CHƯƠNG NĂM
ÁP-RA-HAM VÀ CON TRAI MÌNH
(2)
Kinh-thánh: Sáng 16:16-18; 20:1-2, 10-13, 17-18; 21:1-3, 10;
Côl. 2:11; Phil. 3:3
Sự Cắt Bì Của Áp-ra-ham
Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham một đứa con trai, nhưng Áp-ra-ham không chờ đợi Đức Chúa Trời để nhận lãnh đứa con ấy; ông cưới một người vợ lẽ và sinh một đứa con là Ích-ma-ên. Sau khi ông sinh Ích-ma-ên, suốt khoảng thời gian mười ba năm, Đức Chúa Trời không phán gì với ông cả (Sáng 16:16—17:1).Mặc dầu sinh được một đứa con, ông đã bỏ phí mất mười ba năm. Đó là kinh nghiệm của nhiều Cơ-đốc-nhân. Bất cứ khi nào chúng ta hành động theo xác thịt, Đức Chúa Trời để chúng ta qua một bên và cho phép chúng ta ăn bông trái của xác thịt mình. Theo mắt Đức Chúa Trời, đó là giai đoạn hoàn toàn phí phạm.
Sau khi Áp-ra-ham sinh Ích-ma-ên, suốt mười ba năm dài, gia đình ông không có sự bình an. Tuy nhiên, Kinh-thánh không bày tỏ Áp-ra-ham có một sự hối tiếc nào. Trái lại, ông rất yêu quí Ích-ma-ên. Chúng ta có thể thấy điều này qua lời ông nói với Chúa: “Ôi, nguyện Ích-ma-ên được sống trước mặt Ngài!” (17:18). Mặc dầu chương 15 bày tỏ rằng ông tin, nhưng về phần mình, dường như ông không theo đuổi bao nhiêu. Ngày này sang ngày kia, ông vẫn thỏa mãn với Ích-ma-ên. Theo suy nghĩ của chúng ta, nếu một người bước theo xác thịt suốt mười ba năm mà vẫn không cảm thấy mình lầm lỗi gì cả, thì chắc hẳn không có hi vọng nhiều về người ấy. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời kêu gọi. Đức Chúa Trời có một mục đích trong ông mà Ngài phải hoàn thành; Ngài không thể bỏ ông được. Mặc dầu ông sa sút mười ba năm và Đức Chúa Trời không phán gì với ông suốt thời gian ấy, Ngài vẫn không ngừng hành động. Đức Chúa Trời không bỏ những ai Ngài đã chọn lựa. Nếu Ngài muốn chiếm hữu một người, người ấy không thể thoát khỏi tay Ngài. Mặc dầu Áp-ra-ham đã thất bại, Đức Chúa Trời vẫn đến và tìm kiếm ông. Chúng ta phải nhận thức rằng không có sự theo đuổi, chiến đấu, lo lắng, hay bất an nào của xác thịt có thể đem chúng ta tiến lên. Chúng ta nên học phó thác chính mình vào tay của Đấng Toàn Năng. Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta khi nào Ngài thấy là đúng lúc.
Đức Chúa Trời Lập Giao Ước Với Áp-ra-ham
Sau mười ba năm, Áp-ra-ham đã chín mươi chín tuổi và trở nên già nua. Ông kể như thân thể mình đã chết. Mặc dầu muốn có một đứa con, ông không thể có con được nữa. Khi ấy, Đức Chúa Trời hiện đến với ông và phán: “Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng” (17:1). Đó là lần đầu tiên Đức Chúa Trời bày tỏ danh Ngài là “Đức Chúa Trời Toàn Năng”. Trong nguyên ngữ, danh Đức Chúa Trời Toàn Năng có thể được dịch là “Đức Chúa Trời Toàn Túc” (Đức Chúa Trời đầy đủ hoàn toàn). Sau khi Đức Chúa Trời bày tỏ danh này cho ông, Ngài đòi hỏi ông một điều. “Hãy đi trước mặt Ta, làm một người hoàn hảo”. Mặc dầu Áp-ra-ham tin rằng Đức Chúa Trời quyền năng, nhưng có thể ông chưa tin rằng Đức Chúa Trời đầy đủ hoàn toàn. Đó là lý do vì sao ông cố gắng tự làm nhiều điều. Đức Chúa Trời bày tỏ cho ông rằng nếu ông tin Ngài là Đấng Toàn Túc, ông phải bước đi trước mặt Ngài như một người hoàn hảo. Hoàn hảo nghĩa là thuần khiết. Đức Chúa Trời đòi hỏi Áp-ra-ham phải thuần khiết và không có gì pha trộn cả.
Sau khi bày tỏ điều này cho Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ lập giao ước giữa Ta với ngươi, làm cho ngươi tăng gia gấp bội... Ta đã lập giao ước cùng ngươi, vậy, ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc. Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Áp-ram nữa, nhưng tên ngươi sẽ là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc... Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, và cùng hậu tự ngươi trải qua các đời; ấy là giao ước đời đời, hầu cho Ta làm Đức Chúa Trời của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đang kiều ngụ, tức toàn xứ Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời, và Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ” (cc. 2-8). Đức Chúa Trời muốn có được một dân tộc qua Áp-ra-ham, và Ngài muốn làm Đức Chúa Trời của họ.
Áp-ra-ham và dân của Đức Chúa Trời cần phải đứng ở vị trí nào trước khi họ có thể trở nên dân của Ngài? Đức Chúa Trời phán: “Ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước được lập giữa Ta với các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi, mỗi bé trai giữa vòng các ngươi phải chịu cắt bì” (c. 10). Nói cách khác, Đức Chúa Trời muốn có một dân tộc, tuy nhiên họ không được phép có bất cứ hoạt động, năng lực hay sức mạnh nào thuộc xác thịt. Như vậy, dân của Đức Chúa Trời là ai? Họ là những người chịu cắt bì. Phép cắt bì là dấu hiệu của dân Đức Chúa Trời. Những bé trai sinh được tám ngày, dầu sinh tại nhà hay đem tiền mua về nơi người Ngoại-bang đều phải chịu cắt bì (c. 12). Sinh ra vẫn chưa đủ, và mua về vẫn chưa đủ. Một người còn cần phải chịu cắt bì nữa. Chúng ta đều đã được Đức Chúa Trời sinh ra và mua về. Về sự cứu chuộc, chúng ta đã được Đức Chúa Trời mua về. Về sự sống, chúng ta đã được Đức Chúa Trời sinh ra. Nhưng nếu chưa chịu cắt bì, chúng ta sẽ không có phần gì trong chứng cớ của dân Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham: “Bé trai nào chưa được cắt bì nơi xác thịt mình, thì hồn (người) đó sẽ bị truất khỏi giữa dân chúng” (c. 14). Những ai chưa chịu cắt bì phải bị truất khỏi dân của Đức Chúa Trời. Điều này liên quan đến chứng cớ, nghĩa là những ai không chịu cắt bì không thể làm những chiếc bình cho chứng cớ của Đức Chúa Trời. Một người có thể được cứu chuộc và có sự sống, nhưng nếu người ấy không chịu cắt bì, và không biết thập tự giá xử lý xác thịt, người ấy không thể thuộc về dân của Đức Chúa Trời và vẫn bị truất khỏi dân Chúa.
Ý Nghĩa Của Sự Cắt Bì
Cô-lô-se 2:11 nói: “Trong Ngài anh em cũng đã chịu cắt bì, không phải cắt bì bởi tay [người ta] làm, nhưng là cắt bì của Đấng Christ trong sự lột bỏ thân thể của xác thịt”
Phi-líp 3:3 nói: “Vì chúng ta là người chịu cắt bì, tức những người bởi Linh của Đức Chúa Trời mà hầu việc, khoe khoang trong Christ Giê-su, và không tin tưởng nơi xác thịt”.
Hai câu này cho thấy sự cắt bì nghĩa là gì. Nói cách đơn giản, cắt bì là trừ bỏ xác thịt. Những người chịu cắt bì nên có thái độ nào? Họ không nên tin tưởng nơi xác thịt và không nên tin cậy xác thịt. (Từ ngữ “tin tưởng” trong Phi-líp 3:3 có thể dịch là “tin cậy” theo nguyên ngữ). Những người chịu cắt bì là ai? Họ là những người hầu việc bởi Linh của Đức Chúa Trời và không tin cậy xác thịt. Vì vậy, sự cắt bì xử lý năng lực cố hữu của con người, và sức mạnh thiên nhiên của họ.
Đức Chúa Trời nói một lời như vậy với Áp-ra-ham thật là thích hợp! Đức Chúa Trời bày tỏ cho ông thấy bất cứ điều gì ông tự làm và sinh ra chỉ là Ích-ma-ên. Nếu xác thịt không bị xử lý, một người không có phần gì trong giao ước của Đức Chúa Trời. Nếu xác thịt không bị xử lý, một người không thể làm dân của Đức Chúa Trời và không thể duy trì chứng cớ hay tham dự trong công tác khôi phục của Ngài.
