Lê-vi-kí 23:33-36-Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày rằm tháng bảy nầy là lễ lều tạm, trải qua bảy ngày đặng tôn kính Đức Giê-hô-va. Ngày thứ nhứt sẽ có sự nhóm hiệp thánh, các ngươi chẳng nên làm một công việc xác thịt nào. Trong bảy ngày phải dâng các của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va; qua ngày thứ tám, các ngươi có một sự nhóm hiệp thánh nữa, cũng dâng của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va. Ấy sẽ là một hội trọng thể; chớ làm một công việc xác thịt nào hết.
Giăng 7: 2,8,10-11- Vả, lễ của dân Do-thái, là lễ Lều-tạm, đã gần đến. Các ngươi hãy lên dự lễ đi, còn ta chưa lên dự lễ nầy, vì thì giờ ta chưa trọn.”
Nhưng sau khi anh em Ngài đã lên dự lễ rồi, thì Ngài cũng lên, mà dường như kín giấu, chớ không chán chường. Vậy, người Do-thái tìm Ngài trong kỳ lễ, mà nói rằng: “Nào người ở đâu?”
Giăng 7: 37-39 Ngày chót, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Jêsus đứng lên kêu rằng: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng người ấy, y như Kinh thánh đã chép vậy.” Ngài phán điều đó chỉ về Thánh Linh mà kẻ tin Ngài sẽ nhận lãnh”-
-
Tôi diễn tả lễ lều tạm tại đền thờ Jerusalem vào thời Chúa Jesus như sau:
Kì lễ lều tạm kéo dài suốt tám ngày, gồm bảy ngày cộng thêm một ngày cuối cùng. Trong thời gian chức vụ của Chúa chúng ta, dân chúng đã thêm vào nghi lễ lều tạm một tiết mục rất có ý nghĩa trên phương diện tượng trưng. Mỗi ngày trong kì lễ, một đoàn thầy tế lễ, có lẽ là 7 người, vác những cái ché trống không bằng vàng trên vai, từ đền thờ diễn hành qua các đường phố, miệng hát những đoạn trong bản trường ca Ha-lê-lu-gia, tức là thi thiên từ 113 đến 118. Rồi họ xuống khe Kết-rôn, ở về hướng đông bên ngoài cổng của đền thờ. Cuộc diễn hành sau đó được thay đổi với những ché đầy nước, trên đường trở về đền thờ, môi miệng vẫn hát trường ca. Khi vào sân đền thờ, trước mặt cả hội chúng đến dự lễ và thờ phượng Đức Chúa Trời, họ đổ nước trong các ché bằng vàng ra sân.
Làm như thế có nghĩa gì? Đây là cách giải thích của các thấy tế lễ ngày xưa. Việc mang nước về tượng trưng cho hai sự kiện. Thứ nhất, họ đã sống trong hoang mạc, và Đức Chúa Trời đã cung cấp nước cho họ cách lạ lùng trong khoảng 40 năm; thứ hai, khi đã vào đất hứa, họ không cần sự cung cấp phi thường ấy nữa. Vì khắp xứ thánh dẫy đầy khe suối và sông nước. Lễ lều tạm kỉ niệm sự chiếm xứ và tỏ lòng vui mừng vì nước họ cần trong sa mạc trước kia bây giờ không thiết yếu nữa. Các thấy tế lễ cho rằng nghi thức vác ché nước trên đây còn mang ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Đó là cách báo trước cho mọi người biết, theo lời hứa của Đức Chúa Trời, một ngày kia nguồn phong phú thần thượng mới sẽ tràn ngập trên khắp xứ Israel và dân tộc. Nên suốt bảy ngày đó họ cứ lặp lại nghi thức ấy.
Đến ngày thứ tám, các thầy tế lễ không diễn hành với các ché bằng vàng nữa. Các thầy tế lễ nói rằng, sự vắng mặt nầy trước hết nói lên ý nghĩa là bây giờ không cần phép lạ vầng đá vỡ cung cấp nước nữa. Nhưng điều đó cũng ngụ ý rằng lời hứa ban sự thịnh vượng mà dân Israel mong ước lâu nay vẫn chưa được thực hiện, nên họ phải chờ đợi im lặng trong ngày thứ tám.
Trong ngày sau cùng, là ngày thứ tám, là ngày trọng thể, Chúa Jesus đứng lên tuyên bố: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng người ấy, y như Kinh thánh đã chép vậy.”
Thông thường Chúa Jesus chỉ ngồi mà dạy dỗ quần chúng, nhưng ở đây Ngài bật đứng dậy tuyên bố trước mặt cả hội chúng tại sân đền thờ trong giờ phút nghiêm trang. Đây là một sự kiện trong đại mà Ngài đã định ý từ trước.
Sứ đồ Giăng chép: ““Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì các sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng người ấy, y như Kinh thánh đã chép vậy.”
Các bạn chú ý chữ “sông” thuộc số nhiểu—rivers—các con sông. Sau lời tuyên bố đó chừng 60 năm, khi chép sách phúc âm của mình sứ đồ Giăng thêm một lời chú thích về “các con sông”--Ngài phán điều đó chỉ về Thánh Linh mà kẻ tin Ngài sẽ nhận lãnh”- Như vậy các con sông tuôn chảy ra từ bên trong lòng một tín đồ là Đức Thánh Linh.
Lúc đầu ở Giăng 4:14, Chúa Jesus phán: “ nhưng hễ ai uống nước ta cho, thì đời đời hẳn chẳng hề khát nữa; vì nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời.” Chúa nói nước sống mà chúng ta tiếp nhận được vào lòng trong ngày đầu tiên khi chúng ta tin Chúa sẽ trở nên nguồn nước phun ra mãi mãi. Còn trong kì lễ lều tạm đây Chúa lại nói, nước đó trở thành các con sông từ trong lòng người tin Ngài tuôn tràn ra. Trong Kinh thánh, sông thường được dùng làm biểu hiệu cho Đức thánh Linh, hay cho sự truyền phát Đức Chúa Trời từ trong lòng người tin tuôn ra. Dĩ nhiên mọi con sông của Đức Chúa Trời đều phát nguyên từ ngai Đức Chúa Trời ở trên thiên đàng. Ở đây Chúa nhấn mạnh các con sông nầy từ ngai của Ngài ở trong lòng người tín đồ tuôn tràn ra.
Từ trong bạn có tuôn ra “một con sông, các dòng nước nó làm vui thành Đức Chúa Trời” không? (Thi 46: 4). Anh em tín đồ trong hội thánh có được “uống nước từ dòng sông vui thỏa” tuôn ra từ lòng bạn chăng? (Thi 36: 8). Có con sông Thánh Linh từ bạn tuôn ra để chữa lành và ban sự sống mọi loài như lời tiên tri diễn tả không? “Khắp nơi nào sông ấy chảy đến, thì mọi vật hay sống tức là vật động trong nước, đều sẽ được sống; và ở đó sẽ có loài cá rất nhiều. Nước ấy đã đến đó thì nước biển trở nên ngọt, và khắp nơi nào sông ấy chảy đến thì mọi vật sẽ sống ở đó” (Exech 47:9).
Tôi không hỏi về con sông Thánh Linh từ thiên đàng xa xôi như Khải thị 22:1-2 chép. Tôi muốn thấy và muốn nghe bạn xác nhận có những con sông như vậy vẫn đang lưu phát ra từ tấm lòng của bạn.- Có hay là không??
Minh Khải