Bài Tám Mươi Bảy
Được Biến Đổi
(8)
Chúng ta đã thấy Gia-cốp có hai lần dựng trụ tại Bê-tên (28:18,22; 35:14). Không chỉ dựng lên cây trụ, ông còn gọi đó là “Nhà Đức Chúa Trời”. Như chúng tôi đã lưu ý nhiều lần rằng hầu như mỗi điều trong Sách Sáng Thế Ký là một hạt giống về một lẽ thật được phát triển trong các Sách tiếp theo của Kinh Thánh. Biết được nguyên tắc này là điều cơ bản để chúng ta hiểu Sách Sáng Thế Ký. Nếu muốn hiểu Sách này, chúng ta phải theo sự phát triển của những điều mà Sách này chứa đựng xuyên suốt các Sách tiếp theo của Kinh Thánh cho đến khi đạt đến sự tổng kết chung cuộc trong Sách Khải Thị. Trong các bài vừa qua, chúng ta đã xem xét sự phát triển của cây trụ trong 1Các Vua, 2Sử Ký và Giê-rê-mi. Bây giờ, chúng ta sẽ lần theo sự phát triển này trong Tân Ước, tại đó chúng ta có lời rõ ràng về ba phương diện của những cây trụ: các sứ đồ là những trụ cột của Hội Thánh, toàn thể Hội Thánh là trụ, và những người đắc thắng là trụ trong Giê-ru-sa-lem Mới.
(c) Liên Quan Đến Sự Xây Dựng Hội Thánh
aa. Các Sứ Đồ Là Những Trụ Cột Của Hội Thánh
Ga-la-ti 2:9 nói rằng Gia-cơ, Sê-pha, và Giăng là những người có danh là trụ cột. Ở đây, Phi-e-rơ được gọi là Sê-pha. Chúng ta biết rằng Sê-pha là Phi-e-rơ và Phi-e-rơ là Sê-pha. Trong việc dùng tên Sê-pha ở câu này, Kinh Thánh muốn nhắc chúng ta về sự đổi tên của Phi-e-rơ. Lần đầu tiên, khi Phi-e-rơ được đem đến với Chúa, Ngài đã đổi tên ông từ Si-môn thành Sê-pha, có nghĩa là hòn đá (Giăng 1:42). Chắc chắn sự đổi tên này cho thấy ý định của Chúa là biến đổi ông thành đá cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Dầu quen đọc là Phi-e-rơ và Giăng, nhưng trong Ga-la-ti 2:9, Phao-lô có ý nói đến Sê-pha và Giăng để bày tỏ rằng nếu muốn trở thành trụ, chúng ta cần được biến đổi. Một Si-môn thiên nhiên phải được biến đổi thành Sê-pha, nghĩa là đá.
Bây giờ chúng ta sẽ suy xét vấn đề làm thế nào người thiên nhiên có thể trở thành cây trụ của Hội Thánh. Điều này chỉ có thể hoàn thành qua sự biến đổi. Theo Tân Ước, sự biến đổi tùy thuộc vào sự tái sinh. Bởi sự tái sinh, sự sống mới được đặt vào trong chúng ta. Đây là sự sống sẽ làm chúng ta biến đổi. Bởi sự sanh ra tự nhiên, chúng ta thừa hưởng sự sống cũ, thiên nhiên và tội lỗi. Sự sống này hoàn toàn vô dụng trong việc làm chúng ta thành trụ. Nhưng cảm tạ Chúa vì sự tái sinh truyền vào trong chúng ta một sự sống khác với sự sống thiên nhiên của chúng ta. Sự sống mới này là sự sống thần thượng, tức chính sự sống của Đức Chúa Trời. Trong phúc âm Giăng, sự sống này được gọi là sự sống đời đời (Giăng 3:16). Sự sống đời đời mà đã được gieo vào trong chúng ta vào lúc tái sinh, là hạt giống của sự biến đổi. Ha-lê-lu-gia! tất cả những người được tái sinh đều nhận được sự sống thần thượng này! Tất cả chúng ta đều có hạt giống của sự biến đổi này. Tuy nhiên, dầu nhiều Cơ-đốc nhân chú tâm nhiều vào sự tái sinh, nhưng rất ít người quan tâm đến sự biến đổi. Không nhiều Cơ-đốc nhân nghe bài giảng về sự biến đổi, và ngay cả giữa vòng chúng ta có thể có một số người chưa bao giờ cầu nguyện để được biến đổi. Tôi mạnh mẽ khuyên anh em cầu nguyện để được biến đổi. Trước đây, chúng ta cần sự tái sinh; bây giờ, chúng ta cần sự biến đổi.
Con người gồm ba phần: linh, hồn và thân thể (1Tês. 5:23). Khi tin Chúa Jesus, kêu cầu danh Ngài, áp dụng huyết Ngài và nhận Ngài làm Đấng Cứu Chuộc và sự sống của mình, Linh thần thượng bước vào trong linh chúng ta là Linh Sự Sống. Kết quả là, chúng ta được tái sinh và nhận được sự sống thần thượng, là điều được gieo vào các chiều sâu của bản thể chúng ta như hạt giống của sự biến đổi. Nhưng hồn chúng ta, gồm tâm trí, ý chí và tình cảm, thì sao? Chúng ta có sự sống thần thượng trong linh, nhưng vẫn cần được biến đổi trong tâm trí. La-mã 12:2 chứng tỏ điều này: “Được biến đổi bởi sự đổi mới của tâm trí”. Sự biến đổi xảy ra qua sự đổi mới của tâm trí, tình cảm và ý chí. Các phần căn bản bên trong này của bản thể chúng ta cần được biến đổi. Sự biến đổi này sẽ làm chúng ta trở thành đá cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời.
Qua sự tái sinh cộng với sự biến đổi, chúng ta trở thành đá cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Ngày nay, sự xây dựng của Đức Chúa Trời là Hội Thánh, Nhà Đức Chúa Trời, Đền Thờ của Đức Chúa Trời. 1Phi-e-rơ 2:4-5 bày tỏ rằng Christ là Đá Sống, rằng khi chúng ta, những người đã được tái sinh, đến với Ngài, chúng ta cũng trở nên đá sống để được xây dựng thành nhà thuộc linh, tức Hội Thánh là Đền Thờ của Đức Chúa Trời. Ngày nay, sự xây dựng của Đức Chúa Trời là Hội Thánh, nhưng trong tương lai sẽ là Giê-ru-sa-lem Mới. Nếu đọc cẩn thận Khải Thị chương 21, chúng ta sẽ thấy Giê-ru-sa-lem Mới là sự mở rộng của Đền Thờ Đức Chúa Trời. Ngày nay, Đền Thờ của Đức Chúa Trời là một ngôi nhà, nhưng trong cõi đời đời, Đền Thờ của Đức Chúa Trời sẽ là một thành, tất nhiên, sẽ lớn hơn nhà rất nhiều. Giê-ru-sa-lem Mới sẽ được xây bằng đá quí (Khải. 21:18-20); trong đó, sẽ không có bụi, đất sét hay gỗ. Phần định của chúng ta là trở thành đá quí được xây dựng nên Giê-ru-sa-lem Mới.
Bây giờ, chúng ta đến vấn đề quan trọng là làm thế nào đất sét có thể được biến đổi thành đá. Chúng ta được làm nên từ đất sét (2:7; La. 9:21,23), nhưng Tân Ước bày tỏ rằng chúng ta là đá. Dường như có một sự tương phản ở đây. Theo quan điểm thiên nhiên, chúng ta là đất sét; nhưng theo quan điểm thuộc linh, quan điểm biến đổi, chúng ta là đá. Nhưng sự biến đổi từ đất sét thành đá xảy ra như thế nào? Sự biến đổi là thêm Christ vào trong bản thể chúng ta. Được biến đổi không chỉ là để cho Christ được truyền vào linh chúng ta mà còn để cho Ngài lan tỏa từ linh vào mọi phần bên trong của bản thể mình. Có rất ít Cơ-đốc nhân thấy điều này.
Gần đây, tôi có nghe một nhóm Cơ-đốc nhân mạnh mẽ tranh luận rằng Christ chỉ ở trên từng trời thứ ba và Ngài không ở trong chúng ta. Kinh Thánh bày tỏ và chúng ta cũng rao giảng rằng ngày nay Christ đang ở trên từng trời thứ ba, bên hữu Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Ngài cũng đang ở trong chúng ta. Cả hai vấn đề này được nói đến trong La-mã chương 8. La-mã 8:34 nói rằng Christ ở bên hữu Đức Chúa Trời đang cầu thay cho chúng ta, và La-mã 8:10 nói rằng Christ ở trong chúng ta. Do đó, Christ vừa ở trên trời vừa ở trong chúng ta. Nhưng các Cơ-đốc nhân này hỏi: “Chẳng phải Christ đã phục sinh với một thân thể bằng xương thịt sao? Vì Christ đã được phục sinh với một thân thể bằng xương thịt, làm thế nào Ngài có thể vào trong các anh?” Theo Kinh Thánh, chúng ta dứt khoát tin rằng Christ phục sinh có một thân thể bằng xương thịt về mặt thuộc thể (Lu. 24:39). Nhưng hãy nghe điều này: Vào ngày phục sinh, Đấng Christ phục sinh với thân thể bằng xương thịt, đã bước vào một căn phòng khóa kín(Giăng 20:19-20). Ngài bước vào căn phòng đó bằng cách nào? Chắc chắn Ngài đã không hiện ra như ma (Lu. 24: 37,39). Chúng ta phải khiêm cung thừa nhận rằng chúng ta không thể hiểu thấu vấn đề này.
Cô-lô-se 1:27 nói: “Christ ở trong anh em là hi vọng về vinh hiển”. Dầu Christ đã phục sinh có một thân thể bằng xương thịt, nhưng Ngài đã trở nên Linh Ban Sự Sống trong sự phục sinh (1Cô. 15:45). Là Linh Ban Sự Sống, Christ đang ở trong linh chúng ta (2Tim. 4:22). Hơn nữa, Christ đang lớn lên và gia tăng bên trong chúng ta. Càng được thêm Christ vào trong, chúng ta càng được biến đổi từ đất sét thành đá. Tôi không tin những người không thừa nhận Christ ở trong họ lại có thể được biến đổi. Chắc chắn là họ không thể giảng những bài về sự biến đổi. Nhưng chúng ta không chỉ quan tâm đến các bài giảng mà còn quan tâm đến sự biến đổi. Chúng ta cần được biến đổi và sự biến đổi chỉ có thể xảy ra bởi Christ được truyền vào trong chúng ta hằng ngày. Cứ mỗi sáng, chúng ta cần chiếm hữu Christ nhiều hơn. Mỗi ngày, Christ phải được gia thêm vào bản thể chúng ta.
Hãy xem trường hợp của Phi-e-rơ, một ngư phủ Ga-li-lê. Ông là người thô kệch, thiếu văn hóa và có tính khí nhanh nhẹn. Ông mau nói, mau làm và mau phạm lỗi. Phi-e-rơ cũng có điểm tốt là mau ăn năn, quay trở lại. Phi-e-rơ trong các Sách Phúc Âm, cuối cùng đã được thay đổi thành một người khác được gọi là Sê-pha trong các Thư Tín. Để minh họa điều này, chúng ta có thể lấy sự đáp ứng chậm chạp của Phi-e-rơ đối với khải tượng trong Công Vụ 10:9-16. Có sự khác nhau rõ rệt giữa một Phi-e-rơ chậm chạp trong Công Vụ chương 10 với một Phi-e-rơ nhanh nhảu trong các Sách Phúc Âm. Hơn nữa, hai Thư Tín của ông bày tỏ rằng ông đã trở thành một người thận trọng. Bởi điều này, chúng ta thấy tính khí và bản thể ông đã được thay đổi. Ông đã hoàn toàn trở thành một người khác. Lời của ông về Phao-lô (2Phi. 3:15-16) chứng tỏ ông đã được biến đổi và đã trở thành một người khác.
Xin nhớ lại một ngày nọ, Phao-lô đã thẳng thắn trách Phi-e-rơ (Gal. 2:11). Nếu đặt Ga-la-ti chương 2 với 2Phi-e-rơ chương 3, chúng ta thấy Phi-e-rơ, người bị Phao-lô quở trách, đã nói những lời tốt đẹp về Phao-lô và những lời tích cực về các văn phẩm của Phao-lô. Ngày nay trong hầu hết hoàn cảnh, nếu một anh em quở trách một anh em khác, người bị quở trách sẽ không tha thứ cho người quở trách mình. Vì điều này là thực tế, nên hiếm khi có anh em nào quở trách một anh em khác. Trong Cơ-đốc Giáo ngày nay, chúng ta ít nghe về những lời quở trách nhưng [thường nghe] cách nói chính trị. Một số người có thể khen người khác trước mặt họ, nhưng lại chỉ trích sau lưng. Đây là cách thực hành mang tính chính trị của Cơ-đốc Giáo ngày nay. Hầu hết Cơ-đốc nhân là các chính trị gia. Trái lại, Phao-lô không phải là nhà chính trị; ông là người quở trách thẳng thắn, trực tiếp và trung thực. Thậm chí, ông đã quở trách Phi-e-rơ. Theo quan niệm của chúng ta, lẽ ra Phi-e-rơ phải nói: “Anh là ai? Khi tôi là sứ đồ hàng đầu, thì anh vẫn còn là một gã trai trẻ bắt bớ Hội Thánh. Bây giờ, là một người mới đến, anh không có tư cách hay địa vị gì để quở trách tôi”. Tuy nhiên, Phi-e-rơ, đã không phản ứng như vậy. Trong 2Phi-e-rơ chương 3, ông đã thừa nhận rằng mình còn thấp kém so với Phao-lô khi viết về gia tể Đức Chúa Trời. Ông công nhận một số điều Phao-lô nói là sâu sắc và khó hiểu. Thái độ này cho thấy Phi-e-rơ không còn thiên nhiên, nhưng đã được biến đổi thành một người khác. Tôi hi vọng sau nhiều năm, nhiều anh em sẽ được biến đổi đến nỗi anh em sẽ thành thật, thẳng thắn và trung thực trong việc quở trách người khác, và những người bị quở trách sẽ được biến đổi để tiếp nhận lời quở trách như thế. Bởi đọc Tân Ước, chúng ta thấy rõ rằng Phi-e-rơ đã được biến đổi thành Sê-pha, một trong những trụ cột của Hội Thánh. Phi-e-rơ, chính là hòn đá sống, nói rằng chúng ta cũng là những đá sống. Điều này có nghĩa là để trở thành trụ cột, chúng ta phải được biến đổi bằng cách để cho Christ được thêm vào trong mình.
bb. Hội Thánh Là Trụ Cột Của Lẽ Thật
Trong Tân Ước, chúng ta cũng được bảo rằng toàn thể Hội Thánh là cột trụ. 1Ti-mô-thê 3:15 nói: “Phỏng ta có chậm trễ, thì con cũng có thể biết cần phải cư xử thể nào trong Nhà Đức Chúa Trời, tức là Hội Thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, cột trụ và nền tảng của lẽ thật”. Thật khó hiểu được từ lẽ thật trong câu này. Một số người nói rằng lẽ thật ở đây có nghĩa là giáo lý. Mặc dầu điều này đúng, nhưng không đầy đủ. Theo Hi-văn, từ lẽ thật chỉ về điều gì đó có thật và vững chắc. Do đó, lẽ thật có nghĩa là thực tại. Tuy nhiên, lẽ thật không chỉ là một thực tại vững chắc mà cũng là sự biểu lộ của thực tại này. Lẽ thật không phải là giáo lý hão huyền; đó là sự biểu lộ của thực tại, giáo lý được cấu tạo bằng thực tại và truyền đạt thực tại đó. Hội Thánh là cột trụ mang lấy lẽ thật này, nghĩa là, mang sự biểu lộ của thực tại.