Nan đề lớn lao nhất giữa vòng con cái Đức Chúa Trời là họ không biết xác thịt là gì! Xác thịt mà nhiều Cơ-đốc-nhân biết chỉ liên quan đến vấn đề tội lỗi. Đúng là xác thịt gây cho chúng ta phạm tội. Nhưng xác thịt không chỉ gây cho người ta phạm tội. Rô-ma 8:8 nói rằng “kẻ thuộc xác thịt không thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời”. Điều này có nghĩa là xác thịt cố gắng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nhiều lúc, có thể mục tiêu của xác thịt không phải là xúc phạm Đức Chúa Trời mà là làm đẹp lòng Ngài. Rô-ma chương 7 cho thấy xác thịt hết sức cố gắng giữ luật pháp, làm lành, làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời và làm hài lòng Ngài. Tuy nhiên, xác thịt không thể làm điều đó. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy xử lý xác thịt phạm tội là điều tương đối dễ, nhưng rất khó xử lý xác thịt cố gắng làm hài lòng Đức Chúa Trời. Đó là xác thịt cố gắng lẻn vào trong công việc và sự phục vụ Đức Chúa Trời. Đó là xác thịt lẻn vào trong mọi sự của Đức Chúa Trời.
Một số người không nhận thức rằng con người không thể tự làm hài lòng Đức Chúa Trời. Họ nghĩ rằng mặc dầu họ từng là loại người đó, nhưng bây giờ họ có thể làm lành vì mục tiêu của họ đã thay đổi từ khi họ tin vào Chúa. Những người như vậy không nhận thức rằng Đức Chúa Trời không những quan tâm đến sự thay đổi mục tiêu của họ mà cả việc xử lý xác thịt của họ. Nếu họ muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời bằng xác thịt mình, Đức Chúa Trời sẽ bảo họ rằng xác thịt không thể làm đẹp lòng Ngài. Chúng ta phải thấy rằng sự cắt bì là sự cắt bỏ xác thịt, chính xác thịt sinh ra Ích-ma-ên, xác thịt cố gắng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Sự cắt bì xử lý xác thịt vì cố gắng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời và tự làm hoàn thành lời hứa của Ngài. Đó là điều Đức Chúa Trời muốn Áp-ra-ham hiểu.
Nan đề lớn nhất đối với con cái Đức Chúa Trời là xác thịt của họ không bị xử lý trước mặt Chúa. Họ tin vào xác thịt và đặt lòng tin cậy nơi xác thịt. Dấu hiệu rõ ràng nhất của xác thịt không bị kiểm chế là sự tự tin. Tự tin là đặc tính của xác thịt. Phi-líp 3:3 nói: “Chúng ta là kẻ chịu cắt bì, tức là kẻ... không tin tưởng nơi xác thịt”. Không đặt lòng tin cậy xác thịt là không tin tưởng nơi xác thịt. Tất cả những người bị thập tự giá đánh đập đều tan vỡ. Mặc dầu con người họ vẫn tồn tại, nhưng họ học kính sợ Đức Chúa Trời và không còn đặt lòng tin cậy và tin tưởng nơi chính mình. Trước khi một người được Chúa xử lý, người ấy nhanh chóng xét đoán mọi sự đến với mình. Người ấy mở miệng xét đoán cách nhanh chóng. Nhưng sau khi được Chúa xử lý, người ấy sẽ không xét đoán cách khinh suất; người ấy không còn tự tin nữa. Những người hấp tấp trong việc đưa ra các ý kiến và tin cậy vào năng lực mình thì không biết thập tự giá. Người như vậy chưa bao giờ kinh nghiệm công tác thập tự giá. Một khi xác thịt của chúng ta bị cắt bì, chúng ta không còn tin cậy chính mình nữa. Chúng ta sẽ không đầy lòng tự tin như vậy, và sẽ không bày tỏ ý kiến mình cách dễ dàng. Trước mặt Chúa, chúng ta phải thấy mình yếu đuối, bất năng, bất lực và dễ nao núng.
Đức Chúa Trời đem Áp-ra-ham đến chỗ nhận thức rằng xác thịt ông cần được xử lý, và những điều ông đã làm trong mười ba năm qua là sai lầm. Trong lời hứa của Đức Chúa Trời, không có chỗ nào để ông làm hay thực hiện bất cứ điều gì; mọi sự ông cần phải làm là tin. Đồng thời, Đức Chúa Trời bày tỏ cho ông thấy những thế hệ tương lai của dòng dõi ông phải chịu cắt bì. Đó là điều đòi hỏi căn bản để làm dân của Đức Chúa Trời. Điều kiện để chúng ta trở nên dân của Đức Chúa Trời trong thực tế là phải có dấu vết của thập tự giá trên xác thịt chúng ta. Sự cắt bì là dấu hiệu của dân Đức Chúa Trời. Đó là bằng cớ của dân Đức Chúa Trời. Dấu hiệu là gì? Dấu hiệu là đặc tính. Dân của Đức Chúa Trời có một đặc tính, một dấu hiệu, là sự từ chối xác thịt, sự từ bỏ lòng tin tưởng nơi xác thịt. Dân của Đức Chúa Trời là những người mà lòng tin tưởng nơi xác thịt họ đã bị dứt bỏ. Họ là những người đã mất lòng tin tưởng nơi xác thịt.
Thật đáng thương cho biết bao nhiêu Cơ-đốc-nhân rất tin tưởng nơi chính mình. Họ biết làm thế nào để tin Chúa Giê-su, và biết làm thế nào để đầy dẫy Thánh Linh. Họ biết làm thế nào để đắc thắng, và làm thế nào để sống cuộc đời Cơ-đốc-nhân. Dường như không có điều gì mà họ không biết! Họ cứ khoe khoang mãi về các loại kinh nghiệm mà mình đã có vào ngày này tháng nọ. Dường như họ không thiếu gì cả! Họ có thể nói họ tương giao với Đức Chúa Trời như thế nào và trò chuyện với Ngài ra làm sao. Họ nghĩ rằng mình biết Đức Chúa Trời đang phán gì về một số vấn đề nào đó. Họ nghĩ rằng họ biết ý muốn của Đức Chúa Trời về nhiều điều. Họ có thể nói về những gì Đức Chúa Trời đã bảo họ nói hay cầu nguyện tại nơi này nơi kia và vào lúc này lúc nọ. Đối với họ, dường như biết được ý muốn của Đức Chúa Trời là điều dễ dàng nhất trên đất! Tuy nhiên, họ thiếu dấu vết của tình trạng “không tin tưởng nơi xác thịt”. Các Cơ-đốc-nhân như vậy là những người thật cần sự thương xót của Đức Chúa Trời!
Ý nghĩa của sự cắt bì là dứt bỏ lòng tin tưởng nơi xác thịt. Đó là trừ bỏ sức mạnh thiên nhiên để một người không còn nói năng và bước đi một cách cẩu thả nữa, nhưng thay vào đó, trở nên một người sợ sệt và run rẩy.
Sự Cắt Bì Của Áp-ra-ham
Trải qua rất nhiều năm sau khi được Đức Chúa Trời xử lý, Áp-ra-ham đã trở thành loại người nào? Ông trở thành một người không tin cậy nơi chính mình. Khi ấy, Đức Chúa Trời phán với ông: “Còn Sa-rai, vợ ngươi, chớ gọi là Sa-rai nữa, nhưng Sa-ra là tên người đó. Ta sẽ ban phước cho nàng, lại do nơi nàng Ta sẽ cho ngươi một con trai” (Sáng 17:15-16). Trước đó, Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham rằng “Ai ở trong gan ruột ngươi ra sẽ là người kế nghiệp ngươi”. Lúc đó, Áp-ra-ham đã tin. Hơn mười năm sau, Đức Chúa Trời lại đến và bảo ông rằng ông sẽ có một đứa con qua vợ ông là Sa-ra. Áp-ra-ham làm gì? Ông không còn dạn dĩ như trước. Ông không có đức tin mà ông đã có trước đó. Khi nghe lời hứa của Đức Chúa Trời, ông “sấp mình xuống đất, cười và nói thầm rằng, Một người đã trăm tuổi sẽ sanh con ư? Còn Sa-ra, tuổi đã chín mươi, sẽ sanh sản được sao?” Rồi ông nói với Đức Chúa Trời, “Nguyện Ích-ma-ên được sống trước mặt Ngài!” (cc. 17-18). Điều này có nghĩa là ông hoàn toàn hết hi vọng nơi chính mình. Ông kể thân thể mình như đã chết và tử cung Sa-ra đã [chết] khô. Ông không thể nhớ ban đầu mình đã tin như thế nào. Có thể ông nói: “Hồi đó có lẽ mình còn trẻ và còn tin được. Nhưng bây giờ, làm sao mình có thể tin được nữa?” Theo mắt loài người, Áp-ra-ham đã hoàn toàn sa sút. Ông đã sa sút nhiều đến nỗi ngay cả đức tin của ông dường như cũng không còn.
