tamoxifen uk smpc
buy tamoxifen citrate uk
link tamoxifen uk smpc
CHƯƠNG MƯỜI MỘT
SỰ TRƯỞNG THÀNH CỦA GIA-CỐP
Kinh-thánh: Sáng 37:42-49
Sau khi Gia-cốp được Đức Chúa Trời xử lý tại Phê-ni-ên, ông bắt đầu nhận biết sự yếu đuối của mình và từ từ được thay đổi. Ông dần dần thấy con đường mình phải đi; ông trải qua Si-chem đến Bê-tên và cuối cùng cư ngụ tại Hếp-rôn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sau Phê-ni-ên, Gia-cốp không cần được Đức Chúa Trời xử lý thêm. Kinh-thánh cho chúng ta thấy sau Phê-ni-ên, thậm chí dường như ông còn gặp nhiều sự xử lý của Đức Chúa Trời hơn trước. Chúng ta có thể nói Gia-cốp là một người đầy dẫy đau khổ. Từ Si-chem đến Bê-tên và từ Bê-tên đến Hếp-rôn, Gia-cốp chịu đựng nhiều nỗi buồn phiền. Chúng ta có thể xem qua các ví dụ sau đây.
Tại Si-chem, Gia-cốp gặp một hoàn cảnh rất khó khăn. Si-chem, con trai Hê-mô, người Hê-vít, là hoàng tử của xứ đó, làm nhục con gái Gia-cốp. Sau đó, các con trai ông lập mưu giết Si-chem và tất cả những người nam trong thành. Vấn đề này thật gây lắm rắc rối cho Gia-cốp. Chúng ta hãy đọc Sáng-thế Ký 34:30: “Gia-cốp nói với Si-mê-ôn và Lê-vi: Bay xui cho ta bối rối, làm cho dân xứ này, là người Ca-na-an và người Phê-rê-sít, oán ghét ta vậy. Ta đây chỉ có ít người; nếu họ hiệp lại đánh ta, thì chắc ta và cả nhà đều bị tàn hại”. Gia-cốp vô cùng lo lắng rằng dân chúng thành Si-chem sẽ nổi dậy trả thù để hủy diệt ông và cả gia đình. Đó là sự khủng hoảng mà Gia-cốp phải đương đầu tại Si-chem.
Trong chương ba mươi lăm, Gia-cốp đi đến Bê-tên và gặp một biến cố khác. “Đê-bô-ra, bà vú của Rê-bê-ca, qua đời” (c. 8). Ông không gặp được mẹ mình, nhưng nếu bà vú của mẹ mình có mặt tại đó, chắc hẳn ông đã được an ủi phần nào. Ông không ngờ bà vú của mẹ mình cũng chết. Kinh-thánh có mục đích rõ ràng khi ghi lại rằng: “Đê-bô-ra... được chôn dưới thành Bê-tên tại gốc cây sồi, nhơn đó, người ta gọi là A-lôn-Ba-cút”, trong nguyên ngữ, A-lôn-Ba-cút có nghĩa là cây sồi khóc lóc. Qua điều này, chúng ta có thể thoáng thấy sự buồn rầu và phiền muộn của Gia-cốp lúc ấy.
Từ Bê-tên ông lên đường, và khi đến gần Ê-phơ-rát, ông gặp một biến cố còn đau lòng hơn nhiều. “Ra-chên sanh nở. Việc sanh nở của người thật đau đớn... bởi Ra-chên gần trút hồn, vì đang cơn hấp hối, nên người đặt tên đứa con trai đó là Bê-nô-ni, còn cha nó lại đặt tên là Bên-gia-min. Ra-chên qua đời, được chôn bên con đường đi về Ê-phơ-rát, tức Bết-lê-hem. Gia-cốp dựng một mộ bia; ấy là mộ bia của Ra-chên đến ngày nay hãy còn di tích” (cc. 16-20). Người vợ yêu dấu của Gia-cốp đã chết trong chuyến đi. Tấm bia ông dựng trên mộ của Ra-chên đã thuật lại câu chuyện buồn của Gia-cốp.Khi Gia-cốp ở Ê-đe, ông kinh nghiệm một điều làm tan nátlòng mình. Ru-bên, con trai của ông, đã nằm cùng Bi-la là vợ lẽcủa ông (c. 22). Đó là một điều nữa mà Gia-cốp phải chịuđựng.
Sau khi trải qua tất cả những biến cố này, ông đến Hếp-rôn là nơi Y-sác, cha ông đã tạm trú. Ở đây Kinh-thánh không đề cập gì đến mẹ ông, là Rê-be-ca, có lẽ mẹ ông đã qua đời. Đức Chúa Trời đã xử lý Gia-cốp cách nghiêm khắc. Khi ông còn trẻ, mẹ ông rất yêu thương ông. Bà đã chỉ vẽ cho ông cách cướp phước lành lẽ ra thuộc về Ê-sau. Nhưng bây giờ người mẹ yêu thương ông rất nhiều ấy đã vắng bóng. Gia-cốp thật là người kinh nghiệm nhiều điều đau buồn.
Vào thời điểm này chúng ta đã học tập xong giai đoạn thứ ba của tiểu sử Gia-cốp. Trong giai đoạn đầu, chúng ta thấy tính khí của ông. Trong giai đoạn hai, chúng ta thấy những thử thách và kỷ luật mà ông phải chịu đựng. Trong giai đoạn ba, chúng ta thấy Đức Chúa Trời không những kỷ luật ông, mà Ngài còn xử lý bản thể và sự sống thiên nhiên của ông. Ngay cả sau khi sự sống thiên nhiên của ông đã bị xử lý triệt để, chúng ta thấy Đức Chúa Trời vẫn kỷ luật ông. Ngài kỷ luật ông như vậy nhằm mục đích tạo nên trong ông một đức tính mà trước đó ông không có.
Phần từ chương ba mươi bảy đến cuối giai đoạn tuổi già của Gia-cốp có thể được kể là giai đoạn thứ tư trong tiểu sử của Gia-cốp. Chúng ta cũng có thể nói đó là giai đoạn trưởng thành của Gia-cốp, là giai đoạn chiếu sáng rực rỡ hơn hết trong cả cuộc đời ông. Châm-ngôn 4:18 nói: “Nhưng con đường người công bình giống như sự sống chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”. Càng ngày Gia-cốp càng chiếu sáng hơn cho đến khi ông qua đời. Trong giai đoạn gần bốn mươi năm này, Gia-cốp không làm gì nhiều, tuy nhiên trước mặt Đức Chúa Trời, ông đã được biến đổi trọn vẹn thành một con người của ân điển và tình yêu.
Qua Kinh-thánh, chúng ta có thể thấy một Cơ-đốc-nhân không cần phải thối lui và sa sút trong tuổi già. Cả ba sứ đồ đứng đầu trong Tân Ước đều chiếu sáng rực rỡ khi họ qua đời. Khi Phi-e-rơ viết Thư-tín thứ hai, đó là lúc ông sắp lìa nhà tạm trú của mình. Nhưng ông vẫn nhắc nhở và khuyên lơn các anh em trong khi ông còn ở trong nhà tạm ấy. Cụ thể ông nói ông đã tận mắt chứng kiến vinh quang và quyền năng của Chúa. Phi-e-rơ vẫn chiếu sáng, tuyệt đối không có sự suy yếu nào. Còn Phao-lô nói: “Vì tôi đang bị đổ ra như lễ quán, kỳ qua đời của tôi gần rồi... Từ nay trở đi vương miện công chính đã để dành cho tôi, Chúa là Thẩm Phán công chính, sẽ ban vương miện ấy cho tôi trong ngày đó” (2 Tim. 4:6-8). Qua những câu này chúng ta có thể thấy ông có một hi vọng rất chói sáng nơi Chúa. Về phần sứ đồ Giăng, là người viết sách Phúc-âm, các Thư-tín của mình và sách Khải-thị trong tuổi già, sự chiếu sáng này là rõ ràng nhất. Phúc-âm ông viết nói rằng: “Lời của sự sống, là điều đã có từ ban đầu”. Khải-thị cũng nói: “Những điều ngươi đã thấy... và những điều sắp xảy ra sau những điều này”. Giăng viết “từ ban đầu” cho đến “đời đời, mãi mãi”. Không có một sự sa sút nào trong đời sống của sứ đồ Giăng cao tuổi. Vì vậy, tuổi già của chúng ta không cần phải là những ngày suy thoái. Lịch sử buổi về già của Sa-lô-môn (1 Vua 11:1-8) không nên là lịch sử tuổi già của chúng ta. Đức Chúa Trời bày tỏ tuổi già của chúng ta nên là những ngày trọn vẹn. Mặc dầu Đa-vít phạm tội, giai đoạn kết thúc của ông vẫn tốt hơn lúc đầu, ông kết thúc bằng cách chuẩn bị cho sự xây dựng đền thờ. Mặc dầu Phi-e-rơ chối Chúa ba lần, cuối cùng ông đã sống cho Chúa. Mặc dầu Mác từng rút lui khỏi công tác vì những khó khăn (Công 13:13; 15:37-38), ông vẫn viết Phúc-âm theo Mác, và cuối cùng ông rất ích lợi cho Phao-lô trong chức vụ (2 Tim. 4:11). Tiểu sử của những người này cho chúng ta thấy họ đều rất tốt trong giai đoạn cuối cuộc hành trình của mình.
