Giăng 1:29,35, “Sáng ngày sau Giăng thấy Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi của thế giới đi!-- Sáng ngày sau nữa Giăng cùng đứng với hai môn đồ mình, thấy Jêsus đi qua, bèn nói rằng: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời!”
Giăng 1:43, “Sáng ngày sau Jêsus muốn qua Ga-li-lê. Ngài tìm Phi-líp, bèn phán rằng: “Hãy theo Ta.”
Giăng 2:1-2, “Đến ngày thứ ba có đám cưới tại Ca-na thuộc Ga-li-lê, mẹ Jêsus có tại đó. Jêsus và môn đồ Ngài cũng được mời dự tiệc cưới”
.-
Phúc âm Giăng chép 23 lần danh “Ta Là” (I Am) của Chúa Jesus. Thí dụ 15:1, “Ta là cây nho thật, Cha ta là người vun trồng”. hoặc 8:28, “Vậy, Jêsus phán rằng: “Khi các ngươi treo Con người lên, bấy giờ sẽ biết Ta Là” (Đấng hằng hữu).
Trong Cựu ước, danh tánh của Đức Chúa Trời là Jehovah, còn ý nghĩa của Jehovah là “I Am” (Ta Là). Xuất hành 3: 14 nói Jehovah là ĐấngTự Hữu hằng Hữu, “I Am that I Am”.Danh “Ta Là” ngụ ý Chúa là các điều tích tực, thần thượng của Đức Chúa Trời. “Jêsus phán rằng: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống” (14:6). Đây không phải là phiếm thần luận. “Ta Là” cũng có nghĩa Chúa là Đấng luôn luôn hiện hữu, Đấng hằng hữu, đang sống bằng thì hiện tại hằng hữu của Ngài. Cả cõi đời đời, từ Anh-pha đến Ô-mê-ga chỉ là một ngày đối với Chúa—ngày hằng hữu. Khung cảnh sống của ông bà A-đam và cuộc sống của chúng ta hôm nay đang xảy ra một cách đồng thời đối với Chúa. Mathio 14 chép khi Chúa đi trên mặt biển, các môn đồ hoảng sợ , la lên, tưởng Ngài là con ma, Chúa nói “Ta đây”. Nguyên văn là “I Am”.
Trong sách Giô-suê chương một, Chúa nói cùng Giô-suê “Ta sẽ ở cùng ngươi như Ta đã ở cùng Môi-se”. Đối với Chúa Jesus, cái “Ta đã” và cái “Ta sẽ” xảy ra đồng thời. Phúc âm Giăng đặc biệt chép về thì hiện tại hằng hữu của Chúa Jesus.
-
Trong Dân số ký 13-14, Chúa nói rằng vì sự nổi loạn của Israel, nên 40 ngày họ đi do thám đất hứa trở thành 40 năm trừng phạt họ đi lang thang trong hoang mạc, một ngày ứng cho một năm. Phúc âm Giăng cũng nói “giờ” (hour) tượng trưng cho một thời đại. Thí dụ, Giăng 4:23, “Nhưng giờ sắp đến, mà nay đã đến rồi, khi kẻ thờ lạy thật lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Cha”. Dó là thời đại Tân ước. --5:25, 28, “-Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, giờ sắp đến, mà nay đã đến rồi, kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Đức Chúa Trời, và kẻ nghe ấy sẽ được sống.-- vì giờ đến mọi người ở trong mồ mả đều nghe tiếng Ngài”. Đây là thời đại thiên hi niên, theo sau sự sống lại của mọi người.
Trong mấy câu Kinh thánh nêu trên, chúng ta thấy có ba ngày trọng đại của Chúa Jesus. Mỗi ngày tượng trưng một thời đại trong cõi thời gian của chúng ta.
-
1.Ngày thứ nhứt: sự chuẩn bị cho Chúa
1:29, “Sáng ngày sau Giăng thấy Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi của thế giới đi”. Theo bản Anh văn câu 35 chép, “Again (and) the next day”, chớ không phải “sáng ngày sau nữa”, trong nguyên văn không có chữ “sáng”, mà có nghĩa trong ngày hôm đó Giăng Báp-tít giới thiệu Chúa Jesus hai lần. Lần thứ nhất ông giới thiệu Chúa, “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi của thế giới đi”. Ông giới thiệu công tác cứu chuộc của Chúa. Lần thứ hai ông giới thiệu Ngài cho hai môn đồ của mình, “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời!”. Ông không nói về công tác nữa, nhưng giới thiệu thân vị của Chúa.
Chức vụ của Giăng Báp-tít gồm tóm trong một ngày—ngày chuẩn bị, ngày dọn đường cho Chúa. Ông giới thiệu với hai môn đồ mình, là Anh-rê và Giăng, tác giả phúc âm Giăng, cả hai đã nghe lời ông và bước theo Chúa.
