CHƯƠNG MƯỜI LĂM
NGUYÊN TẮC PHỤC SINH
Trong chương trước chúng ta đã xem xét mười hai điều thuộc về cõi sáng tạo cũ, mà điều đầu tiên là sự sống của các thiên sứ. Nhưng ở đây chúng ta cần phải vạch rõ rằng những thiên sứ không sa ngã là những thiên sứ không thuộc về cõi sáng tạo cũ. Dầu đã có một thời họ ở dưới sự lãnh đạo của Sa-tan, một lãnh tụ trước kia của tất cả thiên sứ, nhưng họ không bao giờ theo Sa-tan trong cuộc phản loạn; vì thế, họ được tách riêng khỏi cõi sáng tạo cũ. Chỉ có những thiên sứ bội nghịch đã theo Sa-tan mới trở thành một phần của cõi sáng tạo cũ mà thôi. Vì thế sự sống thiên sứ như được liệt kê [trong chương trước] tức là điều đầu tiên trong mười hai điều tiêu cực thuộc cõi sáng tạo cũ không bao gồm các thiên sứ thiện. Các thiên sứ sa ngã, sau khi phản loạn đã trở nên các nhà chấp chánh, các bậc cầm quyền, các nhà cai trị và các quyền lực ở các nơi trên trời (Êph. 1:21, 2:2, 6:12; Côl. 2:15). Các ác linh, được đề cập ở Ê-phê-sô chương 6, là những thiên sứ sa ngã. Đại đa số các thiên sứ không phản loạn không thuộc cõi sáng tạo cũ, tức là sự sáng tạo đã bị kết liễu qua sự đóng đinh của Đấng Christ.
Tuy nhiên, đối với dòng giống loài người thì không có trường hợp ngoại lệ như thế vì toàn thể nhân loại đã rơi vào sự phản loạn của ma quỷ. Sự phản loạn của dòng giống loài người bắt đầu với con người đầu tiên là A-đam và bao gồm tất cả con cháu của ông. Đối với thiên sứ thì có hai nhóm, một nhóm chưa bao giờ phản loạn và một nhóm đã phản loạn nhưng đối với dòng giống loài người thì chỉ có một loại mà thôi. Toàn thể dòng giống loài người đều do A-đam đại diện và ở dưới sự lãnh đạo của A-đam, vì thế, qua A-đam cả dòng giống loài người đều thuộc về cõi sáng tạo cũ mà cõi sáng tạo này đã bị sa ngã.
Thật thế, Sa-tan, tức là lãnh tụ của các thiên sứ phản loạn, thuộc về cõi sáng tạo cũ. Sa-tan lạm dụng quyền hành đã được ban cho hắn và lợi dụng quyền hành ấy để dựng nên vương quốc của mình (Mat. 12:26). Theo Ê-sai 14:12-14, Ê-xê-chi-ên 28:13, 14 và Lu-ca 4:5-7, từ ban đầu, Đức Chúa Trời đã chỉ định Sa-tan làm thiên sứ trưởng; vì thế; hắn đã nhận được một quyền hành nào đó từ Chúa. Chúa Jesus, khi bị cám dỗ trong đồng vắng, cũng đã nhận biết quyền hành ấy của Sa-tan. Dưới quyềncai trị của mình, Sa-tan đã gây dựng một vương quốc với một nhóm thiên sứ mà nhóm thiên sứ này cũng đã lạm dụng quyền hành và thế lực riêng của chúng.
Sau khi con người được tạo nên, Sa-tan đến và dụ dỗ con người phạm tội, và vì Tội [số ít] đã ở trong con người nên nhiều bông trái đã từ đó mà phát sinh, các bông trái này được gọi là những tội lỗi [số nhiều]. Sau sự sa ngã, Sa-tan đã lợi dụng tất cả nhu cầu mà con người phải cần đến để được tồn tại chẳng hạn như việc ăn mặc, nhà ở, cưới gả... Thật vậy, Đức Chúa Trời đã tạo ra các nhu cầu này để con người được tồn tại nhưng Sa-tan đã lợi dụng chúng để hệ thống hóa cả dòng giống loài người.Hệ thống này thuộc về Sa-tan và được gọi là thế gian.
Bởi vì Tội, các tội lỗi và thế gian nên sự chết đã vào trong dòng giống loài người và qua sự sa ngã [của con người] mà Sa-tan đã tiêm điều gì đó thuộc bản chất của hắn vào trong thân thể con người để làm hư hoại thân thể ấy, khiến thân thể ấy bị biến tính và trở nên xác thịt. Một hậu quả khác của sự sa ngã ấy là toàn bộ loài người đã bị biến đổi và trở nên “người cũ”. Thêm vào đó, hồn con người, dưới sự đe dọa và ảnh hưởng của xác thịt đã trở thành bản ngã. Hồn khi được tạo ra vốn tốt nhưng vì sự sa ngã [của con người] mà hồn ấy trở thành bản ngã.
Sa-tan là đầu của các thiên sứ và A-đam là đầu của phần còn lại trong sự sáng tạo, nhưng cả hai đại diện này đều đã phản loạn. Kết quả là toàn thể sự sáng tạo này đều bị ảnh hưởng và bị chi phối (La. 8:20-22 và Côl. 1:20) và cần được giải hòa bởi sự cứu chuộc của Đấng Christ.
