“Chúng tôi đã bị đè nén quá chừng, quá sức, đến nỗi cũng hết mong sống được. Thật chúng tôi đã tự đoán định rằng chắc phải chết, hầu cho chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại” (II Cô 1: 8 – 9).
“Dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ càng ngày càng đổi mới. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên” (II Cô 4: 16 – 17).
“Họ… theo ý mình mà sửa trị chúng ta ít lâu, nhưng Ngài vì ích lợi chúng ta mà sửa trị, để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài” (Hê 12: 10).
“Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những kẻ thương yêu Đức Chúa Trời, tức là những kẻ được gọi theo mục đích của Ngài. Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã dự định để trở nên giống như hình ảnh của Con Ngài, hầu cho Con ấy làm Con sanh đầu nhất giữa nhiều anh em” (La-mã 8: 28 -29).
“Đức Chúa Trời là Đấng làm cho kẻ chết được sống động...” (La mã 4: 17b).
“Ta... là Đấng sống, Ta đã chết, nầy ta sống cho đến đời đời vô cùng...” (Khải 1: 17, 18).
Đau khổ là số phận của tất cả dân cư trên mặt đất, không một ai tránh khỏi nó. Một vài người tưởng rằng nếu anh em tin cậy nơi Chúa, và sống trong sự kính sợ Ngài, anh em sẽ được miễn dịch khỏi mọi đau yếu. Tuy nhiên, nhiều Cơ đốc nhân bị đau đớn quá mức, còn nhiều anh em sống khắng khít với Chúa cách thiết thực mà lại bị đau khổ tiếp diễn.
Kẻ chưa tin cứ hỏi luôn: “Nếu Đức Chúa Trời yêu thế gian, tại sao Ngài để cho muôn loài bị đau buồn?” Còn người tín đồ thì hỏi: “Nếu Đức Chúa Trời thương yêu con cái Ngài, tại sao Ngài để cho rất nhiều rối loạn giáng trên họ?” Một ít kẻ khác thắc mắc nhiều hơn: Điều này nghĩa làm sao, anh em càng thuộc linh anh em càng gặp gay go chừng nấy? Đây là các vấn đề thực tế, chứ không phải các sự lý có tính cách lý thuyết suông và chúng ta phải đối mặt với chúng.
Tại sao con người vốn được Đức Chúa Trời sáng tạo, lại bị chế phục bởi sự đau khổ cả cuộc đời? Tại sao con người vẫn tiếp tục chịu đau khổ sau khi đã trở nên con cái Đức Chúa Trời? Tại sao các nỗi đau khổ của người càng gia tăng khi họ càng thêm lòng tận tâm sốt sắng với Chúa?
Lúc tôi còn trẻ tuổi, tôi đã dành một thời giờ đáng kể để nghiệm xét về vấn đề đau khổ này. Nhưng vì cớ tri thức của tôi về Chúa còn sơ thiển nên chỉ có thể rút ra các kết luận sau đây từ sự nghiên cứu của tôi: 1/. Con người có xu hướng về điều sai lầm, vậy sự đau khổ là điều cần yếu để sửa sai họ. 2/. Đau khổ là cần yếu cho chúng ta nếu chúng ta phải yên ủi kẻ khác, vì chỉ những kẻ từng trải sự đau khổ mới có thể giúp kẻ khác cách hữu hiệu. 3/. Sự sửa phạt của sự đau khổ là thiết yếu để chúng ta được nhẫn nại, vì như La-mã 5: nói: “Sự hoạn nạn sanh sự nhẫn nại.” 4/. Sự đau khổ là không thể tránh khỏi để bởi đó chúng ta được nhào nặn nên các bình hữu dụng cho Chúa.
