where to buy naltrexone
buy naltrexone online usa
metalwings.com buy low dose naltrexone online
ciproxin prezzo
ciproxin prezzo
go CHƯƠNG MƯỜI LĂM
NỀN TẢNG UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI — SỰ PHỤC SINH
Kinh Thánh: Dân-số Ký chương 17
Mục đích của Dân-số Ký chương 17 là cho chúng ta thấy cách Đức Chúa Trời xử lý sự nổi loạn của dân Y-sơ-ra-ên. Trong chương mười sáu có một cuộc nổi loạn chưa từng thấy, nhưng chương mười bảy nói đến việc kết liễu cuộc nổi loạn ấy, cho thấy cách xoay khỏi sự nổi loạn và sự chết. Đức Chúa Trời đã làm gì? Ngài minh chứng với mọi người rằng uy quyền đại diện là theo sự chỉ định của Ngài. Ngài bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên thấy nền tảng và lý do của việc Ngài chỉ định uy quyền. Nền tảng ấy thiết yếu đối với mọi uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định. Nếu thiếu nền tảng này thì một người không thể làm một uy quyền đại diện.
SỰ PHỤC SINH LÀ NỀN TẢNG
CHO UY QUYỀN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Đức Chúa Trời truyền mười hai người lãnh đạo lấy mười hai cây gậy theo mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên, và đặt chúng trong lều nhóm họp trước rương chứng cớ. Sau đó Ngài phán: “Và gậy của người nào mà Ta chọn sẽ trổ hoa” (c. 5). Cây gậy là một khúc gỗ. Đó là một nhánh cây bị tước đi lá và rễ. Nó từng xanh tươi nhưng bây giờ đã chết. Nó từng nhận được nhựa sống từ cây, có khả năng trổ hoa và kết trái, nhưng bây giờ đã chết. Cả mười hai cây gậy đều không có lá, không có rễ, khô héo và chết. Cây nào trổ hoa thì cây đó được Đức Chúa Trời chọn. Ở đây chúng ta thấy sự phục sinh là nền tảng sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Đó cũng là nền tảng của uy quyền.
Chương mười sáu nói đến sự nổi loạn của con người chống lại uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời và thể nào con người đã chống đối uy quyền được Đức Chúa Trời chỉ định. Chương mười bảy bàn về việc Đức Chúa Trời biện minh cho uy quyền được Ngài chỉ định. Nền tảng Đức Chúa Trời dùng biện minh cho uy quyền được Ngài chỉ định là sự phục sinh. Nhờ sự phục sinh, Ngài ngăn sự lằm bằm của con người lại. Tất nhiên, con người tuyệt đối không có quyền chất vấn Đức Chúa Trời, nhưng Đức Chúa Trời đã tự hạ mình bày tỏ cho họ biết lý do và nền tảng cho uy quyền được Ngài chỉ định. Nền tảng để Ngài chỉ định uy quyền là sự phục sinh. Điều này làm cho dân Y-sơ-ra-ên ngậm miệng lại.
Cả A-rôn lẫn dân Y-sơ-ra-ên đều là dòng dõi của A-đam và cả hai đều thuộc xác thịt. Theo bản chất và bản tính thiên nhiên của họ thì cả hai đều là con của sự thạnh nộ; họ không có gì khác nhau. Cả mười hai cây gậy đều như nhau. Chúng đều là những cây gậy trụi lá và rễ, chết và không có sự sống. Điều này cho chúng ta thấy nền tảng của sự phục vụ là điều gì đó tách rời với sự sống thiên nhiên của mình. Sự sống phục sinh chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời, ban cho chúng ta uy quyền. Uy quyền không liên hệ gì đến con người nhưng liên hệ đến sự phục sinh, là điều được biểu hiện qua con người. So với tất cả những người khác, A-rôn không có gì khác biệt. Điểm khác biệt là ông được Đức Chúa Trời chọn lựa và ban cho sự sống phục sinh. Từ điểm ấy, chúng ta nhận thấy rằng nền tảng của uy quyền là sự phục sinh.
SỰ TRỔ HOA CỦA CÂY GẬY
LÀ MỘT KINH NGHIỆM KHIÊM NHƯỜNG
Mười hai cây gậy trải qua một đêm trước rương chứng cớ. Đức Chúa Trời làm cho cây gậy của A-rôn ra nụ, trổ hoa và sinh ra những trái hạnh nhân chín. Đó là một cây gậy chết, nhưng Đức Chúa Trời đặt quyền năng sự sống vào trong nó. Môi-se gom tất cả gậy đặt trước rương chứng cớ và bày ra cho dân Y-sơ-ra-ên thấy. Gậy của A-rôn trổ hoa có ý nghĩa gì? Trước hết, cây gậy trổ hoa làm cho chủ của nó khiêm nhường. Thứ hai, nó làm cho miệng của chủ những cây gậy khác ngậm miệng lại. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào nếu ngày hôm sau chúng ta cầm lên một cây gậy khô giống như cây của A-rôn, là cây đã chết, không còn hi vọng trổ hoa, rồi ngạc nhiên khám phá nó trổ nụ, nở hoa và kết trái? Trong nước mắt chúng ta sẽ thừa nhận với Đức Chúa Trời rằng đó là công việc của Ngài. Điều đó không liên quan gì đến chúng ta. Đó là vinh quang của Ngài chứ không phải vinh quang của chúng ta. Tự phát, chúng ta sẽ được làm cho trở nên khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời. Đó là ý của Phao-lô khi ông nói: “Nhưng chúng tôi đựng báu vật này trong bình đất, hầu tỏ ra quyền năng lớn lao quá đỗi này là bởi Đức Chúa Trời, chớ chẳng phải từ chúng tôi” (2 Côr. 4:7). Chỉ những kẻ ngu dại mới cố kiêu ngạo. Một người đã nhận được ân điển từ Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ ngã xuống trước mặt Ngài và nói: “Đây là công việc của Đức Chúa Trời. Tôi không có gì để khoe khoang cả. Mọi sự đều tùy thuộc vào sự thương xót của Đức Chúa Trời chứ không phải con người ước muốn hay xông xáo mà được. Không điều gì tôi đang có mà không do mình đã nhận lãnh. Mọi sự tôi có đều phát xuất từ sự lựa chọn của Đức Chúa Trời”.
Ở đây chúng ta thấy nền tảng của uy quyền không tùy thuộc vào con người, không liên quan gì đến con người cả. Khi A-rôn lại hầu việc Chúa với uy quyền mình, có thể ông đã nói với Chúa rằng: “Cây gậy của tôi đã chết như những cây gậy khác. Tôi có thể phục vụ trong khi họ không thể phục vụ. Tôi có uy quyền thuộc linh còn họ thì không. Nhưng điều này không liên quan gì đến cây gậy của tôi. Cây gậy của tôi cũng khô héo như những cây gậy của họ. Không gậy nào của chúng ta đáng kể cả; những cây gậy ấy không phải là vấn đề. Chúng không phải là lý do. Lý do duy nhất là sự thương xót của Đức Chúa Trời. Ấy là Đức Chúa Trời đã lựa chọn tôi”. Từ đó, ông không còn có thể phục vụ bằng cây gậy của mình nữa, mà bằng cây gậy trổ hoa của mình.