SỰ CHẾT BAO-HÀM-TẤT-CẢ TRONG LINH ĐỜI ĐỜI
Tất cả những điều trên tạo nên cõi sáng tạo cũ, như chúng ta đã thấy, con người sa ngã trở nên chính trung tâm của cõi sáng tạo cũ. Tất cả mọi điều tiêu cực của toàn thể vũ trụ đều được gồm tóm và tập trung trong con người. Sa-tan với vương quốc của hắn và hệ thống thế gian, cùng với Tội, các tội lỗi, sự chết, bản ngã, xác thịt, người cũ, tất cả đều ở trong con người. Tất cả mọi điều thuộc cõi sáng tạo cũ, bao gồm tất cả những điều tiêu cực của vũ trụ này đều được tập trung trong con người sangã ấy.
Thế rồi Đấng Christ đã nhập thể như một con người. Christ mặc lấy trên chính Ngài không phải là một con người đơn giản nhỏ bé mà là một con người bao-hàm-tất-cả cõi sáng tạo cũ. Đó là lý do tại sao Đấng Christ đã nhập thể như một con người và với tư cách của con người, Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá dưới hình dạng của một con rắn. Trước khi lên thập tự giá Đấng Christ là một con người nhưng, trên thập tự giá, Ngài là một con người ở dưới dạng một con rắn. Hơn thế nữa, Đấng Christ đã trở nên Tội trên thập tự giá (2 Cô. 5:21). Khi Ngài ở trên thập tự giá, Đức Chúa Trời không những đặt tất cả tội lỗi của chúng ta trên Ngài nhưng cũng khiến Ngài trở nên Tội. Đức Chúa Trời đặt tất cả mọi vi phạm và mọi tội lỗi của nhân loại lên Đấng Christ và cũng vào chính lúc đó Ngài làm Đấng Christ trở nên Tội dưới hình dạng của Sa-tan. Bởi vì tất cả những điều tiêu cực trong vũ trụ đều gồm tóm và tập trung trong con người sa ngã, nên Đấng Christ bước vào trong con người ấy và đem con người nầy lên thập tự giá. Khi Ngài đem con người ấy lên thập tự giá, Ngài đã đem mọi điều tiêu cực của vũ trụ lên thập tự giá. Khi Ngài đưa con người này vào chỗ bị tiêu diệt, Ngài cũng kết liễu cõi sáng tạo cũ. Tất cả mười hai điều thuộc về cõi sáng tạo cũ đều chấm dứt bởi sự chết bao-hàm-tất-cả của Đấng Christ trên thập tự giá.Nếu chúng ta có một quan niệm thiên thượng và một cái nhìn thuộc linh thì chúng ta sẽ nhảy lên mà reo vang “Ha-lê-lu-gia”.
Những đoạn cuối cùng của sách Ê-xê-chi-ên cho chúng ta thấy kiến trúc của nhà Đức Chúa Trời, tức là đền thờ của Ngài. Nếu phác họa toàn thể đền thờ này trên giấy, người ta sẽ khám phá ra rằng bàn thờ, tức là biểu tượng của thập tự giá, đã được đặt vào ngay trung tâm của toàn bộ kiến trúc. Cả kích thước chiều dọc và chiều ngang của đền thờ này chỉ ra rằng vị trí của bàn thờ là ở ngay trung tâm của đền thờ Đức Chúa Trời. Điều này đáng được chú ý bởi vì nó mô tả sự chết bao-hàm-tất-cả của Đấng Christ tức là sự chết đã đem được toàn bộ cõi sáng tạo cũ đến chỗ kết liễu qua thập tự giá.
Sự chết bao-hàm-tất-cả này được hoàn tất bởi Linh đời đời. Chúng ta hãy đọc trong Hê-bơ-rơ 9:14: “Đấng Christ... nhờ Linh đời đời dâng chính mình không tì vít cho Đức Chúa Trời”. Sự chết bao-hàm-tất-cả của Đấng Christ xảy ra trong Linh đời đời. Từ ngữ Linh đời đời này, được Kinh Thánh đề cập đến chỉ có một lần. Khi Đấng Christ nhập thể như một con người, Ngài đã trở nên trung tâm của toàn thể sự sáng tạo bao gồm mọi điều tiêu cực trong vũ trụ và khi Đấng Christ đem con người sa ngã này lên chết trên thập tự giá, Ngài thực hiện điều đó trong Linh đời đời. Ngài kết liễu con người bao-hàm-tất-cả này trong một Linh đời đời, tức là Đấng không có khởi đầu và cũng không thể nào bị kết thúc được. Nói một cách khác, cái chết của Đấng Christ kết liễu tất cả mọi điều ngoại trừ Linh đời đời. Đấng Christ đem tất cả mọi điều tiêu cực lên thập tự giá với Ngài và thủ tiêu chúng tại đó, nhưng Ngài vẫn tồn tại như trước bởi vì Ngài ở trong Linh đời đời. Mặc dầu mọi điều đã bị kết liễu trên thập tự giá nhưng Linh của Ngài không bao giờ có thể bị kết liễu được. Vì thế, bởi Linh này mà Đấng Christ đã được làm cho sống lại. Với tư cách là con người, Đấng Christ đã đem mọi điều tiêu cực vào sự chết. Mọi sự ấy đều đi vào sự chết và đã bị kết thúc; chỉ có Linh đời đời đi qua sự chết và được tồn tại. Ấy là trong Linh này và bởi Linh này mà Đấng Christ đã được phục sinh.
