"CẢ KINH THÁNH LÀ BỞI ĐỨC CHÚA TRỜI SOI DẪN ... HẦU CHO NGƯỜI THUỘC VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC TRỌN VẸN VÀ SẮM SẴN ĐỂ LÀM MỌI VIỆC LÀNH"
II Timothy 3:16a, 17
  

HỘI TRUYỀN GIÁO PHÚC ÂM VIỆT NAM
(Vietnamese Full Gospel Missions)
TRƯỜNG KINH THÁNH TẠI GIA
(Home Bible School) www.HomeBibleSchoolVietnam.com

Học Báo:
"SỨ GIẢ TÌNH YÊU"

(The Love Ambassadors)
P.O.Box 565, Westminster, CA 92684-USA
Email: VNFGMissions@Yahoo.com

TIẾNG NÓI CHÂN LÝ
(The Voice of Truth)
www.TiengNoiChanLy.com
HỘI THÁNH PHÚC ÂM VIỆT NAM
tại Westminster
(Vietnamese Full Gospel Church)
14381 Magnolia Ave. Westminster, CA 92683-USA
ĐỘC QUYỀN PHIÊN DỊCH VÀ PHỔ DỤNG
© 1979, 1996 GLOBAL YOUTH EVANGELISM
P.O. Box 1019, Orland, CA 95963 - USA
(Giữ bản quyền. Cấm in sao lại từng phần hay toàn bản dưới mọi hình thức hoặc bằng mọi phương tiện).

  

THỐNG KÊ

Đã truy cập:6870297
Đang truy cập:237

CÔNG VỤ BÀI BỐN MƯƠI BẢY-

 

SỰ LAN RỘNG TẠI TIỂU Á VÀ ÂU CHÂU
QUA CHỨC VỤ
CỦA ĐOÀN CÔNG TÁC PHAO-LÔ
(13)
Kinh Thánh: Công. 17:16-34
Trong bài này, chúng ta sẽ nghiên cứu những gì Phao-lô rao giảng trên đồi A-rê-ô-ba. A-rê-ô-ba là đồi Mars, nơi tọa lạc tòa án cổ kính A-thên, xử những nan đề tôn giáo nghiêm trọng nhất.
RẤT TÔN GIÁO
TRONG VIỆC THỜ LẠY HÌNH TƯỢNG
Công Vụ 17:22 chép: “Phao-lô bèn đứng giữa A-rê-ô-ba, nói rằng: Ớ người A-thên, tôi quan sát thấy thể nào các ông rất tôn giáo trong mọi sự”. Từ “rất tôn giáo” nguyên văn tiếng Hi-lạp có nghĩa là kính sợ quỉ, một linh siêu nhiên, vì vậy, có nghĩa là thờ lạy quỉ, rất tôn giáo. Cũng từ này được dùng ở hình thức danh từ trong 25:19 chỉ về tôn giáo. Người A-thên rất tôn giáo không phải về Đức Chúa Trời chân thật, nhưng về thờ lạy hình tượng. Chúng ta đã thấy rằng trong câu 16, linh của Phao-lô “tức bực” vì “thấy thành đầy hình tượng”.
Trong câu 23, Phao-lô nói tiếp: “Vì khi tôi dạo xem những vật các ông thờ phượng, thì thấy một Bàn Thờ đề rằng: “THẦN CHƯA BIẾT”. Vậy Đấng các ông chưa biết mà kính thờ đó, là Đấng tôi đương rao giảng cho các ông đây”. Ở đây dường như Phao-lô nói: “Tôi rao giảng cho các ông Đấng các ông thờ phượng là Thần Chưa Biết. Các ông chưa biết Ngài, nhưng tôi biết Ngài”.


