BÀI BỐN MƯƠI MỐT
Sống Bởi Đức Tin
Trong toàn bộ lịch sử loài người, không hề có quyển sách nào tuyệt diệu bằng Kinh Thánh. Là Sách thứ nhất trong Kinh Thánh, Sáng Thế Ký không phải là một Sách giáo lý mà là một Sách lịch sử. Đây không phải là lịch sử theo cách con người nhưng theo cách rất thần thượng. Sáng Thế Ký dùng tiểu sử của một số thánh đồ thời xưa để cho chúng ta biết một điều gì đó hết sức thần thượng. Sự khải thị thần thượng được chứa đựng trong đời sống của những con người, trong những câu chuyện về con người, những con người trong Sáng Thế Ký. Trong bài này, chúng ta cần thấy sự khải thị thần thượng được tìm thấy trong kinh nghiệm sống bởi đức tin của Áp-ra-ham.
b. Sống Bởi Đức Tin
Trong các bài trước, chúng ta đã thấy rằng kinh nghiệm của những người được kêu gọi có ba phương diện: phương diện của Áp-ra-ham, của Y-sác và của Gia-cốp. Giai đoạn đầu của phương diện thứ nhất, phương diện của Áp-ra-ham, là việc Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời kêu gọi. Chúng ta đã đề cập đầy đủ về điểm này trong hai bài vừa qua. Bây giờ, chúng ta đến giai đoạn hai trong kinh nghiệm của Áp-ra-ham –sống bởi đức tin, hoặc có thể nói là một đời sống bởi đức tin. Khi nói về đời sống bởi đức tin, chúng ta không có ý nói đến sự sống bề trong nhưng là đời sống bên ngoài, tức nếp sống hằng ngày, bước đi hằng ngày của những người được kêu gọi. Bước đi hằng ngày này không bởi mắt thấy mà bởi đức tin (2Cô. 5:7).
Lịch sử của Áp-ra-ham là một hạt giống. Toàn bộ tiểu sử của Áp-ra-ham là một hạt giống, không phải hạt giống giáo lý, mà là hạt giống về lịch sử chúng ta. Lịch sử của Áp-ra-ham là hạt giống về lịch sử chúng ta vì lịch sử chúng ta ra từ lịch sử của ông. Trong một ý nghĩa, chúng ta và Áp-ra-ham là một trong kinh nghiệm sự sống. Chúng ta, những người tin, là dòng dõi thật của Áp-ra-ham, và ông là cha thật của tất cả những người được Đức Chúa Trời kêu gọi. Khi đọc tiểu sử của ông, chúng ta cũng đang đọc tiểu sử của chính mình. Lịch sử của ông nói về chúng ta. Khi đọc tất cả những chương trong Sáng Thế Ký về Áp-ra-ham, chúng ta phải đọc theo cách nhận thức rằng lịch sử của ông là câu chuyện của chúng ta.
Chúng ta cần thấy các bước mình phải trải qua khi theo Chúa. Bước thứ nhất là được kêu gọi, bước thứ hai là sống bởi đức tin. Anh em đã được kêu gọi chưa? Anh em phải nói cách mạnh mẽ rằng “A-men, tôi đã được kêu gọi”. Áp-ra-ham là người đầu tiên được kêu gọi, và như chúng ta đã thấy, ông đã không đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cách dứt khoát nhưng rề rà. Tiểu sử của chúng ta cũng vậy. Việc chúng ta đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cũng giống như ông. Theo nguyên tắc, hạt giống thì ở mức độ nhỏ, sự tăng trưởng ở mức độ lớn hơn và mùa gặt ở mức độ lớn nhất. Chúng ta thấy rằng khi Áp-ra-ham lìa bỏ Cha-ran, ông đã dẫn Lót theo. Anh em không đem một Lót theo sao? Nếu Áp-ra-ham, là hạt giống, đã đem Lót theo thì có lẽ mỗi chúng ta cũng đem nhiều Lót theo. Tôi e rằng một số anh em đang đọc bài này đã đem theo mình hơn mười ông Lót. Bởi điều này, chúng ta thấy rằng lịch sử chúng ta được tìm thấy trong tiểu sử của Áp-ra-ham.
Dù Áp-ra-ham có rề rà bao nhiêu, Đức Chúa Trời vẫn tể trị. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham không những được kêu gọi mà còn bị bắt lấy. Ông đã ra khỏi quê hương, thân tộc, nhà cha mình, và được đem đến Mô-rê, nơi Đức Chúa Trời muốn ông ở và là nơi Ngài đã tái hiện ra với ông (12:6-7). Sự tái hiện ra của Đức Chúa Trời là một dấu ấn cho việc Áp-ra-ham đáp ứng sự kêu gọi của Ngài. Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời thật dứt khoát nhưng sự đáp ứng của Áp-ra-ham thì không. Tuy nhiên, cuối cùng, Đức Chúa Trời đã nhận được sự đáp ứng đầy đủ đối với sự kêu gọi của Ngài. Tôi không quan tâm đến việc các anh chị em trẻ lề mề bao nhiêu. Sớm muộn gì họ cũng được [Chúa] hoàn toàn thu hút. Các công nhân Cơ-đốc và những anh em dẫn dắt phải có đức tin để đừng bao giờ thất vọng về các anh chị em. Đừng bao giờ cảm thấy rằng một anh em nào đó là vô vọng. Đúng ra, chúng ta phải nói rằng có nhiều hy vọng với anh em đó. Chỉ chờ một thời gian, anh em sẽ thấy mọi người đều đến Mô-rê.
1) Sức Mạnh –Sự Hiện Ra Của Đức Chúa Trời
Tại Mô-rê, Đức Chúa Trời lại hiện ra với Áp-ra-ham và ông gặp Ngài một lần nữa (12:6). Nếu nói rằng anh em đã được kêu gọi, tôi xin hỏi câu này: Điều gì là dấu ấn về sự kêu gọi của anh em? Đó là sự hiện ra nhiều lần của Đức Chúa Trời. Sự hiện ra nhiều lần của Đức Chúa Trời, việc Ngài lại đến với chúng ta, là dấu ấn của việc chúng ta đáp ứng sự kêu gọi của Ngài. Việc Đức Chúa Trời lại hiện ra với Áp-ra-ham là sức mạnh để làm cho ông có thể sống bởi đức tin.
Nếu đọc lời ký thuật trong Sáng Thế Ký, anh em sẽ thấy vào thời của Áp-ra-ham, loài người sống theo cách xây một thành kiên cố để bảo vệ và dựng lên một tháp cao để làm rạng danh mình. Đó là cách sống của loài người tại Ba-bên. Nhưng Áp-ra-ham đã sống theo cách hoàn toàn khác. Nếp sống của ông là một chứng cớ chống lại cách sống của loài người, chống lại lối sống đã phát triển đầy đủ tại Ba-bên. Như chúng ta thấy trong bài 36, tại Ba-bên, con người đã xây một thành rất lớn. Thành này không được xây bằng đá do Đức Chúa Trời tạo nên mà bằng gạch do con người làm ra. Những gạch này được làm ra bằng cách giết chết yếu tố phát triển sự sống trong đất. Nhưng Áp-ra-ham, người được kêu gọi, đã không sống theo cách ấy. Với Áp-ra-ham, không có thành và không có tháp. Sau khi Đức Chúa Trời lại hiện ra như một dấu ấn cho sự đáp ứng của Áp-ra-ham đối với sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, thì Áp-ra-ham lập tức dựng một bàn thờ không phải để ông rạng danh nhưng để kêu cầu danh Chúa. Tại sao Áp-ra-ham làm điều này? Vì ông có sự hiện ra của Đức Chúa Trời một lần nữa. Làm thế nào ông có thể làm điều này? Cũng bởi sự tái hiện ra của Ngài. Xin nhớ rằng lời ký thuật trong Sáng Thế Ký về Áp-ra-ham là một tiểu sử, chứ không phải giáo lý, tôn giáo hay truyền thống. Áp-ra-ham không dựng bàn thờ vì sự dạy dỗ hay truyền thống tôn giáo. Ông dựng bàn thờ vì Đức Chúa Trời đã tái hiện ra với ông. Sự tái hiện ra của Đức Chúa Trời là mọi sự cho ông. Nó không những ấn chứng việc Áp-ra-ham đáp ứng sự kêu gọi của Ngài mà còn làm ông mạnh mẽ để sống theo cách hoàn toàn khác với cách của nhân loại [thời đó]. Điều đó khiến ông sống như một chứng cớ chống lại thời đại đó. Bàn thờ Áp-ra-ham đã dựng là một chứng cớ chống lại tháp Ba-bên.
a) Sau Khi Đến Ca-na-an
Bây giờ, chúng ta cần khám phá Áp-ra-ham đã kinh nghiệm sự tái hiện ra của Đức Chúa Trời vào thời điểm nào. Đức Chúa Trời của chúng ta không bao giờ làm điều gì mà không có mục đích và Ngài không bao giờ hành động cách vô nghĩa. Mọi việc Ngài làm đều có mục đích và đầy ý nghĩa. Sau khi đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, tin và vâng phục Ngài, Áp-ra-ham đến cây dẻ bộp của Mô-rê (12:6-7). Khi ông đến đó, Đức Chúa Trời tái hiện ra với ông vì ông đã tin sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và vâng theo. Là một người tin và vâng theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham đã không chọn nơi mình muốn ở. Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham lần thứ hai tại Cha-ran, và tại đó, ông đã vượt sông, bắt đầu một cuộc hành trình dài. Trong cuộc hành trình này, ông đã không có sự chọn lựa riêng. Hê-bơ-rơ 11:8 nói rằng Áp-ra-ham không biết mình sẽ đi đâu. Ông không có bản đồ chỉ đường trong tay. Bản đồ của ông là một Thân Vị sống, Đức Chúa Trời Hằng Sống. Trong cuộc hành trình, ông phải liên tục ngửa trông Chúa, ông không thể dừng lại bất cứ nơi nào mình muốn. Khi ông đi, sự hiện diện của Đức Chúa Trời là hướng đi, là bản đồ cho ông. Với cách đó, ông đã đi theo Đức Chúa Trời cho đến khi dừng chân tại Mô-rê. Tại Mô-rê, Đức Chúa Trời hiện ra với ông. Sự hiện ra của Đức Chúa Trời tại Mô-rê ngụ ý rằng Áp-ra-ham đã đến nơi mà Ngài muốn ông đến. Tại đó, Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ ban cho dòng dõi ông miền đất này.
Việc Đức Chúa Trời hiện ra với chúng ta lần đầu tiên không hề tùy thuộc vào chúng ta. Chính Đức Chúa Trời là Đấng khởi xướng sự kêu gọi đó. Tuy nhiên, sau sự hiện ra lần đầu đó, mỗi sự hiện ra khác tùy thuộc vào tình trạng của chúng ta. Mặc dù sự hiện ra lần đầu tiên của Đức Chúa Trời do Ngài khởi xướng và không tùy thuộc vào chúng ta, nhưng những lần hiện ra về sau đều tùy thuộc vào tình trạng của chúng ta. Nếu Áp-ra-ham không đến Mô-rê, ông sẽ không có sự tái hiện ra của Đức Chúa Trời, sự tái hiện ra làm ông mạnh mẽ để tiến lên với Ngài. Sự tiến lên với Đức Chúa Trời là đời sống bởi đức tin của Áp-ra-ham nơi Đức Chúa Trời.
b) Sau Khi Phân Rẽ Lót
Lần hiện ra thứ hai của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham được ghi trong Sáng Thế Ký 13:14-17. Trong chương này, chúng ta thấy Áp-ra-ham gặp khó khăn với Lót. Trong xác thịt, Lót là cháu của Áp-ra-ham, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời, Lót là anh em với Áp-ra-ham. Mặc dù Lót gây khó khăn cho Áp-ra-ham, nhưng Áp-ra-ham đã không tranh đấu. Đúng ra, ông để cho Lót được lựa chọn. Sau khi Lót phân rẽ Áp-ra-ham, để ông lại một mình, Đức Chúa Trời lại hiện ra với Áp-ra-ham. Sự hiện ra này do sự kiện Áp-ra-ham đã không tranh giành, không chiến đấu cho chính mình nhưng dành toàn quyền lựa chọn cho anh em mình là Lót. Lần Đức Chúa Trời tái hiện ra này cũng làm mạnh mẽ đời sống bởi đức tin của Áp-ra-ham.
Sau khi được Đức Chúa Trời kêu gọi, chúng ta cần sống bởi đức tin. Đây là nhu cầu của chúng ta ngày nay. Nếu đã được Đức Chúa Trời kêu gọi, anh em phải sống bởi đức tin. Trong Kinh Thánh, đức tin tương phản với mắt thấy. Nếu đã được Đức Chúa Trời kêu gọi, anh em phải sống bởi đức tin, không bởi mắt thấy. Hãy xem thế giới ngày nay: chắc chắn rằng đó là mùa gặt của đời sống con người đã gieo tại Ba-bên. Một hạt giống đã gieo ra tại Ba-bên và thế giới ngày nay là mùa gặt lớn của hạt giống đó. Người ta đang xây những thành phố lớn để sống và dựng lên những tháp cao để lưu danh. Đây là tình trạng trên khắp đất. Nhưng chúng ta đã được kêu gọi. Chúng ta nên làm gì? Chúng ta phải sống bởi đức tin. Sống bởi đức tin có nghĩa gì? Nghĩa là sống bằng cách tin cậy Đức Chúa Trời về mọi sự. Áp-ra-ham đã không tuyên bố rằng ông sống bởi đức tin, cũng không rao giảng việc sống bởi đức tin. Ông đã đơn giản sống bởi đức tin. Bây giờ, chúng ta cần thấy Áp-ra-ham đã sống bởi đức tin bằng cách nào.
2) Ý Nghĩa –Bàn Thờ
a) Bàn Thờ Thứ Nhất
Sau khi đến Mô-rê và sau khi Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông, Áp-ra-ham đã dựng một bàn thờ (12:7). Đây là bàn thờ đầu tiên mà Áp-ra-ham đã lập. Để sống bởi đức tin, trước hết, chúng ta phải dựng một bàn thờ. Trong Kinh Thánh, bàn thờ có nghĩa là chúng ta dành tất cả cho Đức Chúa Trời và phụng sự Ngài. Lập một bàn thờ có nghĩa là dâng mọi điều chúng ta là và có cho Đức Chúa Trời. Chúng ta cần đặt tất cả những gì chúng ta là và tất cả những gì chúng ta có trên bàn thờ. Trước khi chúng ta làm bất cứ điều gì cho Đức Chúa Trời, Ngài sẽ phán: “Con ơi, đừng làm bất cứ điều gì cho Ta. Ta muốn con. Ta muốn con đặt tất cả những gì con là và có trên bàn thờ cho Ta”. Đây là sự tương giao thật, sự thờ phượng thật. Sự thờ phượng thật của những người được kêu gọi là đặt tất cả những gì chúng ta là và có trên bàn thờ.
Theo quan điểm con người, người ta sẽ nói rằng chúng ta ngu dại khi làm điều này. Họ sẽ kết án chúng ta là phí thì giờ, phí cuộc đời mình. Nếu ở vào thời Áp-ra-ham, họ sẽ nói: “Áp-ra-ham ơi, ông làm gì vậy? Ông có cuồng không? Tại sao ông xây một bàn thờ thấp bé như vậy rồi đặt mọi điều trên đó và đốt đi? Đó không phải là ngu dại sao?” Là những người được kêu gọi, bất kỳ điều gì chúng ta làm sẽ là ngu dại dưới mắt của người thế gian. Nhiều người thân của chúng ta sẽ nói rằng chúng ta thật ngu dại vì cứ thường hay đi nhóm, họ thắc mắc không biết tại sao chúng ta không ở nhà xem ti-vi với gia đình. Người thế gian không hiểu vì sao chúng ta đi nhóm nhiều lần trong tuần. Họ nghĩ là chúng ta cuồng. Họ nói: “Các anh làm gì trong căn nhà nhỏ đó? Tại sao các anh đến đó Thứ Tư, Thứ Sáu, Thứ Bảy rồi hai lần trong ngày Chúa Nhật và thậm chí đôi khi cả Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Năm nữa? Các anh là những người cuồng phải không?” Đúng vậy, theo ngươi thế gian, chúng ta cuồng. Sự hiện ra của Đức Chúa Trời làm chúng ta cuồng.
Bàn thờ có nghĩa là chúng ta không nắm giữ điều gì cho chính mình. Bàn thờ có nghĩa là chúng ta nhận thức rằng chúng ta đang hiện hữu trên đất là vì Đức Chúa Trời. Bàn thờ có nghĩa là đời sống chúng ta dành cho Đức Chúa Trời, rằng Đức Chúa Trời là sự sống của chúng ta, rằng ý nghĩa của đời sống chúng ta là Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta đã đặt mọi sự trên bàn thờ. Chúng ta không ở đây để làm nổi danh mình nhưng đặt mọi sự trên bàn thờ vì danh Ngài.
Nếu xét lại kinh nghiệm, anh em sẽ thấy rằng ngay sau khi được kêu gọi, Đức Chúa Trời lại hiện ra với anh em một lần nữa và anh em nói “Chúa ơi, từ bây giờ, mọi sự là của Ngài. Tất cả những gì con là, tất cả những gì con có, tất cả những gì con có thể làm và sẽ làm đều vì Ngài”. Tôi vẫn còn nhớ những gì đã xảy ra vào buổi chiều tôi được cứu. Khi rời nhà thờ và dạo bước trên đường, tôi ngước mắt lên trời và nói: “Đức Chúa Trời ơi, từ hôm nay, mọi sự đều dành cho Ngài”. Đó là sự dâng hiến thật. Trong ý nghĩa thuộc linh, đó là lập bàn thờ. Tôi tin rằng nhiều người trong anh em đang đọc bài này đã có kinh nghiệm như vậy. Khi nhận được sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, chúng ta trở nên cuồng, không quan tâm đến điều gì sẽ xảy ra. Dầu lúc đó, chúng ta không biết điều đó nghĩa là gì, nhưng chúng ta hứa với Chúa rằng mọi sự chúng ta có đều dành cho Ngài. Khi tôi nói với Chúa điều này trên đường, tôi không biết nó có liên hệ đến điều gì. Vài năm sau, khi tôi gặp một số rắc rối, Chúa đã phán trong tôi: “Con không nhớ những gì con đã nói vào buổi chiều đó, khi đi trên phố sao? Con đã nói: ‘Ôi Chúa, từ nay mọi sự đều vì Ngài’ sao?” Khi ký hợp đồng, tôi không biết hợp đồng đó liên quan đến những gì. Nhưng ăn năn thì quá trễ vì hợp đồng đã ký rồi. Nói với Chúa mọi sự đều dành cho Ngài là thực sự dựng một bàn thờ. Tất cả chúng ta có thể làm chứng rằng khi nói với Chúa mọi sự là dành cho Ngài, thì có một cảm nhận ngọt ngào và một sự tương giao thân mật biết bao. Lúc đó, chúng ta vào trong chính Chúa cách sâu xa.
Mặc dù có thể nói với Chúa rằng mọi sự chúng ta là và có đều dành cho Ngài, nhưng vài ngày sau, chúng ta có thể quên. Nhưng Đấng đã kêu gọi chúng ta sẽ không bao giờ quên. Ngài có một trí nhớ tuyệt hảo. Thường thì Ngài sẽ đến và nhắc chúng ta những gì chúng ta đã nói với Ngài. Ngài có thể nhắc: “Con không nhớ ngày đó con đã nói gì với Ta sao?” Đây không phải là giáo lý mà là một kinh nghiệm thật. Nếu đã được kêu gọi, anh em không phải là ngoại lệ. Hễ khi anh em được kêu gọi thì tôi hoàn toàn tin chắc rằng anh em có loại kinh nghiệm này. Chúa đã tái hiện ra với anh em, và lúc Ngài hiện ra đó, anh em trở nên cuồng, hứa dâng mọi sự cho Ngài mà chẳng quan tâm đến lời hứa đó có liên hệ đến những gì. Anh em đơn sơ dâng mình cho Ngài. Anh em đã không nhận thức ý nghĩa của điều mình đã hứa. Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì chúng ta không sáng tỏ về điều này khi chúng ta hứa nguyện. Chúng ta không nhận thức rằng kết quả của việc nói một câu ngắn ngủi đó đã khiến chúng ta bị ràng buộc với Đức Chúa Trời nhiều như thế nào. Chúng ta bị ràng buộc bởi câu nói đó. Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng kêu gọi còn chúng ta là những người được gọi. Tất cả là của Ngài. Dù muốn cuồng vì Ngài, nhưng trong chính mình, chúng ta cũng không có động cơ để làm như vậy. Nhưng một khi Ngài hiện ra với chúng ta, chúng ta sẽ cuồng và nói: “Chúa ơi, mọi sự là của Ngài. Hãy nhận nó. Chúa ơi, hãy làm điều Ngài muốn. Con dâng mọi sự cho Ngài”. Giây phút dâng mình cho Chúa như vậy giống như một giấc mơ. Sau đó, chúng ta tỉnh lại và nhận thức điều đó ràng buộc mình là thể nào.
Vào những ngày đầu của chức vụ, tôi có gánh nặng giúp cho nhiều người dâng mình. Dù đã dạy nhiều về sự dâng mình nhưng tôi không thấy kết quả nhiều. Sự dạy dỗ của tôi không hiệu quả bao nhiêu. Cuối cùng, tôi học biết rằng anh em không thể giúp người khác dâng mình bằng sự dạy dỗ. Dạy dỗ không làm cho người khác dâng mình cho Chúa; chính sự hiện ra của Chúa mới thúc đẩy họ làm điều này. Nếu có thể giúp người khác gặp Chúa và bước vào hiện diện Ngài, điều đó là đủ. Chúng ta không cần bảo họ dâng mình cho Đức Chúa Trời hay dâng mọi sự cho Chúa trên bàn thờ. Một khi Đức Chúa Trời hiện ra với người nào, không gì có thể ngăn họ dâng mình. Ngay lập tức và tự động, họ sẽ thưa: “Chúa ơi, mọi sự là của Ngài. Từ nay về sau, mọi sự là dành cho Ngài”. Anh em không có loại kinh nghiệm này sao? Anh em không đặt mọi sự mình là và có trên bàn thờ vì Đức Chúa Trời và mục đích của Ngài sao?
b) Bàn Thờ Thứ Hai
Sau khi xây một bàn thờ cho Chúa tại Mô-rê, Áp-ra-ham đã đi khắp xứ. Đức Chúa Trời không ban cho ông một miếng đất nhỏ mà là một miền đất rộng lớn. Trong các cuộc hành trình, Áp-ra-ham đã đến một nơi giữa Bê-tên và A-hi. Bê-tên ở phía tây còn A-hi ở phía đông. Giữa Bê-tên và A-hi, Áp-ra-ham đã xây một bàn thờ khác (12:8; 13:3-4). Bê-tên có nghĩa là Nhà của Đức Chúa Trời; và A-hi có nghĩa là đống đổ nát. Bê-tên và A-hi đối lập nhau. Sự đối lập này có ý nghĩa gì? Nghĩa là trong cách nhìn của những người được kêu gọi, chỉ Nhà của Đức Chúa Trời là có giá trị; mọi sự khác chỉ là đống đổ nát. Ngày nay, với chúng ta, nguyên tắc này cũng vậy. Một mặt, chúng ta có Bê-tên, Nhà của Đức Chúa Trời, nếp sống Hội Thánh. Trái với điều này là đống đổ nát. Mọi sự nghịch lại với nếp sống Hội Thánh chỉ là đống đổ nát. Trong cách nhìn của những người được Đức Chúa Trời kêu gọi, mọi sự khác hơn nếp sống Hội Thánh là đống đổ nát vì họ nhìn tình hình thế giới theo cách nhìn của Đức Chúa Trời. Cách nhìn này hoàn toàn khác với quan điểm của thế giới. Theo quan điểm của thế giới, mọi sự trong thế giới thật cao trọng, tốt đẹp và tuyệt diệu; nhưng trong cách nhìn của những người được kêu gọi, mọi sự nghịch lại với Nhà của Đức Chúa Trời là một đống đổ nát.
