức Chúa Trời đã lấy khỏi ông Ra-chên, Giô-sép, Si-mê-ôn, và cuối cùng tất cả mười người con còn lại, kể cả Bên-gia-min. Ở Ai-cập, khi Bên-gia-min ở với các anh được hòa lại với Giô-sép, Giô-sép rất vui mừng. Tuy nhiên, Gia-cốp, ở nhà một mình, lại đang bị Chúa làm cho trống không. Hằng đêm, có lẽ Gia-cốp đã cảm nhận sâu xa rằng ông là một chiếc bình trống không. Mọi điều trước đây đầy dẫy trong ông đã bị lấy hết. Điều này hoàn toàn là sự tể trị của Chúa. Chúa đang sửa soạn để ông được đổ đầy sự sống thần thượng.

Bây giờ hãy xem xét hoàn cảnh này từ quan điểm của Giô-sép. Cách Giô-sép xử lý các anh cũng là sự tể trị của Chúa. Giô-sép giữ lại Si-mê-ôn và sau đó, trả lại toàn bộ túi bạc cho các anh (42:24-25). Mục đích của Giô-sép khi giữ Si-mê-ôn lại là gì? Tại sao ông không giữ người khác trong số các anh? Tôi tin rằng Si-mê-ôn là kẻ chủ mưu hại Giô-sép. Si-mê-ôn là người hung dữ. Ông và Lê-vi đã giết Hê-mô và Si-chem rồi cướp phá thành của họ (34:25-29). Trong 49:5, Gia-cốp nói: “Si-mê-ôn và Lê-vi là hai anh em ruột; thanh gươm chúng nó thật là khí giới hung tàn” (Theo Bản Hê-bơ-rơ). Tôi cũng tin rằng Si-mê-ôn đã dẫn đầu trong việc đề nghị giết Giô-sép. Dầu các anh không nhận ra Giô-sép, nhưng ông biết rõ về họ. Khi lần đầu tiên thấy họ, ông đã tạo khó khăn để chạm đến lương tâm họ. Họ đã nói với nhau: “Quả thật, chúng ta cam tội cùng em ta rồi; vì lúc trước ta thấy tâm hồn nó buồn thảm khi nó xin được thương xót, nhưng chúng ta không khứng cho; vậy nên tai vạ này mới xảy đến cho chúng ta”(42:21). Sau đó, Giô-sép “bắt Si-mê-ôn trong vòng anh em, truyền trói lại trước mặt họ” (42:24). Chắc chắn điều này đã khiến cho Si-mê-ôn suy xét những gì ông đã làm cho Giô-sép. Trong lúc bị giam, có thể Si-mê-ôn đã nghĩ: “Tại sao tôi là kẻ duy nhất bị giữ lại? Ôi, lẽ ra tôi không nên làm điều đó cho Giô-sép”. Điều Giô-sép đã làm cho Si-mê-ôn thực ra là sự tể trị của Chúa.

Thậm chí khi các anh đến Ai-cập lần thứ hai, Giô-sép đã không tỏ mình cho họ liền. Nếu là Giô-sép, tôi sẽ nói: “Tôi là Giô-sép đây. Thật tốt đẹp biết bao vì các anh đã trở lại cùng với Bên-gia-min, em tôi. Hãy trở về và kể cho cha về tôi”. Thay vì làm như vậy, Giô-sép đã dọn một bữa tiệc cho các anh (43:16). Điều này khiến họ kinh ngạc và sợ hãi. Sau bữa tiệc, Giô-sép truyền người ta đổ đầy lương thực vào bao, để tiền họ lại ở miệng bao, còn cái chén bạc của ông thì để trong bao của đứa út. Chắc chắn các anh của Giô-sép đã vui mừng rời khỏi Ai-cập. Nhưng quản gia của Giô-sép đã bắt kịp họ và cáo buộc họ đã lấy cắp cái chén của chủ mình. Khi chén bạc này được tìm thấy trong bao của Bên-gia-min, các anh “đã xé áo mình” và trở lại thành (44:13). Chắc chắn họ đã kinh hoảng. Tuy nhiên, Giô-sép không hình phạt họ, ông đang đụng đến lương tâm họ. Chỉ sau mọi điều này, Giô-sép mới tỏ cho các anh biết về mình.

Theo sự tể trị của Ngài, Đức Chúa Trời đã không để cho tin vui về Giô-sép đến với Gia-cốp ngay ngày đầu tiên. Khi Giô-sép và các anh vui mừng với nhau tại Ai-cập, thì Gia-cốp đang đau khổ tại Ca-na-an, mong chờ các con trở về. Các con của Gia-cốp ở Ai-cập càng lâu, ông càng đau khổ. Việc Gia-cốp mong đợi sự trở về của các con lâu như vậy, chắc chắn là một thử thách. Điều này ở dưới bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời, kéo dài sự đau khổ của Gia-cốp để ông có thể được làm cho trống không về mọi sự. Khi tin vui đến với Gia-cốp, ông đã hoàn toàn trống không.

Những điều chiếm hữu chúng ta ngăn cản sự ớn lên của sự sống. Bởi những điều chiếm hữu này, trong bản thể chúng ta không còn nhiều chỗ dành cho sự sống thần thượng. Nhưng khi nghe tin tức về Giô-sép tại Ai-cập, Gia-cốp đã được trống không về mọi điều chiếm hữu trước đó. Bây giờ không điều gì đang chiếm ngụ bản thể bề trong của ông. Ra-chên đã chết, mười hai con trai đã đi xa, và Gia-cốp hoàn toàn bị dốc sạch. Ông trống không đến nỗi khi tin vui đến, ông chẳng còn phấn khởi nữa. Thực ra, lòng ông đã phần nào lạnh lẽo (45:26, Theo Bản Hê-bơ-rơ). Khi tin tức về Giô-sép đến, Gia-cốp không những đã được biến đổi mà còn hoàn toàn được đổ đầy sự sống thần thượng. Ông đã trở nên người trưởng thành.

Tiểu sử của Gia-cốp cũng phải trở thành tiểu sử của chúng ta. Chúng ta phải tin rằng mọi điều trong cuộc sống hằng ngày đều ở dưới bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời. Mọi điều xảy đến với Gia-cốp đều vì sự biến đổi và sự trưởng thành của ông. Để được biến đổi, Gia-cốp phải bị ép vào những hoàn cảnh làm cho ông không còn chọn lựa nào ngoài việc phải chịu biến đổi. Như Gia-cốp, sau khi chúng ta được biến đổi, Đức Chúa Trời sẽ dùng con người, sự việc và sự kiện để làm chúng ta trống không về mọi điều đã đầy dẫy, và Ngài lấy đi mọi điều chúng ta chiếm hữu trước đó để chúng ta có thể có một sức chứa lớn hơn hầu được đổ đầy Đức Chúa Trời.

Nếu đọc Sách Sáng Thế Ký nhiều lần, chúng ta sẽ thấy hai phương diện chính trong kinh nghiệm của Gia-cốp là sự biến đổi và sự trưởng thành. Đó không chỉ là vấn đề được chọn, được kêu gọi, được cứu, và được tái sinh. Chúng ta vẫn cần tiến trình biến đổi và tiến trình trưởng thành. Tuy nhiên, không nhiều Cơ-đốc nhân quan tâm đến các vấn đề này. Vì cớ đó, gia tể của Đức Chúa Trời đã bị ngăn trở giữa vòng con cái Ngài. Vì thiếu sự biến đổi và trưởng thành giữa vòng dân Đức Chúa Trời nên chúng ta chưa thấy sự hoàn thành mục đích đời đời của Ngài. Nhưng bây giờ, sự thiếu hụt này đang được bù đắp trong sự khôi phục của Chúa, mà ngày nay đó là sự khôi phục về Christ là sự sống và về Hội Thánh là nếp sống của chúng ta. Trong những ngày sắp đến, nhiều thánh đồ trong sự khôi phục của Chúa sẽ được biến đổi. Thậm chí bây giờ, một số người đang trong tiến trình trưởng thành. Chúa đang hành động giữa vòng chúng ta, trên chúng ta và trong chúng ta để biến đổi và làm chúng ta đến chỗ trưởng thành.

Khi còn trẻ, tôi đã đọc nhiều sách về việc đắc thắng tội lỗi, nhưng không được đọc một sách nào về sự biến đổi. Với chúng ta ngày nay, đó không chỉ là vấn đề đắc thắng tội lỗi. Dầu có đắc thắng mọi tội, anh em vẫn cần được biến đổi. Nếu không được biến đổi, sự đắc thắng tội lỗi không có ý nghĩa nhiều cho gia tể Đức Chúa Trời. Vì gia tể của Đức Chúa Trời, chúng ta không chỉ cần sự đắc thắng tội, mà cũng cần sự biến đổi bản thể và sự đầy dẫy sự sống của Ngài. Đức Chúa Trời đang quan tâm đến sự biến đổi và sự trưởng thành. Đây là nhu cầu của Ngài hôm nay.

