"CẢ KINH THÁNH LÀ BỞI ĐỨC CHÚA TRỜI SOI DẪN ... HẦU CHO NGƯỜI THUỘC VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC TRỌN VẸN VÀ SẮM SẴN ĐỂ LÀM MỌI VIỆC LÀNH"
II Timothy 3:16a, 17
  

HỘI TRUYỀN GIÁO PHÚC ÂM VIỆT NAM
(Vietnamese Full Gospel Missions)
TRƯỜNG KINH THÁNH TẠI GIA
(Home Bible School) www.HomeBibleSchoolVietnam.com

Học Báo:
"SỨ GIẢ TÌNH YÊU"

(The Love Ambassadors)
P.O.Box 565, Westminster, CA 92684-USA
Email: VNFGMissions@Yahoo.com

TIẾNG NÓI CHÂN LÝ
(The Voice of Truth)
www.TiengNoiChanLy.com
HỘI THÁNH PHÚC ÂM VIỆT NAM
tại Westminster
(Vietnamese Full Gospel Church)
14381 Magnolia Ave. Westminster, CA 92683-USA
ĐỘC QUYỀN PHIÊN DỊCH VÀ PHỔ DỤNG
© 1979, 1996 GLOBAL YOUTH EVANGELISM
P.O. Box 1019, Orland, CA 95963 - USA
(Giữ bản quyền. Cấm in sao lại từng phần hay toàn bản dưới mọi hình thức hoặc bằng mọi phương tiện).

  