Trước hết, chúng ta dâng mình tại Mô-rê. Sau đó, chúng ta dâng mình tại nơi nằm giữa nếp sống Hội Thánh và đống đổ nát. Đối với chúng ta, chỉ Nhà của Đức Chúa Trời là có giá trị. Mọi sự khác đều là đống đổ nát. Giữa Nhà của Đức Chúa Trời và đống đổ nát, chúng ta xây một bàn thờ để có thể tương giao, thờ phượng và hầu việc Đức Chúa Trời.
c) Bàn Thờ Thứ Ba
Áp-ra-ham đã xây bàn thờ thứ ba tại Mam-rê thuộc Hếp-rôn (13:18). Mam-rê có nghĩa là sức mạnh, và Hếp-rôn có nghĩa là thông công, tương giao hay tình bạn. Theo Sáng Thế Ký 18:1, tại Mam-rê, Đức Chúa Trời đã đến thăm Áp-ra-ham. Trong cuộc viếng thăm đó, Đức Chúa Trời không chỉ hiện ra với ông mà còn ở với ông khá lâu, thậm chí dùng bữa với ông nữa. Chúng ta sẽ biết điều này nhiều hơn khi đến chương đó. Mặc dầu cả Mô-rê và địa điểm giữa Bê-tên và A-hi đều tốt, nhưng để có sự tương giao liên tục với Chúa, Áp-ra-ham đã không ở nơi nào trong hai nơi đó. Nơi Áp-ra-ham ở để có sự tương giao liên tục với Chúa là Mam-rê thuộc Hếp-rôn.
Tất cả chúng ta cần duy trì sự tương giao liên tục với Chúa. Điều này không xảy ra ngẫu nhiên hay bất thường mà phải liên tục. Có lẽ vài năm trước, anh em đã xây một bàn thờ cho Chúa. Điều này tốt nhưng từ đó đến nay, có gì xảy ra? Anh em có thể nói mình đã xây một bàn thờ cách đây 2 năm, nhưng hôm nay thì sao? Nhiều người trong chúng ta đã có kinh nghiệm tại Mô-rê nhưng không có kinh nghiệm tại Mam-rê. Tôi tin rằng đời sống của Áp-ra-ham phần lớn đã trải qua tại Hếp-rôn, nơi ông có thể có sự tương giao liên tục với Chúa. Tại đó, tức Hếp-rôn, ông đã xây bàn thờ thứ ba. Tất cả chúng ta cần xây ít nhất ba bàn thờ –thứ nhất tại Mô-rê, thứ hai là giữa Bê-tên và A-hi, và thứ ba, tại Mam-rê thuộc Hếp-rôn. Chúng ta cần xây bàn thờ tại Mam-rê thuộc Hếp-rôn để có thể thờ phượng Đức Chúa Trời, hầu việc Ngài và có sự tương giao liên tục với Ngài. Đây là kinh nghiệm bàn thờ thứ ba, bàn thờ tại Hếp-rôn.
3) Sự Biểu Lộ –Lều Trại
a) Vì Mọi Điều Ông Có Đều Vì Đức Chúa Trời Và Ông Tin Cậy Ngài
Sau khi xây bàn thờ, Áp-ra-ham cũng dựng trại (12:7-8). Tại Ba-bên, trước hết người ta xây một thành, rồi sau đó, dựng một tháp. Nhưng Áp-ra-ham trước hết xây bàn thờ rồi sau đó dựng trại. Điều này có nghĩa là Áp-ra-ham vì Đức Chúa Trời. Điều đầu tiên ông làm là quan tâm đến sự thờ phượng và tương giao với Đức Chúa Trời. Điều thứ hai, ông quan tâm đến cuộc sống mình. Lều trại là vì cuộc sống của Áp-ra-ham. Ông không quan tâm đến đời sống mình trước nhứt mà là thứ yếu. Với Áp-ra-ham, điều chính yếu là dâng mọi sự cho Đức Chúa Trời, thờ phượng, hầu việc và tương giao với Đức Chúa Trời. Chỉ sau đó, ông mới dựng trại cho cuộc sống mình. Việc Áp-ra-ham ở trong trại ngụ ý rằng ông không thuộc về thế giới nhưng là một chứng cớ cho con người (Hê. 11:9).
b) Tại Nơi Chứng Cớ
Trước hết, Áp-ra-ham dựng trại ở giữa Bê-tên và A-hi (12:8; 13:3). Đó là nơi có Nhà của Đức Chúa Trời, và tại đó, ông đã bắt đầu làm chứng trong việc bày tỏ Đức Chúa Trời bằng cách tương giao với Ngài. Bàn thờ là khởi đầu chứng cớ của ông cho Đức Chúa Trời đối với thế giới, trong khi lều trại là làm trọn chứng cớ ấy cho Đức Chúa Trời đối với thế giới. Lều trại là hình ảnh thu nhỏ của Đền Tạm mà con cháu ông sẽ xây dựng trong đồng vắng và được gọi là “Đền Tạm Chứng Cớ” (Xuất. 38:21). Vì trại của ông được dựng gần Bê-tên, nên trong một ý nghĩa, lều trại đó được xem là Nhà của Đức Chúa Trời vì chứng cớ của Đức Chúa Trời trên đất.
c) Tại Chỗ Tương Giao
Sau đó, Áp-ra-ham dời trại mình đến Hếp-rôn, nghĩa là sự tương giao (13:18). Trại của ông trước hết là một chứng cớ cho Đức Chúa Trời đối với thế giới, sau đó trở nên trung tâm, nơi ông có sự tương giao với Đức Chúa Trời. Điều này được chứng minh mạnh mẽ bởi những gì xảy ra trong chương 18, khi Đức Chúa Trời đến ở với ông trong trại tại Mam-rê ở Hếp-rôn. Bởi Áp-ra-ham đã dựng trại nên Đức Chúa Trời có một nơi trên đất để có thể giao tiếp và tương giao với con người. Trại của ông đã đem Đức Chúa Trời từ trời xuống đất. Tất cả chúng ta, những người được kêu gọi của Đức Chúa Trời, phải dựng một trại. Một mặt, trại như vậy là một chứng cớ của Đức Chúa Trời đối với thế giới; mặt khác, đó là nơi tương giao với Đức Chúa Trời để đem Đức Chúa Trời từ trời xuống đất.
Đừng nghĩ rằng trại là một vấn đề nhỏ. Sau này, khi hậu tự của Áp-ra-ham được kêu gọi ra khỏi Ai-cập và đi vào đồng vắng, Đức Chúa Trời đã truyền cho họ dựng Lều Trại và bảo họ lập một Bàn Thờ trước Lều Trại đó (Xuất. 26:1; 27:1). Trong Xuất Ai-cập Ký, chúng ta thấy có Bàn Thờ với một lều trại, tức Đền Tạm. Đền Tạm đó là Nhà của Đức Chúa Trời trên đất. Trại của Áp-ra-ham cũng là Nhà của Đức Chúa Trời trên đất. Trong Sáng Thế Ký chương 18, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã đến và ở với Áp-ra-ham trong trại. Lúc đó, Áp-ra-ham là một thầy tế lễ dâng các sinh tế cho Đức Chúa Trời. Việc ông lập bàn thờ và dâng sinh tế cho Đức Chúa Trời chứng tỏ rằng ông đã thi hành chức năng như một thầy tế lễ. Ý định của Đức Chúa Trời là tất cả những người được kêu gọi của Ngài phải là thầy tế lễ. Chúng ta là những thầy tế lễ, không cần người khác dâng sinh tế thay cho mình. Chính chúng ta phải làm điều đó. Khi Áp-ra-ham dùng bữa với Đức Chúa Trời trong trại, ông là thầy tế lễ thượng phẩm, và phần bên trong trại là Nơi Chí Thánh. Đức Chúa Trời đã ở đó. Qua điều này, chúng ta có thể thấy lều trại của Áp-ra-ham là hình bóng về Đền Tạm được xây dựng bởi con cháu của ông trong đồng vắng làm nơi cư trú cho Đức Chúa Trời và cho các thầy tế lễ. Ở đây, trong Sáng Thế Ký, chúng ta thấy một thấy tế lễ có tên là Áp-ra-ham đã sống với Đức Chúa Trời trong trại của mình. Bên cạnh trại này có bàn thờ.
d) Hành Trình Bởi Đức Tin Như Trong Xứ Lạ
Đừng quên rằng lịch sử của Áp-ra-ham là lịch sử của chúng ta. Anh em không có trại là nơi anh em luôn có sự hiện diện của Chúa sao? Người thế gian không có một trại như vậy. Họ chỉ có thành lớn. Điều duy nhất người thế gian có thể thấy là thành lớn của họ. Họ nói “Hãy xem công ty của tôi. Hãy xem sự giáo dục của tôi, sự thành đạt của tôi. Hãy xem biết bao điều mà tôi có”. Nhưng chúng ta có thể nói với họ rằng: “Quý vị có mọi sự nhưng có một điều quý vị không có –đó là sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Quý vị không có trại, nhưng có thành Ba-bên. Tất cả những gì quý vị có là một phần của Ba-by-lôn Lớn”. Dù là thượng lưu hay hạ đẳng đều không có ý nghĩa nhiều. Vấn đề là, dù ở nơi nào, chúng ta cũng đều có trại với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Khi có trại với sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng ta có cảm nhận sâu xa bên trong rằng không gì ở trên đất là bền vững. Mọi sự là tạm bợ. Chúng ta đang hướng về sự đời đời. Ngân hàng, các tập đoàn, mọi sự thành đạt… đều là nhất thời và vô nghĩa. Chúng ta không có gì bền vững trên đất này. Tôi chỉ muốn có một trại với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Tôi muốn sống như vậy. Chúng ta có thể nói với người thế giới rằng “Thưa Tiến sĩ A, B gì đó, tôi không có nhiều như ông, nhưng tôi có một điều mà ông không có –đó là sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ngay bây giờ, tôi có sự hiện diện của Ngài trong trại của tôi. Xung quanh tôi là một trại, hình ảnh thu nhỏ của Giê-ru-sa-lem Mới. Có thể điều đó không là gì trong cách nhìn của ông, nhưng trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, nó có ý nghĩa rất lớn”. Đây là ý nghĩa của việc dựng trại.
Hễ khi nào chúng ta đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời tái hiện ra với chúng ta, rồi chúng ta dựng một bàn thờ cho Ngài, nói với Ngài rằng mọi sự chúng ta là và có đều dành cho Ngài, thì ngay lập tức, chúng ta sẽ dựng một trại. Tự phát, người ta sẽ thấy rằng đây là sự biểu lộ, lời tuyên bố rằng chúng ta không thuộc về thế giới này. Bởi dựng trại, chúng ta tuyên bố rằng mình thuộc về một xứ khác, không thuộc về xứ này; chúng ta đang tìm kiếm một nơi tốt hơn. Chúng ta không yêu xứ này, trái đất này, thế giới này. Chúng ta trông đợi để bước vào một xứ khác. Bởi đức tin, chúng ta đang kiều cư như trongmột xứ xa lạ (Hê. 11:9).
e) Trông Chờ Một Thành Có Các Nền Tảng
Hê-bơ-rơ 11:10 nói rằng Áp-ra-ham “trông đợi một thành có các nền tảng mà Đấng Kiến Trúc và Tạo Lập thành ấy là Đức Chúa Trời” (Bản Khôi Phục). Chắc chắn thành có các nền tảng này là Giê-ru-sa-lem Mới, có các nền tảng vững chắc do Đức Chúa Trời lập nền và xây dựng (Khải. 21:14,19-20). Đang khi Áp-ra-ham sống trong trại không có một nền tảng nào, ông vẫn tìm kiếm và trông đợi một thành có các nền tảng. Nhưng tôi không tin rằng Áp-ra-ham biết mình đang trông đợi Giê-ru-sa-lem Mới. Thậm chí nhiều Cơ-đốc nhân cũng không biết điều họ đang trông đợi là Giê-ru-sa-lem Mới. Nhưng chúng ta phải sáng tỏ rằng ngày nay, chúng ta đang sống trong trại là nếp sống Hội Thánh, trông đợi sự tổng kết chung cuộc là Giê-ru-sa-lem Mới, Thành của Đức Chúa Trời với các nền tảng.
f) Sống Trong Bóng Của Giê-ru-sa-lem Mới
Lều trại của Áp-ra-ham là một bức tranh thu nhỏ của Giê-ru-sa-lem Mới, mà sẽ là Đền Tạm sau cùng của Đức Chúa Trời trong vũ trụ (Khải. 21:2-3). Khi sống trong trại đó, Áp-ra-ham đang sống trong bóng của Giê-ru-sa-lem Mới. Khi sống ở đó với Đức Chúa Trời, ông đang trông đợi một thành mà cuối cùng sẽ là Giê-ru-sa-lem Mới. Giê-ru-sa-lem Mới, Đền Tạm Đời Đời, sẽ thay thế lều trại tạm thời mà Áp-ra-ham đã sống. Lều trại của Áp-ra-ham là hạt giống về nơi cư ngụ đời đời của Đức Chúa Trời. Hạt giống này phát triển thành Đền Tạm mà con cháu ông sẽ dựng lên trong đồng vắng (Xuất. 40), và mùa gặt sẽ là Giê-ru-sa-lem Mới, Đền Tạm của Đức Chúa Trời với con người. Đức Chúa Trời vẫn cần có hạt giống như vậy trong tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta cần là những người sống trong trại và tìm kiếm một quê hương tốt hơn, một quê hương mà trong đó sẽ có Đền Tạm Đời Đời, nơi Đức Chúa Trời và chúng ta, chúng ta và Đức Chúa Trời sẽ sống với nhau đời đời. Mối quan tâm của Áp-ra-ham là hoàn toàn được ở trong quê hương tốt hơn. Dù Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ cho ông và dòng dõi ông miền đất, nhưng Áp-ra-ham không quan tâm về điều đó. Ông đang tìm kiếm một quê hương khác, một thành có các nền tảng. Cuối cùng Kinh Thánh cho biết rằng quê hương tốt hơn này là Trời Mới Đất Mới, và thành có các nền tảng là Giê-ru-sa-lem Mới, nơi cư ngụ đời đời của Đức Chúa Trời và tất cả những người được kêu gọi.
Ngày nay, chúng ta đang lặp lại đời sống và lịch sử của Áp-ra-ham. Trước đây chỉ có một Áp-ra-ham, nhưng ngày nay thì có nhiều. Nếp sống Hội Thánh ngày nay là mùa gặt của đời sống và lịch sử của Áp-ra-ham. Đời sống bởi đức tin của Áp-ra-ham đang được lặp lại giữa vòng chúng ta ngày nay. Tất cả chúng ta ở đây đang xây một bàn thờ và dựng lều trại. Hãy nhìn xem nếp sống Hội Thánh: Chúng ta có một Bàn Thờ và một Đền Tạm Thật. Đây là bức tranh về Giê-ru-sa-lem Mới sắp đến, nơi chúng ta ở với Đức Chúa Trời đời đời.
Kinh Thánh kết thúc với một Lều Trại. Giê-ru-sa-lem Mới là Lều Trại Cuối Cùng, Đền Tạm Chung Cuộc trong vũ trụ. Có lẽ một ngày kia, Áp-ra-ham sẽ gặp Đức Chúa Trời trong Giê-ru-sa-lem Mới, và Đức Chúa Trời sẽ phán: “Hỡi Áp-ra-ham, ngươi không nhớ ngày nọ, chúng ta đã dùng bữa với nhau trong trại ngươi sao? Lều trại đó là bức tranh thu nhỏ của Đền Tạm Đời Đời này”. Lều trại của Áp-ra-ham là một hạt giống, phát triển trong Xuất Ai-cập Ký và được gặt hái trong Khải Thị 21. Về nguyên tắc, không có sự khác biệt nào giữa lều trại của Áp-ra-ham với Giê-ru-sa-lem Mới, Lều Trại Chung Cuộc. Nếu là Áp-ra-ham, được gặp Đức Chúa Trời trong Giê-ru-sa-lem Mới, tôi sẽ thưa: “Chúa ơi, con nhớ ngày xưa Ngài đã đến lều trại của con, bây giờ con đến Lều Trại của Ngài”.
BÀI BỐN MƯƠI HAI
Thử Thách Của Người Được Kêu Gọi
Trong bài này, chúng ta đến với kinh nghiệm của Áp-ra-ham về những thử thách. Chúng ta đã thấy Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham là như thế nào, và thể nào ông được mạnh mẽ bởi sự hiện ra của Ngài để đáp ứng sự kêu gọi đó. Chúng ta cũng thấy rằng, bởi sự hiện ra của Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham được đem đến chính nơi mà Đức Chúa Trời đã định cho ông. Đầu tiên, ông được đem đến Si-chem (12:6); sau đó, ông đến nơi ở giữa Bê-tên và A-hi, tức giữa Nhà Đức Chúa Trời và đống đổ nát (12:8). Nơi ở giữa Nhà Đức Chúa Trời và đống đổ nát là nơi cao và Áp-ra-ham lẽ ra nên cứ ở đó.
Tuy nhiên, thật bất ngờ, sau khi đạt đến một đỉnh cao như vậy trong kinh nghiệm về Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham lại tiếp tục cuộc hành trình đi xuống phía nam (12:9). Khi nghiên cứu chương này, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân vì sao Áp-ra-ham tiếp tục hành trình. Tại sao ông tiếp tục hành trình mà không cứ ở nơi giữa Nhà Đức Chúa Trời và đống đổ nát? Áp-ra-ham đã đạt được đỉnh cao, tức nơi mà Đức Chúa Trời đã định cho ông. Bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, lẽ ra ông cứ ở đó. Nhưng Áp-ra-ham đã hành trình xuống phía nam. Điều này nghĩa là ông đã đi xuống. Sau khi đạt đến đỉnh cao như vậy trong kinh nghiệm về Đức Chúa Trời, bất kỳ cuộc ra đi nào cũng sẽ là đi xuống. Tiếp tục hành trình là nguyên nhân thất bại của Áp-ra-ham.
Chúng ta đã thấy rằng ban đầu, Áp-ra-ham đã rề rà. Cuối cùng, ông đã chiến thắng, đi hết con đường đến Si-chem và sau đó đến chỗ gần Bê-tên. Điều đó thật kỳ diệu. Trong cả hai nơi này, ông đã dựng một bàn thờ, và tại nơi giữa Bê-tên và A-hi, ông cũng đã kêu cầu danh Chúa và dựng trại như một lời tuyên bố cho cả thế gian rằng ông là chứng cớ nghịch lại tình trạng của Ba-bên. Anh em không nghĩ rằng khi làm như vậy Áp-ra-ham đã đạt đến, đã chiếm được đỉnh cao trong kinh nghiệm của ông về Đức Chúa Trời sao?
Có lẽ anh em đang nghĩ rằng nếu là Áp-ra-ham, chắc chắn anh em sẽ ở lại đó. Nhưng chúng ta không nên nghĩ như vậy vì chúng ta là Áp-ra-ham ngày nay. Áp-ra-ham thời xưa là chính chúng ta. Như chúng tôi đã chỉ ra ở một chỗ khác, kinh nghiệm của Áp-ra-ham là hạt giống về kinh nghiệm của chúng ta. Lời ký thuật về Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký là tiểu sử của ông, nhưng đó là tự truyện của chúng ta. Anh em có thể nói: “Không phải, đó là tự truyện của Áp-ra-ham và là tiểu sử của tôi”. Nhưng lời ký thuật này là tự truyện chứ không phải tiểu sử của anh em, vì tiểu sử của Áp-ra-ham do Môi-se viết còn tiểu sử của anh em do chính anh em viết. Kinh nghiệm của Áp-ra-ham tương ứng với kinh nghiệm của chúng ta. Chúng ta và ông là một. Anh em không có thời gian kỳ diệu với Chúa, tức là những lúc anh em đạt đến đỉnh cao và reo mừng: “Ha-lê-lu-gia! Ở đây thật tốt biết bao! Không nơi nào tốt hơn nơi này. Đây là nơi tốt nhất để tôi ở” sao?. Anh em đã không nói như vậy sao? Nhưng điều gì đã xảy ra ngay ngày hôm sau? Anh em đã bắt đầu đi xuống. Mới đêm trước anh em nói: “Ha-lê-lu-gia! Đây là nơi cho tôi”, thế mà sáng hôm sau, anh em đã bắt đầu đi xuống biên giới Ai-cập. Điều này nghĩa là anh em đang đi đến một nơi rất gần với thế giới, gần với rạp chiếu bóng. Mới đêm trước anh em ở trên đỉnh cao trong xứ Ca-na-an, thế mà sáng hôm sau anh em đã xuống đến biên giới của thế giới. Điều này không xảy ra với anh em sao? Tôi hết sức vui mừng và ngạc nhiên khi nghe nhiều bạn trẻ cấp hai dâng những lời cầu nguyện kỳ diệu trong các buổi nhóm. Nhưng tôi cần nói thật với họ rằng tôi không tin. Sau khi cầu nguyện những lời tuyệt diệu như vậy trong buổi nhóm tối, thì sáng hôm sau anh em có thể đi xuống biên giới của những thú vui thế gian. Hôm nay anh em có thể nói: “Ha-lê-lu-gia! Đây là nơi tốt nhất cho tôi”, và ngày cuối tuần, anh em có thể đi đến rạp chiếu bóng. Xin nhớ rằng chúng ta là Áp-ra-ham hôm nay. Đạt đến đỉnh cao thì dễ nhưng cứ ở đó là không dễ. Không có nhiều chỗ trên đỉnh cao đó. Nếu chỉ di chuyển một chút, anh em sẽ rơi xuống dốc. Cứ ở vị trí được Đức Chúa Trời ấn định là điều rất khó. Đỉnh cao này được bao quanh bởi những hố và thật dễ để rớt xuống một trong những hố đó. Những người được kêu gọi thường không quay lại, nhưng lại dễ xuống Ai-cập. Áp-ra-ham không bao giờ trở lại xứ Canh-đê, nhưng đã đi xuống Ai-cập.
4) Thử Thách
Trong 12:9–13:18, chúng ta thấy sự thử thách của Áp-ra-ham. Từ thử thách không phải là một từ dễ chịu. Không ai thích trải qua thử thách. Anh em có thích gặp thử thách trong đời sống không? Dầu không ai thích bị thử thách, nhưng thử thách là những kinh nghiệm tốt. Không lâu sau khi Áp-ra-ham được kêu gọi và bắt đầu sống bởi đức tin, thử thách đã đến với ông. Đừng cầu nguyện: “Chúa ơi, Ngài rất tốt với con. Đừng để một thử thách nào xảy đến cho con”. Loại cầu nguyện như vậy sẽ thúc đẩy thử thách mau đến. Chúa sẽ đáp lời cầu nguyện của anh em theo cách ngược lại. Nếu anh em nói: “Chúa ơi, đừng sai bất kỳ thử thách nào đến với con”, thì Chúa sẽ đáp: “Ta sẽ khiến thử thách đến nhanh”. Tôi tin chắc không ai có thể nói rằng khi một người được Chúa kêu gọi, ngươi đó sẽ luôn vui hưởng những lúc thoải mái, vui vẻ. Không ai có thể nói như thế.