Tôi thừa nhận rằng bốn kết luận trên mà tôi đã đạt được lúc còn trẻ tuổi là đúng toàn vẹn, nhưng chúng còn thiếu hụt tiêu điểm. Cứu cánh tối hậu của tất cả đau khổ là hoàn thành mục đích trường cửu của Đức Chúa Trời. Mục đích này đã khải thị cho chúng ta trong cả Kinh thánh, nhưng nó chỉ có thể thực hiện trong chúng ta qua sự đau khổ. Và sự nhận thức này bao gồm một kiến thức thực nghiệm về Đức Chúa Trời, không chỉ như là Đức Chúa Trời hằng sống, nhưng cũng là Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Kinh nghiệm của mọi người được cứu ít ra cũng đều cung cấp một vài dấu hiệu hiển nhiên rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời hằng sống, nhưng rất ít người được cứu lại nhận thức rằng Đức Chúa Trời tức Đấng cư trú trong họ là Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Nếu chúng ta chưa phân biệt cách minh bạch giữa Đức Chúa Trời hằng sống và Đức Chúa Trời của sự phục sinh, thì nhiều nan đề vẫn cứ sẽ nổi lên trong kinh nghiệm của chúng ta đang khi tiến tới trên đường theo Chúa. Bây giờ, tôi sẽ giải thích sự khác biệt này một cách đơn giản như sau:
Sự nhục hóa đánh dấu một biến động phi thường trong vũ trụ. Trước sự nhục hóa Đức Chúa Trời vốn là Đức Chúa Trời và người là người. Không có một yếu tố nhân tính nào trong Đức Chúa Trời, cũng không có một yếu tố thần thượng nào trong người. Hai hữu thể phân rẽ nhau hoàn toàn. Nhưng một ngày kia “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt” và ngày đó đánh dấu một chỗ rẽ xoay chiều trong lịch sử của vũ trụ. Nó kết thúc một thời kỳ phân phát và dẫn đến thời kỳ khác (dĩ nhiên chúng ta nói theo quan điểm của loài người như là các thọ tạo của thời gian, chớ không theo quan điểm của Đức Chúa Trời trong cõi hằng hữu vô thời gian).
Với sự nhục hóa, một giai đoạn phân phát được bắt đầu, trong đó Đức Chúa Trời và con người, con người và Đức Chúa Trời đã hỗn hợp thành một. Kinh thánh tuyên bố rằng Ngôi Lời đã trở nên xác thịt và được gọi là “Em-ma-nu-ên,” có nghĩa Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Danh hiệu này không chỉ có nghĩa suông là hiện diện Đức Chúa Trời ở giữa dòng dõi loài người, nó có nghĩa một sự nhập thể của Ngài vào nhân loại. Sự việc đã xảy ra ở Bết-lê-hem là sự giáng sinh của Đấng sở hữu hai bản chất. Đức Chúa Trời và con người đã hiệp nhất trong một thân vị. Mãi đến thời kỳ đó tất cả hậu tự của A-đam đều chỉ có một bản chất; sau thời kỳ đó trở đi có một Đấng sỡ hữu hai bản chất, loài người và thần thượng. Ngài là một người thực và là Đức Chúa Trời thực. Đấng ấy, Jesus Na-xa-rét vừa là con người vừa là thần thượng, đã trở nên đầu mối của các sự bối rối của nhiều người. Họ hỏi Ngài: “Người này là người gì?” Họ biết rõ rằng Ngài là người, tuy nhiên vì cớ có nhiều điều của Ngài là thần thượng, nên Ngài là nan đề cho những kẻ đồng thời Ngài. “Em-ma-nu-ên,” “Đức Chúa Trời bày tỏ trong xác thịt.” Đó là ý nghĩa của sự nhục hóa!
Nhưng sự nhục hóa chỉ là phân nửa của sự huyền nhiệm. Phần nửa kia là sự phục sinh. Nhục hóa là Đức Chúa Trời bước vào con người, sự phục sinh là con người bước vào Đức Chúa Trời. Sự nhục hóa đưa dung lượng thần thượng vào sự sống con người, sự phục sinh đem nội dung con người vào sự sống thần thượng. Sau sự nhục hóa có thể nói rằng: Trên đất có một người mà trong sự sống của người ấy có yếu tố thần thượng. Nhưng mãi sau khi có sự phục sinh mới có thể nói: Có một Đức Chúa Trời trên trời mà trong Ngài có yếu tố loài người. Đó là ý nghĩa của sự phục sinh!