ĐẤNG TẠO HÓA VÀ ĐẤNG CHU CẤP
Trong câu 24-25, Phao-lô nói: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta làm đâu, cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì chính Ngài ban sự sống, hơi thở, và mọi sự cho mọi loài”. Lời của vị sứ đồ trong những câu này là liều thuốc mạnh cho cả những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc vô thần, là những người không nhìn nhận Đấng Tạo Hóa và sự chu cấp của Ngài cho thế gian, và những người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ phiếm thần, là những người tự thuận phục theo ý muốn của nhiều thần về số mệnh của họ (xem c. 18). Trong câu 24, Phao-lô nói về Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng thế giới và mọi vật trong đó. Lời này chủ yếu trực tiếp chống lại những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc là những người vô thần, không tin Đức Chúa Trời. Họ không tin vào Đấng Tạo Hóa, cũng không tin sự chu cấp thần thượng của Ngài. Vì vậy, Phao-lô cứ nói nghịch lại những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc, bằng cách nói rằng Đức Chúa Trời là Chúa của trời và đất. Đấng ấy hoàn toàn bị người theo chủ nghĩa Khoái Lạc không để ý đến. Hơn nữa, Phao-lô chỉ ra rằng chính Đức Chúa Trời ban sự sống và hơi thở cho mọi loài, và ban mọi sự. Đó là sự chu cấp thần thượng. Đức Chúa Trời cung ứng mọi sự để con người sống. Những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc không tin vào Đấng Tạo Hóa, Chúa của trời và đất, là Đấng cung cấp mọi nhu cầu cho cuộc sống loài người.
Lời Phao-lô rao giảng trong Công Vụ chương 17 rất tốt. Khi lý luận với người Do-thái trong các nhà hội, ông dùng Kinh Thánh. Nhưng khi rao giảng cho người theo chủ nghĩa Khoái Lạc triết lý, ông nói đến sự sáng tạo.
Những gì Phao-lô làm trong 17:2 và 17:24, 25 tương tự với điều ông làm trong chương 13 và 14. Trong chương 13, ông dùng Kinh Thánh của người Do-thái làm nền tảng cho việc rao giảng Đấng Christ Phục Sinh. Nhưng trong chương 14, lời ông rao giảng cho dân Ngoại dựa trên sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, có một sự khác biệt trong cách Phao-lô dùng sự sáng tạo để rao giảng trong chương 14 và 17; lời ông nói trong các chương này hơi khác nhau. Trong chương 14, ông nói với người ngoại rằng “Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng đã dựng nên trời, đất, biển và muôn vật trong đó... chẳng hề thôi tự tỏ chứng cớ, như là giáng phước cho các ông mà ban mưa từ trời, mùa màng dồi dào, thức ăn dư dật và lòng đầy vui thỏa” (14:15,17). Trong các câu ấy lời ông không mấy triết lý. Trái lại, để đương đầu với những sự dạy dỗ giả dối của những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc, lời Phao-lô trong chương 17 rất triết lý. Ở đây, Phao-lô tuyên bố có một Đấng Tạo Hóa là Chúa của trời và đất, Ngài chu cấp sự sống, hơi thở và mọi sự cần thiết để con người sống trên đất.
MỌI DÂN TỘC ĐỀU RA TỪ A-ĐAM
Trong 17:26, Phao-lô nói tiếp: “Ngài do một người mà làm nên mọi dân tộc trong loài người, để ở khắp mặt đất, định niên hạn và cương giới cho chỗ ở của họ”. “Một người” ở đây là A-đam. Từ A-đam, Đức Chúa Trời tạo nên mọi dân tộc để cư ngụ trên mặt đất.
QUYỀN TỂ TRỊ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
TRÊN TRÁI ĐẤT
Trong câu 26, Phao-lô chỉ ra rằng Đức Chúa Trời đã định thời hạn và biên giới cho chỗ ở của mọi dân tộc. Ở đây, chúng ta thấy quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời cai trị khắp đất. Không những Ngài tạo dựng nên mọi dân tộc ra từ một người, là A-đam, mà Ngài còn định thời hạn và nơi chốn cho các dân tộc. Những cuộc di trú đến Châu Mỹ theo thời hạn và biên giới là bằng cớ mạnh mẽ của Lời này và cũng của phần đầu câu 27. Bề ngoài dường như Columbus đã mở con đường từ Âu Châu sang Mỹ Châu; thật ra Đức Chúa Trời mới là Đấng đã mở đường, vì Ngài định thời kỳ khám phá ra miền đất mới. Hơn nữa, Ngài đã vẽ biên giới của mọi quốc gia.