Chúng ta hãy trở lại với Gia-cốp. Ban đầu, ông hết sức xảo quyệt và gian dối, tuy nhiên, cuối cùng, ông được biến đổi thành một người đáng yêu, một người hữu dụng trong tay Đức Chúa Trời. Nếu so sánh Gia-cốp với Y-sác và Áp-ra-ham, chúng ta có thể nói giai đoạn cuối của Gia-cốp tốt hơn so với Áp-ra-ham, và tốt hơn nhiều so với Y-sác. Sự chiếu sáng của Gia-cốp trong những năm sau cùng hầu như khiến chúng ta ngạc nhiên. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng một người như Gia-cốp thì không có hi vọng bao nhiêu, và ông không đáng được làm cho trọn vẹn. Thậm chí ông có sửa đổi chăng nữa, có thể chúng ta nghĩ rằng cuối cùng ông vẫn không hữu dụng bao nhiêu trong tay Đức Chúa Trời. Nhưng nói về phương diện cá nhân, giai đoạn kết thúc của Áp-ra-ham và Y-sác không được tốt bằng của Gia-cốp. Những năm cuối của cả Áp-ra-ham lẫn Y-sác dường như hơi bị yếu đi. Tuy nhiên, những năm sau cùng của Gia-cốp chói sáng và đầy kết quả. Trong những năm về sau, Đức Chúa Trời có thể hoàn thành trong ông những điều thiếu vắng trong những năm đầu của đời sống ông. Chúng ta hãy xem một vài sự kiện trong những năm sau này của Gia-cốp.
GIA-CỐP YÊN LẶNG
Bắt đầu từ Sáng-thế Ký chương 37, Gia-cốp rút lui, ông về hưu. Trước thời gian này, ông rất tích cực từ sáng đến tối. Ngay khi hoàn tất một việc, ông lại bắt tay vào một việc khác. Gia-cốp tượng trưng cho sức mạnh của xác thịt. Không ai có thể ngăn Gia-cốp hoạt động hay nói năng. Tại Phê-ni-ên, Đức Chúa Trời đã đụng đến ông. Tại Bê-tên, Đức Chúa Trời làm cho ông hoàn hảo. Tại Hếp-rôn, Gia-cốp rút lui về hậu trường. Bắt đầu từ chương ba mươi bảy, thỉnh thoảng ông mới tiến ra nói một vài lời hay chăm sóc đến một điều gì đó. Hầu như trong mọi lúc, ông rút lui vào hậu trường. Ông trở nên im lặng.
Nếu biết Gia-cốp, chúng ta sẽ nhận thấy năng lực thiên nhiên của ông vốn không cho ông an nghỉ. Một vài Cơ-đốc-nhân cũng giống như vậy. Nếu anh em yêu cầu họ nghỉ vài ngày, thì chính đó là điều họ không thể làm được. Họ không biết làm thế nào để dừng lại. Tuy nhiên, Gia-cốp yên lặng trong những năm về sau. Ông không còn năng động trong sự sống thiên nhiên. Đó là trái của Thánh Linh trong Gia-cốp. Điều này không có nghĩa là sau khi sự sống thiên nhiên của mình được xử lý, chúng ta sẽ trở thành một người lười biếng; điều này cũng không có nghĩa một người ở tại Hếp-rôn nhất thiết phải là một người ít khi cố gắng làm một điều gì. Nếu nghĩ rằng thuộc linh là rất ít làm gì hoặc không làm gì cả, thì chúng ta rất sai lầm. Khi nói rằng Gia-cốp yên lặng, chúng tôi có ý nói năng lực thiên nhiên của Gia-cốp đã dừng lại. Sau khi Gia-cốp trở về nhà cha mình để cư ngụ tại Hếp-rôn, ông trở nên yên lặng và ẩn dật. Công tác của Linh thắng hơn trong Gia-cốp.
Khi xác thịt của một người đã được Đức Chúa Trời xử lý, đặc điểm nổi bật nhất của người ấy là các hoạt động xác thịt dừng lại. Ngay cả một người đầy năng lực như Gia-cốp cũng trở nên yên lặng và thụ động. Không có gì lạ khi một người biếng nhác rút lui vào hậu trường. Chúa có thể xử lý một người như vậy bằng cách đẩy người ấy ra phía trước. Tuy nhiên, Gia-cốp là một người luôn luôn tích cực, luôn luôn xử sự một cách tự tin trước mặt mọi người. Sự việc ông rút lui vào hậu trường thật là kết quả của công tác Đức Chúa Trời trên đời sống ông.
Chúng ta biết Gia-cốp là một người xảo quyệt, gian ngoa và thủ đoạn. Loại người này thường không quan tâm đến người khác. Một người thủ đoạn rất khó thương yêu người khác cách thật lòng. Một người luôn luôn âm mưu để hại người khác chỉ có một mục tiêu, đó là hi sinh người khác để thủ lợi cho mình. Người ấy sẽ làm tất cả những gì có lợi cho mình và sẽ không làm những gì không có lợi cho mình. Người ấy không bao giờ thông cảm hay quan tâm đến người khác. Người ấy không thể yêu thương ai cả. Người ấy là Gia-cốp. Gia-cốp có bản chất của một người chỉ quan tâm đến chính mình, ông không biết yêu thương người khác. Ngay cả tình yêu ông dành cho Ra-chên cũng là một tình yêu ích kỷ. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã kỷ luật ông. Sau khi lìa khỏi nhà cha mình, ông phải chịu đựng nhiều nỗi khổ và gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn. Khi ông trở về nhà cha mình, những người yêu dấu của ông lần lượt qua đời. Đi-na, con gái ông bị làm nhục, và Ru-bên là con trai lớn nhất lại của ông làm ô uế giường ông. Những hoạn nạn của Gia-cốp thật lớn lao. Khi định cư tại Hếp-rôn, ông mất hết mọi sự. Tuy nhiên, nhờ tất cả những đau khổ này, ông dần dần trở nên trưởng thành. Ông không còn tích cực trong chính mình, trái lại, ông trở nên im lặng và rút lui vào hậu trường.
GIA-CỐP ĐẦY TÌNH THƯƠNG
Gia-cốp bắt đầu trở nên một người đầy tình thương. Khi các con ông chăn bầy ở xa nhà, ông sai Giô-sép đến thăm hỏi họ. Ở đây chúng ta thấy ông là một người lớn tuổi, yêu thương, chăm sóc những người trẻ. Ông e rằng các con mình bị thiệt hại gì chăng, và ông sai Giô-sép đi thăm họ. Ông không bao giờ nghĩ rằng Giô-sép sẽ bị bán hay các con ông sẽ lừa gạt ông bằng cách đưa cho ông xem chiếc áo choàng nhiều màu của Giô-sép bị đẫm máu. Sáng-thế Ký 37:33 nói: “Gia-cốp nhận ra được chiếc áo và nói rằng: Ấy là áo của con trai ta đó, một thú dữ đã cấu xé nó! Quả thật Giô-sép đã bị phân thây rồi!” Thật vô cùng đau buồn khi một cụ già phải lặp lại: “Quả thật Giô-sép đã bị phân thây rồi!” Câu tiếp theo chép: “Người xé quần áo mình ra, lấy bao quấn ngang hông, và than khóc lâu ngày cho con trai mình. Tất cả con trai, con gái họp lại an ủi người, nhưng người không chịu, nói rằng: Ta than khóc luôn xuống chốn mộ phần cùng con ta! Ấy đó, cha Giô-sép khóc than chàng như vậy” (cc. 34-35). Từng bước một, Đức Chúa Trời cất mọi sự khỏi Gia-cốp; Gia-cốp bị tước đoạt từng bước. Thậm chí Giô-sép cũng bị lấy mất. Lời ký thuật trong phần sau của Sáng-thế Ký chương 37 thật buồn rầu và đau thương. Một lần nữa, Gia-cốp bị kỷ luật và thử nghiệm trong tay Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời làm cho Gia-cốp thành một người đầy dẫy lòng thương xót và cảm thông đối với người khác.