Nhưng tại sao chúng ta nhấn mạnh sự dị biệt giữa Đức Chúa Trời hằng sống và Đức Chúa Trời phục sinh? Vì rằng đang khi Đức Chúa Trời hằng sống có thể thực hiện nhiều tác vụ thay cho anh em, bản tính của Đức Chúa Trời hằng sống không thể hỗn hợp với bản tính con người. Trái lại, khi Đức Chúa Trời của sự phục sinh vận hành, chính bản tính Ngài được truyền đạt cho bản tính con người. Hỡi anh chị em, hãy vui lòng ghi nhớ điều này ngay cả khi Đức Chúa Trời hằng sống đã hoàn tất vài tác vụ thay cho anh em, sau và trước khi có tác vụ đó, Ngài vẫn là Ngài và anh em là anh em. Sự vận hành của Ngài thay thế cho anh em không chuyển đạt một điều gì của bản chất Ngài cho anh em cả. Đức Chúa Trời hằng sống có thể hành động thay cho con người, nhưng bản chất của Đức Chúa Trời hằng sống không thể kết hợp với bản chất của con người. Về phương diện kia, Đức Chúa Trời phục sinh vận hành, Ngài truyền đạt chính mình Ngài cho con người bởi điều mà Ngài làm cho người. Tôi trích ra hai hình ảnh thí dụ sau đây:
Khi dân Y sơ ra ên ở vào tình thế tuyệt vọng trong sa mạc, Đức Chúa Trời hằng sống mở đường cho họ đi qua Hồng Hải. Sự rẽ Biển Đỏ là một thần tích chứng tỏ cho họ rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời hằng sống. Tuy nhiên phép lạ được thực hiện đó đã không truyền một lượng sự sống nào của Đức Chúa Trời cho họ. Họ chứng kiến nhiều tác động thần thượng khác trong sa mạc – thí dụ, Đức Chúa Trời ban phát bánh từ trời và nước uống từ vầng đá – nhưng dù các phép lạ đó và các điều kỳ diệu khác được Đức Chúa Trời thực hiện cho họ, không có một điều gì của Đức Chúa Trời bởi đó được truyền đạt cho họ cả.
Trái với điều này, sứ đồ Phao lô làm chứng rằng ông không chỉ biết Đức Chúa Trời hằng sống nhưng cả đến Đức Chúa Trời phục sinh nữa. Phao lô gắng sức cách đau thương đang khi tuyệt vọng về cuộc sống, nhưng ông đã thực sự học tập tin cậy Đức Chúa Trời Đấng có thể khiến kẻ chết phục sinh. Đức Chúa Trời của sự phục sinh hành động thay cho người để đem người đi từ kẻ chết sống lại. Tác động thần thượng đó không chỉ hoàn tất một vài điều cho Phao lô, nó cũng truyền đạt chính bản chất Đức Chúa Trời cho Phao lô.
Hỡi anh chị em, hãy nhận cho rõ sự khác nhau ở đây. Các phép lạ được thực hiện cho dân Y sơ ra ên trong đồng vắng là các tác động của Đức Chúa Trời hằng sống; nhưng dù cho có nhiều phép lạ đã được thực hiện cho họ, không có điều gì của Đức Chúa Trời được truyền vào thể chất của họ. Các phép lạ được thực hiện cho Phao lô là được Đức Chúa Trời của sự phục sinh thực hiện, và mỗi một kỳ tích tươi mới truyền một lượng tươi mới của Đức Chúa Trời vào sự sống của Phao lô. Đau đớn thay! Dù nhiều thế đại đã trôi qua kể từ Sự Phục Sinh, nhiều cơ đốc nhân vẫn hầu như dốt nát về Đức Chúa Trời của sự phục sinh và chỉ lưu ý đến Đức Chúa Trời hằng sống mà thôi. Tôi đang cố gắng đưa điều này đến chỗ thông thường cho đời sống hằng ngày của chúng ta.