DẤU HIỆU CỦA CHỨC VỤ — SỰ PHỤC SINH
Một cây gậy chỉ về địa vị con người, trong khi sự trổ hoa chỉ về sự sống phục sinh. Nói về mặt địa vị thì mười hai người lãnh đạo của mười hai chi phái đều chiếm địa vị lãnh đạo. A-rôn đại diện cho chi phái Lê-vi, và đối với việc đại diện cho chi phái riêng của mình thì ông không có gì khác so với những người lãnh đạo kia. A-rôn không thể hầu việc Đức Chúa Trời căn cứ trên địa vị của mình, vì địa vị của ông giống như mọi người khác. Thật ra, đó là lý do tại sao các chi phái khác chống đối quyền lãnh đạo của ông. Nhưng Đức Chúa Trời đã làm gì? Ngài truyền mang mười hai cây gậy đặt trong lều nhóm họp trước rương chứng cớ qua một đêm. Cây gậy của người nào mà Đức Chúa Trời đã chọn sẽ trổ hoa. Đó là sự phục sinh. Sự phục sinh là dấu hiệu Đức Chúa Trời công nhận. Ngài chỉ công nhận những người đã vượt qua sự chết và sự sống lại làm đầy tớ của Ngài. Vậy nên, dấu hiệu của chức vụ là sự phục sinh. Một người không thể căn cứ vào địa vị của mình để hầu việc Đức Chúa Trời, mà phải căn cứ vào sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Sau khi Đức Chúa Trời làm cho cây gậy của A-rôn trổ nụ, nở hoa và kết trái, các chi phái nhìn thấy điều đó, và họ không còn gì để nói nữa.
Uy quyền không phải là điều một người có thể tranh đấu giành lấy, mà do Đức Chúa Trời thiết lập. Điều đó không liên quan gì đến địa vị lãnh đạo của chúng ta. Làm một uy quyền hay không tùy thuộc vào việc chúng ta đã trải qua sự chết và sự sống lại chưa. Không có gì trong chính chúng ta khiến mình biệt riêng làm một uy quyền thuộc linh. Mọi sự đều tùy thuộc vào ân điển, sự lựa chọn và sự phục sinh. Một người phải suy thoái đến mức độ tối tăm và mù quáng lắm mới có thể kiêu ngạo. Tự bản thân, không cây gậy nào trổ hoa cho dầu để nó một mình suốt cả cuộc đời. Nan đề ngày nay là khó tìm thấy một người cúi xuống xưng nhận mình cũng giống như mọi người khác.
CHỈ NHỮNG KẺ NGU DẠI MỚI KIÊU NGẠO
Khi Chúa Giê-su đi vào Giê-ru-sa-lem trên con lừa con, dân chúng reo hò: “Hô-sa-na! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (Mác 11:9). Khi lừa con nghe dân chúng hô: “Hô-sa-na” và thấy họ trải những nhánh cây trước mặt Chúa, nó có thể xoay lại hỏi Chúa: “Họ hoan hô Ngài hay tôi?” Nó có thể xoay sang lừa mẹ và nói: “Rốt cuộc thì con hơn mẹ”. Nếu lừa con làm như vậy thì nó không biết Đấng đang cỡi trên mình. Nhiều đầy tớ của Đức Chúa Trời thường ngu dại như vậy. Lừa con ấy không khác gì những lừa con khác. Sự khác biệt là Chúa cỡi trên lưng nó. Ấy không phải lừa con được ngợi khen mà chính là Chúa đang ngồi trên lừa con. Khi những người khác hô: “Hô-sa-na”, không phải họ hoan hô anh em. Những cành lá và áo ngoài trên mặt đất không phải trải ra vì anh em. Chỉ một người ngu dại mới nói rằng mình hơn những kẻ khác.
Khi A-rôn nhìn thấy cây gậy của mình trổ hoa, không phải ông là người đầu tiên ngạc nhiên, và sấp mình xuống trong nước mắt thờ phượng Chúa và nói: “Tại sao gậy của tôi trổ hoa? Cây gậy của tôi không giống như những cây gậy của mọi người khác sao? Tại sao vinh quang và quyền năng vĩ đại như vậy được ban cho tôi? Cây gậy của tôi không bao giờ tự trổ hoa được”. Điều thuộc về xác thịt luôn luôn là xác thịt. A-rôn cũng giống như mọi người dân khác của Đức Chúa Trời. Sau kinh nghiệm ấy, những người khác có thể vẫn bị đánh lừa nhưng A-rôn thì không. Đúng ra A-rôn phải nhận thức rằng mọi uy quyền thuộc linh đều từ Đức Chúa Trời. Ngày nay chúng ta cũng cần nhận thức mình hoàn toàn không có nền tảng để kiêu ngạo. Chúng ta có sự thương xót vì Đức Chúa Trời vui lòng ban cho chúng ta sự thương xót. Tự trong chính mình chúng ta không đủ [khả năng] để đảm trách chức vụ này; sự đầy đủ của chúng ta đến từ Đức Chúa Trời (2 Côr. 3:5). Điều lạ lùng là một người có thể tuyên bố sống trước mặt Chúa mà lại không khiêm nhường. Nếu hôm đó lừa con ấy cho rằng những lời tung hô nhắm vào nó thì nó cực kỳ tự tin và ngu dại biết bao! Sẽ đến một ngày chúng ta nhận thức điều ấy đáng xấu hổ biết bao. Cho dầu chúng ta khao khát vinh quang, vinh quang của chúng ta nằm trong tương lai chứ không ở trong hiện tại.
Tất cả các anh chị em trẻ tuổi phải học tập khiêm nhường. Anh em phải nhận thức rằng ấy không phải mình là người có khả năng tiến lên. Đừng nghĩ rằng chỉ vì anh em đã học được vài bài học thuộc linh nên anh em khác biệt với những người khác. Mọi sự đều tùy thuộc vào ân điển của Đức Chúa Trời, và mọi sự đều từ Đức Chúa Trời. Trong chính mình chúng ta không thể làm gì cả. A-rôn biết Đức Chúa Trời làm cho cây gậy trổ hoa; đó là việc làm bởi quyền năng siêu nhiên. Qua sự trổ hoa, Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-ên, và cũng phán với A-rôn. Từ ngày ấy, A-rôn biết sự phục vụ căn cứ vào sự trổ hoa chứ không căn cứ vào chính mình. Ngày nay nếu muốn hầu việc Chúa, chúng ta cũng phải nhận thức rằng sự phục vụ của mình dựa vào sự phục sinh, và sự phục sinh dựa vào Đức Chúa Trời chứ không dựa vào chúng ta.
PHỤC SINH LÀ GÌ?