Cùng với sự trưởng thành, chúng ta cũng có phương diện cai trị. Đời sống trưởng thành trở nên đời sống cai trị. Chúng tôi đã chỉ ra rằng Gia-cốp và Giô-sép không nên được xem là hai người tách biệt, nhưng là hai phương diện của một người toàn vẹn, là người đã có kinh nghiệm trọn vẹn. Tất cả chúng ta cần phải có phương diện trưởng thành và phương diện cai trị. Thực ra, không phải Giô-sép đang cai trị tại Ai-cập mà là chính Gia-cốp, tức Ítx-ra-ên. Nếu anh em có thể hỏi một người Ai-cập rằng ai đang cai trị, họ sẽ nói đó là một người Hê-bơ-rơ, một người Ítx-ra-ên đang cai trị. Ítx-ra-ên đang cai trị tại Ai-cập vì Ítx-ra-ên đã trưởng thành trong sự sống. Chỉ một đời sống trưởng thành mới có thể được Đức Chúa Trời sử dụng cho Vương Quốc Ngài, cho sự cai trị của Ngài.

Từ kinh nghiệm của Gia-cốp, chúng ta thấy rằng mọi sự xảy đến với chúng ta đều ở dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời để chúng ta được biến đổi và trưởng thành. Không có gì là ngẫu nhiên. Mục đích đời đời của Đức Chúa Trời chỉ có thể được hoàn tất qua sự biến đổi và trưởng thành. Kinh nghiệm của Gia-cốp là một minh họa tuyệt vời cho điều này.

b) Phản Ứng Của Gia-cốp

Thực ra Gia-cốp đã không phản ứng với tất cả những sự xử lý này trong giai đoạn cuối cho sự trưởng thành của ông. Ông không còn những hoạt động của mình nữa. Trái lại, không chút tranh đấu, ông đã hoàn toàn thuận phục hoàn cảnh. Ông tiếp nhận mọi hoàn cảnh xảy ra(43:11,13). Về khả năng bị mất các con, ông nói: “Nếu phải mất các con, thì cha cũng chịu vậy” (43:14). Đây thật là một sự thuận phục!

Trong buổi đầu, Gia-cốp luôn tin cậy vào tài khéo và khả năng của mình. Tuy nhiên, sau những sự xử lý ở giai đoạn cuối, ông không còn tin cậy chính mình, nhưng tin cậy Đức Chúa Trời. Gia-cốp đã đến chỗ nhận biết sự thương xót của Đức Chúa Trời. Trong những kinh nghiệm suốt cả đời mình, cuối cùng ông nhận thức rằng không phải tài khéo hay khả năng của ông, nhưng chính sự thương xót của Đức Chúa Trời mới là điều đáng kể trong các hoàn cảnh. Và ông cũng học được rằng Đức Chúa Trời hay thương xót này không chỉ toàn năng, mà còn toàn túc, để thỏa đáp các nhu cầu của ông trong mọi hoàn cảnh. Do đó, Gia-cốp nói với các con rằng: “Đức Chúa Trời toàn túc sẽ làm các con được thương xót trước mặt người này” (43:14,Theo Bản Hê-bơ-rơ). Bây giờ, sự tin cậy và yên nghỉ của ông hoàn toàn ở trong sự thương xót của Đức Chúa Trời toàn túc, không còn vào chính ông hay khả năng của ông. Ở đây, chúng ta thấy một người đã được biến đổi hoàn toàn để trưởng thành.

 

 

Bài Chín Mươi Bốn

Được Trưởng Thành
 Tiến Trình Trưởng Thành
 (1)

Trong bài vừa qua, chúng tôi đã chỉ ra sự khác nhau giữa sự biến đổi và sự trưởng thành. Biến đổi là sự thay đổi mang tính trao đổi chất trong sự sống, còn trưởng thành là sự đầy đủ trong sự sống. Trưởng thành là giai đoạn cuối của sự biến đổi. Khi đang được biến đổi, chúng ta cũng đang được đổ đầy sự sống. Càng được biến đổi, chúng ta càng được đổ đầy sự sống. Không ai được đổ đầy sự sống mà không được biến đổi. Mức độ đổ đầy tỷ lệ với mức độ được biến đổi. Khi được biến đổi hoàn toàn, chúng ta được đổ đầy sự sống cách đầy đủ.

Từ chương 25 đến 32, chúng ta không thấy có sự thay đổi nào trong đời sống Gia-cốp. Theo ký thuật của chương 25, Gia-cốp bắt đầu tiếm vị ngay trước khi ông được sanh ra. Sự biến đổi của Gia-cốp bắt đầu từ lúc Đức Chúa Trời chạm đến ông. Điều này xảy ra trong chương 32. Dầu trong các chương từ 25 đến 32 không có sự biến đổi, không có sự thay đổi trong sự sống, nhưng các chương này đầy dẫy các sự xử lý. Hãy nhớ rằng Gia-cốp đã trải qua hai mươi năm dưới bàn tay của La-ban. Trong những năm đó, ông chịu hết xử lý này đến xử lý khác. Sau hai mươi năm chịu xử lý, một đêm nọ, tại Phê-ni-ên, Chúa đến và đụng vào phần mạnh nhất của Gia-cốp, bắp vế ông, và Gia-cốp trở nên khập khiễng. Điều này đánh dấu khởi điểm về sự biến đổi của Gia-cốp, và tiến trình biến đổi nầy liên tục từ chương 32 đến chương 37. Trong các chương này, chúng ta thấy bức tranh về cách Gia-cốp được biến đổi. Tuy nhiên, sau thời điểm Gia-cốp mất Giô-sép ở chương 37, chúng ta không thấy thêm sự biến đổi nào trong đời sống Gia-cốp. Lý do cho điều này là lúc đó, sự biến đổi của ông gần như đã hoàn tất. Vì thế, sự trưởng thành của Gia-cốp bắt đầu trong chương 37.

Có ba giai đoạn riêng biệt trong đời sống Gia-cốp: giai đoạn bị xử lý, giai đoạn được biến đổi và giai đoạn trưởng thành. Nếu so sánh ba chương 27,37 và 47 với nhau, anh em sẽ thấy những sự xử lý, biến đổi và trưởng thành. Trong chương 47, sự trưởng thành của Gia-cốp đạt đến đỉnh cao và được hiển lộ đầy đủ. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét sự trưởng thành của Gia-cốp được biểu lộ.

2) Biểu Lộ Sự Trưởng Thành

a) Không Khiển Trách Khi Nghe Giô-sép Vẫn Còn Sống

Dấu hiệu đầu tiên về sự trưởng thành của Gia-cốp là khi nghe tin Giô-sép đang sống tại Ai-cập, ông đã không khiển trách các con mình (45:21-28). Dầu họ đã lập mưu giết Giô-sép, cuối cùng đã bán ông làm nô lệ, rồi lừa dối cha về điều đó, nhưng Gia-cốp đã không khiển trách họ. Nếu chưa trưởng thành, hẳn ông sẽ nói: “Các con đã làm gì cho cha? Các con không biết rằng các con gần như đã giết cha sao?” Nhưng theo ký thuật trong chương 45, Gia-cốp đã không khiển trách ai.

Sáng Thế Ký 45:26-27 đề cập đến lòng và linh của Gia-cốp. Dầu một số người gọi là Cơ-đốc nhân đã nghĩ rằng linh và lòng là như nhau, nhưng bởi ánh sáng thật của Kinh Thánh, chúng ta biết rằng lòng là lòng và linh là linh. Câu 26 nói: “Lòng của Gia-cốp đã trở nên tê dại” (Theo Bản Hê-bơ-rơ) và câu 27 nói: “linh của Gia-cốp, cha họ, được hưng phấn”. Khi nghe tin vui về Giô-sép, lòng Gia-cốp trở nên tê dại. Một số bản dịch nói rằng lòng ông đã trở nên lạnh lẽo. Tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là tê dại, không có cảm xúc, không có nhận biết. Dầu lòng Gia-cốp đã tê dại, nhưng linh ông lại được hưng phấn.

Chúng ta cần giống như Gia-cốp. Trong hoàn cảnh nào đó, lòng chúng ta nên tê dại và linh nên hưng phấn. Gần đây, nhiều người trẻ đã “say” Christ. Nhưng tôi muốn hỏi họ những câu này: Lòng anh em có tê dại không? Anh em được hưng phấn trong linh hay trong lòng? Tôi không chắc rằng họ đã được hưng phấn trong linh. Có lẽ sự sôi nổi của họ là sự pha trộn giữa linh với lòng. Sự pha trộn này cho thấy không có sự phân chia giữa hồn và linh. Theo Hê-bơ-rơ 4:12, linh phải được chia khỏi hồn. Một thánh đồ trưởng thành là người được hưng phấn, sống động và phấn khởi trong linh, nhưng tê dại trong lòng. Linh chúng ta phải như một bếp lò rực lửa, nhưng lòng phải là một tủ lạnh.

Khi còn non trẻ trong sự sống thuộc linh, chúng ta chủ yếu hưng phấn trong lòng và tê dại trong linh. Càng non trẻ, anh em càng hưng phấn trong lòng và tê dại trong linh. Nhưng khi lớn lên, anh em phần nào tê dại trong lòng và hưng phấn trong linh. Trong chương 45, chúng ta thấy Gia-cốp là một thánh đồ trưởng thành. Do đó, Kinh Thánh nói rằng lòng ông đã tê dại, nhưng linh ông hưng phấn. Điều này biểu lộ sự trưởng thành của Gia-cốp. Một câu nói như vậy về lòng và linh chỉ có thể được tìm thấy trong Kinh Thánh chứ không trong bất kỳ văn phẩm thế tục nào.