La Mã 1:4 nói rằng Đấng Christ là “... Con Đức Chúa Trời với năng quyền, theo Linh của sự thánh khiết, nhơn sự từ kẻ chết sống lại”. Sự thánh khiết này có nghĩa gì? Và tại sao Kinh Thánh lại nói là Linh của sự thánh khiết thay vì Thánh Linh? Sự thánh khiết có nghĩa đơn giản là sự biệt riêng (phân rẽ). Khi Linh đời đời đi vào sự chết, Ngài đã là và cũng vẫn là Linh của sự biệt riêng (phân rẽ). Sự chết có thể kết thúc mọi điều khác, nhưng sự chết không thể nào tiêu diệt Linh đời đời này được; Ngài thì khác hẳn và tách biệt khỏi mọi sự. Ngài là Linh của sự thánh khiết, được thử nghiệm và xác quyết bởi sự sống lại từ kẻ chết. Tôi có thể bỏ vài cuốn sách và các món đồ khác vào thùng rác và đổ nó đi, nhưng nếu tôi quăng một người vào thùng rác, thì người đó sẽ nhảy ra ngay. Người ấy sẽ không chịu để bị thủ tiêu đâu vì người ấy khác hẳn với quyển sách. Nhờ nhảy ra khỏi thùng rác mà người ấy đã tách biệt chính mình khỏi các món đồ khác; anh trở nên một người được biệt riêng, được phân rẽ. Tương tự như thế, tất cả mọi điều như con người, Sa-tan, mọi sự đều đã được đưa đến thập tự giá và bị đặt vào chỗ kết liễu, duy chỉ có Linh đời đời, Linh ấy cũng đi đến thập tự giá và vào trong sự chết với Đấng Christ nhưng không hề bị tiêu diệt. Ngài là Linh của sự phân rẽ. Sự chết làm tất cả mọi điều gì nó có thể làm nhưng sự chết không thể nào nắm giữ Linh này lại được. Ấy là bởi Linh khác biệt này, tức là Linh của sự phân rẽ, mà Đấng Christ đã được phục sinh.
THỰC TẠI CỦA SỰ PHỤC SINH TRONG LINH ĐỜI ĐỜI
La Mã 8:11 nói rằng: “Nhưng nếu Thánh Linh của Đấng đã khiến Jesus từ kẻ chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã khiến cho Christ Jesus từ kẻ chết sống lại cũng sẽ nhờ Linh Ngài ở trong anh em mà khiến thân thể hay chết của anh em được sống động”. Ai khiến Jesus từ kẻ chết sống lại? Ấy là nhờ Linh của sự phân rẽ. Linh nào khiến thân thể hay chết của anh em được sống động? Ấy là Linh phục sinh, là Đấng ở trong chúng ta. Điều này có nghĩa là thực tại của sự phục sinh và nguyên tắc phục sinh đều ở trong chúng ta. Nguyên tắc phục sinh là sự phân rẽ được thực hiện bởi Linh đời đời này, là Đấng không bao giờ bị sự chết tiêu diệt được.
Thấy được nguyên tắc phục sinh ở trong Linh đời đời của sự phân rẽ này rồi, chúng ta cần phải tự hỏi xem ngày nay Linh này đang ở đâu. Chúng ta phải nói rằng “Ha-lê-lu-gia, Ngài đang ở trong tôi!” Vì Ngài đang ở trong chúng ta nên nguyên tắc phục sinh cũng ở trong chúng ta. Nguyện Chúa mở mắt chúng ta để thấy được nguyên tắc thập tự giá và nguyên tắc phục sinh, tức là tất cả mọi sự đều đã bị sự chết kết liễu và Linh đời đời hiện đang ngự trong chúng ta. Nếu thấy được điều này thì chúng ta sẽ được vượt lên mọi sự. Chúng ta sẽ reo: “Ha-lê-lu-gia” mà không cần phải van xin, đòi hỏi hay khóc lóc. Lúc nào chúng ta cũng chỉ cần nói “Ha-lê-lu-gia”.
Giăng 11:25 cho chúng ta biết rằng chính Đấng Christ là sự phục sinh. Ma-thê, em gái người chết là La-xa-rơ, phàn nàn rằng Chúa đã đến quá trễ. Dường như đối với cô sự sống lại và sự sống là một vấn đề thuộc thời gian. Cô ấy lý luận rằng nếu Chúa đến sớm hơn thì anh cô không chết. Ngược lại Chúa bảo cô rằng trên thực tế, đây không phải là vấn đề của Đấng Christ. Chúa phán “Ta là sự phục sinh”. Hãy quên đi thời gian và không gian, bất cứ nơi nào Đấng Christ hiện diện và bất cứ khi nàoĐấng Christ có mặt thì nơi đó luôn luôn có sự phục sinh.