Đức Chúa Trời của chúng ta không những là Đức Chúa Trời của tình yêu mà còn là Đức Chúa Trời tể trị. Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng Tể Trị. Đức Chúa Trời của chúng ta không những là Đức Chúa Trời của tình yêu, Đức Chúa Trời của sự sáng và Đức Chúa Trời của sự sống mà còn là Đức Chúa Trời tể trị. Mọi sự ở dưới sự phân phát của Ngài. Ngài điều khiển toàn thế giới chỉ vì chúng ta. Tất cả chúng ta phải tin rằng Đức Chúa Trời điều khiển cả vũ trụ vì mỗi một người chúng ta. Anh em có thể nói: “Tôi thật nhỏ bé! Làm thể nào Đức Chúa Trời Tối Cao có thể điều khiển vũ trụ này chỉ vì tôi chứ?” Nhưng Ngài đang điều khiển vũ trụ chỉ vì anh em. Anh em phải tin điều này. Anh em không nhỏ đến nỗi Đức Chúa Trời không sắp xếp môi trường cho anh em một cách có tể trị. Anh em đủ lớn để Đức Chúa Trời có sự sắp xếp theo sự tể trị của Ngài. Tôi học được điều này từ kinh nghiệm. Cách đây năm mươi năm, tôi không thích câu chuyện Áp-ra-ham đi xuống Ai-cập. Đơn giản là tôi không vui với kinh nghiệm đó. Lúc đó, khi đọc một số bài giảng về kinh nghiệm đi xuống của Áp-ra-ham, tôi không hiểu và cảm thấy kinh nghiệm đó không tốt lắm. Thậm chí tôi đã chất vấn Đức Chúa Trời. Nhưng bây giờ sau nhiều năm kinh nghiệm, tôi rất vui mừng. Chúng ta cần nghe bài giảng về sự thử thách của Áp-ra-ham biết bao!
Đạt đến đỉnh cao trong kinh nghiệm với Đức Chúa Trời thì dễ, nhưng cứ ở đó thì không dễ. Hãy nhìn vào hoàn cảnh xung quanh anh em từ mọi phía. Nó được sắp đặt cách có tể trị trước khi anh em được sanh ra. Đức Chúa Trời là Đấng tể trị. Dù anh em có thể cho mình là một tạo vật nhỏ bé, nhưng đối với Đức Chúa Trời, anh em là người rất quan trọng. Trước khi tạo lập thế gian, Đức Chúa Trời đã sắp đặt mọi sự cho anh em. Thậm chí Ngài đã sắp đặt để bây giờ anh em đang đọc bài giảng này. Chúng ta đang ở dưới sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Đừng tìm cách trốn thoát. Nếu trốn đến một nơi nào đó, anh em sẽ thấy rằng nơi đó chính xác là nơi mà Đức Chúa Trời đã sắp đặt cho anh em. Khi về già, anh em sẽ quì xuống và nói: “Chúa ơi, con hoàn toàn được thuyết phục rằng Ngài đã sắp đặt mọi sự cho con trước buổi sáng thế”.
Sự thử thách của Áp-ra-ham là để ông học được một bài học. Tất cả chúng ta cần học một số bài học nào đó. Chúng ta không thể học những bài học đó từ cha mẹ hay từ các anh chị em có kinh nghiệm. Tất cả chúng ta phải học một số bài học về sự tể trị của Đức Chúa Trời.
a) Nạn Đói
Như chúng ta đã thấy, phương diện thứ hai trong kinh nghiệm của Áp-ra-ham là sống bởi đức tin. Ông phải sống bằng cách tin cậy Đức Chúa Trời cho những nhu cầu hằng ngày. Trong 12:10, chúng ta đọc thấy có một nạn đói lớn trong xứ. Nạn đói này là một thử nghiệm để xem liệu Áp-ra-ham có tin cậy Đức Chúa Trời trong vấn đề kiếm sống, trong vấn đề đời sống hằng ngày hay không.
Nếu xem xét 12:10-20, anh em sẽ thấy rằng trong hoàn cảnh đó, Áp-ra-ham yếu đuối và thấp hèn là thể nào. Ông đã không cứ ở trong vị trí được Đức Chúa Trời ấn định và đã đi xuống Ai-cập. Đàng sau Ca-na-an là Ba-bên, bên cạnh Ca-na-an là Ai-cập và gần với Ca-na-an là Sô-đôm. Áp-ra-ham đi dần về phía nam cho đến khi ông xuống Ai-cập. Như sẽ thấy, tại Ai-cập ông đã phạm tội nói dối. Có lẽ không ai trong chúng ta tin rằng Áp-ra-ham có thể yếu đuối và thấp hèn đến thế. Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông tại U-rơ, tại Cha-ran và Si-chem. Tại Si-chem, Đức Chúa Trời đã phán với Áp-ra-ham: “Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất này” (12:7). Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham cách rõ ràng rằng Ngài sẽ ban cho hậu tự ông nơi đó. Đức Chúa Trời, Đấng phán với Áp-ra-ham, là ai? Ngài là Đấng Sáng Tạo, Đấng sở hữu trời và đất. Chính Đức Chúa Trời như vậy đã hiện ra với Áp-ra-ham. Khi nạn đói xảy đến, lẽ ra Áp-ra-ham không nên có chút nghi ngờ, mà nên nói: “Tôi không quan tâm đến nạn đói vì tôi có Đức Chúa Trời Hằng Sống. Tôi không sợ thiếu lương thực vì Đấng đã kêu gọi tôi, đã đem tôi đến đây và đã tái hiện ra như một sự chứng thực cho cuộc hành trình của tôi, là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Tôi để lòng tin cậy Ngài và bây giờ tôi đang sống bằng cách tin cậy Ngài cho nhu cầu hằng ngày của tôi. Tôi không quan tâm đến việc có lương thực hay không”. Lẽ ra Áp-ra-ham nên cầu nguyện như vậy.
Tuy nhiên, Áp-ra-ham đã làm gì khi nạn đói xảy đến? Ông có cầu nguyện không? Ông có nói với vợ rằng: “Em yêu, chúng ta hãy cầu nguyện” không? Không, dường như Áp-ra-ham quên cả việc cầu nguyện. Khi thời kỳ thử nghiệm như vậy xảy đến, ông đã không cầu nguyện. Đừng cười Áp-ra-ham. Khi mọi sự diễn tiến tốt đẹp, anh em thấy thật dễ cầu nguyện. Nhưng khi nạn đói xảy đến, anh em quên mình là một Cơ-đốc nhân mà chỉ nhớ rằng anh em là một con người. Anh em quên Đức Chúa Trời Hằng Sống, Đấng đã hiện ra với anh em mà chỉ nhớ đến cái bụng của mình. Áp-ra-ham quan tâm đến cái bụng. Ông nhìn vào hoàn cảnh: trong xứ thì đói kém nhưng ở Ai-cập lại có đầy thực phẩm. Áp-ra-ham và vợ đã không nói với nhau nhiều. Lập tức, cả hai đồng ý đến Ai-cập. Tôi tin rằng ngay cả trước khi đưa ra quyết định, họ đã sẵn sàng đi xuống đó rồi. Cả chồng lẫn vợ đã quên Đức Chúa Trời. Họ đã không suy xét xem Đức Chúa Trời muốn họ đi đâu. Điều đó như thể họ không có Đức Chúa Trời vậy.
(1) Phạm Tội Bởi Nói Dối
Khi Áp-ra-ham và Sa-ra đến biên giới Ai-cập, ông nói với bà: “Điều sẽ xảy ra là khi dân Ai-cập thấy nàng, họ sẽ nói rằng đây là vợ hắn, họ sẽ giết ta nhưng để cho nàng sống” (12:12). Sợ người Ai-cập sẽ giết mình rồi cướp vợ, nên Áp-ra-ham đã không cầu nguyện với Đức Chúa Trời mà nài xin vợ rằng: “Ta xin hãy xưng nàng là em gái ta, hầu cho ta sẽ vì nàng mà được trọng đãi và giữ toàn mạng ta” (12:13). Áp-ra-ham và Sa-ra đã đồng ý với nhau rằng bà nên nói dối không phải là vợ ông. Áp-ra-ham sẵn sàng hi sinh vợ để cứu mạng sống mình. Dường như ông không có tiêu chuẩn đạo đức. Giữa vòng Cơ-đốc nhân, Áp-ra-ham đã được nhắc lên quá cao. Thực ra, ông không cao như thế. Nhiều người trong chúng ta sẽ không làm điều mà Áp-ra-ham đã làm. Nhưng Áp-ra-ham thấp hèn đến nỗi sẵn sàng hi sinh vợ, để người khác lấy bà làm vợ hầu cứu mạng sống mình. Thật xấu hổ làm sao! Anh em có tin một người được Đức Chúa Trời kêu gọi, tổ phụ của đức tin, lại có thể làm một việc như thế không? Bởi điều này, chúng ta thấy rằng Áp-ra-ham không cao hơn chúng ta. Tối đa là ông cũng giống như chúng ta. Vì cái bụng, ông sẵn sàng bán vợ, và Sa-ra đã thuận phục điều này. Chắc chắn bà là người vợ tốt nhất, tiêu chuẩn cho tất cả những người vợ. Bà thuận phục, nhận lấy lời chỉ bảo của Áp-ra-ham và đã không chê trách ông.
Trong vấn đề này, Áp-ra-ham là một tiên tri tốt vì những điều đã xảy ra tại Ai-cập chính xác như ông đã tiên đoán. Người Ai-cập đã đem vợ ông đến cung điện của Pha-ra-ôn (12:14-15). Trong một ý nghĩa, Áp-ra-ham đã bán vợ. Vì Sa-ra, Pha-ra-ôn đã cho Áp-ra-ham nhiều điều, tức chiên, bò, lạc đà, tôi trai và tớ gái (12:16). Áp-ra-ham trở nên giàu có. Tôi không thể hiểu làm thế nào Áp-ra-ham, khi thấy vợ bị đem đi, lại có thể bình an nhận lấy mọi điều này từ Pha-ra-ôn. Nhưng ông đã nhận lấy những điều đó. Ông chẳng kiêng ăn. Ông đã không nói: “Ôi, tôi không thể chấp nhận điều này. Tôi muốn Sa-ra!” Không, ông đã để Sa-ra đi. Tôi tin rằng Áp-ra-ham biết chắc vợ mình đã mất, bà ấy đã ra đi. Theo tính toán của ông, Sa-ra phải ra đi. Không ít thì nhiều, ông đã nhận bầy gia súc, bò và các người đầy tớ như một giá để cho Sa-ra ra đi.
(2) Được Đức Chúa Trời Gìn Giữ
Nhưng Đức Chúa Trời không để mặc Áp-ra-ham. Ngài đã hiện ra, không phải để xử lý Áp-ra-ham nhưng để xử lý Pha-ra-ôn. Câu 17 nói: “Song vì cớ Sa-rai, vợ Áp-ram, nên Đức Giê-hô-va hành phạt Pha-ra-ôn cùng nhà người bị tai họa lớn”. Kinh Thánh nói rằng những tai vạ lớn giáng trên Pha-ra-ôn và nhà người. Dầu điều này không được lời Kinh Thánh xác nhận nhưng tôi tin rằng từ khi Pha-ra-ôn lấy Sa-ra, ông lâm bệnh nặng, nặng đến nỗi gần chết. Chúng ta được bảo rằng những tai vạ lớn đã giáng trên ông và nhà ông. Đó là những tai vạ nào? Có phải cháy cung điện không? Tôi không tin như thế. Sau khi suy xét nhiều, tôi mạnh mẽ tin rằng những tai vạ này là những chứng bệnh nào đó xảy đến trên Pha-ra-ôn và trên mọi người trong nhà, ngoại trừ Sa-ra. Cả cung điện có lẽ đã nói về điều đang xảy ra, tự hỏi lý do nào khiến cho mọi người đều mắc bệnh, vì sao Pha-ra-ôn sắp chết và vì sao chỉ trừ một mình Sa-ra là không bệnh. Có lẽ họ nói: “Người đàn bà đó là ai? Tại sao bà ấy không mắc bệnh?” Có lẽ họ đã hỏi Sa-ra lý do. Khi thấy toàn bộ tình trạng đó, Sa-ra bắt đầu hiểu ra. Khi đó, bà nói với Pha-ra-ôn rằng bà là vợ của Áp-ra-ham. Tôi tin rằng đây là cách mà có lẽ đã xảy ra. Bàn tay của Đức Chúa Trời giáng trên Pha-ra-ôn vì cớ Sa-ra. Ngài đã đến để gìn giữ Áp-ra-ham và vợ ông.
Khi chúng ta, những người tin, có đức tin nơi Đức Chúa Trời, tất cả những người xung quanh sẽ nhận được lợi ích, nhưng khi chúng ta thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời, chúng ta có thể đem sự thiệt hại đến cho những người xung quanh. Đức Chúa Trời đã tể trị và Pha-ra-ôn phải đau khổ. Mặc dầu tôi không nói rằng Đức Chúa Trời lấy nhiều điều khỏi tay Pha-ra-ôn và ban cho Áp-ra-ham, nhưng thực tế thì có phần đúng như vậy. Cuối cùng, Áp-ra-ham đã không mất vợ nhưng thay vào đó có được nhiều của cải.
Trong khi ở Ai-cập, Áp-ra-ham đã kinh nghiệm ân điển gìn giữ của Đức Chúa Trời. Không có ân điển gìn giữ này, không ai trong chúng ta có thể cứ ở trong đỉnh cao của kinh nghiệm. Tất cả chúng ta đều cần ân điển gìn giữ. Đừng cậy vào kinh nghiệm –hãy tin cậy ân điển gìn giữ của Ngài. Về phương diện ân điển gìn giữ của Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham vẫn còn ở trên đỉnh cao ngay cả khi ông bán vợ tại Ai-cập. Dù ở trên đỉnh hay dưới đáy, ông luôn ở trong ân điển gìn giữ của Đức Chúa Trời. Trong một ý nghĩa rất tốt, Áp-ra-ham không hề đụng đến Ai-cập vì ân điển gìn giữ luôn luôn nâng đỡ ông. Dù có đi xuống Ai-cập, ông vẫn ở trong ân điển gìn giữ. Dù đã sa ngã, anh em vẫn ở trong ân điển gìn giữ và ân điển này sẽ đem anh em trở lại đỉnh cao. Ân điển gìn giữ có thể nói với Áp-ra-ham rằng: “Áp-ra-ham ơi, đừng hư hỏng nữa. Ngươi đã tạo cơ hội để Ta tỏ ra quyền tể trị của Ta, nhưng tốt hơn là ngươi hãy tin cậy Ta”.
(3) Học Bài Học Được Đức Chúa Trời Chăm Sóc Trong Mọi Sự
Và Mọi Sự Đều Ở Trong Tay Đức Chúa Trời
Bởi chỉ một kinh nghiệm này tại Ai-cập mà Áp-ra-ham đã học được rằng Đức Chúa Trời, Đấng kêu gọi ông, cũng đã chăm sóc ông, và mọi sự đều ở trong tay Ngài. Như chúng ta sẽ thấy, chương kế tiếp chứng tỏ rằng Áp-ra-ham đã học được bài học này. Qua kinh nghiệm này, Áp-ra-ham đã được rèn luyện để không những tin cậy Đức Chúa Trời mà còn biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng có thật và thành tín.
Anh em là người được kêu gọi của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ chăm sóc anh em dù anh em có tin, có nương cậy Ngài hay không. Nếu cứ ở trên đỉnh cao, Ngài sẽ nuôi dưỡng anh em. Nếu anh em rớt xuống đáy, Ngài sẽ nuôi dưỡng anh em càng hơn. Việc chúng ta cứ ở trên đỉnh hay rơi xuống đáy tùy thuộc vào chúng ta. Điều đó không tạo sự khác biệt gì cho Ngài vì dù chúng ta ở trên đỉnh hay rơi xuống đáy, Ngài vẫn chăm sóc chúng ta. Đây là câu chuyện của chúng ta và cũng là câu chuyện của Ap-ra-ham. Từ kinh nghiệm, tôi có thể làm chứng rằng Đức Chúa Trời có thật và thành tín. Cha chúng ta có thật và thành tín. Đấng đã gọi chúng ta có thật và thành tín. Bất kể kinh tế thế giới thịnh hay suy, Đức Chúa Trời vẫn đang chăm sóc chúng ta.
Chúng ta, những người được kêu gọi, có thể vui hưởng Đức Chúa Trời. Trong khi chúng ta có thể đang bán vợ, thì Đức Chúa Trời vẫn chăm sóc chúng ta. Trong khi chúng ta đang hoạch định bán vợ để cứu mạng sống mình, Đức Chúa Trời cũng đang hoạch định cách để gìn giữ vợ chúng ta, để chúng ta có được nhiều điều và để đem chúng ta trở lại nơi của Ngài với toàn bộ của cải mà chúng ta đã thu được. Lần đầu tiên khi đọc câu chuyện này, tôi không đồng ý. Nhưng cuối cùng, tôi thích thú vì Đấng kêu gọi chúng ta hết sức tốt lành. Khi Áp-ra-ham đang dự tính bán vợ, thì Đức Chúa Trời đang chuẩn bị chúc phước cho ông, gìn giữ mạng sống ông và ban cho ông nhiều của cải. Nếu là Áp-ra-ham lúc đó, hẳn tôi sẽ nói: “Đức Chúa Trời ơi, con có thể nói gì? Con chẳng còn mặt mũi nào để nói gì với Ngài”. Nếu là Áp-ra-ham và nhìn thấy vợ mình, bầy gia súc và các người đầy tớ, hẳn tôi chẳng còn mặt mũi nào để nói: “Cha ơi, cám ơn Ngài”. Hẳn tôi sẽ nói với Sa-ra: “Em yêu, chúng ta hãy trở lại. Các người đầy tớ có muốn đi với chúng ta hay không không thành vấn đề. Anh không xứng đáng với một thứ nào trong những của cải này mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, và anh cảm thấy xấu hổ nếu hưởng những điều đó. Anh không xứng đáng, nhưng Đức Chúa Trời đã cho không. Sa-ra ơi, khi anh đang bán em, Đức Chúa Trời ban toàn bộ điều này cho chúng ta. Em có thể nói điều này tốt, nhưng anh cảm thấy xấu hổ. Sa-ra à, em hãy cầu nguyện và cảm tạ Đức Chúa Trời thay cho anh. Anh không còn mặt mũi nào để cầu nguyện cho chính mình”. Tôi không tin điều này đã xảy ra với Áp-ra-ham.
Trong 13:1, chúng ta thấy Áp-ra-ham “đã đi lên, ra khỏi Ai-cập”. Ông đã trở lại chính nơi cao ấy, “đến nơi mà ông đã đóng trại lúc ban đầu, giữa Bê-tên và A-hi, là nơi mà ông đã lập bàn thờ đầu tiên: và cũng là nơi Ap-ram đã kêu cầu danh Chúa” (13:3-4). Áp-ra-ham đã trở về nơi ông đã lập bàn thờ và đã dựng trại. Khi Áp-ra-ham đang dự định bán vợ tại Ai-cập, không có bàn thờ, lều trại hay kêu cầu danh Chúa. Không có sự tuyên bố về chứng cớ nghịch lại Ba-bên. Khi ở trong Ai-cập, ông đã đánh mất tất cả những điều này. Nhưng Áp-ra-ham đã trở về với điều ban đầu, với nơi lập bàn thờ, và tại đó, ông đã khôi phục việc kêu cầu danh Chúa.
b) Sự Tranh Giành Của Anh Em
Sau khi trải qua kinh nghiệm ở chương 12, thật dễ để Áp-ra-ham hay chúng ta nói rằng: “Ngợi khen Chúa, con đã học được bài học!” Nhưng cần có một vài thử nghiệm để chứng tỏ chúng ta đã thực sự học được bài học đó hay không. Một thử nghiệm nữa là sự tranh giành của anh em (13:5-13). Áp-ra-ham đã trở nên giàu có do tìm cách bán vợ và sự giàu có này đã khiến ông gặp rắc rối. Ông đã trở nên quá giàu có. Lót cũng có được nhiều tài vật và xứ trở nên quá nhỏ không đủ cho cả hai. Trong 13:6, chúng ta được biết rằng: “Xứ đó không đủ chỗ cho họ ở chung vì tài vật rất nhiều đến nỗi không ở chung nhau được”. Vì thế, có sự tranh giành giữa bọn chăn chiên của Áp-ra-ham với bọn chăn chiên của Lót (13:7). Điều này trở thành một thử thách nữa cho Áp-ra-ham. Nhiều khi sự thử thách thứ hai xảy ra do những phước hạnh của thử thách thứ nhứt. Anh em có thể nói: “Ngợi khen Chúa! Khi đang ra khỏi Ai-cập, tôi không có mặt mũi nào để cám ơn Chúa, nhưng bây giờ sau ba tháng, tôi có thể ngợi khen Ngài vì sự tốt lành của Ngài đối với tôi. Ngài đã gìn giữ vợ tôi và đã ban cho tôi tất cả những tài vật này”. Nếu nói như vậy, chẳng bao lâu anh em có thể thấy chính mình gặp rắc rối, vì sự thử thách thứ hai sẽ đến từ phước hạnh của thử thách thứ nhứt. Đây là kinh nghiệm của chúng ta.
Chương 13 cho thấy Áp-ra-ham đã học được một bài học. Lần này ông không thất bại: Ông đang thắng thế vì ông đã học được bài học trong thử thách thứ nhứt. Nếu đọc cẩn thận, anh em sẽ thấy rằng trong trường hợp này, lỗi lầm không ở nơi Áp-ra-ham mà nơi Lót. Áp-ra-ham đã học được bài học không giành cho mình và không có sự lựa chọn cho chính mình nhưng tin cậy sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Ông biết rằng ông ở trong tay Đức Chúa Trời và dưới sự chăm sóc của Ngài. Trong chương 13, không có một dấu hiệu nào về bất kỳ loại thất bại nào về phía Áp-ra-ham. Ông hoàn toàn thành công. “Áp-ra-ham nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa. Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên tả, ta sẽ qua bên hữu; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả” (13:8-9). Áp-ra-ham dường như bảo Lót: “Này Lót, chúng ta là những anh em Hê-bơ-rơ, những người Hê-bơ-rơ duy nhất trong xứ này. Tất cả những người còn lại là dân Ngoại. Họ đang nhìn chúng ta. Giữa chúng ta không nên tranh giành vì điều đó là một sự xấu hổ cho Đức Chúa Trời, Đấng mà chúng ta tin cậy. Này cháu, hãy nhìn khắp xứ và chọn nơi nào cháu thích ở. Chú sẽ không tranh giành cũng không có sự chọn lựa nào”. Sâu xa bên trong, chắc chắn Áp-ra-ham tự nhủ: “Sự chọn lựa của ta là nơi Đức Chúa Trời. Ta đã học được bài học qua việc đi xuống Ai-cập. Bây giờ ta biết rằng ta đang ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời và rằng dưới sự cai trị của Ngài, mọi sự là của ta. Ta không cần chọn. Ta sẽ để Lót chọn”. Lót đã chọn lìa khỏi Áp-ra-ham và “dời trại mình đến Sô-đôm”, chẳng quan tâm đến sự độc ác của dân Sô-đôm (13:12-13).