Thực tại mà Hội Thánh mang vác được bày tỏ trong 1Ti-mô-thê 3:16: “Ai cũng nhận rằng lẽ mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Đấng đã được tỏ ra trong xác thịt, được xưng công chính trong Linh, được thiên sứ trông thấy, được rao giảng cho muôn dân, được thế gian tin nhận, được tiếp lên trong vinh hiển”. Lẽ thật trong câu 15, sự biểu lộ của thực tại, là lẽ mầu nhiệm của sự tin kính trong câu 16. Lẽ mầu nhiệm của sự tin kính là Đức Chúa Trời được tỏ ra trong xác thịt. Khi Christ sống trên đất, Ngài là Đức Chúa Trời được tỏ ra trong xác thịt. Bề ngoài, Ngài là một người trong xác thịt; bên trong, trong thực tại và thực tế, Ngài là Đức Chúa Trời. Trong thực tại của Ngài Đức Chúa Trời được tỏ ra trong con người Jesus. Đức Chúa Trời là thực tại, và Jesus, với tư cách một người trong xác thịt, là sự hiển lộ của Đức Chúa Trời. Đây là chính lẽ thật được đề cập trong câu 15, và đây là lẽ mầu nhiệm của sự tin kính. Sự tin kính là sự giống như Đức Chúa Trời. Lẽ mầu nhiệm của sự tin kính là lẽ mầu nhiệm của sự giống như Đức Chúa Trời. Khi Jesus sống trên đất như một người trong xác thịt, tất cả những ai ngắm xem Ngài đều thấy hình dạng của Đức Chúa Trời trong Ngài. Dầu là con người nhưng Ngài đã biểu lộ Đức Chúa Trời. Sự giống với Đức Chúa Trời như vậy là một sự mầu nhiệm. Lẽ mầu nhiệm của sự tin kính này phải được tiếp nối trong Hội Thánh ngày nay
Hội Thánh là sự tiếp nối của lẽ mầu nhiệm về sự tin kính. Trong bài 86, chúng ta đã thấy Cơ-đốc nhân đều có một phần huyền hiệm trong bản thể họ. Theo nguyên tắc, toàn thể Hội Thánh phải là một sự huyền nhiệm. Nếu có người vô tín bước vào các buổi nhóm của chúng ta và quan sát, họ sẽ không thể hiểu. Dầu chúng ta thấy bình thường và đơn sơ, nhưng những người vô tín ấy sẽ nói: “Điều này là gì? Điều gì thu hút họ đến các buổi nhóm này? Không có gì để giải trí hay diễn giả nổi tiếng. Những người này là ai? Dường như họ không tân thời cũng chẳng lạc hậu. Chúng tôi không thể nói họ là loại người nào”. Lý do cho điều này là vì chúng ta huyền nhiệm. Đừng nghĩ rằng tôi đang nói đến vẻ bên ngoài của chúng ta. Tôi đang nói đến điều gì đó của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong chúng ta. Vì điều này là thật nhưng không thể thấy nên khó mà định nghĩa. Nếu Hội Thánh chỉ là thuần khiết, tinh sạch, hiền lành, khiêm nhường và thánh khiết, chúng ta đã mất mục tiêu. Hội Thánh phải là sự tiếp nối về sự biểu lộ của Đức Chúa Trời trong xác thịt. Đối với một số người chỉ trích chúng ta, sự tiếp nối về sự biểu lộ của Đức Chúa Trời trong Hội Thánh là hình thức tiến hóa thành Đức Chúa Trời. Cáo buộc chúng ta dạy dỗ sự tiến hóa là vu khống chúng ta và phỉ báng Chúa. Nếp sống Hội Thánh đúng đắn là sự tiếp nối về sự biểu lộ của Đức Chúa Trời trong xác thịt. Sự biểu lộ này là lẽ thật được giữ vững bởi Hội Thánh như là trụ cột. Là Hội Thánh, nếu giữ vững chứng cớ này, chúng ta sẽ có thể nói rằng chúng ta là sự tiếp nối của lẽ mầu nhiệm về sự tin kính.
Chúng ta không muốn biểu lộ sự thánh khiết hay bất cứ điều gì của chính mình. Chúng ta chỉ muốn biểu lộ Đức Chúa Trời và thấy Ngài được tỏ ra trong xác thịt. Chúng ta thừa nhận mình vẫn còn xác thịt, nhưng chính Đức Chúa Trời, Đấng sống trong linh chúng ta, sẽ được tỏ ra, được biểu lộ trong xác thịt chúng ta. Sự tỏ ra này không chỉ mang tính cá nhân mà còn mang tính tập thể. Nếp sống Hội Thánh đúng đắn là sự tỏ ra cách tập thể của Đức Chúa Trời trong xác thịt.
Cách duy nhất để Hội Thánh có thể là sự biểu lộ tập thể của Đức Chúa Trời trong xác thịt là qua sự biến đổi. Mọi người trong Hội Thánh phải được biến đổi. Đôi khi, chúng ta nói đến các anh em lớn hơn hay những anh em trẻ hơn. Tuy nhiên, trong Hội Thánh chúng ta không nên nghĩ rằng một số là anh em lớn hơn và số kia là những anh em trẻ hơn vì tất cả chúng ta đang được biến đổi. Dầu chưa được biến đổi hoàn toàn, nhưng ít ra chúng ta cũng đang ở trong tiến trình biến đổi. Hãy quên tuổi tác của anh em đi và tập trung vào sự thật rằng anh em đang trong tiến trình biến đổi. Nếu vẫn còn nghĩ mình là người Hoa, kể như tôi đã chấm dứt. Trong Hội Thánh, không có người già cũng không có người trẻ, người Hoa hay người Mỹ, người Do-thái hay Hi-lạp (Côl. 3:11). Trong Hội Thánh, chúng ta đang được thay đổi bằng cách để Christ được thêm vào bên trong. Anh em không nên là một anh em lớn tuổi hay anh em trẻ tuổi, nhưng nên là một anh em mà Đấng Christ đang được thêm vào hằng ngày. Những người lớn hơn cần nhắc nhở người trẻ đừng gọi họ là các anh em lớn hơn, và những người trẻ hơn có thể yêu cầu những anh em lớn hơn đừng gọi họ là các anh em trẻ. Hơn nữa, chúng ta không nên cho một số anh em là “người Mỹ” và những người còn lại là người miền Nam. Trong Hội Thánh, không có người Mỹ cũng không có người miền Nam: chỉ có các anh em được biến đổi. Không có da đen, da trắng, da vàng, da đỏ, người Do-thái hay Hi-lạp; thay vào đó, chỉ có những người được biến đổi –những người mà Đấng Christ được thêm vào hằng ngày, và họ là sự biểu lộ của Đức Chúa Trời trong Christ. Đây là Hội Thánh như cột trụ chống đỡ và mang lẽ mầu nhiệm của sự tin kính.
Sau khi nghe bài giảng về Hi-ram, thợ xây dựng trụ, nhiều người trẻ được thúc giục tiến xa hơn trong học vấn. Điều này thật tuyệt vời. Để là một thợ xây trụ có khả năng, anh em cần đạt được sự giáo dục tốt và kinh nghiệm sự kết liễu nguồn của sự giáo dục đó. Tuy nhiên, nếu đạt được học vị cao nhất mà thiếu Christ, anh em vẫn không là gì. Yếu tố căn bản có thể cấu tạo anh em thành cây trụ không phải là bằng cấp đại học mà là Christ được thêm vào trong anh em. Dù có bao nhiêu bằng cấp, nhưng nếu thiếu hụt Christ, anh em vẫn không thể là một cây trụ. Yếu tố căn bản để trở thành cây trụ không phải là học thức hay năng lực của anh em, mà là Christ của anh em, tức chính Christ được thêm vào bản thể anh em. Đây là nhân tố thiết yếu trong việc được cấu tạo thành cột trụ. Một cây trụ phải là sự tiếp nối về sự tỏ ra của Đức Chúa Trời trong xác thịt.
(d) Được Tổng Kết Trong Giê-ru-sa-lem Mới
Bây giờ, chúng ta tiếp tục với những cột trụ trong Giê-ru-sa-lem Mới. Khải Thị 3:12 nói: “Kẻ đắc thắng ta sẽ khiến làm trụ cột trong Đền Thờ Đức Chúa Trời Ta, và người không còn ra khỏi đó nữa. Ta cũng sẽ lấy danh Đức Chúa Trời Ta, và danh của thành Đức Chúa Trời Ta, là Giê-ru-sa-lem Mới ở trên trời, từ Đức Chúa Trời Ta mà xuống, cùng danh mới của Ta mà viết trên người”. Trong câu này, chúng ta thấy sự tổng kết về cây trụ trong Giê-ru-sa-lem Mới.
aa. Người Đắc Thắng Là Người Giữ Lời Chúa
Và Không Chối Danh Ngài Được Làm Thành Cây Trụ
Trong Đền Thờ Được Mở Rộng Của Đức Chúa Trời
Theo Khải Thị 3:12, tất cả chúng ta đều có thể trở thành những cây trụ trong Giê-ru-sa-lem Mới. Trong Khải Thị 3:8, Chúa Jesus phán: “ Ngươi có ít năng lực, mà đã giữ lời Ta, chẳng chối danh Ta”. Sau đó trong Khải Thị 3:11, Ngài phán: “ Hãy giữ vững điều người đã có, hầu chẳng ai đoạt lấy mão miện của ngươi”. Trước hết, Chúa phán với những người trong Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi rằng họ có ít năng lực mà đã giữ Lời Ngài và chẳng chối danh Ngài. Sau đó Ngài bảo họ hãy giữ vững điều họ đã có. Họ phải giữ Lời Chúa và không chối danh Ngài. Nếu làm điều này, chúng ta sẽ là những người đắc thắng và Chúa sẽ viết trên chúng ta danh của Đức Chúa Trời Ngài, danh của Giê-ru-sa-lem Mới và danh mới của Ngài. Bây giờ, chúng ta cần xem xét việc giữ Lời Chúa và không chối danh Ngài nghĩa là gì. Những vấn đề này rất sâu xa và khó giải thích.
Sự hiểu biết nông cạn về việc giữ Lời Chúa là Chúa phán lời nào, chúng ta phải giữ lời ấy; Ngài bảo chúng ta làm gì, chúng ta làm điều đó. Điều này đúng nhưng cạn cợt. Để giữ Lời Chúa, chúng ta phải làm hai điều: về mặt tích cực, chúng ta cần tiếp nhận tất cả những gì Ngài là vào trong mình; và về mặt tiêu cực, chúng ta cần giết chết mọi quan niệm, ý kiến của mình. Không chỉ là vấn đề Chúa bảo chúng ta thương yêu lẫn nhau hay rửa chân cho nhau, [thế là] chúng ta thực hành thương yêu người khác và rửa chân cho họ. Hiểu biết như vậy còn quá nông cạn. Lời Chúa đại diện cho chính Chúa. Nếu tiếp nhận Lời Ngài như sự biểu lộ của chính Chúa, chúng ta phải buông bỏ những ý kiến và quan niệm của mình.
Ý kiến của anh em ngăn cản anh em giữ Lời Chúa. Có thể, anh em ít khi giữ Lời Chúa vì bị ý kiến ngăn trở. Trong bài này, chúng tôi tiếp tục nói về sự biến đổi. Như La-mã 12:2 bày tỏ, sự biến đổi chủ yếu liên quan đến tâm trí. Chúng ta được biến đổi bởi sự đổi mới của tâm trí, là nguồn của những quan niệm, ý kiến của chúng ta. Được biến đổi là để cho những quan niệm và ý kiến đó chết đi. Không ai trong chúng ta có thể nói rằng mình không có ý kiến hay quan niệm gì. Một số người có thể hỏi: “Chúng tôi có nên là những tấm gỗ không có cảm xúc, tri thức hay cảm nhận được không?” Tất nhiên là không. Chúng ta cần sống động. Nhưng càng sống động, chúng ta càng đầy dẫy ý kiến và quan niệm. Càng cầu nguyện cho vấn đề này và xem xét kinh nghiệm của mình, tôi càng nhận thức rằng giữ Lời Chúa thật sự là được biến đổi.
Cách để được biến đổi là tiếp nhận Lời Chúa vào trong chúng ta và giữ Lời đó. Hầu hết chúng ta không giữ Lời Chúa do bị những ý kiến và quan niệm của mình ngăn trở. Ai cũng đều có ý kiến riêng. Những người cung ứng Lời thường cầu xin Chúa loại bỏ ý kiến của những người nghe Lời và cất đi những bức màn quan niệm của họ. Lời có thể được phát ngôn rõ ràng, nhưng những quan niệm và ý kiến của anh em có thể ngăn trở anh em giữ lời ấy. Nếu muốn giữ Lời Chúa, trước hết chúng ta phải buông bỏ những ý kiến của mình, sau đó để cho Chúa Jesus được thêm vào bản thể chúng ta.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét việc không chối danh Chúa nghĩa là gì. Danh luôn luôn chỉ về một người nào đó. Khi tôi kêu tên một anh em nào đó, chính anh em đó sẽ đến. Do đó, không chối danh Chúa có nghĩa là không chối Thân Vị của Chúa.
Tất cả tên gọi của các giáo phái như Báp-tít, Giám lý, Luther và Trưởng Lão phải bị khước từ. Tên gọi có ý nghĩa rất lớn. Dầu có thể không nhận thức về điều đó, nhưng nếu tiếp nhận tên gọi của giáo phái, thực ra anh em đang khước từ danh của Đấng Christ, vì thế, anh em đang khước từ Thân Vị của Christ. Dầu anh em không có ý định làm điều này, nhưng đây là sự thật. Nếu không có ý định chối bỏ danh Đấng Christ, anh em không nên có bất cứ tên gọi của giáo phái nào. Trước đây, một số giáo sĩ và mục sư đã hỏi ý tôi về vấn đề này. Tất cả họ đều nói với tôi rằng họ không quan tâm đến tên gọi của giáo phái. Tôi nói rằng nếu họ không quan tâm đến những tên gọi này, nên bỏ chúng đi. Nhận một danh khác thay danh Chúa là vấn đề nghiêm trọng. Rõ ràng là đối với nhiều người, chỉ làm một Cơ-đốc nhân thì không đủ. Họ đã nhận một danh khác và nói: “Tôi là người thuộc Luther”, “Tôi là người thuộc Trưởng Lão”, hay “Tôi là người thuộc Báp-tít”. Làm điều này tức là chối bỏ danh Chúa. Cách đây 150 năm, Hội Anh Em đã thấy ánh sáng về vấn đề này và từ bỏ mọi danh khác, công bố rằng họ chỉ giữ một danh –danh Chúa Jesus Christ. Đây là danh duy nhất. Tuy nhiên, đó không chỉ là danh trên văn tự, mà là danh trong Thân vị
Nếu không từ chối danh Chúa, chúng ta có Thân Vị Ngài làm Thân Vị của mình, và Thân Vị Ngài trở thành tên gọi của chúng ta. Khi anh em đi làm, có lẽ trong một công ty lớn với hàng trăm công nhân, anh em không cần dán nhãn hiệu mình là Cơ-đốc nhân. Anh em chỉ cần biểu lộ Thân Vị của Christ. Thật ra, không biểu lộ Thân Vị của Christ có nghĩa là phủ nhận danh Ngài. Chúng ta phải sống cách như vậy để Christ được biểu lộ qua chúng ta. Nếu chúng ta biểu lộ Christ, thì trong lời nói của người khác Đấng mà chúng ta biểu lộ sẽ trở thành tên gọi của chúng ta. Người khác sẽ nói rằng chúng ta là Cơ-đốc nhân. Thân Vị mà chúng ta biểu lộ trở thành danh xưng, tên gọi của chúng ta. Người khác sẽ không nói rằng anh em là người Hoa hay người Mỹ nữa. Tên gọi duy nhất họ sẽ đặt cho anh em là Cơ-đốc nhân.
Cách đây khoảng 40 năm, có một anh em là công nhân trong một công ty lớn. Các bạn đồng nghiệp của anh đã gọi anh là “Jesus”. Khi thấy anh, họ nói: “Đây là Jesus” theo cách khinh thường. Vào lúc Nhật xâm lược Trung Hoa, nhiều công nhân của công ty này có ý định tẩu thoát. [Vì] có nhiều tiền bạc và đồ vật giá trị phải để lại nên họ tìm xem có thể giao thác những tài sản đó cho ai. Sau khi cân nhắc nhiều khả năng có thể xảy ra, cuối cùng họ quyết định giao tiền bạc và của cải cho người anh em này, người mà họ thường gọi là “Jesus”. Điều này cho thấy họ đang tin cậy vào Jesus. Tất nhiên, người anh em này không hề nói tên anh là Jesus. Đúng ra, anh biểu lộ Thân Vị của Christ trong nếp sống, và đời sống anh là tên gọi của anh. Đây là ý nghĩa thật của việc không chối bỏ danh Chúa. Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi đã sống bởi Chúa, và sự sống của Ngài được Hội Thánh đó sống bày tỏ ra. Vì thế, Thân Vị Ngài trở thành tên gọi của những thánh đồ đó.