Bây giờ câu hỏi của tôi là: Phục sinh là gì? Phục sinh là mọi sự không ra từ sự sống thiên nhiên của chúng ta, không ra từ chính chúng ta, và không căn cứ vào khả năng của chúng ta. Sự phục sinh nói đến những điều vượt trổi trên chúng ta, là điều tự chúng ta không thể làm được. Bất cứ cây gậy nào cũng có thể được khắc hoa và sơn màu, nhưng không ai có thể làm cho nó trổ hoa. Chúng tôi chưa từng nghe nói về một cây gậy nào vẫn có thể ra nụ và nở hoa sau khi đã được sử dụng vài thập niên. Đó là việc làm của Đức Chúa Trời. Không người đàn bà nào trên thế giới từng sinh đẻ sau khi tử cung của mình đã đóng lại, nhưng Sa-ra sinh ra Y-sác (Rô. 4:19). Đó là việc làm của Đức Chúa Trời. Vậy nên, Sa-ra tượng trưng cho sự phục sinh. Phục sinh là gì? Phục sinh có nghĩa là tự mình một người không thể làm bất cứ điều gì, có nghĩa là người ấy chỉ có thể làm điều đó nhờ Đức Chúa Trời. Điều ấy có nghĩa là không phải bởi chính mình mà bởi Đức Chúa Trời. Phục sinh có nghĩa là một người không kể đến những gì mình “là” mà chỉ tin tưởng vào những gì Đức Chúa Trời “là”. Anh em thông minh hơn những người khác hay có tài hùng biện hơn người khác là việc nhỏ. Nếu anh em có bất cứ điều gì thuộc linh, điều thuộc linh ấy không căn cứ trên chính anh em mà dựa vào việc làm của Đức Chúa Trời trong anh em. Giả sử, A-rôn ngu dại đến nỗi nói với người khác rằng: “Cây gậy của tôi khác với gậy của anh. Cây gậy của tôi nhẵn nhụi hơn, bóng loáng hơn, và thẳng thớm hơn. Đó là lý do tại sao nó trổ hoa”. Điều đó thật là ngu dại và ngớ ngẩn biết bao! Nếu một giây phút nào chúng ta nghĩ rằng mình khác biệt với những người khác thì đó là ý tưởng ngu dại nhất. Cho dầu có một điều gì khác biệt trong chúng ta đi nữa thì đó cũng chỉ là kết quả do việc làm của Đức Chúa Trời. Sự phục sinh có nghĩa là mọi sự ra từ Đức Chúa Trời.
Tên Y-sác có nghĩa là “tiếng cười”. Tại sao Áp-ra-ham gọi con mình là “tiếng cười”? Ông gọi con mình là Y-sác vì hai lý do. Trước hết, Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham là Sa-ra sẽ sinh ra một con trai. Khi nghe vậy, Sa-ra cười. Bà cười là điều tự nhiên. Khi nhìn đến chính mình, bà không thể không cười được. Thời kỳ sinh đẻ của bà đã qua, và tử cung của bà đã đóng lại. Làm sao bà có thể sinh con được? Bà nghĩ điều đó không thể xảy ra được. Vì vậy, khi Đức Chúa Trời nói với Áp-ra-ham rằng bà sẽ có con, thì bà cười. Thứ hai, khi Sa-ra sinh được một người con một năm sau, bà thật sự cười vì sung sướng. Vậy nên, Đức Chúa Trời gọi tên của con trẻ ấy là Y-sác (Sáng 18:10-15; 21:1-3, 6-7), có nghĩa là “tiếng cười”. Lần đầu tiên bà cười là vì tính chất không thể thực hiện được của lời hứa. Lần thứ hai bà cười là vì ngạc nhiên khám phá ra điều ấy có thể xảy ra được. Nếu một người chưa bao giờ kinh nghiệm tiếng cười đầu tiên thì người ấy không bao giờ có thể kinh nghiệm tiếng cười thứ hai. Nếu một người chưa từng nhận biết sự bất năng của mình thì người ấy không bao giờ có thể kinh nghiệm khả năng của Đức Chúa Trời. Sa-ra biết chính mình; bà biết rất rõ về chính mình. Bà biết rằng mình không thể thực hiện điều đó được. Nhưng ngay khi nhìn việc làm của Đức Chúa Trời thì bà có thể cười. Sự phục sinh là gì? Sự phục sinh có nghĩa là Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một điều gì đó mà chúng ta không có trong chính mình. Kinh Thánh làm chứng nhiều lần rằng tự con người không thể làm được. Nhưng nhiều người nghĩ rằng họ có thể làm được. Đối với vấn đề phục vụ, nếu một số người thật sự cười chính mình và nói: “Tôi không thể làm được”, thì họ lại thấy mình cười nữa và nói: “Tôi không thể làm được. Tôi đã nhìn thấu chính mình. Chúa đã thực hiện điều đó cho tôi”. Nếu có biểu hiện uy quyền nào trong mình, chúng ta cần phải nói với Chúa rằng: “Ngài là Đấng đã thực hiện điều đó. Điều đó không phải là công việc của con”. Sự phục sinh có nghĩa là anh em không thể làm được và Đức Chúa Trời là Đấng thực hiện mọi sự.
PHỤC SINH LÀ NGUYÊN TẮC ĐỜI ĐỜI
TRONG SỰ PHỤC VỤ
Nguyên tắc trong mọi sự phục vụ nằm nơi cây gậy trổ hoa. Đức Chúa Trời trả lại mười một cây gậy cho những người lãnh đạo, nhưng giữ lại cây gậy của A-rôn ở trong rương chứng cớ để làm một vật kỷ niệm đời đời. Điều này có nghĩa là sự phục sinh là một nguyên tắc đời đời trong sự hầu việc Đức Chúa Trời của chúng ta. Đầy tớ của Chúa là một người đã chết và sống lại. Đức Chúa Trời làm chứng nhiều lần với dân Ngài rằng uy quyền để hầu việc Đức Chúa Trời nằm trong sự phục sinh chứ không phải nơi bản thân người nào đó. Mọi sự phục vụ cho Chúa đều phải trải qua sự chết và sự phục sinh rồi mới được Đức Chúa Trời chấp nhận. Phục sinh có nghĩa là mọi sự đều thuộc về Đức Chúa Trời chứ không thuộc về chúng ta. Điều ấy có nghĩa là chỉ Đức Chúa Trời mới có khả năng còn chúng ta thì bất năng. Phục sinh có nghĩa là mọi sự đều được Đức Chúa Trời thực hiện chứ không phải bởi chính chúng ta. Tất cả những người nghĩ về mình quá cao hay có một nhận xét sai lạc về chính mình thì chưa bao giờ nhận thức sự phục sinh là gì. Đừng ai lầm lẫn nghĩ rằng tự mình có thể làm mọi sự. Nếu một người tiếp tục nghĩ rằng mình có khả năng, có thể làm gì đó, và hữu dụng, thì người ấy chưa biết sự phục sinh. Có thể người ấy biết giáo lý về sự phục sinh, lý do của sự phục sinh, hay kết quả của sự phục sinh, nhưng người ấy chưa biết đến sự phục sinh. Tất cả những người biết sự phục sinh đều mất hi vọng nơi chính mình; họ biết mình không thể làm được. Hễ sức mạnh thiên nhiên còn lại thì quyền năng phục sinh không có chỗ để biểu hiện. Hễ Sa-ra có thể sinh con thì Y-sác không thể ra đời. Những gì chúng ta có thể làm đều thuộc về lãnh vực thiên nhiên, và điều không thể xảy ra cho chúng ta đều thuộc về lãnh vực phục sinh.