Ngày chuẩn bị nầy cũng có thể được hiểu là một ngày kéo dài từ khi Đức Chúa Trời dựng nên trời đất cho đến ngày này—ngày Giăng giới thiệu Chúa Jesus. Thi thiên19:1 và Rô-ma 1: 20 nói rằng cõi thiên nhiên, vạn vật, đều giới thiệu về Chúa và làmchứng cho Ngài. Rồi đến các tiên tri, thánh đồ trong thời Cựu ước, họ cũng đã làm chứng cho Chúa trước khi Giăng thi hành chức vụ. Mathio 11:9, 11 nói, rằng Giăng Báp-tít “còn hơn là tiên tri nữa-- trong những người do đờn bà sanh ra, không có ai dấy lên lớn hơn Giăng Báp-tít”. Mọi tiên tri vĩ đại như Ê-sai, Đa-ni-ên đều nhỏ hơn Giăng, vì họ chỉ nói về Ngài, còn Giăng thấy Ngài.
Ngày thứ nhất theo phúc âm Giăng là một thời đại kéo dài từ khi Chúa sáng tạo trời đất cho đến lúc Giăng Báp-tít giới thiệu Chúa Jesus: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời!” cho hai môn đồ của mình, là sứ đồ Giăng và Anh-rê. (Giăng 21:24 nói sứ đồ Giăng là người môn đồ đầu tiên và là tác giả phúc âm Giăng))
-
2. Ngày Thứ Hai: thời đại Tân ước
Giăng 1:43, “Sáng ngày sau Jêsus muốn qua Ga-li-lê. Ngài tìm Phi-líp, bèn phán rằng: “Hãy theo Ta.” Không phải Chúa “gặp” Phi-líp mà Ngài cố ý tìm ông. Sau khi Anh-rê và Giăng thông công với Chúa một buổi chiều và khám phá Ngài là Đấng Mê-si-a, Anh rê liền dẫn Si-môn, là anh mình đến cùng Chúa. Chúa đổi tên cho Si-môn là Sê-pha, cũng là Phi-e-rơ. Chắc do sự giới thiệu của Phi-e-rơ về Phi-líp, bạn đồng hương của mình ở Bết-sai-đa, nên sáng hôm sau, Chúa Jesus, có lẽ cùng Phi-e-rơ đi tìm Phi-líp.
Bết-sai-đa là thị trấn nhỏ nằm ven bờ biển Ga-li-lê, dân cư làm nghề đánh bắt cá. Sử sách ghi lại rằng có chừng 9 thị trấn như vậy tọa lạc quanh bờ hồ. Tôi tin qua mục vụ của những môn đồ người Ga-li-lê nầy, đã có 9 hội thánh địa phương xuất hiện từ sau năm 30 S.C.
Ngay ngày hôm đó, Phi-líp đi đến thị trấn khác tìm bạn mình là Na-tha-na-ên. Người nầy cũng có một tên khác nữa là Ba-thê-lê-my (Mathio 10:3). Phi-líp dẫn Na-tha-na-ên đến cùng Chúa Jesus. Ông và Chúa đối thoại như sau, “Jêsus thấy Na-tha-na-ên đang đi đến cùng mình, bèn nói về người rằng: “Kìa, thật là người Y-sơ-ra-ên, trong người không có sự quỉ quyệt!” Na-tha-na-ên thưa rằng: “Bởi đâu thầy biết tôi?” Jêsus đáp rằng: “Trước khi Phi-líp gọi ngươi, lúc ngươi ở dưới cây vả, ta đã thấy ngươi.” Na- tha-na-ên thưa rằng: “Ra-bi, thầy là Con Đức Chúa trời! Thầy là Vua Y-sơ-ra-ên!” Jêsus đáp rằng: “Vì cớ ta đã nói cùng ngươi rằng: ta thấy ngươi dưới cây vả, thì ngươi tin chăng? Ngươi sẽ còn thấy việc lớn hơn điều đó nữa.” Ngài lại phán: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và cácthiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con người”.
-
Ngày thứ hai, tượng trưng thời đại Tân ước, kéo dài khoảng chừng 2000 năm. Chúng ta không biết khi nào ngày thứ ba xuất hiện, nhưng trong ngót 2000 năm qua, chức vụ của Chúa Jesus đã triển khai đầy đủ. Công vụ 1:1 chép, “Thê-ô-phi-lơ ơi, sách trước nhứt tôi đã thuật về mọi điều Jêsus khởi (began) làm và dạy, cho đến ngày Ngài được tiếp lên...”. “Khởi làm và dạy” ngụ ý “đã bắt đầu làm và dạy, có bắt đầu là phải có tiếp tục. Sách Công vụ ghi lại chức vụ của Chúa Jesus phục sinh vẫn còn tiếp diễn qua các môn đồ, qua hội thánh trong suốt ngày thứ hai nầy.
