HÁT THÁNH CA
Kinh Thánh: Thi 104:33; Êph. 5:19; Math. 26:30; Công 16:25
Sau khi một người tin nhận Chúa, một người phải học tập
hát thánh ca. Khi một Cơ-đốc-nhân đến buổi nhóm mà không
biết hát thánh ca thì thật khó khăn. Sự cầu nguyện thường bị
sao lãng trong buổi nhóm, nhưng hát thánh ca thậm chí còn bị
sao lãng hơn nữa. Chúng ta phải tập hát thánh ca. Không phải
chúng ta cố gắng làm nhạc sĩ, nhưng chúng ta cần phải quen
thuộc với những bài thánh ca. Đây là một vấn đề quan trọng.
I. CẢM XÚC Ở ĐẰNG SAU CÁC BÀI THÁNH CA
Trong Kinh Thánh có những lời tiên tri, câu chuyện lịch sử,
các giáo lý, lời dạy dỗ và những mạng lịnh. Trong Kinh Thánh
cũng có những bài ca. Bài ca là sự biểu lộ những cảm xúc tế nhị
nhất của con người. Những cảm xúc trong lời cầu nguyện của một
người trước mặt Đức Chúa Trời không thể nào sánh được với cảm
xúc trong những bài hát người ấy [dâng lên] trước mặt Đức Chúa
Trời; cảm xúc trong lời cầu nguyện không bao giờ tinh tế và mềm
mại bằng cảm xúc trong những bài ca. Đức Chúa Trời muốn
chúng ta có những cảm xúc tinh tế và mềm mại. Đó là lý do Ngài
ban cho chúng ta nhiều bài ca trong Kinh Thánh. Ngoại trừ
Thi-thiên, Nhã-ca và Ca-thương cũng có những bài ca trong lịch
sử và các mạng lịnh nữa (Xuất 15:1-18; Phục 32:1-43). Thậm chí
trong các Thư-tín của Phao-lô, chúng ta thấy rải rác có những bài
thánh ca trong các lời dạy dỗ của ông (Rô 11:33-36; 1 Tim. 3:16;
v.v...). Tất cả những ví dụ ấy cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời
muốn dân Ngài có những cảm xúc tinh tế và mềm mại.
Cảm xúc của Chúa chúng ta thật tinh tế và mềm mại.
Chúng ta vừa có những cảm xúc tinh tế vừa có những cảm xúc
thô thiển. Sự phẫn nộ và tức giận rõ ràng là những cảm xúc
thô thiển. Một số người không phẫn nộ, nhưng những cảm xúc
của họ cũng không tinh tế. Đức Chúa Trời muốn chúng ta kiên
nhẫn, thương xót, đầy lòng nhân từ và cảm thông, vì những
điều đó đều là các cảm xúc tinh tế. Đức Chúa Trời muốn chúng
ta ca hát giữa những thử thách của mình, muốn chúng ta ngợi
khen chúc tụng danh Ngài giữa những nỗi khổ của mình, vì tất
cả những điều ấy đều biểu lộ những cảm xúc tế nhị. Khi một
người yêu thương người khác, cảm xúc của người ấy thật mềm
mại. Khi một người tha thứ hay thương xót người khác, cảm
xúc của người ấy cũng mềm mại.
Đức Chúa Trời muốn dẫn dắt các con cái Ngài đến chỗ bước
đi với những cảm xúc tế nhị hơn, mềm mại hơn và "thi vị" hơn.