Khả năng của Đức Chúa Trời không được biểu hiện trong cõi sáng tạo của Ngài nhưng trong sự phục sinh. Quyền năng vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời không được biểu hiện qua cõi sáng tạo mà qua sự phục sinh. Khi quyền năng của Đức Chúa Trời được biểu hiện trong cõi sáng tạo, quyền năng ấy không cần sự chết đi trước. Nhưng khi quyền năng ấy được biểu hiện trong sự phục sinh thì cần sự chết đi trước. Mọi vật thọ tạo đều không cần có điều gì đi trước rồi mới dựng nên chúng được, nhưng mọi sự trong sự phục sinh đều có điều gì đó đi trước nó. Nếu một người có thể tồn tại bằng những gì người ấy sở hữu từ trước, thì người ấy chưa có kinh nghiệm gì về sự phục sinh. Nếu khả năng của một người mà theo những gì người ấy có từ trước, thì người ấy chưa có sự phục sinh. Nếu người ấy vẫn là những gì mình “là” từ trước, thì chưa có sự phục sinh. Nếu những gì một người hiện có là những gì đã có trước kia thì người ấy chưa có sự phục sinh. Chúng ta phải công nhận mình không thể làm gì cả, không là gì cả, và không có gì cả. Chúng ta như một con chó đã chết. Nếu chúng ta thừa nhận điều ấy, và nhận thấy điều gì đó vẫn sống động trong mình, thì đó là sự phục sinh. Sự sáng tạo không đòi hỏi sự hiểu biết về sự chết, nhưng sự phục sinh đòi hỏi chúng ta ngã xuống, sấp mình trước mặt Đức Chúa Trời, và xưng nhận với Ngài rằng: “Con không thể làm gì cả. Con không là gì cả, và con không có gì cả. Con là như vậy. Nếu con có thể làm bất cứ điều gì cho người khác thì đó là vì Ngài đã ban điều ấy cho con. Nếu con có thể làm bất cứ điều gì, thì đó là vì Ngài đã thực hiện điều đó qua con”. Một khi sấp mình trước mặt Chúa như vậy thì mọi sự chúng ta có đều trở nên công việc của Đức Chúa Trời trong chúng ta. Từ nay trở đi, chúng ta sẽ không bao giờ lầm lẫn mà sẽ nhận thức rằng mọi sự chết chóc đều thuộc về chúng ta và mọi sự sống động đều thuộc về Đức Chúa Trời. Chúng ta phải tách rời chính mình khỏi Chúa một cách rõ ràng; mọi sự liên quan đến sự chết đều thuộc về chúng ta, và mọi sự liên quan đến sự sống đều thuộc về Chúa. Chúa không bao giờ lẫn lộn, nhưng chúng ta thì thường xuyên lẫn lộn. Một người phải đến chỗ cùng đường về chính mình rồi mới được thuyết phục về sự cực kỳ vô dụng của mình. Sau khi Sa-ra sinh Y-sác, bà không bao giờ ngu dại đến nỗi nghĩ rằng sức lực riêng của mình đã gánh vác điều đó. Con lừa con sẽ không lầm lẫn tưởng rằng những tiếng tung hô nhắm vào nó. Đức Chúa Trời phải đem chúng ta đến một giai đoạn mà tại đó chúng ta không còn lẫn lộn những gì thuộc về Đức Chúa Trời với những gì thuộc về chúng ta nữa.
Người nào là uy quyền cần phải biết điều đó; bằng mọi cách người ấy không nên lầm lẫn. Đừng hiểu lầm uy quyền. Uy quyền thuộc về Đức Chúa Trời chứ không thuộc về chúng ta; chúng ta chỉ là những người quản lý uy quyền. Chỉ những người nhìn thấy điều ấy mới có đủ tư cách làm một uy quyền đại diện. Anh chị em ơi, khi anh chị em bắt tay vào công việc mình, tôi hi vọng không ai trong chúng ta ngu dại đến nỗi nghĩ rằng chúng ta có quyền hành gì trong chính mình. Ngay khi xúc phạm đến nguyên tắc phục sinh thì anh em mất đi uy quyền, và ngay khi cố phô bày uy quyền của mình thì anh em lập tức mất đi uy quyền. Một cây gậy khô không thể phô bày gì cả ngoại trừ sự chết. Nhưng khi có sự phục sinh, anh em có uy quyền, và uy quyền này nằm nơi sự phục sinh chứ không nơi sự sống thiên nhiên. Mọi sự chúng ta có đều thiên nhiên. Vậy, uy quyền không nằm nơi chúng ta mà nằm nơi Chúa.
BÁU VẬT TRONG BÌNH ĐẤT
Lời của Phao-lô trong 2 Cô-rin-tô 4:7 tương xứng với lời dạy ở đây. Tôi thường nghĩ rằng trong chương này, Phao-lô vẽ một bức tranh kỳ diệu. Ông tự sánh mình với một chiếc bình bằng đất, tức chiếc bình làm bằng đất sét. Ông ví sánh quyền năng phục sinh ở trong mình với một báu vật. Điều này cũng như dầu quí giá trong bình bằng ngọc. Ông biết rất rõ chính mình chỉ là chiếc bình bằng đất. Nhưng báu vật ở trong ông tạo nên quyền năng tuyệt hảo. Có một sự khác biệt rất lớn giữa hai điều này. Phao-lô nói rằng quyền năng phục sinh ấy là một báu vật và đó là một quyền năng lớn lao quá đỗi. Đây thật sự là lời nói của một người thành thật; ông mô tả quyền năng ấy cách trung thực — “quyền năng tuyệt hảo”. Sau đó, ông nói rằng mình bị đè ép mọi mặt, nhưng ông không bị gò bó nhờ hiệu quả của báu vật ấy. Trong chính mình, ông không thể tìm ra lối thoát, nhưng với báu vật thì không phải ông hoàn toàn không có lối thoát. Trong chính mình, ông bị bắt bớ, nhưng với báu vật, ông không bị bỏ rơi. Trong chính mình, ông bị đánh ngã, nhưng với báu vật, ông không bị tiêu diệt. Về phần mình thì ông bị đè ép mọi mặt. Nhưng về phần báu vật thì ông không bị gò bó. Một mặt có sự chết, nhưng mặt khác có sự sống. Một mặt, chúng ta không ngừng được giải cứu khỏi sự chết, nhưng mặt khác, chúng ta sinh sản sự sống. Một mặt, sự chết hành động, và mặt khác, sự sống được biểu hiện. 2 Cô-rin-tô chương 4 và 5 bày tỏ trọng tâm chức vụ của Phao-lô. Ở đây chúng ta tìm thấy không gì khác hơn là nguyên tắc sự chết và sự phục sinh. Mọi sự trong chúng ta đều là sự chết, và mọi sự trong Chúa đều là sự phục sinh.
UY QUYỀN Ở NƠI SỰ PHỤC SINH
Nếu có uy quyền trong chúng ta thì uy quyền ấy phát xuất từ Đức Chúa Trời chứ không phải từ chúng ta. Chúng ta không bao giờ nên lầm lẫn điều ấy. Chúng ta cần phải thấy một cách rõ ràng rằng mọi uy quyền đều phát xuất từ Chúa. Chúng ta ở đây trên đất chỉ để duy trì uy quyền của Ngài; chúng ta không ở đây để duy trì uy quyền riêng của mình. Uy quyền không thuộc về chúng ta. Bất cứ khi nào tin cậy Chúa thì chúng ta nhìn thấy uy quyền. Bất cứ khi nào bày tỏ sự sống thiên nhiên thì chúng ta trở nên giống như mọi người khác, và tuyệt nhiên không còn chút uy quyền nào trong chúng ta nữa. Chỉ điều gì phát sinh từ sự phục sinh mới đem đến uy quyền. Uy quyền căn cứ trên sự phục sinh chứ không căn cứ trên chính chúng ta. Không cây gậy tầm thường nào được đặt trước mặt Đức Chúa Trời. Chỉ một cây gậy phục sinh mới được đặt trước mặt Ngài. Hơn nữa, sự phục sinh được tìm thấy trong cây gậy trổ hoa. Đó không phải là sự phục sinh chung chung mà là sự phục sinh trọn vẹn. Đó không chỉ là biểu hiện mập mờ của sự sống phục sinh mà là một sự sống ra nụ, nở hoa và sinh trái. Đó là sự sống phục sinh trong tình trạng trưởng thành. Chỉ người trưởng thành trong sự sống phục sinh mới có thể hành động với tư cách là uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Sự sống phục sinh được bày tỏ qua chúng ta càng nhiều thì chúng ta càng có uy quyền.
