Ô-sê là sách tiên tri đầu tiên trong số 12 “tiểu tiên tri” của Cựu Ước, từ Ô-sê đến Ma-la-chi. Chúng được gọi là tiểu không phải vì sứ điệp của các tiên tri này không quan trọng, mà là do độ dài của chúng. Tôi tránh phân biệt theo cách gọi sách đại tiên tri và sách tiểu tiên tri bởi lẽ tôi không muốn kéo dài ý niệm sai lầm rằng mười hai quyển sách ngắn ngủi nhưng đầy quyền năng này ít quan trọng hơn và ít gần gũi hơn những sách còn lại của Kinh Thánh. Mỗi sách đều có một sứ điệp biến đổi cuộc đời một cách đầy quyền năng trong nhịp sống hối hả của chúng ta.
Ô-sê là một diễn giả trẻ trong đất nước Y-sơ-ra-ên, vương quốc phía bắc. Ông là một người cùng thời với tiên tri Ê-sai và A-mốt, và ông viết quyển sách này vào khoảng từ năm 755 đến năm 715 T.C.N. Như câu đầu cho chúng ta biết, Ô-sê sống trong các triều đại của Ô-xia, Giô-tham, A-cha, và Ê-xê-chia – các vua Giu-đa, vương quốc phía nam, và trong triều đại của Giê-rô-bô-am, con trai Giô-ách ,vua Y-sơ- ra- ên.
-
Giê-rô-bô-am là một trong những vị vua xấu xa nhất của Y-sơ-ra-ên và đất nước đang trải qua một giai đoạn khó khăn khi Ô-sê truyền giảng. Dân chúng quá bận rộn sinh sống và hưởng thụ những lạc thú của cuộc đời đến nỗi không hề dành chút thời gian hay tư tưởng nào cho Chúa. Tất nhiên, bản thân họ không cho rằng mình như vậy. Thay vào đó, họ chắc sẽ nói điều mà hầu hết chúng ta điều nói: “Cuộc sống của tôi bận rộn quá! Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho những buổi cầu nguyện và cho công tác phục vụ cũng như thông công với các tín hữu và học Kinh Thánh – nhưng hiện tại cuộc sống của tôi quay cuồng và bận rộn. Tâm thần thì muốn nhưng xác thịt thì chuẩn bị nghỉ cuối tuần.”
Đây là quan điểm xã hội mà tiên tri Ô-sê đối diện, vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi ông bị ngã lòng như chúng ta thấy trong đoạn đầu của sách tiên tri này. Trong tâm trạng ngã lòng, ông đến với Chúa – và Chúa ban cho ông một sự chỉ dẫn rất lạ lùng. Nó giống như thế này: “Ô-sê, Ta muốn ngươi kết hôn.” Tôi nghĩ là Ô-sê, một chàng trai độc thân, chắc đã vui vẻ hơn một chút khi nghe như thế.
-
Sau đó Chúa phán: “Ta đã chọn một người nữ cho ngươi rồi.” Khi Ngài đề cập đến người nữ đó, Ô-sê chắc cảm thấy một sự phấn khích trào dâng bởi lẽ người nữ mà Chúa bảo ông phải kết hôn chính là Gô-me, người nữ xinh đẹp nhất trong Y-sơ-ra-ên. Ô-sê chắc hẳn đã rất thích thú.
Nhưng có một mặt trái, một vấn đề trong cuộc sống hôn nhân này. Đức Chúa Trời phán cùng Ô-sê: “Người cần phải biết mọi chuyện về người nữ này. Sau khi cưới nàng, nàng sẽ phản bội ngươi. Nhưng Ta vẫn muốn ngươi cưới nàng”. Ô-sê hẳn đã phải rất bối rối trước mạng lệnh kỳ lạ của Chúa, cũng như Áp-ra-ham đã bối rối trước mạng lệnh của Chúa bảo đưa con trai ông ra ngoài và giết chết nó. Đôi khi Đức Chúa Trời làm những điều kỳ lạ, những điều chúng ta không hiểu được, những điều không phù hợp với những hoạch định mà bản thân chúng ta đưa ra. Hết lần này đến lần khác, chúng ta khám phá ra rằng đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta.