Lời Phao-lô rao giảng ở đây trong chương 17 rất triết lý. Từ sự sáng tạo trời đất và sự chu cấp của Đức Chúa Trời cho cả nhân loại, Phao-lô nói tiếp về sự tồn tại của nhân loại. Chúng ta cần học cách rao giảng Phúc Âm của Phao-lô. Có thể chúng ta bắt đầu bằng sự sáng tạo, nhưng không nên dừng lại tại đó. Trái lại, từ sự sáng tạo, chúng ta nên nói tiếp về sự sống của con người. Khi làm như vậy, chúng ta chạm đến chính nhu cầu của con người. Trong 17:26, Phao-lô đã giảng đến sự sống của con người trên đất.
LINH CÓ MẶT KHẮP MỌI NƠI
Theo câu 27, Đức Chúa Trời thành lập các quốc gia, định niên hạn và cương giới cho chỗ ở của họ, “cốt” để họ tìm kiếm Đức Chúa Trời, hầu mong rờ tìm được Ngài, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”. Vì Đức Chúa Trời là Linh có mặt khắp nơi nên Ngài không ở xa mỗi người trong chúng ta. Điều này liên quan đến Đấng Tam-Nhất. Linh thần thượng là Tam-Nhất. Anh em nghĩ rằng Linh này chỉ là Linh mà không phải cũng là Cha và là Con sao? Đức Chúa Trời là Đấng không ở xa chúng ta chắc chắn phải là Linh có mặt khắp nơi, và Linh này là Đức Chúa Trời Tam-Nhất. Linh là toàn bộ Đức Chúa Trời-Cha, Con và Linh.
CẢ NHÂN LOẠI SỐNG, CHUYỂN ĐỘNG,
VÀ TỒN TẠI TRONG ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong phần đầu của câu 28, Phao-lô giải thích: “Vì trong Ngài, chúng ta sống, chuyển động, và tồn tại”. Điều này cho thấy rằng sự sống và sự tồn tại của con người, và thậm chí hành động của họ, đều ra từ Đức Chúa Trời. Điều này không có nghĩa là con người có sự sống của Đức Chúa Trời, sống, tồn tại và hành động trong Đức Chúa Trời giống như tín đồ Đấng Christ, là những người sinh bởi Đức Chúa Trời, sở hữu sự sống và bản chất thần thượng của Ngài, sống, tồn tại, hành động trong Thân Vị của Đức Chúa Trời. Nhưng ở đây, Phao-lô chỉ ra rằng mọi con người, bao gồm những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc và mọi người vô tín khác, đều sống, chuyển động, và tồn tại trong Đức Chúa Trời.
DÒNG DÕI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong câu 28, Phao-lô cũng nói: “Như một vài thi nhân của các ông đã vịnh rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài”. Có lẽ những thi sĩ này là Aratus (khoảng năm 270 T.C.) và Cleanthes (khoảng năm 300 T.C.). Cả hai thi sĩ ấy đều nói những lời giống nhau trong những bài thơ gửi cho Zeus (Jupiter), mà họ cho là Thần Chí Cao. Trong các bài thơ của hai thi sĩ này, “Ngài” chỉ về Zeus như Thần Chí Cao.
Theo các thi sĩ mà Phao-lô đề cập trong câu 28, chúng ta là dòng dõi của Đức Chúa Trời. Nhân loại là dòng dõi của Đức Chúa Trời giống như A-đam được kể là con Đức Chúa Trời (Lu. 3:38). Nói rằng A-đam là con Đức Chúa Trời không có nghĩa là ông được Đức Chúa Trời sinh ra và sở hữu sự sống của Đức Chúa Trời. A-đam được Đức Chúa Trời tạo dựng (Sáng. 5:1-2), và Đức Chúa Trời là nguồn gốc của ông. Dựa trên điều đó, ông được kể là con Đức Chúa Trời, ngay cả các thi sĩ ngoại bang cũng xem cả nhân loại là dòng dõi của Đức Chúa Trời. Họ chỉ được Đức Chúa Trời tạo dựng, chứ không được Ngài tái sinh, về mặt bản chất điều này hoàn toàn khác và với tín đồ trong Đấng Christ là con cái của Đức Chúa Trời. Tín đồ được sinh ra, được tái sinh bởi Đức Chúa Trời, sở hữu sự sống và bản chất của Đức Chúa Trời (Gi. 1:12-13; 3:16; 2Phi. 1:4). Vì Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, là nguồn của mọi người, nên Ngài là Cha của tất cả (Mal. 2:10) theo ý nghĩa thiên nhiên, chứ không theo ý nghĩa thuộc linh như Ngài là Cha của tất cả tín đồ (Ga. 4:6), là những người đã được Ngài tái sinh trong linh (lPhi. 1:3; Giăng 3:5-6).