Vào ngày Chúa sống lại, Ngài đến với các môn đồ, hà hơi trên họ mà nói rằng: “Hãy nhận lãnh Thánh Linh”. Chính Linh mà họ nhận lãnh bao gồm nguyên tắc và thực tại phục sinh của Ngài. Không có Linh này thì các môn đồ không thể nào có liên hệ gì đến sự phục sinh của Ngài được. Sự phục sinh của Đấng Christ là ở trong Linh ấy.Nếu chúng ta có Linh này thì chúng ta có thực tại của sự phục sinh; nếu chúng ta không có Linh này, chúng ta không có liên hệ gì đến sự phục sinh cả. Sự phục sinh chỉ là chính Đấng Christ; nguyên tắc và thực tại của sự phục sinh là Linh đời đời tức là Linh không bao giờ có thể bị kết liễu được. Linh đời đời này, không có khởi điểm cũng không có tận cùng, là nguyên tắc và thực tại của sự phục sinh. Tất cả những điều khác khi đem vào sự chết đều bị kết liễu nhưng chỉ có Linh đời đời là không thể nào bị sự chết cầm giữ hay tiêu diệt được. Đó là lý do tại sao sau khi sống lại Đấng Christ tức là sự phục sinh đã đến với các môn đồ Ngài và hà hơi trên họ, bảo họ hãy tiếp nhận hơi thở của Ngài tức là Linh đời đời, Linh của sự phân rẽ. Linh đời đời này, là nguyên tắc và thực tại của sự sống lại, đã vào trong các môn đồ và chính nguyên tắc và thực tại này bây giờ đang ở trong chúng ta.
Hai câu Kinh Thánh nữa sẽ giúp chúng ta hiểu thêm điều này. Trong Phi-líp 1:19 Phao-lô nói đến “sự ban trợ của Linh của Jesus Christ”. Dường như ông nói rằng: “Tôi đang ở tù, nhưng tôi không sợ, bởi vì trong tôi có nguyên tắc và thực tại của sự phục sinh. Sự phục sinh ở trong tôi là gì? Đó là Linh của Jesus với sự cung cấp dồi dào, bao-hàm-tất-cả, và đầy đủ mọi sự ”. Sau đó, trong Phi-líp 3:10 ông nói rằng: “Hầu cho tôi được biết Ngài và quyền năng của sự sống lại của Ngài”. Quyền năng của sự sống lại của Ngài là gì? Đó là sự ban trợ của Linh của Jesus. Nguồn ban trợ dồi dào, bao-hàm-tất-cả và đầy đủ mọi sự của Linh Jesus là quyền năng của sự sống lại của Ngài. Quyền năng và sự ban trợ này không gì khác hơn là Linh đời đời, Linh của sự phân rẽ. Ngày nay Linh này đang sống trong chúng ta. Như vậy đã đủ chăng?Chúng ta còn muốn gì hơn? Chúng ta nên nói “Ha-lê-lu-gia!” Chúng ta phải cảm tạ Ngài vì cớ thập tự giá của Ngài và chúng ta cũng ngợi khen Ngài vì cớ Linh của Ngài.Thập tự giá của Ngài đã kết liễu mọi điều tiêu cực, và Linh đời đời của Ngài hiện đang ngự bên trong chúng ta chính là quyền năng của sự phục sinh vậy.
Tóm lại chúng ta không bao giờ kinh nghiệm về thập tự giá trừ phi chúng ta ở trong Linh đời đời. Dù cho chúng ta có biết nhiều hay bàn luận nhiều về điều đó bao nhiêu đi nữa nhưng nếu không ở trong Linh đời đời thì chúng ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm được quyền năng của thập tự giá. Càng sống và bước đi trong Linh đời đời của sự phân rẽ thì chúng ta càng ý thức được quyền năng tiêu trừ của thập tự giá. Không cần phải tính (kể) rằng chúng ta đã chết, đó chỉ là sự tự vận thuộc linh mà thôi.Mặc dầu nhiều Cơ Đốc nhân cố gắng tự vận thuộc linh hằng ngày, nhưng họ không bao giờ thành công cả. Nếu chúng ta chỉ sống và bước đi trong Linh, là liều thuốc bao-hàm-tất-cả ở trong chúng ta thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được quyền năng tiêu trừ của thập tự giá. Vì nguyên tắc và thực tại của cả sự phục sinh và sự chết của Ngài đều nằm trong Linh đời đời, nên sự phục sinh cũng bao gồm hiệu quả của sự chết Ngài. Trong Linh đời đời này có yếu tố tiêu trừ tức là quyền năng tiêu trừ của thập tự giá.
Vì thế, một lần nữa, chúng ta ngợi khen Chúa. Hễ chúng ta ở trong Linh tổng-bao-hàm thì kinh nghiệm thập tự giá thuộc về chúng ta và thực tại của sự sống lại ở trong chúng ta. Chúng ta không cần phải làm gì cả mà chỉ cần nhận lãnh điều ấy bởi đức tin. Rồi thì nguyên tắc thập tự giá và nguyên tắc phục sinh sẽ trở nên thực đối với chúng ta trong Linh ngự bên trong. Chúng ta đã có Ngài ngự bên trong rồi. Chúng ta không cần phải cầu xin gì nữa, nhưng chỉ nên nhận lãnh Ngài, kinh nghiệm Ngài và vui hưởng Ngài. Sau đó chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự tăng trưởng thực sự trong sự sống. Tôi có thể bảo đảm với anh em như vậy. Đây là khải tượng mà chúng ta cần thấy và nhận lãnh bởi đức tin.