Với Áp-ra-ham, ở lại mà không có Lót không phải là một điều nhỏ. Áp-ra-ham không có con. Lót, cháu ông, người bà con rất gần, giống như con của ông. Tôi tin rằng Áp-ra-ham đã đối xử với Lót như con. Vì thế, khi Lót đi khỏi, ông đã ở một mình. Nhưng tại thời điểm này, Đức Chúa Trời lại hiện ra với Áp-ra-ham. Trong xứ Ai-cập, Đức Chúa Trời đã dùng các tai vạ để xử lý Pha-ra-ôn, nhưng Ngài đã không hiện ra với Áp-ra-ham vì ông đang ở vị trí sai. Tại Ai-cập, Áp-ra-ham đã ở trong ân điển gìn giữ của Đức Chúa Trời, nhưng không có sự hiện ra của Ngài. Bây giờ trong chương 13, Áp-ra-ham không những ở trong ân điển gìn giữ của Đức Chúa Trời sau khi đã trở lại chỗ ban đầu, mà còn ở trong vị trí đúng đắn. Hơn nữa, ông đã không tranh đấu hay chọn cho mình điều gì. Với kết quả của kỷ luật đã trải qua tại Ai-cập, ông đã học được rằng tương lai và mọi sự của ông đều ở trong tay của Đức Chúa Trời và ông đang ở dưới sự chăm sóc của Ngài. Vì thế, Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông, và phán: “Hãy nhướng mắt lên, nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương bắc, phương nam, phương đông và phương tây: vì cả xứ nào ngươi thấy, Ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi đời đời” (13:14-15). Áp-ra-ham bảo Lót hãy chọn lấy xứ. Sau đó Đức Chúa Trời hiện ra, dường như Ngài phán với Áp-ra-ham: “Ta không để ngươi lựa chọn. Ta sẽ ban mọi điều tốt nhất cho ngươi. Hãy nhìn phương bắc, phương nam, phương đông và phương tây –tất cả là của ngươi. Ngươi đã ban cho Lót quyền lựa chọn. Bây giờ, Ta đang ban mọi sự cho ngươi”. Từ điều này, chúng ta phải học được rằng đừng bao giờ tranh đấu cho mình trong nếp sống Hội Thánh. Hãy để cho anh em mình có tất cả sự lựa chọn. Nếu để cho anh em mình quyền lựa chọn, Đức Chúa Trời sẽ đến và ban mọi điều quý nhất cho anh em.
Lần này trong sự hiện ra của Ngài, Đức Chúa Trời khẳng định lời hứa về miền đất tốt lành trong 12:7, và lời hứa về dòng dõi được thêm lên trong 12:2. Sự đắc thắng của chúng ta trên bất kỳ thử thách nào luôn luôn khẳng định những lời hứa của Đức Chúa Trời với chúng ta. Điều này đã xảy ra với Áp-ra-ham. Hơn nữa, sự đắc thắng của Áp-ra-ham trên thử thách này đã dẫn ông đến đỉnh cao của kinh nghiệm về Đức Chúa Trời. Ông đã dời trại đến ngụ tại Hếp-rôn (13:18) nơi ông ở trong suốt quãng đời còn lại trong mối tương giao với Đức Chúa Trời (18:1).
BÀI BỐN MƯƠI BA
Chiến Thắng Của Người Được Kêu Gọi
5) Chiến Thắng
Trong bài này, chúng ta đến với chiến thắng trong kinh nghiệm của Áp-ra-ham (14:11-24). Nếu đọc Sáng Thế Ký cẩn thận, chúng ta sẽ thấy rằng ngoài chương 14, Sách này không liên hệ nhiều đến những công việc quốc tế giữa các dân ngoại. Nhưng chương 14 cho chúng ta lời ký thuật về trận chiến quốc tế giữa các dân ngoại. Tại sao lại có lời ký thuật như thế? Lời lẽ trong Kinh Thánh rất tiết kiệm, không một lời nào là phí. Dầu vậy, chương 14 hầu như hoàn toàn đề cập đến trận chiến quốc tế giữa các vua ngoại bang. Tuy nhiên, những sự kiện trong chương 14 không chỉ liên hệ đến sự việc quốc tế mà cũng liên quan đến dân của Đức Chúa Trời cách có tể trị. Tại sao chương này dành một phần dài cho trận chiến quốc tế giữa các dân ngoại như vậy? Dù rằng trận chiến này rõ ràng mang tính quốc tế, nhưng thật ra nó được Chúa sắp đặt. Đức Chúa Trời tể trị trên hoàn cảnh và trên tất cả các biến cố liên quan đến dân Ngài. Trong xứ Ca-na-an, vào thời đó chỉ có hai gia đình thuộc chủng tộc Hê-bơ-rơ, tức gia đình của Áp-ra-ham và gia đình của Lót. Tất cả những người còn lại là dân ngoại. Trong chương này, chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời là Đấng tể trị, khiến một điều gì đó xảy ra vì ích lợi của dân Ngài.
Chương 14 của Sáng Thế Ký nói đến cuộc chiến giữa một nhóm bốn vua với một nhóm năm vua. Cuối cùng, năm vua đã bị bốn vua đánh bại. Nếu đọc cẩn thận, anh em sẽ thấy cuộc chiến này hoàn toàn vì Lót và Áp-ra-ham. Nói cách khác, cả Lót và Áp-ra-ham, hai người Hê-bơ-rơ, đã được thử nghiệm dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời. Cuộc chiến này có tốt hay không? Nói theo con người, không có cuộc chiến nào là tốt. Tuy nhiên trong chương này, cuộc chiến này là tốt cho Lót, đặc biệt là cho Áp-ra-ham. Trong bài này, chúng ta cần thấy những phương diện có ích liên quan đến dân Đức Chúa Trời trong cuộc chiến này.
a) Sự Phu Tù Của Anh Em
Trận chiến chủ yếu xảy ra tại Sô-đôm. Nó chủ yếu xảy ra tại Sô-đôm vì một người dân của Đức Chúa Trời, là Lót, đã sống ở đó. Trước chiến tranh, Lót đã phân rẽ khỏi Áp-ra-ham (13:11). Anh em có nghĩ rằng Lót phân rẽ khỏi Áp-ra-ham là tốt không? Không, không tốt. Ngày nay, tất cả những người trẻ thích phân rẽ khỏi lớp người già. Tuy nhiên trong gia tể Đức Chúa Trời, thật không tốt cho những người trẻ phân rẽ khỏi thế hệ lớn hơn. Nếu làm điều này, anh em sẽ mất chứng cớ và sự bảo vệ. Vào thời điểm của Sáng Thế Ký 13, mục tiêu và chứng cớ đời đời của Đức Chúa Trời nằm nơi Áp-ra-ham. Nếu anh em sống vào thời đó và phân rẽ khỏi ông, điều đó tương đương với việc anh em phân rẽ khỏi chứng cớ của Đức Chúa Trời. Mục tiêu của Đức Chúa Trời ở nơi những người được kêu gọi. Nếu tự mình phân rẽ với những người được kêu gọi, anh em tự phân rẽ khỏi mục tiêu của Đức Chúa Trời. Lẽ ra Lót đừng bao giờ phân rẽ khỏi Áp-ra-ham, vì mục tiêu của Đức Chúa Trời ở nơi Áp-ra-ham. Lìa bỏ Áp-ra-ham là lìa bỏ chứng cớ của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, lìa bỏ Áp-ra-ham là lìa bỏ sự bảo vệ.
Lúc đầu, Lót không bị bốn vua đánh bại. Sự thất bại là hậu quả của ít nhất hai sự thất bại trước. Trước khi bị vua Kết-rô-lao-me bắt, Lót đã thất bại hai lần rồi. Sự thất bại thứ nhất xảy ra khi bọn chăn chiên của Lót tranh giành với bọn chăn chiên của Áp-ra-ham, và Áp-ra-ham đã nhường cho Lót chọn phần đất (13:7-11). Khi Áp-ra-ham nhường cho Lót quyền lựa chọn, lẽ ra Lót phải nói: “Thưa chú, sự lựa chọn của cháu là chú. Sự lựa chọn của cháu là sự lựa chọn của chú. Cháu không muốn có sự lựa chọn nào của mình. Nếu bọn chăn chiên của cháu không nghe lời cháu, cháu sẽ đuổi chúng, nhưng cháu sẽ không bao giờ lìa xa chú. Cháu không có sự chọn lựa nào ngoài chú và sự chọn lựa của chú”. Nhưng trái lại, khi Áp-ra-ham cho Lót quyền lựa chọn, không chút do dự, lập tức Lót đã chọn và đi theo đường của ông. Đó là sự thất bại thứ nhất.
Sau khi phân rẽ khỏi Áp-ra-ham “Lót ở trong thành của đồng bằng và dựng trại mình hướng về Sô-đôm” (13:12). Lót đang đi xuống. Sau bước đi xuống thứ nhất, ông dễ dàng đi bước thứ hai, thứ ba. Bước thứ nhất là lìa bỏ Áp-ra-ham, người ở cách xa Sô-đôm. Lót đã đi con đường hướng về Sô-đôm. Ông đã đi về hướng Sô-đôm. Trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, Sô-đôm là một thành gian ác và tội lỗi (13:13). Lót, người thuộc về dân của Đức Chúa Trời, chắc chắn biết điều này. Lẽ ra ông phải ở cách xa Sô-đôm và không đi về hướng đó. Tuy nhiên, vì vùng đất bao quanh Sô-đôm rất trù phú, Lót đã đi về hướng Sô-đôm. Cuối cùng ông đã dời vào thành, sống và định cư ở đó. Đó là sự thất bại thứ hai.
Anh em có nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ cho phép dân Ngài ở trong một thành gian ác như vậy không? Chắc chắn là không. Do đó, dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời, vua Kết-rô-Lao-me đã cầm đầu cuộc tấn công Sô-đôm. Đức Chúa Trời cho phép cuộc chiến đó xảy ra. Bốn vua chống lại năm vua. Nói theo con người, năm vua lẽ ra phải thắng vì họ đông hơn. Nhưng bốn vua đã đánh bại năm vua và thành Sô-đôm bị chiếm. Kinh Thánh nhấn mạnh việc chiếm thành Sô-đôm vì Lót ở đó. Trận chiến này không chỉ là vấn đề bốn vua chống lại năm vua, mà là trận chiến vì một người thuộc dân của Đức Chúa Trời. Lót có lẽ cảm thấy bình an khi ở trong Sô-đôm, nhưng Đức Chúa Trời thì không bình an. Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ để Lót bình an ở đó. Có thể Đức Chúa Trời đã phán: “Này Lót, ngươi có thể có sự bình an bên trong, nhưng Ta sẽ khuấy động sự náo loạn bên ngoài. Ta sẽ sai bốn vua để đánh bại năm vua và chiếm lấy thành ngươi. Họ sẽ bắt giữ ngươi, gia đình ngươi và mọi điều ngươi có”. Đây là thực tế những gì đã xảy ra cho Lót. Lót trải qua hết thất bại này đến thất bại khác. Cuối cùng, như bước cuối của sự thất bại, ông đã rơi vào tay kẻ thù. Ông bị bắt giữ và vua Sô-đôm không thể cứu ông.
b) Chiến Đấu Cho Anh Em
Đức Chúa Trời đã tể trị trong vấn đề bắt giữ Lót. Câu 13 nói “Có một người thoát được chạy đến báo điều đó cùng Áp-ra-ham là người Hê-bơ-rơ”. Bốn vua đã chiếm giữ Sô-đôm và tất cả nguồn cung cấp lương thực của thành, nhưng một người đã trốn thoát đến báo cho Áp-ra-ham rằng Lót đã bị bắt. Anh em có tin điều này xảy ra ngẫu nhiên không? Trong khi nhiều người khác bị bắt giữ thì người này được thoát. Người này đã được gìn giữ bởi sự tể trị của Đức Chúa Trời. Như chúng ta sẽ thấy, điều đó hẳn đã xảy ra bởi sự cầu thay phía sau. Người trốn thoát đã không chạy mất nhưng có ý chạy đến Áp-ra-ham và nói với ông rằng Lót đã bị bắt.
Không như chúng ta, Áp-ra-ham đã không kể đến điểm yếu của anh em mình và không lấy việc Lót đau khổ, gặp hoạn nạn làm vui. Áp-ra-ham đã không nói: “Lẽ ra Lót đừng phân rẽ khỏi tôi. Tôi biết điều này sẽ xảy ra. Lót đáng phải chịu điều đó. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời có tể trị và việc Lót đau khổ là đến từ Đức Chúa Trời. Hãy bình an đi về. Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ Lót”. Tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta sẽ trả lời như vậy. Nhưng Áp-ra-ham thì khác. Khi nhận được tin này, ông đã mạnh mẽ quyết định chiến đấu cho Lót (14:14). Như chúng ta sẽ thấy, Áp-ra-ham đã cầu nguyện. Trong câu 22, ông nói với vua Sô-đôm rằng trước khi ra trận, ông đã giơ tay lên cùng Đức Chúa Trời. Làm thế nào Áp-ra-ham có thể cầu nguyện và đưa ra một quyết định như vậy? Chắc chắn là ai đó đứng sau hậu trường đã cầu thay cho ông. Tôi tin rằng người cầu thay đó biết trận chiến sẽ xảy ra và Lót sẽ bị bắt. Kết quả của lời cầu thay này là Áp-ra-ham đã có một quyết định nhanh gọn, đầy dũng cảm.
Áp-ra-ham quyết định đem 318 gia nhân để chiến đấu chống bốn vua và quân đội của họ. Bốn vua này hẳn có nhiều quân lính, quân số của họ chắc chắn phải nhiều hơn số gia nhân của Áp-ra-ham. Với một số ít người như vậy, làm thế nào Áp-ra-ham có thể đánh bại họ? Hơn nữa, họ là các vua, các tướng lĩnh đã đánh trận nhiều, còn Áp-ra-ham chỉ là một thường dân. Làm thế nào ông có thể chống lại những chuyên gia quân sự như vậy? Làm thế nào ông có thể đánh bại họ chỉ với một số ít người như vậy? Tuy nhiên, Áp-ra-ham đã dạn dĩ, tin cậy vào Đức Chúa Trời.
Đối với Áp-ra-ham, thấy anh em mình bị bắt giữ là một điều xấu hổ. Trong Hội Thánh ngày nay cũng vậy. Thật xấu hổ cho chúng ta khi thấy anh em hay chị em nào bị bắt giữ. Nếu thấy một anh em trong nhà sinh viên bị bắt giữ thì thật là xấu hổ. Anh em không nên chịu đựng điều đó nhưng phải nói “Tôi không thể chịu nỗi điều này. Tôi phải chỗi dậy và làm một điều gì đó”. Đây là điều Áp-ra-ham đã làm.
Quyết định dũng cảm của Áp-ra-ham hẳn phải do sự kiện là đàng sau hậu trường có ai đó đã cầu thay cho ông. Có lẽ anh em nghĩ rằng điều này không chép trong Kinh Thánh. Kinh Thánh cũng không chép về cha mẹ hay gia phổ của Mên-chi-xê-đéc. Nhưng anh em có tin rằng ông không có cha mẹ hay gia phổ không? Chắc chắn là có, tuy nhiên Kinh Thánh không đề cập đến họ. Nhiều điều ẩn giấu trong chương này không được ghi lại. Tôi tin rằng ẩn giấu phía sau, có một sự cầu thay nào đó. Có ai đó quan tâm đến mối quan tâm của Đức Chúa Trời trên đất đang cầu thay cho Lót, Áp-ra-ham, và sự chiến đấu của Áp-ra-ham.
Chúng ta đã thấy rằng sự thất bại của Lót không bắt đầu tại Sô-đôm. Cùng một nguyên tắc, chiến thắng của Áp-ra-ham không bắt đầu với việc giết các vua. Chiến thắng của Áp-ra-ham bắt đầu khi Lót lìa bỏ ông. Áp-ra-ham đã được Đức Chúa Trời kêu gọi và ông đáp ứng sự kêu gọi đó bằng cách đi đến miền đất mà Đức Chúa Trời định ban cho ông. Tuy nhiên, vào lúc đó, Áp-ra-ham hầu như không có kinh nghiệm. Tất cả những gì ông có chỉ là một ít kinh nghiệm trong việc đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và đi đến nơi mà Đức Chúa Trời đã định cho ông. Như chúng ta đã thấy trong bài trước, nạn đói xảy ra như một thử nghiệm cho Áp-ra-ham, và ông đã không thể đứng nổi trước thử nghiệm đó. Áp-ra-ham đã quên Đức Chúa Trời, cố gắng tự kiếm sống bằng cách hy sinh vợ. Dưới sự dạy dỗ mang tính tể trị của Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham đã học tập nhiều qua sự thất bại này. Ông học được rằng Đức Chúa Trời tể trị trên mọi sự và Ngài biết mọi điều về dân Ngài. Mọi điều liên quan đến người được kêu gọi của Đức Chúa Trời đều ở trong tay Ngài. Áp-ra-ham đã thấy, kinh nghiệm, và bước vào đó cách trọn vẹn.
Sau này, khi nan đề dấy lên giữa Áp-ra-ham và Lót, Áp-ra-ham đã đắc thắng. Chiến thắng của ông bắt đầu vào lúc đó vì ông đã học được bài học căn bản trong việc đi xuống Ai-cập. Tất cả chúng ta phải học được bài học căn bản như vậy. Sau khi anh em được kêu gọi và đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời bằng cách đi đến nơi Ngài định cho anh em, bài học căn bản đầu tiên mà Đức Chúa Trời sẽ dạy anh em là, với tư cách người được kêu gọi của Đức Chúa Trời, mọi điều liên quan đến anh em đều ở dưới bàn tay Ngài. Đức Chúa Trời tể trị trên anh em. Đây là bài học căn bản mà Áp-ra-ham đã học khi đi xuống Ai-cập. Sau khi học xong bài học đó, ông đã giành chiến thắng đối với Lót. Khi nan đề xảy ra với Lót, Áp-ra-ham đã không có lựa chọn riêng, ông biết rằng sự chọn của ông ở trong tay Đức Chúa Trời. Đó là khởi đầu chiến thắng của Áp-ra-ham.
Và giờ đã đến là khi Áp-ra-ham có thể bày tỏ trước cả vũ trụ rằng ông đứng về phía Đức Chúa Trời. Khi Mên-chi-xê-đéc xuất hiện, hai danh xưng đặc biệt của Đức Chúa Trời được bày tỏ: Đức Chúa Trời Chí Cao và Đấng sở hữu cả trời và đất (c. 19). Cả Mên-chi-xê-đéc và Áp-ra-ham đã nói về Đức Chúa Trời như vậy. Áp-ra-ham nói: “Tôi giơ tay lên trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất” (14:22). Áp-ra-ham có thể nói “Bởi việc đi xuống Ai-cập, tôi đã học được rằng Đức Chúa Trời tôi, Đấng kêu gọi tôi, là Đấng sở hữu cả trời và đất. Tôi không cần có bất cứ sự chọn lựa nào nữa. Sự lựa chọn của tôi là chính Ngài. Tôi không thể chịu nỗi khi thấy anh em mình bị bắt giữ. Đó là một sự xấu hổ cho tôi. Tôi phải đem Lót về. Tôi không quan tâm đến quân số, đến các vua, và các đội quân. Tôi không quan tâm đến việc mình ít hơn họ. Gánh nặng của tôi là đem anh em tôi về. Nếu không làm điều này, tôi thật xấu hổ”.
Trong sự chiến đấu cho anh em mình, Áp-ra-ham đã liều mạng sống. Liều mình để cứu người anh em bị bắt giữ không phải là điều nhỏ. Nhưng ông đã làm. Trận chiến xảy ra suôn sẻ, Áp-ra-ham đã đuổi theo kẻ thù từ phía nam cho đến Đan ở phía Bắc. Chiến thắng của ông chắc chắn là kết quả của sự cầu thay ẩn giấu.
Áp-ra-ham giành chiến thắng bởi tin cậy vào Đức Chúa Trời. Ông có sự tin cậy Đức Chúa Trời vì đã học biết Ngài. Cũng vậy, tất cả chúng ta phải học biết Đức Chúa Trời. Ngay cả ngày nay, chúng ta cũng phải học biết rằng trái đất thuộc về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Chúa của trái đất. Ngài không chỉ là Chúa của đất mà cũng là Chúa của trời. Cả đất trời đều thuộc về Cha của chúng ta, Đấng đã kêu gọi chúng ta. Chúng ta cần tin cậy Ngài như vậy. Nếu thiếu sự tin cậy này, chúng ta đã thất bại và trở thành Lót.
Tại sao Lót thất bại? Vì, không như Áp-ra-ham, Lót đã không học bài học Đức Chúa Trời là Chúa Tể của trời đất. Ngay cả sau khi được giải cứu, chúng ta cũng không thấy ghi lại rằng ông đã cảm ơn Áp-ra-ham hay nói một lời nào với Chúa. Lót đã hoàn toàn tê liệt. Theo các chương tiếp theo, ông đã trở lại Sô-đôm. Dù việc bị bắt là một lời cảnh cáo ông đừng trở lại Sô-đôm, nhưng ông vẫn trở lại, thậm chí sau khi bị bắt và được giải cứu. Từ điều này, chúng ta thấy rằng một khi anh em thất bại thì rất khó giữ mình khỏi thất bại đó.
Dù Lót bị thất bại, nhưng Áp-ra-ham đã chiến thắng. Chiến thắng này là đỉnh cao về kinh nghiệm bên ngoài của ông. Sau này, Đức Chúa Trời đã đến để ban cho ông một số kinh nghiệm bề trong.
c) Chức Vụ Của Mên-chi-xê-đéc
Làm thế nào một người trốn thoát có thể đến với Áp-ra-ham và làm thế nào Áp-ra-ham có thể thực hiện một quyết định nhanh gọn và dũng cảm như vậy? Điều gì đã xảy ra mà chỉ sau một thời gian ngắn, kẻ thù đã chạy xa? Mên-chi-xê-đéc xuất hiện. Mên-chi-xê-đéc là ai? Ông là hình bóng về Đấng Christ. Ông rất giống Đấng Christ. Khi ông đến, có nghĩa là Đấng Christ đến. Ông là hình bóng về Đấng Christ là Thầy Tế Lễ Chí Cao của Đức Chúa Trời. Điều này không được bày tỏ trong Sáng Thế Ký chương 14, nhưng được thấy trong Thi Thiên chương 110. Trong Thi Thiên chương 110, chúng ta được biết rằng Đấng chịu xức dầu của Đức Chúa Trời, chính Đấng Christ, là Thầy Tế Lễ theo ban Mên-chi-xê-đéc, một ban có trước ban A-rôn. Trước khi A-rôn bước vào chức tế lễ thì Mên-chi-xê-đéc đã là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời rồi.
Chức tế lễ theo ban A-rôn xử lý tội lỗi, quan tâm đến những điều về mặt tiêu cực. Trái lại, chức vụ của Mên-chi-xê-đéc thì tích cực. Mên-chi-xê-đéc không đến để cất tội lỗi đi. Ông không hiện ra vì Áp-ra-ham đã phạm tội nhưng vì Áp-ra-ham đã giành chiến thắng. Mên-chi-xê-đéc đã không hiện ra với một sinh tế để cất tội lỗi đi nhưng với bánh và rượu để nuôi dưỡng người chiến thắng. Hầu như tất cả Cơ-đốc nhân đều xem Đấng Christ là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, Đấng cất tội lỗi đi, nhưng ít ai quan tâm đến Đấng Christ với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc. Là một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm như vậy, Đấng Christ không quan tâm đến tội lỗi nhưng cung ứng Đức Chúa Trời đã trải qua tiến trình, được tượng trưng bởi bánh và rượu cho chúng ta làm sự nuôi dưỡng của chúng ta.