Thật ra, đức tin nhỏ bé mà Áp-ra-ham đã có những năm trước đó là một đức tin pha trộn với xác thịt. Đó là một đức tin đã sinh ra Ích-ma-ên với xác thịt. Suốt mười ba năm, Đức Chúa Trời để Áp-ra-ham qua một bên và đưa ông đến đường cùng để ông được luyện lọc. Dường như Áp-ra-ham đã thất bại. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn hành động trên ông. Chúng ta phải nhớ rằng khi chúng ta đắc thắng, công tác của Đức Chúa Trời có thể không ở với chúng ta, và khi chúng ta thất bại, không chắc công tác Ngài hoàn toàn lìa khỏi chúng ta. Chúng ta nên phó thác mình cho bàn tay của Chúa hằng sống. Một khi Ngài kêu gọi chúng ta và bắt đầu công tác Ngài trong chúng ta, Ngài sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Ngay cả khi chúng ta yếu đuối và thất bại, Ngài vẫn thực hiện công tác của Ngài, và Ngài vẫn đang dẫn dắt chúng ta từng bước một.
Khi Đức Chúa Trời lặp lại với Áp-ra-ham rằng vợ ông là Sa-ra sẽ sinh một đứa con trai, ông sấp mình xuống và cười. Có phải ông cười Đức Chúa Trời không? Không, thật ra ông cười chính mình. Thật là một tình huống không thể có được đối với ông. Tuy nhiên, giữa tình huống ấy, ông tin Đức Chúa Trời. Thật kỳ lạ vì trong những tình huống dễ dàng, chúng ta khó tin Đức Chúa Trời, nhưng trong những tình huống khó khăn, chúng ta lại dễ tin Ngài. Những tình huống dễ dãi không giúp cho một người tin Đức Chúa Trời. Khi một người đến chỗ tuyệt vọng, người ấy thật sự tin Đức Chúa Trời. Vì vậy, Đức Chúa Trời luôn luôn dẫn dắt chúng ta theo hai cách: Ngài làm cho chúng ta tin cậy Ngài bằng cách đưa chúng ta đến đường cùng trong hoàn cảnh của mình, và đem xác thịt chúng ta đến chỗ kết thúc. Bài học trong hoàn cảnh là bề ngoài, trong khi bài học qua sự cắt bì là bề trong. Vì tử cung Sa-ra đã [chết] khô là đường cùng trong hoàn cảnh. Đó là một điều bề ngoài. Áp-ra-ham chịu cắt bì là để xác thịt ông bị đưa đến chỗ kết liễu; đó là một điều bề trong. Chúng ta phải được đem đến chỗ tận cùng của mình trước khi có thể tin nơi Đức Chúa Trời. Nếu xác thịt của chúng ta bị xử lý, chúng ta sẽ tin nơi Đức Chúa Trời dầu hoàn cảnh êm xuôi hay khó khăn.
Đức Chúa Trời không muốn một đức tin pha trộn, nhưng Ngài muốn một đức tin thuần khiết. Chúng ta không nên chỉ tin khi mọi sự có vẻ tươi sáng và khi chúng ta có lòng tin nơi chính mình. Chúng ta nên tin chỉ vì Đức Chúa Trời đã phán. Mười ba năm trước đó, Áp-ra-ham không thể tin như vậy. Nhưng bây giờ ông được đưa đến chỗ kể thân thể mình dường như đã chết và kể tử cung vợ mình như đã chết [khô] rồi. Đức tin bây giờ ông có là một đức tin thuần khiết; đó là đức tin chỉ tin vào một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Đức tin trước đó của ông dựa trên Đức Chúa Trời và trên chính ông. Bây giờ đức tin của ông chỉ dựa trên một mình Đức Chúa Trời vì tất cả sức mạnh của ông đã ra đi, và không còn lại gì trong ông cả; mọi sự đã chấm dứt. Việc Áp-ra-ham cười đã khẳng định điều này: Đối với ông, mọi sự trong ông đã chấm dứt. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời phán với ông: “Thật vậy, Sa-ra vợ ngươi sẽ sanh một con trai; và ngươi sẽ đặt tên là Y-sác” (17:19).
Chúng ta nên lưu ý sự kiện này: Đức Chúa Trời muốn Áp-ra-ham sinh Y-sác, chứ không phải Ích-ma-ên! Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ điều gì thay thế cho công tác của Ngài. Sau khi chờ đợi mười ba năm, Ngài vẫn muốn Áp-ra-ham sinh Y-sác. Ích-ma-ên không bao giờ có thể làm thỏa lòng Đức Chúa Trời!
Sáng Thế Ký 17:23-24 nói: “Và vào chính ngày đó, Áp-ra-ham bắt Ích-ma-ên con trai mình, và tất cả các người nam trong nhà, hoặc sinh tại đó, hoặc đem tiền ra mua về, mà làm phép cắt bì cho, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn. Khi Áp-ra-ham chịu cắt bì, thì đã được chín mươi chín tuổi”. Áp-ra-ham chịu cắt bì có nghĩa là ông thừa nhận rằng mình đã chấm dứt, rằng xác thịt ông hoàn toàn không thể làm điều đó. Theo tình trạng của mình, thậm chí ông không thể tin lời hứa của Đức Chúa Trời. Nhưng ngay khi ông không thể tin nữa, thì đức tin thật đã đến! Khi ông không thể tin và khi ông không thể làm gì nữa cả, thì ông thật sự tin cậy Đức Chúa Trời. Dường như ông tin, và đồng thời, dường như ông không thể tin. Chỉ còn một đức tin yếu ớt trong ông. Tuy nhiên, đức tin yếu ớt ấy là đức tin thuần khiết. Tình trạng của Áp-ra-ham vào thời điểm ấy được mô tả trong Rô-ma 4:19-20: “Và không suy yếu trong đức tin mình, ông kể thân thể mình đã chết (gần trăm tuổi), cũng như tử cung của Sa-ra đã [chết] khô; nhưng đối với lời hứa của Đức Chúa Trời, ông không nghi ngờ trong sự vô tín, mà bởi đức tin lại được làm cho mạnh mẽ, dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời”.
Bạn Hữu Của Đức Chúa Trời
Trong chương mười tám, sau khi Áp-ra-ham tin và chịu cắt bì, sự tương giao của ông với Đức Chúa Trời trở nên thân mật hơn. Điều này chứng tỏ rằng ông thật sự là bạn của Đức Chúa Trời. Sáng-thế Ký chương 18 là một chương đặc biệt. Chương này nói về ba điều: (1) sự tương giao, (2) sự hiểu biết và (3) sự cầu thay. Ba điều này liên quan mật thiết với nhau, và chúng là sự vui hưởng đặc biệt của một Cơ-đốc-nhân đã theo Chúa nhiều năm. Chúng ta có thể chỉ vắn tắt bàn đến những điều này.
“Và Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ra-ham nơi đồng bằng Mam-rê” (Sáng 18:1). Vào cuối chương 13, Áp-ra-ham cư ngụ gần bên các cây sồi ở Mam-rê, tại Hếp-rôn. Hếp-rôn nghĩa là sự tương giao. Vì Đức Chúa Trời hiện ra cho Áp-ra-ham nghĩa là Áp-ra-ham đang đứng trên nền tảng của sự tương giao. “Đang khi người ngồi nơi cửa trại lúc trời nắng ban ngày. Áp-ra-ham ngước mắt lên, thấy ba người đứng trước mặt” (18:1-2). Đó là phần Kinh-thánh rất kỳ lạ của Cựu Ước. Đức Chúa Trời đến thăm Áp-ra-ham, không phải như Đức Chúa Trời vinh quang, nhưng trong hình thể một con người. Dường như Ngài đến với Áp-ra-ham trong y phục đơn sơ. Biểu hiện bên ngoài của Đức Chúa Trời hoàn toàn trong địa vị của một con người. Vì vậy, Áp-ra-ham không cảm thấy đó là Đức Chúa Trời hiện ra với mình. “Vừa khi nhìn thấy, người từ cửa trại chạy đến trước mặt họ, sấp mình xuống đất và thưa rằng: Lạy Chúa, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, tôi nài xin các Đấng, chớ bỏ đi khỏi tôi tớ các Đấng. Xin các Đấng hãy lấy chút nước rửa chân các Đấng, và xin hãy nằm nghỉ mát dưới cội cây này: Tôi sẽ mang một miếng bánh cho các Đấng ăn vững lòng, rồi sẽ dời gót lên đường; vì cớ ấy, nên mới quá bộ lại nhà kẻ tôi tớ các Đấng vậy. Các Đấng ấy phán rằng: Hãy cứ làm như ngươi đã nói. Đoạn, Áp-ra-ham lật đật vào trại, đến cùng Sa-ra mà rằng: Hãy mau mau lấy ba đấu bột lọc nhồi đi, rồi làm bánh nhỏ. Áp-ra-ham chạy lại bầy, bắt một con bò con ngon, giao cho đầy tớ mau mau nấu dọn, rồi lấy mỡ sữa và sữa, cùng bò con đã nấu xong, dọn ngay trước mặt các Đấng, còn người thì đứng hầu trước mặt, dưới cội cây. Vậy, các Đấng đó ăn” (18:1-2). Đó là sự tương giao của Áp-ra-ham với Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời dẫn dắt đến chỗ có thể thông công với Ngài như bạn hữu!