CHƯƠNG MƯỜI SÁU
SỰ PHONG PHÚ CỦA SỰ PHỤC SINH
“Chúa phán: Này là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó: Ta sẽ truyền luật pháp Ta trong tâm trí họ. Ta sẽ ghi tạc nó vào lòng họ: Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, họ sẽ làm dân Ta. Họ sẽ chẳng cần mỗi người dạy kẻ lân cận mình và anh em mình rằng: Hãy nhận biết Chúa, vì họ hết thảy sẽ biết Ta từ kẻ nhỏ cho đến kẻ lớn” (Hê. 8:10-11).
“Sự xức dầu mà các con đã nhận được nơi Ngài vẫn cứ ở trong các con, chẳng cần ai dạy các con; nhưng sự xức dầu của Ngài dạy các con về mọi sự, sự xức dầu ấy là thật, không phải dối và theo như sự ấy đã dạy các con thể nào thì cứ ở trong Ngài thể ấy” (1 Gi. 2:27).
Cả Hê-bơ-rơ chương 8 và 1 Giăng chương 2 tuyên bố rằng ngày nay dưới thời Tân Ước không cần có sự dạy dỗ của con người từ bên ngoài nữa. Hê-bơ-rơ 8:10 nói rằng luật pháp đã ghi tạc vào lòng chúng ta, vì thế không cần anh em nào dạy chúng ta nhận biết Chúa. 1 Giăng 2:27 nói rằng sự xức dầu cứ ở trong chúng ta nên không cần sự dạy dỗ của con người. Đoạn Kinh Thánh trước nói rằng “luật pháp” được ghi tạc vào lòng chúng ta, còn đoạn sau lại nói “sự xức dầu” ở trong chúng ta.Hai điều này là gì? Rất có thể chúng ta là Cơ Đốc nhân lâu năm rồi nhưng vẫn chưa biết đến hai điều kỳ diệu này ở trong mình. Chúng ta có một luật pháp tuyệt diệu được ghi tạc trong mình và một sự xức dầu huyền nhiệm trong chúng ta. Thật là kỳ diệu nhưng cũng thật là đáng thương nếu chúng ta không ý thức được điều này! Vì có luật pháp và sự xức dầu bên trong nên chúng ta không cần sự dạy dỗ của loài người ở bên ngoài.
THẬP TỰ GIÁ VÀ SỰ PHỤC SINH
Luật pháp bề trong và sự xức dầu ở bên trong là những điều thuộc về sự phục sinh. Chúng ta đã thấy nguyên tắc của thập tự giá, tức là sự kết liễu toàn diện tất cả những điều tiêu cực trong vũ trụ và chúng ta cũng đã thấy nguyên tắc và thực tại của sự phục sinh. Thập tự giá kết liễu cõi sáng tạo cũ, trong khi đó sự phục sinh tạo ra nhiều sự phong phú thuộc cõi sáng tạo mới. Qua thập tự giá cõi sáng tạo cũ đã bị kết liễu. Qua sự chết của Chúa, mười hai điều thuộc cõi sáng tạo cũ đều đã bị đem đến thập tự giá và bị trừ khử hoàn toàn. Nhưng đó không phải là kết cục của câu chuyện, vì sau sự chết thì đến sự phục sinh. Điều gì được làm cho sống lại? Sa-tan chăng?Vương quốc của Sa-tan chăng? Tội chăng? Xác thịt chăng? Một ngàn lần không! Linh đời đời chỉ làm sống lại các yếu thể tính của những gì mà từ ban đầu Đức Chúa Trời đã sáng tạo cho mục đích của Ngài.
Bản chất con người là một phần của sự sáng tạo nguyên thủy của Đức Chúa Trời. Chúa sáng tạo bản chất con người cho mục đích của Ngài nhưng Sa-tan đã làm hư hoại nó. Vì thế, bởi sự chết của Ngài, Chúa đã đem bản chất vốn đã bị Sa-tan làm hư hoại ấy vào chỗ chết và bởi sự phục sinh của Ngài, Chúa lại đem bản chất đã được Đức Chúa Trời sáng tạo vào sự phục sinh. Chúa không những chỉ cứu chuộc bản chất của con người mà còn nâng bản chất con người lên một tiêu chuẩn cao hơn. Vì thế sự sáng tạo mới gồm có Đấng Christ trong Linh đời đời và bản chất con người được khôi phục và nâng cao trong sự phục sinh.