CHƯƠNG MƯỜI SÁU
LẠM DỤNG UY QUYỀN ĐẠI DIỆN
VÀ SỰ PHÁN XÉT CÓ TÍNH CÁCH QUẢN TRỊ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Kinh Thánh: Dân. 20:2-3, 7-13, 22-28; Phục. 32:48-52
UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CẦN PHẢI TÔN THÁNH CHÚA
Sau khi dân Y-sơ-ra-ên đi lang thang trong đồng vắng hơn ba mươi năm, trong Dân-số Ký chương 20 chúng ta thấy họ quên đi bài đã học qua sự nổi loạn của họ. Khi vào đồng vắng Xin, họ không có nước uống nên lằm bằm và chỉ trích Môi-se cùng A-rôn (cc. 2-3). Môi-se và A-rôn đã học được nhiều bài học trước mặt Chúa rồi. Nhưng lần này Môi-se lầm lỗi khi hành động với tư cách là uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần xét xem cách Đức Chúa Trời phán xét uy quyền đại diện khi người ấy thất bại. Lần này, Đức Chúa Trời không nổi giận về việc dân chúng lằm bằm; Ngài bảo Môi-se lấy cây gậy, là vật tượng trưng cho uy quyền của Đức Chúa Trời, và nói với vầng đá để nó tuôn ra nước. Điều này cho thấy Môi-se và A-rôn là uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không nói Ngài muốn trừng phạt người Y-sơ-ra-ên. Môi-se và A-rôn không còn là trai trẻ nữa, nhưng vẫn thất bại trong địa vị của mình với tư cách là uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời. Câu 10 cho thấy Môi-se rất tức giận khi ông nói: “Hỡi dân phản loạn, hãy nghe, chúng ta há dễ khiến nước chảy từ hòn đá này ra cho các ngươi được sao?” Nhóm chữdân phản loạn (you re bels) là lối nói mạnh trong tiếng Anh cũng như trong tiếng Hê-bơ-rơ. Đó là một lời diễn đạt ngắn trong tiếng Hê-bơ-rơ. Môi-se dùng những từ ngữ rất nặng. Ông tức giận. Có lẽ ông nghĩ: “Dân nổi loạn này gây phiền phức hàng chục năm, và họ vẫn còn gây phiền phức”. Ông quên mạng lệnh của Đức Chúa Trời mà dùng gậy đập vầng đá hai lần. Tuy Môi-se sai trật, nhưng nước vẫn tuôn ra (c. 11).
Hành động ấy khiến Đức Chúa Trời khiển trách đầy tớ của Ngài. Ngài phán: “Các ngươi không tin đến Ta, để tôn thánh Ta trước mặt các con trai của Y-sơ-ra-ên” (c. 12a). Điều này có nghĩa là Môi-se và A-rôn đã không tôn thánh Đức Chúa Trời; họ chưa biệt riêng Đức Chúa Trời khỏi chính mình. Lời nói của Môi-se sai trật và hành động đập [vầng đá] của ông cũng sai trật. Linh của ông hoàn toàn sai trật, và ông đại diện cho Đức Chúa Trời một cách sai trật. Trong việc đọc Kinh Thánh, chúng ta phải chạm đến linh của Lời. Dường như Đức Chúa Trời nói rằng: “Ta thấy dân Ta đang khát, và Ta cho họ uống. Tại sao ngươi khiển trách họ?” Đức Chúa Trời nói Môi-se và A-rôn không tôn thánh Ngài. Điều này có nghĩa là họ không biệt riêng Ngài ra với tư cách là Đấng thánh. Dường như Đức Chúa Trời nói: “Các ngươi đã bao gồm Ta trong những lỗi lầm của các ngươi”. Lời nói của một người liên quan đến thái độ của người ấy. Lời nói của Môi-se đã không tôn thánh Đức Chúa Trời. Thái độ của ông khác với thái độ của Đức Chúa Trời, và cảm giác của ông khác với cảm giác của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không khiển trách dân chúng nhưng Môi-se lại khiển trách họ. Điều này làm cho dân Y-sơ-ra-ên hiểu lầm Đức Chúa Trời. Họ nghĩ rằng Đức Chúa Trời thật hung tợn, Ngài nhanh chóng kết tội, và Ngài là một Đức Chúa Trời không thương xót.
Một uy quyền đại diện cho Đức Chúa Trời cách đúng đắn là điều bắt buộc. Dầu trong cơn thịnh nộ hay trong khi thương xót, người ấy cần phải luôn luôn giống như Đức Chúa Trời. Nếu sai trật thì chúng ta cần phải công nhận rằng mình sai trật; chúng ta đừng bao giờ kéo Đức Chúa Trời vào lỗi lầm của mình. Nếu làm như vậy thì chúng ta sẽ đem sự phán xét đến trên chính mình. Chúng ta phải cẩn thận. Kéo Đức Chúa Trời vào lỗi lầm của mình là một điều nghiêm trọng. Môi-se từng làm một uy quyền đại diện hàng chục năm, mà vẫn làm cho Đức Chúa Trời bị liên lụy đến lỗi lầm của mình. Ông đại diện cho Đức Chúa Trời một cách sai trật. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời phải phán xét ông. Khi một uy quyền đại diện phạm lỗi mà không nhận lỗi, thì Đức Chúa Trời sẽ bước ra để tự biện minh. Đức Chúa Trời không phán xét Môi-se và A-rôn thì thật sai trật. Việc Đức Chúa Trời xử lý Môi-se và A-rôn có nghĩa là chỉ Môi-se và A-rôn đã vi phạm hành động ấy, và Đức Chúa Trời không có phần gì trong đó. Việc dân Y-sơ-ra-ên lằm bằm có thể chỉ là một sự nổi loạn trong thái độ mà thôi; có lẽ linh của họ thì khác. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời không phán xét họ. Lẽ ra Môi-se không nên phán xét họ một cách hấp tấp khi Đức Chúa Trời không phán xét họ. Đúng ra ông không nên tự mình nói năng bừa bãi. Môi-se khiển trách dân Y-sơ-ra-ên. Đó là thái độ của riêng ông và cơn giận của riêng ông. Nhưng điều đó có thể dễ dàng khiến dân Y-sơ-ra-ên tin rằng đó là thái độ của Đức Chúa Trời và là cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Cơn giận của con người không hoàn thành sự công chính của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời cần tự biện minh. Ngài phải tự tách mình khỏi Môi-se và A-rôn. Ngài phải bày tỏ cho khắp thế giới thấy rằng những gì Môi-se làm hôm ấy đều do một mình Môi-se, chứ không do Ngài. Những lời Môi-se nói vào ngày đó là lời riêng của ông chứ không phải là lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta không bao giờ có thể làm cho Đức Chúa Trời bị liên lụy đến những lỗi lầm của mình hay những thất bại riêng tư của mình, hay gây cho người khác có ấn tượng rằng thái độ của chúng ta là thái độ mà Đức Chúa Trời bày tỏ qua uy quyền đại diện của Ngài. Nếu chúng ta làm như vậy thì Đức Chúa Trời sẽ phải tự biện minh. Một uy quyền đại diện hành động thay mặt cho Đức Chúa Trời. Nếu nổi giận thì chúng ta chỉ có thể nói rằng mình nổi giận, đó là chúng ta ở đằng sau cơn giận ấy chứ không phải là Đức Chúa Trời. Chúng ta phải tách biệt hai điều ấy. Điều tôi kinh sợ nhất là con người trở nên táo bạo đến nỗi kết hợp các hành động riêng của mình với công việc của Đức Chúa Trời, và nghĩ rằng xác nhận những hành động của mình thuộc về chính mình là điều không cần thiết.
