Trong sách Ma-thi-ơ đoạn 2:1-8 có chép, " Khi Ðức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem mà hỏi rằng: Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài. Nghe tin ấy, vua Hê-rốt cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối. Vua bèn nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại mà tra hỏi rằng Ðấng Christ phải sanh tại đâu. Tâu rằng: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy: Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ngươi chẳng kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu, Vì từ ngươi sẽ ra một tướng, Là Ðấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân ta. Vua Hê-rốt bèn vời mấy thầy bác sĩ cách kín nhiệm, mà hỏi kỹ càng và ngôi sao đã hiện ra khi nào. Rồi vua sai mấy thầy đó đến thành Bết-lê-hem, và dặn rằng: Các ngươi hãy đi, hỏi thăm cho chắc về tích con trẻ đó; khi tìm được rồi, hãy cho ta biết, đặng ta cũng đến mà thờ lạy Ngài".
Mathiơ 2:16 cũng chép, "Vua Hê-rốt thấy mình đã bị mấy thầy bác sĩ đánh lừa, thì tức giận quá, bèn sai giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem và cả hạt, theo đúng ngày tháng mà mấy thầy bác sĩ đã cho vua biết".
Khi chúng ta đọc đoạn kinh thánh trên, chúng ta biết đại khái vua Hê-rốt là người tàn nhẫn, hung ác, nhưng không biết rõ chi tiết lai lịch của ông. Hê-Rốt đại đế là vị vua nỗi tiếng nhất và là nhà cai trị quan trọng nhất của triều đại Hê-Rốt. Việc cai trị của Hê-rốt bắt đầu một triều đại mới kéo dài khoảng một thế kỷ cho lịch sử Do Thái vì trước đó Do Thái được gia đình Hasmonean cai trị. Hê-rốt không phải đến từ gia đình nầy. Cha của ông là Antipater, là một thống đốc địa phương, gây được ảnh hưởng trên vua cuối cùng của triều đình Hasmonean. Nhờ đó, Hê-rốt trở thành thống đốc về quân sự ở Galilee và người anh, Phasael, trở thành thống đốc của Jerusalem dưới cùng một triều đại. Lúc đó đế quốc La Mã muốn lập một vị vua mới cho xứ Giu-đê, và toan tính lập Antipater làm vua, nhưng ông ta và đứa con trai thống đốc của Jerusalem bị ám sát. Hê-rốt được đề cử làm vua của dân Do Thái do quyết định của thượng viện La mã vào năm 40 B.C., nhưng thật sự bắt đầu chính thức làm vua khi ông loại bỏ được kẻ đối lập của ông là Antigonus II, một người Hasmonean, được triều đại Parthian, đối lập với La Mã lúc bấy giờ ủng hộ.
Phải mất ba năm Hê-rốt mới đánh bại những người ủng hộ phe Hasmoneans: Ông thắng trận chiến ở Galilee và bao vây thành Jerusalem. Suốt vài năm sau đó, ông cũng cố quyền hành cai trị trên cả xứ Giu-Đê. Cũng nên ghi chú ở đây khi Đức Chúa Jêsus sanh ra, đế quốc La Mã có một Caesar mới. Caesar Augustus! Caesar Augustus là vị tướng trẻ tuổi Octavian của La mã vừa mới đắc thắng tướng Mark Antony và trở thành Hoàng Đế đầu tiên của đế quốc La Mã. (Thật sự ra Mark Antony tự vận sau khi thua trận). Hê-rốt tỏ ra thân thiện với Hoàng Đế La Mã lúc bấy giờ là Augustus; việc ông thành công về mặc quân sự cũng như chính trị, và thân thiện với La Mã đem lại việc mỡ rộng bờ cõi của xứ Giu Đê. Hê-rốt đại vương làm vua Do Thái bao gồm vùng Samaria và Galilee trong khoảng 37 năm, từ 38 TC. cho đến ông mất vào 4 TC. Người La Mã coi ông là một đồng minh đem lại lợi lộc cho những gì họ mong muốn: hòa bình và nguồn lợi tức dồi dào. Hê-rốt làm vững mạnh và quân bình hóa vùng Palestine đang khi ông cũng cố chính sách càng tránh chế độ La Mã càng xa càng tốt. Vì thế dân Do Thái lúc bấy giờ tương đối thoãi mái dưới tay Hê-rốt thay vì dưới gọng kiềm của La Mã. Mặc dầu vậy, người Pha-ri-si không thích Hê-ốt vì ông làm người Idumaenean, con cháu của Ê-sau, đến từ vùng đất Ê-đôm, một vùng sa-mạc của dân du-mục ở phía Nam xứ Judea. Người Sa-đu-sê cũng không thích ông vì họ từng ủng hộ Antigonus, kẻ mà ông đã loại trừ thuộc dòng họ Hasmonean.