Những điều phong phú của sự phục sinh là gì? Điều đầu tiên là Đức Chúa Trời Tam Nhất, không theo ý nghĩa của Cựu Ước nhưng theo ý nghĩa của Tân Ước. Điều tiếp theo là sự sống thần thượng, vĩnh cửu, tức là chính Đức Chúa Trời, là sự sống của chúng ta. (Sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời và sự sống thần thượng cũng giống như sự khác biệt giữa điện và ánh sáng. Nói một cách nghiêm chỉnh thì điện là ánh sáng và ánh sáng là điện nhưng vẫn có sự khác biệt rõ rệt chẳng hạn như điện không những được xử dụng để phát ra ánh sáng nhưng còn phát ra năng lượng và nhiệt lượng v.v... Cũng như vậy, chính Đức Chúa Trời là sự sống chúng ta và còn là những điều khác nữa. Điều thứ ba là bản chất thần thượng (2 Phi. 1:4). Điều thứ tư là luật sự sống (La. 8:2; Hê. 8:10). Điều thứ năm là sự xức dầu (1 Gi. 2:27). Cả năm điều này là sự giàu có bao-hàm-tất-cả của sự phục sinh – Mọi điều nào khác mà bất cứ ai có thể kể ra được đều nằm trong những điều này. Cõi sáng tạo mới thừa hưởng tất cả những điều nói trên của sự phục sinh.
Chúng ta có thể nói tất cả những sự giàu có của sự phục sinh chỉ là chính Đức Chúa Trời. Bản chất thần thượng chắc chắn là chính Đức Chúa Trời, luật sự sống và sự xức dầu cũng là những điều thuộc về chính Đức Chúa Trời và sự chuyển động của Ngài. Tuy nhiên, con người không phải là một phần trong sự giàu có của sự phục sinh nhưng là con người đã được khôi phục và nâng cao bởi những sự giàu có này. Chúng ta quen thuộc phần nào với Đức Chúa Trời Tam Nhất, với sự sống thần thượng và bản chất thần thượng nhưng đa số Cơ Đốc nhân không quen biết luật sự sống và sự xức dầu bên trong. Ngày nay những điều này bị lãng quên trong Cơ-đốc-giáo.Nhưng luật và sự xức dầu bên trong là những điều phong phú thực tiễn của sự phục sinh – nếu không biết những điều ấy, chúng ta không thể biết sự phục sinh một cách thực tiễn. Sự xức dầu bên trong thì sự phục sinh chỉ được biết đến một cách khách quan trừ phi chúng ta biết được luật sự sống và sự xức dầu bên trong; chỉ như thế thì chúng ta mới có thể kinh nghiệm sự phục sinh một cách chủ quan được.
LUẬT PHÁP VÀ CÁC TIÊN TRI
Chúng ta hãy xem xét Cựu Ước với luật pháp và các tiên tri. Theo một ý nghĩa, Cựu Ước được gọi là luật pháp và các lời tiên tri (Mat. 7:12; 22:40). Hai điều này khác nhau như thế nào? Luật pháp là một bộ luật cố định không thể thay đổi được. Thí dụ như một điều trong luật pháp đòi hỏi chúng ta là phải tôn trọng cha mẹ mình.Đây là một điều không thay đổi và mọi nguời phải tuân giữ nó. Không cần phải tìm kiếm sự hướng dẫn về việc tôn kính cha mẹ vì điều luật này đã cố định. Một điều luật khác nữa là: “Ngươi chớ trộm cắp”. Đây cũng là điều luật đã được thiết lập cố định rồi. Không cần phải cầu nguyện: “Chúa ơi, xin tỏ cho con biết ý Ngài là con có nênăn trộm hay không. Xin hướng dẫn con về vấn đề trộm cắp”. Không cần phải tìm kiếm sự hướng dẫn như thế. Nguyên tắc này cũng được áp dụng cho những điều còn lại trong mười điều răn. Vì thế, luật pháp là một bộ luật cố định mà mọi người đều phải tuân theo. Luật pháp không thay đổi theo từng cá nhân. Bất kể, đàn ông hay đàn bà, trẻ hay già, giàu hay nghèo, mọi người đều bắt buộc phải tuân theo luật pháp.
Về tiên tri thì sao? Các tiên tri khuyên bảo người ta theo từng hoàn cảnh riêng biệt. Giả sử có người đến hỏi Giê-rê-mi rằng: “Bây giờ tôi có nên đi đến thành Giê-ru-sa-lem không?” Lúc này có thể vị tiên tri trả lời rằng: “Anh có thể đi được”. Nhưng vào lúc khác có thể ông lại khuyên: “Anh không nên đi”. Các tiên tri đưa ra những lời hướng dẫn sống động của Chúa cho từng hoàn cảnh cá nhân khác nhau. Luật pháp không thay đổi nhưng các tiên tri có thể thay đổi lời tiên tri tùy theo hoàn cảnh của những người liên hệ. Khi chúng ta đã có luật pháp, chúng ta luôn luôn sở hữu bộ luật đó vì các điều răn thì còn mãi trong khi sự hướng dẫn của các vị tiên tri lại tùy thuộc vào từng trường hợp. Vì thế chúng ta cần phải tiếp xúc với các vị tiên tri một cách liên tục. Người đã từng đến hỏi Giê-rê-mi không thể lại nói với vị tiên tri ấy rằng: “Tháng trước đây, vị tiên tri bảo tôi có thể đi Giê-ru-sa-lem; vì vậy, bây giờ tôi có thể đi nữa mà không cần hỏi ý ông ấy”. Nếu muốn đi đến thành Giê-ru-sa-lem một lần nữa, người ấy phải tìm đến vị tiên tri để được hướng dẫn tiếp. Phải tôn kính cha mẹ hay không thì không cần được hướng dẫn nữa vì đây là một nguyên tắc cố định của luật pháp nhưng phải tôn kính cha mẹ như thế nào thì rõ ràng là một vấn đề cần được hướng dẫn thêm. Trong một hoàn cảnh nào đó, người ấy nên tôn kính cha mẹ mình bằng cách này hay bằng cách kia. Người ấy cần được hướng dẫn, vì thế người ấy cần phải tiếp xúc với vị tiên tri.