KHÁC BIỆT GIỮA DÒNG DÕI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
VỚI CON CÁI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chúng ta cần xem xét cách chi tiết ý nghĩa của việc nói rằng cả nhân loại đều là dòng dõi của Đức Chúa Trời. Một số nhà thần học dạy rằng mọi người đều là con Đức Chúa Trời. Họ lấy Lu-ca 3:38 làm cơ sở cho sự dạy dỗ ấy: “A-đam con Đức Chúa Trời”. Rồi họ lý luận rằng vì A-đam, người đầu tiên của nhân loại, là con Đức Chúa Trời, nên tất cả con cháu của ông cũng phải là con Đức Chúa Trời. Họ tin rằng quan niệm này được lời của Phao-lô trong Công Vụ chương 17 củng cố khi nói cả nhân loại là dòng dõi của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên nếu nghiên cứu kỹ Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy quan niệm như vậy là không đúng.
Nhân Loại
Được Đức Chúa Trời Tạo Dựng Và Sản Sinh
Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời tạo dựng con người. Là Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời là nguồn của loài người. Sáng Thế Ký 2:7 chép: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh”. Trước hết, Đức Chúa Trời dùng bụi đất nắn nên thân thể vật lý của con người, và thở vào thân thể ấy hơi thở sự sống, làm cho thân thể sống động. Kết quả là con người trở nên hồn sống. Ở đây, Sáng Thế Ký 2:7 bày tỏ mạnh mẽ rằng sự sống con người đến từ Đức Chúa Trời. Theo ý nghĩa ấy, con người không những được Đức Chúa Trời tạo dựng, mà còn được Ngài sản sinh. Kinh Thánh không bảo rằng Đức Chúa Trời thở hơi thở sự sống vào trong loài vật. Chỉ trong việc tạo dựng loài người, Ngài mới thở hơi thở sự sống vào trong họ. Châm Ngôn 20:27 dùng từ linh chính là từ “hơi thở” trong Sáng Thế Ký 2:7 theo tiếng Hê-bơ-rơ. Điều này khải thị rằng hơi thở sự sống được Đức Chúa Trời thở vào trong con người là yếu tố của linh con người. Thật ra hơi thở sự sống này trở nên linh con người. Điểm chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Kinh Thánh bày tỏ rõ rằng con người được Đức Chúa Trời sản sinh. Chúng tôi không nói con người được Đức Chúa Trời sinh ra trong sự sáng tạo, nhưng chúng tôi nói cách tin quyết rằng con người được Ngài sản sinh. Đức Chúa Trời tạo thành cơ thể con người, thở hơi thở sự sống vào trong họ, và con người trở nên một hồn sống. Theo cách đó thì con người được Đức Chúa Trời sản sinh, và theo ý nghĩa đó thì con người là dòng dõi của Đức Chúa Trời.
Tín Đồ Được Đức Chúa Trời Sinh Ra
Kinh Thánh cũng bày tỏ rằng khi ăn năn và tin Chúa Jesus, chúng ta được Đức Chúa Trời sinh ra. Được Đức Chúa Trời sản sinh là một việc; được Đức Chúa Trời sinh ra là việc khác. Cả nhân loại đều là dòng dõi của Đức Chúa Trời theo ý nghĩa được Ngài sản sinh; Nhưng chỉ tín đồ là các con của Đức Chua Trời theo ý nghĩa được Ngài sinh ra. Trong Kinh Thánh không có điều nào bày tỏ rằng dòng dõi của Đức Chúa Trời, tức những người được Ngài sản sinh, tạo dựng, lại có sự sống thần thượng với bản chất thần thượng. Nhưng Tân Ước nói rằng tín đồ được sinh bởi Đức Chúa Trời, có sự sống thần thượng, và là những người dự phần bản chất thần thượng (2Phi. 1:4). Vì vậy, chúng ta phải phân biệt giữa dòng dõi của Đức Chúa Trời và con cái của Đức Chúa Trời. Mọi người đều là dòng dõi của Đức Chúa Trời do Ngài sản sinh, nhưng chỉ tín đồ mới là con cái của Đức Chúa Trời do Ngài sinh ra qua sự tái sinh. Điều đó được nhấn mạnh rõ ràng trong Giăng 1:12-13: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền bính, trở nên con cái Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ tin đến danh Ngài; kẻ ấy chẳng phải sanh bởi khí huyết, chẳng phải bởi tình dục, cũng chẳng phải bởi ý người, nhưng bởi Đức Chúa Trời vậy”.
