"CẢ KINH THÁNH LÀ BỞI ĐỨC CHÚA TRỜI SOI DẪN ... HẦU CHO NGƯỜI THUỘC VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC TRỌN VẸN VÀ SẮM SẴN ĐỂ LÀM MỌI VIỆC LÀNH"
II Timothy 3:16a, 17
  

HỘI TRUYỀN GIÁO PHÚC ÂM VIỆT NAM
(Vietnamese Full Gospel Missions)
TRƯỜNG KINH THÁNH TẠI GIA
(Home Bible School) www.HomeBibleSchoolVietnam.com

Học Báo:
"SỨ GIẢ TÌNH YÊU"

(The Love Ambassadors)
P.O.Box 565, Westminster, CA 92684-USA
Email: VNFGMissions@Yahoo.com

TIẾNG NÓI CHÂN LÝ
(The Voice of Truth)
www.TiengNoiChanLy.com
HỘI THÁNH PHÚC ÂM VIỆT NAM
tại Westminster
(Vietnamese Full Gospel Church)
14381 Magnolia Ave. Westminster, CA 92683-USA
ĐỘC QUYỀN PHIÊN DỊCH VÀ PHỔ DỤNG
© 1979, 1996 GLOBAL YOUTH EVANGELISM
P.O. Box 1019, Orland, CA 95963 - USA
(Giữ bản quyền. Cấm in sao lại từng phần hay toàn bản dưới mọi hình thức hoặc bằng mọi phương tiện).

  