Một người càng học biết về Đức Chúa Trời, thì những cảm xúc
của người ấy càng tế nhị, mềm mại và "thi vị" hơn. Những
người không học hỏi được bao nhiêu trước mặt Đức Chúa Trời
thì có những cảm xúc thô thiển và không tinh tế. Nếu một
Cơ-đốc-nhân bước vào buổi nhóm một cách ồn ào và không
quan tâm đến những người khác, thì người ấy không cư xử như
một Cơ-đốc-nhân điều độ. Thậm chí khi hát, giọng của người ấy
nghe cũng không như một bài hát. Nếu một người chạy vào
buổi nhóm, đâm bổ vào người bên này bên kia, làm ngã bàn
ghế, thì người ấy không cư xử như một người đầy những lời ca
tiếng hát. Chúng ta phải nhận thức rằng từ ngày chúng ta được
cứu, hằng ngày Đức Chúa Trời huấn luyện chúng ta để có
những cảm xúc tế nhị và mềm mại. Để làm một Cơ-đốc-nhân
tốt, một người phải có những cảm xúc tế nhị và mềm mại.
Những cảm xúc sâu xa nhất tuôn ra từ tấm lòng của một người
được diễn đạt trong những bài ca. Chúng ta không muốn có
những cảm xúc thô thiển. Cảm xúc thô thiển không liên quan
gì đến thánh ca, và không phải là của một Cơ-đốc-nhân.
II. NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN CÓ CỦA MỘT BÀI THÁNH CA
Bài thánh ca nào muốn đạt tiêu chuẩn cũng phải thỏa đáp ba
điều kiện cơ bản. Nếu một bài thánh ca không thỏa đáp được
bất cứ điều kiện nào, thì đó không phải là một bài thánh ca hay.
Trước hết, lời của bài thánh ca phải được đặt nền tảng trên lẽ
thật. Nhiều bài thánh ca đáp ứng được hai điều kiện kia nhưng
chứa đựng những sai lầm về mặt lẽ thật. Nếu chúng ta yêu cầu
con cái của Đức Chúa Trời hát những bài thánh ca ấy, thì chúng
ta dẫn họ rơi vào tình trạng sai trật. Chúng ta đặt vào tay họ
những sự sai trật của con người khi họ đến trước mặt Chúa;
chúng ta đưa dẫn họ vào một cảm xúc không đúng đắn. Khi các
con cái của Đức Chúa Trời hát thánh ca, cảm xúc của họ hướng
về Đức Chúa Trời. Nếu các bài thánh ca chứa đựng những giáo lý
sai trật, thì họ sẽ bị đánh lừa trong cảm xúc của mình và không
chạm được thực tại. Đức Chúa Trời không gặp chúng ta theo cảm
xúc "thi vị" của bài thánh ca; Ngài gặp chúng ta theo lẽ thật được
truyền đạt trong bài thánh ca. Chúng ta chỉ có thể đến trước mặt
Đức Chúa Trời trong lẽ thật. Nếu không đến với Đức Chúa Trời
trong lẽ thật, thì chúng ta ở trong tình trạng sai trật và sẽ không
chạm được thực tại.
Ví dụ, một bài thánh ca về phúc-âm nói rằng huyết của
Chúa Giê-su tẩy sạch lòng chúng ta. Nhưng Tân Ước không nói
về việc huyết của Chúa Giê-su tẩy sạch lòng chúng ta. Huyết
của Chúa không tẩy sạch lòng chúng ta; trong Kinh Thánh
không có lời ấy. Hê-bơ-rơ 9:14 nói rằng huyết của Chúa Giê-su
thanh tẩy lương tâm chúng ta -lương tâm là một phần của
lòng chứ không phải là chính tấm lòng. Huyết Chúa rửa sạch
chúng ta khỏi những tội lỗi của mình. Vì chúng ta đã được rửa
sạch khỏi những tội lỗi của mình, nên lương tâm chúng ta
không còn cáo trách chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời nữa. Vì
vậy, huyết chỉ tẩy sạch lương tâm chứ không tẩy sạch tấm
lòng. Lòng chúng ta không thể được huyết tẩy sạch. Lòng con
người dối trá hơn tất cả mọi vật (Giê 17:9). Dầu có cố gắng rửa
sạch tấm lòng bao nhiêu đi nữa, nó không bao giờ có thể được
tẩy sạch. Sự dạy dỗ của Kinh Thánh về tấm lòng là tấm lòng
bằng đá của chúng ta được cất đi và Đức Chúa Trời ban cho
chúng ta một tấm lòng bằng thịt (Êxê. 36:26). Ngài ban cho
chúng ta một tấm lòng mới; Ngài không tẩy sạch tấm lòng cũ.