Hai Phương Cách sống, Chuyển Động, Và Tồn Tại
Trong Đức Chúa Trời
Trong Công Vụ 17:28-29, Phao-lô nói rằng là dòng dõi của Đức Chúa Trời, chúng ta sống, chuyển động, và tồn tại trong Ngài. Toàn thể nhân loại sống, chuyển động, và tồn tại trong Đức Chúa Trời theo ý nghĩa nào? Điều đó đúng theo ý nghĩa sự sống con người được Đức Chúa Trời sản sinh bằng cách thở hơi thở vào trong con người đầu tiên. Vì có sự sống con người như vậy, nên cả nhân loại sống, chuyển động, và tồn tại trong Đức Chúa Trời. Nhưng tín đồ, là những người được Ngài sinh ra, có sự sống của Đức Chúa Trời và có bản chất thần thượng, sống, chuyển động, và tồn tại trong Đức Chúa Trời không chỉ theo ý nghĩa được Đức Chúa Trời thở hơi thở sự sống vào bên trong mà còn theo ý nghĩa hành dộng trong Thân Vị thần thượng.
Chúng ta cần được ấn tượng với sự kiện cả nhân loại đều là dòng dõi của Đức Chúa Trời theo ý nghĩa có hơi thở sự sống của Đức Chúa Trời. Vì vậy, họ sống, chuyển động, và tồn tại trong Đức Chúa Trời theo ý nghĩa ấy. Nhưng tín đồ được Đức Chúa Trời sinh ra và có chính Đức Chúa Trời ở bên trong là sự sống và bản chất của họ. Vì vậy, họ sống, chuyển động, và tồn tại trong Đức Chúa Trời không những theo ý nghĩa có hơi thở sự sống từ Đức Chúa Trời, mà cũng theo ý nghĩa hành động trong thân vị của Đức Chúa Trời. Toàn thể nhân loại đều là dòng dõi được Đức Chúa Trời sản sinh, nhưng là những người tin Đấng Christ, chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời được Ngài tái sinh. Tất cả chúng ta đều cần sáng tỏ về sự khác biệt giữa dòng dõi và con cái của Đức Chúa Trời.
KHÔNG CHO RẰNG BẢN THỂ THẦN THƯỢNG
GIỐNG NHƯ VẬT ĐƯỢC CHẠM TRỔ
Trong 17:29, Phao-lô nói tiếp: “Vậy chúng ta đã là dòng dõi của Đức Chúa Trời, thì chớ nên tưởng rằng thần tánh Đức Chúa Trời giống như vàng, bạc hay là đá, bởi nghệ thuật và tưởng tượng của người ta chạm trổ nên”. Từ Hi-lạp được dịch là “thần tánh Đức Chúa Trời (RcV: bản thể thần thượng)” ở đây là theion (so sánh với theiotes, thần tính, trong La-mã 1:20), có nghĩa là điều thần thượng, là một từ mơ hồ hơn, trừu tượng hơn, và ít liên quan đến thân vị hơn so với theotes, là từ được dịch là “Thần Cách” trong Cô-lô-se 2:9. Trong 17:29, theion cho thấy con người có thể biết thần tính của Đức Chúa Trời qua công việc Ngài nhưng không biết chính Ngài. Chính Đức Chúa Trời chỉ được nhận biết từ sự khải thị trong Lời đời đời của Ngài, từ Đấng Christ Nhục Hoá là chính hiện thân của Thần Cách.