Giữ Lời Chúa và không chối danh Chúa có nghĩa là từ bỏ ý kiến và quan niệm của mình, tiếp nhận Lời Chúa vào trong mình và chiếm hữu chính Chúa ngày càng nhiều hơn. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ sống bày tỏ Ngài ra như Thân Vị. Danh của Thân Vị này là Jesus. Giữ Lời Chúa không chỉ là vấn đề giáo lý và xưng nhận danh Ngài không chỉ là nói vài lời tuyên bố. Giữ Lời Ngài có nghĩa là tiếp nhận Ngài vào trong bản thể mình, để những quan niệm và ý kiến chúng ta ra đi hầu Ngài có chỗ bên trong chúng ta; không chối danh Ngài là sống bày tỏ Christ ra như một Thân Vị để Ngài trở thành tên gọi của chúng ta. Điều này ngụ ý đến sự biến đổi.
bb. Mang Danh Đức Chúa Trời Của Christ,
Danh Của Thành Đức Chúa Trời Của Christ Và Danh Mới Của Christ
Trong Khải Thị 3:12, Chúa phán rằng Ngài sẽ viết trên người đắc thắng “danh Đức Chúa Trời Ta, danh của thành Đức Chúa Trời Ta, là Giê-ru-sa-lem Mới ở trên trời, từ Đức Chúa Trời Ta mà xuống, cùng danh mới của Ta”. Trong Sách Khải Thị, Christ gọi Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời của Ta” vì trong Sách này, Ngài đứng trong vị trí của Đấng được sai đi, Đấng được Đức Chúa Trời sai đi để hoàn thành gia tể Đức Chúa Trời. Chúa cũng đứng vị trí này trong bốn Sách Phúc âm, luôn luôn đứng trên vị trí của Đấng được Đức Chúa Trời sai đi. Ngài đã được Đức Chúa Trời sai đi, từ Đức Chúa Trời và cùng với Đức Chúa Trời để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Ngài không bao giờ hành động theo ý riêng của Ngài, nhưng luôn làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời (Giăng 6:38). Ngay cả khi ở trên thập tự giá, Ngài phán: “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Mat. 27:46). Ngày nay, chúng ta cũng phải đứng trên vị trí này và nói: “Tôi là người được sai đi. Tôi đã được Chúa sai đi để hoàn thành mục đích Ngài. Tôi không có vị trí, ý kiến hay quan niệm nào khác. Chính ý chỉ của Ngài phải được thực hiện chứ không phải ý muốn của tôi”. Nói: “Đức Chúa Trời của tôi” hàm ý rằng chúng ta không hành động dựa trên chính mình mà đang làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chúng ta không làm việc vì nghề nghiệp của mình; chúng ta đang hoàn thành mục đích Ngài. Nếu danh “Đức Chúa Trời Tôi” được viết trên anh em thì sẽ định rõ anh em là loại người này. Giống như Chúa Jesus khi sống trên đất, anh em không làm theo ý riêng, nhưng đang hoàn thành ý chỉ của Đức Chúa Trời. Anh em không hành động dựa trên chính mình, nhưng liên tục bước đi theo ý chỉ Đức Chúa Trời. Đây là ý nghĩa của danh “Đức Chúa Trời Tôi”.
Chúa cũng hứa viết trên người đắc thắng danh của Giê-ru-sa-lem Mới, thành của Đức Chúa Trời của Ngài. Điều này thật sâu sắc. Điều đó có nghĩa là Giê-ru-sa-lem Mới là một kiến ốc, không theo ý muốn của bất cứ người nào, nhưng theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Tất cả những người được xây vào trong thành này đều là những người giống như Jesus được bày tỏ trong bốn Sách Phúc Âm. Họ không hành động theo ý riêng, nhưng theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chỉ những ai giống như vậy mới có đủ điều kiện được ghi danh thành của Đức Chúa Trời của Christ, tức Giê-ru-sa-lem Mới.
Cuối cùng, trong Khải Thị 3:12, Chúa hứa viết trên người đắc thắng danh mới của Ngài. Nếu là loại người được mô tả trong bài này, chắc chắn chúng ta sẽ có những kinh nghiệm mới mẻ về Christ. Phần lớn Cơ-đốc nhân chỉ có kinh nghiệm giới hạn về Christ là Đấng Cứu Chuộc của họ. Không nhiều người có kinh nghiệm Christ là sự sống của họ. Hầu hết những người kinh nghiệm Christ là sự sống đều đã kinh nghiệm điều này cách nông cạn. Sự kinh nghiệm Christ của anh em dài bao nhiêu? Kinh nghiệm Ngài của anh em không nên chỉ là vài phân mà phải dài nhiều dặm. Christ không chỉ là Đấng Cứu Chuộc và Sự Sống của chúng ta –Ngài còn là Vua, Tiên Tri, Thầy Tế Lễ, Sự Sáng, Quyền năng, Sự Công chính, Sự Thánh Khiết, Sự Biến Đổi và nhiều điều khác. Một số thánh ca trong quyển Thánh Ca của chúng ta liệt kê hơn năm mươi yếu tố về những gì Christ là cho chúng ta. Càng kinh nghiệm Christ, Ngài sẽ càng mới mẻ đối với anh em, và danh Ngài sẽ càng được viết trên anh em. Trước hết, Christ là Đấng Cứu Chuộc được viết trên anh em. Sau đó, Christ là Sự Sống, Sự Sáng, Sự Khiêm Nhường. Sự Kiên Nhẫn và Tình Yêu cũng sẽ được viết trên anh em. Danh Ngài không bao giờ cạn kiệt. Việc viết danh Ngài trên anh em tùy thuộc vào kinh nghiệm của anh em. Càng kinh nghiệm Ngài, danh Ngài sẽ càng được viết dài hơn. Điều này cũng giống như máy chiếu phim, nó chỉ hoạt động khi chiếc xe mà thợ quay ngồi bên trong hoạt động. Khi chiếc xe này ngừng lại, máy chiếu phim cũng ngừng. Không ai có thể nói danh mới của Christ được nói trong câu này là gì vì điều này hoàn toàn là tên gọi của kinh nghiệm mới mẻ của anh em về Christ. Khi anh em kinh nghiệm Christ theo cách nào đó, phương diện đó của Christ sẽ trở thành tên gọi của anh em, tức danh mới được viết trên anh em. Nếu muốn trở thành cột trụ, chúng ta cần được biến đổi bằng cách để cho Christ được thêm vào trong chúng ta luôn luôn. Bằng cách này, kinh nghiệm Christ của chúng ta sẽ được dài ra, và chúng ta sẽ nói: “Không phải ý muốn tôi, nhưng là ý muốn của Ngài”; chúng ta sẽ không hành động theo ý riêng, nhưng theo khát vọng của lòng Ngài. Khi ấy, danh của Đức Chúa Trời, danh của thành Đức Chúa Trời, và danh mới của Chúa sẽ được viết trên chúng ta.
Bài Tám Mươi Tám
Cách Được Hoàn Hảo Thành Cây Trụ
Trong bài này, chúng ta cần suy xét làm thế nào có thể được hoàn hảo thành những cây trụ cho sự chuyển động của Chúa. Tất nhiên, loại trụ tôi đang nói đến là trụ trong Đền Thờ của Sa-lô-môn (1Các Vua 7:13-22), là trụ tại Bê-tên (Sáng. 28:18,22; 35:14).
Chúng Ta Cần Ở Tại Bê-Tên Ngày Nay
Nếu nghiêm túc với Chúa, muốn trở thành những cây trụ, chúng ta phải khám phá Bê-tên ngày nay đang ở đâu. Bằng không, chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm điều đúng ở một nơi sai. Nếu còn ở trong Giáo Hội Công giáo, các giáo phái, những phong trào Linh Ân, hay các nhóm tự do, chúng ta không thể được hoàn hảo thành những cây trụ. Đừng cho lời tuyên bố như vậy bày tỏ chúng ta hẹp hòi hay thiển cận. Chúng ta phải ở trong Bê-tên ngày nay, tức Hội Thánh. Không có một nơi nào khác để chúng ta trở thành trụ trong sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Những cây trụ được hoàn hảo tại nơi khác không phải là những cây trụ dành cho Bê-tên, cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời, nhưng cho những điều khác. Nhiều thế kỷ trôi qua, một số người khổng lồ thuộc linh đã được hoàn hảo thành những cây trụ cho các giáo phái, cho lãnh vực truyền giáo, hay cho những phong trào nào đó. Tuy nhiên, qua nhiều năm quan sát, tôi đã không thấy cây trụ nào được hoàn hảo cho sự xây dựng của Chúa bên ngoài các Hội Thánh địa phương. Chúng ta phải sáng tỏ rằng những cây trụ mà chúng ta đang nói đến là những cây trụ đích thực cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Nếu muốn thành những cây trụ như vậy, chúng ta phải hỏi Nhà của Đức Chúa Trời, tức Bê-tên ngày nay, đang ở đâu. Chúng ta không nên xem nhẹ vấn đề này.
Lời Chứng Cá Nhân
Năm 1933, Chúa ban cho tôi gánh nặng, thậm chí buộc tôi phải bỏ công việc để hầu việc Ngài trọn thời gian. Tôi đã không học một trường Kinh Thánh hay viện thần học nào. Lúc đó, tôi đang làm việc trong một công ty. Khi Chúa xử lý tôi về việc phải bỏ công việc, tôi không thể ăn ngon, ngủ yên trong ba tuần. Hầu việc Chúa trọn thời gian đòi hỏi phải hoàn toàn vận dụng đức tin, và hoàn cảnh tôi lúc đó chẳng có gì thuận lợi cho quyết định này. Tôi hoàn toàn không biết sẽ lo liệu cho cuộc sống tôi như thế nào. Tuy nhiên, cuối cùng, tôi không có chọn lựa nào khác ngoài việc thôi việc. Sau khi thực hiện quyết định này, tôi nhận được một lá thư ngắn của Anh Nghê. Trong đó, Anh viết: “Anh Witness ơi, về tương lai anh, tôi cảm thấy rằng anh phải hầu việc Chúa trọn thời gian. Anh cảm thấy như thế nào về điều này? Nguyện Chúa dẫn dắt anh”. Lá thư này, ghi ngày 17/8/1933, tức là vào giữa tranh chiến ba tuần của tôi với Chúa, là một lời xác quyết mạnh mẽ. Trước đó tôi đã nghỉ việc công ty, nhưng tôi có rất ít đức tin; tôi vẫn còn hồ nghi về việc thực hiện quyết định đúng đắn đó. Chính lúc khó khăn như vậy, lá thư ngắn này của Anh Nghê đến với tôi. Sau khi đọc xong, tôi nói: “Nếu Chúa muốn, con sẽ đến thăm anh em này và tìm hiểu xem vì sao anh ấy viết cho con vào lúc này”.
Với ý định như vậy, tôi đến Thượng Hải để thăm Anh Nghê, và anh đã tiếp tôi như một vị khách. Tôi đã ở lại với anh nhiều tháng và nhận được từ anh sự giúp đỡ lớn. Tất nhiên, câu hỏi đầu tiên của tôi là vì sao anh viết lá thư ngày 17/8 ấy cho tôi. Anh bảo rằng khi tàu của anh đang trên Biển Địa Trung Hải để trở về Trung Hoa, và anh đang lặng lẽ ngồi một mình trong buồng tàu, thì anh có gánh nặng cầu nguyện cho sự chuyển động của Chúa tại Trung Hoa. Đang khi cầu nguyện, Chúa nhắc anh phải viết lá thư ngắn đó cho tôi. Sau đó, tôi nói với anh rằng ngày anh viết lá thư đó là lúc tôi đang ở giữa sự tranh chiến ba tuần với Chúa. Lời thuật lại này làm anh Nghê xác quyết rằng điều anh đã viết hoàn toàn là đúng. Qua lá thư đó, anh và tôi được xây dựng với nhau nhiều hơn trước. Chúng tôi biết chắc cách sâu xa rằng Chúa đã đặt chúng tôi với nhau. Từ lúc đó, anh đối xử với tôi như một học viên mới, còn tôi thì tôn trọng và đánh giá cao anh, một đồng công lớn hơn, là người có thể hoàn hảo tôi.
Vì trong những ngày đầu tiên ấy, không có nhiều công việc để anh Nghê và tôi thực hiện nên tôi thường đến nhà anh trong một thời gian dài. Những lần như vậy, anh đã hoàn hảo tôi theo nhiều cách khác nhau. Trước mặt Chúa, tôi có thể làm chứng rằng chúng tôi không bao giờ dùng thì giờ để nói chuyện tầm phào. Anh Nghê, một ân tứ nổi bật được Chúa ban cho để hoàn hảo người khác, luôn dùng thì giờ để hoàn hảo tôi. Chắc chắn anh biết điều tôi cần. Anh đã cho tôi sự hiểu biết đúng đắn về lịch sử Hội Thánh từ thế kỷ thứ nhứt đến nay; anh chia sẻ cho tôi tiểu sử của hầu hết những nhà sáng lập các giáo phái khác nhau; và anh đã hoàn hảo tôi về sự sống bề trong, nếp sống Hội Thánh và chuyển động của Chúa.
Một Dòng Chảy
Ngày nọ, anh Nghê bảo tôi rằng anh và các đồng công khác có gánh nặng là tôi cùng với gia đình phải đến Thượng Hải để ở và cùng làm việc với họ. Anh yêu cầu tôi đem điều này đến với Chúa. Khi tôi đem vấn đề này đến với Chúa và cầu nguyện, Chúa chỉ cho tôi từ Sách Công Vụ, rằng trong chuyển động của Ngài trên đất chỉ có một dòng chảy. Dòng chảy này đã bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, lan đến An-ti-ốt, từ An-ti-ốt hướng đến châu Âu. Chúa bảo tôi rằng vì sự chuyển động của Ngài tại Trung Hoa, không nên có hai dòng chảy hay hai nguồn. Tôi đã có gánh nặng về miền Bắc Trung Hoa. Trước khi đến gặp anh Nghê, vào mùa hè 1933, tôi đã hướng dẫn chương trình nghiên cứu kỹ lưỡng Sách Nhã Ca. Dầu tôi đã có gánh nặng rõ ràng cho miền Bắc Trung Hoa, nhưng anh Nghê và các đồng công cảm thấy rằng tôi nên di chuyển đến Thượng Hải, ở lại đó và làm việc với họ. Vào lúc này, Chúa bày tỏ cho tôi rằng tôi phải bước vào dòng chảy duy nhất này là dòng chảy đã bắt đầu từ Thượng Hải. Tôi thấy rằng từ Thượng Hải, dòng chảy này sẽ chảy đến miền bắc và những miền khác của đất nước này. Do đó, tôi quyết định di chuyển đến Thượng Hải và ở lại đó. Từ đó trở đi, tôi đã ở trong dòng chảy này. Tôi hoàn toàn sáng tỏ rằng đây là dòng chảy của Chúa và là chuyển động của Ngài trên đất trong sự khôi phục của Ngài. Theo cách dùng từ ngày nay, tôi biết rằng tôi đã tìm thấy Bê-tên.
Chức Vụ Chịu Trách Nhiệm Về Dòng Chảy
Vì biết rằng tôi ở trong dòng chảy của Chúa và dòng chảy này đã bắt đầu rồi nên tôi cũng nhận thức rằng có một chức vụ chịu trách nhiệm về dòng chảy này. Kết quả của việc thấy điều này là tôi đã mạnh mẽ quyết định quên hết mọi điều mình đã học tập và kinh nghiệm trong quá khứ. Việc tôi có thể hướng dẫn chương trình nghiên cứu chi tiết về Sách Nhã Ca cho thấy tôi đã có một kiến thức nào đó, và tôi có thể làm điều gì đó. Tôi đã học được khá nhiều về Kinh Thánh trong bảy năm rưỡi khi ở với Hội Anh Em. Tôi biết các hình bóng, lời tiên tri và những điều khác. Hơn nữa, qua tôi, một Hội Thánh đã được thiết lập. Tuy nhiên, tôi nhận thức rằng dòng chảy của Chúa trên đất phải là một, dòng chảy này đã bắt đầu và có một chức vụ để thực hiện dòng chảy này. Tôi biết mình phải ở trong dòng chảy này và ở dưới chức vụ chịu trách nhiệm về dòng chảy này.
