buy sertraline 50mg
buy sertraline uk
faztax.ca where to buy sertraline
- PHAO LÔ, PHILÊMÔN VÀ ÔNÊSIM
Thư tín ngắn nhất của sứ đồ Phao lô là thư Philêmôn, đây là thư tín duy nhất của vị sứ đồ “gửi cho một cá nhân để giải quyết một vấn đề có tính chất cá nhân.”[1] Người nhận thư là Philêmôn, một tín đồ thuộc Hội Thánh Côlôse, do Phao lô dẫn tin Chúa. Philêmôn là một tín hữu giàu có, Hội thánh nhóm trong nhà của ông, và theo những lời lẽ trong bức thư, chúng ta có thể đoan chắc rằng ông và Phao lô là bạn thiết.
Phi lêmôn có một đầy tớ tên là Ônêsim, hắn đã ăn cắp một số tiền (có sách chú thích là: “đồ đạc”) của chủ và trốn qua Lamã. Sau khi tiêu hết tiền, Ônêsim đã gặp được Phao lô (đang bị giam tại La mã) và được Phao lô dẫn dắt tin Chúa. Sứ đồ Phao lô đã dạy đạo và huấn luyện Ônêsim trở nên một người hữu dụng đến nỗi ông muốn giữ người nô lệ này bên ông [2]. Phao lô viết thư bức thư này nhờ Ônêsim đem về trao cho chủ Philêmôn với nội dung xin Philêmôn tha thứ cho người nô lệ và tiếp nhận anh ta như một anh em trong Chúa. Tha thứ một tên nộ lệ ăn cắp, bỏ trốn là một điều không thể chấp nhận trong xã hội La mã, nhưng sứ đồ Phao lô đã đựa trên nền tảng Phúc âm để thuyết phục Phi lêmôn.
- CHẾ ĐỘ NÔ LỆ VÀ TRÁCH NHIỆM CƠ ĐỐC NHÂN
Vào thời bấy giờ, Đế quốc La mã có khoảng 60 triệu nôlệ, nguy cơ nổi loạn, bỏ trốn luôn được cảnh giác, đề phòng và trừng trị nghiêm khắc. Một nô lệ nổi loạn sẽ bị giết ngay, nếu bỏ trốn sẽ bị đóng đinh hay đóng dấu F lên trán bằng sắt nung. Trong xã hội đó, nô lệ là tài sản của chủ, không được xem như con người, chỉ biết phục vụ và không có một giá trị gì. Trong lúc nổi giận hay bốc đồng, chủ có thể đánh đập, tra tấn hoặc giết chết chúng cách tuỳ ý. [3] Nô lệ thường là các dân bị trị, kẻ mắc nợ, tù binh chiến tranh … cuộc sống của họ là một chỗi ngày đau thương, đầy máu và nước mắt nếu chẳng may rơi vào tay một người chủ tàn ác. Trở lại với câu chuyện, sau khi giúp Ônêsim cải đạo và trở nên người tốt, đáng tin cậy, vị sứ đồ không thể giữ Ônêsim lâu hơn và việc gửi trả Ônêsim cho Philêmôn cũng được xem là một điều nguy hiểm trong xã hội như vậy. Nhưng bằng sức mạnh và niềm tin của Phúc âm, sứ đồ Phao lô đã thực hiện điều này bằng cách viết một bức thư với nội dung đặc biệt. Vượt trên bối cảnh câu chuyện trao gửi nô lệ là tình thương yêu và sự bình đẳng trong tinh thần Phúc âm.
Trong nhiều thư tín của Phaolô như: Êphêsô, Côlôse, I Timôthê, Tít … có những lời khuyên cho chủ và tớ. Nhưng qua thư tín ngắn ngủi này, chúng ta thấy được tấm lòng của Phao lô và cách ứng xử đậm tính nhân văn, đầy tình người của ông. Nhiều bài học được nhìn thấy ở đây.