Khi một người tin nhận Chúa, Đức Chúa Trời ban cho người ấy
một tấm lòng mới. Ngài không tẩy sạch tấm lòng cũ của người
ấy nhưng rửa đi những quá phạm trong lương tâm người ấy.
Đức Chúa Trời không rửa tấm lòng của người ấy. Nếu chúng ta
đến với Chúa và ngợi khen Ngài rằng: "Huyết Giê-su tẩy sạch
lòng tôi", thì lời ngợi khen của chúng ta không phù hợp với lẽ
thật. Đó là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu một bài thánh ca
mà có lầm lỗi về mặt giáo lý, thì bài thánh ca ấy sẽ đem người
ta vào những cảm xúc sai trật.
Nhiều bài thánh ca không phân biệt các thời đại. Chúng ta
không biết bài thánh ca ấy nên được Áp-ra-ham hay Môi-se
hát. Chúng ta không biết bài thánh ca ấy nên được người
Do-thái hay Cơ-đốc-nhân hát. Chúng ta không biết bài thánh
ca ấy thuộc về Cựu Ước hay Tân Ước. Khi hát loại thánh ca
như vậy, nó làm cho anh em cảm thấy như thể anh em là một
thiên sứ không dính dấp gì đến sự cứu chuộc, anh em không có
tội và không cần huyết. Nếu một bài thánh ca không rõ ràng
trong lời dạy dỗ về các thời đại, và nếu không phản ảnh thời
đại ân điển, thì bài thánh ca ấy sẽ dẫn các con cái của Đức
Chúa Trời rơi vào sự sai trật.
Nhiều bài thánh ca chỉ bày tỏ hi vọng chứ không nói gì đến sự
bảo đảm. Những bài ấy bày tỏ hi vọng được cứu rỗi, nỗi ao ước
được cứu rỗi, và việc theo đuổi sự cứu rỗi, nhưng hoàn toàn không
có sự bảo đảm cho Cơ-đốc-nhân. Chúng ta phải ghi nhớ rằng mỗi
Cơ-đốc-nhân đều cần phải đến với Đức Chúa Trời với lòng tin
chắc hoàn toàn. Chúng ta đến với Đức Chúa Trời với sự bảo đảm
trọn vẹn của đức tin. Nếu một bài thánh ca cho người ta cảm giác
là người ấy đang ở sân ngoài, lời ca của người ấy sẽ làm cho
người ấy nghĩ rằng mình không thuộc về dân của Đức Chúa Trời
mà chỉ khao khát thuộc về dân Ngài. Nhiều bài thánh ca cho
người ta ấn tượng là ân điển của Đức Chúa Trời vẫn còn ở xa và
một người vẫn cần tìm kiếm ân điển ấy. Những bài thánh ca như
vậy đặt Cơ-đốc-nhân vào vị trí sai trật. Đó không phải là vị trí
của Cơ-đốc-nhân. Vị trí của Cơ-đốc-nhân là một vị trí đầy tin
tưởng, một vị trí ban cho người ấy sự tin chắc rằng mình đã được
cứu. Bài thánh ca nào không tạo cho một Cơ-đốc-nhân sự bảo
đảm như vậy thì không được hát.