Anh em không tin rằng trước khi Mên-chi-xê-đéc đến để cung ứng bánh và rượu như thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, ông đã cầu thay cho Lót và Áp-ra-ham sao? Tôi tin rằng ông đã cầu thay cho họ. Tôi không tin rằng Mên-chi-xê-đéc đã ngủ trong suốt trận chiến, và khi nghe tin chiến thắng của Áp-ra-ham, ông vội vàng đến với Áp-ra-ham để cung ứng bánh và rượu. Tôi tin rằng quyết định nhanh gọn và dũng cảm của Áp-ra-ham để chiến đấu giải cứu Lót đã được khuấy động bởi sự cầu thay của Mên-chi-xê-đéc. Tôi cũng tin rằng người chạy đến báo cáo cho Áp-ra-ham về việc Lót bị bắt, đã trốn thoát được vì Mên-chi-xê-đéc đã cầu thay cho Lót. Là thầy tế lễ, Mên-chi-xê-đéc chắc chắn đã quan tâm đến dân Đức Chúa Trời. Đáp lời cầu thay của ông, một người đã thoát khỏi Sô-đôm, báo tin cho Áp-ra-ham, và Áp-ra-ham đã có một quyết định dũng cảm để chiến đấu giải cứu Lót.
Trong khi bước đi trên đất này, nhiều điều xảy ra cho chúng ta. Nhìn bên ngoài, những điều này xảy ra. Nhưng thật ra, đàng sau quang cảnh dưới đất, một sự cầu thay đang diễn ra. Mên-chi-xê-đéc, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta, là Đấng Christ vẫn đang cầu thay cho chúng ta trên trời (Hê. 7:25). Sự cầu thay của Ngài che phủ và bảo vệ chúng ta.
Việc Mên-chi-xê-đéc đến với Áp-ra-ham phần nào hàm ý về sự đến lần thứ hai của Đấng Christ. Chúng ta, Áp-ra-ham ngày nay, đang làm gì ở đây? Chúng ta đang giết kẻ thù. Một số người thuộc dân của Đức Chúa Trời, giống như Lót, đã trải qua hết thất bại này đến thất bại khác. Bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, một số người khác cần là Áp-ra-ham ngày nay, người đã kinh nghiệm hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Chúng ta cần học bài học căn bản rằng Đức Chúa Trời chúng ta, Đấng kêu gọi chúng ta, là Đầng Sở Hữu Trời Và Đất. Chúng ta đang sống cho Ngài trên đất và là chứng cớ của Ngài. Chúng ta không chịu nỗi trước bất kỳ sự thiệt hại nào cho mối quan tâm của Đức Chúa Trời trên đất. Khi nghe đến sự thiệt hại như thế, chúng ta có một quyết định nhanh chóng là đánh bại kẻ thù và giết các vua.
Hằng ngày chúng ta cần giết một số vua. Chúng ta cần giết các vua trong tâm trí, tình cảm và ý chí của mình. Chúng ta cần giết các vua trong hoàn cảnh, gia đình và trường học của mình. Sau khi giết hết các vua, Mên-chi-xê-đéc của chúng ta sẽ đến, gặp chúng ta và chúc mừng chiến thắng của chúng ta. Chúa sẽ không trở lại cho đến khi chúng ta đã giết hết các vua. Rồi Ngài sẽ trở lại và uống nước nho với chúng ta, như Lời Ngài bày tỏ trong Ma-thi-ơ 26:29: “Ta sẽ không uống trái nho này nữa, cho đến ngày mà Ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong Vương Quốc của Cha Ta”. Mên-chi-xê-đéc đã cầu thay cho Lót và Áp-ra-ham. Ngày nay Đấng Christ, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta, đang cầu thay cho tất cả những người đắc thắng. Bây giờ, trong khi Ngài đang cầu thay cho chúng ta trên trời, chúng ta đang giết các vua trên đất. Sau khi những người đắc thắng giết hết các vua, Đấng Cầu Thay của chúng ta, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Đức Chúa Trời Chí Cao, sẽ hiện ra với khẩu vị trọn vẹn của Đức Chúa Trời đã trải qua tiến trình.
Sự đến của Mên-chi-xê-đéc có nghĩa là Đấng Christ đã đến. Chiến thắng của chúng ta luôn làm cho Đấng Christ được hiển lộ. Những người xung quanh chúng ta thấy rằng khó mà biết Đấng Christ ở đâu. Tuy nhiên, nếu chúng ta chiến thắng, chiến thắng đó sẽ công bố Đấng Christ cho họ. Chiến thắng của chúng ta sẽ đem Đấng Christ đến trong một phương diện mới. Thật thú vị khi thấy trong Sáng Thế Ký chương 14, Mên-chi-xê-đéc, có nghĩa là vua của sự công chính và là vua Sa-lem, nghĩa là vua bình an, bất ngờ xuất hiện. Điều này có nghĩa gì? Nghĩa là Đấng Christ sẽ được tuyên bố trước các dân và được đem đến với họ bởi những người đắc thắng. Một ngày kia, cả trái đất sẽ kinh ngạc bởi sự hiện ra của Đấng Christ. Thậm chí người dân trên thế giới không tin rằng có một Đấng Christ, cho rằng niềm tin đó là vô nghĩa. Nhưng sau khi chúng ta đã giết hết các vua, Đấng Christ sẽ thình lình hiện ra. Đấng Christ sẽ được hiển lộ bởi việc chúng ta giết chết các vua, và toàn thế giới sẽ kinh ngạc trước sự đến của Ngài. Với chúng ta, những người đắc thắng, sự hiện đến lần thứ hai của Đấng Christ sẽ không là sự ngạc nhiên, nhưng với người dân trên thế giới, đó sẽ là kinh ngạc lớn. Họ có thể hỏi: “Người này là ai? Tên gì và từ đâu đến?” Chúng ta có thể trả lời: “Danh Ngài là Đấng Christ, Mên-chi-xê-đéc Thật, và Ngài đến từ các từng trời, nơi Ngài đã cầu thay trong nhiều thế kỷ”.
Tất cả chúng ta cần đáp ứng với sự cầu thay của Chúa. Nếu chúng ta xoay về linh và tiếp xúc Ngài, sẽ luôn có sự đáp ứng nào đó. Nếu đi theo sự đáp ứng đó, quên đi hoàn cảnh, kẻ thù, và ngay cả chính mình, chúng ta sẽ chiến thắng và giết các vua. Vào lúc các vua bị giết hết, Mên-chi-xê-đéc sẽ hiện ra với chúng ta. Đó sẽ là sự đến lần thứ hai của Đấng Christ. Khi Đấng Christ đến, khắp đất sẽ nhận biết Đức Chúa Trời Chí Cao. Và cả trái đất sẽ biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng sở hữu cả trời và đất. Trái đất không thuộc về bất kỳ vua chúa, tổng thống, chủ tịch hay nhà chính trị nào, mà là sở hữu của Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất. Làm thế nào để sự kiện này được tuyên bố khắp đất? Chỉ bằng cách chúng ta giết các vua.
Chiến thắng của Áp-ra-ham trong chương 14 không phải là một điều nhỏ. Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời được khải thị theo cách tiệm tiến. Trong Sáng Thế Ký chương 1, chúng ta không có danh “Đức Chúa Trời Chí Cao”. Ngay cả đến Sáng Thế Ký chương 13 cũng không có danh này hay danh đặc biệt “Đấng sở hữu cả trời và đất”. Dầu là Cơ-đốc nhân trong nhiều năm, nhưng có lẽ anh em chưa bao giờ biết rằng Đức Chúa Trời có các danh xưng như vậy. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Chí Cao và Đấng sở hữu cả trời và đất. Ngài là Chúa của trời và Chúa của đất. Bởi kinh nghiệm Đấng Christ, các danh xưng của Đức Chúa Trời dần dần được bày tỏ cho chúng ta. Trong kinh nghiệm về Đấng Christ, chúng ta sẽ nhận biết Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời Chí Cao và Đấng sở hữu cả trời và đất. Điều này phải là sự thu hút và khích lệ chúng ta tiếp tục giết các vua.
Đừng là Lót của ngày nay vì đó là rụt rè và hèn nhát. Tất cả chúng ta phải nhanh gọn và dũng cảm vì chúng ta có Đức Chúa Trời Chí Cao và Đấng sở hữu cả trời và đất. Áp-ra-ham đã nói với vua Sô-đôm rằng trước khi ra trận, ông đã giơ tay hướng về Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất. Ông đã ra trận trong một linh như vậy. Vì Áp-ra-ham có sự tin cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất, nên ông đã chiến thắng.
Khi đến với Áp-ra-ham, Mên-chi-xê-đéc đã chúc phước cho Áp-ra-ham bằng Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất (c. 19). Điều này chứng tỏ rằng ông lớn hơn Áp-ra-ham (Hê. 7:6-7). Ông cũng chúc tụng Đức Chúa Trời vì chiến thắng của Áp-ra-ham (c. 20). Chiến thắng của chúng ta luôn làm cho Mên-chi-xê-đéc của chúng ta chúc phước cho chúng ta và dâng lời chúc tụng cho Đức Chúa Trời. Chiến thắng của chúng ta đem lại nhiều phước hạnh trong Đấng Christ đến cho cả chúng ta và Đức Chúa Trời.
Với sự chúc phước của Mên-chi-xê-đéc, Áp-ra-ham đã dâng cho ông 1/10 chiến lợi phẩm tốt nhứt (c. 20; Hêb. 7:2,4). Điều này cũng chứng tỏ sự lớn lao của Mên-chi-xê-đéc. Chiến thắng của chúng ta chiếm đoạt các chiến lợi phẩm, và việc dâng cho Đấng Christ chiến lợi phẩm của chúng ta luôn tuyên bố sự vĩ đại của Đấng Christ. Không có chiến thắng, chúng ta không có gì để dâng cho Đấng Christ, và sự vĩ đại của Ngài sẽ không được công bố.
d) Thắng Hơn Sự Cám Dỗ Về Của Cải Thuộc Đất
Chiến thắng của Áp-ra-ham đã điều chỉnh, phục hồi toàn bộ tình trạng và sắp xếp lại toàn thể hoàn cảnh. Bốn vua đã đánh bại năm vua và chiếm lấy mọi sự. Toàn bộ tình thế đã đảo lộn. Chiến thắng của Áp-ra-ham làm thay đổi và đảo ngược hoàn toàn tình thế. Ông đã đổi môi trường bất công trở lại công bằng và làm cho toàn bộ tình trạng được bình an. Kết quả là, có vua của sự công chính và vua bình an. Chiến thắng của Áp-ra-ham kết thúc mọi tranh đấu, xung đột và đem đến sự bình an thật.
Vua Sô-đôm có thể nói với Áp-ra-ham cách khiêm nhường, thành thật và trung thực rằng: “Ông đã chiến thắng. Mọi vật ông chiếm lại phải thuộc về ông. Ông hãy lấy đi. Tất cả những gì tôi muốn là người của tôi”. Nếu anh em và tôi là Áp-ra-ham, có lẽ chúng ta đã nói “Điều đó đúng và công bằng. Tôi đã cứu người của vua và chiếm lại mọi điều vua đã mất. Thật tốt vì người là của vua, còn mọi điều khác là của tôi”. Nhưng hoàn cảnh mà chiến thắng của Áp-ra-ham đã sắp xếp lại thì không như vậy. Nó thuần khiết. Áp-ra-ham nói với vua Sô-đôm: “Tôi sẽ chẳng lấy một sợi chỉ thậm chí một sợi dây giày”, và “Tôi sẽ không lấy bất kỳ điều gì của vua, e vua nói rằng vua đã làm cho tôi nên giàu có” (14:23). Dường như Áp-ra-ham nói: “Nếu tôi lấy một sợi chỉ của vua, vua sẽ nói rằng vua đã làm cho tôi giàu có. Nhưng tôi muốn công bố một lời chứng trọn vẹn trước cả vũ trụ rằng sự giàu có của tôi không đến từ vua. Sự giàu có của tôi đến từ Đấng sở hữu cả trời và đất, từ Đức Chúa Trời Chí Cao của tôi”. Điều này thuần khiết biết bao! Trong tình trạng đó, chúng ta thấy sự công chính và bình an.
Hãy nhìn quang cảnh trong Sáng Thế Ký chương 14 sau khi Áp-ra-ham đã giết các vua. Áp-ra-ham đã đem mọi vật trở về và các vua đi ra gặp ông. Mên-chi-xê-đéc, thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao đã ở đó chúc phước cho Áp-ra-ham và nhận 1/10 từ ông. Tất cả mọi người đều quan sát, tự hỏi những của cải này sẽ về ai. Ngay cả những người bị bắt và được Áp-ra-ham đem trở về cũng tự hỏi từ bây giờ họ sẽ thuộc về ai. Sau đó, Áp-ra-ham nói “Tôi giơ tay lên trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất thề rằng…” Áp-ra-ham nói rằng ông sẽ không lấy bất cứ gì. Mọi người đều nhận được một giải pháp trọn vẹn. Trong tình trạng đó, có sự công chính và bình an. Trong một ý nghĩa điều này giống với Vương Quốc Ngàn Năm, đầy dẫy sự công chính và bình an (Ês. 32:1,16-18; Thi. 72:2-3,7).
Áp-ra-ham thật công bằng, nói với vua Sô-đôm rằng ông sẽ không lấy gì hết “chỉ trừ món chi của những người đã ăn, và phần của các người cùng đi với tôi, là A-ne, Ếch-côn và Mam-rê, về phần họ, họ hãy lấy phần của họ đi” (14:24). Áp-ra-ham nói rằng những người cùng chiến đấu với ông phải có phần của họ, nhưng ông sẽ nhường phần của ông cho vua Sô-đôm. Ông thật là một người tuyệt vời! Ông đã giết bốn vua và bây giờ ông đang xử lý một vua khác, vua Sô-đôm. Ông đã vượt lên trên họ hết thảy. Ngày nay, là Cơ-đốc nhân, chúng ta cần là loại người này. Chúng ta phải cao hơn các vua và tổng thống thuộc đất. Chỉ có một người ở trên chúng ta –Mên-chi-xê-đéc của chúng ta.
Trong Sáng Thế Ký chương 14, chúng ta thấy Áp-ra-ham rất cao cả. Anh em có thể nào tin rằng một người cao cả như vậy lại có thể hèn hạ khi lập kế hoạch hy sinh vợ vì sự sống mình không? Anh em có thể nào tin rằng một người bán vợ trong xứ Ai-cập lại có thể cao hơn tất cả các vua không? Khi Áp-ra-ham sẵn sàng bán vợ, ông đang ở trong địa ngục thấp nhất, nhưng khi ông đối xử với các vua, ông đã ở trên từng trời cao nhất. Tất cả chúng ta đều có thể giống Áp-ra-ham trong cả hai phương diện. Chúng ta có thể hèn hạ, hoạch định bán vợ, hay bởi ân điển Chúa, chúng ta có thể cao hơn các vua.
Chiến thắng của Áp-ra-ham và việc ông cao hơn các vua hoàn toàn do sự cầu thay ẩn giấu phía sau. Phía sau quang cảnh dưới đất là một điều gì đó đang diễn ra trên trời, quyết định cho toàn bộ tình thế. Tất cả chúng ta cần nhìn thấy điều này.
BÀI BỐN MƯƠI BỐN
Nhận Biết Ân Điển Để Hoàn Thành
Mục Đích Của Đức Chúa Trời
Dòng Dõi Và Miền Đất
Trong bài này, chúng ta đến một bước ngoặc lớn trong kinh nghiệm của Áp-ra-ham về Đức Chúa Trời. Mọi điều chúng ta thấy trong kinh nghiệm của Áp-ra-ham về Đức Chúa Trời đến chương này còn là điều bên ngoài. Áp-ra-ham đã được Đức Chúa Trời kêu gọi và đã đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời bằng cách đi đến nơi Đức Chúa Trời đã định cho ông. Điều đó hoàn toàn là bên ngoài. Sau điều này, kinh nghiệm thứ hai của Áp-ra-ham là sống bởi đức tin và tin cậy Đức Chúa Trời trong đời sống mình.
Sự thử nghiệm đầu tiên Áp-ra-ham đối diện khi sống bởi đức tin là nạn đói trầm trọng mà qua đó, ông đã học tập tin cậy Đức Chúa Trời trong vấn đề sinh kế. Dầu thời xưa hay thời nay, phương Đông hay phương Tây, tất cả mọi người, bất kể sự thành đạt, giáo dục hay địa vị, đều quan tâm đến việc kiếm sống. Việc kiếm sống hoàn toàn tùy thuộc vào cơm áo gạo tiền. Trong Kinh Thánh và trong lịch sử loài người, nhiều khi Đức Chúa Trời đã thực hiện sự kiểm soát của Ngài trên loài người qua vấn đề cơm áo gạo tiền. Đừng kiêu ngạo, vì một khi Đức Chúa Trời cất đi nguồn cung cấp lương thực, anh em sẽ quì xuống và nói: “Đức Chúa Trời ơi, xin cứu con!”
Chúng ta đã thấy trong các bài trước, sau khi Áp-ra-ham đến nơi Đức Chúa Trời muốn ông ở, bài học đầu tiên ông phải học là tin cậy Đức Chúa Trời trong vấn đề cơm áo gạo tiền. Ông đã thất bại trong thử nghiệm này, và đi xuống Ai-cập. Tại Ai-cập, ông đã học bài học tin cậy Đức Chúa Trời. Sau khi học được bài học đó, ông trở lại nơi ở giữa Bê-tên và A-hi. Ngay sau đó, một bài học khác tiếp theo trong cùng lĩnh vực đó, lĩnh vực về cơm áo gạo tiền, khi có sự tranh giành giữa bọn chăn chiên của Lót và bọn chăn chiên của Áp-ra-ham. Những bọn chăn chiên này đánh nhau vì cơm áo gạo tiền, đấu tranh nhau để có cuộc sống tốt hơn. Họ không muốn người khác giành cơm áo gạo tiền của mình. Áp-ra-ham đã đắc thắng trong thử nghiệm thứ hai sau khi đã học tập trong thử nghiệm thứ nhứt rằng Đức Chúa Trời tể trị trong đời sống hằng ngày của ông. Áp-ra-ham đã đến chỗ nhận biết rằng Đấng đã kêu gọi ông là Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất. Ông không cần quan tâm đến cơm áo gạo tiền của mình, vì đã học biết rằng Đấng đã kêu gọi ông sẽ chăm sóc ông trong vấn đề này.
Cuộc chiến giữa bốn vua và năm vua cũng liên quan đến cơm áo gạo tiền. Theo lịch sử, tất cả những cuộc chiến giữa nhân loại là vì vấn đề này. Chiến tranh thế giới cũng vì một mục đích –cơm áo gạo tiền. Sáng Thế Ký 14:11 cho thấy cuộc chiến giữa bốn vua và năm vua cũng vì mục đích này.
Áp-ra-ham không sợ bốn vua nhưng đi ra cách dạn dĩ và chống lại họ, giết các vua và chiếm lại nguồn cung cấp lương thực. Sau khi Áp-ra-ham giành chiến thắng trên bốn vua, Mên-chi-xê-đéc đã đến đón ông bằng bánh và rượu (14:18). Bánh này thật huyền nhiệm. Áp-ra-ham không cần làm bất kỳ điều gì để nhận được và đã không phải chiến đấu để có được. Áp-ra-ham vừa đánh trận và chiếm lại nguồn cung cấp lương thực thì Mên-chi-xê-đéc đã đem bánh ra đón ông.
Tất cả kinh nghiệm của Áp-ra-ham cho đến cuối chương 14 chỉ là bên ngoài, liên quan đến phước hạnh, sự chăm sóc và sự cung cấp bên ngoài. Khi Áp-ra-ham đi xuống Ai-cập, Đức Chúa Trời đã chăm sóc ông về bên ngoài, ban cho ông gia súc và người đầy tớ. Chiến thắng mà ông đã giành được trên bốn vua cũng là điều bên ngoài. Ngay cả những gì Mên-chi-xê-đéc đem đến cho Áp-ra-ham cũng là bên ngoài. Mọi điều Áp-ra-ham đã kinh nghiệm cho đến thời điểm này đều là bên ngoài. Trước khi nghe điều này, có lẽ anh em nghĩ rằng vào cuối chương 14, Áp-ra-ham hẳn đã ở trên đỉnh cao kinh nghiệm về Đức Chúa Trời. Đúng, trong một ý nghĩa, ông đã ở trên đỉnh cao, nhưng đó là đỉnh cao của giai đoạn sơ đẳng trong kinh nghiệm của ông. Tất cả những gì Áp-ra-ham đã kinh nghiệm trước chương 15 là sơ đẳng. Bắt đầu chương 15, Đức Chúa Trời hiện đến để chuyển ông vào một giai đoạn cao hơn trong kinh nghiệm Đức Chúa Trời.
c. Nhận Biết Ân Điển
Để Hoàn Thành Mục Đích Của Đức Chúa Trời
Sáng Thế Ký 15:1 chép: “Sau các việc đó, trong một khải tượng, có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hỡi Áp-ram, ngươi chớ sợ chi, Ta đây là một cái thuẫn cho ngươi, và là phần thưởng rất lớn của ngươi”. Khi Đức Chúa Trời đến và phán những lời này, Áp-ra-ham vẫn còn ở trong giai đoạn sơ đẳng. Sau khi giết các vua, chắc chắn có một sự thù địch lớn giữa ông và dân của các vua này. Khi Áp-ra-ham đang chiến đấu chống kẻ thù, ông đầy dạn dĩ và dũng cảm. Nhưng sau khi chiến thắng và trở về nhà, hẳn ông đã tự nhủ: “Ta đã làm gì vậy? Quân thù có thể trở lại. Khi đó ta phải làm sao? Ta chỉ có 318 người, còn họ thì đông hơn nhiều”. Áp-ra-ham bắt đầu lo sợ. Nhiều lúc chúng ta cũng giống như Áp-ra-ham. Khi ở trong đức tin, chúng ta đầy dạn dĩ nói: “Ha-lê-lu-gia! Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất. Tôi giơ tay lên hướng về Ngài”. Sau khi giành chiến thắng và tung hô Ha-lê-lu-gia trong các buổi nhóm, anh em về nhà và bắt đầu suy xét, tự nhủ: “Tôi đã làm gì vậy? Tôi sẽ làm gì nếu kẻ thù trở lại?”
Khi Đức Chúa Trời hiện ra với Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký 15:1, Ngài phán “Đừng sợ”. Việc Đức Chúa Trời phán lời này với Áp-ra-ham cho thấy rằng Áp-ra-ham đang sợ quân thù. Dường như Ngài đang bảo ông: “Áp-ra-ham, ngươi không cần phải sợ. Ta là cái thuẫn của ngươi. Hãy bình an. Ta cũng là phần thưởng cực lớn của ngươi”. Áp-ra-ham, vào lúc đó vẫn còn ở trong giai đoạn sơ đẳng, đã lo lắng về hai điều: quân thù có thể trở lại tấn công và ông vẫn chưa có con của chính mình. Có lẽ Áp-ra-ham đã nói: “Hãy nhìn tôi, tôi đã già. Hãy xem vợ tôi, bà ấy hầu như không còn chức năng [sinh sản]. Chúng tôi vẫn chưa có con. Chúa ơi, Ngài không biết rằng chúng tôi càng ngày càng già sao? Chừng nào Ngài sẽ ban cho chúng tôi một đứa con?” Khi Đức Chúa Trời hiện ra với ông, Áp-ra-ham đang quan tâm đến hai điều đó.