THỐNG KÊ

Đã truy cập:6895993
Đang truy cập:95

BẺ BÁNH


Kinh Thánh: Math. 26:26-28; 1 Côr. 10:16-22; 11:23-32
I. THIẾT LẬP BỮA ĂN TỐI CỦA CHÚA
Trong hội-thánh có một bữa ăn tối mà tất cả các con cái của
Đức Chúa Trời cần phải tham dự. Bữa ăn tối ấy được Chúa
Giê-su thiết lập vào đêm cuối cùng Ngài ở trên đất. Ngày hôm
sau Ngài sẽ bị đóng đinh. Đó là bữa ăn tối cuối cùng Chúa đã
tham dự vào đêm cuối cùng của Ngài ở trên đất. Dầu rằng sau
khi sống lại Ngài cũng ăn uống, nhưng việc ăn uống ấy khác
với sự ăn uống thông thường. Việc ăn uống ấy không bắt buộc.
Bữa ăn tối cuối cùng đó như thế nào? Đằng sau bữa ăn tối
ấy có một [bối cảnh] lịch sử. Người Do-thái có một lễ tiệc được
gọi là lễ Vượt Qua; đó là để kỷ niệm việc họ được giải phóng
khỏi ách nô lệ tại Ai-cập. Đức Chúa Trời đã cứu họ cách nào?
Ngài truyền con dân Y-sơ-ra-ên bắt một chiên con, tùy theo
nhà của cha họ, một chiên con cho mỗi nhà, và làm thịt nó vào
tối ngày thứ mười bốn của tháng đầu tiên. Sau đó, họ phải lấy
huyết bôi trên hai thanh dọc cửa và thanh ngang cửa của nhà
họ. Đêm ấy, họ ăn thịt [chiên con] cùng với bánh không men
và rau đắng. Sau khi ra khỏi Ai-cập, Đức Chúa Trời truyền họ
hằng năm phải giữ lễ tiệc ấy để kỷ niệm (Xuất 12:1-28). Vì
vậy, đối với người Do-thái, lễ Vượt Qua được thiết lập để nhắc
họ nhớ lại cuộc giải cứu ấy.
Đêm cuối cùng trước khi Chúa Giê-su lìa khỏi thế giới chính
là đêm có tiệc lễ Vượt Qua. Sau khi cùng ăn chiên con lễ Vượt
Qua với các môn đồ, Chúa thiết lập bữa ăn tối của chính Ngài.
Chúa đã cố gắng cho chúng ta thấy rằng chúng ta cần phải dự
bữa ăn tối của Ngài như cách người Do-thái dự tiệc lễ Vượt Qua.
Chúng ta hãy so sánh hai vấn đề này. Người Do-thái đã
được cứu rỗi và được giải phóng khỏi Ai-cập, rồi họ giữ tiệc lễ
Vượt Qua. Các con cái của Đức Chúa Trời ngày nay được cứu và
được giải phóng khỏi những tội lỗi của thế gian này, rồi họ dự
bữa ăn tối của Chúa. Người Do-thái có chiên con của họ. Chúng
ta cũng có Chiên Con của chúng ta - là Chúa Giê-su, tức chính
Chiên Con của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được giải cứu khỏi
những tội lỗi của thế gian, khỏi quyền lực của Sa-tan, và chúng
ta hoàn toàn đứng về phía Đức Chúa Trời. Do đó, chúng ta dự
bữa ăn tối của Chúa như cách người Do-thái dự phần ăn chiên
con lễ Vượt Qua.
Sau khi Ngài dự tiệc lễ Vượt Qua, "Giê-su lấy bánh mà ban
phước, rồi Ngài bẻ ra, trao cho các môn đồ, và nói rằng: Hãy
nhận lấy, ăn đi; đây là thân thể Ta. Rồi Ngài lấy chén mà
dâng lời cảm tạ, và Ngài trao cho họ, nói rằng: Tất cả các
ngươi hãy uống chén này đi, vì đây là huyết Ta, tức huyết của
giao ước, được đổ ra cho nhiều người để tha thứ tội lỗi họ"
(Math. 26:26-28). Đó là bữa ăn tối Chúa đã thiết lập.
Ý nghĩa của bữa ăn tối là gì? Ấy là khi cả gia đình đến với
nhau ăn uống trong sự an bình sau một ngày làm việc. Đó
không phải là một bữa ăn vội vã như bữa điểm tâm hay bữa ăn
trưa. Đó là bữa ăn tối an bình trong sự yên nghỉ trọn vẹn. Bầu
không khí giữa vòng các con cái của Đức Chúa Trời cũng phải
như vậy khi họ dự bữa ăn tối của Chúa. Họ hoàn toàn không
được vội vã. Tâm trí của họ không được bận rộn nghĩ về điều
này hay điều kia. Thay vào đó, họ phải vui hưởng sự yên nghỉ
của mình trong nhà Đức Chúa Trời.
Chúa đã dùng bánh không men, thay vì bánh có men, vì
Ngài đã thiết lập bữa ăn tối của Ngài trong lễ Vượt Qua (Xuất
12:15). "Sản phẩm của cây nho" được đề cập đến trong Ma-thi-ơ
chương 26, Mác chương 14 và Lu-ca chương 22 cũng có thể được
dịch là "trái của cây nho". Trong buổi nhóm bẻ bánh, chúng ta