Sau đó đề tài về đứa con trai lại được đưa ra một lần nữa. Chương mười bảy nói rằng Áp-ra-ham cười. Chương mười tám nói rằng Sa-ra cười. Áp-ra-ham đã sẵn sàng, ông có thể trò chuyện với Đức Chúa Trời. Trong khi họ nói chuyện bên ngoài lều, Sa-ra ở trong cửa lều lắng nghe, và trong khi họ nói chuyện với nhau, Sa-ra cười thầm. Đức Chúa Trời chỉ ra rằng Sa-ra đã cười (cc. 12-15). Đó là sự tương giao. Đức Chúa Trời trở nên con người và trò chuyện với con người. Đó là sự tương giao giữa Đức Chúa Trời với dân Ngài.
“Các Đấng đều đứng dậy mà đi... Áp-ra-ham cũng theo để tiễn bước các Đấng” (c. 16). Đó là sự tương giao. Đó là làm bạn với Đức Chúa Trời. Một khi có sự tương giao, thì cũng có sự hiểu biết. Đó không chỉ là hiểu biết Kinh-thánh, mà là hiểu biết Đức Chúa Trời. Khi Áp-ra-ham tương giao với Đức Chúa Trời, ông đạt được sự hiểu biết Đức Chúa Trời. “Chúa phán: Ta sẽ giấu Áp-ra-ham điều Ta sẽ làm chăng?” (c. 17). Thật là một lời nói thân mật! Đức Chúa Trời đối xử với Áp-ra-ham như một người bạn. Kế đến, Ngài phán: “Tiếng kêu la về Sô-đôm và Gô-mô-rơ thật là quá lắm, tội lỗi các thành đó thật là trọng. Ta sẽ ngự xuống bây giờ, để xem xét chúng nó đã có làm thật như tiếng đã kêu thấu đến Ta chăng; nếu chẳng thật, thì Ta sẽ biết” (cc. 20-21). Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời bày tỏ sự bí mật của Ngài cho Áp-ra-ham. Trước mặt Chúa, Áp-ra-ham có thể biết những điều mà những người khác không thể biết. Đức Chúa Trời chỉ bày tỏ ý muốn Ngài cho những người đồng đi với Ngài. Điều quí báu khi chúng ta đồng đi với Đức Chúa Trời nằm ở sự kiện chúng ta được biết Ngài.
Sau khi được Đức Chúa Trời tỏ cho biết điều bí mật này, Áp-ra-ham liền bước vào công tác cầu thay. Sự cầu thay được sự tương giao chi phối, và cũng được sự hiểu biết chi phối. Với sự tương giao, có sự hiểu biết, và với sự hiểu biết, có gánh nặng cầu thay. Lời cầu nguyện Áp-ra-ham dâng lên là lời cầu nguyện ra từ sự hiểu biết của ông về Đức Chúa Trời và sự cảm thông với Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham đến gần và thưa với Chúa: “Chúa sẽ diệt người công chính luôn với người độc ác sao?... Đấng Xét Đoán toàn thế gian lại không làm sự công bình sao?” (cc. 23-25). Áp-ra-ham đứng về phía Đức Chúa Trời để cầu nguyện; ông hoàn toàn vì sự công chính của Đức Chúa Trời mà cầu nguyện. Nói cách khác, lời cầu nguyện của ông không phải để lay động lòng của Đức Chúa Trời, nhưng để bày tỏ lòng Ngài. Như vậy, lời cầu nguyện nhận biết lòng của Đức Chúa Trời không phải là lời cầu nguyện thay đổi ý muốn Ngài, nhưng bày tỏ ý muốn ấy. Lời cầu nguyện của Áp-ra-ham nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời; đó là lời cầu nguyện bày tỏ ý muốn của Đức Chúa Trời. Ông thật là bạn hữu của Đức Chúa Trời!
SỰ THỬ NGHIỆM THỨ HAI — CẦU NGUYỆNCHO NHÀ A-BI-MÊ-LÉC
Áp-ra-ham đã trải qua sự thử nghiệm thứ nhất. Việc ông sinh Ích-ma-ên bằng sức mạnh xác thịt của mình đã qua đi. Nói theo phương diện loài người, ông đã làm mọi sự và lẽ ra Y-sác đã ra đời. Nhưng sự việc trong chương mười bảy chưa kịp hoàn tất thì một sự việc khác đã xảy ra, ông bị thử nghiệm lần thứ hai về vấn đề con trai mình.
Sáng-thế Ký 20:1 nói: “Áp-ra-ham từ đó đi đến miền nam, kiều ngụ tại Ghê-ra, ở giữa Ca-đe và Su-rơ”. Áp-ra-ham vi phạm chính lỗi lầm ông đã phạm tại Ai-cập khi gọi Sa-ra là em gái mình. Sau khi ông bị Pha-ra-ôn của Ai-cập quở trách, Đức Chúa Trời đưa ông trở về. Nhưng trong chương hai mươi, ông đi đến cùng A-bi-mê-léc ở Ghê-ra và phạm cùng một lỗi lầm ấy. Chúng ta khó có thể hiểu được điều này. Sao ông lại có thể sa xuống một tình trạng thấp kém như vậy sau khi đạt đến đỉnh cao của sự tương giao trong chương mười tám? Chương hai mươi liên hệ đến một vài điều chưa được đề cập trong chương mười hai. A-bi-mê-léc quở trách Áp-ra-ham: “Ngươi đã làm gì cho ta vậy?... Ngươi có ý gì mà làm như vậy?” (cc. 9-10). Áp-ra-ham nói: “Vì tôi nghĩ rằng: trong xứ này thật không có ai kính sợ Đức Chúa Trời, thì họ sẽ vì cớ vợ tôi mà giết tôi chăng. Nhưng nàng cũng thật là em gái tôi, em cùng cha khác mẹ, và tôi cưới nàng làm vợ. Khi Đức Chúa Trời làm cho tôi phải lưu lạc xa nhà cha, thì tôi có nói với nàng rằng: Đây là sự tử tế nàng có thể bày tỏ cùng tôi, trong mọi nơi chúng ta đi đến, xin nói về tôi rằng: Ấy là anh tôi” (cc. 11-13). Như vậy, gốc rễ của vấn đề này không phải ở Ai-cập, mà ở Mê-sô-bô-ta-mi. Sự thất bại của ông tại Ai-cập chỉ phơi bày gốc rễ. Gốc rễ của sự thất bại ở tại Mê-sô-bô-ta-mi. Vì vậy, khi ông đến Ghê-ra, chính điều đó lại xảy ra.
Đức Chúa Trời xử lý Áp-ra-ham để bày tỏ cho ông thấy ông và Sa-ra không thể tách rời nhau. Tại Mê-sô-bô-ta-mi, ông nghĩ rằng ông và Sa-ra có thể phân rẽ nhau, và nghĩ rằng trong những giai đoạn hiểm nghèo, vợ chồng có thể trở nên anh em. Áp-ra-ham đứng trên nền tảng đức tin, còn Sa-ra đứng trên nền tảng ân điển. Về phía loài người, đó là đức tin, còn về phía Đức Chúa Trời, đó là ân điển. Đức tin và ân điển không bao giờ có thể tách rời. Chúng phải luôn luôn đi chung với nhau. Nếu ân điển bị cất đi, sẽ không có đức tin, không có dân của Đức Chúa Trời và Đấng Christ không được sinh ra. Nhưng Áp-ra-ham nghĩ rằng ông có thể phân rẽ khỏi Sa-ra. Gốc rễ được trồng ở Mê-sô-bô-ta-mi và bị phơi bày tại Ai-cập. Bây giờ nó lại bị phơi bày một lần nữa. Đức Chúa Trời đã nhổ gốc rễ được trồng tại Mê-sô-bô-ta-mi. Nếu vấn đề này không được lưu tâm đến, Y-sác không thể ra đời. Để dân của Đức Chúa Trời có thể duy trì chứng cớ của Ngài, cần có đức tin và ân điển. Chỉ có đức tin mà thôi thì chưa đủ, hoặc chỉ có ân điển mà thôi cũng chưa đủ. Đức Chúa Trời bày tỏ cho ông thấy ông không thể hi sinh Sa-ra và không thể phân rẽ khỏi nàng.