Một anh em kia bị bệnh rất nghiêm trọng. Trường hợp người có thể xem là tuyệt vọng, nhưng Đức Chúa Trời đã thương xót người và vận hành một phép lạ thay cho người khiến người được bình phục. Sau đó người làm chứng cho sự kiện rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời hằng sống. Tuy nhiên, ít lâu sau khi đã bình phục người sa đọa ngay vào thế giới. Ngay cả khi người sống với thế giới, người vẫn còn nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời hằng sống và rằng Đức Chúa Trời đã bảo tồn mạng sống người khỏi sự chết. Nhưng người không kinh nghiệm sự tăng trưởng sự sống thần thượng; người chỉ kinh nghiệm một phép lạ chữa bệnh mà thôi.
Có một anh em khác nữa bị bệnh. Ngày nay qua ngày kia không thấy có dấu hiệu bình phục nào. Người đến gần cửa phần mộ. Rồi khi người tuyệt vọng hoàn toàn, nhưng trong sâu thẳm của bản thể mình, người lần lần nhận thức được Đức Chúa Trời. Sự sống phục sinh bắt đầu hoạt động bên trong, người thức tỉnh đối với sự kiện rằng sự sống phục sinh này là một sự sống mà có thể chiến thắng tất cả phiền muộn và ngay đến cũng có thể nuốt cả sự chết. Người vẫn cảm xúc rất nhiều về sự yếu đuối và bị thử thách cách đau buồn, hơn nữa có nhận thức sâu xa rằng Đức Chúa Trời không chỉ vận hành để bày tỏ quyền năng Ngài trong các tác động tỏ tường, nhưng cũng đang vận động để truyền đạt chính mình Ngài nữa. Ánh sáng chiếu từ từ trên người và rồi sức khỏe người bình phục lần lần. Anh em này không kinh nghiệm một sự chữa lành nhưng được bước vào một kinh nghiệm mới mẻ về Đức Chúa Trời. Anh em kia có thể làm chứng cho một phép lạ được thực hiện trong thân thể, và ít lâu sau sa đọa vào thế giới. Nhưng nếu anh em này làm chứng thì không ai cảm động về lời ấy cả, không có sự nhấn mạnh về sự chữa lành, tuy nhiên người đã gặp Đức Chúa Trời trong sự sống của mình.
Hãy để cho tôi kể một câu chuyện khác để giải thích thêm về điều này. Một anh em kia dự phần vao công việc xuất khẩu, anh đã trù liệu gởi hàng hóa bằng một chiếc tàu nọ. Nhưng hàng hóa anh bị trễ nên phải gởi một tàu khác sau đó. Sau đó ít lâu, anh ấy nghe tin rằng chiếc tàu mà lúc đầu tiên anh định gởi hàng hóa đó đã bị chìm. Người ấy đã ngợi khen Đức Chúa Trời về ân điển của Ngài là dường nào! Người thưa: “Ô lạy Đức Chúa Trời, sự dẫn dắt của Ngài là toàn hảo dường nào! Ngài thật là Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống.”
Ít lâu sau đó cũng anh em ấy lại mắc phải bịnh lao phổi, người trở nên bối rối. Anh ta ở vào tình thế khổ não, nhưng vợ người an ủi người và nói: “Anh há không nhớ việc xảy ra hai tháng trước lúc Đức Chúa Trời cứu thoát việc gởi hàng hóa hay sao? Ồ Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng hằng sống và chân thật.” Nhưng trong trường hợp này Đức Chúa Trời dường như không chân thật cũng không hằng sống, vợ chống càng cầu nguyện chừng nào, anh em ấy càng xuất huyết nhiều chừng nấy. Anh ta càng cầu nguyện, tình trạng càng khổ não hơn. Anh ấy khốn khổ vô cùng! Rốt lại anh ấy sa vào sự nghi ngờ và vợ anh bắt đầu thắc mắc nữa. Một ít tháng sau công việc anh ta bị đứng lại. Sức khỏe càng suy sụp và tài lực anh ta bị hao hụt, đến nỗi cả hai vợ chồng anh đến chỗ tuyệt vọng. Trong chỗ cùng cực họ mất hết đức tin và cầu nguyện: “Chúa ôi, Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống, chúng tôi tin Ngài sẽ thương xót chúng tôi.” Nhưng ngày hôm sau do sự nhẫn nại ấy họ được thêm một sự xuất huyết, cả hai vợ chồng không còn lòng tin cậy nữa. Đức Chúa Trời hằng sống đã biến mất khỏi chân trời của họ! Bạn hữu và người lân cận đều tuyên bố trường hợp của anh ta là tuyệt vọng, vả sự khám xét của bác sĩ xác nhận cho lời của họ là đúng.