Thứ nhất, qua thập tự giá của Đấng Christ, mọi khác biệt giai cấp, văn hoá đều bị xoá bỏ: “Bởi thập tự giá mà Ngài đã làm cho sự thù nghịch bị tiêu diệt … khiến cả hai hiệp thành một thể” (Êph 3: 16). Đặc biệt thư Côlôse 3: 11 nhấn mạnh: “Vì tại đây không phân biệt người Hi lạp hay Do thái, tôi mọi hay tự chủ”. Rõ ràng trong câu này Phao lô muốn nhấn mạnh địa vị bình đẳng trong Đấng Christ cho các thánh đồ tại Côlôse trong đó có Philêmôn !
Thứ hai, sự giải hoà. “…Vì Ngài là sự hoà bình của chúng ta, đã làm cho cả hai hiệp một, phá đổ bức tường ngăn cách ở giữa …” (Êph 2: 14) Hội thánh trong mục đích của Đức Chúa Trời là hoà giải cả vũ trụ, hoà giải giữa con người và Đức Chúa Trời, hoà giải con người với nhau, xoá bỏ những thù nghịch và ngăn cách … cuối cùng dẫn đến thống nhất vạn vật trong Đấng Christ là Đầu (Êph 1: 9, 10, 22 – 23). Là những thành viên trong Hội thánh, cả Ônêsim và Philêmôn đã được Chúa giải hoà. Phi lêmôn cần tha thứ và Ônêsim cần ăn năn.
Thứ ba, Ônêsim là con trong vòng xiềng xích của Phao lô, nên ông hứa trả nợ thay cho Ônêsim, ông viết: “Nhược bằng người có mắc nợ anh điều chi, thì hãy cứ kê cho tôi, tôi Phao lô, chính tay tôi viết điều này sẽ trả cho anh”. Câu cuối cùng, ông nhẹ nhàng nhắc nhở: “còn anh mắc nợ tôi về chính mình anh thì tôi không nhắc đến” (c. 18 -19). Philêmôn cần tiếp nhận Ônêsim như tiếp nhận Phao lô, trên nền tảng ông nhận sự dẫn dắt tin Chúa từ Phao lô. Philêmôn cần tha thứ cho Ônêsim vì chính ông “mắc nợ” Phao lô và tất cả đều mắc nợ Đấng Christ (Math 18: 21 – 35). Amen!
Điểm thứ tư, theo luật pháp La mã, Phao lô bị đòi hỏi phải trao trả Ônêsim cho chủ để trừng phạt, nhưng chúng ta cùng xem Phục truyền 23: 15 – 16 “Khi tôi tớ trốn khỏi chủ mình chạy đến nhà ngươi, chớ nộp nó lại cho chủ, nó sẽ ở với ngươi … chớ hà hiếp nó”. Chúng ta thấy cách cư xử ôn hoà, độ lượng của Phao lô rất đúng với tinh thần trong Cựu ước [4]. Đây là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ, mối quan hệ với nhau cần đặt trên nền tảng Phúc âm, tình yêu thương, sự tha thứ và tiếp nhận lẫn nhau.
- ÁP DỤNG CHO HỘI THÁNH NGÀY NAY
Tấm lòng của người cha. Lời cầu xin của Phao lô cho thấy tình yêu thương dành cho con thuộc linh Ônêsim của ông. Là người dẫn dắt thuộc linh, Mục sư, người chăn bầy cần quan tâm đến tâm linh, tâm hồn, cuộc sống và bước đi của bầy chiên. Chúng ta có thể thấy tình cảm của Phao lô dành cho Ônêsim trong câu: “ - Lại như tôi đây là Phao lô đã già rồi, và hiện nay làm kẻ tù của Christ Jesus - tôi vì con tôi là Ônêsim, mà tôi đã sanh trong vòng xiềng xích, nài khuyên anh …” (c. 9b – 10).
Quyền năng biến đổi của Phúc âm đã thay đổi Ônêsim từ xấu đến tốt, từ vô ích thành có ích. (Phi 4 – 7). Hôm nay, hàng triệu con người đã, đang và sẽ được Phúc âm thay đổi cuộc đời. Phúc âm cứu rỗi có giá trị biến đổi siêu phàm, vượt trổi. Hội thánh là nơi những con người tội lỗi, sa ngã, vô ích trở nên hữu dụng trong tay Chúa. Halêlugia!