Vì lòng của Gia-cốp trở nên tê dại và linh được hưng phấn nên ông đã không khiển trách người nào hay điều gì. Trong lòng, ông không còn cảm xúc, cảm nhận hay phản ứng nào. Sự sống hồn của ông đã hoàn toàn chết và lòng ông giống như khúc gỗ. Vì lòng và linh của Gia-cốp đã phân chia nên tin vui về Giô-sép đã tạo nên sự hưng phấn cho linh mà không tạo nên sự khuấy động cho lòng ông.

Đừng nghĩ rằng tôi có ý định làm nguội lạnh sự sôi nổi của những người trẻ. Không, người trẻ phải sôi nổi. Trẻ con là trẻ con, cha là cha, ông là ông. Khi một người đáng tuổi làm ông mà sôi nổi thì thật trẻ con làm sao! Trẻ con là những người cần phải sôi nổi. Nếu không, có lẽ chúng đã mắc bệnh trong thể chất hay tinh thần. Những đứa trẻ khỏe mạnh luôn dễ bị phấn khích.

Gần đây, khi từ châu Âu về, tôi đã đem vài kỷ vật về cho hai cháu tôi. Một đứa, cháu trai bảy tuổi, tôi cho cái kẹp hạt dẻ, và đứa kia, nhỏ hơn bốn tuổi, tôi cho một chiếc xe hơi nhỏ bằng đồ chơi. Chúng hứng thú đến nỗi hầu như không ăn, không ngủ hay không đứng yên. Thậm chí đứa lớn đem cái kẹp hạt dẻ đến trường để cho thầy giáo và bạn bè xem. Chúng tôi rất vui khi thấy sự phấn khởi của các cháu, vì đó là dấu hiệu cho thấy chúng đang sống động và khỏe mạnh. Tuy nhiên, giả sử tôi tặng món quà như vậy cho một trưởng lão và trong sự phấn khởi, anh đem khoe với các trưởng lão khác. Nếu anh đó làm vậy, tôi không biết anh đó có phải là một trưởng lão đúng đắn không. Một người lớn mà phấn khích như vậy thì không đúng. Trái lại, vì những người trẻ là trẻ nên họ cần phải phấn khích.

Vì Gia-cốp không phấn khích nên ông không khiển trách người khác về việc mất Giô-sép. Không ai có thể học điều này chỉ bằng cách được dạy dỗ. Dạy dỗ điều đó hoàn toàn không công hiệu. Nếu tôi dạy cho đứa cháu bảy tuổi rằng không được mắng em, chắc không hiệu quả. Hễ tôi quay lưng, nó sẽ mắng ngay. Vì nó ở độ tuổi hay mắng em và có sự sống hay mắng em, nên không thể không mắng em. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không nên rèn luyện con cái. Chúng ta phải kỷ luật chúng. Nhưng học tập không khiển trách người khác tùy thuộc vào sự lớn lên của sự sống, không tùy thuộc vào sự dạy dỗ bên ngoài.

Trong Sáng Thế Ký chương 45, chúng ta thấy một thánh đồ không giả vờ, không biểu diễn hay đóng kịch. Vì đã bước vào sự trưởng thành nên lòng ông tê dại và ông không khiển trách người khác. Một số người có thể nghĩ rằng câu 26 ngụ ý lòng của Gia-cốp đã bị “sốc” về tin vui đó và trở nên tê dại. Tôi không tin điều này. Khi một thanh niên nhận được tin “sốc”, thì tâm trí, tình cảm và ý chí người đó vẫn hoạt động. Ít ra là không bị tê dại. Tôi đã thấy một số người bị “sốc” nặng, dầu vậy hồn của họ vẫn rất năng động. Nhưng khi Gia-cốp, một ông già, nhận được tin vui về Giô-sép, ông đã không phản ứng gì: lòng ông đã tê dại. Đây là dấu hiệu về sự trưởng thành trong sự sống của Gia-cốp.

Thưa các bạn trẻ, đừng cố gắng bắt chước sự trưởng thành này. Không cần phải đóng kịch. Anh em là người trẻ, không phải là các cha hay các ông. Do đó, đừng cố gắng cư xử như đã đến tuổi làm ông. Đừng hành động như thể anh em đã tê dại trong lòng và hưng phấn trong linh. Tôi đánh giá cao việc các cháu tôi phấn khích, vì cách cư xử đó là đúng đắn, tự nhiên và tự phát. Đó không phải là biểu diễn. Các bạn trẻ không nên bối rối bởi bài này về sự biểu lộ của sự trưởng thành. Tôi nói một lần nữa, các bạn trẻ cần phấn khích. Nếu một người trẻ không phấn khích, người ấy không bình thường. Đừng đòi hỏi mình phải trưởng thành hơn điều mình là. Sự giả vờ chỉ làm cho chết.

b) Dâng Các Sinh Tế Cho Đức Chúa Trời Tại Bê-e-sê-ba 
Trước Khi Đi Gặp Giô-sép

Sáng Thế Ký 46:1 chép: “Ítx-ra-ên đi ra, đem theo các tài vật mình. Đến Bê-e-sê-ba, người bày các của lễ dâng cho Đức Chúa Trời của Y-sác, cha mình”. Trong 35:1, Đức Chúa Trời bảo Gia-cốp chỗi dậy và đi lên Bê-tên, ở đó lập một bàn thờ cho Ngài. Nhưng trong 46:1, Gia-cốp tự đến Bê-e-sê-ba để dâng các sinh tế. Câu này không nói rằng ông dâng một sinh tế, nhưng nói ông “dâng các sinh tế”. Ông đến Bê-e-sê-ba vì mục đích dâng các sinh tế cho Đức Chúa Trời. Câu này không bảo rằng Gia-cốp đã cầu nguyện, ngợi khen hay cảm tạ Đức Chúa Trời. Trái lại, chỉ nói ông đã dâng các sinh tế. Gia-cốp làm như vậy để có sự tương giao thật với Đức Chúa Trời. Nói theo thuật ngữ Tân Ước, Gia-cốp đã vì sự thỏa lòng của Đức Chúa Trời, dâng Đấng Christ mà ông đã kinh nghiệm trong nhiều phương diện. Đây là sự thờ phượng mà Đức Chúa Trời khao khát nhận được từ chúng ta, nhưng sự thờ phượng này lại có quan hệ đến sự lớn lên trong sự sống của chúng ta. Khi trưởng thành, chúng ta sẽ thường xuyên thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách này. Đức Chúa Trời không đòi Gia-cốp đến Bê-e-sê-ba và dâng các sinh tế. Gia-cốp đã tự nguyện đến đó để dâng Christ vì sự thỏa lòng của Đức Chúa Trời.

Câu tiếp theo chép: “Và Đức Chúa Trời đã phán với Ítx-ra-ên trong các khải tượng của đêm đó”. Xin lưu ý rằng câu này không nói về một khải tượng, mà là các khải tượng. Trong đêm đó tại Bê-e-sê-ba, Đức Chúa Trời đã hiện ra với Gia-cốp ít nhất hai lần và phán với ông. Khi còn non trẻ trong sự sống, chúng ta thường nói: “Chúa ơi, ý của Ngài là gì? Hãy cho con biết điều Ngài muốn con làm”. Tuy nhiên, trong chương 46, Gia-cốp không nói như vậy. Thay vì xin Đức Chúa Trời hướng dẫn, ông đã dâng các sinh tế để Ngài thỏa lòng. Và trong đêm đó, Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông. Ở đây, chúng ta thấy loại tương giao mà một thánh đồ trưởng thành trong sự sống đã có với Đức Chúa Trời. Không cầu nguyện, không ngợi khen, không dâng lời cảm tạ hay tìm kiếm điều gì, thay vào đó là dâng Đấng Christ cho Đức Chúa Trời để Ngài được vui thỏa. Trong loại thờ phượng này, Gia-cốp đã có sự tương giao với Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông. Chắc chắn đây là một sự biểu lộ khác về sự trưởng thành của Gia-cốp.