Tuy nhiên, đây chưa phải là điểm chấm dứt câu chuyện. Một biến động xảy ra trong sự sống bề trong của anh em đó. Nó bắt đầu biểu lộ trong anh em (Dù rằng anh không thể định nghĩa nó là gì trong khi anh đã biết Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời hằng sống, anh không biết Ngài là Đức Chúa Trời của sự phục sinh). Anh biết giáo lý phục sinh nhưng anh không biết thực tế của sự phục sinh. Anh biết bằng kinh nghiệm rằng chính anh ta bước vào sự sống Đức Chúa Trời rồi. Từ ngày tin Chúa cho đến ngay bây giờ có một điều được sáng tỏ cho anh rằng, anh đã sở hữu sự sống Đức Chúa Trời, nhưng anh chưa sống trong sự sống của Ngài. Ngay cả khi anh cầu nguyện với Đức Chúa Trời, anh không không ở trong sự tùy thuộc vào Ngài. Anh nhìn thấy mọi cố gắng của anh để làm vui lòng Đức Chúa Trời là một vài điều biệt lập với Ngài. Lòng anh đầy dẫy sự ăn năn. Anh gớm nghê chính mình. Sự chữa bệnh không còn là vấn đề cho anh nữa. Tình trạng của anh không còn là nan đề cho anh nữa.Vấn đề của anh là chính mình anh. Anh ấy nhận rõ cách trọn vẹn rằng điều mà anh cho mình là sự phục vụ thuộc linh trước kia, nay là sự việc ở ngoài lề sự sống thần thượng.
Không ai giảng cho anh, nhưng Thánh Linh đã ban cho anh sự ghi nhận sâu xa về cá nhân chủ nghĩa của anh. Anh tự xét đoán cách thẳng thắn, không còn lo nghĩ sự cải thiện sức khỏe hay hoàn cảnh của mình. Trong lúc này có một điều khác biệt đã xảy ra: sức khỏe anh gần cải thiện. Không một ai biết sức khỏe anh hồi phục cách nào và khi nào. Có một sự gia tăng tiệm tiến của sức lực cho đến khi anh ấy bình phục hẳn. Lúc trước anh có thể làm chứng Đức Chúa Trời hằng sống, nhưng nếp sống của anh biệt lập với Đức Chúa Trời, từ hôm nay anh biết Đức Chúa Trời của sự phục sinh và bắt đầu sống tùy thuộc vào sự sống phục sinh.
Hỡi anh chị em, hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời cho phép chúng ta trải qua mọi nỗi khốn khổ chỉ vì lý do này, để chúng ta có thể biết Ngài là Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Ngài vẫn tiếp tục đưa chúng ta vào sự chết, vì chỉ trong sự chết chúng ta mới có thể kinh nghiệm sự sống phục sinh.
Kinh thánh nói về hai cuộc sáng tạo, sáng tạo cũ và mới. Bản chất thần thượng không cư trú trong cuộc sáng tạo cũ, đó là lý do tại sao nó phải trở nên cũ đi. Nơi nào Đức Chúa Trời cư trú nơi đó có sự mới mẻ. Giê ru sa lem ở trên được gọi là: “Giê ru sa lem mới,” vì nó đầy dẫy Đức Chúa Trời. Sáng tạo thứ nhất, dù nó là sáng tạo của Đức Chúa Trời hằng sống, nhưng không có nội dung thần thượng nào; điều mà Đức Chúa Trời của sự phục sinh khiến sống lại từ kẻ chết thì có một nội dung thần thượng và loài người. Nó bao gồm cả sự sống thọ tạo và sự sống siêu nhiên. Sáng tạo thứ nhất, dù được dựng nên bởi chính mình Đức Chúa Trời, nhưng đã được Đức Chúa Trời cho đùa vào sự chết để nó có thể xuất hiện, trồi lên trong hình thức phục sinh, một sáng tạo mới có hai bản chất song đôi, tức bao hàm cả bản chất Đức Chúa Trời và con người.