Cựu Ước cấm đàn bà mặc y phục đàn ông và đàn ông mặc y phục đàn bà. Chúa đã ấn định điều này rõ ràng như một luật lệ cố định không bao giờ thay đổi. Nhưng khi chúng ta đi mua sắm áo quần, bộ này có thể trị giá 200 đô-la, còn bộ kia thì 20 đô-la. Việc này trở nên vấn đề cần tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa, chớ không phải luật pháp của Ngài. Đây là sự khác biệt giữa luật pháp và các tiên tri. Nguyên tắc cố định của luật pháp không uyển chuyển với bất cứ ai nhưng sự hướng dẫn của các tiên tri thay đổi theo từng người. Đôi khi ngay cả với cùng một cá nhân, sự hướng dẫn ấy vẫn có thể thay đổi theo từng hoàn cảnh riêng biệt.
LUẬT PHÁP BỀ TRONG VÀ SỰ XỨC DẦU BÊN TRONG
Vậy thì trong Tân Ước có luật pháp nào không? Có chứ nhưng không phải là luật pháp thuộc văn tự. Trong Tân Ước chỉ có luật của sự sống. Đây không phải là luật bên ngoài nhưng là luật bên trong; không phải là luật viết trên bảng đá, mà là luật ghi tạc trong lòng chúng ta. Còn các vị tiên tri trong thời Tân Ước thì sao? Cũng như luật sự sống thay thế luật bằng văn tự thì sự xức dầu bên trong thế chỗ các tiên tri. Thí dụ, nếu tôi phải đi hớt tóc, tôi có nên cầu hỏi sự hướng dẫn của Chúa bằng cách cầu nguyện: “Chúa ơi, xin bày tỏ cho con biết con có nên hớt tóc kiểu cao-bồi hay giống một ngôi sao điện ảnh” không? Không cần phải tìm kiếm sự hướng dẫn trong các vấn đề như vậy bởi vì có một luật trong tôi ngăn cấm tôi hớt tóc kiểu cao bồi hay kiểu ngôi sao điện ảnh. Luật sự sống bên trong sẽ điều chỉnh tôi về những vấn đề như thế. Giả sử bạn là một chị em trong Chúa và chị muốn chải tóc kiểu ngôi sao điện ảnh thì sâu thẳm bên trong có điều gì đó muốn điều chỉnh và tra xét chị. Đây là sự điều chỉnh bên trong của luật sự sống. Trong hơn một ngàn chương của Kinh Thánh không có một lời nào cấm để tóc giống các ngôi sao điện ảnh! Kinh Thánh cũng không đề cập gì đến các ngôi sao điện ảnh. Nhưng có một luật bên trong điều chỉnh chị em nào muốn bắt chước theo kiểu các ngôi sao điện ảnh.
Giả sử một anh em kia sắp sửa đi giảng lời Chúa. Anh ấy không cần phải hỏi: “Chúa ơi, con có nên mặc chiếc quần kiểu cao bồi không?” Nếu anh cứ tiếp tục ăn mặc kiểu đó, luật điều chỉnh bề trong sẽ kiểm soát và ngăn chận anh. Đây là nguyên tắc cố định của luật pháp bên trong anh ấy. Anh ấy cũng không cần phải tìm kiếm sự hướng dẫn trong việc hớt tóc kiểu cao bồi. Nhưng khi nào đi hớt tóc và hớt tóc tại đâu lại là vấn đề cần được Chúa hướng dẫn. Vì thế, anh ấy cần phải cầu nguyện: “Chúa ơi, có phải Ngài muốn con đi hớt tóc hôm nay không? Con nên đến tiệm hớt tóc hay lại nhà một anh em nhờ hớt”. Đây không phải là vấn đề liên quan đến luật bề trong nhưng thuộc về sự xức dầu bên trong. Sự xức dầu bên trong là “Vị Tiên Tri” ngự bên trong, là nguời hướng dẫn anh ấy. Nếu anh ấy không cẩn trọng và không tìm kiếm sự hướng dẫn của “Vị Tiên Tri” bên trong, anh ấy có thể vội vàng chạy đến nhà một anh em nhờ hớt tóc và gặp lắm chuyện rắc rối. Vì không quan tâm đến sự xức dầu bên trong nên anh ấy phải chịu đau khổ. Anh em có hiểu được điều này chưa?