GIA-CỐP MỀM MẠI
Về sau, Giô-sép được lập lên quản trị trên nhà Pha-ra-ôn và làm người thống đốc trên toàn xứ Ai-cập. Trái lại, Gia-cốp đang đối diện với nạn đói ở Ca-na-an. Khi đối diện với tai họa này, Gia-cốp sai các con trai mình đi mua lúa ở Ai-cập. Người con trai út Bên-gia-min không đi. Trong khi các anh đang đi mua thực phẩm tại Ai-cập, Giô-sép nhận ra họ. Ông cố tình giam giữ Si-mê-ôn. Giô-sép sẽ thả Si-mê-ôn với điều kiện họ phải đem Bên-gia-min đến cho ông. Khi các con trai trở về, họ thuật cho Gia-cốp tất cả những gì đã xảy đến cho mình, và Gia-cốp nói: “Bay làm mất các con ta; Giô-sép đã mất biệt, Si-mê-ôn cũng mất biệt; mà bây giờ lại muốn dẫn Bên-gia-min đi nữa sao! Các nông nỗi này đều đổ lại cho ta hết!” (Sáng 42:36). Ở đây chúng ta thấy một Gia-cốp mềm mại, không phải Gia-cốp của những ngày trước. Đây là một người sống dưới tay Đức Chúa Trời, sự sống thiên nhiên của người ấy biến mất từng ngày. Trước mặt Đức Chúa Trời, ông được biến đổi thành một người mềm mại và yêu thương.
Khi đã ăn hết lúa mua tại Ai-cập, họ chỉ có thể đi mua thực phẩm theo điều kiện vị thống đốc tại đó đã đưa ra, đó là họ phải đem Bên-gia-min theo. Gia-cốp không có cách nào khác hơn là phải để cho đứa con trai út yêu quí ra đi. Ở điểm này, Kinh-thánh ghi lại: “Đoạn, Y-sơ-ra-ên, cha các anh em nói rằng: Nếu phải như vậy...” (Sáng 43:11). Ở đây, Kinh-thánh gọi tên ông là Y-sơ-ra-ên. Nhóm chữ “nếu phải như vậy” cho thấy bây giờ ông là một người mềm mại chứ không còn là một người cố chấp nữa. Trước đây, ông làm bất cứ điều gì mình ước ao, nhưng bây giờ không còn như vậy nữa. Lời ông nói: “Nếu phải như vậy, thì phải làm như vầy” cho thấy bây giờ Đức Chúa Trời đã làm cho ông mềm mại và biết nghe người khác. “Hãy lấy trong hành lý những thổ sản quí nhất của xứ ta: một ít nhũ hương và mật ong, các hương hoa và một dược, các loại hạt và hạnh nhân, đem dâng cho người đó làm của lễ”. Bây giờ người lớn tuổi này đầy dẫy lòng nhân từ. “Hãy đem số tiền bằng hai, và cầm theo số tiền mà họ đã để lại nơi miệng bao của bay: có lẽ là một sự lầm lẫn chăng” (c. 12). Ông muốn trả lại số tiền họ đã đem về trước đó. Điều này khác với quá khứ, khi ấy ông lấy tài sản của người khác làm của mình. “Bay hãy đứng dậy, dẫn em út theo và trở xuống đến người đó” (c. 13). Ông bằng lòng để cho Bên-gia-min đi và nói rằng “Cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng xui cho các con được ơn trước mặt người, tha đứa em kia và Bên-gia-min cho các con. Còn phần cha, nếu phải mất con, thì cha chịu phận vậy!” (c. 14). Gia-cốp này hoàn toàn khác với Gia-cốp trước đây. Đức Chúa Trời đang lấy đi đứa con yêu quí nhất của ông; đứa con út Bên-gia-min phải lìa ông! Dầu đã lao khổ cả đời, ông chẳng còn lại gì cả. Đó là sự tước đoạt của Đức Chúa Trời. Ông nói: “Còn phần cha, nếu phải mất con, thì cha chịu vậy”. Dường như ông nói: “Ta chỉ có một ao ước: Nguyện Đức Chúa Trời Toàn Năng, là Đức Chúa Trời ta biết tại Bê-tên, cho bay được ơn trước mặt người, và giải cứu đứa em kia và Bên-gia-min được về nhà”. Các anh chị em ơi, nếu đọc tiểu sử Gia-cốp như một người ngoài cuộc, anh chị em sẽ không hiểu ông, nhưng nếu anh chị em đặt chính mình vào hoàn cảnh của Gia-cốp rồi đọc tiểu sử ông, anh chị em sẽ nhận thức được khi ấy Gia-cốp là loại người nào. Trước đây, ông là một người tài năng, xảo quyệt và chiếm đoạt, nhưng bây giờ ông đã được biến đổi thành một người ôn hòa, mềm mại và biết yêu thương. Đức Chúa Trời phải thực hiện biết bao nhiêu công tác trên đời sống ông!
GIA-CỐP CHIẾU SÁNG
Tất cả những điều trên không đủ để bày tỏ sự chiếu sáng rực rỡ của Gia-cốp. Từ đó về sau, Gia-cốp trở nên chiếu sáng. Khi các con ông từ Ai-cập trở về lần thứ hai và nói với ông: “Giô-sép vẫn còn sống, làm người đang cai trị cả xứ Ai-cập”. Nhưng lòng Gia-cốp vẫn vô tình, vì người không tin lời họ nói” (Sáng 45:26). Sau đó khi ông thấy xe cộ Giô-sép sai đem về rước mình, linh ông hồi tỉnh, và “Y-sơ-ra-ên nói: Thôi, đủ rồi; Giô-sép, con trai ta, hãy còn sống; cha sẽ đi thăm nó trước khi cha qua đời” (c. 28). Chúng ta cần lưu ý khi nào Kinh-thánh gọi ông là Gia-cốp, và khi nào gọi ông là Y-sơ-ra-ên. Ông đã là một người mềm mại rồi. Nếu là Gia-cốp hai mươi hay bốn mươi năm trước, có lẽ ông đã la mắng các con cách nghiêm khắc trong những hoàn cảnh như vậy. Có lẽ ông đã nói: “Sao bọn bay lừa gạt ta bấy lâu nay như vậy?” Nhưng ông chỉ nói: “Thôi đủ rồi;... cha sẽ đi thăm nó trước khi cha qua đời”. Ở đây chúng ta đụng chạm sự hòa nhã, trưởng thành và một tính tình đã được lửa tinh luyện. Bên trong Gia-cốp, có sự cấu tạo của Thánh Linh mà không thể tìm thấy trong con người Gia-cốp trước kia.
Mặc dầu Gia-cốp nói: “Cha sẽ đi thăm nó”, một câu hỏi dấy lên trong lòng ông. Dường như ông đang hỏi: “Ta có thể đi xuống Ai-cập thật sao? Ta có thể thật sự đi xuống Ai-cập vì cớ Giô-sép sao? Ông nội ta là Áp-ra-ham đã phạm tội khi đi xuống Ai-cập. Người đã bị quở trách và trở về. Cha ta là Y-sác muốn đi xuống Ai-cập khi gặp nạn đói, nhưng Đức Chúa Trời hiện ra và cảnh cáo người không nên đi xuống Ai-cập. Người vâng theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời, và Ngài ban phước cho người. Bây giờ ta, là người thừa kế những lời hứa của Áp-ra-ham và Y-sác, có thể đi xuống Ai-cập vì Giô-sép không? Giô-sép là con yêu dấu của ta, nó là thống đốc trên cả Ai-cập và không thể đến với ta, nhưng mối quan hệ thiên nhiên cha con này có phải là lý do chính đáng để ta phải đi xuống Ai-cập không? Nếu ta đi xuống đó, thì điều gì sẽ xảy ra cho các mạng lịnh của Đức Chúa Trời? Điều gì sẽ xảy ra cho các lời hứa của Đức Chúa Trời? Miền đất này, là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời sẽ ra sao? Dòng dõi này có bị ngăn trở nếu ta đi xuống Ai-cập không? Dòng dõi của Áp-ra-ham và Y-sác cuối cùng sẽ ra sao? Đó là vấn đề. Gia-cốp sợ chính mình sai lầm. Vì vậy, khi đến Bê-e-sê-ba, ông dừng lại và dâng các sinh tế cho Đức Chúa Trời (Sáng 46:1).