Với ý nghĩa tượng trưng, Chúa Jesus đã thu hoạch được 5 môn đồ thân tín: Giăng, Anh-rê, Phi-e-rơ, Phi-líp và Na-tha-na- ên. Họ quây quần quanh Chúa, là trung tâm của họ cho đến cuối ngày thứ hai. Điều lạ lùng là Giăng 21:2 hé mở cho chúng ta thấy quê hương của Na-tha-na-ên- “Na-tha-na-ên quê ở Ca-na thuộc Ga-li-lê”. Thành Ca-na thuộc xứ Ga-li-lê, là quê hương của Na-tha-na-ên, và là cầu nối cho Chúa và 5 môn đồ tham dự hôn lễ trong chương hai, trong ngày thứ ba.
-
3. NgàyThứ Ba: Tiệc Cưới Chiên Con Trong Thiên hi niên.
Giăng 2:1-2, ““Đến ngày thứ ba có đám cưới tại Ca-na thuộc Ga-li-lê,.. Jêsus và môn đồ Ngài cũng được mời dự tiệc cưới”. Hôn lễ nầy thuộc trong gia đình của Na-tha-na-ên. Tiệc cưới nầy được cử hành tại Ca-na. Cả Chúa Jesus và 5 môn đồ đều được Na-tha-na-ên mời tham dự.
Ngày thứ ba nầy tượng trưng thời đại vương quốc Thiên hi niên. Chức vụ cả thời Tân ước của Chúa thu hoạch được dân sót, mà 5 môn đồ nầy làm tượng trưng. Ngài đưa họ vào vương quốc và tham dự tiệc cưới Chiên Con. 2 Phi-e-rơ 3:18 nói Chúa kể một ngày là một ngàn năm. Đối với Chúa, tiệc cưới Chiên Con xảy ra trong một ngày, tức là kéo dài 1000 năm theo thời gian của loài người. Đây là thời đại hoan hỉ, vui vẻ, an nghỉ cho dân sót của Chúa.
Trước khi gặp Chúa Jesus, Na-tha-na-ên ngồi dưới gốc cây vả. Còn trong 15:1 sứ đồ Giăng cũng nói đến gốc cây nho thật, mà mỗi chúng ta như một nhánh, phải gắn kết vào gốc nho thần thượng nầy. Sứ đồ Giăng vay mượn ý tưởng “ngồi dưới gốc nho và gốc vả” trong I Vua 4:25. Câu nầy chép, “Trọn đời vua Sa-lô-môn trị vì, dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên ăn ở yên ổn vô sự từ Đan cho đến Bê-e-Sê-ba, ai nấy đều ở dưới cây nho và cây vả mình”. Khung cảnh thái bình, cực thịnh của vương quốc Solomon, khi mọi công dân Israel “đều ở dưới cây nho và cây vả mình”. Đó là vương quốc Đấng Christ, tiệc cưới Chiên Con, mà tác giả phúc âm Giăng tiết lộ tại cuối chương 1 và đầu chương 2 tại đây.
-
Kết Luận:
Theo sách Giăng, ngày thứ nhất đã qua. Chúng ta đang sống trong ngày thứ hai, và có lẽ vào buổi chiều tối của ngày nầy. Công tác của “Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi của thế giới đi” đã hoàn tất. Ngày nay công việc của “Chiên Con của Đức Chúa Trời” đang đi đến chỗ chung kết. Chúa đang thu gom những môn đồ trung tín (sứ đồ Giăng không gọi họ là các sứ đồ mà gọi là môn đồ, và đưa họ vào tiệc cưới Chiên con cùng vương quốc).
Các bạn có chắc rằng mình sẽ tiếp nhận được “thiệp hồng” của Chàng Rễ mời dự tiệc cưới của Ngài chăng? Sứ đồ Giăng cũng chép trong Khải thị 19: 9, “Thiên sứ lại bảo tôi rằng: “Hãy chép: Phước cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!” Người lại tiếp rằng: “Đó là lời chân thật của Đức Chúa Trời”.
Bạn đừng giả định rằng hễ là Cơ Đốc nhân chân chính, đương nhiên chắc bạn được vào tiệc cưới đó. Những kẻ được Chúa kêu gọi vào sự cứu rỗi thì nhiều, nhưng những người trung tín, được Ngài chọn lọc để tham dự tiệc cưới thì ít. Xin Chúa thương xót anh em chúng ta.
BXL