Địa vị bình đẳng trong Đấng Christ: (Côl 3: 11). Trong Hội thánh là Thân Thể Đấng Christ, không còn khác biệt giai cấp, tiếng nói, chủng tộc, màu da … mọi người có địa vị như nhau trước mặt Chúa, mọi khác biệt đều bị thập tự giá xoá bỏ. Các chi thể, các thánh đồ đều quan trọng như nhau và cần lẫn nhau. Amen.
Tiếp nhận lẫn nhau. Vị sứ đồ viết: “Có lẽ vì cớ này mà người đã tạm lìa anh, cốt để anh nhận người lại mãi mãi, không còn coi như tôi mọi, nhưng như anh em yêu dấu … nhứt là tôi … hãy tiếp nhận người như chính mình tôi vậy” (c. 15 – 17). Những ai đến với Chúa, Ngài không từ chối bao giờ (Giăng 6: 37) nên Hội thánh cần tiếp nhận mọi người trong tình yêu thương, khoan dung, tha thứ.
Khuyên răn thay vì ra lệnh. Philêmôn được sứ đồ Phao lô dẫn tin Chúa, theo một ý nghĩa, ông mắc nợ Phao lô. Trên căn bản này, Phao lô có quyền buộc, ra lệnh cho Philêmôn thực hiện yêu cầu của ông mà tha cho Ônêsim, nhưng ông không làm thế mà chỉ nài xin. Khuyên lơn, khéo léo nhắc nhở là những điều mà các lãnh đạo Hội thánh hôm nay nên học tập thay vì xử lý, kỷ luật, ra lệnh và ép buộc.
Nguyên tắc qui gán. Những món nợ của Ônêsim được Phaolô trả thay. Điều này làm sáng tỏ hình ảnh Đấng Christ (trên thập tự giá) đã chết thế để trả thay món nợ tội lỗi của chúng ta. Công đức của Đấng Christ được qui gán cho những ai tin Ngài. Cảm ơn Chúa.
Từ vô ích trở nên có ích (c. 11). Lối chơi chữ của Phao lô bày tỏ lẽ thật rằng, tất cả mọi người, cả nhân loại đều sẽ trở nên người có ích, có giá trị nếu họ tin nhận Chúa. Đây là Tin lành cho muôn dân mà không có một tôn giáo nào có thể làm được.
KẾT LUẬN
Chúng ta có thể thấy qua lá thư nhún nhường đầy nhân hậu này tình thương yêu, sự bình đẳng trong Đấng Christ được đề cao. Các giá trị nô lệ cùng với sự phân biệt giai cấp, phân biệt chủng tộc trong thế gian đã phải sụp đổ trước thập tự giá của Chúa Jesus Christ. Phúc âm đã dần thay đổi nhận thức và hành vi của tín hữu trong Hội thánh, từ đó ánh sáng văn hoá và các giá trị nhân văn Cơ đốc đã lan toả khắp thế giới.
Hơn bao giờ hết, thư tín ngắn ngủi này cho chúng ta một cảm nhận sâu xa về tình yêu thương, tha thứ trong Đấng Christ và Hội thánh chính là cộng đồng để bày tỏ tình yêu đó. Dù sách Philêmôn chỉ là một thư tín thật ngắn nhưng nguyên tắc cứu rỗi, sự bình đẳng trong Đấng Christ và tinh thần xoá bỏ chế độ nô lệ có có giá trị vượt thời gian. Đây chính là sức sống mãnh liệt của của thư tín này nói riêng và Kinh Thánh nói chung. Lời của Đức Chúa Trời vẫn luôn hợp thời, bất biến và có giá trị vĩnh cửu. Chúng ta hãy lắng nghe câu kết của vị Sứ đồ : « Nguyện ân điển của Chúa chúng ta là Jesus Christ ở với tâm linh anh em. » (c. 25). Amen !
Nguyện Chúa ban ơn lành cho tất cả chúng ta.
Theodore
[1] Henrry H. Halley. Thánh Kinh Lược Khảo (Saigon: Nhà Xuất Bản Tin Lành, 1971), 784.
[2] William Barclay. Thư Timôthê, Tít và Philêmôn (Anaheim: Vietnam Ministry Inc, 1998), 306.
[3] William Barclay, Sđd, 306, 307.
[4] Bài học 7 – Thánh Thư của Sứ Đồ Phao lô Gửi cho Philêmôn (Orland: Global Youth Evangelism, 1996), 04.