Đây là lần đầu tiên Gia-cốp chói sáng hơn bao giờ hết. Khi sai Bên-gia-min đến với Giô-sép, ông nói: “Cầu xin Đức Chúa Trời Toàn Năng xui cho các con được ơn trước mặt người, tha đứa em kia và Bên-gia-min cho các con”. Lời này bày tỏ một tình trạng trong ông mà trước đây chưa từng có. Bây giờ ông nghĩ đến những lời hứa của Đức Chúa Trời, kế hoạch của Đức Chúa Trời, cơ nghiệp của Ngài và giao ước của Ngài. Ông trở nên run sợ. Vì vậy, ông chỗi dậy đi đến Bê-ên-Sê-ba “người bày của lễ dâng cho Đức Chúa Trời của Y-sác, cha mình”. Điều này cho thấy ông hoàn toàn khác với trước kia. Ông dâng các sinh tế và dường như nói với Đức Chúa Trời: “Con ở đây là để hầu việc Ngài, tất cả những gì con có đều ở trên bàn thờ. Đối với con, ra đi hay không cũng đều là tốt cả. Đứng trước mặt Ngài là vị trí của con”. Nếu xem xét những gì Đức Chúa Trời phán với ông trong phân đoạn sau, chúng ta có thể biết cảm xúc của Gia-cốp lúc bấy giờ. “Trong những khải tượng ban đêm, Đức Chúa Trời phán cùng Y-sơ-ra-ên rằng: Hỡi Gia-cốp, Gia-cốp! Y-sơ-ra-ên đáp rằng: Có tôi đây. Đức Chúa Trời phán: Ta là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của cha ngươi. Đừng sợ đi xuống Ai-cập” (cc. 2-3). Điều này chứng tỏ Gia-cốp sợ hãi. Tạ ơn Đức Chúa Trời, sự sợ hãi này bày tỏ những gì Đức Chúa Trời đã thực hiện trong ông. Sự lo âu của Gia-cốp về việc mình có nên đi xuống Ai-cập vì cớ Giô-sép hay không cho thấy ông đã đạt đến điều mà Áp-ra-ham và Y-sác chưa đạt đến. Áp-ra-ham tự mình đi xuống Ai-cập khi ông đối diện với nạn đói. Y-sác cũng muốn đi xuống Ai-cập khi ông gặp nạn đói, nhưng may mắn thay, Đức Chúa Trời chận ông lại. Gia-cốp tự mình dừng lại giữa đường. Ông nghĩ đến lời hứa của Đức Chúa Trời, giao ước của Đức Chúa Trời, và trở nên sợ hãi. Ông nên làm gì? Ông chỉ có thể làm một điều: dâng các sinh tế cho Đức Chúa Trời. Bàn thờ là chỗ dành cho ông. Ông chờ đợi cho đến khi Đức Chúa Trời phán: “Hãy xuống Ai-cập, đừng sợ chi, vì tại đó, Ta sẽ làm cho ngươi thành một nước lớn. Chính Ta sẽ xuống đến đó với ngươi, và chính Ta chắc chắn cũng sẽ dẫn ngươi về”. Với lời [hứa] ấy, ông mới dám chỗi dậy từ Bê-e-sê-ba. Đó là sự cấu tạo của Thánh Linh! Ông là một người khác, hoàn toàn khác với những gì ông có trước đó. Bên trong con người này là một sự cấu tạo, một sự vững lập và chứng cớ của Linh.
GIA-CỐP, NGƯỜI GIỮ VỊ TRÍ CỦA MÌNH
Ông đến Ai-cập, nhìn thấy Giô-sép, và định cư tại xứ Gô-sen. Sau đó, Giô-sép giới thiệu ông với Pha-ra-ôn. Sáng-thế Ký 47:7 nói: “Đoạn, Giô-sép dẫn Gia-cốp, cha mình, đến yết kiến Pha-ra-ôn. Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn”. Thật là một bức tranh đẹp đẽ! Mặc dầu Gia-cốp là cha của vị thống đốc, về phương diện loài người, ông vẫn thấp kém hơn Pha-ra-ôn một chút. Gia-cốp vẫn là một người chạy trốn nạn đói, một người tị nạn. Ông đến xứ của Pha-ra-ôn để ngưỡng trông nhà vua ban cho thực phẩm và chu cấp cho cuộc sống của mình. Ông cần nhờ cậy Pha-ra-ôn biết bao! Nếu là Gia-cốp trước kia, ông đã làm gì khi gặp Pha-ra-ôn? Khi gặp anh mình, ông khiêm nhường gọi anh ông là “chúa tôi”, và tự xưng mình là “đầy tớ”. Khi đến với vua Ai-cập ông có càng nên dua nịnh Pha-ra-ôn hơn nữa không? Nhưng ông hoàn toàn khác. Khi bước vào, ông chúc phước cho Pha-ra-ôn. Hê-bơ-rơ 7:7 nói: “Vả bậc trên chúc phước cho bậc dưới, ấy là lẽ không cãi được”. Gia-cốp không cảm thấy mình là một người tị nạn, một người chạy trốn khỏi nạn đói. Ông không bị ảnh hưởng gì bởi địa vị cao trọng của Pha-ra-ôn. Mặc dầu Ai-cập là nước mạnh nhất vào thời đó và Pha-ra-ôn là vua của đất nước vĩ đại này, đồng thời cũng là ân nhân của Gia-cốp, nhưng ông không đánh mất vị trí của mình trước mặt Pha-ra-ôn. Mặc dầu đối với thế gian, vị trí của Pha-ra-ôn là cao trọng, nhưng Gia-cốp biết rằng chẳng có điều gì thuộc địa vị ấy là đáng kiêu hãnh về mặt thuộc linh. Vì vậy, Gia-cốp có thể chúc phước cho Pha-ra-ôn. Gia-cốp giữ vị trí thuộc linh của mình. “Pha-ra-ôn hỏi Gia-cốp rằng: Ngươi hưởng thọ được bao nhiêu tuổi? Gia-cốp tâu rằng: Những năm tôi sống du mục tất cả là một trăm ba mươi năm; các năm của đời tôi lấy làm ngắn ngủi và lại gian ác, không bằng những năm tháng trong cuộc đời của tổ phụ tôi khi họ sống những ngày du mục của mình” (Sáng 47:8-9). Gia-cốp rất xúc động khi nói rằng: “Các năm của đời tôi lấy làm ngắn ngủi và lại gian ác, không bằng những năm tháng trong cuộc đời tổ phụ tôi khi họ sống những ngày du mục của mình”. Ông biết tình trạng mình. Ông không cảm thấy mình vĩ đại và tài năng chút nào. “Gia-cốp chúc phước cho Pha-ra-ôn một lần nữa” (c. 10). Trước khi lìa khỏi đó, ông lại chúc phước cho Pha-ra-ôn. Khi đọc điều này, chúng ta chỉ có thể nói rằng Gia-cốp là một con người đáng yêu.
Về mặt thiên nhiên, Gia-cốp là một người hay tranh cạnh, ích kỷ và tham lam. Bây giờ tại Ai-cập, sau khi chúc phước cho Pha-ra-ôn và có được vị thống đốc là con mình, ông có cơ hội tốt để được Pha-ra-ôn và con trai mình công nhận. Nhưng ông không làm điều đó. Y như Gia-cốp lớn tuổi đã rút lui vào hậu trường tại đất Ca-na-an, ông bước lui lại tại Ai-cập. Trong những năm đó, Gia-cốp lùi vào hậu trường một cách đơn sơ. Nếu là Gia-cốp trước đó, chúng ta không biết ông sẽ làm gì với một cơ hội tốt như vậy. Trước đây, ông tìm kiếm đủ mọi phương cách ngay cả khi ông không còn phương cách nào khác. Khi gặp La-ban keo kiệt, ông vẫn tìm đủ mọi cách để vắt lấy một chút ít của La-ban. Tuy nhiên, những ngày ấy qua rồi. Gia-cốp không còn là Gia-cốp nữa. Ông đã trở thành Y-sơ-ra-ên.