Thật thú vị vì “Chúa làm cho cả nhà A-bi-mê-léc đều son sẻ vì Sa-ra, vợ Áp-ra-ham” (c. 18). Sau khi A-bi-mê-léc trả Sa-ra lại cho Áp-ra-ham, “Áp-ra-ham cầu xin Đức Chúa Trời, thì Ngài chữa bệnh cho vua A-bi-mê-léc, vợ cùng các người tớ gái của người; vậy, họ đều có con” (c. 17). Sau sự kiện này, Sa-ra sanh Y-sác trong chương hai mươi mốt. Điều này thật lạ lùng.
Những người phụ nữ trong nhà A-bi-mê-léc không thể có con. Vì sao họ lại có con khi Áp-ra-ham cầu nguyện và Đức Chúa Trời chữa lành họ? Những người khác có thể cầu xin điều này, nhưng chính vợ Áp-ra-ham lại không bao giờ sinh một đứa con nào. Làm thế nào ông có thể cầu nguyện cho những người phụ nữ trong nhà A-bi-mê-léc? Đó thật là một điều khó làm. Nhưng trong vấn đề này, gốc rễ mà Áp-ra-ham đã trồng tại Mê-sô-bô-ta-mi đã bị Đức Chúa Trời đào lên. Ông nhận biết rằng vợ mình sanh con là một vấn đề hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Chúa Trời. Trong khi ông cầu nguyện cho nhà A-bi-mê-léc, có lẽ ông không tin gì nơi chính mình cả. Ông tin tưởng nơi Đức Chúa Trời chứ không nơi chính mình. Bây giờ Áp-ra-ham hoàn toàn được giải cứu khỏi chính mình. Ông không có con, tuy nhiên ông có thể cầu nguyện cho người khác sinh con. Xác thịt ông đã thật sự được xử lý.
Đây là sự thử nghiệm thứ hai về người con trai của ông mà Áp-ra-ham đã trải qua. Từ sự thử nghiệm này, ông đã học biết rằng Đức Chúa Trời là Cha. Mặc dầu vợ ông và những người phụ nữ trong nhà A-bi-mê-léc cũng giống nhau và không thể sinh con, nhưng ông cầu nguyện cho những người ấy. Ông làm điều đó vì ông biết rằng Đức Chúa Trời là Cha. Ông biết rằng năng lực đến từ Đức Chúa Trời chứ không đến từ chính ông. Nếu Đức Chúa Trời muốn làm một điều gì đó, thì Ngài có thể làm được. Đối với Ngài không điều gì là không thể có được. Áp-ra-ham phải trả một giá để cầu nguyện cho những người phụ nữ của nhà A-bi-mê-léc. Giá đó là chính ông. Điều ông cầu nguyện cho họ là điều chính ông tìm kiếm. Đức Chúa Trời bảo ông cầu nguyện cho một điều mà chính ông không có trọn cả đời mình. Đức Chúa Trời đang đụng đến ông về vấn đề này. Vì vậy, trong việc cầu nguyện cho những người phụ nữ của nhà A-bi-mê-léc, Áp-ra-ham ngưng mọi hoạt động của bản ngã mình. Chỉ có người không nghĩ gì về mình và không kể gì đến mình mới có thể cầu nguyện cho những người phụ nữ trong nhà A-bi-mê-léc vào ngày ấy. Tạ ơn Chúa vì Đức Chúa Trời đã đem Áp-ra-ham đến chỗ có thể thật sự quay khỏi chính mình. Ông có thể làm điều này vì ông biết Đức Chúa Trời là Cha.
Chúng ta phải nhớ rằng danh hiệu Cha có hai ý nghĩa. Đức Chúa Trời là Cha chúng ta, và mối quan hệ của Ngài với các tín đồ là mối quan hệ cha con, mối quan hệ này rất thân mật. Đó là điều nhiều Cơ-đốc-nhân nhận thức khi họ được tái sinh. Nhưng vẫn có một bài học khác mà chúng ta phải học. Đức Chúa Trời là Cha trong các thân-vị của Đấng Tam Nhất; mọi sự đều thuộc về Ngài. Đó là ý nghĩa của Đức Chúa Cha. Ngài là Cha của mọi điều, Cha của tất cả mọi sự. Đó là một ý nghĩa khác của Đức Chúa Cha. Áp-ra-ham đã học bài học này. Ông có thể cầu nguyện cho những người phụ nữ trong nhà A-bi-mê-léc, không phải vì ông có một bầy con trong nhà mình, nhưng vì ông thấy Đức Chúa Trời là Cha. Qua việc sinh ra Ích-ma-ên, Áp-ra-ham học biết Đức Chúa Trời là Cha. Trong sự việc với A-bi-mê-léc, ông lại học biết Đức Chúa Trời là Cha một lần nữa. Vì vậy, sau sự kiện này Đức Chúa Trời hoàn thành lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham và cho Y-sác ra đời.
CHƯƠNG SÁU
ÁP-RA-HAM VÀ CON TRAI MÌNH
(3)
Kinh-thánh: Ga 4:29-31; 5:1; Hê 11:17-19; Gia 2:20-24;
Sáng 21:8-10; 22:1-5, 16-18
Sau khi Áp-ra-ham nhận biết Đức Chúa Trời là Cha qua sự cầu thay của ông cho các phụ nữ trong nhà A-bi-mê-léc, Sa-ra sinh cho ông một đứa con trai theo thời điểm Đức Chúa Trời đã định. Áp-ra-ham đặt tên cho con mình là Y-sác. Khi con ông ra đời, ông đã một trăm tuổi (Sáng 21:5).
Ngày Ích-ma-ên Bị Đuổi Ra
Ngày Y-sác được cai sữa, Đức Chúa Trời phán một lời qua Sa-ra: “Hãy đuổi người tớ gái với con nó đi, vì con trai của người tớ gái này sẽ chẳng được kế nghiệp cùng con trai tôi là Y-sác đâu” (c. 10). Đó không phải là sự ghen tương của Sa-ra. Ga-la-ti 4:30 cho thấy đó là lời của Đức Chúa Trời qua miệng Sa-ra: “Vì con trai của người tớ gái không thừa kế với con trai của người nữ tự do”. Điều này có nghĩa là chỉ một người có thể hoàn thành mục tiêu của Đức Chúa Trời. Người đó là Y-sác chứ không phải Ích-ma-ên. Ích-ma-ên là người thứ nhất, không phải thứ hai. Vì vậy, ông tượng trưng cho A-đam chứ không phải Đấng Christ. “Nhưng không phải điều thuộc linh có trước, mà là điều thuộc hồn; sau đó là điều thuộc linh” (1 Côr. 15:46). Những ai thuộc xác thịt không thể thừa kế vương quốc của Đức Chúa Trời; họ không thể hoàn thành mục tiêu của Đức Chúa Trời. Người thứ hai là Y-sác. Vì vậy, Y-sác tượng trưng cho điều thuộc linh, ông là người có thể thừa kế cơ nghiệp của Đức Chúa Trời và duy trì chứng cớ của Đức Chúa Trời.
Thật là một điều rất hay khi Ích-ma-ên không bị đuổi ra vào ngày Y-sác ra đời. Chỉ sau khi Y-sác được cai sữa, Ích-ma-ên mới bị đuổi ra. Không có Y-sác, không thể đuổi Ích-ma-ên ra được. Một vài anh chị em đầy dẫy công việc xác thịt và ăn ở xác thịt. Khi nghe nói về xác thịt và biết xác thịt là gì, họ không dám làm gì cả, và hoàn toàn ngưng mọi công tác. Họ chưa có Y-sác. Vì vậy, khi đuổi Ích-ma-ên, họ không thể làm gì cả. Nhiều Cơ-đốc-nhân đã quen tự mình làm nhiều điều theo sức mạnh của xác thịt. Khi ngưng công tác xác thịt thì họ không có công tác thuộc linh. Trước đó họ không có gì thuộc linh cả, tất cả những gì họ có là những điều xác thịt. Khi xác thịt chấm dứt thì không có gì thuộc linh còn lại. Nguyên tắc ở đây là Y-sác phải được cai sữa. Điều này có nghĩa là Ích-ma-ên chỉ bị đuổi ra khi Y-sác mạnh mẽ đủ để làm một người con trai và có một chỗ đứng đích thực.