có thể dùng rượu nho hoặc nước nho, miễn sao đó là sản phẩm
của cây nho.
II. Ý NGHĨA BỮA ĂN TỐI CỦA CHÚA
A. Nhớ Đến Chúa
Tại sao Chúa muốn chúng ta duy trì bữa ăn tối của Ngài?
Chúa nói: "Hãy làm điều này... để nhớ Ta" (1 Côr. 11:25). Vậy,
ý nghĩa thứ nhất của bữa ăn tối là nhớ đến Chúa. Chúa biết là
chúng ta sẽ quên Ngài. Mặc dầu ân điển chúng ta nhận được là
quá vĩ đại và sự cứu chuộc chúng ta nhận được là quá kỳ diệu,
nhưng kinh nghiệm bản thân cho chúng ta biết rằng con người
dễ quên Ngài. Thậm chí chỉ một chút bất cẩn là một người vừa
được cứu có thể quên mất sự cứu rỗi của Chúa. Đó là lý do Chúa
có chủ tâm truyền bảo chúng ta rằng: "Hãy làm điều này... để
nhớ Ta".
Chúa muốn chúng ta nhớ đến Ngài, không phải chỉ vì chúng
ta hay quên, mà cũng vì Chúa cần chúng ta nhớ đến Ngài như
vậy. Chúa không muốn chúng ta quên Ngài. So với chúng ta,
Ngài vĩ đại hơn nhiều; chúng ta không bao giờ có thể thấu hiểu
sự vĩ đại của Ngài. Chúng ta không làm ích gì thêm cho Ngài
bằng cách nhớ đến Ngài. Dầu vậy, vì cớ chúng ta mà Ngài nói:
"Hãy làm điều này... để nhớ Ta". Chúa đã hạ cố muốn chúng ta
nhớ đến Ngài. Trước hết Ngài hạ cố làm Đấng Cứu Rỗi của
chúng ta. Ngài cũng hạ cố chiếm hữu lòng chúng ta và giành
được sự tưởng nhớ của chúng ta. Ngài không muốn chúng ta
quên Ngài. Ngài mong muốn hằng tuần chúng ta liên tục sống
trước mặt Ngài và nhớ đến Ngài. Ngài yêu cầu điều ấy để
chúng ta có thể nhận được những ơn phước thuộc linh từ Ngài.
Chúa muốn chúng ta nhớ đến Ngài; đó là sự đòi hỏi của Ngài
trong tình yêu thương. Nếu không luôn luôn nhớ đến Ngài và
không đặt sự cứu chuộc của Ngài ở trước mặt mình, chúng ta sẽ
dễ dàng bị vướng vào những tội lỗi của thế gian. Giữa vòng các
con cái của Đức Chúa Trời sẽ dễ có những cuộc tranh cãi.
Chúng ta sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Đó là lý do Chúa muốn
chúng ta nhớ đến Ngài. Chúng ta được ban phước khi nhớ đến
Ngài. Đó là một cách tiếp nhận ơn phước của Ngài. Chúng ta
tiếp nhận ân điển của Chúa nhờ nhớ đến Ngài.
Một ơn phước lớn lao trong việc nhớ đến Chúa là chúng ta
được phân cách khỏi quyền lực của các tội lỗi trong thế gian.
Cứ vài ngày một lần, chúng ta được nhắc lại thể nào mình đã
tiếp nhận Chúa và thể nào Ngài đã chết vì chúng ta. Nhờ đó,
chúng ta được phân cách khỏi các tội lỗi của thế gian. Đó là
một ơn phước mà chúng ta nhận được từ buổi nhóm bẻ bánh
khi nhớ đến Chúa.
Một lý do thuộc linh khác của việc bẻ bánh nhớ đến Chúa là
ngăn ngừa các con cái Đức Chúa Trời tranh cãi và chia rẽ. Khi
tôi nhớ lại là mình đã được cứu và một anh em khác cũng nhớ
lại là mình đã được cứu, thì làm sao chúng ta có thể không yêu
thương nhau? Khi tôi ngẫm nghĩ thấy Chúa Giê-su đã tha thứ vô
số tội lỗi của mình và tôi thấy một chị em đến bữa ăn tối của
Chúa cũng được huyết Ngài cứu chuộc, thì làm sao tôi có thể
không tha thứ cho chị ấy? Làm sao tôi có thể cứ bắt lỗi chị và
gây chia rẽ vì lầm lỗi ấy? Trong suốt hai ngàn năm lịch sử
hội-thánh, nhiều cuộc tranh cãi giữa vòng các con cái của Đức
Chúa Trời đã được giải quyết khi họ gặp nhau tại bàn của Chúa.
Thù hận và oán giận đều đã được tan biến tại bàn của Chúa.
Khi nhớ đến Chúa, chúng ta cũng nhớ đến thể nào mình đã
được cứu và được tha thứ. Chúa đã tha cho chúng ta món nợ
mười ngàn ta-lâng. Làm sao chúng ta có thể bắt bạn của mình,
là người thiếu chúng ta một trăm đê-na-ri, và bóp cổ người ấy?
(Math. 18:21-35). Khi một anh em nhớ đến Chúa, lòng anh em
ấy mở ra đón nhận tất cả các con cái của Đức Chúa Trời. Anh
em ấy sẽ nhận thấy rằng tất cả những người được Chúa cứu