Chúng ta phải đọc tiểu sử của Gia-cốp những năm sau này trong ánh sáng về tình trạng ông vào những năm trước. Vào những năm tháng xưa kia, ông rất bận rộn và tính toán. Nhưng trong những năm về sau, ông không nói nhiều, và không năng động. Ông là Y-sơ-ra-ên, là người đã rút lui vào hậu trường. Đó là công tác của Đức Chúa Trời. Nhiều lần, công tác lớn nhất của Đức Chúa Trời bao gồm việc ngăn chận chúng ta khỏi những hoạt động, lời nói, đề nghị của mình. Đức Chúa Trời đã hoàn tất công tác của Ngài trong Gia-cốp. Vì vậy, bây giờ chúng ta thấy Gia-cốp không nói gì cả, không làm gì cả và bị tước đoạt mọi sự.
“CÀNG SÁNG THÊM LÊN CHO ĐẾN GIỮA TRƯA”
Gia-cốp sống tại Ai-cập mười bảy năm. Những ngày trên đất của ông đang tiến gần đến chỗ kết thúc. Trong thời gian sống tại đất Gô-sen, không có nhiều điều xảy đến với ông; ông chỉ sống một cuộc đời bình dị. Tuy nhiên, ông không trở nên mòn mỏi trong mười bảy năm này, ông luôn luôn tiến bộ. Ngày này qua ngày kia, càng ngày ông càng chiếu sáng rực rỡ hơn nữa. Thật vậy, càng ngày ông chiếu sáng hơn nữa cho đến một ngày trọn vẹn. Sự chết của ông đánh dấu giai đoạn chiếu sáng cực điểm của mình. Chúng ta cũng phải cầu xin Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một sự kết thúc tương tự như vậy.
Sáng-thế Ký 47:28-30 nói: “Gia-cốp kiều ngụ trong xứ Ai-cập được mười bảy năm, hưởng thọ được một trăm bốn mươi bảy tuổi. Đến ngày gần qua đời, Y-sơ-ra-ên gọi Giô-sép, con trai mình, mà nói rằng: Nếu cha được nhờ ơn trước mặt con, xin hãy để tay lên đùi cha, cậy hết lòng nhân từ thành thật ở cùng cha, xin con đừng chôn cha tại đất Ai-cập. Khi cha an giấc cùng tổ phụ rồi, hãy đem cha ra khỏi Ai-cập, chôn chung trong mồ mả của người. Giô-sép thưa rằng: Con sẽ làm y theo lời cha dặn”.
Thật thú vị khi nhận thấy rằng đang lúc Gia-cốp ở tại Ai-cập, ông không bao giờ nói với con là mình muốn cư ngụ hay sống như thế nào. Nhưng bây giờ ông nói với con mình: “Khi cha an giấc cùng tổ phụ rồi, hãy đem cha ra khỏi Ai-cập, chôn chung cùng mồ mả của người”. Ông không quan tâm đến chuyện ăn mặc tại đất Ai-cập. Những điều này không quấy rối ông được. Ông chấp nhận mọi sự, bất cứ điều gì con ông cho ông. Tuy nhiên, ông lại dặn dò rất cụ thể về việc chôn cất ông sau khi chết vì điều này liên quan đến lời hứa của Đức Chúa Trời, miền đất mà Ngài hứa và vương quốc mà Đức Chúa Trời muốn thành lập. Trước đây, Gia-cốp là người chỉ quan tâm đến lợi riêng. Tuy nhiên, bây giờ không phải ông quan tâm đến sự an nhàn của bản thân, mà quan tâm đến giao ước giữa Đức Chúa Trời và nhà ông, tức là vị trí của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong chứng cớ của Đức Chúa Trời. Trước đây, Gia-cốp là một người gian xảo, đã quở mắng các con mình là Si-mê-ôn và Lê-vi. Gia-cốp ngày nay hòa nhã gọi con mình là Giô-sép đến. Trước đây, khi Giô-sép thuật cho Gia-cốp giấc mơ về mặt trời, mặt trăng, mười một ngôi sao cúi xuống trước mặt mình, Gia-cốp quở trách con và nói với Giô-sép: “Điềm chiêm bao của mày đó có nghĩa chi? Có phải tao, mẹ và các anh mày đều phải đến sấp mình xuống đất trước mặt mày không?” (Sáng 37:10). Bây giờ, ông gọi con mình cách dịu dàng, không chút phản đối, và nói: “Nếu cha được nhờ ơn trước mặt con...” Người này đã thật sự trưởng thành. Ông nói: “Xin hãy để tay lên đùi cha, cậy hết lòng nhân từ và thành thật ở cùng cha, xin con đừng chôn cha tại đất Ai-cập”. Ông nói ra những điều quan trọng nhất bằng những lời dịu dàng nhất. Ông nói: “Khi cha an giấc cùng tổ phụ, hãy đem cha ra khỏi Ai-cập, chôn chung trong mồ mả của người”. Những lời này cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã cấu tạo một bản tính mới trong Gia-cốp.
Những lời sau đây rất quí báu: “Đoạn Y-sơ-ra-ên quì lạy nơi đầu giường mình” (c. 31). “Nơi đầu giường” tương ứng với “dựa trên đầu gậy mình”, là lời được trích trong sách Hê-bơ-rơ (11:21). Chúng ta tin rằng kể từ khi bị què, ông đã chống gậy.
Một mặt, cậy gậy này nói lên sự què quặt của ông. Mặt khác, nó bày tỏ rằng ông là một dân ở tạm. Bây giờ ông thờ phượng Đức Chúa Trời trong khi nương trên đầu gậy. Qua điều này, ông đang nói với Đức Chúa Trời: “Tất cả những gì Ngài đã thực hiện trong con là những điều tốt nhất. Vì vậy, con thờ phượng Ngài”.
Trong chương bốn mươi tám, Gia-cốp đau ốm, và Giô-sép đem hai con trai đến thăm ông. Gia-cốp nói với Giô-sép: “Đức Chúa Trời Toàn Năng đã hiện ra và ban phước cho cha tại Lu-xơ, trong xứ Ca-na-an, mà phán rằng: Này, Ta sẽ làm cho ngươi sanh sản và gia tăng bội phần thành một đoàn dân đông đúc; Ta sẽ cho dòng dõi ngươi xứ nầy làm cơ nghiệp đời đời” (cc. 3 và 4). Ông nhận biết danh Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời Toàn Năng”. Ông không nhớ mình đã tranh cạnh với anh mình ra sao, mình đã giành được quyền trưởng nam như thế nào, hoặc đã đoạt lấy phước hạnh của anh cách nào v.v… Tất cả những gì ông nhớ là mối quan hệ giữa ông với Đức Chúa Trời.
Ông tiếp tục nói: “Bây giờ hai đứa con trai đã sanh cho con tại xứ Ai-cập trước khi cha đến, là Ép-ra-im và Ma-na-se, cũng sẽ thuộc về cha như Ru-bên và Si-mê-ôn vậy. Còn mấy đứa mà con sanh kế đó, thì sẽ thuộc về con; về phần hưởng cơ nghiệp, chúng nó sẽ đồng một thể cùng anh em mình. Khi cha ở Pha-đan trở về xứ Ca-na-an, thì Ra-chên chết dọc đường có mặt cha, gần Ê-phơ-rát; cha chôn người ở bên đường đi về Ê-phơ-rát (tức là Bết-lê-hem)” (cc. 5-7). Đó là những điều mà ông còn nhớ. Ở đây chúng ta đụng chạm con người của ông. Chúng ta thấy thái độ của ông đối với Đức Chúa Trời và thái độ của ông trước mặt con người. Điều này cho chúng ta thấy rõ bây giờ ông là một người khác, một người có cảm xúc và dịu dàng.