Bị đuổi ra có nghĩa là gì? Chúng ta hãy đọc Ga-la-ti 5:1. “Ấy là vì tự do mà Đấng Christ đã giải phóng chúng ta; vậy, hãy đứng vững, chớ bị ách nô lệ tròng lại nữa”. Điều này có nghĩa là Chúa Giê-su đã giải phóng chúng ta, Ngài đang sống trong chúng ta. Sự sống chúng ta đã nhận được là một sự sống tự do; chúng ta đã được tự do. Vì vậy, chúng ta không nên cố gắng làm một điều gì để đẹp lòng Đức Chúa Trời. Hễ khi nào cố gắng làm một điều gì, chúng ta trở nên Ích-ma-ên. Khi ngừng cố gắng, chúng ta sống trong sự tự do của Con. Đời sống Cơ-đốc-nhân phụ thuộc vào việc chúng ta có làm một điều gì đó hay không. Hễ khi nào chúng ta cố gắng làm một điều gì đó cho vừa lòng Đức Chúa Trời thì bản ngã, luật của tội và sự chết bước vào, chúng ta sẽ lại rơi vào vị trí của Ích-ma-ên và trở nên con của người tớ gái. Là con của người nữ tự do, chúng ta không cần phải tự mình làm gì cả. Chúng ta có một sự sống ở trong mình, và sự sống này sẽ làm mọi điều một cách tự nhiên. Chúng ta là những Cơ-đốc-nhân; chúng ta không cần phải đóng kịch sống đời sống Cơ-đốc. Chúng ta là con cái; chúng ta không cần hành động như con cái Đức Chúa Trời. Chúng ta sống trong những gì chúng ta là, chứ không phải trong những gì chúng ta làm. Hễ khi nào cố gắng làm một điều gì, chúng ta lại “bị ách nô lệ tròng lại” và trở nên con của người tớ gái. Nếu chúng ta đứng trên nền tảng của Y-sác, sự sống chúng ta có sẽ tự nhiên được bày tỏ ra qua mình.
Sau khi Áp-ra-ham đuổi Ích-ma-ên ra, ngay cả A-bi-mê-léc là người đã từng quở trách ông, đến gặp ông và nói: “Đức Chúa Trời vùa giúp ngươi trong mọi việc ngươi làm” (Sáng 21:22). Gốc rễ của sự thất bại đã được nhổ đi khỏi Áp-ra-ham, và Đức Chúa Trời có thể bày tỏ công tác của Ngài qua Y-sác cách trọn vẹn.
SỰ THỬ NGHIỆM THỨ BA — DÂNG Y-SÁC
Áp-ra-ham đã được thử nghiệm hai lần về người con trai của ông. Sự thử nghiệm đầu tiên nằm trong vấn đề sinh Ích-ma-ên. Sự thử nghiệm thứ hai nằm trong việc cầu nguyện cho các phụ nữ nhà A-bi-mê-léc. Bây giờ, ông chịu sự thử nghiệm thứ ba liên quan đến con mình. Sự thử nghiệm thứ ba này là việc dâng con của ông, tức Y- sác trên núi Mô-ri-a.
Áp-ra-ham Dâng Y-sác
Áp-ra-ham đã đạt đến chỗ đứng thích hợp. Người ta có thể nói ông đã đến đỉnh cao, đến đỉnh điểm. Sau chương hai mươi hai, bản ký thuật quay sang câu chuyện tuổi già của ông. Như vậy, chương hai mươi hai đánh dấu đỉnh điểm của cuộc đời Áp-ra-ham. Người ta có thể nói đó là lúc giữa trưa của cuộc đời ông.
Sáng-thế Ký 22:1-2 nói: “Khi mọi việc kia đã xong, Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham; Ngài phán rằng: Hỡi Áp-ra-ham! Người thưa: Có tôi đây. Đức Chúa Trời phán rằng: Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó, dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà Ta sẽ chỉ cho”. Sự đòi hỏi này liên quan đến việc hoàn thành lời hứa của Đức Chúa Trời. Y-sác là con một của Áp-ra-ham mà ông rất yêu quí. Phải dâng Y-sác là một giá rất đắt đối với Áp-ra-ham. Nhưng đó vẫn không phải là điểm chính. Hê-bơ-rơ chương 11 cho chúng ta thấy điều mà Sáng-thế Ký không ghi lại. Hê-bơ-rơ 11:18 nói: “Trong Y-sác, dòng dõi ngươi sẽ được gọi”. Như vậy, đó không chỉ là vấn đề hi sinh con một yêu dấu của Áp-ra-ham, mà còn là vấn đề chính lời hứa, mục tiêu và công tác của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không ban con của Áp-ra-ham cho một mình ông. Ý định của Ngài là đạt được mục tiêu của Ngài qua Y-sác. Nếu Y-sác chết, điều gì sẽ xảy ra? Đó là sự thử nghiệm của Áp-ra-ham.
Sự thử nghiệm này bao hàm chính ông như một cá nhân và như một chiếc bình. Hê-bơ-rơ 11:18 bày tỏ phương diện của một cái bình. Đức Chúa Trời hứa ban cho Áp-ra-ham một đứa con. Tuy nhiên, Ngài muốn đứa con này phải được dâng lên làm của lễ thiêu! Đó là một điều mà xác thịt không chịu nổi. Một của lễ thiêu thì phải bị thiêu bằng lửa. Tất cả những lời hứa của Đức Chúa Trời tập trung nơi Y-sác. Nếu Y-sác bị thiêu, những lời hứa của Đức Chúa Trời có bị thiêu đi không? Mục tiêu và công tác của Ngài bao hàm Y-sác. Nếu ông bị cháy tiêu, lời hứa, mục tiêu và công tác của Đức Chúa Trời có bị cháy ra tro không? Đuổi Ích-ma-ên ra là điều đúng đắn và hợp lý vì nó sinh bởi xác thịt. Nhưng Y-sác được sinh theo lời hứa của Đức Chúa Trời. Tại sao cần phải dâng Y-sác làm của lễ thiêu? Áp-ra-ham tìm sự thỏa lòng nơi Ích-ma-ên. Nhưng chính Đức Chúa Trời nói “Không”. Đức Chúa Trời là Đấng nhiều lần phán rằng Sa-ra sẽ có con. Áp-ra-ham không khăng khăng đòi có đứa con này; Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó cho ông. Bây giờ Ngài muốn lấy nó lại, không theo cách bình thường, nhưng như một của lễ thiêu. Điều đó vượt quá sự hiểu biết của Áp-ra-ham. Nếu Y-sác không nên ra đời, lẽ ra Đức Chúa Trời phải phán với ông sớm hơn. Nếu việc Y-sác ra đời là điều đúng đắn thì Áp-ra-ham nên giữ lấy Y-sác. Nếu Đức Chúa Trời không muốn Áp-ra-ham giữ Y-sác thì ngay từ đầu lẽ ra Ngài đừng ban Y-sác cho ông. Nếu Ngài muốn Áp-ra-ham có Y-sác, Ngài không nên đòi hỏi dâng Y-sác làm của lễ thiêu. Mục đích của việc sanh một đứa con rồi đem dâng nó đi là gì? Ấy là chỉ để đưa Áp-ra-ham đến một nhận thức sâu xa hơn về Đức Chúa Trời là Cha!
Đức Chúa Trời Là Cha
Áp-ra-ham vẫn phải học bài học cuối cùng. Thật ra đó là bài ông đã học rồi. Để Đức Chúa Trời làm Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, ông phải biết Ngài là Cha. Không có vấn đề gì về Y-sác. Y-sác thật đã do Đức Chúa Trời ban cho và thật là con theo lời hứa. Nhưng còn mối quan hệ giữa Áp-ra-ham với Y-sác thì sao? Bài học sâu xa chúng ta phải học trước mặt Chúa là chúng ta không thể để chính mình trực tiếp quan hệ với những gì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Đức Chúa Trời không cho phép chúng ta có một mối quan hệ trực tiếp với những điều ấy. Đạt được một điều gì bởi xác thịt là điều sai lầm, nhưng nắm lấy một điều đạt được bởi lời hứa với đôi tay xác thịt là điều cũng sai lầm y như vậy. Thật vậy, Y-sác do Đức Chúa Trời ban cho, nhưng còn mối quan hệ giữa Áp-ra-ham với Y-sác thì sao?
Trong vấn đề sinh Y-sác, Áp-ra-ham học biết rằng Đức Chúa Trời là Cha. Nhưng ông vẫn cần học thêm một điều nữa. Đức Chúa Trời là Cha trước khi Y-sác ra đời, nhưng Ngài có vẫn là Cha sau khi Y-sác ra đời không? Đó là tình trạng mà nhiều Cơ-đốc-nhân phải đối diện ngày hôm nay. Trước khi “những Y-sác” của họ ra đời, họ nhận biết rằng Đức Chúa Trời là Cha. Nhưng sau khi “những Y-sác” của họ ra đời, mắt họ hướng về “các Y-sác” ấy. Họ nghĩ rằng “những Y-sác” của mình sẽ hoàn thành lời hứa của Đức Chúa Trời, hoàn tất mục tiêu của Đức Chúa Trời, và đem đến công tác của Ngài. Họ nghĩ rằng mình phải quí trọng “các Y-sác” ấy, chăm sóc và nuôi dưỡng “các Y-sác”! Đức Chúa Trời bị bỏ sang một bên sau khi “các Y-sác” của họ ra đời. Tất cả tư tưởng của họ đều đặt nơi “các Y-sác”, và Đức Chúa Trời không là gì cả đối với họ. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng Đức Chúa Trời là Cha. Ngài không cho phép tư tưởng của chúng ta tập trung nơi “các Y-sác” của mình. Đức Chúa Trời là Cha. Ngài không thể bị thời gian giới hạn. Trước khi Y-sác ra đời, Đức Chúa Trời là Cha. Sau khi Y-sác ra đời, Ngài vẫn là Cha. Những lời hứa của Đức Chúa Trời hoàn thành hay không tùy thuộc vào Đức Chúa Trời chứ không tùy thuộc vào Y-sác.