THỐNG KÊ

Đã truy cập:6895995
Đang truy cập:95

NẾU AI PHẠM TỘI


Kinh Thánh: Giăng 5:14; 8:11; Rô 6:1-2; Dân 19:1-10, 12-13,
17-19; 1 Giăng 1:7-2:2
Sau khi được cứu, chúng ta đừng nên phạm tội nữa. Giăng
chương 5 ghi lại sự kiện Chúa Giê-su chữa lành cho một người
bệnh suốt ba mươi tám năm bên hồ Bê-tết-đa. Sau khi ông được
chữa lành, Chúa gặp ông trong đền thờ và nói với ông rằng:
"Này, ngươi đã trở nên khỏe mạnh, đừng phạm tội nữa để
không điều nào xấu hơn xảy đến cho ngươi" (c. 14). Giăng
chương 8 thuật về việc Chúa Giê-su tha thứ một người đàn bà
phạm tội tà dâm. Sau đó, Ngài nói với bà tại đó: "Từ nay đừng
phạm tội nữa" (c. 11). Khi chúng ta đã được cứu, Chúa truyền
cho chúng ta đừng phạm tội nữa! Là những người được cứu,
chắc chắn chúng ta không nên tiếp tục sống trong tội.
I. PHẠM TỘI SAU KHI ĐƯỢC CỨU
Vì một Cơ-đốc-nhân không nên phạm tội và không nên tiếp
tục sống trong tội, như vậy người ấy có thể nào không phạm tội
không? Câu trả lời là có thể được! Cơ-đốc-nhân có thể không
phạm tội vì chúng ta có sự sống của Đức Chúa Trời trong mình.
Sự sống này không phạm tội. Sự sống này không thể dung chịu
bất cứ dấu vết tội lỗi nào. Sự sống này thánh khiết như Đức
Chúa Trời là thánh khiết. Sự sống này ở trong chúng ta làm
cho chúng ta rất nhạy cảm đối với tội lỗi. Nếu bước đi theo cảm
nhận của sự sống này và nếu sống bởi sự sống này, chúng ta sẽ
không phạm tội.
Tuy nhiên, Cơ-đốc-nhân có khả năng phạm tội. Chúng ta
vẫn còn ở trong xác thịt. Nếu không bước đi theo Linh và sống
trong sự sống, chúng ta có thể phạm tội bất cứ lúc nào. Ga-la-ti
6:1 nói: "Anh em ơi, dầu một người tình cờ vi phạm điều gì..." 1
Giăng 2:1 nói: "Hỡi các con bé nhỏ của ta... nếu có ai phạm
tội..." Cơ-đốc-nhân có thể bất ngờ bị tội lỗi thắng hơn mình.
Họ vẫn có khả năng phạm tội. 1 Giăng 1:8 nói: "Nếu chúng ta
nói mình không có tội, chúng ta đang tự lừa dối". Câu 10 nói:
"Nếu chúng ta nói mình không phạm tội, chúng ta làm cho
Ngài thành người nói dối". Như vậy, kinh nghiệm bày tỏ rằng
các Cơ-đốc-nhân có thể tình cờ rơi vào tội.
Một người đã được cứu lại tình cờ rơi vào tội lỗi có thể nào
vẫn hư mất không? Không! Chúa phán: "Ta ban cho họ sự sống
đời đời, họ không thể nào hư mất đời đời, không ai có thể giật
lấy họ khỏi tay Ta" (Giăng 10:28). Nói cách khác, khi một
người được cứu, người ấy được cứu mãi mãi. "Họ không thể nào
hư mất đời đời". Không có điều nào chắc chắn hơn điều ấy! 1
Cô-rin-tô chương 5 nói về một anh em phạm tội tà dâm.
Phao-lô nói: "Giao người ấy cho Sa-tan để xác thịt người ấy bị
hủy hoại, hầu linh người ấy có thể được cứu trong ngày của
Chúa" (c. 5). Dầu xác thịt của một tín đồ phạm tội có thể bị hủy
hoại, nhưng linh người ấy vẫn được cứu.
Như vậy, phải chăng điều này có nghĩa là sau khi được cứu,
một người có phạm tội hay không cũng không thành vấn đề?
Không! Nếu một người phạm tội sau khi được cứu, sẽ có hai hậu
quả kinh khủng. Thứ nhất, người ấy phải chịu khổ sở trong đời
sống này. Nếu phạm tội sau khi được cứu, anh em sẽ chịu hậu
quả của tội mình. Người trong 1 Cô-rin-tô chương 5 được phó
cho Sa-tan. Đó là một sự khổ sở ghê gớm. Sau khi một người ăn
năn và xưng nhận tội mình với Chúa, Đức Chúa Trời sẽ tha thứ
và huyết sẽ tẩy sạch người ấy. Tuy nhiên, đối với một vài tội,
có những hậu quả sâu xa hơn mà người ấy phải đối diện. Mặc