Những người đã ở với chúng tôi vào những năm đầu có thể làm chứng rằng ngoài các bài giảng tôi đã giảng trong các buổi nhóm, tôi không hề nói điều gì khác. Vì sự có mặt của anh Nghê, tôi đã buông bỏ mọi quan niệm, mọi điều đã học tập và kinh nghiệm của mình. Anh là người đã được Chúa sử dụng để khởi đầu dòng chảy này và cũng có chức vụ thực hiện dòng chảy. Không cần đến ý kiến của tôi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi không làm gì cả. Suốt mười tám hay hai mươi năm tiếp theo, tôi đã làm rất nhiều điều. Nhưng mọi điều đều theo sự dẫn dắt của anh Nghê, không theo ý kiến của tôi. Tôi không bao giờ cung ứng điều gì theo chính mình, tôi chỉ cung ứng các bài giảng được anh Nghê giao cho. Trong những năm đó, tôi không hề bày tỏ ý kiến hay quan niệm của mình; thay vào đó, tôi đã hoàn toàn bước theo anh Nghê.
Chúa đang tuôn chảy trong sự chuyển động của Ngài trên đất. Dòng chảy này không bắt đầu bởi anh em, nhưng bởi người khác. Hơn nữa, có một chức vụ chịu trách nhiệm về dòng chảy. Nói về điều này thật khó cho tôi vì bây giờ vấn đề này có quan hệ rất nhiều đến tôi. Nếu tôi vẫn còn ở Hoa Lục và dòng chảy này vẫn còn quan hệ với chức vụ của anh Nghê, tôi sẽ có chỗ đứng để nói nhiều hơn.
Bí Quyết Để Được Hoàn Hảo Thành Cây Trụ
Bây giờ tôi xin nói cho anh em bí quyết để được hoàn hảo cách vững chắc để làm cây trụ kiên cố cho sự chuyển động của Chúa. Có những anh em nào đó đã được hoàn hảo vì họ không có những quan niệm riêng. Gần đây, có một anh em đã mạnh mẽ công bố rằng anh chỉ biết bước theo chức vụ của anh Lý và hấp thụ mọi điều của chức vụ này. Có những người khác giữa vòng chúng ta hoàn toàn cố chấp. Họ thường nói: “Anh Lý nói như thế này, như thế kia. Điều này có đúng không? Hội Thánh có đúng không? Cách đây chỉ một tuần, tôi biết rằng Hội Thánh đó đã phạm một sai lầm”. Không một ai trong những người cố chấp này được hoàn hảo cả. Nhưng những người được hoàn hảo như cột trụ không giống như vậy. Ngay khi thấy những sai sót nào đó, họ quên chúng đi, không phí thì giờ để bàn cãi. Họ chỉ khao khát được chìm ngập trong mọi điều tích cực.
Vui Hưởng Những Điều Tích Cực
Theo nguyên tắc của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo, để cho bất cứ điều gì được lớn lên đều cần có mặt tiêu cực. Hãy lấy ví dụ về con gà. Tất cả chúng ta đều đánh giá cao trứng, lườn và chân gà; nhưng chắc chắn chúng ta không quan tâm đến phân, lông và xương của nó. Tuy nhiên, không có phân, lông và xương, con gà không thể nào lớn lên. Để gà là gà, nó phải có những điều này. Nhưng đó không phải là phần để chúng ta ăn. Chúng ta nên thưởng thức trứng, lườn và chân gà, và quên đi phân, lông và xương. Nếu chú trọng vào những phương diện tích cực của con gà, chúng ta sẽ nhận được nhiều sự nuôi dưỡng.
Tôi thừa nhận rằng Hội Thánh tại Los Angeles có những sai lầm nào đó, và cũng thừa nhận rằng tôi có những sai lầm. Các trưởng lão có thể làm chứng điều này. Mọi người đều phạm sai lầm. Không ai có thể phủ nhận điều này. Tôi phải có những sai lầm để lớn lên. Những sai lầm này là “phân”. Nếu ăn điều đó, anh em thật dại dột. Tôi cũng thừa nhận rằng tôi có “lông”. Hội Thánh tại Los Angeles cũng đã có một số “lông” và “xương” nào đó. Tuy nhiên, nếu không có những “lông”, “xương”, và “phân”, Hội Thánh tại Los Angeles và chức vụ của tôi cũng sẽ không thể nào tồn tại được. Anh em có ý định gom “lông” này lại rồi nói: “Xem này! đây là Hội Thánh tại Los Angeles. Xem này! Đây là điều anh Lý đã làm. Hãy xem cả đống “lông” kinh khiếp này”, không? Nếu làm như vậy, anh em sẽ không làm hủy hoại Hội Thánh tại Los Angeles hay chức vụ tôi, nhưng chắc chắn sẽ làm hủy hoại chính anh em. Làm như vậy là không khôn ngoan. Các anh em đã được hoàn hảo như cột trụ chắc chắn không phải là những người kém thông minh hơn anh em, nhưng là người khôn ngoan. Mắt họ tỏ hơn mắt anh em. Nhưng họ không thèm chú tâm vào những điều tiêu cực. Họ sẽ nói: “Dầu anh Lý có một số ‘phân’ nào đó, nhưng anh có nhiều trứng. Tôi không quan tâm đến ‘phân’ trong chức vụ của anh, tôi muốn ăn tất cả những ‘trứng’, ‘lườn’ và ‘chân’. Tôi không có thì giờ để nghe về ‘lông,’ và ‘xương’”. Chúng ta hãy noi gương những anh em như vậy để quên những điều tiêu cực đi mà vui hưởng “trứng”, “lườn” và “chân”. Đây là gánh nặng của tôi trong bài này.
Có phải anh em là thám tử ở Anaheim đang điều tra xem Witness Lee có “phân” không? Tôi không thể sống mà không có “phân”. Chắc chắn rằng, cả “lông”, và “xương” có thể được tìm thấy ở Anaheim này. Các trưởng lão đã tạo ra nhiều “xương”. Nhưng tôi sẽ đứng vững, thậm chí nhảy múa trên tất cả “xương” họ tạo ra, tôi sẽ không dại gì mà ăn những xương đó.
Ba hay bốn người trong chúng tôi biết anh Nghê cách rất thân thiết. Anh đã mở chính mình ra hoàn toàn với chúng tôi và chúng tôi biết những bất toàn của anh. Nhưng chúng tôi nhận thức rằng những sự bất toàn này là “phân” làm cho anh có thể tồn tại. Không như người khác, chúng tôi không nắm lấy “lông” của anh, cũng không đụng đến “xương” của “con gà” tại Thượng Hải. Nếu làm điều này, chúng tôi sẽ hi sinh chính mình. Tôi sẽ không bao giờ chịu đựng sự tổn hại mà mình tự gây ra cho mình như vậy. Trái lại, tôi thưởng thức “trứng”, “lườn” và “chân” bổ dưỡng và tươi mới trong chức vụ của anh Nghê. Khi có sự rối loạn lớn nổi lên nghịch lại chức vụ anh, tôi không hổ thẹn mà nói rằng tôi là người tuyệt đối theo anh Nghê. Tôi không quan tâm điều người khác nói về những sai lầm của anh. Tôi chỉ biết mình thật mang ơn anh vì sự hoàn hảo mà anh đã dành cho tôi. Tôi biết sự nuôi dưỡng tôi đã nhận được từ anh. Ngay cả khi chúng tôi ở trong Giê-ru-sa-lem Mới, tôi vẫn có thể nói rằng Chúa đã dùng anh Nghê để hoàn hảo tôi. Không có chức vụ của anh, tôi sẽ không bao giờ trở thành người như hôm nay.
Thật dại dột cho bất cứ ai trong Hội Thánh dành thì giờ để tìm “phân” hay nhét đầy “lông” vào túi rồi nói: “Đây là ‘lông’ của ‘con gà’ Witness Lee, và đây là ‘xương’ của Hội Thánh tại Anaheim. Anh em không biết rằng Hội Thánh tại Anaheim đã mắc những sai lầm sao?” Nếu đó là ý định của anh em, anh em đang lãng phí thì giờ. Anh em đang ở trong vị trí sai. Witness Lee và Hội Thánh tại Anaheim sẽ không trả giá cho anh em về việc anh em vạch trần họ. Hễ điều gì Witness Lee là, anh ấy là. Hội Thánh đó có đúng đắn hay không, thì Hội Thánh là Hội Thánh. Hội Thánh tại Anaheim và chức vụ tôi cũng không sợ bị vạch trần. Trái lại, chúng tôi đánh giá cao điều đó. Nhưng anh em sẽ nhận được gì khi vạch trần chúng tôi?
Tìm Thấy Dòng Chảy Và Bước Vào Đó
Chúa vẫn đang hành động và chuyển động để hoàn thành điều gì đó trên đất. Để hoàn thành mục đích, Ngài phải có một dòng chảy. Giữa nhiều hoạt động đang diễn ra trong các nhóm Cơ-đốc, phải có một dòng chảy về sự chuyển động của Chúa. Chắc chắn anh em tin rằng Chúa vẫn đang sống, đang chuyển động và hành động trên đất. Theo nguyên tắc, phải có một dòng chảy của Chúa trên đất. Kinh Thánh bày tỏ rằng từ trước đến nay luôn chỉ có một dòng chảy. Có một dòng chảy với A-bên, Nô-ê, Áp-ra-ham, và đến cuối Cựu Ước, vẫn chỉ có một dòng chảy. Điều này tương tự trong Tân Ước. Vì Chúa vẫn đang sống, đang chuyển động và hành động trên đất, chắc chắn rằng ngày nay cũng chỉ có một dòng chảy trên đất.
Vì chỉ có một dòng chảy trên đất, chúng ta nên làm mọi điều cần thiết để tìm thấy dòng chảy này đang ở đâu. Đi đây đó và học tập để tìm cho ra dòng chảy chắc chắn là điều đáng làm. Tôi không làm một kẻ dại dột bước theo những điều nào đó cách mù quáng. Trước khi nhảy vào dòng chảy này, tôi đã điều tra và nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi đã bỏ nghề nghiệp, gia đình và mọi điều mình có. Tôi không muốn phí sự hi sinh của mình. Do đó, tôi đã dành thì giờ để nghiên cứu vấn đề này. Cuối cùng, tôi được thuyết phục rằng đây là dòng chảy, và hơn 45 năm qua, tôi đã không có sự nghi ngờ nào về điều này.
Sau khi đã thấy có một dòng chảy và khám phá dòng chảy này ở đâu, chúng ta phải bước vào trong đó, quên đi những kiến thức, những quan niệm, những sự hiểu biết và những quan điểm trước đây. Đối với dòng chảy này, tất cả những điều đó là vô nghĩa. Đối với nhiều người, nói rằng họ không biết gì thì quá trễ. Lẽ ra họ nên nói lời này ngay lúc bắt đầu. Chính vào ngày tôi nói với anh Nghê rằng tôi sẽ chuyển đến Thượng Hải, cùng làm việc và học tập nơi các anh em, tôi đã bỏ mọi sự và bước theo chức vụ duy nhất này. Tôi sẽ không bao giờ hối tiếc quyết định đó. Ha-lê-lu-gia về sự chọn lựa đó! Không ai có thể đo lường được sự nuôi dưỡng và hoàn hảo mà tôi đã nhận được như là kết quả của việc xoay về con đường này. Những anh em nào đó giữa vòng chúng ta cũng vậy. Họ không có thời gian để quan tâm đến “phân”, “lông”, hay “xương”. Họ chỉ dành thì giờ để hấp thụ tất cả những gì ở trong dòng chảy này. Đây là cách đúng đắn để được hoàn hảo thành những cây trụ hữu dụng cho sự chuyển động của Chúa.
Bài Tám Mươi Chín
Được Biến Đổi
(9)
Tại Bê-tên, Gia-cốp đã làm một số điều rất có ý nghĩa. Ông đã lập bàn thờ, dựng một cây trụ, đổ lễ quán trên cây trụ đó và sau đó, đổ dầu lên trên (35:7,14-15). Trong bài này, chúng ta xem xét việc Gia-cốp đổ lễ quán và dầu trên cây trụ mà ông đã dựng lên.
(2) Đổ Lễ Quán Trên Cây Trụ
Xin nhớ rằng hầu như mỗi điều được đề cập trong Sách Sáng Thế Ký đều là hạt giống của một lẽ thật sẽ được phát triển trong các Sách tiếp theo của Kinh Thánh. Vì 35:14 là sự đề cập đầu tiên về lễ quán, nên câu này là hạt giống về lễ quán. Nếu chỉ có một câu này, chúng ta khó mà hiểu được ý nghĩa của lễ quán. Để hiểu ý nghĩa của lễ quán, chúng ta cần lần theo sự phát triển của điều này trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.
Chúng tôi đã chỉ ra rằng Gia-cốp đã hai lần dựng trụ tại Bê-tên. Lần thứ nhứt, ông không đổ lễ quán trên cây trụ mà chỉ đổ dầu. Lý do vì sao lần đầu tiên Gia-cốp chỉ đổ dầu mà không đổ rượu trên cây trụ là vì theo Kinh Thánh, dầu không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm về phần chúng ta, nhưng rượu lại tùy thuộc vào kinh nghiệm của chúng ta. Khi Gia-cốp đến Bê-tên lần đầu, ông không có kinh nghiệm gì về Chúa. Trái lại, ông là kẻ tiếm đoạt trẻ tuổi và không có rượu để đổ ra cho Chúa. Vì vậy, trong chương 28, ông không thể đổ lễ quán. Nhưng hai mươi năm sau, sau khi được Chúa đụng chạm và có phần nào được biến đổi, ông đã trở lại Bê-tên. Vì có một số kinh nghiệm nên ông có rượu để đổ trên cây trụ như một lễ quán cho Chúa. Xin ghi nhớ rằng lễ quán hoàn toàn có quan hệ đến kinh nghiệm của chúng ta.
(a) Phần Thêm Vào Các Của Lễ Căn Bản
Sau Khi Kinh Nghiệm Các Sự Phong Phú Của Christ
Mặc dầu tất cả các của lễ đều là hình bóng về Christ và để chúng ta kinh nghiệm, nhưng có sự khác nhau giữa các của lễ căn bản với lễ quán. Của lễ chuộc tội, một trong các của lễ căn bản, là một hình bóng về Christ để tội nhân kinh nghiệm. Trước khi tội nhân đến để dâng của lễ chuộc tội, họ không có bất cứ kinh nghiệm nào. Họ có được kinh nghiệm bằng cách dâng của lễ chuộc tội cho Đức Chúa Trời. Không đòi hỏi một kinh nghiệm nào trước đó. Tuy nhiên, trước khi có thể đổ lễ quán, anh em phải có một lượng kinh nghiệm nào đó. Không có kinh nghiệm, anh em sẽ không thể có của lễ này vì lễ quán được cấu thành bởi kinh nghiệm Christ của chúng ta.
Trong bảy chương đầu của Lê-vi Ký, chúng ta có năm của lễ căn bản: của lễ thiêu, của lễ chay, của lễ bình an, của lễ chuộc tội và của lễ chuộc sự mắc lỗi. Không cần phải kinh nghiệm Christ trước khi anh em dâng Ngài là các của lễ căn bản này. Nhưng lễ quán hoàn toàn tùy thuộc vào kinh nghiệm của chúng ta. Điều này là quan trọng. Nhiều tín đồ không có sự hiểu biết về các của lễ căn bản, càng ít người hiểu biết về lễ quán. Lý do là vì họ thiếu những kinh nghiệm thật về Christ. Bởi sự thương xót của Chúa, trong sự khôi phục của Ngài, chúng ta phải kinh nghiệm Christ hằng ngày cách thiết thực. Hằng ngày, chúng ta cần kinh nghiệm Ngài là của lễ thiêu, của lễ chay, của lễ bình an, của lễ chuộc tội và của lễ chuộc sự mắc lỗi. Ban đầu, chúng ta chỉ dâng Christ theo cách này. Nhưng khi đã tiến bộ trong kinh nghiệm Christ, cuối cùng chúng ta khám phá ra có một của lễ được thêm vào các của lễ căn bản này –lễ quán.