Một lỗi lầm khác thường thấy trong nhiều bài thánh ca là ý
niệm con người vào trong vinh quang sau khi chết. Nhiều bài
thánh ca nói về việc bước vào vinh quang khi chết như thể một
người bước vào vinh quang qua sự chết. Nhưng Kinh Thánh
không nói rằng con người vào trong vinh quang sau khi chết. Vào
trong vinh quang là một điều khác với sự chết. Sau khi chết,
chúng ta không vào trong vinh quang. Sau khi chết, chúng ta chờ
đợi sự sống lại. Chúa chỉ vào trong vinh quang sau khi Ngài sống
lại. Đó là sự dạy dỗ minh bạch trong Kinh Thánh (1 Côr. 15:43; 2
Côr. 5:2-3). Bài thánh ca nào tạo cho các con cái của Đức Chúa
Trời ấn tượng sai trật là con người vào vinh quang khi chết thì
hoàn toàn không được hát, vì không có điều ấy. Vì vậy, một bài
thánh ca tốt phải chính xác về mặt giáo lý. Nếu không đạt tiêu
chuẩn giáo lý thì bài thánh ca ấy sẽ dễ dàng dẫn các
Cơ-đốc-nhân vào tình trạng sai trật.
Thứ hai, chỉ có giáo lý chính xác không tạo thành một bài
thánh ca. Một bài thánh ca cần phải có tính cách thi ca trong
hình thức và cấu trúc của nó. Một mình lẽ thật thì chưa đủ.
Sau khi có lẽ thật, vẫn cần đến tính chất thi ca trong hình
thức và cấu trúc. Chỉ khi nào có tính chất thi ca thì một bài
thánh ca mới ra một bài thánh ca. Hát không phải là rao
giảng. Chúng ta không thể hát một sứ điệp. Có một bài thánh
ca bắt đầu với những lời lẽ như sau: "Đức Chúa Trời chân thật
đã tạo dựng các từng trời, trái đất và con người". Có thể đó là
một chủ đề hay để rao giảng, nhưng không phải là ca hát. Đó
là một giáo lý chứ không phải là một bài thánh ca. Tất cả
những bài ca trong sách Thi-thiên đều có tính chất thi ca. Mỗi
thi-thiên đều tế nhị và mềm mại trong hình thức cùng cách
diễn đạt, và bày tỏ tâm trí của Đức Chúa Trời theo tính cách
thi ca. Đưa mỗi dòng vào một vần luật nào đó vẫn chưa tạo
thành một bài thánh ca. Cấu trúc phải có tính chất thi ca, và
hình thức cũng phải có tính chất thi ca.
Thứ ba, thêm vào lẽ thật, cấu trúc và hình thức có tính chất
thi ca, một bài thánh ca cũng cần đem đến sự tác động thuộc
linh. Một bài thánh ca phải chạm đến thực tại thuộc linh.
Ví dụ, Thi-thiên 51 là một thi thiên về sự ăn năn do Đa-vít
[viết]. Khi đọc thi-thiên ấy, chúng ta nhận thấy sự ăn năn của
Đa-vít thật chính xác về mặt giáo lý, những lời lẽ của ông được
chọn kỹ, và cấu trúc của thi-thiên ấy thật phức tạp. Nhưng hơn
thế nữa, chúng ta cảm thấy có một điều gì đó ở bên trong các
lời lẽ; trong thi-thiên ấy có một thực tại thuộc linh, một cảm
xúc thuộc linh. Chúng ta có thể gọi đó là gánh nặng của bài
thánh ca. Đa-vít ăn năn, và cảm xúc về sự ăn năn của ông dầm
thấm toàn bộ thi-thiên. Nhiều khi đọc sách Thi-thiên, chúng ta
có ấn tượng là mỗi cảm xúc được diễn đạt trong các thi-thiên
ấy đều thành thực. Khi tác giả thi-thiên vui mừng, người ấy
nhảy lên và reo mừng. Khi buồn rầu thì tác giả khóc. Các
thi-thiên ấy không phải là những lời lẽ trống không thiếu vắng
thực chất. Đằng sau những lời lẽ ấy có thực tại thuộc linh.