Trong câu 29, Phao-lô nói với người A-thên rằng họ không nên “tưởng rằng thần tánh Đức Chúa Trời giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi nghệ thuật và tưởng tượng của người ta chạm trổ nên”. Ở đây “tư tưởng” cũng có nghĩa là sự tưởng tượng hay là phương kế. Hình tượng là tác phẩm nghệ thuật và tư tưởng của người ta.
SỰ ĂN NĂN VÀ PHÁN XÉT
Trong 17:30-31, Phao-lô nói tiếp: “Các thời ngu muội đó Đức Chúa Trời đã gác qua; nhưng nay Ngài truyền mọi người trong mỗi nơi đều phải ăn năn, vì Ngài đã định một ngày sẽ nhờ Người mà Ngài đã lập, lấy sự công nghĩa xét đoán thiên hạ; Ngài cũng đã khiến Người ấy từ kẻ chết sống lại, để làm bằng cớ đáng tin cho mọi người”. Ngày Đức Chúa Trời định để phán xét mọi người trên đất là ngày Đấng Christ phán xét người sống từ ngai vinh hiển của Ngài trước thời đại một ngàn năm (Mat. 25:31-36), có lẽ không bao gồm ngày Ngài phán xét kẻ chết tại ngai trắng lớn sau thời đại 1000 năm (Khải. 20:11-15). Theo Công Vụ 10:42, Đấng Christ được Đức Chúa Trời chỉ định “làm Quan Án cho kẻ sống và kẻ chết”. Ngài sẽ làm Quan Án cho kẻ chết sau thời đại 1000 năm tại ngai trắng lớn. 2Ti-mô-thê 4:1 và lPhi-e-rơ 4:5 cũng nói rằng Đấng Christ sẽ phán xét cả người sống lẫn kẻ chết. “Ngày” trong Công Vụ 17:31, đặc biệt chỉ về ngày Đấng Christ phán xét người sống, vì vào ngày ấy, Ngài sẽ phán xét “thiên hạ”, chỉ về người sống mà thôi. Ngày Đấng Christ phán xét trên đất sẽ đến khi Ngài trở lại. Đức Chúa Trời đã lập Ngài thi hành sự phán xét này và việc Đức Chúa Trời làm cho Ngài từ kẻ chết sống lại là bằng cớ mạnh mẽ của điều ấy. Trong khi rao giảng cho dân Ngoại, cả Phi-e-rơ trong 10:42 lẫn Phao-lô ở đây cũng như trong 24:25 đều nhấn mạnh đến sự phán xét sắp đến của Đức Chúa Trời.
Từ Hi-lạp được dịch là “bằng cớ” trong câu 31 cũng có thể dịch là đức tin, sự bảo đảm, sự đoan chắc. Sự phục sinh của Đấng Christ là bằng cớ và sự bảo đảm về sự trở lại của Ngài để phán xét mọi người cư ngụ trên đất. Điều này được đoan chắc để chúng ta có đức tin vào đó, và dẫn chúng ta đến sự ăn năn (c. 30).
Lời Phao-lô nói về Đấng Christ như Con Người được Đức Chúa Trời lập lên và về sự phục sinh của Ngài cho thấy Phao-lô hoàn toàn được cấu tạo bởi Đấng ấy và bởi sự phục sinh của Ngài. Phao-lô hoàn toàn được Linh của Jesus dẫn dắt, chỉ dẫn, hướng dẫn. Vì được cấu tạo bởi Linh của Jesus, là mục tiêu của ông, nên dầu nói về vấn đề gì, ông cũng rao giảng Đấng Christ và sự phục sinh của Ngài.
PHẢN ỨNG VỚI LỜI CỦA PHAO-LÔ
VỀ SỰ PHỤC SINH
Công Vụ 17:32-34 chép: “Khi chúng nghe đến sự sống lại của kẻ chết, người thì nhạo cười, kẻ thì nói rằng: Lúc khác chúng ta sẽ nghe ngươi nói về việc đó nữa. Vậy, Phao-lô từ giữa họ đi ra. Nhưng có mấy người theo người và tin; trong số đó có Đê-ni là quan tòa A-rê-ô-ba, và một người đàn bà tên là Đa-ma-ri, với kẻ khác nữa”. Qua những câu này, chúng ta thấy không những Phao-lô chinh phục được một số người lãnh đạo giữa vòng người Do-thái mà còn chinh phục được cả một số người nổi bật giữa vòng người Hi-lạp. Mặc dầu Tân Ước không đề cập đến Hội Thánh tại A-thên, nhưng Phao-lô đã thực hiện một công tác thắng thế tại thành phố ấy.