dầu Đức Giê-hô-va xóa bỏ tội liên quan đến việc Đa-vít lấy vợ
của U-ri, nhưng gươm mãi mãi không lìa khỏi nhà ông (2 Sa
12:9-13). Anh chị em ơi, tội giống như một con rắn độc; nó
không phải là một món đồ chơi giải trí. Nếu bị nó cắn, anh em
phải chịu khổ sở.
Thứ hai, nếu một người phạm tội, người ấy sẽ bị trừng phạt
trong thời đại sắp đến. Nếu một Cơ-đốc-nhân phạm tội và
không xử lý cách đúng đắn trong thời đại này, người ấy phải
đối diện với tội ấy trong thời đại sắp đến. Khi Chúa trở lại:
"Ngài sẽ báo trả cho mỗi người theo việc làm của họ" (Math
16:27). Phao-lô nói: "Vì tất cả chúng ta đều phải bị phơi bày
trước ngai phán xét của Đấng Christ, để mỗi người nhận lãnh
những điều đã làm ra qua thân thể, tùy theo những điều mình
đã thực hành, dầu tốt hay xấu" (2 Côr. 5:10).
Ngoài hai hậu quả kinh khủng này, có một hậu quả trực tiếp
khác của tội, đó là tình trạng bị cắt đứt tương giao với Đức
Chúa Trời. Đối với Cơ-đốc-nhân, mối tương giao với Đức Chúa
Trời là đặc quyền vinh hiển hơn hết. Mối tương giao ấy là ơn
phước lớn nhất mà người ấy có được. Nhưng nếu phạm tội,
ngay lập tức người ấy đánh mất mối tương giao với Đức Chúa
Trời. Thánh Linh bên trong sẽ buồn rầu cho người ấy, và sự
sống trong người ấy sẽ cảm thấy bất ổn vì tội lỗi đó. Người ấy
sẽ mất đi niềm vui cùng mối tương giao với Đức Chúa Trời.
Trước đây, khi thấy con cái của Đức Chúa Trời, người ấy cảm
thấy ấm áp và được thu hút đến với họ, nhưng bây giờ người ấy
không còn cảm thấy sự ấm áp đó nữa, dường như có một hàng
rào giữa người ấy với các con cái Đức Chúa Trời. Trước đây,
việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh thật ngọt ngào. Nhưng bây
giờ người ấy mất sự ngọt ngào đó, không còn chạm được Đức
Chúa Trời. Trước đây, người ấy rất quí những buổi nhóm của
hội-thánh, khi bỏ qua một buổi nhóm nào, người ấy cảm thấy
mình bị mất mát nhiều. Nhưng bây giờ các buổi nhóm trở nên
vô vị đối với người ấy, đi nhóm hay không đi nhóm cũng không
có gì khác biệt. Khi thấy con cái Đức Chúa Trời, họ muốn lánh
mặt thay vì gặp gỡ. Mọi sự đều đã thay đổi.
Phạm tội sau khi được cứu thật là một điều nghiêm trọng!
Chúng ta đừng bao giờ cẩu thả trong hành vi của mình. Chúng
ta đừng bao giờ dung chịu tội lỗi và đừng bao giờ nhường chỗ
cho nó.
Nhưng chúng ta cần làm gì "nếu có ai phạm tội"? Nếu một
Cơ-đốc-nhân cẩu thả và lỡ phạm tội, nếu tình cờ phạm tội,
người ấy nên làm gì? Làm thế nào để người ấy trở lại với
Chúa? Làm thế nào người ấy có thể phục hồi mối tương giao
với Đức Chúa Trời? Đây là một đề tài rất quan trọng, chúng ta
cần phải học hỏi cách cẩn thận.
II. CHÚA ĐÃ MANG MỌI TỘI LỖI CỦA CHÚNG TA
Để giải quyết vấn đề này, trước hết, chúng ta phải nhận
thức rằng Chúa Giê-su đã mang tất cả tội lỗi của chúng ta trên
thập tự giá. Mọi tội lỗi chúng ta đã phạm, cũng như những tội
chúng ta đang phạm và sẽ phạm suốt cuộc đời mình đều đã
được Chúa mang trên thập tự giá.
Tuy nhiên, vào ngày mình tin Chúa, dưới ánh sáng của Đức
Chúa Trời, chúng ta chỉ thấy những tội mình đã phạm trước
đó. Một người chỉ có thể nhận biết những tội đã được Đức Chúa
Trời chiếu ánh sáng lên, người ấy không thể cảm nhận những
tội mình chưa phạm. Vì vậy, những tội lỗi Chúa Giê-su thật sự
mang trên thập tự giá nhiều hơn những tội lỗi chúng ta thấy
được. Chúa Giê-su mang mọi tội lỗi của chúng ta trên thập tự