chuộc đều được Ngài yêu thương, và tự phát anh em ấy cũng yêu
thương họ. Chúng ta không thể có sự ganh tị, thù hận, tranh
chấp và thiếu lòng tha thứ khi ở trong Chúa. Chúng ta nhớ đến
việc Chúa tha thứ những tội lỗi của mình mà lại tranh cãi với
các anh chị em khác thì thật là vô lý. Nếu hay gây gỗ, ganh tị,
thù ghét và không tha thứ, thì chúng ta không thể nhớ đến
Chúa. Vì vậy, mỗi khi chúng ta nhóm lại nhớ đến Chúa, thì
Chúa nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương của Ngài và công
tác của Ngài trên thập tự giá. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng tất
cả những người được cứu đều được Ngài yêu thương. Chúa yêu
thương chúng ta và phó chính Ngài vì chúng ta. Ngài phó chính
mình vì chúng ta và vì tất cả những người thuộc về Ngài. Ngài
yêu thương tất cả những người thuộc về Ngài, và tự phát chúng
ta cũng yêu thương tất cả những con cái của Ngài vì chúng ta
không thể ghét những người Ngài yêu thương.
"Hãy làm điều này... để nhớ Ta". Chúng ta không bao giờ có
thể nhớ đến những người mình không biết. Chúng ta không bao
giờ có thể nhớ đến những điều mình chưa kinh nghiệm. Tại đây,
Chúa muốn chúng ta nhớ đến Ngài, điều ấy có nghĩa là chúng ta
đã gặp Ngài tại Gô-gô-tha và đã tiếp nhận ân điển của Ngài rồi.
Chúng ta ở đây nhớ lại những gì Ngài đã thực hiện. Chúng ta
nhìn lại để nhớ đến Chúa như cách người Do-thái nhìn lại để kỷ
niệm tiệc lễ Vượt Qua.
Tại sao quá nhiều người lười biếng và không kết quả? Đó là
vì họ quên rằng những tội lỗi trước kia của mình đã được rửa
sạch (2 Phi 1:8-9) . Đó là tại sao Chúa muốn chúng ta nhớ đến
Ngài và yêu thương Ngài. Ngài muốn chúng ta luôn luôn nhớ
đến Ngài. Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng chén ấy là giao ước
mới được ban hành bởi huyết Ngài; huyết ấy tuôn ra vì chúng
ta. Chúng ta cũng phải ghi nhớ rằng bánh ấy là thân thể Ngài
được ban cho vì chúng ta. Trong sự bẻ bánh của chúng ta, đó là
điều đầu tiên chúng ta cần phải nhấn mạnh.
B. Tuyên Bố Sự Chết Của Chúa
Bữa ăn tối của Chúa còn có một ý nghĩa khác. 1 Cô-rin-tô
11:26 nói: "Vì mỗi khi anh em ăn bánh này và uống chén này
thì tuyên bố sự chết của Chúa cho tới khi Ngài đến". Khi ăn
bánh và uống chén, chúng ta tuyên bố sự chết của Chúa. Chữ
tuyên bố cũng có thể dịch là "công bố". Điều ấy có nghĩa là
công bố sự chết của Chúa cho những người khác. Khi truyền
bảo chúng ta dự bữa ăn tối của Ngài, không những Chúa đòi
hỏi chúng ta nhớ đến Ngài mà còn đòi hỏi chúng ta công bố sự
chết của Ngài.
Tại sao bánh và chén tuyên bố sự chết của Chúa? Huyết
nguyên ở trong thịt. Khi huyết được tách ra khỏi thịt, thì có
nghĩa là sự chết đã xảy ra. Khi thấy rượu trong chén, chúng ta
thấy huyết, và khi thấy bánh trên bàn, chúng ta thấy thịt.
Huyết Chúa thì ở một bên còn thịt Ngài thì ở một bên. Huyết
được tách khỏi thịt. Đó là một lời tuyên bố về sự chết của
Chúa. Trong buổi nhóm ấy, chúng ta không cần nói với những
người khác rằng: "Chúa chúng tôi đã chết vì anh". Họ nhận
biết sự chết đã xảy ra khi họ thấy huyết được tách khỏi thịt.
Bánh là gì? Đó là lúa mì được nghiền thành bột. Ở trong
chén có gì? Có nho bị ép. Khi nhìn bánh, anh em nhớ đến lúa
mì bị nghiền, và khi nhìn chén, anh em nhớ đến nho bị ép.
Điều ấy rõ ràng nhắc chúng ta về sự chết. Hạt lúa mì chỉ là
một hạt; nếu trước hết hạt lúa mì không bị nghiền thì không
thể nào trở nên bánh được. Cũng vậy, nếu trước hết chùm nho
không bị ép thì chùm nho ấy không thể nào trở nên rượu được.
Nếu một hạt lúa mì tự cứu lấy nó thì sẽ không có bánh. Cũng
vậy, nếu một chùm nho tự cứu lấy nó thì sẽ không có rượu. Tại