Chúng ta rất dễ phạm lỗi. Một khi phạm lỗi, chúng ta cần phải công nhận điều đó. Một mặt, điều đó sẽ cứu chúng ta khỏi việc đại diện cho Đức Chúa Trời một cách sai trật và rơi vào cạm bẫy của kẻ ác. Mặt khác, điều đó sẽ cứu chúng ta khỏi rơi vào tình trạng tối tăm. Nếu chúng ta tự thừa nhận những lỗi lầm của mình trước thì Đức Chúa Trời sẽ không phải tự biện minh. Nếu không thì chúng ta sẽ rơi vào bàn tay quản trị của Đức Chúa Trời.
SỰ NGHIÊM TRỌNG CỦA VIỆC
LÀM MỘT UY QUYỀN ĐẠI DIỆN
Kết quả của sự kiện này là sự phán xét của Đức Chúa Trời được tỏ ra. Đức Chúa Trời nói rằng Môi-se và A-rôn không thể vào miền đất Ca-na-an nữa vì cớ lỗi lầm của họ (c. 12b). Khi con người nói và hành động một cách thiếu suy nghĩ và không tôn thánh Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ tự biện minh. Khi điều ấy xảy ra, thì con người không còn có thể xin Đức Chúa Trời tha thứ được nữa. Ở đây có một điểm khác chúng ta cần phải chú ý: Mỗi khi thi hành uy quyền của Đức Chúa Trời và chăm sóc công việc của Ngài, chúng ta phải làm điều đó với thái độ sợ sệt và run rẩy. Chúng ta không thể thiếu cảnh giác hay trở nên tự phụ chỉ vì mình cao tuổi. Khi Môi-se nổi giận và ném xuống các bảng đá do Đức Chúa Trời viết, Đức Chúa Trời không đoán phạt ông vì ông đầy dẫy sự ghen tương của Đức Chúa Trời, và ông làm như vậy là đúng. Ông nhiệt thành vì Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời không khiển trách ông. Nhưng sau nhiều năm bước theo Đức Chúa Trời, ông trình bày sai lạc về Đức Chúa Trời do không vâng theo Ngài, đập vầng đá hai lần, và nói những lời thiếu suy nghĩ. Trong lỗi lầm của mình, ông làm cho Đức Chúa Trời có vẻ như sai trái, và kéo Đức Chúa Trời vào lỗi lầm của mình. Ông làm cho những người khác nghĩ rằng lời nói của ông là lời nói của Đức Chúa Trời và sự phán xét của ông là sự phán xét của Đức Chúa Trời. Đó là một lỗi lầm nghiêm trọng. Để hầu việc Đức Chúa Trời, chúng ta phải tôn thánh Ngài, và đừng liên kết Ngài với chính mình một cách bất cẩn. Nếu không, khi Đức Chúa Trời tự biện minh, chúng ta sẽ chịu sự phán xét nghiêm khắc. Môi-se mất quyền bước vào Ca-na-an do lỗi lầm này.
SỰ PHÁN XÉT CÓ TÍNH CÁCH QUẢN TRỊ
CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Dân Y-sơ-ra-ên không thể vào Ca-na-an vì họ đã nổi loạn nhiều lần. Môi-se và A-rôn chỉ sai trật một lần. Nhưng họ cũng không thể vào Ca-na-an. Làm uy quyền đại diện là một điều nghiêm trọng. Sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với một uy quyền đại diện thật nghiêm trọng. Trong Dân-số Ký chương 18, Đức Chúa Trời nói với A-rôn rằng ông và các con trai ông sẽ mang lấy những tội lỗi phạm trong nơi thánh (c. 1). Một người càng đại diện cho uy quyền của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời càng xem xét kỹ lưỡng và không buông tha người ấy. Trong Lu-ca chương 12, Chúa cũng nói: “Vì hễ ai được ban cho nhiều, thì bị đòi lại nhiều; và ai được giao cho nhiều, thì bị lấy lại càng hơn” (c. 48).
Dân-số Ký chương 20 cho chúng ta biết rằng A-rôn sẽ chết trên núi Hô-rơ bởi sự phán xét ấy. Chúng ta thấy Môi-se, A-rôn và Ê-lê-a-sa con trai người cùng nhau lên núi Hô-rơ (cc. 25-27). Bức tranh ấy đẹp đẽ biết bao! Cả ba đều thuận phục và sẵn lòng chấp nhận sự phán xét của Đức Chúa Trời. Họ thật sự biết Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao thậm chí họ không cầu nguyện. A-rôn biết rằng ngày của ông đã đến, và Môi-se cũng biết điều sẽ xảy đến với mình. Họ cũng như Áp-ra-ham khi ông dẫn Y-sác lên núi. Áp-ra-ham biết tương lai của Y-sác. Đức Chúa Trời bảo Môi-se mang theo A-rôn và Ê-lê-a-sa lên núi với mình, vì trong việc xảy ra tại dòng nước Mê-ri-ba, Môi-se là người cầm đầu. Trên núi, Môi-se thấy con đường A-rôn phải đi, và con đường mình sẽ đi.
Ngay khi áo ngoài của A-rôn bị lột đi thì ông chết (c. 28). Thường khi một người cởi áo ngoài của mình, người ấy không chết. Nhưng khi áo ngoài của A-rôn bị cởi ra, thì ông chết. Điều này có nghĩa là cuộc sống của ông có được là nhờ sự phục vụ của ông. Ấy có nghĩa là khi một đầy tớ của Chúa không còn phục vụ, thì cuộc sống của người ấy cũng ngừng lại. Có nhiều người không phải là đầy tớ thật. Khi họ chấm dứt điều được mệnh danh là sự hầu việc [Chúa], thì cuộc sống của họ vẫn tiếp tục. Ở đây, chúng ta thấy A-rôn là một đầy tớ thật của Chúa.
Phục-truyền Luật-lệ Ký chương 32 cho chúng ta thấy rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời không ra đi với thời gian. Đức Chúa Trời xử lý Môi-se cùng một cách Ngài xử lý A-rôn. Ngài truyền Môi-se lên núi Nê-bô và chết tại đó (cc. 48-52). Trong những năm ấy, Môi-se thật trung tín. Phục-truyền Luật-lệ Ký chương 32 và 33 nói với chúng ta rằng trước khi ông chết, ông hát và chúc phước cho con dân Y-sơ-ra-ên. Ông không cầu nguyện để Đức Chúa Trời miễn cho ông một sự phán xét như vậy. Ông thuận phục dưới bàn tay của Đức Chúa Trời một cách khiêm nhường và nhu mì. Tuy là một uy quyền đại diện của Đức Chúa Trời và thuận phục Đức Chúa Trời suốt đời, nhưng ông bị ngăn lại không được vào Ca-na-an vì một thất bại của ông trong việc đại diện cho Đức Chúa Trời. Đó là một thiệt thòi lớn lao biết bao! Môi-se được đưa lên núi Nê-bô đến đỉnh Phích-ga. Nê-bô là một cao nguyên, trong khi Phích-ga là đỉnh núi. Tại đó, Đức Chúa Trời nói với Môi-se: “Đó là xứ mà Ta đã thề ban cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, mà rằng: Ta sẽ ban xứ ấy cho dòng dõi ngươi. Ta cho tự mắt ngươi xem xứ ấy, nhưng ngươi không vào đó được” (34:4). Lời hứa của Đức Chúa Trời trải qua năm trăm năm từ thời Áp-ra-ham, nhưng Môi-se chỉ có thể nhìn thấy nó; ông không thể thừa hưởng nó, vì ông đã đại diện cho uy quyền Đức Chúa Trời cách sai trật tại dòng nước Mê-ri-ba. Ông phải chịu thiệt thòi biết bao!