“Y-sơ-ra-ên thấy các con trai Giô-sép, bèn hỏi rằng: Những đứa này là ai? Giô-sép thưa: Ấy là những con trai của con mà Đức Chúa Trời đã ban cho tại xứ nầy. Y-sơ-ra-ên lại nói: Xin hãy đem đến đây, đặng cha chúc phước cho chúng nó” (cc. 8-9). Khi ông chúc phước hai con trai của Giô-sép, ông đặt tay phải lên đầu Ép-ra-im và tay trái lên đầu Ma-na-se. Mặc dầu Ép-ra-im là đứa nhỏ và Ma-na-se là con đầu lòng, Y-sơ-ra-ên đặt tay phải lên đầu đứa nhỏ và tay trái lên đầu con cả, ông đảo ngược thứ tự. Khi Giô-sép thấy vậy, ông nói: “Chẳng phải vậy cha”. Y-sơ-ra-ên nói gì? Ông nói: “Cha biết, con ơi, cha biết”. Điều này bày tỏ Gia-cốp biết điều mà Y-sác không biết; ông sáng tỏ hơn Y-sác. Khi Y-sác chúc phước cho đứa con trai nhỏ hơn của mình, ông đã bị lừa để chúc phước như vậy, nhưng Y-sơ-ra-ên biết rõ điều mình làm khi ông chúc phước cho đứa con nhỏ của Giô-sép. Cả Y-sác và Y-sơ-ra-ên đều mờ mắt vì cao tuổi, nhưng mắt bề trong của Y-sơ-ra-ên không mờ. Y-sơ-ra-ên nói: “Cha biết, con ơi, cha biết”. Ông biết rằng Đức Chúa Trời muốn đặt Ép-ra-im trước Ma-na-se, Đức Chúa Trời muốn đứa lớn phục vụ đứa nhỏ. Đây là một người đã vào trong tư tưởng của Đức Chúa Trời. Đây là một người đã tương giao với Đức Chúa Trời đến một mức độ như vậy, và đã biết Đức Chúa Trời đến nỗi ông có thể thắng hơn sự yếu đuối của thân thể mình. Những gì mắt thuộc thể của ông không thể thấy, thì mắt bề trong của ông thấy được. Sự chói sáng của Y-sơ-ra-ên thật đã đạt đến cực điểm!
Sau khi chúc phước, ông cho họ biết Ai-cập không phải là nhà của họ. “Y-sơ-ra-ên lại nói cùng Giô-sép rằng: Này, cha sẽ qua đời, nhưng Đức Chúa Trời sẽ ở cùng con và đem các con trở về xứ tổ phụ” (c. 21). Ông đang nói: “Mặc dầu các con thịnh vượng tại Ai-cập, Ai-cập chỉ là nơi các con tạm trú. Chúng ta có mục đích và lời hứa của Đức Chúa Trời, chúng ta là dân của Đức Chúa Trời. Sau khi cha qua đời, Đức Chúa Trời sẽ ở cùng các con để dẫn các con trở về Ca-na-an. Các con phải đạt đến mục đích của Đức Chúa Trời”.
Cuối cùng, Gia-cốp tập họp các con lại để cho họ biết những gì sẽ xảy ra cho họ trong tương lai. Trong lời tiên tri về mười hai người con của mình, ông bàn đến những biến cố của quá khứ. Ông không dễ nói như vậy vì khi ông nói về quá khứ của họ, ông sẽ được nhắc nhở về quá khứ của chính mình. Không nhiều thì ít, con cái giống cha mình. Vì vậy, khi Gia-cốp nói về sự yếu đuối, gian ác và ô uế của các con, dường như ông đang nói về chính mình. Lời Gia-cốp nói về quá khứ của các con thật là những lời mô tả về chính quá khứ của ông. Những gì ông nói về tương lai các con mình không phải đều tích cực. Tuy nhiên, lời nói của ông đầy tình thương và lòng nhân từ.
Chúng ta chỉ cần xem xét một điều để tìm thấy sự khác biệt lớn lao giữa con người này và Gia-cốp trong quá khứ. Khi Si-mê-ôn và Lê-vi giết tất cả những người nam trong thành vì sự việc của Đi-na, Gia-cốp nói với Si-mê-ôn và Lê-vi: “Bay xui cho ta bối rối, làm cho dân xứ nầy, là người Ca-na-an và người Phê- rê-sít, oán ghét ta vậy. Ta đây chỉ có ít người; nếu họ hiệp lại đánh ta, thì chắc ta và nội nhà đều bị tàn hại” (Sáng 34:30). Đó là những gì ông đã nói tại Si-chem. Nhưng bây giờ ông đề cập đến điều đó một cách khác: “Si-mê-ôn và Lê-vi là anh em ruột. Thanh gươm chúng nó thật là khí giới hung tàn. Cầu cho hồn cha chớ có đồng mưu, vinh hiển cha chớ hiệp cùng hội họ; Vì họ đã giết người trong cơn giận dữ, cắt nhượng bò đực vì ý riêng mình. Đáng rủa thay cơn giận dữ họ, vì thật là hung mạnh! Đáng rủa thay khí giận họ, vì dữ dằn thay!” (49:5-7). Bây giờ những gì ông thấy không liên quan đến ích lợi cá nhân ông nhưng đến tội lỗi và điều ác. Trước đây, ông tập trung vào lợi riêng, những gì được và mất. Ông suy nghĩ: “Nếu dòng họ Si-chem chỗi dậy trả thù chúng ta về những gì các ngươi đã làm, thì chúng ta sẽ làm gì?” Nhưng bây giờ, ông nói: “Hồn ta chớ có đồng mưu”. Điều này có nghĩa là ông không thể tham dự vào sự chém giết ấy, rằng sự hung bạo ấy đáng bị rủa sả. Ở đây chúng ta thấy một Gia-cốp mới, một người được rửa sạch, thuần khiết và mới mẻ. Ông sở hữu một đức tính mới mà trước đây ông không có.
“Đan sẽ xử đoán dân chúng mình, như một trong các chi phái Y-sơ-ra-ên. Đan sẽ là một con rắn trên đường, một rắn lục trong chốn nẻo cùng, cắn vó ngựa, làm cho kẻ cỡi phải té nhào” (cc. 16-17). Lời ông nói tiên tri về tương lai của Đan không tốt; Đan sẽ là một con rắn trong mọi phương diện và nhiều sự nổi loạn sẽ ra từ ông. Ở điểm này, ngay lập tức Gia-cốp nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va! tôi trông đợi sự cứu rỗi của Ngài!” (c. 18). Ông có ý nói rằng: “Tôi không thể làm gì được về sự nổi loạn nầy; tôi chỉ có thể chờ trông sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời”. Những lời nầy bày tỏ đức tính mới của ông. Trong khi nói tiên tri, ông chờ đợi sự cứu rỗi của Chúa.
Sáng-thế Ký chương 49 chứa đựng những lời tiên tri của Gia-cốp về mười hai người con của ông. Cuối cùng, mọi lời tiên tri về mười hai chi phái đã trở thành sự thật. Gia-cốp là một tiên tri. Ông đã vào trong tâm trí của Đức Chúa Trời và hiểu tâm trí Ngài, ông bảo các con ông những gì Đức Chúa Trời sẽ làm. Gia-cốp biết nhiều hơn Áp-ra-ham và Y-sác. Ông có thể nói trước những gì sẽ xảy ra cho Ma-na-se, Ép-ra-im và mười hai chi phái. Điều này chứng minh rằng ông là một người tương giao và thông công với Đức Chúa Trời.
Gia-cốp là một người vô vọng trong những năm đầu, nhưng Đức Chúa Trời đã tạo nên một chiếc bình ra từ ông. Ngài làm một chiếc bình ra từ Gia-cốp xảo quyệt, đa mưu và đầy ý riêng. Càng đọc về những năm sau này của Gia-cốp, chúng ta càng cảm thấy tính đáng yêu của ông. Đó là một con người đã được Đức Chúa Trời phá vỡ. Đó là sự cấu tạo của Thánh Linh. Đó là kết quả của công tác Đức Chúa Trời trên ông từng bước một. Chúng ta chỉ có thể nói rằng Đức Chúa Trời chúng ta đầy dẫy sự khôn ngoan, ân điển và lòng kiên nhẫn. Ngài luôn luôn hoàn tất công tác của Ngài.
Sau khi Gia-cốp nói xong các lời tiên tri, Kinh-thánh ghi lại: “Các người đó là mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên” (c. 28). Khi Gia-cốp chết, mười hai chi phái đã thành hình; dân của Đức Chúa Trời đã thành hình. Các anh chị em ơi, ngày nay Đức Chúa Trời cũng theo đuổi một nhóm người để làm chiếc bình của Ngài hầu hoàn thành mục đích của Ngài. Qua một nhóm người như vậy, mọi quốc gia trên đất sẽ được phước. Những gì Đức Chúa Trời thực hiện qua Y-sơ-ra-ên tượng trưng cho những gì Ngài muốn làm qua Hội-thánh. Sứ mạng của Hội-thánh là hoàn thành công tác khôi phục của Đức Chúa Trời. Hội-thánh là chiếc bình của Đức Chúa Trời trong công tác khôi phục của Ngài. Để làm một chiếc bình trong công tác khôi phục của Đức Chúa Trời, Hội-thánh cần biết Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Điều này không có nghĩa là chúng ta cần một người nào đó làm một Áp-ra-ham, một Y-sác và một Gia-cốp cách riêng rẽ, mà có nghĩa là tất cả chúng ta phải biết Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác và Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Sau khi đã biết Ngài, chúng ta sẽ trở nên chiếc bình của Ngài để hoàn thành mục đích của Ngài.