Giả sử một người nào đó vừa được cứu chỉ mới một ngày. Chắc chắn anh ấy không có thời gian kinh nghiệm Christ. Nhưng nếu anh cứ ở trong nếp sống Hội Thánh đúng đắn, các thánh đồ sẽ giúp anh nhận thức rằng anh cần sống bởi Christ, nhận Christ làm sự sống của mình cách thiết thực. Khi học tập sống bởi Christ, dần dần anh sẽ nhận thức rằn Christ hết sức thiết thực đối với anh. Chắc chắn các thánh đồ sẽ giúp anh thấy Christ là của lễ thiêu của anh. Anh sẽ nhận thức mình cần phải tuyệt đối cho Đức Chúa Trời; tuy nhiên, anh sẽ thấy mình không thể nào tuyệt đối được. Dầu vậy, Christ là sự tuyệt đối của anh. Qua kinh nghiệm này, Christ sẽ trở thành của lễ thiêu của anh để Đức Chúa Trời thỏa lòng. Hơn nữa, anh sẽ vui hưởng Christ là của lễ chay, Đấng không những làm thỏa lòng Đức Chúa Trời mà còn nuôi dưỡng và cung ứng cho anh. Rồi hằng ngày, anh sẽ nhận Christ là thực phẩm và Christ sẽ nuôi dưỡng, nâng đỡ anh để sống trong hiện diện của Đức Chúa Trời hầu Đức Chúa Trời có thể được vui thỏa. Theo cách này, anh sẽ kinh nghiệm Christ là của lễ chay. Cũng vậy, anh sẽ kinh nghiệm các của lễ căn bản còn lại. Bởi kinh nghiệm Christ theo cách này, cuối cùng anh sẽ trở thành người đầy dẫy và dầm thấm Christ. Chính Đấng Christ dầm thấm anh sẽ là rượu của anh và bản thân anh em đó sẽ được dầm thấm rượu này và thực sự trở nên một với rượu này.
Một số người có thể hỏi chúng tôi lấy cơ sở nào để nói Christ là rượu. Đây không phải là lời của tôi, đó là Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 9:17. Trong câu này, Chúa phán: “Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu vậy, thì bầu nứt, rượu chảy ra và bầu hư mất; nhưng ai nấy đều đổ rượu mới vào bầu da mới, thì cả hai đều được giữ vẹn”. Chúa phán lời này để trả lời các môn đồ của Giăng Báp-tít hỏi Ngài vì sao các môn đồ Ngài không kiêng ăn (Mat. 9:14). Chúa trả lời câu hỏi của họ cách khôn ngoan, lạ lùng bằng hai ẩn dụ. Trước hết, Ngài phán: “Không ai vá miếng vải mới vào áo cũ, vì miếng vá sẽ chằng toạc áo thêm, và đàng rách lại càng xấu hơn” (Mat. 9:16). Kế đến, Ngài nói đến việc không đổ rượu mới vào bầu da cũ. Vải mới và rượu mới này là gì? Cả vải mới và rượu mới này là Đấng Christ. Vải mới là Christ như sự công chính mới, duy nhất, trọn vẹn và hoàn hảo của chúng ta để chúng ta được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời. Là Vải Mới, Christ là sự công chính để che phủ chúng ta. Rượu mới là Christ như sự sống làm hưng phấn, sự sống khiến chúng ta dứt dấy, làm chúng ta vui mừng và thậm chí “cuồng”. “Cuồng” là say. Là Vải Mới, Christ che phủ chúng ta bên ngoài, và là Rượu Mới, Christ khuấy động và làm chúng ta “cuồng” ở bên trong. Nói cách khác, Christ làm chúng ta say. Tất cả các Cơ-đốc nhân cần phải “cuồng” như vậy.
Mùa thu năm 1935, anh Nghê đến quê tôi. Trong thời gian đó, chúng tôi có một hội đồng, trong đó chúng tôi thảy đều “cuồng”. Anh Nghê không khuấy động chúng tôi “cuồng”; vì chúng tôi đã “cuồng” rồi. Khi thấy chúng tôi “cuồng” dường ấy, anh đã cho chúng tôi một bài giảng bổ sung nói rằng tất cả chúng ta cần phải “cuồng” (2Cô. 5:13). Anh nói nếu Cơ-đốc nhân nào chưa bao giờ “cuồng”, người ấy chưa đạt tiêu chuẩn. Anh nói: “Nếu anh em lúc nào cũng đàng hoàng, trang trọng, dịu dàng và nghiêm chỉnh, anh em ở dưới tiêu chuẩn. Anh em phải “cuồng” trong Chúa như người say rượu”.
Hầu hết Cơ-đốc nhân ngày nay đều lạnh lẽo, im lặng và chết chóc. Người chết thì trịnh trọng và không bao giờ phạm lỗi. Nơi thích hợp nhất cho họ trên đất là nghĩa trang. Mọi người ở đó đều yên lặng, trật tự và chẳng bao giờ quấy rầy người khác. Hầu hết Cơ-đốc nhân thích điều này. Dầu họ nghĩ rằng điều này tốt, nhưng thật ra nó thật kinh khiếp; đó là sự hôi thối. Cơ-đốc nhân cần phải sống động. Lý do nhiều người không sống động là vì họ thiếu những kinh nghiệm về Christ. Nếu hằng ngày chúng ta kinh nghiệm Christ, cuối cùng Christ mà chúng ta kinh nghiệm, sẽ trở thành rượu trong chúng ta. Càng kinh nghiệm Christ, chúng ta càng trở nên “cuồng”. Từ khi được cứu, anh em đã “cuồng” trong sự tương giao với Chúa bao nhiêu lần? Anh em có bao giờ ở trong tình trạng vui mừng đến nỗi không thể kiềm chế, thậm chí quýnh lên không? Hay có bao giờ vui đến nỗi không biết mình có nhảy, múa hay reo la, không? Càng “cuồng” như vậy với Chúa, càng tốt. Không chỉ người trẻ mà ngay cả những anh chị em lớn tuổi cũng cần phải “cuồng” trong người bề trong với Chúa. Khi ở với Chúa, chúng ta phải nói: “Ô, thật vui biết bao! Rượu [ngon] làm sao! Con không thể chịu nổi!” Đây là kinh nghiệm Christ như rượu.
Nếu kinh nghiệm Christ là của lễ chuộc tội nhiều lần, thì cuối cùng, của lễ này sẽ thành rượu. Lý do là Christ như của lễ chuôc tội sẽ làm chúng ta vui mừng và hân hoan. Tuy nhiên, nếu ít khi vui hưởng Christ là của lễ chuộc tội, điều đó sẽ không trở thành rượu trong kinh nghiệm của anh em. Nhưng nếu anh em kinh nghiệm Christ là của lễ chuộc tội và là các của lễ căn bản hằng ngày, Christ, là tất cả các của lễ này, sẽ trở thành rượu và khiến chúng ta cực kỳ vui mừng, hân hoan. Càng kinh nghiệm Christ trong các sự giàu có của Ngài, các yếu tố của sự phong phú Ngài sẽ làm chúng ta ‘cuồng”. Do đó, hễ điều gì chúng ta kinh nghiệm về Christ, sẽ trở thành rượu mới của chúng ta.
Trong Ma-thi-ơ 9:16 và 17, Chúa phán với các môn đồ của Giăng Báp-tít rằng Ngài đến như vải mới để che phủ chúng ta và như rượu mới để làm chúng ta vui thỏa và dức dấy. Ngày nay, chúng ta cần kinh nghiệm Christ biết bao! Chúng ta cần kinh nghiệm Ngài là của lễ thiêu, của lễ chay, của lễ bình an, của lễ chuộc tội, và của lễ chuộc sự mắc lỗi. Sau cùng, sự kinh nghiệm Christ của chúng ta trở thành yếu tố bên trong làm chúng ta dức dấy, vui mừng ngất ngây. Khi tiếp tục ở trong sự vui hưởng này, thậm chí chúng ta sẽ trở nên một với rượu.
Kẻ say rượu là người đã trở nên một với rượu. Rượu đã dầm thấm toàn bản thể họ, thậm chí người đó có diện mạo và mùi rượu. Có thể nói rằng người này chính là rượu. Giống như người say dầm thấm bởi rượu, là Cơ-đốc nhân, chúng ta phải được dầm thấm Christ cho đến khi trở thành rượu. Christ là Rượu, nhưng Rượu phải dầm thấm chúng ta cho đến khi Rượu trở thành chúng ta. Khi say Đấng Christ và bởi Christ, chúng ta trở thành rượu làm thỏa Đức Chúa Trời, và chúng ta có đủ điều kiện, sẵn sàng làm một lễ quán. Lễ quán không chỉ là chính Đấng Christ mà còn là Christ dầm thấm chúng ta cho đến khi chúng ta và Christ, Christ và chúng ta, trở nên một.
Trong bảy chương đầu của Lê-vi Ký, chúng ta có các của lễ căn bản, nhưng không có lễ quán. Lễ quán được đề cập trong Lê-vi ký 23:10-13, là những câu có quan hệ đến việc đem những hoa quả đầu mùa của mùa gặt trong miền đất tốt lành đến cho thầy tế lễ. Dầu mùa gặt là để con cái Ítx-ra-ên vui hưởng, nhưng họ được yêu cầu phải dâng cho Đức Chúa Trời những hoa quả đầu mùa để Ngài vui hưởng trước. Một bó lúa đầu mùa được đưa qua đưa lại trước mặt Chúa. Vì vậy, hoa quả đầu mùa là của lễ đưa qua đưa lại, tượng trưng cho Christ trong sự phục sinh là Trái Đầu Mùa được dâng lên, đưa qua đưa lại cho Đức Chúa Trời (1Cô. 15:20) Cùng với bó lúa đầu mùa này, con cái Ítx-ra-ên phải dâng một của lễ thiêu với của lễ chay và lễ quán. Chính trong văn mạch này mà lễ quán được đề cập trong Lê-vi ký
Liên quan đến 5 của lễ căn bản trong Lê-vi Ký từ chương 1 đến 7 thì lễ quán chưa được nói đến, vì thời điểm đó, người dâng của lễ không có kinh nghiệm về Christ. Họ giống như Gia-cốp tại Bê-tên lần đầu tiên. Nhưng sau khi đã bước vào miền đất tốt lành, đã kinh nghiệm Christ và đã thu đạt điều gì đó để dâng cho Đức Chúa Trời, họ được yêu cầu phải dâng lễ quán tương ứng với những của lễ khác. Dân số ký 15:1-10 và 28:6-10 cho thấy lễ quán luôn luôn tương ứng với của lễ căn bản. Tỉ lệ của Lễ quán phải tương ứng với tầm cỡ của của lễ căn bản: một phần tư hin rượu cho một chiên con; một phần ba hin rượu cho một chiên đực và phân nửa hin cho một bò tơ (Dân. 15:4-10). Điều này hàm ý rằng càng kinh nghiệm Christ, chúng ta càng trở thành lễ quán. Nếu kinh nghiệm Christ chỉ bằng một chiên con nhỏ, anh em sẽ là một lễ quán có một phần tư hin rượu. Nhưng nếu kinh nghiệm Ngài như chiên đực hay bò tơ, anh em sẽ trở nên lễ quán lớn hơn. Nói cách khác, càng dâng Christ cho Đức Chúa Trời, lễ quán phải càng lớn để tương xứng với của lễ đó. Kinh nghiệm của chúng ta chứng tỏ rằng càng kinh nghiệm Christ, chúng ta càng trở nên lễ quán. Khi dâng Christ cho Đức Chúa Trời, tự phát chúng ta có lễ quán tương xứng với của lễ đó.
Dầu chiên con, chiên đực và bò tơ là những hình bóng chỉ là Christ, nhưng rượu thì không chỉ là Christ. Kinh Thánh cho thấy rõ rằng không thể dâng cho Đức Chúa Trời chỉ riêng có lễ quán. Lễ quán chỉ có thể được dâng để tương xứng với một trong các của lễ căn bản. Của lễ căn bản là Christ, nhưng lễ quán không phải chỉ là chính Đấng Christ; đó là Christ đã dầm thấm chúng ta cho đến khi rượu trở nên chúng ta. Dù rượu trong Ma-thi-ơ 9:17 là chính Christ, nhưng Phao-lô nói: “Tôi đang bị đổ ra như lễ quán”(2Tim. 4:6). Rượu trong 2Ti-mô-thê 4:6 là Christ trong Ma-thi-ơ 9:17, là Đấng đã dầm thấm Phao-lô, và làm ông thành rượu. Trước đây, rượu này chỉ là Christ; nhưng bây giờ rượu đã trở thành chúng ta để chúng ta có thể bị đổ ra như lễ quán. Sự đổ ra này tùy thuộc vào kinh nghiệm Christ của chúng ta. Tại Bê-tên này, tức Nhà Đức Chúa Trời, chúng ta phải được đổ ra như lễ quán.
Giả sử có một nhóm tín đồ nhóm họp vào mỗi Chúa Nhật, nhưng hầu như không ai trong họ có kinh nghiệm thật về Christ. Vậy, họ có thể là lễ quán không? Chắc chắn là không. Vì họ không thể là lễ quán nên sự nhóm họp của các Cơ-đốc nhân này không thể được xem là Nhà Đức Chúa Trời. Cây trụ duy nhất có thể được gọi đúng là Nhà Đức Chúa Trời là cây trụ mà lễ quán được đổ ra trên đó. Nếu không có lễ quán đổ ra trên cây trụ, chắc chắn phải có điều gì đó đã sai với cây trụ. Chúng ta nghi ngờ bất kỳ sự nhóm họp nào của Cơ-đốc nhân mà trong đó không có sự đổ ra của lễ quán. Trong bất cứ buổi nhóm nào mà thật sự là Nhà Đức Chúa Trời, những người nhóm với nhau sẽ là một lễ quán.
Nếu chỉ có Tân Ước, chúng ta không thể nào hiểu sáng tỏ và đầy đủ những điều thuộc linh, đặc biệt những điều về Christ và nếp sống Hội Thánh. Chúng ta cần có những hình ảnh trong Cựu Ước. Chúng ta có một hình ảnh rất sống động trong Sáng Thế Ký chương 35. Ở đây, chúng ta thấy Gia-cốp đang dựng một cây trụ và đổ lễ quán trên đó. Trong chương 28, thậm chí Gia-cốp đã gọi cây trụ này là Nhà Đức Chúa Trời. Phải có một lý do để toàn bộ điều này được ghi lại trong Kinh Thánh. Lý do là cây trụ hàm ý rằng Nhà Đức Chúa Trời là vấn đề về sự xây dựng. Nếu không có lễ quán đổ ra trên cây trụ, việc chúng ta có một tòa nhà đúng đắn là điều đáng nghi vấn. Dầu nhiều người nói về sự xây dựng –cảm tạ Chúa về điều này– nhưng chúng ta vẫn phải hỏi liệu có lễ quán được đổ ra trên cây trụ hay không.
Lễ quán không ra từ rượu ở bàn ép mà từ việc chúng ta kinh nghiệm uống rượu. Bàn ép nho không thể sản xuất lễ quán. Đức Chúa Trời sẽ không thỏa lòng chỉ với rượu ra từ bàn ép. Ngài sẽ hoàn toàn vui thỏa với những người đã vui hưởng Christ là Rượu, đến mức họ trở nên say Đấng Christ, và chính họ cũng trở nên rượu để làm thỏa lòng Đức Chúa Trời. Rượu này không phải là rượu trực tiếp ra từ bàn ép mà là rượu gián tiếp ra từ những người uống Christ là Rượu. Điều này thật sâu sắc. Tôi tin rằng nếu nhiều người giữa vòng chúng ta tiếp tục tiến lên với Chúa trong một khoảng thời gian nữa, họ sẽ trở thành lễ quán như vậy và sẽ có thể nói: “Chúa Jesus ơi, con đang được đổ ra trên Ngài như một lễ quán rồi”. Không người nào mới được cứu không thể nói lời này. Nhưng một số người giữa vòng chúng ta có thể nói cách trung thực và thành thật với sự tin chắc đầy đủ rằng họ đang được đổ ra như lễ quán cho Chúa rồi. Nơi nào có lễ quán, nơi đó cũng có cây trụ được dựng lên như Nhà Đức Chúa Trời. Vấn đề này thật sâu sắc, thiết thực và chạm đến điều gì đó sâu xa trong kinh nghiệm chúng ta. Thấy một người dầm thấm Christ đến mức mà sự quan tâm duy nhất của người ấy chỉ là Christ và Hội Thánh là điều chạm đến chúng ta cách sâu xa
(b) Cho Sự Phục Vụ Tế Lễ
Xuất Ê-díp-tô ký chương 29 là chương nói về sự dâng mình của thầy tế lễ. Các câu từ 38 đến 42 bảo rằng các thầy tế lễ phải dâng của lễ thiêu liên tục hằng ngày cùng với lễ quán. Điều này cho thấy trong sự phục vụ tế lễ, lễ quán cần phải tương xứng với của lễ thiêu hằng dâng.