Tôi có gánh nặng lớn muốn chia sẻ [điều này] với anh em. Không gì nghiêm trọng và cảnh tỉnh [chúng ta] hơn là việc đại diện cho uy quyền Đức Chúa Trời cách sai trật. Tôi lo sợ rằng các thanh niên của chúng ta sẽ đại diện uy quyền của Đức Chúa Trời một cách sai trật. Có thể chúng ta chỉ sai trật một lỗi lầm, nhưng một lần ấy có thể đem đến sự phán xét của Đức Chúa Trời. Mỗi khi thi hành uy quyền của Đức Chúa Trời, chúng ta phải cầu nguyện để mình kết hiệp với Đức Chúa Trời. Ngay giây phút phạm lỗi, chúng ta phải học tập tự tách mình khỏi Đức Chúa Trời. Nếu không chúng ta sẽ mang sự phán xét của Đức Chúa Trời trên chính mình. Trong việc quyết định, chúng ta phải hỏi xem quyết định ấy có phù hợp với ý chỉ của Đức Chúa Trời không. Chỉ khi nào biết chắc chắn rằng đó là ý chỉ của Đức Chúa Trời thì chúng ta mới có thể nói mình đang hành động trong danh của Ngài. Môi-se khiển trách dân Y-sơ-ra-ên và đập vầng đá tại dòng nước Mê-ri-ba. Ông không thể nói rằng ông hành động trong danh Chúa. Đúng ra ông nên nói: “Tự tôi làm điều này”. Nếu không thì ông sẽ tự mang sự phán xét đến cho bản thân. Tôi hi vọng rằng anh em sẽ không dại dột nhưng sẽ học tập sống trước mặt Chúa trong sự kính sợ và run rẩy. Đừng hành động hay bước đi một cách thiếu suy nghĩ khi anh em nói rằng mình đang làm việc này việc kia trong danh Chúa. Đừng xét đoán một cách bất cẩn hay đề nghị một cách dễ dàng. Hãy kiểm chế linh và lưỡi của anh em. Đặc biệt là hãy ngậm miệng lại khi anh em nổi giận. Khi hành động với tư cách là uy quyền đại diện, anh em hoặc làm công việc cách tốt đẹp hoặc kéo theo Đức Chúa Trời vào lỗi lầm của mình. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Càng biết Đức Chúa Trời thì một người sẽ càng cẩn thận. Nếu rơi vào bàn tay quản trị của Đức Chúa Trời, đôi khi anh em có thể được tha thứ, nhưng vào những lúc khác có thể anh em không được tha thứ. Không ai có thể chạm đến hay xúc phạm đến sự cai trị của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải sáng tỏ về con đường này. Chỉ sau khi nhìn thấy phương cách đúng đắn để đại diện cho uy quyền thì chúng ta mới có thể làm một uy quyền đại diện.
MỘT UY QUYỀN ĐẠI DIỆN KHÔNG THỂ PHẠM LỖI
Sự phục vụ do tự mình thúc đẩy không thể được chấp nhận theo mắt của Đức Chúa Trời. Thật ra, không ai có thể tự mình làm được gì để phục vụ. Một người phải phục vụ bằng cách đứng trên nền tảng phục sinh rồi sự phục vụ của người ấy mới được chấp nhận. Chúa không muốn chúng ta bị lầm lạc mà cho rằng uy quyền phát xuất từ một người nào khác hơn là Đức Chúa Trời. Chúng ta không phải là uy quyền; chúng ta chỉ ở đây để đại diện cho uy quyền. Xác thịt không có chỗ. Chúng ta cũng phải nói với những người khác rằng mọi sự sai trật đều phát xuất từ chúng ta và mọi sự đúng đắn đều phát xuất từ Đức Chúa Trời. Mỗi khi nói chuyện với người khác hay xử lý các vấn đề, chúng ta phải ghi nhớ rằng chúng ta không thể tin tưởng nơi chính mình và chúng ta phải hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể tự bước ra và đề nghị hay quyết định một cách hời hợt nông nổi. Uy quyền không nằm nơi chúng ta; chúng ta chỉ là những uy quyền đại diện. Nếu tự ý hành động chúng ta sẽ tạo nên những nan đề lớn. Hội-thánh không thể thiếu uy quyền, và hội-thánh không thể khoan dung việc lạm dụng uy quyền. Đức Chúa Trời chỉ có một tâm trí, đó là xây dựng uy quyền của riêng Ngài.
Trong hội-thánh, phải tuyệt đối thuận phục uy quyền, còn về phần uy quyền đại diện thì phải tuyệt đối kính sợ và run rẩy. Thiếu thuận phục thì không có hội-thánh. Đồng thời, uy quyền đại diện không được đề nghị hay quyết định một cách thiếu suy nghĩ, và không được nói năng một cách khinh suất hay sai khiến đường đi nước bước của người khác. Phán xét các anh em hay giải nghĩa Kinh Thánh một cách thiếu cẩn trọng là điều sai trật. Sự thuận phục của chúng ta phải tuyệt đối, và việc chúng ta đại diện cho uy quyền cũng phải tuyệt đối. Ngày nay, trong hội-thánh có hai nan đề. Một là thiếu sự thuận phục tuyệt đối, và hai là đại diện uy quyền cách sai trật. Chúng ta phải tập đừng nói năng một cách cẩu thả hay tự tiện đề nghị. Linh của chúng ta phải luôn luôn mở ra cho Chúa, và chúng ta phải ngưỡng trông ánh sáng của Ngài. Nếu không thì chúng ta sẽ làm cho Đức Chúa Trời bị liên lụy đến những lỗi lầm của chúng ta. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng mình hành động trong danh Chúa và vì Chúa, mà thật ra, không hành động nào của chúng ta ra từ Chúa cả. Một mặt, chúng ta phải tập thuận phục, và mặt khác, chúng ta phải tập đại diện cho Đức Chúa Trời. Vậy, chúng ta phải biết thập tự giá, và phải biết sự phục sinh. Hội-thánh sẽ có cách tiến lên hay không tùy thuộc vào việc chúng ta học tập bài học này như thế nào.
UY QUYỀN CĂN CỨ VÀO CHỨC VỤ,
VÀ CHỨC VỤ CĂN CỨ VÀO SỰ PHỤC SINH
Uy quyền của một người căn cứ vào chức vụ của người ấy, và chức vụ của người ấy căn cứ vào sự phục sinh. Thiếu sự phục sinh thì không có chức vụ, và thiếu chức vụ thì không có uy quyền. Nếu không có sự phục sinh thì A-rôn không thể phục vụ. Sự phục vụ của ông căn cứ vào sự phục sinh, và uy quyền của ông trước mặt dân chúng cũng căn cứ vào sự phục sinh. Sự phục sinh làm cho chúng ta có khả năng hầu việc trước mặt Đức Chúa Trời và thiết lập chúng ta làm uy quyền trước mặt người ta. Đức Chúa Trời không bao giờ chỉ định một người không có chức vụ làm uy quyền của Ngài.