Để làm êm dịu cái gút mắc này, Hê-Rốt đặt để nhiều người thuộc dòng Hasmonean trong triều đình của ông. Việc này tuy xoa dịu lòng phẫn uất của người Do Thái và ông có thể cai trị, nhưng cũng làm cho Hê-rốt luôn cảm thấy bất an, luôn cảm thấy chung quanh ông có kẻ mưu hại ám sát ông. Hê-rốt là một người gian ác. Ông ta muốn lấy lòng người Do Thái nên lấy một người đàn bà trẻ cuối cùng của dòng Maccabee có tên là Marianne. Marianne sanh cho Hê-rốt hai người con trai. Khi hai đứa con này hãy còn trẻ tuổi, Hê-Rốt sợ hai đứa con sẽ chiếm ngôi vị của mình sau nầy, nên ông giết hai đứa con cùng bà vợ Hasmonean mặc dầu ông rất yêu bà nầy. Không những thế, ông cũng giết luôn bà mẹ vợ của ông. Ông có tất cả 10 bà vợ, và trước khi Hê-rốt chết, ông xử tử luôn người con cả tên là Antipater vì người con này trù ông chết sớm. Đọc đến đây quý vị mới thấy sự tàn ác của vua Hê-rốt, nên ông không coi thường việc giết những đứa con trai từ hai tuổi sắp xuống khi Chúa Jêsus giáng sinh, khi ông nghi ngờ các thầy bác sĩ đã đánh lừa ông như Kinh Thánh đã ghi lại. Đến nỗi Sê-sa Augustus phải thốt lên rằng ông thà làm con heo của Hê-rốt hơn là làm con của Hê-Rốt. Hê-rốt là một ông vua rất tàn ác, rất giàu có và đầy quyền hành. Ông đối xử tàn nhẫn với kẻ thù của ông, nhưng tỏ ra tốt bụng với những người ủng hộ ông. Với sự giàu có, ông ta xây một lâu đài hay nói rõ hơn một vận động trường ngoài trời ở bờ biển Địa Trung Hải gọi là Caesaria, lấy tên của người bạn của ông là Julius Caesar. Ông ta cũng xây một đền đài ở Jêrusalem gọi là Antonio Fortress, lấy tên của người bạn ông là Mark Antony, đây là nơi mà Pontius Pilate đã dùng để xử tội Đức Chúa Jêsus. Ông cũng xây một nơi giải trí nghĩ hè ở vùng Biển Chết gọi là Masada. Ông ta xây một cung điện ở Giê-ri-cô, rồi để lấy lòng người Do Thái, ông ta xây một đường dẫn nước ở Jêrusalem. Ông ta xây một vận động trường ở Jêrusalem để cho dân chúng đua ngựa và đấu vật. Ông cũng kiến thiết lại đền thờ Jêrusalem.
Việc tái thiết đền thờ Jêrusalem mất 37 năm, nên được gọi là đền thờ Hê-rốt, như không phải là đền thờ Sô lô môn, cho thấy quyền hành và sự giàu có của vua Hê-rốt. Như đã nói ở phần mở đầu, Hê-rốt đại vuong được nói đến trong Mathiơ 2:1-23 và trong sách Luca 1:5 vì có liên quan đến việc giáng sanh của Chúa Jêsus. Trong sách Mathiơ, Hê-rốt lo ngại sẽ bị mất ngôi vị do sự giáng sinh của vị vua Jêsus mới chào đời, nên ra lệnh giết những trẻ con ở Bết-le-hem từ hai tuổi trở xuống. Việc giết hại những đứa trẻ vô tội này được người Do Thái trong thế kỷ đầu tiên so sánh như việc Pha-ra-ôn ra lệnh giết những trẻ con Do Thái (Xuất Ê-díp-tô ký 1:8-22). Giống như Môi-se trốn thoát được sự giết chóc của Pharaôn lúc bấy giờ (Xuất Ê-díp-tô ký 2:1-15), Chúa Jêsus trốn thoát được sự hành quyết của vua xứ Giu-dê (Mathiơ 2:13-18). Việc ghi chép của Mathiơ cho thấy vua Hê-rốt đa nghi và không còn được tin tưởng vào cuối cuộc đời của ông. Trong sách Luca, vua Hê-rốt chỉ được nhắc đến sơ qua trong việc sanh ra của Giăng Báp-tít và về việc tiên tri Xa-cha-ri trong Luca 1:5, nhưng không có nói đến việc các con trẻ bị giết hay nói đến việc ông qua đời.
TNPA