giá, nhưng chúng ta chỉ thấy những tội lỗi mình đã phạm.
Có thể anh em đã được cứu vào năm mười sáu tuổi, hoặc vào
năm ba mươi hai tuổi. Mọi tội lỗi anh em phạm trước khi được
cứu đều hoàn toàn được Chúa tha hết. Tuy nhiên, lúc anh em
được tha thứ, số tội lỗi anh em ý thức ít hơn nhiều so với số tội
lỗi Chúa thật sự gánh thay cho anh em. Mức độ kinh nghiệm
của anh em về ân điển Chúa chỉ bằng mức độ kinh nghiệm của
bản thân về tội lỗi mình. Nhưng công tác Chúa thực hiện vì
anh em dựa trên sự nhận biết của Ngài về tội lỗi của anh em.
Chúng ta cần phải ý thức rằng ngay cả những tội lỗi mình
không biết cũng được bao hàm trong sự cứu chuộc của Chúa.
Có lẽ anh em được cứu vào năm mười sáu tuổi. Giả sử anh
em đã phạm một ngàn tội trong mười sáu năm đầu của cuộc đời
mình. Có lẽ lúc tin Chúa, anh em nói: "Con cảm tạ Ngài. Tội
lỗi con đã được tha vì Ngài đã cất bỏ mọi tội lỗi của con". Khi
nói rằng Chúa đã cất đi các tội lỗi của mình, anh em có ý nói
Chúa đã giải quyết một ngàn tội lỗi của mình. Điều gì sẽ xảy ra
nếu anh em được cứu vào năm ba mươi hai tuổi? Theo tỷ lệ, có
lẽ anh em đã phạm hai ngàn tội vào tuổi ba mươi hai. Có thể
anh em cũng nói cùng một điều: "Ôi Chúa, Ngài đã mang mọi
tội lỗi của con". Nếu được cứu vào năm sáu mươi bốn tuổi, chắc
hẳn anh em sẽ nói giống như vậy là: "Chúa ôi, Ngài đã mang
tất cả tội lỗi của con". Khi ấy, rất rõ ràng Chúa đã giải quyết
các tội lỗi anh em vi phạm suốt mười sáu năm đầu của cuộc đời
mình cũng như những tội lỗi anh em vi phạm từ năm mười sáu
tuổi đến sáu mươi bốn tuổi. Chúa đã giải quyết tất cả tội lỗi của
anh em trên thập tự giá. Tên tội phạm trên thập tự giá mãi
đến trước khi chết mới tin Chúa, nhưng Chúa cất bỏ mọi tội
của người ấy (Lu 23:39-43). Nói cách khác, Chúa cất bỏ những
tội lỗi của cả cuộc đời chúng ta trên thập tự giá. Mặc dầu khi
mới tin Chúa, chúng ta chỉ cảm biết sự tha thứ dành cho những
tội lỗi trong quá khứ mình, nhưng trên thực tế, Chúa đã cất bỏ
mọi tội lỗi chúng ta, ngay cả những tội chúng ta phạm sau khi
được cứu. Chúng ta phải hiểu sự thật này rồi mới có thể hiểu
cách phục hồi mối tương giao của mình với Đức Chúa Trời.
III. BIỂU TƯỢNG VỀ TRO CỦA CON BÒ CÁI TƠ MÀU ĐỎ
Chúng ta có một bức tranh về sự chết thay của Chúa vì tội
lỗi chúng ta trong biểu tượng về tro của con bò cái tơ màu đỏ.
Dân-số Ký chương 19 là một chương đặc biệt trong Cựu Ước.
Con bò cái tơ được dùng để nói lên một điều đặc biệt. Con bò
cái tơ này được dùng không phải để đáp ứng nhu cầu ngay lúc
ấy, nhưng để đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Điều này cũng
rất có ý nghĩa.
Trong câu 2, Đức Chúa Trời bảo Môi-se và A-rôn: "Hãy bảo
các con trai Y-sơ-ra-ên đem đến cho các ngươi một con bò cái tơ
màu đỏ không tì vít, không một khuyết điểm và chưa bao giờ
mang ách". Ở đây, một con bò cái, chứ không phải bò đực, được
dâng hiến. Trong Kinh Thánh, phái tính rất ý nghĩa. Phái nam
tượng trưng cho tất cả những gì liên quan đến chứng cớ của lẽ
thật, trong khi phái nữ tượng trưng cho tất cả những gì liên
quan đến kinh nghiệm sự sống. Đó là một nguyên tắc chúng ta
nên làm quen trong khi đọc Kinh Thánh. Áp-ra-ham nói lên sự
xưng công chính bởi đức tin trong khi Sa-ra nói lên sự vâng
phục. Sự xưng công chính bởi đức tin có tính cách khách quan,
liên quan đến lẽ thật và chứng cớ. Sự vâng phục có tính cách