Chúng ta không thể bắt chước mức độ sự sống của Gia-cốp. Mức độ sự sống luôn luôn quan hệ đến sự lớn lên trong sự sống. Nếu không có sự lớn lên này, chúng ta hoàn toàn không thể đạt đến mức ấy. Dầu có thể giả vờ, trình diễn hay đóng kịch, anh em vẫn không thể có mức độ sự sống mà mình bắt chước. Vì thế, tất cả chúng ta cần phải lớn lên. Khi lớn lên đến một mức độ sự sống nào đó, tự phát chúng ta sẽ có sự biểu lộ của sự sống liên quan đến mức độ sự sống đó.

c) Khi Gặp Giô-sép, Không Có Sự Phấn Khích 
Làm Lộ Ra Sự Phóng Túng Của Bản Ngã

Một dấu hiệu khác về sự trưởng thành của Gia-cốp là khi gặp Giô-sép, ông không có sự phấn khích lộ ra sự phóng túng của bản ngã (46:28-30). Gia-cốp đã không phấn khích vì lòng ông đã trở nên tê dại. Những người trẻ phấn khích là đúng, nhưng không nên phóng túng trong sự phấn khích đó. Vẫn cần có một kiểm chế nào đó. Đôi khi các cháu tôi phóng túng trong sự phấn khích đến nỗi gây thiệt hại. Một đứa đã phấn khích đến nỗi đi trên bàn. Đứa trẻ nào có sự phóng túng như thế thì cần được kỷ luật. Tuy nhiên, anh em, những người trẻ, phải sôi nổi lên, và các Hội Thánh, các phòng nhóm nào có nhiều người trẻ sẽ là một nơi nhóm sôi nổi. Thậm chí anh em có thể “nhảy đụng mái nhà” vì sự sôi nổi của mình.

Các bạn trẻ càng sôi nổi càng tốt; vì càng sôi nổi, họ càng lớn nhanh. Tôi chưa bao giờ thấy đứa trẻ bại liệt nào lớn nhanh cả. Trẻ con cần phải năng động và sôi nổi. Điều này cho thấy chúng đang sống động, khỏe mạnh và bình thường. Tôi thích sự sôi nổi của những người trẻ vì đó là dấu hiệu về sự bình thường của họ. Điều này đảm bảo rằng họ sẽ lớn lên. Tuy nhiên, trong sự sôi nổi, không nên có bất cứ sự phóng túng hay vô trật nào. Giữa sự sôi nổi đó, linh anh em có thể nói: “Hãy cẩn thận. Đừng quá trớn”. Sự kiểm chế này là đúng.

Thưa các bạn trẻ, tôi khích lệ các bạn sôi nổi lên. Dầu đã lớn tuổi, tôi không thích ở trong buổi nhóm của những người già cỗi. Tôi thích dự buổi nhóm của những người trẻ và ở trong một Hội Thánh đầy những người trẻ. Dầu có thể họ chưa được biến đổi hay trưởng thành, nhưng họ sống động. Sự hiện diện của sự sống cho tôi sự tin chắc rằng cuối cùng sự lớn lên, sự biến đổi và sự trưởng thành sẽ đến.

d) Không Xin Gì Sau Khi Đến Ai-cập

Sau khi đến Ai-cập, Gia-cốp đã không xin bất cứ điều gì. Tuy nhiên, khi còn trẻ, ông đã xin khi đến bất cứ đâu. Không những xin, ông còn tiếm đoạt của người khác và cướp của họ. Gia-cốp muốn chiếm được mọi điều cho ông. Nếu ông ở với anh em, không sớm thì muộn, những gì trong túi anh em sẽ chạy sang túi ông.

Vào những năm đầu, Gia-cốp đã cướp của cha, của anh, của cậu và thậm chí của vợ. Cuối cùng, khi đã già, chính ông đã bị cướp và bị tước đoạt ngay cả các con. Nhưng trong sự trưởng thành, ông đã không xin bất cứ gì. Sau khi đến Ai-cập, ông có một địa vị, một tư thế để cầu xin mọi điều. Tuy nhiên, ông đã không xin bất cứ điều gì. Đây là dấu hiệu mạnh mẽ của sự trưởng thành. Một người trưởng thành thì không đòi hỏi. Thay vì đòi hỏi, yêu cầu hay nài xin, Gia-cốp đã đưa tay chúc phước cho người khác. Nếu nài xin, yêu cầu và đòi hỏi, điều đó chứng tỏ chúng ta còn non trẻ trong sự sống. Là những thánh đồ, chúng ta không nên đòi hỏi nhau. Tuy nhiên, điều này không thể là biểu diễn; đó phải là kết quả của sự trưởng thành trong sự sống.

Trong bất cứ gia đình nào, trẻ con là người hay đòi hỏi, đòi hỏi nhiều hơn bất kỳ ai khác. Trái lại, ông nội thì không đòi hỏi gì; thay vì thế, ông thường ban cho. Nhưng suốt ngày các đứa nhỏ hay xin kẹo, đòi bánh, muốn đồ chơi. Các cháu tôi thường đòi bà nhiều thứ. Càng trẻ, anh em càng có nhiều đòi hỏi. Anh em có thể đòi hỏi các trưởng lão và anh chị em khác, nhưng không bao giờ đòi hỏi chính mình. Điều này chứng tỏ anh em giống như em bé. Một em bé không làm gì ngoài việc đòi hỏi. Trong khi Chúa cần thời gian để trả lời sự cầu nguyện của tôi, thì những lời cầu nguyện của con trẻ phải được trả lời ngay. Có nhiều đòi hỏi là một dấu hiệu cho thấy anh em còn non trẻ.

Sự cầu thay quá đáng cũng có thể là dấu hiệu của sự chưa trưởng thành. Một số thánh đồ trẻ nghĩ rằng các trưởng lão không khiêm nhường hay không siêng năng đủ, nên họ cầu thay cho các trưởng lão đó theo cách trẻ con. Không cầu thay cho các trưởng lão theo cách này là bằng chứng anh em đã trưởng thành. Cầu thay cho các trưởng lão cách không đúng đắn chứng tỏ anh em còn non trẻ. Càng cầu thay cho họ, anh em càng ít trưởng thành. Nếu không cầu thay cho họ theo cách như vậy, hẳn là anh em đã trưởng thành hơn.

Nhiều lời cầu nguyện cho Hội Thánh cũng còn non trẻ. Một số thánh đồ cầu nguyện: “Chúa ơi, con không dám kể cho Ngài về Hội Thánh. Nhưng thưa Chúa, Ngài biết tình trạng đó. Chúa ơi, về điều đó, xin hãy làm điều gì đi”. Loại cầu nguyện này thực ra là lời lên án Hội Thánh. Khi cầu nguyện như vậy, anh em đang kiện cáo Hội Thánh. Loại cầu nguyện này là xin Chúa xử lý Hội Thánh. Anh em cầu nguyện rất nhiều cho Hội Thánh, vì trong cái nhìn của anh em, Hội Thánh không thỏa đáp những đòi hỏi của mình. Tuy nhiên, Phao-lô đã không cầu nguyện cho Hội Thánh theo cách này. Cách đây năm mươi năm, tôi cũng đã cầu nguyện theo cách khiển trách, nài xin, đòi hỏi và kiện cáo. Nhưng Chúa có thể làm chứng cho tôi rằng trong sáu tháng qua, tôi đã không cầu nguyện cho các trưởng lão tại Anaheim. Điều này không có nghĩa là họ đã hoàn hảo nhưng tôi không đòi hỏi họ và bên trong không bị họ làm bực mình.

Đừng cố gắng bắt chước đặc điểm trưởng thành này. Đừng nói: “Anh Lý đã bảo chúng tôi rằng, trong sáu tháng, anh đã không cầu nguyện cho các trưởng lão. Từ nay trở đi, tôi cũng không cầu nguyện cho họ nữa”. Nếu anh em có thể không tiếp tục cầu thay cho các trưởng lão trong sáu tháng, đó là dấu hiệu cho thấy anh em đã lớn lên. Điều đó bày tỏ rằng anh em không xin hay đòi hỏi gì.

e) Không Có Hoạt Động Nào Cho Chính Ông 
Trong Khi Sống Tại Ai-cập

Khi đến Ai-cập, Gia-cốp đã không nhúng tay vào bất cứ hoạt động nào cho chính mình. Điều này cũng biểu lộ sự trưởng thành của ông. Đừng nghĩ rằng Gia-cốp lười biếng, mệt mỏi hay thiếu năng lực hoạt động. Nếu không thể làm được điều gì, ông có thể ra lịnh để các con làm thay cho. Tuy nhiên, ông đã không làm như vậy. Trái lại, ông thỏa lòng hoàn toàn và nương dựa tuyệt đối vào sự tể trị của Đức Chúa Trời. Ông không lệ thuộc vào nỗ lực của chính mình. Qua nhiều năm kinh nghiệm, ông đã đến chỗ nhận biết rằng phần định của ông ở trong tay Đức Chúa Trời, không ở trong tay ông. Khi Gia-cốp sắp chúc phước cho hai con của Giô-sép, ông nói về Đức Chúa Trời là Đấng đã chăn dắt ông trọn cuộc đời (48:15-16,Theo Bản Hê-bơ-rơ). Lời của Gia-cốp trong 48:15-16 là lời đề cập đến Đức Chúa Trời Tam–Nhất. Ở đây chúng ta thấy Đức Chúa Trời Tam–Nhất trong kinh nghiệm của Gia-cốp chứ không trên giáo lý. Trong các câu này, Gia-cốp nói: “Cầu xin Đức Chúa Trời mà tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác đã bước đi, là Đức Chúa Trời đã chăn dắt tôi trọn đời cho đến ngày nay, là Thiên Sứ đã cứu chuộc tôi khỏi kẻ ác, hãy ban phước cho hai đứa trẻ này”. Ở đây, chúng ta thấy một sự đề cập có ba phương diện về Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời mà trước đây Áp-ra-ham và Y-sác đã bước đi, Đức Chúa Trời đã chăn dắt Gia-cốp trọn đời, và Thiên Sứ đã giải cứu ông khỏi kẻ ác. Đức Chúa Trời mà trước đây Áp-ra-ham và Y-sác đã bước đi phải là Cha; Đức Chúa Trời đã chăn dắt Gia-cốp trọn đời phải là Linh; và Thiên Sứ đã giải cứu ông khỏi mọi kẻ ác phải là Con. Đây là Đức Chúa Trời Tam–Nhất trong kinh nghiệm của Gia-cốp.