Vì vậy, một bài thánh ca không những phải chính xác trong
lẽ thật và có tính chất thi ca trong hình thức và cấu trúc, mà còn
phải đầy dẫy cảm nhận về thực tại thuộc linh. Nói cách khác,
nếu một bài thánh ca có ý định làm đổ nước mắt, thì nó cần phải
làm cho anh em khóc. Nếu có ý định khơi dậy sự vui mừng, thì
bài thánh ca ấy phải làm cho anh em sung sướng. Khi đề cập đến
một điều gì, bài thánh ca ấy phải làm cho anh em cảm nhận
chính điều ấy. Chúng ta không thể hát một bài thánh ca về sự ăn
năn mà không vang vọng lại sự hưởng ứng trong lòng mình;
chúng ta không thể cười đùa trong khi hát bài thánh ca ấy.
Chúng ta không thể nói mình hát lên những lời ngợi khen cho
Đức Chúa Trời, mà không có niềm vui và sự vui mừng. Chúng ta
không thể hát một bài thánh ca về sự dâng mình, mà không có
cảm giác gì về sự dâng mình cả. Chúng ta không thể nói rằng
một bài thánh ca kêu gọi sự phủ phục và tan vỡ trước mặt Đức
Chúa Trời, nhưng chính mình vẫn ung dung và kiêu ngạo. Nếu
một bài thánh ca không cho chúng ta cảm xúc chính xác về một
chủ đề, thì đó không phải là một bài thánh ca hay. Cảm xúc của
một bài thánh ca phải chân thật, và phải chạm đến thực tại
thuộc linh.
Một bài thánh ca phải chính xác trong lẽ thật và có tính
chất thi ca trong hình thức. Đồng thời, một bài thánh ca hay
phải gợi lên trong người hát thực tại thuộc linh đằng sau
những lời lẽ, tức là chạm đến những gì bài thánh ca ấy diễn
tả. Bằng không, bài thánh ca ấy chưa đạt tiêu chuẩn. Tất cả
ba điều kiện ấy phải được thỏa đáp trước khi một bài thánh ca
có thể được xem là một thánh ca hay.
III. NHỮNG BÀI THÁNH CA MẪU
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét một vài bài thánh ca để
minh họa quan điểm của mình:
Bài Mẫu 1: Thánh Ca 127
1
Kìa! Vạn tiếng đồng thanh kêu lớn:
"Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời!";
Ngàn ngàn thánh đồ [hưởng ứng] đáp lời,
Lập tức hòa âm vang dậy [khắp nơi].
2
"Ngợi khen Chiên Con!", đồng ca vang rần
Vạn vật trên trời chung họp cùng dâng
Ầm ầm vang xa, mọi lưỡi góp phần
Rền vang khắp nơi bài ca bất tận.
3
Hương thơm cảm tạ này bay lên mãi
Đến tận ngai Cha, dâng tận ngai Ngài.
Mọi đầu gối đều quỳ trước Giê-su.
Mọi tâm trí trên trời đều hiệp một.
4
Mọi ý định của Cha là muốn rằng
Trao cho Con sự tôn kính ngang bằng,
Tất cả hào quang Con đều chiếu rạng,
Khiến vinh quang Cha được biết mọi đàng.
5
Nhờ Linh lan tỏa khắp nơi nơi,
Đoàn đông vô số vây mừng Chiên Con,
Đấng được bao phủ bằng ánh sáng và niềm vui
không tàn phai,
Họ tung hô Ngài như Đấng "Ta Là" vĩ đại.
6
Bây giờ cõi sáng tạo mới tràn ngập niềm hoan hỉ
Nghỉ ngơi yên tĩnh không xao động gì.
Trong ơn cứu rỗi của Giê-su được hưởng phước,
Chẳng biết gì nỗi sầu khổ với xiềng gông.