Nguyên tắc này có thể được áp dụng cho chúng ta cách cá nhân và cho tất cả các mối liên hệ của chúng ta. Hai bạn đồng công yêu thương nhau và cộng tác với nhau cách hòa hợp, tưởng chừng tình yêu hỗ tương và sự hợp tác của họ như là một điều thuộc linh, các kẻ khác cũng có thể ghi nhận như vậy. Tuy nhiên, đó là một sự liên hệ phàm trần không có một nội dung thần thượng nào. Nhưng ngày kia tay Chúa giáng trên họ, và sự đồng công cộng tác chấm dứt. Vì một vài lý do không giải thích được hai bạn đồng lao trên không thể đi chung được nữa. Họ buồn khổ về điều đó, cầu nguyện và mong mỏi phục hồi sự hòa hợp như trước kia, nhưng họ càng cầu nguyện, sự hòa hợp càng lánh họ. Rồi một ngày kia họ biết thực sự về kinh nghiệm xưa của họ, họ thấy chính mình đang ở trong một mối tương quan mới mẻ - không phải là sự hiệp nhất của bản chất xác thịt, nhưng là một sự hiệp nhất của cả thần tính và nhân tính.
Dù sáng tạo cũ đã được hiện hữu bởi bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời hằng sống, nhưng chính mình Ngài không cư ngụ ở đó. Nó được dựng nên bởi Ngài và bày tỏ ra quyền năng Ngài, nhưng nó không tỏ ra hiện diện Ngài. Làm thế nào sáng tạo cũ có thể được biến đổi thành sáng tạo mới? Bởi sự ngự vào của Đức Chúa Trời. Nhưng làm sao sự ngự vào của Ngài được thực hiện? Đây là chỗ mà các khó khăn chính yếu dấy lên. Bản chất cũ phải bị bẻ gãy dọn đường cho Ngài. Hỡi anh chị em, mọi sự trong đời sống của anh chị em phải được đưa vào sự thử nghiệm tột bực là chết để dọn đường cho Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Nếu anh em chỉ biết Đức Chúa Trời hằng sống, tri thức của anh em còn quá khách quan. Ngài vẫn là Đức Chúa Trời, anh em vẫn là amh em riêng rẽ. Anh em cần biết Đức Chúa Trời của sự phục sinh, và chỉ do sự chết mà Ngài có thể rẽ tách ra cho Ngài một đường lối bước vào sự sống của anh em.
Trước khi tôi đến xứ này (Mỹ), tôi đã thăm viếng một xưởng dệt lớn tại Manila. Tôi quan sát ở đó sự diễn tiến trong việc sản xuất một vài nguyên liệu. Sau khi vải đã được dệt xong, tôi nhìn xem một sự diễn tiến thứ hai xảy ra. Vải hoàn tất đó được nhúng vào thùng thuốc nhuộm để thấm ướt hết vải đó, rồi một nguyên tố mới được thêm vào đó. Đó cũng như sự sáng tạo cũ. Nó phải trải qua một diễn trình tàn phá, để được thấm nhuần với hiện diện Đức Chúa Trời.
Tôi bị ấn tượng cách sâu đậm đang khi đứng ở hãng dệt đó quan sát hai diễn trình và so sánh hai loại vải ra từ diễn trình này và diễn trình kia. Bản chất vải của chúng thực là một, nhưng một số vải trải qua tình trạng tiêu diệt sự diễm lệ tạm thời để có được sự diễm lệ mới mẽ, trường tồn ban phát cho chúng.