(c) Cho Người Na-xi-rê
Lễ quán cũng có quan hệ đến luật về người Na-xi-rê (Dân. 6:13-17). Người Na-xi-rê là người dâng mình hoàn toàn cho Đức Chúa Trời. Khi những ngày biệt riêng Na-xi-rê được trọn, người ấy phải dâng của lễ thiêu, của lễ chuộc tội và của lễ bình an. Cùng với các của lễ này, người ấy cũng phải dâng một lễ quán. Người Na-xi-rê có đủ điều kiện để dâng lễ quán vì đó là người đã kinh nghiệm Đức Chúa Trời ở mức độ cao. Điều này cũng chứng tỏ rằng lễ quán ra từ những kinh nghiệm của chúng ta về Chúa. Nếu không kinh nghiệm Ngài, chúng ta không thể có lễ quán. Lễ quán không chỉ là chính Chúa cách khách quan; đó còn là kinh nghiệm chủ quan của việc chúng ta được làm một với Chúa đến mức Ngài trở thành chúng ta. Đấng Christ mà chúng ta kinh nghiệm theo cách chủ quan này là rượu chúng ta đổ ra để làm thỏa lòng Đức Chúa Trời vì sự xây dựng của Ngài.
(d) Cho Nếp Sống Hội Thánh
Chúng tôi đã chỉ ra rằng điều quan tâm duy nhất của người say rượu là rượu. Tâm trí người đó thường xuyên bị chiếm hữu với những ý tưởng về rượu. Ngay cả trong giấc mơ cũng thấy rượu. Chúng ta phải giống như vậy đối với Hội Thánh, Nhà Đức Chúa Trời. Ngoài Bê-tên, chúng ta không nên có mối quan tâm nào khác. Hãy xem gương của sứ đồ Phao-lô. Các văn phẩm của ông bày tỏ ông “cuồng” vì cớ Hội Thánh, ông say Christ và chỉ quan tâm đến Nhà Đức Chúa Trời, Đền Thờ của Đức Chúa Trời. Những từ liệu của ông nói về Bê-tên là “Hội Thánh” và “Thân Thể”. Ông say vì Hội Thánh. Một số người nói: “Những người trong Hội Thánh của các anh đều cuồng. Các anh chỉ biết một điều là Hội Thánh mà thôi”. Lần nọ, một phụ nữ đến gặp tôi sau buổi nhóm và nói: “Ông Lý à, tại sao ông luôn nói về Hội Thánh vậy? Sao ông không nói về đời sống gia đình?” Tôi đáp: “Tôi không nói về gia đình vì chị nói về điều đó nhiều rồi. Tôi phải quan tâm đến Hội Thánh”. Hội Thánh nên là mối quan tâm duy nhất của chúng ta. Mối quan tâm của anh em hôm nay là gì? Học hành, nghề nghiệp, gia đình? Mối quan tâm duy nhất của tôi là Hội Thánh. Tất cả chúng ta cần trở thành “những người say” như vậy đối với Hội Thánh. Trước khi tuận đạo, Phao-lô nói: “Tôi đã sẵn sàng đổ ra như lễ quán”. Nếu mối quan tâm duy nhất của chúng ta là Hội Thánh, chúng ta sẵn sàng nói giống như vậy. Chỉ qua kinh nghiệm tôi mới hiểu được lý do vì sao Gia-cốp dựng hòn đá lên rồi đổ lễ quán trên đó. Tại Bê-tên, chúng ta, những người chỉ quan tâm đến Nhà Đức Chúa Trời, sẽ tự nhiên trở nên một lễ quán.
Theo La-mã 16:3-5, A-qui-la và Bê-rít-sin là những người như thế. Cặp vợ chồng này đã tuyệt đối vì các Hội Thánh địa phương. Mối quan tâm duy nhất của họ là Hội Thánh, và họ sẵn sàng tuận đạo vì Hội Thánh. Họ vì sứ đồ Phao-lô và các Hội Thánh mà đưa cổ ra. Vì A-qui-la và Bê-rít-sin đưa cổ họ ra vì các Hội Thánh và chỉ quan tâm đến các Hội Thánh, nên chắc chắn họ là lễ quán; họ sẵn sàng được đổ ra.
Chúng ta cần xem qua nhiều lần những câu Kinh Thánh nói về lễ quán. Tôi lặp lại rằng lễ quán là phần thêm vào các của lễ căn bản mà chúng ta đã kinh nghiệm. Không nên nói rằng chỉ có của lễ thiêu, của lễ chay, của lễ bình an, của lễ chuộc tội và của lễ chuộc sự mắc lỗi là đủ. Nếu đây là thái độ của chúng ta, chúng ta quá nghèo nàn trong kinh nghiệm. Của lễ thiêu của chúng ta phải đi kèm với lễ quán. Của lễ căn bản, là chính Christ, phải luôn được bổ sung bởi một của lễ tương xứng, tức lễ quán. Của lễ tương xứng này không chỉ là chính Christ, đó là Christ đã dầm thấm chúng ta và làm chúng ta nên một với Ngài. Chúng ta phải là những người có lễ quán tương xứng với các của lễ căn bản. Của lễ của chúng ta càng lớn, của lễ tương xứng phải càng lớn. Nếu chỉ dâng các của lễ căn bản thì các của lễ đó thật nghèo nàn và thiếu kinh nghiệm. Chúng ta cần dâng Christ hằng ngày như các của lễ căn bản. Đồng thời cũng phải có điều gì đó tương xứng với những của lễ này. Của lễ tương xứng này ra từ việc chúng ta kinh nghiệm các của lễ căn bản. Các của lễ căn bản càng làm chúng ta nên một với Christ, chúng ta càng trở nên của lễ tương xứng, tức lễ quán. Sau khi đạt đến điểm này, chúng ta hoàn toàn biết chắc rằng mình đang ở Bê-tên.
Nếu ghép các câu Kinh Thánh về lễ quán lại với nhau như những mảnh của trò chơi ráp hình, chúng ta sẽ thấy lễ quán chủ yếu vì Hội Thánh. Lần đề cập đầu tiên về lễ quán là trong Sáng Thế Ký chương 35. Trong Kinh Thánh sự đề cập đầu tiên về một vấn đề nào đó quyết định nguyên tắc của vấn đề đó. Lễ quán được đề cập đầu tiên có liên quan đến sự xây dựng của Đức Chúa Trời, vì lễ quán này được đổ ra trên cây trụ. Nếu đọc về lễ quán trong Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, và Dân số Ký mà không có Sáng Thế Ký 35:14 làm nền tảng, chúng ta sẽ không nhận thức được rằng lễ quán là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta phải trở lại với sự đề cập đầu tiên về lễ quán, tại đó chúng ta thấy lễ quán không chỉ để thờ phượng Đức Chúa Trời mà còn để xây dựng Bê-tên. Sự đề cập sau cùng về lễ quán là 2Ti-mô-thê 4:6. Ở đây, lễ quán cũng là vì Hội Thánh, vì Bê-tên. Do đó, sự đề cập từ đầu đến cuối về lễ quán chủ yếu là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời, chứ không vì sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhìn bên ngoài, lễ quán là vì sự thờ phượng; thực ra, lễ quán là vì Nhà Đức Chúa Trời, vì sự xây dựng cây trụ, bảng hiệu của Đền Thờ Đức Chúa Trời.
Chúng ta cần có nhiều thánh đồ sẵn sàng đổ ra trên sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Đây là sự tuận đạo thật sự. Sự tuận đạo là đổ ra một lễ quán đầy kinh nghiệm Christ. Khi đầy tràn kinh nghiệm Christ, anh em sẽ sẵn sàng đổ ra, chịu tuận đạo vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Trong sự khôi phục của Chúa ngày nay, chúng ta cần điều này. Chúng ta không biết A-qui-la và Bê-rít-sin có tuận đạo hay không, nhưng chúng ta biết chắc rằng trong linh, thái độ, và cách sống của họ, họ đã tuận đạo rồi. Vì thế, họ là lễ quán đích thực, không chỉ để thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng hơn thế nữa là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời.
Khi Gia-cốp đổ lễ quán trên cây trụ, chắc chắn ông cảm biết mình đang thờ phượng Đức Chúa Trời. Với ông, sự đổ ra lễ quán đó là hành động thờ phượng. Từ “của lễ” chỉ về điều gì đó có quan hệ đến sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sự thờ phượng này không phải là một lễ nghi tôn giáo mà vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Ngày nay, trong sự khôi phục của Chúa, chúng ta cần nhiều thánh đồ kinh nghiệm Christ đến mức đầy dẫy và dầm thấm Ngài như rượu, đến nỗi trở nên rượu để được đổ ra trên sự xây dựng của Đức Chúa Trời vì sự thờ phượng và sự thỏa lòng của Ngài trong sự xây dựng. Đây là ý nghĩa của lễ quán.
(3) Đổ Dầu Trên Cây Trụ
Sáng Thế Ký 35:14 cũng nói rằng Gia-cốp đổ dầu trên cây trụ. Ông làm điều này sau khi đã đổ lễ quán trên đó. Tôi từng nghĩ rằng Gia-cốp đã sai lầm khi làm điều này, và lẽ ra ông nên đổ dầu trước. Nhưng Gia-cốp đã không sai. Theo kinh nghiệm của chúng ta, chính việc đổ của lễ quán ra dẫn đến dầu. Nếu sẵn sàng chịu đổ ra như lễ quán, chúng ta cũng sẵn sàng kinh nghiệm sự đổ ra của Linh. Càng sửa soạn để được đổ ra như lễ quán, chúng ta sẽ càng vui hưởng dầu.
Sau khi được dựng lên, cây trụ được thánh hóa bởi được xức dầu. Điều này tương tự với Đền Tạm. Sau khi được dựng lên, Đền Tạm được thánh hóa bởi dầu xức thánh(Xuất. 40:9). Cây trụ được dựng lên, lễ quán được đổ ra trên đó và rồi cây trụ này được thánh hóa bởi dầu. Dầu đổ ra trên cây trụ, đã đóng ấn cây trụ. Điều này đơn giản có nghĩa là cây trụ đã được thánh hóa. Sự đổ ra của dầu khiến sự xây dựng của Đức Chúa Trời hoàn toàn được thánh khiết, được thánh hóa và biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Nếu nhiều người trong chúng ta sẵn sàng đổ ra như lễ quán trên sự xây dựng của Đức Chúa Trời, lập tức Thánh Linh sẽ hiện diện để thánh hóa Hội Thánh. Đây là sự ấn chứng của Linh. Dù kinh nghiệm Thánh Linh bao nhiêu, nhưng nếu không sẵn sàng đổ ra như lễ quán, chúng ta không có lớp dầu thánh hóa trên Hội Thánh. Nhưng nếu nhiều người sẵn sàng đổ ra như lễ quán, Hội Thánh sẽ được xức dầu, và nếp sống Hội Thánh, được đóng ấn bằng một lớp dầu, sẽ được thánh hóa.
Kinh nghiệm thật về Linh có quan hệ đến sự đổ ra của lễ quán. Hãy xem kinh nghiệm của một trăm hai mươi người vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Như tất cả chúng ta đều biết, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Linh đã được đổ ra (Công. 2:33). Trước khi điều này xảy ra, một trăm hai mươi người đã sẵn sàng được đổ ra như lễ quán. Khi Phi-e-rơ đứng dậy cùng với mười một [sứ đồ], ông đã sẵn sàng được đổ ra. Kết quả là dầu, tức Thánh Linh, giáng xuống trên họ. Dầu không đến trên họ trước khi họ sẵn sàng chịu đổ ra như lễ quán. Có thể anh em cho rằng Phi-e-rơ đã không tuận đạo vào lúc đó. tất nhiên, điều này đúng. Nhưng anh em phải nhận thức rằng ông đã đứng tại đó như một người tuận đạo và đưa cổ ra. Dầu những người Do-thái Giáo đang chống đối ông, nhưng ông không sợ. Trong cái nhìn của các thiên sứ, tất cả một trăm hai mươi người này đã sẵn sàng đổ ra như lễ quán. Vì thế, dầu được đổ ra để thánh hóa và ấn chứng họ. Ngày đó, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem được xức bằng một lớp dầu thiên thượng. Khác với các tổ chức Cơ-đốc ngày nay, Hội Thánh là thánh khiết, được biệt riêng và được thánh hóa. Nguyện tất cả các Hội Thánh trong sự khôi phục của Chúa đều giống như vậy. Tôi hi vọng nhiều thánh đồ sẽ sẵn sàng được đổ ra như lễ quán để Thánh Linh, như dầu xức thiên thượng, sẽ đến trên Hội Thánh để đóng ấn, thánh hóa và làm Hội được biệt riêng hoàn toàn cho Đức Chúa Trời. Đây là kinh nghiệm tại Bê-tên.
(4) Nhận Thức Về Bê-tên
Sau khi làm xong tất cả những điều này tại Bê-tên, Gia-cốp đặt tên nơi này là Bê-tên(35:15), hàm ý rằng ông nhận biết đây là Nhà Đức Chúa Trời, nơi Đức Chúa Trời đã phán với ông (28:13-15). Ngày nay, Hội Thánh là Nhà Đức Chúa Trời (1Tim. 3:15; Hêb. 3:6). Như Gia-cốp tại Bê-tên, chúng ta cũng phải có những kinh nghiệm thực tế vì nếp sống Hội Thánh. Chúng ta phải lập một bàn thờ dâng mình, phải dựng cây trụ cho sự xây dựng của Đức Chúa Trời và phải sẵn sàng được đổ ra như lễ quán trên sự xây dựng của Đức Chúa Trời để dầu thần thượng có thể được đổ ra trên đó hầu thánh hóa nó cho Đức Chúa Trời. Làm như vậy là nhận thức nếp sống Hội Thánh thiết thực.
Bài Chín Mươi
Được Biến Đổi
(10)
Sau khi ở lại Bê-tên một thời gian khá lâu, từ đó Gia-cốp tiếp tục đi (35:16). Nhìn bên ngoài, hành trình rời khỏi Bê-tên không phải là sự đi ra tích cực. Nhưng việc rời Bê-tên không có nghĩa là Gia-cốp lìa khỏi Nhà Đức Chúa Trời mà là đang tiếp tục bước đi trong kinh nghiệm thuộc linh. Dầu đã đến Bê-tên, ở lại và làm một số điều tại đó, ông vẫn phải đi tiếp.
Chúng ta đã thấy Sáng Thế Ký là sách về các hạt giống và các hình ảnh. Chúng ta cần hiểu ý nghĩa của tất cả các hạt giống và hình ảnh này. Hình ảnh về Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp là sự mô tả sống động về đời sống thuộc linh của chúng ta. Kinh nghiệm của ba người này là một bức tranh về đời sống thuộc linh của một người theo Chúa.
6) Những Sự Xử Lý Sâu Hơn Và Riêng Tư Hơn
a) Cái Chết Của Ra-chên
Khi tiếp tục hành trình từ Bê-tên, Gia-cốp trải qua một sự xử lý rất sâu xa và riêng tư: Ra-chên, người vợ yêu quí của ông, qua đời trong khi sanh Bên-gia-min, con út của Gia-cốp (35:16-20). Kinh nghiệm này là một vấn đề liên quan đến cả sự chết lẫn sự sinh ra, một vấn đề về cả mất lẫn được. Gia-cốp đã mất Ra-chên và được Bên-gia-min. Nếu phải lựa chọn, anh em thích giữ lại người mẹ hay có được đứa con? Quan niệm phổ biến của Cơ-đốc nhân là có được cả mẹ lẫn con. Nhưng trong gia tể thần thượng, nếu muốn được đứa con út, anh em phải để người mẹ ra đi. Không chịu mất thì không thể nhận được, và nếu không chết sẽ không có sự sinh ra. Sự sinh ra đến từ sự chết, vì ngoài sự chết, không có sự phục sinh. Nếu Ra-chên không chết, Bên-gia-min không bao giờ có thể được sinh ra.