7
Kìa! lại [trổi lên] những khúc nhạc thượng thiên!
[Trầm bổng] vang lên bài ca khen ngợi;
Trong toàn cõi sáng tạo tiếng a-men vang dậy.
A-men! Sự vui mừng hưởng ứng cất tiếng lên.
Hiếm khi nào chúng ta gặp một bài thánh ca hay như bài
này. Bài thánh ca này đã được J. N. Darby sáng tác, nguyên có
mười ba câu. Khi cùng Wigram chỉnh lại bài thánh ca này vào
năm 1881, ông đã xóa bỏ một vài câu. Bây giờ chỉ còn bảy câu.
Bài thánh ca này dường như bày tỏ với con người, nhưng
thật ra lại hướng về Đức Chúa Trời. Khi hát bài này, chúng ta
cảm thấy như thể mình được nâng lên cảnh trường vũ trụ trong
Khải-thị chương 4 và 5, là cảnh sau khi Chúa thăng thiên. Tại
đây, chúng ta thấy Gô-gô-tha, sự phục sinh và sự thăng thiên.
Cõi trời đầy dẫy vinh quang, và [nghe] đến tên Giê-su, hàng
vạn tiếng nói bắt đầu ngợi khen, và hàng vạn đầu gối quì
xuống thờ phượng. Trên các từng trời, dưới đất và bên dưới
đất, những lời ngợi khen vang dội từ mọi hướng. Toàn thể vũ
trụ đều hát lên lời ngợi khen Ngài. Không bài ca nào khác
sánh kịp sự vĩ đại và uy nghi ấy! Một người kém khả năng sẽ
không thể nào viết được một bài thánh ca như vậy.
"Kìa! Vạn tiếng đồng thanh kêu lớn". Hàng vạn tiếng ấy bất
chợt phát ra! Như thể một tín đồ nhỏ bé, một con sâu nhỏ xíu,
một con người bé nhỏ, hết sức hô lớn lên rằng: "Kìa! vạn tiếng
đồng thanh kêu lớn: 'Chiên Con của Đức Chúa Trời!'. Nghe kìa,
hàng ngàn thánh đồ đáp lại". Ngay khi Chiên Con của Đức
Chúa Trời được cất lên thì có sự đáp ứng của cả vũ trụ. Một
bên là tiếng ngợi khen, còn bên kia là tiếng đáp lại. Hàng vạn
tiếng kêu lên rằng: "Chiên Con đã bị giết xứng đáng nhận được
quyền năng, sự phong phú, sự khôn ngoan, sức mạnh, sự tôn
trọng, vinh quang và sự chúc tụng" (Khải 5:12). Ngay cả khi âm
thanh ấy chưa lắng xuống, ngàn ngàn tiếng nói đã hòa. "Và
mọi vật trên trời, dưới đất, bên dưới đất, trên biển cùng mọi
vật ở trong chúng" (Khải 5:13) cùng đáp lại. Kết quả là gì?
"Lập tức hòa âm vang dậy [khắp nơi]". Âm thanh ấy bộc phát
cách hùng tráng vô song. Bất cứ ai chạm đến câu này cũng sẽ
lập tức nghĩ đến sự bé nhỏ của chính mình. Câu đầu tiên cất
người ấy lên một quang cảnh vĩ đại và uy nghi tại đó hàng vạn
tiếng nói kêu lên và hàng ngàn thánh đồ đáp lại. Âm thanh
ngân vang một cách uy nghi và bất tận để đồng tâm tôn cao
Chiên Con của Đức Chúa Trời. Ngay phần mở đầu đã cho
[chúng ta] một cảm giác kính sợ về sự vĩ đại của lời ngợi khen
của cả vũ trụ.