Gia-cốp đã kinh nghiệm sự tể trị, sự chăm sóc mang tính chăn dắt của Đức Chúa Trời. Sự chăn dắt bao gồm sự nuôi dưỡng. Người chăn đáp ứng mọi nhu cầu của bầy là những người chỉ có ăn và yên nghỉ. Mọi sự cung ứng để họ tồn tại đều đến từ người chăn. Ví dụ về người chăn là một minh họa tuyệt vời về sự nhận thức của Gia-cốp rằng phần định và sự hiện hữu của ông tuyệt đối ở trong tay của Đức Chúa Trời Chăn Dắt. Do đó, sau khi trưởng thành và đến Ai-cập, ông đã không làm gì cho chính mình. Đây là một dấu hiệu khác về sự trưởng thành trong sự sống.

f) Luôn Luôn Chúc Phước Cho Người Khác

Bây giờ, chúng ta đến dấu hiệu mạnh mẽ nhất trong sự trưởng thành của Gia-cốp: chúc phước cho người khác. Điều đầu tiên Gia-cốp làm sau khi đến Ai-cập là chúc phước cho Pha-ra-ôn (47:7,10). Dầu là người có địa vị cao nhất trên đất, nhưng Pha-ra-ôn lại ở dưới bàn tay chúc phước của Gia-cốp. Theo Hê-bơ-rơ 7:7, “bậc trên chúc phước cho bậc dưới”. Do đó, sự kiện Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn là một bằng chứng rằng ông là người lớn hơn Pha-ra-ôn. Sau khi được dẫn vào yết kiến Pha-ra-ôn, Gia-cốp không nói với vua theo cách lịch sự, mang tính chính trị. Ông đã giơ tay ra chúc phước cho vua. Điều này hoàn toàn khác với văn hóa và tôn giáo loài người. Khi rời khỏi Pha-ra-ôn, Gia-cốp đã chúc phước cho vua một lần nữa.

Chúc phước là tuôn đổ sự sống, tuôn đổ Đức Chúa Trời qua sự trưởng thành của người đó trong sự sống. Để chúc phước cho người khác, chúng ta phải đầy ắp sự sống để sự sống ấy tuôn tràn đến họ. Bởi có sự tuôn tràn sự sống như vậy, Gia-cốp đã chúc phước cho Pha-ra-ôn và hai con trai của Giô-sép (48:8-20).

Y-sác, cha Gia-cốp, đã chúc phước cách mù quáng. Nhưng sự chúc phước của Gia-cốp trên hai cháu mình, Ép-ra-im và Ma-na-se, thì đầy sự sáng suốt. Dầu đôi mắt thuộc thể đã mờ, nhưng linh của ông thật tinh tường (48:10). Giô-sép đem hai con đến với Gia-cốp, đặt Ma-na-se, con trưởng ở tay hữu, và Ép-ra-im ở tay trái của Gia-cốp. Giô-sép muốn Gia-cốp đặt tay hữu trên đầu Ma-na-se còn tay trái trên đầu Ép-ra-im. Nhưng bởi Gia-cốp sáng tỏ bên trong về điều mình đang làm, nên đã tréo tay và đặt tay hữu trên đầu Ép-ra-im. Giô-sép không vui về điều này và nói: “Không phải vậy, cha. Đứa này đầu lòng, để tay hữu cha trên đầu nó mới đúng chớ” (48:8). Nhưng Gia-cốp không chịu và nói: “Cha biết, con trai ta, cha biết điều đó”. Gia-cốp đã điều khiển đôi tay cách cố ý và am tường. Không như Y-sác, cha ông, Gia-cốp đã không chúc phước cách mù quáng. Vì đã trưởng thành và là một với Đức Chúa Trời trong sự sống, nên ông rất sáng tỏ trong linh. Trong linh, ông biết rằng lập Ép-ra-im trên Ma-na-se là ý chỉ của Đức Chúa Trời.

Sau này, chúng ta sẽ thấy đời sống trưởng thành của Gia-cốp đầy dẫy sự chúc phước. Gia-cốp đã chúc phước cho mười hai con trai và những lời chúc phước đó là các lời tiên tri có liên quan đến phần định của mười hai chi phái Ítx-ra-ên. Gia-cốp đã đầy dẫy sự sống đến nỗi ông tuôn tràn các phước hạnh cho mọi người ông gặp. Đây là biểu lộ mạnh mẽ nhất về sự trưởng thành trong sự sống của Gia-cốp.

 

 

 

 

Bài Chín Mươi Lăm

Sự Chúc Phước

 

Như chúng tôi đã nhiều lần lưu ý, Sáng Thế Ký là Sách về các hạt giống. Hầu như mỗi điều trong Sách này là một hạt giống được phát triển trong các Sách tiếp theo của Kinh Thánh. Điều này cũng đúng với vấn đề chúc phước. Bài này là một phần mở ngoặc khác trong [loạt bài] Nghiên Cứu Sự Sống, chúng ta sẽ xem xét hạt giống về sự chúc phước được gieo trong Sáng Thế Ký và sự phát triển của hạt giống này trong Cựu Ước và Tân Ước.

I. Nguyên Tắc Của Sự Chúc Phước

Hê-bơ-rơ 7:7 chép: “Vả, bậc trên chúc phước cho bậc dưới, ấy là lẽ không cãi được”. Trong câu này, chúng ta thấy nguyên tắc của sự chúc phước: bậc trên chúc phước cho bậc dưới. Bậc trên hay bậc dưới không chủ yếu là vấn đề tuổi tác. Đó là vấn đề mức lượng về Christ. Chúng ta là bậc trên hay bậc dưới tùy theo mức lượng Christ của chúng ta. Trong Ma-thi-ơ 11:11, Chúa Jesus phán: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, trong những người do đàn bà sanh ra, không có ai dấy lên lớn hơn Giăng Báp-tít; nhưng kẻ nhỏ hơn hết trong Vương Quốc thiên thượng còn lớn hơn người”. Ở đây Chúa Jesus phán rằng Giăng Báp-tít lớn hơn tất cả những người trước ông. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Vương Quốc thiên thượng lại lớn hơn Giăng. Lý do Giăng lớn hơn những người trước mình là vì ông rất gần với Christ. Dầu Áp-ra-ham lớn, nhưng ông đã không thấy Christ. Tuy nhiên, Giăng Báp-tít đã thấy Ngài. Nhưng dầu rất gần với Christ, Giăng vẫn không có Christ bên trong. Những ai ở trong Vương Quốc Các Từng Trời không những gần với Christ mà còn có Christ bên trong. Vì cớ đó, người nhỏ nhất trong Vương Quốc Các Từng Trời lớn hơn Giăng. Những người vĩ đại trong Cựu Ước có thể nói rằng Christ sắp đến, và Giăng Báp-tít có thể nói rằng Christ đang ở trước mặt. Nhưng tất cả chúng ta trong Vương Quốc Các Từng Trời các từng trời có thể nói rằng Christ đang ở bên trong mình. Thậm chí chúng ta có thể nói: “Đối với tôi, sống là Christ” (Phi. 1:21). Vì thế, chúng ta gần Christ hơn Giăng Báp-tít và tất cả những người trước Giăng.

Việc lớn hơn hay nhỏ hơn tùy thuộc vào mức lượng Christ của chúng ta. Nếu có nhiều Christ, anh em lớn hơn. Nếu có ít Christ, anh em nhỏ hơn. Nếu bởi có Christ nhiều hơn, chúng ta lớn hơn người khác, thì khi ấy, chúng ta có đủ tư cách để chúc phước cho họ; vì người trên luôn chúc phước cho người dưới. Lý do cho điều này là người lớn hơn có mức lượng Christ lớn hơn để cung ứng cho người khác. Nếu anh em lớn hơn tôi, điều đó có nghĩa là anh em có phần Christ lớn hơn tôi. Nếu vậy, anh em phải có điều gì đó của Christ nhiều hơn để cung ứng cho tôi. Chúc phước cho người khác có nghĩa là cung ứng Christ cho họ. Những ai chỉ có một lượng nhỏ Đấng Christ thì cần sự chúc phước của những người có mức lượng lớn hơn. Chúng ta chúc cho họ bằng chính Đấng Christ mà chúng ta đã dự phần và vui hưởng. Nếu vui hưởng Christ nhiều hơn, chúng ta có Christ nhiều hơn để cung ứng cho người khác. Việc cung ứng Christ như vậy là chúc phước