Ra-chên đại diện cho sự lựa chọn thiên nhiên của Gia-cốp. Dầu Gia-cốp có bốn vợ, nhưng chỉ có Ra-chên là sự chọn lựa ban đầu, tự nhiên theo lòng ao ước của ông. Gia-cốp buộc phải tiếp nhận Lê-a và cũng bị ép phải lấy hai người hầu là Bi-la và Xinh-ba. Nhưng Lê-a và hai người hầu này không phải là sự lựa chọn của lòng Gia-cốp. Nếu đọc Sáng Thế Ký cẩn thận, anh em sẽ thấy lòng của Gia-cốp hoàn toàn đặt nơi Ra-chên, mà không để nơi ba người kia. Hãy nhớ lại những gì Gia-cốp đã làm khi ông sợ sự tấn công của Ê-sau và những người của Ê-sau. Ông đã đặt hai người hầu và con cái họ đi trước, kế đến là Lê-a và con cái của bà, còn Ra-chên và Giô-sép ở sau chót (33:1-2). Sự kiện Gia-cốp để Ra-chên và Giô-sép ở sau chót là để bảo vệ họ trong trường hợp bị tấn công, bày tỏ rằng lòng của Gia-cốp để nơi Ra-chên.
Mọi điều ghi trong Kinh Thánh đều có mục đích. Cái chết của Ra-chên được ghi lại ở đây, trong chương 35, với một mục đích rõ ràng. Khi Gia-cốp đang tiếp tục cuộc hành trình, hẳn ông rất vui khi biết rằng Ra-chên lại có thai. Có lẽ ông mong đợi người vợ yêu dấu này sanh cho mình một con trai nữa. Nhưng khi đang sanh đứa con thứ này, Ra-chên đã qua đời và sự chọn lựa thiên nhiên của Gia-cốp, niềm ao ước của lòng ông, đã bị cất đi.
Trước kinh nghiệm ở Bê-tên, Đức Chúa Trời dung chịu sự chọn lựa thiên nhiên của Gia-cốp, cho phép ông có sự ao ước riêng tư của lòng minh. Nhưng sau kinh nghiệm ở Bê-tên, sự chọn lựa thiên nhiên này bị cất đi. Nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng rằng trước khi kinh nghiệm nếp sống Hội Thánh, chúng ta vẫn còn quan niệm, sự chọn lựa và những ao ước thiên nhiên. Thậm chí Đức Chúa Trời đã ban phước trên những điều đó. Hãy xem, chẳng hạn như việc Ra-chên sanh đứa con đầu lòng là Giô-sép. Khi Giô-sép được sanh ra, Gia-cốp rất vui mừng và có lẽ ông đã nói: “Đây là sự ban phước của Đức Chúa Trời trên khát vọng của lòng tôi. Đức Chúa Trời đã chúc phước cho sự lựa chọn của tôi”. Tuy nhiên, sau kinh nghiệm tại Bê-tên, Gia-cốp mất đi sự lựa chọn thiên nhiên này
Sau khi kinh nghiệm nếp sống Hội Thánh, sự chọn lựa thiên nhiên của anh em phải bị bỏ lại. Trước khi bước vào Hội Thánh, anh em vẫn còn sự chọn lựa thiên nhiên, và Đức Chúa Trời dung chịu điều đó. Nhưng sau khi kinh nghiệm nếp sống Hội Thánh đến một mức nào đó, Đức Chúa Trời sẽ không còn dung chịu điều đó nữa. Tôi hi vọng điều này sẽ không làm những người trẻ sợ hãi, khiến họ rút lui khỏi kinh nghiệm tại Bê-tên. Khi nghe điều này, một số người có thể nói: “Nếu điều này xảy ra, tôi sẽ không bao giờ đến Bê-tên. Trái lại, tôi sẽ ở bên kia Bê-tên và không đi thêm nữa. Khi ấy, tôi sẽ không bị mất sự lựa chọn thiên nhiên của mình”. Đúng vậy, sau khi có vài kinh nghiệm tại Bê-tên, anh em sẽ mất sự lựa chọn thiên nhiên, nhưng sẽ có được Bên-gia-min, là hình bóng về Christ.
(1) Sanh Ra Christ Là Con Trai Của Sự Đau Đớn (Bê-nô-ni) Và Con Trai Của Tay Hữu (Bên-gia-min).
Câu 18 nói: “Vả, bởi Ra-chên gần trút linh hồn, vì đương cơn hấp hối, nên người đặt đứa con trai đó tên là Bê-nô-ni; còn cha nó lại đặt tên là Bên-gia-min”. Đứa trẻ này được đặt hai tên: một từ cha và một từ mẹ. Bê-nô-ni có nghĩa là “con trai của sự đau đớn”. Ra-chên đặt tên này cho con vì bà đang đau khổ và buồn rầu. Nhưng Gia-cốp lập tức đổi tên thành Bên-gia-min, nghĩa là “con trai của tay hữu”. Trong cả vũ trụ này, chỉ có một Người vừa là Con Trai Của Sự Đau Đớn, vừa là Con Trai Của Tay Hữu –và Người ấy là Christ. Một mặt, Christ là Bê-nô-ni, và mặt khác, Ngài là Bên-gia-min. Christ là một Thân Vị kỳ diệu với hai phương diện này. Không một ai chịu khổ, đau đớn nhiều bằng Christ, và không ai đã được tôn cao bằng Christ. Ê-sai 53:3 mô tả Ngài là “Người Của Những Nỗi Đau Buồn”. Công Vụ 2:33 nói rằng Ngài đã được “tôn cao lên bên hữu Đức Chúa Trời,” còn Hê-bơ-rơ 1:3 nói Ngài được ngồi “bên hữu Đấng Oai Nghiêm ở nơi chí cao”. Trước hết, Jesus là Con Trai Của Sự Đau Buồn, Con Trai chịu khổ. Ra-chên không phải là người duy nhất kinh nghiệm sự đau đớn này; Ma-ri, mẹ của Christ, cũng kinh nghiệm điều này. Theo Lu-ca 2:35, hồn của bà bị những nỗi khổ của con đâm thấu. Nhưng sau ba mươi ba năm rưỡi, trong sự phục sinh và thăng thiên, Christ đã trở nên Con Trai Của Tay Hữu Đức Chúa Trời. Do đó, không ai có thể phủ nhận Bên-gia-min là hình bóng về Christ chịu khổ và được tôn cao.
Giả sử anh em là Gia-cốp. Anh em có sẵn sàng chiếm được Đấng Christ này với giá là mất đi sự ao ước của lòng mình không? Hễ còn ở trong Hội Thánh, kinh nghiệm Bê-tên, dựng lên cây trụ và đổ chính mình trên đó như lễ quán, anh em sẽ không có sự lựa chọn nào khác. Ra-chên phải chết để Bên-gia-min có thể được sanh ra. Ha-lê-lu-gia! Ra-chên đã ra đi và Bên-gia-min đã đến!
Cách đây hơn năm mươi năm, tôi đã nghe các bài giảng và đọc các sách về cách biểu lộ Christ và bày tỏ Ngài ra. Nhưng tôi bối rối vì không biết làm thế nào để tôn cao Christ hay biểu lộ Ngài. Trải nhiều năm, tôi không thể tìm ra phương cách. Một số người nói rằng để biểu lộ Christ, chúng ta phải bị đóng đinh. Nhưng làm thế nào một người có thể tự đóng đinh? Không ai có thể tự đóng đinh mình trên thập tự giá. Cuối cùng, tôi học được rằng cách để tôn cao Christ và biểu lộ Ngài là trong nếp sống Hội Thánh. Qua nếp sống Hội Thánh, “Ra-chên” sẽ có một sự sanh nở lạ lùng và đầy khích lệ chết để có thể sanh ra Đấng Christ kỳ diệu. Tôi đã thử mọi cách để tôn cao và biểu lộ Christ, và tôi có thể mạnh mẽ làm chứng rằng không có cách nào công hiệu cả. Tuy nhiên, sau khi đến với Hội Thánh và ở lại đó một thời gian, “Ra-chên” của tôi, sự lựa chọn thiên nhiên của tôi, đã bị cất đi, và Bên-gia-min đã được sanh ra
Lời chép trong Kinh Thánh về cái chết của Ra-chên và sự sinh ra của Bên-gia-min quả là tuyệt vời. Thật là một lời chép kỳ diệu! Tại sao sự chết của Ra-chên không xảy ra trước khi Gia-cốp có kinh nghiệm tại Bê-tên? Chắc chắn, điều này là theo sự tể trị của Đức Chúa Trời. Trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, sự chết của Ra-chên xảy ra ngay sau kinh nghiệm kỳ diệu của Gia-cốp tại Bê-tên. Trong câu 16, chắc là Gia-cốp đầy vui mừng bởi kinh nghiệm tại Bê-tên. Cũng vậy, ông háo hức mong đợi sự sinh ra của một đứa con nữa từ người vợ yêu quí là Ra-chên. Nhưng khi con của Ra-chên đang được sanh ra, thì sự lựa chọn thiên nhiên của Gia-cốp cũng đang chết dần. Dầu Ra-chên đặt tên cho con thứ của mình là Bê-nô-ni, tên của sự đau đớn, nhưng Gia-cốp lập tức đổi tên là Bên-gia-min, tên của sự khích lệ. Sự kiện Gia-cốp đổi tên con trai chứng tỏ ông không thất vọng hay ngã lòng bởi việc mất Ra-chên. Thay vì chán nản, ông thật vững chắc, đầy đức tin và hi vọng. Dường như Gia-cốp nói: “Không, tên nó phải là Bên-gia-min. Nó không phải là đứa con của sự đau buồn nó là con trai của tay hữu”. Gia-cốp đã có đức tin và hi vọng dường bao! Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra trước kinh nghiệm của Gia-cốp tại Bê-tên, hẳn ông sẽ nói: “A-men, tên nó phải là Bê-nô-ni vì nó là con trai của sự đau buồn. Thật vậy, kinh nghiệm này buồn quá”. Nhưng sau kinh nghiệm tại Bê-tên, Gia-cốp trở thành một người được biến đổi.
Câu 21 cho thấy Gia-cốp thực sự đã được biến đổi: “Kế đó, Ítx-ra-ên đi, đóng trại ở ngoài nơi tháp Ê-đe”. Ở đây, sau cái chết của Ra-chên và sự sinh ra Bên-gia-min, lần đầu tiên Gia-cốp thực sự được gọi là Ítx-ra-ên. Kinh Thánh không bảo rằng Gia-cốp đi, nhưng là Ítx-ra-ên đi. Vào lúc này, Gia-cốp đã trở thành một người được biến đổi. Trước thời điểm này, dù đã được đổi tên từ Gia-cốp thành Ítx-ra-ên (32:27-28; 35:10), nhưng trên thực tế, ông chưa bao giờ được gọi bằng tên mới này.
(2) Ra-chên Đã Sanh Ra Giô-sép,
Một Người Na-xi-rê, Hình Bóng Về Christ
Gia-cốp có mười hai con trai: sáu con trai của Lê-a, bao gồm Lê-vi với chức tế lễ và Giu-đa với vương quyền; hai con trai của Ra-chên là Giô-sép và Bên-gia-min; hai con trai của Bi-la là Đan, người tồi tệ nhất, và Nép-ta-li, một trong những người tốt nhất; và hai con trai của Xinh-ba là Gát và A-se (c. 22-26). Giô-sép và Bên-gia-min, hai con trai của Ra-chên, cả hai đều là hình bóng về Christ. Dầu Giô-sép được sanh ra trước, nhưng theo hình bóng, ông là sự tiếp nối của Bên-gia-min. Phần ký thuật sự sanh ra của Giô-sép không cho thấy ông là hình bóng về Christ. Nhưng, như đã thấy, sự sinh ra của Bên-gia-min bày tỏ rõ rằng ông là hình bóng về Christ. Bên-gia-min, con trai của sự đau đớn và con trai của tay hữu, được tiếp nối bởi Giô-sép. Từ chương 37 đến cuối sách Sáng Thế Ký, chúng ta có phần ký thuật về đời sống của Giô-sép. Giô-sép, một người Na-xi-rê, người biệt riêng cho Đức Chúa Trời, chắc chắn là hình bóng về Christ (49:26,“biệt riêng” theo tiếng Hê-bơ-rơ nghĩa là “Na-xi-rê”).
Giô-sép tiêu biểu cho Christ, vừa là Con Trai của sự đau đớn và vừa là Con Trai của tay hữu. Sau khi chịu khổ và được tôn cao, Giô-sép được ngồi trên ngai cạnh vua Pha-ra-ôn. Khi đến với phần ký thuật về Giô-sép, chúng ta sẽ thấy rằng trong mọi phương diện, ông là hình bóng về Christ. Vì thời gian có hạn, [chỉ cần] một ví dụ minh họa cho điều này là đủ. Khi ở trong ngục, Giô-sép có hai bạn đồng tù (40:1-4). Sau đó, một trong hai người này được tha mạng và người kia bị xử tử (40:20-22). Khi Chúa Jesus ở trên thập tự giá, Ngài bị treo cùng với hai tên cướp, một người được cứu và một bị hư mất (Lu. 23:32-33,39-43). Hình bóng này kỳ diệu biết bao! Trong giai đoạn đầu của đời sống, Giô-sép chịu khổ như con trai của sự đau đớn. Trong giai đoạn sau, ông được tôn cao làm con trai của tay hữu. Ông được nhắc lên ngai, bên hữu Pha-ra-ôn, và được ban quyền lực để cai quản việc cung ứng sự sống cho mọi người. Tuy nhiên, như chúng tôi đã lưu ý, theo hình bóng, Giô-sép là sự tiếp nối của Bên-gia-min, con trai của sự đau đớn trở thành con trai của tay hữu.
Bên-gia-min và Giô-sép được sanh bởi Ra-chên, sự lựa chọn tự nhiên của Gia-cốp. Theo sự ấn định của Đức Chúa Trời, những điều tự nhiên thì không sai. Đức Chúa Trời đã ấn định chúng ta phải lập gia đình. Dầu đời sống gia đình là tự nhiên, nhưng điều này do Đức Chúa Trời sắp đặt. Đừng bao giờ nói rằng những điều tự nhiên là không tốt. Nếu nói vậy, anh em đừng ăn nữa vì ăn là nhu cầu tự nhiên do Đức Chúa Trời ấn định. Những người trẻ thường nói: “Tại sao chúng ta bị chi phối bởi việc ăn mặc? Tại sao chúng ta cần phải ngủ? Nếu Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta mà không cần đến thực phẩm, trang phục và ngủ nghỉ, thì cuộc sống sẽ kỳ diệu biết bao. Vả lại, có ai thích đứng trước một bếp lò nóng hay thích rửa chén đâu? Nếu không bị vướng bận bởi những việc như thế, cuộc sống hẳn sẽ tốt dường nào. Tôi ước ao chúng ta có thể hiện hữu mà không cần đến mọi nhu yếu này”. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã ấn định hôn nhân, ăn uống, ngủ nghỉ và trang phục. Dầu những điều này là tự nhiên, nhưng chúng đã được Đức Chúa Trời ấn định.
Như mọi người, Gia-cốp cần một người vợ. Khi đến nhà La-ban, cậu mình tại Pha-đan A-ram, người đầu tiên ông gặp là Ra-chên (29:9-11), tức thì cô gái ấy trở nên sự lựa chọn của ông. Chắc chắn điều này đã được Đức Chúa Trời sắp đặt cách có tể trị. Khi nhìn Ra-chên, có lẽ Gia-cốp nói: “Đây là người tôi chọn”. Gia-cốp yêu Ra-chên, và vì cớ nàng, ông đồng ý phục vụ La-ban bảy năm (29:18-20). Đức Chúa Trời tể trị cho Gia-cốp gặp Ra-chên trước và Ngài cũng tể trị trong việc cho phép La-ban đánh lừa Gia-cốp. Dầu hứa gả Ra-chên cho Gia-cốp, nhưng vào ngày cưới, La-ban đã tráo Lê-a cho Gia-cốp (29:21-25). Sự lừa đảo của La-ban ngăn cản Gia-cốp nhận được sự chọn lựa của mình. Sau đó, Gia-cốp thỏa thuận với La-ban phục vụ thêm bảy năm nữa vì cớ Ra-chên. Để nhận được sự chọn lựa của mình, ông sẵn sàng chịu khổ. Khi vì cớ Ra-chên mà làm việc trong những năm đó, cứ mỗi lần thấy bà, ông lại càng khao khát. Nhưng ông không thểa2. Dầu có lẽ không ai trong chúng ta kiên nhẫn như vậy, nhưng Gia-cốp đã kiên nhẫn chờ đợi cho hết thời gian đó, và cuối cùng, Ra-chên được giao cho ông.