chủ quan, liên quan đến sự sống và kinh nghiệm. Suốt Kinh
Thánh, hội-thánh được tượng trưng bằng phái nữ, vì hội-thánh
có tính cách chủ quan, liên quan đến công tác của Chúa trong
con người. Ở đây bò cái tơ được dùng thay vì bò đực vì nó tượng
trưng cho một phương diện khác của công tác Chúa, là công tác
đối với con người. Con bò cái tơ màu đỏ tượng trưng cho công
tác có tính chủ quan hơn là khách quan.
Điều gì xảy ra cho con bò cái tơ? Nó bị giết, và huyết nó
được đem rưới bảy lần ngay trước trại nhóm họp. Nói cách
khác, huyết được dâng lên cho Đức Chúa Trời vì công tác của
huyết luôn luôn dành cho Đức Chúa Trời. Huyết của con bò cái
được rảy bảy lần trước trại nhóm họp nghĩa là huyết ấy dành
cho Đức Chúa Trời và dành cho sự chuộc tội.
Sau khi bị giết, con bò cái tơ màu đỏ bị thiêu. Da, thịt, huyết
và phân đều bị thiêu. Con bò cái tơ màu đỏ bị thiêu trọn. Khi nó
đang bị thiêu, thầy tế lễ ném gỗ bách hương, chùm kinh giới (cỏ
bài hương) và [chỉ] màu đỏ sậm vào giữa lửa? Cây bách hương và
chùm kinh giới tượng trưng cho điều gì? 1 Các vua 4:33 nói rằng
Sa-lô-môn giảng thuyết về cây cối, từ cây bách hương cho đến
chùm kinh giới. Như vậy gỗ bách hương và chùm kinh giới tượng
trưng cho tất cả cây cỏ. Nói cách khác, chúng tượng trưng cho
toàn thế giới. [Chỉ] màu đỏ sậm tượng trưng cho điều gì? Từ ngữ
này cũng được dịch là đỏ điều trong Ê-sai 1:18: "Dầu tội các
ngươi như màu đỏ điều, chúng sẽ trắng như tuyết". Như vậy, [chỉ]
màu đỏ sậm tượng trưng cho tội lỗi của chúng ta. Gỗ bách hương,
chùm kinh giới (cỏ bài hương) và [chỉ] màu đỏ sậm đốt chung với
nhau nghĩa là tội lỗi của cả thế giới được gom chung lại với con
bò cái tơ màu đỏ khi nó được dâng lên cho Đức Chúa Trời, tất cả
đều bị thiêu chung với nhau. Ở đây, chúng ta thấy một bức tranh
về thập tự giá. Chúa Giê-su dâng chính Ngài lên cho Đức Chúa
Trời. Ngài bao hàm mọi tội lỗi chúng ta. Những tội trọng có tại
đó cũng như những tội nhẹ hơn. Những tội lỗi của quá khứ, hiện
tại và tương lai đều có tại đó. Những tội người ta cảm thấy cần
được tha cũng như những tội họ không cảm thấy cần được tha
đều ở tại đó. Mọi tội đều ở trên con bò cái, và tất cả đều được
thiêu chung với nó.
Sau khi chúng bị đốt, người ta làm gì tiếp theo? Dân-số Ký
19:9 chép: "Một người tinh sạch sẽ gom tro của con bò cái tơ, và
để tro ấy bên ngoài trại quân, tại một nơi sạch sẽ; tro ấy được
giữ cho hội các con trai Y-sơ-ra-ên để làm nước tẩy uế, ấy là sự
tẩy sạch tội". Điều này có nghĩa gì? Đây chính là điều làm cho
con bò cái tơ trở nên thật đặc biệt. Sau khi gỗ bách hương,
chùm kinh giới (cỏ bài hương) và [chỉ] màu đỏ sậm bị đốt chung
với con bò cái tơ, tro được gom lại, giữ trong một nơi sạch sẽ.
Từ đó về sau, nếu ai trong dân Y-sơ-ra-ên đụng vào một điều gì
dơ bẩn và trở nên ô uế trước mặt Đức Chúa Trời, một người
tinh sạch khác sẽ pha nước tẩy uế với tro này và rảy trên
người ô uế. Điều này sẽ cất bỏ sự ô uế khỏi người ấy. Nói cách
khác, tro này được dùng để cất bỏ sự ô uế. Tro này được chuẩn
bị để dùng cho tương lai. Tro này sẽ được dùng khi người ta
khám phá ra một điều ô uế trong tương lai.
Trong Cựu Ước, các tội nhân cần phải dâng các sinh tế cho
Chúa. Nếu một người đã dâng sinh tế và sau đó đụng chạm một
điều gì dơ bẩn, người ấy lại trở nên ô uế trước mặt Đức Chúa
Trời và không thể tương giao với Ngài được nữa. Người ấy phải