Mỗi câu tiếp theo đều theo sát câu đi trước. " 'Ngợi khen
Chiên Con!', đồng ca vang rần". Chúng ta nghe tiếng kêu lên:
"Ngợi khen Chiên Con" từ khắp mọi phương trời. Tất cả đều hô
vang rằng: "Ngợi khen Chiên Con!" "Ngợi khen Chiên Con" ở
đây, "ngợi khen Chiên Con" ở đó, và ở khắp mọi nơi. Những
tiếng nói ấy đến từ khắp phương trời. "Vạn vật trên trời chung
họp cùng dâng". Vạn vật trên trời có nghĩa là toàn thể cõi trời.
Muôn vật tại đó quần tụ lại để hát lên những lời ngợi khen.
"Ầm ầm vang xa mọi lưỡi góp phần" mọi môi miệng đều
xưng nhận. Điểm này tự nhiên đưa đến Phi-líp 2:11: "Và mọi
lưỡi đều công khai xưng nhận Giê-su Christ là Chúa". Mọi môi
miệng đều xưng nhận; đó là tại sao tiếng ấy "ầm ầm vang xa".
Bài ca bất tận ấy vang rền khắp vũ trụ. Toàn thể vũ trụ tuôn
trào "bài ca bất tận" ấy.
Không những có các tiếng nói, mà còn có "Hương thơm cảm
tạ này bay lên mãi". Hương thơm cảm tạ ấy luôn bay lên "đến
tận ngai Cha". Không những môi miệng kêu lên, mà lòng biết
ơn cũng luôn dâng lên Đức Chúa Trời. Không những chúng ta
lấy môi miệng mình kêu lên đến Chiên Con, mà lòng chúng ta
cũng dâng lên Đức Chúa Trời, như thể kế hoạch của Đức Chúa
Trời và sự cứu chuộc của Chúa đã trở nên một thực thể không
thể nào tách rời. Chúng ta ngợi khen Chiên Con, và cũng cảm
tạ Đức Chúa Cha. Lòng biết ơn như vậy trong sự ngợi khen và
cảm tạ bay lên Đức Chúa Trời như một thức hương.
Lời ngợi khen ấy không dừng lại tại đó. Miệng kêu la và reo
hò, nhưng điều ấy vẫn chưa phải là tất cả, vì mọi đầu gối đều
phải quì xuống và thờ phượng. Mọi đầu gối đều phải quì xuống
và thờ phượng Chúa. Trước hết là "mọi lưỡi", rồi đến "mọi đầu
gối". Tự phát mọi đầu gối đều quì xuống trước Giê-su. Một mặt,
chúng ta dâng sự cảm tạ lên Cha. Mặt khác, chúng ta phủ phục
trước mặt Chúa. Dòng tiếp theo rất thi vị: "Mọi tâm trí trên
trời đều hiệp một". Đó không phải là rao giảng. Những người
không có cảm xúc bén nhạy không thể chạm đến bất cứ điều gì
tại đây. Nhưng khi một người được đưa đến giai đoạn nhìn thấy
đối tượng mà mọi lưỡi đều ngợi khen và mọi đầu gối đều quì
xuống thờ phượng, thì tự phát người ấy sẽ tuyên bố rằng: "Mọi
tâm trí trên trời đều hiệp một biết bao!" Nhóm chữ mọi tâm
trí... hiệp một đầy thi vị.
Một khi tác giả bản thánh ca này chạm đến Cha và Con, thì
ông mở ra giáo lý về Con và giáo lý về Cha. Hiện tại, mọi sự đều
được khai mở. "Tất cả hào quang Con đều chiếu rạng, / Khiến
vinh quang Cha được biết mọi đàng". Vinh quang ở bên trong,
trong khi hào quang thì ở bên ngoài. Điều Cha có là vinh quang.