Trong hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể che giấu ý định của mình. Nếu có cơ hội, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ bày tỏ điều của lòng mình ra. Vì vậy, trong Sáng Thế Ký 15:2, Áp-ra-ham đã nói: “Lạy Chúa Giê-hô-va, Chúa sẽ cho tôi điều chi? Tôi sẽ chết không con; và đứa con kế nghiệp nhà tôi là Ê-li-ê-se, người Đa-mách” (Nguyên văn Hê-bơ-rơ). Lời kế tiếp của Áp-ra-ham nói với Chúa chẳng lịch sự chút nào. Ông nói: “Này, Chúa làm cho tôi tuyệt tự, một con trai của nhà tôi sẽ làm người kế nghiệp tôi” (15:3, nguyên văn Hê-bơ-rơ). Dường như Áp-ra-ham nói: “Chúa ôi, tôi sẽ chết tuyệt tự vì Ngài không ban cho tôi một đứa con. Ngài phải chịu xấu hổ về điều này. Tại sao tôi phải chết tuyệt tự? Vì Ngài không ban cho tôi một đứa con! Bây giờ Ngài lại hiện ra bảo tôi rằng Ngài là phần thưởng lớn của tôi. Nếu tôi không có con thì Ngài ban cho tôi một phần thưởng lớn có ích gì?”
Áp-ra-ham nói với Chúa rằng một con trai trong nhà ông, tức Ê-li-ê-se, người Đa-mách, sẽ là người kế nghiệp của ông. Trong Bản Dịch Mới của Darby, phần chú thích nói rằng “một con trai của nhà ông” có nghĩa là “con của một người đầy tớ trong nhà”. Điều này cho thấy rằng Ê-li-ê-se hẳn phải xuất thân từ Đa-mách. Điều này có nghĩa là khi Áp-ra-ham đi qua Đa-mách, ông đã nhận được Ê-li-ê-se ở đó. Không một ai trong chúng ta từ trước đến nay đã đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời theo cách dứt khoát; tất cả chúng ta đều rề rà. Thậm chí Áp-ra-ham phải chịu hai cái chết, cái chết của Ha-ran, anh ông; và Tha-rê, cha ông. Cuối cùng, Áp-ra-ham đã đáp ứng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, không thể né tránh nữa. Ông đã bỏ Cha-ran, nơi ông được kêu gọi lần thứ hai, đem Lót theo, và trải qua Đa-mách, nơi ông có được Ê-li-ê-se. Khi Chúa hiện ra với Áp-ra-ham, phán rằng Ngài là cái thuẫn và là phần thưởng lớn của ông, dường như Áp-ra-ham đáp: “Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời, tôi sẽ chết tuyệt tự vì Ngài không ban cho tôi một đứa con. Người mà tôi định lập làm kẻ thừa kế và người sở hữu nhà tôi phải là người đầy tớ trong nhà tôi, Ê-li-ê-se”
Chúa phán với Áp-ra-ham: “Kẻ đó chẳng phải là kẻ kế nghiệp ngươi đâu, nhưng ai ở trong gan ruột ngươi ra, sẽ là người kế nghiệp ngươi” (15:4). Dường như Chúa phán với Áp-ra-ham rằng: “Ta không quan tâm đến Lót, cũng không quan tâm đến người này. Phải có một dòng dõi ra từ chính ngươi, không phải người trong nhà ngươi”. Sau đó, Chúa phán tiếp: “Bây giờ, hãy nhìn lên trời và đếm các vì sao, nếu ngươi có thể đếm các vì sao, thì dòng dõi ngươi cũng sẽ như thế” (15:5). Chính lúc này, Áp-ra-ham đã tin Chúa. Câu 6 nói: “Áp-ra-ham tin Chúa, và Ngài kể điều đó là sự công chính cho ông”. Đức tin của Áp-ra-ham đã được Chúa kể là công chính, và lúc đó, Áp-ra-ham đã được xưng công chính. Đây là sự xưng công chính bởi đức tin.
Việc Áp-ra-ham có một dòng dõi hoàn toàn không phải là vấn đề bên ngoài nhưng là vấn đề bên trong. Áp-ra-ham đã cố gắng làm cho điều này thành vấn đề bên ngoài vì Ê-li-ê-se là điều gì đó ở bên ngoài ông, không phải là điều ra từ ông. Chúng ta cần thấy sự khác biệt ở đây. Ngày nay, không nhiều Cơ-đốc nhân quan tâm đến kinh nghiệm bề trong. Hầu hết Cơ-đốc nhân quan tâm đến các kinh nghiệm bên ngoài. Những điều được dạy dỗ trong Cơ-đốc Giáo ngày nay phần lớn chỉ đạt đến cuối chương 14. Một số người có thể tranh luận về điều này rằng: “Chúng tôi không có sự xưng công chính bởi đức tin sao và điều này không có trong chương 15 sao?” Đúng, họ có sự xưng công chính bởi đức tin, nhưng ngay cả điều này cũng bị họ làm cho trở thành một điều bên ngoài.
Áp-ra-ham không được xưng công chính bởi đức tin trong chương 14 khi ông tin Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất. Đức Chúa Trời không kể loại đức tin này là công chính cho ông. Loại đức tin nào được kể là công chính cho Áp-ra-ham? Đó là đức tin tin rằng Đức Chúa Trời có thể đem điều gì đó vào trong ông để sinh ra dòng dõi. Tin rằng Đức Chúa Trời sẽ cung ứng cho chúng ta nhu cầu hằng ngày, thực phẩm hằng ngày là điều tốt, nhưng đó không phải là loại đức tin quí báu trong cách nhìn của Đức Chúa Trời. Loại đức tin nào là quí báu trong cách nhìn của Đức Chúa Trời? Đó là tin rằng Ngài có thể đem chính Ngài vào trong chúng ta để sản sinh Đấng Christ. Ngày nay, hầu hết Cơ-đốc nhân chỉ quan tâm đến đức tin tin rằng Đức Chúa Trời có thể làm những điều bên ngoài cho họ. Loại đức tin đó tin rằng Đức Chúa Trời có thể ban cho họ sức khỏe, sự chữa lành, một công việc tốt hay thăng quan tiến chức. Nhiều Cơ-đốc nhân chỉ có loại đức tin đó. Dầu loại đức tin đó là tốt nhưng không phải là đức tin hết sức quí giá trong cách nhìn của Đức Chúa Trời. Ngài đã không kể loại đức tin đó là công chính cho Áp-ra-ham. Loại đức tin được kể là công chính cho Áp-ra-ham là đức tin tin rằng Đức Chúa Trời có thể đem điều gì đó vào trong ông để sản sinh một dòng dõi. Trong Sáng Thế Ký chương 15, Áp-ra-ham đã không tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông cơm áo gạo tiền, gia súc hay nhiều người đầy tớ hơn. Ông tin rằng Đức Chúa Trời có thể đem điều gì đó vào trong ông và sản sinh một dòng dõi.
Anh em có loại đức tin nào? Phần lớn Cơ-đốc nhân đánh giá cao đức tin tin rằng Đức Chúa Trời sẽ cung cấp mọi điều họ cần cho đời sống hằng ngày. Đó là đức tin tin Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất. Có lẽ anh em cho rằng mình sẽ thỏa mãn khi có đức tin như vậy. Sau khi đọc bài vừa qua, có thể anh em đã cố gắng tin Đức Chúa Trời Chí Cao, tin rằng Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng sở hữu cả trời và đất. Nhưng đức tin đó không phải là đức tin đáng yêu, đáng quý trong cách nhìn của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần có đức tin tin rằng Đức Chúa Trời đang đem chính Ngài vào trong chúng ta, đức tin tin rằng dòng dõi thần thượng sẽ được sản sinh bởi điều gì đó đã được đem vào trong chúng ta. Nguyện vấn đề này được ghi khắc vào trong bản thể chúng ta!
1) Hai Điều Đức Chúa Trời Thực Hiện
Trên Người Được Kêu Gọi
a) Để Ông Tồn Tại
Trước chương 15, Áp-ra-ham đã kinh nghiệm Đức Chúa Trời là Đấng bảo vệ ông và cung cấp cho ông nhiều của cải vật chất (12:16). Áp-ra-ham đã nhường cho Lót mọi sự lựa chọn và đã chiến thắng bốn vua. Tuy nhiên, không một điều nào trong những điều này có quan hệ đến sự hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời mà chỉ liên quan đến sự tồn tại của Áp-ra-ham (12:10; 14:24). Ông đã kinh nghiệm mọi điều này ở hoàn cảnh bên ngoài, không phải trong sự sống bề trong.
b) Để Ông Hoàn Thành Mục Đích Của Đức Chúa Trời
Anh em có biết mục đích của Đức Chúa Trời là gì không? Mục đích của Đức Chúa Trời là có một dân biểu lộ Ngài với hình ảnh Ngài, đại diện Ngài với quyền quản trị của Ngài và chiếm trái đất cho Vương Quốc Ngài. Bắt đầu với Sáng Thế Ký 1:26, chúng ta thấy mục đích đời đời của Đức Chúa Trời là có được một dân biểu lộ Ngài theo hình ảnh Ngài, đại diện Ngài với quyền quản trị của Ngài và chiếm trái đất cho Vương Quốc Ngài. Khi Đức Chúa Trời đến để kêu gọi Áp-ra-ham, Ngài hứa với ông rằng ông sẽ hưởng phước hạnh là biểu lộ Đức Chúa Trời và trở nên một dân lớn. để qua ông, Đức Chúa Trời có thể có Vương Quốc Ngài trên đất. Đây là mục đích đời đời của Đức Chúa Trời ngày nay. Nhưng mọi điều đã xảy ra cho Áp-ra-ham trước Sáng Thế Ký chương 15 không quan hệ gì đến sự hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Chỉ từ chương 15 đến 24, chúng ta mới có lời ghi chép cho thấy thể nào Đức Chúa Trời đã đem điều gì đó vào trong Áp-ra-ham để ông có thể hoàn thành mục đích của Ngài. Không còn chỉ là những kinh nghiệm trong hoàn cảnh bên ngoài mà là những kinh nghiệm trong sự sống bề trong.
Phần lớn Cơ-đốc nhân ngày nay chỉ quan tâm đến sự tồn tại của mình, không quan tâm đến mục đích đời đời của Đức Chúa Trời. Thậm chí nhiều người trong chúng ta vẫn không có ấn tượng sâu xa với mục đích đời đời của Đức Chúa Trời. Nhiều người vẫn đang hi vọng Chúa sẽ ban cho họ một công việc tốt hơn, một người chồng hay người vợ tốt, một học vấn tốt hay một sự thăng tiến tốt. Trong khi tất cả những điều này có thể làm cho anh em tồn tại, nhưng không có quan hệ trực tiếp đến sự hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Mọi điều trước chương 15 là tốt, có ích cho sự tồn tại của Áp-ra-ham, làm ông có thể sống như một con người, nhưng không điều nào trong những điều này có quan hệ trực tiếp đến sự hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Hãy nhìn tình trạng của Áp-ra-ham. Bầy gia súc mà Áp-ra-ham có được tại Ai-cập có thể biểu lộ Đức Chúa Trời không? Các người đầy tớ của ông có thể đại diện Đức Chúa Trời được không? Dầu Đức Chúa Trời đã ban cho Áp-ra-ham nhiều điều, nhưng không một điều nào ông có hữu ích cho sự hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Để tồn tại là một điều, nhưng để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời là một điều khác. Nguyên tắc tương tự với chúng ta ngày nay. Học vấn, công việc và nhà cửa đều tốt cho sự tồn tại của chúng ta, nhưng không một điều nào trong những điều này là tốt cho sự hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời.
2) Hai Điều Cần Thiết
Để Hoàn Thành Mục Đích Của Đức Chúa Trời
a) Dòng Dõi
Bây giờ chúng ta cần thấy hai điều cần thiết cho sự hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời vào thời của Áp-ra-ham. Điều thứ nhất là dòng dõi (15:1-6; 13:16; 22:17-18; 12:2). Đức Chúa Trời đã kêu gọi Áp-ra-ham cho ý định hoàn thành mục đích của Ngài. Như chúng ta đã thấy, mục đích của Ngài là có một dân mang hình ảnh Ngài để biểu lộ chính Ngài và đại diện cho Ngài với quyền quản trị của Ngài. Nhưng Áp-ra-ham đã không có dòng dõi. Làm thế nào Áp-ra-ham có thể hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời mà không có dòng dõi? Đức Chúa Trời cần dòng dõi. Ngài cần có một dân qua dòng dõi đó.
(1) Không Phải Là Điều Áp-ra-ham Có
Áp-ra-ham giống như chúng ta và chúng ta giống như ông. Khi hiểu rằng mình cần một dòng dõi, Áp-ra-ham đã kể đến Ê-li-ê-se (15:2-4). Dường như Áp-ra-ham nói: “Bây giờ, tôi nhận thức rằng tôi phải có một dòng dõi để Đức Chúa Trời có được một dân. Vì tôi đã già và vợ tôi hầu như không còn khả năng sinh sản, nên dòng dõi này phải là điều mà tôi đã có rồi”. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ dùng những điều chúng ta đã có để hoàn thành mục đích của Ngài. Bất cứ điều gì chúng ta có hoàn toàn không tốt cho điều này. Đừng nghĩ rằng điều anh em có là tốt để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Những gì anh em có chỉ là một Ê-li-ê-se. Không một điều gì anh em có được kể đến. Không một điều gì chúng ta có là hữu ích để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Bất cứ điều gì chúng ta có mà không ra từ Đức Chúa Trời thì tốt nhất cũng chỉ là một điều gì đó thuộc về Đa-mách.
(2) Nhưng Là Những Gì Đức Chúa Trời Hứa Thực Hiện
Dòng dõi cần thiết để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời phải là những gì Đức Chúa Trời hứa thực hiện qua Áp-ra-ham. Đó phải là một điều gì đó mà Đức Chúa Trời đem vào trong ông để ông có thể sanh ra (15:4-5). Thế thì dòng dõi là gì? Nếu cầu nguyện và đọc Sáng Thế Ký chương 15 và Ga-la-ti chương 3, anh em sẽ thấy rằng dòng dõi là chínhh Đấng Christ. Không một điều gì chúng ta có lại có thể sản sinh Đấng Christ. Học vấn, những thành đạt, tài năng, v.v… của chúng ta đều vô nghĩa. Tất cả những điều này chỉ là những Ê-li-ê-se, những điều không phải là điều Chúa đem vào trong chúng ta để sản sinh Đấng Christ, tức dòng dõi. Không điều gì trong những điều này là chủ quan mà hoàn toàn là khách quan trong hoàn cảnh của chúng ta. Ê-li-ê-se của anh em có thể là trình độ đại học. Có thể ngay cả trong nếp sống Hội Thánh, anh em vẫn đang tin cậy Ê-li-ê-se này, nghĩa là, anh em còn tin cậy trình độ đại học của mình. Tất cả chúng ta đều đã trải qua một Đa-mách nào đó, ít ra đã có được một Ê-li-ê-se. Điều đó không bao giờ có thể là dòng dõi mà Đức Chúa Trời muốn. Dòng dõi phải là điều gì đó mà Đức Chúa Trời đem vào trong chúng ta, không phải là điều chúng ta đã nhặt được. Bất cứ điều gì chúng ta nhặt được từ Đa-mách đều không bao giờ có thể sản sinh Đấng Christ. Chỉ những gì Đức Chúa Trời đem vào trong bản thể chúng ta mới có thể sản sinh Đấng Christ là Dòng Dõi.
Để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời, chúng ta phải để cho Đấng Christ được đem vào bên trong. Đây là lý do vì sao Phao-lô bảo rằng Đấng Christ đã được khải thị vào trong ông (Gal. 1:15-16), Đấng Christ sống trong ông (Gal. 2:20), Đấng Christ được thành hình trong ông (Gal. 4:19) và đối với ông, sống là Đấng Christ (Phi. 1:21). Phao-lô đã sống Đấng Christ. Khi còn là Sau-lơ, người Tạt-sơ, ông đã trải qua một Đa-mách thuộc Do-thái, chiếm được nhiều điều. Tất cả những gì ông đạt được trong suốt thời gian đó chỉ là một Ê-li-ê-se. Chúa bảo Phao-lô rằng ông phải quên hết mọi điều đó –chúng là phân, rác rến, đồ ăn của chó– và quăng xa chúng. Không một điều gì mà Phao-lô có lại có thể sản sinh Đấng Christ. Chỉ những gì Đức Chúa Trời đã đem vào bản thể ông mới có thể sản sinh Đấng Christ. Dường như Chúa phán với Phao-lô: “Những điều ngươi có từ xuất thân tôn giáo của ngươi không bao giờ có thể sản sinh Đấng Christ. Chỉ những gì Ta đang đem vào trong ngươi sẽ sản sinh Đấng Christ. Điều Ta đang làm trong ngươi là ân điển của Ta”. Cuối cùng, Phao-lô có thể nói: “Nhưng tôi nay là người thể nào, ấy là nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, và ân điển Ngài ban cho tôi cũng không phải là luống nhưng đâu. Trái lại, tôi đã quá lao khổ hơn họ hết thảy, nhưng nào phải tôi, bèn là ân điển Đức Chúa Trời ở cùng tôi” (1Cô. 15:10).
Ở điểm này, tôi muốn nói một lời về sự khác nhau giữa ân điển và phước hạnh. Điều mà phần lớn Cơ-đốc nhân xem là ân điển thật ra là phước hạnh. Phước hạnh là gì? Phước hạnh là sự thịnh vượng, lợi lộc và tặng vật. Nhiều Cơ-đốc nhân, là những người hay dùng hình thức tính từ của từ ân điển, thích nói rằng: “Ô, Đức Chúa Trời làm ơn cho chúng ta biết bao!” Nhưng điều này thì không đúng với nghĩa thật của ân điển. Từ Hê-bơ-rơ cho từ làm ơn trong Dân Số Ký 6:25 có nghĩa là cúi mình xuống, hay khom xuống để ân cần với người cấp dưới. Chẳng hạn, trong sự nhơn từ, một vị vua có thể cúi người xuống để ban một điều gì đó cho kẻ ăn xin. Đó là điều mà từ làm ơn ngụ ý. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, ân điển không gì kém hơn là chính Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh, ân điển đơn giản là chính Đức Chúa Trời vào trong chúng ta làm sự vui hưởng của chúng ta. Giăng 1:17 nói: “Vì Kinh Luật đã ban bố bởi Môi-se, còn ân điển và thực tại thì bởi Jesus Đấng Christ mà đến”. Giăng 1:14 nói rằng: “Lời đã trở nên xác thịt… đầy ân điển và thực tại”, và Giăng 1:16 nói rằng: “Từ trong sự đầy đủ của Ngài mà hết thảy chúng ta nhận được ân điển gia trên ân điển”.
Phước hạnh là để chúng ta tồn tại, nhưng ân điển là để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phước hạnh của Đức Chúa Trời để tồn tại. Nếu Đức Chúa Trời không ban phước, chúng ta sẽ mất việc làm, sức khỏe và ngay cả đời sống thuộc thể. Tôi tin chắc rằng, vì sự tồn tại của mình, tôi hoàn toàn ở dưới sự chúc phước của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, chỉ hiện hữu thôi thì là hư không của mọi sự hư không. Chúng ta đang làm gì ở đây trong đất nước này? Có phải chúng ta ở đây chỉ kiếm sống để tồn tại không? Nếu như vậy, đó là hư không của mọi hư không. Tất cả xe hơi, nhà cửa, bằng cấp và việc làm đều là hư không. Một số người có thể nói: “Ngợi khen Chúa, chúng tôi có ba con trai và hai con gái: Các con trai là bác sĩ còn các con gái là giáo sư. Đây thật là một phước hạnh!” Đây là một phước hạnh để anh em và gia đình anh em tồn tại trong hư không của mọi hư không, nếu sự hiện hữu của anh em không để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Người khác có thể nói: “Cách đây năm năm, tôi chỉ kiếm được 5.000 đô-la mỗi năm, nhưng năm qua tôi đã kiếm được 25.000 đô-la. Đây thật là một phước hạnh!” Đây cũng là một phước hạnh để nhiều người tồn tại trong hư không của mọi hư không nếu họ không vì mục đích đời đời của Đức Chúa Trời.
Gần đây, Chúa đã đánh thức tôi dậy sớm và chỉ cho tôi rằng không một Sách nào của Tân Ước kết thúc với cụm từ: “Phước hạnh ở cùng anh em” hay “Phước hạnh ở với linh anh em”. Tuy nhiên, hầu như tất cả Các Thư Tín đều kết thúc với những từ: “Ân điển ở với anh em” (Gal. 6:18; Êp. 6:24; Phi. 4:23; Côl. 4:18). Nói rằng: “Phước hạnh ở với anh em”, có nghĩa là anh em sẽ được thịnh vượng bằng những điều vật chất. Nhưng Kinh Thánh của chúng ta không bao giờ nói điều gì giống như vậy. Phúc Âm Giăng không nói rằng Lời đã trở nên xác thịt đầy dẫy phước hạnh hay phước hạnh đến cùng với Đấng Christ. Không một Sách nào kết thúc với câu: “Phước hạnh ở với anh em”.
Trong Cựu Ước, chúng ta chủ yếu có các phước hạnh, nhưng trong Tân Ước, những phước hạnh thuộc thể ngay lập tức được thay bằng phước hạnh thuộc linh. Ê-phê-sô 1:3 nói rằng Đức Chúa Trời đã chúc phước cho chúng ta mọi phước hạnh thuộc linh trong Đấng Christ và câu cuối của Sách này nói: “Ân điển ở với hết thảy những người yêu mến Chúa chúng ta là Jesus Đấng Christ”. Câu cuối cùng của cả Kinh Thánh cũng nói về ân điển. Khải Thị 22:21 không nói: “Phước hạnh của Đức Chúa Trời Chí Cao, Đấng sở hữu cả trời và đất ở với hết thảy anh em”. Nhưng nói: “Ân điển của Chúa chúng ta là Jesus Đấng Christ ở với hết thảy anh em”. Anh em có nhớ phước hạnh mà các thấy tế lễ thường chúc cho con cái Ítx-ra-ên trong Dân Số Ký 6:24-26 không? Phước hạnh đó như vầy: “Chúa ban phước cho ngươi và gìn giữ ngươi! Chúa chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi và làm ơn cho ngươi! Chúa ngẩng mặt Ngài trên ngươi và ban bình an cho ngươi”. Trái lại, phước hạnh của Phao-lô trong 2Cô-rin-tô 13:14, là một loại khác: “Ân điển của Chúa Jesus Đấng Christ, sự thương yêu của Đức Chúa Trời, và sự tương giao của Thánh Linh ở với hết thảy anh em”. Tôi xin nhắc lại, các phước hạnh là để chúng ta tồn tại và ân điển là để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời.
(3) Lời Hứa Của Đức Chúa Trời
Và Đức Tin Của Áp-ra-ham Được Kể Là Công Chính
Sau khi từ chối lời đề nghị của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời hứa với ông rằng Ngài sẽ làm điều gì đó cho ông để ông có thể có dòng dõi được sanh bởi ông, như sao trên trời (15:5). Áp-ra-ham tin Chúa theo như lời Ngài và Chúa đã kể việc tin của ông là công chính (15:6). Đó là loại đức tin tin rằng Đức Chúa Trời sẽ hành động trong chúng ta để sản sinh Đấng Christ, tức dòng dõi, và đức tin này là quí báu đối với Đức Chúa Trời và là sự công chính của chúng ta trong cách nhìn của Đức Chúa Trời. Đây là đức tin để nhận lãnh ân điển của Đức Chúa Trời, không phải để nhận phước hạnh của Ngài.