Chúng ta không bao giờ được phép thỏa mãn với chút ít kinh nghiệm thuộc linh. Lời của Đức Chúa Trời bảo chúng ta rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta kinh nghiệm theo ba phương diện: hiểu biết Cha như Áp-ra-ham đã hiểu biết, vui hưởng Đức Chúa Trời như Y-sác đã vui hưởng, chịu kỷ luật bởi Đức Chúa Trời như Gia-cốp đã bị kỷ luật. Cả ba điều này là những kinh nghiệm rõ rệt và những sự hiểu biết rõ rệt; chúng không phải là giáo lý hay văn tự. Đức Chúa Trời dự định ban cho chúng ta khải tượng, khải thị, và kỷ luật của Thánh Linh để Ngài có thể dẫn chúng ta từng bước một cho đến khi chúng ta trở thành chiếc bình hầu hoàn thành mục đích của Ngài. Nguyện Đức Chúa Trời ban cho chúng ta ân điển để có được một khải tượng rõ ràng như vậy.
CHƯƠNG MƯỜI HAI
SỰ CẤU TẠO BỞI LINH
Kinh-thánh: Hê 12:5-7, 9-11; Ga 5:22-23; 4:19; 1 Côr. 3:12, 14;
Sáng 2:12; Phil. 4:11-12
Tựa đề “Đức Chúa Trời của Gia-cốp” chỉ về cách Thánh Linh kỷ luật Gia-cốp, cách Ngài xử lý sự sống thiên nhiên của ông, cách Ngài kết cấu Đấng Christ vào trong ông, và cách Ngài kết trái của Linh trong Gia-cốp. Nếu muốn biết Đức Chúa Trời của Gia-cốp, chúng ta phải biết cấu tạo bởi Linh và bông trái của Linh. Nếu muốn biết Đức Chúa Trời của Gia-cốp, chúng ta cần để cho Linh thực hiện công tác Ngài bên trong mình, xử lý sự sống thiên nhiên của mình, kết cấu Đấng Christ vào trong bản thể bề trong của mình, và sinh ra trái của Linh trong chính mình để chúng ta có thể trở thành chiếc bình chứng cớ của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời xử lý sự sống thiên nhiên của chúng ta với mục đích dẫn chúng ta vào công tác đẽo gọt của Linh, là tiến trình bởi Linh và sự cấu tạo bởi Linh. Sự cấu tạo có nghĩa là gì? Sự cấu tạo được nói đến ở đây là một công tác đan dệt cả bề ngang lẫn bề dọc. Sự cấu tạo bởi Linh có nghĩa là Linh cấu tạo Đấng Christ vào trong bản thể chúng ta đến mức chúng ta và Đấng Christ trở nên một. Vì vậy, sự cấu tạo bởi Linh là một bước cao hơn Đấng Christ là sự sống của chúng ta. Đấng Christ là sự sống của chúng ta là nền tảng; Linh kết cấu Đấng Christ vào trong bản thể chúng ta là sự trưởng thành. Đấng Christ là sự sống của chúng ta ấy là Đấng Christ ở trong chúng ta, sống cho chúng ta. Sự cấu tạo bởi Linh là sự kết cấu Đấng Christ vào trong chúng ta đến mức bản tính của Đấng Christ trở nên bản tính của chúng ta. Mục tiêu của Đức Chúa Trời trong sự xử lý sự sống thiên nhiên của chúng ta là để chúng ta có sự cấu tạo bởi Linh. Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời của Y-sác là sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là Đấng đã ban Đấng Christ cho chúng ta để làm sự vui hưởng của chúng ta. Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời của Gia-cốp là sự hiểu biết về Linh là Đấng kết cấu Đấng Christ vào trong bản thể chúng ta. Tình trạng này giống như việc đan dệt và kết nên một tác phẩm thêu thùa.
DỰ PHẦN SỰ THÁNH KHIẾT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Hê-bơ-rơ 12:9-10 nói: “Cha của các linh... vì ích lợi chúng ta mà sửa trị, để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài”. Đức Chúa Trời xử lý chúng ta và Thánh Linh hành động trong chúng ta từng bước một, dẫn chúng ta qua nhiều hoàn cảnh khó khăn và đau khổ với mục đích làm cho chúng ta nên những người dự phần trong “sự thánh khiết”. “Sự thánh khiết” không phải là “sự thánh hóa” được nói đến trong 1 Cô-rin-tô 1:30. Sự thánh hóa trong 1 Cô-rin-tô chương 1 là vấn đề Đấng Christ trở nên sự thánh hóa của chúng ta; Đấng Christ được làm nên sự thánh hóa cho chúng ta. Hê-bơ-rơ chương 12 nói về Cha của các linh là Đấng mang chúng ta qua những kỷ luật và thử thách để chúng ta có thể dự phần trong sự thánh khiết của Ngài. Sự thánh khiết ấy được sinh ra qua các thử thách của chúng ta. Sự thánh khiết ấy được thực hiện qua kỷ luật và sinh ra bởi Linh qua tất cả những hoàn cảnh khó khăn và trái nghịch mà chúng ta phải đương đầu. “Thật, các sự sửa trị đương thời coi như không vui vẻ, trái lại là buồn rầu; nhưng về sau thì sanh ra bông trái công chính bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như thế” (Hê 12:11). Đó là kết quả của công tác Thánh Linh trong chúng ta.
Sự sống thiên nhiên của một số Cơ-đốc-nhân có khuynh hướng phô trương. Họ giống như Ê-xê-chia, là người thích khoe khoang tất cả những gì mình có với người khác (2 Vua 20:12-13). Khi Đức Chúa Trời chữa lành một loại bệnh tật nào đó cho họ, họ liên tục “làm chứng” về vấn đề ấy với những người khác. Thật ra đó không phải là làm chứng, mà là nói năng vu vơ, và bệnh tật cụ thể nào đó thường tái phát vì những người này có khuynh hướng phô trương. Vì vậy, Đức Chúa Trời phải kỷ luật họ. Cuối cùng, khi họ trở nên mệt mỏi về sự phô trương, tự phát họ sẽ ngưng những “lời chứng” khoe khoang của mình. Họ không cần nghiến răng quyết định không khoe khoang nữa. Họ sẽ bị Đức Chúa Trời xử lý đến mức bông trái bình an của họ phát sinh cách tự phát, và họ không còn hành động theo cách mình từng hành động nữa. Đó là sự cấu tạo bởi Linh. Đức Chúa Trời không những ban Đấng Christ cho chúng ta để làm sự sống của chúng ta, nhưng Ngài đang kết cấu Đấng Christ vào trong bản thể chúng ta để trở nên bản tính của chúng ta. Đấng Christ là sự sống của chúng ta làm nền tảng, trong khi bản chất của Đấng Christ trở nên bản chất của chúng ta là sự cấu tạo bởi Linh. Linh xử lý sự sống thiên nhiên của chúng ta với mục đích sinh ra một đức tính mới trong chúng ta. Đức Chúa Trời dùng mọi cách kỷ luật chúng ta để chúng ta có thể dự phần trong sự thánh khiết của Ngài và sinh ra bông trái bình an của sự công chính.
Đó là những gì tiểu sử của Gia-cốp bày tỏ. Gia-cốp không những biết rằng Đức Chúa Trời là khởi đầu của mọi sự và sức mạnh ở phía sau mọi sự, nhưng ông cũng có được một đức tính mới. Đức Chúa Trời hành động trên ông và kết cấu đức tính Đấng Christ vào trong ông để bản tính Đấng Christ trở nên bản tính của ông. Trong những năm về sau của mình, Gia-cốp hoàn toàn thay đổi vì bản tính Đấng Christ đã được kết cấu vào trong ông.