II. Ý Nghĩa Của Sự Chúc Phước

Có một định nghĩa đúng đắn về sự chúc phước thật là khó. Cách đây nhiều năm, tôi chỉ có thể nói sự chúc phước là xin hay muốn điều gì đó tốt đẹp cho người khác. Nhưng sau nhiều năm kinh nghiệm, tôi có thể nói rằng chúc phước là sự tuôn đổ Đức Chúa Trời qua sự trưởng thành trong sự sống của ai đó. Đức Chúa Trời không thể tuôn đổ chính Ngài vào trong người khác mà không có ống dẫn là con người. Nếu Christ không bao giờ nhục hóa, Đức Chúa Trời sẽ không thể nào tuôn chảy đến con người, vì không có ống dẫn. Sự tuôn chảy của Đức Chúa Trời cần con người làm ống dẫn. Người duy nhất Đức Chúa Trời có thể sử dụng làm ống dẫn là người được dầm thấm và lan tỏa Đức Chúa Trời. Vì lý do này, Gia-cốp đã không chúc phước cho ai mãi đến khi ông trưởng thành. Gia-cốp đã không chúc phước cho Ê-sau và La-ban. Ngay cả sau hai mươi năm ở với La-ban, khi gặp lại Ê-sau, anh mình, ông cũng không chúc phước cho anh. Chỉ mãi đến khi xuống Ai-cập, tại đó ông mới chúc phước cho Pha-ra-ôn, vua cao nhất trên đất (47:7,10). Lúc đó, Gia-cốp đầy dẫy Đức Chúa Trời. Qua việc Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn, phước hạnh của Đức Chúa Trời đã tuôn tràn cho Pha-ra-ôn.

Một em bé hai tuổi không thể chúc phước cho ai; tuy nhiên, một đứa bảy hay tám tuổi có thể thể hiện một loại chúc phước nào đó. Điều này minh họa việc chúc phước cho người khác tùy thuộc vào sự trưởng thành trong sự sống. Sự trưởng thành trong sự sống là vấn đề được đổ đầy Đức Chúa Trời. Khi đầy dẫy Đức Chúa Trời, anh em sẽ có sự tuôn đổ Đức Chúa Trời và bởi đó, anh em có thể chúc phước cho mọi người mình gặp. Cách đây nhiều năm, tôi không thể nói lời như vậy về sự chúc phước. Sự hiểu biết về sự chúc phước này không đến từ việc đọc sách; mà chỉ đến từ kinh nghiệm.

III. Trường Hợp Chúc Phước Đầu Tiên

Trường hợp chúc phước đầu tiên trong Kinh Thánh là Mên-chi-xê-đéc chúc phước cho Áp-ra-ham (14:18-20). Mên-chi-xê-đéc là hình bóng về Christ. Do đó, việc Mên-chi-xê-đéc đến với Áp-ra-ham là việc Christ đến với chúng ta. Mên-chi-xê-đéc đến với Áp-ra-ham cùng với bánh và rượu, giống như Chúa cũng đến với chúng ta cùng với Bánh và Rượu. Hơn nữa, Mên-chi-xê-đéc đã đến như thầy tế lễ đời đời, và Christ đã trở thành Thầy Tế Lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc đời đời (Hêb. 5:6). Thầy tế lễ đem con người đến với Đức Chúa Trời. Nếu muốn chúc phước cho người khác, anh em phải là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Sau này, chúng ta sẽ thấy trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã truyền cho các thầy tế lễ phải chúc phước cho dân Ngài. Chúc phước là tuôn đổ Đức Chúa Trời và sự tuôn đổ này đến với con người qua các thầy tế lễ. Sự chúc phước đầu tiên được một thầy tế lễ thực hiện. Tất cả chúng ta cần là những thầy tế lễ, những người đem con người đến với Đức Chúa Trời.

Nếu muốn chúc phước cho người khác, chính chúng ta phải gần gũi Đức Chúa Trời.Chúng ta phải là những thầy tế lễ đem người khác đến với Đức Chúa Trời. Con người cần sự chúc phước của Đức Chúa Trời vì họ xa cách Ngài. Thầy tế lễ là người xóa bỏ khoảng cách giữa Đức Chúa Trời với con người; đem những người xa cách Đức Chúa Trời vào trong sự hiện diện của Ngài. Trên vai của thầy tế lễ thượng phẩm là hai viên mã não khắc tên mười hai chi phái Ítx-ra-ên, và trên bảng đeo ngực có mười hai viên đá, cũng khắc tên của mười hai chi phái (Xuất. 28:9-12,15-21). Hễ khi nào thầy tế lễ thượng phẩm bước vào Nơi Chí Thánh, ông phải mang bảng đeo ngực và đai vai. Điều này cho thấy ông đem dân Ítx-ra-ên vào trong hiện diện của Đức Chúa Trời. Tất cả chúng ta đều biết rằng thầy tế lễ là người phục sự Đức Chúa Trời, nhưng có thể chúng ta chưa bao giờ thấy rằng ông cũng là người xóa bỏ khoảng cách giữa dân Ngài với Đức Chúa Trời. Trước khi được thầy tế lễ chúc phước, có thể có một khoảng cách giữa anh em và Đức Chúa Trời. Nhưng sau khi ông chúc phước cho anh em, khoảng cách này được cất đi và anh em được đem vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời để dự phần vui hưởng Ngài. Khi Mên-chi-xê-đéc chúc phước cho Áp-ra-ham, sự chúc phước đó đem ông vào trong hiện diện của Đức Chúa Trời. Thậm chí Mên-chi-xê-đéc đến và nói: “Nguyện Đức Chúa Trời Chí Cao ban phước cho Áp-ra-ham” (14:19). Nếu đọc cẩn thận Sáng Thế Ký chương 14, anh em sẽ thấy Mên-chi-xê-đéc đã chúc phước cho Áp-ra-ham không bằng điều gì khác hơn là Đức Chúa Trời. Ông không nói: “Chúc cho ông được ngôi nhà đẹp”; cũng không nói: “Chúc cho ông có hai con trai”. Thay vì thế, ông nói: “Nguyện Đức Chúa Trời Chí Cao ban phước cho ngươi”. Theo cách này, Mên-chi-xê-đéc đã đem Áp-ra-ham đến gần Đức Chúa Trời hơn.

IV. Sự Chúc Phước Của Các Thầy Tế Lễ

Trong Dân Số Ký 6:23-27, chúng ta thấy kiểu mẫu về sự chúc phước. Ở đây, Đức Chúa Trời truyền cho các thầy tế lễ phải chúc phước cho dân sự bằng cách nói với họ: “Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi và làm ơn cho ngươi! Đức Giê-hô-va ngẩng mặt Ngài trên ngươi và ban bình an cho ngươi!” Phước hạnh ở đây không phải một hay hai phương diện mà là ba. Phước hạnh này gồm ba phương diện vì đó là vấn đề ban phát Đức Chúa Trời vào trong con người. Điều này có quan hệ đến Đấng Tam Nhất: Cha, Con và Linh. Đấng Tam Nhất không phải là vấn đề giáo lý; đó là vấn đề ban phát chính Đức Chúa Trời vào trong dân Ngài.

Trong Dân Số Ký chương 6, phương diện thứ nhứt của phước hạnh có quan hệ đến sự chúc phước và quyền năng gìn giữ của Đức Chúa Trời Cha. Phương diện thứ hai có liên quan đến gương mặt chói sáng của Đức Chúa Trời Con và ân điển Ngài. Từ “làm ơn” trong Dân Số Ký 6:25 theo tiếng Hê-bơ-rơ mang ý nghĩa nhiều hơn từ đó trong tiếng Anh. Nghĩa của từ này theo tiếng Hê-bơ-rơ là đoái hoài đến những người thấp hèn bằng sự nhơn từ. Điều này cho thấy rằng bởi việc trở thành Người, Thân Vị Thứ Hai trong Đấng Tam Nhất đã hạ mình xuống trong sự nhơn từ để đến với chúng ta, những kẻ thấp hèn. Khi trở thành người, chắc chắn Ngài đã từ các từng trời cúi xuống.Đó là ân điển.

Tôi thích cụm từ “làm cho mặt Ngài chiếu sáng trên ngươi”. Anh em đã kinh nghiệm điều này chưa? 2Cô-rin-tô 4:6 nói rằng vinh hiển của Đức Chúa Trời chiếu sáng nơi mặt của Jesus Christ. Jesus là sự sáng thật, là chính Đức Chúa Trời (Giăng 8:12; 1Giăng 1:5). Chính Đức Chúa Trời là Sự Sáng chiếu trên chúng ta nơi mặt của Jesus Christ. Vì vậy, phương diện thứ hai của phước hạnh tam diện có liên quan đến Đức Chúa Trời Con, Đấng đã hạ mình trong sự nhơn từ, đoái thăm chúng ta để chúng ta có thể nhận được ân điển. Giăng 1:14 nói: “Lời đã trở nên xác thịt đóng trại giữa chúng ta… đầy ân điển và thực tại”. Vì Chúa đã hạ mình xuống với chúng ta trong sự nhơn từ, nên bây giờ chúng ta có phước hạnh này.