Ngày nay, hầu hết Cơ-đốc nhân đều quan tâm đến phước hạnh, không quan tâm nhiều đến ân điển. Dầu đây là thời đại Tân Ước, nhưng nhiều Cơ-đốc nhân vẫn còn sống trong thời kỳ Cựu Ước, quan tâm đến phước hạnh, không quan tâm đến ân điển. Trong sự khôi phục của Chúa, chúng ta cần phước hạnh. Luôn nhóm với nhau là một phước hạnh lớn. Nhưng hơn cả điều này, chúng ta cần ân điển. Chúng ta cần Đức Chúa Trời hiện đến và phán: “Điều con có thì không được kể đến. Điều con có thể làm và sẽ làm cũng chẳng được kể đến. Ta sẽ đem điều gì đó vào trong con và điều này sẽ sản sinh dòng dõi. Con có tin điều này không?” Nếu chúng ta tin điều này, loại đức tin này là quý báu đối với Đức Chúa Trời. Đây không phải là đức tin tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta mọi điều chúng ta cần để tồn tại; đó là đức tin tin rằng Đức Chúa Trời đang đem chính Ngài vào trong chúng ta để sản sinh Đấng Christ là dòng dõi duy nhất, dòng dõi cần thiết cho sự hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời.
b) Miền Đất
Điều thứ hai cần thiết cho sự hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời là miền đất (15:17-21; 12:7; 13:14-15,17; 17:8).
(1) Định Nghĩa Miền Đất
Miền đất là gì? Nhiều Cơ-đốc nhân nghĩ rằng miền đất là trời, xem sự chết thuộc thể là sông Giô-đanh. Quan niệm này hoàn toàn không phù hợp với sự hiểu biết đúng đắn về Lời Thánh. Vào thời của Áp-ra-ham, miền đất là nơi mà ông có thể sống trong đó. Áp-ra-ham cần một nơi để sống và tồn tại. Vì thế miền đất là nơi để dân Đức Chúa Trời sống và tồn tại. Hơn nữa, vào thời của Áp-ra-ham, miền đất là nơi Áp-ra-ham có thể đánh bại mọi kẻ thù để Đức Chúa Trời, có thể có một vương quốc trên đất. Hơn nữa, miền đất là nơi Đức Chúa Trời có thể có một nơi cư ngụ làm sự biểu lộ của chính Ngài. Vì thế, chúng ta cần thấy năm điểm về miền đất: đó là nơi để dân Đức Chúa Trời sống, nơi dân Ngài tồn tại, nơi kẻ thù của Đức Chúa Trời thất bại, nơi Đức Chúa Trời có thể có Vương Quốc, và là nơi Đức Chúa Trời có thể có một nơi cư ngụ để biểu lộ Ngài. Cuối cùng, trong miền đất này, Vương Quốc của Đức Chúa Trời được thiết lập, Đền Thờ được xây dựng để Đức Chúa Trời cư ngụ, và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã được hiển lộ. Tất cả những điều này là bức tranh thu nhỏ về việc hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Đây hoàn toàn là vấn đề khác với sự tồn tại của Áp-ra-ham. Để Áp-ra-ham tồn tại là một điều; để ông có dòng dõi và miền đất nhằm hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời lại là một điều khác.
Ngày nay, với chúng ta, miền đất này là gì? Chắc chắn rằng miền đất này là Đấng Christ đang sống trong chúng ta và chúng ta đang sống trong Ngài. Ngày nay, chúng ta phải sống trong Đấng Christ và dựa vào Đấng Christ. Nhưng nhiều Cơ-đốc nhân không thực hành điều này. Họ không quan tâm đến việc Đấng Christ được đem vào trong họ như Dòng Dõi, cũng không sống trong Đấng Christ là Miền Đất để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Với họ, Đấng Christ không phải là miền đất để họ sống trong và dựa vào đó; Ngài cũng không là miền đất để họ tiêu diệt mọi kẻ thù. Chúng ta có thể giết kẻ thù của mình ở đâu? Trong Đấng Christ là Miền Đất. Đấng Christ chính là nơi chúng ta giết Kết-rô-lao-me và tất cả các vua khác. Đấng Christ cũng là Miền Đất để Vương Quốc của Đức Chúa Trời, nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời, có thể được xây dựng.
Nếu thấy điều này, chúng ta biết phần lớn Cơ-đốc nhân đã lệch mục tiêu trong việc chỉ tìm kiếm các phước hạnh của Đức Chúa Trời là dường nào. Chúng ta không cần quan tâm nhiều đến sự tồn tại của mình hay bận tâm về các phước hạnh của Đức Chúa Trời, vì Cha chúng ta biết điều chúng ta cần. Chúng ta nên để cho Ngài chăm sóc mình. Ngài sẽ không bao giờ lìa khỏi hay từ bỏ chúng ta (Hêb. 13:5).
Trong vấn đề mục đích của Đức Chúa Trời, chúng ta không nên kể đến những gì chúng ta có hoặc có thể làm. Điều chúng ta có là Ê-li-ê-se và điều chúng ta có thể làm là Ích-ma-ên. Ê-li-ê-se là điều Áp-ra-ham có, còn Ích-ma-ên là điều Áp-ra-ham có thể làm, không một ai trong họ có giá trị cho sự hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Điều chúng ta có và có thể làm đều không được kể đến. Điều được kể đến phải là chính Đức Chúa Trời. Sau một thời gian nào đó, khi chúng ta thật sự trở nên không là gì, Đức Chúa Trời sẽ đem chính Ngài vào trong chúng ta và điều Ngài đã đem vào trong chúng ta sẽ sản sinh Đấng Christ như là Dòng Dõi và cũng sẽ đem chúng ta vào trong Đấng Christ là Miền Đất. Đấng Christ nên là Dòng Dõi bên trong chúng ta. Đấng Christ cũng nên là Miền Đất mà chúng ta sống trong đó. Chúng ta không có Đấng Christ bên trong sao? Có, nhưng Ngài phải là Dòng Dõi. Ngày nay, chúng ta không ở trong Đấng Christ sao? Có, nhưng chúng ta phải sống trong Ngài là Miền Đất của mình.
Ngày nay, miền đất cũng là Hội Thánh vì Hội Thánh là sự mở rộng của Đấng Christ. Thân Thể của Đấng Christ, tức Hội Thánh, là sự bành trướng của Đấng Christ. Trong Hội Thánh, chúng ta sống trong Đấng Christ và dựa vào Đấng Christ. Trong Hội Thánh, chúng ta tiêu diệt các thù địch, và trong Hội Thánh, chúng ta có Vương Quốc của Đức Chúa Trời với nơi cư ngụ của Ngài. Vì lý do này, khi bước vào Hội Thánh, lập tức chúng ta có cảm nhận là đã về nhà. Bây giờ, chúng ta không còn lang thang nữa nhưng có một nơi mà chúng ta sống trong và dựa vào đó, một nơi để giết mọi kẻ thù, một nơi chúng ta có thể có Vương Quốc của Đức Chúa Trời với nơi cư ngụ của Ngài. Trước khi bước vào Hội Thánh, chúng ta không có nếp sống Cơ-đốc đúng đắn, nhưng sau khi đã bước vào Hội Thánh, một sự thay đổi tích cực đã xảy ra trong nếp sống Cơ-đốc của chúng ta!
Trước khi bước vào Hội Thánh, chúng ta khó mà đánh bại bất kỳ một kẻ thù nào, nhưng sau khi đã bước vào, điều đó thật dễ dàng. Kết-rô-lao-me sợ Hội Thánh. Chúng ta có thể diệt hết tất cả kẻ thù ở đâu? Trong Ca-na-an. Ca-na-an ngày nay là gì? Đó là Hội Thánh, tức Đấng Christ được mở rộng. Ngày nay, Vương Quốc của Đức Chúa Trời với nơi cư ngụ của Ngài ở đâu? Cũng trong Hội Thánh. Hội Thánh, tức Đấng Christ Mở Rộng, là Miền Đất Tốt Lành của chúng ta ngày nay.
Cả dòng dõi và miền đất đều là Đấng Christ. Dòng dõi là Đấng Christ trong chúng ta, và miền đất là Đấng Christ mà chúng ta sống trong đó. Đấng Christ sống trong chúng ta là dòng dõi và chúng ta sống trong Ngài là miền đất. Ngài vừa là Dòng Dõi vừa là Miền Đất để hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời.
(2) Lời Hứa Của Đức Chúa Trời Và Việc Áp-ra-ham Thiếu Đức Tin
Trong chương này, Đức Chúa Trời đã lặp lại lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham không những về dòng dõi mà còn về miền đất. Lời hứa về dòng dõi được nói đến đầy đủ trong sáu câu đầu. Áp-ra-ham đã tin Chúa về lời hứa liên quan đến dòng dõi. Lời hứa về miền đất được Đức Chúa Trời xác lập trong câu 7, nhưng Áp-ra-ham đã thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời đối với lời hứa này về miền đất. Bởi điều này, chúng ta thấy rằng tin Đức Chúa Trời về dòng dõi thì dễ hơn tin Đức Chúa Trời về miền đất. Để Đấng Christ sống trong chúng ta như dòng dõi thì dễ hơn là chúng ta sống trong Đấng Christ là miền đất. Nhận lấy Đấng Christ là dòng dõi đang sống trong chúng ta thì dễ hơn nhận lấy Đấng Christ là miền đất để chúng ta có nếp sống Hội Thánh vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời với nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời. Vì Áp-ra-ham giống như chúng ta, thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời, nên về phương diện này, Đức Chúa Trời buộc phải lập một giao ước với ông để xác quyết lời hứa của Ngài về miền đất. Trong bài tới, chúng ta sẽ xem chi tiết về giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập với Áp-ra-ham.
BÀI BỐN MƯƠI LĂM
Nhận Biết Ân Điển Để Hoàn Thành
Mục Đích Của Đức Chúa Trời
Giao Ước Của Đức Chúa Trời
Với Áp-Ra-Ham
Trong bài trước, chúng ta đã thấy bất cứ điều gì Áp-ra-ham kinh nghiệm trước Sáng Thế Ký chương 15 đều là vấn đề Đức Chúa Trời chúc phước cho sự tồn tại của ông. Nhưng việc Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham không chỉ để Áp-ra-ham tồn tại mà là để mục đích đời đời của Ngài có thể được hoàn thành qua ông. Bắt đầu chương 15, Đức Chúa Trời hiện đến bày tỏ cho Áp-ra-ham rằng ông cần ân điển để hoàn thành mục đích đời đời của Ngài. Áp-ra-ham không những cần hạnh phước bên ngoài trong hoàn cảnh mà còn cần ân điển trong sự sống. Nếu đọc cẩn thận Sáng Thế Ký chương 15 đến 22, chúng ta sẽ thấy rằng trong các chương này, Đức Chúa Trời đang xử lý Áp-ra-ham hầu đem ông đến chỗ nhận thức rằng ông cần ân điển Ngài để hoàn thành mục đích đời đời của Ngài. Vì thế, Đức Chúa Trời hiện đến không chỉ để ban phước cho Áp-ra-ham bên ngoài mà còn để đem chính Ngài vào trong ông như ân điển hầu ông có thể có thực chất để thực hiện mục đích đời đời của Ngài.
Như chúng ta đã thấy trong bài trước, hai điều cần có để Áp-ra-ham hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời –dòng dõi và miền đất. Nếu đọc lại Sáng Thế Ký chương 15, anh em sẽ thấy rằng hai điều này –dòng dõi và miền đất– được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Chúng ta đã thấy cả dòng dõi lẫn miền đất đều là Đấng Christ. Ban đầu, dòng dõi là Đấng Christ cá thể, riêng lẻ nhưng cuối cùng miền đất là Đấng Christ Tập Thể. Ga-la-ti 3:16 bày tỏ Đấng Christ là dòng dõi của Áp-ra-ham. Ban đầu, dòng dõi này là Đấng Christ cá thể nhưng cuối cùng đã trở nên Đấng Christ tập thể –Đấng Christ là Đầu với tất cả chúng ta là Thân Thể Ngài. Đây là dòng dõi cần phải có để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời.
Đấng Christ cũng là Miền Đất. Khái niệm Đấng Christ là miền đất có vẻ như khá mới lạ vì trước đây nhiều người trong chúng ta được dạy rằng miền đất tốt lành Ca-na-an là hình bóng, biểu tượng về thiên đàng. Khái niệm này được nhiều Cơ-đốc nhân nắm giữ, nhưng nếu trở về với Lời thuần khiết, chúng ta có thể thấy rằng miền đất thực ra là biểu tượng về Đấng Christ. Theo hình bóng, miền đất là nơi dân Đức Chúa Trời yên nghỉ và là nơi Đức Chúa Trời có thể đánh bại mọi thù nghịch của Ngài, thiết lập vương quốc Ngài với nơi cư ngụ của Ngài để biểu lộ và đại diện Ngài. Về miền đất, xin nhớ những điểm sau đây: đó là nơi dân Đức Chúa Trời có thể yên nghỉ; nơi mọi thù nghịch của Đức Chúa Trời có thể bị tiêu diệt; nơi mà Đức Chúa Trời thiết lập vương quốc Ngài và xây dựng nơi cư ngụ Ngài hầu Ngài có thể được biểu lộ và đại diện trên trái đất phản loạn này. Thế thì, nơi nào có đủ điều kiện để là miền đất như thế? Không gì khác ngoài Đấng Christ. Trong Đấng Christ, chúng ta có sự yên nghỉ và tiêu diệt mọi kẻ thù. Trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời thiết lập vương quốc Ngài và xây dựng nơi cư ngụ Ngài, tức Hội Thánh, để biểu lộ và đại diện của Ngài. Anh em có thấy cả dòng dõi và miền đất đều là Đấng Christ không? Dòng dõi mà Đức Chúa Trời đã hứa với Áp-ra-ham là Đấng Christ tập thể hôm nay, và miền đất Đức Chúa Trời đã hứa với ông là Đấng Christ kỳ diệu được phục sinh và nâng cao, mà trong Ngài, chúng ta yên nghỉ và tiêu diệt kẻ thù; và trong Ngài, Đức Chúa Trời thiết lập vương quốc và xây dựng nơi cư ngụ của Ngài hầu Ngài có thể được biểu lộ và đại diện.
Khi Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham rằng ông sẽ có một dòng dõi, Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời ngay (15:6). Khi Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời về lời hứa liên quan đến dòng dõi, thì đức tin của ông, là điều rất quí báu đối với Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Trời kể là công chính. Khi đó, Áp-ra-ham được xưng công chính bởi đức tin, tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông dòng dõi để hoàn thành mục đích đời đời của Ngài. Khi Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời về điều đó, Ngài vui mừng với ông. Tuy nhiên, sau đó, khi Đức Chúa Trời cũng hứa với Áp-ra-ham rằng Ngài sẽ ban cho ông miền đất, Áp-ra-ham hồ nghi, thưa với Chúa: “Lạy Chúa Giê-hô-va, bởi cớ chi tôi biết rằng tôi sẽ được xứ này làm sản nghiệp?” (c. 8) Mặc dầu ông có thể tin Đức Chúa Trời về lời hứa liên quan đến dòng dõi, nhưng ông không thể tin Ngài về lời hứa liên quan đến miền đất.
Ngày nay, nguyên tắc cũng như vậy. Tin Đấng Christ là dòng dõi thì dễ nhưng tin Đấng Christ là miền đất thì khó. Tin Đấng Christ là sự sống của chúng ta thì dễ hơn tin Ngài là nếp sống của Hội Thánh. Nhiều Cơ-đốc nhân tin Đức Chúa Trời về việc Đấng Christ là sự sống của họ nhưng khi đến với vấn đề nếp sống Hội Thánh, tức miền đất tốt lành, nơi chúng ta có thể yên nghỉ, tiêu diệt kẻ thù và tạo cho Đức Chúa Trời nền tảng thiết lập vương quốc Ngài và xây dựng nơi cư ngụ Ngài thì họ nói rằng ngày nay chúng ta không thể có được điều này. Dường như nhiều Cơ-đốc nhân nói rằng: “Chúng tacó thể sống bởi Đấng Christ nhưng không thể có nếp sống Hội Thánh”. Với họ, tin rằng Đấng Christ là sự sống của họ thì dễ hơn tin rằng Hội Thánh là nếp sống của họ. Họ không thể tin rằng ngày nay có thể có nếp sống Hội Thánh. Một lần nữa, chúng ta thấy mình giống như Áp-ra-ham, thấy rằng tin Đức Chúa Trời về dòng dõi thì dễ nhưng tin Ngài về miền đất thì khó. Anh em có Đấng Christ là dòng dõi không? Anh em cũng có Ngài là miền đất không? Thật không đơn giản để có Đấng Christ là miền đất cho chúng ta sống trong đó hầu có thể có nếp sống Hội Thánh và Đức Chúa Trời có thể có vương quốc Ngài với nơi cư ngụ của Ngài để biểu lộ và đại diện Ngài.
Cách đây nhiều năm, trước khi bước vào nếp sống Hội Thánh, chúng tôi đã chia sẻ vấn đề sống bởi Đấng Christ, nhưng chính chúng tôi đã không ở trong sự yên nghỉ. Chúng tôi lang thang không yên cho đến một ngày nọ, bởi ân điển Ngài, chúng tôi đã bước vào Hội Thánh. Khi bước vào Hội Thánh, chúng tôi bắt đầu có cảm nhận rằng chúng tôi đã ở trong sự yên nghỉ. Trước khi bước vào nếp sống Hội Thánh, chúng tôi thấy rất khó tiêu diệt kẻ thù, nhưng sau khi đã bước vào nếp sống Hội Thánh, chúng tôi thấy rằng thật dễ dàng để tiêu diệt hết thảy kẻ thù. Trong nếp sống Hội Thánh, vương quốc của Đức Chúa Trời được thiết lập, nơi cư ngụ của Ngài được xây dựng, Đức Chúa Trời được biểu lộ và đại diện. Đây là sự hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời hôm nay.
(3) Đức Chúa Trời Xác Quyết Lời Hứa Của Ngài
Bằng Cách Lập Giao Ước Với Áp-ra-ham Qua Đấng Christ.
Vì Áp-ra-ham thấy rằng thật khó tin Đức Chúa Trời về lời hứa liên quan đến miền đất, nên Đức Chúa Trời buộc phải lập một giao ước với ông. Trong 15:9-21, chúng ta thấy Đức Chúa Trời xác quyết lời hứa của Ngài bằng cách lập giao ước với Áp-ra-ham qua Đấng Christ. Cách Đức Chúa Trời lập giao ước này với Áp-ra-ham thì rất đặc biệt. Đối với nhiều người, phân đoạn Lời này thật khó hiểu. Chúng ta cần thấy rằng Đức Chúa Trời buộc phải lập giao ước này với Áp-ra-ham. Về phần Đức Chúa Trời, Ngài không cần làm điều này. Nếu Áp-ra-ham lập tức tin Đức Chúa Trời về lời hứa liên quan đến miền đất thì Sáng Thế Ký chương 15 hẳn sẽ ngắn hơn nhiều so với hiện tại. Trong chương đó sẽ không cần đề cập đến nhiều điều như: sả thịt bò cái, dê cái và chiên đực; việc dâng chim cu rừng và bồ câu con; giấc ngủ say ập đến trên Áp-ra-ham; nỗi kinh hoàng về sự tối tăm dày đặc ập đến trên ông; việc Đức Chúa Trời như một lò khói lớn và như ngọn lửa lòe ngang qua các phần thịt đã sả; và việc đề cập đến 400 năm bị hà hiếp. Dường như chẳng có gì vui. Đó không phải là lúc bình minh mà là buổi hoàng hôn và Đức Chúa Trời không hiện đến cách yêu thương nhưng như một lò khói lớn và ngọn lửa sáng lòe. Nếu chứng kiến một cảnh tượng như vậy, có lẽ chúng ta đã kinh hãi đến chết, không thể chịu nỗi, và thấy rằng cảnh tượng đó thật khủng khiếp. Tuy nhiên, cảnh tượng này có một hương vị rất ngọt ngào vì trong đó Đức Chúa Trời lập một giao ước với người yêu dấu được kêu gọi của Ngài; Ngài chẳng hề có ý định làm ông sợ hãi.
Tôi đã dành nhiều thì giờ để cố gắng hiểu được phân đoạn Lời này. Ban đầu, tôi không thể hiểu vì thiếu kinh nghiệm. Tôi tra cứu một số sách nhưng không một sách nào giúp ích cho vấn đề này. Cuối cùng, bởi kinh nghiệm trong nhiều năm, Chúa đã cho tôi thấy ý nghĩa thật của phân đoạn Lời này. Sự kiện trong Sáng Thế Ký chương 15 là việc hoàn thành một giao ước, ghi lại việc Đức Chúa Trời lập một giao ước. Giao ước đầu tiên Đức Chúa Trời đã lập là với Nô-ê (9:8-17), giao ước lấy cầu vồng làm dấu hiệu. Ở đây, trong Sáng Thế Ký chương 15, là giao ước thứ hai Đức Chúa Trời lập với con người. Chúng ta cần ghi nhớ kỹ sự kiện này.
(a) Ba Gia Súc Tượng Trưng Cho Đấng Christ Bị Đóng Đinh
Trong việc lập giao ước với Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời bảo ông hãy bắt một bò cái, một dê cái, một chiên đực, một chim cu rừng và một bồ câu con (c. 9). Ba loại gia súc này, tất cả đều 3tuổi, được mổ làm hai, nhưng hai con chim thì không, chúng còn sống. Chính là qua những con vật này mà Đức Chúa Trời lập giao ước với Áp-ra-ham, hàm ý rằng theo cách này, Áp-ra-ham có thể hoàn thành mục đích đời đời của Ngài.
Chúng ta cần thấy ý nghĩa của ba loại gia súc và hai con chim này. Theo hình bóng, mọi điều con người dâng cho Đức Chúa Trời đều là hình bóng về Đấng Christ. Dựa trên nguyên tắc này, mỗi loài trong năm vật này chắc chắn là hình bóng về Đấng Christ. Trước hết, Đấng Christ là Đấng Christ bị đóng đinh, Đấng Christ bị sả thịt; thứ hai, Ngài là Đấng Christ phục sinh, Đấng Christ sống. Nếu thấy điều này, chúng ta có thể hiểu ngay rằng ba thứ gia súc này đã bị sả thịt và bị giết, đều là hình bóng về Đấng Christ chịu đóng đinh. Đấng Christ chịu đóng đinh là Đấng đã trở nên xác thịt, sống trên đất trong nhân tính. Giăng chương 1 nói rằng Lời là Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt (c. 14). Sau đó nói Đấng này là Chiên Con của Đức Chúa Trời (c. 29). Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng, vốn là Lời của Đức Chúa Trời, đã trở nên xác thịt. Vì vậy, ba loại gia súc trong Sáng Thế Ký chương 15 nên tượng trưng cho Đấng Christ trong nhân tính đã bị đóng đinh vì chúng ta.