PHAO-LÔ RAO GIẢNG CHỐNG LẠI
NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA KHOÁI LẠC
Lời Phao-lô giảng trong Công Vụ chương 17 chắc chắn phù hợp với tình trạng của người Hi-lạp ở tại A-thên. Phần lớn những gì Phao-lô nói nhắm thẳng vào những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc và cũng nhắm vào những người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ. Chúng ta đã thấy những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc không nhận biết Đấng Tạo Hóa và sự chu cấp của Ngài khắp thế gian, nhưng tìm kiếm khoái lạc nhục dục, đặc biệt trong việc ăn uống. Chủ nghĩa Khắc Kỷ là những người theo phiếm thần tin rằng mọi sự đều do định mệnh an bài, và mọi sự xảy ra đều do kết quả của ý muốn thần thượng. Trong sự rao giảng của Phao-lô trên đồi A-rê-ô-ba, trước hết ông nói về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa cách khách quan như Đấng ở bên ngoài chúng ta và chúng ta không có mối liên hệ trực tiếp với Ngài. Kế đến từ Đấng Tạo Hóa, Phao-lô tiếp tục chỉ ra rằng mọi người đều là dòng dõi của Đức Chúa Trời, và chúng ta sống động và tồn tại trong Ngài. Sau đó, Phao-lô nói tiếp về ngày Đấng Christ sẽ phán xét người sống. Tất cả những điểm ấy đều nhắm vào những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc.
Những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc nói rằng không có Đấng Tạo Hóa cũng không có Đấng Chu Cấp. Họ cũng tuyên bố rằng chúng ta nên theo đuổi khoái lạc của giác quan và chẳng màng đến tương lai. Có lẽ Phao-lô nghĩ đến những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc khi ông nói: “Nếu kẻ chết chẳng được sống lại thì chúng ta hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” (lCô. 15:32). Câu này dường như là một ngạn ngữ vào thời ấy, là châm ngôn của phái Khoái Lạc. Nếu không có sự phục sinh, tín đồ chúng ta không có hi vọng gì trong tương lai và trở nên những người khốn khổ hơn hết (1Cô. 15:19). Nếu như vậy, chúng ta nên vui hưởng cuộc đời của mình hôm nay, quên hết tương lai, giống như người theo chủ nghĩa Khoái Lạc.
Theo lời rao giảng trong Công Vụ chương 17, dường như Phao-lô nói với những người theo chủ nghĩa Khoái Lạc rằng: “Có một Đấng Tạo Hóa và Ngài là Đấng Chu Cấp, ban cho mọi người sự sống, hơi thở và mọi sự. Các anh là dòng dõi của Đức Chúa Trời, vì các anh được Ngài sản sinh và sự sống của các anh từ Ngài mà có. Vì các anh có sự sống con người, nên các anh sống, chuyển động, và tồn tại trong Ngài. Các anh cũng cần biết rằng sẽ có sự phán xét trong tương lai. Sự phán xét trong tương lai này liên quan đến sự phục sinh của Con Người Jesus. Đức Chúa Trời đã lập Jesus làm Đấng phán xét mọi người, và bằng cớ cho điều dó là Ngài đã làm cho Jesus từ kẻ chết sống lại. Trong quá khứ, Đức Chúa Trời cho phép các anh đi đường riêng của mình. Nhưng Ngài đã sai tôi đến đây để nói cho các anh biết bây giờ các anh cần phải ăn năn”. Lời của Phao-lô chắc hẳn đã cất bỏ màn che cho những người Khắc Kỷ theo phiếm thần thuyết. Lời Phao-lô rao giảng cho người A-thên thật kỳ diệu biết bao!