Phương diện thứ ba của phước hạnh có liên quan đến vẻ mặt của Đức Chúa Trời Linh và sự bình an của Ngài. Mặt Chúa ngẩng trên chúng ta và ban bình an chắc chắn là công tác ân điển của Thân Vị Thứ Ba trong Đấng Tam Nhất, là Linh. Ngày nay, Linh thường xuyên ngẩng mặt Đức Chúa Trời chiếu trên chúng ta và ban bình an cho. Ngài ban bình an không chỉ trong môi trường mà còn trong bản thể –trong lòng, trong linh và ngay cả trong tâm trí chúng ta. Trong Linh, qua Linh và với Linh, chúng ta có sự bình an. Người khác có thể bối rối trong lòng, trong tâm trí, trong linh và trong hoàn cảnh, nhưng chúng ta không nên bối rối. Dù ở đâu, chúng ta cũng đều bình an vì có Linh của Đức Chúa Trời ở với và mặt Ngài ngẩng trên chúng ta.

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng sự chúc phước là đem con người vào trong hiện diện của Đức Chúa Trời, vào chính sự vui hưởng Đức Chúa Trời. Phước hạnh tam diện trong Dân Số Ký chương 6 là kiểu mẫu về sự chúc phước bởi các thầy tế lễ trong Cựu Ước. Kiểu mẫu này bày tỏ rằng sự chúc phước đúng đắn là đem con người vào trong hiện diện của Đức Chúa Trời, vào trong sự sáng của mặt Ngài và vào trong sự chiếu sáng của vẻ mặt Ngài để họ có thể dự phần trong ân điển Ngài và có sự bình an. Chắc chắn đây là sự chúc phước đúng đắn. Thật kỳ diệu! Thật lạ lùng!

V. Sự Chúc Phước Của Vị Sứ Đồ

Trong 2Cô-rin-tô 13:14, sứ đồ Phao-lô cũng cho một kiểu mẫu về sự chúc phước. Câu này chép: “Nguyện ân điển của Chúa Jesus Christ, sự thương yêu của Đức Chúa Trời và sự tương giao của Thánh Linh ở với anh em hết thảy” (Theo Bản Hi-lạp). Chúng ta đã thấy thầy tế lễ là người đem con người đến với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, một sứ đồ là người đem Đức Chúa Trời đến với con người; ông đến với con người cùng với Đức Chúa Trời. Trong 2Cô-rin-tô 13:14, chúng ta thấy sự thăm viếng đầy ânđiển của Đức Chúa Trời Tam Nhất. Trong sự chúc phước của sứ đồ Phao-lô, Đức Chúa Trời Tam Nhất được đem đến với con người để họ vui hưởng. Sự vui hưởng này là tình yêu của Đức Chúa Trời như ân điển của Đấng Christ bởi sự tương giao của Thánh Linh. Tình yêu, ân điển và sự tương giao không phải là ba điều riêng biệt mà là ba phương diện hay ba giai đoạn của một điều. Đó là ba phương diện của Đức Chúa Trời để chúng ta vui hưởng. Tình yêu ở bên trong, ân điển là sự biểu lộ của tình yêu, còn tương giao là truyền ân điển vào trong chúng ta. Tình yêu ở trong chính Đức Chúa Trời. Khi tình yêu này được bày tỏ, đó là ân điển, và ân điển này được truyền dẫn trong sự tương giao. Tôi có thể thương yêu một anh em nào đó, nhưng tình yêu ở trong tôi được bày tỏ bằng cách nào? Tôi có thể bày tỏ tình yêu của mình bằng cách tặng anh ấy một cuốn Kinh Thánh. Kinh Thánh tượng trưng cho ân điển là sự biểu lộ của tình yêu ở bên trong tôi đối với anh ấy. Để truyền ân điển này đến anh, tôi phải thực sự trao cho anh cuốn Kinh Thánh. Đó là sự tương giao.

Trong Cựu Ước, ý tưởng căn bản về sự chúc phước là đem con người vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nhưng trong Tân Ước, vị sứ đồ, cùng đến với Đức Chúa Trời, không những đem con người vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời mà còn đem Đức Chúa Trời vào trong họ. Có một sự khác biệt lớn giữa kiểu mẫu chúc phước bởi các thầy tế lễ trong Cựu Ước với kiểu mẫu chúc phước bởi vị sứ đồ trong Tân Ước. Sự chúc phước thời Tân Ước thì cao sâu hơn. Một mặt, chúc phước cho người khác là đem họ vào trong hiện diện của Đức Chúa Trời; mặt khác, là đem Đức Chúa Trời vào trong họ như tình yêu, ân điển và sự tương giao.

Tất cả Cơ-đốc nhân đều quen thuộc với từ liệu phước hạnh. Ngay cả có một Thánh Ca nói rằng: “Hãy đếm các phước hạnh, gọi tên từng ơn phước một”. Chắc chắn có một quan niệm về phước hạnh được bày tỏ trong Thánh Ca này: phước hạnh là được ban cho người vợ hiền, con cái ngoan ngoãn, sự giáo dục, sự thăng chức, nhà cửa và xecộ. Theo Thánh Ca này, có những phước hạnh chúng ta nên gọi từng tên. Cách đây hơn ba mươi lăm năm, tôi đã hát Thánh Ca này suốt nhiều giờ vào dịp cuối năm. Tôi đã nhớ lại một số phước hạnh và hát: “Chúng ta hãy đếm các phước hạnh của năm qua, từng phước hạnh một”. Nhưng phước hạnh theo Lời thuần khiết thì khác xa điều này. Theo kiểu mẫu về sự chúc phước bởi các thầy tế lễ thời Cựu Ước và kiểu mẫu về sự chúc phước bởi vị sứ đồ thời Tân Ước, thì sự chúc phước đúng đắn là đem con người vào trong hiện diện của Đức Chúa Trời và đem Đức Chúa Trời vào trong họ như ân điển, tình yêu và sự tương giao để họ có thể vui hưởng Đức Chúa Trời Tam Nhất –Cha, Con và Linh. Do đó, chúc phước là vấn đề vui hưởng Đức Chúa Trời Tam Nhất.

VI. Sự Chúc Phước Của Chúa Đã Làm Tréo Hoạch Định Thiên Nhiên Của Con Người

Bây giờ chúng ta đến những điểm thiết thực về sự chúc phước. Sự chúc phước của Chúa đã làm tréo hoạch định thiên nhiên của con người (48:13-20). Khi đem các con mình là Ma-na-se và Ép-ra-im đến với Gia-cốp, Giô-sép đã hoạch định để Ma-na-se, con trưởng, ở phía tay hữu của Gia-cốp. Người cha đặt con trưởng phía tay hữu của ông nội để nhận được phước hạnh đầu tiên và con thứ ở phía tay trái để nhận phước hạnh thứ hai. Sự hoạch định của Giô-sép là theo quan niệm thiên nhiên. Theo quan niệm thiên nhiên, Giô-sép đúng. Tuy nhiên, Gia-cốp đã tréo tay mình. Dầu mắt không còn thấy rõ, nhưng trong linh, ông rất sáng tỏ. Sáng Thế Ký 48:17 nói: “Nhưng Giô-sép thấy cha mình để tay hữu trên đầu Ép-ra-im, thì có ý bất bình, liền nắm lấy tay cha đã để lên đầu Ép-ra-im mà tráo qua đầu Ma-na-se” (Theo Bản Hê-bơ-rơ). Rồi thưa rằng: “Chẳng phải vậy, cha. Đứa này đầu lòng, để tay hữu cha trên đầu nó mới phải chớ” (c. 18). Gia-cốp không chịu và nói: “Cha biết, con trai ta, cha biết điều đó” (c. 19). Do đó, phước hạnh của Chúa đã làm tréo hoạch định của con người.

Do cha mẹ có sở thích, sự chọn lựa và quan niệm thiên nhiên, nên họ luôn hoạch định hoàn cảnh. Nhưng việc hoạch định [như vậy] phải bị xoá bỏ. Tôi đã điều khiển nhiều điều, ngay cả trong việc rao giảng Phúc Âm. Khi chú ý đến cử tọa, gồm một số người sáng dạ và đầy hứa hẹn, tôi tự nhủ: “Đây là những người tốt”. Tuy nhiên, hầu hết không hề tin hay tin lấy lệ. Nhưng có những người tôi cho là vô dụng, thì đã tin tốt và trở nên hữu dụng.

Một loại hoạch định khác được tìm thấy trong sự phục vụ Hội Thánh. Trong quá khứ, chúng ta nghĩ rằng những ai đó là đáng tin cậy, thuộc linh và giỏi hơn. Nhưng nhiều lần chúng tôi đã thất vọng vì họ không đạt tiêu chuẩn như chúng tôi mong đợi. Hoạch định của chúng ta không tương ứng với sự chúc phước của Đức Chúa Trời. Hoạch định là sự chọn lựa, tuyển chọn của chúng ta. Cách đây hơn ba mươi năm, tôi nói: “Những người này rất tốt. Họ đang lớn lên, sẽ được xây dựng và họ sẽ hiệp một”.Nhưng cuối cùng, những người tốt nhất đã không ra từ nhóm người mà tôi đã chọn; thay vì thế, họ đến từ một hướng khác. Đây là một ví dụ về sự tréo tay.