Y-sác là một món quà từ Đức Chúa Trời. Trước mặt Chúa, điều nguy hiểm nhất của chúng ta là nằm tại đây. Trước khi nhận một món quà, tay chúng ta trống không; do đó, chúng ta có thể tương giao và thông công với Đức Chúa Trời. Nhưng sau khi nhận quà, tay chúng ta trở nên đầy dẫy, và chúng ta không tương giao hay thông công với Ngài nữa. Khi tay mình trống không, chúng ta tương giao cùng Đức Chúa Trời với đôi bàn tay trắng. Nhưng khi tay mình cầm lấy món quà, chúng ta trở nên thỏa mãn với món quà ấy trong tay, và ngừng tương giao với Ngài. Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta một bài học: Chúng ta nên đặt các món quà sang một bên và hoàn toàn sống trong Ngài. Trước khi xác thịt một người bị xử lý, người ấy luôn luôn sống theo quà tặng của Đức Chúa Trời và xao lãng chính Ngài. Nhưng đó là điều Đức Chúa Trời không bao giờ tán đồng.
Sinh ra Y-sác là một kinh nghiệm Áp-ra-ham đã có. Chúng ta có thể nói đó là một kinh nghiệm quí báu đối với ông. Nhưng Đức Chúa Trời không ban cho chúng ta một kinh nghiệm để chúng ta có thể ngồi ôm nó suốt đời. Chúng ta phải nhận biết rằng nguồn của chúng ta là Đức Chúa Trời, chứ không phải kinh nghiệm. Việc sinh ra Y-sác thật là một kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm tự nó không phải là Cha. Đó là một kinh nghiệm, nhưng không phải là nguồn. Nan đề là khi có được kinh nghiệm về Đấng Christ, chúng ta bám lấy kinh nghiệm ấy và quí trọng nó, nhưng đồng thời, chúng ta lại quên rằng Đức Chúa Trời là Cha. Đức Chúa Trời không cho phép điều này xảy ra. Ngài phải bày tỏ rằng chúng ta có thể buông bỏ kinh nghiệm của mình, nhưng không thể buông bỏ Đức Chúa Trời được. Chúng ta có thể không cần đến Y-sác, nhưng không thể phân rẽ khỏi Cha, dầu chỉ trong giây lát.
Điều này vẫn chưa đụng đến điểm then chốt của vấn đề. Dầu Y-sác tượng trưng cho ân tứ hay kinh nghiệm, áp dụng như vậy chỉ mới đụng đến sự sống thuộc xác thịt của chúng ta. Có một điều quan trọng khác: Y-sác tượng trưng cho ý muốn của Đức Chúa Trời mà Ngài đã phán với Áp-ra-ham. Nếu Y-sác chết đi, phải chăng điều đó có nghĩa là ý muốn của Đức Chúa Trời mà Ngài đã phán với Áp-ra-ham sẽ không hoàn thành? Vì Áp-ra-ham quan tâm rất nhiều đến ý muốn của Đức Chúa Trời, ông phải sử dụng tất cả năng lực của mình để nắm lấy Y-sác. Đó là trường hợp của nhiều Cơ-đốc-nhân. Chúng ta cần phải nhận thức rằng mình liên hệ đến chính Đức Chúa Trời. Chúng ta không liên hệ đến những điều Đức Chúa Trời sắp thực hiện. Chúng ta không liên hệ đến ý muốn mà Ngài đã phán. Chúng ta phải được đem đến chỗ bản ngã mình không còn tồn tại nữa. Chúng ta phải được giải cứu đến nỗi chỉ mong muốn Đức Chúa Trời mà thôi, chứ không phải là những điều Ngài muốn chúng ta làm. Chúng ta thường dùng bàn tay xác thịt để giữ gìn những điều Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm. Chúng ta nghĩ rằng bởi vì Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm một điều gì đó, nên mình phải hết sức cố gắng để hoàn thành điều ấy. Nhưng bài học Đức Chúa Trời thật sự đang dạy chúng ta là hãy bỏ ý riêng để rồi chúng ta sẽ làm những gì Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm và không làm những gì Ngài không muốn chúng ta làm.
Y-sác cũng tượng trưng cho công tác thuộc linh của chúng ta. Đức Chúa Trời có thể kêu gọi chúng ta tham gia vào một loại công tác thuộc linh nào đó. Tuy nhiên, có thể chúng ta không muốn làm. Chúng ta muốn Ích-ma-ên của mình, và rồi chúng ta có công tác riêng của mình. Một ngày kia, Đức Chúa Trời sẽ phán với chúng ta, và sau khi Ngài phán nhiều lần, chúng ta sẽ thấy mình không thể trốn thoát được nữa, và chúng ta sẽ nói: “Được rồi, con bằng lòng bỏ công việc của mình và mang lấy công việc của Ngài”. Nhưng có một mối nguy cơ thứ hai theo sau: Chúng ta có thể buông bỏ một công tác để rồi thấy mình bị một công tác khác bắt lấy. Trước khi có Y-sác, chúng ta nắm lấy Ích-ma-ên. Sau khi Y-sác đến, chúng ta nắm lấy Y-sác. Chúng ta không còn trực tiếp liên hệ với Đức Chúa Trời, nhưng thay vào đó, lại liên hệ với công tác. Chúng ta cứ nhất định làm việc mà không chịu đầu hàng. Chúng ta thay thế Đức Chúa Trời bằng những công tác thuộc linh. Vì vậy, Ngài cho phép công việc của chúng ta tàn lụi đi. Chúng ta có thể tranh luận với Đức Chúa Trời rằng: “Ngài bảo con làm điều này mà. Tại sao con lại bị kết thúc với thất bại như vậy?” Chúng ta phải nhận thức rằng Đức Chúa Trời cho phép công tác của chúng ta bị thất bại thảm thương vì Ngài không muốn chúng ta có một mối liên hệ trực tiếp nào với công tác. Nếu chúng ta thấy được điều này, bản ngã mình sẽ lìa khỏi.
Trước kia, xác thịt sanh ra Ích-ma-ên, chứ không phải Y-sác. Bây giờ, xác thịt nắm lấy Y-sác. Cả hai đều là xác thịt. Đức Chúa Trời muốn thử nghiệm Áp-ra-ham. Ngài muốn thấy Áp-ra-ham trực tiếp liên hệ với Y-sác hay trực tiếp liên hệ với Đức Chúa Trời. Đó là sự thử nghiệm mà Áp-ra-ham đã đối diện trên Núi Mô-ri-a.
Ngày nay chúng ta phải tự hỏi mình chính câu hỏi này. Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta vào công tác hầu việc Ngài. Ban đầu chúng ta không muốn, nhưng về sau chúng ta muốn, và dấn thân vào công việc Ngài. Chúng ta có yêu công tác ấy không? Chúng ta có miễn cưỡng buông công tác ra không? Chúng ta có đang nắm lấy công tác này với đôi tay của chính mình không? Nếu có, Đức Chúa Trời sẽ đến để xử lý chúng ta. Ngài muốn chúng ta nhận thức rằng chúng ta có thể hi sinh Y-sác, nhưng không thể hi sinh Đức Chúa Trời, vì chỉ có Ngài là Cha! Tuy nhiên, nhiều Cơ-đốc-nhân chỉ biết rằng họ cần công tác thuộc linh. Họ không biết mình cần Đức Chúa Trời. Nguyện Chúa đầy ân điển đối với chúng ta để chúng ta không trực tiếp liên hệ đến các công tác thuộc linh, nhưng trực tiếp liên hệ với Đức Chúa Trời, vì chỉ có Ngài là Cha!
Đức Chúa Trời Là Đức Chúa Trời Của Sự Phục Sinh
Vào thời điểm này, Áp-ra-ham đã đạt đến chỗ trưởng thành. Khi nghe Đức Chúa Trời muốn ông dâng Y-sác, ông không cảm thấy đó là một điều khó làm. Ông bảo đầy tớ mình: “Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia để thờ phượng, rồi sẽ trở lại với ngươi” (Sáng 22:5). Thậm chí ông không đề cập đến chữ sinh te. Đối với ông, đó là một sự thờ phượng! Không có gì quí báu hơn chính Đức Chúa Trời, cho dầu đó là công tác quan trọng nhất mà Ngài đã giao phó cho ông. Bất cứ khi nào Đức Chúa Trời muốn ông bỏ một điều gì, ông sẵn lòng bỏ nó. Mọi sự đều vì Đức Chúa Trời, và ông không tranh luận với Ngài.