BÔNG TRÁI CỦA LINH
Ga-la-ti 5:22-23 nói: “Nhưng trái của Linh là thương yêu, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, tốt lành, trung tín, nhu mì, tiết chế”. Điều này cho chúng ta thấy “yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, tốt lành, trung tín, nhu mì, tiết chế” không phải là những mỹ đức được ban cho chúng ta bởi Thánh Linh, mà là bông trái kết quả bởi Thánh Linh trong chúng ta. Bông trái của Thánh Linh có nghĩa là một điều gì đó của Đấng Christ được chúng ta hấp thụ nhờ công tác của Thánh Linh với kết quả là những điều này trở nên đức tính và đặc điểm của chúng ta. Đó là ý nghĩa của bông trái của Linh. Đó là điều chúng tôi muốn nói khi nêu lên rằng Thánh Linh đang kết cấu Đấng Christ vào trong chúng ta. Thánh Linh đang làm một công tác trong chúng ta, ấy là xử lý sự sống thiên nhiên của chúng ta và kết cấu Đấng Christ trong chúng ta, làm cho đức tính của Đấng Christ trở nên đức tính của chúng ta để rồi tự phát chúng ta sẽ sống bày tỏ “yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, tốt lành, trung tín, nhu mì, tiết chế”, và chúng ta sẽ mang bông trái của Linh. Đó là những gì Đức Chúa Trời đang bày tỏ cho chúng ta hôm nay.
ĐẤNG CHRIST THÀNH HÌNH TRONG CHÚNG TA
Phao-lô nói với người Ga-la-ti rằng ông “lại chịu cơn quặn thắt cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con” (Ga 4:19). Đức Chúa Trời đã ban Đấng Christ cho các tín đồ; đó là bước thứ nhất. Nhưng Ngài muốn làm một công tác sâu xa hơn, tức là làm cho Đấng Christ thành hình trong chúng ta. Đức Chúa Trời xử lý sự sống thiên nhiên của chúng ta để Đấng Christ có thể thành hình trong chúng ta, tức là Đấng Christ được ban phát và kết cấu trong chúng ta.
Phi-e-rơ vốn là một người rất mạnh mẽ. Sự sống thiên nhiên của ông luôn luôn đặt ông trước người khác. Sau khi Đức Chúa Trời đụng đến sự sống thiên nhiên của ông, Phi-e-rơ trở nên yếu đuối. Tuy nhiên, sự yếu đuối của Phi-e-rơ không phải là hết. Đức Chúa Trời tiếp tục kết cấu Đấng Christ vào trong bản thể ông. Kết quả là khi những người khác đụng đến Phi-e-rơ, họ nhận thức rằng con người ông đã được thay đổi và ông đã trở nên một người mới. Công tác của Thánh Linh tiến hành trong chúng ta đến mức độ nào? Ngài hành động đến mức Đấng Christ được kết cấu và thành hình trong chúng ta.
Phao-lô nói trong thư Phi-líp 4:11: “Tôi đã học”. Đó là Đấng Christ thành hình trong ông, mà ông đã học từng bước một. Ông đã học “chịu nghèo hèn” và “được dư dật”; ông đã học “hễ gặp cảnh ngộ nào cũng thỏa lòng ở vậy”. “Trong mỗi một điều và mọi điều... tôi đã học được bí quyết” (c. 12). Con người của Phao-lô đã trải qua một sự thay đổi cơ bản. Vì vậy, không những chúng ta cần Đấng Christ trong chúng ta để làm sự sống của mình, nhưng cũng cần Đấng Christ thành hình trong chúng ta. Không những chúng ta có Đấng Christ được ban cho mình bởi Đức Chúa Trời, nhưng cũng cần Đấng Christ được hấp thụ bởi chúng ta và sau đó thành hình trong chúng ta. Đó là những gì Đức Chúa Trời muốn chúng ta đạt đến. Đó là biết Đức Chúa Trời của Gia-cốp.
SỰ THÀNH HÌNH NHỮNG VIÊN ĐÁ QUÍ
Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến ba phân đoạn Kinh-thánh này. Một là Sáng-thế Ký chương 2, là nơi vàng và đá quí được đề cập đến. Một phần khác là 1 Cô-rin-tô chương 3, là nơi vàng và đá quí được xây trên nền. Phần thứ ba là Khải-thị chương 21, nói về Giê-ru-sa-lem Mới được tạo thành bởi vàng ròng, và các nền của tường thành được trang trí bằng mọi loại đá quí. Mục đích của Đức Chúa Trời không những là vàng và bạc, nhưng cũng là đá quí nữa. Chúng ta biết vàng tượng trưng cho Đức Chúa Cha. Tất cả những gì thuộc về Đức Chúa Trời đều bằng vàng. Bạc chỉ về sự cứu chuộc, tượng trưng cho Con. Tất cả các sự ban cho của Đấng Christ đều là bạc. Còn đá quí thì sao? Đá quí không giống như vàng và bạc là những nguyên tố. Chúng là hợp chất của một vài nguyên tố. Đá quí được thành hình nhờ tiến trình xử lý với sức nóng rất khắc nghiệt dưới lòng đất. Sức nóng liên tục đem đến một thay đổi hóa học, và đá quí thành hình. Chỉ sau khi đá được đục, cắt và đánh bóng, chúng mới trở thành những viên ngọc xinh đẹp và có giá trị. Vì vậy, đá quí tượng trưng cho công tác của Thánh Linh trong con người. Ngày qua ngày, Thánh Linh hành động trên chúng ta, đẽo gọt chúng ta, xử lý chúng ta, và cấu tạo chúng ta cho đến khi Đấng Christ được thành hình trong chúng ta. Linh dẫn dắt chúng ta qua nhiều hoạn nạn và hoàn cảnh để Đấng Christ có thể được kết cấu vào trong bản thể chúng ta. Khi Đấng Christ trong chúng ta trở nên không những là Đấng Christ do Đức Chúa Trời ban cho, nhưng là Đấng Christ được tiêu hóa và hấp thụ vào trong chúng ta thì chúng ta trở nên những viên ngọc quí.
Trong Sáng-thế Ký chương 2, có vàng và đá quí, nhưng không có bạc. Theo chương trình đời đời của Đức Chúa Trời, điều này có nghĩa là mọi sự ra từ Ngài và Thánh Linh kết cấu Đấng Christ vào trong chúng ta. Bạc chỉ về Đấng Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta, tuy nhiên chỉ riêng điều này thì không đủ. Đức Chúa Trời muốn Đấng Christ được kết cấu vào trong chúng ta, tức là, được tiêu hóa và hấp thụ bởi chúng ta và hình thành trong chúng ta cho đến khi chúng ta trở nên những viên đá quí. Trong trời mới và đất mới, Đức Chúa Trời sẽ đạt được mục tiêu của Ngài, và sẽ chỉ có vàng và đá quí, nhưng không có bạc. Tất cả bạc sẽ trở nên đá quí. Vì vậy, mục tiêu sau cùng của Đức Chúa Trời là có đá quí. Do đó, trong Sáng-thế Ký chương 2, Đức Chúa Trời dùng trái của cây sự sống để tượng trưng cho sự sống mà Ngài ban cho chúng ta. Trái cây là một điều gì đó được ăn và tiêu hóa. Đức Chúa Trời không chỉ muốn ban sự sống cho chúng ta; Ngài cũng muốn chúng ta tiêu hóa sự sống.
Nguyện Đức Chúa Trời mở mắt chúng ta để thấy rằng theo đường lối thánh khiết của Ngài và theo kế hoạch của Ngài, Ngài muốn có được một số bình chứa để hoàn thành mục tiêu của Ngài. Những chiếc bình này phải biết Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham; họ phải biết rằng mọi sự thuộc về Đức Chúa Trời. Họ cũng phải biết Đức Chúa Trời của Y-sác; họ phải biết rằng mọi sự đều để chúng ta vui hưởng và Đức Chúa Trời ban cơ nghiệp cho chúng ta. Họ phải biết rằng mọi sự tùy thuộc vào việc chúng ta ở trong Đấng Christ và Đấng Christ ở trong chúng ta. Họ cũng phải nhận biết Đức Chúa Trời của Gia-cốp; họ phải biết rằng Đức Chúa Trời xử lý sự sống thiên nhiên của chúng ta và nhờ Linh kết cấu Đấng Christ vào trong bản thể chúng ta. Nguyện Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta, và nguyện Ngài dẫn chúng ta vào sự hiểu biết Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác và Đức Chúa Trời của Gia-cốp để chúng ta có thể trở nên những chiếc bình cho chứng cớ của Ngài.
HẾT