Chúa không bao giờ đặt tay Ngài theo sự điều khiển của chúng ta. Do đó, trong gia đình, trong sự rao giảng Phúc Âm và trong sự phục vụ Hội Thánh, chúng ta phải học tập rút tay lại. Chúng ta chỉ nên đem hai con mình đến với Đức Chúa Trời và giao thác chúng cho bàn tay tể trị của Ngài. Tất cả chúng ta đều là Giô-sép. Chúng ta thích đem Ma-na-se sang tay hữu của Chúa, và Ép-ra-im qua tay trái của Ngài. Nhưng nhiều lần, Chúa đã tréo tay. Nếu xem xét nếp sống Hội Thánh và nghiên cứu lịch sử Hội Thánh, anh em sẽ thấy sự chúc phước của Đức Chúa Trời luôn luôn tối cao, không bao giờ phục theo hoạch định của con người. Chẳng hạn, Phi-e-rơ là một người dẫn dắt tại Giê-ru-sa-lem. Anh em có nghĩ rằng ông đã cầu nguyện để Sau-lơ, người Tạt-sơ, trở thành một sứ đồ không? Chắc chắn là không! Trái lại, có lẽ Phi-e-rơ đã cầu nguyện như vầy: “Chúa ơi, Sau-lơ quá năng động. Con xin Ngài cột ông ấy lại”. Nhưng Chúa đã tréo taytrên mười hai sứ đồ và đặt tay trên Sau-lơ. Ngoài Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng, không lời nào đề cập đến các sứ đồ khác trong Sách Công Vụ sau chương 1. Nhưng khi Sau-lơ trên đường đến Đa-mách, Chúa đã đặt tay Ngài cách có chủ đích, và phước hạnh đã đến trên ông.

Chúng ta, những người là cha mẹ, không nên có sở thích riêng về con cái. Chúng ta hoàn toàn không thể nói đứa nào sẽ được Chúa chọn. Chúng ta không thể thấy trước đứa nào sẽ được cứu. Điều đó hoàn toàn không tùy thuộc vào hoạch định của chúng ta mà vào sự chúc phước của Chúa.

Trong nếp sống Hội Thánh, tôi đã đến chỗ không tin cậy vào sự chọn lựa của mình.Tôi thường rụt tay lại trong việc chọn lựa các trưởng lão, các chấp sự và những người dẫn dắt trong sự phục vụ Hội Thánh vì tôi không tin cậy vào sự biện biệt của mình. Phần lớn việc chọn lựa của chúng ta dẫn đến hoạch định, và sự tréo tay của Đức Chúa Trời lại chúc phước cho người mà chúng ta không chọn. Những người làm cha mẹ và anh em dẫn dắt trong sự phục vụ Hội Thánh phải hết sức cẩn thận về sự chọn lựa của mình. Đừng sử dụng bất cứ loại hoạch định nào theo ý thích hay không thích của anh em vì sự chúc phước của Đức Chúa Trời luôn làm tréo hoạch định của anh em.

Có một điều gì đó về việc Gia-cốp chúc phước cho Ép-ra-im làm tất cả chúng ta rất được khích lệ. Có lẽ nhiều lúc anh em tự nghĩ mình đã tuyệt vọng và vô dụng. Vài tháng qua, tôi nghe có nhiều thánh đồ thất vọng và cảm thấy về mình là như vậy. Thậm chí một số người cảm thấy rằng đời sống thật là vô nghĩa. Có thể một số người đã nói: “Tôi đã tin Chúa Jesus, tôi đã bước vào nếp sống Hội Thánh. Tôi biết mình phải thực hiện chức năng trong Hội Thánh, nhưng tôi không được ai chọn để làm gì cả. Dường như chẳng có hi vọng gì cho tôi. Nếu không thể thực hiện chức năng trong Hội Thánh, đời sống tôi thật vô nghĩa”. Hãy can đảm lên; đừng nản lòng. Giữa nhiều Hội Thánh, đặc biệt là các Hội Thánh lớn, có một bầu không khí làm nhiều người cảm thấy là họ không được cần đến. Dầu trong một Hội Thánh lớn, chỉ vài người có thể làm trưởng lão, nhưng mọi người vẫn là quan trọng. Đừng hoạch định hoàn cảnh anh em theo bất kỳ cách nào vì bàn tay chúc phước của Chúa sẽ tréo trên anh em.

Dầu không hề biết phước hạnh thuộc linh sẽ từ đâu đến, nhưng chúng ta đều biết bàn tay chúc phước của Chúa luôn làm tréo hoạch định thiên nhiên của con người. Anh em có thể nói: “Đây là con đầu lòng,” nhưng Ngài đáp: “Ta biết điều đó”. Việc Chúa tréo tay có thể là không tốt theo mắt anh em, nhưng theo mắt Ngài, điều đó hoàn toàn tốt đẹp. Sự chúc phước không tùy thuộc vào hoạch định của anh em mà tùy thuộc vào khát vọng và sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Trong bất cứ sự lựa chọn nào chúng ta đều có thể có sự hoạch định theo sở thích và lựa chọn của chúng ta. Đừng hoạch định và đừng thất vọng. Trái lại, hãy tin rằng bàn tay Chúa sẽ tréo trên anh em.

VII. Quan Niệm Thiên Nhiên Của Con Người Cản Trở Bàn Tay Chúc Phước Của Chúa

Chúng ta đã thấy Giô-sép cố gắng cản trở bàn tay chúc phước của cha. Điều này cho thấy quan niệm thiên nhiên của con người đã cản trở bàn tay chúc phước của Chúa. Trong nếp sống Hội Thánh, Chúa sẽ dấy lên nhiều người mà chúng ta không thích, và một số trong họ sẽ trở thành những trưởng lão tốt nhất. Chắc chắn tôi đã có những cảm xúc, quan niệm và sở thích của con người tôi. Nhưng quan niệm thiên nhiên của tôi đã bị xóa bỏ. Chúng ta hoàn toàn không biết Sau-lơ, người Tạt-sơ, sẽ đến từ đâu. Người mà anh em nghĩ là tốt nhất có thể là tệ nhất. Nhưng một trong những người chống nghịch có thể sẽ trở thành sứ đồ Phao-lô hôm nay. Dầu anh em không thích người ấy, nhưng Chúa thích. Nhiều người được dấy lên có thể là những người không phù hợp với quan niệm của anh em. Hãy quên đi sự lựa chọn của mình. Điều đó có thể sẽ chẳng hiệu quả gì. Nếu có, cũng không cần định trước. Đây là lý do vì sao Tân Ước không có chỗ nào ghi lại tên con cái của các sứ đồ. Chỉ có tên của những con cái thuộc linh thôi. Phao-lô đã gọi Ti-mô-thê là “con trong đức tin” của ông (1Tim. 1:2,Theo Bản Hi-lạp), Tít là “con thật theo đức tin chung” của ông (Tít 1:4,Theo Bản Hi-lạp) và Phi-e-rơ đã nói về “Mác, con trai ta” (1Phi. 5:13). Tên con cái của các sứ đồ không được đề cập vì không phải tất cả họ đều được định trước. Cũng vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng không phải tất cả con cái chúng ta đều được định trước. Tuy nhiên, đừng để vấn đề định trước làm anh em xao lãng việc rao giảng Phúc Âm, như vậy là cực đoan. Đừng hoạch định bất cứ điều gì. Hãy đơn sơ đem các con mình đến với Đức Chúa Trời và để Ngài chọn. Đừng để quan niệm thiên nhiên của anh em cản trở bàn tay chúc phước của Chúa.

VIII. Bàn Tay Tiếm Vị Của Gia-Cốp Trở Thành Bàn Tay Chúc Phước

 Cuối cùng, bàn tay tiếm vị của Gia-cốp đã trở thành bàn tay chúc phước (25:26; 47:7,10; 48:14-16). Trong chương 25, chúng ta thấy Gia-cốp bắt đầu tiếm vị ngay khi còn trong bụng mẹ. Trong sự tiếm vị, ông tài giỏi làm sao! Nhưng trong chương 47 và 48, chúng ta thấy đôi tay tiếm vị này đã trở thành đôi tay chúc phước, đem con người vào trong hiện diện của Đức Chúa Trời và cung ứng Đức Chúa Trời vào trong con người, để họ có thể vui hưởng Ngài. Anh em có tin rằng đôi tay tiếm vị của Gia-cốp có thể trở thành đôi tay chúc phước của một người trưởng thành không? Ở đây, chúng ta thấy sự lớn lên và trưởng thành trong sự sống. Một kẻ tiếm vị, kẻ nắm gót đã trở thành người vĩ đại nhất thế gian lúc bấy giờ. Ông có thể chúc phước cho Pha-ra-ôn vì ông đã trở nên lớn hơn Pha-ra-ôn. Ông đã trở thành loại người này bằng con đường sự sống.Chúng ta cần lớn lên trong sự sống và trưởng thành trong sự sống để có thể được đầy dẫy Christ hầu trở thành những người có thể chúc phước cho người khác.

 

 

 
Chúa Jesus phán cùng họ rằng: Mùa gặt thì lớn song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu nguyện Chúa mùa gặt sai con gặt đi vào mùa của Ngài".

Luke 10: 2