“Vợ của ngươi sẽ trở thành gái đứng đường tầm thường”, Chúa tiếp tục phán, “nhưng nàng sẽ sinh cho ngươi ba đứa con – hai trai và một gái. Khi chúng được sinh ra thì Ta muốn thay con đặt tên cho chúng”. Lúc đó Ô-sê bắt đầu hiểu được đôi chút về việc Chúa đang làm. Ông biết rằng việc dùng biểu tượng để dạy dỗ là điều quen thuộc trong Y-sơ-ra-ên - Đức Chúa Trời thường dùng phương pháp này để hướng dẫn con dân Ngài – và ông hiểu rằng đặt tên là việc rất quan trọng. Đức Chúa Trời thường dùng ý nghĩa của cái tên để dạy cho Y-sơ-ra-ên lẽ thật nào đó. Và giờ đây Chúa đang dự kiến dùng vị tiên tri này cùng gia đình của ông làm một bài học thực tế cho dân Ngài.
-
Vào khoảng thời gian đó, bạn của Ô-sê là Ê-sai, ở vương quốc Giu-đa phía nam, đang phải trải qua một kinh nghiệm tương tự. Ê-sai cũng có hai con trai được đặt tên rất ý nghĩa. Đứa con lớn tên là Ma-he-Sa-la-Hát-Bát. Ma-he-Sa-la-Hát-Bát nghĩa là “sự cướp mau lên” hoặc “của cướp kíp đến”, và đó là cách tiên tri của Đức Chúa Trời để phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng họ đang gặp phải rắc rối lớn. Tên của đứa con trai nhỏ là Sê-a Gia-súp, nghĩa là «dân sót lại sẽ trở lại». Đó là lời hứa của Đức Chúa Trời cho Y-sơ-ra-ên rằng mặc dù đất nước bị đưa vào cảnh phu tù, nhưng một đoàn dân sót lại sẽ trở về. Thông qua tên của hai con trai Ê-sai, Chúa ban cho Y-sơ-ra-ên cả một lời cảnh báo về tai họa lẫn một lời hứa đầy yên ủi rằng một đoàn dân sót lại sẽ trở về. Cũng một thể ấy, tên của các con trai Ô-sê cũng sẽ có ý nghĩa.
Vâng theo những điều Chúa đã phán với mình, Ô-sê đi tỏ tình. Chắc chắn rằng, Giô-me đã bị hấp dẫn bởi chàng trai trẻ này và nhận lời lấy chàng. Ban đầu, cuộc hôn nhân của họ là thiên đường trên đất. Ô-sê yêu người nữ này. Bạn không thể đọc sách tiên tri mà không nhận thấy điều đó. Họ hẳn đã hạnh phúc mỹ mãn cùng nhau, và rồi họ có với nhau đứa con đầu lòng. Đó là một cậu con trai, như Đức Chúa Trời đã phán. Lòng của Ô-sê vỡ òa, và ông đến với Chúa để đặt tên cho đứa trẻ. Đức Chúa Trời khiến Ô-sê bị sốc khi phán với ông rằng tên đứa bé trai sẽ là Gít-rê-ên, nhĩa là “bị ruồng bỏ” – một cái tên đáng xấu hổ trong Y-sơ-ra-ên.
-
Nếu bạn quay lại với II Các Vua 9:30-37, bạn sẽ tìm thấy câu chuyện về hoàng hậu Giê-sa-bên độc ác, người đã bị Đức Chúa Trời đoán phạt, bị ném qua cửa sổ, chết trong một cái ruộng và bị lũ chó ăn thịt; tên của cái ruộng từ đó trở thành Gít-rê-ên, một cái tên chỉ sự sỉ nhục, và cũng là tên con trai đầu lòng của Ô-sê. Cái tên Gít-rê-ên là một lời cảnh báo cho dân chúng phải quay khỏi sự dại dột, tội lỗi, sự thờ hình tượng, và những tục lệ đáng kinh tởm, nếu không họ sẽ chịu sỉ nhục và “bị ruồng bỏ”. Họ sẽ không còn là Y-sơ-ra-ên nữa; mà họ sẽ là Gít-rê-ên.
Cuối cùng, một đứa con nữa được sinh ra cho Ô-sê và Gô-me – một con gái được Chúa đặt tên là Lô-Ru-ha-ma. Cái tên này có nghĩa là “không được yêu thương”. Hãy tưởng tượng việc đặt tên cho con gái nhỏ của bạn là “không được yêu thương” mà xem. Nó có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ không còn sự thương xót và dành tình yêu thương cho dân Ngài nữa, nếu như họ tiếp tục sự dấy nghịch bướng bỉnh của mình. Sự kiên nhẫn của Ngài đang mất dần. Sau hàng trăm năm cố gắng thu phục dân cứng cổ này, giờ đây Ngài cảnh báo họ rằng họ đang ở gần cuối sự kiên nhẫn của Ngài. Một thời kỳ sẽ đến khi Ngài không còn ban ra sự thương xót cho họ nữa mà sẽ phó họ cho quân xâm lược.
(Còn nữa)