Vinh quang ấy của Cha trở nên hào quang nơi Con. Hào quang
của Con là sự bày tỏ vinh quang của Cha. Đối với Cha thì có vinh
quang; đối với Con thì có sự bày tỏ vinh quang ấy. Sự bày tỏ
không ở với Cha mà ở với Con. "Mọi ý định của Cha". Ý định là ở
bên trong, và các ý định ấy là "muốn... trao cho Con sự tôn kính
ngang bằng". Đó không phải là hành động của Cha, mà là những
ý định của Cha; đó không phải là công việc của Cha, mà là kế
hoạch của Cha. Ngài muốn mặc khải cho loài người rằng Con
được tôn kính cách bình đẳng. Câu thứ ba chuyển từ Cha sang
Con. Câu thứ tư chuyển từ Con sang Cha rồi từ Cha trở về với
Con; câu ấy bắt đầu với Con và kết thúc với Con. Trong câu thứ
ba, tác giả bắt đầu đề cập đến Con, và trong câu thứ tư lại đề cập
đến Con một lần nữa. Tại đây, chúng ta thấy giáo lý về Cha và
Con.
Người nào đã chạm đến Cha và Con thì không thể chỉ dừng
lại nơi Cha và Con. Nên câu năm tiếp tục rằng: "Nhờ Linh lan
tỏa khắp nơi nơi..." Linh bắt đầu bước ra. Một khi Linh xuất
hiện, thì quang cảnh xoay khỏi Con và Cha. Linh lan tỏa khắp
nơi, dầm thấm tất cả và bao hàm tất cả. Vũ trụ đầy dẫy Thánh
Linh.
"Đoàn đông vô số... tung hô Ngài". Đoàn đông ở đây là một
lối diễn đạt đầy thi vị. Các thiên sứ thiên thượng, những vật
thọ tạo thiên thượng và vô số những sinh vật thiên thượng đều
tung hô Ngài. "Tung hô Ngài như Đấng 'Ta Là' vĩ đại". Đấng
'Ta Là' vĩ đại là Đức Giê-hô-va (so sánh với Xuất 3:14; 6:2).
Đây thật sự là một bài thánh ca ngợi khen, một bài thánh ca
tuyệt diệu để ngợi khen!
Bây giờ, chúng ta phải chuyển sang những vật xung quanh
chúng ta: "Bây giờ cõi sáng tạo mới tràn ngập niềm hoan hỉ /
Nghỉ ngơi yên tĩnh không xao động gì". Cảnh vật chung quanh
đầy dẫy vui mừng, yên nghỉ, bình an và yên tĩnh. Mọi người
đều vui mừng, yên nghỉ, bình lặng và yên tĩnh. Đó là vì mọi
người đều "được phước trong sự cứu rỗi trọn vẹn của Giê-su" và
"chẳng biết gì nỗi sầu khổ với xiềng gông". Tất cả các nan đề
đều trôi đi.
Vô tình, chúng ta có thể nấn ná lại quá lâu, nên "Kìa! Lại
[trổi lên] những khúc nhạc thượng thiên!" Anh em có thể nghe
khúc nhạc ấy không? "[Trầm bổng] vang lên bài ca khen ngợi".
Tiếng ngợi khen lại vang rền từ mọi phương hướng. Lại còn
nghe thêm nữa: "Trong toàn cõi sáng tạo tiếng A-men vang
dậy". Toàn cõi sáng tạo tràn ngập lời ngợi khen và tiếng
a-men. Mọi chân trời góc đất đều kêu lên: "A-men!". Tại sao?
"A-men! Sự vui mừng hưởng ứng cất tiếng lên". Chữ a-men cuối
cùng là đầy chất thơ nhất. Đó không phải là tiếng a-men một
người thốt lên sau một bài hát, mà là tiếng a-men được cất lên
trong "sự vui mừng hưởng ứng".
Bài thánh ca ấy cho chúng ta thấy một vũ trụ đã được cứu
chuộc; quang cảnh ấy được mô tả trong Khải-thị chương 4 và
5, và Phi-líp chương 2. Đó là lời ngợi khen trong cõi đời đời.