đây, Chúa nói qua Phao-lô rằng: "Vì mỗi khi anh em ăn bánh
này và uống chén này thì tuyên bố sự chết của Chúa cho tới khi
Ngài đến". Chúng ta ăn những hạt lúa đã bị nghiền, và uống
những trái nho đã bị ép. Đó là tuyên bố sự chết của Chúa.
Có lẽ cha mẹ, con cái và những người bà con khác của anh
em chưa biết Chúa. Nếu anh em đem họ đến buổi nhóm và khi
nhìn thấy ổ bánh, họ sẽ hỏi: "Đó là gì vậy? Ý nghĩa của việc bẻ
bánh ấy là gì? Ý nghĩa của chén là gì?" Anh em có thể trả lời
rằng: "Chén chỉ về huyết và bánh chỉ về thịt. Hai thứ ấy đã
được tách rời. Sự kiện ấy bày tỏ cho anh điều gì?" Họ sẽ đáp:
"Sự kiện đó có nghĩa là sự chết đã xảy ra". Huyết ở một bên và
thịt ở một bên. Huyết và thịt được tách rời, và điều ấy ngụ ý sự
chết. Trong phòng nhóm, chúng ta có thể cho mọi người biết rõ
rằng sự chết của Chúa được bày tỏ tại đây. Chúng ta cần phải
rao giảng phúc-âm không những bằng môi miệng của mình,
hay bằng các ân tứ của mình, mà cũng bằng bữa ăn tối của
Chúa nữa. Đó là một cách rao giảng phúc-âm. Nếu người ta
nhận thức rằng việc dự bữa ăn tối của Chúa không phải là một
nghi lễ thì đó là một điều lớn lao trong vũ trụ. Chúng ta tuyên
bố sự chết của Ngài khi chúng ta dự bữa ăn tối của Chúa.
Giê-su từ Na-xa-rét, Con Đức Chúa Trời, đã chết. Đó là một sự
kiện cực kỳ lớn lao được bày ra trước mặt chúng ta.
Theo cái nhìn của loài người, Chúa Giê-su không còn ở trên
đất nữa. Nhưng biểu tượng của thập tự giá, tức bánh và chén,
vẫn còn ở đây. Mỗi khi nhìn thấy bánh và chén, chúng ta nhớ
đến sự chết của Chúa trên thập tự giá. Biểu tượng ấy của thập
tự giá nhắc nhở chúng ta liên tục cần nhớ đến sự chết của
Chúa vì chúng ta.
"Vì mỗi khi anh em ăn bánh này và uống chén này thì tuyên
bố sự chết của Chúa cho tới khi Ngài đến". Chúa chắc chắn sẽ
trở lại; đó là một niềm an ủi lớn cho chúng ta. Khi chúng ta
liên kết sự [Chúa] đến ấy với bữa ăn tối của Chúa thì điều ấy
đặc biệt đầy ý nghĩa. Anh em không thưởng thức một bữa ăn
ngon vào buổi tối sao? Bữa ăn tối là bữa ăn cuối cùng trong
ngày. Mỗi tuần chúng ta đều dự bữa ăn tối ấy của Chúa.
Hội-thánh đã tham dự cùng một bữa ăn tối ấy hằng tuần trong
gần hai ngàn năm. Bữa ăn tối ấy vẫn chưa kết thúc. Chúng ta
tiếp tục ăn bữa ăn tối ấy. Chúng ta chờ đợi và đợi chờ cho đến
khi Chúa trở lại. Khi Chúa trở lại, chúng ta sẽ không còn ăn
bữa ăn tối ấy nữa. Khi chúng ta gặp Chúa của mình mặt đối
mặt, bữa ăn tối ấy sẽ không còn nữa. Khi lại được nhìn thấy
Ngài, chúng ta sẽ không cần nhớ đến Ngài theo cách ấy nữa.
Vậy, bữa ăn tối của Chúa là để nhớ đến Ngài và tuyên bố sự
chết của Ngài cho đến khi Ngài đến. Bữa ăn tối của Chúa là để
nhớ đến Ngài. Chúng tôi hi vọng rằng ngay từ đầu, các anh chị
em sẽ tập trung vào việc nhìn xem Ngài. Khi một người nhớ
đến chính Chúa, tự phát người ấy nhớ đến sự chết của Ngài, và
khi người ấy nhớ đến sự chết của Ngài, tự phát mắt người ấy
chăm chú nhìn về vương quốc - một ngày kia, Chúa sẽ trở lại
và đón rước chúng ta về với chính Ngài. Thập tự giá luôn luôn
dẫn đến sự tái lâm của Ngài, luôn luôn dẫn đến vinh quang.
Khi nhớ đến Chúa, chúng ta phải ngửng đầu lên và nói rằng:
"Thưa Chúa, con muốn nhìn thấy mặt Ngài; khi con nhìn thấy
mặt Ngài, mọi điều khác sẽ dần dần tan biến". Chúa muốn
chúng ta nhớ đến Ngài. Ngài muốn chúng ta liên tục tuyên bố
sự chết của Ngài và loan báo sự chết của Ngài cho tới khi Ngài
đến. còn nữa

 
Chúa Jesus phán cùng họ rằng: Mùa gặt thì lớn song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu nguyện Chúa mùa gặt sai con gặt đi vào mùa của Ngài".

Luke 10: 2