Hầu hết phụ nữ đều thích mua sắm. Khi vào cửa hàng bách hóa không điều gì có thể giới hạn và điều chỉnh họ ngoại trừ tiền họ có trong nhà băng. Nhưng những chị em yêu mến Chúa, học sống và bước đi bởi Chúa thì khác. Khi họ vào cửa hàng bách hóa và cầm lên một món đồ thì sẽ có điều gì bên trong điều chỉnh họ và nói rằng: “Bỏ nó xuống đi”. Và họ bỏ xuống. Khi họ cầm lên một món đồ khác, một lần nữa bên trong lại nói: “Đừng đụng đến nó, bỏ nó xuống đi”. Sự chống đối từ bên trong này là gì? Đó là luật bên trong, luật của sự sống. Những phụ nữ thuộc thế gian có thể mua những gì họ thích bất kể đến kiểu dáng, màu sắc và hình dạng. Nếu họ thích thì họ mua. Nhưng các chị em yêu mến Chúa có cảm giác không được tán thành khi họ cầm lên món đồ này hay món đồ nọ. Đó là sự điều chỉnh của luật bên trong.
Mặt khác, nếu anh em cần mua một món đồ nào đó, anh em có thể tìm kiếm sự hướng dẫn của sự xức dầu bên trong ấy là anh em nên tiêu khoảng bao nhiêu tiền.Anh em cần tương giao với Chúa, tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài qua sự xức dầu ở bên trong. Không một ai có thể chỉ bảo anh em. Nếu anh em đem vấn đề này đến hỏi tôi, tôi sẽ nói: “Đừng hỏi tôi; hãy hỏi Đấng ngự bên trong. Nhờ sự xức dầu từ bên trong anh em sẽ biết anh em nên tiêu bao nhiêu tiền”. Chỉ cần hỏi: “Chúa ơi, con tiêu 150 đô-la được không?” Sự xức dầu bên trong có thể trả lời: “Không!” “95 đô-la?” “Không!” “65 đô-la?” “Có lẽ được”. “50 đô-la?” “Được”. Trong lòng anh em sẽ cảm thấy yên ổn.
Ngay cả người chồng cũng không thể bảo vợ mình nên làm điều gì. Nếu người vợ hỏi ý chồng mình có nên mua cái nón giá 30 đô-la không, anh ấy nên nói: “Em ơi, em phải đến với Chúa và xin Ngài hướng dẫn qua sự xức dầu từ bên trong”. Sự xức dầu từ bên trong sẽ hướng dẫn chị em ấy nhưng chị em ấy cần thời giờ cầu nguyện và tiếp xúc Chúa. “Chúa ơi, con thờ phượng Ngài. Ngài là sự sống của con! Ngài là Chúa của con và Ngài ngự bên trong con. Chúa ơi, xin cho con cảm nhận đúng là con nên tiêu bao nhiêu tiền để mua một cái nón”. Sau đó chị em ấy sẽ cảm nhận Chúa ở bên trong: “30 đô-la?” “Không!” “25 đô-la?” “Không!” “20 đô-la?” “Không!” “15 đô-la?” “Không!” “12 đô-la?” “Được”. Cuối cùng, sự xức dầu bên trong sẽ cho chị em ấy một cảm nhận đúng đắn từ bên trong.
Nếu anh em không có kinh nghiệm này, tôi e rằng có thể anh em không phải là con cái Đức Chúa Trời “Bởi vì hễ ai được Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt đều là con của Đức Chúa Trời (La. 8:14). Linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn chúng ta như thế nào? Bởi sự xức dầu bên trong. Ngợi khen Chúa, chúng ta là tạo vật mới trong sự phục sinh. Trong sự phục sinh chúng ta có chính Đức Chúa Trời Tam Nhất. Chúng ta có Ngài là sự sống và là bản chất của mình và chúng ta cũng có luật sự sống bên trong tức là Linh của Ngài hành động ở bên trong chúng ta như là sự xức dầu; Ngài luôn luôn chuyển động và xức dầu chúng ta bằng chính mình Đức Chúa Trời. Càng được xức dầu một cách thực tiễn như vậy chúng ta càng có thêm yếu thể tính của Chúa ở trong chúng ta. Điều này giống như việc người thợ sơn một cái bàn. Ông càng sơn thì càng nhiều nước sơn được phủ trên cái bàn đó. Càng có sự xức dầu của Thánh Linh ở bên trong, chúng ta càng có thêm nhiều tố chất của Chúa. Nếu sẵn lòng để Thánh Linh xức dầu chúng ta một cách liên tục thì sau một thời gian chúng ta sẽ có nhiều tố chất hay yếu thể tính của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời là nước sơn, Thánh Linh là thợ sơn và sự xức dầu là việc sơn phết. Thánh Linh sơn phết bên trong chúng ta bằng nước sơn tức là chính Đức Chúa Trời. Nước sơn sẽ cho chúng ta cảm nhận bên trong về ý muốn của Chúa.
Chúng ta phải có sự điều chỉnh và sự xức dầu từ bên trong. Luật bên trong điều chỉnh chúng ta để giữ chúng ta theo đường lối Chúa và chúng ta được xức dầu bởi sự xức dầu bên trong để biết được ý Chúa trong mọi sự. Bằng cách này yếu thể tính của Chúa sẽ luôn được gia tăng bên trong chúng ta. Hễ càng được Thánh Linh sơn chúng ta bằng nước sơn tức là Đức Chúa Trời thì chúng ta càng có nhiều tố chất của Chúa thêm vào bên trong mình. Đây là sự giàu có của sự phục sinh như là kinh nghiệm thực tiễn bề trong của chúng ta.