làm gì? Một người khác sẽ thay cho người này, lấy một ít tro
của con bò cái tơ màu đỏ cho vào một cái bình, đổ nước "sống"
vào, pha thành nước tẩy uế, và rảy trên thân thể người kia.
Khi ấy, sự ô uế của người kia được cất bỏ và tội được tha. Khi
một người Y-sơ-ra-ên đem một con bò đực hay một con chiên
đến cho Chúa và dâng làm của lễ chuộc tội, người ấy làm như
vậy vì một tội nào đó mà mình đã nhận biết. Nhưng con bò cái
tơ màu đỏ liên quan đến một vấn đề khác. Việc thiêu con bò cái
tơ màu đỏ không phải vì những tội biết được mà người ta đã vi
phạm trong quá khứ, nhưng vì sự ô uế trong tương lai. Việc
thiêu nó không phải vì những tội lỗi trong quá khứ nhưng vì
những sự vi phạm trong tương lai.
Điều này bày tỏ cho chúng ta một khía cạnh khác trong
công tác của Chúa. Một phương diện công tác của Chúa giống
như tro của con bò cái tơ màu đỏ. Hiệu quả sự cứu chuộc được
tượng trưng bằng tro. Tội lỗi của cả thế giới nằm trong đó, và
huyết cũng ở trong đó. Khi nào một người bị ô uế hay chạm
phải một điều gì ô uế, người ấy không cần giết một con bò cái
tơ màu đỏ khác và dâng lên cho Đức Chúa Trời. Người ấy chỉ
cần lấy tro của con bò cái đã được dâng một lần và hòa với
nước rồi rảy trên thân thể. Nói cách khác, Chúa không cần
phải làm gì lần thứ hai. Sự cứu chuộc của Ngài đã hoàn thành
mọi sự. Ngài dự bị [một giải pháp] cho mọi sự ô uế và mọi tội
lỗi của chúng ta trong tương lai. Mọi sự đã được hoàn thành
cách trọn vẹn bởi sự cứu chuộc của Ngài.
Tro tượng trưng cho điều gì? Trong Kinh Thánh, tro tượng
trưng cho hình thức cuối cùng của một điều gì đó. Dầu là một
con bò đực hay một con chiên, hình thức sau cùng của nó khi đã
bị thiêu là tro. Tro rất vững bền, nó không thể bị hư hoại
thành một điều gì khác. Chúng ta không thể làm hư hay phá
hủy tro. Tro tượng trưng cho một điều gì đó ở hình thái cuối
cùng.
Tro của con bò cái tơ tượng trưng cho hiệu quả đời đời,
không thay đổi của sự cứu chuộc của Chúa. Sự cứu chuộc mà
Chúa đã hoàn thành cho chúng ta là điều vững bền hơn hết.
Đừng nghĩ rằng đá núi là vững bền. Ngay cả đá cũng có thể bị
đốt thành tro. Tro vững bền hơn đá. Tro của con bò cái tơ tượng
trưng cho sự cứu chuộc của Chúa mà Ngài đã chuẩn bị cho
chúng ta. Sự cứu chuộc này đời đời không thay đổi và không hư
hoại. Chúng ta có thể áp dụng sự cứu chuộc này bất cứ lúc nào.
Nếu một Cơ-đốc-nhân tình cờ chạm đến điều gì đó ô uế và có
sự ô uế bên trong mình, người ấy không phải xin Chúa chết cho
mình một lần nữa. Người ấy chỉ cần tin cậy nơi hiệu quả đời
đời, không hư hoại của tro, rảy nước sự sống trên thân thể
mình và sẽ được sạch. Nói cách khác, tro của con bò cái tơ màu
đỏ cho chúng ta biết công tác quá khứ của thập tự giá được áp
dụng cho chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng có thể nói rằng
hiệu lực của thập tự giá bao phủ mọi nhu cầu chúng ta sẽ cần
đến trong tương lai. Tro này đặc biệt dành cho tương lai. Chỉ
cần thiêu một con bò cái tơ màu đỏ, và chỉ cần thiêu nó một
lần. Tro của nó đủ dùng cho cả đời người. Tạ ơn Chúa vì sự cứu
chuộc của Ngài đủ cho cả cuộc đời chúng ta. Sự chết của Ngài
đã cất bỏ mọi tội lỗi chúng ta.

 
Chúa Jesus phán cùng họ rằng: Mùa gặt thì lớn song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu nguyện Chúa mùa gặt sai con gặt đi vào mùa của Ngài".

Luke 10: 2