Hê-bơ-rơ 11:19 cho chúng ta thấy khi Áp-ra-ham dâng Y-sác, ông biết Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Ông vâng theo mạng lịnh của Ngài để dâng Y-sác: “Người cũng ví như từ trong chỗ ấy mà được nhận lại con mình”. Sự thật là ông không giết Y-sác và Y-sác không chết, nhưng Hê-bơ-rơ 11:19 nói rằng: “Người cũng ví như từ trong chỗ ấy [tức là từ sự chết] mà được nhận lại con mình”. Ông cho rằng Đức Chúa Trời không những là Đức Chúa Trời của sự sáng tạo, mà còn là Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Ông tin rằng cho dầu con ông chết, Đức Chúa Trời sẽ làm cho nó sống lại. Ông biết Đức Chúa Trời là Cha, Đấng Khởi Đầu mọi sự, Đấng gọi những sự không có như có rồi và ban sự sống cho người chết. Ông biết rằng Đức Chúa Trời là Cha, ông tin Ngài và ngưỡng trông Ngài. Trong Sáng-thế Ký chương 15, Áp-ra-ham được xưng công chính bởi đức tin. Vì hành động này của đức tin, Đức Chúa Trời xưng công chính ông một lần nữa như trong Sáng-thế Ký chương 22. Gia-cơ 2:21-23 nói về vấn đề này. Vào thời điểm ấy, đối với Áp-ra-ham, mọi sự đều trực tiếp liên hệ đến Đức Chúa Trời, ông không liên hệ đến Y-sác một cách trực tiếp.
CHIẾC BÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC HOÀN THÀNH
Trước mặt Chúa, chúng ta phải nhận thức rằng ngay cả sứ mạng chúng ta đã nhận lãnh, công tác chúng ta đang làm, và ý muốn của Đức Chúa Trời mà chúng ta biết được đều phải bị buông bỏ. Có một sự khác biệt lớn lao giữa những gì thiên nhiên và những gì thuộc về sự phục sinh. Tất cả những gì chúng ta không muốn buông ra là thiên nhiên. Tất cả những gì đến từ sự phục sinh đều được Đức Chúa Trời giữ gìn, và chúng ta không thể nắm lấy chúng bằng bàn tay xác thịt. Chúng ta phải học cảm tạ Chúa vì đã kêu gọi chúng ta vào công tác của Ngài và cũng học cảm tạ Ngài vì Ngài kêu gọi chúng ta không làm việc. Chúng ta không trực tiếp liên hệ đến công tác của Đức Chúa Trời, nhưng đến chính Ngài. Mọi sự cần phải trải qua sự chết và sự phục sinh. Sự phục sinh là gì? Sự phục sinh là bất cứ những gì chúng ta không thể đặt tay mình lên và cũng không thể bám lấy. Đó là sự phục sinh. Những điều thiên nhiên là những gì chúng ta có thể nắm lấy, nhưng chúng ta không thể nắm lấy những gì ở trong sự phục sinh. Chúng ta phải thấy rằng mọi sự mình có đều thuộc về Đức Chúa Trời và bất cứ điều gì thuộc về Đức Chúa Trời đều không thể trở nên tài sản riêng của chúng ta. Chúng ta phải đặt nó vào trong tay Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban Y-sác cho Áp-ra-ham, nhưng Y-sác vẫn thuộc về Đức Chúa Trời. Y-sác không thuộc về Áp-ra-ham. Khi Áp-ra-ham đến điểm này, ông trở nên một chiếc bình đã được thành toàn.
Khi Áp-ra-ham đạt đến điểm này, Đức Chúa Trời phán: “Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con trai ngươi, tức con một ngươi, thì Ta lấy chính mình Ta mà thề rằng sẽ ban phước cho ngươi, tăng dòng dõi ngươi gấp bội nhiều như sao trên trời, như cát bờ biển, và dòng dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân địch. Bởi vì ngươi đã vâng theo lời Ta, nên các dân tộc trên đất đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước” (Sáng 22:16-18). Mục tiêu sau cùng mà vì đó Áp-ra-ham đã được kêu gọi từ ban đầu đã hoàn tất. Đức Chúa Trời đã kêu gọi Áp-ra-ham vì ba mục đích. Trước hết, Ngài muốn ban miền đất Ca-na-an cho Áp-ra-ham và dòng dõi ông. Thứ hai, Ngài muốn làm cho ông và dòng dõi ông thành dân của Đức Chúa Trời. Thứ ba, Ngài muốn ban phước cho mọi dân tộc trên đất qua ông. Áp-ra-ham đã được thử nghiệm về đất Ca-na-an và về dòng dõi mình. Ông trở thành chiếc bình của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời có thể nói: “Các dân tộc trên đất đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước”. Mục tiêu của Đức Chúa Trời bây giờ đã được hoàn thành.
Các ân tứ không tạo nên những chiếc bình và những người phụng sự của Đức Chúa Trời. Những chiếc bình và những người phụng sự của Đức Chúa Trời phải là những người ở trước mặt Chúa, đã trải qua sự xử lý của Ngài và có nhiều kinh nghiệm. Trong sự hầu việc Chúa, lầm lẫn lớn nhất của chúng ta là nghĩ rằng các công nhân hội-thánh được xây dựng trên nền tảng của kiến thức và ân tứ hay thậm chí trên sự khôn ngoan thiên nhiên. Nếu một người khôn lanh thiên nhiên và có một trí nhớ tốt, những người khác sẽ nói anh ấy thật giỏi và đầy hứa hẹn trong sự hầu việc Chúa. Họ sẽ nói anh ấy hữu dụng trong những vấn đề thuộc linh. Người ta nghĩ một chiếc bình “hữu dụng cho Chủ” khi người ấy khôn khéo, nhanh nhẹn, và có khẩu tài về mặt cấu tạo thiên nhiên, khi người ấy có thêm những giáo lý, thần học, và kiến thức Kinh-thánh, và khi người ấy có một lượng ân tứ thuộc linh và khẩu tài nào đó. Nhưng chúng ta phải thành thật nói rằng chiếc bình đầu tiên mà Đức Chúa Trời kêu gọi đã không trở nên chiếc bình nhờ những điều trên. Ông đã được đưa qua một con đường. Nhiều lần Đức Chúa Trời đã tỏ cho ông thấy ông yếu đuối, vô dụng và năng lực xác thịt của ông không đẹp lòng Ngài. Đức Chúa Trời xử lý ông từng bước một cho đến khi ông thật sự biết Đức Chúa Trời là Cha. Cuối cùng, ông dâng Y-sác cho Ngài. Vào thời điểm đó, ông đã trở nên một chiếc bình, và Đức Chúa Trời có thể nói: “Các dân tộc trên đất đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước”.
Đúng là có những mức độ khác nhau trong sự hầu việc Đức Chúa Trời, và chúng ta có thể hầu việc Ngài bất cứ ở nơi nào. Nhưng vấn đề đích thực là: “Chúng ta cần có loại phục vụ nào để làm Ngài thỏa lòng?” Những người làm thỏa lòng Đức Chúa Trời là những người biết thập tự giá về mặt tiêu cực và biết Đức Chúa Trời là Cha về mặt tích cực. Nếu chúng ta không hiểu biết như vậy trong khi hầu việc Chúa, sự hầu việc Chúa của chúng ta thiếu giá trị thuộc linh. Nguyện Chúa đầy ân điển đối với chúng ta để tỏ cho chúng ta biết rằng mọi sự Đức Chúa Trời đã làm với Áp-ra-ham là để bày tỏ chính Ngài là Cha và là Đấng Khởi Đầu mọi sự. Vì Áp-ra-ham biết Đức Chúa Trời là Cha, ông là người duy nhất trong cả Kinh-thánh được gọi là “cha”. Chỉ có những ai biết Đức Chúa Trời là Cha mới có thể làm cha. Những gì chúng ta biết về Đức Chúa Trời quyết định chúng ta là loại bình nào ở trước mặt Ngài. Đức Chúa Trời mà chúng ta biết sẽ quyết định chúng ta là loại bình nào. Nguyện Chúa giải cứu chúng ta khỏi văn tự và kiến thức chết. Chúng ta chỉ có thể là những chiếc bình và người phụng sự của Đức Chúa Trời theo sự hiểu biết của chúng ta về Ngài. Những chiếc bình và những người phụng sự của Đức Chúa Trời là những người biết Đức Chúa Trời.
Watchman Nee