Nếu đọc Sáng Thế Ký chương 15 cùng với Sách Lê-vi ký, chúng ta có thể thấy bò cái tơ là để làm của lễ bình an (Lêv. 3:1). Vì sao của lễ bình an được đề cập trước? Vì khi Đức Chúa Trời lập giao ước với người được kêu gọi của Ngài thì cần phải có sự bình an. Trong việc lập giao ước hay bất kỳ hiệp định nào giữa hai bên, cần phải có hòa bình. Để Đức Chúa Trời lập giao ước với người được kêu gọi của Ngài, trước hết cần có của lễ bình an. Và Đấng Christ là Của Lễ Bình An đó. Dê cái là hình bóng về Đấng Christ là Của Lễ Chuộc Tội (Lêv. 4:28; 5:6). Bất kể chúng ta, những người được kêu gọi, có tốt đến đâu, cũng vẫn đầy tội lỗi. Do đó, sau của lễ bình an, chúng ta cần của lễ chuộc tội. Ha-lê-lu-gia! Nan đề tội lỗi đã được giải quyết! Nó đã bị cất đi bởi Đấng Christ như dê cái, như của lễ chuộc tội của chúng ta. Tiếp theo điều này, cần có của lễ thiêu, là của lễ mang ý nghĩa là mọi sự phải dành cho Đức Chúa Trời (Lêv. 1:10). Sau của lễ bình an, có của lễ chuộc tội; sau của lễ chuộc tội, có của lễ thiêu. Đấng Christ là mọi của lễ mà Đức Chúa Trời đã thông qua trong việc lập giao ước với người được kêu gọi của Ngài.
Tại sao ba loại gia súc này đều phải ba tuổi? Vì Đấng Christ bị giết không phải trong sự chết nhưng trong sự phục sinh. Ngài được dâng không phải trong sự chết nhưng trong sự phục sinh. Nói về sự phục sinh của Ngài, Chúa phán với người Do-thái: “Hãy phá đền thờ này đi, rồi trong ba ngày, Ta sẽ dựng lại” (Gi. 2:19). Chúa bị giết khi Ngài “ba tuổi”, có nghĩa là Ngài bị giết trong sự phục sinh. Ngay cả trước khi bị giết, Ngài đã ở trong sự phục sinh rồi vì Ngài hằng ở trong sự phục sinh (Gi. 11:25). Vì vậy, khi Ngài bị giết, Ngài bị giết trong sự phục sinh, và đây là lý do vì sao Ngài có thể được sống lại. Đấng Christ đã dâng chính Ngài cho Đức Chúa Trời trong sự phục sinh. Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá trong sự phục sinh. Bất kể anh em mạnh mẽ thể nào, nếu bị giết, anh em sẽ bị giết trong sự chết, không phải trong sự phục sinh. Nhưng Chúa Jesus đã bị giết trong sự phục sinh.
(b) Hai Con Chim Tượng Trưng Cho Đấng Christ Phục Sinh.
Hai con chim, không một con nào bị giết, tượng trưng cho Đấng Christ phục sinh, Đấng Christ sống (Lêv. 14:6-7). Đấng Christ Phục Sinh này chủ yếu trong thần tính, vì theo Kinh Thánh, về hình bóng, chim bồ câu tượng trưng cho Thánh Linh (Gi. 1:32). Do đó, trong khi gia súc tiêu biểu cho Đấng Christ trong nhân tính thì chim tiêu biểu cho Ngài trong thần tính. Vì thế, chim trong Sáng Thế Ký chương 15 tượng trưng cho Đấng Christ thiên thượng, Đấng Christ từ trời xuống và là Đấng vẫn ở trên trời (Gi. 3:13), tức Đấng Christ vốn đã hiện hữu và vẫn đang sống. Đấng Christ đã bị đóng đinh, dầu vậy Ngài vẫn sống. Ngài bị giết trong nhân tính, nhưng Ngài sống trong thần tính. Ngài đã bị giết như một người đã bước đi trên đất, nhưng nay Ngài đang sống như Đấng Thiên Thượng, vút lên các từng trời. Trong khi nhân tính Ngài thật tốt để Ngài là tất cả các sinh tế thì thần tính Ngài là tốt để Ngài là Đấng Sống. Ngài hy sinh cho chúng ta trong nhân tính Ngài và Ngài đang sống cho chúng ta trong thần tính Ngài.
Theo hình bóng, chim cu rừng tượng trưng cho đời sống chịu khổ, còn bồ câu con tượng trưng cho đời sống có đức tin, đời sống đức tin. Trong khi sống trên đất, Chúa Jesus luôn chịu khổ và tin. Trong đời sống chịu khổ, Ngài là chim cu rừng, và trong đời sống đức tin, Ngài là bồ câu con.
Có hai con chim và số 2 có nghĩa là bằng chứng, mang chứng cớ (Công. 5:32). Hai con chim sống này mang chứng cớ về Đấng Christ là Đấng Phục Sinh đang sống trong chúng ta và cho chúng ta (Gi. 14:19-20; Gal. 2:20). Jesus sống là chứng cớ, Đấng không ngừng mang lời chứng. Trong Khải Thị chương 1, Chúa Jesus phán: “Ta là Đấng Sống và đã chết; này, Ta sống cho đến đời đời vô cùng” (c. 18). Việc Ngài sống đời đời là chứng cớ của Ngài vì chứng cớ của Jesus luôn liên quan đến vấn đề sống. Nếu một Hội Thánh địa phương không sống, Hội Thánh ấy không có chứng cớ của Jesus. Càng sống, chúng ta càng là chứng cớ của Jesus sống.
Có ba gia súc và hai con chim, tổng cộng là năm. Số 5 là số trách nhiệm, ở đây ngụ ý rằng là Đấng chịu đóng đinh và đang sống, Đấng Christ hiện đang mang tất cả trách nhiệm để hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời.
(c) Là Chim Ăn Mồi Từ Không Trung, Sa-tan Và Các Sứ Giả Nó
Đã Đến Làm Cho Đấng Christ Không Hiệu Quả
Khi các sinh tế đã được dọn sẵn, chim ăn mồi từ không trung bay xuống tìm cách ăn (c. 11). Điều này có nghĩa là Sa-tan và các sứ giả của nó đã đến làm cho Đấng Christ không hiệu quả đối với nếp sống Hội Thánh (Gal. 5:2,4). Ngày nay, Sa-tan và các sứ giả của nó (2Cô. 11:13-15) đang cố hết sức để cướp những Cơ-đốc nhân vui hưởng Đấng Christ vì nếp sống Hội Thánh (Côl. 2:8). Như Áp-ra-ham đuổi chim ăn mồi thì chúng ta cũng phải đuổi Sa-tan và các sứ giả nó khỏi những gì Đấng Christ là đối với chúng ta vì nếp sống Hội Thánh.
(d) Đức Chúa Trời Lập Giao Ước Đi Giữa Các Phần Của Các Sinh Tế
Chính bởi các sinh tế là hình bóng về Đấng Christ mà Đức Chúa Trời thông qua để lập giao ước với Áp-ra-ham (c. 17-18, ss. với Giê. 34:18-19). Sau khi Áp-ra-ham mổ gia súc làm hai và bày tất cả các sinh tế ấy ra thì “mặt trời vừa lặn, Áp-ram ngủ mê; này một cơn kinh hãi, tối tăm nhập vào mình người” (c. 11-12). Khi Áp-ra-ham ở trong hoàn cảnh này thì Đức Chúa Trời hiện đến. Câu 17 chép: “Khi mặt trời đã lặn, thình lình sự tối mịt giáng xuống; kìa, có một lò khói lớn bay lên và một ngọn lửa lòe ngang qua các xác thịt đã mổ” (c. 18, theo Hê-bơ-rơ). Đức Chúa Trời không đến theo cách đáng yêu nhưng đến như một lò khói lớn, như ngọn lửa sáng lòe. Lò là để tinh luyện, còn ngọn lửa là để soi sáng. Giữa hoàn cảnh đen tối, Đức Chúa Trời hiện đến để tinh luyện và soi sáng. Điều này thường hay xảy ra trong nếp sống Hội Thánh. Bình minh thình lình trở nên hoàng hôn, đêm tối ập trên chúng ta, nhiều thánh đồ ngủ mê, không còn tác nhiệm, và có sự đau khổ về mọi mặt. Suốt thời gian hoạn nạn đó, chúng ta có thể bắt đầu nghi ngờ và nói: “Điều này là gì? Có gì sai với chúng ta không?” Chính lúc ấy, Đức Chúa Trời sẽ luôn hiện đến như lò lớn để tinh luyện chúng ta, nung đốt chúng ta và cũng như ngọn đuốc để soi sáng chúng ta. Người ta thường nói về những người trong nếp sống Hội Thánh như vầy: “Làm thế nào các anh, cũng là người, lại có nhiều ánh sáng như vậy? Thật có ánh sáng giữa vòng các anh! Thật có ngọn đuốc đang sáng lòe ra!” Ánh sáng chủ yếu đến từ các nỗi khổ. Hãy nhìn vào hoàn cảnh của Áp-ra-ham: mặt trời đã lặn, bóng đêm xuất hiện, Áp-ra-ham đang ngủ thì Đức Chúa Trời hiện đến không phải như người yên ủi nhưng như một lò lớn thiêu đốt và như ngọn đuốc soi sáng. Một mặt, Đức Chúa Trời đang thiêu đốt chúng ta và chúng ta đang đau khổ; mặt khác, Ngài đang soi sáng chúng ta và chúng ta đang ở dưới ánh sáng này. Vào lúc ấy, dù đang ở trong đêm tối, nhưng chúng ta sẽ rất sáng tỏ.
Chính trong hoàn cảnh như vậy Đức Chúa Trời đi ngang qua các phần của các sinh tế và đó là sự ban hành giao ước của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời lập một giao ước với Áp-ra-ham bằng cách thông qua tất cả các sinh tế như một lò khói lớn và như ngọn lửa sáng lòe. Chính là theo cách này mà Đức Chúa Trời đã xác quyết lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham bằng cách lập một giao ước với ông để hoàn thành mục đích đời đời của Ngài.
(e) Người Được Kêu Gọi Đồng Nhất Với Đấng Christ
Bằng Cách Dâng Ngài Cho Đức Chúa Trời
Trong Cựu Ước, hễ khi nào con người dâng điều gì đó cho Đức Chúa Trời, họ đặt tay trên sinh tế, tượng trưng cho sự liên hiệp hay đồng nhất hoá với sinh tế ấy. Việc Đức Chúa Trời yêu cầu Áp-ra-ham dâng các gia súc và chim cho Ngài hàm ý rằng Áp-ra-ham phải là một với tất cả những vật ông dâng cho Đức Chúa Trời. Dường như Đức Chúa Trời phán với ông rằng: “Áp-ra-ham, con phải ở trong sự liên hiệp với tất cả những vật mà con dâng cho Ta. Con phải đồng nhất với các gia súc và chim này”. Điều này ngụ ý rằng chúng ta cũng phải bị sả ra trong việc Đấng Christ bị sả ra, và bị đóng đinh trong sự đóng đinh của Ngài. Con người thiên nhiên, xác thịt, bản ngã của chúng ta phải bị sả ra và đóng đinh. Khi đồng nhất với Ngài trong sự đóng đinh của Ngài, chúng ta cũng sẽ đồng nhất với Ngài trong sự sống lại của Ngài. Chúng ta đã chết trong sự chết của Ngài (La. 6:5a,8a) và đang sống trong sự phục sinh của Ngài (La. 6:5b,8b) hầu hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã bị kết liễu trong sự đóng đinh của Ngài và đã được làm cho nảy mầm sống trong sự phục sinh của Ngài. Bằng cách này, chúng ta có thể hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời.
Để người thiên nhiên có được nếp sống Hội Thánh là không thể. Giữa chúng ta, có nhiều loại anh chị em khác nhau. Nói theo con người, chúng ta không thể là một. Tuy nhiên, trong Hội Thánh, chúng ta thật sự là một bởi Đấng Christ đóng đinh Và phục sinh. Chúng ta là một trong Ngài đến nỗi ngay cả Ma quỉ cũng phải thừa nhận rằng chúng ta là một. Người cũ của chúng ta đã bị kết liễu trong sự đóng đinh của Đấng Christ. Hễ khi nào người-cũ-bị-kết-liễu của tôi ra khỏi mộ phần, lập tức tôi quở nó : “Ngươi đang làm gì ở đây? Ngươi đã bị kết liễu rồi. Thật sai lầm khi ngươi đến đây”. Tất cả chúng ta đã bị kết liễu trong sự đóng đinh của Đấng Christ và được làm cho nảy mầm sống trong sự phục sinh của Ngài. Trong sự phục sinh của Ngài, tất cả chúng ta đang sống, không sống bởi chính mình nhưng bởi Đấng Christ Phục Sinh là Đấng đang sống trong chúng ta và làm chúng ta có thể có nếp sống Hội Thánh.
Bây giờ chúng ta đã thấy thể nào Đức Chúa Trời có thể có một dòng dõi và miền đất kỳ diệu như thế là một dân và một lĩnh vực mà trong đó Ngài có thể thiết lập vương quốc và xây dựng nơi cư ngụ của Ngài để biểu lộ và đại diện Ngài. Làm thế nào Đức Chúa Trời có thể thực hiện điều này? Chỉ bằng cách Đấng Christ bị đóng đinh như của lễ bình an, của lễ chuộc tội, của lễ thiêu, và được phục sinh để là sự sống của chúng ta. Bây giờ chúng ta, những người được kêu gọi, những người dâng Đấng Christ cho Đức Chúa Trời và đồng nhất với Đấng Christ, là một với Đấng Christ. Khi Đấng Christ bị đóng đinh và phục sinh, chúng ta cũng đã bị đóng đinh và phục sinh với Ngài. Chúng ta đã bị đóng đinh trong sự đóng đinh của Ngài và được phục sinh trong sự phục sinh của Ngài. Bây giờ tất cả đều có thể tuyên bố: “Không còn là tôi nữa nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Gal. 2:20). Chính bởi sự kiện này mà hôm nay chúng ta có thể sống để có nếp sống Hội Thánh. Trong nếp sống Hội Thánh, chúng ta có Đấng Christ bên trong như dòng dõi và Đấng Christ bên ngoài như miền đất. Làm thế nào chúng ta có thể bước vào miền đất như thế, bước vào một nếp sống Hội Thánh như thế? Chỉ qua Đấng Christ bị đóng đinh và phục sinh, qua bò cái, dê cái, chiên đực, chim cu rừng và bồ câu con. Một mặt, tất cả chúng ta đã bị đóng đinh; mặt khác, tất cả chúng ta đang sống. Vì thế tại đây, Đức Chúa Trời có thể có dòng dõi và miền đất để hoàn thành mục đích đời đời của Ngài. Ha-lê-lu-gia về một Đấng Christ như thế làm dòng dõi để chúng ta sống và là miền đất mà trong đó chúng ta sống!
(4) Sự Hoạn Nạn Của Dòng Dõi Được Hứa
(a) Được Tượng Trưng Bởi Sự Tối Tăm Lớn
Các câu từ 12 đến 16 nói về sự hoạn nạn của dòng dõi được hứa. Sự hoạn nạn này được tượng trưng bởi sự tối tăm lớn giáng trên Áp-ra-ham. Khi mặt trời vừa lặn, Áp-ra-ham rơi vào giấc ngủ sâu thì một sự kinh hãi của sự tối tăm lớn giáng trên ông. Trong sự tối tăm đó, Đức Chúa Trời nói tiên tri về dòng dõi Áp-ra-ham rằng: “Phải biết rằng dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó, làm tôi mọi cho dân xứ đó và bị họ hà hiếp bốn trăm năm… nhưng đến đời thứ tư, dòng dõi ngươi sẽ trở lại đây” (c. 13,16). Dường như Đức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham rằng: “Này Áp-ra-ham, con không nên hồ nghi việc Ta sẽ ban miền đất cho con. Dòng dõi con sẽ thừa hưởng miền đất này. Nhưng chúng sắp bị hoạn nạn trong bốn trăm năm”. Lời tiên tri của Chúa ở đây rất có ý nghĩa. Trong nếp sống Hội Thánh hôm nay, một lúc nào đó mặt trời sẽ lặn đi, đêm tối sẽ đến và phần đông nhiều người sẽ ngủ say, nghĩa là, họ sẽ không thi hành chức năng và không còn hữu dụng nữa. Thời điểm như thế là kỳ hoạn nạn. Ở đây, với Áp-ra-ham, chúng ta thấy ba điều: mặt trời đang lặn dần, giấc ngủ sâu đến, và nỗi kinh hãi của sự tối tăm lớn giáng trên Áp-ra-ham. Trong suốt thời gian đó, những người được kêu gọi của Đức Chúa Trời đang phải chịu đau khổ. Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham rằng dòng dõi ông sẽ chịu khổ như vậy trong bốn trăm năm. Bốn trăm năm đó sẽ là một đêm dài, một thời đại tối tăm, lúc toàn thể con cái Ítx-ra-ên sẽ ngủ, không thể thi hành chức năng và bị hoạn nạn. Giấc ngủ của Áp-ra-ham có nghĩa là bốn trăm năm là một đêm tối cho con cái Ítx-ra-ên mà họ sẽ trải qua.
b) Từ Việc Ích-ma-ên Bắt Bớ Y-sác Đến Cuộc Xuất Hành Khỏi Xứ Ai-cập
Lịch sử chứng minh rằng dòng dõi Áp-ra-ham đã bị hoạn nạn trong bốn trăm năm bắt đầu từ việc Ích-ma-ên bắt bớ Y-sác (21:9; Gal. 4:29), khoảng năm 1891 trước Chúa cho đến cuộc xuất hành khỏi xứ Ai-cập khoảng năm 1491 trước Chúa (Xuất. 3:7-8; Công. 7:6). Việc Ích-ma-ên nhạo cười Y-sác là khởi đầu cuộc hoạn nạn của dòng dõi Áp-ra-ham mà sẽ kéo dài trong bốn trăm năm. Ý nghĩa của con số bốn trăm là gì? Con số này gồm 10 lần của 40. Trong Kinh Thánh , số 40 là số của thử thách, đau khổ và thử nghiệm. Vì vậy, 400 ngụ ý đến những thử thách gấp 10 lần. Trước khi con cái Ítx-ra-ên bị thử nghiệm trong đồng vắng 40 năm, họ đã bị thử nghiệm trong mười lần của 40 năm rồi. Từ việc Ích-ma-ên bắt bớ Y-sác, tức dòng dõi được hứa, cho đến cuộc xuất hành khỏi xứ Ai-cập là bốn trăm năm. Tại sao Xuất Ai-cập Ký 12:40-41 (ss. với Gal. 3:17) lại nói 430 năm? 430 năm này bắt đầu ở Sáng Thế Ký 12:1-6, khoảng năm 1921 trước Chúa. Từ ngày Áp-ra-ham được kêu gọi trong Sáng Thế Ký chương 12 cho đến việc Ích-ma-ên bắt bớ Y-sác chính xác là 30 năm, thời kỳ mà những người được kêu gọi của Đức Chúa Trời đã sống trong một xứ lạ. Trong khi Áp-ra-ham ở Ca-na-an, đó là một xứ lạ đối với ông, và vẫn là một xứ lạ đối với những được kêu gọi của Đức Chúa Trời cho đến ngày họ bước vào nơi đó như miền đất tốt lành. Sự bắt bớ dòng dõi này bắt đầu sau khi Áp-ra-ham được kêu gọi trong Sáng Thế Ký chương 12 là 30 năm và cứ tiếp diễn trong 400 năm.
Đây không chỉ là vấn đề giáo lý vì nguyên tắc trong nếp sống Hội Thánh ngày nay cũng như vậy. Trong khi chúng ta vui hưởng Đấng Christ như dòng dõi bên trong và như miền đất bên ngoài thì đêm tối có thể xảy đến trên chúng ta và một số thử thách cùng sự thử nghiệm có thể xuất hiện. Mục đích của điều này là gì? Với mục đích là giữa đêm tối ấy, giữa sự thiếu hụt chức năng của những người được kêu gọi và giữa sự hoạn nạn, thì Đức Chúa Trời có thể hiện đến như một lò khói lớn để tinh luyện chúng ta và như ngọn lửa cháy lòe để soi sáng chúng ta hầu chúng ta có thể hoàn thành mục đích của Ngài bởi dòng dõi và bởi miền đất.
(c) Như Một Dấu Hiệu Để Hoàn Thành Giao Ước Của Đức Chúa Trời
Trong việc lập giao ước với Áp-ra-ham, theo sự tể trị của Ngài, Đức Chúa Trời đã tạo ra hoàn cảnh tối tăm, trong đó Ngài bảo Áp-ra-ham rằng dòng dõi ông sẽ bị hoạn nạn trong 400 năm. Lời tiên tri này, mà đã được ứng nghiệm, là dấu hiệu cho sự hoàn thành giao ước của Đức Chúa Trời được lập tại đây. Sự hoạn nạn của dòng dõi được hứa là dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành giao ước Ngài. Bằng cách chịu đựng sự hoạn nạn như Đức Chúa Trời đã nói tiên tri, dân Ngài sẽ biết chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành giao ước của Ngài. Điều này tương tự với chúng ta hôm nay. Sự chịu khổ của Hội Thánh trong các thời kỳ đen tối là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành giao ước của Ngài về nếp sống Hội Thánh với Đấng Christ như là dòng dõi và miền đất.
Trong câu 18, Chúa lập một giao ước với Áp-ra-ham, và phán rằng: “Ta cho dòng dõi ngươi xứ này, từ Sông Ai-cập cho đến Sông Lớn kia, tức sông Ơ-phơ-rát”. Dòng dõi Áp-ra-ham được ban cho một xứ rộng rãi, từ sông Ai-cập cho đến sông lớn Ơ-phơ-rát. Quốc gia Ítx-ra-ên ngày nay chỉ là một dãi đất hẹp, nhưng miền đất được hứa thì rộng lớn hơn nhiều. Theo hình bóng, điều này có nghĩa là sau tất cả những kinh nghiệm trong hoạn nạn, nếp sống Hội Thánh sẽ được mở rộng và trở nên rộng lớn. Khi ấy chúng ta sẽ có một dòng dõi phong phú hơn, và một nếp sống Hội Thánh rộng rãi, lớn lao hơn. Dòng dõi bên trong chúng ta sẽ phong phú hơn và miền đất ở bên ngoài sẽ rộng lớn hơn. Chính tại đây chúng ta mới hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời.
Tôi tin rằng bây giờ, bởi sự thương xót của Chúa, Sáng Thế Ký chương 15, một chương hết sức khó hiểu, đã được làm sáng tỏ cho chúng ta. Trong chương này, chúng ta có dòng dõi và miền đất. Tại đây, chúng ta có Đấng Christ là Đấng chịu đóng đinh, Đấng phục sinh và sống động. Tại đây cũng có sự đồng nhất của chúng ta với Ngài. Trong chương này có 400 năm hoạn nạn, có sự hiện đến của Đức Chúa Trời như lò khói lớn và như ngọn đuốc. Chính tại đây, Đức Chúa Trời đã lập giao ước của Ngài để chúng ta có thể hoàn thành mục đích đời đời của Ngài. Đức Chúa Trời đã lập giao ước của Ngài bằng cách nào? Bằng cách Đấng Christ bị đóng đinh như của lễ bình an, của lễ chuộc tội và của lễ thiêu, và được phục sinh như Đấng sống; bằng cách chúng ta dâng Đấng Christ và được đồng nhất với Ngài hoàn toàn trong sự đóng đinh và phục sinh, và bằng cách nhận thức rằng chúng ta sẽ có đêm tối, sự hoạn nạn và sự hiện đến của Đức Chúa Trời như lò khói lớn và như ngọn đuốc để tinh luyện và soi sáng chúng ta. Chính tại đây, trong Sáng Thế Ký chương 15, chúng ta ở trong giao ước được lập xuyên qua Đấng Christ để giúp chúng ta có thể hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời. Chính tại đây, tức trong nếp sống Hội Thánh, chúng ta vui hưởng Đấng Christ như dòng dõi và như miền đất tốt lành. Chính tại đây, chúng ta vui hưởng Ngài như ân điển toàn túc để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời.
Witness Lee