Phần ký thuật này đầy ý nghĩa thuộc linh. Đức Chúa Trời đã sắp đặt để chúng ta có sự lựa chọn thiên nhiên của mình. Nhưng dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời, chúng ta bị ngăn cản không nhận được điều đó sau một thời gian. Một mặt, Gia-cốp bị ngăn cản không nhận được sự lựa chọn thiên nhiên của mình; mặt khác, ông được cho phép có điều ấy. Điều này có nghĩa là dầu Đức Chúa Trời đã ấn định điều gì đó cho chúng ta, Ngài sẽ không cho phép chúng ta có được theo cách và thời điểm của chúng ta. Chắc chắn Ra-chên được Đức Chúa Trời định cho Gia-cốp. Nhưng Đức Chúa Trời không cho phép Gia-cốp có được Ra-chên theo cách và thời điểm của ông. Gia-cốp muốn có Ra-chên ngay lập tức. Cuối cùng sau khi có được bà, chắc chắn ông muốn giữ bà cho phần đời còn lại của ông. Tuy nhiên, vào một thời điểm nào đó, dường như Đức Chúa Trời phán: “Này Gia-cốp, Ta sẽ cất Ra-chên khỏi ngươi”. Tôi không nói bâng quơ đâu. Từ kinh nghiệm của mình, tôi biết điều đó là thực.
Đức Chúa Trời đã sắp đặt để chúng ta có sự lựa chọn thiên nhiên của mình, nhưng không theo cách và thời điểm của chúng ta. Anh em có thể tự hỏi vì sao Đức Chúa Trời quấy rầy mình như vậy. Mục đích duy nhất của Ngài khi làm như vậy chỉ là để sản sinh Christ. Đức Chúa Trời đã ấn định anh em có một người vợ, nhưng Ngài sẽ không cho phép anh em có được cô ấy theo cách và thời điểm của riêng anh em. Mục đích của Ngài không phải làm cho anh em đau khổ. Đức Chúa Trời không độc ác. Mục đích của Ngài là sản sinh Christ. Đức Chúa Trời cũng định cho anh em ăn uống, nhưng không ăn uống theo cách của anh em. Ngay cả trong điều này, mục đích của Đức Chúa Trời cũng là sản sinh Christ.
Một số anh em biết rằng tôi rất thích món tráng miệng, đặc biệt là kem. Nhưng Đức Chúa Trời đã tể trị đặt tôi dưới bàn tay kiểm soát của vợ yêu dấu tôi. Khi tôi được ăn kem, thì lúc đó không theo cách hoặc thời điểm của tôi. Vợ tôi có thể làm chứng rằng nhiều lần tôi muốn ăn kem vào buổi trưa, nhưng bà bảo tôi hãy chờ đến bữa ăn tối. Bởi đó, tôi học được bài học là không nhận được sự lựa chọn thiên nhiên của mình theo cách và thời điểm của mình mà theo cách và thời điểm của Ngài. Mục đích của Ngài trong điều này không phải là làm tôi đau khổ mà là để sanh ra Christ. Hễ khi nào vợ yêu dấu của tôi nói hãy chờ đến bữa ăn tối mới được ăn kem thì tôi chỉ đơn giản quay lại nghiên cứu. Tôi không hề cãi với bà ấy về điều đó. Ví dụ này từ kinh nghiệm của tôi minh họa cho nguyên tắc này.
Giả sử, là một người đàn ông và có sức tranh đấu, tôi sẽ nói với vợ rằng: “Đây là nhà tôi, gia đình tôi ,và bà là vợ tôi. Hãy đem kem cho tôi ngay! Tôi không chờ đến giờ cơm chiều!” Nếu sống như vậy, tôi sẽ không thể sản sinh Christ. Sẽ không có Bên-gia-min và cũng không có Giô-sép.
Gần đây, tôi khích lệ những người trẻ đạt được sự giáo dục cao nhất. Bây giờ nhiều người có tham vọng này. Tôi biết một số bạn trẻ yêu Chúa đã chọn sự giáo dục tốt. Dầu đã đạt được sự giáo dục như ước muốn, nhưng họ không đạt được điều đó theo cách hay thời điểm của họ, nhưng theo cách và thời điểm của Đức Chúa Trời. Nhìn bên ngoài, điều này đã tạo ra một đau khổ nào đó cho họ. Nhưng mục đích của Đức Chúa Trời không phải là gây đau khổ –mà để sản sinh Christ, sản sinh Bên-gia-min và Giô-sép.
Tất cả chúng ta phải học tập rằng chúng ta không ở trong tay của mình. Trái lại, chúng ta đang ở trong tay Chúa. Hễ khi nào là những người được chọn của Ngài và yêu Ngài, chúng ta đang ở trong tay Ngài. Ngài sẽ đem chúng ta đến Bê-tên và chúng ta sẽ ở Bê-tên dưới bàn tay Ngài. Không sớm thì muộn, chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình, và đúng thời điểm của Ngài, bàn tay Ngài sẽ cất đi sự ao ước, sự lựa chọn của chúng ta để Bên-gia-min có thể được sanh ra.
Sách Sáng Thế Ký đưa đến kết cuộc là Giô-sép ngồi trên ngai với quyền lực và uy quyền cai quản việc cung ứng sự sống cho mọi người. Kết quả này có được trực tiếp từ kinh nghiệm của Gia-cốp với Ra-chên. Không có kinh nghiệm của Gia-cốp với Ra-chên, Bên-gia-min và Giô-sép không thể nào được sinh ra. Tôi nhắc lại rằng, sự tổng kết toàn bộ sách Sáng Thế Ký là từ mối quan hệ của Gia-cốp với Ra-chên. Kinh nghiệm đúng đắn của Gia-cốp với Ra-chên là: sự lựa chọn thiên nhiên của chúng ta, dù được Đức Chúa Trời ấn định, nhưng không được ban cho chúng ta theo cách và thời điểm của chúng ta, mà theo cách và thời điểm của Đức Chúa Trời. Hễ điều gì là sự lựa chọn của chúng ta –hoặc hôn nhân, ăn uống hay cách ăn mặc– đều sẽ được ban cho theo cách của Chúa và thời điểm của Ngài. Khi ăn mặc, anh em cần nói: “Chúa ơi, cách của Ngài là gì? Giờ của Ngài khi nào?” Thưa các bạn trẻ, mọi nhu cầu và những điều cần dùng hằng ngày của anh em đã được Đức Chúa Trời ấn định. Nhưng đừng mong nhận được điều gì theo cách và thời điểm của anh em. Điều đó sẽ không bao giờ sản sinh Đấng Christ. Nếu muốn được Đức Chúa Trời sử dụng để sản sinh Christ, các nhu cầu của anh em chắc được ban cho, nhưng không theo cách và thời điểm của anh em, mà theo cách và thời điểm của Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh không nói Gia-cốp than khóc sau cái chết của Ra-chên. Gia-cốp đã sáng tỏ rằng việc ông mất vợ là dưới bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời. Thay vì thất vọng, ông được khích lệ rất nhiều, lập tức đổi tên con mình từ “Con Trai Của Sự Đau Đớn” thành “Con Trai Của Tay Hữu”. Trong vấn đề này, Gia-cốp không yếu đuối; trái lại, rất mạnh mẽ vì biết rằng cái chết của Ra-chên đến từ Đức Chúa Trời. Điều này được xác nhận bởi sự kiện Thánh Linh gọi ông là Ítx-ra-ên trong câu 21. Điều này chứng tỏ ông đã hoàn toàn được biến đổi.
Trước chương 35, Gia-cốp đã trải qua nhiều sự xử lý, đặc biệt suốt hai mươi năm ở với La-ban. Nhưng những sự xử lý đó không sâu xa và riêng tư bằng việc mất đi người vợ yêu quí. Sự xử lý này thật sâu xa và riêng tư, đụng đến bản thể sâu thẳm của ông. Sau khi đã biết nếp sống Hội Thánh đến một mức nào đó, anh em cũng sẽ có một kinh nghiệm như thế. Điều gì đó sẽ xảy ra đụng đến anh em, không ở bên ngoài, nhưng sâu xa bên trong. Sự chọn lựa của lòng anh em sẽ bị cất đi để có thể sanh ra Đấng Christ như Bên-gia-min và Giô-sép. Cảm tạ Chúa về bức tranh rõ ràng này và những lời này. Tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta cần bài này ngay bây giờ.
b) Sự Ô Uế Của Vợ Lẻ Gia-cốp, Nàng Hầu Của Ra-chên,
Đã Làm Thay Đổi Quyền Trưởng Nam.
Việc mất Ra-chên không phải là điều đau đớn duy nhất xảy ra cho Gia-cốp khi ông từ Bê-tên đi ra. Một sự tổn thương sâu xa khác là sự ô uế của vợ lẻ Gia-cốp bởi Ru-bên gây ra (c. 22). Đây cũng là kinh nghiệm đụng-đến-lòng và xé-nát-tâm-can. Câu 22 chứa những lời rất ý nghĩa: “và Ítx-ra-ên hay được việc đó”. Anh em có thể tự hỏi làm thế nào một hành động vô luân như vậy có thể xảy ra trong gia đình tin kính này. Tuy nhiên, điều này đã xảy ra.
Sự ô uế của vợ lẻ Gia-cốp do Ru-bên gây ra đã làm cho quyền trưởng nam bị thay đổi (1Sử. 5:1; Sáng. . 48:22). Ru-bên, con của Lê-a, là trưởng nam. Vì thực sự là con trai trưởng nên ông là người thừa hưởng quyền trưởng nam. Nhưng do ông làm ô uế vợ lẻ của cha mình, nên đã mất quyền trưởng nam và quyền này được chuyển sang Giô-sép.
Sau khi mối quan hệ giữa Gia-cốp và Ra-chên được xử lý hoàn toàn, một trong hai con trai của họ được ban cho quyền trưởng nam. Điều này rất ý nghĩa. Sâu xa trong lòng, Gia-cốp cảm thấy Ra-chên mới là vợ, chứ không phải Lê-a. Do đó, theo Gia-cốp, con trưởng không nên là Ru-bên, mà nên là Giô-sép. Dầu việc Ru-bên là con trưởng thuộc về Đức Chúa Trời, nhưng điều đó không theo sự khao khát của lòng Gia-cốp. Đức Chúa Trời đã tể trị khiến Gia-cốp lấy Lê-a và sanh ra Ru-bên. Tuy nhiên, lòng của Gia-cốp đặt nơi Ra-chên và Giô-sép. Trong cái nhìn của ông, Giô-sép mới thật là con trưởng. Đức Chúa Trời là công bằng. Sau khi buộc Gia-cốp phải lấy Lê-a và qua bà, sanh ra con đầu lòng, cuối cùng Ngài đã nới tay và để cho Ru-bên ra đi. Ru-bên sa ngã, và quyền trưởng nam đã được điều chỉnh.
Điều này nên đến với anh em như một sự yên ủi. Anh em có thể lo lắng về việc Đức Chúa Trời xử lý cách triệt để đối với sự lựa chọn thiên nhiên, sự ao ước của lòng mình. Nhưng cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ hành động để điều chỉnh tình hình. Bởi mất Ra-chên, Gia-cốp có được đứa con thứ hai, tiêu biểu cho Christ, và bởi sự ô uế do Ru-bên gây ra mà quyền trưởng nam được điều chỉnh. Chúng ta không nên bối rối bởi những gì xảy đến cho mình. Trái lại, tất cả chúng ta phải tin rằng mọi sự đều ở dưới bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời. Sự ô uế của vợ lẻ Gia-cốp do Ru-bên gây ra thật đáng hổ thẹn, nhưng ngay cả điều hổ thẹn như thế cũng được dùng để đem đến một kết quả tích cực. Lẽ ra quyền trưởng nam không thuộc về Ru-bên, nhưng theo sự sinh ra tự nhiên, ông đã có được quyền đó. Do đó, trong sự tể trị của Ngài, Đức Chúa Trời để Ru-bên sa ngã hầu cho quyền trưởng nam có thể được chuyển cho người đúng đắn. Điều này thật kỳ diệu! Tuy nhiên, đừng bao giờ dùng sự tể trị của Đức Chúa Trời như một lời bào chữa để nói rằng: “Chúng ta hãy làm ác để điều thiện có thể đến”.
7) Vào Trong Sự Tương Giao
Sau khi trải qua những sự xử lý sâu xa và riêng tư hơn này, Gia-cốp đã bước vào sự tương giao trọn vẹn với Chúa tại Hếp-rôn (c. 27). Sự tương giao tại Hếp-rôn có nghĩa là sự thân mật, bình an, thỏa lòng và vui mừng. Ở trong nếp sống Hội Thánh thật kỳ diệu. Tuy nhiên, khởi đầu kinh nghiệm trong nếp sống Hội Thánh, chúng ta không có sự tương giao đầy đủ. Sự tương giao này ở tại Hếp-rôn. Nhiều người ở trong nếp sống Hội Thánh hôm nay không ở trong tình trạng thuộc linh đầy thân thiết, bình an, thỏa lòng và vui mừng. Dầu đang ở trong nếp sống Hội Thánh, anh em vẫn cần đi tiếp, trải qua những sự xử lý sâu xa và riêng tư hơn cho đến khi tới Hếp-rôn và bước vào sự tương giao đầy trọn với Chúa. Trong sự tương giao này, anh em sẽ có sự vui mừng, thỏa lòng, bình an và thân mật trọn vẹn với Chúa.
Câu 27 nói: “Gia-cốp đến cùng Y-sác, cha mình ở Mam-rê, tại thành Ki-ri-át A-ra-ba, tức là Hếp-rôn, nơi Áp-ra-ham và Y-sác đã kiều ngụ”. Áp-ra-ham đã đến Si-chem(12:6), trải qua Bê-tên (12:8) và cư ngụ tại Hếp-rôn (13:18; 18:1); còn Y-sác đã trải qua hầu như cả đời mình tại Hếp-rôn. Vì thế, Gia-cốp theo dấu chân của Áp-ra-ham đã đến Si-chem (33:18), trải qua Bê-tên (35:6) và cư ngụ tại Hếp-rôn. Tất cả chúng ta cần đến Hếp-rôn. Dầu đang ở trong nếp sống Hội Thánh, nhưng chúng ta không có sự yên nghỉ, sự bình an, sự thỏa lòng, sự vui mừng và sự thân mật đầy trọn cho đến khi tiến đến Hếp-rôn trong linh mình. Ở đây, tại Hếp-rôn, chúng ta vui hưởng sự thân mật diệu kỳ với Chúa. Hếp-rôn cũng là nơi chúng ta trưởng thành trong sự sống. Trong 37:1, Gia-cốp đã bắt đầu trưởng thành vì ông ở tại Hếp-rôn.
8) Thoát khỏi Sự Ràng Buộc Với Cha
Trong các câu 28 và 29, chúng ta được biết về cái chết của Y-sác. Khi Gia-cốp ở tại Hếp-rôn, sợi dây ràng buộc thuộc đất cuối cùng của ông, sự ràng buộc với cha, đã bị cắt đứt. Một số người có thể nói: “Tất cả chúng ta phải tôn kính cha mẹ. Tại sao anh nói rằng sự ràng buộc này bị cắt đứt khi cha Gia-cốp qua đời?” Một mặt, cha mẹ ở với chúng ta là tốt; nhưng mặt khác, mỗi sự quan hệ là một sự ràng buộc. Sau khi Gia-cốp đến Hếp-rôn và bước vào sự yên nghỉ trọn vẹn, Đức Chúa Trời đã cất cha ông đi và để ông hoàn toàn thoát khỏi mọi sự ràng buộc thuộc đất. Vào cuối chương 35, chúng ta thấy một người hoàn toàn được biến đổi và giải thoát. Gia-cốp bây giờ ở tại Hếp-rôn, trong sự yên nghỉ, thỏa lòng, thân mật và tương giao trọn vẹn với Chúa. Tại Hếp-rôn, không có một điều gì giữa Gia-cốp và Chúa. Ở đây, ông có thể hát: “Không điều gì ở giữa, Chúa ơi, không điều gì khác giữa [con với Ngài]”. Trong Gia-cốp, chúng ta thấy một người được Đức Chúa Trời xử lý triệt để và được điều chỉnh hoàn toàn. Mọi sự ràng buộc đã bị cắt đứt và ông hoàn toàn tự do vui hưởng sự tương giao mật thiết với Chúa tại Hếp-rôn.
Witness Lee