Ý nghĩa của sự đau khổ là gì? Điều ấy là để đem sự tàn phá cho sự sáng tạo cũ dành cơ hội cho Đức Chúa Trời của sự phục sinh truyền đạt chính mình Ngài cho tạo vật Ngài, để đến nỗi chúng có thể xuất phát ra từ diễn trình chết mà trong thể chất của chúng có được một yếu tố thần thượng.
Mục đích căn bản của sự đau khổ trong vũ trụ này đặc biệt đối với con cái Đức Chúa Trời là để qua sự đau khổ bản chất Đức Chúa Trời được xây dựng trong bản chất con người. “Dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ càng ngày càng đổi mới.” Qua diễn trình hư nát ngoại tại, diễn trình nội tại đang tiếp tục diễn ra để thêm vào một cấu tạo mới cho sự sống của anh em.
Hỡi anh chị em yêu dấu, qua khó khăn và đè nén, nguyên tố thần thượng sẽ được cấu tạo trong chính “Vải” của bản thể anh em, đến nỗi anh em không còn làm cơ đốc nhân vô màu sắc nữa, nhưng có một thứ thuốc nhuộm thiên thượng đã truyền đạt cho anh em thay cho chỗ thiếu khuyết trước kia. Bất cứ sự đau khổ đó là gì cũng đều có hiệu quả - đây là điều cơ bản – đưa những kẻ mà Đức Chúa Trời cho sở hữu sự sống thọ tạo được vào trong sự sống bất thọ tạo của Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Ấy là do các kinh nghiệm về sự chết, do sự chịu khổ nên sự sống của tạo vật được hỗn hợp với sự sống của Tạo Hóa. Chúng ta có thể biết Đức Chúa Trời hằng sống mà không có các kinh nghiệm quyết liệt như vậy, nhưng chỉ bởi trải qua sự chết chúng ta mới có thể đạt đến một tri thức thực nghiệm về Đức Chúa Trời của sự phục sinh.
Sự đau khổ là số phận do Đức Chúa Trời ấn định cho các cơ đốc nhân. Sự hạnh phúc của cơ đốc nhân không được tìm thấy trong mọi vật bên ngoài, nhưng trong sự học hỏi vui hưởng chính mình Đức Chúa Trời ở giữa cơn khổ nạn. Phao lô và Si la có thể ca hát ngợi khen Ngài trong lao tù, vì cớ sự sung sướng của họ không đến từ ngoại cảnh, nhưng từ sự vui hưởng Đức Chúa Trời ở bề trong. Trong bức thư ngắn ngủi của Phao lô viết trong ngục thất gởi cho anh em tại thành Phi líp, có trên vài chục chỗ bày tỏ sự vui mừng. Giữa sự khổ nạn, người vẫn có thể vui mừng, vì cớ người đã học tập hiểu biết Christ, chiếm hữu Christ, vui hưởng Christ trong cơn đau khổ. Các ngoại cảnh đều đưa đến sự đau buồn, nhưng trong cơn đau buồn Christ có thể được truyền đạt cho người như là nguồn mạch vui vẻ.
Hỡi anh chị em yêu dấu, anh em muốn làm kẻ dự phần sáng tạo mới không? Anh em muốn nếm sự tươi mới vĩnh cửu không? Anh em phải bày tỏ lòng ưng thuận với Đức Chúa Trời khi Ngài tìm cách dẫn anh em qua diễn trình tàn phá. Anh em cần bình tĩnh vì Đức Chúa Trời biết làm sao để phân chia sự đau khổ cho anh em. Ngài là Đấng thông thạo đang chọn lựa sự đau khổ hợp với tình trạng chúng ta. Ngài cân nhắc mọi việc cách chính xác và chọn lựa sự đau khổ thế tục nào thích hợp cho nhu cầu thế tục. Ngài chọn lựa số phận cho mỗi một người cho mục tiêu trước mắt – sự tăng trưởng nội dung thần thượng trong đời sống chúng ta. Nếu Ngài sửa phạt chúng ta, ấy là luôn luôn “Vì ích lợi chúng ta, để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài.” “Mọi sự hiệp lại làm ích cho những kẻ... được gọi theo mục đích của Ngài.” Làm ích điều gì? Để chúng ta trở nên giống như hình ảnh của Con Ngài.