Ngày nay, uy quyền không phải là vấn đề địa vị. Nếu không có một sự phục vụ thuộc linh thì không thể có uy quyền với tính cách địa vị. Chỉ sau khi một người có sự phục vụ thuộc linh trước mặt Chúa thì người ấy mới có uy quyền trước mặt người ta. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ chỉ định anh em làm uy quyền giữa vòng con cái Ngài chỉ sau khi anh em có được một chức vụ thuộc linh. Vậy, uy quyền căn cứ vào chức vụ của một người trước mặt Đức Chúa Trời, và chức vụ căn cứ vào sự phục sinh. Do đó, không có sự tranh chấp trong vấn đề uy quyền, vì không có tranh chấp trong vấn đề chức vụ. Chức vụ được Đức Chúa Trời ban cho. Vậy, uy quyền cũng được Đức Chúa Trời quyết định. Nếu chức vụ chưa được ban cho anh em thì không uy quyền nào được ủy thác cho anh em cả. Mọi uy quyền đều căn cứ vào sự phục vụ. Thiếu sự phục vụ thì không có uy quyền. A-rôn có uy quyền vì ông phục vụ trước mặt Chúa. Lư hương của ông có thể vãn hồi và chặn cơn bệnh dịch lại, trong khi lư hương của 250 người lãnh đạo khác thì bị Đức Chúa Trời rủa sả. Cuộc nổi loạn trong Dân-số Ký chương 16 không những là một sự nổi loạn chống lại uy quyền, mà còn là một sự nổi loạn chống lại chức vụ. A-rôn có một chức vụ thuộc linh vì ông ở trong sự phục sinh. Ông có thể làm uy quyền vì ông có một chức vụ như vậy.
Chúng ta không nên có uy quyền vượt quá chức vụ của mình. Không ai có thể có được một uy quyền vượt quá chức vụ của mình. Chúng ta không nên khoe khoang về bất cứ uy quyền nào tách biệt với chức vụ của mình. Chúng ta phải học tập trung tín trong chức vụ của mình trước mặt Chúa và trung tín trong uy quyền của mình trước mặt người ta. Chúng ta cần phải có thái độ không tìm tòi những điều quá vĩ đại và quá kỳ diệu đối với mình (Thi 131:1). Chúng ta phải học tập trung tín trong phận sự mình trước mặt Chúa. Nhiều người lầm tưởng bất cứ ai cũng có thể cho mình là uy quyền. Họ không mấy nhận thức rằng bất cứ uy quyền nào phát xuất từ một chức vụ đều không bao giờ vượt quá sự phục vụ của chức vụ ấy để cai trị con cái Đức Chúa Trời. Mức độ uy quyền của anh em trước mặt người ta phải tương xứng với chức vụ của anh em trước mặt Đức Chúa Trời. Lượng phục vụ anh em có trước mặt Đức Chúa Trời định đoạt lượng uy quyền anh em có trước mặt người ta. Hễ uy quyền vượt quá chức vụ thì uy quyền ấy trở nên một uy quyền có tính cách địa vị, và không còn thuộc linh nữa.
Uy quyền phát xuất từ chức vụ, và khi tuôn chảy đến những người khác, thì uy quyền đem đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chức vụ nảy sinh từ sự phục sinh và đâm rễ trong Đức Chúa Trời. Nếu một người phụng sự đại diện cho uy quyền cách sai lầm thì chức vụ của người ấy sẽ chấm dứt y như chức vụ của Môi-se và A-rôn đã bị chấm dứt. Chúng ta phải học tập duy trì uy quyền của Chúa và đừng nói năng một cách thiếu suy nghĩ; nếu không, chúng ta sẽ bị Đức Chúa Trời phán xét.
SỰ BIỆN MINH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Khi một uy quyền đại diện phạm lỗi, Đức Chúa Trời sẽ bước ra để phán xét uy quyền ấy. Sự phán xét của Ngài là sự biện minh của Ngài. Sự biện minh của Đức Chúa Trời là một nguyên tắc lớn lao trong sự quản trị của Ngài. Đức Chúa Trời sẵn lòng giao thác danh Ngài cho chúng ta; Ngài cho phép chúng ta dùng đến danh Ngài, y như một người giao thác dấu ấn riêng của mình cho một người khác và cho phép người ấy dùng dấu ấn ấy trong danh mình. Trong trường hợp ấy, khi chúng ta trình bày Đức Chúa Trời cách sai trật, Ngài phải tự biện minh. Đức Chúa Trời cần bày tỏ cho loài người thấy rằng lỗi lầm ấy gây ra bởi chúng ta chứ không phải bởi Ngài.
Môi-se và A-rôn chịu một sự phán xét nghiêm trọng do một lỗi lầm. Cuối cùng A-rôn chết và Môi-se cũng chết. Tuy nhiên, thiệt thòi lớn hơn là họ không đủ tư cách để vào Ca-na-an. Không người nào trong họ tranh luận với Đức Chúa Trời; họ biết rằng sự biện minh cho Đức Chúa Trời quan trọng hơn việc họ vào Ca-na-an. Họ vui lòng để Đức Chúa Trời biện minh cho chính Ngài hơn là họ được bước vào Ca-na-an. Trong Phục-truyền Luật-lệ Ký chương 32, Môi-se đặc biệt nêu lên một điểm là chính họ, chứ không phải Đức Chúa Trời, đã phạm lỗi. Chúng ta phải duy trì tính tuyệt đối của lẽ thật; chúng ta đừng nên cố đi ngõ tắt. Không đầy tớ trung tín nào của Đức Chúa Trời nên tìm đường dễ dãi để thoát thân. Sự biện minh cho Đức Chúa Trời quan trọng hơn sĩ diện của chúng ta, sở thích của chúng ta và những năm tháng chúng ta cầu nguyện và hi vọng. Môi-se và A-rôn thật khiêm hòa; họ thuận phục trong bàn tay của Đức Chúa Trời. Họ có thể lý luận với Đức Chúa Trời, nhưng họ thà chọn không tranh luận. Họ không cầu nguyện cho chính mình thậm chí đến giây phút cuối. Nhiều lần họ cầu nguyện cho con dân Y-sơ-ra-ên, nhưng họ không cầu nguyện cho chính mình. Sự im lặng như vậy thật quí báu. Họ biết cách để Đức Chúa Trời tự biện minh, và họ sẵn lòng nhận lỗi lầm về phần mình. Khi Môi-se viết phân đoạn này trong sách của mình, ông chỉ ra ông là người phạm lỗi. Chúng ta cảm tạ Chúa vì đây là một người biết cách tự phán xét mình và để Đức Chúa Trời biện minh cho chính Ngài. Khi đối diện với sự phán xét, ông không tranh luận. Ông không đề nghị một cách hời hợt, và không muốn điều khiển người khác. Ông thật khiêm nhường, đầy ân điển, và kính sợ Đức Chúa Trời. Ông thật sự nêu gương cho chúng ta là những người hầu việc Chúa.
Nguyện Chúa ban cho chúng ta ân điển để trở thành một người dễ dạy. Nguyện Ngài đầy ân điển đối với hội-thánh vào thời kỳ cuối cùng này. Chúng ta cần cầu nguyện: “Chúa ơi, nguyện uy quyền của Ngài được biểu hiện trong hội-thánh, và nguyện mọi anh chị em đều nhận biết uy quyền là gì. Nguyện uy quyền được biểu hiện trong hội-thánh địa phương, và nguyện uy quyền đại diện được biểu hiện qua con người”. Tôi hi vọng những người trách nhiệm trong hội-thánh sẽ không phạm lỗi về vấn đề uy quyền, và tôi hi vọng về phần những người tiếp nhận lệnh từ uy quyền cũng sẽ không có lỗi lầm. Tôi hi vọng mọi người sẽ nhận biết chỗ đứng của mình để Chúa được tự do tiến lên.