PHAO-LÔ RAO GIẢNG CHO NGƯỜI DO-THÁI
VÀ NGƯỜI HI-LẠP CÁCH AM TƯỜNG
Trong Công Vụ chương 17, chúng ta thấy sự rao giảng của Phao-lô đầy dẫy kiến thức đúng đắn, vì ông là một người am tường cả văn hóa Hê-bơ-rơ lẫn văn hóa Hi-lạp. Điều này làm cho ông có khả năng thực hiện một chức vụ mà phải đương đầu với tình trạng giữa vòng người Do-thái và người Hi-lạp. Khi đối diện với người Do-thái, ông dùng Kinh Thánh để rao giảng Đấng Christ, chỉ ra những chỗ khải thị về Ngài trong suốt cả Kinh Thánh. Ông rao giảng rằng Đấng Christ không những là Đấng Mê-si, mà còn là Đức Chúa Trời nhục hoá, sở hữu nhân tính, sống đời sống làm người trên đất 33 năm rưỡi, chết cái-chết-bao-hàm-tất-cả để giải quyết những nan đề giữa con người và Đức Chúa Trời, Ngài đã phục sinh để nhân rộng sự sống thần thượng bằng cách truyền sự sống ấy vào trong tín đồ Ngài, Ngài đã thăng thiên lên các từng trời là nơi Ngài được lập làm Chúa và Christ. Phao-lô đối diện với tình hình giữa vòng người Do-thái bằng cách sử dụng Kinh Thánh của họ như vậy. Không những ông hiểu biết văn tự trên giấy trắng mực đen của Cựu Ước, mà còn có khải thị và nhận thức về những điều sâu nhiệm của Cựu Ước nói về Đấng Christ trong địa vị nhị diện của Ngài, vừa là Đức Chúa Trời vừa là con người, về cuộc sống làm người, cái chết bao-hàm-tất-cả, sự phục sinh để nhân rộng và quyền làm đầu của Ngài với tư cách là Đấng thăng thiên.
Khi Phao-lô đối diện với tình trạng giữa vòng người Hi-lạp, ông dùng văn hóa Hi-lạp. Việc rao giảng của ông dựa trên sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Theo Công Vụ chương 17, Phao-lô chỉ ra rằng Đức Chúa Trời tạo dựng trời và đất, Ngài tạo ra sự sống và cung ứng mọi điều cần thiết dể duy trì sự sống, Ngài sản sinh ra nhân loại như dòng dõi của Ngài và cả nhân loại sống, chuyển động, và tồn tại trong Đức Chúa Trời. Ông nói với người Hi-lạp về việc họ cần Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời này là Jesus Christ.
ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ RAO GIẢNG ĐẤNG CHRIST
Cách rao giảng của Phao-lô cho thấy ông là một chiếc bình có học thức. Trong chức vụ của ông, ông dùng Kinh Thánh đối phó với tình trạng người của Do-thái, và dùng việc Đức Chúa Trời sáng tạo vũ trụ và con người để đối phó với tình trạng của người Hi-lạp triết lý. Tôi không nghĩ rằng người đánh cá ở Ga-li-lê như Phi-e-rơ có thể gánh lấy trách nhiệm này. Chỉ có Sau-lơ người Tạt-sơ mới đảm đương được trách nhiệm này vì ông được huấn luyện trong tôn giáo Do-thái, được giáo dục trong văn hóa đầy triết lý của Hi-lạp, và sống trong môi trường chính trị La-mã. Vì vậy, ông đầy đủ điều kiện để mang vác loại chức vụ được ghi lại trong Sách Công Vụ.
Mặc dầu Phao-lô được giáo dục theo văn hóa Hê-bơ-rơ, Hi-lạp, và La-mã, nhưng phẩm chất chính của ông không phải là giáo dục, mà là cấu tạo thuộc linh. Phao-lô đã được cấu tạo bởi Thánh Linh và bởi Linh của Jesus. Vì lý do này, ông không rao giảng tôn giáo Do-th
ái hay triết học Hi-lạp, mà rao giảng Đấng Christ nhục hoá, đóng đinh, phục sinh và thăng thiên. Dầu học vấn của ông có cao đến đâu chăng nữa, ông vẫn không rao giảng học vấn, mà rao giảng Đấng Christ Bao Hàm Tất Cả được thực tại hóa là Linh Bao Hàm Tất Cả.

 
Chúa Jesus phán cùng họ rằng: Mùa gặt thì lớn song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu nguyện Chúa mùa gặt sai con gặt đi vào mùa của Ngài".

Luke 10: 2